“Tiền là sữa cho chính trị” và cách người Tàu gây ảnh hưởng đến Úc

Tòa nhà “Dr. Chau Chak Wing Building” của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) do Frank Gehry thiết kế.

Nếu có dịp ghé qua Đại học Công nghệ Sydney (UTS), các bạn sẽ thấy một tòa nhà có thiết kế hơi lạ mắt có tên là”Dr. Chau Chak Wing Building”. Người thiết kế tòa nhà này là kiến trúc sư lừng danh người Mĩ: Frank Gehry. Nhưng câu chuyện đằng sau sự ra đời của tòa nhà này nói lên khả năng gây ảnh hưởng của giới doanh nhân Tàu ở đây và sức mạnh của đồng tiền làm xiêu lòng giới khoa bảng Úc (1).

Chau Chak Wing là một tỉ phú người Tàu nhưng có quốc tịch Úc. Tuy có quốc tịch Úc nhưng ông chủ yếu sống ở Quảng Châu trong một biệt phủ rất lớn. Ông là người không muốn xuất hiện trước công chúng, nhưng là một nhân vật có nhiều quyền thế qua đồng tiền. Năm 2015, ông bỏ ra 70 triệu đô la để mua biệt thự “Le Mer” của tỉ phú James Packer, và đập phá để xây lại cái mới theo ý ông! Tỉ phú Chau Chak Wang có nhiều mối quan hệ quan trọng với các nhân vật chóp bu trong đảng Cộng Sản Tàu và trong giới cầm quyền ở Tàu.

Ở Úc, ông cũng quen với rất nhiều nhân vật chóp bu từ thủ tướng đến bộ trưởng trong chính quyền Úc. Năm 2004 và 2005 ông tài trợ cho Kevin Rudd (người sau này trở thành thủ tướng Úc), Wayne Swan (sau này là bộ trưởng ngân khố), Stephen Smith (sau này thành bộ trưởng ngoại giao) sang Quảng Châu. Chương trình chuyến đi có cả buổi tham quan biệt phủ của Chau được mô tả là “mênh mông” và “xa xỉ”. Sau chuyến đi, Chau Chak Wang tài trợ cho Đảng Lao Động Úc 1.7 triệu đôla và Đảng Liberal 2.9 triệu đôla. Ông còn tài trợ cho một đoàn báo chí Úc sang biệt phủ của ông để họ viết bài … khen Tàu. Và, ông đã thành công tốt đẹp, vì sau chuyến đi đó có hàng loạt bài báo khen ông là “người yêu nước.” Báo chí Úc ghi nhận rằng chưa có một doanh nhân gốc Á châu nào mà rộng lòng như Chau Chak Wing.

Năm 2004, Bob Carr, lúc đó là thủ hiến bang New South Wales, cũng là bạn khá thân với Chau. Có lẽ do tình bạn và sự rộng rãi của Chau trong việc cho tiền Đảng Lao Động, nên Carr nhận con gái của Chau là Winky Chau vào làm tập sự trong văn phòng chính phủ của Carr. Sau khi Carr rời chính trường, Winky Chau trở thành “chuyên gia tư vấn”, và cô ta mua luôn tờ nhật báo tiếng Hoa Australian New Express Daily. Tờ báo này trở thành một “phiên bản” của báo chí Tàu ở Quảng Châu và nói xấu bất cứ ai chỉ trích Tàu. Giới kí giả Úc hỏi công chúng tưởng tượng một tờ báo như thế của người Úc ở Tàu và suốt ngày chửi Tàu?!

Sự ra đời của tòa nhà “Dr. Chau Chak Wing Building” bắt đầu từ con trai của tỉ phú Chau Chak Wing. Lúc đó (đầu thập niên 2000), Eric, con trai của Chau Chak Wing, đang theo học cử nhân kiến trúc tại UTS. Hiệu trưởng (vice-chancellor) của UTS lúc đó là Giáo sư Ross Milbourne nhận ra nhân vật này và đã lên một kế hoạch xin tiền được mô tả là “cunning” (các bạn muốn hiểu sao cũng được). Milbourne hỏi cậu ấm Eric muốn đi chơi ở Los Angeles để gặp kiến trúc sư huyền thoại Frank Gehry không, và dĩ nhiên cậu ấm ham vui gật đầu. Những gì xảy ra phía hậu trường sau đó thì không ai biết rõ, nhưng chỉ biết kết quả thành công mĩ mãn: Chau Chak Wing đồng ý cho UTS 20 triệu đô la để xây dựng một tòa nhà mới lấy tên ông. Mặc dù ông không có bằng tiến sĩ, nhưng ông yêu cầu UTS đặt tên tòa nhà là “Tòa nhà Tiến sĩ Chau Chak Wing”.

Nhưng sự tài trợ của Chau không phải là ngoại lệ. Một doanh nhân (cũng cấp tỉ phú) khác là Huang Xiangmo cũng rất rộng rãi với UTS. Huang sinh năm 1969 ở làng Yuhu (dịch là Ngọc Hồ) thuộc vùng Chaozhu tỉnh Quảng Đông. Đây cũng là quê hương của Chau Chak Wing. Huang làm giàu nhanh chóng nhờ buôn bán bất động sản và các mối quan hệ (tiếng Hoa là guanxi) với các nhân vật chóp bu trong Đảng cộng sản Tàu (những nhân vật này đều bị đi tù hay tự tử sau này). Có lẽ thấy tình hình không ổn, nên Huang xin di cư sang Úc sống từ những năm đầu thế kỉ 21. Từ ngày ông có mặt ở Úc (khoảng 2010), Huang đã tài trợ hơn 4 triệu đôla cho 2 đảng chính trị của Úc, và ông đã đầu tư 2 tỉ đôla vào nông nghiệp Úc.

Huang vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nhân vật chóp bu trong Đảng cộng sản Tàu, thậm chí đại diện cho Tàu trong các buổi lễ hội quan trọng ở Úc. Trong một bài báo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (nổi tiếng là hung hăn và ‘mất dạy’), Huang viết rằng “Money is the milk for politics” (Đồng tiền là nguồn sữa cho chính trị). Nói là làm: Huang tung tiền ra cho UTS thành lập viện Úc-Hoa ACRI (Australia-China Relations Institute). Huang thuyết phục Bobb Carr (lúc đó đã rời chính trường) làm Giám đốc Viện ACRI. UTS cám ơn Huang bằng cách phong tặng cho ông danh hiệu “Giáo sư”. Do đó, báo chí Tàu thường đề cập đến Huang là một học giả Úc (“Australian Scholar”).

Giới khoa bảng xem ACRI là cơ quan ngôn luận mang tính học thuật của Tàu, vì hầu hết những “nghiên cứu” của ACRI giống như những phát ngôn và chính sách của Đảng cộng sản Tàu. Ngay cả vấn đề Biển Đông, ACRI cũng chỉ nói cho Tàu và theo Tàu. ACRI không bao giờ lên tiếng về những đàn áp ở Tàu, không bao giờ đề cập đến vụ Thiên An Môn. Giới khoa bảng Úc gọi Bob Carr một cách mỉa mai là “Beijing Bob” (vì ông này chỉ nói có lợi cho Tàu). Tuy nhiên, viên phó hiệu trưởng UTS phụ trách nghiên cứu khoa học là Glenn Wightwick thì bảo vệ rằng Viện ACRI đã thực hiện những nghiên cứu phẩm chất cao và rất quan trọng (“high quality and extremely important research“). Không biết quan trọng như thế nào mà sau vài năm hoạt động ACRI chẳng có bài báo khoa học nào, mà chỉ là những “opinions” trên báo phổ thông và tuyên ngôn cho Tàu cộng.

Trước sức ép của nhiều người trong và ngoài UTS, ACRI phải thay đổi cơ cấu lãnh đạo. Họ bổ nhiệm một người Tàu khác thay thế Bob Carr. Nhưng bản chất thì sao? Giáo sư Clive Hamilton nói thẳng rằng “Let us call the Australia-China Relations Institute for what it is: a Beijing-backed propaganda outfit disguised as a legitimate research institute, whose ultimate objective is to advance the CCP’s influence in Australian policy and political circles.” (Chúng ta hãy gọi đúng tên của ACRI: đó là một trạm tuyên truyền của Đảng cộng sản Tàu ngụy trang viện nghiên cứu, mà mục tiêu tối hậu là gây ảnh hưởng của Đảng cộng sản Tàu lên chính sách và chính trường Úc).

Cả hai nhân vật Chau và Huang đều là đề tài tranh cãi trong chính trường Úc. Cả hai đều tung rất nhiều tiền để mua ý kiến của một số chính trị gia Úc, trong đó có thượng nghị sĩ gốc Iran tên là Sam Dastyari, người mà năm ngoái bị đuổi ra khỏi thượng nghị viện vì làm việc cho thế lực nước ngoài. Một số chính trị gia xem Dastyari là một kẻ phản quốc, và hành động phản quốc của do đồng tiền của Tàu chi phối. Do vậy, quan điểm chung là hai nhân vật Chau và Huang quá gần Đảng Cộng Sản Tàu và sự có mặt của họ ở Úc là nằm trong chiến lược cài người của Tàu nhằm gây ảnh hưởng đến Úc về lâu dài, nhằm tách Úc ra khỏi liên minh Mĩ-Úc. Một số trí thức và chính trị gia xem họ là loại người không trung thành với Úc, loại “ăn cơm Úc thờ ma Tàu cộng”. Thật ra, Chau đã kiện báo Sydney Morning Herald và đài truyền hình ABC ra toà vì tội phỉ báng là ông không trung thành.

Một quan điểm khác, có thể xem là quan điểm thân Tàu, thì không cảm thấy đe doạ mà thấy Chau, Huang và những người như thế là cơ hội. Cơ hội để kinh doanh, để bắt tay với Tàu cộng làm ăn. Giới đại học đang bị chánh phủ Úc “bóp bụng, bóp cổ” thì thấy Tàu là nguồn tiền mới và họ chẳng cần quan tâm đến những việc tày trời mà Tàu đã làm. Họ thiển cận vì đồng tiền. Những kẻ thân Tàu này lí luận rằng việc Tàu mua ảnh hưởng ở Úc là bình thường, vì họ nói Mĩ, Nhật và các thế lực Âu châu vẫn làm thế. Nhưng giới trí thức chỉ ra sự ngu xuẩn của quan điểm này là Tàu và Mĩ là hai nước hoàn toàn khác nhau. Một bên là theo thể chế toàn trị, một bên là đồng minh và thể chế dân chủ; một bên là tìm cách mua Úc, một bên là giúp bảo vệ Úc. Tàu có hàng trăm chi bộ đảng cộng sản ở Úc, Mĩ không có “chi bộ” nào. So sánh như những kẻ thân Tàu này — nói như Gs Hamilton — không chỉ là ngu xuẩn mà còn là một ngụy biện nguy hiểm.

Đọc chuyện của người Tàu tôi lúc nào cũng nghĩ đến chuyện của Việt Nam. Cũng như tình hình bên Tàu nơi mà nhiều người giàu rất nhanh nhờ quan hệ chính trị và bất động sản, Việt Nam cũng có vài tỉ phú làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ trong đảng và kinh doanh nhà đất. Cũng giống như Tàu, Việt Nam đang có một làn sóng những người giàu có di cư sang Úc. Số quan chức Việt Nam sang Úc nhiều đến nổi một bạn nói đùa với tôi là ở Úc có một “làng thứ trưởng”! Nhưng khác với Tàu, các doanh nhân Việt Nam chưa gây ảnh hưởng đến chính trường Úc và chưa ai dám bỏ ra nhiều triệu đôla để mua ảnh hưởng từ Úc. Chưa có doanh nhân Việt Nam nào cho một đại học Úc xây một tòa nhà hay lập một viện nghiên cứu Úc – Việt. Có vẻ đa số quan chức và giới nhà giàu Việt Nam sang Úc là để tìm một cuộc sống tốt hơn. Có thể nói giới doanh nhân và quan chức Việt sang Úc như là một thế hệ tị nạn mới (tị nạn kinh tế, tị nạn giáo dục, tị nạn môi trường), còn doanh nhân Tàu sang đây là để làm sứ giả chính trị cho Tàu qua câu nói để đời “tiền là nguồn sữa cho chính trị.”

===

(1) Những thông tin trên được trích từ cuốn sách “Silent Invasion” của Clive Hamilton mà một bạn đọc đã giới thiệu cho tôi. Khi nào đọc hết sách, tôi sẽ có bài điểm sách chia xẻ cùng các bạn.

Tọa đàm về công bố khoa học tại Đại học Luật Hà Nội

Hôm 15/5/2018 tôi tham dự một buổi toạ đàm về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Rất nhiều vấn đề đặt ra, rất nhiều câu hỏi, mọi việc gần như bắt đầu từ căn bản.

Tôi nói 2 bài trong buổi toạ đàm. Bài thứ nhất tôi nói về những lí do công bố khoa học, công bố ở đâu, và tình hình tập san dỏm. Tôi cũng nói về một sứ mệnh chung của đại học là “knowledge generation” mà có lẽ nhiều người không nhận ra mối liên quan đến nghiên cứu khoa học. Bài thứ hai là nghiên cứu định lượng trong luật học, và những vấn đề liên quan đến câu hỏi nghiên cứu, chọn đề tài nghiên cứu, cách tiếp cận câu hỏi nghiên cứu, v.v. Qua 2 vụ án nổi tiếng ở Anh và Hà Lan tôi cũng nói tại sao luật sư và quan toà cần phải hiểu xác suất để tránh gây oan khiên cho nạn nhân.

Tiếp theo là những chia xẻ của các giảng viên, các chuyên gia từ Đại học Quốc gia, ĐH ngoại thương, v.v. Qua những chia xẻ và quan điểm về nghiên cứu khoa học, tôi thấy hình như vẫn còn tồn tại những cái nhìn hơi cũ. Chẳng hạn như quan điểm cho rằng luật học (một bộ môn của khoa học xã hội) khó công bố vì liên quan đến chính trị, đảng, đặc thù quốc gia. Có bạn nói thẳng rằng làm sao nghiên cứu hay công bố về các vấn đề như xã hội dân sự, đa nguyên, v.v. vì các vấn đề đó là cấm kị. Các quan điểm được trao đổi thoải mái và thẳng thắn. Tôi nói rằng không nhất thiết phải chọn các chủ đề “nhạy cảm” hay “đụng chạm” đó, mà có thể tập trung vào các chủ đề khác như criminology, kì thị giới tính, sự discrepancies về hình phạt và hàng trăm vấn đề lớn nhỏ khác. Thay vì nghiên cứu định tính, tại sao không chọn nghiên cứu định lượng mà giới nghiên cứu luật học nước ngoài đã làm.

Tôi đề nghị phải làm từ căn bản, và trước mắt phải làm ngay:

(a) Xây dựng năng lực khoa học qua các nhóm nghiên cứu như ĐH Tôn Đức Thắng.

(b) Xây dựng văn hoá khoa học qua các journal club và workshop về phương pháp nghiên cứu.

(c) Lập quĩ cho các “seeding grant” để hỗ trợ các nhà nghiên cứu có dữ liệu để xin tài trợ lớn hơn.

(d) Lập hội đồng đạo đức khoa học.

(e) Tập huấn phương pháp viết bài báo khoa học.

Một vài điều trên là hoàn toàn mới đối với các bạn ấy. Chẳng hạn như các bạn chưa nghĩ đến vấn đề đạo đức khoa học và công bố quốc tế. Do đó, rất nhiều vấn đề được đặt ra. Có một em “giảng viên trẻ” (vì em ấy lúc nào cũng tự nhận mình trẻ) nghĩ là vì trẻ nên công bố quốc tế khó hơn là công bố trong nước. Tôi nói tất cả chúng ta ở đây đều trẻ hết (khái niệm tuổi tác và “già” là giả tạo), và em ấy có thể công bố quốc tế dễ hơn là công bố trong nước vì vấn nạn “cây đa cây đề.” Ai cũng cười xoà. Buổi toạ đàm diễn ra từ sáng đến chiều, mãi đến 5:30 pm mà hình như vẫn chưa hết câu hỏi.

Vẫn còn suy nghĩ về nghiên cứu là dùng số liệu hành chánh của các bộ và tổ chức quốc tế. Tôi giải thích rằng original research là phải tạo ra dữ liệu gốc (primary data) của mình qua thí nghiệm (hiểu theo nghĩa chung), chứ không phải dùng dữ liệu của người khác mà không có phương pháp gì mới. Phân tích dữ liệu của người khác hay của cơ quan hành chánh là “secondary data”, nó chỉ là làm thống kê, chứ không phải scientific research; nó không có giá trị khoa học như một nghiên cứu primary có thiết kế và giả thuyết.

Đây là lần đầu tiên tôi ghé một trường ‘ngoài bộ lạc’ như thế này, nhưng lại biết nhau như người trong bộ lạc. Tôi nghĩ mình đã làm tròn nhiệm vụ của người “invited speaker” mà anh hiệu phó đã tóm lược rất đúng những ý mà tôi muốn chuyển tải đến các bạn ấy. Tôi nghĩ sau chuyến ghé thăm này, ĐH Luật sẽ có thay đổi và chắc sẽ nâng cao năng lực khoa học trong tương lai gần.

PS: ai cũng ngạc nhiên và thắc mắc tại sao tôi đã ở nước ngoài gần 40 năm mà nói tiếng Việt và dùng thuật ngữ tiếng Việt chuẩn như trong bài giảng. Các bạn ấy xúi tôi mua nhà ở Hà Nội để về đây nhiều hơn. (Wow, thank you).

Một thoáng Hà thành …

Chỉ là một thoáng thôi. Nhưng cũng để lại vài ấn tượng đáng ghi ra ở đây: sáng sủa hơn; tử tế hơn; ô nhiễm; và … nón cối.

Tôi chỉ ghé qua và lưu lại Hà Nội có 3 đêm thôi. Chuyến đi, nói theo ngôn ngữ thời nay, là ‘đột xuất’. Lời đề nghị bên Việt Nam và thời gian & chương trình làm việc bên Hồng Kông ăn khớp nhau thì sự đột xuất quả là tuyệt diệu: làm việc cho thiên hạ và làm được việc cho VN. Quan trọng hơn là chẳng tốn thêm chi phí gì đáng kể. Tuy chỉ có 3 ngày, nhưng cũng làm được một số việc có ý nghĩa và có dịp gặp những người bạn đã từng phỏng vấn tôi nhưng chưa một lần gặp mặt ngoài đời. Chẳng những vậy mà còn có dịp gặp nhiều bạn đã từng ‘quen’ tôi qua những bài viết trên Vietnamnet, VNexpress và Tuổi Trẻ.

Sau một chuyến bay mà hành lí bị “lạc” từ Sydney về Sài Gòn, chuyến bay từ Hồng Kông đến Hà Nội êm ru. Máy bay A350 mới toanh, rất xịn. Các chiêu đãi viên ai cũng dễ thương, nói năng nhẹ nhàng và rất ‘helpful’. Không còn những khuôn mặt nhăn nhó và khó chịu. Đã qua rồi cái thời “chả bao giờ thấy nàng cười.” Các nàng đã cười và còn cười tươi nữa là khác. Đã qua rồi cái thời các nàng và chàng chỉ đứng nhìn dửng dưng. Thậm chí chiêu đãi viên trưởng hay chief attendant cũng biết tự chủ đến giới thiệu tên nữa. Như anh chàng chiêu đãi viên nói với tôi: “My name is …” (nhưng chỉ còn thiếu một câu: “I am here to make your flight comfortable and enjoyable“). Nói như vậy để các bạn thấy là Vietnam Airlines hay “Sorry Airlines” đã có tiến bộ rất nhiều.

Hà Nội cũng tiến bộ hơn xưa nhiều. Ngay từ phi trường đã có dấu hiệu khá hơn, vì nhà ga mới xây, khang trang, tương đối rộng, và quan trọng là sạch sẽ. Dĩ nhiên, đi từ phi trường ‘tráng lệ’ như Hồng Kông, thì phi trường Nội Bài chỉ có thể nói là “trông cũng được”, nhưng ở Hà Nội mà được như vậy là mừng lắm rồi. Nhân viên di trú làm việc cũng nhanh, và có phần thân thiện. Không thấy cảnh chèo kéo khách đi taxi như mấy năm trước (hay có mà tôi không thấy). Tôi đi từ phi trường về trung tâm thành phố mà chỉ có 30 phút. Đường xá trong thành phố nói là kẹt xe nhưng thật ra thì tốt hơn Sài Gòn rất nhiều.

Đường xá xem ra cũng sạch sẽ hơn trước đây. Tôi ở một khách sạn loại “thường thường bậc trung”, chiều chiều đứng trên lầu 8 nhìn xuống thì thấy xe cộ ở đây (đường Nguyễn Chí Thanh) chạy rất trật tự, chắc chắn trật tự hơn và “hiền lành” hơn mấy con đường lớn ở Sài Gòn. Khách sạn này xem cũng ok, và phục vụ nhanh nhẹn, chỉnh chu. Hệ thống nước nóng phòng tôi bị hư, và chỉ cần vài phút sau là có người đến sửa ngay. Vào phòng ăn sáng thì thấy có nhân viên phục vụ sẵn sàng giúp đỡ. (Chỉ có điều món ăn quá đơn điệu và cứ “bổn cũ soạn lại” nên khách thường ra ngoài ăn sáng). Vui nhất là ăn sáng mà có cả khoai lang luộc! (Nhưng tôi thích món này, vì nó làm tôi nhớ thời mình ở dưới quê, thích ăn khoai lang luộc). Tôi lang thang ở sảnh thì nghe một chị (có lẽ là ‘supervisor’) nhắc nhở nhân viên phục vụ là phải sắp xếp cái gối như thế này, cái sofa phải như thế kia, và cửa phải lau cho thật bóng, v.v. làm tôi nghĩ thầm: à há, cuối cùng thì cũng tìm ra một nhân viên khách sạn để ý đến những chi tiết tuy nhỏ nhưng rất rất cần thiết này.

Những người Hà Nội tôi gặp lần này cũng dễ mến hơn nhiều. Tôi thích lang thang trên đường phố bình dân vừa quan sát vừa có dịp trải nghiệm và tương tác với mọi người. Đi bộ một lúc khỏi khách sạn, quẹo vào một con đường nhỏ thì thấy một cái quán có nhiều người đang uống bia. Tôi đừng tần ngần một hồi thì anh chàng đang uống bia một mình nói “Bác vào uống bia hơi cho vui”. À, thì ra đây là quán bia hơi. Tôi ngồi xuống thì đã có ngay cái menu, và menu chỉ có bia hơi với vài món nhấm. Vì đọc thấy mấy cái tên hơi lạ, tôi hỏi em bồi bàn, món nào ngon, em ấy nói thấy mọi người thích nem. Tôi hỏi lại cho chắc ăn “nem không phải là chả giò?” Em ấy gật đầu. Món nem đúng là ngon, nhất là đi với nước chấm. Làm một phát 3 li bia hơi 🙂. Tôi cẩn thận xem túi tiền để có đủ tiền trả và trừ hao cho việc bị “nâng giá”. Tôi tính nhẩm, với 3 li bia và món nem, mà nếu họ có nâng giá gấp 2 lần, thì túi tiền tôi vẫn ok. Thật ra, tôi nghĩ bậy cho người ta, vì không có nâng giá gì cả, chủ quán ‘charge’ đúng giá trên menu. Tôi nghĩ thầm trong bụng người Hà Nội vậy mới là tử tế.

Thật ra, tôi xem việc gặp người tử tế và người không tử tế của một thành phố cũng giống như mình … lấy mẫu (sampling). Trong một cộng đồng, mình lấy mẫu thì có người cao, kẻ thấp; có người tử tế và kẻ kém tử tế. Cái bàn bên cạnh tôi có nhiều người đang vui vẻ ‘đánh chén’, nhưng có điều phiền phức là họ chửi thề kinh khủng. Người này một câu chửi thề là tiếp theo có người khác chửi tiếp. Dĩ nhiên chỉ là chửi đổng thôi, chứ chẳng nhắm vào ai. Những trường hợp riêng lẻ thì không có ý nghĩa bằng cái phân bố (distribution). Tương tự, những trải nghiệm cá nhân không nói lên điều gì về một thành phố, nhưng nhìn chung và xu hướng thì tôi muốn nghĩ rằng người dân ở đây đã ‘tư bản hóa’ hơn và biết phục vụ cho khách hàng hơn.

Có một điều tôi cảm thấy thoải mái hơn trong chuyến đi này là … không thấy nón cối. Phải nói đây là một xu hướng làm ngay cả tôi cũng ngạc nhiên. Mấy lần trước, như năm ngoái chẳng hạn, cứ bước ra phố phường Hà Nội là gặp người ta đội nón cối và có khi mặc quân phục bộ đội cũ kĩ. Họ có thể là người bán rau, là người đi xe đạp trên đường, người tài xế, người làm nhiệm vụ giống như bảo vệ, hay chỉ là thường dân. Nhìn toàn cảnh người ta có thể nghĩ Hà Nội vẫn còn trong thời chiến tranh. Thật ra, quan chức khi đi “field” cũng có vẻ thích đội nón cối, và trông hơi … dị hợm. Cái nón đó nó chẳng đẹp đẽ chút nào. Không hiểu sao người ngoài Bắc thích nón cối đến thế. Theo tôi biết thì nó có nguồn gốc từ thời thực dân Pháp, thời mà nó có tên là “mũ muồng” và được mấy tay thực dân Pháp rất thích đội (cùng với quần short và áo chemise trắng). Nó gần như là một biểu tượng của thực dân Pháp, và sau này là biểu tượng của sự lạc hậu. Có lần tôi đọc đâu đó thấy một du khách người Mĩ không thích đi du lịch Việt Nam vì anh ta không ưa cái … nón cối! Thành ra, lần này ra Hà Nội không thấy nón cối tôi thấy thành phố này như đã thay da.

Văn minh hơn, nhưng Hà Nội rất ư là ô nhiễm. Tôi ở một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, được xem là một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội. Thật ra, tôi nghĩ nó chỉ tương đối rộng thôi, chứ chẳng có dấu hiệu gì để nói là “đẹp nhất Hà Nội” cả. Sáng ra thì bàn làm việc trong phòng khách sạn rất sạch, nhưng chiều về thì hỡi ơi mặt bàn đã đầy những hạt bụi, loại bụi cứng (chứ không phải ‘fine’ đâu). Bây giờ thì tôi hiểu tại sao nhiều người đi đường dùng khẩu trang. Tôi tự hỏi mỗi đêm ở đây tôi phải hít bao nhiêu dung lượng bụi này vào phổi. Không có câu trả lời cho cá nhân tôi, nhưng câu trả lời chung là Hà Nội nay là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Năm 2017, theo một báo cáo của GreenID, Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch (1).

Hà Nội bây giờ dĩ nhiên đâu còn là Hà Nội của Thạch Lam nữa đâu. Cái thời văn hoá Tràng An đã lùi vào một góc khuất nào đó trong kí ức; thay vào đó là một Hà Nội hối hả, bận rộn, và làm tiền. Cái thời người Hà Nội nói tiếng Hà Nội như Phạm Duy đã không còn nữa; chúng ta phải làm quen với cái giọng nói của người Hà Nội mới. Chỉ hơi khó nghe (và khó chịu), nhưng nghe hoài sẽ quen vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng điều làm tôi thấy mừng nhất là Hà Nội đã không còn hay còn rất ít nón cối xuống đường, vì đó là một tín hiệu cho thấy ánh sáng văn minh đã về đến vùng đất một thời được xem là ‘ngàn năm văn vật’.

(1) https://www.reuters.com/article/us-air-pollution-hanoi/hanoi-enjoyed-just-38-days-of-clean-air-in-2017-report-idUSKBN1FJ164

Y học tiên lượng trong điều trị ung thư vú

Trong khoa học, thỉnh thoảng xuất hiện những nghiên cứu mà giới khoa học gọi là “game changer”, tức làm thay đổi thực hành lâm sàng. Công trình nghiên cứu về ung thư vú của Mĩ được công bố trên tập san y học lừng danh New England Journal of Medicine vào tuần qua là một nghiên cứu thuộc đẳng cấp như thế. Theo kết quả nghiên cứu này, khoảng 85% phụ nữ ung thư vú ở giai đoạn đầu không cần hóa trị (1). Kết quả này cũng cho biết rằng phác đồ điều trị trong quá khứ là sai, và sẽ làm thay đổi thực hành lâm sàng trong điều trị ung thư vú trong tương lai.

Công trình nghiên cứu quan trọng trên được công bố trên NEJM tuần qua đã gây tiếng vang trên khắp thế giới. Các tập san ngoài NEJM có những bài bình luận về kết quả nghiên cứu. Trong các viện nghiên cứu và bệnh viện, người ta lấy bài báo ra làm Journal Club và thảo luận chuyên sâu. Các tờ báo lớn nhỏ trên thế giới, từ New York Times đến các trạm thông tin internet, đều đưa tin kèm theo những bình luận lí thú. Bài viết này sẽ điểm qua các điểm chính của nghiên cứu để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý ngĩa của công trình nghiên cứu.

Tại sao một số bệnh nhân không đáp ứng điều trị?

Ung thư vú là một bệnh nguy hiểm và ‘ám ảnh’ rất nhiều phụ nữ. Cứ 10 phụ nữ trên 50 tuổi sống đến 80 và nếu không bị tử vong vì bệnh khác thì sẽ có 1 người mắc bệnh ung thư vú. Trước đây, khoảng 20% phụ nữ bị ung thư vú tử vong trong vòng 12 tháng, thì nay tỉ lệ sống sau 10 năm lên đến 83%. Đó là một tiến bộ ngoạn mục trong việc điều trị và phòng chống ung thư vú. Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh nhân, có thể lên đến 40%, không đáp ứng điều trị và hay bị tái phát. Vấn đề tái phát là một chủ đề nghiên cứu của rất nhiều nhóm khoa học trên thế giới.

Ung thư vú thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm ở giai đoạn sớm và nhóm ở giai đoạn di căng. Đối với những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú ở giai đọan sớm (giai đoạn I-III), phác đồ điều trị mà các nước Âu Mĩ ứng dụng thường là điều trị bằng phẫu thuật, sau đó thường là xạ trị và hóa trị. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng điều trị. Câu hỏi đặt ra là tại sao các bệnh nhân không đáp ứng điều trị, và bằng cách nào có thể nhận dạng những bệnh nhân không đáp ứng (và những bệnh nhân đáp ứng điều trị). Câu trả lời nằm ở việc giải mã và ứng dụng di truyền học.

“Hồ sơ gen”

Một trong những tiến bộ quan trọng trong chuyên ngành ung thư học là di truyền học. Cần nói thêm rằng khoảng 25% những ca ung thư vú là do di truyền. Tuy nhiên, xác định những gen cụ thể có liên quan đến bệnh lí ung thư, kể cả ung thư vú, không phải là điều đơn giản. Trước đây, qua những phân tích phả hệ, các nhà khoa học đã phát hiện một số gen quan trọng như BRAC1 và BRAC2, nhưng các gen này giải thích chưa đầy 5% tất cả ca ung thư vú trên thế giới. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ di truyền như genome-wide association study và giải trình tự gen, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 100 gen có liên quan đến ung thư vú. Một điều rất thú vị và quan trọng là những gen này cũng có liên quan đến xác suất bệnh nhân đáp ứng hay không đáp ứng điều trị.

Trong ung thư học, các nhà khoa học đã xây dựng một hồ sơ gen có tên là “Oncotype DX”. Hồ sơ gen Oncotype DX tổng hợp thông tin của 21 gen có liên quan đến nguy cơ tái phát hay không tái phát. Mỗi bệnh nhân có điểm Oncotype DX dao động từ 0 đến 100, với điểm càng thấp có nghĩa là nguy cơ tái phát thấp.

Quyết định điều trị dựa vào điểm của Oncotype DX. Nếu Oncotype DX có điểm thấp (từ 0 đến 10) thì không cần hoá trị, và nhóm nguy cơ thấp này chiếm khoảng 17% trong tổng số bệnh nhân. Nhóm với điểm Oncotype DX cao (từ 26 đến 100) có nguy cơ tái phát cao và do đó cần phải đi kèm với hóa trị; nhóm nguy cơ cao chiếm khoảng 15% trong tổng số bệnh nhân. Nhưng còn nhóm đa số (68%) có điểm từ 11 đến 25 (tức nhóm giữa) thì câu hỏi là có nên dùng hoá trị.

85% bệnh nhân không cần hoá trị?

Để trả lời câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu đã thực hiện làm một nghiên cứu khá tốn kém (gần 100 triệu USD) trên những bệnh nhân có hồ sơ Oncotype DX trong khoảng 11-25. Nghiên cứu này có tên là TAILORx, bao gồm gần 10,000 bệnh nhân với bệnh ung thư trong giai đoạn đầu (I-III). Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm: nhóm I dùng hoá trị, nhóm II được điều trị bằng hormone. Các bệnh nhân được theo dõi gần 10 năm.

Kết quả nghiên cứu làm nhiều chuyên gia trong chuyên ngành ung thư học ngạc nhiên. Trong nhóm được điều trị bằng hormone, 94% còn sống sau 9 năm. Nhưng điều quan trọng hơn là trong nhóm hóa trị, cũng 94% còn sống sau 9 năm. Nói cách khác, hai nhóm hóa trị và hormone có tỉ lệ sống sót như nhau!

Ý nghĩa của kết quả trên rất quan trọng. Nó nói lên rằng có đến 85% bệnh nhân ung thư vú trong giai đoạn sớm (I-III) không cần hóa trị, mà chỉ dùng thuốc nội tiết (hormone). Dĩ nhiên, dùng hormone thì “dễ chịu” hơn nhiều so với hóa trị vốn có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho bệnh nhân và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Kết quả trên cũng nói lên rằng trong nhiều năm qua, việc dùng hóa trị cho bệnh nhân là …. không cần thiết!

Y học cá nhân hoá

Kết quả nghiên cứu còn là một minh chứng thuyết phục cho ý tưởng y học cá nhân hoá (personalized medicine). Ý tưởng y học cá nhân hoá phát biểu rằng mỗi bệnh nhân có một cơ cấu gen hoàn toàn đặc thù, không ai giống ai trên thế giới. Và, bởi vì nguy cơ mắc bệnh là một phần do tác động của gen và tương tác với môi trường, nên mỗi người có một nguy cơ mắc bệnh đặc thù. Nói cách khác, y học dựa vào phác đồ “một thuốc điều trị cho tất cả bệnh nhân” là không còn thích hợp trong thời đại di truyền học nữa. Ý tưởng y học cá nhân hoá là một lí tưởng, nhưng lí tưởng vẫn chưa đủ mà cần phải có chứng cứ khoa học. Công trình nghiên cứu này cung cấp một chứng cứ thuyết phục về việc sử dụng thông tin gen cho việc cá nhân hoá điều trị.

Trong tương lai, chúng ta có thể dự báo rằng sẽ có nhiều nghiên cứu tương tự cho các bệnh lí ung thư khác. Không chỉ ung thư, mà các bệnh lí mãn tính khác như tiểu đường, loãng xương, tim mạch, v.v. cũng sẽ tiến đến việc xác lập những hồ sơ gen cho cá nhân hoá điều trị. Viễn cảnh tương lai mà nhiều người trong khoa học “mơ tưởng” là mỗi chúng ta sẽ có một thẻ sinh học (biological card), giống như thẻ tín dụng, mà trong đó chứa tất cả thông tin về gen cho mỗi cá nhân. Khi đến phòng mạch bác sĩ hay vào bệnh viện, bác sĩ chỉ cần dùng máy tính để đọc thẻ sinh học, và sẽ ước tính được nguy cơ mắc bệnh và xác định nên dùng thuốc nào để tránh biến chứng. Viễn cảnh đó chưa xảy ra, nhưng với tiến bộ của khoa học, chúng ta có thể dự báo rằng sẽ xảy ra trong vòng 50 năm.

Tiến bộ khoa học thường nảy sinh nhiều câu hỏi mới. Một trong những câu hỏi là hiệu quả kinh tế của việc dùng gen trong điều trị bệnh ung thư. So sánh với chi phí điều trị và chất lượng cuộc sống, tôi nghĩ điều trị theo xu hướng cá nhân hoá có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, chi phí phân tích một hồ sơ gen là khoảng 2000 đến 3000 USD, nhưng chi phí này sẽ giảm trong tương lai gần (và chỉ phân tích một lần). Do đó, chi ra 2000-3000 USD để xác định thuốc thích hợp, cải thiện chất lượng cuộc sống, và quan trọng hơn là kéo dài tuổi thọ là một “đầu tư” xứng đáng.

Kết quả này có thể áp dụng cho bệnh nhân Việt Nam? Tôi nghĩ là chưa. Lí do là vì phân bố các biến thể gen ở người Á châu chúng ta có thể rất khác với phân bố ở người Âu Mĩ. Giá trị tiên lượng của hồ sơ Oncotype DX ở bệnh nhân Việt Nam chưa được xác định. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là cơ hội tuyệt vời để các nhà ung thư học Việt Nam thực hiện những nghiên cứu để (a) xác lập hồ sơ gen cho bệnh nhân Việt Nam; và (b) xác định mối liên quan giữa hồ sơ gen và đáp ứng thuốc cho bệnh nhân. Một nghiên cứu như thế sẽ giúp ích cho rất rất nhiều bệnh ung thư ở Việt Nam.

Tham khảo:

(1) https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1804710?query=featured_home

Thông báo số 1: Workshop về phương pháp nghiên cứu khoa học (Hà Nội)

Trường Đại học Dược Hà Nội xin thông báo đến các bạn quan tâm: một chương trình hướng dẫn nghiên cứu khoa học 5 ngày sẽ được tổ chức tại Trường từ ngày 3/8 đến 7/8.

Chương trình giảng được thiết kế cho các bạn mới làm nghiên cứu khoa học hay có ý muốn theo học tiến sĩ. Tuy nhiên, sinh viên y khoa, sinh học, khoa học xã hội cũng có thể theo học.

Nội dung gồm 18 bài giảng (xem công văn). Những bài giảng được soạn theo đúng qui trình nghiên cứu, tức là từ lúc đặt câu hỏi nghiên cứu, chọn mô hình thiết kế, ước tính cỡ mẫu, thu thập dữ liệu, đến phân tích dữ liệu. Đây là một chương trình hay thấy trong các khoá học dành cho bác sĩ và dược sĩ mới tốt nghiệp và chuẩn bị cho việc theo học tiến sĩ. Do đó, các bạn sắp đi học ở nước ngoài sẽ tiếp thu nhiều kiến thức và kĩ năng trong nghiên cứu khoa học.

Học phí: 1 triệu cho mỗi học viên. (Xin nhắc thêm để so sánh rằng một lớp học 5 ngày như thế này ở Úc học phí khoảng 2000 đến 3000 AUD mỗi học viên).

Chi tiết ghi danh có thể xem trong công văn kèm theo đây:

Phòng Sau Đại Học

Điện thoại: 024.38267480 hoặc 098.303.2589

Email: baodtt@hup.edu.vn (Dương Thị Thu Bảo)

Hi vọng sẽ gặp các bạn ở Hà Nội vào tháng 8 này!

Download thông báo ở đây:

https://www.dropbox.com/s/dsfa3dyben5mu2t/349%20DHN-S%C4%90H%20Tuy%E1%BB%83n%20sinh%20kh%C3%B3a%20h%E1%BB%8Dc%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20d%E1%BB%AF%20li%E1%BB%87u%20NCKH.pdf?dl=0

Journal Impact Factor: a usefully flawed metric

Image result for impact factor

The Journal Citation Report is out. I have just read a nice commentary on the utility of journal impact factor (1), and I would like to chip in a few words. Let me state my view: to me, journal impact factor (JIF) is a usefully flawed metric. The JIF, as the name implies, is designed for assessing the impact of a journal, not for evaluating an individual scientist. Unfortunately, many people, committees, institutes and universities have been using the JIF to judge a scientist’s performance, and that is obviously wrong. The inventor of JIF, Mr. Eugene Garfield, never intended to use JIF for an individual scientist; he used it for deciding which worthy journals his library should subscribe to.

Even when the JIF is used for assessing the impact of a journal, it is also flawed. It is flawed because it is based on the mean citation per paper. We all know that the distribution of citations is highly skewed (with the majority of papers receiving 0 citation after 5 yr pub), so using the mean to describe the citation is both intellectually simplistic and dangerously biased. A median-based JIF is a much better way to capture the average impact.

The main determinants of JIF are time and the number citations, with the latter being manipulated easily. In the bone research field, a relatively new journal has recently achieved an IF of 9.XX after only 5 yr of operation! Yet, very few people — if any — in the field would consider that the journal is more influential than the “old horse” JBMR. So, these days — in the presence of so many emerging journals and predatory journals — to make judgment on a piece of sci communication and/or a journal, expert insight does count here.

Although flawed, the JIF is a useful metric. It is useful because it can yield a moderate signal for science quality. There are essentially 3 ways to evaluate the impact and utility of an individual paper: the number if citations, post-publication peer review, and JIF. It takes time (eg usually >5 yr) to gather reproducible citations, so the number of citations is not practically feasible for short term evaluation. Post-pub peer review is biased and error-prone, because there is poor agreement between assessors on any paper. It is a paradox that scientists are pretty good at judging science, but they are pretty bad at judging research!

These people (2) found that JIF seems to be the most satisfactory way (compared with peer-review and total citations) to to measure the scientific merit of a paper. However, they warned that JIF is prone to error when it comes to qualitative assessment. So, it reinforces my view that JIF is a usefully flawed metric.

===

(1) https://www.nature.com/articles/d41586-018-05467-5

(2) http://www.plosbiology.org/article/info%3Adoi%2F10.1371%2Fjournal.pbio.1001675

My academic life journey: a chat with SBS

In April this year I had a chat with SBS journalist Kim Anh about my life journey, from a refugee to a scientist in Australia. What I could not predict is that the 25-minute conversation (in Vietnamese) has been a “hit” of the SBS’s Second Generation Program!

I came to Australia as a “boat people” on January 26, 1982 — Australian Day. My first job in Australia was a kitchen hand at St Vincent’s Hospital. Approximately 8 years later, I was back to St Vincent’s as a medical researcher of the Garvan Institute of Medical Resarch. And, I have been a member of the “St Vincent’s family” for almost 30 years. Through the interview, I recounted my life journey after I left Vietnam, I talked about my up and down moments during the 3 decades of being a Vietnamese Australian and my experience as an Asian academic in Australia and the States. I also shared my personal experience in higher learning institutions with younger students of Vietnamese background. I do hope that my life story and experience provide some lessons for younger people who aspire to make a positive contribution to this country and the world.

===

https://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/audiotrack/he-thu-hai-bai-141-tu-phu-bep-den-giao-su-y-khoa-nguyen-van-tuan?language=vi

Đi tìm bức tượng "Mẹ và Con", một tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở hải ngoại

Để tưởng nhớ Mai Chửng, điêu khắc gia

tượng đài Bông Lúa 1970 và tượng Mầm 1974

Ngô Thế Vinh

Hình 1: Chân dung Mai Chửng, bên một tác phẩm điêu khắc.

[tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]

TỪ CỬA TRẦN ĐỀ TỚI TƯỢNG ĐÀI BÔNG LÚA

Từ con Kênh Vĩnh Tế biên giới Việt Miên tới Cửa Trần Đề, có thể nói chúng tôi đã đi gần suốt chiều dài con Sông Hậu.

Chúng tôi đang đứng ở mút cuối con Sông Hậu, nhìn từng đợt sóng vỗ vẫn còn màu nâu nhạt của phù sa nơi cửa Trần Đề, khúc sông trải rộng để chan hoà vào biển cả; bao nhiêu cảm xúc tràn về, như một flashback, chợt nhớ lại hơn một lần qua Long Xuyên, nơi có tượng đài Bông Lúa của Mai Chửng, một cố tri và cũng là một tên tuổi lớn trong lãnh vực điêu khắc của Miền Nam”. Tượng đài Bông Lúa biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp, là tác phẩm đồ sộ bằng đồng lá đã được dựng tại thị xã Long Xuyên (1970), một tỉnh lỵ Miền Tây. Một bó lúa vươn lên ngất trời được Đinh Cường thêm vào mấy chữ mô tả thực đẹp: “Phơi phới của mùa lúa con gái...” Sau 1975, cùng với chiến dịch đốt sách, tượng đài Bông Lúa ấy đã bị cộng sản phá sập, quả không phải là một “điềm lành” cho tương lai nền Văn Minh Lúa Gạo và cả hậu vận của toàn vùng Sông Nước Cửu Long.” (1,3)

Hình 2: trái, Tượng đài Bông Lúa Con Gái 1970 bằng đồng lá, một tác phẩm nghệ thuật lớn của điêu khắc gia Mai Chửng; [tài liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ 1966-1975]; phải, Mai Chửng đang dựng tượng đài Bông Lúa ở Long Xuyên. [tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]

Hình 3: trái, Mai Chửng đứng bên công trình tượng đài Bông Lúa cao 18 m đang xây cất tại Long Xuyên ĐBSCL; phải, toàn cảnh pho tượng Bông Lúa tại Công viên Trưng Vương, thị xã Long Xuyên 1970. Chỉ 5 năm sau, sau 30 tháng 4, 1975 tượng đài Bông Lúa ấy đã bị cộng sản phá sập, quả không phải là một “điềm lành”. [nguồn: sưu tập Dương Văn Chung, Thatsonchaudoc.com]

TỚI BỨC TƯỢNG MẦM 1973

Sau tượng đài Bông Lúa Con Gái (1970), không thể không nhắc tới một tác phẩm để đời khác của Mai Chửng, bức tượng Mầm (1973) cao 1.50 m, làm bằng cả ngàn vỏ đạn súng trường được hàn lại, biểu tượng cho sự sống vẫn vươn lên giữa tàn phá của chiến tranh và được Mai Chửng cho triển lãm năm 1974 tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental trên đường Tự Do Sài Gòn. Nhưng rồi như số phận của tượng đài Bông Lúa, sau 1975, bức tượng Mầm ấy đã bị vứt vào nhà chứa củi, hay một xó xỉnh nào đó, và số phận ra sao thì không ai được biết. (3)

Hình 4: Tượng Mầm cao 1.50 m, chất liệu bằng đồng làm bằng cả ngàn vỏ đạn hàn lại, được Mai Chửng cho triển lãm năm 1974 tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental nổi tiếng trên đường Tự Do Sài Gòn. Sau 1975, bức tượng Mầm ấy đã bị vứt vào nhà chứa củi, hay một xó xỉnh chứa đồ phế thải nào đó, và nay số phận bức tượng ấy ra sao thì không ai được biết. [tư liệu gia đình Mai Chửng]

Sẽ bất công nếu cứ đòi hỏi tác phẩm lớn của nghệ sĩ, nhất là trong lãnh vực điêu khắc. Khó mà có một tác phẩm điêu khắc lớn như tượng đài Bông Lúa nếu không có sự bảo trợ của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín lúc đó.

NHỮNG NGƯỜI BẠN THẦM LẶNG CỦA MAI CHỬNG

Sau khi cho phổ biến bài viết số 5 “Đồng Bằng Sông Cửu Long và Những Bước Phát Triển Tự Huỷ Hoại 1975-2018” vào cuối tháng 4, 2018, và cũng là bài đúc kết về chuyến khảo sát môi sinh ĐBSCL (1), và do nơi đầu bài có ghi dòng chữ: “Để tưởng nhớ Mai Chửng, điêu khắc gia tượng đài Bông Lúa 1970” tôi nhận được một số hồi âm từ những người bạn thầm lặng của Mai Chửng.

Trước hết là từ anh Huỳnh Hữu Uỷ, một cây bút phê bình hội hoạ uy tín từ trước 1975 và sau này ở hải ngoại; anh Uỷ viết: “Anh Ngô Thế Vinh, trong bài viết số 5, anh đưa việc chính quyền cộng sản kém cỏi giật sập tượng đài Bông Lúa để hình tượng hoá và kết thúc vấn đề trong bài viết về ĐBSCL, thực là khéo và chính xác. Kết thúc một vấn đề khoa học, sinh thái, môi trường, và xã hội mà rất nghệ thuật. Và với người bạn quen biết cũ của chúng ta, Mai Chửng hẳn là cũng đang mỉm cười cám ơn anh ở một chốn xa xôi nào đó…”

Tiếp đến là nhà báo Đỗ Tiến Đức, anh Đức là nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Má Hồng, giải Văn học Nghệ thuật 1969, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và Cao Đẳng Quốc Phòng, giữ các chức vụ Giám đốc Thông tin, Giám đốc Nha Điện ảnh thời VNCH, sáng lập Khoa Điện ảnh Đại học Minh Đức, anh cũng là đạo diễn một số tác phẩm phim ảnh. Định cư ở Mỹ từ 1979, anh Đức rất năng động trong các sinh hoạt cộng đồng, là chủ bút báo Thời Luận, bền bỉ tới nay cũng đã 33 năm. Anh Đức viết:

Anh Vinh thân, trong bài số 5, anh có nhắc tới Mai Chửng làm tôi bồi hồi nhớ. Tôi giao tình với Mai Chửng từ Việt Nam. Lúc Mai Chửng sang Cali, chúng tôi gặp nhau thường. Khi anh Nguyễn Huy Hân tổ chức Đại Hội Người Việt Bắc Mỹ, tại Michigan, tôi rủ Mai Chửng tham gia. Nhân danh ban tổ chức, tôi xin anh Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ bảo trợ cho Mai Chửng làm bức tượng Mẹ Con. Anh Kỳ đồng ý, đưa Mai Chửng qua tôi gần hai chục ngàn đô theo nhu cầu của Mai Chửng. Mai Chửng thực hiện tượng ở San Jose. Bức tượng này còn trong garage nhà anh Nguyễn Huy Hân ở Michigan sau cuộc triển lãm trong thời gian đại hội. Có lẽ đây là tác phẩm duy nhất của Mai Chửng ở hải ngoại. Tôi kể chuyện này với anh để chúng ta cùng nhớ Mai Chửng.”

Qua tin tức từ anh Đỗ Tiến Đức, tôi liên lạc ngay với anh BS Nguyễn Ngọc Kỳ là đàn anh trong gia đình y khoa Sài Gòn, nguyên y sĩ trung tá không quân VNCH, anh Kỳ di tản sang Mỹ từ 1975, anh có một đời sống xã hội trải rộng nhưng lại cực kỳ khiêm cung. Mặc dù anh Kỳ có phòng mạch rất sớm ở Quận Cam, anh là một bác sĩ hy sinh bền bỉ nhất đi theo các con tàu vớt người vượt biển / boat people trong nhiều năm. Anh cũng là mạnh thường quân bảo trợ cho nhiều dự án của các sinh hoạt cộng đồng hải ngoại, anh không bao giờ nói ra và rất ít người biết đến. BS Nguyễn Ngọc Kỳ xác nhận nguồn tin của anh Đỗ Tiến Đức, anh Kỳ còn nhớ khi công trình bức tượng Mẹ và Con sắp hoàn tất anh có lên San Jose thăm Mai Chửng, trước khi bức tượng được chính Mai Chửng lái xe truck đưa sang Michigan tham dự Đại Hội. Anh Kỳ đã không muốn nhắc gì thêm về phần anh bảo trợ cho Mai Chửng thực hiện bức tượng ấy.

Cũng theo những điều còn nhớ được của anh Đỗ Tiến Đức, thì thời gian ở Michigan chính Mai Chửng đã chọn chỗ trưng bày tượng, thực hiện hệ thống ánh sáng với một dàn đèn khiến khi nhìn tổng thể từ xa, bức tượng trông giống như một bản đồ Việt Nam sáng rỡ nhưng đến gần là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. Cũng chính Mai Chửng đã hướng dẫn anh Đức chọn góc độ đứng chụp những tấm hình mà đến nay thì chưa tìm ra được.

Và như vậy, đầu mối để tìm ra bức tượng là anh Nguyễn Huy Hân hiện ở Michigan. Tôi chưa bao giờ được gặp và quen anh Hân, nhưng lại được nghe nhiều tiếng tốt về anh. Anh Hân tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh Khoá 4 trước anh Đỗ Tiến Đức. Anh Hân nổi tiếng là thanh liêm khi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Thuế Vụ thời VNCH, sống thanh bạch và vẫn đi xe đạp. Cũng được biết thêm, anh Hân là người em kết nghĩa với GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, khi ấy anh Vinh cũng ở Michigan.

Qua giới thiệu của anh Từ Mai Trần Huy Bích, khi tôi tiếp xúc với những người quen anh Hân thì được biết, hoặc từ lâu đã bị mất liên lạc, hoặc rất khó tiếp cận với anh Hân do cuộc sống “quy ẩn” của anh Hân sau này.

Rồi chợt nhớ ra, tôi còn có một người bạn là BS Đặng Vũ Vương hiện cũng ở Michigan. Anh Đặng Vũ Vương là bạn làm báo sinh viên Tình Thương với tôi trong thời gian học Y khoa 1963 – 1967, anh là một trong những cây bút viết mục Quan Điểm rất sắc sảo trên tờ báo Tình Thương thuở nào. Anh Vương định cư ở Michigan từ 1980, rất năng động và từng là chủ tịch cộng đồng người Việt nơi anh định cư. Tôi phone ngay cho anh Đặng Vũ Vương và được biết anh rất quen anh Nguyễn Huy Hân và cả người anh của anh Hân là anh Nguyễn Nhật Thăng, cũng ở Michigan. Qua giới thiệu của anh Đặng Vũ Vương với anh Thăng, như một duyên khởi, tôi rất vui được biết bức tượng Mẹ và Con hiện được giữ tại nhà anh Nguyễn Nhật Thăng, thành phố Auburn Hills Michigan.

CÓ MỘT BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON NƠI XỨ TUYẾT

Trong cùng ngày, tôi phone nói chuyện với anh Nguyễn Nhật Thăng. Anh Thăng sinh năm 1930, năm nay đã 88 tuổi nhưng giọng nói khoẻ mạnh và rất minh mẫn. Anh Thăng rất cởi mở, anh nói chuyện với tôi như với một người bạn quen lâu năm. Khi biết tôi rất quan tâm và trân quý bức tượng của Mai Chửng, trong một phút ngẫu hứng anh Thăng nói, “kể từ hôm nay bức tượng ấy là của anh Vinh.” [sic]

Tôi nói với anh Thăng, bức tượng ấy sẽ không thuộc về cá nhân nào mà là sở hữu của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, do tính cách lịch sử hình thành của bức tượng. Do bức tượng lớn bằng thạch cao, tôi xin anh Thăng giữ gìn sao cho không bị tổn thương tới khi tìm được một nơi chốn xứng đáng để trưng bày bức tượng như nơi một công viên văn hoá hay trong một viện bảo tàng nơi thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Anh Thăng xúc động và rất tán đồng ý kiến đó. Cũng trong đêm, Nguyễn Văn con trai anh Thăng, một chuyên viên IT đã chụp và gửi cho tôi 12 tấm hình tuyệt đẹp bức tượng Mẹ và Con với nhiều góc độ mà tôi muốn giới thiệu trong bài viết số 6 này.

Nguyễn Trung khi viết về Mai Chửng có nói tới: “một khoảng trống không nhỏ từ thập niên 80 đến đầu thập niên 90, khoảng thời gian đầu của cuộc sống bên Mỹ.” (1)

Đây chính là điều mà người viết muốn bổ sung. Như đã nói ở trên, trong thời gian đó, khoảng giữa 1981-1985, Mai Chửng đã thực hiện được bức tượng Mẹ và Con với kích thước lớn để tham gia Đại Hội Người Việt Bắc Mỹ. Bức tượng đó rất ít người biết đến, hầu như bị lãng quên và hiện đang được giữ nơi tư gia anh Nguyễn Nhật Thăng, thành phố Auburn Hills, Michigan như đã nói ở trên.

VÀI HÌNH ẢNH BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON CỦA MAI CHỬNG

Hình 5: Tượng Mẹ và Con, là tác phẩm điêu khắc có kích thước lớn đầu tiên của Mai Chửng thực hiện ở hải ngoại (San Jose, 1982). Bức tượng được triển lãm trong Đại Hội Người Việt Bắc Mỹ tại Michigan, sau đó được lưu giữ tại nhà anh Nguyễn Huy Hân, thành phố Pontiac Michigan, anh Hân là thành viên chính tổ chức Đại Hội. Bức tượng được chuyển qua nhà anh Nguyễn Nhật Thăng, anh của anh Hân, thành phố Auburn Hills, Michigan. [photo by Nguyễn Văn 20.05.2018, tư liệu Ngô Thế Vinh]

Hình 6: Hình chụp từng phần bức tượng Mẹ và Con của Mai Chửng; từ trái hình con dưới chân mẹ 24″x25″x18″; hình mẹ 49″x30″x18″; hình con nơi đầu mẹ 30″x30″x20″. [photo by Nguyễn Văn 20.05.2018, tư liệu Ngô Thế Vinh]

Hình 7: Hình chụp từng phần bức tượng Mẹ và Con của Mai Chửng: hình mẹ. [photo by Nguyễn Văn 20.05.2018, tư liệu Ngô Thế Vinh]

THÊM MỘT BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON Ở HẢI NGOẠI

Trong bộ sưu tập của gia đình Mai Chửng, còn thấy thêm một bức tượng Mẹ Con khác, không lớn lắm chiều cao khoảng 8-10″ hoàn tất năm 1990 tại Hawaii. Nay không biết bức tượng lưu lạc nơi đâu.

Hình 8: Một bức tượng Mẹ Con khác, chất liệu thạch cao của Mai Chửng thực hiện ở Hawaii 1990; nguồn kiếm sống với toàn thời gian của Mai Chửng ở Hawaii tới 1997 là nghề lái taxi. [tư liệu gia đình Mai Chửng]

TIỂU SỬ MAI CHỬNG 1940 – 2001

Mai Chửng họ Nguyễn, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1940 tại Bình Định, cùng quê với hoạ sĩ Lâm Triết, nhà văn Võ Phiến; là điêu khắc gia có nhiều tác phẩm theo trường phái hiện đại. Hầu hết tác phẩm của ông đã bị cộng sản phá hủy sau biến cố 1975.

Mai Chửng theo học Cao đẳng Mỹ thuật Huế với điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ từ Paris về. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1961, sau đó tiếp tục học tại Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, tốt nghiệp năm 1963. Từ 1968, Mai Chửng bắt đầu dạy ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật và năm 1974 tại Đại học Kiến trúc Sài Gòn.

Trước 1975, Mai Chửng có thời gian nhập ngũ khoá Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, làm việc tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị với cấp bậc cuối cùng là Đại uý. Sau đó, ông là sĩ quan biệt phái khi về dạy Đại học Kiến trúc. Năm 1975 ông bị bắt học tập cải tạo gần 3 năm, được thả cuối năm 1978.

CÓ MỘT NỀN VĂN HOÁ TINH KHÔI BỊ KỲ THỊ

Sau 1975, Hội Mỹ Thuật Thành Phố có tổ chức tuyển lựa mẫu Tượng Đài Chiến Thắng để dựng tại Công Trường Quốc Tế trước Bộ Tổng Tham Mưu đường vào phi trường Tân Sơn Nhất, mẫu tượng đài của Mai Chửng được giải nhất, nhưng sau đó đã không được thực hiện.

Hãy để Huỳnh Hữu Uỷ qua eMail trao đổi với người viết, nói về mẫu tượng đài đoạt giải nhất này: “Mẫu tượng đài tôi xem vào khoảng cuối năm 1978-1980, tức là lúc tôi trở về từ trại cải tạo cho đến lúc vượt biên và bị bắt đi tù lần thứ hai. Tôi còn nhớ chính Mai Chửng quay bàn xoay để tôi nhìn mẫu hình pho tượng. Pho tượng rất đơn giản mà cực kỳ quyến rũ. Ở đây mới thấy ra được một điều: cái đơn giản của một tài năng lớn không đơn giản chút nào. Và một ý tưởng đơn giản như thế, với những hình ảnh quen thuộc, nhất là với các nghệ sĩ miền Bắc, mà tại sao không ai nghĩ đến, và rồi chỉ có Mai Chửng có thể đúc kết thành một vấn đề thời đại. Có lẽ hoàn cảnh lịch sử dữ dội đã tác động thành một sức mạnh nơi Mai Chửng chăng? Hay chính đó cũng là trường hợp của tượng đài “Bông Lúa” trước đây. Ở đây cũng phải nhắc tới Diệp Minh Châu, một con người rất đặc biệt, dám chấm giải nhất cho một tên Nguỵ vừa đi tù về, hành động đó thật đáng khâm phục.”

[* Diệp Minh Châu 1919 – 2003 người Bến Tre, là hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thế hệ 1940, là một tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật tạo hình VN, đi theo kháng chiến rất sớm và sau 1975 trở về Sài Gòn, là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố].

Cũng vẫn Huỳnh Hữu Uỷ viết tiếp trong Vài Điều Về Điêu Khắc Gia Mai Chửng: “Dù mới chỉ là một mô hình phác thảo, cũng đã cho thấy một không khí rất vĩ đại và tráng lệ: pho tượng Bà Mẹ Chiến Thắng thực hiện để tham dự một cuộc thi về tượng đài thành phố khoảng năm 79-80. Một người phụ nữ với chiếc khăn quàng cổ tung bay, mái tóc tung bay, khẩu súng trường nắm trong tay phải được giương cao, người phụ nữ ấy đứng thẳng trên mình con chim vươn mình sải cánh trải dài. Hình tượng con chim, rõ ràng là Mai Chửng đã dựa vào nét cách điệu trừu tượng con chim Lạc trên các trống đồng cổ của nền văn minh Đông Sơn, điển hình nhất là những con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ trên trống đồng Ngọc Lũ. Dựa vào hình ảnh con chim Lạc ấy, nhưng Mai Chửng đã biến đổi đi, nên con chim sải cánh rất thực, chứ không phải chỉ là một đường lượn gợi ý, và người phụ nữ đứng trên mình con chim thì chỉ là một thành phần nhỏ của pho tượng, với tỉ lệ có lẽ chỉ khoảng chừng 1/10 của pho tượng. Mới chỉ là một đồ án phác thảo, đặt trên một mặt bàn với đường kính chừng hai thước, đã làm cho người xem ngây ngất vì một hấp lực thơ mộng, hoành tráng, và rất hiện đại. Do ý kiến quyết định của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, pho tượng được chấm giải nhất nhưng rồi cuối cùng, công trình này đã không được tiến hành chỉ bởi vì Mai Chửng là một người lính của chế độ cũ.

Vẫn với những dòng chữ đanh thép, trong sự tiếc nuối, Huỳnh Hữu Uỷ tiếp: “Định kiến chính trị và sự thù hằn giới tuyến đã làm đất nước mất đi một công trình nghệ thuật lớn. Nếu tượng đài này được dựng lên thì Việt Nam đã có một tượng đài chiến thắng có thể đủ lời lẽ để nói chuyện với thế giới, có thể đặt ngang với những tượng đài chiến thắng khắp nơi trên hành tinh, hòa nhập vào đời sống hiện đại mà vẫn là độc sáng của một nền văn hóa riêng biệt, với một ngôn ngữ và tâm hồn riêng bắt nguồn từ một quá khứ xa thẳm.” [hết trích dẫn] (3)

Theo hoạ sĩ Trịnh Cung, có thêm một cuộc tuyển chọn lần thứ hai được tổ chức sau đó, với sự tham gia của nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng từ miền Bắc và một lần nữa mẫu tượng đài của Mai Chửng lại được bầu chọn hạng nhất, nhưng số phận của nó chẳng khác lần đầu chỉ vì Mai Chửng là một người lính của chế độ cũ. (5)

Trước bước đường cùng của sáng tạo, Mai Chửng đã cùng với gia đỉnh vượt biên đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1981 giữa lúc những người “Bên Thắng Cuộc” như đang lên đồng ồn ào làm lễ ăn mừng ngày họ đã bức tử Miền Nam. Theo lời kể lại của Nguyễn Mai Bội Nghi, con gái Mai Chửng thì:

Ba cháu và cả nhà đã vượt biên đúng vào ngày đó. Ba cháu lái xe gắn máy cùng mấy người leaders ra bãi trước để chuẩn bị tàu bè. Mẹ và tụi cháu được xe hàng đưa xuống sau nhưng bị công an chận lại và giam giữ 3 ngày. Lúc đó cháu được 10 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in. Ba cháu không thể quay lại kiếm Mẹ và tụi cháu vì quá nguy hiểm nên đã phải lên tàu ra đi.”

Rất may mắn, Mai Chửng đến được bến bờ của tự do, tới đảo Poulo Bidon và chỉ ba tháng sau anh đặt chân tới Mỹ, ngày 17 tháng 7 năm 1981. (4)

Ban đầu Mai Chửng đến San Jose, lao động nhiều nghề để kiếm sống và rồi anh khá thành công với chiếc xe bán “fast food”. Chín năm sau 1990, Mai Chửng bảo lãnh được gia đình vợ và 4 con sang định cư ở Dallas, Texas. Với gánh nặng gia đình ấy, Mai Chửng đã phải sang Hawaii sống bằng nghề lái taxi cùng với những tên tuổi khác như Nguyễn Đạt Thịnh, nguyên Chủ nhiệm báo Diều Hâu, nhà báo Phạm Hậu và người bạn trẻ Đinh Quang Anh Thái. Cho đến khi gia đình ổn định, các con anh đã ra trường, đến năm 1997 Mai Chửng mới trở về Dallas; đây là khoảng thời gian khá ngắn ngủi anh thực sự được sống với gia đình.

MAI CHỬNG MỘT CUỘC ĐỜI BƯƠN CHẢI

Trong một dịp từ Hawaii về thăm Little Saigon, trả lời Hoàng Khởi Phong, trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt, Mai Chửng tâm sự: “Tôi là nhà điêu khắc, tôi nặn tượng. Suốt hơn mười năm nay [ở hải ngoại, ghi chú của người viết] thỉnh thoảng nhớ nghề tôi làm một pho tượng, không nhằm mục đích bán, không bao giờ quảng cáo nên cũng không hề có đơn đặt hàng. Tôi nặn tượng chỉ vì những thôi thúc của tiêng tôi, như vậy thì dứt khoát đó là do hứng, nhưng mà cơm áo cũng kinh hoàng lắm cho nên hứng cho dù có cũng không phải dễ dàng gì hoàn thành một tác phẩm.” (2)

Mai Chửng là một điển hình cho những nghệ sĩ tài năng của Hội Hoạ Sĩ Trẻ, họ không thể kiếm sống bằng tác phẩm. Đối với giới nghệ sĩ, có hai trường hợp: nếu tốt số có thân cư thê, họ có thể rong chơi sống với nghệ thuật, chuyện cơm áo đã có những bà Tú Xương lo. Nhưng Mai Chửng thì chọn cho mình một cuộc đời bươn chải, trước 1975 điêu khắc chưa bao giờ thực sự nuôi sống anh. Ra hải ngoại từ 1981, Mai Chửng đã qua nhiều nghề để kiếm sống, bằng xe fast food ở San Jose, rồi sau đó bằng nghề lái taxi trong nhiều năm ở Hawaii, không những đủ nuôi sống bản thân mà anh còn cưu mang được toàn gia đình cho tới khi các con anh thành đạt. Nhưng bằng cái giá hy sinh quá cao đối với một tài năng như Mai Chửng. Tới thời điểm vượt qua được nợ cơm áo, thì Mai Chửng không còn trẻ nữa và sức khoẻ cũng đã suy yếu, giấc mộng lớn điêu khắc của Mai Chửng vẫn có đó nhưng khó thành.

Mai Chửng đặt chân tới Mỹ khi anh mới 41 tuổi. Với 20 năm sống ở hải ngoại, phải nói rằng tài năng Mai Chửng đã bị rất nhiều hạn chế do không có thời gian, không có phương tiện, cho dù anh vẫn có những thôi thúc của cảm hứng sáng tạo, nhưng rồi cuối đời Mai Chửng cũng hoàn thành được một số tượng đẹp cho dù với kích thước khiêm tốn.

NĂM 2000, NĂM THĂNG HOA CỦA MAI CHỬNG

Chỉ riêng năm 2000, một năm trước ngày anh mất, Mai Chửng đã thực hiện được một loạt tác phẩm điêu khắc bằng đất nung với một chiếc lò nung cũ mua được qua mục rao vặt; vẫn với đường nét giản dị, nhưng mạnh mẽ rất Mai Chửng với nhiều chất trí tuệ, và đẹp. Có thể kể 6 tác phẩm cuối đời của Mai Chửng gửi tới cuộc Triển lãm 2001 với Chủ đề Hồi Cố (từ 22.07 tới 07.08.2001) tại Sài Gòn:

Hình 9a: từ trái, (1) Người Nhạc Sĩ, 2000, Bronze 39”; (2) Cô Gái Mèo, 2000, Bronze 13”; (3) ‘Thánh Đường, 2000, Bronze 13”

Hình 9b: từ trái, (4) Chị Em, 2000, Bronze 17”; (5) Người Ngồi, 2000, Bronze 13”; (6) Người Mẫu, 2000, Bronze 25”

MAI CHỬNG MỘT HOẠ SĨ

Tuy được biết tới như một điêu khắc gia, Mai Chửng còn là một hoạ sĩ tài năng. Khi nói về bản thân, Mai Chửng khẳng định: “Hoạ chỉ là nghề tay trái của tôi. Tôi vẽ tranh rất ít, và hay vẽ phụ bản cho các cuốn sách của bằng hữu. Nghề tay phải của tôi là nghề điêu khắc.” (1)

Tuy vẽ rất ít, tranh sơn dầu của Mai Chửng rất nghệ thuật, trước đây Mai Chửng thích màu xám, nhưng cuối đời vào khoảng năm 2000, Mai Chửng có vẽ thêm khoảng 6-7 bức tranh sơn dầu như Thiếu nữ và Hoa Quỳnh, Ba Chị Em, Người Đàn Bà … với màu sắc tươi tắn, chất liệu mượt mà sang trọng, và rất đẹp. Qua những bức tranh hiếm hoi mà chúng ta còn thấy được, có thể nói trong hội hoạ, Mai Chửng là một hoạ sĩ rất tài hoa, một cây cọ bậc thầy.

Hình 10a: Thiếu nữ và Hoa Quỳnh, sơn dầu trên bố 40” x 52”, 2000 [tư liệu gia đình Mai Chửng]

Hình 10b: trái, Ba Chị Em, sơn dầu trên bố 40” x 52”, 2000; phải, Người Đàn Bà, sơn dầu trên bố 40” x 52”, 2000 [tư liệu gia đình Mai Chửng]

Tuy sức khoẻ của Mai Chửng sút kém sau phẫu thuật cắt bướu ung thư bao tử, nhưng anh vẫn không ngừng làm việc và rất hào hứng hoàn tất một số tác phẩm để tham gia cuộc triển lãm lớn vào tháng 7 năm 2001 cùng với các họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam trong và ngoài nước, tổ chức tại Gallery Vĩnh Lợi Sài Gòn. Cuộc triển lãm chủ yếu có sự tham gia của các thành viên Hội Hoạ Sĩ Trẻ như: Dương Văn Hùng, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Cù Nguyễn, Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em, Nguyễn Phước, Trịnh Cung…

Hoạ sĩ Nguyễn Phước, khuôn mặt nổi bật khác của Hội Hoạ Sĩ Trẻ, là bạn thân thiết của Mai Chửng, đã bay từ Minnesota sang Dallas, giúp Mai Chửng đóng gói vô thùng một số tượng đất nung mới nhất từ Hoa Kỳ về Việt Nam cho đúc đồng. Nguyễn Phước đã ghi lại cảm tưởng khi gặp lại cố tri Mai Chửng ở Dallas: “Khi mới biết anh bắt đầu làm việc, chỉ sau vài tháng gặp lại, tôi đã thấy vô số tượng bày chung quanh xưởng. Tượng của anh rất hoàn chỉnh và có chiều sâu. Một sức sáng tác mãnh liệt.” (3)

Đưa tới tham dự cuộc Triển lãm, Mai Chửng có 6 bức tượng đồng vừa được đúc xong ở Phường Đúc Huế. Nhưng đến ngày khai mạc, Mai Chửng bất ngờ ngã bệnh. Anh đã chẳng thể đến xem các tác phẩm điêu khắc của mình cùng với các tranh tượng của bằng hữu.

Từ Sài Gòn, em gái Mai Chửng báo tin cho gia đình bên Mỹ: anh Mai Chửng bị hôn mê nói sảng. Mai Chửng được biết bị viêm gan B mạn tính, cũng rất thường gặp ở cộng đồng người Á châu, nay đưa tới suy gan cấp tính, khiến mọi độc tố thay vì được ngăn chặn hiệu quả từ gan nay lên não, gây nên một hội chứng não-gan mà thuật ngữ chuyên môn y khoa gọi là hepatic encephalopathy khiến người bệnh mất tỉnh táo, nói lẫn và cuối cùng đưa tới hôn mê. Em gái Mai Chửng phải đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy.

Rất sớm sau đó, Mai Chửng được gia đình đưa về Mỹ, tiếp tục điều trị cấp cứu tại một bệnh viện đại học danh tiếng: Baylor University Medical Center, Dallas Texas.

Theo Nguyễn Mai Phú Nga, con gái Mai Chửng thì “bác sĩ không lạc quan cho lắm sau khi khám bệnh cho ba tôi. Căn bệnh quật ngã ba tôi là bệnh gan chứ không phải là ung thư của ông tái phát như chúng tôi từ đầu thoạt nghĩ. Căn bệnh viêm gan mà bác sĩ tin là ông đã mang trong người từ lúc lọt lòng, căn bệnh gan mà ba tôi đã được chữa trị tưởng đã lành lặn nay quay lại như một hung thần. Chị em tôi không thể nào tin ở tai mình khi được báo là cách duy nhất cứu sống ba tôi là thay gan mới.” (2)

Nhưng người bệnh Mai Chửng lại không đủ tiêu chuẩn cho một cuộc phẫu thuật thay ghép gan / liver transplant vì với tiền căn ung thư anh chưa vượt qua được ngưỡng “five years cancer survival” và tổng trạng thì rất yếu. Gia đình chỉ còn hy vọng vào phép lạ.

Và rồi, cũng giống như trường hợp Lê Đình Điểu, Nghiêu Đề – cả hai đều là bạn thân thiết của Mai Chửng, cùng vướng vào căn bệnh nan y, đến giai đoạn cuối này thì thuốc ta, thuốc tàu với rất nhiều giai thoại truyền khẩu, đã trở thành chiếc phao hy vọng. Nguyễn Mai Phú Nga viết tiếp: “Mẹ tôi bắt đầu hướng qua thuốc ta và thuốc tàu. Ai chỉ mẹ tôi thuốc gì bà cũng nghe theo với hy vọng ba tôi được chữa lành.” (2)

Nhưng rồi, Mai Chửng qua đời hai tháng sau, anh mất lúc 1:20 sáng ngày 1 tháng 9 năm 2001 cũng tại Trung tâm Y khoa Baylor Dallas Texas, ở tuổi 61. (2)

Hội Họa sĩ Trẻ:

Năm 1966, Mai Chửng đã cùng nhiều họa sĩ trẻ khác thành lập Hội Họa sĩ Trẻ ở Sài Gòn. Họ là những tài năng sau này đều thành danh như: Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Đinh Cường, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Hồ Thành Đức, Cù Nguyễn, v.v.

Chủ tịch đầu tiên của Hội Họa sĩ Trẻ là Ngy Cao Uyên, tiếp sau là Nguyễn Trung, và thứ ba cuối cùng là Mai Chửng.

Hình 11: Sinh hoạt Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam; từ trái: Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Mai Chửng, Hồ Thành Đức. [tư liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam]

Tác Phẩm:

Từ khi còn học ở Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Mai Chửng đã cùng với Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ rất trẻ mới từ Pháp về, thực hiện một quần thể tượng tôn giáo theo phong cách hiện đại nơi quảng trường nhà thờ La Vang, Quảng Trị vào đầu thập niên 60. Những pho tượng này bị hư hại trong chiến tranh, nhất là trong cuộc giao tranh lớn Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.

Mai Chửng được biết đến như nhà điêu khắc tiên phong của Việt Nam trong việc sử dụng chất liệu kim loại như đồng, sắt trong điêu khắc.

Năm 1973, ông hoàn tất tượng Mầm, tác phẩm sau đó được ra mắt tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental, Sài Gòn. Ông thực hiện bức tượng Chị Em, đặt tại Thương xá Tam Đa. Tác phẩm của Mai Chửng được nhiều người biết tới nhất là Bông Lúa Con Gái. Bức tượng biểu hiện bông lúa tràn đầy sức sống và đang vươn lên trời xanh; tượng cao 18 m, làm bằng đồng lá, được dựng tại trung tâm thị xã Long Xuyên năm 1970. Tới năm 1975, bức tượng bị cộng sản cho nổ và phá hủy.

Hình 12: Một tuyển tập song ngữ Việt Anh nhan đề “Điêu khắc gia Mai Chửng: Cuộc Đời và Nghệ Thuật – Life & Work of Sculptor Mai Chửng” do gia đình thực hiện ra mắt tháng 9 năm 2006 nhân ngày giỗ thứ 5 của Mai Chửng. trái: bìa 1, phải bìa 4. Phần Anh Ngữ của Thạch Hãn Lê Thọ Giáo. [tư liệu gia đình Mai Chửng]

Hình 13: Tượng Mai Chửng bằng thạch cao, do Dương Văn Hùng bạn đồng môn của MC, thực hiện để tặng gia đình Mai Chửng trong dịp ra mắt sách Điêu Khắc Gia Mai Chửng: Cuộc Đời & Nghệ Thuật do VAALA tổ chức vào ngày Thứ Bảy 04.03.2006 tại phòng sinh hoạt Lê Đình Điểu, Người Việt. Một số tác phẩm sáng tạo vào những năm cuối đời của Mai Chửng, cũng được Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ triển lãm trong dịp RMS này. [tư liệu Dương Văn Hùng]

Phát biểu về nghệ thuật điêu khắc của Mai Chửng, họa sĩ Nguyễn Trung viết: “…Nghệ thuật của Mai Chửng cũng vậy, đã trải qua nhiều biến chuyển; từ những thể hiện tươi mát chất lãng mạn, cho đến những công trình đậm trí tuệ. Mỗi giai đoạn có nét đặc trưng riêng, nhưng trong đại thể vẫn có một nét chung rất dễ thấy. Đó là sự đơn giản và tính cách lớn lao của nó. Đơn giản mà không thiếu sự tinh tế. Lớn lao cho dù tác phẩm được thể hiện trong một kích thước khiêm tốn.” (2)

Hình 14: Gia đình Mai Chửng đoàn tụ mấy ngày cuối năm, Mùa Giáng Sinh 1995. Từ phải, hàng đứng: Mai Anh, Bội Nghi, Phú Nga; hàng ngồi: Nguyễn Vĩnh Đức và vợ chồng Mai Chửng. [Album gia đình Mai Chửng]

TÁC PHẨM SỞ HỮU CỦA CỘNG ĐỒNG

Một tác phẩm điêu khắc lớn cần hội đủ nhiều điều kiện, từ quan niệm ý thức tạo hình, đến chất liệu, kích thước và thêm vào một điều kiện có tính quyết định là hoàn cảnh lịch sử.

Với bức tượng Mẹ và Con của Mai Chửng, tôi không muốn đưa ra một thẩm định đó là một tác phẩm điêu khắc lớn, đó là chức năng thẩm quyền của các nhà phê bình. Nhưng hoàn cảnh lịch sử ra đời của bức tượng Mẹ và Con ở đầu thập niên 80s là vô cùng đặc biệt.

Nó xứng đáng được giữ gìn, và hiện diện ở một nơi công cộng để mọi người biết tới là đã có một bức tượng ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử như thế,

của một nghệ sĩ tài năng có tên là Mai Chửng, đại diện cho một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam bị tận cùng vùi dập, với hầu hết tác phẩm của họ bị huỷ hoại từ trong nước.

Mai Chửng, con phượng hoàng ấy đã vực dậy từ tro than, tiếp bước sáng tạo, và mỗi tác phẩm của anh ở hải ngoại xứng đáng được trân trọng, không của riêng ai mà là một sở hữu văn hoá nghệ thuật của cả một cộng đồng di dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Thay kết từ cho bài viết, là bài thơ Trong Vườn Tượng Mai Chửng của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, người bạn thân thiết của Mai Chửng từ Việt Nam sang tới Mỹ, anh Thiệp cũng định cư ở Texas rất gần với gia đình Mai Chửng:

trong vườn tượng mai chửng

nhớ bạn ra đi vào tháng 9

sẽ về đứng

cùng đá và cây. trong vườn tượng

rạng rỡ cười

tháng chín. chim như mây

những bầy sao trên đồng cỏ

khoảnh khắc. cùng tấu khúc ca ngợi niềm vui. của

đất và người

symphony số 9

như hoa của đá. nước mắt cây

đừng khóc. em đừng khóc

trời nổ cơn giông

cho một ngày đã qua

Nguyễn Xuân Thiệp

NGÔ THẾ VINH

California 09.06.2018

Tham Khảo:

1/ Ngô Thế Vinh. ĐBSCL và Những Bước Phát Triển Tự Huỷ Hoại 1975-2018. http://vietecology.org/Article/Article/299

2/ Điêu khắc gia Mai Chửng, Cuộc đời và Nghệ Thuật. Life and Work of Scultor Mai Chửng. Do Gia đình Mai Chửng xuất bản, Dallas Texas Tháng 9, 2005.

3/ Huỳnh Hữu Uỷ. Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam Hiện Đại. Vài Điều về Điêu khắc gia Mai Chửng. VAALA xuất bản 2008, sđd, tr.425-436.

4/ Lê Vũ Phỏng vấn Mai Chửng Năm 2000 & Bạn bè Tiễn biệt. https://www.youtube.com/watch?v=YfB5wRtZiF4; uploaded by Mai Dang Jan 15, 2018.

5/ Trịnh Cung. Tưởng nhớ điêu khắc gia Mai Chửng. Giấc Mơ không thành. Người Việt, 30.08.2016 https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tuong-nho-dieu-khac-gia-mai-chung/

Chương trình workshop (tập huấn) về phương pháp nghiên cứu lâm sàng

Tôi và các bạn Chợ Rẫy rất hân hạnh thông báo đến các bạn và đồng nghiệp một chương trình workshop 5 ngày về phương pháp nghiên cứu lâm sàng sẽ được tổ chức ở Bệnh viện Chợ Rẫy vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 này. Đây là một workshop mà Chợ Rẫy muốn làm thường niên theo kiểu “Summer Workshop”, tiếp theo chương trình năm ngoái.

Tôi nghĩ workshop này rất kịp thời cho các bạn sắp hay đang là nghiên cứu sinh, vì nhu cầu 2 bài báo khoa học. Để có bài báo khoa học thì nghiên cứu phải được thiết kế cho tốt và dữ liệu có phẩm chất cao. Để có kểt quả có thể công bố, dữ liệu cần phải được phân tích có hệ thống bằng các phương pháp thống kê. Chương trình workshop này sẽ đáp ứng các nhu cầu đó cho các bạn.

1. Mục tiêu và ‘outcome’

Workshop này có mục tiêu đơn giản là trang bị kiến thức và kĩ năng căn bản trong nghiên cứu lâm sàng. Chúng tôi kì vọng rằng sau khi hoàn tất chương trình học, các học viên sẽ có những kĩ năng và kiến thức sau đây:

  • Câu hỏi nghiên cứu đến từ đâu và làm sao triển khai câu hỏi nghiên cứu;
  • Cách và tiêu chuẩn đánh giá một nghiên cứu lâm sàng;
  • Cách thiết kế một bộ câu hỏi;
  • Cách chọn mô hình nghiên cứu (study designs);
  • Cách sắp xếp dữ liệu cho phân tích;
  • Các phương pháp phân tích cơ bản, hồi qui tuyến tính, logistic, v.v.;
  • Ngôn ngữ R.

2. Đối tượng

Workshop được thiết kế cho các bác sĩ đang hay muốn làm nghiên cứu khoa học nhưng chưa có kiến thức gì về phương pháp khoa học. Học viên có thể là nghiên cứu sinh, sinh viên y khoa, y tá hay các chuyên viên đang làm/tham gia các dự án về nghiên cứu y khoa.

3. Thời gian

Từ ngày 27/7 đến 31/7 (5 ngày). Thời gian từ 8:00 đến 11:30; và chiều từ 13:30 đến 16:30. Sáng giảng, chiều thực hành theo nhóm.

4. Địa điểm

Hội trường D11.3, Bệnh viện Chợ Rẫy.

5. Chương trình

Chương trình giảng bao gồm 125 bài giảng liên quan đến phương pháp thiết kế nghiên cứu (43 bài giảng, bao gồm cả phương pháp tính toán cỡ mẫu) và phân tích dữ liệu (911 bài giảng, bao gồm cả phương pháp phân tích mô tả và phân tích suy luận) . Những sai sót phổ biến trong thiết kế và phân tích dữ liệu, bao gồm xử lý giá trị trống cũng được giới thiệu trong workshop này. Dự kiến là như thế, nhưng có thể có những bài giảng ‘phát sinh’ theo nhu cầu và yêu cầu của học viên. Chương trình cụ thể kèm theo đây.

Ba chúng tôi (tôi, Ts Trần Sơn Thạch, và Bs Hà Tấn Đức) sẽ phụ trách chương trình workshop. Một mình tôi thì không thể nào kham nổi. Chúng tôi sẽ chia xẻ những kinh nghiệm trong thực tế với các bạn vì chúng tôi — cũng như các bạn — là những người trực tiếp làm nghiên cứu và từng phải ‘đau đầu’ với những vấn đề thực tế.

6. Tài liệu tham khảo

  • Phân tích dữ liệu với R (NXB Tổng Hợp)
  • Phân tích dữ liệu với R: hỏi và đáp (NXB Tổng Hợp)

7. Liên lạc và học phí

Các bạn có thể liên lạc để ghi danh qua địa chỉ email: vpttdtbvcr@gmail.com.

Học phí: 2 triệu / học viên.

8. Tải thông báo chính thức tại địa chỉ sau đây:

https://www.dropbox.com/s/qzc33qe6ufhd7ah/TB%2062%20-%20HT%2027.07.2018%20Nghien%20cuu%20khoa%20hoc.pdf?dl=0

Học viên sẽ được cấp chứng chỉ CME từ ĐHYD.

9. Cảm tạ:

Lớp học này được tài trợ một phần từ công ti Bridge Health Care.

10. Chương trình giảng

Ngày 1 (27/7/2018):

  1. Bài 1 Qui trình nghiên cứu khoa học: ý tưởng nghiên cứu đến từ đâu; phân biệt thế nào là nghiên cứu khoa học và những gì không phải là nghiên cứu khoa học; qui trình nghiên cứu; ý nghĩa của nghiên cứu khoa học.
  2. Bài 2 Chọn mô hình nghiên cứu: giải thích các điểm yếu và điểm mạnh của các mô hình nghiên cứu cắt ngang, bệnh chứng, đoàn hệ, nghiên cứu RCT, phân tích tổng hợp.
  3. Bài 3: Tính cỡ mẫu: tính cỡ mẫu là một chủ đề rất quan trọng nhưng thường không được quan tâm đúng mức trong thiết kế một nghiên cứu khoa học. Bài này sẽ hướng dẫn những nguyên tắc và phương pháp tính toán cỡ mẫu cần thiết cho nhiều dạng thiết kế nghiên cứu khác nhau.

Ngày 2 (28/7/2018):

  1. Bài 4 Phương pháp thu thập dữ liệu: giới thiệu cách thu thập dữ liệu và nguyên tắc thiết kế bộ câu hỏi.
  2. Bài 5 [T1] Những sai sót trong thiết kế nghiên cứu: giới thiệu những sai sót thường gặp, bao gồm cả immortal bias, và yếu tố gây nhiễu trong thiết kế nghiên cứu.
  3. Bài 46 Giới thiệu R: R sẽ được sử dụng cho phân tích dữ liệu trong lớp học. Bài giảng này sẽ giới thiệu ngôn ngữ R, vận hành, cách đọc dữ liệu, cách biên tập dữ liệu, và một số phân tích đơn giản.
  4. Bài 57 Quản lý dữ liệu- Làm sạch dữ liệu: quản lí dữ liệu là khâu rất quan trọng cho nghiên cứu khoa học nhưng thường hay bị xem thường và dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng. Bài này sẽ giới thiệu cách sắp xếp dữ liệu sao cho thích hợp cho phân tích và những qui tắc đạo đức trong việc quản lí dữ liệu. Các phương pháp liên quan làm sạch và chuẩn bị số liệu trước khi tiến hành phân tích cũng được giới thiệu chi tiết trong phần này.

Ngày 3 (29/7/2018):

  1. Bài 8 [T2] Xây dựng kế hoạch phân tích dữ liệu: kế hoạch phân tích rất quan trọng trong phân tích dự liệu, và là tài liệu bắt buộc phải có khi muốn xuất bản kết quả nghiên cứu, đặc biệt là thử nghiệm lâm sang trên các tập san khoa học. Bài này sẽ giới thiệu những nguyên tắc của xây dựng kế hoạch phân tích dữ liệu và một số ví dụ cụ thể.
  2. Bài 69 Phân tích bằng biểu đồ: trong khoa học biểu đồ đóng vai trò rất quan trọng, nhưng rất tiếc nhiều nghiên cứu có biểu đồ quá kém. Bài này sẽ giới thiệu các nguyên tắc và phương pháp soạn biểu đồ phẩm chất cao dùng các chương trình như ggplot2 và sjPlot. Đây là một trong những khâu rất quan trọng để hiểu dữ liệu và ý nghĩa của dữ liệu.
  3. Bài 710 Phương pháp so sánh 2 nhóm: một trong những mục tiêu nghiên cứu cơ bản là so sánh hai nhóm. Bài giảng sẽ giới thiệu phương pháp so sánh biến số liên tục cho hai nhóm bao gồm t-test cho dữ liệu tuân theo luật phân bố chuẩn, và phương pháp bootstrap cho các dữ liệu không tuân theo luật phân bố chuẩn; và so sánh biến định tính bao gồm phương pháp z-test, Ki bình phương, và các chỉ số như odds ratio và relative risk.

Ngày 4 (30/7/2018):

  1. Bài 811 Phân tích tương quan và mô hình hồi qui tuyến tính: giới thiệu khái niệm “tương quan” (correlation), phương pháp ước tính hệ số tương quan và mô hình hồi qui tuyến tính đơn giản. Những giả định, phương pháp kiểm định giả định, ý nghĩa của tham số và cách diễn giải các chỉ số từ mô hình hồi qui tuyến tính cũng sẽ được giới thiệu chi tiết.
  2. Bài 912 Mô hình hồi qui tuyến tính đa biến: tiếp tục mô hình hồi qui tuyến tính, bài này sẽ giới thiệu mô hình hồi qui đa biến tiên lượng (multiple linear regression) và những vấn đề liên quan đến đa cộng tuyến, cách chọn biến số có giá trị tiên lượng tốt nhất.
  3. Bài 103 Mô hình logistic đơn biến và đa biến: bài giảng sẽ giới thiệu khái niệm odds và tỉ số odds (odds ratio) và ứng dụng trong mô hình hồi qui logistic. Bài giảng sẽ tập trung vào cách diễn giải ý nghĩa của các tham số trong mô hình và ý nghĩa thực tế.

Ngày 5 (31/7/2018):

  1. Bài 114 Phân tích sống còn (survival analysis): nhiều nghiên cứu khoa học quan tâm đến yếu tố thời gian dẫn đến biến cố. Bài này giới thiệu những nguyên lý và một số phương pháp thống kê (như phương pháp life-table, Kaplan-Meier) trong mô tả các biến thời gian và xác suất sống còn. Nguyên lý và ứng dụng thực tế của mô hình Cox cũng sẽ được giới thiệu.
  2. Bài 15 Xử lý dữ liệu trống (missing data): xử lý dữ liệu trống luôn là một thử thach cho các nhà nghiên cứu. Các phương pháp hiện đại trong xử lý dữ liệu trống, bao gồm cả phương pháp multiple imputation bằng gói phân tích MICE trong R sẽ được giới thiệu
  3. Bài 16 Sai sót phổ biến trong thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu: trong thực tế có rất nhiều sai sót và thiếu sót trong phân tích dữ liệu, và những sai sót này dẫn đến bài báo bị từ chối công bố trên các tập san quốc tế.