Đọc sách “Tâm lí dân tộc An Nam”

Trong chuyến công tác vừa qua ở Việt Nam, tôi được hai bạn tặng hai cuốn sách dịch từ cuốn “Psychologie du peuple annamite” của Paul Giran xuất bản năm 1904. Bản thứ nhứt là của dịch giả Bác sĩ Phan Tín Dụng gởi tặng trong Hội nghị Loãng xương ở Quy Nhơn, còn bản thứ hai là do dịch giả Nguyễn Tiến Văn chuyển ngữ do PGS Phan Thị Lý gởi tặng. Xin cám ơn hai bạn. Rất tiếc là tôi không có dịp gặp Bs Phan Tín Dụng để nói lời cám ơn, dù tôi đoán là anh có mặt trong Hội nghị ở Quy Nhơn. Thôi thì tôi xem bài điểm sách này thay cho lời cám ơn vậy.

Image result for “Tâm lí dân tộc An Nam”

Trong Hội nghị Loãng xương ở Quy Nhơn vào tháng 8/2019, tôi nhận được quà tặng từ Bs Phan Tín Dụng, người dịch cuốn “Psychologie du peuple annamite” của Paul Giran.

Trước hết là vài dòng về tác giả Paul Giran. Tác giả xuất thân là một quan chức hành chánh từng có thời làm việc ở Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Ông sanh ngày 2/12/1875, lớn lên theo học tại Ecole Coloniale (Trường Thuộc Địa). Năm 1899, tức mới 24 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương. Từ 1907 đến 1913, ông được bổ nhiệm chức Phó Công Sứ của vài tỉnh ở miền Bắc, và năm 1913 được thăng chức Công Sứ tỉnh Phan Rang. Sau Việt Nam, ông còn được bổ nhiệm chức Ủy Nhiệm Viên Chánh Phủ ở Lào một thời gian. Như vậy, thời gian ở Việt Nam và Đông Dương nói chung của ông không nhiều. Nhưng rõ ràng trong thời gian đó, ông đã tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội Việt Nam và có những phân tích theo cách nhìn của một người quan chức phương Tây.

Những cái nhìn của ông được đúc kết trong cuốn sách nhỏ này. Đây là một cuốn sách dễ làm cho rất nhiều người Việt nổi giận. Nổi giận vì tự ái dân tộc. Trong sách, tác giả Paul Giran hầu như không có một nhận xét tích cực nào cho dân tộc mà ông gọi là ‘An Nam’. Nếu có nhận xét tích cực, thì cách ông viết làm cho người đọc thấy như là một cách mỉa mai. Chẳng hạn như ông nhận xét người An Nam là can đảm, nhưng ngay sau đó ông viết rằng đối với người Pháp thì đó là “táo bạo, mạo hiểm, và liều lĩnh” chứ không phải can đảm như cách người Pháp hiểu. Đó là một dân tộc — theo Giran – yếu đuối về thể chất, nghèo nàn về cảm xúc, có tâm hồn trẻ con, sợ quyền thế nhưng hám quyền, không có tính sáng tạo, tàn nhẫn và man rợ. Những ‘tố chất’ dân tộc đó, theo Giran, là do kết tinh từ môi trường tự nhiên khắc nghiệt và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa Trung Hoa.

Tóm lược cuốn sách

Sách chỉ gồm 2 phần: đặc điểm quốc gia và tiến hóa của dân tộc An Nam. Phần đặc điểm dân tộc, tác giả bàn về nguồn gốc dân tộc, môi trường sống, và tâm hồn dân tộc. Trong phần tiến hóa dân tộc, tác giả dành gần 100 trang bàn về lịch sử tiến hóa của dân tộc, tiến hóa trí tuệ, và tiến hóa xã hội – chánh trị. Tôi thấy một số chi tiết và dữ liệu về thể chất trong sách có thể là những thông tin đáng tham khảo cho thế hệ mai sau.

Nhân trắc

Về thể chất, Giran mô tả dân tộc An Nam như là một nhóm người yếu đuối. Giran cung cấp số liệu thống kê cho thấy chiều cao trung bình của người An Nam thời đó là 160 cm ở nam giới và 150 cm ở nữ giới (trang 33). (Cần nói thêm rằng, hiện nay chiều cao của người Việt là 165 cm ở nam giới và 155 cm ở nữ giới, tức sau 100 năm chiều cao người Việt chỉ tăng 5 cm). Vào đầu thế kỉ 20, trọng lượng cơ thể trung bình là 55 kg ở nam giới và 45 kg ở nữ giới, nhẹ hơn nhiều so với các chủng tộc Âu châu. (Ngày nay, trọng lượng tiêu biểu là 62 kg ở nam giới và 55 kg ở nữ giới). Với cấu hình này, không ngạc nhiên khi ông kết luận rằng “Toàn bộ cấu trúc giải phẫu tạo ấn tượng mảnh mai và yếu đuối. Thật hiếm thấy người An Nam béo phì; xương lộ ngay dưới da.”

Giran còn trình bày dữ liệu cho thấy tỉ suất sanh sản ở người An Nam khá cao. Ông viết “tần suất sinh của 100 phụ nữ đã lập gia đình dưới 50 ở Phổ là 29, ở Anh 26, ở Pháp 16, người ta tính rằng số lần sinh trên 100 phụ nữ An Nam, trong cùng điều kiện, lên tới khoảng 170.” Tuổi dậy thì ở thiếu niên An Nam là khoảng 12 tuổi (tức không khác mấy so với chủng tộc Âu Mĩ), nhưng độ tuổi kết hôn là 16 tuổi 4 tháng, tức hơi sớm. Do đó, Giran nhận xét rằng “Họ thành niên ở tuổi 13, làm cha ở tuổi 16, và thành một ông già ở tuổi 50, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi.”

Tôi thấy có một dữ liệu thú vị khác liên quan đến tử vong và tuổi thọ. Năm 1900, trong số 65,498 trường hợp tử vong, chỉ có 7075 người (hay 11%) chết trên 60 tuổi. Nói cách khác, chỉ chừng 10% dân số An Nam sống đến tuổi 60 mà thôi (trang 35).

Tố chất

Cái ‘luận án’ chánh của Giran là tố chất của một dân tộc chịu sự chi phối của yếu tố môi trường tự nhiên, nên ông dành khá nhiều trang mô tả môi trường sống ở Việt Nam. Về môi trường, ông cho rằng khí hậu khắc nghiệt ở Nam Kì không tốt cho sức khỏe, vì đất lúc nào cũng ẩm ướt, thường bị ngập lụt, cây cối sinh sôi nẩy nở nhanh, và dưới cái nóng, tạo nên nhưng lam chướng độc hại. Những yếu tố môi trường này là yếu tố nguy cơ cho các bệnh truyền nhiễm như kiết lị, tiêu chảy, sốt rét, tả, đậu mùa. Có lẽ đó là một trong những lí do giải thích tại sao tuổi thọ ở người An Nam vào đầu thế kỉ 20 còn khá thấp.

Về tâm lí, Giran mô tả dân tộc An Nam là vô cảm và lãnh đạm. Ông lấy trường hợp những bệnh nhân phong cùi “bị đuổi ra khỏi nhà như súc vật” để minh họa cho sự vô cảm. Ngay từ đầu thế kỉ 20 mà Giran đã nhận xét rằng người An Nam lãnh đạm và thụ động, bằng lòng với sự thiếu thốn, vì không có nhu cầu to tát, không có mong ước lớn, nên họ là “một dân tộc hạnh phúc”. Tuy nhiên, ngay sau đó (trang 71), Giran nhận xét rằng “điểm chính yếu trong sự hạnh phúc của họ là tiêu cực và rất ít ham muốn”!

Không chỉ vô cảm và lãnh đạm, dân tộc An Nam còn … tàn ác. Giran trích bộ luật Gia Long mô tả những nhục hình man rợ được áp dụng cho những phạm nhân như là một minh họa cho nhận xét tàn ác. Chẳng hiểu sao Giran trích lại lồi thuật của một du khách tên là Nicola viết vào năm 1430 mô tả sự tàn bạo của người Java: “Không có dân tộc nào, ông nói, có thể sánh với người dân Java và Sumatra về độ tàn ác. Giết một người đối với họ chỉ là chuyện vặt vãnh và không làm họ phải bị trừng phạt. Nếu một trong số họ, mua một thanh kiếm mới, muốn thử nó, anh ta chỉ đâm vào ngực người đầu tiên mà anh ta gặp. Người qua đường kiểm tra vết thương và khen ngợi sự khéo léo của kẻ giết người nếu nhát đâm được thực hiện tốt.”

Một khía cạnh tâm lí khác của người An Nam là tính nhẫn nhục và chịu đựng. Ông giải thích rằng vì tính chịu đựng tốt nên người An Nam không có ý chí phản kháng. Họ (người An Nam) rất sợ quyền lực, rất quị lụy trước người có quyền thế, cho dù là người có quyền thấp nhứt. Người An Nam sẵn sàng “dập đầu xuống đất liên tục, chắp tay van xin, sau đó khoanh tay trước ngực, mọi biểu hiện nơi phong thái đó gợi lên sự tầm thường.

Tuy nhiên, người An Nam rất hám quyền và thích các chức vụ trong hệ thống công quyền. Tại sao? Tại vì, theo Giran nhận xét, “nghề này thỏa mãn tình yêu quyền lực, phỉnh nịnh thiên hướng của họ, đưa đến sự trơ ỳ và phù hợp với sự thiếu sáng tạo của họ. Vì vậy, hầu hết những người An Nam thông minh hoặc giàu có đều khao khát quan trường.”

Người An Nam có tài năng hay sáng kiến không? Theo Giran, người An Nam không có năng lực sáng tạo vì họ kém trí tưởng tượng. Cũng như người Trung Hoa, người An Nam nghèo nàn về cảm xúc và trí tưởng tượng. Thật ra, Giran viết rằng “Năng lực trừu tượng ở gần họ gần như hoàn toàn không có; đó là lí do tại sao các phương pháp của họ hoàn toàn tuân theo kinh nghiệm; họ không bao giờ biết rút ra các khái niệm khoa học ẩn giấu trong kinh nghiệm để nêu ra các định luật chung” (trang 75).

Do đó, người An Nam chỉ thích làm theo đường mòn, làm theo những gì người khác đã vạch ra, chứ không tự mình đặt ra con đường mới. Ông nhìn cách những người thợ tranh sơn mài và khảm xà cừ, và đi đến nhận xét rằng họ làm tỉ mỉ và khéo léo, nhưng đó chỉ là những thói quen, chớ không có sáng tạo. Ngay cả thiếu sót cũng trở thành một thói quen! Họ bắt chước sao cho gần như hoàn hảo. Ông kết luận “Sự thờ ơ, không có sáng kiến, không có tinh thần sáng chế, họ chưa bao giờ là người sáng tạo […] Họ có tài năng nhất định, nhưng không bao giờ là thiên tài”.

Trong sách, Giran cũng có những nhận xét tiêu cực về khoa học của người An Nam. Ông cho rằng người An Nam tin vào thuyết định mệnh, cộng thêm trí tưởng tượng ấu trĩ và nhận thức mơ hồ, nên họ không tạo ra được một nền khoa học đúng nghĩa. Những màn bói toán, thuật gọi hồn, y thuật phù thủy đối với ông là những ‘trò lừa đảo’ và ngụy tạo chứ không có gì gọi là khoa học cả.

Viết về lịch sử, Giran chê rằng An Nam không có lịch sử đúng nghĩa vì không có chứng tích và văn bản, mà chỉ là truyền thống. Còn pháp luật thì “có 12 tập luật của Trung Hoa, người ta không biết bình luận về nó; người dân không được phép tiếp cận và các quan lại hiếm khi đọc chúng”.

Giran không có chút ấn tượng tốt nào dành cho nền giáo dục An Nam. Ông nhận xét rằng trình độ học vấn được đánh giá dựa trên số chữ và số câu châm ngôn thời xa xưa mà một cá nhân biết được, chớ không dựa vào kiến thức. Còn những kì thi thì chỉ xoay quanh những bài luận văn triết học, đạo đức, tôn giáo, mà trong đó thí sinh phải thể hiện sự uyên bác chớ không có khoa học bài bản và thực sự. Người An Nam đánh giá “trí nhớ là tất cả trí thông minh; khoa học chỉ là uyên bác, triết học chỉ là thể thức.”

Một trong những lí do khoa học và giáo dục khó phát triển là vì người An Nam là nô lệ chính ngôn ngữ của họ. Đó là một thứ ngôn ngữ nghèo nàn mô phỏng hay vay mượn từ Trung Hoa. Ngôn ngữ đó không thể dùng để thể hiện những ý tưởng trừu tượng, nên người ta phải dùng cách nói “vòng vo và các cụm từ làm cho văn phong trở nên nặng nề, làm tổn hại đến sự tường minh và có thể đến cả nội hàm chung của văn bản.”

Bias

Hai yếu tố cần phải ghi nhớ khi đọc quyển sách này: thời gian và tác giả. Cuốn sách được viết ra từ hơn 100 năm trước, thời mà xã hội Việt Nam mới bắt đầu tiếp xúc văn hoá phương Tây (hay ngược lại, người Pháp mới tiếp xúc với người An Nam). Tác giả không phải là nhà tâm lí học, dù ông xem cuốn sách là viết về tâm lí người An Nam. Những nhận xét của Giran cần phải đặt trong bối cảnh của hai yếu tố thời gian và chuyên môn của tác giả.

Dễ dàng thấy rằng nhiều nhận xét của Giran mang tính thành kiến (prejudice) chủng tộc hay cái mà tiếng Anh gọi là racial bias (có thể hiểu là dị biệt chủng tộc). Thành kiến là một đặc tính mà tất cả chúng ta đều có. Thành kiến xuất phát từ sự dị biệt. Họ mặc trang phục khác mình, họ hành xử khác mình, họ có những qui ước xã hội khác mình, v.v. và vậy là mình tìm cách để lí giải cho sự dị biệt. Về văn hóa, ông là người Pháp nên những nhận xét của ông xuất phát từ vị trí của người tự trao cho mình cái nhiệm vụ đi ‘khai sáng’ cho các dân tộc còn kém văn minh. Cái nhìn về một xã hội nông nghiệp của một người từ một nước kĩ nghệ hoá chắc chắn là có nhiều dị biệt. Do đó, tôi không ngạc nhiên mấy khi đọc những nhận xét mang tính thành kiến, thậm chí kì thị chủng tộc, của tác giả, bởi vì chính tâm lí học giải thích cho nhận xét tâm lí của ông.

Rất khó phán xét những nhận xét của ông ấy đúng hay sai, vì khái niệm đúng/sai trong khoa học xã hội rất khó xác định. Mỗi người có một cách nhìn tùy theo trình độ và trải nghiệm của cá nhân. Ngay cả bây giờ nhìn lại có lẽ chúng ta cũng đồng ý với Giran ở vài (thậm chí ‘nhiều’) nhận xét của ông. Ngay từ thời đó, Giran đã nhận xét rằng người An Nam rất mê cờ bạc mà ông xem là một trong những ‘dục vọng’, và điều này vẫn đúng cho ngày hôm nay. Những thái độ vô cảm, dã man, bầy đàn, .v.v thì vẫn còn đó hay tồn tại ở một dạng khác. Bất cứ ai đọc báo ngày nay cũng đều có thể lấy ra vài ví dụ để minh hoạ cho những nhận xét hơn 100 năm trước của Giran.

Nhận xét của Giran về làm theo đường mòn và trí lực kém của người Việt cũng không hẳn là sai. Chúng ta có thể lấy vài ca thiểu số xuất sắc để phản bác ông, nhưng sự thật là vài ca thiểu số không thể đại diện cho cộng đồng dân tộc. Người Việt Nam có thể sáng tạo, nhưng chỉ đi từ 1 đến 10, chớ không đi từ 0 đến 1. Nói cách khác, người Việt Nam (và ngay cả người Nhật cũng tự thú nhận rằng họ) không/chưa có những sáng tạo mang tính đột phá, mà chỉ là những sáng tạo mang tính cải tiến trên những gì người khác đã đột phá.

Tuy nhiên, sách cũng có nhiều khiếm khuyết. Đó là những khiếm khuyến chủ yếu mang tính học thuật và phương pháp, cũng như cách xử lí thông tin. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không công bằng cho tác giả, vì ông không xem đây là một công trình nghiên cứu khoa học hay học thuật, mà chỉ là những ghi chú và nhận xét cá nhân, chủ yếu phục vụ cho việc cai trị của các quan chức Pháp.

Có thể nói rằng tất cả những nhận xét của Giran là ý kiến cá nhân. Từ những quan sát cá nhân, ông tham khảo một số sách (chủ yếu là tiếng Pháp) và những nhận xét chủ quan. Ý kiến cá nhân dễ chịu sự chi phối của trình độ chuyên môn và vốn văn hóa. Về chuyên môn, Giran không phải là một chuyên gia tâm lí hay văn hóa, mà là một viên chức hành chánh, nên cách lí giải của ông có phần thiếu tính hệ thống.

Dù là ý kiến cá nhân, qui luật chung là suy nghĩ dẫn đến hành động. Có phải do những suy nghĩ mang tính thành kiến và bias này mà người Pháp áp đặt một chế độ cai trị hà khắc lên Việt Nam.

Có thể xem cuốn sách là một phiên bản “Người Việt Xấu Xí”, nhưng do một người ngoại quốc viết. Những ai hay quan tâm đến tình hình xã hội hiện nay sẽ dễ dàng đồng tình với một số nhận xét của tác giả. Nhưng những ai thuộc thành phần ‘elite’ hay tự cho mình là ‘elite’ thì sẽ rất khó chịu với những nhận xét không khoan nhượng của Giran. Dù đồng tình hay không đồng tình với tác giả, cuốn sách vẫn là một lời cảnh tỉnh cần thiết cho những người Việt đang tự ru ngủ mình là một dân tộc đỉnh cao, nhân ái, can đảm, thông minh, và sáng tạo.

Giới thiệu sách ‘Hai tuần du ngoạn nước Úc’

Hai hôm trước, tôi nhận được một món quà thú vị từ một người tôi chưa có cơ duyên gặp ngoài đời. Đó là cuốn tạp ghi “Hai tuần du ngoạn nước Úc” của tác giả Nguyễn Chí Thành. Tôi đọc một mạch cuốn sách, và hôm nay tôi hân hạnh giới thiệu đến các bạn.

Cuốn sách là một món quà … ngạc nhiên. Hôm thứ Ba, nhận được email xuống kho nhận ‘parcel’, tôi phải hỏi lại anh thủ kho cho chắc ăn là có phải parcel dành cho tôi (Tuan Nguyen), chớ không phải của người khác có tên giông giống (Tina Nguyen), vì vài lần trước có vài lẫn lộn rồi. Người thủ kho cười trong điện thoại nói “lần này thì đúng là parcel của ông”. Nhìn cái parcel từ Amazon, tôi cố gắng nhớ lại mình đã đặt mua sách gì trong hai tuần qua, nhưng không tài nào nhớ nổi. Mở parcel ra thì mới biết là sách của một tác giả tôi chưa có cơ duyên quen ngoài đời! Cũng không có dòng chữ nào đề tặng. Thật ra, tôi và tác giả cũng chưa bao giờ liên lạc nhau qua email hay các phương tiện truyền thông xã hội. Các bạn thử tưởng tượng cái cảm giác nhận quà từ một người mình chưa quen! Hồi hộp và cảm động.

Cuốn sách, như tựa đề gợi ý, là một dạng kí. Nói chính xác hơn là ‘du khảo kí’, vừa du lịch vừa ghi chép như là một nhật kí. Cuối năm ngoái (2018), tác giả có dịp sang Úc thăm người thân trong gia đình, và sẵn dịp đi một chuyến du lịch 14 ngày chủ yếu là ở Melbourne, và một phần Sydney và Canberra. Mười bốn ngày ở Úc là 14 câu chuyện mà tác giả kể lại cho chúng ta. Bằng một nhãn quan tinh tế và một kiến thức tốt, tác giả đi đến đâu đều không chỉ ghi lại những hình ảnh mà còn kèm theo những chú thích mang tích lịch sử và văn hoá nữa, giống như cách ‘vừa đi đường, vừa kể chuyện’. Thành ra, người đọc có cảm giác như vừa theo chân tác giả đi đến những vùng xa lạ và thú vị, mà vừa biết thêm nhiều sự kiện thú vị về nơi mình tới.

Nước Úc đã để lại cho tác giả nhiều ấn tượng đẹp. Đẹp ngay từ lúc tiếp xúc với các viên chức hải quan và di trú ở phi trường Melbourne đến những người dân Úc mà tác giả mô tả là ‘dễ thương’, ‘luôn nở nụ cười tươi’ và ‘luôn miệng Hello’. Có lẽ các bạn còn nhớ tôi hay phàn nàn rằng các viên chức hải quan Sydney là tồi tệ nhứt, kém thân thiện nhứt, và có thể là kì thị nhứt thế giới. Không phải kì thị với tôi, mà với đồng hương Việt Nam. Nhưng tác giả Nguyễn Chí Thành thì có những ấn tượng đẹp đối với các nhân viên hải quan ở phi trường Melbourne. Nhìn chung thì tôi đồng ý với tác giả là người Úc rất thân thiện vào hào hiệp nhứt nhì thế giới. Không hào hiệp sao được khi mà họ mở cửa chào đón cả trăm ngàn người Việt tị nạn vào thập niên 1980s và 1990s. Cánh cửa đó thật ra vẫn còn mở rộng cho người nước ngoài.

Mười bốn ngày là 14 lần trải nghiệm. Những nơi mà tác giả đi qua như khu du lịch Hanging Rock (Đá Treo), trung tâm thành phố Melbourne, khu phố Footscray, xe điện, đường cao tốc, đài tưởng niệm chiến tranh, tiệm làm bánh mì, chùa Quang Minh, nhà thờ Chánh Tòa, tòa nhà Quốc hội, v.v. tác giả đều ghi lại tỉ mỉ. Có khi tác giả còn so sánh với Việt Nam làm cho người đọc có dịp mở mắt. Chẳng hạn như viết về hệ thống wifi của phi trường Melbourne, tác giả nhận xét ‘À, tôi gọi qua Messenger xài wifi miễn phí tại sân bay, Melbourne, miễn phí hoàn toàn chứ không dỏm như sân bay Tân Sơn Nhất của xứ mình, mang tiếng là miễn phí, kết nối mạng được xong chẳng làm được gì.’ Quá chính xác! Tôi cũng ngạc nhiên là tại sao phi trường Tân Sơn Nhứt cung cấp wifi làm gì khi mà chẳng khách nào dùng được. Hay so sánh chánh sách chăm sóc cho người dân, tác giả so sánh “Ở Úc, chính phủ thực sự lo nghĩ đến những nhu cầu thiết thực của công dân chứ không sáo rỗng và vô hồn như những băng rôn treo đầy đường mà tôi gặp nhan nnản khắp quê nhà.’ Những so sánh như vậy có thể làm cho vài người tự ái, nhưng hoàn toàn chính xác.

Tác giả dành một số trang về con Kangaroo (người Việt chúng ta thỉnh thoảng gọi là “chuột túi”) rất thú vị. Đây là một con vật độc đáo, mà hình như chỉ có Úc mới có. Nó chính là con vật đã giúp tôi đến định cư ở đất nước ngày gần 40 năm trước. Thời trước 1975, tôi học địa lí và rất thích thú với con kangaroo, và mơ có ngày mình nhìn thấy nó. Do đó, khi còn ở trại tị nạn, khi hết lí do để đi Úc, tôi nói thật là mình muốn nhìn con kangaroo. Không ngờ câu trả lời đó làm cho anh nhân viên sứ quán Úc nhận cho đi Úc. Qua đây rồi, phải vài năm sau mới thấy tận mắt con vật này, và sau này có dịp đi về miền quê mới biết nông dân Úc rất đau đầu với đội quân kangaroo. Nhìn chúng dễ thương như vậy (và quả thật dễ thương), nhưng chúng phá phách nương ruộng của nông dân dữ lắm. Do đó, có năm khi dân số kangaroo tăng trưởng quá nhanh, nhà chức trách phải dùng trực thăng để tiêu diệt chúng! Chỉ việc này thôi, chánh phủ Úc bị các hiệp hội bảo vệ thú vật chỉ trích rất nhiều. Nhưng với du khách như tác giả của chúng ta thì con kangaroo là rất đặc biệt và đã có không biết bao nhiêu bài viết về những chú chuột túi này.

Tôi đã sống ở Úc này gần 40 năm, nhưng chưa có dịp đi nhiều nơi trên nước Úc như tác giả. Tôi chưa từng ghé qua những nơi như Uluru, chưa có dịp ghé qua những danh lam thắng cảnh ở Victoria, chưa từng đến Darwin (nhưng sẽ đến vào tháng 10 này), v.v. Chẳng những cá nhân tôi, mà tôi nghĩ nhiều đồng hương định cư ở Úc cũng vậy, tức chưa từng đi nhiều nơi trên đất nước mênh mông này. Do đó, vớ được một cuốn sách mà tác giả đi nhiều và ghi chép tỉ mỉ thì chẳng khác gì chính mình được đi du lịch và thưởng lãm những địa danh nối tiếng trên quê hương thứ hai.

Sách có vài chỗ tôi nghĩ là có sự hiểu lầm. Chẳng hạn như có những ngôi nhà (như trang 43) mà tác giả gọi là ‘biệt thự’, trong thực tế ở Úc chỉ thì đó là ngôi nhà khang trang chớ không phải là biệt thự. Biệt thự ở Úc là những ngôi nhà thường có tuổi cao và trị giá từ 10 triệu AUD trở lên. Có đoạn tác giả nghĩ rằng ‘phần lớn dân Úc lúc đầu xuất thân từ nông dân làm việc trong các trang trại’ (trang 1) theo tôi là không hẳn vậy. Sự thật là trong thời gian đầu đa số người định cư ở Úc là tù nhân từ Anh. Tính từ 1780 đến 1868, Anh đã chở sang Úc hơn 160,000 tù nhân. Sau Thế chiến thứ II thì đa số di dân là từ Âu châu và họ chủ yếu là công nhân trong các hãng xưởng kĩ nghệ. Những người Anh đầu tiên đến Úc đã phạm phải những lỗi lầm ghê gớm, vì họ tàn sát rất nhiều người thổ dân, chẳng những thế mà còn bắt cóc con người thổ dân; còn người Hà Lan đến đây vào thế kỉ 17 (không phải 18) thì không có chứng cứ nào cho thấy họ tàn ác như người Anh. Những hiểu lầm nho nhỏ đó chẳng làm thay đổi nội dung phong phú của cuốn bút kí.

Đây là một cuốn sách có xuất xứ từ … facebook. Lí do là trước khi xuất bản thành sách, tác giả chỉ viết những cái note trên facebook và chia sẻ với bạn bè mà thôi. Có lẽ chính vì vậy mà sách được viết bằng một văn phong mộc mạc, và đó là một lợi thế vì văn phong đó rất dễ gần gũi và dễ đọc. Tác giả viết văn theo phong cách ‘thấy gì viết nấy’. Tác giả viết văn như viết nhật kí, mỗi ngày là mỗi chương sách. Văn chương đơn giản, không dùng những cấu trúc câu văn cầu kì, không có những chữ màu mè, nên rất dễ theo dõi. Người ta hay nói ‘văn là người’, đọc sách này chúng ta cũng có thể đoán rằng tác giả là một người tinh tế, vui tính, và khiêm nhường. Tác giả không muốn nói về mình, mà chỉ ghi đôi dòng như trang cuối của sách:

“Sinh ra trong chiến tranh
Suýt chết vì bom đạn
Thơ ấu ở Hải Phòng
Sống tại Sài Gòn
Viết là thú vui”.

Nhân dịp này, tôi chân thành cám ơn tác giả đã có lòng nghĩ đến tôi và tặng sách. Hi vọng rằng có ngày chúng ta sẽ gặp đâu đó ở Việt Nam hay Úc. Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn cuốn du kí “Hai tuần du ngoạn nước Úc” của tác giả Nguyễn Chí Thành. Nếu các bạn sắp đi du lịch bên Úc thì nên mua một cuốn để làm hành trang đọc trên máy bay trước khi đến Úc.

Thông báo Giải thưởng Alexandre Yersin 2019-2020

Hội HELVIETMED mới ra thông báo về Giải thưởng “Alexandre Yersin Prize for Outstanding Medical Publications” cho năm 2019-2020. Đây là giải thưởng dành cho các nhà khoa học y học người Việt Nam, và nghiên cứu phải thực hiện tại Việt Nam chủ trì bởi người Việt Nam. Ý tưởng chính là khuyến khích nội lực nghiên cứu y học của người Việt, và mặt khác là “lăng xê” các nhà khoa học cũng như công trình nghiên cứu có ý nghĩa.

Image result for Alexandre Yersin (22/9/1863 - 1/3/1943)

Alexandre Yersin (22/9/1863 – 1/3/1943)

1. Tôn chỉ

Đây là giải thưởng do Hiệp hội Y khoa Thuỵ Sĩ – Việt Nam (Swiss-Vietnamese Medical Association, hay HELVIETMED) sáng lập nhằm ghi nhận những thành tựu khoa học xuất sắc. Giải thưởng dựa trên công bố quốc tế trong vòng 24 tháng (tính đến ngày trao giải thưởng). Qua giải thưởng, Ban tổ chức cũng muốn khuyến khích các bác sĩ và nhà nghiên cứu y học ở Việt Nam đóng góp vào y văn quốc tế.

Giải thưởng được sáng lập để tôn xưng Bác sĩ Alexandre Émile-John Yersin (1863 – 1943), một nhà nghiên cứu y học tiền phong ở Việt Nam, và cũng là người đã phát hiện bubonic plague bacillusvà Yersinia pestis. Nghiên cứu của ông thể hiện những đóng góp mang tính cơ bản về bệnh dịch và giúp xoá bỏ căn bệnh đã gây cho hàng triệu tử vong trong thế kỉ qua.

2. Mục tiêu

Mục tiêu chính của Giải thưởng “Alexendre Yersin Prize” là khuyến khích các nhà nghiên cứu y học ở Việt Nam đóng góp vào y văn quốc tế, và ghi nhận những thành tựu khoa học xuất sắc. Giải thưởng dựa trên công bố quốc tế trong vòng 24 tháng (tính đến ngày trao giải thưởng).

3. Tiêu chuẩn tham dự

  • Những bài báo khoa học đã được công bố trên các tập san y học trong vòng 24 tháng (tính đến ngày trao giải);
  • Chỉ xem xét những bài “original article” hay “case reports” có dữ liệu gốc;
  • Nghiên cứu phải được thực hiện ở Việt Nam;
  • Ứng viên phải là tác giả đầu và chủ trì (correspondence author) của bài báo, hoặc là “main author” mà đóng góp được ghi rõ trong bài báo.

4. Tiêu chuẩn đánh giá

Đánh giá bài báo dựa trên 5 tiêu chuẩn sau đây: phẩm chất khoa học, tầm quan trọng, sự cách tân, tầm ảnh hưởng trong chuyên ngành, và uy tín của tập san.

  • Phẩm chất khoa học (tối đa 40 điểm): Giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu; thiết kế nghiên cứu; cách phát biểu câu hỏi nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, trình bày kết quả, tính khúc chiết và lí giải dữ liệu.
  • Tầm quan trọng (tối đa 20 điểm): Ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng; tiềm năng ảnh hưởng đến chính sách công.
  • Cách tân (tối đa 20 điểm): Phương pháp và kĩ thuật nghiên cứu; cách tiếp cận bằng thống kê học và diễn giải dữ liệu.
  • Tầm ảnh hưởng trong khoa học (tối đa 10 điểm): Phản ảnh qua số lần trích dẫn (không tính đến tự trích dẫn); số lần trích dẫn (nếu có) sẽ được đánh giá dựa trên chỉ số ảnh hưởng của tập san.
  • Uy tín của tập san (tối đa 10 điểm): Tập san thuộc một nhà xuất bản hay hiệp hội y khoa chính thống; các thước đo như Journal impact factor và eigenfactor.

5. Hội đồng khoa học

Hội đồng khoa học được sự tiến cử và phê chuẩn bởi các thành viên trong Helvietmed. Hội đồng gồm 7 chuyên gia độc lập. Trong nhiệm kì 2019-2020, các thành viên là:

  • Professor Tuan V. NGUYEN, University of New South Wales, Sydney, Australia.
  • Emeritus Professor Nu Viet VU, University of Geneva, Switzerland
  • Emeritus Professor Ezio GIACOBINI, University of Geneva, Switzerland
  • Emeritus Professor Jean-Pierre KRAEHENBUHL, CEO at Health Sciences eTraining Foundation, Lausanne, Switzerland
  • Professor Uyen HUYNH-DO, University Hospital of Bern, Switzerland
  • Dr Vincent VINH-HUNG, University Hospital of Martinique, France
  • Dr Quan-Vinh NGUYEN, Fribourg, Switzerland.

6. Nộp hồ sơ

Nói “hồ sơ” có vẻ phức tạp, nhưng trong thực tế thì rất đơn giản. Các ứng viên chỉ cần:

  • bản pdf bài báo khoa học dự thi;
  • bản tóm tắt 200 chữ về bài báo; và
  • lí lịch khoa học.

Hồ sơ gửi về Bs Nguyễn Quan Vinh tại địa chỉ: Qvnguyen@swissonline.ch. Thông tin tham khảo thêm: https://helvietmed.org

Hạn chót để nộp hồ sơ cho Giải Thưởng là ngày 31/12/2019. Nhưng ngay từ bây giờ, các bạn hãy chuẩn bị hồ sơ.

Trân trọng kính mời các ứng viên tham dư Giải thưởng Alexandre Yersin!

Ghi chép linh tinh ở Manila 9/2019

Hội nghị khoa học lần thứ 6 của Liên hội Loãng xương Châu Á (Asian Federation of Osteoporosis Societies – AFOS) năm nay diễn ra ở Manila, Phi Luật Tân. Thế là tôi có dịp ghé thành phố này lần thứ hai (lần thứ nhứt là gần 20 năm trước). Sau gần 20 năm quay lại, thành phố này có vẻ bận rộn hơn, giàu có hơn, nhưng đâu đó cái nghèo vẫn còn đeo đuổi. Xin chia sẻ cùng các bạn vài ghi chép nhanh trong những ngày tôi lưu lại Manila …

Một lần trải nghiệm với Philippines Airlines

Welcome aboard, sir!

Anh tiếp viên, trong trang phục chemise truyền thống Phi Luật Tân, chào đón tôi bằng một li shiraz và một phong cách chuyên nghiệp. Không ngon chút nào, nhưng tôi cũng khen để anh ấy vui. Thức ăn khai vị càng tệ, nhưng tôi vẫn dùng để họ hài lòng. Còn thức ăn chính thì cũng không có gì ấn tượng. Rất có thể chuyến bay chỉ 2 giờ đồng hồ nên họ cũng chẳng cần quá quan tâm đến chuyện ăn uống.

Người tiếp viên trưởng mặc áo truyền thống nhưng các tiếp viên nam thì mặc đồng phục veston. Các nàng tiếp viên thì khó chê, vì nàng nào cũng xinh gái, trang điểm sắc nét, ăn mặc rất sharp. Tuy nhiên, so với “phe nhà” VNA thì tôi vẫn nghĩ người mình xinh hơn (chỉ không hay ở chỗ mặc áo dài mà phục vụ cơm nước). Tiếp viên Phil có thể không xinh hơn VNA, nhưng họ chăm sóc khách hàng rất tuyệt vời.

Hãng hàng không mang cờ quốc gia này thuộc nhóm 4 sao, nhưng thành thật mà nói, còn kém hơn 4 sao của Vietnam Airlines (VNA).

Bị “chặt chém” ngay tại phi trường

Chia tay các nàng chiêu đãi viên xinh xinh, tôi làm thủ tục nhập cảnh. Phi trường Ninoy Aquino khá rộng, nhưng còn đang trong giai đoạn xây dựng tiếp, nên rất … bề bộn. Nhưng các nhân viên di trú làm việc rất nhanh, không đầy 5 phút tôi đã được nhập cảnh vào Phi Luật Tân. Về cái khoản này thì Phi Luật Tân có vẻ hơn Việt Nam khá xa.

Do ban tổ chức hơi kém, nên tôi bị bơ vơ ở phi trường cả 30 phút. Chẳng ai đến đón mình, cũng chẳng biết về khách sạn nào. Phải mất $20 để nối mạng thì mới liên lạc được ban tổ chức và biết nơi mình lưu trú. Tôi đón taxi limo về khách sạn, họ nói là 30 phút và giá là 1650 peso (chừng $30 USD). Tôi tính thử và so sánh với thu nhập của dân Phi thì nghĩ giá có vẻ hợp lí. Tôi lầm to. Đến nơi thì có người của ban tổ chức đón tôi, và họ xin lỗi rối rít vì để tôi ‘bơ vơ’ 30 phút ở phi trường trong cái nóng 30 độ C.

Người của ban tổ chức còn kinh ngạc hơn khi nghe tôi trả tiền taxi, vì cái giá đó cao gấp 2 lần giá thường! Trời ơi, là người đi đây đó khắp nơi trên thế giới mà bị bọn taxi Phi Luật Tân ăn cướp ban ngày. Nghĩ đến đó tôi giận, nhưng cũng an ủi rằng mình đã giúp anh ta và gia đình. Tuy nhiên, ban tổ chức hứa sẽ trả đầy đủ cho tôi, và họ lại xin lỗi. Xin lỗi thì xin lỗi, chứ thú thật tôi không có ấn tượng đẹp từ cái trải nghiệm “vạn sự khởi đầu nan” mà đau thương này. Tôi thấy mình vô cùng thông cảm cho du khách nước ngoài đến VN bị vài tài xế taxi bất lương lường gạt và cướp cả trăm USD. (Tôi cũng thấy mình khá may mắn vì họ chưa cướp tôi đên độ đó).

Tuy nhiên, khi đã làm quen với thành phố, thì tôi thấy giá cả taxi khá rẻ, có vẻ bằng hay rẻ hơn ở VN. Chẳng hạn như đoạn đường 10 phút (không kẹt xe) giá chừng 120 peso (khoảng 2.5 USD hay 56,000 đồng). Không cần tiền tip.

Đường lộ Manila

Đường từ phi trường về khách sạn trong trung tâm thành phố rộng thênh thang. Con đường này rộng đến 12 làn xe. Xe hơi chạy đầy, rất rất hiếm xe gắn máy. Thỉnh thoảng có loại xe chở khách giống như xe đò ở miền Nam thời trước 1975. Ở đây, người địa phương gọi là xe “Jeepney”. Đường xá và phố xá Manila có vẻ dơ dấy, giống y chang như ở Sài Gòn hay Hà Nội ngày nay.

Tuy nhiên, đường phố ở Manila có vẻ rộng rãi hơn so với các thành phố lớn ở Việt Nam. Manila cũng có vài đại lộ đẹp. Như con lộ dưới đây phủ đầy cây xanh hai bên đường, trông vừa mát vừa ‘nhiệt đới’. Hôm tôi đi dạo một vòng là ngày cuối tuần nên ít xe cộ; còn ngày thường xe nhiều kinh khủng. Anh tài xế taxi phàn nàn là Manila (11 triệu dân) không đủ đường hay đường lộ nhỏ quá. Tôi nói sẽ không bao giờ đủ đường xá cho xe hơi đâu, còn chê Manila đường quá hẹp thì xin mời anh sang tp hồ chí minh hay hà nội. Tuy xe kẹt kinh khủng, nhưng tôi không thấy hỗn loạn, vì người dân ở đây cũng chấp hành luật giao thông rất tốt, chẳng khác mấy so với các nước như Úc và Mĩ.

Một đại lộ đẹp trong nội thành Manila

Phố xá

Manila có một trung tâm shopping rất lớn, gọi là “Mall of Asia” (MoA). Tôi mon men đến đó cho biết, và quả thật là rất lớn, nghe nói là lớn nhứt châu Á. Trong MoA có rất nhiều tiệm thời trang loại “upmarket”, rạp chiếu phim, khu vui chơi, hàng quán ăn uống, v.v. Nói chung, đó là một thế giới riêng, rất Tây nhưng cũng rất Phi.

Ở đây giá cả sinh hoạt có vẻ rẻ hơn VN. Món ăn bình thường chỉ 200-250 peso (tức 5 USD) là ăn no nê cả ngày. Một cái quần jean hiệu Lee giá chỉ 30 USD. Một đôi giày coi được của Hush Puppy chỉ 20-40 USD. Giày dép phong phú hơn và giá cả cũng rẻ hơn VN.

Hôm nọ tôi bị anh chàng taxi chặt chém, thì hôm nay tôi gặp người tử tế. Vào tiệm đồ mua một món hàng mà giá đề là 590 peso, đem ra tính tiền, cô nhân viên phân vân một chút, rồi nói với tôi là nếu tôi chọn món hàng đó, nhưng ở cái rack bên trong thì giá chỉ … 190 peso! Trời, sao có người hay như thế. Cô ta còn dẫn tôi đến cái rack đó và thế là tôi tiết kiệm được ít tiền. Đúng là xã hội nào cũng có người thế này thế kia.

Nhân viên bán hàng rất niềm nở và lúc nào cũng gọi khách bằng danh xưng “Sir” dù mình chẳng mua món hàng nào cả. Họ nói tiếng Anh đặc thù Phi, hơi khó nghe. Nhưng họ vui vẻ lặp lại nếu mình yêu cầu.

Ẩm thực

Tôi phải nói rằng ẩm thực ở đây rất nghèo nàn. Một khách sạn loại ‘high quality’ (Sangri La) như thế này mà xem ra các món ăn sáng rất bình thường. Nhìn mấy món trên hình của một nhà hàng có hạng, tôi thật chẳng muốn kêu món nào. Nhưng chẳng lẽ đã vào đây và an toạ rồi mà đi ra thì kì quá. Kêu món gà nướng và salad cùng với chai bia. Ôi, món ăn gì mà dở tệ. Bù lại chai bia thì ngon không chê được. Tôi nhủ thầm mình sẽ còn đói dài dài trong mấy ngày sắp tới …

Đi dạo một vòng ngoài MoA, tôi bắt gặp “hình bóng quê nhà”! Đó là một tiệm phở (nói đúng ra là nhà hàng) tên là “Phở Hoà”. Họ có cả một cô người Phi mặc áo dài chào khách nữa. Nhà hàng có nhiều món Việt Nam, như phở bò, bún thịt nướng, gỏi cuốn, mì xào, v.v. Tôi kêu món phở bò. Hm, chắc họ nấu cho người Phi ăn, chứ đối với người Việt thì khó mà thưởng thức vì thiếu vị phở. Giá cả khá phải chăng: tô phở 310 peso (chừng $6 hay 120,000 đồng). Không cần cho tip — họ ghi rõ trên cái bill tính tiền.

Tiệm Phở Hòa, ngay tại Mall of Asia

Vấn đề an ninh

Đến Manila tôi có cảm giác không an toàn. Đi đâu cũng có thấy bóng dáng security (bảo vệ). Vào khách sạn phải đi ngang cái máy scan hành lí y như ở phi trường. Thoạt đầu tôi nghĩ có lẽ do khách sạn ‘high quality’ nên họ phải như vậy để bảo đảm an toàn cho khách, nhưng khi đã đi qua vài chỗ thì tôi nghĩ khác. Vào các mall hay trung tâm mua sắm cũng phải qua security và rà soát cả người! Bước vào nhà hàng bình dân McDonald cũng phải qua security.

Ở ngoài đường, hầu như ở bất cứ ngã tư nào cũng có bóng dáng của security hoặc cảnh sát. Điều đáng chú ý là các nhân viên security ở đây có quyền mang súng, và nghe nói họ còn có quyền nổ súng khi cảm thấy cần thiết! Tôi có cảm giác an ninh ở đây còn siết chặc hơn cả Việt Nam!

Người dân

Người dân Manila có vẻ ở trong căn hộ cao tầng rất nhiều. Ngay tại trung tâm thành phố, có rất nhiều toà nhà cho dân ở, nghe nói là không hề rẻ. Nhìn thấy những toà nhà này xây sát nhau tôi thấy rùng mình, vì nếu có hoả hoạ thì vô cùng nguy hiểm. Nhìn các toà nhà này tôi thấy sao mà giống Hà Nội và SG ngày nay. Có thể xem đó là dấu hiệu của “developing countries”?

Ngay tại trung tâm thành phố này vẫn có dấu hiệu nghèo. Phía ngoài cái trung tâm mua sắm sang trọng là những người lao động trong những bộ đồ lam lũ. Họ mời khách hàng đi xe taxi, xe tự chế hay “xe đò.” Không quá chèo kéo như ở Việt Nam, nhưng cách họ mời làm cho khách cảm thấy không thoải mái. Dĩ nhiên họ là những người nghèo. Sự hiện diện của họ ở ngay đây là một minh hoạ cho con số thống kê về khoảng cách giàu – nghèo ở Philippines thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Việt Nam ta khoảng cách giàu – nghèo cũng cao, nhưng không bằng Philippines, nơi mà một thiểu số nhỏ kiểm soát cả nền kinh tế.

Xem ra mấy người mà tôi tiếp xúc thì thấy họ vẫn còn ái mộ Tổng thống Marcos. Bà Imelda Marcos nay đã 90 tuổi nhưng vẫn tham gia chánh trường. Con và cháu bà cũng là thượng nghị sĩ. Ông Marcos để lại nhiều công trình văn hoá ở Manila, nên giới tài xế taxi cũng có vẻ thích ông này. Riêng đương kim tổng thống thì có nhiều ý kiến trái chiều. Giới trí thức cười nhạo báng ông Duterte, họ cho rằng ông ấy khùng và “thất học.” Nhưng mấy người tài xế taxi tôi nói chuyện thì ai cũng thích ông ấy, họ nói ổng là “a great president”!

Nhưng đối với Tàu cộng thì từ giai tầng trí thức đến tài xế taxi đều ghét cay ghét đắng. Có hôm trong một nhà hàng người chủ toạ nói đùa những câu mang tính chỉ trích Tàu, mà bà quên rằng trong buổi tiệc có đại diện từ Tàu sang dự. Cũng may, anh chàng Tàu tiếng Anh chưa đủ tốt nên không hiểu câu đùa của bà “chủ nhà”. Các bác tài taxi thì chửi Tàu là đồ phá hoại, họ chỉ những toà nhà và khu shopping toàn tiếng Tàu và lắc đầu nói “These crims are destroying our country” (bọn tội phạm này đang huỷ diệt đất nước chúng tôi). Nghe mà cay đắng và như là lời cảnh báo cho Việt Nam.

Phi Luật Tân có thể có thu nhập bình quân cao hơn Việt Nam, nhưng tôi nghĩ trình độ phát triển thì không chắc là hơn Việt Nam. Họ cũng tham ô hối lộ như Việt Nam. Nhìn qua khuôn mặt và ánh mắt người lao động, tôi thấy họ không sáng bằng người Việt. Nhưng giai cấp có học của họ thì chắc không thua Việt Nam. Nhìn chung, tôi muốn nghĩ rằng trong tương lai dài Phi Luật Tân sẽ không bằng Việt Nam.

Tinh thần khoa học

Hội nghị lần này có 470 người tham dự. Đa số là các bác sĩ từ nước chủ nhà Phi Luật Tân. Điều gây ấn tượng đẹp là họ đều có mặt đầy đủ từ ngày đầu đến ngày cuối. Các symposia, plenary session và oral presentation đều đầy hết, có lúc không có ghế ngồi! Đến giờ cuối vẫn còn đầy khán phòng. Điều đáng nể là họ sếp giờ chính xác đến từng phút; không có ai nói quá giờ. Thật đáng nể cho tinh thần khoa học của người Phi Luật Tân.

Hôm khai mạc hội nghị, tôi được giao trọng trách giảng bài plenary. Tôi nói về các mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương. Bài giảng khơi dậy rất nhiều câu hỏi. Có những câu hỏi rất hay, và tôi vui vẻ trả lời. Cái gì biết thì trả lời, cái gì không biết thì nói … I don’t know. 🙂 Nhưng tín hiệu mừng là sau bài giảng, có rất nhiều đồng nghiệp đến hỏi han và đề nghị hợp tác.

Sau bài giảng plenary là bài cáo cáo nghiên cứu từ Thái Lan. Anh bác sĩ này làm tôi sốc. Anh ta chọn 36 bệnh nhân, rồi dùng DXA để đo thành phần cơ thể (lượng cơ/nạc, mỡ, xương). Sau đó anh ta cho bệnh nhân ăn các món ăn có năng lượng cao và nhiều mỡ, rồi đo thành phần cơ thể lần 2. Sau đó anh ta cho bệnh nhân ăn các món ăn có nhiều chất sợi và ít mỡ, rồi lại đo thành phần cơ thể lần 3. Chỉ 1 tuần mà anh ta đo DXA 3 lần cho mỗi bệnh nhân! Không hiểu hội đồng y đức nào cho anh ta làm như vậy. Kết quả thí nghiệm cho thấy thành phần cơ thể chẳng thay đổi. Anh ta kết luận là thức ăn có nhiều hay ít chất béo không có ảnh hưởng đến thành phần cơ thể! Tôi hỏi anh ta là dựa vào giả thuyết nào mà anh ta can thiệp và thiết kế nghiên cứu như vậy. Không trả lời được. Tôi nói rằng không thể nào kì vọng thay đổi thành phần cơ thể hay mật độ xương trong 1 tuần bằng DXA; nếu có thay đổi thì đó chỉ là ngẫu nhiên do sai số đo lường mà thôi. Mật độ xương sau khi điều trị ít nhất 1 năm mới thấy có thay đổi. Can thiệp 1 tuần bằng ăn uống thì … chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng tôi cũng mừng vì anh bác sĩ trẻ được trao giải thưởng!

Ngày thứ 2 của hội nghị bắt đầu từ … 6:30 sáng! Cũng may là ở đây 6:00 sáng là trời hừng sáng rồi, nên cũng đỡ mệt. Lí do bắt đầu ngày mới hơi sớm là vì tôi phải dự buổi họp hội đồng biên tập của tập san Osteoporosis & Sarcopenia. Họp xong, chụp hình lưu niệm.

Tôi tự hào là một trong những thành viên sáng lập tập san này. Hồi đó cãi nhau về cái tên; sau cùng đa số chọn cái tên Osteoporosis & Sarcopenia, mà tôi vẫn không hài lòng. Hiện nay thì nó được hội loãng xương bên Nam Hàn quản lí, và tôi chỉ phục vụ như là thành viên của ban biên tập, nhưng đóng vai trò hậu trường về chánh sách. Sáng nay, tôi đề nghị vài thay đổi quan trọng. Sẽ bỏ một số thành viên biên tập lười biếng và tuyển/mời người mới. Sẽ thêm 2 associate editors. Sẽ có loạt bài tổng quan, và loạt bài consensus. Sẽ lên kế hoạch vào ISI (hiện nay mới vào Pubmed).

Các bạn có nghiên cứu về bone, muscle, metabolic bone diseases, hormones, v.v. nên thử gởi cho O&S. Trước khi học PhD hay đang học masters mà có bài ở đây là một lợi thế. Khi nộp các bạn có thể nhắc tên tôi (vì tôi được mọi người trong ban biên tập thương yêu lắm). Tỉ lệ chấp nhận hiện nay là 60%, rất cao. Tuy nhiên, bài coi được vẫn còn ít quá. Mời các bạn nộp bài nghiên cứu. Bình duyệt nhanh (dưới 3 tháng). Không có ấn phí.

Ngày thứ ba ( ngày cuối cùng của hội nghị), và tôi là người “bao sân”. Không biết hữu tình hay cố ý mà ban tổ chức sắp xếp tôi nói bài đầu tiên, và bài bế mạc cũng là tôi. Tôi nghĩ, qua kinh nghiệm bên Việt Nam phe ta, sáng nay chắc chỉ còn vài người đến nghe thôi, nhưng tôi lầm to. Đến giờ cuối mà khán phòng vẫn còn chừng 80% đầy! Người Phi Luật Tân có tinh thần khoa học ghê!

Tôi nói về mối liên quan giữa bisphosphonate và giảm nguy cơ tử vong. Câu hỏi là mối liên quan này mang tính nhân quả hay chỉ là … ngẫu nhiên. Đây là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi trong suốt 5 năm nay. Do đó, trong hội nghị này tôi muốn “khuấy động” giờ sau cùng để khán phòng đặt câu hỏi cho hào hứng. Quả thật có nhiều câu hỏi, có cả câu hỏi rất insightful từ một bà Phi Luật Tân. Nói chung thì outcome và dư âm bài nói rất rất ok, vì sau đó nhiều người đến chúc mừng kiểu “I enjoyed/appreciated/liked/loved your lecture/talk/presentation …”

Có bà trong ban tổ chức nói riêng với tôi rằng bà không cần mấy ông Mĩ hay Tây, vì bà đã chọn đúng người (ý nói da vàng) để khai mạc và bế mạc. Chắc là cách nói ngoại giao thôi, nhưng hi vọng là … có phần hợp lí, vì những gì tôi báo cáo toàn là dữ liệu của tôi.

Đi dự hội nghị như thế này tôi đều liên tưởng về Việt Nam. Ở Việt Nam khả năng tổ chức hội nghị chắc chắn không kém, nếu không muốn nói là hơn, các bạn Phi Luật Tân. Nhưng vấn đề của các hội nghị Việt Nam là chúng ta không giữ đúng giờ (đa số đều nói quá giờ). Tình trạng phổ biến là người đăng kí thì nhiều nhưng dự chẳng bao nhiêu, đến ngày cuối cùng có khi may lắm là còn 20 người! ‘Phe ta’ cần phải học Phi Luật Tân về cái khoản này (tinh thần khoa học).

Sau hội nghị này, AFOS sẽ có thêm Việt Nam, Nepal và Sri Lanka là thành viên. Năm 2021 sẽ tổ chức lần thứ 7 ở Singapore.

A list of most-cited scientists in osteoporosis research

It has been a while since my last post in this blog. I have been pretty busy with so many engagements in research, editorial duties, and lectures in Vietnam and elsewhere. Today, I am back, because I have just read a very interesting paper on the 100,000 most-cited scientists in the world (1).

This list was compiled by John Ioannidis and his colleagues of the Stanford meta-research innovation centre (METRICS). The authors used the methodology that they had developed and published previously (2). Using this methodology, they ranked scientists based on a series of indices, some of them are not quite accessible to ‘normal’ people. They determined the H index from Scopus bibliometric database (1996 – 2017) for each scientist, and then use the scientist’s profile (eg years of active research, number of first-authored papers, number of last-authored papers, number of single authored papers, citations and self-citations, etc) to derive an adjusted H index.

Image result for A list of most-cited scientists in osteoporosis research

I extracted the list of osteoporosis researchers [from the list of 100,000 scientists] whom I have known over the years (surely incomplete) and sorted by the adjusted H index. Based on this incomplete list, you can see that top scientists are Drs. Elizabeth Barrett-Connor (who just passed away a few weeks ago), Josepth Melton, Cyrus Cooper, Pierre Delmas, Steven Cummings, Jane Cauley, Ego Seeman, John Kanis, Larry Riggs, and Richard Eastell. I was also on the list (ID#20). You can download the full list of 100,000 scientists (Table S1 or S4) here:

https://data.mendeley.com/datasets/btchxktzyw/1

The authors also produced an interesting index reflecting the proportion of self-citation. The average proportion of self-citation in the world scientific literature was about 12.7%. My proportion of self-citation was 11%. However, there were more than 250 scientists who had amassed more than 50% of their total citations from themselves or their co-authors!

I don’t think it is possible to rank scientists and their work based solely on bibliometric indices. However, these indices can be used as adjunct measures for gauging the scientific impact of a scientist. It is my pleasure to introduce this list to you.

===

(1) https://journals.plos.org/plosbiology/article?id=10.1371/journal.pbio.3000384

(2) https://journals.plos.org/plosbiology/article?id=10.1371%2Fjournal.pbio.1002501

An incomplete list of most-cited scientists in the field of osteoporosis (Ref #1)

AFOS 2019, Manila

I have just attended the 6th Scientific Meeting of the Asian Federation of Osteoporosis Societies (AFOS) in Manila. It was great to meet many colleagues and new friends in Asia. On this occasion, I would like to thank Professor Leilani B. Mercado-Asis, Dr. Julie Li-Yu, and Dr. Lyndon John Lllamado for inviting me to participate in the Meeting.

The three-day Meeting discussed several issues concerning osteoporosis in Asia. These issues included the epidemiology of osteoporosis in Asia, utility of fracture risk assessment, secondary osteoporosis, atypical femoral fracture, vitamin D and bone health, and new therapeutics. I contributed 2 lectures in Meeting; the first one was on the application of fracture risk assessment models in Asian populations, and the second one was on the association between fracture, bisphosphonate treatment and mortality. So many good questions were raised, and we I had an opportunity to discuss new issues with colleagues.

The Meeting attracted about 470 participants from the Philippines and ASEAN countries. I was very impressed with the well attendance of local colleagues. In the third day (last day) of the Meeting, the room was still full of participants. This year, AFOS has admitted three more osteoporosis societies from Sri Lanka, Nepal, and Vietnam.

I also attended the editorial board meeting of the AFOS journal, Osteoporosis and Sarcopenia. The Journal, under the leadership of Professor Yoon-Sok Chung (Korea), has progressed very well. It is now indexed in Pubmed and has steadily published good papers. We are going to make some minor changes to the Journal’s direction and the composition of the editorial board.

It was my second time to visit the Manila (my first visit was almost 20 years ago). Manila is an interesting city, because it is blended from Spanish and American styles, but with an Asian flavor. It is an ideal place to soak up the Spanish culture in Asia. I enjoyed the laidback atmosphere and streets lined with Spanish styled architecture and restaurants. However, like many other Asian cities, Manila has a big problem of traffic jam. The city air seems to be permeated with smog and innumerable fine particles from construction zones.

The next meeting will be held in Singapore in 2021.