Diễn biến tâm lí (vụ án Hồ Duy Hải)

Trong phiên toà ‘Giám đốc thẩm’ có một nhận xét có chút ‘hơi hám’ khoa học của một chánh án hay thẩm phán là ‘diễn biến tâm lí’ của Hồ Duy Hải. Nhưng khi đọc kĩ thì hình như cách hiểu về diễn biến tâm lí của người này không giống như trong y văn. Trong thực tế, chính diễn biến tâm lí có thể giải thích tại sao lời khai của Hồ Duy Hải – nói theo tiếng Anh là – false self-confession (hay tự thú tội giả).

Trước những bằng chứng thiếu nhứt quán về vụ án, một viên chánh án hay thẩm phán trong phiên toà trên nhận xét rằng (nguyên văn):

“Trong quá trình điều tra, Hồ Duy Hải có một số lời khai có nội dung mâu thuẫn như viện dẫn của kháng nghị giám đốc thẩm, điều này phù hợp diễn biến tâm lý tội phạm trong quá trình điều tra, xét xử và thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không mớm cung, ép cung đối với bị cáo”.

Nhưng câu hỏi đặt ra là ‘diễn biến tâm lí’ là gì? Không phải là dân tâm lí học, nên tôi phải tìm hiểu trong y văn và nghĩ là có câu trả lời.

Nói đến vấn đề thú tội giả là phải đề cập đến Giáo sư Hugo Münsterberg (Đại học Harvard) và Giáo sư Saul Kassin (John Jay College of Criminal Justice, New York City). Năm 1908 Giáo sư Münsterberg đã cảnh báo về hiện tượng nhận tội giả (false confession) trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi quyền lực thái quá. Trong thực tế, Münsterberg là người đi trước thời cuộc, vì mãi đến thập niên 1980s và qua phân tích DNA người ta mới nhận ra rằng hiện tượng nhận tội giả phổ biến như thế nào.

Người có công tiếp nối Münsterberg là Giáo sư Kassin, một nhà tâm lí học đã dành cả đời để nghiên cứu vấn đề này. Trong hàng loạt nghiên cứu quan trọng, Giáo sư Kassin chỉ ra rằng thú tội giả là một hiện tượng khá phổ biến (có thể lên đến 30%) trong các bản án oan [1]. Do đó, trong bài này tôi đọc vài kết quả quan trọng của ông để hiểu hơn về trường hợp Hồ Duy Hải.

Giáo sư Saul Kassin, chuyên gia số 1 về tâm lí và thú tội giả. Ông dành cả đời chỉ nghiên cứu về thú tội giả. Những nghiên cứu của ông giúp minh oan cho nhiều tù nhân bị giam cầm vì thú tội giả.

Cẩm nang lấy cung của cảnh sát Mĩ

Con đường dẫn Kassin đến chuyên ngành tâm lí tội phạm học là ông muốn biết cách cảnh sát thẩm vấn nghi phạm ra sao. Ông cho biết sau khi đọc cuốn cẩm nang thẩm vấn của cảnh sát (của tác giả John Reid, công bố vào năm 1962) ông phát hoảng, bởi vì đó là phương pháp được mô tả trong thí nghiệm Milgram (xem bài trước đây của tôi [2]). Theo cuốn cẩm nang của John Reid, cảnh sát làm theo trình tự hai bước chánh như sau:

Vào đầu thẩm vấn, cảnh sát điều tra sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi mang tính đánh giá hành vi qua các câu hỏi có khi liên quan, có khi khiêu khích, và cùng lúc quan sát dấu hiệu nói dối (như không nhìn thẳng, uể oải, khoanh tay). Nếu đối tượng có dấu hiệu nói dối, người tra vấn sẽ vào giai đoạn 2 với thẩm vấn nghiêm chỉnh.

Trong bước hai, thẩm vấn viên sẽ tăng cường thẩm vấn, bằng cách đưa ra những cáo buộc đối tượng có tội. Chẳng những vậy, thẩm vấn viên sẽ liên tiếp lặp lại cáo buộc, gây áp lực lên đối tượng. Thẩm vấn viên sẽ bỏ qua tất cả những phủ nhận của đối tượng, giả bộ không nghe, không biết.

Mặt khác, thẩm vấn viên sẽ giả bộ thông cảm cho đối tượng, tỏ ra thấu cảm, cố gắng làm giảm mức độ tội phạm (kiểu như “chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu cô ấy không ăn mặc hở hang, phải không?”)

Đó là cách cảnh sát Mĩ thẩm vấn nghi can. Nhưng cảnh sát VN có thể làm khác, vì có thể họ theo mô hình của Stasi (Đông Đức cũ). Nhưng nguyên lí và mục tiêu thì chắc đều giống nhau: làm cho nghi can suy sụp tinh thần và thú tội.

Khoa học thú tội giả

Kassin nghi ngờ rằng kĩ thuật thẩm vấn của Reid mà cảnh sát sử dụng có thể dẫn đến thú nhận sai. Để kiểm định giả thuyết này, Kassin làm hàng loạt thí nghiệm trong labo, với sinh viên là tình nguyện viên để biết hành vi và tâm lí của nghi can trong các điều kiện tâm lí khác nhau.

Trong một thí nghiệm được đặt tên là “computer crash”, Kassin yêu cầu tình nguyện viên đọc chánh tả thật nhanh trên máy tính. Ông cảnh báo họ rằng máy tính có vấn đề là nếu nhấn phiếm ALT thì máy tính sẽ bị tắt. Nhưng trong thực tế, máy tính đã được lập trình sao cho tình nguyện viên đụng bất cứ nút nào trên bàn phiếm máy cũng ‘chết’.

Khi tình nguyện viên làm cho máy tắt, ông bèn cáo buộc rằng tình nguyện viên đã đụng vào phiếm ALT! Thoạt đầu, chẳng có tình nguyện viên nào thú nhận là họ đã đụng vào phiếm ALT.

Sau đó, Kassin dùng các sở đoản của cảnh sát làm cho tình nguyện viên tự nghi ngờ mình, thì một số tình nguyện viên bắt đầu ‘thú tội’. Kassin cho một người đứng ra làm chứng rằng người này đã thấy tình nguyện viên nhấn vào nút ALT. Kết quả là tình nguyện viên bắt đầu thú nhận rằng họ đã bấm nhầm nút ALT! Họ còn thậm chí giải thích về thú tội của mình và cảm thấy có tội!

Trong một thí nghiệm biến thể khác, Kassin cho tình nguyện viên biết rằng khi họ gõ bất cứ phiếm nào của máy tính đều được lưu trữ trong máy chủ (server) để xem xét sau này. Kassin còn áp dụng chiến lược cáo buộc của cảnh sát là ‘tố cáo’ tình nguyện viên đã nhấn sai nút làm cho máy tính bị ‘chết’. Kết quả cho thấy số tình nguyện viên ‘thú tội’ tăng rất nhanh và cao, lên đến 35%.

Yếu tố nào làm cho hay có liên quan đến thú tội giả? Theo nghiên cứu của Giáo sư Kassin, các yếu tố sau đây có thể xem là yếu tố nguy cơ quan trọng nhứt [3]:

Trẻ tuổi: người trẻ tuổi, nhứt là thiếu niên và tuổi 20s, là những người có xu hướng thú tội giả nhiều nhứt;

Yếu ớt về tâm lí hay sức khoẻ tinh thần không tốt: những người này dễ bị chao đảo trước những vu cáo và đe doạ của cảnh sát;

Nghiện ngập: những người này thường có sức khoẻ tâm thần không ổn định, nên cũng dễ bị ‘tan chảy’ trước những lời đường mật và cảm thông của người thẩm vấn;

Căng thẳng hoặc khủng hoảng tinh thần: người trong lúc bị căng thẳng do khủng hoảng tinh thần (có thể bị tra tấn hay nhục hình) thường có xu hướng thú tội giả nhiều hơn người ở trạng thái bình thường. Cảnh sát thường lợi dụng hay làm cho đối tượng bị căng thẳng để khai thác tâm lí đối tượng.

Tin vào công lí: những người này thường kí vào văn bản tự thú với hi vọng sẽ được trả tự do sớm và được minh oan. Trong điều kiện này, Kassin cho biết niềm tin rằng mình vô tội và niềm tin vào hệ thống công lí chính là những yếu tố dẫn đến thú tội giả.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến thú tội giả (false self-confession): (1) Cô lập nghi can với gia đình và bạn bè; (2) Thẩm vấn trong phòng nhỏ và riêng tư; (3) Tìm những câu chuyện mâu thuẫn từ nghi can; (4) Cố lấy lòng tin của nghi can; (5) Đối đầu với nghi can về chứng cớ tội; (6) Chiêu dụ quyền lợi cá nhân của nghi can; (7) Giả bộ thông cảm cho nghi can; (8) Cắt ngang những bác bỏ và phản biện của nghi can; (9) Giả bộ có chứng cớ độc lập; (10) Tối thiều hoá tính chất đạo đức của tội phạm.

https://www.semanticscholar.org/paper/False-Confessions-Causes%2C-Consequences%2C-and-for-Kassin/dd59406ee20ee65acd0c435fa878a23ba20ce289

Vài trường hợp tiêu biểu

Tự thú tội luôn là một “chuẩn vàng” của tội phạm, mặc dầu một số tự thú là hoàn toàn sai lệch như thí nghiệm khoa học chỉ ra. Giáo sư Saul Kassin cho biết chừng 25% trong số 365 người được minh oan từng tự thú là có tội mà họ không hề dính dáng. Nhưng vài nghiên cứu khác cho thấy con số có thể lên đến 35% các trường hợp được minh oan. Dưới đây là 2 trường hợp tiêu biểu về thú tội giả [3].

Trường hợp Huwe Burton. Năm 1991, Burton lúc đó là một thiếu niên phát hiện mẹ anh bị giết, anh bị bắt và đưa về đồn cảnh sát. Sau nhiều giờ tra khảo, đe doạ, và lừa phỉnh, Burton thú nhận điều mà cảnh sát muốn nghe: anh ta đã giết mẹ mình. Toà án New York tuyên án 15 năm tù đến chung thân về tội giết mẹ ruột.

Nhưng ngay sau đó, anh biết mình bị lừa và ân hận về lời khai đó, và hi vọng rằng có người sẽ minh oan cho anh. Sau 20 năm ngồi từ, anh ta được trả tự do trước thời hạn, nhưng kí ức của anh về lời khai trong đồn cảnh sát vẫn còn ám ảnh.

Người cứu anh chẳng ai khác hơn là Giáo sư Saul Kassin. Sáu tháng trước khi Burton được trả tự do, Kassin được mời giảng cho các công tố viên và chánh án về chủ đề thẩm vấn và tự thú giả. Sau khi nghe bài giảng, Chánh án Steven Barrett cho biết ông đã “mở mắt” về mối liên quan giữa thẩm vấn và thú tội giả, và ông liên tưởng đến trường hợp của Burton rơi đúng vào những ‘yếu tố nguy cơ’ mà Kassin nêu ra. Chánh án Barrett ra lệnh trả tự do cho Burton.

Trường hợp Burton được trả tự do là một ca đặc biệt về đóng góp của nghiên cứu tâm lí học.

Trường hợp thứ hai là cậu bé Marty Tankleff. Năm 1988, Tankleff phát giác mẹ em bị đâm chết trong nhà bếp, còn cha em thì đang hôn mê. Cảnh sát thấy Tankleff không tỏ ra buồn bã, nên nghi em là thủ phạm.

Sau nhiều giờ thẩm vấn chẳng đi đến đâu, một cảnh sát viên cho em biết rằng anh ta đã gọi cho cha em ở bệnh viện và cha em nói rằng chính em là thủ phạm. (Thật ra, cha em đã chết trong bệnh viện sau một thời gian không hồi phục khỏi cơn hôn mê.) Ngay sau đó, cậu bé Tankleff thú tội là đã giết cha mẹ mình! Sau 19 năm ngồi tù, luật sư có chứng cớ mới thì em mới được trả tự do.

Quay lại trường hợp Hồ Duy Hải, chúng ta biết rằng (qua báo chí), anh ta có những lời khai thiếu nhất quán [4]. Có viên chánh án trong phiên toà ‘giám đốc thẩm’ cho rằng đó là dấu hiệu muốn giảm mức độ nặng của bản án, người khác cũng trong phiên toà đó thì cho rằng đó là “diễn biến tâm lí”. Tuy nhiên, cả hai không lí giải mối liên quan giữa diễn biến tâm lí và sự mâu thuẫn trong lời khai. Tôi sợ là các vị ấy chưa đọc những báo cáo khoa học của Giáo sư Saul Kassin.

Theo kết quả nghiên cứu của Kassin thì Hồ Duy Hải nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ cao về thú tội giả vì (1) trẻ tuổi; (2) căng thẳng hay khủng hoảng tinh thần, có thể do bị tra tấn như gia đình nói, nhưng công an bác bỏ cáo buộc đó; và (3) có thể anh ta tin vào việc khai như thế để được tự do, tức tin vào công lí.

Do đó, tôi nghĩ cần phải có sự tư vấn và đánh giá của các chuyên gia tâm lí có kinh nghiệm cao về thú tội giả để đảm bảo phiên toà công bằng cho Hồ Duy Hải. Có thể mời Giáo sư Saul Kassin thẩm định trường hợp Hồ Duy Hải, và tôi nghĩ ông sẽ cung cấp một cách diễn giải khoa học hơn và chuyên sâu hơn những nhận xét phi khoa học của các chánh án và thẩm phán.

__________________

[1] https://web.williams.edu/Psychology/Faculty/Kassin/files/White%20Paper%20online%20(09).pdf

Police-Induced Confessions: Risk Factors and Recommendations

[2] https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2020/05/24/Tra-tan-va-thi-nghiem-milgram

https://www.jstor.org/stable/40062928?seq=1

The Social Psychology of False Confessions: Compliance, Internalization, and Confabulation

[3] https://www.sciencemag.org/news/2019/06/psychologist-explains-why-people-confess-crimes-they-didn-t-commit

[4] https://plo.vn/phap-luat/dieu-tra-vien-ly-giai-loi-khai-mau-thuan-cua-ho-duy-hai-910781.html

Tra tấn và thí nghiệm Milgram

Vụ án Hồ Duy Hải đặt ra nhiều câu hỏi khoa học. Tại sao người ta sẵn sàng tra tấn người? Tại sao hội đồng 17 người trong phiên toà ‘giám đốc thẩm’ đồng thuận tuyệt đối? Tại sao 17 người đó không chú ý đến chi tiết quan trọng trong vụ án? Vân vân. Những câu hỏi này có thể trả lời bằng tâm lí học. Trong cái note này xin chia sẻ cùng các bạn một thí nghiệm tâm lí học có thể giải thích tại sao người tra tấn người.

Trong vụ án Hồ Duy Hải, gia đình anh ta và anh ta báo cáo rằng bị tra tấn. Công an thì bác bỏ cáo buộc này và nói là không có tra tấn. Nhưng trong các vụ án trước (như Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn) thì tra tấn đã xảy ra. Theo thống kê của nhóm CAT (Coalition Against Torture), tính từ 2010 đến 2018, có 169 trường hợp là nạn nhân của tra tấn; trong số này 139 người chết và 30 bị thương tích [1]. TPHCM đứng đầu bảng (14 ca) và theo sau là Hà Nội (11). Vấn đề này (tra tấn, sách nhiễu ở Việt Nam) được cả Liên hiệp quốc quan tâm trong một báo cáo về chống tra tấn [2].

Câu hỏi đặt ra là tại sao người tra tấn người?

Một trong những công trình tâm lí học thuộc hàng kinh điển và nổi tiếng nhứt trong thế kỉ 20 nhằm trả lời câu hỏi đó là thí nghiệm Milgram. Thí nghiệm này do Stanley Milgram (là người gốc Do Thái), một nhà tâm lí học thuộc Đại học Yale, thực hiện vào năm 1961. Mục tiêu là tìm hiểu sự mâu thuẫn giữa tuân thủ và uy quyền.

Thí nghiệm Milgram

Thí nhiệm được thực hiện vào thời điểm một năm sau khi phiên toà xử Adolf Eichmann ở Jerusalem. Bối cảnh của thí nghiệm là Thế Chiến Thứ II. Trong phiên toà Nuremberg, khi được hỏi tại sao những kẻ phạm tội ác làm cái việc tày trời đó, họ thường nói rằng phải tuân thủ lệnh cấp trên. Câu hỏi Milgram đặt ra là: “Có phải Eichmann và hàng triệu kẻ đồng phạm trong vụ án Holocaust chỉ tuân thủ theo lệnh cấp trên, và có thể nào gọi họ là những kẻ tòng phạm?”

Sơ đồ thí nghiệm Milgram. “Học trò” ngồi trong phòng (hình bên trái) được hướng dẫn trả lời sai. “Thầy” (Subject) ngồi trong phòng khác (hình bên phải) cùng với “nhà nghiên cứu” (Experimenter), người ra lệnh cho thầy phạt bằng cách giật điện mỗi khi trò trả lời sai.

Milgram tuyển tình nguyện viên từ một quảng cáo trên báo. Có tất cả 40 nam tình nguyện viên, tuổi 20-50, và họ chủ yếu là những công nhân trong vùng New Haven. Họ được trả 4.50 USD cho việc tham gia vào thí nghiệm. Họ được phân nhóm một cách ngẫu nhiên về vai trò của họ trong thí nghiệm. Vai trò là “learner” (học trò) hay “teacher” (thầy). Ngoài ra, còn có một nhà nghiên cứu được cho mặc áo choàng như trong phòng thí nghiệm đóng vai trò ‘actor’ (diễn viên).

Tình nguyện viên được cho ngồi trong 2 phòng: một phòng dành cho học trò và một phòng cho thầy và nhà nghiên cứu. Phòng của thầy và nhà nghiên cứu có công cụ giật điện. Người ‘học trò’ được trói vào một cái ghế với điện cực (electrodes). Sau khi học trò được học một số cặp chữ, thầy kiểm tra kiến thức của trò. Nếu trò sai một chữ thì bị giật điện, sai càng nhiều bị giật điện với cường độ càng cao. Học trò được hướng dẫn trả lời sai (với chủ đích). Khi thầy không chịu giật điện trò, thì nhà nghiên cứu ra lệnh cho thầy phải làm. Có 4 lệnh: (1) hãy tiếp tục; (2) tôi yêu cầu anh phải tiếp tục; (3) phải tiếp tục vì sự việc rất quan trọng; và (4) anh không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục.

Kết quả cho thấy 65% thầy tuân thủ theo lệnh và tiếp tục ‘tra tấn’ (phạt) trò liên tiếp đến độ cao nhứt. Milgram viết báo cáo và công bố trên [tập san] Journal of Abnormal and Social Psychology năm 1963 [3]. Bạn đọc có thể tìm đọc bài báo này miễn phí. Bài báo trở thành một công trình có ảnh hưởng lớn đến chuyên ngành, và cho đến nay đã có hơn 6700 trích dẫn!

Sau này, Milgram và vài nhà nghiên cứu khác thực hiện hàng loạt (23) thí nghiệm với thay đổi về điều kiện và nhân sự, và kết quả (chọn lọc) có giảm nhưng vẫn đáng kể:

• Thay đổi nhân sự: khi nhân vật nhà nghiên cứu trong thí nghiệm gốc được thay thế bằng một thường dân với cách trang phục bình thường (không có áo choàng) thì tỉ lệ tuân thủ còn 20%;

• Thay đổi địa điểm: khi địa điểm là những phòng ốc bị xuống cấp (thay vì ở ĐH Yale), tỉ lệ tuân thủ là ~47%;

• Nhà nghiên cứu vắng mặt: khi nhà nghiên cứu vắng mặt trong văn phòng, và ra lệnh qua điện thoại, tỉ lệ tuân thủ giảm xuống còn chừng 20%

Dựa vào những kết quả trên, Milgram kết luận rằng người bình thường sẽ tuân theo lệnh của một người có thẩm quyền, và họ sẵn sàng giết người vô tội.

Đứng trên phương diện phương pháp học ngày nay, thí nghiệm Milgram có nhiều thiếu sót. Nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót về cách chọn tình nguyện viên (không có nữ), về cách ra ‘chỉ thị’, về thiên lệch (biases) trong điều kiện thí nghiệm, v.v. Tuy nhiên, chẳng có thí nghiệm nào hoàn hảo, và cho đến nay kết quả của thí nghiệm Milgram dù được thực hiện đúng phương pháp thì vẫn đúng.

Ý nghĩa của tuân lệnh

Milgram giải thích kết quả thí nghiệm rằng có hai trạng thái hành vi của con người trong điều kiện xã hội. Trạng thái thứ nhứt là ‘tự chủ’ (autonomous state), tức người hành động theo ý của họ và chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Trạng thái thứ hai là ‘tay sai’ (agentic state), tức người ta hành động vì ý tưởng của người khác, và giao trách nhiệm cũng như hậu quả của hành động cho người đã ra lệnh.

Milgram giải thích thêm rằng trạng thái ‘tay sai’ (làm theo lệnh của kẻ có thẩm quyền) ăn sâu vào tâm não chúng ta trong lúc chúng ta trưởng thành trong gia đình, trường học, và nơi làm việc. Có hai trường hợp xảy ra: một là người hành động cảm thấy rằng kẻ có thẩm quyền có đạo đức hay được một cơ chế luật pháp bổ nhiệm; hai là họ hành động theo lệnh nhưng nghĩ rằng người chịu trách nhiệm là kẻ ra lệnh.

Milgram gọi đó là ‘Agency Theory’, có lẽ dịch là ‘Giả thuyết đại diện’, hay ‘Giả thuyết tay sai’. Giả thuyết đại diện tiên đoán rằng người ta sẽ tuân thủ người có thẩm quyền khi họ tin rằng kẻ có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm cho những hậu quả xảy ra. Có nhiều kết quả nghiên cứu nhứt quán với giả thuyết này. Chẳng hạn như khi người tham gia thí nghiệm được nhắc nhở rằng họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ, thì gần như tất cả tình nguyện viên không tuân thủ theo lệnh. Ngược lại, khi tình nguyện viên không tuân lệnh và được nhắc nhở rằng kẻ ra lệnh sẽ chịu trách nhiệm, thì hầu hết họ đều hành động.

Tra tấn người khác là một hành động ác ôn, dù nhìn dưới bất cứ quan điểm nào. Động cơ tra tấn, theo giả thuyết ‘tay sai’, có thể là người tra tấn nghĩ rằng họ làm theo lệnh của cấp trên, và cấp trên — chớ không phải họ — chịu trách nhiệm cho hậu quả của tra tấn. Trong vụ án Hồ Duy Hải, hậu quả là hơn 10 năm tù và có thể là cái chết oan cho một thanh niên.

__________________

[1] http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/03/Torture-and-police-brutality-in-Vietnam.pdf

[2] https://tbinternet.ohchr.org/Treaties/CAT/Shared%20Documents/VNM/INT_CAT_CSS_VNM_32824_E.pdf

[3] Milgram, S. (1963). Behavioral Study of obedience. The Journal of Abnormal and Social Psychology, 67(4), 371–378. https://doi.org/10.1037/h0040525

Ghi thêm: Thí nghiệm Gorilla

Hai nhà tâm lí học Christopher Chabris và Daniel Simons (thuộc Đại học Harvard) muốn trả lời câu hỏi tại sao người ta hay bỏ qua những chi tiết quan trọng.

Để trả lời câu hỏi đó, Chabris và Simons mời các tình nguyện viên tập trung vào một việc rất đơn giản là đếm số sinh viên chuyền trái banh trong một không gian hình tròn. Kết quả cho thấy trong khi họ bận rộn đếm, đa số không chú ý một người trong trang phục giả dạng con vượn đang bước vào vòng tròn đó.

Kết quả này được diễn giải rằng khi con người được giao nhiều việc, họ có thể bỏ qua những chi tiết quan trọng.

Kết quả này cũng có thể giải thích tại sao 17 người trong phiên ‘giám đốc thẩm’ bỏ qua những chi tiết về chứng cớ vô lí liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.

Tin mừng tài trợ khoa học

Bộ trưởng Y tế Úc mới công bố danh sách các nhà khoa học được trao ‘phần thưởng’ để theo đuổi nghiên cứu y khoa trong 5 năm tới [1]. Tôi may mắn được chọn để tiếp tục hướng nghiên cứu về di truyền học loãng xương. Mừng quá! Trong thời đại ‘gạo châu củi quế’ mà được may mắn như thế này là một nỗi vui khó tả.

Mỗi năm, vào tháng này, là thời gian hồi hộp cho những người trong giới nghiên cứu y khoa Úc. Đây là thời điểm mà NHMRC (Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu Y khoa và Y tế Úc) công bố danh sách ứng viên được trao giải thưởng (award) cho nghiên cứu khoa học. Người được giải thì mừng (dễ hiểu), còn người không được giải thì buồn (càng dễ hiểu). Năm nào cũng vậy và gần như là một qui luật: số người vui ít hơn số người buồn.

Người không được trao giải thưởng dứt khoát không có nghĩa họ là những nhà khoa học kém cỏi, mà chỉ vì ngân sách hạn chế. Vì ngân sách thay đổi mỗi năm, nên NHMRC phải căn cứ vào điểm mà cắt ngang một ngưỡng nào đó để quyết định trao giải cho ai. Ngưỡng này thay đổi mỗi năm, và điều này có nghĩa là năm trước ứng viên có thể đạt chuẩn, nhưng năm nay thì không, vì chuẩn đã thay đổi theo phân bố điểm! Rất khó đoán trước ai sẽ được hay không được giải thưởng.

Người được award thì dĩ nhiên là mừng. Mừng vì ‘sống’ được 5 năm với một ngân sách đủ để tự trả lương và làm nghiên cứu. Trường đại học mừng vì không phải trả lương mà còn có thêm tiền. Hầu như ai cũng phải qua vài lần thất thất bại trước khi được giải này. Cá nhân tôi năm ngoái chỉ thiếu 0.4 điểm (trên max 7) để được giải thưởng; năm nay thì dư gần 0.8 điểm. Họ chỉ tài trợ cho người có điểm 6 và 7 [2].

Năm nay, theo như thông báo thì có 1780 người nộp đơn xin tài trợ cho chương trình “Investigator Grant”, có nghĩa là tài trợ cho cá nhân nhà khoa học. Số người được tài trợ là 237 người, tức tỉ lệ thành công là 13%. Nhưng tỉ lệ này dao động giữa các cấp. Họ chia thành 5 cấp:

  • EL1 (Emerging Leader 1) là những người mới tốt nghiệp tiến sĩ trong vòng 10 năm và được xem là ngôi sao đang lên;
  • EL2 (Emerging Leader 2) là những người mới tốt nghiệp tiến sĩ trong vòng 10 năm và được xem là ngôi sao đang lên, và sắp độc lập;
  • L1 (Leadersip 1) là những người đã độc lập và có tiếng cấp quốc gia (trước đây gọi là Senior Research Fellowship);
  • L2 (Leadership 2) là các nhà khoa học có tiếng cấp quốc gia và quốc tế (trước đây gọi là Principal Research Fellowship);
  • L3 (Leadership 3) là các nhà khoa học cấp quốc tế qua những đóng góp quan trọng (trước đây gọi là Senior Principal Research Fellowship và Australia Fellowship)

Năm nay, số người trong cấp EL1 và EL2 lần lượt là 83 và 39. Còn nhóm L1 – L3 là 42, 28 và 45 người. Nói chung là rất ít. Năm nay có tin mừng là có đến 3 người Việt được cái Investigator Award này. Hai người kia (một họ Nguyễn, một họ Huỳnh) đều ở Melbourne. Trước đây, thời của tôi (khoảng 2008), ngoài tôi ra, không có người Việt trong NHMRC. Nay thì thế hệ mới giỏi giang và có chân rồi. Chúc mừng đồng hương đã đặt được chân vào ‘hệ thống’.

Nhìn lại và bài học

Trong thời đại dịch bệnh này mà Úc vẫn dành một ngân sách khá lớn để yểm trợ nghiên cứu y khoa là một nghĩa cử đáng trân trọng. Thoạt đầu, tôi và nhiều người nghĩ chắc họ sẽ cắt ngân sách để dành cho nghiên cứu virus Vũ Hán, nhưng hoá ra không phải vậy; số tiền năm nay và năm ngoái tương đương nhau. Điều này chứng tỏ chánh phủ Morrison nói vậy (cắt tài trợ) mà không phải vậy. May phước thiệt!

Tôi vẫn quan tâm đến bức tranh lớn hơn cho các đồng nghiệp gốc Á châu và Việt Nam. Không biết vô tình hay hữu ý mà sự hiện diện của người gốc Á châu trong thượng tầng khoa bảng và khoa học ở Úc rất khiêm tốn. Chỉ tính tại UNSW, trong số 22 người được cái “Investigator Fellowship” năm nay, chỉ có 4 người là gốc Á châu [3].

Theo số liệu điều tra xã hội của Đại học Melbourne, trong tổng số giảng viên và giáo sư của 8 đại học hàng đầu Úc (Go8), 16% là người gốc Á châu. Nhưng ở cấp cao như giáo sư, thì người Á châu chỉ chiếm 7% trên tổng số giáo sư của Go8.

Ở cấp quản lí (như khoa trưởng, hiệu phó), chỉ có 3% là người gốc Á châu. Cho đến nay, Úc không có hiệu trưởng đại học Úc gốc Á châu. Điều này đáng chú ý vì giới khoa bảng gốc Âu Mĩ chiếm 1/3 ghế phó hiệu trưởng (Deputy Vice-Chancellors) và 1/4 ghế hiệu trưởng (Vice-Chancellors). Nhiều người nói đây là hiện tượng “Glass Ceiling”.

Giới khoa học gốc Á châu cũng có vẻ bị thiệt thòi trong sự cạnh tranh xin tài trợ. Ở cấp thấp như tài trợ cho nghiên cứu sinh, ứng viên gốc Á châu chiếm khoảng 20%. Ở cấp “Early Career Fellowship” (sau tiến sĩ 10 năm), 12% là người gốc Á châu. Nhưng khi lên đến cấp cao như “Research Fellowship” thì chỉ có 3.5% là người gốc Á châu (dù họ chiếm 7% số giáo sư Go8).

Tôi thường tự hỏi tại sao người gốc Á châu mình có vẻ thiệt thòi. Tôi nghĩ đi nghĩ lại thì thấy giới khoa học gốc Á châu có 3 rào cản chánh:

Thứ nhứt là thiếu vốn văn hoá. Sanh ra và lớn lên ở Việt Nam, chúng ta không có cơ hội thu nhập cái văn hoá xã hội bản xứ và văn hoá học đường, chúng ta cũng không có cơ hội hoà nhập vào dòng chảy học vấn từ tiểu học trở lên. Hình như thuật ngữ tiếng Anh gọi là social & cultural capital. Nhưng cái vốn văn hoá đó lại đóng vai trò quan trọng trong công việc và thành đạt trong sự nghiệp như nhiều nghiên cứu xã hội học chỉ ra trước đây.

Thứ hai là kém khả năng ‘networking’. Vì thiếu vốn văn hoá – xã hội, người gốc Á châu nói chung không phát triển được những mạng chuyên ngành và khoa học (professional and research networks). Tình trạng này đặc biệt là những người mới nhập cư, vì họ mới bước vào một môi trường địa phương hoàn toàn mới lạ.

Thứ ba là khả năng thuyết phục (nói). Ngoài kĩ năng viết, khả năng thuyết giảng (oration) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khoa học. “Nói” ở đây không chỉ đơn giản là khả năng nói năng lưu loát về chuyên môn, mà còn là khả năng thuyết phục đồng nghiệp bằng lí lẽ. Nhưng vì đa số giới khoa học gốc Á châu, bất kể ở nước ngoài bao lâu, kém về tiếng Anh và càng kém hơn về khả năng nói. Tôi có thể nói rằng trong các cuộc họp quan trọng, những thương lượng cấp đại học, cách trình bày luận trôi chảy và lí lẽ khúc chiết đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta nói không thông, người ta sẽ nản.

Tôi từng phục vụ trong các hội đồng bổ nhiệm và ngồi trong hội đồng đại học, nên từng chứng kiến và so sánh về khả năng nói của người gốc Á châu. Xu hướng chung là họ nói ngắn, dùng chữ cứng nhắc (ít dùng cách nói ‘bóng bảy’), hay khẳng định, và khi có bất đồng ý kiến họ thường dứt khoát chớ không nhân nhượng.

Hôm nào có dịp tôi sẽ suy nghĩ kĩ hơn và viết xuống những bài học mình đã trải qua, với hi vọng giúp ích vài người.

__________________

[1] https://www.nhmrc.gov.au/sites/default/files/documents/attachments/grant%20documents/investigator_grants_for_funding_commencing_2021.pdf

[2] NHMRC dùng 6 tiêu chí để đánh giá một ứng viên:

• Công bố khoa học (trọng số 35%)

Tầm ảnh hưởng (7%)

Chương trình nghiên cứu (6%)

Uy danh cá nhân (7%)

Lãnh đạo khoa học (15%)

Kiến thức tạo ra (30%).

Mỗi tiêu chí được cho điểm từ 1 đến 7:

• Điểm 1 được xem là yếu (weak);

• Điểm 2 là ‘được’ (tức satisfactory);

• Điểm 3 là tốt (good);

• Điểm 4 là rất tốt (very good);

• Điểm 5 là xuất sắc (excellent);

• Điểm 6 là ngoại hạng (outstanding);

• Điểm 7 là kiệt suất (exceptional).

Một phân tích ‘profile’ của 5 bậc fellows của NHMRC trong chương trình Investigator Grant năm 2019.

[3] https://newsroom.unsw.edu.au/news/health/unsw-awarded-30m-health-and-medical-research-funding

NHMRC Investigator Grant 2020

I am so grateful and thrilled to have been awarded the NHMRC Leadership Fellow [1] (previously known as Australia Fellow, Senior Principal Fellow). This important grant will help me realize the idea of precision risk assessment of fracture and gain a better insight into age-related bone loss.

The Minister for Health has announced the outcome of the NHMRC Investigator Grants this year [2]. According to his press release, cancer research tops the list of grants with $87.1 million support, followed by infectious diseases (~$85 million), mental health ($54 million), and CVD research ($46.5 million). Osteoporosis research has received only $7.4 million, a modest share of the funding.

Globally, osteoporosis and fractures impose a substantial human and economic burden on the society and public health system. It is not widely known that a bone fracture, especially hip fracture, is associated with reduced survival (up to 15 years of life). Among those surviving a fracture, the majority will have some form of long-term physical disability and reduced quality of life. In Australia, the annual costs of osteoporosis are $3.8 billion. With the rapid ageing population being taken place globally, the burden of osteoporosis and fracture will become a serious threat to the ideal of healthy ageing.

I consider that bone loss is the key factor that will help gain better insights into the development of osteoporosis and fracture. My previous work has shown that excessive bone loss is associated with an increased risk of fracture and fracture-associated mortality, and that an osteogenomic profile could help identify those with rapid bone loss. More recently, my group has shown that bone loss was an important mediating factor that explains the relationship between antiresorptive therapies and reduced mortality risk among osteoporotic patients.

With this grant, I will be able to investigate the contribution genetic variants and non-genetic factors to age-related bone loss. I will use this knowledge to identify individuals at high risk of excessive bone loss for early prevention. My team and I will analyse the data of ~4000 men and women whose bone parameters have been serially measured over the past 30 years as part of the Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study, to identify genetic variants that are associated with bone loss. We will then develop a predictive model that includes genetic profiling and clinical risk factors, for personalised assessment of bone loss and fracture risk, and to develop web-based software for the prediction of fracture, re-fracture, survival, and treatment benefit [3-4].

My vision is to translate epidemiological and genomic discoveries into clinical and public health applications for osteoporosis-prone individuals. I envisage this “Translational Osteoporosis”, as I would like to call it, employs innovative advances arising from epidemiology, genomic technologies and data science to develop diagnostics and prognostics for benefiting osteoporotic patients and the general population.

Once again, thank you NHMRC for continually supporting my work.

__________________

[1] https://www.nhmrc.gov.au/sites/default/files/documents/attachments/grant%20documents/investigator_grants_for_funding_commencing_2021.pdf

[2] [1] https://www.health.gov.au/ministers/the-hon-greg-hunt-mp/media/400-million-funding-boost-for-health-and-medical-research

[2] https://newsroom.unsw.edu.au/news/health/unsw-awarded-30m-health-and-medical-research-funding

[3] https://www.garvan.org.au/news-events/news/nhmrc-investigator-grants-for-garvan-researchers-1

NHMRC Investigator Grants for Garvan researchers

Garvan researchers will receive a total of $4.8 million in Investigator Grant funding through the National Health and Medical Research Council (NHMRC), for projects beginning in 2021.

In recognition of their outstanding scientific track records, researchers from the Garvan Institute of Medical Research have been awarded three NHMRC Investigator Grants in the current round.

The NHMRC funding, which is provided through a competitive, peer-reviewed grant system, will commence in 2021. It gives Garvan researchers from the Healthy Ageing and Cancer Themes the opportunity to take their world-leading research in osteoporosis and cancer, underpinned by cutting-edge genomics technology and expertise, to new heights.

“We congratulate our outstanding researchers who have been successful in securing this NHMRC funding – a reflection of Garvan’s scientific excellence,” says Professor Chris Goodnow, Garvan’s Executive Director.

“Funding for medical research remains an ongoing challenge in Australia, and with more potential challenges ahead, we always strive to find new, alternative sources of funding for all of Garvan’s crucial and life-changing research.”

Prof David Thomas (Theme Leader, Cancer)

An estimated 150,000 new cases of cancer will be diagnosed in Australia this year alone. Half of them will be rare and less common cancers, for which there are often limited treatment options. Professor David Thomas is leading research programs that use sophisticated genomic technologies to study patients with early onset cancers, rare and less common cancers. As cancer is a genetic disease, genomics has vast potential to transform public health outcomes in these individuals.

The NHMRC funding will support a sustainable, national, patient-centred, research-led Australian Genomic Cancer Medicine Program, focused on developing precision therapies that are personalised to the genetic profile of individual tumours. Professor Thomas and his colleagues will continue their world-leading research to understand the genetic causes of cancer, to develop better detection and prevention strategies, and to translate their research discoveries into real-word impacts.

Prof Tuan Nguyen (Laboratory Head – Genetic Epidemiology of Osteoporosis Lab)

Osteoporosis and fractures cost the public health system $3.8 billion annually in Australia alone and, more importantly, carry a higher risk of mortality for those affected. Professor Tuan Nguyen has been leading a research program aimed at precision risk assessment of fracture and its adverse consequences. Through his NHMRC funding, Professor Nguyen will pursue four research projects aimed at identifying individuals at risk of bone loss, a major risk factor for fragility fractures.

The research aims to identify genetic variants and non-genetic factors that are associated with bone loss, and to use this knowledge to develop and validate a polygeic risk model for assessing bone loss and for predicting fracture risk in individuals. This key research will enable tailored osteoporosis treatment and surveillance.

Professor Nguyen and his team will analyse the data of ~4000 men and women whose bone parameters have been serially measured over the past 30 years as part of the Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study, to identify genetic variants that are associated with bone loss. The researchers then aim to develop a predictive model that includes genetic profiling and clinical risk factors, for personalised assessment of bone loss and fracture risk, and to develop web-based software for the prediction of fracture, re-fracture, survival, and treatment benefit.

Dr Kylie James 

Dr Kylie James, a postdoctoral researcher currently at the Wellcome Sanger Institute (UK), will join Garvan to commence research supported by a NHMRC Investigator Grant. Dr James specialises in single-cell transcriptomics to investigate immune cells. In her current position, Dr James applies cutting-edge single-cell RNA sequencing technology to study the immune environment of the human gut and how it changes in relation to the neighbouring bacteria. Her work contributes to a large international collaboration – the Human Cell Atlas – that aims to create the first comprehensive map of all cells in the human body.

Source:

https://www.garvan.org.au/news-events/news/nhmrc-investigator-grants-for-garvan-researchers-1

Án tử hình ở Việt Nam và Hồ Duy Hải.

Xin giới thiệu một bài bình luận của tôi về vụ án Hồ Duy Hải. Bài đăng trên tạp chí Asia Sentinel vào ngày 16/5/2020. Bản tiếng Anh phía dưới. Bảng tiếng Anh ở đường link dưới đây:

https://www.asiasentinel.com/p/capital-punishment-in-vietnam-and

Vụ án Hồ Duy Hải dấy lên mối quan tâm sâu sắc về một hệ thống tư pháp lệch lạc với hệ quả nhiều án tử hình cho những người vô tội.

Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên bưu điện bị giết chết trong một bưu cục thuộc tỉnh Long An, Việt Nam. Thoạt đầu, vụ án giết người này có vẻ chẳng có gì độc đáo. Nghi phạm số 1 là Nguyễn Văn Nghị, một tình nhân của một trong hai nạn nhân, người được cho là có mặt tại phạm trường trước đó không lâu. Nghị bỏ đi và sau đó bị bắt tại nhà của mẹ anh ta.

Hồ Duy Hải (35 tuổi) bị tuyên án tử hình từ năm 2008. Anh và gia đình kêu oan suốt 12 năm qua.

Tuy nhiên, kể từ đó vụ án không còn bình thường nữa, mà trở thành một mối quan tâm về nền tư pháp Việt Nam, và cũng là mối bận tâm của các tổ chức nhân quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Lí do là Nguyễn Văn Nghị được thả và những chứng cớ liên quan đến anh ta biến mất một cách bí hiểm. Hơn hai tháng sau, ngày 21/3, một thanh niên tên Hồ Duy Hải bị bắt và tạm giam, mặc dầu anh ta có khả năng vô phạm. Tám tháng sau, ngày 28/11, toà sơ thẩm Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, và bản án chủ yếu dựa vào lời khai trong đồn cảnh sát rằng anh ta đã giết hai người phụ nữ. Ngày 29/4/2009, toà án phúc thẩm TPHCM y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Nhưng Hải sau đó bác bỏ lời khai của mình, vì anh ta cho rằng anh khai trong khi bị tra tấn, và bị ép buộc phải khai theo văn bản được soạn sẵn bởi một viên công an. Viên công an đó sau này qua đời vì một tai nạn giao thông.

Trong khi vụ án đi vào những khúc quanh ngoằn ngoèo trong hệ thống toà án Việt Nam suốt 12 năm trời, người ta mới nhận ra hệ thống tư pháp có vấn đề nghiêm trọng. Tính từ năm 1992 đến 2002, theo phân tích của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, có 625,603 người bị xử trước toà về nhiều tội danh khác nhau, và trong số đó 1,563 người bị tuyên án tử hình.

Số người hầu toà hình sự mỗi năm (biểu đồ bên trái) và số người bị tuyên án tử hình (bên phải) từ 1992 đến 2002. Biểu đồ được xây dựng từ dữ liệu của Kien Tran and Cong Giao Vu: The Changing Nature of Death Penalty in Vietnam: A Historical and Legal Inquiry. Societies 2019, 9, 56; doi:10.3390/soc9030056.

Chỉ riêng năm 2018, các toà hình sự Việt Nam tuyến án tử hình 122 người, tức 1.26 trên 1 triệu dân số, và tỉ lệ này cao hơn Mĩ gấp 8.3 lần. Cũng trong năm 2018, Việt Nam xử tử ít nhứt là 85 người, cao gấp 3.5 lần so với số ca xử tử ở Mĩ.

Mức độ án tử hình và xử tử đã gây chú ý cho cộng đồng quốc tế. Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận rằng trong 10 năm qua trong khi số ca xử tử giảm trên thế giới, thì ở Việt Nam số ca xử tử lại tăng. Câu hỏi là tại sao.

Kể từ phiên toà đầu tiên (năm 2008), Hồ Duy Hải và gia đình đã liên tiếp kêu oan rằng Hải vô tội và bản án dành cho Hải là sai lầm. Lời khai của Hải không ăn khớp với chứng cớ. Vũ khí giết người không có, và thay vào đó người ta mua con dao và tấm thớt từ chợ về để làm chứng cớ minh hoạ rằng Hải đã dùng chúng để giết người. Hồ sơ DNA của Hải không trùng hợp với DNA tìm thấy ở phạm trường. Không có nhân chứng nào khẳng định rằng Hải có mặt ở phạm trường. Chứng cớ tại phạm trường cho thấy hung thủ thuận tay trái, nhưng Hải là người thuận tay mặt.

Tóm tắt nhanh cho đến 2019, Tổng thư kí Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Na Uy đã gởi một lá thơ cùng 25,543 chữ kí đến Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khuyên ông nên huỷ bỏ án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Ngày 22/11/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu một phiên toà Giám đốc thẩm – tức toà án tối cao ở Việt Nam.

Ngày 8/5/2020, hội đồng Giám đốc thẩm gồm 17 thành viên của Toà án nhân dân tối cao, dưới sự chủ toạ của Nguyễn Hoà Bình, một uỷ viên trung ương đảng, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Quyết định y án này cũng có nghĩa là bác bỏ thỉnh cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, công chúng, nhiều luật sư và nhà báo và đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng phiên toà Giám đốc thẩm có nhiều sai sót. Lưu Bình Nhưỡng, một đại biểu Quốc hội nổi tiếng, chỉ ra rằng phiên toà và hội đồng giám đốc thẩm đã vi phạm nguyên lí căn bản nhứt về ‘vô tội cho đến khi chứng minh có tội’. Nghiêm trọng hơn, chánh án Nguyễn Hoà Bình có vấn đề ‘mâu thuẫn quyền lực’ vì ông từng là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trong vai trò đó ông từng bác đơn kháng nghị của Hồ Duy Hải. Xâu chuỗi lại các sự việc, giới quan sát nhận định rằng phiên toà giám đốc thẩm đã phạm sai lầm.

Thật ra, các phiên toà xử Hồ Duy Hải cũng sai lầm. Không có chứng cớ hình thể hay có thể kiểm chứng, ngoài lời khai của anh ta trong khi bị giam (mà luật Việt Nam nói rõ rằng lời khai không thể cấu thành bằng chứng duy nhứt để buộc tội). Ấy vậy mà cả ba phiên toà – sơ thẩm, phúc thẩm, và toà án tối cao – dựa vào lời khai nhưng không dựa vào chứng cớ để tuyên án.

Các tổ chức nhân quyền và giới quan sát cho rằng Hải là nạn nhân của một vụ án xử sai, vì anh ta chưa có được một phiên toà công bằng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Hải đang chờ bị tử hình, vì các lựa chọn pháp lí cho anh ta rất ư hạn chế. Mạng sống của Hải tuỳ thuộc vào kết quả thỉnh nguyện lên Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.

Giới học giả pháp lí xem vụ án Hồ Duy Hải như là một ca tiêu biểu minh hoạ cho những sai lệch trong hệ thống tư pháp và cách tuyên án tử hình ở Việt Nam. Hệ thống tư pháp của Việt Nam rất giống Tàu, nơi có nhiều người đã bị xử tử oan, do rất ít hay không có cơ chế bảo hộ công bằng. Việt Nam, cũng giống hư Tàu, lệ thuộc chủ yếu và lời khai của bị cáo trong việc tuyên án tử hình.

Vụ án Hồ Duy Hải và nhiều vụ oan khiên trước đây đã cho thấy nhiều sai sót trong hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam. Đa số giới tinh hoa, kể cả những người trong đảng cộng sản, đều đồng ý rằng hệ thống tư pháp rất cần phải cải cách. Tuy nhiên, viễn cảnh cải cách xem ra không sáng sủa khi mà hệ thống tư pháp chịu sự chi phối của đảng, và chỉ sự thật này cũng đã đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law) trong toà án quốc tế.

===

Ghi thêm: Tin mới nhứt cho biết nhân vật “Nguyễn Văn Nghị” ở Cai Lậy (Tiền Giang) là không có thật, chỉ có “Nguyễn Hữu Nghị” ở Long An. Nguyễn Hữu Nghị cho biết chưa từng bị công an thẩm vấn và không biết gì về vụ án. Như vậy, câu hỏi là tại sao nhân vật Nguyễn Văn Nghị xuất hiện xuyên suốt trong vụ án, kể cả trong phiên ‘giám đốc thẩm’. Điều này cho thấy tất cả các phiên toà và bản án trong 12 năm qua bị đảo lộn hoàn toàn.