Trò chuyện với Tạp chí Sức Khỏe

Xin giới thiệu đến các bạn một bài phỏng vấn dàiii. Bài này do tạp chí Sức khoẻ phỏng vấn hôm sau Hội nghị Thần kinh ở Mỹ Tho vào tháng 11. Tôi nhớ hôm đó, chúng tôi (chị phóng viên và tôi) phải dời bàn 2 lần vì trời mưa và vì câu chuyện hơi dài. Câu chuyện xoay quanh hành trình cá nhân của tôi, từ những việc tôi làm ở Úc đến những việc ở Việt Nam. Có những việc đã vài chục năm rồi, mà bây giờ hồi tưởng lại thì thấy cũng hay hay.:-). Thú thật với các bạn, mỗi lần trả lời phỏng vấn kiểu profile như thế này tôi rất ngại và ngượng. Ngượng vì phải nói về chính mình — cái mà người ta hay nói là “cái tôi đáng ghét”, nhưng thôi thì cũng phải nói những thăng trầm trong cuộc đời. Hi vọng bài phỏng vấn tạo ra vài cảm hứng cho các bạn trong hành trình theo đuổi sự nghiệp khoa học. (Hình ảnh có thể xem trong bài trên tạp chí:

http://www.tcsuckhoe.com/tro-chuyen-cung-gs-nguyen-van-tuan-khac-ten-viet-trong-gioi-loang-xuong

Trò chuyện cùng Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn: Khắc tên Việt trong thế giới loãng xương

Mới đây, tại Hội nghị khoa học thường niên của Viện hàn lâm y khoa (AAHMS) diễn ra ở Viện nghiên cứu y khoa Harry Perkins, Đại học Western Australia (UWA), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Á châu duy nhất được bầu vào Viện hàn lâm y học Australia và cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia bởi những đóng góp xuất sắc của ông cho y học, đặc biệt là lĩnh vực loãng xương. Trước đó, vào năm 2018, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã được trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) trao huy chương về thành tích nghiên cứu ngoại hạng có tác động lớn đến chuyên ngành (Chancellor’s Medal for Exceptional Research). Giải thưởng là hạng cao nhất trong 7 hạng mục về học thuật của UTS dành cho những nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho đại học này và Australia với những thành tựu mang tính tiên phong, ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Ông cũng là giáo sư gốc Việt đầu tiên ở Australia được trao học vị Doctor of Science, học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học Australia.

Chúng tôi gặp ông nhân dịp sau Hội nghị Thần kinh toàn quốc lần 21 và Hội nghị thần kinh quốc tế tại Việt Nam, mà ông là diễn giả chính. Buổi gặp mặt diễn ra tại một quán cà phê ông chọn ở Quận 3 trong không gian đậm nét Việt Nam và sâu lắng. Trước đó, ông đề nghị không dùng chữ “cảm tính mèo khen mèo dài đuôi” và không dùng danh xưng “giáo sư” hay “tiến sĩ”; tuy nhiên bài phỏng vấn vẫn dùng danh xưng đó. Dưới đây là cuộc trò chuyện cởi mở chung quanh sự kiện quan trọng trên và những công việc ông đã, đang và sắp làm, cũng như những suy tư về quê hương.

“Làm người có ích hơn là làm người thành công”

1/ Trước hết, xin chia vui và chúc mừng Giáo sư đã được bầu vào Viện hàn lâm y học Australia. Xin Giáo sư cho biết quá trình bình bầu diễn ra như thế nào?

NVT: Quá trình tiến cử, bình duyệt và bầu là khoảng 1 năm. Đầu tiên, một viện sĩ trong Viện hàn lâm y học Australia (AAHMS) tiến cử và ứng viên được xét sơ tuyển qua một bài tổng quan 1 trang viết về những đóng góp chính của ứng viên cho y học và khoa học. Bước thứ hai là nếu được hội đồng AAHMS phê chuẩn, ứng viên sẽ được mời đệ trình hồ sơ dài, bao gồm lí lịch khoa học, một bài tổng quan không quá 30 trang về quá trình nghiên cứu, đóng góp cho y học thế giới và Australia, kèm theo bản copy của 10 công trình mà ứng viên xem là có ý nghĩa nhất. Hồ sơ này sẽ được gởi cho 7 chuyên gia được chọn từ những người trong chuyên ngành khắp nơi trên thế giới bình duyệt. Sau khi hội đồng AAHMS nhận được báo cáo bình duyệt, họ sẽ họp lại trong phiên khoáng đại và bầu cử. Danh sách ứng viên được bầu được giữ rất kín nhưng ứng viên đã biết trước khi công bố 2 tháng. Tóm lại, quá trình và qui trình tiến cử – bình bầu dựa vào ý kiến của giới chuyên ngành là chính.

Giáo sư Ian Frazer, Chủ tịch Viện hàn lâm y học Australia trao chứng chỉ cho Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trong buổi lễ kết nạp tân viện sĩ Viện hàn lâm.

2/ Là người gốc Việt duy nhất cho đến nay được bầu vào Viện hàn lâm y học Australia và theo chúng tôi biết, Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên được trao bằng Doctor of Science của Australia, Giáo sư có thể nói qua về học vị đó? Giáo sư tự xem mình là người Việt hay người Australia?

NVT: Trong hệ thống giáo dục đại học Australia, bằng Doctor of Science (DSc) được xem là học vị cao nhất, cao hơn PhD một bậc. Chỉ có một số đại học có quyền cấp học vị DSc và Đại học New South Wales mỗi năm cấp cho khoảng 5 người, nhưng có những năm không có ai. Tiêu chuẩn chính để được cấp học vị này là phải tốt nghiệp tiến sĩ sau 15 năm, là giáo sư thực thụ và có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành cấp quốc tế. Quá trình “học” khoảng 2 năm, bắt đầu với một luận văn nhỏ và dựa vào đó Hội đồng khoa học quyết định có cho ghi danh học DSc. Nếu được phê chuẩn cho ghi danh, ứng viên sẽ được mời viết một luận án tương đối dài và một bài diễn thuyết về đóng góp của mình; luận án sẽ được gởi ra ngoài bình duyệt và Hội đồng khoa học dựa vào kết quả bình duyệt sẽ quyết định cấp hay không cấp học vị DSc. Tất cả các bước diễn ra khoảng 2 năm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mà những cá nhân có đóng góp lớn cho cộng đồng cũng được trao học vị DSc danh dự, mà không phải đệ trình luận án nào.

Về câu hỏi tôi tự xem mình là người Việt hay Australia, đây là câu hỏi nhiều người vẫn hay hỏi tôi trong các hội nghị quốc tế, vì họ thấy tôi mang họ “Nguyen”, một chỉ dấu rõ ràng nhất tôi là người Việt. Tôi vẫn nghĩ dù mang hộ chiếu Australia nhưng từ trong tâm tưởng và sâu trong lòng, tôi vẫn là người Việt và tôi đã nhiều lần thổ lộ như vậy trên báo chí. Mà, hình như đồng nghiệp nước ngoài, nhất là đồng nghiệp Á châu, cũng nghĩ như vậy. Chẳng hạn như năm 2018, sau khi kết thúc hội nghị Pan Asian Biomedical Sciences Consortium, các bạn ấy bầu tôi làm chủ tịch và xem tôi là đại diện Việt Nam (Đại học Đà Nẵng). Một số hội nghị quan trọng về nội tiết học và loãng xương ở Á châu, họ mời tôi nói chuyện, nhưng khi giới thiệu họ giới thiệu tôi là từ Việt Nam; thoạt đầu tôi nghĩ họ lầm, nhưng hình như không phải vậy. Thật ra, trong những lúc như vậy, tôi thấy mình có chút tự hào và tự thấy có trọng trách làm điều gì đó xuất sắc để lại ấn tượng đẹp về Việt Nam trong lòng khán giả.

3/ Trong một chia sẻ trên trang web cá nhân, Ông gọi con đường đến Viện hàn lâm là một hành trình dài. Tại sao là hành trình dài và nó có ý nghĩa gì cho công chúng?

NVT: Tôi là người sanh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, nhưng nguyên quán thì ngoài Bình Định (vì quê ngoại và nội đều ở Phù Mỹ và Tuy Phước). Thuở nhỏ, gia đình tôi ngoài làm ruộng còn có một doanh nghiệp máy cày, nên trong những dịp nghỉ hè, tôi được theo các anh em họ đi qua rất nhiều cánh đồng lúa bát ngát thuộc tỉnh Kiên Giang như Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp… Rồi, bây giờ nhìn lại, tôi thấy từ những cánh đồng đó đến Viện nghiên cứu y khoa Garvan, và từ Garvan vào Viện hàn lâm thì quả thật là một hành trình dài.

Chẳng những đó là một hành trình dài mà còn có rất nhiều gian nan. Lúc mới tới Sydney (Australia), tôi làm “kitchen hand” (tức phụ bếp) trong nhà bếp của Bệnh viện St Vincent’s một thời gian, rồi sau đó là phụ tá trong một labo của Bệnh viện Royal North Shore và phụ tá trong một trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của Bộ Y tế bang New South Wales. Nhưng cơ duyên lại đưa tôi về Viện Garvan thuộc Bệnh viện St Vincent’s, tức là sau 10 năm tôi đi đúng một vòng tròn. Còn có một vòng tròn lớn hơn: tôi rời Việt Nam, và sau 20 năm lại có dịp quay về Việt Nam làm vài việc có ích. Đời người có khi là “một cõi đi về” là vậy. Và, ý nghĩa chung là nếu chúng ta không phải là người của “danh gia vọng tộc”, việc chọn cho mình con đường đi khó, thì trước hay sau gì, phần thưởng cũng sẽ đến với chúng ta.

4/ Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà một nhà khoa học gốc Việt gặp phải trong sự nghiệp nơi xứ người?

NVT: Đây là một câu hỏi mà nhiều người hay hỏi tôi. Mỗi chúng ta có một lịch sử cá nhân, và khó mà nói con đường cá nhân là con đường cho mọi người. Riêng tôi, có lần tôi chia sẻ 10 yếu tố để có một sự nghiệp độc lập trong khoa học: đó là chọn một hướng đi, kiên trì theo đuổi ý tưởng, chọn môi trường làm việc tốt, chọn người hướng dẫn tốt, tương tác và tôn trọng đồng nghiệp, nhìn về bức tranh lớn trong chuyên ngành, nắm vững phương pháp, kĩ năng truyền đạt thông tin và công bố quốc tế.

Những khó khăn mà một nhà khoa học gốc Việt phải đối phó trong môi trường khoa học phương Tây (mà cụ thể là Australia) thì nhiều lắm, nhưng tựu trung lại là vấn đề “bộ lạc”, kĩ năng truyền đạt và kĩ năng giao tiếp. Khi nói “bộ lạc”, tôi muốn nói đến sự tiếp xúc với giới thượng tầng trong khoa học, trong chuyên ngành của mình. Đa số giới khoa học gốc Việt không có cơ duyên này, nên họ chỉ đứng bên ngoài cái “câu lạc bộ thượng tầng” đó và không có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình.

Kĩ năng truyền đạt bằng tiếng Anh vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta làm tốt mà truyền đạt không tốt thì ít ai dám mời chúng ta đi nói chuyện, và khi ít ai mời thì khó có thể chia sẻ những nghiên cứu của mình đến cộng đồng quốc tế. Nhiều người nghĩ rằng công bố nhiều bài báo khoa học là đủ, nhưng đó là một suy nghĩ rất sai lầm, vì công bố là một chuyện, nhưng được mời nói chuyện trong các hội nghị lớn là một chuyện còn quan trọng hơn cả công bố khoa học.

Chứng chỉ Viện sĩ Hiệp hội nghiên cứu xương và chất khoáng Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research), 2018

5/ Ông có lời khuyên nào cho lớp trẻ để thành công trong khoa học?

NVT: Tôi muốn trích câu nói của Albert Eistein như là câu trả lời: “Điều quan trọng nhất là không bao giờ ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò có lí do để hiện hữu. Chúng ta không thể không suy ngẫm về sự kì vĩ và huyền bí của cõi vĩnh hằng, của sự sống, của cấu trúc hiện thực huyền diệu. Nếu mỗi ngày chúng ta cố gắng tìm hiểu một chút về sự huyền diệu này thì cũng đủ.”. Tò mò và hoài nghi lành mạnh trong khoa học là rất cần thiết.

Tôi đôi khi nghĩ rằng “thành công” chỉ là ảo tưởng về chính mình; nhiều người làm mọi thứ và tận dụng mọi cơ hội để được mệnh danh là “thành công” và biến họ thành những người đánh giá mình quá quan trọng so với thực tế. Albert Einstein từng cho rằng những người nói về thành công là những kẻ ích kỉ, họ nhận từ đời hơn và đóng góp cho đời. Do đó, tôi thích chữ “hữu ích” hơn. Cố gắng làm người hữu ích để cống hiến cho đời hơn là nhận từ đời. Có thể nói người “thành công” là người có cuộc sống tốt và thoải mái, nhưng làm người hữu ích có một cuộc sống có ý nghĩa.

“Khắc tên Việt trong thế giới loãng xương”

Huân chương của Đại học Công nghệ Sydney cho nhà nghiên cứu ngoại hạng

6/ Một tờ báo về sức khỏe ở trong nước ví von rằng Ông là người khắc tên Việt trong thế giới loãng xương. Cơ duyên nào dẫn Giáo sư đến chuyên ngành loãng xương?

NVT: Cơ duyên đó xảy ra vào năm 1990 (tức khoảng 30 năm trước). Lúc đó, tôi theo học và làm việc ở Đại học Sydney, một hôm tôi thấy một quảng cáo của Viện nghiên cứu y khoa Garvan tìm 2 người bổ nhiệm vào vị trí “Research Scientists” về dịch tễ học và phân tích dữ liệu, nhưng họ ưu tiên cho người làm trong lĩnh vực xương khớp. Tôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực xương khớp, nhưng vẫn nộp đơn, vì tôi muốn có thu nhập cao hơn hiện tại. Qua phỏng vấn, Giáo sư John Eisman thuyết phục tôi tham gia nhóm nghiên cứu loãng xương lúc đó mới được thành lập. Tôi về Viện Garvan và phát hiện ra là họ chỉ mướn một mình tôi vì họ nghĩ tôi có khả năng làm 2 việc, và như vậy là tôi đã tiết kiệm cho Viện khá nhiều tiền! Giáo sư Eisman là người rất nổi tiếng trên thế giới và giữ nhiều vị trí quan trọng trong các hiệp hội y khoa, do đó, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng thuộc các trung tâm lừng danh như Mayo Clinic, UCSF, UCSD… Vậy là tôi hòa mình vào thế giới loãng xương từ đó đến nay đã gần 30 năm.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trong labo Viện nghiên cứu y khoa Garvani.

7/ Vậy trong gần 30 năm qua, những đóng góp tâm đắc nhất của Giáo sư trong chuyên ngành loãng xương là gì?

NVT: Ba mươi năm trước, chuyên ngành loãng xương chưa có nhiều nghiên cứu nên tôi có may mắn đóng góp một số kết quả quan trọng. Trong những đóng góp đó, tôi phải kể đến việc xác định mối liên quan giữa mật độ xương và gãy xương, phát hiện này đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương cho toàn thế giới.

Kết quả thứ hai mà tôi cũng thấy có ý nghĩa là phát hiện sự mất xương ở người cao tuổi tăng theo thời gian chứ không ngừng lại như sách giáo khoa viết, phát hiện này đã viết lại một phần sách giáo khoa về loãng xương và nội tiết học. Kết quả thứ ba là sau này tôi và Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên còn phát hiện rằng mất xương có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong, phát hiện này cũng làm thay đổi nhận thức của giới chuyên ngành về bệnh lí loãng xương.

Cùng Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên nhân ngày lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Đại học New South Wales.

Đóng góp thứ tư mà tôi và labo rất tự hào là đã mở ra một chuyên ngành hẹp về di truyền học trong nghiên cứu loãng xương. Thời đó, labo chúng tôi là nhóm đầu tiên trên thế giới phát hiện ra gen liên quan đến chuyển hóa vitamin D có dính dáng đến mật độ xương và gãy xương, phát hiện này được xem là “cách mạng” trong chuyên ngành và dẫn đến hàng loạt nghiên cứu để tìm những gen có liên quan đến loãng xương trên thế giới.

Đóng góp thứ năm mà tôi và nhóm nghiên cứu xem là thiết thực cho bác sĩ là phát triển mô hình tiên lượng gãy xương. Thật ra, tôi phải ghi nhận đóng góp quan trọng của Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên ở đây, vì hai chúng tôi nghĩ ra mô hình này trước và công bố đầu tiên trên thế giới, trước cả Tổ chức Y tế Thế giới. Mô hình tiên lượng đơn giản nhưng phải cần đến 20 năm để có đủ dữ liệu cho việc xây dựng mô hình tiên lượng. Sự ra đời của mô hình này làm nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới làm theo, và có khi họ gọi là “Nguyen’s Model.”

8/ Bất kỳ bác sĩ nào ở Việt Nam và trên thế giới điều trị bệnh loãng xương hay nghiên cứu về nó đều làm quen hoặc sử dụng mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương tên “Garvan Fracture Risk Calculator”. Giá trị từ tính thực tiễn của mô hình này, thưa Giáo sư?

NVT: Câu chuyện đằng sau mô hình tiên lượng đó là như sau: Đa số bệnh nhân gãy xương không phải do loãng xương. Ngoài loãng xương ra, còn có nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ gãy xương. Do đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi phân tích và xây dựng một mô hình không chỉ dùng mật độ xương, mà còn các yếu tố đơn giản như té ngã và tiền sử gãy xương để tiên lượng nguy cơ gãy xương trong vòng 5 năm hoặc 10 năm. Mô hình này đã được khắp thế giới sử dụng để chọn bệnh nhân thích hợp cho điều trị và quản lí bệnh. Tổ chức Royal College of Physicians của Australia đề nghị sử dụng trong lâm sàng và đánh giá nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân. Hiện nay, tôi và đồng nghiệp Việt Nam đang xây dựng một mô hình cho người Việt.

9/ Được biết, cho đến nay, Giáo sư đã công bố hơn 300 công trình khoa học trên các tạp chí ISI uy tín và là một trong những Giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Giáo sư có thể cho biết công trình nào có nhiều trích dẫn? 

NVT: Tôi nghĩ một cách công bằng để nói là như sau: Tôi là tác giả và đồng tác giả của hơn 300 bài báo khoa học. Ý tôi muốn nói là nhiều bài báo đó có sự đóng góp của nghiên cứu sinh và postdoc (hậu tiến sĩ) của tôi, của đồng nghiệp qua hợp tác khoa học, chứ không phải một mình tôi viết cả 300 bài.

Các trường đại học và viện nghiên cứu thì họ hay đánh giá qua các chỉ số trích dẫn, vì các con số đó giúp cho trường được xếp hạng cao trên trường quốc tế. Nhưng ở cấp độ cá nhân, tôi lại nghĩ hơi khác. Các công trình được nhiều trích dẫn của tôi không phải là những công trình tâm đắc nhất; ngược lại, những công trình có ít trích dẫn (tức chừng 200-300) tôi lại thấy nó quan trọng. Chẳng hạn như những công trình về xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương, chúng tôi công bố trên tập san hàng đầu trong chuyên ngành (nhưng không phải hàng đầu trong y khoa) với số trích dẫn chỉ 250, nhưng tác động của nó thì lớn gấp mấy lần so với những công trình được trích dẫn trên 500 lần.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chủ trì Hội nghị khoa học của Hiệp hội Y sinh học Châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, 2018.

10/ Giáo sư là nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về dịch tễ học và di truyền loãng xương. Giáo sư có thể chia sẻ cùng độc giả rằng trong lĩnh vực này có những điều gì mới và đáng theo đuổi?

NVT: Tôi nghĩ hiện nay di truyền học và hệ gen là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều triển vọng ứng dụng. Chúng ta đang ở vào một thời kì vàng son của cơ hội nghiên cứu hệ gen. Chỉ chừng 20 năm trước, phân tích hay giải mã toàn bộ 6 tỉ mẫu tự DNA tốn khoảng 50,000 USD trong cả tháng trời, nhưng ngày nay chỉ tốn chừng 1,500 USD và trong vòng 1 tuần. Trong tương lai gần, chi phí giải trình tự toàn bộ hệ gen sẽ chỉ còn 500 USD. Ý tưởng là sẽ tiến đến một lí tưởng về y học cá nhân hóa (personalized medicine).

Vấn đề đặt ra là chúng ta làm gì với khối lượng dữ liệu khổng lồ đó để giúp cho việc chẩn đoán, quản lí và điều trị bệnh tốt hơn là câu hỏi làm tốn rất nhiều thì giờ của nhiều người trên thế giới. Chuyên ngành này mở cánh cửa cơ hội cho các chuyên gia về sinh tin học (bioinformatics) và thống kê sinh học (biostatistics). Nhưng hiện nay, các chuyên gia có kinh nghiệm trong hai lĩnh vực này rất hiếm. Do đó, tôi nghĩ các đại học Việt Nam nên nắm lấy cơ hội để đào tạo các chuyên viên về sinh tin học và thống kê sinh học, vì hai chuyên ngành này sẽ giúp cho phát triển khoa học trong tương lai.

11/ Không chỉ đóng góp cho y văn thế giới, nhiều đồng nghiệp nói rằng Ông còn giúp đem chuyên ngành về Việt Nam, và đem nghiên cứu Việt Nam ra trường quốc tế. Xin Ông nói thêm về hoạt động này.

NVT: Tôi quen biết khá nhiều đồng nghiệp ở nước ngoài và cũng mong muốn làm cái gì đó để đồng nghiệp thế giới biết đến Việt Nam. Do đó, qua bàn thảo với Cố GS Dương Quang Trung (lúc đó là Chủ tịch Hội y học TPHCM) tôi đề nghị tổ chức hội nghị loãng xương quốc tế ở Việt Nam. Một số đồng nghiệp nước ngoài thoạt đầu nghi ngờ khả năng của chúng tôi trong việc tổ chức hội nghị, nhưng kết cục thì hội nghị thành công mĩ mãn, thu hút hơn 400 khách trong và ngoài nước. Đó là hội nghị quốc tế về chuyên ngành loãng xương ở Việt Nam, sau này chúng tôi còn tổ chức thêm một hội nghị quốc tế khác tại Đà Nẵng và cũng đem lại tiếng vang trong các đồng nghiệp quốc tế.

Tôi và các đồng nghiệp trong nước thực hiện một công trình nghiên cứu về loãng xương lớn nhất nhì châu Á. Chúng tôi đặt tên là “Vietnam Osteoporosis Study” (VOS). Nhân đây, tôi xin cảm ơn công chúng TPHCM đã tham gia tích cực vào dự án VOS, không chỉ cung cấp thông tin quí báu về loãng xương, mà còn về các bệnh lí khác như tiểu đường, béo phì, thoái hóa khớp, tim mạch và ung thư. Công trình VOS đã gây tiếng vang trong thế giới loãng xương qua hàng chục bài báo trên các tập san hàng đầu trên thế giới và hàng chục báo cáo trong các hội nghị quốc tế, đem về nhiều giải thưởng cao quí cho Việt Nam. Rất nhiều thông tin hoàn toàn mới được “sản sinh” từ dự án VOS. Chúng tôi rất tự hào xem đó như là một “Chữ kí Việt Nam” trong chuyên ngành loãng xương.

12/ Những vấn đề nào giáo sư quan tâm nhiều nhất ở lĩnh vực loãng xương ở Việt Nam?

NVT: Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của chúng tôi (tức là tôi và đồng nghiệp trong nước), có khoảng 30% nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương và tỷ lệ người bị gãy xương không khác gì so với phụ nữ ở các nước như Úc và Mỹ. Nhưng vấn đề tôi quan tâm nhất ở Việt Nam là tình trạng thiếu điều trị. Rất nhiều (có thể lên đến 80%) bệnh nhân gãy xương không được điều trị hay không được điều trị đúng. Điều này rất đáng ngại, vì nếu họ không được điều trị thì họ sẽ bị gãy xương lần nữa và tăng nguy cơ tử vong.

Vấn đề thứ hai mà tôi quan tâm là chẩn đoán thái quá. Hiện nay, nhiều máy đo mật độ xương ở Việt Nam dùng giá trị tham chiếu ở nước ngoài (cụ thể là Mỹ), mà mật độ xương của người Việt thấp hơn người Mỹ khoảng 10-15%, nên dùng giá trị tham chiếu nước ngoài thì tỷ lệ loãng xương ở người Việt lên đến 50%! Do đó, chúng tôi cố gắng đưa vào giá trị tham chiếu của người Việt để giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn.

Vấn đề thứ ba tôi rất quan ngại là chi phí điều trị. Thu nhập của người Việt vẫn còn tương đối thấp, trong khi đó chi phí điều trị bằng những thuốc mới khá đắt tiền. Tôi nghĩ Bộ Y tế và các công ti bảo hiểm nên có chinh sách hợp lí để bệnh nhân loãng xương được điều trị với các giá có thể chấp nhận được.

Hội nghị khoa học thường niên của Hội Loãng Xương TPHCM, 2018.

13/ Với những quan tâm như vậy, Giáo sư đã làm gì để giải quyết vấn đề?

NVT: Tôi hợp tác với các đồng nghiệp trong Hội loãng xương TPHCM để tổ chức các lớp CME cho các bác sĩ cập nhật hóa liệu pháp chẩn đoán, điều trị, và quản lí bệnh loãng xương. Lớp đầu tiên đã được tổ chức vào năm ngoái, thu hút hơn 200 bác sĩ khắp nước tham dự. Năm nay (2019) tôi sẽ cùng Hội tổ chức thêm 2 lớp CME ở Đà Nẵng và Kiên Giang cho các bác sĩ miền Trung và miền Tây. Ngoài ra, tôi cùng nhóm nghiên cứu VOS lập trang web suckhoexuong.vn để cung cấp thông tin cho bác sĩ và bệnh nhân về bệnh loãng xương, với hi vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này.

Ngoài ra, tôi còn dùng tư cách hướng dẫn luận án tiến sĩ để thu hút nghiên cứu sinh Việt Nam làm nghiên cứu về kinh tế y tế cho chuyên ngành loãng xương. Tôi có quen biết với một số nhân vật quan trọng trong kĩ nghệ dược thế giới, và thỉnh thoảng cũng khuyên họ nên cho chính sách đặc biệt cho bệnh nhân Việt Nam.

14/ Ở Việt Nam, Giáo sư là một trong những thành viên sáng lập Hội loãng xương TP.HCM từ năm 2005 và giữ vai trò cố vấn khoa học cho đến nay. Hoạt động của các tổ chức Hội ở VN nói chung, TPHCM nói riêng có giống như hoạt động của các tổ chức Hội nghề nghiệp trên thế giới hay như ở Úc?

NVT: Hội loãng xương TPHCM, có lẽ cũng như các hiệp hội chuyên ngành khác ở Việt Nam, có những hoạt động chủ yếu là nơi quy tụ các đồng nghiệp để chia sẻ kiến thức và kĩ năng (qua các hội nghị khoa học thường niên) và hoạt động cộng đồng. Các hiệp hội loãng xương ở nước ngoài cũng có những hoạt động tương tự. Nhưng nếu có khác thì tôi nghĩ các hiệp hội chuyên ngành y khoa ở nước ngoài như Úc và Mĩ thì họ còn có vai trò cố vấn cho Chính phủ, vai trò vận động tài trợ khoa học và có khi là đào tạo, còn ở Việt Nam đa số các hiệp hội chuyên ngành y khoa không có những hoạt động đó.

Đóng góp cho khoa học

15/ Được mời giảng dạy ở nhiều hội nghị y khoa liên quan tới xương ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines… những thông tin nào được cập nhật nhiều nhất, chờ đợi nhiều nhất, thưa Giáo sư?

NVT: Mỗi lần ban tổ chức hội nghị mời tôi nói chuyện, họ đưa ra chủ đề, chứ ít khi nào họ cho mình tự do chọn chủ đề. Điều này cũng dễ hiểu, vì ban tổ chức muốn sắp xếp bài giảng của tôi nằm trong một loạt bài giảng về một đề tài nào đó mà họ quan tâm. Dĩ nhiên, chủ đề họ chọn phải liên quan đến những gì tôi làm. Kinh nghiệm tôi cho thấy đối với các nước tương đối “nghèo” như Thái Lan, Malaysia, Philippines thì họ muốn tôi nói những đề tài đơn giản, thực tế; còn ở những nước giàu hơn và tiên tiến hơn, họ đưa ra những chủ đề lớn hơn, cao hơn, những đề tài mang tính định hướng. Họ chọn diễn giả rất kĩ và chọn đề tài sao cho diễn đàn cảm thấy họ bỏ ra đồng tiền cho diễn giả một cách xứng đáng.

16/ Được biết Giáo sư vừa dự một hội nghị về thần kinh học, xin Giáo sư cho biết cơ duyên nào mà Giáo sư “lấn” sang lĩnh vực thần kinh học?

NVT (cười lớn): Tôi được mời nói chuyện trong các hội nghị có khi chẳng liên quan gì đến xương, thậm chí chẳng liên quan gì đến y khoa! Chẳng hạn như vừa qua, tôi được mời nói chuyện trong Hội nghị thần kinh quốc tế lần 1 ở Mỹ Tho, vì ban tổ chức muốn tôi chia sẻ về phương pháp nghiên cứu hệ gen và về cách công bố khoa học. Do đó, tôi nói với hội nghị rằng tôi đến đây để học và để chia sẻ hơn là để giảng. Sắp tới, tôi còn được mời nói chuyện trong một hội nghị về kinh tế và tôi sẽ nói phương pháp nghiên cứu y khoa có thể giúp gì cho các bạn làm nghiên cứu kinh tế. Nói cách khác, với các hội nghị ngoài chuyên ngành xương, tôi nói về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học.

Tôi muốn nghĩ rằng khi nhận lời nói chuyện ở đâu, dù trong hay ngoài “bộ lạc”, tôi lúc nào cũng đem đến ý tưởng mới hay thông tin mới hay có một đóng góp nào đó mà diễn đàn cảm thấy không phí thì giờ để nghe. Tôi rất vui là được các bạn từ các chuyên ngành khác chào đón rất nhiệt tình.

17/ Những đóng góp của Giáo sư không chỉ trong chuyên ngành loãng xương và nội tiết mà còn về chất độc da cam. Ông là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trên tập san y khoa quốc tế. Vì sao Giáo sư quan tâm đến lĩnh vực này? Giáo sư có thể cung cấp thêm thông tin cho độc giả Tạp chí Sức khỏe về những nghiên cứu và kết quả nghiên cứu ở lĩnh vực này?

NVT: Thời đó (tức chừng 25 năm trước), tôi quan tâm đến vấn đề chất da cam vì thời còn ở dưới quê trong thời chiến tranh, tôi hay chứng kiến và đọc báo về những tin tức liên quan đến dioxin. Tôi phát hiện rằng Việt Nam thiếu những nghiên cứu có hệ thống về tác động của chất màu da cam (AO), nên tôi bỏ công ra thu thập dữ liệu và viết khá nhiều bài báo trên các báo chí Việt Nam. Tôi tổng kết các bài đó thành một cuốn sách, cuốn đó được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh. Trong cuốn sách đó, tôi chỉ ra rằng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phơi nhiễm AO có liên quan đến một số bệnh lí như ung thư máu, ung thư tiền liệt tuyến, dị tật bẩm sinh, tiểu đường… Tôi cũng chỉ ra rằng tổng số đồng bào Việt Nam, kể cả cựu quân nhân cả hai miền Nam Bắc, bị phơi nhiễm độc chất là 4,8 triệu người.  Hơn 25.000 làng xã với 2,6 triệu ha đồng ruộng chịu ảnh hưởng của độc chất.  Gần 90% các làng xã bị phun hai lần và khoảng 11% làng xã bị phun đến 10 lần!

Khi một em nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang đây tỏ ý theo đuổi đề tài này, tôi có dịp làm việc và công bố hai bài báo khoa học về tác động của AO đến dị tật bẩm sinh. Trong nghiên cứu đó, chúng tôi chỉ ra rằng những người bị phơi nhiễm AO có nguy cơ sanh con dị tật bẩm sinh tăng gấp 2 lần so với người không bị phơi nhiễm. Bài báo đó có nhiều gian nan, vì một số tập san ở Mĩ không chịu công bố; cuối cùng tôi gởi cho một tập san bên Anh và người tổng biên tập đồng ý cho công bố.  

Một chương trình huấn luyện được thực hiện tại Đại học Y Dược TPHCM năm 2006

18/ Mang quốc tịch Australia, nhưng năm nào Ông cũng về Việt Nam và có những giúp đỡ cho đồng nghiệp trong nước. Xin Ông cho biết những hoạt động này?

NVT: Tôi rất quan tâm đến sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế và đã nhiều lần lên tiếng trên báo chí. Khoảng 15 năm trước, tôi có sáng kiến tổ chức các khoá học ngắn hạn (chừng 1 đến 2 tuần, gọi là “workshop”) cho các đồng nghiệp Việt Nam, mỗi workshop thu hút chừng 100-200 học viên trên mọi miền đất nước. Chủ đề các workshop thường là phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp soạn bài báo khoa học và y học thực chứng. Tôi đã làm như vậy suốt 15 năm qua với hàng trăm workshop và seminar lớn nhỏ, từ các tỉnh xa xôi ở miền Bắc đến miền Nam, tôi không nề hà để đến và chia sẻ kinh nghiệm.

Ngoài ra, tôi còn hợp tác nghiên cứu với nhiều đồng nghiệp từ các chuyên ngành khác. Cho đến nay, tôi đã hợp tác công bố hơn 50 bài báo khoa học cùng các bạn trong nước. Nếu không hợp tác, tôi giúp họ một cách gián tiếp và phía sau hậu trường để họ có thể công bố các công trình trên các tập san quốc tế.

19/ Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề Ông lo lắng nhất hiện nay là gì?

NVT: Có thể nói nền khoa học Việt Nam vẫn còn trong quá trình phát triển và xây dựng. Những nền khoa học trong giai đoạn này thường gặp phải những khó khăn về nhân sự, tài trợ và văn hoá xuất bản. Dù có một số nhà khoa học xuất sắc, nhưng nhìn chung nền khoa học VN vẫn thiếu những người thuộc hàng “leadership” tầm cỡ quốc tế. Một vấn đề lớn khác là vấn đề tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Nên nghĩ đến một cơ chế tài trợ sao cho công bằng và thu hút tất cả những nhà khoa học không phân biệt vùng miền và bằng cấp; miễn ai có ý tưởng hay và khả thi thì đáng được tài trợ. Vấn đề thứ ba là văn hoá xuất bản, vì hiện nay có khá nhiều nhà khoa học đang là nạn nhân của kĩ nghệ xuất bản dỏm, chẳng những tốn tiền mà còn ảnh hưởng đến uy tín của trường đại học.

20/ Ở Việt Nam, Ông hiện gắn bó với Trường ĐH Tôn Đức Thắng với vai trò Cố vấn cao cấp về nghiên cứu khoa học, Giám đốc Labo nghiên cứu xương và cơ. Ông có đánh giá gì về công tác đào tạo Đại học, việc nghiên cứu khoa học ở trường ĐH Tôn Đức Thắng nói riêng và các trường ĐH ở Việt Nam nói chung?

NVT: Tôi không có đủ dữ liệu và kinh nghiệm để nói các trường đại học khác, nhưng tôi có thể nói về ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), nơi tôi xem là một trường hợp khá đặc biệt. Trường ĐH Tôn Đức Thắng biết mình “còn trẻ”, nên đã xác định rằng để vươn lên thì phải tập trung vào nghiên cứu khoa học và duy trì chất lượng đào tạo cao. Tôi trong vai trò cố vấn đã tổ chức một buổi retreat để suy nghĩ về chiến lược phát triển, tập trung vào nghiên cứu khoa học và tôi hài lòng để nói rằng chiến lược đó vẫn đúng cho đến ngày nay. Một trong những chiến lược đó là nâng cao nghiên cứu khoa học, tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài và thường xuyên đánh giá năng suất khoa học. Tôi chủ trì hội đồng tuyển dụng các giáo sư, chuyên gia nước ngoài cho TDTU và đã tuyển được khá nhiều chuyên gia có tiếng về Trường để tham gia nghiên cứu.

Tôi đã gắn bó với TDTU hơn 6 năm trong nhiều vai trò. Trong thời gian đó tôi rất hài lòng về mối liên hệ giữa tôi và trường. Tôi được trao nhiệm vụ làm retreat và hiệu trưởng không hề can thiệp hay gợi ý gì cả; tôi có toàn quyền viết báo cáo theo cái nhìn của tôi. Hiệu trưởng chưa một lần can thiệp vào hội đồng bổ nhiệm giáo sư do tôi chủ trì. Hiệu trưởng chưa bao giờ can thiệp vào hội đồng chấm và trao giải thưởng do tôi chủ trì. Labo của tôi mua máy móc, thiết bị, tất cả đều 100% minh bạch. Có một đại diện công ti nói riêng với tôi là trong thương trường của anh ấy 20 năm qua, chưa bao giờ có trường hợp minh bạch như TDTU. Tôi thích cách làm việc như vậy.

21/ Ông là chủ trì Hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin cho các nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam. Đã có những nghiên cứu nào của VN được trao tặng giải thưởng này? Những giá trị ứng dụng từ các đề tài nghiên cứu này?

NVT: Giải thưởng Alexandre Yersin là một sáng kiến của Hiệp hội Y khoa Thuỵ Sĩ – Việt Nam (Swiss-Vietnamese Medical Association, hay HELVIETMED) nhằm ghi nhận những thành tựu khoa học xuất sắc của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Tôi được mời làm chủ trì Hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin. Hai năm trước, Giải thưởng đã được cấp cho 4 nhà khoa học sáng giá ở Sài Gòn, Hà Nội và Cần Thơ. Năm nay, chúng tôi đang nhận đơn và xét duyệt Giải thưởng lần thứ hai. Nghiên cứu của BS Vương Thị Ngọc Lan có thể làm thay đổi cách người ta xử lí phôi, nghiên cứu của BS Hà Tấn Đức giúp bác sĩ dự báo nguy cơ cho bệnh nhân cấp cứu nhanh hơn và tốt hơn. Nghiên cứu của BS Hồ Phạm Thục Lan giải quyết câu hỏi về yếu tố cơ hay mỡ có ảnh hưởng đến xương. Năm nay, chúng ta đang xem xét để trao giải cho các nhà khoa học với thành tích xuất sắc trong năm qua.

Giải thưởng ĐH Tôn Đức Thắng cũng là một hình thức vinh danh các nhà nghiên cứu có thành tựu trọn đời, nhà nghiên cứu đang lên và nhà khoa học nữ. Tuy nhiên, Giải thưởng ĐH Tôn Đức Thắng mở rộng cho tất cả nhà khoa học thế giới. Tôi cũng được mời chủ trì Hội đồng giải này với các đồng nghiệp nước ngoài. Hai năm trước, chúng tôi chọn được 3 nhà khoa học từ Việt Nam, Hồng Kong và Canada để trao giải thưởng. Năm nay giải thưởng sẽ được trao cho 3 nhà khoa học từ Hong Kong, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, buổi lễ sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2019.

22/ Đồng thời, Ông cũng là người phụ trách biên tập cho một số tập san uy tín trên thế giới. Các vấn đề được đánh giá cao trong các tạp chí này là gì, thưa Ông? 

NVT: Tôi phụ trách biên tập (editor) cho vài tập san y khoa quốc tế và mỗi tập san tôi có nhiệm kì 3 hay 5 năm. Hiện nay, tôi là Associate Editor (Phó tổng biên tập) cho Journal of Bone and Mineral Research (JBMR), được xem là số 1 trong chuyên ngành xương. Tôi xem việc được bổ nhiệm vào hội đồng biên tập của JBMR là một vinh dự và một cơ hội để đóng góp cho chuyên ngành. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách các nghiên cứu liên quan đến lâm sàng, dịch tễ học và di truyền học. Cũng như các tập san khoa học khác, JBMR đặt nặng tiêu chuẩn nguyên thuỷ (originality) và phương pháp nghiên cứu để chọn các bài báo để chuyển tải đến cộng đồng khoa học. Từ ngày được bổ nhiệm, tôi tích cực thuyết phục hội đồng biên tập thay đổi đường lối và định hướng của tập san sao cho nó tốt hơn trong tương lai.

Cùng Hồ Lê Phương Thảo nhân ngày lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Đại học Công nghệ Sydney

23/ Ở phần trên, Giáo sư nhắc đến Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, xin Giáo sư nói một chút về vị bác sĩ này và các học trò?

NVT: Tôi rất may mắn có những người học trò tuyệt vời. Kể ra thì nhiều lắm, nhưng tôi phải kể đến ba người đặc biệt trong sự nghiệp của tôi và labo tôi. Người thứ nhất là BS Nguyễn Đình Nguyên (đã tốt nghiệp tiến sĩ hơn 10 năm trước), người đã miệt mài làm với tôi và cho ra đời công trình về đánh giá gãy xương mà cả thế giới sử dụng. Nguyên là một người Việt tiêu biểu: ham học và quyết chí. Sau Nguyên là Trần Hoàng Ngọc Bích (tốt nghiệp tiến sĩ cũng đã 10 năm). Nếu Nguyên đem đến cái lâm sàng tính, thì Bích đem đến lab cái kĩ năng về di truyền học và cũng có thể xem là một sinh viên Việt tiêu biểu: chịu khó học hành và có ý chí độc lập. Trước đó, chúng tôi cũng đã có nhiều công trình về gen, với ý tưởng “genetic profiling” là đến từ lúc Bích còn làm nghiên cứu sinh. Rồi sau này, mỗi nghiên cứu sinh đem đến một cái mới và sau cùng là Hồ Lê Phương Thảo (tốt nghiệp năm 2018) mở ra một khía cạnh mới về genetic profiling trong tiên lượng gãy xương. Tôi kể đến 3 nghiên cứu sinh này vì mỗi người đại diện cho một “thời đại” của labo, và ba người này đem về cho labo tổng cộng hơn 15 giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều giải thưởng đến nỗi có người hỏi tôi “bí quyết nào?”!

24/ Được biết Ông từng đào tạo 5 tiến sĩ cho Việt Nam và 10 tiến sĩ ở nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về trình độ, khả năng nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh trong nước so với nước ngoài?

NVT: Một số trường đại học Việt Nam không cho tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhưng ở những nơi tôi có quyền hướng dẫn thì qua kinh nghiệm với các em trong nước, tôi thấy các nghiên cứu sinh trong nước cũng chẳng kém gì, nếu không muốn nói là trội hơn, so với nghiên cứu người nước ngoài. Dĩ nhiên, tôi không dám nói người Việt chúng ta thông minh hay tài giỏi hơn ai, nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy các nghiên cứu sinh gốc Việt chẳng kém ai.

Tôi hướng dẫn cho nghiên cứu sinh ở trong nước và họ có công bố quốc tế y như nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Không còn nghi ngờ gì nữa: nghiên cứu sinh Việt Nam có khả năng khoa học tương đối tốt, nhưng cần phải đặt trong môi trường thuận tiện thì mới phát huy được.

25/ Được xem là một nhà khoa học thuộc nhóm “top tier” trong y học thế giới, Ông đã dành thời gian cho công việc và cuộc sống như thế nào, thưa Giáo Sư?

NVT: Tôi có lẽ dành quá nhiều thì giờ cho khoa học hơn là cho gia đình hay cá nhân. Ngoài những công việc ở trường, viện, tôi còn bỏ ra khá nhiều thì giờ cho công việc biên tập và bình duyệt các tập san khoa học. Đó là chưa kể những việc làm ở Việt Nam và vài nơi khác ở Á châu. Những việc đó toàn làm ngoài giờ làm việc. Đó là cái giá mình phải trả cho việc dấn thân vào khoa học.

Xin cám ơn Giáo Sư đã dành cho độc giả Tạp chí Sức khỏe cuộc Trò chuyện này!

Làm thế nào để nhận dạng một tập san khoa học dỏm?

Một trong những khủng hoảng khoa học ngày nay là vấn nạn tập san dỏm (dịch nôm na từ ‘predatory journal’). Trong kì xét duyệt công nhận giáo sư vừa qua, một số phóng viên đã nêu vấn đề tập san dỏm làm ảnh hưởng đến quyết định của hội đồng GSNN. Nhưng câu hỏi căn bản vẫn là làm sao nhận ra một tập san dỏm. Cái note này xin chia sẻ vài đặc điểm tập san dỏm (1).

Sự ra đời của tập san dỏm

Kĩ nghệ công bố khoa học gần như không thay đổi trong 300 năm qua. Trong cái kĩ nghệ đó, nhà khoa học nộp bản thảo bài báo khoa học; bài báo sẽ qua một quá trình bình duyệt của đồng nghiệp (thường là nặc danh); dựa vào bình duyệt, ban biên tập sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Nếu được chấp nhận cho công bố, tác giả phải trả tiền ấn phí. Tiền ấn phí có thể dao động trong khoảng 500 đến 5000 USD. Tập san càng nổi tiếng (như Nature, Science), ấn phí càng cao. Cái qui trình đó vẫn được duy trì từ ngày Royal Society công bố bài peer-reviewed đầu tiên cho đến ngày hôm nay đã hơn 300 năm.

Trong cái qui trình đó, nhà xuất bản là người hưởng lợi. Nhà xuất bản có rất nhiều tập san. Ngay cả các hiệp hội chuyên môn cũng nhờ nhà xuất bản quản lí việc ấn bản và phân phối tập san. Mỗi tập san có một ban biên tập, và thành viên ban biên tập thường là những nhà khoa học có tiếng trong chuyên ngành. Nhà xuất bản không trả lương cho ban biên tập, không trả phí cho các chuyên gia bình duyệt. Nhà xuất bản yêu cầu tác giả làm đúng theo format mà họ yêu cầu. Ấy vậy mà khi bài báo được công bố, nhà xuất bản lấy tiền ấn phí của nhà khoa học. Chẳng những ấn phí, mà nhà xuất bản còn kinh doanh bài báo khoa học; nếu ai muốn đọc bài báo đó, họ phải trả tiền (chừng 30-50 USD một bài). Nói cách khác, nhà xuất bản chỉ ‘ngồi một chỗ’, nhờ vào website, và nhờ người khác làm việc cho họ … miễn phí. Do đó, không ngạc nhiên khi người ta phân tích cho thấy tỉ lệ lợi nhuận của kĩ nghệ xuất bản còn cao hơn cả các công ti như Apple và Microsoft!

Cái mô hình kinh doanh đó trong thời đại internet đã làm cho nhiều người … thèm thuồng. Bạn chỉ cần mở một website, và dùng website đó tạo ra hàng trăm tập san, rồi kêu gọi các nhà khoa học nộp bài báo, và bạn chẳng cần phải bình duyệt hay bình duyệt qua loa, rồi công bố, và lấy phí. Bạn làm y chang như Springer và Elsevier làm. Họ có thương hiệu, còn bạn thì … chưa. Thay vì lấy ấn phí 1000 USD một bài, bạn chỉ lấy 200 USD một bài. Bạn cũng làm lời lớn.

Tình huống vừa mô tả trên không phải là tưởng tượng, mà đã trở thành thực tế. Thật vậy, trong thực tế đã có hàng ngàn nhà xuất bản sử dụng internet để kinh doanh như thế. Tính đến năm 2015, số trạm xuất bản trên thế giới là 996, và họ xuất bản 11,800 ‘journals’. Số bài báo các tập san này xuất bản lên đến 420,000 mỗi năm, tức là gần bằng số bài báo trên các tập san chánh thống! Đa số các trạm xuất bản này là từ Ấn Độ, Phi châu, Trung Đông, nhưng cũng có khoảng 10% xuất phát từ Mĩ. Trong giới khoa học, người ta gọi đó là kĩ nghệ xuất bản dỏm (predatory publishing), và các tập san mà họ xuất bản có tên là “predatory journal”. Chữ ‘predatory’ dĩ nhiên dùng hình tượng con cá mập tìm con mồi.

Cái motif kinh doanh của các tập san dỏm này đúng như con cá mập. Mỗi ngày, họ gởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, email đến các tác giả để tìm bài. Cá nhân tôi mỗi ngày nhận 20-30 email như vậy, và hệ thống sàng lọc email của đại học phải gíup lọc ra. Nhìn qua email của họ, nếu có chút kinh nghiệm, rất dễ nhận ra. Họ thường có những cách viết rất mất lịch sự kiểu như “Dear Tuan Van Nguyen”, cách viết thì format vuông vắn, có khi có nhiều sai sót về văn phạm tiếng Anh hay cách dùng chữ ‘non-standard’. Chỉ cần nộp cho họ là tác giả không thể nào rút ra được, vì họ bằng mọi giá sẽ bám theo tác giả cho đến khi họ moi được tiền từ tác giả. Những email loại đó chẳng khác gì con cá mập đi tìm mồi.

Rất nhiều nhà khoa học là ‘con mồi’ (hay nạn nhân) của tập san dỏm. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn người. Tuy đa số những nạn nhân này là từ các nước đang phát triển (như Việt Nam), nhưng cũng có một số ít từ các nước tiên tiến như Úc, Anh, Mĩ, Canada, Pháp, Đức, v.v. Theo một thống kê thì chỉ tính riêng ở Đức đã có khoảng 5000 nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm (2). Không ai biết có bao nhiêu nhà khoa học Việt Nam đã là nạn nhân của kĩ nghệ xuất bản dỏm, nhưng chỉ cần xem qua nhóm OMICS (một trạm dỏm khét tiếng dỏm ở Ấn Độ bị chánh phủ Mĩ kiện ra tòa) thì con số là hàng trăm người.

Một ví dụ về email của các trạm xuất bản dỏm. Cách viết email lôm côm, cách xưng hô mất lịch sự, và cách viết theo công thức hộp. Tất cả nói lên tín hiệu tập san dỏm

Tác động của kĩ nghệ xuất bản dỏm

Kĩ nghệ xuất bản dỏm và sản phẩm của nó gây tác hại lớn đến khoa học. Như mô tả trên, kĩ nghệ xuất bản dỏm không quan tâm đến phẩm chất khoa học, chẳng để ý đến chuẩn mực về học thuật. Nói nôm na là cái gì họ cũng công bố. Các bạn có thể nộp một bài hoàn toàn vô nghĩa (nhờ một phần mềm nào đó viết) và tiếng Anh thì sai từ đầu chí cuối, chắc chắn một tập san dỏm sẽ công bố (3). Chất lượng khoa học không phải là điều họ quan tâm, và chính vì những tình trạng này mà kĩ nghệ xuất bản dỏm đã gây ra một sự khủng hoảng về niềm tin khoa học ở công chúng.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhứt là những bài có dáng vẻ nghiên cứu khoa học được kĩ nghệ xuất bản dỏm công bố. Đó là những nghiên cứu không đạt các chuẩn mực khoa học (nói thẳng ra là sai, hoàn toàn chẳng có giá trị gì cả) và được viết bằng tiếng Anh. Những bài loại này chiếm đa số trong kĩ nghệ xuất bản dỏm. Đối với người ngoài khoa học, hay người làm khoa học mà không phải trong chuyên ngành, người ta rất dễ bị ngộ nhận đó là những bài chánh thống. Đã có những nhóm ‘activists’ sử dụng các bài khoa học dỏm như thế để chống lại việc tiêm chủng ngừa trẻ em. Đã có không ít người dùng các nghiên cứu dỏm đó trên truyền thông xã hội để biện minh cho một thuật điều trị hoàn toàn phi chánh thống (4). Do đó, tác động của kĩ nghệ xuất bản dỏm là rất lớn, và công chúng cần phải biết.

Ở Việt Nam đã có nhiều đồng nghiệp công bố trên các tập san dỏm. Chẳng những thế, đã có người dùng các bài báo trên các tập san dỏm đó để xin được xét duyệt chức danh giáo sư / phó giáo sư. Và, trong kì xét duyện giáo sư vừa qua, đã có vài trường hợp dùng bài báo trên tập san dỏm và họ được công nhận chức danh giáo sư / phó giáo sư. Do đó, kĩ nghệ xuất bản dỏm đã về đến Việt Nam và đã làm ảnh hưởng xấu đến khoa học Việt Nam. Ở bên Tàu, giới khoa học rất quan tâm đến vấn nạn tập san dỏm và các nhà chức trách đã có những biện pháp quyết liệt loại bỏ tập san dỏm (5). Nhưng ở Việt Nam chúng ta hay chê Tàu, nhưng các nhà chức trách Việt Nam chưa có những biện pháp mạnh như bên Tàu.

Làm sao nhận dạng tập san dỏm?

Quay lại câu hỏi yếu tố gì để nhận dạng đó là một tập san dỏm. Phân biệt tập san chánh thống và tập san dỏm không hề dễ dàng, nếu không phải là người trong chuyên ngành. Thật ra, ngay cả người trong chuyên ngành nhưng nếu kém kinh nghiệm xuất bản khoa học vẫn bị lầm như thường. Dưới đây là vài tín hiệu quan trọng để các bạn có thể nhận dạng tập san dỏm:

1. Tập san không có một hiệp hội chuyên môn là cơ quan chủ quản

Các tập san chánh thống đều có cơ quan chủ quản là một hiệp hội chuyên ngành. Chẳng hạn như JAMA là của hiệp hội y khoa Mĩ, JBMR là của hiệp hội loãng xương Hoa Kì. Có thể nói 100% các tập san dỏm dùng internet làm ‘nhà xuất bản’, nên họ không có hiệp hội nào là chủ quản cả. Có khi chỉ một cá nhân cũng có thể làm được một tập san dỏm.

2. Tên tập san chung chung hay nhái theo tâp san chính thống

Ngoại trừ các tập san đa ngành (như Science, Nature, PNAS), đa số các tập san chánh thống có những tên rất chuyên biệt và dễ nhận ra. Chẳng hạn như Osteoporosis International hay Archives of Osteoporosis hay Bone là ai cũng biết đó là tập san của ‘bộ lạc’ chuyên về xương. Nhưng các tập san dỏm thì rất bao quát như “Journal of Engineering and Medicine”, vì họ muốn thu tóm các bài báo liên quan đến cả y khoa và kĩ thuật. Ngoài ra, họ thường có những ngôn từ rất ‘đao to búa lớn’ và cố gắng nhái tập san thật. Chẳng hạn như tập san chính thống là “Journal of Biological Chemistry” thì họ nhái là “Journal of Biological Sciences”!

3. Không có trong danh mục ISI/Clarivate

Hầu hết các tập san chánh thống đều có trong danh mục ISI/Clarivate. Để được có tên trong danh mục này, tập san phải đạt một số tiêu chuẩn về học thuật, do đó có tên trong danh mục ISI/Clarivate là một (chỉ 1 thôi) tín hiệu của ‘chánh thống’. Thỉnh thoảng cũng có tập san được đưa vào danh mục ISI/Clarivate, nhưng sau đó thì bị loại ra vì cách làm việc gian dối (như cố tình nâng cao citation).

Tuyệt đại đa số các tập san dỏm không có trong danh mục ISI (danh mục này có khoảng 12,000 tập sa). Các thư viện quốc tế như Medline cũng không chấp nhận tập san dỏm. Tuy nhiên, một số tập san dỏm len lỏi vào Scopus (vốn là một cơ sở kinh doanh). Do đó, trái lại với nhiều người nghĩ rằng những tập san có trong danh mục Scopus là chánh thống, nhưng đó là một sai lầm. Rất nhiều tập san trong nhóm Q3 và Q4 của Scopus được xem là dỏm hay “gần dỏm”. Nhà khoa học có kinh nghiệm không bao giờ chọn những tập san trong nhóm Q3 hay Q4 của Scopus.

4. Ban biên tập và tổng biên tập không có thành tích khoa học tốt

Tập san chánh thống có ban biên tập nghiêm chỉnh. Ban biên tập thường là những nhà khoa học có tiếng trong chuyên ngành, họ được mời phục vụ, và nhiệm kì thường 3 đến 5 năm. Tổng biên tập của tập san chánh thống thường là người danh tiếng trong chuyên ngành mà đọc tên thì ai trong chuyên ngành cũng biết. Họ thường xuất phát từ những đại học và viện nghiên cứu có tiếng trên thế giới.

Còn các tập san dỏm thì ban biên tập rất … lôm côm. Họ có những người chẳng có thành tích khoa học nào, hay những người chỉ công bố trên tập san dỏm. Họ thường là những người đến từ các đại học bên Ấn Độ, Phi châu, Trung Đông, hay Mĩ mà ít ai biết đến. Có khi họ ghi tên sinh viên vào ban biên tập! Lại có khi họ ghi tên những nhà khoa học chánh thống và có uy tín vào ban biên tập mà những nhà khoa học này không hề hay biết. Có hay biết và yêu cầu họ rút xuống, các tập san dỏm cũng không chịu rút xuống!

5. Bài báo kém chất lượng

Các tập san chánh thống có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh, nên những bài báo họ công bố thường có phẩm chất khoa học tốt. Tập san càng danh tiếng (qua IF) thì phẩm chất khoa học càng cao. Dĩ nhiên, cũng có những bài kém chất lượng, thậm chí sai, nhưng nhìn chung thì tuyệt đại đa số các bài trên tập san chánh thống là tốt. Thường, thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố dao động từ 6 đến 12 tháng.

Như nói trên, bài báo từ các tập san dỏm không có cơ chế bình duyệt (hay có nhưng không nghiêm chỉnh), nên bài báo rất kém phẩm chất. Những bài báo bị các tập san chánh thống từ chối thường được tập san dỏm công bố. Tập san dỏm có thể nói là những thùng rác khoa học. Nói thẳng ra là tuyệt đại đa số bài báo trên tập san dỏm không có giá trị khoa học, và không nhà khoa học chánh thống nào trích dẫn từ mấy bài trên tập san dỏm. Với các tập san dỏm, thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố dao động từ 5 đến 12 ngày.

6. Tiếng Anh sai nhiều

Các tập san chánh thống có các chuyên gia biên tập kiểm tra tiếng Anh của tác giả. Do đó, tuyệt đại đa số các bài báo công bố trên tập san chánh thống có chuẩn mực tiếng Anh tốt. Còn các tập san dỏm thì không có ai chỉnh sửa tiếng Anh, nên hầu như bài báo nào trên tập san dỏm cũng đều chứa nhiều sai sót về tiếng Anh. Có những bài báo trên tập san dỏm sai tiếng Anh từ trang đầu đến trang cuối!

***

Trên đây là vài dấu hiệu để các bạn có thể nhận dạng tập san dỏm. Các dấu hiệu này có thể chưa đầy đủ, vì các tập san dỏm biến hóa khôn lường. Cách tốt nhứt là các bạn hỏi một đồng nghiệp có kinh nghiệm về công bố quốc tế (phải có kinh nghiệm dày dặn nhé) để phân biệt giữ tập san chánh thống và tập san dỏm (6). Các hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư cũng cần phải biết cách phân biệt tập san chánh thống và tập san dỏm để tránh những những quyết định sai lầm ảnh hưởng đến sự nghiệp của nhà khoa học.

=====

(1) Cần phải phân biệt ‘tạp chí’ và ‘tập san’. Ở Việt Nam, người ta dùng chữ ‘tạp chí’ một cách không đúng. Tạp chí là “Magazine’, còn tập san là ‘Journal’. Các ấn phẩm như The Scientist, American Scientist, Asian Scientist, Discover, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, v.v. là tạp chí. Còn tập san thì ‘formal’ hơn, hiểu theo nghĩa có ban biên tập và bài vở phải qua bình duyệt nghiêm chỉnh. Chúng ta đang nói về tập san, không phải tạp chí.

(2) https://www.the-scientist.com/news-opinion/german-scientists-frequently-publish-in-predatory-journals-64518

(3) Vài năm trước, có một nhà khoa học bực mình vì bị làm phiền bởi kĩ nghệ xuất bản dỏm, anh ấy viết một bài báo với tựa đề “Get me off your fucking mailing list”, và anh ấy lặp lại câu đó 863 lần suốt cả 8 trang giấy. ‘Bài báo’ được gởi cho tập san ‘International Journal of Advanced Computer Technology’, và họ … xuất bản. Lí do đơn giản là kĩ nghệ xuất bản dỏm không quan tâm đến nội dung; họ chỉ quan tâm đến túi tiền của các bạn.

(4) https://hospitalnews.com/when-journals-are-driven-by-profit-not-evidence/

(5) https://www.nature.com/articles/d41586-018-07033-5

(6) Tham khảo thêm 2 bài dưới đây:

http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nhung-thuoc-do-dedanh-gia-tap-san-khoa-hoc/20180427081415911p1c160.htm

https://tuoitre.vn/tap-san-khoa-hoc-dom-va-nhung-van-nan-1429086.htm

Năng suất khoa học của các ứng viên giáo sư

Kì xét duyệt công nhận chức danh giáo sư vừa qua đã để lại vài dư âm về năng suất khoa học của các ứng viên (và cả những thành viên trong hội đồng xét duyệt). Câu hỏi đặt ra là công bố khoa học của các ứng viên ra sao, và so sánh với nước ngoài hay trong nước như thế nào. Cái note này sẽ trả lời một phần câu hỏi đó, và các bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên … Dựa vào phân tích này tôi đưa ra 9 đề nghị.

1. Các ứng viên giáo sư Nhà nước

Rất khó có con số chính xác về công bố khoa học quốc tế của các ứng viên. Lí do đơn giản là vì họ liệt kê danh sách bài báo lẫn lộn giữa bài báo trên các tập san chánh thống, tập san dỏm, tập san gần dỏm, tập san tiếng Anh nhưng đáng ngờ, thậm chí cả hội nghị. Có người liệt kê cả những bài báo mà họ không phải là tác giả!

Để có một vài con số khả tín, một bạn ở Cần Thơ đã chịu khó sưu tầm danh sách bài báo khoa học của các ứng viên ngành y. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào danh sách bài báo trên các tập san trong danh mục chủ yếu là Clarivate và Scopus. Các bài báo công bố trên các tập san trong nước không được tính ở đây. Kết quả phân tích (rất sơ bộ) dữ liệu trong danh sách này là như sau:

• Ở cấp giáo sư, chỉ tính ngành y, số bài báo khoa học tính trung bình [median] là 15. Nhưng số bài báo của mỗi ứng viên dao động rất lớn, từ 3 đến 159 bài. Đa số (hơn 80%) trong số những bài này ứng viên không phải là tác giả chánh.

• Ở cấp phó giáo sư, chỉ tính riêng cho ngành y, số bài báo trung bình là 18. Nhưng độ dao động cũng rất cao giữa các ứng viên, có người không có bài nào, nhưng cũng có người là tác giả của 80 bài. Đa số các bài báo này, ứng viên không phải là tác giả chánh.

• Về tần số trích dẫn thì các ứng viên cấp giáo sư có chỉ số trích dẫn trung bình chỉ 15 (chủ yếu nhờ vào 1 giáo sư có nhiều trích dẫn từ các bài báo hợp tác quốc tế), nhưng cấp phó giáo sư thì chỉ số này lên đến 33. Người có trích dẫn cao nhứt là PGS Trần Tuyết Hạnh (ĐH Y tế Công cộng Hà Nội). Ở cấp giáo sư, người có nhiều trích dẫn là GS Hoàng Văn Minh. (Tuy nhiên, số liệu này chưa đầy đủ vì các ứng viên cung cấp thông tin rất rời rạc).

Những con số trên nói lên một xu hướng rất nghịch lí: ứng viên cấp phó giáo sư có năng suất khoa học cao hơn các ứng viên cấp giáo sư! Ngay cả tính bằng chỉ số trích dẫn, các phó giáo sư cũng cao hơn các giáo sư.

Một điều rất thú vị khác là đa số (76%) các bài báo chỉ được công bố trong thời gian 2017 – 2018! Có vài ứng viên, gần 95% bài báo chỉ trong vòng hai năm 2018 – 2019!

2. Ứng viên giáo sư nước ngoài

Có lẽ nhiều bạn muốn biết so với các ứng viên giáo sư nước ngoài thì sao? Nhưng câu trả lời thì không hề đơn giản. Thật ra, ở nước ngoài (cụ thể là Úc và Mĩ, nơi tôi biết chút chút) không có qui định ứng viên phải công bố bao nhiêu bài báo để được đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Lí do đơn giản là số lượng không quan trọng; phẩm chất khoa học mới quan trọng. Khi nói đến công bố khoa học (ở Việt Nam người ta quen nói ‘công bố quốc tế’) thật ra là nói đến 3 chỉ số chánh: (i) số bài báo công bố trên các tập san ISI; (ii) số lần những bài báo đó được trích dẫn; và (iii) chỉ số H.

Do đó, tìm những chỉ số này cho các chức vụ giáo sư không dễ, vì như nói trên, không trường đại học nào công bố con số cụ thể cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem qua báo cáo của khoa y thuộc Đại học Johns Hopkins (Mĩ) để biết vài con số cụ thể. Theo báo cáo này, ở thời điểm những người được bổ nhiệm/đề bạt chức vụ giáo sư (full professor):

• Số bài báo khoa học đã công bố: 68, với 32 bài là tác giả chánh;

• Số lần trích dẫn (tính trung bình): 2974 (1431 là những bài tác giả chánh);

• Chỉ số H (trung bình): 25.

Ở một đại học trong nhóm G8 của Úc, hai năm trước đây có một báo cáo về những chỉ số công bố khoa học cho ba nhóm giảng viên và giáo sư thuộc ngành y là như sau (đây là báo cáo nội bộ nên họ không công bố ra ngoài):

• Cấp Senior Lecturer (tương đương với Associate Professor ở Mĩ): số bài báo trung bình là 35 (min-max: 23 – 120); số trích dẫn 710, cao gấp 2.5 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H: 15.

• Cấp Associate Professor: số bài báo trung bình là 70 (32 – 72); số trích dẫn 1861, cao gấp 2.4 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H là 23.

• Cấp Professor: số bài báo trung bình là 120 (52 – 141); số trích dẫn 4512, cao gấp 3.4 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H trung bình là 33.

3. Đại học Tôn Đức Thắng

Một số bạn thắc mắc: còn ĐH Tôn Đức Thắng thì sao? Trường có qui định bổ nhiệm giáo sư từ năm 2017. Tính đến nay Trường đã bổ nhiệm được 15 Assistant Professor, 7 Associate Professor, và 3 Full Professor. Ở thời điểm họ được bổ nhiệm, các chỉ số công bố khoa học như sau:

• Cấp Assistant Professor: số bài báo trung bình là 16 (min-max: 4 – 40); số trích dẫn trung bình 147; chỉ số H là 6.

• Cấp Associate Professor: số bài báo trung bình là 28 (8 – 48); số trích dẫn 230; chỉ số H là 8.

• Cấp Professor: số bài báo trung bình là 102 (32 – 200); số trích dẫn 5898; chỉ số H trung bình là 39.

4. Nhận xét

Như có thể thấy, các ứng viên được HĐGSNN công nhận chức danh giáo sư năm nay, ngoại trừ 2 ca ‘outliers’ (ngoại hạng), số còn lại có năng suất khoa học rất khiêm tốn so với ngoài Nhà nước (ĐH Tôn Đức Thắng) và nước ngoài. Thật ra, năng suất khoa học của 3 cấp giáo sư của TĐT không hề kém, thậm chí cao hơn, năng suất khoa học của một số trường hàng đầu của Úc và Mĩ. Bảng dưới đây tóm tắt một số chỉ số quan trọng cho 3 nhóm giáo sư để tham khảo.

Đáng chú ý là tần số trích dẫn còn quá thấp. Tính trung bình, chỉ số trích dẫn chỉ 15 (cấp giáo sư, nếu tính ‘outier’ thì 26) và 33 (cấp phó giáo sư). Một lí do chánh là đa số những bài báo của các ứng viên giáo sư được công bố trong 2 năm 2017 và 2018, nên chưa đủ thời gian để thu hút chú ý. Sự thật đó (đa số công bố trong 2017-2018, và công bố không có định hướng) có thể nói lên xu hướng ‘đối phó’ cho có đủ bài, hơn là có một chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn.

Nhưng điểm thú vị nhứt trong phân tích này là các ứng viên phó giáo sư có năng suất khoa học cao hơn các ứng viên giáo sư. Đó là một nghịch lí. Nghịch lí này có lẽ nói lên rằng tiêu chuẩn để công nhận hai chức danh giáo sư có vấn đề. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng đó là con số trong ngành y; tôi chưa xem qua các chuyên ngành khác, nên chưa thể khái quát hoá cho các chuyên ngành khác.

5. Bảy vấn đề

Đọc qua hồ sơ của các ứng viên, tôi thấy dường như hơi đơn giản. Qui định chỉ cần trình bày vài dòng lí lịch, 5 bài báo tiêu biểu, danh sách bài báo trong và ngoài nước. Danh sách bài báo thì được trình bày rất ư là … phản khoa học (sẽ nói thêm và đề nghị dưới đây (1)). Nhưng ở đây, tôi nhận ra 7 vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và các thước đo đánh giá. Viết ra đầy đủ thì cần đến chục trang giấy, nhưng tôi chỉ tóm tắt ý chánh như sau:

Vấn đề 1: Tiêu chuẩn quá ư là định lượng, nhưng thấp. Tiêu chuẩn 2-5 bài báo ‘quốc tế’ là quá định lượng và quá thấp. Như chúng ta thấy, đa số ứng viên đều dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn này. Ở nước ngoài, chẳng ai quan tâm đề ra con số bài báo cụ thể cho mỗi cấp giáo sư. Vả lại, một giáo sư mà lí lịch chỉ số 2-5 bài báo thì rất khó coi với đồng nghiệp quốc tế.

Vấn đề 2: Cách đánh giá tập san quốc tế không hợp lí. Cách đánh giá (cho điểm) tập san quốc tế hiện nay là ‘cá mè một lứa’. Cách đánh giá này vô cùng phản khoa học. Không thể nào xem New England Journal of Medicine bằng một tập san địa phương được. Tiêu chuẩn này rất dễ bị lạm dụng. Trong thực tế, có ứng viên công bố một loạt 7 bài trên một tập san địa phương ở bên Nam Âu Châu! Lại có ứng viên công bố trên tập san dỏm hay gần dỏm, mà hội đồng vẫn xem là ‘công bố khoa học’ chánh thống!

Vấn đề 3: Không có đánh giá tác động. Năng suất khoa học là một yếu tố, nhưng yếu tố còn quan trọng hơn năng suất là tác động. Tác động đến tri thức khoa học, tác động đến xã hội, tác động đến kinh tế. Một ứng viên có thể công bố hàng chục bài báo nhưng qua 5 năm mà có 0 trích dẫn thì 5 bài báo đó coi như là zero. Nghiên cứu và công bố nhiều mà không có ứng dụng thì chỉ làm đẹp lí lịch mà thôi. Nghiên cứu cơ bản mà không dẫn đến RCT thì cũng coi như là tác động thấp. Không đánh giá tác động một cách nghiêm chỉnh theo tôi là một khiếm khuyết — nếu không muốn nói là sai lầm — lớn.

Vấn đề 4: Qui đổi thiếu tính khoa học. Có qui định về qui đổi từ sách sang điểm bài báo, hay hướng dẫn sinh viên sau đại học, nhưng chẳng có cơ sở khoa học nào cho sự qui đổi đó cả. Nghiên cứu khoa học phải được và nên đánh giá qua công bố quốc tế trên các tập san có bình duyệt, chớ không phải dùng các con số khác để qui đổi sang nghiên cứu khoa học.

Vấn đề 5: Không đánh giá sự độc lập và ‘leadership’. Đa số các bài báo ứng viên liệt kê đều là do hợp tác với nước ngoài, mà ứng viên không phải là tác giả chánh. Có những bài báo không nằm trong chơng trình nghiên cứu của ứng viên. Điều này nói lên ứng viên chưa chứng minh được vai trò lãnh đạo trong khoa học, và cũng chưa chứng minh được sự độc lập của mình. Tuy nhiên, HĐGSNN thì không có tiêu chuẩn nào hay thước đo nào để đánh giá khả năng lãnh đạo khoa học của ứng viên.

Vấn đề 6: Không đánh giá về ‘recognition’. Công bố khoa học chỉ là một yếu tố (có thể quan trọng), nhưng quan trọng hơn là ứng viên có được đồng nghiệp quốc tế công nhận — tiếng Anh gọi là ‘recognition’. Công nhận qua các giải thưởng quốc tế và quốc gia, qua lời mời giảng chánh, phục vụ trong ban biên tập của các tập san quan trọng, hay phục vụ trong các hiệp hội chuyên ngành quốc tế.

Vấn đề 7: Không có bình duyệt từ các giáo sư nước ngoài. Hiện nay, qui trình đánh giá chủ yếu là nội bộ trong nước. Nội bộ đánh giá là hợp lí, nhưng quan trọng hơn là cần phải có bình duyệt từ các đồng nghiệp nước ngoài. Các giáo sư được bổ nhiệm là ‘bộ mặt’ của trường đại học, của quốc gia, họ cần phải có một sự ‘visibility’ khả kính trong cộng đồng quốc tế. Nếu không có bình duyệt từ đồng nghiệp quốc tế thì đó là một thiệt thòi cho các ứng viên.

6. Chín đề nghị

Nêu ra vấn đề trên cũng là đề nghị vậy. Tôi đề ghị 9 điểm cụ thể như sau:

Đề nghị 1: Nâng cao tiêu chuẩn số bài báo, nhưng không xem đó là tiêu chuẩn cứng, mà là tiêu chuẩn tối thiểu. Chẳng hạn như lấy tiêu chuẩn của ĐH Tôn Đức Thắng cấp Assistant Professor phải có ít nhứt 10 bài, Associate Professor ít nhứt 20, và cấp Professor ít nhứt 50, với 50% là tác giả chánh.

Đề nghị 2: Đánh giá lại uy tín tập san qua các chỉ số định lượng như hệ số tác động (IF) của tập san, các chỉ số do altmetric đề ra. Tôi nghĩ không cần phải tính các tập san trong nước, vì rất khó so sánh tập san trong nước với các tập san nước ngoài do cơ chế bình duyệt và cơ cấu hội đồng biên tập quá khác nhau.

Đề nghị 3: Thêm tiêu chuẩn về tác động, phản ảnh qua chỉ số trích dẫn (trong danh mục Clarivate/ISI), chỉ số altmetric, và ứng dụng trong thực tế với chứng cứ rõ ràng. Ở các nước như Úc, Anh, Mĩ, Canada, v.v. các hội đồng bổ nhiệm rất quan tâm đến tác động của nghiên cứu khoa học, chứ họ chẳng mấy quan tâm đến con số bài báo khoa học.

Đề nghị 4: Nên bỏ qui định về qui đổi điểm các hoạt động khác sang bài báo khoa học. Cách qui đổi đó chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai lãnh vực khác nhau, không thể và không bao giờ có một công thức qui đổi chính xác và thuyết phục.

Đề nghị 5: Đưa vào tiêu chuẩn về lãnh đạo và độc lập. Tránh đề bạt những người không có chương trình nghiên cứu cụ thể mà chỉ là ‘lính thuỷ đánh bộ’ vào chức vụ khoa bảng. Giáo sư không chỉ là một danh xưng, hay chỉ là người ‘sản xuất’ ra bài báo khoa học, mà phải là một người lãnh đạo khoa học. Do đó, tiêu chuẩn lãnh đạo rất cần thiết.

Đề nghị 6: Phải thêm tiêu chuẩn về ‘tầm vóc’ như mô tả trên. Cần phải hỏi giáo sư về tầm nhìn (vision) của họ là sẽ đóng góp gì cho Việt Nam và cho thế giới. Nên nhớ rằng các giáo sư là bộ mặt của trường và của Việt Nam, nên họ cần phải có một uy danh nhất định trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Đề nghị 7: Tất cả hồ sơ nên được bình duyệt bởi ít nhất 2 giáo sư nước ngoài. Ở Đại học Tôn Đức Thắng, tất cả hồ sơ đều được gửi ra nước ngoài bình duyệt, thường là 2 đến 3 giáo sư từ các trường ‘top 200’ trên thế giới. Không có một hội đồng nào có thể đánh giá ứng viên chính xác hơn đồng nghiệp của họ. Do đó, có bình duyệt độc lập từ ngoài là rất quan trọng.

Đề nghị 8: Cái này hơi nhỏ, nhưng quan trọng. Đó là ra qui định mới về cách trình bày danh sách bài báo khoa học như giải thích dưới đây (1).

Đề nghị 9: Nên có 2 ngạch giáo sư: giảng dạy và nghiên cứu. Những người giảng dạy mà không hay ít làm nghiên cứu cũng cần phải ghi nhận đóng góp của họ.

Tóm lại, qua phân tích vài dữ liệu về công bố khoa học của vài ứng viên chức danh giáo sư vừa qua, một nghịch lí phát sanh: phó giáo sư cóvẻ có thành tích khoa học tốt hơn giáo sư. Đó là một nghịch lí tôi không thấy ở đâu có. Nghịch lí này có lẽ do các tiêu chuẩn và qui chế đánh giá chưa được chặt chẽ và khoa học. Chín đề nghị trên sẽ khắc phục khiếm khuyết trên và sẽ giúp đảm bảo sự công bằng cho các ứng viên.

====

(1) Qua so sánh này, tôi nghĩ Hội đồng GSNN nên ra qui định cụ thể về cách mà ứng viên trình bày danh sách bài báo khoa học. Hiện nay, họ chỉ yêu cầu ứng viên liệt kê:

• Năm công bố

• Trang

• Tập / số

• Số trích dẫn

• Tạp chí quốc tế uy tín (IF?)

• Tên tạp chí (thật ra là ‘tập san’)

• Số tác giả

• Tên bài báo

Qui định này rất … dở. Chẳng những dở mà còn không cần thiết. Chẳng hạn như số tác giả, số ISSN, số trang, v.v. là thông tin không cần thiết; thông tin cần thiết là ứng viên ở đâu trong danh sách tác giả. Chẳng hạn như, nếu người ta báo cáo như sau:

Tên bài báo: Dataset on improved nutritional quality and safety of grilled marinated and unmarinated ruminant meat using novel unfiltered beer-based marinades.

Số tác giả: 8

Tạp chí hoặc kỷ yếu khoa học: Data Brief

Tạp chí quốc tế uy tín (IF?): ?

Số trích dẫn: 0

Tập/số: 15/11

Trang: NA

Năm công bố: 2019

Nhìn qua cách liệt kê đó, chúng ta không biết ứng viên đứng vị trí nào trong bài báo. Những thông tin như số trang thì không quan trọng mấy. Nhưng nếu báo cáo theo công thức sau đây:

Manful CF, Vidal NP, Pham TH, Nadeem M, Wheeler E, Hamilton MC, Doody KM, Thomas RH. Dataset on improved nutritional quality and safety of grilled marinated and unmarinated ruminant meat using novel unfiltered beer-based marinades. Data Brief. 2019 Nov 15;27:104801. doi: 10.1016/j.dib.2019.104801.

thì sẽ giúp người đọc có được những thông tin cần thiết (tuy chưa đủ). Do đó, ở Úc, người ta yêu cầu ứng viên phải viết ra vai trò của mình trong bài báo và lí giải về tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng của bài báo. HĐGSNN cần phải thay đổi ngay qui định cách liệt kê bài báo khoa học theo công thức Harvard hay JAMA, tức là liệt kê toàn bộ tác giả, tựa đề bài báo, tên tập san, năm công bố, bộ và trang. Phải phân chia theo thể loại là original research, review, book chapter, letter, v.v. Hãy loại bỏ abstract (trong ngành y dược) vì nó chẳng có ý nghĩa gì. Ngoài ra, mỗi bài, ứng viên phải giải thích rõ vai trò của họ là gì trong bài báo và kèm theo chứng cứ. Chứ như cách làm hiện nay thì rất dễ bị lạm dụng.