Hậu quả của "gần mực"

Ông bà mình có câu “Gần mực thì đen …”, và đến tuổi này thì tôi nghiệm ra thấy câu đó rất đúng. Tôi muốn nói đến một nguồn tin bán chính thức cho biết một số chuyên gia cao cấp (cấp giáo sư) trong ngành y ở Mĩ bị sa thải vì có tham gia trong chương trình “Thousand Talents” (1) của đảng cộng sản Tàu (CCP). Lí do chính họ bị sa thải là vì có liên quan đến CCP, tức … gần mực. Đây là một trong những hệ quả của những chủ trương kiểm soát Tàu mà Chánh phủ Donald Trump đã và đang thực hiện.

Hình minh họa (Nature.com)

Đối với Mĩ, và đặc biệt là FBI, họ xem CCP là mối đe doạ lớn nhất đến an ninh của Mĩ. Họ nói rõ rằng họ không có vấn đề gì với người Hoa, mà đây là một sự xung đột giữa một hệ thống tuân thủ luật pháp và một hệ thống không hành xử theo luật pháp. CCP và những kẻ đang làm việc cho họ đã và đang do thám Mĩ dưới nhiều hình thức và phương tiện. Một trong những hình thức là qua các chương trình khoa học như Ngàn Nhân Tài (hay Thousand Talents Program – TTP) rất hấp dẫn đối với giới khoa học phương Tây đang khao khát tài trợ (2).

[Chương trình] TTP có mục đích chính là thu hút nhân tài từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mĩ. Họ đặc biệt chú tâm đến các nhân tài gốc Hoa, từ khắp thế giới về Tàu hay hợp tác với Tàu. Họ quan tâm đến nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Họ có những chính sách hậu đãi mà ngay cả các đại học Mĩ cũng khó có thể cạnh tranh được. Đã có nhiều giáo sư từ Mĩ, Úc, Canada và Âu châu tham gia chương trình TTP. Từ 2008 đến nay, đã có hơn 8000 chuyên gia phương Tây (đại đa số là người gốc Hoa), chủ yếu là từ Mĩ, tham gia chương trình TTP.

Nhưng các giáo sư phương Tây rất ư là … ngây thơ. Họ không biết rằng đó là một chiêu trò để ăn cắp ý tưởng và công nghệ. Cách ăn cắp công nghệ còn qua việc bày mưu kế (kể cả ‘mĩ nhân kế’) cho các nhà khoa học sập bẫy và phải làm gián điệp gián tiếp cho CCP. Đó là cáo buộc của FBI, nhưng không biết họ có chứng cứ nào hay không. Nhưng theo đánh giá của FBI thì chương trình TTP có yếu tố hoạt động tình báo làm phương hại đến an ninh, quốc phòng và khoa học của Mĩ.

Sự việc dẫn đến việc sa thải và bắt giam một số chuyên gia cấp cao ở Mĩ. Tuần vừa qua, theo một nguồn tin bán chính thức cho biết Trung tâm MD Anderson (Texas) bên Mĩ đã sa thải 9 nhà khoa học, vì họ có tham gia chương trình TTP. Trước đó, hàng loạt nhà khoa học khác bị bắt giam vi phạm an ninh quốc gia. Trong số những người bị bắt có cả quan chức cao cấp trong kĩ nghệ như Zheng Xiaoqing, GM của General Electric, với cáo buộc là chuyển thông tin mật về turbine cho Tàu. Ngoài ra, FBI còn điều tra hàng ngàn người khác vì nghi ngờ chuyển thông tin cho Tàu. Trước đó, Đại học Texas tại Austin đã từ chối không nhận tài trợ của tổ chức China-US Exchange Foundation. Còn Đại học Texas Tech University tuyên bố rằng chương trình TTP có liên quan đến giới quân sự Tàu.

Tất cả những diễn biến trên nằm trong chiến lược của Chánh phủ Trump nhằm kiểm soát và ngăn chận sự bành trướng của Tàu. Song song với các biện pháp trừng phạt kinh tế, Chánh phủ Trump còn có biện pháp ngăn chận Tàu trong các hoạt động gián điệp khoa học và công nghệ. Việc hợp tác khoa học là rất bình thường trong thế giới phương Tây nhằm có những ý tưởng mới và chia xẻ công nghệ, nhưng đối với Tàu thì họ nhìn hợp tác bằng cái nhìn của người chinh phục và ăn cướp.

Có lẽ việc làm của Trump hơi muộn, nhưng còn hơn là không làm gì. Có nhiều chứng cứ gián tiếp cho thấy Tàu đã ăn cắp rất nhiều từ Mĩ. Chẳng hạn như nhìn chiến đấu cơ J20 của Tàu thấy giống y chang như F35 của Mĩ. Ở bình diện lớn hơn, Tàu cũng đã làm thay đổi diện mạo khoa học toàn cầu. Đầu năm nay, số liệu thống kê của Scopus và Clarivate cho thấy Tàu đã vượt qua Mĩ và trở thành nước số 1 về công bố công trình khoa học. Năm 2016, Tàu công bố 426,000 bài báo khoa học, cao hơn Mĩ 17,000 bài. Tổng số bài báo khoa học từ Tàu chiếm 19% tổng số bài báo khoa học toàn cầu (3).

Câu chuyện về chương trình TTP và những diễn biến ở Mĩ có ý nghĩa với Việt Nam. Có lẽ học từ CCP, Việt Nam cũng có nhiều chương trình nhằm thu hút nhân tài khoa học và công nghệ từ phương Tây. Nhưng khác với sự thành công của TTP bên Tàu, cho đến nay tất cả các chương trình thu hút người tài của Việt Nam đều không thành công. Mới đây nhất, Nhà nước lại khởi động một chương trình mới nhằm thu hút các chuyên gia gốc Việt từ nước ngoài, nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao. Tuy nhiên, với chủ trương của Trump hiện nay, chúng ta có lí do để đoán rằng những chuyên gia tham gia vào các dự án ở Việt Nam sẽ nằm trong tầm ngấm của giới an ninh Mĩ.

——-

(1) http://www.1000plan.org/en/plan.html

(2) https://www.nature.com/articles/d41586-018-00538-z
Chính người viết bài này cũng đang thương lượng với một đại học lớn bên Tàu trong chương trình TTP.

(3) https://www.nature.com/articles/d41586-018-00927-4

Tiêu chuẩn giáo sư: lượng và phẩm

Qui định mới về công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS) yêu cầu ứng viên giáo sư phải là tác giả của ít nhất 3 bài báo khoa học, và phó giáo sư 2 bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt. Có thể xem yêu cầu về công bố khoa học là một điểm ‘tiến bộ’, nhưng vẫn chưa đủ và chưa hợp lí, vì chưa xem trọng phẩm chất khoa học.

Có lẽ điểm mới và cũng có thể xem là tiến bộ là yêu cầu công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt. Tuy nhiên, sự tiến bộ này chỉ so với trước đây, chứ chưa phải so sánh với các đại học thuộc các nước tiên tiến trong vùng và trên thế giới. Theo Socrates, một trong những vai trò của giáo sư là học giả, hiểu theo nghĩa ‘scholar’ trong tiếng Anh. Chính cái ‘học giả tính’ này phân biệt giữa giáo sư đại học và thầy cô giáo trung học (cho dù cả hai nhóm đều hành nghề dạy học). Học giả hiểu theo nghĩa thông thường là người có kiến thức uyên thâm và sản sinh ra tri thức mới. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động sản sinh ra tri thức mới và giúp nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu. Do đó, công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt phải là điều kiện cần cho qui trình bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Nhưng công bố khoa học quốc tế vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Trên thế giới có hàng trăm ngàn tập san khoa học (journals) − không nói đến tạp chí (magazine) − nhưng trong số này chỉ có chừng 11000 đến 25000 được công nhận, tuỳ theo danh mục. Ngay cả trong số những tập san được công nhận, phẩm chất khoa học và uy tín cũng rất khác nhau. Chẳng hạn như tập san Medical Journal of Australia không thể xem ngang hàng với New England Journal of Medicine. Ngay cả trong một chuyên ngành cũng có nhiều tập san và uy tín cũng rất khác nhau. Do đó, đánh đồng “công bố quốc tế” giữa các tập san có thể dẫn đến đánh giá sai.

Những qui định cứng về con số bài báo (như 3 cho cấp giáo sư và 2 cho cấp phó giáo sư) có phần phiến diện, vì không phản ảnh phẩm chất. Như nói trên, một công trình trên những tập san như New England Journal of Medicine, Nature, Nature Genetics, Science, Cell có giá trị nhiều lần so với nhiều bài trên những tập san có uy tín thấp, bởi vì phẩm chất khoa học của các công trình trên những tập san lừng danh đó cao hơn nhiều so với tập san ‘làng nhàng’. Ngay cả trong cùng một chuyên ngành, người ta chỉ cần nhìn vào tên tập san là đã có ý tưởng về đẳng cấp và phẩm chất khoa học ra sao. Do đó, qui định cứng về con số bài báo sẽ dẫn đến tình trạng chạy số mà xao lãng phần phẩm chất nghiên cứu khoa học. Trong nhiều trường hợp, phẩm quan trọng hơn lượng.

Một trong những vấn nạn khoa học hiện nay là hiện tượng “tập san dỏm” hay “predatory journals”. Đây là những tập san không có tính chất học thuật, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Các trạm xuất bản này càng ngày càng biến hoá như vi khuẩn biến hoá, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả. Trong nhiều trường hợp, chỉ có người trong chuyên ngành và có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học mới có thể phân biệt tập san dỏm và tập san chính thống. Trên thế giới ngày nay có đến hơn 12000 tập san dỏm và gần 1000 trạm xuất bản dỏm. Đa số những tập san dỏm đều có mã số ISSN, thậm chí có trong danh mục có tiếng như Scopus! Do đó, qui định “công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN” chưa đủ phân định để loại bỏ các tập san dỏm.

Có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam và một số đại học ở Việt Nam đưa ra những con số về bài báo khoa học để bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Ở các nước tiên tiến, không có một đại học nào đề ra những qui định định lượng cụ thể như thế. Vấn đề không phải là công bố khoa học, mà công trình khoa học có tác động hay không. Tác động trong chuyên ngành và tác động xã hội. Trong thực tế, có rất nhiều bài báo khoa học không bao giờ được trích dẫn (tức không có tác động), và số được triển khai trong thực tế càng ít hơn. Do vậy, không thể nào chỉ nhắm đến con số bài báo, mà còn phải xem xét đến tác động của nghiên cứu khoa học qua các chỉ số trắc lượng khoa học và đánh giá của chuyên gia trong chuyên ngành. Cái khiếm khuyết của định lượng hoá trong nghiên cứu khoa học là nó biến một ứng viên thành một con số. Nhưng con số thì không bao giờ phản ảnh đầy đủ đóng góp của một nhà khoa học.

Cần phải nói thêm rằng, khái niệm ‘giáo sư’ không chỉ là một nhà khoa học, mà còn là một lãnh đạo khoa học. Lãnh đạo thể hiện qua vai trò trong các hội đoàn quốc tế và quốc gia. Nói cách khác, giáo sư phải là một thành viên có đóng góp quan trọng cho nền ‘cộng hoà học thuật’ (mượn khái niệm ‘cộng hoà văn chương’). Dĩ nhiên, công bố khoa học chỉ là một thành tố quan trọng nhưng nó vẫn chưa đủ để tạo nên tư cách lãnh đạo của một giáo sư.

Tóm lại, những qui định mới về chức danh giáo sư và phó giáo sư tuy có một chút tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa so với các nước trong vùng và các nước tiên tiến. Những tiêu chuẩn định lượng hoá tưởng là khoa học, nhưng thật ra là phi khoa học, bởi vì không ai có thể đánh giá một nhà khoa học qua những con số. Con số bài báo khoa học không thể phân biệt được phẩm chất khoa học và tác động của các công trình nghiên cứu, mà có thể giúp mở cánh cửa cho sự xâm nhập của các tập san dỏm vào môi trường học thuật ở Việt Nam.

Bài đã đăng trên VNexpress: https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-van-tuan-so-bai-bao-khoa-hoc-khong-phan-anh-chat-luong-giao-su-3811082.html

Fourth Pan Asian Biomedical Science Conference (Danang 5/12 to 7/12/2018)

I am writing to invite you to join me at the Fourth Pan-Asian Biomedical Science Conference (PABS) which will take place in Da Nang from 5/12 to 7/12. This PABS conference is a joint venture of more than 10 ASEAN universities from Malaysia, Indonesia, Thailand, Singapore, Vietnam, Philippines, Hong Kong and Korea. The mission is to promote biomedical science for improving human health in Asia through research collaboration and networking.

In previous years, the Conference was hosted by Malaysia, Thailand and Hong Kong. This year, the School of Medicine of the University of Danang will host the Conference. I have been appointed visiting Distinguished Professor of Medicine of the School, and I have been asked to chair the conference this year.

The theme of this year conference is “Biomedicine in the 21st Century: Insights from Asia“. I have set out 6 subjects in this conference as follows: Clinical translation, risk assessment, traditional medicine, personalized medicine, high throughput data, and medical devices. If you are working on applied clinical research, drug screening, drug development, diagnosis, prognosis, genetics, genomics, Big Data, and medical devices, then you are welcome to submit an abstract to the Conference.

We will have 15 invited speakers who are highly regarded professors from Hong Kong, Korea, Australia, Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Philippines, and Vietnam. We hope to attract some 300 to 400 doctors, health care professionals, scientists and biomedical engineers to the Conference. So far, we have received more than 70 research papers to be presented in the conference.

More information can be found from the website of the conference: http://absc4.udn.vn.

As Chair of the conference, I have been keenly looking for sponsors. There are 3 levels of sponsor: Platinum ($10K), Gold ($7K), Silver ($4K), Bronze ($2K), and Friend ($1K). The sponsorship will cover travel and acommodation of 15 invited speakers, conference venue (ie 2 lecture halls), tea breaks, and gala dinner. At present, we have sponsorship from Furama, Phan Chau Trinh University, and Bridge Healthcare. Your sponsorship is VERY valuable to us.

I hope that you can join and support us.

Tuan V. Nguyen

Chair, PABS Conference | Danang | 5/12-7/12/2018

The “Golden Bridge”, an attraction of Danang.

My Khe Beach, one of the best 10 beaches in the world (Forbes)

Hội nghị Y Sinh Học Á Châu Lần Thứ IV tại Đà Nẵng 5-7/12/2018

Pan Asian Biomedical Science (PABS) là một consortium bao gồm 12 đại học hàng đầu ở Á châu thành lập. Ở Việt Nam, ĐH Đà Nẵng là một thành viên. Mục tiêu của PABS là xiển dương nghiên cứu y khoa và kết nối các nhà nghiên cứu y học lâm sàng (kể cả y học cổ truyền) và kĩ thuật y sinh (biomedical engineering) Á châu. Ba hội nghị trước được tổ chức tại Thái Lan, Hồng Kong, và Mã Lai. Năm nay, ĐH Đà Nẵng đứng ra làm chủ trì hội nghị lần thứ IV, và tôi được consortium giao cho trách nhiệm làm ‘Chair’ của Hội nghị lần này.

Chủ đề của hội nghị năm nay là “Biomedicine in the 21st Century: Insights from Asia”. Sẽ có 6 ‘tracks’ trong Hội nghị như sau:

[if !supportLists]· [endif]Clinical translation: ứng dụng các thành tựu nghiên cứu trong lâm sàng;

[if !supportLists]· [endif]Risk assessment: bao gồm những nghiên cứu về chẩn đoán (diagnosis), tiên lượng (prognosis), mô hình dự báo bệnh lí;

[if !supportLists]· [endif]Traditional medicine: nghiên cứu về y học cổ truyền;

[if !supportLists]· [endif]Personalized medicine: y học cá nhân hóa, di truyền học, genomics;

[if !supportLists]· [endif]High throughput data: phân tích dữ liệu lớn; và

[if !supportLists]· [endif]Medical devices: kĩ thuật y sinh, dụng cụ y khoa.

Các bạn có nghiên cứu trong 6 lĩnh vực trên xin nộp abstract (khoảng 250 chữ) hay bài báo về cho Ban tổ chức qua trang web http://absc4.udn.vn. Hạn chót nộp abstract là 30/9/2018. Bài báo và abstract sẽ được công bố trong một kỉ yếu. Theo tôi biết thì bài báo trong kỉ yếu sẽ có điểm trong việc đề bạt chức danh khoa học.

Hội nghị sẽ có 15 diễn giả mời (invited speakers). Họ là những giáo sư có tiếng qua nhiều nghiên cứu y khoa từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Úc và Việt Nam. Chú ý danh sách diễn giả mời từ Việt Nam chưa chốt hết, nên hiện nay có vài trống vắng, nhưng sẽ có sự hiện diện của ‘phe nhà’ trong Hội nghị.

Chúng tôi cũng rất mong được sự tài trợ của các công ti thương mại liên quan đến 6 track trên. Có 5 loại bảo trợ: Platinum ($10K), Gold (5K), Silver (3K), Bronze (2K), and Friendship (1K). Chi tiết về quyền lợi bảo trợ có thể liên lạc Diệu Oanh qua email dieuoanh2306@gmail.com.

Vài dòng tâm sự cá nhân: Tôi viết thư mời này bằng tiếng Việt vì người mình với nhau dễ nói hơn. Đây là lần đầu ĐH Đà Nẵng tổ chức hội nghị PABS, nên chúng tôi muốn làm cho [nói theo ông bà mình] Việt Nam ‘nở mày nở mặt’. Mình là nước 95 triệu dân mà ‘lép vế’ so với các nước bạn thì kì quá. Để ‘nở mày nở mặt’, ban tổ chức và tôi rất cần sự tham dự đông đảo của các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, kĩ sư, nhà kinh doanh. Chúng tôi muốn thấy sự hiện diện ‘hùng hậu’ của nghiên cứu từ Việt Nam trong Hội nghị.

Cho dù các bạn có hay chưa có nghiên cứu thì cũng nên tham gia để học hỏi những điều mới lạ từ các diễn giả. Tôi chọn diễn giả rất cẩn thận để họ có thể chia sẻ với chúng ta những kiến thức mới nhất. Chúng tôi kì vọng sẽ có hơn 300 bác sĩ, nhà khoa học, kĩ sư và chuyên gia từ các nước trong vùng và Á châu tham dự hội nghị.

Ngoài ra, không nói ra thì các bạn cũng biết đến tham dự Hội nghị cũng là dịp để chiêm ngưỡng Đà Nẵng, nơi có bãi biển Mỹ Khê được bầu là một trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới. (Tôi thường hay tắm biển ở đây sau giờ làm việc, dù là 7 hay 8 giờ tối). Ngoài ra, các bạn phải đến Đà Nẵng để xem cầu vàng rất nổi tiếng trên thế giới (tôi cũng chưa đi). Nói chung, có nhiều lí do — khoa học và ngoài khoa học — để đến thăm Đà Nẵng vào tháng 12 này.

Chi tiết về đăng kí có thể xem qua trang web: http://absc4.udn.vn.

Xin trân trọng kính mời các bạn tham dự.

Thăm khu vực DMZ (phi quân sự) Hàn Quốc

Nhân dịp nghỉ ngơi và nhờ một em postdoc ở Asan Medical Center, tôi có dịp đi thăm khu DMZ, tức biên giới Nam Hàn và Bắc Hàn. Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ về bản chất của chế độ Bắc Hàn đúng như những gì Gorbachev nói. Tôi ghi lại một số chi tiết như là một trang nhật kí cuộc đời.

Khu phi quân sự chia cách Nam Hàn và Bắc Hàn. Bên kia là Bắc Hàn, bên này là Nam Hàn. Không biết bên Bắc Hàn thì sao, còn bên Nam Hàn thì đường lộ rất tốt, xe chạy bon bon cả trăm km/giờ, cảnh trí rất đẹp, khó có thể nghĩ đây là khu quân sự.

Ở Seoul, các công ti du lịch có nhiều tour du lịch DMZ, nhưng thủ tục có phần bất thường so với những tour du lịch khác. Khách đi tour phải có sẵn passport! Ngoài ra, người dẫn tour rất cẩn thận đếm số khách, ghi tên từng người, ngày tháng năm sinh, và quốc tịch. Những thông tin này sẽ trình báo cho giới quân sự. Khi xe bus đến nơi, có một người lính lên xe bus check passport và kiểm tra số khách. Khi ra khỏi khu DMZ, cũng có một người lính lên xe kiểm tra một lần nữa, có lẽ không muốn để sót ai ở lại và không có mấy người Bắc Hàn trà trộn(?) Nhưng nói thế thôi, chứ trong thực tế thì thủ tục gọn nhẹ lắm, và mấy người lính cũng không có mặt mũi “hình sự” như ở Việt Nam đâu.

Lịch sử của đường DMZ này giông giống với lịch sử chia đôi Việt Nam. Năm 1945, nhờ sự hỗ trợ của đồng minh Mĩ và cuộc kháng chiến chống Nhật, Đại Hàn trở thành một quốc gia độc lập, chấm dứt 36 năm đô hộ của Nhật. Liên hiệp quốc quyết định lấy vĩ tuyến 38 làm đường ranh giải giới vũ khí Nhật, tức chỉ là một “đường ranh hành chánh” (administrative line) mà thôi. Thế nhưng chiến tranh sau đó biến cái đường ranh hành chánh thành một lằn ranh chia cách.

Cuộc Chiến tranh Hàn Quốc (Korean War) diễn ra từ 1950 đến 1953, mà kẻ gây chiến là Kim Nhật Thành nhận chỉ thị và được Stalin yểm trợ. Stalin và Kim muốn biến Đại Hàn thành một nước cộng sản như Liên Xô. Mĩ nhảy vào bảo vệ đồng minh và nhân danh bảo vệ tự do. Cuộc chiến kết thúc bất phân thắng bại, và thế là các nước lớn quyết định lấy đường vĩ tuyến hành chánh 38 năm 1945 để chia Đại Hàn thành hai nước: phía Bắc theo cộng sản, phía nam theo tự do.

Hậu quả của sự phân chia này là hơn 5 triệu người Bắc Hàn phải bỏ xứ Bắc để di cư xuống miền Nam Hàn tìm tự do và trốn chạy chế độ Bắc Hàn. Cho đến nay, người dân Bắc Hàn vẫn tìm cách trốn chạy sang Nam Hàn tìm tự do. Vài năm trước có một người lính Bắc Hàn vượt lằn ranh DMZ sang tị nạn ở Nam Hàn; anh ta chạy theo đường chữ bát để tránh đạn, vậy mà vẫn bị lính Bắc Hàn bắn trúng 16 phát đạn, nhưng anh ấy may mắn được lính và các bác sĩ Nam Hàn cứu sống. Nghe nói khi tỉnh vậy, anh ta chỉ muốn ăn miếng bánh và nghe nhạc K-pop.

Khó sống chung hoà bình!

Đường ranh giới DMZ chỉ cách Seoul 2 giờ lái xe. Chiều dài chừng 250 km và rộng 4 km. Đi trên đoạn đường này như đi trên từng đoạn lịch sử. Những địa danh, những công trình, những tượng đài mang những cái tên tràn trề khát vọng. Khát vọng tự do. Khát vọng thống nhất. Khát vọng sống trong hoà bình. Đây là Làng Tự Do (Freedom Village), kia là công viên Thống Nhất (Unification Park), là Cầu Tự Do (Freedom Bridge), là Nhà Hoà Bình (Peace House). Tại sao có cầu tên Cầu Tự Do? Tại vì nơi đây diễn ra cuộc trao đổi tù binh chiến tranh vào năm 1953, và hơn 12000 người Bắc Hàn tìm tự do ở Nam Hàn. Nếu để ý kĩ sẽ thấy những địa danh và công trình mang danh “Tự Do” là nhiều nhất. Chỉ có những người mất tự do và tìm lại được Tự Do mới hiểu và thấm những cái địa danh ở đây.

Nhưng khát vọng thống nhất và sống chung hoà bình xem ra rất khó thành hiện thực. Trong nhiều năm sau khi chia đôi đất nước, Bắc Hàn liên tục gây hấn và tìm cách xâm nhập, xâm chiến Nam Hàn. Phải đến khu vực DMZ và đi qua những di tích, tượng đài, và đặc biệt là những địa đạo mới thấy một thực tế là sống gần với một nước như Bắc Hàn không dễ dàng chút nào.

Ghé qua công viên Imjinak, khách sẽ thấy ‘nỗi buồn chiến tranh’ và tức giận cho những kẻ bất chấp luật lệ quốc tế như thế nào. Đây là công viên cấp quốc gia được thiết lập để tưởng nhớ 17 nhà ngoại giao Nam Hàn bị những kẻ khủng bố Bắc Hàn đánh bom giết chết vào năm 1983. Ở đây cũng có một tượng đài tưởng niệm nạn nhân vụ đánh bom ở Phi trường Gimpo gây cho nhiều cái chết; thủ phạm vụ đánh bom cũng là những kẻ khủng bố từ Bắc Hàn.

Tháng 1/1968, Bắc Hàn chuẩn bị xâm nhập và tấn công Nam Hàn. Mục tiêu là đánh bom Dinh Tổng Thống, đánh bom Toà đại sứ Mĩ, và ám sát các yếu nhân trong Chính phủ Nam Hàn. Nhưng kế hoạch này bị thất bại vì phía Nam Hàn và quân đội Mĩ đã chuẩn bị phòng thủ, hậu quả là 29 lính Bắc Hàn bị chết, 1 người bị bắt sống, và 1 người trốn thoát. Phía Nam Hàn cũng bị thiệt hại, với 5 người dân bị chết và một chỉ huy quân đội hi sinh.

Bốn địa đạo: Bắc Hàn đào, Nam Hàn làm tiền!

“Điểm nhấn” của tour du lịch là có dịp đi trong đường hầm (địa đạo) do Bắc Hàn đào nhằm xâm nhập Nam Hàn. Đây là chứng cứ rõ ràng nhất về dã tâm xâm chiếm Nam Hàn của những người cầm quyền Bắc Hàn. Cách họ làm là khủng bố bằng đánh bom và xâm nhập bằng các địa đạo họ đào. Tính từ 1974 đến nay, Bắc Hàn đã đào 4 địa đạo để xâm nhập Nam Hàn, nhưng tất cả đều được phát hiện và ngăn chận:

  • Địa đạo số 3 được phát hiện vào tháng 9/1974 (qua một người lính Bắc Hàn đào tẩu báo cho biết). Địa đạo này có chiều dài 1650 m, nằm sâu dưới mặt đất 73 m, bề ngang 2m, và chiều cao cũng 2 m. Lính Bắc Hàn đào bằng tay và búa, rìu đập đá. Khi được phát hiện, phía Bắc Hàn tố cáo ngược rằng đó là công trình của Nam Hàn nằm xâm lăng Bắc Hàn. Nhưng tất cả dụng cụ, thậm chí nước sơn, đều là sản phẩm của Bắc Hàn. Khi không còn chối được, phía Bắc Hàn nói rằng họ đào địa đạo để … khai thác than! Đúng là miệng lưỡi của kẻ cướp, ngậm máu phun người.
  • Hai tháng sau (11/1974), lính Nam Hàn phát hiện thêm một địa đạo khác, và họ đặt tên là Địa Đạo số 1. Địa đạo này sâu từ 25 đến 45 m dưới mặt đất.
  • Thánh 3/1975, Nam Hàn lại phát hiện một địa đạo khác cũng thuộc địa phần5 DMZ, và họ đặt tên là Địa Đạo số 2. Địa đạo này dài 3500 m, sâu 50-160 m dưới mặt đất, cao hơn 2 m. Địa đạo II có qui mô đến độ xe tăng có thể chạy qua. Ý tưởng là sẽ đưa 30,000 quân cùng với thiết xa và vũ khí trong vòng 2 tiếng đồng hồ để tấn công và xâm chiếm Nam Hàn.
  • Tháng 3/1990, lính Nam Hàn lại phát hiện thêm một địa đạo, và họ đặt tên là Địa đạo số 4. Địa đạo này có chiều dài 1200 m, cũng khá rộng như Địa đạo 1. Phía trước cổng địa đạo có một tượng con chó để ghi nhớ sự hi sinh của nó trong khi phát hiện địa đạo.

Tất cả 4 địa đạo đều được mở cửa cho du khách tham quan. Có xuống dưới địa đạo mới thấy phía Bắc Hàn đã phải chịu cực (và có thể hi sinh nhiều người) để đào những địa đạo này. Họ phải đập/khoan đá (chứ không phải đất sét), phải sống trong môi trường mà chiều cao dưới 2 m (có nhiều chỗ đi phải khom lưng đến … mỏi lưng), và ăn uống chắc phải rất kham khổ. Thành quả của họ chỉ là con số 0, vì tất cả đều bị phát hiện và ngăn chận. Thật là điên rồ. Người Nam Hàn nói đùa là phía Bắc Hàn đào địa đạo để xâm nhập, người Nam Hàn dùng công trình của họ để làm địa điểm du lịch và … thu tiền.

Có lẽ mối bận tâm duy nhất của Bắc Hàn là làm sao xâm chiếm Nam Hàn, nên họ biến quân lính họ thành những cái máy người hi sinh cho cuồng vọng đó. Một điều trớ trêu là họ xâm lăng dưới chiêu bài giải phóng khỏi ách đô hộ của Mĩ và đem ánh sáng văn minh và tự do cho người Nam Hàn! Khi người Nam Hàn nói về chiêu bài này, ai cũng cười ngất và nghĩ sao họ (Bắc Hàn) có những suy nghĩ ‘lạ lùng’ như thế (‘lạ lùng’ ở đây phải được hiểu là ngu xuẩn và cuồng tín).

Những chiêu trò của phía Bắc Hàn làm cho du khách đến đây nghĩ về lời nói của Gorbachev. Họ (Bắc Hàn) rất giỏi đóng kịch cho thế giới bên ngoài. Họ phóng loa tuyên truyền qua Nam Hàn. Họ bày những trò xây dựng làng dân mà chẳng có ai ở. Họ nói một đằng, làm một nẻo: ngoài miệng thì nói hoà bình, nhưng trong thực tế thì làm mọi cách khủng bố để gây bất ổn và xâm chiếm Nam Hàn. Nhiều người đi trong chuyến du lịch ngạc nhiên hỏi sao Bắc Hàn có thể làm những trò trẻ con và tốn kém như thế. Nói chung, họ chỉ biết tuyên truyền và giả dối, đúng y như Gorbachev nói. Mà, ngay cả tuyên truyền và giả dối của họ cũng chỉ làm trò hề cho Nam Hàn và thế giới văn minh.

Là du khách Việt đến đây (vùng DMZ) tôi không thể không liên tưởng đến Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam và Đại Hàn (tôi quen gọi theo tên cũ) có nhiều nét tương đồng lịch sử. Cả hai quốc gia đều có cái nền văn hoá Khổng Tử. Hai nước đều trải qua chiến tranh Nam – Bắc. Hai nước đều bị các nước lớn chia đôi Bắc Nam. Hai nước đều có miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, miền Nam theo Tự do. Hai nước từng có thời miền Bắc theo Tàu và Nga, miền Nam kết bạn với Mĩ và thế giới văn minh. Hai nước đều có cùng xu hướng, với người miền Bắc chạy xuống miền Nam tị nạn. Ở mỗi nước, miền Bắc chủ trương xâm chiếm miền Nam. Ở mỗi nước, người miền Bắc có vẻ quyết tâm và hung hãn, còn người miền Nam xem ra tùy cơ và lãng mạn. Nhìn như thế, chúng ta thấy lịch sử cận đại Đại Hàn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.

Nhưng Nam Hàn không còn là nước yếu nữa. Nam Hàn có lí do để ngẩng đầu bước vào câu lạc bộ các nước tiên tiến trong ‘Thế giới thứ Nhất.’ Họ làm được như vậy do nhiều lí do, nhưng một trong những lí do quan trọng nhất là họ chận đứng được sự xâm lăng của Bắc Hàn.

Sơ đồ vùng DMZ trong Viện bảo tàng.

Mô phỏng lại cách lính Bắc Hàn đào địa đạo xâm nhập Nam Hàn. Đây là Địa đạo số III. Địa đạo này dài hơn 1600 m, sâu 73 m, nay đã được mở cho du khách vào xem.

Ga xe điện Dorasan trong khu DMZ. Ga này được xây dựng và hoàn tất vào năm 2002 để nối liền Bắc Nam. Tuy nhiên, ý định đó không thành, vì phía Bắc Hàn đổi ý. Bên Nam Hàn người ta biến cái gia này thành nơi làm điểm du lịch để … kiếm tiền.

Hình mô phỏng lính Nam Hàn (trái) và Bắc Hàn (phải). Tôi thấy hình này vui vui. Lính Nam Hàn có vẻ to con (chắc là ăn uống đầy đủ), đeo kính đen trông vừa ‘ngầu’ vừa tài tử; lính Bắc Hàn nhỏ con, thấp hơn lính Bắc Hàn, mặc quân phục theo kiểu Liên Xô pha trộn với Tàu cộng và Bắc Hàn, nhìn mặt rất nghiêm trọng.

Chụp hình lưu niệm với các bạn postdoc và sinh viên bên Nam Hàn.

Ra phi trường Incheon, thấy chị nhạc công này chơi đàn hay quá, đứng lại nghe và chụp một hình làm kỉ niệm. Ở một phi trường nhộn nhịp mà có người chơi nhạc làm cho hành khách thấy … yêu đời hơn.

Hôm ra phi trường, tôi có một trải nghiệm khó quên và cần phải ghi lại ở đây. Số là ban tổ chức book một chiếc ‘limo’ cho tôi ra phi trường, vì từ khách sạn đến phi trường mất hơn 1 giờ đồng hồ (nếu không kẹt xe). Đến nơi, tôi chào anh tài xế và vô tư bước vào phi trường, mà quên cái điện thoại trong xe! Đến quầy check-in thì tôi mới phát hiện mình không có điện thoại. Một chút hoảng, nhưng chưa biết làm gì, thì anh chàng tài xế đã xuất hiện và tươi cười đưa cái điện thoại cho tôi. Tôi cảm ơn rối rít, nhưng anh tài xế nói như là một thói quen, trước khi rời phi trường anh ấy kiểm tra xem khách có để lại gì không, và phát hiện cái điện thoại. Kỉ niệm này thật khó quên!