Kinh nghiệm viết và công bố bài báo khoa học

Báo VNexpress có nhã ý hỏi tôi chia sẻ về kinh nghiệm viết bài báo khoa học. Tôi nghĩ bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học cũng đều có những trải nghiệm khó quên, nhất là những trải nghiệm đầu tiên. Trong bài này, tôi xin chia sẻ cùng các bạn kinh nghiệm soạn và công bố bài báo khoa học, và những bài học của mỗi lần trải nghiệm. Tôi sẽ chia sẻ trong vai trò của một tác giả và người biên tập.

Những bài học rút ra từ người học trò

Bài báo đầu tiên tôi viết đã gần 30 năm trước đây và lần trải nghiệm đó thật khó quên. Tôi có hai người thầy hướng dẫn, nhưng người hướng dẫn phụ trong thực tế lại là người … hướng dẫn chính. Lí do là giáo sư hướng dẫn chính rất bận rộn, mỗi tháng chỉ gặp riêng khoảng vài phút, nhưng hàng tuần thì vẫn gặp trong các buổi họp labo. Do đó, công việc ‘cầm tay chỉ việc’ lại do một giáo sư trẻ hơn phụ trách. Vị giáo sư đó cũng bận với công việc bên bệnh viện và đại học, nên ông cũng chỉ gặp tôi mỗi tuần khoảng 10 phút để trao đổi và kiểm tra tiến độ công việc. Sự huớng dẫn của giáo mang tính định hướng, chứ không đi vào chi tiết. Người đi vào chi tiết là một nhà khoa học cấp thấp hơn, như hậu tiến sĩ chẳng hạn. Sau này tôi mới hiểu bài học thứ nhất là làm nghiên cứu sinh chủ yếu là tự học dưới sự hướng dẫn của giáo sư; do đó, năng lực cũng như kĩ năng tự học rất quan trọng.

Trước khi soạn bài báo đầu tiên, giáo sư hướng dẫn nói với tôi rằng đây là một nghiên cứu quan trọng, và ý định là sẽ công bố trên một tập san danh giá. Vấn đề là bắt đầu từ đâu? Ông khuyên tôi nên tìm đọc những bài trước đây trên tập san đó, và cứ thế mà viết theo. Thời đó, các tập san khoa học xuất bản trên báo giấy, chứ không có phiên bản trực tuyến, và tôi phải vào thư viện để sao lại những bài báo liên quan. Bài học 2 mà tôi học được là học từ những bài báo trước đã công bố trên tập san mà mình có ý định sẽ công bố.

Sau hơn 8 tuần lễ miệt mài viết, soạn hình ảnh, chỉnh sửa, và lại chỉnh sửa, cuối cùng tôi cũng có một bản thảo dài hơn 30 trang. Tôi rất tự hào với thành quả của mình, và hẹn giờ để trình bày cho giáo sư hướng dẫn xem và góp ý. Giáo sư hướng dẫn nhìn qua bản thảo của tôi, ông đột nhiên quăng vào thùng rác bên cạnh, và nhìn tôi dò xét. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên, có chút tức tối nhưng cũng lúng túng, không biết làm gì và nói gì. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ tiếng Anh của mình tệ như thế?’

Ông nhìn tôi và mỉm cười, nhặt bản thảo lên, rồi giải thích những sai sót và những chỗ chưa đúng với chuẩn mực khoa học. Vừa giải thích, ông vừa sửa (bằng bút mực đỏ), gạch bỏ chỗ này, viết thêm chỗ kia, ghi chú trên hình ảnh, v.v. Và, kết quả là một bản thảo đầy màu đỏ! Nó không còn là văn của tôi nữa. Tôi còn nhớ ông giáo sư phê bình văn viết của tôi nặng chất thơ quá và nhiều chữ rhetoric quá (có lẽ tôi xuất thân từ văn hoá Việt Nam và quen với những ví von). Lí do đơn giản là vì văn phong khoa học có những đặc thù và thuật ngữ mà chỉ có người trong chuyên ngành mới am hiểu. Bài học 3 là tiếng Anh mà chúng ta học từ trường hay qua các kì thi như TOEFL, IELTS tuy có ích trong giao tiếp nhưng giúp rất ít vào việc viết bài báo khoa học.

Văn phong khoa học không thể ví von và màu mè, mà phải chính xác, đơn giản và có khi hình tượng. Theo Giáo sư Steven Pinker, một phần ba của bộ não con người được giành cho thị giác, và sự thật này có nghĩa là văn chương khoa học phải làm cho độc giả ‘thấy’ mục tiêu cụ thể của bài báo, và làm được điều này sẽ có hiệu ứng rất tích cực cho bài báo. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy rằng độc giả hiểu và nhớ các thông tin tốt hơn khi thông tin được diễn tả bằng một ngôn ngữ mà họ có thể thấy bằng hình ảnh. Ngoài ra, mỗi bài báo là một câu chuyện, và cách viết kể chuyện giúp người đọc lãnh hội rất nhanh. Ngày nay, cách viết kể chuyện hay đàm thoại cũng được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo các tác giả nên viết. Bài học 4 mà tôi học được là viết văn khoa học phải nhắm đến kể một câu chuyện có đầu, có đuôi, và văn phong giàu hình ảnh.

Người mới bước vào khoa học như tôi thời đó chưa có tầm nhìn lớn, nên rất quan tâm (thậm chí ‘khoe’) đến phần phương pháp và kĩ thuật, nhưng người có kinh nghiệm thì quan tâm đến thông điệp chính của bài báo. Câu hỏi mà giáo sư hướng dẫn hay giày vò là tại sao bài báo này quan trọng, và cái thông điệp chính là gì. Có khi phải bỏ ra cả tuần chỉ nghĩ ra cách viết thông điệp chính. Thông điệp đó phải được viết bằng văn phong đơn giản. Giáo sư hướng dẫn thường hay chỉ tay xuống đường phố và nói với tôi rằng ‘phải viết sao cho người lái taxi vẫn hiểu được.’ Thông điệp chính phải phải nhất quán với dữ liệu, không được phát biểu những gì đi ra ngoài phạm vi của dữ liệu. Bài học 5 là nội dung và thông điệp bài báo rất quan trọng, nên cần phải đầu tư thời gian để viết cho thuyết phục.

Dữ liệu ở đây không phải là số liệu, mà còn là hình ảnh và y văn trước đây. Dữ liệu phải được trình bày bằng một hình thức trang nhã. Trang nhã từ cách chọn màu, chọn phông chữ, kích thước chữ, khoảng cách giữa các dòng chữ, v.v. đều phải đảm bảo đúng như yêu cầu của tập san. Thời đó, những hình ảnh chưa được số hóa, nên phải in trên giấy bóng, mà phải kèm theo chú thích sao cho người đọc có thể hiểu được một cách dễ dàng. Giáo sư hướng dẫn tôi thường hay nói câu tương đương với cách nói của người Việt chúng ta, ‘người đẹp vì lụa’, có nghĩa là một nội dung hay và quan trọng cần phải được cho ‘mặc’ một bồ đồ đẹp và trang nhã. Bài học 6 là hình thức trình bày dữ liệu cũng rất quan trọng.

Nhưng bản thảo chưa dừng ở đó, mà còn phải qua nhiều chỉnh sửa từ những người đồng tác giả nữa. Chỉ riêng với giáo sư trực tiếp hướng dẫn, bản thảo đã phải qua ít nhất 5 lần chỉnh sửa. Giáo sư hướng dẫn chính tuy là người ít gặp nhất, nhưng lại là người chỉnh sửa nhiều nhất. Ông nổi tiếng là người rất thông minh (học cử nhân năm 15-16 tuổi), khó tính, và rất elite, và ông kì vọng những người chung quanh phải như ông! Ông chỉnh sửa thêm, yêu cầu phân tích lại một số câu hỏi, và ‘ác mộng’ là vấn đề trình bày hình ảnh sao cho có chất lượng tốt. Ông cũng chính là người quyết định ai là tác giả đầu (tôi), ai là tác giả thứ hai (giáo sư hướng dẫn phụ), và ai là tác giả sau cùng (chính là ông). Sếp có thể không phải là người trực tiếp hướng dẫn, nhưng lại là người có tiếng nói sau cùng; đây chính là người chịu trách nhiệm chính trước công chúng, là tác giả liên lạc (correspondence author). Lúc này tôi mới học được bài học 7 là thứ tự tác giả rất quan trọng, vì nó cho biết ai là ‘sếp’ trong công trình nghiên cứu.

Sau giáo sư hướng dẫn chính phê chuẩn bản thảo, nó được gửi cho một tập san danh tiếng qua đường bưu điện bảo đảm. Thời đó, chưa có hệ thống nộp bài báo trực tuyến như bây giờ, nên tất cả bản thảo (4 bản sao) đều phải gửi qua bưu điện hỏa tốc. Khoảng 6 tháng sau, chúng tôi nhận được thư của ban biên tập, kèm theo những bình luận của 3 chuyên gia nặc danh trong chuyên ngành. Đọc qua 8 trang bình duyệt của họ, cảm giác đầu tiên của tôi là choáng váng. Bình luận mang tính khen có, nhưng chê thì nhiều hơn. Khổ nỗi những gì họ chê xem ra … rất có lí. Có chuyên gia đòi hỏi thêm dữ liệu mà chúng tôi không thể nào có được. Hai giáo sư hướng dẫn xem qua bình duyệt và quyết định có lẽ bài báo không có cơ hội ở tập san này (đó là tập san New England Journal of Medicine — NEJM). Bài học 8 là chuẩn bị tinh thần bị từ chối và bị chê, vì từ chối là một qui luật trong xuất bản khoa học.

Nhưng những ý kiến của các chuyên gia bình duyệt rất có ích để chỉnh sửa tiếp. Chúng tôi nộp cho một tập san khác tuy cũng có uy tín cao, nhưng thấp hơn tập san NEJM. Lại chờ thêm 4 tháng để nhận được thư bình duyệt, nhưng lần này thì khả quan và ‘thân thiện’ hơn lần trước. Ban biên tập cho chúng tôi 3 tháng trả lời các bình luận, và nộp lại bản thảo. Khi ban biên tập cho cơ hội trả lời có nghĩa là chúng tôi có … cơ may. Lại thêm một thời gian quay quần trong chu trình bình duyệt lần thứ hai – trả lời lần 2 – bình duyệt lần 3 – trả lời lần 3, v.v. tất cả tốn gần 2 tháng nữa thì bài báo mới được chấp nhận cho công bố. Như vậy, tính từ lúc hoàn thiện bản thảo đến lúc công bố mất khoảng 1 năm. Đó là thơi gian trung bình, vì trong thực tế, có những bài báo may mắn hơn và có thời gian công bố ngắn hơn, nhưng cũng có những bài báo cần đến 2 năm để có nơi công bố. Bài học 9 là mỗi lần bị từ chối là một cơ hội để cải thiện cho lần sau, tập san có uy tín càng cao thì yêu cầu về phẩm chất càng cao và họ từ chối càng nhiều.

Trả lời bình duyệt là một nghệ thuật nhưng cũng là một khoa học. Nghệ thuật là đặt vấn đề và những phê bình của các chuyên gia trong bối cảnh. Có khi cùng một dữ liệu, nhưng có chuyên gia khen, mà cũng có chuyên gia chê, và nghệ thuật ở đây là dung hoà hai quan điểm trái chiều. Tính khoa học là trả lời bình duyệt bằng chứng cứ và dữ liệu khoa học, chứ không cảm tính và tuyệt đối không được chỉ trích cá nhân. Không bao giờ bảo chuyên gia bình duyệt nên đọc bài báo này hay cuốn sách kia, vì đó là một cách trả lời rất ư mất lịch sự và thiếu tôn trọng, và bài báo rất dễ bị từ chối. Bài học 10 là trả lời các ý kiến bình duyệt một cách đầy đủ, lịch sự, và có chứng cứ.

Công bố được một vài bài báo khoa học là một thành tích, nhưng chưa thể thành thạo trong cách viết bài báo khoa học. Sau bài báo đầu tiên, tôi lao vào nghiên cứu và viết một loạt bài báo khoa học liên quan. Tuy nhiên, cứ mỗi lần tôi viết xong thì hai giáo sư hướng dẫn lại … tiếp tục sửa. Họ sửa nhiều đến nỗi đến bài thứ 5 mà tôi vẫn thấy mình hình như chẳng viết được bài nào hoàn chỉnh! Nhưng thú thật tôi thấy bài nào hai giáo sư sửa đều hợp lí và … hay. So sánh bản thảo của mình và bản thảo sau khi đã được chỉnh sửa, tôi thấy rõ ràng là mình vẫn chưa học hết kĩ năng bài báo khoa học. Thật ra, kĩ năng tiếng Anh chỉ là một vấn đề; vấn đề lớn hơn là bức tranh chung và chiến lược viết, và chiến lược thì đòi hỏi người giàu kinh nghiệm trong chuyên ngành. Phải đến bài thứ 10 và năm thứ 4 tôi mới cảm thấy mình đủ tự tin để tự mình soạn một bài báo khoa học. Do đó, đối với một người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, cho dù đã xong luận án tiến sĩ, thì vẫn chưa đủ khả năng để tự mình viết bài báo khoa học hoàn chỉnh.

Cơ chế bình duyệt và vận hành của ban biên tập

Theo thời gian, tôi có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho chuyên ngành qua việc tham gia bình duyệt và biên tập. Tôi trở thành chuyên gia bình duyệt cho các tập san, và sau này được giao cho trách nhiệm cao hơn là phó biên tập (Associate Editor) cho một số tập san, trong đó có tập san JBMR, được xem là quan trọng nhất và uy tín nhất trong chuyên ngành xương. Ban biên tập bao gồm người có trách nhiệm cao nhất là tổng biên tập, đến những người có trách nhiệm thấp hơn là 4 phó biên tập, và sau cùng là khoảng 20 thành viên (board members). Mỗi nhiệm kì ban biên tập là 5 năm, nhưng cũng có người được mời ở lại đến 3 nhiệm kì (trường hợp của tôi là một ví dụ).

Tập san JBMR nhận khoảng 1000 bài báo mỗi năm, nhưng đa số (khoảng 80%) là bị từ chối, và chỉ chấp nhận cho công bố khoảng 15-20%. Qua biên tập và quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo, tôi nhận ra rằmg các tập san khoa học là nơi có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất! Thật ra, người trong khoa học không gọi đó là cơ chế “kiểm duyệt”, mà là “gác cổng khoa học.”

Qui trình và ‘số phận’ của một bản thảo bài báo khoa học nằm trong sự tương tác giữa ban biên tập và chuyên gia bình duyệt. Nói là ‘ban biên tập’, nhưng người trực tiếp phụ trách chính là phó biên tập. Theo qui trình chuẩn này, khi bản thảo bài báo được gửi đến tập san thì hàng loạt việc làm sẽ được khởi động:

Trước hết, một nhân viên phụ tá của tập san sẽ kiểm tra bản thảo có đạt yêu cầu về cơ cấu, hình thức, và các qui định của tập san liên quan đến tài liệu tham khảo và các thông tin quan trọng. Mỗi tập san có những qui định riêng, và tác giả phải tuân thủ theo. Ngoài ra, phụ tá biên tập còn kiểm tra những câu văn có trùng hợp với các bài báo trước đây để đảm bảo đạo văn không xảy ra, hay ‘tự đạo văn’ ở mức độ có thể chấp nhận được. Bản thảo bài báo không đáp ứng các yêu cầu và qui định kĩ thuật này sẽ được trả lại cho tác giả để chỉnh sửa và nộp lại.

Sau khi phần kiểm tra kĩ thuật và qui định xong, bản thảo sẽ được tổng biên tập giao cho một phó biên tập phụ trách. Một tập san có 3-5 phó biên tập, và mỗi người phụ trách một mảng chuyên môn hẹp mà phó biên tập có tiếng. Phó biên tập đọc qua bản thảo và sẽ quyết định từ chối hay hoặc gửi ra ngoài cho các chuyên gia bình duyệt. Nếu từ chối ngay, thì tác giả sẽ được thông báo trong vòng 1 tuần bằng một lá thư tôi hay nói đùa là ‘lá thư đau lòng’ (vì câu đầu tiên là ‘tôi đau lòng báo tin rằng …’). Nếu quyết định bản thảo có thể gửi ra ngoài bình duyệt, thì 2-3 chuyên gia có tiếng trong chuyên ngành sẽ được mời bình duyệt.

Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho phó biên tập. Báo cáo của mỗi chuyên gia tập trung vào ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải kết quả. Họ cũng kèm theo một khuyến cáo: (a) chấp nhận cho công bố không cần sửa; (b) cần sửa chút ít; (c) cần chỉnh sửa nhiều hay viết lại; hay (d) từ chối. Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì khả năng bài báo sẽ bị từ chối lên rất cao. Có nhiều trường hợp bài báo phải trải qua 3 lần bình duyệt, và tốn rất nhiều thời gian (trên 12 tháng) nhưng cuối cùng có khi vẫn bị từ chối!

Mỗi tháng, các tổng và phó biên tập họp nhau qua Skype để bàn về quyết định chấp nhận hay từ chối các bản thảo đã qua bình duyệt. Có bản thảo các chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối, nhưng ban biên tập có thể chấp nhận. Ngược lại, có bản thảo các chuyên gia đề nghị chấp nhận, nhưng ban biên tập quyết định từ chối. Quyết định từ chối hay chấp nhận ở cấp này thường ít dính dáng đến khoa học tính, mà cân nhắc đến khả năng bài báo được thu hút chú ý từ chuyên ngành khác hay truyền thông đại chúng, và nhất là cân nhắc đến tác giả chính. Có người trong ban biên tập tìm tác giả qua ORCID và xem thành tích trong quá khứ ra sao để quyết định nữa. Ví dụ như tuần rồi, số phận một bài từ Á châu, chúng tôi đang phân vân thì có người xem ORCID của tác giả chính và nói rằng người này đã từng có bài như thế này và chưa bao giờ được trích dẫn, và thế là đề nghị từ chối!

Nếu bài báo được chấp nhận, tác giả sẽ nhận được thư của tổng biên tập thông báo. Sau khi xong phần khoa học, bản thảo sẽ được gửi cho bộ phận sản xuất và biên tập của nhà xuất bản. Biên tập viên của nhà xuất bản sẽ xem xét tất cả những bảng biểu và văn bản trong bài báo. Có khi họ đề nghị chỉnh sửa cách viết cho gọn hơn, rõ ràng hơn, vì nhiệm vụ của họ là tiết kiệm chữ (và qua đó tiết kiệm mực in). Sau khi tác giả đồng ý với những chỉnh sửa của biên tập viên, bài báo sẽ được công bố lập tức trên mạng, và sau đó vài tháng trên báo giấy. Dĩ nhiên, ngày nay có nhiều tập san chỉ công bố trực tuyến chứ không có báo giấy.

Đa số bài báo bị từ chối công bố

Như đề cập trên, đa số những bản thảo gửi đến ban biên tập bị từ chối. Tỉ lệ từ chối dao động rất lớn giữa các tập san. Những tập san có ảnh hưởng lớn như New England Journal of Medicine, Science, Nature, Cell từ chối khoảng 90-95% bản thảo. Nên nhớ rằng những bản thảo được gửi đến những tập san này đã rất chọn lọc. Những tập san đa có uy tín cao trong y khoa như JAMA, BMJ, Nature Medicine, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation có tỉ lệ từ chối bản thảo dao động trong khoảng 80 đến 90%. Những tập san hàng đầu trong chuyên ngành như nội tiết, xương khớp, ung thư, tim mạch, v.v. thì tỉ lệ từ chối cũng khoảng 70-80%. Tuy nhiên, những tập san có hệ số ảnh hưởng thấp có xu hướng chấp nhận bản thảo trên 50%, có khi lên đến 80%. Đây chính là lí do tại sao công bố trên những tập san có uy tín cao là một dấu ấn về đẳng cấp của nhà khoa học.

Bài báo khoa học bị từ chối ở 3 giai đoạn: ban biên tập, bình duyệt, và tái bình duyệt. Tỉ lệ từ chối rất khác nhau giữa 3 giai đoạn. Một nghiên cứu trên tập san British Medical Journal (một trong những tập san y khoa hàng đầu thế giới), trong giai đoạn 1 (tức ban biên tập), tỉ lệ từ chối khoảng 50% những bài báo gửi đến, mà không gửi ra ngoài để bình duyệt. Giai đoạn 2, sau khi gửi đi cho các chuyên gia bình duyệt, thì vẫn bị từ chối khoảng 45%. Ngay cả ở giai đoạn 3 là tái bình duyệt, xác suất bị từ chối là khoảng 5%.

Một trong những câu hỏi đặt ra là có sự ‘kì thị’ hay thành kiến với các tác giả từ các nước nghèo (như Việt Nam chẳng hạn)? Bằng chứng khoa học cũng cho thấy quả thật có một sự kì thị trong tiềm thức đối với các tác giả từ các nước nghèo. Trong một thí nghiệm thú vị, các tác giả chọn một số bài báo của các nhóm nghiên cứu nổi tiếng từ Mĩ, nhưng đổi nhóm nghiên cứu thành những trung tâm ở các nước nghèo (Phi châu), và gửi các bài báo cho các nhà khoa học phương Tây. Kết quả cho thấy các bài báo không được đánh giá cao và cho điểm thấp hơn những bài báo có địa chỉ từ Mĩ. Đây là một trong nhiều chứng cứ cho thấy quả thật có sự “kì thị địa lí” trong khoa học.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cũng nhất quán với chứng cứ khoa học. Có những bài báo của đồng nghiệp từ trong nước được tôi giúp thiết kế nghiên cứu và biên tập, và đã được góp ý từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm cao từ Mĩ, nhưng khi gửi cho tập san vẫn bị chê là … viết sai tiếng Anh! Dĩ nhiên, khi yêu cầu chỉ ra sai chỗ nào thì chuyên gia bình duyệt không nói. Ngược lại, có bản thảo từ Úc của nghiên cứu sinh tôi, với tiếng Anh có vài chỗ sai về văn phạm và ngữ vựng (cố ý), nhưng tất cả chuyên gia bình duyệt không phàn nàn!

Tuy có sự kì thị trong tiềm thức, nhưng tỉ lệ từ chối không hẳn khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn như thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicine JAMA cho thấy tỉ lệ từ chối bài báo từ Mĩ và ngoài Mĩ không khác nhau. Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn, chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch), tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), nhưng bài báo từ Trung Quốc có tỉ lệ từ chối lên đến 99% vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt. Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology cho thấy trong thời gian 2003 – 2005, tập san này chấp nhận 72% những bài báo từ Mĩ, nhưng tỉ lệ này cho các nước ngoài Mĩ là 60%. Những chứng cứ thực tế trên đây cho thấy bài báo từ các nước nghèo hay kém phát triển thường có ‘nguy cơ’ bị từ chối cao hơn là những bài báo từ các nước tiên tiến.

Tại sao bài báo bị từ chối?

Lí do 1: bài báo không thích hợp cho tập san. Đây là lí do ban biên tập từ chối rất nhanh. Tập san khoa học có đẳng cấp riêng trong chuyên ngành, và đẳng cấp này có thể phân biệt qua hệ số ảnh hưởng (impact factor, viết tắt là IF). Tập san có IF cao cũng có nghĩa là có ảnh hưởng lớn, và những tập san này chỉ công bố những công trình quan trọng. Nếu công trình nghiên cứu không phải thuộc vào loại “đột phá” thì không nên gửi cho các tập san như Science và Nature, mà nên xem xét đến các tập san chuyên ngành.

Lí do 2: Thiếu cái mới. Có thể nói rằng ban biên tập của bất cứ tập san nào cũng thích cái mới trong một bài báo. Cái mới có thể là mới về phương pháp, mới về cách tiếp cận, kết quả mới, cách diễn giải mới, v.v. Do đó, những công trình nghiên cứu không có cái mới, không có yếu tố ‘ngạc nhiên’, không làm cho người đọc hào hứng, thì khó có cơ hội công bố trên các tập san có tiếng. Những nghiên cứu mà câu trả lời hay kết quả chẳng ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố. Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối với lí do này).

Lí do 3: Phương pháp nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu có thể ví von như là bộ xương của bài báo; bộ xương cứng thì cơ thể mới có thể đứng vững. Một nghiên cứu trên các nhà khoa học giải Nobel và tổng biên tập cho thấy gần 3/4 bài báo khoa học bị từ chối vì lí do phương pháp không đạt. Phương pháp ở đây bao gồm những khiếm khuyết về cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu (như thiếu nhóm chứng, , phương pháp đo lường chưa đạt, qui trình thực hiện thiếu tính hệ thống, phương pháp phân tích dữ liệu sai hay quá kém, cỡ mẫu không đủ. Trong giới biên tập người ta thường nói chỉ cần nhìn phần phương pháp là có thể đánh giá đẳng cấp của tác giả.

Lí do 4: cách trình bày dữ liệu. Nội dung bài báo quan trọng nhưng nếu trình bày không tốt cũng dễ bị từ chối. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiết về phương pháp nghiên cứu (25%).

Lí do 5: tiếng Anh. Một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy khoảng 1/4 những bài báo trong ngành y học bị từ chối là do tiếng Anh không đạt. Nhiều tập san có thể thông cảm nếu văn phong tiếng Anh có sai sót có thể chỉnh sửa được, nhưng họ không thể chấp nhận bài báo có quá nhiều sai sót về tiếng Anh. Về cách viết, các khoa học không ưa cách viết sử dụng từ ngữ hoa mĩ và sáo rỗng (ít thông tin), hoặc cách viết dùng những từ “đao to búa lớn” mà không có ý nghĩa cụ thể. Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiết (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.

Trên đây là những kinh nghiệm và bài học của một người từng làm nghiên cứu sinh, và những trải nghiệm của một người trong vai trò biên tập của vài tập san khoa học. Những kinh nghiệm này thật ra chẳng có gì mới, bởi vì những ai từng qua thời làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài đều ít nhiều trải qua, chỉ có khác nhau là môi trường khoa học mà thôi. Nội dung và thông điệp của bài báo rất quan trọng, nhưng tiếng Anh cũng đóng vai trò quyết định, nhất là đối với những tác giả từ các nước đang phát triển. Nhưng tiếng Anh là một rào cản lớn của rất nhiều nhà khoa học Việt Nam. Không nên kì vọng rằng một nghiên cứu sinh mới xong chương trình tiến sĩ hay hậu tiến sĩ ở nước ngoài là có ngay khả năng độc lập nghiên cứu và soạn bài báo khoa học. Những kĩ năng này đòi hỏi thời gian và tương tác với những người có kinh nghiệm tốt.

Ở nước ta, hiện nay các nghiên cứu sinh và giáo sư chịu áp lực công bố khoa học. Theo qui định mới, một nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Tôi nghĩ qui định này hợp lí (và đã có nhiều người, trong đó có tôi, kêu gọi trước đây). Tuy nhiên, vì tiếng Anh là rào cản lớn cho đa số nghiên cứu sinh và ngay cả người hướng dẫn luận án, nên yêu cầu 2 bài báo trong thực tế là một yêu cầu không thấp. Tôi nghĩ cần phải công bằng hơn bằng cách huấn luyện kĩ năng soạn bài báo khoa học cho tất cả các nghiên cứu sinh trước khi họ bắt tay vào nghiên cứu.

Ghi thêm: bản ngắn hơn đã đăng trên VNexpress hai kì theo đường link sau đây:

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/gs-nguyen-van-tuan-bai-bao-dau-tien-cua-toi-tung-bi-quang-vao-thung-rac-3724815.html

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/cong-trinh-nghien-cuu-duoc-tap-chi-quoc-te-kiem-duyet-the-nao-3725008.html

Những sai sót phổ biến về tiếng Anh trong bài báo khoa học

Một trong những đặc lợi của công việc editor là học. Học đủ thứ, từ ý tưởng, phương pháp, đến tiếng Anh. Học từ những người có kinh nghiệm hơn mình. Học từ những sai sót của người khác và sai sót của chính mình. Tôi mới đọc một bản thảo bài báo và liên tưởng ngay đến những sai sót rất phổ biến liên quan đến tiếng Anh trong bài báo khoa học. Cái note này sẽ cố gắng liệt kê những sai sót đó để các bạn cùng tham khảo và chú ý cho bài báo của mình.

Sai sót 1: lẫn lộn giữa số ít và số nhiều.

Đa số chúng ta đều biết số nhiều của cell, genecells, genes. Nhưng có những danh từ thỉnh thoảng làm người viết lẫn lộn do những bài báo từ Mĩ và Anh có cách viết khác nhau. Các bài báo Mĩ thường xem data là số ít, nhưng đúng ra đó là số nhiều của datum. Nói chung, những danh từ gốc Latin với um thì số nhiều là a: medium thành media, datum thành data, bacterium thành bacteria, optimum thành optima, symposium thành symposia, equilibrium thành equilibria, v.v.

Ngoài ra, những is, us thành eses, i: hypothesis số nhiều là hypotheses, thesis thành theses, axis thành axes, locus thành loci, fungus thành fungi, v.v. Điều này có nghĩa là khi chia động từ, các bạn nên nhớ phân biệt giữa “The data were analyzed by …”, chứ không phải “The data was analyzed by ….” (Tuy nhiên, tôi thấy nhiều tác giả Mĩ vẫn dùng data như là số ít).

Sai sót 2: chia động từ sai vì ‘quên’ chủ từ.

Bất cứ ai học tiếng Anh cũng đều biết chia động từ phải phù hợp với chủ từ số nhiều hay số ít. Nhưng những câu văn phức hợp thì có khi làm cho người viết “quên” chủ từ chính là gì, và dẫn đến chia động từ sai. Chẳng hạn như câu:

“The effects of bone loss on the risk of CVD disease was studied in a sample of …”

thì cách chia động từ sai, bởi vì chủ từ chính là “the effects”. Vì thế, đúng ra, câu văn trên nên viết là:

The effects of bone loss on the risk of CVD disease were studied in a sample of …”

Cũng cần chú ý đến or/either/neither, chỉ chia động từ theo chủ đề gần nhất. Ví dụ như

“Either the doctor or the patients was aware of the presence of AND”

thì không đúng, vì chủ từ gần nhất là patients. Do đó, phải viết câu trên là:

“Either the doctor or the patients were aware of the presence of AND”

Tuy nhiên, câu văn với none thì thường chia động từ theo số ít. Ví dụ:

None of the applicants is fully qualified.”

Sai sót 3: những mệnh đề “đong đưa”.

Cẩn thận với vị trí của trạng từ và động từ để không làm thay đổi ý nghĩa của câu văn. Một ví dụ tiêu biểu là “The study involved a sample of children in a local hospital with type I diabetes” dễ bị hiểu lầm hơn là “The study involved a sample of children with type I diabetes in a local hospital.” Một ví dụ khác cũng vui vui: “We selected a scientist with good expertise in the field called Tom Smith” dễ bị hiểu lầm là lĩnh vực nghiên cứu tên là Tom Smith, nhưng viết lại cho rõ ràng hơn thì “We selected a scientist called Tom Smith who has good expertise in the field.”

Sai sót 4: dùng chữ ‘bình dân’ hay văn nói.

Rất thường xuyên, tôi hay thấy những bản thảo có cách viết theo văn nói, thường không thích hợp cho văn khoa học. Chẳng hạn như:

We wondered if …

We did just that …

We asked participants whether they had …

There were a couple of samples in the study …

Đó là những cách viết được xem là unprofessional, thiếu tính chuyên nghiệp. Nên tránh những cách viết và những chữ thiếu tính chuyên nghiệp.

Sai sót 5: dùng sai while/since/as liên quan đến thời gian.

Những chữ như while, since, as dùng để chỉ mối liên hệ mang tính thời gian. Không dùng những chữ này để hàm ý “mặc dù” (while) hay “bởi vì” (as) hay “do vậy” (since).

Đúng: While the patient was being examined in the clinic, the patient was also undergone …

Sai: While fracture is associated with lower bone density, it can also be related to …

Đúng: Whereas/Although fracture is associated with lower bone density, it can also be related to …

Sai sót 6: viết hoa không đúng cách và không cần thiết.

Nhiều bản thảo từ Việt Nam và Tàu thường có những cách viết hoa rất … tùy tiện. Chẳng hạn như người ta viết “the Drug has effect” hay “the drug Beta-blocker”, v.v. Những chữ đó không có lí do gì phải viết hoa.

Sai sót 7: lẫn lộn giữa which và that.

Đây là một trong những lẫn lộn rất phổ biến ở những người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, phân biệt và dùng đúng không phải là điều dễ dàng. Qui luật chung là:

(a) “that” được sử dụng trong ý nghĩa giới hạn và mang tính nhận dạng;

(b) “which” thì không có ý nghĩa giới hạn, nhưng có nghĩa bổ nghĩa.

Ví dụ về giới hạn ý nghĩa và nhận dạng:

the drug that is used for reducing bone resorption is bisphosphonate”

không dùng which trong câu trên, vì câu văn mang tính nhận dạng danh tánh của thuốc. Nhưng

the receptor, which is present in bone cells, is slightly different from …

thì đúng. Chú ý dấu phẩy trước which và mệnh đề bổ nghĩa “present in bone cells”.

Sai sót 8: “an” và “a” trước những chữ viết tắt.

Chú ý rằng “A university”, chứ không phải “An university”; do đó, bất cứ chữ viết tắt nào với U đều dùng “a”. Chẳng hạn như “a UNT component”, nhưng “an MMC-modulated reaction”. Nói chung, các chữ viết tắt với phụ âm đi đầu như SDS, SOS, LUT, NIA, v.v. đều dùng “an”, chứ không phải “a.”

Sai sót 9: lẫn lộn giữa “et al.” và “etc.”

Chữ viết tắt “et al” có gốc Latin, với “et” có nghĩa là “và”, và “al” là từ “alii” có nghĩa là “cái khác”. Do đó, et al có thể hiểu là “và khác nữa”, như “Nguyen et al” có thể hiểu là “Nguyen và cộng sự khác”.

Chữ “etc” dĩ nhiên có nguồn gốc Latin “et cetera”, có nghĩa là “và những gì giống thế”. Nó có nghĩa giống như “vân vân” hay “…” trong cách viết tiếng Việt. Nhưng chữ này, “etc” KHÔNG bao giờ dùng trong văn phong khoa học.

Sai sót 10: lẫn lộn giữa “e.g” và “i.e

“i.e.” trong văn bản khoa học có gốc từ tiếng Latin “id est“, có nghĩa “có nghĩa là” (hay tiếng Anh ‘that is’).

“e.g.” cũng xuất phát từ tiếng Latin “examplia gratii“, có nghĩa là “ví dụ như” (hay tiếng Anh ‘for example’).

Chúng ta có thể viết “the predictors (i.e., risk factors) of this model were …”, nhưng không thể viết “the predictors (e.g., risk factors) of this model were …”.

Tuy nhiên, chúng ta có thể viết “Lifestyle factors (e.g., smoking, alcohol intakes) were considered ...”, nhưng không thể viết “Lifestyle factors (i.e., smoking, alcohol intakes) were considered …”

Sai sót 11: không có khoảng trống giữa số và đơn vị đo lường.

Bài báo khoa học yêu cầu phải có khoảng trống (space) giữa số và đơn vị đo lường. Vài ví dụ cụ thể như sau:

(a) Phải viết là 0.61 cm, chứ không phải là 0.61g/cm.

(b) Ngay cả đơn vị đo lường nhiệt độ cũng phải có khoảng trống: cách viết đúng là 37 oC, chứ không phải 37oC.

(c) Đơn vị li tâm (centrifuge) cần phải có “x” như chúng ta biết, nhưng phải có khoảng trống. Cách viết đúng là 10,000 x g, chứ không phải 10,000xg.

(d) Ngoại lệ: số phầm trăm thì không cần khoảng trống: chúng ta có thể viết 35% thay vì 35 %.

Sai sót 12: khoảng trống cho sai số chuẩn và dấu ±

Phải có khoảng trống trước và sau dấu cộng trừ ±. Nên viết 45 ± 11, chứ không nên viết 45±11. Tương tự, số cỡ mẫu cũng phải có khoảng trống trước và sau dấu bằng: viết n = 5, chứ không nên n=5.

Sai sót 13: dấu nối (“-” hay hyphen) giữa số và đơn vị, nếu dùng nó như là một mệnh đề tính từ.

Tất cả các tính từ ghép với con số cần phải có dấu gạch nối. Nên viết “40-mm rod”, chứ không phải “40 mm rod”. Ở đây, 40-mm có ý nghĩa tính từ. Ngoài ra, chúng ta viết “Two-sided P value” hay “Four-step procedure” chứ không phải “Two sided P value” hay “Four step procedure”. Dĩ nhiên, chúng ta có thể viết “A procedure with 4 steps” mà không có vấn đề gì về văn phạm.

Dấu gạch nối cũng có thể dùng cho những tiền tố ngữ như “Multi-component model”, “Bi-directional tool”. Trong thực tế, tôi thấy nhiều người (nhất là bên Mĩ) bỏ dấu gạch nối trong các chữ trên.

Sai sót 14: dấu nối cho các chữ ghép.

Các chữ ghép (compound word) ở đây bao gồm những chữ ghép giữa danh từ và động từ (thường là thì quá khứ). Chẳng hạn như muốn nói phản ứng do thuốc gây ra, chúng ta có thể viết “Reaction attributable to drug” (hơi dài), nhưng một cách viết gọn hơn là “Drug-induced reaction” hay “Drug-attributed reaction“, và chú ý có dấu nối. Tương tự, chúng ta hay thấy các chữ như “time-dependent variable” hay “time-variant model”, v.v.

Dĩ nhiên, khi bắt đầu câu văn, không ai viết “22 participants”, mà phải là “Twenty-two participants”.

Sai sót 15: dùng dấu phẩy trong các mệnh đề ngoặc kép.

Những mệnh đề ngoặc kép (parenthical phrases) là những mệnh đề gồm nhiều chữ, chúng không cần dấu phẩy. Trước đây thì cần, nhưng ngày nay, các tập san không thích dùng dấu phẩy nữa.

Ví dụ: chúng ta có thể viết “the protein kinase inhibitor genistein was related to”, chứ không cần phải viết theo kiểu cổ điển “the protein kinase inhibitor, genistein, was related to.” Cả hai cách viết đều đúng, chỉ có cách đầu được các tập san khoa học ưa chuộng hơn cách viết sau.

Nhưng có những mệnh đề theo ý nghĩa “and” và “but” thì cần dấu phẩy. Ví dụ như chúng ta nên viết:

“The placebo group, contrary to our hypothesis, exhibited no effect”,

“The participants were largely drawn from B and, as a result, biased toward …”

chứ không nên viết:

“The placebo group contrary to our hypothesis exhibited no effect”

“The participants were largely drawn from B and as a result biased toward …”

Sai sót 16: quá nhiều số lẻ thập phân.

Một trong những sai sót hay thấy nhất trong các bản thảo bài báo khoa học là tác giả trình bày con số với nhiều số lẻ không cần thiết. Chẳng hạn như chúng ta biết rằng máy DXA đo mật độ xương chính xác 2 số lẻ (như 0.71, 0.90 g/cm^2), do đó báo cáo 0.711 hay 0.899 là không cần thiết. Đó có thể xem là một sai sót. Tương tự, huyết áp 150 mmHg có ý nghĩa, chứ 150.65 mmHg thì chẳng có ý nghĩa gì, mà chỉ là một ‘nô lệ’ con số!

Tương tự, con số phần trăm chỉ cần chính xác 1, hay cao lắm là 2 số lẻ. Nên viết 90.4%, chứ không nên viết 90.415%.

Sai sót 17: lẫn lộn những chữ có cùng (hay giống) cách phát âm.

Chú ý những chữ có phát âm giống giống nhau như:

effect / affect

here / hear

its / it’s

whose / who’s

Trên đây chỉ là những sai sót phổ biến trong bài báo khoa học. Trong thực tế thì còn nhiều sai sót khác nữa. Những sai sót này thường hay thấy trong những bản thảo của các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh. Nhưng ngay cả những nhà khoa học trong các nước nói tiếng Anh vẫn vấp phải những sai sót trên. Do đó, vấn đề không hẳn là văn phạm tiếng Anh, mà là làm quen với văn phong khoa học. Bất cứ ai, kể cả tôi, cũng đều có sai sót, thậm chí sai sót ngay trong những bài báo đã công bố. Do đó, biết được những sai sót này là để giúp cho bản thảo kế tiếp sẽ hoàn chỉnh hơn. Chúc các bạn may mắn!

Tham khảo và đọc thêm:

Robert B. Taylor. The Clinician’s Guide to Medical Writing. Srpinger 2005. Đây là cuốn quan trọng nhất và là ‘gối đầu giường’ cho bất cứ ai làm trong y học.

Martin Volk and Sven Lautenbach. Writing scientific papers – 10 biggest mistakes from a reviewer’s perspective. Chia xẻ kinh nghiệm sai sót mà chính tác giả trải qua.

Click to access WS_J2_Volk_Lautenbach_pdf.pdf

Sydney University: Scientific Writing. Một hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết.

Click to access scientific-writing.pdf

Myron L. Toews. The “Grammar Hammer”: Common Mistakes in Scientific Writing. Đây là một bài nói chuyện mà tác giả trình bày những hướng dẫn (và sai sót) trong cách trình bày những qui ước về tiếng Anh trong khoa học.

https://medschool.creighton.edu/fileadmin/user/medicine/Departments/Biomedical_Sciences/PowerPoint/Grammar_Hammer-_CU_BioMedSci-_Oct_2012.pptx

Jorge Faber. Writing scientific manuscripts: most common mistakes. Dental Press J. Orthod. vol.22 no.5 Maringá Sept./Oct. 2017. Một chia xẻ kinh nghiệm về những sai sót phổ biến ở người không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

http://www.scielo.br/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S2176-94512017000500113

Mariel A. Marlow. Writing scientific articles like a native English speaker: top ten tips for Portuguese speakers. Clinics vol.69 no.3 São Paulo Mar. 2014. Một chia xẻ khác về cách viết bài báo khoa học.

http://www.scielo.br/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S1807-59322014000300153

Và sau cùng là sách của tôi “Từ nghiên cứu đến công bố” (Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM) có hướng dẫn về cách soạn bài báo khoa học, cách trình bày powerpoint, cách viết đề cương nghiên cứu. Sách tổng hợp và chia xẻ những kinh nghiệm trong việc xuất bản bài báo khoa học.

https://nxbhcm.com.vn/34/tu-nghien-cuu-den-cong-bo-ky-nang-mem-cho-nha-khoa-hoc-1187

VN là nước “bất hạnh” trên thế giới?

So sánh 6 tiêu chí hạnh phúc giữa các nước trong vùng và Phần Lan (số 1 để tham chiếu). Ngạc nhiên là chỉ số tham nhũng của Mã Lai, Thái Lan và Nam Dương còn cao hơn cả Việt Nam. Khó tin? “Tham nhũng” ở đây có nghĩa là “Cảm nhận về tham nhũng” chứ không phải tham nhũng.

Năm ngoái và đầu năm nay Việt Nam được một nhóm kinh tế có tên là New Economics Foundation xếp hạng là một trong 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (và thứ 2 ở Châu Á). Kết quả đó làm cho nhiều người Việt ngạc nhiên. Thì đây, năm nay, một nhóm độc lập khác có tên là World Happiness Report (WHR) xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia bất hạnh nhất thế giới!

Nhóm WHR dựa vào 6 tiêu chí để xếp hạng hạnh phúc. Sáu tiêu chí đó là: (1) thu nhập; (2) tuổi thọ bình quân; (3) hệ thống an sinh xã hội; (4) tự do; (5) tin tưởng; và (6) rộng lượng. Dùng dữ liệu có trên web, và sau khi dùng mô hình thống kê, họ xếp hạng 156 quốc gia. Mười quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là: Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Hà Lan, Canada, Tân Tây Lan, Thụy Điển, và Úc. Xem qua các nước này thì cảm nhận chủ quan là … có lí.

Ngạc nhiên (?) thay, Mĩ đứng hạng 18, chỉ trên Anh một hạng, nhưng thua Áo, Costa Rica, Ái Nhĩ Lan, Đức. Thật ra, chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy Mĩ đứng sau các nước như Áo và Đức, vì cuộc sống ở Mĩ không phải là quá dễ dàng. Có một điều chắc chắn là phẩm chất cuộc sống ở Mĩ cao hơn Việt Nam. Do đó, một bảng xếp hạng với kết quả Mĩ có chỉ số hạnh phúc thấp hơn Việt Nam là khó tin, nhưng nếu cao hơn Việt Nam thì có vẻ hợp lí hơn.

Còn Việt Nam? Tính điểm (tối đa 10) thì điểm hạnh phúc của Việt Nam là 5.1, tức trên trung bình một chút. Với điểm này, Việt Nam đứng hạng 95 (trên 156 quốc gia) về hạnh phúc. Với hạng này, Việt Nam thấp hơn Nhật (hạng 51), Tàu (86), Nigeria (91), Mông Cổ (94), nhưng cao hơn Nam Dương (96), Somalia (98), Bhutan (97). Nói chung, về hạnh phúc, Việt Nam chỉ đứng chung bảng với các nước kém phát triển và lạc hậu về an sinh xã hội.

Các nước láng giềng như Mã Lai (hạng 35) và Thái Lan (46) đều có chỉ số hạnh phúc cao hơn Việt Nam khá xa; các nước này đứng chung bảng với Tây Ban Nha, Qatar, Chile, Ba Lan, Ý, Slovenia.

Rất khó nói bảng xếp hạng nào đúng hay sai, vì khái niệm hạnh phúc không phải dễ đo lường như các khái niệm khoa học tự nhiên. Nhưng nếu nhìn vào 6 tiêu chí của nhóm WHR tôi thấy có thể chấp nhận được, vì quả thật trong thực tế nó phản ảnh phần nào hạnh phúc của một cộng đồng. Có tiền, sống lâu, được hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ khi cần, được tự cho lựa chọn cuộc sống, sống với sự tin tưởng lẫn nhau, và rộng lượng với nhau thì quả là hạnh phúc rồi. Bởi vậy, tôi thấy cách tính toán của WHR cho ra một bức tranh thực tế hơn.

Đối chiếu lại với cuộc sống ở Việt Nam, chúng ta dễ thấy rằng mình thiếu hay kém cả 6 tiêu chí. Trong thực tế, đa số người Việt có thu nhập thấp, tuổi thọ thì thuộc nhóm trên trung bình, nhưng hệ thống an sinh xã hội gần như chưa tồn tại, thiếu tự do biểu đạt và lựa chọn, người ta thiếu tin tưởng với nhau và cũng thiếu tính rộng lượng. Nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng vậy, có người này người kia. Thành ra, khi trung bình hóa thì Việt Nam chỉ đứng hạng 95 trên 156 quốc gia về hạnh phúc.

Kết quả này làm cho giới nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam phải suy nghĩ về phương pháp đo lường. Giới cầm quyền có tâm và tầm chắc cũng phải suy nghĩ (chứ không nên tin vào bảng báo cáo rằng dân Việt Nam là một trong 5 nhóm hạnh phúc nhất thế giới). Một nước còn nghèo, thì thiếu chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và kém hạnh phúc chẳng có gì phải ngạc nhiên. Nhưng bảng xếp hạng hạnh phúc này nó làm cho mỗi người Việt Nam phải vươn lên và sống tử tế với nhau.

TB: Cái hay của nhóm WHR là họ công bố dữ liệu gốc để bất cứ ai cũng có thể phân tích theo cách suy nghĩ của mình. Dữ liệu của họ có thể tải về từ website dưới đây (1).

===

(1) http://worldhappiness.report/ed/2018/

Vitamin D and calcium supplements and cancer risk: another interpretation

Image from http://www.kauveryhospital.com

The relationship between vitamin D and cancer is controversial.While there are data showing a beneficial effect of vitamin D on cancer risk reduction, there are also data showing no association. The only way to resolve the controversy is a randomized controlled trial (RCT). Well, Lappe and colleagues have conducted such a trial (1), but their results — or their interpretation of results — is, well, controversial. Here, I would like to offer another interpretation of data.

Lappe and colleagues did a 4-year RCT, in which 2303 postmenopausal women were randomly assigned into a treatment group (CaD; n = 1156) and a control group (n = 1147). The treatment was vitamin D3 (2000 IU/d) plus calcium (1500 mg/d). After 4 years of followup, they found that CaD reduced the risk of cancer by ~30% in a group who were already vitamin D replete. But they note concluded that in older women, a 4-year supplementation of vitamin D and calcium (CaD) did not significantly reduce the risk of all-type cancer! This conclusion appears to be based on the P-value of 0.06. Presumably, if P = 0.049, they would conclude that there was a significant effect.

It is well known that P-value is not an ideal metric of evidence, because being sensitive to sample size, it is subject to high sampling variation (2). In the current study, if the incidence of cancers were reduced by just 1 case in the CaD group or increased by just 1 case in the control group, the effect size would have achieved a statistical significance (i.e., P < 0.05)! I note that the authors’ subgroup analysis revealed a statistically significant reduction in cancer risk induced by CaD supplementation. Thus, inference based on P-value, particularly at the threshold of 0.05, is not always consistent.

Let us consider that a more sensible question to ask is: given the data at hand, what is the chance that CaD supplementation reduces cancer incidence? This question can be addressed by a Bayesian analysis (3), which takes into account prior knowledge of the effect size and existing data. Under the assumption that all effect sizes (i.e., relative risks) are equally probable, then given the authors’ data, our analysis shows that there is a 97% probability that CaD supplementation reduces cancer risk. Moreover, if a relative reduction of at least 5% is considered clinically relevant, then there is a 95% chance that the effect of CaD supplements on cancer risk is clinically relevant.

In a previous meta-analysis (4), CaD supplementation was associated with a relative risk of 0.97 (95% CI, 0.91 to 1.04). Combining this relative risk as a prior information with the existing data (1) yields a posterior relative risk of 0.96 (95% CI, 0.90 to 1.03). There is a 88% probability that CaD supplementation reduces cancer risk. These results are also consistent with the fact that serum levels of 25(OH)D were significantly inversely associated with cancer risk (1).

So, my interpretation of Lappe et al’s data is that there is a high likelihood that CaD supplements have beneficial effect on cancer risk reduction, but the effect size is likely to be modest.

===

(1) Lappe J, Watson P, Travers-Gustafson D, Recker R, Garland C, Gorham E, Baggerly K, McDonnell SL. Effect of vitamin D and calcium supplementation on cancer incidence in older women: a randomized clinical trial. JAMA 2017.

(2) Halsey LG, Curran-Everett D, Vowler SL, Drummond GB. The fickle P value generates irreproducible results. Nat Methods 2015; 12:179-85.

(3) Greenland S. Bayesian perspectives for epidemiological research: I. Foundations and basic methods. International Journal of Epidemiology 2006;35:765–775.

(4) Bjelakovic G, Gluud LL, Nikolova D, Whitfield K, Krstic G, Wetterslev J, Gluud C. Vitamin D supplementation for prevention of cancer in adults. Cochrane Database Syst Rev. 2014 Jun 23;(6):CD007469.

Tin giả: phi hành gia bị thay đổi gen

Câu chuyện hình như bắt đầu từ báo Mĩ, với những tựa đề như “After year in space, astronaut Scott Kelly no longer has same DNA as identical twin” (Sau một năm trên không gian, phi hành gia Scott Kelly không có DNA giống như người anh/em sinh đôi”.

Scott Kelly và Mark Kelly là hai anh em sinh đôi. Những cặp song sinh một hợp tử (monozygotic twin) có 100 gen giống nhau. Do đó, các nhà khoa học muốn dùng cặp song sinh này để nghiên cứu về tác động của việc bay vào vũ trụ đến hệ gen. Năm 2015 Scott bay vào trạm không gian International Space Station, và sống ở đó 340 ngày. Đó là một thời gian kỉ lục. Còn Mark thì ở dưới mặt đất. Các nhà khoa học ‘lợi dụng’ tình huống tự nhiên này để nghiên cứu hệ gen trước, trong khi, và sau khi hoàn tất chương trình sống ở trong môi trường không trọng lực.

Các tế bào của chúng ta có cùng hệ gen. Nhưng gen ở mỗi tế bào làm việc khác nhau. Ví dụ như gen LRP5 trong tế bào xương làm việc khác với gen LRP5 trong tế bào tim. Do đó, một số tế bào làm ra tim, một số làm ra xương, nhưng cả hai nhóm tế bào đều có cùng số gen và cấu trúc gen. Nói cách khác gen phải tương tác với môi trường tế bào để sản xuất ra ‘sản phẩm’, và chúng ta tạm gọi bằng một danh từ dễ hiểu lần là ‘gene expression’ — biểu hiện gen.

Vậy thì các nhà khoa học phát hiện gì? Sự thật là họ phát hiện rằng trong thời gian ở trên trạm vũ trụ một số gen của Scott thay đổi biểu hiện gen, và 7% những biểu hiện gen đó không quay về trạng thái trước khi anh ấy bay vào vũ trụ. Do đó, con số 7% là phản ảnh sự thay đổi của biểu hiện gen, chứ không phải thay đổi 7% DNA. Nếu thay đổi 7% DNA trong gen thì chắc anh Scott Kelly không còn là … con người nữa.

Các bạn có thể đọc câu chuyện này ở đây (4). Nhưng tôi phải khen là Tuổi Trẻ đã dịch đúng bản chất của câu chuyện, vì họ dùng tựa đề đúng “Phi hành gia thay đổi thể hiện gen khi trở về trái đất”

Quay lại câu chuyện thay đổi biểu hiện gen, câu hỏi 7% thay đổi có quan trọng không? Theo tôi là không. Lí do là ngay cả một cặp song sinh thì cho dù họ có 100% gen giống nhau, nhưng biểu hiện gen giữa hai người vẫn khác nhau. Do đó, 7% thay đổi biểu hiện gen chẳng có gì quá ngạc nhiên. Tôi đoán rằng nếu cho anh ấy về Việt Nam sống 1 năm thì các biểu hiện gen cũng có thể thay đổi (còn thay đổi bao nhiêu thì cần phải có nghiên cứu), vì gen phải thích ứng với môi trường.

===

(1) http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/phi-hanh-gia-bi-bien-doi-gen-sau-thoi-gian-song-ngoai-vu-tru-2018031619160857.htm

(2) https://baomoi.com/dna-cua-phi-hanh-gia-thay-doi-do-o-lau-tren-vu-tru/c/25290564.epi

(3) Tôi có tham gia vào một dự án nghiên cứu về biểu hiện gen ở Việt Nam, nhưng về một bệnh thần kinh. Đây có lẽ là một nghiên cứu đầu tiên về gene expression về bệnh lí này trên thế giới. Nhưng chưa xong nên chưa dám nói gì.

(4) http://www.frontlinegenomics.com/news/20605/no-space-did-not-alter-astronauts-dna

(5) https://tuoitre.vn/phi-hanh-gia-thay-doi-the-hien-gen-khi-tro-ve-trai-dat-20180316121746005.htm

Sáu chìa khóa viết văn

 

Tôi nghĩ trong chúng ta ai cũng có lúc đọc những bài viết mà ý tưởng thì lan man và cách viết thì chẳng theo một logic nào, hệ quả là làm chúng ta mất thì giờ. Điều ngạc nhiên là tác giả những bài viết này có khi là những người “có học”, thậm chí cấp giáo sư, tiến sĩ. Tại sao có những bài viết dở như thế? Văn là người; người suy nghĩ lan man thì cũng viết lan man, chẳng đâu vào đâu. Một lí do khác là đọc ít và hiểu chưa tới, nên mô tả một vấn đề đơn giản thành phức tạp. Nhưng còn một lí do khác nữa, mà tác giả Steven Pinker bàn đến trong cuốn sách có tựa đề là “The Sense of Style: the thinking person’s guide to writing in the 21st century”. Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn cuốn sách này.

Steven Pinker là một nhà khoa bảng có hạng trong thế giới khoa học. Ông là giáo sư tâm lí học thực nghiệm thuộc Đại học Harvard. Nhưng hơn thế nữa, Pinker là một cây viết rất đẹp và phong phú. Là tác giả của nhiều cuốn sách phổ thông nổi tiếng như The Language Instinct, How the Mind Works, The Stuff of Thought. Cuốn Sense of Style là tác phẩm mới nhất của ông.

Cuốn sách là tập hợp một số nguyên lí và kĩ năng viết, nhất là viết bài báo khoa học. Trong cuốn “Sense of Style”, ông áp dụng sở trường nghiên cứu tâm lí và thần kinh học trong viết văn. Pinker cho rằng lí do mà chúng ta viết tồi không phải do chúng ta. Lí do là vì hệ thống não của con người không được thiết kế để viết. Thật ra, bộ não không muốn chúng ta viết! Ông đề ra 6 mẹo về viết văn, mà tôi thì nghĩ là 6 “chìa khóa”:

Chìa khóa 1: Hình tượng hóa và đàm thoại (be Visual and conversational).

Theo Pinker, một phần ba của bộ não con người được giành cho thị giác. Điều này cũng có nghĩa là khi viết văn, chúng ta nên làm cho độc giả “thấy” mục tiêu cụ thể của bài viết, và làm được điều này sẽ có hiệu ứng rất tích cực cho bài viết. Đối với con người, đi từ “Tôi nghĩ tôi hiểu” đến “Tôi hiểu”, chúng ta cần phải thấy cảnh tượng và cảm nhận được động cơ. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy rằng độc giả hiểu và nhớ các thông tin tốt hơn khi thông tin được diễn tả bằng một ngôn ngữ mà họ có thể thấy bằng hình ảnh.

Ngoài ra, người viết cần phải chọn cách viết đàm thoại. Mỗi bài viết là một câu chuyện, và cách viết kể chuyện giúp người đọc lãnh hội rất nhanh. Ngày nay, cách viết kể chuyện hay đàm thoại cũng được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo các tác giả nên viết.

Chìa khóa 2: Đừng giả định người đọc đã biết chuyện (còn gọi là “The Curse of Knowledge”) và đừng tỏ ra mình thông minh.

Một trong những sai lầm căn bản nhất trong viết văn là giả định rằng người đọc đã biết qua câu chuyện người viết muốn đề cập. Đó là một giả định sai lầm nghiêm trọng. Trước khi đề cập đến câu chuyện, người viết phải nhắc đến bối cảnh hay tiến trình của câu chuyện. Nếu có một ý tưởng hay một chữ gì mới, người viết cần phải giải thích. Đừng nghĩ một cách ngu xuẩn rằng “tôi viết thế, ai muốn hiểu sao thì hiểu”!

Nhiều người thiếu kinh nghiệm thường phạm phải một lỗi lầm rất cơ bản trong khi viết là người viết muốn tỏ ra mình thông minh. Trong thực tế, khi người viết tỏ ra thông minh thì thật ra họ là người … ngu xuẩn. Nên nghĩ đến người đọc khi viết văn. Người đọc và người viết bình đẳng. Nếu người viết cố gắng gây ấn tượng thì họ có thể làm cho người đọc cảm thấy mình ngu (và không ai muốn mình ngu), nên sẽ rất phản tác dụng.

Do đó cách hay nhất là đưa bản thảo cho một người khác đọc và hỏi ý kiến của họ. Hỏi xem họ có hiểu những gì mình viết hay không. Hỏi xem họ có cảm nhận được cái thông điệp chính của bài viết.

Chìa khóa 3: Viết câu văn quan trọng đầu tiên (the “Lede”).

Chúng ta phải học nhà báo. Nhà báo có cách viết rất trực tiếp. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy những dòng chữ chapeau rất ngắn và đi thẳng vào vấn đề. Chỉ cần đọc cái chapeau là chúng ta biết được nét chính của câu chuyện. Nói cách khác, người viết nên nói cho độc giả biết ý tưởng của mình là gì. Điều này cũng có nghĩa là bắt đầu mỗi đọan văn bằng một câu văn tuyên ngôn (còn gọi là “declarative sentence”). Đừng bao giờ viết “vòng vo” để độc giả phải chờ đến câu văn cuối mới biết ý tưởng của người viết là gì.

Chìa khoá 4: Không cần quan tâm đến qui tắc!

Khi mới học tiếng Anh và viết văn bằng tiếng Anh, chúng ta rất quan tâm đến văn phạm và viết đúng qui tắc. Chẳng hạn như chúng ta rất chú tâm đến cách dùng who và whom, hay giữa that và which, hay like và as, fewer và less. Pinker đặt vấn đề là tại sao không viết “Karen is smarter than I” mà phải là “Karen is smarter than me”? Pinker khuyên chúng ta là … hãy quên đi mấy qui tắc vớ vẩn đó!

Ông gọi những người bắt bẽ văn phạm là “lunatics” (điên rồ). Ông nói thêm rằng các bộ từ điển không phải là những bộ sách của nguyên tắc, chúng chỉ theo đuôi ngôn ngữ chứ không dẫn đường cho ngôn ngữ (Dictionaries aren’t rulebooks. They follow language, they don’t guide it.) Khi nói về qui tắc tiếng Anh, không có ai là quan tòa cả. Tại sao chúng ta không được viết “I feel good” mà phải viết “I feel well”? Ngôn ngữ như tiếng Anh lúc nào cũng biến chuyển, và chúng ta chỉ theo những gì đa số sử dụng chứ không phải những qui tắc!

Chìa khóa 5: Đọc, đọc, và đọc.

Pinker chỉ ra rằng nhiều nhà văn lớn chẳng bao giờ đọc những cuốn cẩm nang về viết văn. Nhưng họ đọc, đọc rất nhiều tác phẩm văn học, đọc rất nhiều sách chính luận. Qua đọc sách, họ học được cách viết và ngữ vựng.

“Tôi không nghĩ bạn có thể trở thành một cây viết tốt mà không bỏ ra nhiều thì giờ để ngâm mình trong những cuốn sách để ngấm hàng ngàn thành ngữ, những hình ảnh, nhưng chữ thú vị, và qua đó phát triển cảm nhận về viết văn. Trở thành một cây viết đòi hỏi thưởng thức và “reverse-engineering” những câu văn hay, những đoạn văn, những đoản văn gây cảm hứng để giúp bạn cấu trúc một bài viết đẹp.”

Chìa khoá 6: Chỉnh sửa.

Khi viết văn không phải lúc nào câu chữ cũng “xuất thần” một cách tự nhiên và hoàn hảo. Lúc nào cũng phải chỉnh sửa và biên tập. Tập thói quen như sau: viết ra một câu văn, đọc lại câu văn xem có chữ nào thừa hay thiếu, xem câu văn đã chuyển tải được cái thông tin người viết muốn gửi đến độc giả; đến cuối đoạn văn, đọc lại một lần nữa xem có những câu văn nào chưa ăn khớp với nhau, và đoạn văn đã nói lên được ý tưởng. Viết văn là một quá trình chỉnh sửa và biên tập.

Đừng nên làm mất thì giờ người đọc vì những cách viết lan man, linh tinh, chẳng theo một logic nào cả, và ý tưởng thì chẳng có cái gì đến nơi đến chốn. Những cách viết như thế có khi gây ra vài tranh cãi vô duyên, làm lạc hướng suy nghĩ của người đọc. Điều đáng buồn là một số người xem ra có tuổi mà suy nghĩ về những vấn đề xã hội, thậm chí chuyên môn, chưa đến nơi đến chốn cộg với cách viết sai qui luật văn phạm, nên làm mất thì giờ người đọc. Đây là lời khuyên của tôi: viết trên các phương tiện truyền thông xã hội như blog, facebook, và twitter thật ra là một thể thao viết văn rất tuyệt vời. Chẳng hạn như viết trên twitter, vì “luật twitter” bắt buộc chúng ta phải viết ngắn nhưng có ý nghĩa, và cách viết đó giúp chúng ta chọn chữ thích hợp nhưng đồng thời loại bỏ những chữ không cần thiết. Do đó, các bạn nên bắt đầu viết trên facebook hay blog, viết về những cảm nhận hàng ngày của mình như là nhật kí điện tử, và theo thời gian các bạn sẽ trở thành một cây viết tốt.

Vaccine và bệnh tự kỉ: Bài học từ vụ Bs Wakefield

Năm nay là tròn 20 năm tính từ ngày bài báo về vaccine và bệnh tự kỉ của Bác sĩ Andrew Wakefield công bố trên tập san y khoa lừng danh Lancet. Hai thập niên đã trôi qua, nhưng dư âm và tác động [tiêu cực] của bài báo này vẫn còn tồn tại ngay cả ở Việt Nam. Có vài bài học mà chúng ta trong cộng đồng y học có thể rút ra từ sự việc tạm gọi là “Vụ Andrew Wakefield”.

Năm 1998, Bs Wakefield và cộng sự báo cáo dữ liệu từ 12 trẻ em được tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella (MMR); trong số này 8 em mắc hội chứng tự kỉ. Họ viết “Onset of behavioural symptoms was associated by the parents with measles, mumps, and rubella vaccination in eight of the 12 children,” và thời gian từ lúc tiêm vaccine đến khi mắc hội chứng tự kỉ là 6.3 ngày (dao động trong khoảng 1-14 ngày). Một cách phi logic, nhưng dựa trên quan sát đó, Wakefield và cộng sự cho rằng vaccine MMR chính là nguyên nhân gây bệnh tự kỉ ở trẻ em!

Tuy nhiên, hàng loạt nghiên cứu sau đó đã bác bỏ kết quả và kết luận của nhóm Wakefield. Nhưng oái oăm thay, người chỉ ra những sai trái của Wakefield không phải là trong y học, mà là một nhà báo tên là Brian Deer. Ông Deer đến phỏng vấn phụ huynh của các em bệnh nhân trong bài báo của Wakefield, và phát hiện rất nhiều dữ liệu bị nguỵ tạo, vặn vẹo số liệu. Deer đi đến kết luận rằng Wakefield đã gian dối trong báo cáo dữ liệu. Gian dối trong khoa học là một ‘tội’ rất nghiêm trọng.

Hậu quả là Bs Wakefield bị rút bằng hành nghề thầy thuốc, và bài báo trên tờ Lancet bị rút xuống. Ở Việt Nam, ít người biết đến vụ Wakefield, nhưng những nhóm chống vaccine thì đã từng dùng bài báo của ông để kêu gọi không tiêm chủng vaccine. Đó là một ý kiến rất nguy hiểm, bởi vì Việt Nam là nơi có nhiều trẻ em bị bệnh quai bị và sởi. Do đó, chúng ta cần phải rút ra vài bài học từ vụ Wakefield. Tôi nghĩ đến 5 bài học như sau:

Bài học 1: suy luận về nguyên nhân và hệ quả. Đối với bài báo của Bs Wakefield, dữ liệu không cho phép ông nói rằng vaccine MMR là nguyên nhân của tự kỉ được. Lí do là bởi vì ông chỉ quan sát trên một số bệnh nhân. Và, quan trọng hơn, hoàn toàn không có một cơ chế sinh học gì để giải thích mối liên quan giữa vaccine và bệnh tự kỉ. Không có cơ chế sinh học, ông chỉ có thể nói “có thể có mối liên quan” mà thôi.

Bài học 2: phân biệt mô hình nghiên cứu và giá trị khoa học. Như nói trên, bài báo của Wakefield và cộng sự không thể xem là một “nghiên cứu” được; đó chỉ là một “case series”, tức là tập hợp những ca lâm sàng mà thôi. Ca lâm sàng thì không có nhóm chứng (control). Thiếu nhóm chứng thì không thể phát biểu về nguyên nhân. Không thể nào dựa vào sự thật [nếu là sự thật] rằng trong số 12 người bệnh tự kỉ, có 8 người có yếu tố nguy cơ (vaccine MMR), rồi nói rằng vaccine là nguyên nhân của tự kỉ.

Bài học 3: vấn đề y đức. Bài báo của Wakefield không hề thông qua bất cứ một hội đồng y đức nào trong bệnh viện. Ông cũng không có “informed consent” (thoả thuận) của bệnh nhân và phụ huynh bệnh nhân. Người ngoài nhìn vào thì có thể nói “đâu có vấn đề gì, ông ấy chỉ lấy thông tin thôi mà”, nhưng đó là cách nhìn đơn giản và chưa thấu đáo. Vấn đề đặt ra là những thông tin đó đã được dùng cho mục đích gì và thông tin cá nhân đã được tiết lộ cho ai. Đó là vấn đề y đức. Ngày nay, tất cả các nghiên cứu liên quan đến người, không nhất thiết phải là bệnh nhân, đều trên nguyên tắc phải được sự phê chuẩn của một hội đồng y đức. Sự việc Wakefield là một bài học đắc giá về y đức trong nghiên cứu y khoa.

Bài học 4: giới báo chí phải học cách đánh giá chứng cứ y khoa. Bài báo của Wakefield tuy chẳng có giá trị khoa học gì cả, nhưng thông điệp trong đó thì lại được giới báo chí rất tin và loan đi nhanh chóng. Cái thông điệp kiểu “vaccine làm cho trẻ em bị tự kỉ” nó rất đơn giản, rất dễ hiểu, rất ‘dễ đi vào lòng người’, tức là nó hội đủ những tiêu chí của giới báo chí. Giới báo chí thích có một câu trả lời đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Và, Bs Wakefield đã đáp ứng được yêu cầu của báo chí.

Bài học 5: không nên tin vào ý kiến cá nhân, tin vào dữ liệu khoa học. Ông Edwards Deming có một câu rất chí lí rằng “In God we trust, all others bring data”, có thể hiểu là ngoại trừ tin vào Thượng Đế, còn tất cả các vấn đề khác cần phải có dữ liệu. Câu này rất quan trọng trong y học thực chứng. Trong y học, ý kiến của bác sĩ – cho dù là cấp giáo sư – là có giá trị khoa học thấp nhất. Ý kiến cá nhân thường chủ quan, và tính chủ quan tuỳ thuộc vào trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân, nên không thể tin một cách mù quáng. Một bác sĩ như Wakefield tuy có làm nghiên cứu khoa học nhưng không có thành tích gì đáng chú ý, thì càng khó tin hơn. Chỉ có dữ liệu khoa học đặt đúng bối cảnh thì mới khách quan.

Vụ Wakefield đã 20 năm trôi qua, nhưng “dư âm” và hệ quả của nó vẫn còn tồn tại. Nhưng nhóm chống vaccine vẫn vinh vào bài báo của Wakefield để chống lại việc tim chủng ngừa các bệnh quai bị và sởi. Một vài nhóm nghiên cứu chống vaccine vẫn còn trích dẫn bài báo của Wakefield dù nó đã rút xuống khỏi tập san Lancet. Bs Wakefield dù đã bị rút bằng hành nghề nhưng ông vẫn tin rằng vaccine là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỉ. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh đã chỉ ra rằng hoàn toàn không có một mối liên quan gì giữa vaccine và tự kỉ. Ngược lại, vaccine chống các bệnh như quai bị và sởi là một trong những thành tựu lớn nhất của y khoa hiện đại. Vụ Wakefield đã cung cấp cho giới y khoa, báo chí và công chúng nhiều bài học để sự việc không lặp lại một lần nữa trên thế giới.

Osteoporosis: Garvan’s Fracture Risk Calculator turns 10

A visit to the GP can give you insight into your personalised risk of breaking a bone through osteoporosis – but it hasn’t always been this way.

This month marks the 10th anniversary of the launch of the Garvan Fracture Risk Calculator – a deceptively simple tool that can uncover whether a person is at high risk of breaking a bone through osteoporosis. The Calculator gets tens of thousands of visits every year and has helped transform the clinical management of osteoporosis worldwide.

The first of its kind in the world, the Calculator is a distillation of decades of research from the Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study at the Garvan Institute of Medical Research. Led by Professor John Eisman AO, alongside principal investigators Prof Tuan Nguyen and Prof Jackie Center, the Dubbo Study involves older men and women in the NSW city of Dubbo, and is the world’s largest and longest-running osteoporosis study of its kind.

VIDEO: Learn more about the Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study

The Calculator was developed by Professor Tuan Nguyen and Dr Nguyen Nguyen, working with Profs Eisman and Center at Garvan. It was first described in a series of research papers in Osteoporosis International, published 10 years ago this month.

Prof Nguyen says that, before the Calculator was developed, there was little insight into how best to assess the risk of breaking a bone through osteoporosis – and no way to get an accurate assessment of someone’s individualised risk of fracture. 

“Ten years ago,” he points out, “we really didn’t even understand what the key risk factors for fracture were.

“We did have a definition of osteoporosis (a bone mineral density below a certain level) and we knew that low bone density was one risk factor for breaking a bone – but we had also discovered that most fractures happen in people who don’t have low bone density, so we knew other risk factors must be at play. It was a puzzle.”

To clarify the key risk factors for fracture, the team carried out sophisticated analyses on the Dubbo Study data. They were able to determine the five key risk factors for fracture – namely a person’s, age, weight, bone mineral density, a history of previous fractures, and a history of falls. In turn, they used this information to construct an algorithm of risk, which formed the basis of the Calculator tool.

The researchers showed that the Calculator could successfully predict a future bone break in 80% of cases – making it a valuable tool for clinicians, who use the Calculator to inform their recommendations to patients.

“Because the Fracture Risk Calculator gives an individualised assessment of fracture risk,” Prof Center says, “it is very important for helping a person to understand whether or not they would benefit from treatment.” 

Diagram

Description automatically generated

Risk factors for osteoporotic fracture, according to Garvan’s Fracture Risk Calculator

In the 10 years since it first launched, the Calculator has been further streamlined and refined. In particular, new findings make it clear that, when an individual’s genetic information is incorporated, the Calculator can predict fracture risk with even greater accuracy.

In 2016, a version of the Calculator was used to underpin Know Your Bones – a consumer-facing app that helps people to assess their own risk of fracture, and supports them to make wise health choices in discussion with their GP. Know Your Bones was developed by Osteoporosis Australia and Garvan.

Prof Eisman says that the Calculator has been a crucial step towards personalised care for osteoporosis.

“Since its launch 10 years ago, Garvan’s Fracture Risk Calculator has been enabling easier and more straightforward clinical decision-making for Australian GPs and Australian people – and that in turn means better outcomes for the 1.2 million Australians living with osteoporosis.” 

Source: garvan.org.au/news-events/news/osteoporosis-garvan2019s-fracture-risk-calculator-turns-10

What is “normal weight”: a story of misquotation

Image from JAMA. https://jamanetwork.com/data/Journals/JAMA/0/jmn180006fa.png

I am interested in the relationship between weight and bone health. And, that question, “what is ‘normal weight’,” has dogged me for many years. A recent paper, published in Menopause last week (1), concludes that “BMI cut-point of 30 kg/m^2 does not appear to be an appropriate indicator of true obesity status in postmenopausal women.” The finding caught the attention of JAMA (2). However, I think the conclusion is a bit strong …

In the mentioned study, the authors analyzed data from a cohort study that included 1329 postmenopausal women. The women aged between 53 and 85 yrs (at study entry). All women had body mass index (BMI) and DXA-derived percent body fat (PBF). They defined obesity was BMI ≥ 30 kg/m2 and body fat percent (PBF) greater than 35%. After setting up the scene, the authors then analyzed the correlation between BMI and PBF.

Using PBF>35% as ‘reference criteria’, the authors found that the sensitivity of BMI≥30 was 32.4%. In other words, out of 100 cases of presumably obesity (defined by PBF), only 32 cases were picked up by the current BMI-based criteria. After a series of sensitivity analyses, the authors found that the optimal BMI for defining obesity was 24.9 kg/m2.

I think the main problem with the above study is that the authors used PBF≥35% as a ‘gold standard’ for defining obesity. Although the 35% cut-off has been repeatedly used by many investigators over the past 20 years, it has no scientific basis. It is actually a result of … misquotation!

Let me explain …

In 1998, a paper published in the International Journal of Obesity (3) stated that “Obesity is characterised by an increased amount of body fat, defined in young adults as body fat >25% in males and >35% in females, corresponding to a body mass index (BMI) of 30 kg/m2 in young Caucasians,” with reference for this statement being the 1995 WHO Technical Report (4).

Subsequent papers from other authors continued referring to the 1998 IJO paper (3) and/or the 1995 WHO Report (4) as the primary source for the PBF thresholds. For example, a 1999 paper published in the European Journal of Clinical Nutrition (5) states that “In obesity or adiposity the body fat percent (BF%) exceeds 25% in males and 35% in females,” and the source of this statement was attributed to the 1998 IJO paper (3) and the 1995 WHO Report (4).

Since then, several other authors (6-11) have repeatedly cited the two works supporting the PBF thresholds. Indeed, a paper stated that “The gold standard definition of obesity BF>25% in men and >35% in women proposed by the World Health Organization” (11) without reference for this statement.

A series of studies examining the association between BMI and PBF used the PBF≥35% as gold standard for defining obesity (3, 11, 12). The supposedly PBF thresholds of 25% (for men) and 35% (for women) were also used as a rationale for proposing a lower BMI cut-off value for defining obesity in Asian populations (13).

As a matter of fact, neither the 1998 IJO paper (3) nor the WHO Technical Report (4) developed any PBF threshold for defining obesity. So, what does the WHO Technical Report state? Here is the text:

A BMI of 30 in Dutch men implies a body fat content of about 30% at age 20 years and about 40% at age 60; in women aged 20 and 60, these figures are 40% and 50%, respectively” (page 327). In a subsequent section, the Report states that “using underwater weighing of 200 healthy Swedish men and women aged 45-78 years, Bjontorp and Evans (14) reported changes in the percentage of weight that is represented by body fat. At 45-49 years, men averaged 25% fat; this seemed to stabilize at 38% at age 60-65 years. Women had more body fat than men at 45-49 years (30%) and stabilized at an average of 43% at 55-59 years. Between 60 and 78, neither men nor women showed much change in percentage body fat” (page 378).”

So, as can be seen, The WHO Technical Report did not set any threshold of percent body fat for defining obesity. It seems reasonable to state that this particular area of research into obesity and body fat over the past 15 years has been built on a misquotation.

Surprisingly, misquotation is common in clinical medical literature (15-18), including a well-known case of hand surgery study (19). An analysis of citation and quotation accuracy in 3 anatomy journals revealed that the prevalence of quotation errors was 14%; of which, the majority (94%) was classified as major error (i.e., contradicted or unrelated to the author’s assertions) (20). One of the reasons for quotation error was secondary quotations, also known as the “lazy author syndrome” (21). A recent modelling study suggested that between 70 and 90% of scientific quotations are based on secondary sources, including citing single or multiple examined references from other papers (22). The example presented in this commentary suggests that some researchers do not read all papers they cite, and this resulted in a case of faulty citation, which could damage the subsequent obesity research.

In summary, an initial misrepresentation of a WHO Technical Report has led to a trail of subsequent misquotations, which appear to affect policy at the international level. I think it is reasonable to say that to date, there is no validated threshold of body fatness for defining obesity.

====

1. Banack HR, Wactawski-Wende J, Hovey KM, Stokes A. Is BMI a valid measure of obesity in postmenopausal women? Menopause. 2018;25(3):307-13.

2. Rubin R. Postmenopausal Women With a “Normal” BMI Might Be Overweight or Even Obese. JAMA. 2018.

3. Deurenberg P, Yap M, van Staveren WA. Body mass index and percent body fat: a meta analysis among different ethnic groups. Int J Obes Relat Metab Disord. 1998;22(12):1164-71.

4. WHO. Physical status: the use and interpretation of anthropometry. Report of a WHO Expert Consultation. WHO Technical Report Series 1995;854(Geneva: World Health Organization).

5. Gurrici S, Hartriyanti Y, Hautvast JG, Deurenberg P. Differences in the relationship between body fat and body mass index between two different Indonesian ethnic groups: the effect of body build. Eur J Clin Nutr. 1999;53(6):468-72.

6. Ko GT, Tang J, Chan JC, Sung R, Wu MM, Wai HP, et al. Lower BMI cut-off value to define obesity in Hong Kong Chinese: an analysis based on body fat assessment by bioelectrical impedance. Br J Nutr. 2001;85(2):239-42.

7. Chang CJ, Wu CH, Chang CS, Yao WJ, Yang YC, Wu JS, et al. Low body mass index but high percent body fat in Taiwanese subjects: implications of obesity cutoffs. Int J Obes Relat Metab Disord. 2003;27(2):253-9.

8. Deurenberg P. Universal cut-off BMI points for obesity are not appropriate. Br J Nutr. 2001;85(2):135-6.

9. Deurenberg-Yap M, Chew SK, Deurenberg P. Elevated body fat percentage and cardiovascular risks at low body mass index levels among Singaporean Chinese, Malays and Indians. Obes Rev. 2002;3(3):209-15.

10. He M, Tan KC, Li ET, Kung AW. Body fat determination by dual energy X-ray absorptiometry and its relation to body mass index and waist circumference in Hong Kong Chinese. Int J Obes Relat Metab Disord. 2001;25(5):748-52.

11. Romero-Corral A, Somers VK, Sierra-Johnson J, Thomas RJ, Collazo-Clavell ML, Korinek J, et al. Accuracy of body mass index in diagnosing obesity in the adult general population. Int J Obes (Lond). 2008;32(6):959-66.

12. Okorodudu DO, Jumean MF, Montori VM, Romero-Corral A, Somers VK, Erwin PJ, et al. Diagnostic performance of body mass index to identify obesity as defined by body adiposity: a systematic review and meta-analysis. Int J Obes (Lond). 2010.

13. WHO. Appropriate body-mass index for Asian populations and its implications for policy and intervention strategies. Lancet. 2004;363(9403):157-63.

14. Bjorntorp P, Evans W. The effect of exercise on body composition. In: Watkins J, Roubenoff R, Rosenberg IH, Eds Body composition: the measure and meaning of changes with aging. 1992;Boston: Foundation for Nutrition Advancement.

15. Wright M, Armstrong JS. The Ombudsman: verification of citations: Fawlty towers of knowledge? Interfaces. 2008;38(2):125-39.

16. Eichorn P, Yankauer A. Do authors check their references? A survey of accuracy of references in three public health journals. Am J Public Health. 1987;77(8):1011-2.

17. Oren G, Watson M. Accuracy of references in the ophthalmic literature. J Med Libr Assoc. 2009;97(2):142-5.

18. Whitworth JA. Who said that? Lancet. 2007;370(9593):1128.

19. Porrino JA, Jr., Tan V, Daluiski A. Misquotation of a commonly referenced hand surgery study. J Hand Surg Am. 2008;33(1):2-7.

20. Lukic IK, Lukic A, Gluncic V, Katavic V, Vucenik V, Marusic A. Citation and quotation accuracy in three anatomy journals. Clin Anat. 2004;17(7):534-9.

21. Gavras H. Inappropriate attribution: the “Lazy Author Syndrome”. Am J Hypertens. 2002;15(9):831.

22. Simkin MV, Roychowdhury VP. Stochastic modeling of citation slips. Scientometrics. 2005;62:367-84.

Sự quì gối của luân lí học đường

Một cô giáo ở Long An phạt một số học trò quì gối trong lớp học. Phụ huynh của học trò đáp trả bằng cách yêu cầu cô giáo quì gối suốt 40 phút mới “cho qua”. Tình tiết câu chuyện có lẽ không quá nghiêm trọng nếu như sự việc không xảy ra trong môi trường học đường. Sự việc nói lên một sự loạn chuẩn ở học đường và xã hội thời nay.

Tôi nghĩ trong cuộc đời của bất cứ học trò nào cũng trải qua một vài lần lầm lỗi và vài lần bị thầy cô phạt. Nhớ ngày xưa thời của tôi (thập niên 1960s – 1970s) ở miền Nam, các thầy cô (nhất là các thầy) rất nghiêm khắc với học trò. Thời đó, học trò, dù trong quê hay thành thị, đều phải mặc đồng phục và đeo phù hiệu, tóc tai phải gọn gàng, ăn nói phải lễ độ. Gặp thầy cô ngoài đường hay chợ là tự động khoanh tay cuối đầu chào. Trong giờ học mà ồn ào hay quậy phá là thế nào cũng bị phạt. Con trai bị phạt nhiều hơn con gái. Chẳng hiểu sự khác biệt là do kì thị hay tại vì con gái dễ thương hơn đám con trai.

Hình phạt thì … nhiều lắm. Nhẹ nhất là nhéo tai, bắt đứng trước lớp học trả bài (và dĩ nhiên là … không thuộc bài) để cho bạn học cười ầm lên. Hình phạt thường xuyên nhất là quì gối trong lớp học 10-20 phút. Nặng hơn chút là quất roi vào mông, nhưng nhẹ thôi (dù nhẹ nhưng cũng đau). Có một hình phạt làm tôi ‘quê’ nhất là bắt nằm dài trên bàn học trước mặt mấy đứa con gái, và thầy quất roi vào mông. Hình phạt làm tụi tôi sợ nhất là quì gối trước cột cờ trong cái nắng chang chang. Một hình phạt khác cũng làm đám học sinh sợ là chụm mấy đầu ngón tay lại và thầy lấy thước gõ lên đó – ui chao, cái hình phạt này đau thật. Cũng may, mấy hình phạt nặng đó ít khi nào xảy ra.

Nhưng dù là hình phạt nặng hay nhẹ, những người học trò chúng tôi không bao giờ giữ trong lòng bất cứ một cảm nghĩ xấu xa gì với thầy cô. Ngược lại là khác, khi lớn lên chúng tôi mới thấy những hình phạt đó là cần thiết. Tôi bị phạt khá thường xuyên, nhưng trong đầu óc tôi – dù chỉ là 1 giây – không bao giờ nghĩ xấu thầy cô. Không bao giờ oán trách thầy cô. Các bậc phụ huynh cũng không khi nào trách thầy cô; có khi còn nói “phạt nó nữa cho tôi!”

Thầy cô thời đó là cả một tượng đài học đường. Thật ra, thầy cô tiểu học được xem như là “cha mẹ thứ hai”. Nghĩ cũng đúng, bởi vì chính thầy cô là những người dìu dắt mình trong những ngày đầu đời bước ra khỏi mái ấm gia đình. Thầy cô là người giúp mình hình thành các chuẩn mực xã hội, biết phân biệt cái đúng, cái sai, và dẫn dắt mình vào thế giới chữ nghĩa.

Tôi nhớ hoài Thầy Phát của tôi, hồi đó là hiệu trưởng trường tiểu học trong làng. Lúc đó, tóc Thầy đã điểm sương, mặt mũi rất nghiêm, dù ở trong làng quê nhưng thầy lúc nào cũng áo trong quần, nón nỉ màu đen. Chỉ nhìn cái dáng và uy phong của Thầy là đám học trò chúng tôi đã … ngán. Mỗi lần theo Má tôi đi chợ, gặp Thầy là tôi sợ lắm, vì hình như mình làm cái gì Thầy cũng có cách bắt bẽ. Thầy tuy nghiêm khắc như vậy, nhưng khi tụi tôi đi thi (thời đó phải thi tốt nghiệp tiểu học) thì Thầy lo lắng lắm, lúc nào cũng dặn dò là phải đem danh dự về cho trường. Tôi nhớ hoài cái hình bóng Thầy đứng vẫy tay khi tụi tôi lên xe đò ra tỉnh thi. Nhà của Thầy ở sát bên trường học, chung quanh nhà trồng bông rất đẹp, nhà thì sạch sẽ khỏi nói, con của Thầy ai cũng làm thầy cô hết. Thầy Phát chính là hình ảnh tiêu biểu của một người thầy mẫu mực thời đó.

Đã làm nghề giáo thì phải có lần phạt học trò. Nhiều khi tôi tự hỏi việc xử phạt học trò trong trường học có mục đích gì. Có lẽ mục đích chính là giữ gìn truyền thống và kỉ cương nhà trường. Khi học trò bước vào cổng trường cũng là lúc đi vào một thế giới học thuật, và trong cái thế giới đó nó có những qui định, qui ước, cùng như truyền thống. Tất cả học trò phải tuân thủ theo những qui định, qui ước và truyền thống đó, cũng là một hình thức chuẩn bị cho học trò thích ứng với môi trường xã hội mới (chứ không còn trong gia đình nữa). Nói theo tiếng Anh là phải “conform”, tức tuân thủ và thích ứng. Bởi vì tuổi học trò là tuổi dễ uốn nắn, nên yêu cầu tuân thủ kỉ luật rất quan trọng và dễ thực hiện. Kỉ luật để học trò làm quen với lí tưởng chân — thiện — mĩ.

Ở nước ngoài, bên cạnh những qui ước mang tính văn hóa, mỗi trường cũng có những kỉ cương và qui định riêng. Trường tư của các tôn giáo có qui định khác với trường công, nhưng tất cả đều hướng học trò đến lí tưởng chân — thiện — mĩ. Khi ra nước ngoài tôi mới phát hiện ở Úc này trước đây các trường học cũng có những hình phạt học trò y như những gì tôi từng trải qua trong thời học trò. Ở Úc ngày xưa, các thầy cô cũng giống y như các thầy cô ở Việt Nam, tức là phạt học trò dữ lắm. Đặc biệt là ở những trường Công giáo vì kỉ luật rất nghiêm nên các thầy cô phạt học trò còn nhiều hơn cả các thầy cô bên Việt Nam, và hình phạt cũng giống nhau. Tôi nghiệm ra (có lẽ hơi vui) là hóa ra, thầy cô ở đâu cũng chỉ có vài “chiêu” phạt học trò thôi!

Nhưng có lẽ khác với Việt Nam chúng ta, các trường ở Úc không còn (hay rất ít) duy trì những hình phạt mang tính xâm phạm. Hầu như không bao giờ nghe đến hình phạt quất roi, nhéo tai, hay gõ đầu ngón tay. Nhưng thỉnh thoảng đây đó có hình phạt quì gối trong một thời gian rất ngắn.

Theo tôi tìm hiểu, các trường học ở Úc dùng hình thức khen thưởng hơn là phạt. Các nhà lí luận giáo dục lí giải rằng khen thưởng học trò có hiệu quả “conform” tốt hơn là phạt. Thay vì phạt, triết lí giáo dục của Úc là khuyến khích, tưởng thưởng, khen ngợi. Họ có rất nhiều hình thức khen ngợi. Làm bài tập tốt và nộp đúng thời hạn: khen. Học trò chơi thể thao tốt: khen. Mặc đồng phục đúng: khen. Giúp đỡ bạn bè nhiều: khen. Ca hát hay: khen. Nói chung là cái gì cũng khen. Những hình thức khen tặng như thế làm cho đứa học trò cảm thấy mình phải “conform” và thấy nỗ lực của mình được ghi nhận.

Quay lại chuyện bên nhà, việc phạt học trò như quì gối có cần thiết hay không? Tôi không dám có câu trả lời dứt khoát, vì tôi không có trải nghiệm trong cái bối cảnh mà cô N đã trải qua. Nhưng tôi muốn nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc thay vì phạt học trò, nên nghĩ đến hình thức khuyến khích học trò. Khuyến khích cũng có hiệu quả làm cho học trò “conform”.

Vụ việc một phụ huynh bắt cô giáo quì dĩ nhiên là một hình thức làm nhục, nhưng còn một hành vi lưu manh của kẻ ỷ mình có quyền. Tính lưu manh đó làm loạn chuẩn học đường. Làm nhục thầy cô ngay tại học đường cũng có thể xem là một sự sỉ nhục đến giáo chức nói chung, chứ không phải chỉ cô giáo nạn nhân. Đó là hành động không thể chấp nhận được trong một xã hội có truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Buộc một cô giáo quì cũng là một hành vi thiếu văn minh và vô đức của những kẻ thiếu kĩ năng xã hội. Sự việc có thể tạo tiền lệ cho những kẻ ỷ quyền thế làm nhục các thầy cô khác. Nó cũng tạo tiền lệ cho những học trò ngỗ nghịch ỷ lại vào phụ huynh để xem thường kỉ cương học đường, và làm loạn chuẩn luân lí học đường. Không thể nào để cho sự việc tái diễn ở bất cứ một nơi nào khác trên một đất nước có truyền thống lâu đời “tôn sư trọng đạo” vốn đã góp phần tạo nên nhân cách của một dân tộc.