Phóng viên Trần Nguyên của tờ Sài Gòn Tiếp Thị (đã đình bản) có nhã ý dành cho tôi một cuộc phỏng vấn nhân số báo Tết Ất Dậu (2005). Mấy anh chàng nhà báo lúc nào cũng làm việc trước thời gian! Giờ này mà đã lo chuyện báo Tết. Bài trả lời sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn qua email.
Cũng xin nói thêm rằng Trần Nguyên và tôi biết nhau từ lúc anh còn làm cho tờ Tuổi Trẻ. Trước vụ kiện chất độc da cam xảy ra khoảng một năm, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Chất độc da cam ở Việt Nam: qui mô và hệ quả” của tôi viết. Trần Nguyên là người đầu tiên viết bài điểm sách. Rồi đến khi vụ kiện đang ở thời “cao điểm”, báo chí tranh nhau đưa tin và bình luận, tôi và Trần Nguyên có vài kỉ niệm khó quên. Hôm đó, tôi mới đáp máy bay xuống Sài Gòn, và đi thẳng về Kiên Giang bằng xe. Chẳng hiểu bằng cách nào Nguyên truy được số điện thoại di động của tôi ở Việt Nam và gọi cho tôi “xin” một bài bình luận về vụ kiện. Trời đất! Tôi đang đi trên xe, mệt ná thở sau chuyến đi xa, làm sao viết đây, nên phải từ chối. Nhưng anh ta gọi mãi và lúc đó Phan Xuân Loan (sếp phần tin quốc tế của Tuổi Trẻ) cũng gọi xin bài. Bí quá, tôi mở máy tính xách tay ra viết trong lúc xe chạy gập ghềnh cứ như là … nhảy đầm. Thời đó (và cả thời nay), đường xá về miền Tây còn xấu lắm. Chưa bao giờ tôi viết trong một môi trường như thế. Thằng em họ tôi đang cầm tay lái thỉnh thoảng nhìn lại cười thú vị, vì nó tưởng tôi viết thơ cho nhân tình hay ai đó. Xe qua phà, tôi vẫn cắm đầu viết! Xe về gần đến nhà dưới quê cũng là lúc tôi viết xong bài. Chưa kịp ăn bữa cơm tối cả nhà đang chờ, tôi lấy xe chạy phóng ra xã kiếm điểm internet để gởi bài, nhưng xã không có điểm internet! Nhưng tôi phải gởi trong tối đó để sáng hôm sau báo ra. Tôi lại lấy Honda chạy ra Minh Lương (cách xã tôi khoảng 12 cây số), nhưng vào điểm internet họ đòi tôi trình giấy chứng minh nhân dân. Trời ạ! Tôi làm gì có cái giấy đó. Năn nỉ hoài cô chủ không chịu, tôi đành chạy tuốt ra thị xã Rạch Giá tìm bưu điện, nhưng bưu điện đóng cửa (lúc đó là 8 giờ tối)! Ôi, sao toàn là trắc trở không vậy cà! Loay hoay một hồi tôi cũng tìm được một điểm internet tư nhân để gởi bài mà không cần giấy chứng minh nhân dân. Xong nhiệm vụ. Quay về nhà dưới quê thì ai cũng đã ăn xong, và ai cũng ngạc nhiên tôi làm cái quái gì mà cứ như quan trọng lắm. Sáng hôm sau báo in bài xã luận, nhưng cả nhà chẳng ai biết tôi viết cái gì!
Lần thứ hai là lúc phiên tòa ở New York ra phán quyết về vụ án chất độc da cam. Lúc đó tôi có mặt ở Sài Gòn nhân chuyến về làm một khóa học ngắn hạn về loãng xương ở Trường đại học y dược. Trần Nguyên lúc đó trực tòa soạn Tuổi Trẻ, còn tôi thì ở một khách sạn ở Quận 1. Hai người ở “hai đầu nỗi nhớ” thức gần đến 1 giờ sáng, và khi có tin từ New York là cũng là lúc tôi xong bài viết gửi cho Nguyên để kịp số báo sáng ngày hôm sau. Làm việc như thế nhưng chúng tôi chỉ gặp nhau có một hay hai lần thôi.
Tôi lan man chuyện đời xưa nhiều quá rồi! Thôi bây giờ mời các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn. Chủ đề của cụm bài phỏng vấn này là “Cảm xúc mới trong không gian mới”, muốn đề cập đến một môi trường sống toàn cầu hóa trong quan hệ hỗ tương với những điều thuộc về bản sắc văn hóa Việt Nam.
TN: Xin vui lòng cho biết anh muốn giới thiệu về mình thế nào?
NVT: Tôi là phó giáo sư y khoa, chuyên ngành di truyền loãng xương, tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney (Úc). Nguyên quán của tôi là xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tôi đã định cư ở Sydney từ hơn 25 năm qua, nhưng trong thời gian đó, tôi cũng sống ở Âu châu và Mĩ một thời gian. Mấy năm gần đây tôi thường hay về thăm nhà và làm việc với các đồng nghiệp ở trong nước.
TN: Anh đã cảm nhận sự thay đổi về không gian sống sau khi VN gia nhập WTO thế nào? Nhiều người nói, có một bàn tay vô hình nào đó đã dời ngôi nhà Việt Nam vào ngôi làng chung của thế giới, mảnh đất chúng ta đang sống không còn là hình chữ S nữa mà đã là hình cầu, anh nghĩ thế nào về những nhận định này?
NVT: Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng từ lúc trước khi tham gia WTO, và vẫn thay đổi hàng ngày. Vì thế, rất khó mà nói thay đổi nào là do WTO tác động, và thay đổi nào là do quá trình thích ứng của người dân. Người ta có thể ví von rằng mảnh đât Việt Nam không còn là hình chữ S, nhưng trong thực tế thì hình dạng của đất nước vẫn là hình chữ S. Không có gì thay đổi về địa lí. Theo tôi thì không có ai dời mình cả; chỉ có mình tự định đoạt tương lai cho mình. Tương lai của Việt Nam là do người Việt chúng ta định đoạt.
TN: Anh nghĩ thế nào về cơ hội của mình trong giai đoạn hội nhập này?
NVT: Tôi định cư ở nước ngoài, nên ít khi nào nghĩ đến cơ hội của mình ở Việt Nam. Nhưng nếu có nghĩ đến cơ hội thì tôi nghĩ đến một lúc nào đó, có lẽ không quá xa đâu, tôi sẽ về Việt Nam tham gia giảng dạy ở một đại học nào đó và nghiên cứu khoa học.
TN: Lần gần đây nhất anh cảm thấy hứng thú tột độ với công việc là khi nào? Vì sao? Anh có định thay đổi công việc không?
NVT:Đó là lần tôi tiếp xúc với một người bệnh ở bệnh viện Kiên Giang trong lúc anh chờ đo mật độ xương. Qua trò chuyện với anh, một người nông dân chất phác và hiền hòa, tôi nảy ra ý định thực hiện một dự án nghiên cứu loãng xương ở Việt Nam. Tôi không bao giờ có ý định thay đổi việc làm, vì cảm thấy còn quá nhiều câu hỏi cần trả lời mà mình thì lúc nào cũng cảm thấy không đủ thì giờ!
TN: Nếu có đi xa, điều gì làm anh nhớ nhất về ngôi nhà của mình, đất nước của mình?
NVT: Tôi đi công tác xa khá thường xuyên, và cứ mỗi lần như thế thời tiết và môi trường chung quanh là điều làm tôi nhớ đến quê hương nhất. Quê tôi có đồng ruộng xanh rì, cò dòng sông lặng lờ, có vườn cây xanh mát. Đi đến đâu, thấy cái gì tôi cũng nghĩ đến và tìm cách so sánh với cảnh quan và môi trường sống ở quê mình.
TN: Đứng trước một người bạn nước ngoài, anh thích nói gì về Việt Nam?
NVT:Tôi sẽ không nói gì cả! Nhưng nếu được hỏi về Việt Nam, tôi sẽ nói “Việt Nam, quê hương tôi, là một nước rất thú vị: một dân tộc với đầy những mâu thuẫn và tương phản cần được hiểu thấu và cảm thông, một đất nước với nhiều cảnh quang mĩ miều cần được ghé thăm và bảo tồn, một nền văn hóa cổ truyền với nhiều đặc điểm cần được khám phá, một nền ẩm thực tuyệt vời chờ được vinh danh …” Tôi cũng sẽ nói rằng Việt Nam vẫn là một nước còn rất nghèo, những bất cập và tật xấu mà bạn gặp thấy cần phải được đặt trong bối cảnh của một nước nghèo đang vươn mình lên.
TN: Đối với anh, “Tết” là gì và có ý nghĩa như thế nào?NVT:Đối với người từng sống ở miệt vườn như tôi, Tết là thời điểm giao hòa giữa gió mây lơi lả, đất trời hội tụ. Tết là lúc mùa màng xong xuôi, khí trời sáng sủa, thời tiết dịu lại. Đối với người xa quê như tôi, Tết là cái neo tinh thần nhắc cho mình biết rằng mình vẫn là người Việt, là thời điểm để mình rung cảm trước buổi giao mùa thời tiết và buổi giao mùa của chính đời mình: lên một tuổi. Lên một tuổi để sống tiếp với đời bằng một tâm tư Nhật nhật tân, hựu nhật tân (Mỗi ngày là một nỗ lực làm mới chính mình, câu nói của cụ Phan Bội Châu).