JBMR New Guidelines for Data Reporting and Statistical Analysis

It has been increasingly clear that most published research findings are either false (1) or not reproducible. The prevalence of irreproducibility may be up to 90%. A recent analysis suggested that the lack of reproducibility in biological research could cost up to $28 billion per year (2). Since becoming an editor of Journal of Bone and Mineral Research, I have taken the issue up with the Editorial Board. I thought that we should do something in our part to improve the reproducibility of science. I have been assigned to write the editorial in which we set out new guidelines for data reporting and statistical analysis (3).

The increasing concern about the lack of replicability of published research in the biomedical field has produced some initial consternation in the research community and in the public at large, but it has also fueled robust discussions among journal editors, funding agencies, academic institutions and researchers on how to address the problem and improve the quality of scientific publications. The editorial leadership of the Journal of Bone and Mineral Research, in concert with our sister journal, JBMR Plus and the ASBMR Publications Committee has developed new guidelines for reporting and analyzing research data with the purpose of improving rigor and transparency of published material, thus minimizing reproducibility problems. The new guidelines have been developed by two task forces appointed by the Publications Committee, with input from the Editors. Members of the task forces were chosen among the JBMR / JBMR Plus Editorial Board membership, and their final recommendations were unanimously approved by the Publications Committee. The new guidelines are now incorporated in the instructions for authors for JBMR and JBMR Plus; reviewers and Editors will be asked to verify that submitted manuscripts comply to the new instructions. This editorial introduces the changes made, provides rationale for specific choices and offers some advice, especially about statistical analysis. We focus on five major key areas: (i) Study design; (ii) Reporting of genetic studies; (iii) Presentation and analysis of pre-clinical studies; (iv) Fundamentals of statistical analysis; and (v) Interpretation of P values.

As with any changes, there will be some initial hurdles to overcome and details to settle down, but we are certain that we will be able to achieve the goal of having all published content compliant to the new guidelines by early 2020. Some may find such detailed instructions too prescriptive and cumbersome. However, ensuring transparency, integrity and rigor in published research is paramount to the continued success and stature of our journals. We are confident that our readers and the musculoskeletal field in general will be appreciative of the effort, and our authors will quickly learn how to navigate the process.

===

(1) See Ioannidis, PLoS Med. 2005;2(8):e124.

(2) https://www.nature.com/news/irreproducible-biology-research-costs-put-at-28-billion-per-year-1.17711

(3) https://asbmr.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/jbmr.3885

Một hành trình dài

Mấy hôm nay tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các bạn trong và ngoài nước, kể cả các bạn báo chí — xin cám ơn các bạn. Các bạn làm tôi cảm động, và điều này làm tôi có động cơ để viết cái note này. Hôm nói chuyện trong public seminar về loãng xương, theo đề nghị của cô PR, tôi có một slide mô tả hành trình của tôi đến với Garvan. Tôi chỉ sang cái nhà bếp của bệnh viện và nói “I started my journey from there” … và tôi đã đến với chuyên ngành này qua một hạnh ngộ tại Viện Garvan.

No photo description available.


Cuộc hạnh ngộ đó xảy ra gần 30 năm trước. Lúc đó, công trình Dubbo Study mới ‘khởi động’, và sếp cần một chuyên gia về dịch tễ học và một người có khả năng phân tích dữ liệu. Câu chuyện dài trở thành ngắn: sau một vài trao đổi, tôi quyết định chuyển về Viện Garvan. Nhưng thay vì mướn 2 người, sếp tôi phát hiện ra chỉ cần 1 vì gã này có thể làm cả hai việc! Từ đó đến nay đã gần 30 năm, công việc cũng có nhiều lúc thăng trầm, nhưng nhìn chung và nhìn lại thì đúng là một hạnh ngộ.


Cứ mỗi lần tôi được một giải thưởng nào đó hay công bố một bài báo có ý nghĩa, sếp tôi thường nói “You have come a long way” (Mày đã đi một đoạn đường dài). Mà, đúng như vậy thật. Khi bước lên bờ Thái Lan, không có một đồng xu dính túi, đâu có ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ có ngày đến nước Úc. Khi tới Úc, với hành trang tiếng Anh loại ‘tào lao’, tôi chỉ mong mình đi học lại để kiếm việc làm yểm trợ bên nhà, chớ đâu có nghĩ mình trở thành một ‘scientist’. Nhưng đường đời có những ngã rẽ bất ngờ, và với tôi thì cái rẽ đó xảy ra vào đầu (hay giữa) năm 1990 [tôi quên] khi tôi đến Viện Garvan. Từ Garvan, tôi hay gọi là “world class laboratory”, tôi được cơ hội đi khắp thế giới, làm quen với những nhân vật quan trọng trong chuyên ngành, và qua đó làm được những việc có ích.


Tất cả đều bắt đầu từ cái … nhà bếp bệnh viện St Vincent’s. Năm 1982, khi mới đặt chân tới Sydney, tôi chỉ có một đôi dép và bộ đồ Tây trong vali. Giống như cây bị bứng từ mảnh đất này sang mảnh đất khác, tôi thoạt đầu rất bỡ ngỡ, bơ vơ. Cái gì cũng mới đối với tôi. Cái gì cũng làm lại từ đầu. Thời đó (đầu thập niên 1980), Việt Nam bị cấm vận, nên bà con trong nước cái gì cũng cần, từ cây kim, tấm vải, cái quần jean, đến vài viên thuốc, v.v. đều vô cùng quí báu. Gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, ưu tiên số 1 của tôi và nhiều bạn bè lúc đó là tìm một công việc để kiếm tiền gởi về nhà. Người thì đi lựa thơ cho Bưu Điện Úc, người thì tìm việc trong các hãng xưởng (thời đó Úc có nhiều công ti làm tivi, đồ điện tử, kĩ nghệ nhỏ). Còn tôi thì may mắn tìm việc trong nhà bếp St Vincent’s.
Ban ngày đi làm, ban đêm đi học. Ôi, nhớ hoài những ‘ngày xưa thân ái’. Ngày tôi nhận việc lột củ hành Tây trong cái bao bố mà tôi hay nói từ lúc cha sanh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ thấy củ hành nhiều như vậy. Tôi chỉ bao củ hành và nao núng hỏi: “Tôi phải lột hết bao củ hành này à?” Anh chàng giám thị Gerry nhìn tôi rồi nhún vai nói “That is your job” (đó là việc của anh). Tôi thấy mình ngây ngô làm sao: ừ thì người ta mướn mình chỉ làm việc đó, vậy mà cũng hỏi! Lột chưa đầy 5 củ hành, nước mắt đã dàn dụa. Gerry hỏi tôi “Mày nhớ nhà hả”. Thực ra, tôi bị cay mắt chớ nhớ nhà gì đâu. Phải một hồi tôi mới tìm ra cách lột củ hành khỏi cay mắt: lột trong bồn nước. Mẹo nhỏ, nhưng rất hiệu quả. Sau đó, tôi được làm phụ bếp khác và học nhiều kĩ thuật nấu ăn của người phương Tây, họ dùng rất nhiều sữa và rượu vang. Thời gian làm nhà bếp tập cho mình cái kỉ luật trong công việc và nghiêm chỉnh với giờ giấc.


Sau mỗi ngày làm nhà bếp, tôi cũng mệt lắm, nhưng vẫn cố gắng đi học. Hồi đó hỏi ai trong ngà bếp cũng đều nói họ đã làm cả chục năm, và họ khuyên tôi: mày còn trẻ nên đi học lại, chớ bọn tao già rồi, không học hành gì nữa. Đi học thì phải lái xe từ Darlinghurst sang tận North Ryde (nơi Trường Macquarie tọa lạc), chừng 30 km. Lúc đó, họ không có test tiếng Anh (chớ nếu có test thì chắc tôi đâu được cho đi học). Vì vậy, vào học cũng cực khổ lắm, thầy nói 100 chữ, tôi nhớ chỉ chừng 50 chữ. Vả lại, mình cũng chưa quen cách học độc lập ở đây, nên theo các sinh viên khác cũng vất vã. Ngán nhứt là những kì thi, câu hỏi rất ngắn, nhưng mình phải viết khá dài! Tiếng Anh làng nhàng mà viết dài thì cả một thách thức. Có điều người Việt mình học nhanh; chỉ cần 6 tháng thôi là tôi đã biết được cách dạy ở đây, và dần dần cảm thấy thoải mái. Ngày nào của tôi cũng bắt đầu sớm (6 AM đã phải rời nhà) và về đến nhà là chừng 11 PM. Bây giờ nhìn lại, tôi cũng không hiểu sao mình có sức khỏe tốt như vậy.


Nghĩ lại cuộc đời mình cứ xoay quanh cái bệnh viện St Vincent’s. Bắt đầu công việc phụ bếp ở đó, nhưng 10 năm sau lại quay về St Vincent’s. Do đó, tôi viết trong trang web cá nhân của UNSW là “My life and career have revolved mainly around the St Vincent’s Hospital campus”. Tôi hay gọi đùa trong các cuộc phỏng vấn là “St Vincent’s Republic” – Cộng hòa St Vincent’s. Lí do tôi gọi vậy là vì chung quanh bệnh viện này là các viện nghiên cứu lừng danh thế giới. Ngoài Viện Garvan, còn có Viện Victor Chang, Viện Kirby, Trung tâm nghiên cứu AIDS với David Cooper là một cái tên lừng lẫy trong thế giới nghiên cứu HIV. Năm nọ, bà Thủ tướng Úc ghé thămViện Garvan, bà nói rằng cái góc đường này [ý nói St Vincent’s] là nơi có mật độ trí thức cao nhứt nước Úc. Nghĩ đi nghĩ lại, bà này nói cũng đúng, bởi vì cái góc đường Victoria và Liverpool này có hàng trăm giáo sư (loại full professor), hàng trăm bác sĩ hàng đầu trên thế giới, và cũng là nơi ghép tim đầu tiên ở Úc hay trên thế giới (sau ghép tim ở Nam Phi).


Lúc nhận việc ở Viện Garvan, tôi không biết rằng cái góc đường này nổi tiếng như vậy. Nhưng khi Bác sĩ Victor Chang bị ám sát, và qua báo chí tôi mới biết mình đang làm việc ở một nơi rất ư đặc biệt. Thời đó, Viện Garvan không phải ‘sang’ như bây giờ, mà chỉ là một building 4 tầng, trông không đẹp mắt chút nào. Tôi làm việc trong môi trường rất chật hẹp, bên cạnh phòng lab thí nghiệm trên chuột. Thỉnh thoảng có mấy con chuột chạy trên bàn (không phải chuột thí nghiệm, mà là chuột ngoài đường chạy vào ghé thăm). Thỉnh thoảng đi về Dubbo để tham gia phỏng vấn bệnh nhân, đo lường DXA, postural sway, v.v. Đến năm 1992 dữ liệu đã khá nhiều. Tôi tự thiết kế database dùng dBASE III mà tôi cũng tự học luôn. Tôi làm hì hục, không biết ngày đêm là gì. Tôi đọc như điên, thấy cái gì cũng hay, cũng đáng học. Clinical meeting nào cũng tham gia để nghe người ta nói và bàn luận. Về nhà ngày thường cũng như ngày cuối tuần, tôi cũng làm, cũng đọc. Vì vậy tôi viết và công bố khá nhiều bài báo khoa học. Bài đầu tiên là thầy viết gần hết, bài thứ hai thì thầy vẫn viết là chánh; nhưng từ bài thứ 3 trở đi là tôi bắt đầu … làm chủ và cứng đầu. Cứng đầu ở đây có nghĩa là tôi viết theo cách mình nghĩ, chớ thầy can thiệp chút thôi. Tôi cũng bắt đầu ‘nổi loạn’ từ đó. Luận án của tôi có 13 hay 14 bài báo, và người ta cho tôi giải thưởng “UNSW/Garvan Best Thesis” ☺.

Từ Garvan tôi có dịp chu du qua nhiều trung tâm nổi tiếng trên thế giới. Nào là trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz ở Basle (Thụy Sĩ), Bệnh viện St Thomas (Anh), Mayo Clinic (Mĩ), UCSD School of Medicine, UC Denver, Southwest Foundation for Biomedical Research, v.v. Qua những nơi đó, tôi có dịp tiếp xúc và làm việc chung với những nhân vật rất nổi tiếng như L Riggs, J Melton, S Cummings, J Kanis, J Blangero, E Barrett-Connor, J Otts, v.v. Mỗi người là một cá tánh đã đành, nhưng còn là một bài học về đối nhân xử thế, làm ‘richness’ cá nhân mình.

Nhưng còn có cơ duyên gặp người Việt nữa. Viện Garvan đầu thập niên 1990 đến gần cuối thập niên, tôi là người Việt duy nhứt. Thế rồi, một hôm Bs Nguyễn Đình Nguyên chẳng biết lang thang đâu đến đầu quân vào lab. Lúc đó, tôi có một ít tiền tài trợ từ MSD và dùng nó để trả scholarship cho Nguyên. Thực ra, lúc đầu phỏng vấn thì cũng ‘oải’ lắm vì lí lịch chỉ có vài bài báo làng nhàng, nhưng chẳng hiểu sao cả tôi và sếp đều nói ‘He is the man’. Mà, đúng là ‘he is the man’ với đầy đủ những cá tánh tốt của người Việt: ham học và quyết chí. Hai chúng tôi cho ra nhiều công trình để đời (cái này tôi nói thật) và đem về cho Garvan nhiều giải thưởng quí giá. Sau Nguyên là Ngọc Bích, cũng chẳng biết lang thang đâu đó và đầu quân về Garvan. Cũng như Nguyên, Bích có lí lịch khoa học lúc đó còn oải hơn và tiếng Anh thì lúc được lúc mất, nhưng sếp tôi nói tìm đâu ra người hoàn hảo, không có ai hoàn hảo trên đời này đâu. Nếu Nguyên đem đến cái lâm sàng tính, thì Bích đem đến lab cái kĩ năng về genetic research, và cũng có thể xem là một sinh viên Việt tiêu biểu: chịu khó học hành và có ý chí độc lập. Trước đó, tụi tôi cũng đã có nhiều công trình về gen, nhưng sau khi có sự sứt mẻ trong lab với nhiều người bỏ đi, nên chúng tôi chới với một thời gian. Cái ý tưởng “genetic profiling” là đến từ lúc Bích còn làm nghiên cứu sinh. Lúc đó, tôi không có tiền để làm genotype nên phải dùng đến mô phỏng. Rồi sau này, mỗi nghiên cứu sinh đem đến một cái mới, và sau cùng là Phương Thảo cũng là một gặp gỡ tình cờ vì tôi mới tham gia UTS bán thời gian. Lúc đó Thảo cũng đang bơ vơ, nên tôi kêu về làm cho lab và thế là có thêm những ‘sản phẩm’ thời genomics. Tại sao tôi kể đến 3 người này mà không đề cập đến hàng chục nghiên cứu sinh khác? Lí do là vì mỗi người đại diện cho một ‘thời đại’ của lab, và ba người này đem về cho lab tổng cộng hơn 15 giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều giải thưởng đến nổi hôm phỏng vấn ở Garvan, có người còn đề cập và hỏi ‘bí quyết nào?’

No photo description available.


Chẳng có bí quyết nào cả. Chỉ là thời cơ và tầm nhìn. Thời cơ đến từ những lần đi dự hội nghị khoa học và lắng nghe chủ đề ‘hot’ hiện nay là gì. Thành ra, ở nước ngoài (như Úc này chẳng hạn), cứ mỗi năm người ta họp lại trong các buổi ‘retreat’ để nói về viễn kiến trong tương lai. Năm nào, người ta cũng yêu cầu những người cấp professor phải nói ra cái vision của mình, của lab. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên tự hỏi ‘ủa, sao họ cứ ép mình nói hoài vậy, năm trước đã nói rồi mà’. Không phải. Lí do là cái viễn kiến thay đổi theo thời gian, và đó là cách mình tự làm mới mình, chớ không phải hiểu lầm rằng viễn kiến là cố định. Dĩ nhiên, có viễn kiến là một chuyện, nhưng phải đặt cái viễn kiến đó trong tầm quan trọng của thực tế. Hãy tự hỏi mình: mình có thể [nói như sếp cũ tôi] ‘make a difference’ cho những người đang đi trên đường kia hay không? Nói cách khác, những gì mình làm hay những gì mình suy nghĩ sẽ làm có đem lại phúc lợi cho những người trong cộng đồng. Tôi nghĩ trả lời được câu hỏi đó là một nguồn động lực rất lớn để có hướng đi đúng.


Đường đi dài không bao giờ là con đường trơn tru. Cũng giống như chúng ta lái xe trên xa lộ, chạy bon bon, nhưng thỉnh thoảng cũng có kẹt xe, cũng có … ổ gà; con đường khoa học cũng vậy thôi. Có những giai đoạn buồn chán, chẳng biết mình sẽ đi đến đâu và đạt được những gì. Có khi là những nhu cầu rất thực tế như làm sao tồn tại trong môi trường cạnh tranh, bao nhiêu đó cũng đã làm tiêu hao năng lượng để nghĩ đến cái gì xa xôi. Rồi chung quanh chúng ta lúc nào cũng có những người ghét mình, những kẻ ganh tị, tìm mọi cách nhấn chìm mình. Ở phương Tây người ta phân biệt giữa ganh đua và ganh tị. Ganh đua là một thái độ tốt, vì người ganh đua cố gắng làm sao để hơn người họ cạnh tranh, và do đó là động lực của phát triển; nhưng ganh tị thì chỉ làm tiêu hao năng lượng của họ mà thôi. Tiêu ra thì giờ để chỉ trích người khác thì làm sao có thì giờ để tự hoàn thiẹn hay làm mới mình. Trong thế giới phương Tây, số người tị hiềm này nói cho ngay rất ít, nhưng đối với họ thành tựu của mình là nỗi đau của họ. Thành ra, tôi cố gắng chia sẻ công trạng (credit) cho công bằng giữa các đồng nghiệp. Trong những thời điểm ‘vinh quang’, chúng ta thường ăn mừng và vinh danh cá nhân. Điều này chẳng có gì sai, vì con người rất quan trọng. Nhưng chúng ta có xu hướng quên rằng khoa học hiện đại là một ‘enterprise’, thậm chí là một ‘business’. Trong cái business/enterprise ecosystem đó có nhiều người đóng góp làm nên một cá nhân; thành ra cái thành tựu của cá nhân đó mang tính ‘collective’ (tập thể) hơn là cá nhân. Nhân dịp này, tôi một lần nữa bày tỏ lòng cám ơn đến các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, các postdoc, và những bạn đã ủng hộ tôi trong thời gian qua. Không có sự giúp đỡ của các bạn, tôi không có được cái ‘milestone’ ngày hôm nay. Xin chân thành cám ơn.


Những lúc như thế này tôi hay nhớ về Ba Má tôi và bà con dưới quê. Tôi xuất thân từ một gia đình rất bình thường ở miền Tây Nam Bộ. Ba tôi hồi đó học đến Premier thời Tây (tức là tương đương với tiểu học ngày nay). Má tôi cũng chỉ học đến lớp 5 hay 6 thời xa xưa, chủ yếu là biết đọc biết viết. Có lẽ xuất phát từ truyền thống Trung kì, nên Ba Má tôi rất chú tâm đến việc học của con cái. Ba tôi có nhiều sách, chủ yếu là sách Tàu (Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, v.v.) nhưng cũng có một số sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Những giờ đi học về tôi trầm mình vào mấy cuốn sách đó. Tôi mê văn học cũng từ cái tủ sách đó. Nhưng năm 1975 Ba tôi đốt hết sách, vì Ba nghĩ sẽ bị qui kết là tàng trữ văn hoá phản động. (Ba tôi là sĩ quan của Việt Minh nên chắc biết trước?) Do đó, tuy bận rộn việc đồng áng, nhưng tất cả anh em tôi đều được (hay nói đúng hơn là “bắt buộc”) phải đi học. Học xong tiểu học, phải lên Rạch Giá để theo học trung học. Thời đó, phải thi từ tiểu học lên trung học, chớ không phải ‘tự động’ lên như bây giờ. Anh Hai tôi là người đầu tiên trong làng tốt nghiệp tú tài. Sau anh Hai tôi là con nhỏ em họ và tôi. Thời đó, tốt nghiệp tú tài rất quan trọng và … oai. Chỉ có 10-15% học sinh tốt nghiệp tú tài. Thời đại học không vui bằng và không để lại nhiều kỉ niệm như thời trung học. Theo hồ sơ học bạ thì tôi học rất ok, chưa bao giờ xuống hạng 3 từ tiểu học đến trung học. Nhưng đối với anh Hai tôi thì đó chỉ … may mắn. Anh Hai là người rất khó tánh, người lúc nào cũng đặt ra những cái ‘bar’ cao hơn để mấy đứa em phải nhảy qua; do đó anh chưa bao giờ khen bất cứ đứa em nào cả, học cỡ nào anh ấy cũng nói do … hên. (Nhưng trong lòng thì chắc cũng vui – tôi đoán vậy). Bây giờ thì Ba Má tôi và anh Hai đã ra người thiên cổ, nhưng nếu anh còn sống thì chắc anh ấy đã mỉm cười.


Ba Má tôi là dân làm nghề nông, nói chính xác hơn là làm ruộng. Do đó, tôi gắn bó với những cánh đồng và cây lúa. Hồi đó, qua làm lụng cực khổ, Ba Má tôi tích luỹ khá nhiều đất (mà sau 1975 bị nhà nước tịch thu gần hết). Ba tôi thậm chí còn có cả một đội máy cày. Bắt đầu là một cái máy cày nhập từ Pháp (quên hiệu, chỉ nhớ màu cam), sau này mua thêm 2 cái máy bày khác nhập từ Mĩ (hình như là hiệu John Deer). Do đó, nhà tôi có nhiều người làm (thực ra toàn là bà con trong đại gia đình), người lo làm ruộng, người làm tài xế lái máy cày, người sửa máy, v.v. Ba Má tôi rất thương cháu, đứa nào ‘bấp bênh’ là được Ba Má đem về nhà nuôi cho đi học chữ hay học nghề. Hàng xóm cũng vậy, ai có vấn đề là Má tôi giúp ngay. Có lẽ anh em tôi hưởng phước từ đó. Nói chung là cả nhà thời đó rất bận rộn, vừa làm ruộng vừa làm business máy cày. Tuy nhiên, ai bận thì bận, ai học thì học. Tôi chưa bao giờ tỏ ra mình là “công tử”. Khi thấy người làm vác lúa tôi cũng xung phong vác lúa (dù mới 13-14 tuổi), chớ không đứng nhìn. Tôi từng có thời xin đi theo mấy người anh họ lái máy cày đi đến những cánh đồng bát ngát từ Giồng Riềng, Gò Quao sang Cây Dương, Tân Hiệp, đến Châu Thành, v.v. Từ những cánh đồng đó đến Viện Garvan thì đúng như sếp tôi nói: you have come a long way.


Chẳng những “long way” mà còn may mắn nữa. Thời thập niên 1980s bước xuống ghe ra biển là chấp nhận nguy cơ chết 50%. Phải cả trăm ngàn đồng hương mình đã bỏ mạng trên Biển Đông, trong đó có anh Hai tôi. Ngay cả ngày nay, ra đi dù đường bộ cũng là nguy hiểm. Đọc dòng tin nhắn của cô bé Trà My gởi về cho má cô, tôi bị ám ảnh hoài và đau quặn lòng. Những dòng chữ heartbreaking ‘I’m dying because I can’t breathe’ nay đã vang xa khắp bốn biển năm châu. Hoá ra, mình còn may mắn hơn biết bao đồng hương.


Tôi nghĩ mỗi con người không chỉ đại diện cho con người đó, mà còn đại diện cho sự kết tụ của những mối tương tác giữa người với người, giữa người với môi trường. Tương tác giữa mình với bạn bè, đồng nghiệp, bà con, học trò, v.v. Tương tác với môi trường chung quanh từ cái làng quê đến môi trường “world class lab” mà tôi hay nói. Có lẽ chính vì sự tương tác đó mà mỗi chúng ta là unique — đặc thù, có một không hai. Cái tính đặc thù đó rất có ý nghĩa, bởi vì sự kết tụ đó không xảy ra lần thứ hai. Những người chúng ta gặp gỡ — dù ngoài đời hay trên mạng, dù giới báo chí hay đồng nghiệp — nói như Hermann Hesse, có thể không phải là ngẫu nhiên, bởi vì mỗi người mình tiếp xúc là mỗi mục đích và bài học sống. Và, với ý nghĩa đó, xin nhận nơi đây lòng tri ân của tôi.


===


PS: Viết cái note này trong phòng chờ của phi trường trước khi lên máy bay, nên chắc có nhiều sai sót. Xin các bạn bỏ qua cho.

Một chút lịch sử ‘randomization’

Hôm nọ đọc trên Nature thấy tin tức về 3 khôi nguyên Nobel kinh tế (Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer) và phương pháp “randomistas” [mà họ được trao giải] làm tôi tò mò tìm hiểu. Hoá ra, họ áp dụng khái niệm ‘randomization’ (ngẫu nhiên hoá) trong khoa học thống kê. Nhưng người có công lớn nhứt về khái niệm này phải nói là Ronald Fisher và Bradford Hill. Nhân dịp này, xin kể các bạn nghe về lịch sử của ngẫu nhiên hoá …

Ba nhà kinh tế được giải Nobel năm nay: Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer. Họ được ghi nhận là những người đi tiên phong trong trào lưu “randomistas”.

Theo Nature, Kremer, Banerjee và Duflo ứng dụng các phương pháp trong thử nghiệm lâm sàng y khoa vào các nghiên cứu can thiệp qui mô xã hội nhằm giảm nghèo và cải thiện trình độ học vấn (1). Chẳng hạn như họ thực hiện một nghiên cứu trên 10,000 hộ ở 6 nước có thu nhập thấp hay trung bình, và kết luận rằng cung cấp cho những người nghèo một ‘gói hỗ trợ’ (bao gồm tiền mặt, thực phẩm, dịch vụ y tế, huấn luyện nghề và tư vấn) trong 2 năm có hiệu quả cải thiện cuộc sống sau đó.

Ngẫu nhiên hoá trong y khoa: mô hình RCT

Phương pháp thử nghiệm mà họ gọi là ‘randomistas’ đó thật ra bên y khoa gọi là ‘randomized controlled trial’ (hay RCT). Theo phương pháp RCT, để đánh giá hiệu quả và an toàn của một thuốc điều trị [chẳng hạn như] ung thư, bệnh nhân được chia thành 2 nhóm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên: một nhóm được cho dùng thuốc và một nhóm chỉ chi uống nước đường (chỉ là ví dụ). Sau đó, theo dõi một thời gian [có thể là 3 năm], ghi nhận số ca tử vong của mỗi nhóm, và dùng phương pháp thống kê so sánh xác suất tử vong giữa 2 nhóm. Bởi vì bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên, nên tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến tử vong đều tương đương nhau giữa 2 nhóm, và sự khác biệt về nguy cơ tử vong [nếu có] chỉ có thể là do thuốc điều trị. Phương pháp RCT được xem là chuẩn vàng để giúp nhà nghiên cứu suy luận nhân quả.

Mô hình RCT như cách tôi mô tả rất đơn giản, nhưng trong thực tế thì rất khó thực hiện và đắt tiền. Trong nghiên cứu y khoa ngày nay, một công trình RCT phải tuyển chừng 10,000 bệnh nhân từ hàng chục nước trên thế giới. Mỗi bệnh nhân phải được theo dõi và cho thuốc thử nghiệm, rất đắt tiền. Tính trung bình, chuyên ngành loãng xương, để làm một RCT trong 3 năm, nhà nghiên cứu phải mất chừng 15,000 USD cho mỗi bệnh nhân! Nếu nghiên cứu trên 10,000 bệnh nhân thì chi phí sẽ là 150 triệu USD! Không có nhà nước nào tài trợ cho nghiên cứu như thế, chỉ có … công ti dược mà thôi. Do đó, ý tưởng thì đơn giản, nhưng thực hiện thì vô cùng khó khăn.

Ronald Fisher và khái niệm ngẫu nhiên hoá

Người đề xướng khái niệm ngẫu nhiên hoá là nhà thống kê học thiên tài Ronald A. Fisher, và một nhà thống kê tài ba và trẻ hơn Fisher tên là A. Bradford Hill. Vào năm 1919, sau một thời gian 7 năm lang thang, Fisher được nhận vào làm việc cho trung tâm thí nghiệm Rothamsted, và trong vòng 15 năm sau đó, ông làm nên một cuộc cách mạng trong thống kê học và cho ra đời bộ môn khoa học thống kê (statistical science) như chúng ta biết ngày nay. Năm 1925, ông viết cuốn sách “Statistical Methods for Research Workers” và khái niệm “thiết kế thí nghiệm” ra đời. Khái niệm đó sau này được hoàn chỉnh trong cuốn “The Design of Experiments” vào năm 1935.

Ronald Fisher, một thiên tài thống kê học, được xem là ‘cha đẻ’ của khoa học thống kê hiện đại. Những công trình nghiên cứu của ông có số trích dẫn cao nhứt trong lịch sử khoa học.

Lúc đó, Rothamsted chủ yếu làm thí nghiệm liên quan đến nông nghiệp. Fisher đề nghị phân chia các giống cây vào các mẩu đất bằng phương pháp ngẫu nhiên hoá, và dùng phương pháp ông gọi là “test of significance” (Kiểm định Thống kê) để so sánh năng suất của các giống cây. Ông lí giải rằng chỉ có ngẫu nhiên hoá thì dữ liệu mới thích hợp cho phương pháp kiểm định thống kê và trị số P mới có ý nghĩa. Phương pháp ngẫu nhiên hoá và kiểm định thống kê sau này được áp dụng trong nghiên cứu y khoa.

Bradford Hill và RCT

Người đầu tiên áp dụng phương pháp ngẫu nhiên hoá trong y khoa là Bradford Hill, trẻ hơn Fisher 7 tuổi. Nhưng Hill không bao giờ trích dẫn khái niệm ngẫu nhiên hoá của Fisher, dù hai người chẳng có thù oán gì với nhau (Fisher có rất nhiều “kẻ thù”). Bradford Hill lúc đó là một phi công trong quân đội Anh, và ông chẳng may mắc bệnh lao phổi. Ông do đó không theo đuổi sự nghiệp y khoa như thân phụ, nhưng chọn học về kinh tế. Tuy học về kinh tế, nhưng ông rất đam mê ngành y tế và nghiên cứu y khoa. Sau khi tốt nghiệp (1930s) ông được nhận vào làm việc cho một trung tâm nghiên cứu y học ở Anh.

Vào thập niên 1930s, ông đề ra ý tưởng chia bệnh nhân thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên (như chúng ta làm ngày nay) để đánh giá hiệu quả của can thiệp. Nhưng ý tưởng đó bị giới y khoa cười mỉa mai vì họ cho rằng chỉ có người điên rồ mới làm như Hill đề xương, do bác sĩ điều trị bệnh nhân theo các yếu tố liên quan đến cá nhân. Năm 1946, Hill và đồng nghiệp y khoa thuyết phục giới chức có thẩm quyền để thực hiện công trình RCT về điều trị lao phổi bằng streptomycin (2). Đó là công trình RCT đầu tiên trong lịch sử y khoa.

Bradford Hill (1897-1991), người đầu tiên đề xướng phương pháp ngẫu nhiên hoá trong nghiên cứu y khoa, dẫn đến mô hình mà chúng ta dùng ngày nay.

Sau này, phương pháp RCT trở nên chuẩn vàng để đánh giá chứng cứ y học lâm sàng. Hầu như bất cứ loại thuốc nào trước khi đưa ra dùng cho bệnh nhân đều phải qua nghiên cứu RCT. Có thể nói rằng phương pháp RCT đã không chỉ là một cách mạng khoa học, mà còn giúp cứu sống biết bao nhiêu triệu người trên thế giới. Do đó, khoảng 20 năm trước, có người đề cử ông nhận giải Nobel Y sinh học, nhưng ông đã qua đời năm 1991, và Hội đồng giải Nobel không có qui định trao giải thưởng cho người đã chết. (Chuyện này tôi chỉ nghe trong hội nghị, chứ chưa thấy bài báo nào trong y văn nói đến). Thế là ông “lỡ chuyến đò”. Bradford Hill là người có nhiều đóng góp quan trọng cho y khoa, như tiêu chuẩn để suy luận nhân quả và nghiên cứu bệnh chứng (3).

Phương pháp hay mô hình RCT ngày nay không chỉ ứng dụng trong y khoa, mà còn cho rất nhiều lĩnh vực khác ngoài y khoa. Làm sao để biết sách giáo khoa mới là tốt hơn bộ sách cũ, làm thế nào để biết đánh giá mối liên quan giữa học đại học và trầm cảm, làm sao để biết gen A là nguyên nhân của bệnh X trong điều kiện thiếu thông tin sinh học, v.v. tất cả đều có thể trả lời bằng mô hình RCT. Bây giờ thì chúng ta cũng được biết rằng mô hình RCT đã đem đến 3 nhà kinh tế học giải Nobel. Có lẽ 3 nhà kinh tế này nhớ đến Ronald Fisher và nhất là nhà kinh tế Bradford Hill, hai người đã ‘champion’ phương pháp ngẫu nhiên hoá trong suy luận nhân quả chừng 100 năm trước.

Khái niệm và phương pháp thống kê đã giúp cho các nhà kinh tế được giải Nobel, nhưng những người đề ra hay đi đầu trong các phương pháp đó có khi không được giải. Trước đây, Daniel McFadden và James Heckman được trao giải Nobel năm 2000, nhờ các công trình về “selection bias”, một khái niệm được sử dụng trong nghiên cứu y khoa rất lâu trước đó (điển hình là mô hình “case control”). Hai người đi tiên phong về case-control model là Richard Doll và Bradford Hill, và công trình của họ giúp cứu hàng triệu người, nhưng họ không được giải Nobel dù nghe nói đã từng được đề cử nhiều lần. Tương tự, phương pháp “Cox’s regression” (Gs David R Cox đề xướng) cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong khoa học, nhưng ông cũng không được giải Nobel. Ở đời đúng là có khi thiếu công bằng.

===

(1) https://www.nature.com/articles/d41586-019-03125-y

(2) Medical Research Council Streptomycin in Tuberculosis Trials Committee. Streptomycin treatment for pulmonary tuberculosis. BMJ 1948;ii:769-82.

(3) Bradford Hill và Richard Doll là hai người đầu tiên trên thế giới chỉ ra mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi bằng một thí nghiệm mà ngày nay chúng ta gọi là “nghiên cứu bệnh chứng”.

Bs Barry Marshall và hành trình khám phá H Pylori

Hôm trước, tôi có may mắn nghe bài giảng rất vui và ‘insights’ của Bs Barry Marshall (nay là giáo sư thuộc ĐH Western Australia) trong Hội nghị thường niên của Viện hàn lâm y học Úc (11/10/2019). Ông nói về hành trình cá nhân dẫn đến khám phá H pylori là tác nhân của loét dạ dày, và những suy nghĩ về tương lai. Tôi nghĩ câu chuyện của ông có thể đem lại cảm hứng cho nhiều người, nên nhân ngày cuối tuần tôi viết lại những nét chính của bài giảng hôm đó.

Bs Barry Marshall trong Hội nghị khoa học thường niên của Viện hàn lâm y học Úc tại Perth 11/10/2019.

Xuất thân thành phần lao động

Barry Marhsall sanh ra trong một gia đình lao động, hiểu theo nghĩa không có ai theo nghiệp khoa bảng hay chánh trị. Thân phụ là thợ hàn, còn thân mẫu là y tá. Lúc nhỏ gia đình ông sống ở vùng Kalgoorlie, gần mỏ vàng, nơi mà thợ mỏ có rất nhiều tiền nhưng họ chẳng biết làm gì ngoài việc uống bia. Do đó, gia đình quyết định rời Kalgoorlie đến ở một nơi tốt hơn là thị trấn Kaniva, lúc đó là một nơi kinh tế phát triển rất nhanh. Ông theo học tiểu học và trung học ở thị trấn nhỏ bé, cách Perth 400 dặm.

Ông cho biết thời học trung học, ông là học sinh bình thường. Ít khi nào được điểm A, toàn là điểm B và C. Nhưng ông dí dỏm nói chẳng hiểu sao khi đi thi vào trường y thì ông có điểm tốt, và thế là theo đuổi nghề thầy thuốc. Ông thật ra chỉ có ý định làm bác sĩ gia đình thôi, chứ không nghĩ gì xa xôi. Ở trường y, ông có cảm tưởng mình có thể biết hết và điều trị được các bệnh. Nhưng khi tiếp xúc thực tế với bệnh nhân ông mới nhận ra là kiến thức mình chẳng là bao, và chừng phân nửa trường hợp là không có chẩn đoán.

Tiếp xúc với Robin Warren và H pylori

Năm 1981, Barry mới là bác sĩ theo học năm thứ 3 trong chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa (nội khoa) của Trường Y thuộc ĐH Western Australia, và như mọi sinh viên khác, ông phải làm một nghiên cứu. Người hướng dẫn ông lúc đó là Bs Robin Warren, một chuyên gia về bệnh lí (pathologist). Robin nói rằng qua sinh thiết ông từng thấy một vài vi trùng – bacteria trong bao tử của bệnh nhân ung thư bao tử, và mấy con vi trùng này có vẻ rất giống nhau. Robin có chừng 20 bệnh nhân như thế, và đề nghị chàng bác sĩ trẻ Barry thử nghiên cứu “xem chuyện gì xảy ra”.

Barry nhìn qua danh sách thì thấy một bệnh nhân nữ, khoảng 40 tuổi mà ông từng điều trị trước đây. Bà bệnh nhân có những triệu chứng như cảm thấy nôn ói và đau bao tử kinh niên. Barry bèn cho bà đi làm xét nghiệm thông thường, nhưng chẳng phát hiện gì bất thường cả. Thế rồi bà được giới thiệu đến một chuyên gia về tâm thần, và bác sĩ này cho bà dùng thuốc chống trầm cảm. Do đó, khi Barry gặp lại bà bệnh nhân là thấy ngay một ca thú vị.

Theo thời gian, Barry lại gặp một bệnh nhân nam chừng 80 tuổi, người gốc Nga, cũng có triệu chứng đau dữ dội. Bác sĩ chẩn đoán ông bị angina (đau thắt ngực). Barry cho ông dùng tetracycline và cho xuất viện. Nhưng 2 tuần sau, bệnh nhân này lại tái nhập viện vì lí do khác, nhưng khi Barry kiểm tra lại thì ông không còn bị đau nữa, không bị nhiễm trùng gì cả.

Bắt đầu từ 2 ca bệnh đó, Barry bắt đầu lên danh sách các bệnh nhân có cùng triệu chứng. Ý tưởng là sẽ thực hiện một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT) trên khoảng 100 bệnh nhân để tìm xem có phải các bệnh nhân này nhiễm vi trùng đường ruột. Đó là tháng 4 năm 1982.

Bs Barry Marshall nói bài plenary về hành trình dẫn đến khám phá H pylori vào ngày 11/10/2019 tại Hội nghị thường niên của Viện hàn lâm y học Úc.

Nhưng trong các bệnh nhân đầu ông chẳng phát hiện gì đặc biệt, phải đến bệnh nhân thứ 34 rồi bệnh nhân 35, ông mới thấy … thú vị. Ông nhận được cú điện thoại của phòng xét nghiệm xuống xem vì họ nghi là thấy Helicobacter trong dĩa đang dần dần tăng trưởng. Sau đó, Barry đề nghị phòng xét nghiệm cứ để các sinh phẩm này lâu hơn 2 ngày để theo dõi. Kết quả là trong số 13 bệnh nhân với loét tá tràng, và tất cả 13 người đều bị nhiễm con vi trùng Helicobacter đó. Ông quan sát rằng bất cứ khi nào ông thấy bệnh nhân không bị viêm dạ dày thì họ cũng không bị nhiễm vi trùng Helicobacter. Do đó, suy luận ban đầu là Helicobacter phải là nhân tố chính của viêm dạ dày!

Để chắc ăn, ông nhờ một đồng nghiệp lấy vài con H pylori rồi hoà với nước soup thịt bò, sau đó ông uống soup. Ba ngày sau ông thấy ói mửa, hơi thở hôi thối, nhưng ông vẫn chờ thêm vài ngày để lấy mẫu trước khi tự điều trị. Và, kết quả xét nghiệm xác định giả thuyết ban đầu đặt ra.

Thoạt đầu ông gọi nó là Campylobacter pyloridis (C. pylori), nhưng sau này thì đổi thành Helicobacter pylori.

Giới chuyên ngành nghi ngờ

Hứng thú với quan sát đó, ông tổng hợp các ca lâm sàng và trình bày trong hội nghị thường niên của Royal Australasian College of Physicians tại Perth. Nhưng các bác sĩ trong hội nghị chẳng ai tin Helicobacter là nguyên nhân của loét dạ dày. Các chuyên gia về bệnh tiêu hóa chỉ cười trước báo cáo của ông. Vào thập niên 1980s, lí thuyết phổ biến về nguyên nhân của loét dạ dày là liên quan đến tâm thần. Giới chuyên ngành tiêu hóa cho rằng bệnh nhân do bị căng thẳng nên mắc bệnh, và họ dùng thuốc chống trầm cảm hoặc antacid cho bệnh nhân. Vả lại, lúc đó ông và Robin Warren chỉ là 2 “bác sĩ quèn”, nên chẳng ai chú ý. Nói ra câu này ông làm cho khán phòng cười lớn.

Tuy nhiên, ông và Robin thì nghĩ rằng mình đang đứng trước một ngưỡng cửa khoa học với một khám phá rất quan trọng. Năm 1983, họ soạn một bài báo và gởi cho Australian Gastroenterological Society để báo cáo, nhưng họ lịch sự từ chối. Họ thậm chí còn không cho báo cáo oral, nhưng cho báo cáo bằng hình thức bích báo (poster). Thế là hai người quyết định viết thành một bài báo khoa học nghiêm chỉnh. Bài báo bị từ chối liên tục, hết tập san này đến tập san nọ đều lịch sự gởi trả lại cho tác giả!

No photo description available.

Bài báo đầu tiên bị từ chối, vì chẳng ai tin H pylori là tác nhân gây loét bao tử.

Không nản chí, họ soạn một “lá thư” gởi cho tập san Lancet. Lá thư mô tả lịch sử 100 năm của Helicobacter và những phát hiện của họ, nhưng ban biên tập đọc xong thì chắc chỉ cười, vì đâu có ai viết lá thư dài dòng và kể lể như vậy. Dạo đó, cả Barry và Robin đều chưa bao giờ viết bài báo khoa học, và cũng chưa bao giờ học về phương pháp nghiên cứu khoa học. Lá thư đó bị tập san gởi lại cho tác giả. Nhưng chẳng hiểu sao khi có người nghe Barry báo cáo trong một hội nghị ở Anh và nói lại với Lancet, ban biên tập lại cho cơ hội Barry và Robin sửa lại lá thư và công bố trên Lancet (2) – đó là năm 1983. Năm 1984, họ tiếp tục công bố bài báo khác hoàn chỉnh hơn trên Lancet (3). Lá thơ và bài báo, mỗi bài đều có nhiều trích dẫn (trên 4000). Sau này, ban biên tập Lancet cho biết họ rất vất vả để tìm chuyên gia bình duyệt, vì các chuyên gia không tin ‘câu chuyện’ của Barry và Robin.

Barry nhận việc ở bệnh viện Fremantle. Ông quyết định làm sinh thiết tất cả bệnh nhân nào được chẩn đoán là loét dạ dày. Ông viết thư xin tiền các công ti dược để làm nghiên cứu, nhưng họ đều lịch sự từ chối vì … không có tiền. Nhưng may mắn đến với Barry khi một công ti nhỏ bán thuốc tên là Denel (có chứa bismuth), công ti này đã cho bác sĩ trong vùng dùng Denal để điều trị bệnh nhân loét dạ dày. Trong 100 bệnh nhân được điều trị, 30 hoàn toàn không còn bị loét dạy dày nhưng acid thì vẫn còn. Công ti gởi cho Barry xem các hình trước và sau điều trị; Barry chú ý thấy các hình trước khi điều trị thấy Helicobacter trong đó, nhưng sau điều trị thì chúng biến mất. Thế là Barry dùng thuốc của công ti và ông cho biết hiệu quả … thần kì, vì tất cả vi trùng đều bị tiêu diệt rất nhanh.

Hai người hào hứng viết môt cáo cáo để trình bày trong hội nghị vi sinh ở Brussels. Các chuyên gia về vi sinh trong hội nghị rất thích báo cáo của Barry và Robin. Nhưng các chuyên gia về tiêu hóa thì nghi ngờ. Khi ông đi Mĩ trình bày báo cáo trong hội nghị của giới chuyên ngành tiêu hóa, người ta cũng không tin dù họ lịch sự nghe ông nói. Ông nói thậm chí còn nghe đồng nghiệp Mĩ nói sau lưng kiểu “Oh, Bác sĩ Marshall … Giả thuyết ông ấy chưa được chứng thực.” Barry cho biết bất cứ lúc nào ông trình bày báo cáo của mình trong các hội nghị gastro, các chuyên gia đều không tin; có người còn nghĩ hai bác sĩ Úc này chắc … điên!

Nhưng ông thì nghĩ số phận của hàng trăm ngàn, có thể hàng triệu bệnh nhân, bị nguy hiểm vì quan điểm bảo thủ của giới chuyên ngành tiêu hóa. Ông nghĩ không nên chờ đến một nghiên cứu hoàn hảo để giúp bệnh nhân. Phải mãi đến thấp niên 1990s thì giới chuyên ngành tiêu hóa mới có thiện cảm với ý tưởng và “đổi màu” suy nghĩ.

Năm 2005, Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải thưởng Nobel Y sinh học cho Barry Marshall và Robin Warren vì khám phá H pylori. Giới chuyên ngành không còn xem hai người là bác sĩ ‘quèn’ nữa. Sau giải thưởng Nobel, hai người được trịnh trọng mời nói chuyện trong các hội nghị quốc tế, nhưng chỉ có Barry hay đi, còn Robin thì nghỉ hưu trong một trang trại ở Tây Úc và ông chỉ tập trung làm nghề nông.

Tương lai

Barry sáng chế ra phương pháp xét nghiệm để phát hiện Helicobacter. Phương pháp này được bán cho công ti Kimberly-Clark và họ bán khắp thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa sản xuất được vaccine để chống loét dạ dày với Helicobacter.

Trong bài giảng, Bs Barry Marshall nói rằng ông suy nghĩ lại vai trò của H Pylori. Nó là con vi trùng, nhưng cũng là “người bạn” của con người ả 50 ngàn năm hay lâu hơn. Khoảng 50% chúng ta trong cộng đồng mang chúng trong dạ dày. Tuy nhiên, nghiên cứu mấy năm gần đây cho thấy H pylori trong người ở các nước giàu giảm nhiều và thấp hơn so với các nước nghèo như Việt Nam. Ở Mĩ, chỉ có chừng 25% người lớn còn nhiễm H pylori, nhưng ở Hà Nội thì lên đến >70% (3).

Nhưng H pylori không phải đều là “kẻ xấu”. Chúng hiện diện trong chúng ta cũng có lí do. Một lí do là chúng là một bộ phận, một người bạn, của hệ miễn dịch. Nếu không có H pylori, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ phản ứng thái quá khi tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoa, đậu phộng, v.v. Do đó, trong tương lai, ông (năm nay đã gần 70 tuổi) sẽ tập trung nghiên cứu các thể loại của nó và xem nhóm nào là có lợi và nhóm nào là có hại để sống chung với chúng tốt hơn. Có lẽ chúng ta nên “ở dơ” một chút.

Tôi có hỏi Bs Barry Marshall là truyền thống dùng đũa trong các bữa ăn “commune” ở các gia đình Việt Nam có tăng nguy cơ nhiễm H pylori không. Ông nói rằng đã có vài nghiên cứu về câu hỏi đó, và kết quả cho thấy dùng đũa trong các bữa ăn ở người Hoa (tức cũng như ở người Viêt) không tăng nguy cơ lây nhiễm H pylori. Ông còn nói thêm rằng ông không tin rằng dùng đũa theo cách chúng ta dùng hàng ngày là một ‘risk factor’ cho lây nhiễm H pylori.

Bài học

Nghe qua bài giảng 40 phút của Bs Barry Marshall, tôi nghĩ rất nhiều đến nghiên cứu khoa học, công bố khoa học, và rút ra vài bài học. Những bài học này nếu viết ra thì chắc cả một cuốn sách hay ít ra là một bài báo dài. Nhưng thời gian không cho phép nghĩ nhiều hơn, nên chỉ xin rút ra vài điểm mang tính ‘powerpoint’ như sau:

1. Khám phá quan trọng đều xuất phát từ những quan sát thực tế. Chúng ta khám phá những qui luật bình thường từ những trường hợp bất bình thường, và quan điểm này rất đúng với trường hợp của Barry Marshall và Robin Warren.

2. Quan sát là một chuyện, nhưng phải theo đuổi quan sát bằng nghiên cứu. Bs Marshall cho biết sau này khi sang Tàu, ông phát hiện rằng năm 1978 (tức trước Marshall) hai bác sĩ Thượng Hải cũng từng khám phá vi trùng trong bệnh nhân loét bao tử và họ báo cáo trên một tập san tiếng Hoa. Nhưng hai bác sĩ này không theo đuổi quan sát đó. Ngược lại, Marshall và Warren thì theo đuổi bằng nhiều thí nghiệm và nghiên cứu để đi đến một giả thuyết khá hoàn chỉnh.

3. Kiên trì theo đuổi giả thuyết. Nếu giả thuyết hay ý tưởng có cơ sở khoa học, cho dù đồng nghiệp nghi ngờ và bác bỏ, họ vẫn theo đuổi đến cùng. Theo đuổi bằng những nghiên cứu mới và cách chứng minh mới, chớ không phải chỉ nói suông.

4. Không cần công bố bài xịn trên tập san xịn. Trong trường hợp của Barry Marshall, khám phá của họ bắt đầu bằng một “lá thư” (letter to the editor) chớ không phải là bài báo (paper) nghiêm chỉnh, nhưng qua quan sát và mô tả cẩn thận, họ dần dần thuyết phục giới khoa học. Xin nói thêm là trước đây, Bs Tôn Thất Tùng cũng chỉ qua một lá thư trên Lancet (1963) cũng đủ để được ghi nhận. Nhưng ngày nay, người ta có xu hướng chạy theo những công trình lớn và tập san xịn, dẫn đến nhiều hệ lụy mà khôi nguyên Nobel năm nay là W. Kaelin mô tả một cách ví von là xây dựng lâu dài bằng rơm.

5. Bạn không cần phải học tiến sĩ để làm nghiên cứu khoa học. Có cái bằng đó thì rất tốt cho nghiên cứu, nhưng trong lâm sàng nhiều khi quan sát cẩn thận vẫn có thể dẫn đến khám phá có ích bệnh nhân. Ngày nay, ở vài nơi, kể cả Úc và VN, bác sĩ chạy theo cái bằng tiến sĩ là không cần thiết. Hai bác sĩ Marshall và Warren là một minh chứng: họ có những đóng góp lớn mà chẳng có cái bằng sĩ đó.

Chuyện bên lề

Xin ghi thêm như là một note cá nhân rằng Bs Marshall là người rất vui tính. Hôm nói chuyện, ông bị cảm nên không cho ai tới gần; ông còn nói thêm là vì bị nằm giường mấy ngày nên bài giảng này được soạn hơi lộn xộn, không chỉnh chu như ông mong muốn. Ông nói mà cứ nhìn chủ tọa và hỏi “Tôi còn bao nhiêu phút nữa?” Ông sợ nói quá giờ. (Ông nói người già hay kể chuyện lan man, làm khán phòng cười ngất). Bài giảng của ông làm cho khán phòng cười ồ bằng những nhận xét hết sức dí dỏm (như “họ xem chúng tôi chỉ là 2 bác sĩ quèn, mà quèn thật”, “họ nghĩ chúng tôi crazy”, “hai ông Úc đó có biết gì đâu”, “bài báo đầu tiên bị sửa đến nỗi tôi không nhìn ra nó là đứa con tinh thần của mình” …) Tôi mới tiếp xúc với ông lần đầu và chụp hình chung để làm kỉ niệm, nhưng ông thì nhận ra “Nguyen” và nói “Chắc anh đến từ Việt Nam”, nơi ông hay đi giảng.

Cũng xin kể một chuyện khác hơi buồn trong hội nghị. Giờ giải lao, một giáo sư ở Melbourne gặp tôi tán gẫu, và hỏi “Đến từ Việt Nam hả?” Tôi trả lời rằng đúng vậy, nhưng thêm rằng “Đã thành dân Úc rồi, gần 40 năm rồi”. Ông hỏi tiếp “Hanoi hay Saigon?” Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng nói là “Saigon” và hỏi lại là ông xem ra biết nhiều về Việt Nam? Ông cười nói trước đây ông có làm việc với một bác sĩ chuyên khoa gốc Việt rất tài ba ở Melbourne, một hôm có một đoàn từ Việt Nam sang thăm bệnh viện, và ông đề nghị bác sĩ đó cùng ông tiếp họ. Anh bác sĩ hỏi phái đoàn đến từ Hà Nội hay Sài Gòn, và ông trả lời là Hà Nội; anh bác sĩ kia lập tức nói “No.” Ông kinh ngạc không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng sau này qua tìm hiểu thì mới biết anh là dân tị nạn từ miền Nam và gia đình có người chết vì tù cải tạo, nên anh ấy rất ‘dị ứng’ với người miền ngoài. Do đó, ông hỏi tôi là “Hanoi hay Saigon” cho chắc ăn, tôi mỉm cười nói rằng tôi như anh ấy (tức là cũng là refugee từ miền Nam), nhưng tôi có bạn bè và làm việc với bạn bè cả hai miền, và nói chung là không có vấn đề gì cả.

====


(1) Warren JR, Marshall BJ. Unidentified curved bacilli on gastric epithelium in active chronic gastritis. Lancet 1983, i:1273-1275

(2) Marshall B, Warren JR. Unidentified curved bacilli in the stomach of patients with gastritis and peptic ulceration. Lancet 1984, i:1311-1315

(3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC540201/

Với dự án Luang Prabang: từ 2007 Việt Nam đã quy hàng chiến lược thủy điện của Lào

Với chính phủ Lào thì Biên bản Ghi nhớ – Memorandum of Understanding – năm 2007 về dự án thủy điện Luang Prabang với Việt Nam không thuần chỉ là một “quid pro quo – trao đổi dịch vụ giữa hai bên” nhưng có một ý nghĩa chiến lược lớn lao hơn một con đập rất nhiều: đó là Việt Nam đã bật tín hiệu đèn xanh đối với toàn chuỗi 9 con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào. Chính phủ Lào đã rất khôn ngoan hiểu rõ rằng từ nay 2007, trên thực tế – de facto, mọi phản đối của Việt Nam nếu có cũng chỉ là chiếu lệ; và giới am hiểu tình hình lưu vực sông Mekong đã thấy rõ một Hà Nội bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và đã bị khuất phục và quy hàng trước chiến lược thủy điện của Lào. Ngô Thế Vinh

Gửi tới 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

CON DOMINO THỨ NĂM

Ngày 31/07/2019 chính phủ Lào chính thức gửi hồ sơ tới Ủy Hội Sông Mekong / MRC về dự án xây con đập dòng chính Luang Prabang với yêu cầu tiến hành thủ tục PNPCA ba giai đoạn: (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement. Thay vì ra thông báo ngay, MRC đã trì hoãn 7 tuần lễ sau mới đưa ra thông cáo báo chí về sự kiện này. Đến ngày 25/09/2019, MRC đã bào chữa cho quyết định im lặng 7 tuần lễ với lý do: “Thông báo của Lào gửi tới chưa đầy đủ để có thể tiếp cận với phần tổng quan của dự án / project overview và lộ trình tham khảo / roadmap for consultation, giúp quần chúng hiểu tốt hơn về dự án và tiến trình tham vấn”.

Cũng vẫn ban Thư ký MRC giải thích tiếp, “Học được từ kinh nghiệm, lần này chúng tôi có kế hoạch thông báo chính thức khi có đủ những tài liệu cần thiết để quần chúng và các bên liên quan / stakeholders có thể khảo sát và đóng góp ý kiến cho tiến trình tham vấn thêm ý nghĩa. Chúng tôi sẽ duy trì cùng mức độ cởi mở và minh bạch / transparency trong suốt tiến trình tham vấn.” (2)

Hình 1: Luang Prabang, con Domino thứ 5, cũng là con đập dòng chính sông Mekong lớn nhất của Lào và điều rất nghịch lý: do công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation của Việt Nam là chủ đầu tư. Với 11 con đập dòng chính trên sông Lancang-Mekong thượng nguồn, Trung Quốc đã lưu trữ 40 tỉ mét khối nước, sản xuất 21300 MW điện; riêng Lào cũng lưu trữ 30 tỉ mét khối nước hàng năm và đang thực hiện giấc mơ trở thành “Bình điện Đông Nam Á / S.E. Asia’s Battery” bất chấp hậu quả môi sinh xuyên biên giới ra sao với hai quốc gia hạ nguồn là Cambodia và Việt Nam. Nguồn: Michael Buckley, cập nhật 2019 do Ngô Thế Vinh bổ sung.

TRAO ĐỔI GIỮA TOM FAWTHROP VÀ NGÔ THẾ VINH

Tom Fawthrop là một nhà báo Anh và nhà làm phim, từ năm 1979 đã từng sống lăn lộn 30 năm trong vùng Đông Nam Á, có tiếng nói bền bỉ chống lại các con đập thủy điện nhằm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong qua rất nhiều bài báo và các bộ phim phóng sự. Bài báo gần đây nhất trên báo Diplomat 26/8/2019 của Tom Fawthrop là: Something Is Very Wrong on the Mekong River, cho rằng hạn hán như năm nay sẽ trầm trọng hơn nữa nếu như các chính phủ trong lưu vực Mekong không thay đổi chính sách.

Và trong một email trao đổi với tiêu đề: Có mâu thuẫn khi Việt Nam đầu tư vào đập thủy điện mới ở Lào, Tom Fawthrop viết: “như anh Vinh đã biết, chính phủ Lào vừa thông báo cho MRC ý định tiến hành dự án đập Luang Prabang mà Hà Nội là nhà đầu tư chính, qua công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation, một quyết định sẽ làm cho cuộc sống của 20 triệu cư dân nơi ĐBSCL thê thảm hơn. Và anh nghĩ sao về nghịch lý này của Hà Nội?”

Và phần trả lời của người viết cho nhà báo Tom Fawthrop là: “Với một Việt Nam vừa thỏa hiệp vừa bị động từ sau 1975 cho tới nay. Việt Nam trước đó cũng đã xây những đập thủy điện với hồ chứa nơi các phụ lưu sông Mekong trên cao nguyên Trung phần, đi xa hơn nữa qua EVN Công ty quốc doanh Điện lực VN đã đầu tư vào đập thủy điện Hạ Sesan-2 của Cambodia… Hồ chứa những con đập phụ lưu của Việt Nam, Cambodia chẳng phải là vô can trong tình trạng thiếu nước khô hạn nơi ĐBSCL. Và nay, thêm một bước khổng lồ tiến xa hơn nữa, PetroVietnam Power Corporation, một công ty quốc doanh đã hợp tác với chính phủ Lào như một nhà đầu tư chính để tiến hành xây con đập Luang Prabang 1410 MW, với hồ chứa diện tích 90 km2 sản xuất 7380 Gwh và là con đập dòng chính thứ 5 lớn nhất của Lào. Ai cũng biết PetroVietnam Power Corporation vốn là một công ty của nhà nước với một lịch sử dài tai tiếng về tham nhũng đưa tới nhiều vụ bắt bớ tù tội của các viên chức cao cấp của công ty (5). Và Nhà nước Việt Nam luôn luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, mà PetroVietnam Power Corporation là một điển hình. Và một câu hỏi khác được đặt ra là: Ủy ban Mekong Việt Nam sẽ phải ứng xử ra sao với tiến trình PNPCA về con đập Luang Prabang khi mà chính công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation lại là kẻ đầu tư chính? Một “chiến lược không chiến lược” lại có chính sách “nước đôi / double standard”, trước những tác hại hiển nhiên của các con đập trên sông Mekong và ĐBSCL: biến đổi dòng chảy, mất nguồn nước, mất nguồn phù sa và cá… không những Việt Nam đã không có tiếng nói quyết liệt ngăn chặn mà còn góp vốn đầu tư thực hiện dự án tai hại ấy, có thể ví như một hành động cầm súng tự bắn vào chân mình / shoot oneself in the foot. Nói cho rõ hơn, thì đây là một hành động phản bội đối với đời sống của 20 triệu cư dân nơi ĐBSCL và cả với sự bất chấp vô cảm đối với quyền lợi của hơn 10 triệu cư dân Cambodia sống quanh Biển Hồ, cũng là trái tim của Cambodia. [Hết trích dẫn]

[BS Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn CLCD BĐDS xuất bản từ năm 2000, cùng với nhóm Bạn Cửu Long, từng theo dõi và lên tiếng báo động liên tục về một Lưu Vực Sông Mekong và ĐBSCL trước nguy cơ. Và một bài viết cập nhật vào tháng 8/2019, với một nhận định khá bi đát là: Việt Nam đã bị thất thủ chiến lược trên địa bàn sông Mekong – và ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị tan rã.] Viet Ecology Foundation

Bài viết dưới đây là một khai triển phần phát biểu của người viết với Tom Fawthrop về sự kiện Luang Prabang, đang được xem như một trái bom tấn nổ chậm / time-bomb mà Hà Nội ném trên đầu 20 triệu cư dân đang sống ngất ngư nơi ĐBSCL.

NHỮNG GÌ HÀ NỘI NÓI

Bấy lâu chính phủ Việt Nam đã từng bày tỏ mối quan tâm trong các tiến trình Tham vấn trước đối với những con đập dòng chính trên sông Mekong, do những tác động tiêu cực xuyên biên giới đối với các quốc gia hạ nguồn nhất là đối với ĐBSCL. Đối với con đập Xayaburi, là con đập dòng chính đầu tiên của Lào, chính phủ Việt Nam đã từng kêu gọi Lào “hoãn lại 10 năm” con đập Xayaburi và các con đập dòng chính khác.

Và gần đây nhất, chính Việt Nam kêu gọi sự quan tâm khai thác các nguồn năng lương tái tạo để thay thế cho thủy điện trong lưu vực sông Mekong, điều ấy có thể giúp “bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong, đồng thời tránh được những ảnh hưởng tác hại tiêu cực trên đời sống các cộng đồng cư dân ven sông.”

NHỮNG GÌ HÀ NỘI LÀM

Việt Nam sau khi đã xây tràn lan những con đập thủy điện lớn nhỏ thiếu tiêu chuẩn an toàn môi trường trên khắp lãnh thổ Việt Nam, phá hủy cả một hệ thống sông ngòi và cũng là cơn ác mộng của bao nhiêu triệu cư dân sống quanh các con đập.

Do Việt Nam, còn rất ít tiềm năng thủy điện ở các con sông trong nước nên Hà Nội đã hướng sang nước láng giềng Lào. Từ năm 2007, theo VOA [25/12/2007] có thể là sớm hơn, Việt Nam đã lập kế hoạch xây nhiều đập thủy điện trên lãnh thổ Lào; (4) trong đó có cả dự án đập thủy điện Luang Prabang lớn nhất trong số 9 con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào với kinh phí lên đến trên 2 tỉ đôla, ước tính theo thời giá lúc bấy giờ.

Hình 2: Khu vực dự kiến xây đập Luang Prabang 1410 MW trên dòng chính sông Mekong, chỉ cách thị trấn Luang Prabang 25 km.; hình chụp khúc sông Mekong chảy qua địa phận cố đô Luang Prabang, đã được UNESCO công nhận là Khu Di sản Thế giới / World Heritage Site từ năm 1995, vốn được ca ngợi như một trong những thành phố cổ đẹp nhất Đông Nam Á thì nay Luang Prabang đang bị thương mại hóa và cả Hán hóa. Nguồn: Photo 2000 by Ngô Thế Vinh

Với một Biên bản Ghi nhớ / Memorandum of Understanding (MoU) về Dự án đập thủy điện Luang Prabang đã được ký kết từ 2007 giữa công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation và chính phủ Lào, theo hãng thông tấn AFP trích đăng các nguồn tin từ Việt Nam cho biết công ty PetroVietnam Power Corporation đang hoàn thành luận chứng về kinh tế kỹ thuật cho dự án xây dựng đập thủy điện Luang Prabang gần cố đô của Lào. (4)

Lào, vốn được xem là một trong những nước nghèo Châu Á, đang xông xáo đi tìm các nguồn đầu tư nhằm tận dụng khai thác tiềm năng thủy điện từ các con sông chảy qua địa hình rất nhiều đồi núi của đất nước này. Từ ước mơ giàu có và trở thành một “nhà máy cung cấp điện của khu vực” với khách hàng láng giềng chính là Việt Nam và Thái Lan, là hai quốc gia đang có nhu cầu năng lượng điện có nền công nghiệp đang phát triển.

Cho dù đã được các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo rằng xây dựng các đập thủy điện lớn sẽ tàn phá sinh cảnh của các con sông, cưỡng bách bao nhiêu chục ngàn cư dân địa phương phải di dời, gây tác hại nghiêm trọng đối với hệ sinh thái, làm mất nguồn cá, cả đe dọa diệt chủng một số loại cá hiếm quý như cá Pla Beuk, và cá heo Irrawaddy, nghiêm trọng hơn nữa là đe dọa an ninh lương thực trong toàn lưu vực.

Và hơn ai hết, Hà Nội biết rất rõ ĐBSCL, một vựa lúa của cả nước và Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, sẽ gánh chịu tất cả hậu quả tác hại tích lũy xuyên biên giới từ những con đập thượng nguồn ra sao đối với nguồn nước, nguồn phù sa, nguồn cá, và thảm họa nước biển dâng càng trầm trọng hơn nữa khi thiếu nguồn nước ngọt đổ xuống từ khúc sông Mekong thượng nguồn. Xa hơn nữa, không còn nguồn phù sa, ĐBSCL sẽ theo một tiến trình đảo ngược thay vì được bồi đắp thì sẽ dần dần tan rã.

VỚI MoU LUANG PRABANG 2007, VIỆT NAM ĐÃ QUY HÀNG CHIẾN LƯỢC THỦY ĐIỆN CỦA LÀO

Hơn một lần người viết đã nhắc tới bước sai lầm chiến lược thứ nhất của Việt Nam khi ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đặt bút ký Hiệp định Ủy Hội Sông Mekong 1995 với 4 nước Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam chấp nhận từ bỏ quyền phủ quyết / veto power [có nghĩa là mỗi dự án phải có sự đồng thuận tuyệt đối / unanimous agreement], một điều cơ bản đã có trong quy định của Ủy Ban Sông Mekong 1957 / Mekong River Committee [hay còn có tên gọi: Statute of the Committee for Coordination of Investigations of the Lower Mekong, Basin Statute]. Và ai cũng biết Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, sẽ gánh chịu tất cả những hậu quả tích lũy từ các con đập thượng nguồn.

Đến tháng 10/2007, tức 12 năm sau Việt Nam lại phạm vào bước sai lầm chiến lược thứ hai khi để cho công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation ký kết một Biên bản Ghi nhớ / A Memorandum of Understanding (MoU) với chính phủ Lào về Dự án đập thủy điện Luang Prabang. Lúc đó những dự án chuỗi 9 con đập dòng chính của Lào mới chỉ có trên giấy: chưa có Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay…

Kể từ đầu năm 2006, các công ty Trung Quốc, Thái Lan, và Mã Lai được phép tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát về tính khả thi / feasibility của những con “đập dòng chảy / run-of-river” thuộc Lưu Vực Dưới sông Mekong; thứ tự những dự án đập ấy từ bắc xuống nam: [Hình 1]

1. Đập Pak Beng, Lào 1320 MW; bảo trợ dự án: công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co. và chánh phủ Lào.

2. Đập Luang Prabang, Lào 1410 MW; bảo trợ bởi PetroVietnam Power Corporation và chánh phủ Lào.

3. Đập Xayaburi, 1260 MW, tỉnh Xayaburi, Lào; bảo trợ bởi công ty Thái Lan Ch. Karnchang và chánh phủ Lào.

4. Đập Pak Lay, Lào, 1320 MW tỉnh Xayaburi; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Sinohydro Co. tháng 6, 2007 để khảo sát của dự án.

5. Đập Xanakham, Lào, 1000MW; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co.

6. Đập Pak Chom, biên giới Lào Thái, 1079 MW

7. Đập Ban Koum, biên giới Lào Thái, 2230 MW, tỉnh Ubon Ratchathani; bảo trợ bởi Italian-Thai Development Co., Ltd và Asia Corp Holdings Ltd. và chánh phủ Lào.

8. Đập Lat Sua, Lào, 800 MW; bảo trợ bởi Charoen Energy and Water Asia Co. Ltd. /Thái Lan và chánh phủ Lào.

9. Đập Don Sahong 360 MW, tỉnh Champasak, Lào: được bảo trợ bởi công ty Mã Lai Mega First Berhad Co. thực chất phía sau là một công ty “Trung Quốc”.

10. Đập Stung Treng, Cam Bốt, 980 MW; bảo trợ bởi chánh phủ Nga

11. Đập Sambor, Cam Bốt; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc”/ China Southern Power Grid Co./ CSG.

Với chính phủ Lào thì Biên bản Ghi nhớ – Memorandum of Understanding – ký kết năm 2007 về dự án thủy điện Luang Prabang với Việt Nam không thuần chỉ là một “quid pro quo – trao đổi dịch vụ giữa hai bên” nhưng có một ý nghĩa chiến lược lớn lao hơn một con đập rất nhiều, đó là: Việt Nam đã bật tín hiệu đèn xanh đối với toàn chuỗi 9 con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào. Chính phủ Lào đã rất khôn ngoan hiểu rõ rằng từ nay 2007, trên thực tế – de facto, mọi phản đối của Việt Nam nếu có cũng chỉ là chiếu lệ; và giới am hiểu tình hình lưu vực sông Mekong đã thấy rõ một Hà Nội bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và đã bị khuất phục và quy hàng trước chiến lược thủy điện của Lào.

ĐẬP LUANG PRABANG VÀ MỐI QUAN TÂM VỀ MÔI SINH

KS Phạm Phan Long, sáng lập Hội Sinh Thái Việt / Viet Ecology Foundation có trụ sở tại California Hoa Kỳ hoạt động từ hơn 20 năm qua, phát biểu:

Lào ngang nhiên tuyên bố sẽ xúc tiến dự án thủy điện Luang Prabang. Việt Nam tham gia làm đối tác, góp phần vốn nhiều nhất trong dự án. VN mất hết cơ sở pháp lý để phản đối Lào về bất cứ dự án thủy điện khác. Lào và nhóm kỹ sư cố vấn cổ võ cho thủy điện thường tuyên truyền trấn an dân cư là các thang cá / fish ladder sẽ bảo tồn các đoàn di ngư, nhưng trên 40 năm kinh nghiệm thủy điện Hoa Kỳ với cá hồi, loài di ngư lừng danh nhất đang trên đà suy thoái dần đến tuyệt chủng, các chuyên gia cho rằng sẽ phải phá gỡ cả bốn đập trên sông Columbia để cứu chúng. Lào xem thủy điện như là ân sủng thiên nhiên, là nguồn kinh tế “vạn đại dung thân”, cũng đã mướn chuyên gia làm thang cá, nhưng cá Mekong không biết nhảy qua thang cá, với kinh nghiệm thang cá đập Pak Mun trên một phụ lưu sông Mekong của Thái Lan. [Hình 3] Kinh nghiệm đắt giá thủy điện Columbia đang rơi vào bế tắc, dù trải qua mấy thập niên huy hoàng, nhưng nay không thể ngờ lại sắp bị tê liệt vì hệ quả sinh thái tiềm ẩn, chi phí ngày càng tăng, thu nhập giảm vì công nghệ cổ điển, lỗi thời. https://www.eenews.net/stories/1061110823

Hình 3: Mẫu thang cá / fish ladder vô dụng của đập Pak Mun; nay lại được đưa vào thiết kế cho con đập dòng chính Xayaburi. Nguồn: International River

Đây là bài học lớn cho Lào và Việt Nam để kịp nghĩ kỹ lại, trước khi để Thái Lan mang trang bị máy móc vào xây đập Luang Prabang. VN cần thức tỉnh.” Thêm nữa, thủy điện đang bị thách thức bởi năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, sạch và vô tận, trẻ trung hiện đại và chỉ cần 1 năm sinh ra là chúng trưởng thành hoạt động, và rất rẻ.”

Đặng Thùy Trang thuộc tổ chức Quỹ Động Vật Hoang Dã / WWF trong chương trình phát triển thủy điện bền vững ở Lào khi nói về “thang cá” đã phát biểu: “Chúng ta không nên dùng sông Mekong như phòng thí nghiệm để trắc nghiệm kỹ thuật này.” Nay cũng vẫn mẫu thang cá vô dụng ấy, được đưa vào thiết kế cho con đập dòng chính Xayaburi như một trang trí thay vì là một đáp số cho những đoàn di ngư ở một quy mô lớn lao hơn rất nhiều.

TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu (Dragon Institute – Mekong), Đại học Cần Thơ, phát biểu:

Điều rất tệ hại nếu một công ty Quốc doanh Việt Nam tham gia đầu tư bất kỳ dự án thủy điện nào ở dòng chính sông Mekong. Sự kiện này phải được xem là một hành động cực kỳ nghiêm trọng, dẫn nhanh đến sự hủy hoại hệ sinh thái và cuộc sống ở Hạ lưu Đồng bằng Sông Cửu Long. Các quan chức Việt Nam đồng lõa với quyết định hợp tác xây dựng dự án thủy điện Luang Prabang phải chịu trách nhiệm lịch sử và chính trị với nhân dân Việt Nam.

Maureen Harris, hiện là giám đốc chương trình Đông Nam Á của International River nhận định:

“Tôi bất bình về quyết định của Lào, đồng thời cũng chỉ trích nước này đã không hợp tác trong những kế hoạch phát triển mang tính chất vùng – more regional approach. Bằng chứng khoa học về những tác động tích lũy của những dự án đập này rất rõ ràng. Các tác hại bao gồm: hủy hoại nguồn cá, mất phù sa và làm biến đổi dòng chảy – đưa tới đe dọa an toàn lương thực và sinh cảnh sống của các cộng đồng cư dân trong lưu vực.”

Harris đã trả lời ký giả Andrew Nachemson, thuộc hãng thông tấn Al Jazeera như trên qua một email. Cô cũng nêu ra câu hỏi về hiệu quả của tiến trình tham vấn trước (Prior Consultation) có dám đối đầu với những nan đề đặt ra không: “Không đáp ứng mối quan tâm của quần chúng là một thực trạng đang diễn ra, đã đưa tới sự tẩy chay – boycott, đối với giai đoạn tham khảo trước của con đập Pak Lay”. Harris tiếp (1)

Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, tác giả cuốn sách Last Days of the Mighty Mekong 2019, cũng bày tỏ mối quan tâm về dự án Luang Prabang, Eyler đặt ra câu hỏi: “Liệu con đập Luang Prabang này có là một dự án con voi trắng / bạch tượng / white elephant project của chính phủ Lào?” (ghi chú của người viết: con voi trắng / bạch tượng được xem là biểu tượng của sự may mắn, giàu có, và sự thịnh vượng).

Cũng Brian Eyler tiếp: “Tại sao lại đồng ý với con đập dòng chính Luang Prabang này khi mà rõ ràng con đập dòng chính Xayaburi đầu tiên đã gây tình trạng hạn hán gia tăng nơi hạ nguồn?”

Toàn lưu vực sông Mekong đã trải qua một Mùa Khô kéo dài lẽ ra được kết thúc với Mùa Mưa năm nay. Nhưng do những con đập thượng nguồn giữ nước đã khiến cho tình trạng hạn hán thêm tệ hại hơn.

Ngày 23/09/2019 rất sớm các tổ chức NGOs xã hội dân sự của Thái Lan cũng đồng loạt lên tiếng chống lại dự án thủy điện Luang Prabang của Lào. (6)

Ngày 8/10/2019 Liên Minh Cứu Sông Mekong / Save The Mekong Coalition mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi Hủy dự án Luang Prabang và các con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào. (7)

Ngày 10/10/2019 Mạng Lưới Sông Việt Nam / Vietnam River Network cũng có một Thông cáo báo chí nhưng chỉ với đề nghị yếu ớt hơn: yêu cầu Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án Thủy điện Luang Prabang tại Lào. (8)

Còn với 20 triệu cư dân nơi ĐBSCL thì sao? Như từ bấy lâu, họ vẫn bị thiếu thốn thông tin và không được quyền có tiếng nói cho dù đó là “lẽ sống còn” của họ.

THAY LỜI KẾT: MÔI SINH VÀ DÂN CHỦ

Không phải bây giờ mà từ tháng 10/2007, cách đây 12 năm khi Hà Nội cho phép công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation ký bản Biên bản Ghi nhớ MoU với chính phủ Lào đầu tư xây con đập Luang Prabang, con đập dòng chính lớn nhất của Lào, cũng có nghĩa là Việt Nam đã gửi đi một tín hiệu “bật đèn xanh” cho toàn 9 dự án đập dòng chính của Lào.

Sự kiện này có thể ví như Hà Nội quyết định ném lên đầu 20 triệu cư dân đang sống ngất ngư nơi ĐBSCL những chuỗi bom tấn nổ chậm / time bomb, phá hoại không chỉ cuộc sống hiện tại của họ mà cả những thế hệ tương lai.

Việt Nam khi đặt bút ký trên vào Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995: “Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và sử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Nhưng điều cơ bản ấy chưa hề được các quốc gia Mekong tôn trọng, trong đó phải kể cả quốc gia Lào nhỏ bé nhưng hung hãn do được chống lưng bởi nước lớn Trung Quốc.

Trong một tương lai không xa, con sông Mekong – con sông Danube của Châu Á ấy, sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện, dùng làm thủy lộ giao thông.

Rồi nhìn về Việt Nam với hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một Đồng Bằng Sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá đầy đồng – thì rồi ra tất cả đã đi vào quá khứ. Chỉ mới đây thôi có dịp trở lại viếng thăm, để chỉ thấy trên toàn cảnh là một ĐBSCL đang rất nhanh trên đà suy thoái và cứ nghèo dần đi. Và không biết một trăm năm sau, liệu có còn không một Đồng Bằng Sông Cửu Long và một Nền Văn Minh Miệt Vườn?

Rồi nhìn vào toàn cảnh các quốc gia trong lưu vực Sông Mekong từ Trung Quốc xuống tới Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam cho dù mang những tên gọi khác nhau nhưng đó vẫn là những đất nước chưa có dân chủ, vẫn là những “xã hội hình tháp – social pyramid”, nói theo ngôn từ của nhà xã hội học Miến Kyaw Nyein, với đỉnh tháp là thiểu số thống trị và dưới đáy vẫn là đa số những người dân nghèo khổ bị khai thác và bóc lột.

Từ năm 2000, người viết cũng đã đưa ra nhận định: “Và hiển nhiên không có giải pháp đơn lẻ cho vấn đề môi sinh mà phải là bước chuyển hóa cơ bản và đồng bộ của các hệ thống xã hội từ “Toàn Trị” tiến lên “Dân Chủ”. Có dân chủ là có cơ hội mở mang dân trí và chính cư dân sống hai bên bờ sông Mekong sẽ có ý thức và tiếng nói bảo vệ dòng sông như là mạch sống của chính họ. Và người dân sẽ có cơ hội đồng đều, có quyền được uống một ngụm nước trong lành, được hít thở một bầu không khí tinh khiết và có tự do, đó chính là “nhân quyền” chỉ có được trong một đất nước dân chủ.”

Vấn đề cốt lõi: Môi Sinh và Dân Chủ sẽ mãi mãi là một “Bộ Đôi Không Thể Tách Rời / Inseparable Duo.”

NGÔ THẾ VINH

Columbus Day, 14.10.2019

____________

THAM KHẢO:

1/ Laos to go ahead with Luang Prabang dam project despite warnings, by Andrew Nachemson, 24 Sept 2019

https://www.aljazeera.com/news/2019/09/laos-luang-prabang-dam-project-warnings-190924102523452.html

2/ Mekong River Commission Defends Seven-Week Silence on Lao Dam Project Submission. 2019-09-25

https://www.rfa.org/english/news/laos/laos-mrc-silence-submission-mekong-dam-09252019170454.html

3/ Laos’ Luang Prabang dam reaches key development stage by Ekaphone Phouthonesy; 3 October 2019 http://annx.asianews.network/content/laos-luang-prabang-dam-reaches-key-development-stage-105442

4/ Việt Nam lập kế hoạch xây nhiều đập thủy điện trên lãnh thổ Lào; VOA 25/12/2007; https://www.voatiengviet.com/a/a-19-2007-12-25-voa17-81755767/795551.html

5/ In Vietnam the case of corruption in PetroVietnam. 22.06.2018 http://anticorr.media/en/vo-vetname-rassleduetsya-delo-o-korrupcii-v-gnk-petrovetnam/

6/ Thai NGOs Speak Out Against Proposed Dam in Laos 2019-09-23; https://www.rfa.org/english/news/laos/laos-luang-prabang-dam-mekong-09232019161400.html

7/ Save the Mekong Coalition Calls for the Cancellation of the Luang Prabang Dam. https://www.rfa.org/english/news/laos/save-mekong-coalition-luang-prabang-10082019144557.html

8/ Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam lên tiếng về việc xây dựng Thủy điện Luang Prabang. Thông cáo Báo chí: Ngày 10 Tháng 10 năm 2019 https://tapchilaoviet.com/tin-bai-noi-bat/mang-luoi-song-ngoi-viet-nam-len-tieng-ve-viec-xay-dung-thuy-dien-luang-prabang-10685.html

Lời cám ơn nhân dịp được “inducted” vào Viện hàn lâm y học Úc

Hội nghị khoa học thường niên của Viện hàn lâm y khoa (AAHMS) năm nay diễn ra ở Viện nghiên cứu Harry Perkins, Đại học Western Australia. Chủ đề năm nay là bệnh truyền nhiễm, và có rất nhiều bài giảng rất hay. Học được rất nhiều điều và những việc làm của các nước trong vùng về bệnh truyền nhiễm mà mình không biết trước đây. Hơi buồn là không thấy họ đề cập đến Việt Nam, nơi cũng có nhiều công trình về bệnh này.

Hội nghị cũng là dịp AAHMS công bố danh sách tân fellow được bầu. Quá trình tiến cử và bình bầu là 1 năm. Trong thời gian đó có nhiều dự báo. Tin đồn là năm nay sẽ có 20 tân fellow được bầu vào Viện hàn lâm y khoa, nhưng thực ra là 40 người; trong đó có 19 nữ. Sáng nay, AAHMS công bố danh sách trên website (1).

Hình 1: Tôi và Giáo sư Ian Frazer, Chủ tịch Viện hàn lâm y khoa Úc. Ông là người có công lớn trong phòng chống ung thư cổ tử cung. Các nghiên cứu của ông (và một đồng nghiệp Tàu) được Merck triển khai thành vaccine để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Tôi vinh dự được bầu vào Viện. Tôi là người gốc Á châu duy nhứt lần này được bầu. (Trước đây đã có vài người Tàu và Ấn Độ được bầu). Ngoài tôi ra, Đại học New South Wales (UNSW) còn có 7 nhà khoa học khác cũng được bầu vào AAHMS (2). Trong danh sách này, có Gs Ian Jacob, Hiệu trưởng UNSW và cũng là sếp lớn của tôi. Trong số người ngoài UNSW Sydney, tôi còn thấy có tên của Gs Emna Duncan thuộc Đại học Queensland, người có vài công trình chung với tôi trong lĩnh vực xương.

Trong Hội nghị, tôi còn có dịp gặp vài người nổi tiếng khác như Giáo sư Ian Frazer, Chủ tịch Viện hàn lâm AAHMS (người mà nghiên cứu dẫn đến phát triển vaccine HPV để ngừa ung thư cổ tử cung), Giáo sư Barry Marshall (Giải Nobel Y sinh học năm xưa), và Giáo sư Bruce Robinson, cựu Khoa trưởng y khoa ĐH Sydney. Cả ba người đều có nhiều gắn bó với Việt Nam, nên nhìn thấy tên “Nguyen” là họ nhận ra tôi là người Việt. Thật ra, tôi và Bruce Robinson đã quen nhau khá lâu, nên gặp nhau thì có nhiều chuyện để nói.

Trong bài phát biểu ngắn, tôi nói rằng sự việc này là một ghi nhận những công trình nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp nhằm đóng góp vào việc chẩn đoán và phòng ngừa các bệnh nhân loãng xương. Tôi cũng nói về tình trạng khủng hoảng trong nghiên cứu khoa học hiện nay, và chúng ta phải có nhiệm vụ nâng cao tính khoa học trong các công trình nghiên cứu trong tương lai.

Đối với cá nhân tôi, đây là một hành trình dài. Hành trình từ một kẻ tị nạn vào đầu thập niên 1980, một người phụ bếp, đến một labo tầm quốc tế, và nay là Viện hàm lâm y học Úc. Trong hành trình đó, tôi được sự giúp đỡ của rất nhiều người, và tôi muốn nhân dịp này để một lần nữa bày tỏ lòng cám ơn đến các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, các postdoc, và những bạn đã ủng hộ tôi trong thời gian qua. Không có sự giúp đỡ của các bạn, tôi không có được cái ‘milestone’ ngày hôm nay. Xin chân thành cám ơn.

===

(1) https://aahms.org/news/new-fellows-2019/

(2) https://newsroom.unsw.edu.au/news/health/unsw-researchers-elected-academy-health-and-medical-sciences

Giải Nobel Y Sinh Học 2019: hiểu về nền tảng của sự sống

Giải Nobel Y Sinh Học năm nay (2019) được trao cho 2 nhà khoa học Mĩ và 1 nhà khoa học Anh về những công trình giúp chúng ta hiểu hơn về sự thích ứng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí (oxygen). Dưỡng khí là thành tố cơ bản nhất của sự sống, nên không ngạc nhiên khi Uỷ ban Giải thưởng Nobel mô tả công trình của các khôi nguyên Nobel Y sinh học là giúp chúng ta hiểu biết hơn về nền tảng của sự sống, và điều trị các bệnh mãn tính.

Ba khôi nguyên giải Nobel Y Sinh Học năm 201: William G. Kaelin, Gregg Semenza và Peter Ratcliffe. Các công trình của họ giúp chúng ta hiểu hơn về cơ thể chúng ta thích ứng trong môi trường thiếu dưỡng khí.

Để cảm nhận tầm quan trọng của các công trình trên, có lẽ chúng ta cần ôn lại vài kiến thức cơ bản về … không khí. Không khí mà chúng ta thở bao gồm 2 phân tử chính là nitrogen (chiếm khoảng 79%) và oxygen hay ‘dưỡng khí’ (chiếm khoảng 21%). Dưỡng khí là một nguyên tố vô cùng quan trọng cho sự sống, vì thiếu dưỡng khí có thể dẫn đến cái chết trong vòng vài phút.

Những dung lượng dưỡng khí có thể thay đổi theo điều kiện sống. Ở mực nước biển, áp suất (chỉ số phản ảnh bao nhiêu phân tử dưỡng khí trong thể tích không khí) là khoảng 160 mmHg, nhưng khi trên núi cao (như núi Everest cao hơn mực nước biển khoảng 8000 mét) thì áp suất dưỡng khí giảm xuống chỉ còn ~50 mmHg. Nói cách khác, trong điều kiện núi cao không khí trở nên ‘loãng’ hơn, số phân tử dưỡng khí giảm xuống. Đó chính là lí do tại sao khi chúng ta (người sống ở đồng bằng) leo núi hay tập thể dục thì cảm thấy thiếu dưỡng khí và hơi thở gấp, và điều kiện này có tên là “hypoxia” hay thiếu dưỡng khí/

Hypoxia còn hay thấy trong điều kiện bệnh lí. Các bệnh lí như thiếu máu, ung thư, đột quị, nhiễm trùng, đều có liên quan đến dưỡng khí. Chẳng hạn như tế bào ung thư cần phải có dưỡng khí để chúng tăng trưởng, và để có dưỡng khí chúng (tế bào ung thư) phải “đánh cắp” hệ thống cung cấp dưỡng khí từ máu. Do đó, hiểu biết cơ chế điều tiết dưỡng khí có thể gíup điều trị các bệnh lí mãn tính.

Hành trình đến khám phá

Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào mà cơ thể chúng ta (và động vật thông minh Homo sapiens) có thể chuyển tải dưỡng khí đến mỗi tế bào trong số 1014 tế bào trong cơ thể? Đó là một câu hỏi rất cơ bản, vì nó liên quan đến câu hỏi về sự sống. Giáo sư William G. Kaelin (Trung tâm nghiên cứu ung thư Dana-Farber, Mĩ), Giáo sư Peter J. Ratcliffe (Giám đốc Viện nghiên cứu lâm sàng Francis Crick, Anh) và Giáo sư Gregg L. Semenza (Đại học Johns Hopkins, Mĩ) đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu và họ đã có câu trả lời cho chúng ta. Câu trả lời hay phát minh của họ cung cấp cho chúng ta thông tin về sự vận hành của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, và hiểu được cơ chế vận hành này sẽ dẫn đến phát triển thuốc để điều trị các bệnh như ung thư.

Cái đầu mối quan trọng nhất của tình trạng thiếu dưỡng khí bắt nguồn tư một hormone có tên là erythropoitin (EPO). Hormone này do gen cùng tên EPO sản xuất trong thận, và chính hormone EPO đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra các hồng huyết cầu. Khi dưỡng khí bị suy giảm trong cơ thể, nồng độ EPO sẽ tăng, và khi EPO tăng thì các hồng huyết cầu cũng sẽ tăng. Hồng cầu có chức năng chuyển tải hemoglobin và đưa dưỡng khí đến các mô trong cơ thể. Khi lượng hồng cầu tăng, máu sẽ cô đặc hơn và dẫn đến nguy cơ nghẹn máu trong hệ thống tuần hoàn. Những người với chứng cao huyết áp, béo phì, bệnh động mạch vành, v.v. thường có lượng hồng cầu tăng.

Nhưng bằng cơ chế nào mà hồng huyết cầu tăng? Mấu chốt là hệ thống cảm quan dưỡng khí (oxygen senor). Từ thập niên 1930, các bác sĩ đã quan sát thấy rằng khi bệnh nhân bị nhiễm cobalt thì lượng hồng huyết cầu tăng đột ngột. Quan sát này cũng có nghĩa là cobalt kích hoạt một hệ thống để đối phó với tình trạng thiếu dưỡng khí. Và, bởi vì cobalt không phải là nguồn độc chất lớn, nên quan sát trên cũng có nghĩa là cơ chế kiểm soát EPO có một hệ thống cảm quan, và rất có thể hệ thống cảm quan này xuất phát từ thận.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Semenza làm thí nghiệm trên chuột cho thấy thiếu dưỡng khí sẽ kích hoạt gen EPO để kiểm soát nồng độ EPO. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện một hệ thống phức hợp mà ông đặt tên là HIF (hypoxia-inducible factor). Hệ thống HIF bao gồm hai yếu tố ‘ghi chép’ gọi là HIF-alpha và ARNT. Khi lượng dưỡng khí tăng cao, HIF-alpha sẽ suy giảm, và khi dưỡng khí suy giảm thì HIF-alpha sẽ tăng. Chính HIF-alpha kết nối với gen EPO và một số gen khác để kích hoạt hệ thống sản sinh ra hồng huyết cầu.

Độc lập với thí nghiệm của Semenza bên Mĩ, Giáo sư Ratcliffe, một chuyên gia về thận bên Anh cũng nghiên cứu về cơ chế mà dưỡng khí kiểm soát gen EPO. Giáo sư Ratcliffe cũng phát hiện rằng hệ thống HIF kiểm soát quá trình sản xuất hồng cầu, và hệ thống này hiện hữu trong tất cả các tế bào, chứ không phải chỉ ở tế bào thận. Tế bào lúc nào cũng sản suất ra HIF-alpha, nhưng khi dưỡng khí đầy đủ thì các tế bào lại ‘ăn thịt’ các protein HIF-alpha đó! Các HIF-alpha có một cái ‘tag’ nhỏ có tên là protein ubiquitin như là dấu hiệu giúp các tế bào ‘thanh toán’ chúng.

Trong gần như cùng thời gian, nhóm nghiên cứu của Kaelin ở Viện nghiên cứu ung thư Dana-Farber (Boston, Mĩ) nghiên cứu một bệnh lí khá hiếm có tên là Hội chứng von Hippel-Lindau (VHL). Tỉ lệ mắc chứng VHL là 1 trên 30,000 người. Bệnh nhân với hội chứng VHL có những triệu chứng như rối loạn võng mạc, rối loạn hệ thần kinh trung ương, và u nguyên bào mạch máu (hemaglioblastoma), u nang ở thận và tuỵ. Kaelin phát hiện một nhóm proteins ông đặt tên là protein phức hợp VHL, và trong tế bào ung thư nhóm protein phức hợp này ‘đóng mộc’ ubiquitin vào HIF. Quan trọng hơn, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Kaelin phát hiện rằng gen VHL có sản sinh một protein có chức năng ngăn ngừa ung thư, và nếu các tế bào ung thư không có protein này thì các gen khác kiểm soát dưỡng khí sẽ được kích hoạt. Khi gen VHL được đưa vào các tế bào ung thư thì mức độ kích hoạt trở nên bình thường.

Như vậy, ba nhóm nghiên cứu làm việc gần như độc lập với nhau, nhưng các phát hiện của họ khi sắp xếp lại thì thành một bức tranh chung dễ hiểu hơn. Nhóm của Semenza khám phá hệ thống phức hợp HIF. Nhóm của Ratcliffe thì định nghĩ thêm cơ chế của HIF-alpha và protein ubiquitin. Và, nhóm của Kaelin thì qua nghiên cứu trên bệnh nhân với hội chứng VHL phát hiện ra đột biến gen giúp kích hoạt ubiquitin. Tất cả phát hiện trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách mà cơ thể con người thích ứng với điều kiện thiếu dưỡng khí.

Năm 2016, giải thưởng Albert Lasker cho nghiên cứu cơ bản trong y khoa được trao cho Semenza, Ratcliffe và Kaelin. Nhân dịp nhận giải thưởng Albert Lasker, họ viết một bài báo trên JAMA thuật lại các khám phá và ý nghĩa trong thực tế lâm sàng (1). Thông thường, những người được trao giải Albert Lasker cũng là những người có cơ may rất cao được trao giải Nobel Y Sinh học. Do đó, sự kiện họ được Uỷ ban giải Nobel Y sinh học trao giải năm nay không làm cho ai trong giới khoa học ngạc nhiên.

Ý nghĩa lâm sàng

Khám phá trên đã đưa vào ứng dụng trong lâm sàng để kiểm soát yếu tố HIF-alpha và điều trị bệnh nhân thiếu máu (anemia). Nhiều nhóm trên thế giới bắt đầu tìm cách triển khai các phát minh của họ vào thực tế lâm sàng. Bí quyết là can thiệp vào HIF để duy trì sự sản xuất hồng huyết cầu ở mức độ bình thường. Một loại thuốc mới được phát triển để can thiệp vào HIF trong tế bào ung thư. Một thuốc khác (roxadustat) đã được Trung Quốc phê chuẩn cho điều trị chứng thiếu máu ở các bệnh nhân thận mãn tính.

Nhìn qua hành trình dẫn đến những khám phá dẫn đến giải thưởng Nobel trên chúng ta có thể rút ra một số bài học. Đó là những bài học liên quan đến cách đặt vấn đề, khả năng tác động, và công bố khoa học.

Bài học thứ nhất là nghiên cứu khoa học nếu muốn có đóng góp quan trọng thì phải đặt những câu hỏi cơ bản nhất. Dưỡng khí là một phân tử cơ bản của sự sống, vì tế bào cần dưỡng khí vận hành. Nếu dưỡng khí không được điều tiết cẩn thận và đúng mức, tế bào sẽ chết, và con người cũng sẽ chết. Từ chuyển hoá năng lượng, miễn dịch, tăng trưởng của bào thai, đến sự đáp ứng của cơ thể trong môi trường cao hơn mực nước biển, tất cả đều cần dưỡng khí. Do đó, hiểu về điều tiết dưỡng khí cũng có nghĩa là hiểu về sự sống. Hỏi câu hỏi cơ bản nhất cũng có nghĩa là nghiên cứu có ý nghĩa nhất.

Bài học thứ hai là vấn đề nghiên cứu khoa học và tác động. Trong di chúc, ông Alfred Nobel viết rằng giải thưởng lấy tên ông nên trao cho “những ai đã đem lại lội ích lớn nhất cho nhân loại.” Nói theo ngôn ngữ ngày nay là các khôi nguyên Nobel là những người có tác động (impact) lớn. Nhưng tác động có thể hiểu nhiều nghĩa: tác động đến khoa học (sản sinh ra tri thức mới), tác động đến thực tế, tác động xã hội, v.v. Nhóm công trình được giải Nobel Y sinh học năm nay có tác động thực tế, vì phát hiện của các nghiên cứu dẫn đến phát triển thuốc mới có ích cho hàng loạt bệnh nhân với các bệnh mãn tính. Do đó, không như các giải thưởng trước đây có khi bị chất vấn vì thiếu tính tác động, giải thưởng năm nay được giới khoa học hài lòng, vì Ủy ban giải thưởng Nobel đã chọn đúng người.

Nhưng nghiên cứu có tác động thực tế đòi hỏi thời gian. Các công trình nghiên cứu của Semenza, Ratcliffe và Kaelin được thực hiện vào thập niên 1990, và họ thú nhận rằng vào thời đó họ cũng không thấy trước những công trình của họ sẽ ứng dụng vào việc gì. Nhưng phải đợi đến khi 3 nhóm công trình đặt chung lại với nhau thì người ta mới thấy khả năng ứng dụng rất cao, và hệ quả là chúng ta có thuốc mới. Ngay cả Ủy ban giải thưởng Nobel cũng cho biết rằng họ phải đợi chừng 20 năm để biết các công trình đó có đứng vững với thử thách của các nghiên cứu mới. Điều này hàm ý rằng các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu khoa học đòi hỏi nghiên cứu phải có tác dụng trong một thời gian ngắn là … vô lí, vì nghiên cứu cơ bản đòi hỏi thời gian ít nhất là 20 năm để thấy tác động.

Bài học thứ ba là công bố khoa học cần tập trung vào những việc củng cố dữ liệu cho các kết luận khoa học thay vì đưa ra những phát biểu hay kết luận quá rộng và quá ‘xa xỉ’. Trong một bài báo trên Nature (2) Giáo sư William Kaelin khuyên rằng nên đánh giá cao những công trình có phẩm chất khoa học cao dẫn đến những khám phá sau này, và không nên tập trung vào từng bài báo đơn lẻ. Dùng cách nói ví von, ông khuyên rằng hãy công bố kết quả nghiên cứu như là những ngôi nhà được xây bằng gạch, chứ không nên như những lâu đài xây bằng rơm rạ. Trong thời đại chạy theo số lượng bài báo khoa học và hư danh, lời khuyên này rất chí lí và mang tính thời sự cao.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Giáo sư Gregg Semenza có lời nhắn nhủ đến các nhà khoa học trẻ không nên nản chí mà phải kiên trì theo đuổi mục tiêu. Ông nói: “Tôi từng đứng ở vị trí các bạn đang đứng hiện nay, và một ngày nào đó các bạn sẽ đứng nơi tôi đang đứng”. Đối với các bạn đang chọn nghiên cứu khoa học làm sự nghiệp, ông nói “Chúng ta rất may mắn có một sự nghiệp để có thể theo đuổi những sở thích và giấc mơ dẫn dắt chúng ta đến bất cứ chân trời nào.”

===

(1) William G.Kaelin, Peter J. Ratcliffe, Gregg L. Semenza. Pathways for Oxygen Regulation and Homeostasis. JAMA 2016;316:1252-3.

(2) William G.Kaelin. Publish houses of brick, not mansions of straw. Nature 23/5/2017.

Box

Bác sĩ William Kaelin (sinh năm 1957) là giáo sư thuộc Trường Y của Đại học Harvard, và là nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu ung thư Dana-farber. Ông theo học toán, hoá học và y khoa tại Đại học Duke. Sau một thời gian nội trú ở Đại học Johns Hopkins, ông quyết định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Ông trở thành giáo sư y của Đại học Harvard vào năm 2002. Ông chuyên nghiên cứu về hội chứng von Hippel-Lindau (HVL) và protein có tên là p73 có chức năng ức chế các tế bào ung thư. Ông là tác giả hay đồng tác giả của 246 bài báo khoa học, với tổng số trích dẫn là ~36000, tức thuộc vào nhóm được trích dẫn nhiều trên thế giới y khoa.

Bác sĩ Peter Ratcliffe (sinh ngày 14/5/1954) học y khoa tại trường Gonville và Caius thuộc Đại học Cambridge (Anh). Sau khi tốt nghiệp y khoa, ông được huấn luyện thêm ở Bệnh viện nổi tiếng St. Bartholomew’s Hospital (London). Năm 1990, ông được trao một fellowship từ Wellcome Trust để tập trung nghiên cứu về hội chứng thiếu dưỡng khí. Năm 2003, ông được bổ nhiệm giáo sư thuộc trường y, Đại học Oxford, và ông giữ vị trí này đến năm 2016. Ông được trao những giải thưởng và danh dự như Fellow của Royal Society, Fellow của Viện hàn lâm y học Anh. Ông là tác giả hay đồng tác giả của 311 bài báo khoa học, với tổng số trích dẫn là 42,694 (theo PLoS Biol 2019).

Bác sĩ Gregg Semenza (sinh năm 1956), là Giáo sư Nhi khoa thuộc Đại học Johns Hopkins. Ông tốt nghiệp cử nhân từ Đại học Harvard (1978), và bác sĩ và tiến sĩ từ Đại học Pennsylvania (1984). Năm 1990, ông ‘đầu quân’ cho Đại học Johns Hopkins, và hiện nay ông giữ chức Giáo sư Nhi khoa. Ông phục vụ trong ban biên tập của nhiều tập san y khoa như Molecular and Cellular Biology, Cancer Research, và Journal of Molecular Medicine. Ông là tác giả hay đồng tác giả của hơn 250 bài báo khoa học và nhiều chương sách. Ông là một trong những tác giả có nhiều trích dẫn (hơn 30,000) trong y khoa.

AAHMS election: a note of thank-you

On October 10th, I was elected a fellow of the Australian Academy of Health and Medical Sciences (AAHMS) (1). This honour is, to me, a recognition of the work that we have been doing at the Garvan Institute to benefit people affected by osteoporosis worldwide. I sincerely thank all of my national and international colleagues who have nominated and elected me to this prestigious Academy.

I have personally travelled a long way: from a refugee from Vietnam, a kitchen hand, to a world class research lab, and now the Academy. I consider myself honoured and privileged to stand along giants in medical research whom I have admired over the years.

On this occasion, I had a photo-op with Professor Ian Frazer AC FAHMS, the outgoing president of AAHMS. A legendary figure in medical science, Ian together with Jian Zhou invented a technology behind the HPV vaccine against cervical cancer.

This year, 40 fellows were elected to the Academy; among whom 19 were women. The gender balance has been significantly improved. Among those elected to the Academy, 8 fellows were from UNSW Sydney (2), including Professor Ian Jacob, Vice-Chancellor and President of UNSW Sydney. On this AAHMS Annual Scientific Conference, some new fellows were invited to share their amazing work with the audience. I listened to the Ian’s lecture on his development of predictive model for ovarian cancer, an area of research that is close to my heart. His work was fascinating, but the interpretation of findings was statistically a challenge. Ian is a wonderfully charming speaker who enthusiastically addressed all questions from the audience.

As a new fellow, I suppose to briefly voice something that is close to my heart. I wanted say a few words about the medical research ecosystem. Time won’t allow me to go into detail, but I just want to say this: the biggest problem we as a community are facing now is the lack of reproducibility in published research. This problem has been slowly recognized as a crisis in modern science, and this crisis costs more than $30 billion worldwide. It is now our responsibility to create a research ecosystem that expedites the improvement of reproducibility which is considered a cornerstone of science. By improving reproducibility we will regain the credibility from the public who actually underwrites most of our work. To that end, I would like to echo the words of the new Nobel laureate Dr. William Kaelin: “Publish houses of brick, not mansions of straw” (3).

On occasion like this, we tend to celebrate individuals who have made substantial contributions to medicine and science. However, we tend to — but we should not — forget that each of us is a product of the research ecosystem, meaning that our achievement is collective rather than individualistic. And by that, I thank my lab members, my students, my postdocs and my colleagues who have over the yesrs helped me do useful work that I hope to benefit the general community. Without their help, I could not reach this important milestone today. My heartfelt thankyou.”

===

(1) https://aahms.org/news/new-fellows-2019/

(2) https://newsroom.unsw.edu.au/news/health/unsw-researchers-elected-academy-health-and-medical-sciences

(3) https://www.nature.com/news/publish-houses-of-brick-not-mansions-of-straw-1.22029