Đây là một bài viết của kí giả tờ The Guardian (19/6/2017) về tôi nhân dịp tôi được trao học vị D.Sc và Tuần Lễ Người Tị Nạn vào năm 2017. Tôi còn nhớ hôm đó, anh kí giả phỏng vấn tôi hơn 1 tiếng đồng hồ, và bên cạnh anh là một kí giả khác thu âm và quay phim tại Kinghorn Cancer Center. Rất nhiều câu hỏi và rất nhiều hình, nhưng kết quả là bài báo này. Kí giả Tây hỏi chi tiết và theo đuổi câu hỏi rất logic. Tôi chỉ dịch đoạn liên quan đến tôi, còn phần viết về Tuần Lễ Người Tị Nạn thì các bạn có thể đọc trong phần dưới của bài này.

Bước ngoặc đổi đời của Tuấn Nguyễn đến từ một người tên là Georgina Ramsay, bà chỉ nhìn qua cái lí lịch của anh và cho anh ấy một việc làm rửa chén trong nhà bếp của bệnh viện St Vincent’s Sydney.
Đó là năm 1982, Nguyễn mới tới Úc vài tuần như là một người tị nạn từ Việt Nam.
Ba mười sáu năm sau, Nguyễn vẫn còn ở St Vincent’s, nhưng bây giờ thì anh là Giáo sư Nguyễn. Và, thứ Bảy vừa qua, anh vừa mới được trao học vị tiến sĩ khoa học từ Đại học New South Wales, ghi nhận những đóng góp của anh cho chuyên ngành loãng xương hơn 1 phần 4 thế kỉ qua.
Trước Tuần Lễ Người Tị Nạn vài ngày, từ phòng làm việc của ông tại Viện Garvan, Giáo sư Nguyễn hồi tưởng lại buổi phỏng vấn tại nhà bếp bệnh viện hôm đó, là buổi phỏng vấn đầu tiên, và cũng là một bước ngoặc may mắn lớn tại quê hương thứ hai.
“Tôi chỉ cần một cơ hội, một cơ hội có việc để làm. Việc làm đó giúp cho tôi tiếp xúc với cuộc sống ở Úc.”
Sau khi đọc một thông báo bệnh viện tìm người phụ bếp, anh đến St Vincent’s với hi vọng tìm một việc làm trong nhà bếp. Khi được bà Ramsay hỏi anh đã có kinh nghiệm bao nhiêu năm trong nhà bếp, anh bịa ra: “Hai năm”. Anh cho biết phải nói vậy, vì trước đây khi nói không có kinh nghiệm thì chẳng ai cho mình việc làm.
Anh được nhận vào làm ngày hôm sau.
Nhưng 2 tuần sau, anh cảm thấy tâm can bứt rứt với lời nói dối “white lie” (nói dối không hại ai), anh gõ cửa phòng bà Ramsay và nói rằng thật ra anh chưa bao giờ làm trong nhà bếp.
“‘Tôi biết’,” anh nhớ lại bà Ramsay nói như thế, và bà nói thêm, “‘Tôi đã xem cái lí lịch của anh, mới tới Úc vài tuần thì làm sao có 2 năm làm nhà bếp, nhưng tôi muốn cho anh một cơ hội.’”
Ba thập niên sau, bà Ramsay không còn ở St Vincent’s, nhưng anh nhân viên trẻ bà nhận vào thì vẫn còn.
Nguyễn bây giờ là một nhà khoa học cao cấp của Viện nghiên cứu y khoa Garvan, nơi ông chủ trì công trình nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study (DOES), một công trình nghiên cứu về xương lâu nhứt trên thế giới. Những nghiên cứu về di truyền và dịch tễ học của ông đã góp phần vào việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị loãng xương.
“Tôi thích học và nghiên cứu,” Nguyễn nói,“nhưng tôi muốn làm một cái gì đó nhằm giúp những người đang đi trên đường. ‘Tôi có thể đem lại khác biệt nào cho cuộc sống của người đang đi trên đường kia không?’ Tôi luôn tự hỏi mình câu hỏi đó.”
Nguyễn rời Việt Nam năm 1981 dưới thời chế độ hà khắc, đặc biệt là đối với thành phần có học trước 1975. Vài tháng trước đó, người anh cả của anh cùng 20 người khác lên tàu vượt biển, nhưng tất cả đều mất tích, có thể họ đã chết, “do đó, tôi và anh em tôi biết được sự hiểm nguy trong hành trình vượt biển của mình”.
“Nhưng chúng tôi không có lựa chọn, chúng tôi không thể sống ở Việt Nam.”
Chiếc thuyền nhỏ phải mất 4 ngày và 3 đêm trên biển, sau cùng dạt vào một làng chài ở miền Nam Thái Lan. Từ làng chài đó, Nguyễn được chuyển đến một trại tị nạn để làm thủ tục nhập trại và đi định cư ở một nước thứ ba. Nguyễn cho biết trong cuộc phỏng vấn với nhân viên toà đại sứ Úc, anh nói anh muốn đi Úc vì muốn nhìn con kangaroo, và không ngờ anh được chấp nhận cho đi định cư ở Úc.
Nguyễn là một trong hàng vạn người được chấp nhận cho định cư ở nước thứ ba trong một chương trình toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Mĩ và Liên Hiệp Quốc. Sau 17 năm, chương trình này đã định cư cho hơn 600,000 người tị nạn trên 40 quốc gia.
Đến một đất nước xa lạ, và chỉ có trong túi $30 từ một quĩ từ thiện, Nguyễn nhớ lại những ngày đầu gian truân ở Úc.
Nhưng anh nhớ nhứt những ngày đó là được hưởng tự do. Tự do đi lại mà chẳng ai theo dõi, tự do đọc những sách báo mình muốn mà chẳng ai chất vấn, tự do nói chuyện với bất cứ ai.
Tuy nhiên, Nguyễn chỉ có vài chữ tiếng Anh làm vốn – và những nỗ lực học tiếng Anh vào những ngày đầu vấp phải những ‘sự cố’. Nguyễn tìm ra tiệm sách Dymocks ở Sydney, và tìm đến để mua cuốn từ điển Oxford nhưng khi nói ra thì chẳng ai hiểu anh muốn mua từ điển gì!
Sau cùng, anh viết chữ Oxford xuống giấy, thì người bán hàng mới biết và chỉ cách phát âm cho đúng. Anh có cuốn từ điển và tự học tiếng Anh từ đó.
Nguyễn nói rằng anh vẫn còn học tiếng Anh. Sau nhiều năm làm 2 việc, làm ngày và làm đêm, anh quay lại đại học để theo học tiếp. Anh tốt nghiệp cao học về thống kê từ Đại học Macquarie, rồi tiến sĩ y học từ Đại học New South Wales.

Và, sau 27 năm nghiên cứu, Nguyễn nay là một nhà khoa học cao cấp, chủ trì nhiều dự án nghiên cứu. Học vị mới nhứt và cao nhứt của Đại học New South Wales là một ghi nhận những đóng góp quan trọng nhưng mang tính toàn cầu cho việc hiểu và phòng ngừa bệnh loãng xương.
Trong gần 18 năm, Nguyễn không thể về quê Việt Nam, nhưng nay thì ông thường xuyên về Việt Nam và đóng góp cho chuyên ngành. Ông thiết lập labo nghiên cứu xương và cơ tại Đại học Tôn Đức Thắng, ông thực hiện một dự án nghiên cứu mới có tên là “Vietnamese Osteoporosis Study.”
“Úc là quê hương thứ hai của tôi, nhưng là quê hương số 1 của con tôi. Không có Úc, tôi không có một sự nghiệp như ngày nay. Nếu còn ở Việt Nam, tôi có thể là một gã chăn trâu hay một người nông dân.”
____