Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu quan trọng mới công bố tuần qua [1]. Dữ liệu di truyền của nghiên cứu một lần nữa khẳng định rằng tất cả các giống gà trên thế giới đều xuất phát từ Đông Nam Á.
Một trong những gia cầm phổ biến nhứt có lẽ là gà, vốn có một lịch sử rất thú vị. Đa số, nếu không muốn nói tất cả, giống gà mà chúng ta biết ngày nay là xuất phát từ giống gà rừng lông đỏ (red jungle fowl, tên khoa học là Gallus gallus). Giống gà rừng này được thuần hoá từ chim rừng hơn 10,000 năm trước. Nói như vậy để ghi nhận rằng con gà đã ‘song hành’ cùng con người rất lâu năm, và trở thành một yếu tố trong văn minh nông nghiệp.
Đa số giới khảo cổ học cho rằng tất cả những giống gà ngày nay xuất phát từ miền Bắc Trung Hoa. Một số khác thì cho rằng nguồn gốc của gà là từ Ấn Độ, rồi mới du nhập qua Đông Nam Á. Đa số các giả thuyết này dựa vào nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử, và đặc biệt là khảo cổ vật. Thế nhưng ngày càng có nhiều chứng cớ sinh học (DNA) cho thấy giả thuyết này sai. Nghiên cứu mới nhứt được công bố trên Cell Research [1] cho thấy tất cả giống gà trên thế giới đều xuất phát từ Đông Nam Á.
Nghiên cứu mới nhứt này do một nhóm nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học Tàu thực hiện, có sự hợp tác của nhiều trung tâm, kể cả Việt Nam. Họ phân tích DNA của 787 giống chim, kể cả 627 con gà (gia cầm) và 147 gà rừng lông đỏ. Dùng phân tích thống kê, các tác giả nhận xét rằng tất cả các giống gà hiện đại có nguồn gốc từ gà thuần hoá ở những nước [ngày nay] như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Việt Nam, và tỉnh Vân Nam. Một chuyên gia nhận xét một cách khẳng định rằng “This region is a center of domestication” (đây là trung tâm thuần hoá gà). Nhóm tác giả còn ước tính rằng gà hiện đại ‘tách’ khỏi tổ tiên gà rừng lông đỏ chừng 6200 đến 12800 năm trước.
Nói đúng ra, phát hiện của nghiên cứu này [1] cũng không hẳn là mới, vì chừng 8 năm trước đã có một nghiên cứu Úc phân tích mitochondrial DNA [2] cũng cho thấy tất cả gà đều xuất phát từ Đông Nam Á. Điều ngạc nhiên là nghiên cứu của nhóm bên Tàu không đề cập đến nghiên cứu năm 2002 [2].
Một điều ngạc nhiên khác là nhóm tác giả bài báo mới nhứt không đề cập đến Việt Nam, mà chỉ đề cập đến Miến Điện, Lào, Thái Lan, và miền “South China” như là nguồn gốc của gà trên thế giới!
Quay lại nhận xét về con gà trong văn minh nhân loại. Các chuyên gia khảo cổ cho rằng gà (cùng với chó, mèo, bò, và heo) là những con vật được ví von là ‘guồng máy’ của văn minh nhân loại, vì nó xuất hiện trong tất cả xã hội từ cổ chí kim. Con gà gắn liền với văn minh nông nghiệp. Phát hiện mới nhứt này củng cố giả thuyết rằng Đông Nam Á chính là cái nôi của nền văn minh nông nghiệp của thế giới.
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng từng là nạn nhân của thói ganh tị, hay có thể nhìn ra những người ganh tị chung quanh mình. Nhưng đa số chúng ta xem đó là một khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống, chứ ít ai nghĩ đến ganh tị như là một chủ đề khoa học. Nhưng hôm nọ, tôi đi nghe một báo cáo nghiên cứu về ‘envy’ (ganh tị) của một diễn giả chuyên nghiên cứu về lãnh vực này thuộc Đại học UTS. Bài báo cáo rất hay, nhiều ví dụ minh họa, và có nhiều điểm mới (với tôi), và ở đây tôi xin chia sẻ vài ý chính từ bài báo cáo đó.
Một trong những cảm tính xã hội (social emotion) nguy hiểm nhất là thói ganh tị (ghen tị, đố kị). Cũng có thể xem ganh tị là một vice – thói xấu. Trong Genesis, nhân vật Cain vì ghen tị mà đã ra tay giết chết người em là Abel. Xin nhắc lại là Cain và Abel là con của Adam và Eva. Trong lịch sử đã có không biết bao nhiêu câu chuyện về chiến tranh xảy ra chỉ vì thói ganh tị giữa người với người. Phật xem ganh tị và ghen ghét là một trong 16 vết nhơ bẩn của tâm trí.
Theo nhận định của các nhà văn hóa, người Việt cũng có thói ganh tị khá lớn, và thói này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực xã hội. Một chuyên gia xã hội học người Việt (TS Trần Phương) nhận định rằng thói đố kị của người Việt là do tính tò mò và so đo: “Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe… đắt tiền hơn. […] Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn viện lý do để an ủi bằng những suy nghĩ nhỏ nhen kiểu ‘chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho’, ‘chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch’ …” Chỉ vài ngày trước đây, một người Việt nổ súng bắn chết bà con ông vì ông ganh tị với vợ bảo lãnh được thân nhân sang Mĩ còn ông thì không làm được việc đó! Nhìn chung, ganh tị quả thật là một đặc tính nguy hiểm của con người, và nó cần phải được nghiên cứu nghiêm chỉnh để giúp chúng ta hiểu hơn.
Trước hết là nguồn gốc của chữ. Tôi không biết chữ ‘ganh tị’ trong tiếng Việt xuất phát từ đâu, nhưng nó tương đương với chữ ‘Envy‘ trong tiếng Anh. Chữ ‘envy’ có nguồn gốc từ chữ Latin là ‘invidia‘, có nghĩa là ‘non sight‘ (tạm hiểu là ‘mù quáng’). Nguồn gốc của chữ envy nói lên ý nghĩa chính của ganh tị là xuất phát từ sự mù quáng (1).
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa ganh tị (hay ghen tị, đố kị) là “một cảm xúc xảy ra khi một người thiếu đặc điểm tốt đẹp, thành tích, vật sở hữu của người khác và mong muốn điều đó hoặc mong muốn người khác không có được điều đó.” Đó là một định nghĩa rất chính xác. Theo định nghĩa này, có 3 yếu tố (hay điều kiện) hình thành thói ganh tị: đối tượng, cảm thấy kém cỏi, và đau khổ:
• Thứ nhất, người ganh tị đối đầu với một ‘đối tượng’ cùng nghề nghiệp nhưng người đó sở hữu tố chất, tri thức, khả năng hay tài sản tốt hơn mình. “Đối tượng” ở đây có thể là người láng giềng, đồng nghiệp, hay thậm chí thân nhân. Những vật thể dễ làm cho người ta trở nên ganh tị là tài năng, tiền bạc, địa vị, nhan sắc, sự thành công, v.v. Kẻ ganh tị chỉ nhắm đến đối tượng tương đương với mình hơn là những đối tượng quá xa. Người ăn xin ganh tị với những người ăn xin khác thành công hơn họ, chứ không ganh tị với những người triệu phú. Người ganh tị ghét bạn bè họ chỉ vì bạn bè họ thành công hơn.
• Thứ hai, người ganh tị muốn có những tài năng, tiền bạc, địa vị, nhan sắc, sự thành công mà ‘đối thủ’ đang sở hữu. Thật ra, người ganh tị không muốn ‘đối phương’ có những vật thể đó. Cảm giác này đúng với câu “khi thành công của bạn là nỗi đau của tôi, và nỗi đau của bạn là lợi lộc của tôi” (2).
• Thứ ba, người ganh tị cảm thấy đau khổ vì sự kém cỏi của mình; nỗi đau của người ganh tị được mô tả như là một cảm giác trống không, thất bại. Trong Tam Quốc Chí, La Quán Trung đã cho Chu Du than một cách thống khổ rằng “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?”
Ganh tị dẫn đến những phản ứng phòng vệ như mỉa mai, miệt thị, hợm hĩnh, và ái kỉ. Chúng ta thấy tất cả những phản ứng này trên báo chí và các mạng xã hội. Tất cả những hình thức phản ứng này có một mẫu số chung là dùng sự khinh miệt để tối thiểu hóa mối đe dọa đến từ người khác. Điều này giải thích tại sao những người có thói ganh tị thường hay tìm cách nói xấu và miệt thị người khác như là những kẻ bất tài và vô dụng, và qua đó, nhằm tự nâng cao tầm vóc của mình.
Ở mức độ cao hơn, nếu chủ nghĩa tư bản là sản phẩm của ích kỉ và tham lam, thì chủ nghĩa cộng sản là xuất phát từ ganh tị (1).
Diễn giả mà tôi đề cập là một nhà xã hội học với sở trường nghiên cứu về tiến hóa. Theo quan điểm của bà, ganh tị có nguồn gốc từ sinh học (1). Con người ganh tị vì thói ganh tị giúp họ đánh giá vị trí của họ trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài nguyên. Một nghiên cứu mới đây công bố trên Science phát hiện ra vùng não được kích hoạt khi có suy nghĩ ganh tị (2). Vùng não này cũng chính là nơi kích hoạt đau thể xác. Cái đau của người ganh tị và cái đau thể xác xuất phát từ 1 chỗ. Nghiên cứu này được thiết kế rất hay.
Đối diện với một người thành công hơn và tài giỏi hơn, người ta thường có 2 phản ứng trái ngược nhau: ngưỡng mộ và ganh tị. Ngưỡng mộ giúp cho người ta phấn đấu để trở thành tốt hơn, tri ân hơn, và ghi nhận thực tế tốt hơn. Nhưng ganh tị thì có tác động ngược lại vì nó làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội và làm cho kẻ ganh tị trở nên độc địa trong suy nghĩ và việc làm.
===
(1) Hill & Buss: The evolutionary psychology of envy.
Hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg mới xuất bản một cuốn sách nhan đề “Hidden Hand” (Giấu Tay), nối tiếp cuốn Silent Invasion. Nếu Silent Invasion viết về cuộc xâm lăng của Trung Cộng vào Úc, thì HiddenHand là một công trình sưu khảo công phu về những cuộc xâm lăng và khuynh đảo của Trung Cộng vào hệ thống chánh trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, và truyền thông ở các nước phương Tây. Có thể xem đó là cuộc xâm lăng mềm, với tiền là phương tiện chánh. Đây là một cuốn sách hết sức thú vị, cung cấp rất nhiều thông tin mang tính mở mắt cho những ai quan tâm đến thời cuộc và sự ảnh hưởng của Trung Cộng trên trường quốc tế, kể cả Việt Nam. Bài điểm sách này sẽ điểm qua những nội dung chánh, và chia sẻ vài thông điệp chánh trong cuốn sách.
Ở Úc, tuần vừa qua xảy ra một biến cố chánh trị làm cho cuốn sách này trở nên tâm điểm của thời cuộc. Một thượng nghị sĩ Úc tên Shaoquett Moselmane (gốc Lebanon) bị cảnh sát xét nhà riêng sau một thời gian bị cơ quan tình báo Úc ASIO điều tra về những mối liên hệ giữa ông với đảng cộng sản Tàu. Ông dân biểu đã là đối tượng được báo chí theo dõi về mối liên hệ giữa ông và đảng cộng sản Tàu. Từ năm 2018, ông và người phụ tá là John Zhang (gốc Tàu) có những phát biểu ủng hộ nhà cầm quyền Trung Cộng và chỉ trích những chánh sách cứng rắn của Úc đối với Trung Cộng.
Báo chí Úc cho biết nếu chứng cớ từ cuộc điều tra đầy đủ, ông dân biểu này có thể bị truy tố ra toà về tội giúp cho thế lực nước ngoài can thiệp vào chánh trường Úc. Nếu bị truy tố thì đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới về sự can thiệp của nước ngoài vào chánh trường địa phương. Những gì diễn ra trong trường hợp của vị dân biểu này có thể nói là rất phù hợp với những chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Cộng trong các thể chế dân chủ ở phương Tây.
Chiến Tranh Lạnh
Từ điển tiếng Anh định nghĩa Hidden Hand là thế lực gây ra những tác động tiêu cực. Hidden Hand cũng có thể hiểu là những người ở vào vị trí quyền lực cao nhứt nhưng giấu mặt. Hidden Hand cũng có thể là một hội ái hữu kiểm soát một mạng hội kín, và những hội kín này thực hiện những mệnh lệnh của thế lực cấp trên. Thường, những người thực hiện mệnh lệnh không biết ai là người ra lệnh.
Có lẽ mượn ý nghĩa đó, nên hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg (H&O) đặt tựa đề cho cuốn sách mới là Hidden Hand [1] để mô tả những hoạt động của Đảng cộng sản Trung Cộng (CCP) nhằm lũng đoạn chánh trường phương Tây và thiết lập một trật tự thế giới mới theo ý tưởng của những kẻ điều hành CCP, mà người đứng đầu hiện nay là Tập Cận Bình.
Tại sao Hidden Hand? Thật ra, đây là cuốn sách nối tiếp cuốn Silent Invasion (Cuộc xâm lăng thầm lặng) công bố vào năm 2017 mà tôi có điểm sách [2]. Silent Invasion viết về những chiêu trò xâm lăng vào Úc của CCP, còn Hidden Hand thì viết về cuộc xâm lăng của CCP vào các nước phương Tây. Cuộc xâm lăng này diễn ra trên tất cả lãnh vực, từ chánh trị, kinh tế, khoa học – công nghệ, gián điệp, đến văn hoá.
Cứ mỗi lần Mĩ hay Úc nêu những hành động hung hãn của Trung Cộng ở Biển Đông (hay bất cứ nơi nào trên thế giới), thì phía Trung Cộng đều cho viên phát ngôn than phiền rằng Mĩ dùng ngôn ngữ thời Chiến Tranh Lạnh, là khơi dậy chủ nghĩa McCarthy. Mới đây, trong lúc mối quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Cộng hơi căng thẳng, viên phát ngôn Tàu cũng nói rằng Úc hành xử như thời Chiến Tranh Lạnh.
Ngoài miệng thì than phiền như thế, nhưng về thực chất thì Trung Cộng đã thực hiện Chiến Tranh Lạnh từ … 30 năm trước. Theo H&O, Trung Cộng sau thời chế độ Xô Viết sụp đỗ tự xem mình bị vây hãm bởi các kẻ thù, và những kẻ thù này cần bị đánh bại và vô hiệu hoá. Để đánh bại kẻ thù, CCP đã phát động một cuộc Chiến Tranh Lạnh từ thập niên 1990!
Trong Lời nói đầu, tác giả cho biết nhiều người trong giới trí thức ở phương Tây đánh giá thấp hay bác bỏ sự đe doạ của Trung Cộng đối với nền dân chủ phương Tây. Hai tác giả cho rằng đó chính là lí do tại sao họ viết Hidden Hand. Nói cách khác, tác giả muốn ‘giáo dục’ những ai còn ngây thơ với mối đe doạ từ Trung Cộng.
Sách bao gồm 13 chương, bàn những vấn đề về sự vận hành và tổ chức của CCP, cách thức mà nó tranh thủ vận động trong và ngoài nước qua mạng lưới công an và gián điệp, các biện pháp kiểm soát hệ thống truyền thông, các chương trình lũng đoạn thông tin ở phương Tây, và ý tưởng thay đổi trật tự thế giới. Nội dung chánh của sách chỉ chừng 270 trang, nhưng phần tham khảo và bị chú chiếm 130 trang, chứng tỏ tác giả đã đầu tư rất nhiều công sức và thời giờ vào việc soạn thảo cuốn sách.
CCP và những người bạn
CCP đã xây dựng hẳn một mạng lưới ảnh hưởng trên đất Mĩ từ thập niên 1970. Họ có khả năng và đã mua chuộc rất nhiều kí giả, nhà khoa học, học giả, thậm chí chánh trị gia và những nhà vận động làm việc cho họ. Cả Joe Biden và Donald Trump đều xem mình là “bạn” của Tập Cận Bình. Dưới thời Obama, Mĩ đã đứng khoanh tay nhìn Trung Cộng xây dựng những công trình quân sự trên Biển Đông, vì Obama cũng đánh giá thấp mối đe doạ của Trung Cộng. John Bloomberg, ứng cử viên phó tổng thống Mĩ, cũng có thể xem là một người bạn thân của Tập. Chẳng những các chánh khách, mà gia đình của họ (như gia đình của Donald Trump, con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump) cũng là bạn thương mại với Trung Cộng. Trung Cộng đã có những người bạn như thế giúp cho họ đạt được những mục tiêu dài hạn.
Nhưng đừng tưởng rằng Trung Cộng xem mọi người bạn như nhau. Đối với CCP, cái gì cũng được phân nhóm, và bạn bè cũng được phân nhóm. Phân nhóm để có chánh sách đối phó và đối xử. Đối với người ngoại quốc, CCP chia thành 4 nhóm như sau:
Nhóm 1 là những người bạn. Đây là những người đồng ý với và ủng hộ chủ trương của CCP hết mình. Họ thường được trích dẫn trên hệ thống truyền thông của TC;
Nhóm 2 là những người bạn có thể tin được. Họ thường là những người trong giới doanh nhân mà CCP có thể dựa dẫm vào, nhưng không thể tin tưởng;
Nhóm 3 là những học giả và giới kí giả. Đây là những người yêu Trung Cộng, nhưng biết rõ những chiêu trò xấu và bẩn của cộng sản và CCP;
Nhóm 4 là ‘kẻ thù’. Đây là những người yêu Trung Hoa và văn minh Trung Hoa, nhưng ghét cộng sản. Đây là những kẻ mà CCP sẵn sàng bôi nhọ mỗi khi có dịp;
Nhóm 5 là ‘thờ ơ’. Đây là những người không biết và không cần biết về Trung Cộng. Trong cái nhìn của CCP, đây là những người có ích và có thể gây ảnh hưởng bằng cách mời họ xuất hiện trong các dịp lễ lạc để tạo ra ấn tượng tốt.
Trong một chương viết về cách CCP lũng đoạn các quan chức ngoại giao nước ngoài, H&O cho biết các đại sứ khi mới tới Trung Cộng, họ trước hết bị ‘cách li’ với các nhân vật cao cấp trong CCP. Sau đó một thời gian, họ sẽ nhận được tin nhắn rằng một quan chức cao cấp trong CCP muốn gặp họ. Mục tiêu là làm cho người được mời đến gặp cảm thấy mình ‘đặc biệt’, được tin cẩn, và có thể tiếp cận những thông tin mà người khác không có. Tuy nhiên, đó chỉ là một chiêu trò tâm lí để khai thác đối phương!
Khi cần đe doạ, Trung Cộng dùng ngôn ngữ mơ hồ, mù mờ, để cho đối tượng tha hồ đoán. Thật ra, đây là một chiêu trò của người cộng sản Tàu, vì sự mơ hồ có tác dụng gây sợ hãi nhiều người, và ai cũng có thể là những kẻ thù của chế độ.
Đảng và doanh nghiệp: hôn phối chánh trị
Trong chế độ Trung Cộng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đảng là một cuộc hôn phối chánh trị. Mối liên hệ giữa các cán bộ cao cấp trong đảng và doanh nghiệp diễn ra 2 chiều: cá nhân và chánh trị. Các cán bộ cao cấp trong đảng hoặc gia đình của họ đều đứng đằng sau hay có quyền lợi tài chánh với doanh nghiệp, và họ hưởng lợi từ doanh nghiệp. Trong mỗi doanh nghiệp cấp trung và lớn đều có chi bộ của CCP, và chi bộ chính là nhóm người định hướng, thậm chí điều hành, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có cán bộ của đảng ‘bảo trợ’ thường làm ăn khấm khá, và họ được ưu tiên nhiều lãnh vực, kể cả đóng thuế ít hơn các công ti ngoài đảng. Công cuộc chống tham nhũng mà Tập Cận Bình phát động thật ra chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đến các doanh nghiệp do CCP bảo trợ.
Có thể nói tất cả các nhân vật đứng đầu các tập đoàn lớn (như Alibaba, Baidu, Huawei, Tencent, v.v.) đều là đảng viên của CCP hay tỏ lòng trung thành tuyệt đối với CCP. Richard Liu (được xem là một Jeff Bezos của Trung Cộng) từng nói rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thành hiện thực trong thế hệ này. Xu Jiayin, một đại gia bất động sản tuyên bố rằng “tất cả những gì tập đoàn sở hữu là do Đảng cho“. Đại gia kĩ nghệ nặng Liang Wengen thì cảm tính hơn khi nói “cuộc đời của tôi thuộc về Đảng“.
Trong quan hệ doanh nghiệp nước ngoài, CCP còn cài đặt người vào các thiết chế kinh tế của Mĩ và Âu châu. Một trong những thiết chế mà CCP nhắm tới để gây ảnh hưởng là Wall Street. Trong chuyến viếng thăm Mĩ, thủ tướng Trung Cộng không tới Washington trước, mà đến New York, nơi mà ông có những cuộc hội kiến bận rộn với các nhân vật trong hệ thống tài chánh Mĩ. Những sếp của các tập đoàn lớn như JP Morgan, Merrill Lynch, Morgan Stanley, Dow Jones, Goldman Sachs, Citigroup, Bank of America, v.v. đều được tiếp đón trọng thị. Sau lần tiếp đón là hàng loạt hợp đồng thương mại trị giá tỉ USD được kí kết.
Nhưng CCP còn nghĩ đến thế hệ tương lai, và các thiết chế tài chánh Mĩ là mục tiêu. Câu lạc bộ công tử và tiểu thơ (princelings) là một nhóm trong chương trình này. Chẳng hạn như tập đoàn JP Morgan có một chương trình có tên là “Sons and Daughters Program” (nhưng các tập đoàn Mĩ lớn đều có những chương trình tương tợ) nhằm nâng đỡ các con cháu của các cán bộ cộng sản cao cấp từ Trung Cộng. Chẳng hạn như Goldman Sachs chỉ riêng năm 2013 đã có 25 con cháu cộng sản, trong đó có cả cháu nội của Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Merrill Lynch và Citigroup cũng có nhiều nhân viên là các công tử và tiểu thơ của CCP, kể cả con dâu của Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang). Morgan Stanley thì mướn con trai của Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) và con gái của Chủ tịch của Ngân hàng Phát Triển Chen Yuan. Đây là những công tử và tiểu thơ đã hoặc đang theo học tại các trường hàng đầu của Mĩ. Có thể nói [chương trình] “Sons and Daughters Program” hoặc tương tợ là nơi ươm mầm cho thế hệ elite tài chánh tương lai của Trung Cộng.
Hoa kiều vụ
Hiện nay, có khoảng 50 đến 60 triệu Hoa kiều ở nước ngoài. CCP xem đây là một nguồn lực rất quan trọng trong chiến lược ảnh hưởng thế giới. Trong 3 thập niên qua, Trung Cộng đã có nhiều biện pháp và chương trình nhằm kéo những Hoa kiều về ‘đất mẹ’ bằng cách này hay cách khác. Một trong những tổ chức quan trọng nhứt của CCP là “Mặt Trận Đoàn Kết” (United Front), với nhiệm vụ chánh là quản lí Hoa kiều và cái mà họ gọi là “qiaowu” (Hoa kiều vụ). Hai cơ quan phụ trách việc hiện các chánh sách là Cục Người Hoa ở Nước Ngoài, viết tắt là OCAO (rất giống với “Uỷ ban Người Việt ở nước ngoài” của Việt Nam). Tuy nhiên, mạng lưới tổ chức thì phức tạp hơn nhiều so với những gì tôi mô tả (có thể xem trang 124-125 để thấy sơ đồ tổ chức nhằm khuynh đảo Hoa kiều).
Một số trong cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài trở thành không chỉ là những tiếng nói của CCP, mà còn một lực lượng đe doạ những ai dám thách thức sự đàn áp của Trung Cộng. Những thành viên của Pháp Luân Công bị xách nhiễu và đe doạ bởi những “Hoa kiều” ở New York là một ví dụ. Sinh viên gốc Duy Ngô Nhĩ nói về sự tàn ác của CCP cũng bị sinh viên Trung Cộng đe doạ. Một số Hoa kiều ‘độc lập’ (tức không dính dáng gì đến CCP) cũng bị đe doạ và cô lập. Ở Đức, sự lộng hành của các Hoa kiều thân cộng nghiêm trọng đến nỗi có Hoa kiều độc lập cho rằng họ xem Đức như là một sân vườn của đảng cộng sản Trung Cộng!
Một chiến lược của CCP và khuyến khích và hỗ trợ cho Hoa kiều tham chánh trong chánh trường địa phương, họ gọi chương trình này là “huaren canzheng” (Hoa kiều tham chánh). Qua chương trình này, CCP giới thiệu những ứng viên gốc Hoa nhưng thân cộng (dĩ nhiên) ra ứng cử cấp địa phương, bang, và thậm chí liên bang. Họ đã thành công đưa Hoa kiều vào những vị trí quan trọng ở Anh, Úc, và vài địa phương ở Mĩ.
Mạng lưới gián điệp: phi chánh thống
Các trung tâm gián điệp phương Tây thường chỉ tập trung vào những việc như đánh cắp tài liệu mật của chánh phủ và quân sự, bằng cách tuyển mộ những điệp viên hay cài điệp viên vào chánh phủ và cơ quan quân sự. Nhưng hoạt động gián điệp của Trung Cộng vượt ra ngoài biên giới truyền thống đó và bao gồm luôn cả đánh cắp thông tin mật từ các công ti kĩ nghệ, tập đoàn kinh tế, và cả tổ chức dân sự.
Hệ thống tổ chức gián điệp và tình báo của Trung Cộng phức tạp hơn nhiều so với các chánh phủ phương Tây. Ở cấp trung ương có 2 cơ quan tình báo quan trọng là Tổng Cục I (trực thuộc Bộ Công An) và Tổng Cục II (còn gọi là 2PLA, thuộc Bộ Quốc Phòng). Tổng cục I về chức năng thì tương đương với CIA và FBI cộng lại, nhưng còn có quyền lực chánh trị. Tổng cục II dùng nhà báo, học giả, và nhà ngoại giao làm bề mặt để hoạt động, và cũng có quyền lực chánh trị. Ngoài hai cục đó, Trung Cộng còn có những Cục khác như Cục 10 (lo các vấn đề ở nước ngoài), Cục 11 (liên quan đến các ‘think tank’, viện nghiên cứu), Cục 12 (lo về các vấn đề xã hội), v.v. Theo FBI, chỉ riêng Cục 12 đã thành lập hơn 3000 công ti làm bình phong cho những hoạt động gián điệp trên thế giới.
Các ‘ổ’ gián điệp Trung Cộng không chỉ tuyển dụng người trong nước, mà còn tuyển dụng người nước ngoài và áp dụng các thủ thuật tâm lí để gây áp lực đến nạn nhân. Vào thập niên 1990, cẩm nang của MI5 (cơ quan tình báo Anh) dành cho các doanh nhân làm ăn ở Trung Cộng có cảnh báo rằng không nên nhận những món quà quá mức, và cảnh giác với những lời tâng bốc tận mây xanh. Chiến thuật của tình báo Trung Cộng là làm cho nạn nhân mang nợ bằng những món đắt tiền hay mĩ nhân kế, để nạn nhân tự cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp nghĩa. Hình thức đáp nghĩa có thể đưa nạn nhân vào vòng tay của các ổ gián điệp Trung Cộng.
Cục tình báo Úc (ASIO) cũng hay cảnh báo giới ngoại giao và doanh nhân Úc về những chiêu trò theo dõi của an ninh Trung Cộng. ASIO khuyên tất cả các thành viên trong đoàn không dùng charger điện thoại của khách sạn, không dùng bất cứ USB nào được cho làm quà, không bao giờ để máy tính cá nhân trong phòng khách sạn, v.v. Một hình thức hăm doạ khác là meinren ji, dùng hình ảnh của nạn nhân trong những tình huống khó xử (có khi là hình ảnh ghép, sửa) làm cho nạn nhân rơi vào vòng kim toả của gián điệp Trung Cộng.
Truyền thông: “Họ của chúng tôi là Đảng”
Chương 9 của cuốn sách là một trong những chương thú vị, vì trong đó tác giả bàn về hệ thống truyền thông của CCP. Đây là chương ‘mở mắt’ cho nhiều người phương Tây, nhưng có lẽ chẳng làm ngạc nhiên ai đã quen với sự kiểm soát hệ thống truyền thông của đảng cộng sản. Nói ngắn gọn và ví von, tất cả nhà báo Trung Cộng chỉ có 1 họ duy nhứt: Đảng.
Ai cũng biết CCP kiểm soát hệ thống truyền thông một cách toàn diện, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Sự trung thành của giới báo chí đối với CCP là tuyệt đối. Ban Tư Tưởng của CCP thường xuyên gởi chỉ thị cho tất cả các báo và đài mỗi tuần, hướng dẫn vấn đề gì cần được đề cậ và đề cập như thế nào, ai cần được nhắc đến hay không nên nhắc đến, và hệ thống phải tuân thủ tuyệt đối; họ không có lựa chọn.
Nếu hệ thống truyền thông không tuân thủ, thì họ sẽ bị phạt. Hình phạt có thể chỉ là cảnh cáo, nhưng cũng có khi cả ‘sanh mạng chánh trị’. Chẳng hạn như năm 2015, 4 kí giả Trung Cộng bị phạt vì họ đánh vần sai vài chữ trong bài diễn văn của Tập Cận Bình làm cho người đọc hiểu rằng Tập Cận Bình sắp từ chức. Trong cùng năm, một kí giả chuyên về tài chánh bị bắt vì anh ta công bố những con số thật (nhưng đối với CCP thì đó là những thông tin nguỵ tạo).
Ngay từ 1955, Mao Trạch Đông đã huấn thị cho Tân Hoa Xã rằng phải “quản lí toàn cầu”, và phải “làm cho cả thế giới nghe tiếng nói của Trung Cộng”. Thời của Mao thì Tân Hoa Xã tập trung vào việc tuyên truyền ở Á châu và Phi châu, nhưng dưới thời Tập Cận Bình thì cánh tay của Tân Hoa Xã vươn ra Âu châu và Mĩ châu. Tính từ năm 2009 đến nay, Tân Hoa Xã đã có 180 văn phòng ngoài Trung Cộng, với tổng hành dinh vùng đặt ở New York, Brussels, Hồng Kong, Moscow, Cairo, Vạn Tượng (Lào), và Mexico City. Tư 2010, Tân Hoa Xã có hẳn một kênh CNC World (cạnh tranh với CNN?) truyền tin bằng tiếng Anh đến thế giới.
Ngoài Tân Hoa Xã, Trung Cộng còn có tờ nhựt báo China Daily (tiếng Anh). China Daily được thành lập vào năm 1981, với sự giúp đỡ của nhựt báo “The Age” của Úc và tài trợ từ Chánh phủ Úc. Tờ China Daily nhận chỉ thị từ CCP qua Cục Thông Tin Quốc Gia để quảng bá quan điểm của CCP và thông tin từ Trung Cộng đến thế giới.
CCP còn tích cực huấn luyện kí giả từ các nước đang phát triển. Theo “Reporters without Orders” hàng vạn kí giả từ các nước nghèo (như Việt Nam) được Tân Hoa Xã tài trợ để tham dự các lớp tập huấn do Ban Tư Tưởng của CCP tổ chức. Những kí giả này sẽ là những “sứ giả” cho CCP và qua đó phát huy ‘quyền lực mềm’ của Trung Cộng.
Một chiến lược truyền thông khác của Trung Cộng có tên là “Mua tàu đi biển” (Buying a boat to sail the sea). Theo chiến lược này, Trung Cộng tung tiền ra mua cổ phần những tập đoàn truyền thông nổi tiếng ở phương Tây. Nếu mua không được, họ áp dụng chiến lược “Mượn tàu đi biển” (“borrowing a boat to sail the sea”), mà theo đó, Trung Cộng thương lượng với các tập đoàn truyền thông nổi tiếng ở phương Tây (như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Daily Telegraph, Sydney Morning Herald, Le Figaro, El Pais) để thêm một phụ chương có tên là “China Watch” do China Daily sản xuất. Ngay cả tập san khoa học lừng danh Nature cũng có phụ chương chỉ dành cho Trung Cộng.
Trong khi Trung Cộng nâng cao nỗ lực quảng bá quan điểm của CCP ra nước ngoài, thì cái cơ chế này lại hạn chế, thậm chí ngăn chận, luồng thông tin từ ngoài vào Trung Cộng. Từ năm 2009 Trung Cộng đã chận hầu hết các mạng xã hội từ phương Tây (như facebook, google, twitter). Chỉ có mạng LinkedIn của Microsoft thì không bị chận vì LinkedIn sẵn sàng theo đường lối hay làm theo chỉ thị của CCP.
Nhưng CCP lại dùng mạng xã hội phương Tây để quảng bá các tin giả (fake news). Theo H&O, Trung Cộng có hẳn một đội quân dư luận viên (có tên là “Đảng 50 xu” hay “50 cent Party) vốn là những nhân viên trong hệ thống chánh quyền của Trung Cộng. Đội quân dư luận viên này chỉ có một nhiệm vụ duy nhứt là tung tin giả, đe doạ, và khủng bố những người nào có quan điểm khác với CCP. Mỗi năm, đội dư luận viên này tung ra 450 triệu bình luận trên các mạng xã hội phương Tây, với đa số là nguỵ biện và chửi bới, hay nói chung là ‘misinformation’. Đối tượng của họ là Đài Loan, Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Năm 2019, Twitter phải khoá hơn 1000 tài khoản, và sau đó hơn 200,000 tài khoản mà họ nghi là do nhà nước Trung Cộng bảo trợ.
Chánh trị hoá văn hoá
Đối với CCP, văn hoá là một mặt trận, nên Trung Cộng rất quan tâm đến việc chánh trị hoá văn hoá. Tập Cận Bình không giấu diếm gì khi muốn CCP là chủ nhân, là bảo hộ nhân văn hoá Trung Hoa. Đảng cộng sản tự cho mình cái quyền phán xét cái nào là văn hoá chánh thống, và cái nào không phải là văn hoá Trung Cộng. Một ví dụ tiêu biểu là áo sẩm (qipao hay cheongsam) vốn được xem là trang phục truyền thống của phụ nữ Trung Hoa, nhưng thật ra nó có nguồn gốc từ Mãn Châu và được phụ nữ Trung Hoa mặc lần đầu vào những năm 1910. Trong thời Mao, áo sẩm được xem là trang phục của giới tư sản, nhưng gần đây thì nó được xem là một biểu tượng văn hoá của Trung Cộng. Và, CCP nhứt định dành quyền quảng bá áo sẩm, không có bất cứ một tổ chức tư nhân nào liên quan.
Dĩ nhiên, trong một xã hội mà CCP kiểm soát tất cả lãnh vực, thì văn học cũng không thể thoát khỏi vòng kim toả. Một ví dụ tiêu biểu là chủ trương và tầm nhìn của Hội Nhà Văn Trung Cộng. Hội này tuyên bố nhiệm vụ số 1 là “tổ chức các nhà văn học tập về chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng của Mao Trạch Đông, và lí thuyết của Đặng Tiểu Bình, và học tập đường lối chánh sách của đảng.” Thỉnh thoảng cũng có nhà văn tự trọng xin ra khỏi Hội, nhưng đa số nhà văn thì muốn lưu lại trong Hội để hưởng phước lợi và có dịp đi nước ngoài để ‘giao lưu’ cùng các đồng nghiệp phương Tây.
Năm 2011, CCP lưu hành một tài liệu nhan đề “Culture Going Global”, mà trong đó họ vạch ra những chiến lược để quảng bá văn hoá Trung Cộng đến thế giới, và CCP muốn dùng văn hoá để kết nối tất cả Hoa kiều ở nước ngoài. Một tập đoàn có tên là “Poly Culture” được ra đời vào năm 2000, và nhanh chóng trở thành một ‘thương hiệu’ trong giới elite phương Tây. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, Poly Culture có giá trị 140 tỉ USD. Poly Culture còn là sân chơi của các công tử và tiểu thơ đỏ, là con cháu của các cán bộ thượng tầng trong CCP.
Hoạt động của Poly Culture rất đa dạng. Họ tổ chức hàng loạt chương trình hoà nhạc tại các hí viện lừng danh nhứt và lớn nhứt ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, v.v. Họ bảo trợ các cuộc triển lãm tranh ảnh về Trung Cộng, và thiết lập các viện bảo tàng quảng bá văn hoá Trung Cộng tại các nước phương Tây. Nhưng thay vì hoạt động văn hoá thuần tuý như là một phương tiện ngoại giao, thì Poly Culture lại đem chánh trị vào văn hoá và gây áp lực lên những nhóm mà họ bảo trợ. Ở Canada và Âu châu, họ ép buộc ban tổ chức triển lãm không được dùng hình ảnh của Pháp Luân Công, và những hình ảnh mà họ xem là có yếu tố chánh trị. Thế nhưng trớ trêu thay, họ lại chánh trị hoá triển lãm bằng những hình ảnh của Tập Cận Bình!
Khoa học và công nghệ
Có lẽ lãnh vực khoa học và công nghệ là món mà CCP thèm thuồng nhứt. Điều này cũng dễ hiểu, vì để hiện đại hoá đất nước, Trung Cộng cần đến nhân tài “knowhow” về khoa học và công nghệ. Để thu hút nhân tài, CCP đề ra kế sách “Ngàn Nhân Tài” (Thousand Talents Plan). Theo kế sách TTP, nhà khoa học sẽ được cung cấp tài trợ và cơ sở vật chất để làm nghiên cứu tại Trung Cộng. Số tiền tài trợ rất hấp dẫn, và dễ làm xiêu lòng những nhà khoa học đang bị khó khăn về tài trợ ở các nước phương Tây. Do đó, Trung Cộng đã thu hút hàng vạn nhân tài từ các nước phương Tây. Đa số những người tài này là các nhà khoa học gốc Hoa, nhưng chương trình Thousand Talents Plan còn tuyển cả giới khoa học không phân biệt quốc tịch.
Không chỉ tuyển dụng nhân tài về Trung Cộng, CCP còn tích cực đánh cắp kĩ thuật và dữ liệu khoa học từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mĩ. Ỡ Mĩ, có khá nhiều nhà khoa học gốc Hoa, và một số giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống khoa học. Chẳng hạn như Bộ Năng Lượng (Department of Energy) có đến 35,000 nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại các trung tâm nghiên cứu (kể cả nghiên cứu về vũ khí), và trong số này có chừng 10,000 người gốc Hoa hay từ Trung Cộng. Qua các chương trình giao lưu, CCP dùng các nhà khoa học gốc Hoa ở Mĩ để thu thập dữ liệu khoa học đem về Trung Cộng.
Một số nhà khoa học đã trở thành nạn nhân của ‘chương trình’ đánh cắp khoa học này. Năm ngoái, trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư MD Anderson (Mĩ) phát hiện một số nhà khoa học gốc Hoa chuyển tài liệu cho Trung Cộng, và những người đã bị sa thải. Năm nay (2020), một nạn nhân nổi tiếng khác là Giáo sư Charles Lieber (Đại học Harvard) bị FBI bắt vì có cáo buộc rằng ông được tuyển vào chương trình Thousand Talents Plan và nhận lợi lộc (lương 50,000 USD mỗi tháng [?] và chuyển giao công nghệ cho Đại học Công nghệ Vũ Hán) nhưng ông không khai báo với phía Mĩ về những hoạt động đó. Nhưng trong thực tế thì có hàng trăm vụ đánh cắp khoa học khác ít khi nào được đề cập trên báo chí.
Nhiều nhà khoa học Trung Cộng mang chức danh khoa học (giáo sư) sang các nước phương Tây để hợp tác nghiên cứu, nhưng trong thực tế họ là những sĩ quan quân đội cao cấp. Theo Alex Joske (một chuyên gia nghiên cứu về Trung Cộng), tính từ 2007 đến nay (2020), quân đội Tàu đã gởi ra nước ngoài hơn 2500 nhà khoa học nhưng thực chất là những sĩ quan cao cấp. Họ hợp tác tại các đại học hàng đầu của các nước phương Tây. Ở Úc, hai trường đại học được đề cập đến là Đại học New South Wales và Đại học Công nghệ Sydney.
* * *
Trong khi các chánh khách phương Tây đặt câu hỏi có phải họ đang ở vào thời Chiến Tranh Lạnh với Trung Cộng, thì Trung Cộng đã có câu trả lời từ 30 năm trước. Không chỉ có câu trả lời mà họ còn chủ động phát động một cuộc chiến tranh như thế dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua Hidden Hand, bạn đọc có thể thấy rõ những lãnh vực mà Trung Cộng dưới sự điều hành của CCP đã xâm nhập vào hệ thống các thiết chế chánh trị, kinh tế, khoa học và công nghệ, truyền thông, và văn hoá của các nước phương Tây. Gần như các nước giàu có như Mĩ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada, Úc, v.v. đều không ‘thoát’ khỏi sự xâm nhập của CCP. Do đó, câu chuyện về ông dân biểu Úc được đề cập trong phần đầu của bài điểm sách này chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.
Đối với chúng ta, người Việt Nam, đọc cuốn sách này rất ‘thấm’ và học được rất nhiều điều. Nhìn những nước phương Tây bị ảnh hưởng, thì câu hỏi Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không là câu hỏi thừa thải. Thỉnh thoảng người nước ngoài đọc báo chí Việt Nam bắt gặp những danh từ mới như “Thế lực thù địch”, “Quyền lực mềm”, “Trỗi dậy trong hoà bình”, hay tên của những cơ quan như “Tổng cục II”, “Mặt trận đoàn kết”, mà không biết đến từ đâu, thì cuốn sách này cho chúng ta một câu trả lời về xuất xứ: Trung Cộng.
Trong phần mở đầu sách, Hamilton và Ohlberg quan sát rằng giới kí giả và học giả khi mới tới Trung Cộng (qua những chuyến đi do CCP tài trợ) thường có ấn tượng rằng đó là một đất nước phát triển thần kì, với tốc độ phát triển kinh tế cao nhứt nhì thế giới. Họ kinh ngạc trước những công trình kì vĩ, những công nghệ chẳng thua kém gì so với phương Tây. Tuy nhiên, họ quên rằng các nước khác cũng phát triển như vậy, thậm chí còn cao hơn Trung Cộng. Họ cũng quên rằng CCP chính là thế lực làm cho Trung Hoa lạc hậu cả 1 thế kỉ. Họ ca ngợi rằng 700 triệu người Hoa đã thoát khỏi cái nghèo, nhưng họ quên rằng từ 1949 đến nay, chính CCP là thủ phạm làm cho hàng trăm triệu người Hoa nghèo đói.
Tóm lại, Hidden Hand là một cuốn sách hay và đáng đọc như cuốn trước (Silent Invasion). Có thể xem cuốn sách là một cảnh báo — có lẽ hơi muộn — về mối đe doạ của Trung Cộng đến trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo. Chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường” mà Trung Cộng đang quảng bá, khi đặt trong bối cảnh chung, có lẽ chỉ là một con ngựa Troia mà thôi. Trong khi nhiều người vẫn còn rơi vào những “bẫy mật” của Trung Cộng, thì cũng có nhiều người trong giới trí thức phương Tây đã ngộ ra mối đe doạ và có những hành động ngăn chận. Cuốn sách này có lẽ sẽ giúp cho những ai còn thờ ơ (nhóm 5, theo cách phân loại của CCP) hiểu được những hình thức xâm lăng mềm, và hi vọng sẽ không rơi vào những cái “bẫy mật” được trải thảm bằng tiền.
___________
[1] Sách Hidden Hand của Clive Hamilton và Mareike Ohlberg, do Nhà xuất bản Hardie Grant phát hành vào tháng 5/2020. Sách có 402 trang, bao gồm 270 trang nội dung chánh và 132 trang bị chú và tài liệu tham khảo.
Tác giả Clive Hamilton là giáo sư về đạo đức công chúng (Public Ethics) thuộc Đại học Charles Sturt (Canberra). Tiến sĩ Mareike Ohlberg là một nhà nghiên cứu gốc Đức chuyên nghiên cứu về các chánh sách và ảnh hưởng của Trung Cộng.
Không biết ở Việt Nam thì sao, nhưng ở Úc này khái niệm ‘bully’ (hiểu là ăn hiếp, bắt nạt, lưu manh) trong môi trường làm việc là vấn đề mà tất cả — xin nhấn mạnh ‘tất cả’ — cơ quan và tổ chức phải quan tâm, vì nó liên quan đến pháp luật. Hôm nay, đọc trên JAMA [1] thấy có một nghiên cứu về tình trạng bully trong các bệnh viện Mĩ, nên tôi chia sẻ ngay cùng các bạn.
Định nghĩa bully
Bully được định nghĩa là một sự ngược đãi. Nhưng nó không đơn giản chỉ là ngược đãi bằng hành động tay chân, mà chủ yếu là ngược đãi về tinh thần. Những hành vi như làm nhục, hăm doạ, gây hoang mang, làm cho suy sút tinh thần được xếp vào nhóm bully. Bất cứ ai có những hành động này, dù là trong đời thường hay trên mạng xã hội, đều được xem là những kẻ bully – hiểu theo nghĩa ‘du côn’ hoặc ‘lưu manh’.
Sáu loại bully trong môi trường làm việc. Kẻ bully thường là nữ, tuổi 45 – 64. Các bạn có nhận ra kẻ bully mình chưa?
Nếu những hành động bully dẫn đến những tác động tiêu cực như khủng hoảng tinh thần, sa sút về năng suất lao động, thì nạn nhân có thể truy tố kẻ bully ra toà. Trong thực tế ở Úc đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ bully bị ra toà. Do đó, các đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, công ti tư nhân, văn phòng nhà nước, v.v. rất sợ bully.
Các đại học rất sợ bị kiện vì bully. Giáo sư từng bị đuổi vì bully sinh viên và nghiên cứu sinh. Đã có bác sĩ bị tước bằng hành nghề vì bully đàn em. Sĩ quan quân đội đã từng bị lột lon và đi tù vì bully lính. Mỗi lần như thế là cơ quan đền rất nhiều tiền.
Do đó, nếu các giáo sư hay người quản lí nhân sự bị tố cáo là bully thì đại học sẽ điều tra, vì vấn đề quan trọng. Ngừa bệnh hơn chữa bệnh: họ thường mời các chuyên gia về bully về dạy cho các giáo sư cách đối xử công bằng và văn minh với đồng nghiệp và sinh viên.
Tôi cũng từng đi học về bully và từng … thi rớt. Khi học về vấn đề này, tôi kinh ngạc và ‘sáng ra’ nhiều điều mà tôi chưa từng biết trước đây. Đành rằng ai cũng biết la hét nhân viên, đập bàn vỗ ghế, chửi bới, v.v. là bully. Viết email, viết status trên mạng xã hội nói xấu và làm ảnh hưởng đến morale của người khác là bully.
Nhưng tôi không biết rằng dùng nickname người ta, nói giễu cho vui, giao việc khó, v.v. cũng là bully. Tôi cũng không biết rằng những việc nhỏ như (i) tổ chức tiệc vào những ngày mà nhân viên không tham dự được; (ii) sáng nào đi ngang qua office của nhân viên mà không chào cô ta nhưng chào người khác; (iii) nhận xét về trang phục và dáng đi của nhân viên với những từ ngữ mang tính sexy, v.v. tất cả đều là bully. Do đó, khi thi lần đầu, tôi bị rớt vì không nhận ra hết những hành động bully.
Bully trong bệnh viện
Quay lại bài báo trên JAMA, có lẽ đa số bác sĩ qua giai đoạn huấn luyện đều có không ít thì nhiều trải nghiệm một lần bully người khác hay bị người khác bully mình. Nhưng ít ai chịu khó làm nghiên cứu để biết tình trạng này phổ biến ra sao và ảnh hưởng đến bác sĩ như thế nào. Do đó, nhóm tác giả này làm nghiên cứu nhằm trả lời hai câu hỏi trên.
Đối tượng tham gia nghiên cứu là các bác sĩ nội trú ngoại khoa, có lẽ vì bác sĩ ngoại khoa thường là nạn nhân của bully. Họ nghiên cứu qua bộ câu hỏi. Bộ câu hỏi có 9 hành vi:
• Nạn nhân của những lời nói đùa có ý xấu.
• Nạn nhân của những nhận xét xúc phạm cá nhân;
• Loại trừ ra những sanh hoạt nhóm;
• Đối tượng của những đồn đãi, nói xấu;
• Thái độ thù hằn;
• Phê bình dài dài;
• Giấu thông tin quan trọng;
• Bị la hét trước mặt;
• Liên tục nhắc nhở những sai sót trước đây;
Kết quả: trong số 6264 bác sĩ trả lời cuộc điều tra, 67% cho biết từng trải qua ít nhứt 1 lần bị bully (qua các hành vi trên). Tỉ lệ thỉnh thoảng bị bully là 44%, và thường xuyên bị bully là 18%. Phân tích chi tiết hơn cho thấy, nữ (20%) bị bully nhiều hơn nam giới (16%). Ngoài ra, nhóm bác sĩ chưa có gia đình (20%) hay li dị hoặc li thân (27%) bị bully nhiều nhứt.
Trước đây, có một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bully được báo cáo là 53% ở bác sĩ và 54% ở y tá [2]. Do đó, kết quả nghiên cứu này khá nhứt quán với nghiên cứu trước đây.
Ai là thủ phạm?
Điều đáng ngạc nhiên là kẻ bully thường là nữ giới hơn là nam giới. Họ thường ở độ tuổi 45 – 64, tức là tuổi ở vị trí quản lí và có chút quyền lực. Nghiên cứu xã hội học chỉ ra 6 loại thủ phạm, hay nói đúng hơn là 6 loại lưu manh:
• Trứng thúi (bad egg): trong tiếng Anh, gọi ai là ‘bad egg’ là đề cập đến người khó tánh, xấu tánh, lúc nào cũng soi mói lỗi lầm và sai sót của người khác để tự nâng mình lên. Những kẻ bully này rất thích chọc ghẹo, nói xấu sau lưng nạn nhân để làm cho nạn nhân suy sụp tinh thần.
• Đồng nghiệp tốt trở thành xấu: đây là những người thoạt đầu là bạn, nhưng sau này do mâu thuẫn nên trở thành bully, họ thường đem những câu chuyện quá khứ ra làm đe doạ nạn nhân
• Độc đoán, hống hách: loại này thường là những người ở vị trí quản lí (giám đốc, giám thị), lúc nào cũng đòi hỏi phải có kết quả bằng mọi giá; đối với họ ai làm không hiệu quả là bất tài và bị đày đoạ cho đến khi nghỉ việc.
• Du côn mafia (mafia mob): loại này thường dùng kĩ thuật kết bè, kết đảng để triệt hạ nạn nhân. Họ thường tụ tập vào những thời điểm sao cho nạn nhân không thể nào tham gia sanh hoạt nhằm loại bỏ nạn nhân ra khỏi ‘bộ lạc’.
• Du côn mạng (cyberbully): loại này dùng công nghệ như mạng xã hội, email để quấy nhiễu, đe doạ, làm nhục, hạ uy tín, hay nói chung là nói xấu nạn nhân.
• Du côn nhân cách: loại này thường dùng thủ đoạn cạnh tranh nội bộ để loại bỏ (thay vì nâng đỡ) những người có hiệu suất làm việc thấp.
Tóm lại, bully là một hiện tượng khá phổ biến trong môi trường làm việc. Hiểu qua những hành vi bully và những kẻ bully như trình bày trên chúng ta dễ dàng thấy môi trường làm việc ở Việt Nam có thể rất … độc hại. Cứ theo định nghĩa trên thì phê bình và tự phê bình là hình thức bully, thậm chí giới hạn thông tin chỉ trong một nhóm (như đảng viên chẳng hạn) cũng là bully. Không rõ ở Việt Nam các công ti và cơ quan có quan tâm đến tình trạng bully, và có những biện pháp phòng ngừa?
Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng từng bị ăn hiếp ở trường học, nơi làm việc, hay thậm chí trong nhà. Chẳng những bị ăn hiếp, chính chúng ta cũng có thể từng là thủ phạm của bully. Tôi chợt liên tưởng đến những cách nói như “Học dốt như heo, bò” là hình thức bully. Có những câu nói mà chính tôi hay dùng có thể xem là bully, và sau này phải chỉnh sửa sau khi đã được huấn luyện. Có lẽ bully đã trở thành một nét văn hoá truyền thống ở Việt Nam rồi. Do đó, trong xu hướng hội nhập quốc tế, cái nét văn hoá này sẽ là một rào cản.
Mấy ngày làm việc từ nhà (WFH) tôi chợt nhận ra rằng Qui luật Pareto (hay có khi còn gọi là Qui luật 80/20) rất ứng nghiệm trong nhiều việc mình làm, cả trong trận dịch Vũ Hán, và cả … vụ án Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ứng dụng Qui luật này sao cho công việc chúng ta làm có hiệu quả cao nhứt, và đó là điều tôi muốn chia sẻ.
1. Qui luật Pareto
Qui luật Pareto, cũng có thể gọi là Luật phân bố Pareto, thì chắc nhiều người đã biết, nhưng tóm tắt cho các bạn chưa biết như sau (không cần dùng đến công thức thống kê). Qui luật Pareto, do nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Federico Damaso (1848 – 1923) [1] phát kiến, sau khi ông quan sát rằng sự phân bố về tài nguyên không đồng đều trong một quốc gia. Cụ thể hơn, qua tính toán thống kê, ông phát hiện rằng 80% đất đai và tài sản của nước Ý thuộc quyền sở hữu của chỉ 20% dân số. Từ quan sát đó và một số quan sát sau này, Pareto đi đến kết luận như là một qui luật rằng:
“Có đến 80% tác động hay đầu ra xuất phát chỉ từ 20% nguyên nhân (80% of the effects come from 20% of the causes).”
Sau này, trong khoa học, giới thống kê học đặt tên cho luật phân bố này là “Pareto Distribution”. Luật phân bố này chỉ có 1 tham số chánh, nhưng chúng ta sẽ không đào sâu vào đó.
Qui luật 80/20 được minh hoạ bằng biểu đồ. Trục tung là thành quả, trục hoành là nỗ lực.
Pareto viết một luận văn dài 3000 trang nhan đề “Treatise on general sociology” vào năm 1916 để giải thích về khám phá đó. Tác phẩm này được Pháp xem là một ‘élite’ dù nó được viết bằng tiếng Ý. Pareto đề nghị xếp hạng mọi người bằng cách dùng một thước đo có thang điểm từ 1 đến 10. Những người nào có điểm cao nhứt trong lĩnh vực chuyên môn được xếp vào hạng ‘eligere’. Pareto dùng thang điểm đó để đánh giá giới luật sư, chánh trị gia, thậm chí những người chơi cờ!
Trong luận phẩm đó, Pareto muốn nhấn mạnh rằng thiểu số — ông gọi là ‘eligere’ (dịch sang tiếng Anh là elite, tinh hoa) — lúc nào cũng thống trị (tức hoàn toàn trái ngược với quan điểm của mấy người theo chủ nghĩa Marx). Tôi sẽ quay lại ý tưởng này trong một cái note sau, nhưng ở đây, chúng ta chỉ quan tâm đến Qui luật 80/20 trong đời sống.
2. Quan sát Pareto
Qui luật Pareto không chỉ ứng nghiệm trong kinh tế, mà còn ở nhiều lãnh vực khác như khoa học tự nhiên, xã hội học, di truyền học, và công việc làm hàng ngày. Những ứng nghiệm này có thể tóm tắt bằng một phát biểu như sau:
Cần phải lưu ý một hiểu lầm phổ biến là Qui luật Pareto không hẳn phải cộng đủ 100. Nói cách khác, không nhất thiết phải 20 / 80, mà có thể 10 / 80, 10 / 90, 10 / 50, 1 / 20, v.v. Chẳng hạn như đối với nhiều tập đoàn dược phẩm, chỉ có 1% sản phẩm nhưng chiếm đến 20% tổng thu nhập của công ti. Con số 80 / 20 chỉ là qui ước.
Có thể minh hoạ cho phát biểu/qui luật đó như sau:
• Chánh trị: đa số các bộ trưởng và thứ trưởng trong nội các làm việc ở mức trung bình hay dưới trung bình, chỉ có 10-20% bộ trưởng và thứ trưởng có ý tưởng hay và việc làm của họ đóng góp hơn 80% vào uy tín của chánh phủ.
• Y tế: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong mỗi ngày, chừng 80% thời gian và công sức của bác sĩ và y tá dồn cho 20% bệnh nhân phức tạp.
• Kinh doanh: thường, chỉ có 20% số khách hàng của một công ti chiếm 80% giá trị hoàng hoá mà công ti bán ra. Có lẽ chính vì vậy mà các công ti quan tâm đến các khách hàng họ gọi là ‘VIP’ hay ‘Loyal’ hay những cái danh xưnng hoa mĩ.
• Sản xuất: khoảng 80% giá trị làm ra là do đóng góp của chỉ 20% công nhân viên. Nên tập trung nhận ra những người đó và tưởng thưởng cho họ.
• Mạng xã hội: đa số những người dùng mạng xã hội như facebook và twitter thụ động: chỉ có 20% người dùng viết chừng 80% tổng số ‘status’; đa số là chỉ theo dõi và không có ý kiến.
• Đại học: bất cứ ai làm quản lí khoa học trong các đại học đều biết rằng chỉ có chừng 10-20% giáo sư và giảng viên ‘sản xuất’ ra 80-90% tổng số bài báo khoa học của trường. Do đó, tại nhiều đại học phương Tây, người ta dành một diễn đàn riêng cho các giáo sư trong nhóm 10-20% đó và cho họ những danh xưng huê hoè để dụ họ làm việc tốt hơn nữa!
• Năng suất khoa học: trong khoa học có hai con số đo lường năng suất của một nhà khoa học: đó là số bài báo công bố và số lần trích dẫn. Qui luật Pareto dự đoán rằng 80% tổng số trích dẫn của nhà khoa học đó chỉ xuất phát từ 20% bài báo. Nói cách khác, nhà khoa học có thể công bố cả 100 bài báo, nhưng chỉ có 20% trong số đó đóng góp đến 80% số trích dẫn.
3. Qui luật Pareto và thời sự
Các bạn có thể nghĩ đến nhiều ứng nghiệm khác của Qui luật Pareto. Riêng tôi thì ngay cả mỗi ngày có một danh sách 10 việc cần làm, nhưng quả thật 2 việc làm đó chiếm 80% thời gian và công sức của tôi.
Nhìn lại những vấn đề mang tính thời sự hiện nay như dịch Vũ Hán, Qui luật Pareto hình như cũng ứng nghiệm khá tốt. Nhà dịch tễ học Adam Kucharski phân tích dữ liệu từ nhiều nơi trên thế giới và đi đến kết luận rằng Gần 80% các ca nhiễm virus Vũ Hán trên thế giới là xuất phát từ 10% bệnh nhân.
Ngoài ra, 80% các ca nhiễm virus Vũ Hán là nhẹ, không cần nhập viện và họ sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên, chỉ 20% ca nhập viện làm ảnh hưởng đến 80% hay có khi 100% tài nguyên của ICU. Một nghiên cứu khác cho thấy các bệnh nhân trên 80 tuổi với các bệnh đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, và ung thư chiếm 80% tổng số ca tử vong liên quan diến virus Vũ Hán.
Ngay cả vụ án Hồ Duy Hải cũng có vẻ tuân theo Qui luật Pareto. Có khá nhiều chứng cớ mới chưa từng xuất hiện trước đây là do chỉ 2-5 người đưa ra. Ngoài ra, đa số (có thể nói lên đến 95%) những ý kiến trái chiều nhưng có tác động lớn đến phiên toà vừa qua chỉ xuất phát từ 5% trong số những người lên tiếng.
4. Bài học từ Qui luật Pareto
Biết qui luật là một điều thú vị, nhưng áp dụng vào cuộc sống thì chắc khó hơn. Tôi nghĩ ở cấp độ cá nhân, bài học đầu tiên là mỗi ngày chúng ta chỉ tập trung vào một hay 2 công việc đem lại hiệu suất cao nhứt (như mô tả trong hình tứ giác dưới đây). Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều việc để làm, nên cần phải ưu tiên hoá việc nào cần làm trước, việc nào làm sau. Việc làm trước là phải làm ngay lúc buổi sáng (sau khi xong một tách cà phê) vì lúc đó tinh thần phấn khích và mức độ sáng tạo còn cao. Việc nào không quan trọng để vào buổi chiều cũng không gây tác động đến hiệu suất. Do đó, bài học đầu tiên của Qui luật Pareto là ưu tiên hoá công việc và chọn thời điểm.
Bài học thứ hai, ở cấp độ lâu dài, là chọn công việc để làm sao cho đem lại tác động cao nhứt. Tôi thử đếm trên Google Scholar (dễ làm) những bài báo khoa học của tôi, thì thấy quả thật là hơn 75% số trích dẫn chỉ từ ~20% bài báo từ trước đến nay. Bài học là phải tập trung vào những công trình nghiên cứu có phẩm chất cao và có tác động lớn. Quên đi những công trình làng nhàng hoặc những công trình không có tác động, những công trình mà tôi hay nói là ‘Không mợ thì chợ vẫn đông.’
Tôi nghĩ bài học trên cũng áp dụng cho việc chọn đề tài nghiên cứu khoa học để tài trợ. Tiền bạc và ngân sách có giới hạn, không thể nào tài trợ cho mọi dự án được. Do đó, chỉ nên tài trợ cho chừng 20% dự án mà chúng ta nghĩ là sẽ đem lại tác động cao. Tương tự, chỉ chọn chừng 10% nhà nghiên cứu thuộc nhóm ‘high performing’ để tài trợ và nuôi dưỡng, vì nhóm này có thể giúp Việt Nam nâng cao phẩm chất nghiên cứu khoa học về lâu dài. Không nên theo ‘chủ nghĩa bình quân’ trong tài trợ cho khoa học. (Vấn đề là nhận dạng ra ai là người ‘high performing’, nhưng đây là một vấn đề khác).
Còn nhiều bài học có thể rút ra từ hiểu Qui luật Pareto, tuỳ theo góc độ và chuyên môn của cá nhân. Tôi nghĩ đến giới quản lí doanh nghiệp, quản lí hành chánh, và đặc biệt là quản lí nhân sự (human resourse hay ‘people and culture’ mà họ hay gọi ngày nay), thậm chí thủ tướng, tổng bí thơ. Thủ tướng có thể dùng thang điểm của Pareto để đánh giá các bộ trưởng và thứ trưởng, và đuổi những người không có hiệu suất cao, có thể sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền thuế của dân. Bộ trưởng cũng có thể áp dụng Qui luật Pareto và loại bỏ những viên chức không có năng suất cao, chỉ lưu giữ những người tài giỏi, và sẽ dẫn đến tinh giản hệ thống cai trị và hành chánh. Tuy nhiên, điều này nói cho vui thôi, vì VN sẽ không bao giờ áp dụng, do ‘cơ chế’, ‘qui hoạch’, và 5C.
Tóm lại, Qui luật hay luật phân bố Pareto (hay Qui luật 20/80) rất có ích trong việc quản lí cuộc sống cá nhân, quản lí thời gian cho mỗi ngày, và qua đó có thể đạt được hiệu suất cao nhứt. Có 3 bài học từ Qui luật Pareto: (i) xác định viễn kiến, mục tiêu, và cái mà mình muốn đạt được; (ii) xác định việc làm nào thuộc vào kĩ năng và thế mạnh của mình; và (iii) tập trung, duy trì kỉ luật cá nhân để hoàn thành mục tiêu đề ra.
__________
[1] Vilfredo Federico Pareto sanh ngày 15/7/1848 tại Pháp và qua đời ngày 19/8/1923 tại Thuỵ Sĩ, thọ 75 tuổi. Theo prabook.com, ông xuất thân từ một gia đình quí tộc gốc Ý nhưng lưu vong bên Paris vào thời 1848 lúc mà cuộc cách mạng xảy ra. Thân phụ ông là Raffaele Pareto, một kĩ sư cầu cống, và thân mẫu là Marie Metenier là người Pháp. Ngay từ còn nhỏ ông đã được theo học các trường trung học nổi tiếng bên Pháp. Ông thông thạo cả tiếng Ý và Pháp. Năm 1870, ông tốt nghiệp kĩ sư từ Đại học Bách khoa Turin (Ý). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc cho công ti hoả xa Ý.
Ông là người đa tài, hiểu theo nghĩa vừa là kĩ sư, nhà xã hội học, nhà kinh tế học, nhà chánh trị học, và cả triết gia. Trong tất cả ‘nhà’ đó, có lẽ ông hợp với sở trường của nhà xã hội học, một chuyên ngành ông có nhiều đóng góp quan trọng. Mãi đến tuổi 40 ông mới bắt đầu quan tâm đến kinh tế. Năm 1886, ông trở thành giảng viên môn kinh tế và quản trị thuộc Đại học Florence, và lúc đó ông đã bất mãn với chánh phủ Ý. Năm 1889, sau cái chết của thân phụ và thân mẫu, ông bỏ việc và thành hôn với một cô gái người Nga là Alessandrina Bakunin (sau này bà bỏ ông và kết hôn với người đầy tớ của ông). Năm 1893, ông được bổ nhiệm làm giảng viên kinh tế thuộc Đại học Lausanne (Thuỵ Sĩ), nơi ông sống cho đến ngày qua đời. Năm 1906, ông đưa ra một quan sát nổi tiếng: 20% dân số Ý sở hữu 80% đất đai và tài sản của cả nước. Quan sát này sau đó thành qui luật và triển khai thành luật phân bố thống kê (Pareto Distribution).
Lời nói đầu: Nhiều nghiên cứu sinh và giới nghiên cứu y khoa đều biết đến thầy Nguyễn Văn Tuấn. Hiện nay, thầy là giáo sư chuyên về di truyền loãng xương thuộc khoa Y, Đại học New South Wales; giáo sư dịch tễ học và thống kê học của Khoa Y, Đại học Notre Dame, và giáo sư y khoa tiên lượng thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ở Việt Nam, ngoài những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành loãng xương, thầy Nguyễn Văn Tuấn còn có những đóng góp to lớn về phân tích dữ liệu và phương pháp nghiên cứu khoa học, đã giảng cho nhiều ngàn bác sĩ và nhà khoa học ở trong nước hơn 20 năm qua. Hôm nay, Nhi có một buổi trò chuyện thân mật với thầy Tuấn về lãnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phân tích dữ liệu.
Khả Nhi (KN): Xin chúc mừng thầy vừa được trao một giải thưởng danh giá của nước Úc. Xin thầy cho biết chút thông tin về giải thưởng.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Cám ơn em. Mấy tuần trước, tôi và một số đồng nghiệp khác được Hội đồng quốc gia về y khoa và y tế Úc (NHMRC) trao cho một phần thưởng (award) gọi là “Leadership Fellow”, trước đây gọi là “Australia Fellow”. Trong thực tế thì award đó giống như là một ‘ghế’ khoa học. Tôi được giữ ghế này trong 5 năm, và trong thời gian đó NHMRC trả lương và ngân sách nghiên cứu. Vì cái ghế này rất cạnh tranh, mỗi năm có chừng 40 người được trao, nên các đại học rất thích người của họ được trao ghế và quảng bá. Đối với cá nhân tôi thì đó là một tin mừng vì mình ‘sống’ tiếp được 5 năm.
KN: Xin thầy cho biết hiện nay thầy đang theo đuổi nghiên cứu gì?
NVT: Tôi đang theo đuổi một số dự án nghiên cứu chánh ở bên Úc và một bên Việt Nam. Nói chuyện Việt Nam trước. Cách đây chừng 5 năm, tôi và đồng nghiệp trong nước khởi động một dự án nghiên cứu qui mô mà tôi gọi là “Vietnam Osteoporosis Study” (VOS) với hơn 4000 người tham gia. Mục tiêu là tìm những yếu tố môi trường và gen có liên quan đến bệnh loãng xương và các bệnh liên quan, và qua đó đào tạo nghiên cứu sinh theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. VOS đang gây tiếng vang trong chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế. Dự án đó đến nay đã bước vào giai đoạn 3, và chúng tôi đang tìm tài trợ để thực hiện ý tưởng ban đầu là tạo ra một thư viện tham chiếu về gen cho người Việt Nam.
Ở bên Úc, tôi đang theo đổi dự án liên quan đến việc định nghĩa tình trạng mất xương ở người cao tuổi, và qua đó xây dựng một ngưỡng tham chiếu để dự báo mất xương ở người sau mãn kinh. Trong dự án này tôi muốn xây dựng một chữ kí gen để tiên lượng gãy xương. Thật ra, labo tôi đã làm dự án này mấy năm nay, nhưng nhờ vào tiến bộ của phân tích hệ gen, nên tôi muốn nâng tầm dự án một bước cao hơn. Kế đến là giải trình tự gen cho khoảng 4000 người để xây dựng một hệ bệnh lí gọi là “Diseasome“. Một trong những thành quả sau cùng tôi muốn đạt được trong 5 năm tới là xây dựng software để phục vụ cho việc tiên lượng loãng xương và gãy xương tốt hơn.
Nói chung, hướng nghiên cứu mới của tôi là ứng dụng genomics vào việc quản lí và điều trị bệnh loãng xương tốt hơn. Tôi hi vọng trong tương lai mình sẽ tạo thêm một dấu ấn về hướng này trên trường quốc tế.
KN: Như vậy hướng nghiên cứu của thầy liên quan đến dịch tễ học và genomics. Thống kê học đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu loại này?
NVT: Đúng vậy, suy nghĩ thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ học, và đặc biệt là genomics. Tôi mở ngoặc rằng tôi dùng chữ’suy nghĩ thống kê’ – statistical thinking – thay vì phương pháp thống kê. Ai cũng biết mô hình nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial) là một cuộc cách mạng trong y khoa, nhưng ít ai biết rằng triết lí và mô hình nghiên cứu này xuất phát từ suy nghĩ thống kê, với mục tiêu loại trừ bias trong suy luận nhân quả.
Ý tưởng về GWAS (genomewide association study) là xuất phát từ suy nghĩ thống kê. Trước đây, chúng tôi làm nghiên cứu từng gen một, nhưng thường là thất bại vì tính tái lập không cao. Sau này, một nhà thống kê học và di truyền học (Eric Lander) phát kiến giả thuyết “Common Variant – Common Disease” (tức những bệnh phổ biến thường do nhiều gen gây ra), và thế là phương pháp GWAS ra đời. Mới đây, giải trình tự hệ gen (whole genome sequencing hay WGS) cũng là một phát kiến xuất phát từ suy nghĩ thống kê.
Chính nghiên cứu di truyền và hệ gen đặt ra những vấn đề mới và từ đó phương pháp mới ra đời. Nghiên cứu gen và hệ gen sản xuất ra một lượng dữ liệu rất lớn, có thể 5-10 TB dữ liệu cho mỗi bệnh nhân, và nếu không có phân tích thống kê thì đó chỉ là những số liệu vô hồn và vô dụng. Vai trò của thống kê học vô cùng – tôi nhấn mạnh “vô cùng” – quan trọng trong các nghiên cứu với dữ liệu lớn.
KN: Thầy có thể chia sẻ những khó khăn và thách thức liên quan đến thống kê học trong nghiên cứu dịch tễ học và genomics?
NVT: Rất nhiều vấn đề thực tế đặt ra những thách thức cho thống kê học. Tôi nói về dịch tễ học và nghiên cứu lâm sàng trước. Theo tôi, ứng dụng thống kê học trong trào lưu “Precision Medicine” là một thách thức mang tính phương pháp luận và phương pháp:
• Làm sao triển khai kết quả nghiên cứu từ một quần thể (như RCT chẳng hạn) đến một cá nhân bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
• Làm sao thiết kế nghiên cứu RCT với những yếu tố mới như polygenic risk score để cá nhân hoá? Mô hình RCT kinh điển có lẽ sẽ không còn thích hợp nữa, chúng ta cần một mô hình mới.
• Làm sao ứng dụng suy nghĩa Bayes vào nghiên cứu lâm sàng tốt hơn. Trong thực tế, chúng ta đã có các nghiên cứu RCT theo mô hình Bayes cho các bệnh cấp tính, nhưng đối với các bệnh lí mãn tính thì đây vẫn là câu hỏi khó.
• Làm sao giảm thiểu bias trong nghiên cứu lâm sàng dịch tễ học vẫn là một thách thức lớn cho thống kê học. Lí thuyết về bias thì đơn giản, nhưng sử dụng lí thuyết trong thực tế nhằm đảm bảo kết luận đáng tin cậy đòi hỏi sự sáng tạo và ‘duyên dáng’.
• Vấn đề lớn nhứt hiện nay của khoa học là mức độ tái lập (reproducibility) quá thấp, nhiều kết quả nghiên cứu hoặc là sai hoặc là không lặp lại được, và một lí do chánh là do ứng dụng sai phương pháp thống kê. Thách thức đặt ra cho giới thống kê học là phải giúp cho nhà nghiên cứu phân tích tốt hơn, còn hiện nay thì nhiều người trong khoa học xem giới thống kê học như là những kẻ “khủng bố khoa học” hơn là người giúp đỡ.
Về genomics, tôi nghĩ đến những thách thức liên quan đến thống kê như sau:
• Tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, như RNA sequencing, DNA sequencing, transcriptomic, proteomics, v.v. để phát hiện những ‘pathway’ của bệnh lí;
• Mô hình các hiện tượng cấp quần thể và diễn giải cho cá nhân. Chẳng hạn như làm sao tìm phương pháp giúp chúng ta hiểu các quần thể tế bào và đột biến đóng góp vào sự phát triển các mô và ‘sepcies’ định hình bởi DNA.
• Mô hình tiên lượng. Trong tương lai, nhứt là sau thời GWAS và WGS, vấn đề triển khai dữ liệu thành mô hình tiên lượng nhiều biến số là một thách thức của khoa học thống kê.
• Vấn đề kiểm định nhiều giả thuyết. Nghiên cứu hiện đại kiểm định hàng triệu giả thuyết, và đa số phát hiện là dương tính giả. Phát triển phương pháp mới để giảm tỉ lệ dương tính giả là một thách thức toàn cầu.
Ngoài ra, còn có khó khăn mang tính logistic là quản lí dữ liệu. Như tôi nói trên, nghiên cứu WGS thì dung lượng dữ liệu của mỗi cá nhân có thể lên đến 5-10 TB, và nếu nghiên cứu có vài ngàn bệnh nhân thì nhu cầu lưu trữ và truy cập dữ liệu là một thách thức lớn. Đây là lãnh vực mà giới làm về khoa học dữ liệu có nhiều đóng góp quan trọng.
KN: Thầy đánh giá thế nào về chương trình đào tạo thống kê học và khoa học dữ liệu hiện nay?
NVT: Tôi thấy hiện nay, các chương trình đào tạo chuyên gia thống kê học của các đại học chưa đáp ứng nhu cầu trên. Không biết nơi khác thì sao, nhưng ở Úc này có nhiều nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ về thống kê học, nhưng họ hầu như không am hiểu hay biết gì về những phương pháp hiện đại và cũng không nhận thức hết vấn đề trong khoa học thực nghiệm. Có người thậm chí không biết mô hình Cox là gì! Họ phải rất vất vả học thêm và được huấn luyện lại để có thể tham gia nghiên cứu nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, tình hình này đang thay đổi, vì cộng đồng thống kê học đang nhận ra vấn đề và hi vọng trong tương lai sẽ tốt hơn.
KN: Thầy có trực tiếp phân tích dữ liệu hay cần đến sự trợ lí của một nhà nghiên cứu khác?
NVT: Trước đây, tôi làm tất cả: từ thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, đến công bố khoa học. Nhưng sau này tôi chủ yếu làm quản lí khoa học và đề ra định hướng nghiên cứu, chớ không trực tiếp phân tích dữ liệu. Một việc khác là tôi rất bận viết bài báo và viết grant xin tài trợ. Tôi may mắn có các em nghiên cứu sinh và postdoc làm phân tích dưới sự hướng dẫn của tôi. Tuy nhiên, tôi đề ra kế hoạc phân tích dữ liệu cho mỗi dự án nghiên cứu.
KN: Thầy có thể chia sẻ cách lên kế hoạch phân tích dữ liệu?
NVT: Trong lab tôi, bất cứ sinh viên và nghiên cứu sinh nào trước khi bắt tay vào làm nghiên cứu phải có kế hoạc phân tích (plan of data analysis) và tôi phải phê chuẩn. Mỗi kế hoạch, có khoảng 2-3 trang, bao gồm những nội dung như sau:
• Phát biểu giả thuyết khoa học trong 2-5 câu văn;
• Đề ra mục tiêu cụ thể;
• Xác định dữ liệu nào cần phải có (chi tiết đến 1 trang);
• Kế hoạch phân tích cho mỗi mục tiêu; và
• Một số bảng số liệu và biểu đồ cần phải có.
Có kế hoạch phân tích giúp cho nhà nghiên cứu tập trung vào mục tiêu đạt được, không bị phân tán bởi những tiểu tiết. Có 4 bài học hay kinh nghiệm là:
(a) Trước hết phải am hiểu vấn đề nghiên cứu, am hiểu câu hỏi nghiên cứu, rồi mới vạch ra những phương pháp để giải quyết vấn đề;
(b) Bắt đầu bằng những phân tích khai thác dữ liệu như hiển thị dữ liệu, phân tích mô tả, và qua đó giúp chúng ta hiểu dữ liệu hơn. Không nên bắt đầu bằng những phân tích phức tạp (mà một số bạn trẻ hay làm);
(c) Sử dụng phương pháp đơn giản và dễ hiểu. Nếu nghiên cứu được thiết kế tốt, chúng ta không cần đến những phương pháp phức tạp, chỉ cần những phương pháp đơn giản là đủ. Nhiều bạn có xu hướng dùng những phương pháp thời thượng như ‘Machine Learning’, nhưng kết quả thì rất khó giải thích và đa phần là không sử dụng được trong thực tế.
(d) Lưu trữ tất cả những ghi chú (và R codes) trong một RMarkdown để đảm bảo kết quả nghiên cứu mang tính tái lập.
Tôi tóm tắt những bài học này bằng tiếng Anh là DQSMR: (a) know your DATA; (b) know our research QUESTION; (c) start with SIMPLE descriptive analyses; (d) determine an appropriate statistical MODEL; and RECORD all steps of analysis.
KN: Thầy có giảng dạy về dịch tễ học và thống kê học cho sinh viên?
NVT: Một trong những chức danh của tôi là giáo sư về dịch tễ học và thống kê học của Đại học Notre Dame, nhưng tôi không đứng lớp giảng dạy cho sinh viên. Tôi chỉ nói chuyện trong các buổi seminar chuyên đề, và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, khi về Việt Nam thì tôi có đứng lớp giảng dạy về chủ đề phương pháp nghiên cứu.
KN: Thầy là người đầu tiên giới thiệu ngôn ngữ R ở Việt Nam. Xin thầy cho biết cơ duyên nào dẫn thầy đến R?
NVT: Tôi nghĩ lần đầu tiên tôi giới thiệu R là năm 1998, tính đến nay đã hơn 20 năm. Đó là một chương trình workshop ở ĐH Bách Khoa cho các em nghiên cứu sinh và giảng viên ngành hoá học. Từ đó, tôi viết cuốn sách đầu tiên về R và xuất bản năm 2005. Sau này, tôi viết thêm 2 cuốn khác về R: “Phân tích dữ liệu với R” và “Hỏi và Đáp Phân tích Dữ liệu với R”. Hai cuốn sách này được bạn đọc khắp nơi chào đón nồng nhiệt, và đã tái bản khá nhiều lần.
Tôi đến với R qua học trò tôi. Dạo đó, tôi có một dự án làm về ‘genetic linkage’ đòi phải những phân tích rất phức tạp. Dữ liệu tôi đã có (tốn tôi hơn 200,000 USD), nhưng tôi không biết làm gì với dữ liệu! Tôi hỏi công ti SAS (sản xuất chương trình SAS nổi tiếng), họ ra giá 50,000 USD cho chương trình SAS/Genetics. Tôi không có ngân sách cho chương trình đó. Nhân một buổi than thở với một em nghiên cứu sinh trong lab, em ấy giới thiệu tôi đến với R, hoàn toàn miễn phí. Tôi ghi danh theo học một lớp về R, chỉ 5 ngày nhưng với cái giá 3000 USD! Tôi bỏ ra hơn 3 tháng trời để tự học R, và thấy rất thích. Sau cùng tôi hoàn tất dự án, và tiết kiệm rất nhiều tiền! Tôi sử dụng R từ đó (1997).
KN: Như vậy, thầy tự học về R? Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm tự học R?
NVT: Cũng có thể nói như vậy: tôi tự học về R là chánh. Trước đây, tôi làm nghiên cứu qua software SAS là chủ yếu, nên chuyển sang R cũng hơi khó khăn lúc ban đầu, nhưng dần dần thì quen, và từ quen rồi đến thích. Kinh nghiệm học R của tôi là như sau:
• Trước hết phải có một dữ liệu thực tế, và mình phải biết qua câu chuyện của dữ liệu;
• Kế đến là một cuốn sách, và cuốn đầu tiên tôi bắt đầu học R là cuốn “Introductory Statistics with R” của Peter Dalgaard, rất dễ đọc và dễ hiểu. (Nếu các bạn không am hiểu tiếng Anh thì cuốn sách của tôi, “Phân tích dữ liệu với R“, có thể giúp);
• Học là phải thực hành, và mỗi ngày tôi dành ra chừng 2 tiếng đồng hồ để thực hiện các thao tác phân tích dùng R;
• Lưu giữ các mã R trong RMarkdown để sau này có thể truy cập và sử dụng. Tôi không cố gắng nhớ hết các lệnh; chỉ cần nhớ chừng 50 lệnh căn bản là đủ;
• Về chủ đề, tôi bắt đầu học cách đọc dữ liệu vào R, sau đó là biên tập dữ liệu, kế đến là biểu đồ (data visualization), phân tích mô tả, rồi mới đến phân tích theo mô hình.
Chỉ chừng 2 tuần sau là tôi đã có thể nắm lấy những nguyên lí căn bản của R, và 3 tuần sau là có thể soạn những biểu đồ có chất lượng cao.
KN: Thầy đã giảng cho bao nhiêu workshops về phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam?
NVT: Rất nhiều. Nếu chỉ tính những workshop 4 ngày trở lên thì tôi đã giảng cho hơn 20 workshop trên khắp cả nước. Số người tham dự các workshop đó phải hơn 2000. Tuy nhiên, không phải workshop nào cũng tập trung vào R, gần phân nửa workshop là tập trung vào chủ đề phương pháp nghiên cứu, công bố khoa học, và y học thực chứng.
KN: Thầy đánh giá thế nào về khả năng của các đồng nghiệp Việt Nam tiếp nhận phương pháp mới?
NVT: Nói ra thì có vẻ ‘mèo khen mèo dài đuôi’, nhưng tôi thấy người Việt chúng ta rất ham học và tiếp thu phương pháp mới khá nhanh. Đa số các em tham gia các chương trình tập huấn do tôi và đồng nghiệp giảng có thể ứng dụng ngay trong thực tế và công bố bài báo khoa học.
Nhưng có một nghịch lí ở Việt Nam là trong khi giới trẻ thì hăng hái tiếp thu cái mới, nhiều thầy cô của họ lại rất bảo thủ. Có người cho rằng phương pháp nào mà nước ngoài chưa ứng dụng nhiều thì không nên làm ở Việt Nam! Lại có người xem những bạn trẻ ứng dụng phương pháp mới (mà thật ra thì chẳng có gì là mới ở nước ngoài) là một cách khoe khoang!
Một vấn đề nhỏ khác tôi thấy là có một số bạn khi học về phương pháp phân tích dữ liệu, họ muốn và đòi hỏi phải có ví dụ trong chuyên ngành và về một vấn đề cụ thể mà họ đang làm. Nói cách khác, có những bạn có lẽ quen với ‘cầm tay chỉ việc’, nên họ không chịu khó đào sâu suy nghĩ, và sáng tạo trong việc ứng dụng phương pháp.
KN: Thầy có một kênh Youtube giảng về phân tích dữ liệu, và được nhiều người theo dõi. Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách giảng trực tuyến?
NVT: Đó là một chương trình rất tình cờ. Dạo đó (chừng 6 năm trước) tôi bị bệnh và phải ở nhà dưỡng bệnh một thời gian. Đến tuần thứ 2 tôi bắt đầu … chán, và phải tìm việc để làm. Tôi viết 2 cuốn sách và hàng chục bài báo khoa học trong thời gian 3 tháng dưỡng bệnh. Ngoài viết sách, tôi nghĩ đến thử nghiệm giảng trực tuyến để giết thì giờ. Vậy là tôi bắt đầu bằng những bài giảng về R, vì rất dễ thực hiện. Tôi không ngờ rằng loạt bài giảng đó được hàng vạn người xem và học. Tôi nhận rất rất nhiều email khích lệ từ khắp nơi trên thế giới, và tôi chợt nhận ra mình có thể giúp nhiều người qua cái việc ‘giết thì giờ’ này. Vậy là kênh youtube đó ra đời. Mấy năm qua tôi bận quá, nên không cập nhựt hoá. Nhưng vài tháng trước khi tình trạng dịch Vũ Hán và ‘lockdown’ xảy ra, tôi lại kích hoạt kênh này, và hi vọng sẽ duy trì trong tương lai.
Kinh nghiệm của tôi về giảng trực tuyến rất đơn giản: tôi giảng cứ như là đang đứng trước các học viên rong lớp học ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là tôi rất nghiêm chỉnh, và ngay trang phục tôi cũng phải chỉnh tề cứ như là đi làm! Các bài giảng phải rất tập trung vào một chủ đề, bài giảng phải kèm theo ví dụ thực tế, slide phải gọn gàng và có chất lượng cao, bài giảng phải có chút thông tin mang tính lịch sử (có khi vui vui), và phải có phiên thực hành trên máy tính. Mỗi bài giảng tôi xem là một câu chuyện khoa học, chớ không đơn thuần là giảng.
Mỗi bài giảng, tôi đầu tư khá nhiều thì giờ và công sức. Việc chọn ví dụ minh hoạ không hề đơn giản, mà phải có đầu tư suy nghĩ nhiều. Rồi phải quyết định mình giới thiệu cái gì là cần thiết và cái gì là không cần thiết. Phải kết hợp với kinh nghiệm nghiên cứu thực tế của tôi. Có bài giảng tôi mất cả tuần chỉ để suy nghĩ, dù soạn slide thì chỉ chừng 30 phút là xong. Tôi rất quan tâm đến người xem, và không muốn họ xem xong và nói “thật là uổng thì giờ”. Do đó, tôi xem sự đầu tư về tâm trí và thời gian của mình cho mỗi bài giảng là một sự tôn trọng người xem.
KN: Thầy nổi tiếng là người có thể giải thích những vấn đề phức tạp bằng một ngôn ngữ đơn giản. Xin thầy chia sẻ bí quyết nào để giải thích những khái niệm và phương pháp thống kê để các bác sĩ có thể hiểu dễ dàng?
NVT:Có lẽ chẳng có bí quyết nào cả, mà chỉ là cá tánh thôi. Tánh tôi thích cái gì đơn giản, cái gì mình có thể cảm nhận được hơn là những gì trừu tượng. Tôi dùng nghệ thuật ví von và câu chuyện y khoa để chuyển tải các khái niệm thống kê đến các bác sĩ.
Do đó, tôi có thói quen ví von các khái niệm trừu tượng bằng những hình ảnh dễ hiểu. Chẳng hạn như nói về phương pháp bootstrap, tôi dùng hình tượng của Tôn Ngộ Không có thể biến hoá thành một hay nhiều Tôn Ngộ Không khác. Cái hình tượng ví von đó dĩ nhiên là không hoàn toàn chính xác (và sẽ không bao giờ có ví von chính xác) nhưng nó nói lên được bản chất và ý tưởng của câu chuyện, và vừa đem lại câu chuyện vui trong khi học hành. Nhưng tôi không bao giờ ví von quá mức.
Hay như giải thích về trị số P hay phương pháp Bayes, tôi phải dùng ngôn ngữ chẩn đoán bệnh thì các bác sĩ mới dễ cảm nhận. Nếu tôi dùng ngôn ngữ xác suất và những công thức rối rắm thì chắc chắn các bác sĩ sẽ bỏ cuộc, không thèm theo dõi, vì họ nghĩ chẳng liên quan gì đến họ! Tôi cũng không bao giờ dùng cách ví dụ trong sách giáo khoa như quăng đồng xu hay đánh bài để giải thích về xác suất cho bác sĩ (vì tôi thấy nó không thực tế); tôi lấy ví dụ thực tế là bác sĩ đang khám bệnh nhân cụ thể, họ cần thu thập thông tin gì, làm xét nghiệm gì, và diễn giải kết quả xét nghiệm ra sao. Đó là cách giải thích xác suất đi vào đời sống mà rất thực tế nhưng nghiêm chỉnh (vì dính dáng đến 1 bệnh nhân).
Do đó, đừng xem xác suất là một trò chơi, cũng đừng xem nó là một giáo điều. Tôi nói rõ rằng rất nhiều khái niệm xác suất và toán học rất đẹp, nhưng nếu theo ‘giáo điều’ thì 99% các phương pháp đó và khái niệm đó không thể ứng dụng trong y khoa. Khi giảng về một phương pháp, tôi hay lấy một bài báo khoa học đã công bố trên một tập san lừng danh, rồi đặt ra những câu hỏi cho bác sĩ thảo luận. Cuối cùng thì câu trả lời vẫn quay về xác suất và bất định (nhưng tôi không dùng chữ “xác suất”) mà đặt trong bối cảnh ứng dụng kết quả đó cho một bệnh nhân. Tôi muốn bác sĩ dùng xác suất và phương pháp suy luận thống kê một cách có trách nhiệm, chớ không chỉ đơn thuần là một trò chơi đồng xu.
Khả Nhi: Em và các bạn đồng nghiệp xin cảm ơn Thầy vì thời gian dành cho nhóm và những thông điệp có ý nghĩa để làm hành trang cho các bạn trong sự nghiệp của mình.