Most osteoporotic patients are not treated!

The declining proportion of patients receiving registered pharmacological therapy for osteoporosis after hospitalization for a hip fracture (from P Miller, JCEM 2017).

Imagine that you have just had a myocardial infarction (MI), and your doctor is doing nothing about it. It may be considered a crime. Yet, the majority of patients with a recent hip fracture is not treated! Now, you may say that a hip fracture is not as serious as an MI . Wrong.

The risk of death following an MI (after hospital discharge) is estimated to be 10% during the first year and 5% per year thereafter (1). Now, the risk of death following a hip fracture in the first year is 18% in men and 8% in women (2). So, as you can see, the post-fracture risk of mortality is equivalent to, or even higher than, that of a heart attack!

Over the past 20 years or so, several effective and relatively safe drugs are available for osteoporosis treatment. These drugs, mostly in the antiresorptive class, can cut the risk of fracture by about half. More importantly, we have high quality evidence that some of these drugs also reduce the risk of death after a hip fracture. The reduction in mortality risk is on average ~28% which is quite substantial.

Because of the increased mortality risk, all patients with MI are treated. And, they should be. However, the situation for hip fracture patients is very different and very disturbing. In a recent analysis, Solomon and colleagues showed that the proportion of treatment initiation after a hip fracture has progressively declined over the period of 2001 – 2011 (3). For instance, in 2002 about 40% of hip fracture patients were given anti-osteoporosis treatment, but in 2011 this proportion had declined to 20% (3). In other words, approx 80% of patients with a hip fracture are not treated. Remember that if these patients are not treated, they are at a greater risk of having another fracture, and more importantly, a greater risk of death.

The problem of undertreatment in osteoporosis is not a new issue. Almost 15 years ago, I already pointed out that more than 75% of patients with an existing fracture were not treated (4). It seems that things have not changed. Actually, it seems to get worse! That is why my colleague, Paul Miller, has timely raised the alarm again in the latest JCEM issue with a very catching title, “Underdiagnoses and Undertreatment of Osteoporosis: The Battle to Be Won” (4). Yes, we have to find ways to improve the treatment uptake among people who are at greater risk of death after a fracture, and that is one of my research mission.

===

(1) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12437397.

(2) Haentjens, P. et al. Meta-analysis: excess mortality after hip fracture among older women and men. Ann. Intern. Med. 152, 380–390 (2010).

(3) Solomon DH, et al. Osteoporosis medication use after hip fracture in U.S. patients between 2002 and 2011. J Bone Miner Res . 2014;29(9):1929–1937.

(4) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14984358

(5) https://academic.oup.com/jcem/article/101/3/852/2804752

Những ngộ nhận về giáo sư

Mấy tuần nay, các diễn đàn báo chí ồn ào chung quanh vấn đề phong (hay ‘công nhận’) chức danh giáo sư. Người ta ngạc nhiên về con số tăng “đột biến”, và từ đó đặt dấu hỏi về tiêu chuẩn giáo sư. Báo Tuổi Trẻ có nhã ý mời tôi viết 2 bài để giải thích ý nghĩa và tiêu chuẩn chức danh (hay chức vụ) giáo sư. Bài này bàn về 10 ngộ nhận rất phổ biến ở trong nước.

https://tuoitre.vn/nhung-ngo-nhan-ve-giao-su-20180124083725667.htm

Những ngộ nhận về giáo sư

TTO – Ở nhiều nước, giáo sư là một chức vụ khoa bảng và chức vụ này được bổ nhiệm hoặc đề bạt theo hai ngạch giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Những ngày qua, vấn đề công nhận chức danh giáo sư thu hút nhiều sự chú ý của giới báo chí và công chúng. Từ con số giáo sư và phó giáo sư (gọi chung là “giáo sư”) được xem là tăng đột biến, có nhiều câu hỏi về qui trình và tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư.

Đã có nhiều ý kiến bàn về chức danh giáo sư ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước Âu châu, Mỹ và Úc. Tuy nhiên tôi thấy có nhiều ngộ nhận cần phải được giải thích lại cho rõ ràng hơn.

Ngộ nhận 1: Giáo sư là phẩm hàm, chức danh hay chức vụ? Trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa bên Đông Âu, giáo sư trong các đại học được xem là một phẩm hàm (honour hay order) do Nhà nước ban tặng và đương sự giữ hàm đó suốt đời.

Nếu xem giáo sư là một phẩm hàm thì chữ “chức danh giáo sư” có thể dùng. Nhưng ngày nay, nhiều đại học Đông Âu đã theo mô hình đại học Mỹ, nơi mà giáo sư được xem là một chức vụ khoa bảng (academic position), thường do trường đại học đề bạt hoặc bổ nhiệm.

Người ta bổ nhiệm hay đề bạt một cá nhân, chứ không ai “bổ nhiệm chức danh.” Do đó, ở Mỹ và Úc không có trường nào “công nhận chức danh giáo sư”; họ chỉ bổ nhiệm hay đề bạt “chức vụ giáo sư” như là một hình thức công nhận những đóng góp quan trọng và xuất sắc của các ứng viên.

Ngộ nhận 2: Chỉ có hai bậc giáo sư? Ở Việt Nam chỉ có hai bậc giáo sư là “Phó giáo sư” và “Giáo sư”, nhưng nhiều đại học trên thế giới có 3 bậc giáo sư: Giáo sư trợ lí (Assistant Professor), Giáo sư dự bị (Associate Professor), và Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Ở Úc có thời theo hệ thống của Anh, nên một số đại học còn duy trì hệ thống 4 bậc: Giảng viên (Lecturer), Giảng viên cao cấp (Senior Lecturer), Giáo sư dự bị (Associate Professor) hay Reader, và Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Lưu ý rằng tuy mang danh là “Giáo sư trợ lí” nhưng những người giữ chức vụ này không phải là phụ tá cho giáo sư nào cả, mà họ là những nhà khoa học độc lập.

Ngộ nhận 3: Giáo sư chỉ dành cho người giảng dạy? Trong thực tế, chức vụ giáo sư có thể dành cho người giảng dạy đại học, nhưng cũng dành cho những người chuyên làm nghiên cứu khoa học, hoặc những người vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học.

Các đại học phương Tây đề bạt chức vụ giáo sư theo 2 ngạch: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Cũng là chức vụ và danh xưng “giáo sư”, nhưng mỗi ngạch có những tiêu chuẩn khác nhau. Những giáo sư theo ngạch nghiên cứu rất ít giảng dạy; nếu có giảng dạy thì qua hướng dẫn nghiên cứu sinh. Trong khi đó, những giáo sư theo ngạch giảng dạy vẫn phải làm nghiên cứu khoa học.

Ngộ nhận 4: Giáo sư phải là người của đại học? Không hẳn như thế. Đa số giáo sư là người của trường đại học (hiểu theo nghĩa trường đại học trả lương); tuy nhiên, một số không ít các nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc bệnh viện vẫn có thể giữ chức vụ giáo sư nhưng không do đại học trả lương.

Ở Đức, có cả 5 “con đường”, kể cả giảng dạy, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo khoa học, để một ứng viên được thăng tiến và đề bạt vào chức vụ giáo sư.

Đó là chưa kể một số giáo sư kiêm nhiệm, nhưng họ phải đề chức danh trước tên là “Adjunct Professor” chứ không được đề là “Professor”. Một số người sau khi rời đại học và không còn giảng dạy (có thể là nghỉ hưu) vẫn có thể được quyền dùng danh xưng giáo sư, nhưng kèm theo chữ “Emeritus”.

Danh xưng “Emeritus Professor” không phải “tự động” sau khi nghỉ hưu, mà phải do hội đồng khoa bảng của đại học quyết định trao tặng cho những người đã có những đóng góp quan trọng cho trường đại học khi còn tại chức.

Ngộ nhận 5: Mỗi bộ môn trong đại học chỉ có một giáo sư? Điều này không đúng với thực tế. Ở nhiều nước, kể cả Mỹ, Úc, Canada, Đức, Anh, mỗi bộ môn có thể có nhiều giáo sư thực thụ. Dĩ nhiên, mỗi bộ môn chỉ có một giáo sư trưởng bộ môn.

Cần nói thêm rằng ở nước ngoài, nhiều giáo sư không muốn làm trưởng bộ môn vì họ không muốn những công việc hành chính làm ảnh hưởng đến nghiên cứu của họ và do đó, nhiều nơi có chế độ luân lưu trưởng bộ môn.

Ngộ nhận 6: Công bố nhiều bài báo khoa học mới xứng đáng giáo sư? Bổ nhiệm chức vụ giáo sư không tuỳ thuộc vào năng suất nghiên cứu khoa học (thể hiện qua số bài báo khoa học đã công bố), mà tuỳ thuộc rất lớn vào chất lượng và tác động xã hội của nghiên cứu khoa học. Do đó, công bố nhiều bài báo không bao giờ được xem là yếu tố quyết định trong đề bạt các chức vụ khoa bảng.

Cũng cần phải nói thêm rằng bài báo khoa học chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn khác như đóng góp cho trường, đóng góp cho quốc gia, đóng góp cho chuyên ngành, uy tín trong chuyên ngành ở tầm quốc tế và phụng sự xã hội.

Ngộ nhận 7: Công bố một hay vài bài báo khoa học trên tập san “đỉnh” là xứng đáng chức vụ giáo sư? Chất lượng nghiên cứu khoa học không phải chỉ thể hiện qua một hay vài báo báo quan trọng. Do đó, có nhiều người ở nước ngoài dù có các công trình trên các tập san hàng đầu như Science, Nature, Cell… nhưng vẫn chưa đủ chuẩn để được đề bạt lên chức vụ giáo sư.

Khi đề bạt chức vụ giáo sư, hội đồng phải xem xét cả quá trình dài của ứng viên, chứ không phải chỉ vài trường hợp cá biệt hay ngoại lệ.

Ngộ nhận 8: Giỏi chuyên môn và viết nhiều sách mới xứng đáng giáo sư? Có nhiều người hiểu lầm rằng hễ giỏi chuyên môn là xứng đáng chức vụ giáo sư, nhưng quan điểm này không đúng và không khoa học. Vấn đề là ai đánh giá và dựa vào tiêu chí gì để đánh giá là “giỏi”.

Như có đề cập trên, trình độ chuyên môn chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Nói chung, viết sách không phải là một tiêu chuẩn cần thiết để được đề bạt chức danh giáo sư. Tuy nhiên, có vài nơi và vài chuyên ngành, người ta xem sách là một chứng cứ về nghiên cứu khoa học nên vẫn được xem xét như là một tiêu chuẩn để đề bạt.

Ngộ nhận 9: Giáo sư phải có bằng tiến sĩ? Ngày nay, đa số các giáo sư có bằng tiến sĩ, nhưng chỉ có một số ít tiến sĩ trở thành giáo sư. Tuy nhiên, văn bằng tiến sĩ không phải là điều kiện cần để trở thành giáo sư. Trong thực tế, ở các nước đang phát triển và ngay cả ở các nước tiên tiến, có nhiều bác sĩ và không ít nhà khoa học với bằng cao học (masters) vẫn có thể được bổ nhiệm làm giáo sư.

Ngộ nhận 10: Tiêu chuẩn đề bạt hay bổ nhiệm giáo sư giống nhau giữa các đại học? Ở các nước Âu Mỹ, các đại học có những tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư rất khác nhau.

Các đại học càng danh tiếng có những tiêu chuẩn càng cao so với các đại học kém nổi tiếng. Chẳng hạn các đại học trong nhóm “G8” (Úc) hay các đại học trong nhóm “Ivy League” (Mỹ) có tiêu chuẩn cao hơn các đại học vùng hay đại học trong nhóm “state university”.

Tóm lại, giáo sư là một chức vụ khoa bảng và chức vụ này được bổ nhiệm hoặc đề bạt theo hai ngạch giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, với những tiêu chuẩn khác nhau.

Tiêu chuẩn không chỉ giới hạn trong số lượng hay chất lượng nghiên cứu khoa học, mà còn bao gồm những khía cạnh đóng góp cho chuyên ngành, cho xã hội, cho trường và cho quốc gia.

Mỗi nước có một hệ thống giáo dục đại học riêng, do đó các tiêu chuẩn về chức vụ giáo sư cũng rất khác nhau giữa các nước. Tuy nhiên, có một mẫu số chung ở các nước Âu Mỹ là các quan chức trong chính phủ không giữ chức vụ giáo sư. Họ có thể được trao tặng danh hiệu “giáo sư”, nhưng họ không phải là giáo sư thực thụ.

Vài năm trước ở Anh có một quan chức rất cao cấp dùng danh xưng “Professor” trước tên bà, nhưng hai đại học Úc đã nhắc nhở rằng bà chỉ có quyền dùng danh xưng “Adjunct Professor” (để người ta biết rằng đó không phải là một chức vụ chính thức).

Việt Nam, sau lần công nhận chức danh giáo sư năm nay, đã có hơn 12.000 giáo sư và phó giáo sư. Đó là một con số khá lớn so với nước láng giềng. Ở Thái Lan, số liệu năm 2015 cho thấy cả nước có 6.343 phó giáo sư và 754 giáo sư.

Tuy nhiên, Thái Lan chỉ có khoảng 150 đại học, trong đó có 14 đại học tự chủ. Nhưng mỗi năm Thái Lan công bố được gần 10.000 bài báo khoa học, cao gấp 2 lần Việt Nam.

Tại sao các đại học Việt Nam không có trong bảng xếp hạng những đại học hàng đầu Châu Á?

Báo Đất Việt (phóng viên Thanh Huyền) có nhã ý hỏi tôi câu hỏi trên. Nhân dịp này tôi cũng bày tỏ một số ý nghĩ chung quanh câu hỏi đó. Tôi cũng nghĩ đến một “bức tranh lớn” hơn rằng chúng ta không nên chạy theo các bảng xếp hạng, mà nên xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học trước. Tôi cũng đề nghị nên Anh ngữ hóa các chương trình đào tạo tiến sĩ và cao học.

PV: Tạp chí Times Higher Education (THE – Anh) vừa công bố Bảng xếp hạng những trường Đại học (ĐH) hàng đầu châu Á. Bảng xếp hạng năm nay có hơn 350 trường tới từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi các nước bạn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia lần đầu tiên có tên trong danh sách này, thì các trường ĐH của Việt Nam vẫn tiếp tục vắng bóng tại bảng xếp hạng này. Là một chuyên gia có nhiều tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam, ông đánh giá và nhìn nhận ra sao về kết quả này?

NVT: Tôi thiết nghĩ sự vắng bóng của các đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học hàng đầu trên thế giới không phải là điều ngạc nhiên. Chúng ta không kì vọng điều đó xảy ra hiện nay và trong tương lai gần. Chúng ta không kì vọng là vì tiêu chuẩn xếp hạng đại học của các nhóm dựa vào nghiên cứu khoa học (NCKH) và cái mà tôi gọi là “điểm nổi” (hay tiếng Anh là visibility), cả hai đều là điểm yếu của hầu hết các đại học ở Việt Nam.

Như tôi có lần đề cập trước đây, NCKH có trọng số đến 60% trong các bảng xếp hạng đại học. Nói cách khác, NCKH hay phẩm chất của khoa học là yếu tố quyết định thứ hạng của một đại học. Mà, NCKH lại là một điểm yếu của các đại học Việt Nam. Những đại học có nhiều công bố khoa học trên các tập san quốc tế như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân, v.v. mỗi năm chỉ có trên dưới 300 bài. Con số đó còn quá ít để có thể cạnh tranh với các đại học trong vùng như Mahidol, Chulalongkorn, Malaya, Sains Malaysia, Indonesia, (chưa nói đến Nanyang hay NUS). Mỗi đại học vừa kể mỗi năm công bố từ 3000 đến 4500 bài báo khoa học, tức tương đương cả nước Việt Nam cộng lại!

Lí do thứ hai là khía cạnh điểm nổi (hay nói đúng ra là “điểm chìm”). Hiện nay, hầu hết các đại học Việt Nam chưa tạo được uy danh (prestige) trên trường quốc tế. Nguyên nhân là vì công bố khoa học còn khiêm tốn, nhưng một nguyên nhân khác là Việt Nam thiếu những nhà khoa học mà thế giới khoa học có thể nhìn vào và nhận ra “Việt Nam”. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng có các nhà khoa học nổi tiếng, nhưng con số còn rất ít (có thể chỉ trên dưới 20 người) để có thể tạo ra một “động lượng” đem tên tuổi Việt Nam và đại học Việt Nam vào trường khoa học quốc tế. Tôi thấy rất rất ít giới lãnh đạo giáo dục và đại học nhận ra tầm quan trọng của tính visibility này. Do đó, không ai ngạc nhiên khi các đại học Việt Nam còn lu mời trong thế giới đại học quốc tế.

Trong tương lai gần, tôi nghĩ giới báo chí không nên đặt câu hỏi tại sao các đại học Việt Nam không có tên trong các bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới, mà nên hỏi sự tiến triển của NCKH đến đâu, và các trường đã làm gì để nâng cao tính visibility hay điểm nổi của đại học Việt Nam trên trường quốc tế. Chỉ khi nào Việt Nam có một đại học mà mỗi năm công bố ít nhất 2000 công trình nghiên cứu khoa học thì mới bàn đến việc đứng ở đâu trong các bảng xếp hạng đại học thế giới.

PV: Được biết, bảng xếp hạng này chú trọng tiêu chí nghiên cứu khoa học. Trong vài năm vừa qua, đây cũng là vấn đề được các trường quan tâm chú trọng tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Thưa ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Muốn nâng hạng nghiên cứu khoa học, chỉ với quyết tâm và sự thạo thuộc cách bình xét của các tạp chí khoa học, dùng những cách thức phù hợp để đáp ứng liệu đã đủ?

NVT: Chúng ta không nên nghĩ đến việc “đi tắt đón đầu”, bởi vì nghiên cứu khoa học phải được xây dựng từ cơ bản, chứ không có chuyện “đi tắt”, càng không có chuyện “đón đầu”. Ý tôi muốn nói rằng nên đầu tư nhiều vào việc quan trọng nhất là xây dựng năng lực khoa học.

Tôi xin giải thích thêm. Nền khoa học của một quốc gia trải qua 4 giai đoạn: tiền phát triển, xây dựng, củng cố và mở rộng, và quốc tế hóa. Tôi thấy nền khoa học Việt Nam đang ở trong giai đoạn xây dựng (như các nước Indonesia và Phi Luật Tân), tức còn thấp hơn Mã Lai và Thái Lan (giai đoạn củng cố và mở rộng) hay Singapore và Hàn Quốc (giai đoạn quốc tế hóa).

Do đó, vấn đề không phải là am hiểu các “luật chơi” khoa học (vì đó chỉ là đầu ra thứ phát), mà là xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học. Chúng ta đang thiếu những nhà khoa học nổi tiếng, thiếu những công trình nghiên cứu lớn, thiếu đầu tư cho khoa học, và năng lực quản lí khoa học còn kém. Do đó, xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học ở đây có nghĩa là thu hút, đào tạo và gìn giữ người có tài; là đầu tư mạnh về cơ sở vật chất một cách thích hợp và chính đáng; là chọn những chủ đề nghiên cứu có tác động lớn để theo đuổi; và nâng cao năng lực quản lí đầu ra của nghiên cứu khoa học.

PV: Thông tin được tạp chí THE đưa ra trong lúc dư luận Việt đang có nhiều nghi vấn về việc trong số 85 giáo sư được xét duyệt năm 2017, có tới 29 giáo sư (34%) không có bài báo đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Trong số 1.141 phó giáo sư được xét duyệt thì có tới 609 người không có bài báo ISI/Scopus (chiếm 53%). Ông bình luận thế nào về hai thông tin này? Có phải không thưa ông rằng tâm lý chạy đua lấy thành tích khiến cho nhiều trường đại học không vững chân đi theo chuẩn mực thế giới? Và điều này có phải là nguyên nhân căn bản khiến đại học Việt Nam vẫn cứ mãi lạc nhịp so với thế giới hay không?

NVT: Tôi có suy nghĩ hơi khác về mối tương quan giữa số lượng giáo sư và thứ hạng trong bảng xếp hạng đại học. Trong thực tế, mối tương quan đó không hiện hữu, và do đó chúng ta không nên nghĩ hễ tăng số lượng giáo sư hay nhà khoa học là dẫn đến tăng hạng đại học Việt Nam trên trường quốc tế.

Vấn đề của Việt Nam là khá đặc thù ở chỗ 50% giáo sư (tôi dùng chữ đó cho cả “phó giáo sư”) được công nhận không có công trình công bố trên các tập san quốc tế. Nếu điều này xảy ra vào thế kỉ 20 hay thập niêm 1970 hay 1980 thì có thể hiểu được và thông cảm được, nhưng khổ thay nó lại xảy ra ngay trong thời đại mà văn hóa “công bố hay là diệt vong” trong khoa bảng là một qui luật! Điều này có thể nói lên rằng hơn phân nửa giáo sư Việt Nam không làm nghiên cứu khoa học.

Ngay cả trong số các giáo sư có công bố khoa học thì số lượng cũng chưa nhiều và phẩm chất cũng còn hạn chế. Chẳng hạn như trong ngành y (ngành có nhiều giáo sư được công nhận), gần 90% công bố khoa học là do hợp tác quốc tế và người nước ngoài chủ trì, chứ đa số các giáo sư Việt Nam chỉ là tác giả “lính đánh bộ”. Ngoài ra, cũng trong ngành y, 90% các bài báo khoa học được công bố trên những tập san có ảnh hưởng thấp (impact factor dưới 5). Đó là tình hình ngành y, nhưng tôi xem qua các ngành khác thì xu hướng cũng chẳng có gì quá khác biệt. Lượng có tăng (dù ít) nhưng phẩm thì còn quá khiêm tốn.

Những dữ liệu thực tế trên đây cho thấy tiêu chuẩn đề bạt (hay “công nhận”) chức danh giáo sư của Việt Nam chưa nhắm đến mục tiêu nâng cao năng lực khoa học. Có thể nói rằng các tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư hiện nay quá đơn giản và dường như có mục tiêu đạt được số lượng theo một kế hoạch duy ý chí nào đó. Nếu giả thuyết này đúng thì các tiêu chuẩn học thuật cho giáo sư chưa phục vụ cho việc xây dựng năng lực khoa học quốc gia.

PV: Để có những sự lột xác thực sự tại các trường Đại học, theo ông việc cần làm đầu tiên của Việt Nam là gì? Những khó khăn mà chúng ta có thể sẽ gặp phải? Bản thân ông có đặt kỳ vọng gì vào nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới?

NVT: Đây là một câu hỏi quá lớn, mà tôi thì không có khả năng suy nghĩ bao quát được. Tôi chỉ muốn chia sẻ một số suy nghĩ về những việc cần/nên làm trước mắt:

Tổ chức lại nhân sự nghiên cứu khoa học. Trong bất cứ đại học nào, chỉ có một số ít (khoảng 20%) người làm nghiên cứu và năng suất của họ chiếm đa phần (có thể 80%) năng suất của cả trường. Do đó, vấn đề là qui tụ họ lại theo những nhóm nhỏ gọi là “research group”, và nhiều nhóm nhỏ thành một “research division” (giống như ‘sư đoàn khoa học’) sao cho họ tương tác với nhau nhiều hơn nữa.

Tạo cơ hội cho nhiều người nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam nhiều người dường như bị “ám ảnh” bởi văn bằng tiến sĩ, và người ta nghĩ rằng phải có tiến sĩ mới có thể làm nghiên cứu khoa học. Điều này chỉ đúng ở một số ngành, nhưng ở các ngành như y khoa thì văn bằng bác sĩ có khi quan trọng hơn tiến sĩ, và nhiều bác sĩ làm nghiên cứu mà không cần và không có bằng tiến sĩ. Cũng phải tạo điều kiện cho những người có bằng cao học (masters) làm nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học quan trọng là ý tưởng và khả năng, chứ không phải bằng cấp. Nô lệ vào bằng cấp là một hình thức loại trừ những người có khả năng khoa học và có khả năng đóng góp vào việc xây dựng năng lực khoa học cho Việt Nam.

Tăng cường đầu tư. Ở cấp quốc gia, theo thông tin từ Quốc hội, ngân sách cho khoa học và công nghệ chỉ 1.5 đến 1.7% tổng chi, so với ở các nước phát triển tỉ lệ này là 3-4%. Tuy nhiên, ngay cả con số 1.5-1.7% này chủ yếu là cho nhân sự là chính, chứ không hẳn cho nghiên cứu khoa học hay cơ sở vật chất. Không thể nào đòi hỏi có công trình nghiên cứu có phẩm chất cao với mức đầu tư quá thấp.

Tài trợ cho khoa học. Tài trợ cho nghiên cứu khoa học hiện nay đã thấp, mà còn quá tập trung nhưng lại dàn trải. Thật ra, ngoại trừ vài trường có tài trợ cho nghiên cứu khoa học, đại đa số thì không có hoặc có thì cũng rất ít. Một công trình nghiên cứu thực nghiệm mà chỉ được đầu tư 10-20 triệu thì không có ý nghĩa gì cả (thà không tài trợ thì đỡ tốn kém hơn).

Anh ngữ hóa khoa học. Tôi nghĩ đã đến lúc phải “Anh ngữ hóa” một số hoạt động nghiên cứu khoa học. Nên dùng tiếng Anh cho tất cả các đề cương nghiên cứu. Tất cả các bài báo khoa học và luận án cao học trở lên trong nước nên dùng tiếng Anh, và tiếng Việt chỉ dùng cho phần tóm tắt (abstract). Trong thực tế, các nước Âu châu dù tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh vẫn dùng tiếng Anh trong các luận án, bài báo khoa học, và đề cương khoa học. Anh ngữ hóa giúp cho việc hội nhập nhanh hơn và thông tin khoa học chính xác hơn.

Nâng cao năng lực quản lí khoa học. Quản lí khoa học tốt có thể góp phần nâng cao năng lực khoa học của một trường đại học. Quản lí khoa học ở đây bao gồm kĩ năng và kinh nghiệm chọn đề tài nghiên cứu, thẩm định giá trị khoa học, quản lí đầu ra của nghiên cứu khoa học (kể cả phân biệt tập san khoa học). Nhưng đây là một khía cạnh ít được chú ý, và thay vào đó là những qui định mang tính hành chánh hóa và làm khổ giới khoa học hơn là giúp họ.

Nói chung, tôi nghĩ cần phải có một cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu tình hình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thời gian 20 năm qua, và từ đó đề ra định hướng mới cho Nhà nước. Không thể nào tiếp tục chi tiền hết năm này sang năm khác, mà hiệu quả của việc đầu tư thì không được đánh giá một cách có hệ thống và độc lập. Cần phải có một ủy ban với các giáo sư trong và ngoài nước, những người không hưởng lợi từ các tài trợ trong quá khứ, thẩm định lại hiệu quả của đầu tư cho khoa học trong quá khứ và đề ra chiến lược trong tương lai.

Bài đã đăng trên Đất Việt:

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/vn-khong-co-truong-dh-lot-top-chau-a-khong-la-3352795/

Sau khi báo Đất Việt đăng bài viết, có một số độc giả bình luận như sau:

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/khong-co-truong-dh-lot-top-chau-a-ai-se-buon-3353091/

Không có trường ĐH lọt top châu Á: Ai sẽ buồn?

(Giáo dục) – Muốn có tên trong các bảng xếp hạng Đại học hàng đầu trong khu vực cần có những chiến lược cụ thể, đừng đi tắt đón đầu.

Sau khi Đất Việt đăng tải bài viết: “VN không có trường ĐH lọt top châu Á: Không lạ!”, ngày 18/2, với những ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn – Viện Garvan, Australia khi Việt Nam không có trường Đại học nào lọt top trường Đại học châu Á, đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả về vấn đề này.

Con số đầu tư khiêm tốn cho nghiên cứu khoa học

Đưa ra quan điểm của mình, độc giả Hoàng Nga viết: “Đầu tư của Việt Nam cho nghiên cứu khoa học chỉ là con số cực kỳ khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore…chứ đừng nói đến Trung Quốc (chỉ so được với 1 tỉnh của họ).

Nên cần phải có chiến lược làm lại từ đầu, từ bước cơ bản và nâng dần, không có chuyện đi tắt hay đón đầu trong khoa học”.

Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, độc giả Hưng Vương cho rằng, thực ra chi phí cho khoa học của nước ta khá lớn: chi nuôi các đơn vị sự nghiệp khoa học (mà không làm khoa học); chi cho những dự án khoa học lớn (cấp nhà nước, nghị định thư…) mà không thu được gì (nhưng được kể đến trong xét duyệt GS, PGS)…

Trong khi, nghiên cứu khoa học thâm sâu như Toán học thì chỉ cần thời gian, giấy với bút và cái đầu to, chứ không có tốn kém nhiều.

Ngay cả khoa học thực nghiệm bây giờ người ta cũng dùng mô hình toán để giả lập và thí nghiệm ảo trên máy tính trước, rồi cuối cùng mới dùng mô hình thật để kiểm chứng.

Nói thật người Việt mình vốn không có tính thiên hướng yêu khoa học thực sự, phần đông thích nghe tin đồn, rất tin vào thần thánh, bói toán, tướng số, phong thủy, địa lý các thứ, nhiễm nặng thói đi tắt đón đường giật tiền nhanh, để ăn nhậu hưởng thụ cho sướng, ít ai muốn sống đời đơn giản, hợp lý, thanh cao, kiên trì hướng đến các giá trị cao cả, lâu bền“, độc giả này thẳng thắn.

Các nhà quản lý giáo dục có buồn?

Cũng đưa ra quan điểm của mình, độc giả Tuấn Văn đưa ra câu hỏi băn khoăn không hiểu các nhà quản lý giáo dục có buồn khi các trường đại học nước nhà luôn vắng bóng trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Cứ hô mãi khẩu hiệu và chạy theo thành tích thì biết bao giờ đất nước phát triển. Nói thật người dân buồn vì đất nước lạm phát chức danh, học vị nhưng mãi vắng bóng.

Thậm chí, có lẽ thế giới họ “tự ái” vì thua kém Việt Nam về số lượng GS, PGS, TS, Ths nên cho Việt Nam đứng thứ hạng cao về mặt….số học.

Lý giải cho các con số đào tạo lớn, độc giả Nguyên Minh ví von: “Chỉ tiêu 20.000 tiến sĩ là quá ít, cần phải tạo ra 200.000 hoặc 2.000.000 tiến sĩ thì may ra chúng ta sẽ có được 10% tiến sĩ trong số đó có chất lượng khoa học thực sự, đảm bảo chúng ta sẽ đứng đầu thế giới vì người Việt Nam rất thông minh, thông minh vô cùng.

Đặc biệt, nếu một nền giáo dục quay cuồng với bằng cấp, chức danh thì còn thời gian đâu để ngiên cứu cạnh tranh với thế giới”.

Từ việc đặt ra các chỉ tiêu con số đào tạo nên các trường Đại học mọc ra như nấm chủ yếu là để phổ cập Đại học, vậy làm sao đòi hỏi chất lượng tốt.

“Tôi khẳng định ngay cả ASEAN còn khó lọt Top nói chi thế giới, châu Á. Tôi biết mỗi năm nhà nước chi hàng nghìn tỷ cho nghiên cứu khoa học nhưng rút cuộc nghiên cứu những gì cũng không ai biết, nhưng kết luận thì vẫn thụt lùi”, độc giả Minh phân tích.

Những cách tháo gỡ hiệu quả

Đưa ra một số giải pháp, độc giả có nickname Hoài Dân chỉ rõ: “Chúng ta cần yêu cầu GS, PGS, TS, Ths chỉ làm nghiên cứu khoa học, không được làm quản lý. Như vậy công trình nghiên cứu khoa học sẽ tăng đột biến và giảm đột biến số GS, PGS, TS, Ths.

Thêm nữa, hãy xóa bỏ đi tâm lý bằng cấp còn đang tồn tại trong xã hội, đặc biệt các nhà tuyển dụng lao động”.

Đồng thời, theo độc giả trên thì cần bỏ chạy theo thành tích, bằng cấp, số lượng hãy đầu tư vào chất lượng, vào thực tế may ra sẽ có trường lọt top Đông Nam Á chứ châu Á.

Cả nước có cả nghìn GS, PGS mà chưa có các phát minh sáng chế được công nhận, toàn các ông nông dân phát minh ra như tàu ngầm, máy bay, trực thăng…

Điều này chính là thực tế biết trước khi các GS, PGS của Việt Nam đều được ra lò từ những cuộc xét duyệt và công nhận không giống ai (trên thế giới). Do đó, không thể đòi hỏi họ có khả năng làm ra những công trình khoa học có đóng góp gì đó cho nền khoa học nước nhà và thế giới.

Sơn Ca

Những điểm mới trong Hội nghị loãng xương Hoa Kì lần thứ 40 (40th ASBMR Annual Meeting, Denver 2017)

Hội nghị thường niên lần thứ 40 của [hội] American Society for Bone and Mineral Research (ASBMR) năm nay diễn ra ở Denver (Colorado) từ ngày 8/9 đến 11/9/2017. Năm nay, hội nghị thu hút được khoảng 4000 đại biểu (so với các năm trước thường từ 5000 đến 6000). Mặc dù hội mang danh là Hoa Kì, nhưng đại biểu thì đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mặc dù hội mang danh là Hoa Kì, nhưng đại biểu thì đến từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay, số đại biểu từ Á châu và đặc biệt là Trung Đông giảm rõ rệt, có lẽ do hiệu ứng Trump. Ngay cả một số người tôi quen biết từng dự hội nghị này suốt thời quan 10 năm qua, nhưng năm nay họ không tham dự, chỉ vì ông Trump còn làm tổng thống. Cá nhân tôi biết một giáo sư nổi tiếng ở Úc nhưng gốc Đức (ông này và bên nội ông Trump là cùng làng quê bên Đức) nhất định không tham dự hội nghị vì yếu tố Trump!

Bỏ chuyện chính trị qua một bên, hội nghị năm nay có nhiều điểm hay và cái mới. Những điểm mới chủ yếu là trong nghiên cứu cơ bản, trong chẩn đoán, trong điều trị bệnh loãng xương và các bệnh liên quan. Dĩ nhiên, tôi không thể nào duyệt qua các báo cáo trong hội nghị (vì tôi không thể nào hiểu tất cả), mà chỉ có thể điểm qua những báo cáo chính nằm trong “radar” quan sát cá nhân. Mỗi hội nghị như thế này đặt ra rất nhiều vấn đề và bài học, và tôi hi vọng rằng những chủ đề mà tôi điểm qua sau đây cũng làm cảm hứng cho các nghiên cứu năm tới của các đồng nghiệp bên nhà.

1. Gãy xương đùi không tiêu biểu

Một trong những chủ đề được quan tâm trong hội nghị năm nay là vấn đề gãy xương đùi không tiêu biểu (atypical femur fracture, AFF). Đây cũng là vấn đề làm “đau đầu” rất nhiều người trong giới nghiên cứu về xương và tốn khá nhiều giấy mực trong quá khứ. Câu chuyện về AFF bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, khi thuốc bisphosphonates là (đến nay vẫn là) liệu pháp hàng đầu để điều trị loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương. Bx (viết tắt của bisphosphonates) được khám phá từ thế kỉ 19 ở Đức, nhưng mãi đến năm 1969 thì mới được nghiên cứu và thử nghiệm trong y học. Năm 1969, thuốc etidronate được sử dụng cho điều trị hội chứng myositis ossificans progressiva ở trẻ em (và thành công). Sau này, thử nghiệm trên bệnh nhân loãng xương, Bx được “chứng minh” là loại thuộc rất có ích trong việc ức chế các tế bào huỷ xương, và qua đó giảm mất xương, giảm nguy cơ gãy xương. Bằng chứng mới đây từ nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy Bx có thể giảm nguy cơ tử vong, nhưng đây là một vấn đề còn trong vòng tranh cãi. Có thể nói không ngoa rằng sự ra đời của Bx là một cuộc cách mạng trong điều trị loãng xương, vì trước đó chẳng có thuốc nào đặc trị cho loãng xương, một bệnh được WHO xem là thứ hai về qui mô và chi phí (sau bệnh tim mạch). Trong thực tế, Bx đã góp phần làm giảm hàng triệu ca gãy xương trên thế giới, kể cả Việt Nam.

Nhưng đến giữa đầu thập niên thế kỉ 21, sau trên 20 năm dùng Bx, thì đã có tín hiệu cho thấy Bx có thể gây tác hại ngoài mong muốn. Năm 2005, Odvina và đồng nghiệp báo cáo ca AFF đầu tiên, nhưng lúc đó chẳng ai chú ý. Năm 2007 một nhóm chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình báo cáo một ca rất đặc biệt, vì bệnh nhân loãng xương được điều trị bằng alendronate (một dạng Bx) bị gãy xương lúc đó họ gọi là “subtrochanteric insufficiency fractures”, và họ cẩn thận viết trên tựa đề là “a caution” (một cảnh báo) (1). Kể từ đó đến nay, có nhiều ca khác được báo cáo, không chỉ ở bệnh nhân người da trắng mà còn ở người châu Á. Gần đây, có ít nhất 2 ca bệnh ung thư cũng bị AFF được báo cáo. Những tiêu chuẩn sau đây được xem là AFF (xem hình):

· Không phải do trauma (như tai nạn xe cộ);

· Xảy ra ở vùng subtrochanter (thay vì femoral neck);

· Gãy “xà ngang” (transversal fracture); và

· Dạng non-communited.

Tuy nhiên, trong thực tế, tính tương đối so với số bệnh nhân dùng Bx, thì số ca AFF là rất thấp. Một nghiên cứu ở Mĩ cho thấy cứ 100,000 bệnh nhân điều trị bằng Bx một năm thì có khoảng 6 ca bị AFF. Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư thì tỉ suất này có vẻ cao hơn, có thể lên đến 1.2% (2). Nhưng dù số ca rất thấp như thế, sự xuất hiện của AFF ở bệnh nhân loãng xương cũng đủ làm cho bệnh nhân và bác sĩ phải quan tâm. Trong thời gian qua, đã có nhiều hội đồng y khoa trong hiệp hội ASBMR được thành lập và nghiên cứu kĩ về các yếu tố liên quan đến AFF. Vấn đề là vì AFF xảy ra quá hiếm, nên đứng trên phương diện dịch tễ học, rất khó mà chỉ ra chính xác yếu tố nào có liên hệ nhân quả và yếu tố nào là ngẫu nhiên. Một yếu tố hiển nhiên là đại đa số những bệnh nhân bị AFF là những người được điều trị bằng Bx. Không giống như trường hợp hoại từ xương hàm (ONJ) mà bệnh nhân thường dùng Bx ở liều lượng cao và thường là bệnh nhân ung thư, AFF có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng Bx với liều lượng thấp ở bệnh nhân loãng xương. Và, vì có rất nhiều bệnh nhân loãng xương được điều trị bằng Bx nên sự thật trên, chưa biết là mối liên hệ nhân quả hay không, đã làm cho giới nghiên cứu về loãng xương quan tâm đặc biệt.

Trong hội nghị năm nay, có một báo cáo theo tôi là đáng chú ý, vì nhóm tác giả báo cáo 102 ca AFF (khá nhiều) ở Quebec. Đây là những bệnh nhân được điều trị bằng Bx trong vòng 5 năm qua. Đa số (95%) bệnh nhân là người da trắng, tuổi trung bình là 69. Tất cả 102 bệnh nhân đều dùng Bx tính trung bình là 10.4 năm. Trong số 102 ca, có 154 xương bị gãy, và trong số 102 ca, 71% vẫn còn đau đớn sau khi phẫu thuật chỉnh hình. Nhìn qua những chỉ số sinh hóa và chu chuyển xương mà tác giả báo cáo, tôi thấy rất bình thường, chẳng có dấu hiệu nào đáng chú ý cả. Như vậy, các marker chu chuyển xương không giúp gì cho bác sĩ trong việc nhận dạng các bệnh nhân có nguy cơ cao. Thật vậy, ngay cả nhóm tác giả cũng không tìm ra yếu tố nguy cơ nào mới để có thể giúp bác sĩ trong việc quản lí bệnh nhân tốt hơn.

Ngoài báo cáo về đặc điểm lâm sàng AFF, còn có hàng loạt (trên 20 nghiên cứu) phân tích AFF từ góc nhìn của các chuyên gia phẫu thuật, xương khớp học, nội tiết học, di truyền học, và cả kĩ sư (engineering). Các kĩ sư dùng “công nghệ” của họ, như finite element analysis, để phân tích sự phân bố chất khoáng của các xương bị gãy AFF và hi vọng phát hiện được những đặc điểm quan trọng. Tuy nhiên, có lẽ do họ không am hiểu thiết kế nghiên cứu và ý nghĩa lâm sàng, nên kết quả của họ có khi rất khó diễn giải. Họ làm nghiên cứu nhưng thiếu nhóm chứng, và những gì họ quan sát chỉ mang tính thống kê mô tả. Tuy nhiên, tôi thấy thích thú một điều là qua kết quả họ phân tích, các bệnh nhân AFF thường có cortical thickness (độ dày của xương) khá cao hơn bình thường! Đáng lí ra chúng ta kì vọng cortical thinness (mõng) chứ không phải dày. Vả lại, Bx đâu có liên quan gì đển cortical thickness. Điều này cho thấy một trong 3 giải thích sau là khả dĩ: (1) mô hình FEA của họ sai; (2) Bx ức chế các tế bào hủy xương quá lâu, và do đó làm thay đổi cơ cấu collagen trong xương, làm cho xương giòn hơn, nên dù xương dày mà vẫn bị dễ gãy; hoặc (3) còn có yếu tố khác ngoài Bx.

Yếu tố khác đó có thể là gen. Nỗ lực tìm gen liên quan đến AFF đã được thực hiện từ hơn 5 năm qua, nhưng gen được phát hiện không mang tính “tái lập” (reproducibility), nên cho đến nay có thể nói là chúng ta vẫn chưa biết gì về mối liên hệ giữa gen và AFF. Có một báo cáo trong hội nghị theo tôi thấy là thú vị, nhóm tác giả thực hiện một nghiên cứu bệnh chứng GWAS. Nhóm bệnh gồm 12 bệnh nhân AFF và nhóm chứng gồm có 54 người từng được điều trị bằng Bx nhưng không bị AFF. Khi họ scan hơn 5.58 triệu biến thể gen (genetic variants) họ phát hiện 20 biến thể có liên quan với AFF (dựa vào trị số P). Điều thú vị là những gen này chưa từng được biết có liên quan với xương trước đây. Khi tôi hỏi họ là 20 biến thể này có thể giúp chúng ta phát hiện các bệnh nhân AFF sớm hơn, họ nói là chưa biết. (Thật ra, cách họ trả lời cho thấy họ nghĩ chưa đến và chưa làm, chứ không hẳn là chưa biết). Theo đánh giá của tôi, nghiên cứu này tuy có kết quả thú vị, nhưng vì tất cả các biến thể nằm trong vùng “non-coding” và mức độ ảnh hưởng (effect size) quá thấp, cùng với số cỡ mẫu cũng quá khiêm tốn, nên có thể nói rằng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết gen nào có liên quan đến AFF. Đây chính là một khoảng trống tri thức để các nhà nghiên cứu khác theo đuổi và có những đóng góp có ý nghĩa cho y học.

Tóm lại, liên quan đến AFF, những nghiên cứu được báo cáo trong hội nghị ASBMR lần này chỉ mang tính “incremental,” chứ không phải “breakthrough”. Các bạn có thể đọc thêm hướng dẫn của ASBMR (3) để biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, những kiến thức incremental đó cho phép chúng ta nhận dạng vài yếu tố nguy cơ liên quan đến gãy xương đùi không tiêu biểu như sau:

· Cao tuổi (trên 65), thường là nữ giới;

· Xương hơi dày (cortical thickness);

· Thường bị các bệnh liên quan đến collagen;

· Hay dùng corticosteroid;

· Dùng thuốc bisphosphonates trên 5 năm.

Trong đó, yếu tố nguy cơ lớn nhất là dùng bisphosphonates dài hạn. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh là nguy cơ bị AFF rất rất thấp; trong số 100 ngàn người dùng Bx, chỉ có khoảng 6 người bị AFF. Do đó, vấn đề lợi ích (giảm nguy cơ gãy xương) và tác hại (AFF) cần phải được xem xét cẩn thận để đi đến quyết định tối ưu.

2. Vấn đề điều trị và thuốc mới

Hội nghị ASBMR năm nào cũng dành khá nhiều thời gian cho vấn đề điều trị. Có hai vấn đề được đặt ra năm nay: thuốc mới trong nhóm anabolic (tức tăng tạo xương) và vấn đề “treatment gap”. Tôi sẽ nói về treatment gap trước. Một vấn nạn hiện nay là rất nhiều bệnh nhân có nguy cơ gãy xương cao, nhưng họ không được điều trị.

Theo guidelines hiện nay, những người sau đây cần được điều trị: (i) những bệnh nhân đã bị gãy xương, bất kể aBMD thấp cao cỡ nào; (ii) những cá nhân có chỉ số T mật độ xương thấp hơn -2.5, tức loãng xương; (iii) những cá nhân có mật độ xương thấp và đang dùng các thuốc như corticosteroid có ảnh hưởng đến chuyển hoá xương. Cần nói lại rằng những người đã bị gãy xương họ có nguy cơ bị gãy xương lần thứ hai rất cao, nên họ nên được điều trị. Đối với nhóm thứ hai (loãng xương) và thứ ba, điều trị nhắm đến mục tiêu giảm nguy cơ gãy xương. Thế nhưng trong thực tế, có đến 70% những bệnh nhân đã gãy xương mà không được điều trị, thậm chí không dùng calcium và vitamin D! Ở Việt Nam, một nghiên cứu trước đây của chúng tôi cho thấy gần 100% bệnh nhân gãy cổ xương đùi không được điều trị bằng các thuốc như Bx! Tình trạng này được xem là khủng hoảng, không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu. Do đó, hội nghị dành khá nhiều thời gian để bàn luận vấn đề và tìm cách khắc phục tình hình. Một trong những sáng kiến là thành lập “Fracture Liason Service” (FLS), làm đầu mối liên lạc giữa bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội khoa và y tá để nhận dạng những bệnh nhân gãy xương cần được điều trị. Có vài nghiên cứu cho thấy FLS có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương và tăng tuổi thọ cho bệnh nhân. Tôi nghĩ mô hình FLS này cũng có thể triển khai ở Việt Nam, nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bác sĩ và hội loãng xương.

Về điều trị, những thuốc trong nhóm anabolic (tức tạo xương) là “ngôi sao” của năm. Những thuốc trong nhóm này có thể kể đến Teriparatide (tức hormone PTH) và romosozumab. Hiện nay thì romosozumab chưa được FDA phê chuẩn vì họ cần thêm dữ liệu. Nhưng công ti Amgen đã có thuốc denosumab (Dmab) — một loại antiresorptive trên thị trường. Amgen là nhà tài trợ “vàng” của năm nay, nên có lẽ không ngạc nhiên khi thấy nhiều nghiên cứu về loãng xương liên quan đến thuốc denosumab. Công bằng mà nói, không phải chỉ vì vị thế tài trợ vàng, mà do hiệu quả của denosumab rất tốt so với các thuốc khác, nên nó được chú ý nhiều hơn trong thời gian gần đây. Hiệu quả của denosumab trong việc giảm nguy cơ gãy xương thì đã rõ ràng, do đó, năm nay nhiều nhóm nghiên cứu tập trung vào hiệu quả của denosumab đối với các khía cạnh khác như bone strength và cấu trúc xương.

Hiệu quả của Dmab trong phòng ngừa loãng xương và tăng mật độ xương thì đã được “chứng minh” rồi. Năm nay, các nghiên cứu tiếp theo chủ yếu tập trung vào hiệu quả của Dmab trên bệnh nhân ung thư, bệnh nhân suy thận mãn tính, và bệnh nhân đã được thay khớp háng. Như kì vọng, tất cả các nghiên cứu này đều cho thấy Dmab có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương ở các nhóm bệnh nhân trên. Chẳng những giảm nguy cơ gãy xương, mà Dmab có vẻ còn tăng sức mạnh của xương. Nói chung, giới bác sĩ lâm sàng từ nay đã có thêm một “vũ khí” lợi hại là Dmab để phòng chống loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh. Nếu bệnh nhân không đáp ứng hay quan tâm đến tính an toàn của Bx thì Dmab có lẽ là liệu pháp thay thế. Tuy nhiên, theo tôi biết thì Dmab chưa có mặt ở Việt Nam.

HRT (thay thế hormone) có vẻ … come back! Có lẽ nhiều người trong chuyên ngành biết rằng HRT từng có thời được xem gần như là “thần dược”. Lí do được đánh giá cao như vậy là do các dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát cho thấy phụ nữ [sau mãn kinh] dùng HRT có tuổi thọ tốt hơn, ít mắc bệnh tim mạch, ít bị ung thư, và ít bị gãy cổ xương đùi hơn những người không dùng. Thế nhưng đùng một cái công trình nghiên cứu RCT có tên là Women’s Health Initiatives cho thấy thật ra HRT tăng nguy cơ ung thư vú, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tăng nguy cơ Alzheimer, nhưng giảm nguy cơ gãy xương; tính chung thì hại nhiều hơn lợi. Thế là HRT không còn được xem là thần dược nữa. Tuy nhiên, câu chuyện HRT không dừng ở đó, vì sau này có rất nhiều tranh luận chung quanh lợi và hại (nếu có) của HRT, và có thể nói rằng trong y khoa có 2 phe rõ rệt. Phe ủng hộ hay có cảm tình với HRT là các bác sĩ sản phụ khoa. Phe chống HRT tới cùng là nội tiết và xương khớp. Dĩ nhiên, trong mỗi phe cũng có những con cừu đen, nhưng nhìn chung là có hai phe như thế.

Năm nay, trong hội nghị ASBMR có một báo cáo về hiệu quả và tính an toàn của HRT gây nhiều chú ý. Câu hỏi nhà nghiên cứu muốn trả lời là: HRT có giảm nguy cơ tử vong sau 18 năm theo dõi? Họ phân tích dữ liệu từ 2 nghiên cứu RCT ở hơn 23000 phụ nữ tuổi từ 50 đến 79 trong thời gian 1993-1998 đến 2014. Kết quả cho thấy tỉ lệ tử vong ở nhóm HRT là 27% so với nhóm giả dược là ~28%, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Khi phân tích tử vong vì ung thư, tim mạch cũng không có sự khác biệt giữa hai nhóm. Nói cách khác, HRT chẳng khác gì giả dược!

Nhưng điều làm tôi buồn cười là khi lên báo chí, họ chạy cái tít “Up to 7 years of hormone therapy is safe for postmenopausal women, new data show” (Dùng HRT đến 7 năm là an toàn cho phụ nữ) (4). Công trình nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi về tử vong, chứ không phải an toàn. Cách đặt tựa đề này gọi là “spin”. Thêm một lí do để cẩn thận với những gì báo chí viết. Nhà báo Việt Nam cũng cần phải cẩn thận, đừng dịch những bài báo kiểu này mà không đọc nghiên cứu gốc.

3. Cấu trúc xương

Một khía cạnh, cũng có thể nói là “lĩnh vực” nghiên cứu loãng xương, được hội nghị dành ra nhiều thì giờ để bàn luận là cấu trúc xương và bone strength. Trong một thời gian dài, chuyên ngành loãng xương xoay quanh đo lường mật độ xương (bone mineral density, hay BMD). Một cách đơn giản, BMD là lượng khoáng chất tính trên cm vuông xương. (Thật ra, thuật ngữ “density” là sai, bởi vì đáng lí ra nó được dùng cho thể tích xương hay cm^2). Nhưng vì công nghệ dual energy x-ray absorptiometry (DXA) không thể ước tính thể tích xương, nên chúng ta phải dùng thuật ngữ đó để chỉ BMD hay nói đúng hơn là “areal BMD” (aBMD).

aBMD dù là một đo lường ‘sai’, nhưng trong thực tế nó phản ảnh rất tốt sức mạnh của xương (bone strength). Sức mạnh của xương là một yếu tố rất quan trọng, bởi vì chúng ta bị gãy xương là do xương không đủ mạnh để chịu một lực tác động lên nó. Do đó, nếu chúng ta đo được sức mạnh của xương thì chúng ta có trong tay chìa khoá để hiểu về loãng xương. Nghiên cứu trên chuột cho thấy aBMD có liên quan mật thiết với bone strength, với hệ số tương quan lên đến 0.9. Nói cách khác, chỉ cần biết aBMD chúng ta có thể biết được bone strength của một cá nhân. Do đó, công nghệ DXA đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho chuyên ngành loãng xương. Đó cũng chính là lí do tại sao suốt 30 năm liền (và cho đến ngày nay), rất nhiều nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu lâm sàng xoay quanh giải thích aBMD và vai trò của aBMD trong việc chẩn đoán và điều trị loãng xương.

Nhưng cái hạn chế của aBMD là nó không cung cấp cho chúng ta thành phần xương. Có hai loại xương trong cơ thể của chúng ta: cortical bone hay lamellar bone (xương đặt) và xương xốp hay cancellous bone (trabecular bone). Ví dụ như xương đùi chủ yếu là cortical bone, còn xương cột sống chủ yếu là xương xốp. Hai loại xương này phản ứng khác nhau và có cơ chế chuyển hoá rất khác nhau. Các loại thuốc điều trị loãng xương thường có hiệu quả tăng trabecular bone hơn là cortical bone. Ngoài ra, sức mạnh của xương thường phản ảnh qua cortical bone hơn là trabecular bone. Do đó, để hiểu biết cơ chế của bệnh loãng xương, chúng ta cần phải có một phương tiện khác để phân biệt hai loại xương.

Phương tiện đó là quantitative computed tomography (QCT). Với công nghệ QCT, chúng ta có thể đo lường thể tích xương (volumetric BMD hay vBMD), cơ cấu xương (cortical và trabecular) một cách rất chính xác. Hai bệnh nhân có thể có cùng aBMD, nhưng vBMD có thể rất khác nhau, vì QCT có thể đo xương 3 chiều. Trong thời gian khoảng 10 năm qua, công nghệ QCT đã được ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới, và có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện. Nói chung, các nghiên cứu này cho thấy vBMD đo bằng QCT phản ảnh sức mạnh của xương tốt hơn aBMD. Ngoài ra, nó còn cho phép chúng ta nghiên cứu bệnh lí loãng xương ở những bệnh nhân ung thư, suy thận, tiểu đường tốt hơn aBMD, bởi vì nó cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin. Máy QCT cũng có thể ước tính bone strength rất chính xác mà máy DXA không thể nào cung cấp được. Do đó, năm nay nghiên cứu về bone strength và QCT được “trình làng” rất nhiều trong hội nghị ASBMR. Tính ra, có hơn 200 báo cáo về lĩnh vực mới và đầy hào hứng này. Có báo cáo bên Pháp cho thấy vBMD đo bằng QCT cũng có khả năng tiên lượng gãy xương như aBMD.

Labo của chúng tôi ở ĐH Tôn Đức Thắng có máy pQCT để đo vBMD và cấu trúc xương. Năm nay, trong hội nghị, nhóm nghiên cứu VOS (Vietnam Osteoporosis Study) có đóng góp một bài quan trọng về sự evolution của cấu trúc xương theo độ tuổi ở người Việt. Không ngờ bài này được ban tổ chức chú ý và được cho trình bày 2 lần. Lần thứ nhất trong một hội thảo chuyên đề về bone strength, lần hai là trong hội nghị chính. Bài này đã được gửi cho một tập san lớn, và hi vọng sẽ được công bố (chỉ hi vọng thôi).

Nếu không có máy QCT thì cũng có thể ước tính bone strength bằng các nguyên lí engineering. Năm nay, có nhiều mô hình được đề xướng để ước tính sức mạnh của xương. Phần lớn các mô hình này dùng các thuật toán như finite element analysis (FEA) trên các scan và quang tuyến X để ước tính sức mạnh của xương. Ngoài ra, cũng có một phần mềm thương mại của hãng Medimap (Thụy Sĩ và Pháp) có thể phân tích phân bố khoáng chất trên X quang cổ xương đùi và cả khớp xương để ước tính chỉ số xương xốp, có thể có ích cho việc nghiên cứu và đánh giá nguy cơ thoái hóa khớp. Nhưng vì đây là software thương mại, nên họ không cho chúng ta biết phương pháp phân tích cụ thể là gì! Tuy nhiên, vì người làm software này là một người Việt (nói tiếng Việt không rành) nên chúng tôi đã tranh thủ nhờ cô ấy phân tích cho khoảng 70 ca miễn phí! Có đồng hương Việt ở trời Tây nhiều khi cũng rất có ích.

4. Đánh giá nguy cơ gãy xương

Tôi thấy chuyên ngành loãng xương đang đi về hướng đánh giá nguy cơ gãy xương hơn là chẩn đoán loãng xương. Xu hướng này cũng giống như bên tim mạch và ung thư học, tức đánh giá nguy cơ mắc bệnh dựa vào nhiều yếu tố nguy cơ, thay vì chẩn đoán chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất. Mà, muốn đánh giá nguy cơ thì cần phải có mô hình tiên lượng (predictive models). Trong chuyên ngành loãng xương có hai mô hình tiên lượng chính: mô hình Garvan và mô hình FRAX. Mô hình Garvan do lab chúng tôi phát triển vào năm 2007 (tức 10 năm trước), còn mô hình FRAX là do Giáo sư Kanis và cộng sự thuộc trường Sheffield làm và công bố vào năm 2008. FRAX được lấy danh nghĩa Tổ chức y tế thế giới (WHO) nên được phổ biến rộng rãi hơn Garvan (tuy nhiên sau này WHO tuyên bố rằng họ chẳng “endorse” mô hình FRAX). Nhiều nghiên cứu validation hai mô hình trên cho thấy mô hình Garvan tiên lượng chính xác hơn FRAX. Mô hình FRAX thường đánh giá nguy cơ gãy xương thấp hơn thực tế đến 50%, còn Garvan thì cao hơn thực tế khoảng 1-5%.

Năm nay cũng có khá nhiều nghiên cứu áp dụng mô hình Garvan và FRAX trong tiên lượng gãy xương và các mục tiêu khác. Phần lớn các nghiên cứu này đều cho rằng cả hai mô hình đều có khả năng tiên lượng gãy xương như nhau. Nhưng có một nghiên cứu đặc biệt thú vị vì kết luận rằng cả hai mô hình Garvan và FRAX đều … vô dụng. Đó là nghiên cứu nổi tiếng Women’s Health Initiatives (WHI), họ áp dụng hai mô hình để đánh giá nguy cơ gãy xương và đối chiếu với thực tế thì thấy cả hai mô hình có độ nhạy và độ đặc hiệu rất thấp. Tôi xem kĩ nghiên cứu này thì thấy họ ứng dụng sai mô hình Garvan! Lí do là mô hình Garvan chỉ dành cho người 60 tuổi trở lên, còn nghiên cứu của họ là phụ nữ 50 tuổi trở lên.

Dù “tích cực” hay “tiêu cực”, tôi phải thú nhận là dạo qua những nghiên cứu có đề cập đến Garvan cũng làm mình … ấm lòng. Có một ông giáo sư thuộc trường Univ California @ San Francisco (UCSF) nói rằng mô hình Garvan đã góp phần làm giảm gãy xương và cứu bệnh nhân ở qui mô toàn cầu. Anh ấy nói với người khác, chứ không phải với tôi, nên chắc là một suy nghĩ thật.

Ngoài ra, còn có những nghiên cứu về gãy xương ở bệnh nhân ung thư, suy thận mãn tính, và COPD. Nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư cho thấy trước khi chẩn đoán ung thư thì nhóm này có nguy cơ gãy xương thấp hơn nhóm không bị ung thư, nhưng sau khi chẩn đoán ung thư thì nguy cơ gãy xương tăng từ 10 đến 50%. Bệnh nhân COPD và suy thận mãn tính thường có nguy cơ gãy xương cao, nhưng các bác sĩ thường xao lãng vấn đề xương khi họ điều trị các bệnh nhân này. Do đó, những kết quả mới nhất có hiệu quả nhắc nhở các bác sĩ lâm sàng phải chú ý đến sức khỏe xương của những bệnh nhân ung thư, COPD và suy thận mãn tính. Loãng xương ở bệnh nhân suy thận mãn tính là một vấn đề rất thú vị, và tôi hi vọng sẽ có dịp quay lại sau.

Tóm lại, sau mấy ngày đi phó hội ở Denver, tôi có vài nhận xét và tóm tắt cho những bạn nào chưa có dịp đi phó hội lần này. Nhìn chung, hội nghị vừa qua có vài điểm mới, chủ yếu là thuốc điều trị chứ các lĩnh vực khác thì chưa có gì “đột phá” cả. Riêng nhóm nghiên cứu của tôi thì qua hội nghị này cũng đã nảy sinh ra vài chủ đề để nghiên cứu trong năm tới. Cá nhân tôi thì lần này được đề cử và đắc cử vào hội đồng biên tập của tập san J Bone Miner Res nhiệm kì 3 (2018-2022), lần này tôi sẽ làm Assoc Editor phụ trách lĩnh vực genetics và genomics. Thế là tôi đã phục vụ cho JBMR 10 năm và nay thêm 5 năm nữa; sau nhiệm kì này chắc sẽ nghỉ để nhường cho người khác.

(1) Goh SK, et al. Subtrochanteric insufficiency fractures in patients on alendronate therapy: a caution. J Bone Joint Surg Br. 2007; 89:349–53.

(2) Donnelly E, et al. Atypical Femoral Fractures: Epidemiology, Etiology, and Patient Management. Curr Opin Support Palliat Care. 2012 Sep; 6(3): 348–354.

(3) Shane E, et al. Atypical Subtrochanteric and Diaphyseal Femoral Fractures: Second Report of a Task Force of the American Society for Bone and Mineral Research. J Bone Miner Res. 2014 Jan;29(1):1-23.

(4) http://www.latimes.com/science/sciencenow/la-sci-sn-hormone-therapy-safe-20170912-story.html

Giải Nobel Y sinh học 2017: một nhắc nhở về duyên khởi

Giải Nobel Y sinh học năm nay được trao cho những công trình khoa học dẫn đến khám phá gen kiểm soát nhịp sinh học trong ngày. Ba nhà khoa học gốc Mĩ, Giáo sư Jeffrey Hall, Giáo sư Michael Rosbash (Đại học Brandeis) và Giáo sư Michael Young (Đại học Rockefeller), được vinh dự này. Nhưng họ không hẳn là những người đầu tiên khám phá gen kiểm soát nhịp sinh học, và khái niệm nhịp sinh học cũng không phải là mới. Tuy nhiên, khám phá của họ có ý nghĩa đến việc quản lí bệnh tật và giúp chúng ta hiểu hơn về khả năng thích ứng của con người với môi trường chung quanh.

Đã từ lâu, qua quan sát thực tế, chúng ta biết rằng sự phát triển và tồn sinh của tất cả các sinh vật và thực vật đều chịu sự ảnh hưởng của môi trường chung quanh, và mức độ ảnh hưởng lại dao động theo thời gian trong ngày mang tính chu kì. Chẳng hạn như cây “mắc cở” xếp vào buổi tối và mở ra lúc ban ngày, hoa quỳnh nở vào ban đêm, nhưng cũng có hoa nở vào lúc sáng (như hoa 10 giờ). Các động vật như gà và chim thường hoạt động ban ngày nhưng ngủ ban đêm; ngược lại, dơi thì làm việc lúc ban đêm và ngủ ban ngày. Cuộc sống của các sinh vật này diễn ra theo một chu kì trong ngày, gọi chung là ‘nhịp sinh học’.

Nhịp sinh học của con người chúng ta thì hơi phức tạp hơn. Một số hoạt động cơ thể theo chu kì 24 giờ (như ngủ), nhưng một số chức năng khác như huyết áp, nhiệt độ và trí não thì theo chu kì 12 giờ. Dù ở nơi nào, cơ thể chúng ta đều “thức dậy” khoảng 6 giờ sáng.

Hormone sinh dục đạt mức độ cao nhất trong khoảng thời gian 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Nhưng không chỉ hormone, mà ngay cả sự hoạt động của phổi, thận, mức độ chịu đựng đau đớn, mức độ sáng tạo, v.v. cũng đều dao động theo thời điểm trong ngày. Chẳng hạn như phổi hoạt động tích cực vào lúc 4 giờ sáng, thận thì đạt mức thấp nhất vào 5 giờ sáng, mức độ sáng tạo đạt đỉnh vào thời gian 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Thời gian nghỉ lí tưởng là từ 1 đến 2 giờ chiều, và do đó có nhiều nơi trên thế giới chọn thời gian này là thời gian nghỉ trưa để nâng cao năng suất lao động.

Nhưng cơ chế nào giúp cho cơ thể chúng ta vận hành theo chu kì 12 giờ hay 24 giờ như trên? Câu trả lời không phải đến từ nghiên cứu trên người, mà từ nghiên cứu trên ruồi giấm từ thập niên 1970s. Năm 1971, Giáo sư Seymour Benzer và nghiên cứu sinh của ông là Ronald Konopka (Viện công nghệ California, CalTech) lần đầu tiên phát hiện 3 “mutant” (tác nhân gây đột biến gen) liên quan đến nhịp sinh học. Đây là nghiên cứu rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất, trong chuyên ngành vì nó mở ra một cửa sổ cho chuyên ngành ‘thời sinh học’ (chronobiology). Nhưng giáo sư Benzer qua đời vào năm 2007 và Konopka thì qua đời vào năm 2015, và giải Nobel không trao cho người quá cố.

Đến thập niên 1980s, nghiên cứu trên ruồi giấm Giáo sư Jeffrey C Hall và Michael Rosbash (Đại học Brandeis) phát hiện một gen kiểm soát nhịp điệu sinh học, nhưng họ không biết gen tên gì. Họ còn phát hiện một protein (sản phẩm sinh học của gen) có vẻ tăng vào lúc ban đêm và suy giảm vào lúc ban ngày, và chu kì này lặp lại suốt đời. Họ đặt tên cho protein này PER (viết tắt của “period” có nghĩa là thời kì). Năm 1994, Giáo sư Young (ĐH Rockefeller) gọi gen này là “timeless” (vô tận) và thế là ông gọi protein này là TIM. Đây là những khám phá mang tính cách mạng trong sinh học. Về mặt phương pháp, giới khoa học đánh giá cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu là rất cơ bản và ‘tao nhã’ vì qua đó chúng ta hiểu hơn về chúng ta. Để ghi nhận đóng góp quan trọng này, Hội đồng giải Nobel quyết định trao giải Nobel Y sinh học năm 2017 cho 3 người: Hall, Rosbash, và Young. Họ chia nhau giải thưởng gần 1 triệu USD.

Duyên khởi

Giải Nobel Y sinh học năm nay nhắc nhở chúng ta rằng mọi sự vật trên đời đều chịu sự ảnh tưởng mang tính tương tác và chu kì của môi trường chung quanh. Triết lí Phật xem con người chúng ta là một tiểu vũ trụ trong một đại vũ trụ. Do đó, các biến chuyển tâm sinh lí của chúng ta chịu sự ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Trong mỗi ngày, đồng hồ sinh học trong mỗi chúng ta điều phối hành vi, hormone, nhiệt độ để ứng với nhiều giai đoạn trong ngày. Điều này có nghĩa là sức khoẻ của chúng ta sẽ có vấn đề khi có sự bất xứng giữa môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Chẳng hạn như khi chúng ta đi từ nước này sang nước khác với hai múi giờ khác nhau, chúng ta bị “jet lag”. Tương tự, sự bất xứng giữa lối sống và nhịp sinh học cũng có thể dẫn đến bệnh tật. Nhìn như thế thì bệnh tật không chỉ do gen, mà còn do mối tương tác phức tạp giữa gen và môi trường chung quanh. Môi trường đó cũng bao gồm cả sự chu chuyển của trái đất. Đó chính là “Duyên Khởi” (hay “Dependent Origination”) trong Phật giáo.

Những ai quan tâm đến Phật giáo đều biết đến khái niệm “Duyên Khởi”, hay còn gọi là “Thập nhị nhân duyên”. Thật vậy, đã có một phật tử Việt Nam (Gs Mai Trần Ngọc Tiếng) nghĩ đến mối liên quan giữa thời sinh học và Duyên Khởi. Ở đây, tôi muốn giải thích thêm cái ý tưởng này và những ý nghĩa cho khoa học tương lai. Duyên Khởi chỉ ra rằng vạn vật đều phụ thuộc lẫn nhau trong một hàm số khổng lồ, và vạn vật tồn tại là nhờ 12 nhân duyên. Mười hai nhân duyên bắt đầu bằng vô minh, đến hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, và lão hoá và tử. Bệnh tật và cái chết là hệ quả của vô minh. Tương truyền rằng Đức Phật giác ngộ dưới cây bồ đề và ngộ ra qui luật “Cái này có nên cái kia có; cái này sinh nên cái kia sinh; cái này không nên cái kia không; cái này diệt nên cái kia diệt.” Một cách khác để hiểu là bất cứ môt sinh vật (thực vật và động vật, kể cả con người) đều do nhân duyên họp lại mà hình thành và tồn tại, và sự tồn tại liên tục chuyển biến (tức “vô thường”). Từ các hoạt động sinh lí đến tâm lí của con người đều chịu sự ảnh hưởng của môi trường và thời tiết, khí hậu. Chúng ta tương tác với môi trường chung quanh để kiến tạo nên hệ sinh thái. Chúng ta không thể tồn tại nếu không có môi sinh. Do đó, ở góc độ con người, có thể xem duyên khởi là qui luật vận hành của tất cả các biến cố, từ sinh lí đến tâm lí.

Hiểu biết được mối tương tác giữa môi sinh và các hoạt động của cơ thể con người theo chu kì giúp chúng ta khá nhiều trong đời sống và giảm rủi ro hàng ngày. Cũng như thực vật, hoạt động mang tính chu kì của cơ thể chúng ta chịu sự ảnh hưởng của các tia sáng vô hình, tia tử ngoại, và tia hồng ngoại. Chẳng hạn như năng lực tập trung và thị lực chúng ta giảm đáng kể trong khoảng thời gian 2-4 giờ sáng, và do đó nên tránh làm những việc như lái xe. Sự minh mẫn cao nhất là từ 11 đến 1 giờ chiều, và do đó có người đề nghị không nên ra những quyết định quan trọng về kinh doanh ngoài khoảng thời gian đó. Thậm chí những thói quen thưởng thức như uống bia rượu cũng có thể áp dụng kiến thức sinh học để chọn khoảng thời gian lí tưởng.

Ngoài ra, nhịp sinh học còn được ứng dụng trong điều trị lâm sàng và quản lí bệnh tật. Một loạt bộ môn khoa học như thời sinh học (chronobiology), thời trị liệu (chronotherapy), thời dược liệu (chronopharmacology), thời bệnh lí (chronopathology) đã hình thành từ các thành tựu khoa học trong nghiên cứu nhịp sinh học. Chẳng hạn như nhiều nghiên cứu cho thấy cho thuốc chống tăng huyết áp lúc ngủ có hiệu quả giảm nguy cơ đột quị, và kiểm soát đường huyết của các công nhân làm việc ca đêm hay ca đêm cần phải thích ứng với nhịp sinh học. Tuy nhiên, những khám phá về gen của các khôi nguyên Nobel năm nay về mặt khoa học là một thành tựu kĩ thuật, nhưng việc đem lại lợi ích cho bệnh nhân thì vẫn còn là một con đường dài.

Nghiên cứu và thành tựu của các khôi nguyên Nobel dĩ nhiên là thể hiện những thành công ngoạn mục của công nghệ và suy luận thông minh. Ở mức độ thực tế, thời sinh học và gen liên quan xác định rằng bệnh tật là hệ quả của hằng hà sa số những mối tương tác phức tạp giữa các yếu tố môi trường và gen, mà nhịp sinh học chỉ là một biểu hiện. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh chung và bức tranh lớn của nhân sinh quan thì các phát hiện liên quan đến nhịp sinh học và thời sinh học chỉ là một minh chứng cho nguyên lí Duyên Khởi của nhà Phật.

Những ý tưởng và văn hoá Đông Phương đã từng là nguồn cảm hứng dẫn đến các tác phẩm văn học được trao giải Nobel. Tuy nhiên, trong khoa học thì “chất liệu Đông Phương” ít được khai thác trong các nghiên cứu cơ bản, nhưng khi được khai thác thì cũng có thể dẫn đến những khám phá tầm cỡ Nobel. Hai năm trước, bà Đồ U U được trao giải Nobel từ một phát hiện dược chất trong cây ngải, mà nguồn gốc sâu xa là từ y văn cổ. Năm nay, ba nhà khoa học hiện đại được trao giải Nobel nhờ vào công trình nghiên cứu thời sinh học có nguồn gốc sâu xa từ học thuyết Duyên Khởi mà có lẽ họ cũng chưa từng được tiếp cận. Tôi nghĩ trong điều kiện và môi trường công nghệ sinh học và khoa học phát triển ở đỉnh cao như hiện nay thì việc áp dụng các phương tiện khoa học để khai thác các ý tưởng từ văn hoá Đông Phương có thể dẫn đến nhiều khám phá thú vị khác.

Tham khảo:

(1) Proc. Nat. Acad. Sci. USA Vol. 68, No. 9, pp. 2112-2116, September 1971

Cải cách chương trình đào tạo tiến sĩ

Đã và đang có quá nhiều hiểu lầm về bản chất của học vị tiến sĩ, và hiểu không đúng về mục đích và chương trình đào tạo tiến sĩ. Nhu cầu cải cách chương trình đào tạo tiến sĩ là rất cấp bách để giúp giáo dục và khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế. Có lẽ cần phải kiến tạo ra hai chương trình đào tạo tiến sĩ khác nhau, một chương trình dành cho “tiến sĩ hàn lâm”, một dành cho “tiến sĩ hướng nghiệp.”

Nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng ở các nước Âu Mĩ đa số các tiến sĩ làm việc trong hệ thống đại học hay viện nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế thì không phải vậy. Trong thực tế, ý nghĩa và mục đích của đào tạo tiến sĩ đã thay đổi nhiều trong thời gian gần đây. Năm 1973, hơn 50% những người tốt nghiệp tiến sĩ về sinh học sau 6 năm được bổ nhiệm chức vụ assistant professor (một chức vụ tương đương với “phó giáo sư”); ba thập niên sau, tỉ lệ này chỉ còn 15%. Ngày nay, có rất nhiều (có thể hơn 50%) tiến sĩ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học vì họ không có cơ may tìm việc trong các đại học và viện nghiên cứu. Nói chung, tình hình ở các nước Âu Mĩ ngày nay là thừa tiến sĩ, vì số tiến sĩ được đào tạo hàng năm cao hơn nhu cầu trong các đại học và cơ quan nghiên cứu khoa học.

Nhưng ở các nước phát triển như Việt Nam thì tình hình ngược lại: các đại học rất thiếu các giảng viên có trình độ tiến sĩ. Số liệu năm 2013 của Bộ GDĐT công bố cho thấy trong số gần 60000 giảng viên đại học, chỉ có 8519 (tức 14%) có bằng tiến sĩ. Ngay cả ở Mã Lai, nơi có nền giáo dục đại học tốt hơn Việt Nam, cũng chỉ có 20% giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Do đó, khác với các nước Âu Mĩ, Việt Nam thiếu giảng viên với trình độ tiến sĩ.

Ở Việt Nam, lại còn tồn tại một nghịch lí quan trọng về con số tiến sĩ. Việt Nam hiện có hơn 24,300 tiến sĩ, nhưng đa số không làm việc trong các đại học. Ngoài ra, trong số 10,000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng khoảng 50% không làm việc trong các đại học hay viện nghiên cứu. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu tiến sĩ!

Tình hình tiến sĩ làm ngoài khoa học không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu trong một báo cáo của American Institutes for Research (2014) thì 61% người tốt nghiệp tiến sĩ lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán (STEM) và 52% tiến sĩ chuyên ngành sinh học làm việc ngoài môi trường khoa bảng và nghiên cứu khoa học.

Mục đích học tiến sĩ là gì?

Những sự thật trên đặt ra câu hỏi căn bản: Mục đích của đào tạo tiến sĩ là gì? Không phải chỉ ở Việt Nam câu hỏi này mới được đặt ra, mà ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến và có một lịch sử đào tạo tiến sĩ lâu dài, câu hỏi này vẫn còn mang tính thời sự.

Câu trả lời thực tế nhất là từ những người thầy đào tạo tiến sĩ. Trong một nghiên cứu trên những giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Anh, khi được hỏi mục đích của đào tạo tiến sĩ là gì, thì đa số giáo sư (72%) xem đào tạo tiến sĩ là chuẩn bị cho họ một sự nghiệp nghiên cứu khoa học chung (“training for a career in scientific research in general”), những người vừa có thể giảng dạy trong đại học, vừa có thể làm nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học, và vừa có thể ứng dụng kĩ năng cho môi trường ngoài đại học. Do đó, một hội đồng giáo dục chuyên trách về đào tạo hậu đại học ở Anh (do Viện Hàn lâm Anh thiết lập) định nghĩa rằng mục đích của chương trình đào tạo tiến sĩ là giúp họ chuẩn bị cho một sự nghiệp nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy trong đại học, trang bị cho ứng viên những kĩ năng về nghiên cứu khoa học để có thể ứng dụng trong môi trường kĩ nghệ, quản trị công, truyền thông và văn hóa.

Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức về đào tạo tiến sĩ. Những kĩ năng có được trong thời gian học tiến sĩ có thể ứng dụng để giải quyết nhiều vấn đề trong thực tế và do đó có thể áp dụng cho nhiều sự nghiệp khác nhau, kể cả trong bộ máy hành chánh. Chúng ta phải chấp nhận rằng không phải tiến sĩ nào cũng thích hợp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng tiến sĩ không phải chỉ để làm việc trong các đại học hay nghiên cứu khoa học, nhưng kĩ năng nghiên cứu của họ có thể ứng dụng cho nhiều môi trường ngoài khoa học.

Hai hệ tiến sĩ: hàn lâm và hướng nghiệp

Với những nhận thức mới này về tiến sĩ, đã có ý kiến phân chia thành 2 hệ tiến sĩ (xem chẳng hạn như Nature 3/12/2015). Một hệ tiến sĩ chỉ để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học (“academic PhD”, tạm gọi là “nhóm tiến sĩ hàn lâm”) và một hệ tiến sĩ cho các sự nghiệp ngoài khoa bảng (“vocational PhD“, tạm gọi là nhóm “tiến sĩ hướng nghiệp”). Nhóm tiến sĩ hàn lâm theo đuổi những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu “mây xanh” (còn gọi là “blue sky”), nghiên cứu nhằm kiến tạo kiến thức mới, có thể chẳng có ứng dụng gì trong thực tế cả thế kỉ. Nhóm tiến sĩ hướng nghiệp được đào tạo theo kiểu hướng nghiệp cho một sự nghiệp cụ thể, với sứ mệnh nhằm cung cấp cho kĩ nghệ những chuyên gia cao cấp có khả năng vừa nghiên cứu vừa quản lí.

Trong thực tế, ở vài nước tiên tiến các đại học đã triển khai văn bằng tiến sĩ hướng nghiệp dưới những học vị như EngD (tiến sĩ kĩ thuật), EdD (tiến sĩ giáo dục), PharmD (tiến sĩ dược), DrPH (tiến sĩ y tế công cộng), DBA (tiến sĩ quản trị kinh doanh), v.v. Chẳng hạn như chương trình đào tạo EngD của Đại học Manchester có mục đích rõ ràng là đào tạo những chuyên gia vừa có khả năng nghiên cứu và quản lí.

Riêng trong ngành y, tôi đề nghị chấm dứt chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II. Hai chương trình đào tạo này quả thật chẳng phù hợp với bất cứ chương trình nào trên thế giới, và có lẽ không cần thiết. Thay vào đó, tôi đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ và tiến sĩ (MD/PhD) song song. Dĩ nhiên, ứng viên phải là những sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp cử nhân và ít nhất 21 tuổi. Trong thời đại khoa học phát triển rất nhanh như hiện nay, bác sĩ ra trường rất cần có những kiến thức khoa học cơ bản và phương pháp khoa học, chứ không chỉ đơn thuần kĩ năng lâm sàng. Chương trình MD/PhD thật ra không phải là mới nhưng đã được triển khai rất thành công ở một số đại học bên Mĩ. Sinh viên sẽ học lâu hơn (7-9 năm), nhưng khi ra trường sẽ được trang bị kĩ năng lâm sàng và nghiên cứu khoa học rất tốt.

Có rất nhiều hiểu sai hay hiểu chưa đúng về mục đích và bản chất của văn bằng tiến sĩ. Có người hiểu học tiến sĩ là phải đề ra một học thuyết mới, hay sáng chế ra một sản phẩm mới có ích cho xã hội. Nhưng trong thực tế, học tiến sĩ phần lớn là học về phương pháp khoa học và cách tiếp cận khoa học. Cách hiểu truyền thống là người tốt nghiệp tiến sĩ chỉ làm trong hệ thống giáo dục đại học như giảng dạy và nghiên cứu khoa học (và đây cũng chính là cách người viết bài này từng hiểu). Nhưng qua trải nghiệm thực tế và một lần tiếp xúc với một hiệu trưởng của một trường đại học ở Melbourne, tôi nghĩ cách hiểu trên có lẽ quá hẹp, vì trong thực tế người tốt nghiệp tiến sĩ (và tôi chỉ nói tốt nghiệp từ các trung tâm đào tạo nghiêm chỉnh) có thể áp dụng phương pháp khoa học cho nhiều lĩnh vực ngoài khoa học. Tôi tin rằng với cải cách theo hướng hai hệ tiến sĩ hàn lâm và hướng nghiệp sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận với xu hướng mới trên thế giới.

Box 1

Con đường từ tiến sĩ đến giáo sư

Con đường từ tốt nghiệp tiến sĩ, đến hậu tiến sĩ, và đến giáo sư rất “gập ghềnh”. Theo thống kê, chỉ có 10% nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở lại với nghiên cứu khoa học vì không có cơ hội (1). Một phân tích khác của Royal Society (2) cho thấy hành trình từ khi tốt nghiệp tiến sĩ đến một nhà khoa học thực thụ cũng rất gian nan. Theo thống kê của báo cáo này:

· hơn phân nửa (53%) tiến sĩ ở Anh tìm sự nghiệp ngoài khoa học và kĩ thuật;

· 17% làm nghiên cứu ở các công ti kĩ nghệ;

· 30% tìm được việc làm ở giai đoạn đầu sự nghiệp (tức là hậu tiến sĩ, giảng viên, assistant professor) trong các đại học.

Chỉ có 3.5% trong số tốt nghiệp tiến sĩ tìm được việc làm nghiên cứu khoa học trong các đại học. Chỉ có 0.45% (tức ~5 người trên 1000) sau này trở thành giáo sư thực tụ (2). Còn số người thành giáo sư thực thụ và có labo độc lập thì còn hiếm hơn nữa.

Thời gian từ tiến sĩ đến xong hậu tiến sĩ là từ 3-6 năm, nhưng cũng có thể lâu hơn. Điều này chỉ để nói rằng đào tạo được một nhà khoa học thực thụ cần thời gian và đầu tư nhiều công sức và tài nguyên.

(1) https://www.ecoom.be/en/research/doctoralcareers

(2) http://royalsociety.org/uploadedFiles/Royal_Society_Content/policy/publications/2010/4294970126

Số giáo sư tăng "đột biến" không phải là hiện tượng mới

Tôi mới phát hiện rằng số giáo sư được ‘phong’ trong quá khứ đã có vài lần tăng đột biến, chứ không phải chỉ năm nay. Có năm (1991, 1996) số giáo sư và phó giáo sư cộng lại gần xấp xỉ con số 1000! Biểu đồ dưới đây cho thấy xu hướng phong giáo sư và phó giáo sư trong 38 năm qua.

Chúng ta biết rằng qui chế phong giáo sư được khởi xướng từ năm 1980. Năm đó có đến 83 người được phong giáo sư và 347 người là phó giáo sư. Hai năm sau, số GS và PGS lần lượt là 117 và 664, tính ra tăng 82% so với năm 1980. Lạ lùng thay, đến năm 1986, số người được phong GS giảm xuống chỉ còn 6 người, và số PGS cũng chỉ 10 người! Cá biệt hai năm 1989 và 1997, chỉ có 2 người được phong GS và không có ai được phong PGS. Từ 1998 đến 2000 không có đợt phong giáo sư (?)

Bắt đầu từ năm 2001 trở đi, tình hình có vẻ ‘ổn định’, với tổng số GS và PGS dao động giữa 400 và 700. Nhưng đến năm 2017, như chúng ta thấy có sự tăng đột biến. Số GS/PGS (85 GS và 1141 PGS) năm 2017 tăng 74% so với năm 2016.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại những năm trong thế kỉ 20 thì đó không hẳn là quá cao. Chẳng hạn như năm 1992, Nhà nước phong giáo sư cho 247 người, và con số này là kỉ lục trong suốt 38 năm qua. Ngay cả những năm 1984, 1992, 1996 và 2002, con số GS dao động trong khoảng 115 đến 210 người!

Để thấy những con số GS/PGS của Việt Nam là bất bình thường, chúng ta phải nhìn sang Thái Lan để so sánh. Số liệu năm 2015 của Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết các đại học hiện có 6376 associate professor và 754 professor (tức cỡ “giáo sư” của Việt Nam). Tính chung, các đại học Thái Lan có khoảng 7130 giáo sư và phó giáo sư. Ở Việt Nam, chỉ tính từ 2001, đã có 981 giáo sư và 8074 phó giáo sư, tức tổng số cao hơn Thái Lan khoảng 27%!

Trong thực tế, nếu nhìn vào chuẩn đề bạt thì có lẽ đa số phó giáo sư của Việt Nam chỉ tương đương với Assistant Professor của Thái Lan. Cũng có thể nói rằng qua “track record,” đa số giáo sư Việt Nam có thể tương đương với Associate Professor hay thấp hơn của Thái Lan.

Tóm lại, hiện tượng tăng “đột biến” số giáo sư và phó giáo sư trong năm qua không phải là mới. Trong quá khứ đã có ít nhất là 3 đợt tăng đột biến như thế. Những xu hướng tăng giảm một cách đột biến như thế phản ảnh qui trình và tiêu chuẩn “phong” hay “công nhận” giáo sư ở Việt Nam có vấn đề. Có lẽ vấn đề lớn nhất là những tiêu chuẩn đặt ra thiếu tính khoa học (bởi vì nếu mang tính khoa học thì con số không thể ‘irreproducible’ như trong thời gian qua). Nếu thiếu tính khoa học thì có lẽ các tiêu chuẩn được đặt ra vì mục đích khác chứ không vì mục đích khoa học.

Hình tượng giáo sư qua Socrates

Những thảo luận chung quanh về một đại học có chủ trương bổ nhiệm giáo sư dẫn đến tranh luận về ý nghĩa của chữ “giáo sư”. Nhưng hình như chưa có ai lí giải thế nào là một giáo sư. Lí giải được câu hỏi này sẽ giúp cho sự hiểu biết về chức danh giáo sư tốt hơn. Trong một bài luận bàn về Socrates, tác giả David Knox (1) diễn giải thế nào là một giáo sư qua hình ảnh của nhà hiền triết Socrates. Ở đây, tôi diễn giải mô hình đó theo ý nghĩa hiện đại của chức danh “giáo sư”.

Image result for Socrates

Socrates

Bàn về chức danh giáo sư, không thể không nhắc đến một nhân vật rất quan trọng trong văn minh phương Tây: Socrates. Có lẽ nhiều người biết rằng Socrates (sinh ra vào khoảng 470 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại Hi Lạp, nhưng ông còn là một “tượng đài” của giới hàn lâm. Tuy nhiên, điều kì lạ là ông không để lại đời một tác phẩm nào. Tất cả những gì người đời sau biết về ông là qua những tác phẩm của hai người học trò danh tiếng là Plato và Xenophon. Di sản học thuật của Socrates đã được viết thành nhiều bộ sách, tôi thiết nghĩ không cần (và cũng không thể) nói ra một cách đầy đủ ở đây. Chỉ nói ngắn gọn rằng Socrates được xem là “cha đẻ” của tư tưởng triết học phương Tây.

Sự nghiệp sáng chói của ông bị kết thúc một cách bi thảm. Năm ông 70 tuổi, Socrates bị đưa ra toà án công chúng xử về tội không công nhận Thượng đế mà Nhà nước thì công nhận Thượng đế, và tội làm hư hỏng giới trẻ. Cuộc xử xét công khai ở Thủ đô Athens, với sự tham dự của cư dân và môn sinh của ông. Bồi thẩm đoàn kết tội ông với số phiếu 280 là có tội và 220 phiếu vô tội. Khi toà cho ông tự định tội, ông mỉa mai nói rằng đáng lí ra ông nên được tưởng thưởng cho những việc làm và tư tưởng của ông. Toà cho ông chọn hình phạt tử hình hoặc lưu vong; ông bình thản chọn án tử hình và ông là người tự thi hành án. Ông vẫn kháng án và đề nghị án phạt tiền, nhưng tòa không chấp nhận đề nghị đó. Ông được điệu đến một nhà tù, và người ta để ông tự uống độc dược. Theo Plato, trong giây phút cuối đời, ông trăn chối với một người học trò là “Chúng ta còn nợ Asclepius một con gà trống. Nhớ trả cho ông ấy.” Xin nhắc lại rằng Asclepius là thần thành hoàng của nghề y. Và, thế là ông ra đi vĩnh viễn ở tuổi 70. Có người cho rằng ông chết vì tính ngạo mạn, nhưng cũng có người đề cao tính “nói là làm” của ông.

Trong giới khoa bảng, Socrates là một tượng đài về học thuật, một người được xem là Á Thánh. Ông là người đề xướng cái mà giới hàn lâm thường gọi là Phương pháp Socrates. Những suy nghĩ và cách làm trong Phương pháp Socrates đặt nền móng cho Phương pháp Khoa học (Scientific Method) mà chúng ta sử dụng ngày nay. Theo Phương pháp Socrates, để giải một vấn đề phức tạp, chúng ta chia vấn đề ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, đặt ra giả thuyết, rồi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, sau cùng đúc kết thành một giải đáp toàn diện. Đó cũng chính là cách thức vận hành của khoa học hiện đại, theo cái mà chúng ta vẫn gọi là Scientific Method — Phương pháp Khoa học.

Socrates là một tấm gương tuyệt vời của một giáo sư, một anh hùng học thuật. Thật vậy, khi nói đến ý niệm về chức năng của — và những thành tố làm nên — một giáo sư, giới hàn lâm đều dùng Socrates làm mô hình chuẩn. Điều này hợp lí, vì Socrates không chỉ là một người thầy vĩ đại, mà còn là một nhà khoa học mẫu mực.

Giáo sư như là … người hùng

Có lẽ ít ai nghĩ rằng thời xưa ý niệm về giáo sư có liên quan mật thiết với ý niệm “anh hùng”. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, anh hùng là người có tài năng, có đóng góp lớn, có khí phách, và họ tồn tại như là những tấm gương tốt của nhân loại. Theo tác giả David Knox, vào thế kỉ 18-19, các học giả chia anh hùng thành 6 nhóm chính:

  • thần thánh;
  • nhà tiên tri;
  • thi sĩ;
  • giáo sĩ;
  • văn sĩ (những người trong thế giới văn chương); và
  • vua chúa.

Điều thú vị là vua chúa được xếp sau cùng trong bảng xếp hạng anh hùng! Anh hùng theo cách hiểu thời đó là những cá nhân có những hành động và việc làm siêu nhân. Người được tôn vinh là anh hùng chẳng những tài năng, mà thường mạnh mẽ hơn, thông thái hơn, can đảm hơn, sùng đạo hơn, và kiên nhẫn hơn người thường. Xin nói thêm là ý niệm về “anh hùng” thời đó không giống như “Anh hùng lao động” thời nay.

Danh từ “Giáo sư” trong tiếng Việt tương đương với danh từ “Professor” trong tiếng Anh. Chữ Professor trong tiếng Anh có xuất xứ từ tiếng Latin, có nghĩa là “Người thầy công chúng” (Public Teacher). Theo các đặc tính trên, các học giả thời thế kỉ 18-19 xem giáo sư như là những anh hùng. Những người như Socrates (và học trò ông là Plato), Aristotle, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, v.v. là những người thầy công chúng, và cũng là những anh hùng.

Theo nghĩa hiện đại, giáo sư là người thầy. Vậy thì điều gì phân biệt một giáo sư với một người thầy tiểu học hay thầy dạy nghề? Để trả lời câu hỏi đó, các học giả dựa vào những đặc tính của sự nghiệp của Socrates để định nghĩa thế nào là một giáo sư hiện đại. Đó là 6 đặc tính liên quan đến học thuật, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, thẩm quyền chuyên môn, chính kiến, và làm gương cho sinh viên.

1. Học giả

Giáo sư trước hết là một học giả, hiểu theo nghĩa “scholar” trong tiếng Anh. Chính cái “chất” học giả này làm cho giáo sư khác với thầy giáo thông thường. Học giả theo cách hiểu thông thường là người có kiến thức uyên thâm về một lĩnh vực chuyên môn. Lĩnh vực chuyên môn có thể là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Tính cách học giả còn có nghĩa là giáo sư phải giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho môn sinh, chứ không phải chỉ giữ kiến thức cho cá nhân.

Thật ra, chữ “scholar” có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp là “schole”, có nghĩa là “thì giờ thư nhàn.” Những người như Socrates và môn sinh của ông có thời gian nhàn nhã, nên họ có điều kiện để suy nghĩ sâu về những vấn đề mang tính triết lí và ý nghĩa của cuộc đời. Có lẽ chính vì thế mà công chúng thường có ấn tượng về giáo sư như là những người nhàn hạ, ngồi ở tháp ngà, chuyên bàn chuyện “trên mây”, chẳng liên quan gì đến thực tế. Dĩ nhiên, ấn tượng về giáo sư tháp ngà như thế có thể đúng với thời xưa, nhưng không còn đúng trong thời đại ngày nay. Khi nghĩ đến giáo sư như là học giả, tôi nghĩ ngay đến những người cụ Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, hay xa xưa hơn là Nguyễn Trãi.

2. Nhà nghiên cứu

Socrates quan niệm rằng tri thức có thể đúc kết từ nghiên cứu khoa học theo Phương pháp Socrates (tức Phương pháp Khoa học ngày nay). Nhưng tri thức do Socrates tạo ra không phải để ông hưởng lợi cá nhân, mà là để đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Do đó, quan niệm về người giáo sư hiện đại phải là người có khả năng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu, và chuyển gia tri thức đó giúp cho xã hội và nhân loại tốt hơn.

Vì thế, giáo sư không chỉ là một học giả, mà còn là một nhà nghiên cứu. Thời gian nhàn nhã của giáo sư không phải để tiêu khiển, mà thực chất là để nghiên cứu. Nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu được của một giáo sư, và chính nghiên cứu là yếu tố làm nên tính cách của một giáo sư, để phân biệt họ với người thầy dạy nghề. Người thầy dạy nghề hay thầy bậc tiểu học không làm ra tri thức mới bằng phương pháp khoa học.

3. Thành viên của cộng đồng học thuật

Vào thế kỉ 18-19 (và vào thời của Socrates), Âu châu có một những cộng đồng gọi là “Cộng hoà văn chương” (Republic of Letters). Theo cách hiểu ngày nay, Cộng hoà văn chương thực chất là cộng đồng học giả, là những hiệp hội chuyên ngành. Socrates và học trò ông từng tham gia vào những cộng đồng học thuật ở thủ đô Athens, và họ đàm đạo chuyện triết lí trong các cộng đồng đó.

Theo nghĩa hiện đại, giáo sư phải là một thành viên tích cực trong “cộng hoà văn chương” hay cộng đồng học thuật. Nói cách khách, giáo sư phải là một thành viên của các hiệp hội chuyên môn. Cộng đồng học thuật không có biên giới chính trị, không phân biệt ý thức hệ. Giáo sư ở Nga hay ở Mĩ vẫn có thể trao đổi trong cộng đồng học thuật. Giáo sư phải tương tác với các đồng nghiệp (trong và ngoài nước) trong các cộng đồng học thuật. Hình thức tương tác là công bố những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, những công trình học thuật trên các tập san của cộng đồng. Ngày nay, chúng ta hiểu rằng đó là công bố quốc tế. Do đó, giáo sư phải có công bố quốc tế, vì đó là một thành tố tạo cái chính danh của giáo sư.

4. Người có thẩm quyền

Giáo sư là người có thẩm quyền về một lĩnh vực chuyên môn. Xã hội kì vọng rằng chiều sâu và bề rộng về kiến thức của giáo sư phải cao và rộng hơn người thầy tiểu học. Giáo sư không chỉ phải có kiến thức sâu và rộng, mà kiến thức không được “bất biến”. Điều này có nghĩa là giáo sư phải là người năng động, lúc nào cũng tìm cái mới, lúc nào cũng tự trau dồi kĩ năng và kiến thức. Theo cách hiểu hiện đại, giáo sư phải liên tục có những công trình khoa học công bố trong các diễn đàn học thuật.

Những kiến thức của giáo sư phải được chuyển giao qua hình thức cố vấn cho Nhà nước hay các tổ chức hoạt động vì lợi ích chung của dân tộc. Lúc sinh tiền, Socrates là một mẫu mực về thẩm quyền. Ông phân biệt những vấn đề lớn và những vấn đề nhỏ, những vấn đề lâu dài và những vấn đề cấp thời. Môn sinh của ông là những người xuất thân từ các gia đình giàu có ở Hi Lạp. Ông dùng kiến thức của mình để đào tạo những môn sinh, với kì vọng họ sẽ trở thành những lãnh đạo tương lai. Đó cũng chính là một trong những chức năng của giáo sư thời nay.

5. Người phản biện

Giáo sư là một học giả, một nhà khoa học, và cũng là một nhà trí thức. Nhà trí thức thời nào cũng có những tính phổ quát là tôn trọng lí tưởng chân thiện mĩ, độc lập trong suy nghĩ, hoài nghi lành mạnh, và tự do sáng tạo. Giáo sư phải có niềm tin, hay cái mà tiếng Anh gọi là “conviction” (có lẽ hiểu là “lập trường”). Giáo sư, do đó, phải có chính kiến, nhưng chính kiến của họ không phải dựa trên cảm nhận cá nhân, mà qua đúc kết từ các nghiên cứu của chính họ. Nói theo ngôn ngữ thời nay, giáo sư phải có tinh thần phản biện, và sẵn sàng nói ngược lại những gì mà Nhà nước làm, và tinh thần phản biện vì lợi ích của cộng đồng.

6. Tấm gương

Lúc sinh tiền, Socrates là một nhà giáo mẫu mực, người mà lời nói đi đôi với hành động. Dù ông không chấp nhận bản án dành cho ông, nhưng ông thượng tôn pháp luật do chính ông đề ra, và ông sẵn sàng chọn cái chết vì tinh thần đó. Do đó, một cách lí tưởng, giáo sư hiện đại phải là tấm gương cho sinh viên và học sinh. Giáo sư phải thực hành những gì họ giảng, và qua đó mới tạo được niềm tin ở sinh viên. Có thể có người không đồng ý với đặc tính này của giáo sư, nhưng đó là một thực tế. Sinh viên và học sinh nhìn vào giáo sư để phấn đấu và để tìm cho mình một hình tượng mẫu, để theo đuổi một định hướng.

Tóm lại, sáu đặc điểm trên đây trong cuộc đời và sự nghiệp của Socrates chính là những thành tố tạo nên một giáo sư hiện đại. Ý niệm về giáo sư có gốc gác từ ý niệm về người hùng vào các thế kỉ trước, và người hùng tiêu biểu là triết gia Socrates, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử. Có lẽ đa số giáo sư ngày nay không dám nhận mình đứng ngang hàng với các bậc tiền bố đó, nhưng việc làm của họ cũng không khác gì mấy so với việc làm của giáo sư ngày nay: giảng dạy, nghiên cứu, và phụng sự xã hội.

Giáo sư là nhà giáo, là một thành phần trong giai cấp thầy. Nhưng giáo sư là thầy giáo công chúng, chứ không đơn thuần là thầy giáo tiểu học hay dạy nghề. Giáo sư khác với thầy giáo thường ở điểm họ chẳng những giảng dạy, mà còn nghiên cứu khoa học và sản sinh ra tri thức mới. Tri thức mới không phải cho cá nhân họ, mà phải đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Cần nói thêm rằng danh từ “giáo sư” trong tiếng Latin có nội hàm là người có thẩm quyền và chuyên gia. Nội hàm thẩm quyền và chuyên gia được xây dựng trên giảng dạy (đào tạo) và nghiên cứu của cá nhân giáo sư. Do đó, một người không hành nghề giảng dạy và cũng không nghiên cứu không thể là một giáo sư đúng nghĩa.

Những “ôn cố tri tân” củ David Knox có liên quan đến việc hiểu thế nào là giáo sư ở nước ta. Trong thực tế, nước ta có nhiều người mang hàm giáo sư nhưng họ không giảng dạy hay nghiên cứu. Do đó, có lẽ đến lúc cần cải cách qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư. Cũng như một số người phát biểu trên báo chí, tôi cho rằng nên trả danh từ “Giáo sư” về cho đại học, và nên trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho đại học. Bất cứ đại học nào cũng đều có quyền bổ nhiệm giáo sư, nếu đại học có sẵn một qui trình minh bạch và một bộ tiêu chuẩn khoa học.

***

(1) “Socrates: The First Professor” của David Knox, đăng trên Innovative Higher Education 1998;23:2.

A new Department of Clinical Epidemiology for Danang University

I am very pleased that the Faculty of Medicine (University of Danang, UDN) has established a new Department of Clinical Epidemiology. This was one of my initiatives to help build the training curriculum for medical students at UDN. The Department will run 3 (or 4) courses in Clinical Epidemiology, Clinical Biostatistics, Clinical Research Methodology, and Evidence-based Medicine for year 3, 4, and 5 students, respectively. Every course emphasizes clinical applications. I do not want to teach probability and statistics to medical students; I want to provide them with knowledge and skills in epidemiology and biostatistics that can be used for solving real world problems and clinical decision making. I want to help train a new generation of doctors who are well versed with clinical research methodology. All courses will be taught in English.

My task is to build and transform the Department to be a world leading center for clinical research and teaching. I envisage that the mission of the Department is to train and educate the next generation of professional caregivers in health who will serve the people of Vietnam. I also envisage that the Department will conduct and promote high-quality research that addresses important questions about the etiology and treatment of common diseases in Vietnam.

I am looking for people with a solid research background in clinical medicine, clinical epidemiology, and/or clinical biostatistics. If you have a good track record of peer-reviewed research publications and you are interested in teaching, please feel free to contact me for further information. I hope that YOU can join me in this exciting opportunity to make meaningful contributions to medicine in Vietnam.

Note: photo was taken from McMaster University.

The Fourth Pan Asian Biomedical Science Conference

We are pleased to annouce that The Fourth Pan Asian Biomedical Science Conference will take place from December 5 to December 7, 2018 in Danang, Vietnam. This Conference is built on the success of the 3rd Conference which was held in Kuala Lumpur last year. The Conference is organized under the aegis of the University of Danang and the Asia International Science Consortium.

The theme of this year conference is “Biomedicine in the 21st Century: Asia-Pacific Insights“. The Organizing Committee, under the chairmanship of Professor Tuan V. Nguyen of the Garvan Institute of Medical Research (Australia) and A/Professor Nguyen Dang Quoc Chan of Danang University’s Faculty of Medicine, is developing a very stimulating scientific program that will bring together the region’s best in the field of biomedical science. We will have invited speakers from Malaysia, Thailand, Singapore, Hong Kong, Vietnam, and Australia.

The Conference will feature six tracks that are relevant to clinicians, basic scientists, and health care professionals:

· Clinical translation

· Traditional medicine

· Personalized medicine

· Risk assessment

· Medical devices

· High thoroughput data and bioinformatics

The Organizing Committee is keenly to welcome you to the beautiful city of Danang. The city hosted the APEC Economic Leaders’ Week in 2017. Danang offers the most convenient and pleasant setting for international scientists and guests. We really hope you will visit My Khe beach in Danang which is considered one of the world’s best beaches. You will have opportunities to visit several landmarks of the ancient Champa civilization.

We look forward to welcoming you in Danang this December!

Professor Tuan V. Nguyen

A/Professor Chan D. Nguyen

Co-chairs, Organizing Committee