So sánh tình hình công bố khoa học của các đại học Việt Nam

Bảng dưới đây tóm tắt tình hình công bố khoa học năm 2019 của các đại học Tôn Đức Thắng, ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội, và Viện hàn lâm khoa học (VAST). Tuy số liệu chưa đầy đủ, nhưng vẫn cung cấp được những xu hướng chung về năng lực khoa học và phẩm chất khoa học.

Số bài báo khoa học từ Việt Nam (2019) trên các tập san trong danh mục WoS của một số đại học. TDTU = Tôn Đức Thắng; VAST= Viện Hàn Lâm Khoa Học VN; DTU = Duy Tân; VNU-HCM = Đại học Quốc gia HCM; VNU-HN = Đại học Quốc gia Hà Nội; NTT = Nguyễn Tất Thành; HUST = Đại học Bách khoa Hà Nội; Hue = Đại học Huế; HMU = Đại học Y Hà Nội; Danang = Đại học Đà Nẵng.

Năm 2019, các nhà khoa học Việt Nam đứng tên tác giả trong 8894 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục Web of Science (Clarivate). Nhưng số này chỉ tập trung vào 10 đại học / viện chánh như sau:

  • Đại học TDTU (2175 bài)
  • VAST (1068)
  • Duy Tân (984)
  • VNU-HCM (835)
  • VNU-HN (660)
  • Nguyễn Tất Thành (463)
  • ĐH Bách Khoa HN (411)
  • ĐH Huế (226)
  • ĐH Y Hà Nội (215)
  • ĐH Đà Nẵng (210)

Số bài báo của 10 trường/viện trên chiếm 81% tổng số bài báo khoa học của cả nước.

Hợp tác quốc tế và affiliation

Nghiên cứu khoa học ngày nay thường là hợp tác. Khoảng 78% các bài báo khoa học từ VN là có hợp tác, thường là hợp tác quốc tế. Các trung tâm nước ngoài có nhiều hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam bao gồm:

  • Centre National de la Recherche Scientifique — CNRS (‎328 bài)‎
  • Russian Academy of Science (‎171)‎
  • Universiti Teknologi Malaysia (‎130)‎
  • Chinese Academy of Sciences (‎128)‎
  • Sorbonne Universite (‎120)‎
  • Universite Paris Saclay (‎118)‎
  • University of California System (‎118)‎
  • Johns Hopkins University (‎100)‎
  • Sejong University (‎100)‎
  • Universite de Paris (‎99)‎
  • Mahidol University (‎98)‎
  • Imperial College London (‎97)‎
  • University of Cambridge (‎96)‎

Phân tích chi tiết hơn cho thấy các trung tâm ngoài Bắc (như VNU-HN) và VAST có tỉ lệ hợp tác khá nhiều với các nước Đông Âu, Ukraine và Nga; còn các đại học miền Nam thì hợp tác nhiều với Hàn Quốc, Nhật, Mĩ, Úc, Anh, Pháp, và một số nước Trung Đông.

Nhưng có nhiều dạng hợp tác, như hợp tác trong vai trò chủ trì, hoặc hợp tác trong vai trò tham gia đóng góp một phần trong nghiên cứu. Cách dễ biết nhứt (nhưng không hoàn toàn chính xác) là xem ai là tác giả liên lạc (còn gọi là ‘tác giả chánh’) và địa chỉ affiliation của tác giả.

Trong số 2175 bài của TDTU, có 69% bài tác giả chánh có affiliation tại TDTU; tức khoảng 30% bài báo của TDTU là có hợp tác với nước ngoài nhưng do người nước ngoài chủ trì. Tỉ trọng bài báo do người của viện/đại học là tác giả chánh dao động từ 29% (VAST), 32% (ĐHQG-HN) và 43% (ĐHQG-HCM). Nói cách khác, khoảng 57% đến 68% các bài báo từ VAST và 2 đại học quốc gia là do hợp tác nhưng người ngoài viện./ trường chủ trì.

Open Access

Ở Việt Nam, có vài người đòi tẩy chay các tập san Open Access (OA), vì họ cho rằng các tập san này không có giá trị khoa học mà chỉ ‘ăn tiền’. Quan điểm này có vẻ là một sự hiểu lầm hay chưa hiểu thấu đáu. Thật ra, các tập san OA chánh thống có giá trị y như các tập san ‘đóng cửa’ (đóng niên liễm). Trong ngành y sinh, các tập san như Nature Comms, eLife, PLoS Medicine, Nature Medicine, v.v. thì phẩm chất còn cao hơn nhiều so với các tập san niên liễm truyền thống. (Dĩ nhiên, chúng ta không bàn đến các tập san OA dỏm.)

Bao nhiêu bài báo từ Việt Nam công bố trên các tập san OA? Câu trả lời là 3460 bài, tức chừng 39%. Tuy nhiên, tỉ lệ OA này dao động giữa các đại học: TDTU có vẻ thấp nhứt (31%), tương đương với VNU-HCM (32%), so với VNU-HN (36%) và VAST (37%).

Phẩm chất khoa học

Rất khó đánh giá phẩm chất khoa học vì một công trình nghiên cứu thường đòi hỏi thời gian để đồng nghiệp đánh giá. Trong một thời gian ngắn, thì thứ hạng của tập san khoa học và tần số trích dẫn có thể xem là những tín hiệu phản ảnh phẩm chất khoa học. Tổng số trích dẫn năm 2019 cho TDTU là 11915 (tức bình quân mỗi bài có 5.5 trích dẫn), và con số này cao nhứt so với VAST (2.0), ĐHQG-HCM (2.9) và ĐHQG-HN (3.0).

Nhưng vì trích dẫn thường ‘skewed’, nên chỉ số H có thể khách quan hơn. TDTU có 37 bài với mỗi bài được trích dẫn 37 lần trở lên (chỉ số H = 37). Chỉ số này cho VAST là 14, ĐHQG-HCM (18) và ĐHQG-HN (18).

Mấy năm gần đây, WoS cho ra khái niệm ‘Highly Cited’ (HiCi) và ‘Hot Papers’, tức những bài báo được trích dẫn nhiều (so với trung bình của mỗi chuyên ngành). Trong số 8894 bài báo từ Việt Nam, có 151 (1.7%) bài được xem là HiCi. VAST có 5 bài HiCi, chiếm 0.5% tổng số bài của Viện. Trong số bài HiCi của VAST, tất cả đều là tác giả hợp tác chủ trì. Hai Đại học Quốc gia có 12 bài HiCi, và đại đa số cũng là hợp tác với nơi khác hoặc nước ngoài.

ĐH Tôn Đức Thắng có 74 bài HiCi, chiếm 49% số bài HiCi của cả nước, và chiếm 3.4% tổng số bài của Trường. Phân tích cụ thể hơn cho thấy trong số 74 bài HiCi của TDTU, 61 bài là của các tác giả TDTU hay có affiliation với TDTU, như Nguyễn TT, Nguyễn TK, Trần MD, Bui DT, v.v.

Nhân sự

Theo trang web của Trường, TDTU có 1343 giảng viên và nhà nghiên cứu; trong số này, số giáo sư và phó giáo sư chỉ khoảng ~30 (tôi ước tính). Theo một báo cáo thường niên, các giảng viên và nhà nghiên cứu ‘cơ hữu’ của TDTU thuộc nhiều quốc tịch như Mĩ, Anh, Úc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, v.v. Những người này đều qua phỏng vấn và thẩm định về năng lực nghiên cứu khoa học trước khi được bổ nhiệm.

Số cán bộ khoa học của VAST và 2 Đại học Quốc gia rất hùng hậu. Theo báo cáo thường niên năm 2019, VAST có 2899 cán bộ nghiên cứu khoa học; trong số này có 228 GS/PGS và 954 tiến sĩ. Số giảng viên và cán bộ nghiên cứu của ĐHQG-HCM lên đến 3709 người, với 330 GS/PGS và 1332 tiến sĩ. ĐHQG-HN tuy có ít cán bộ giảng dạy và nghiên cứu (2300), nhưng số GS/PGS lên đến 438 người và 1313 tiến sĩ.

***

Tóm lại, những số liệu trên đây cho thấy khoảng cách về công bố khoa học và phẩm chất khoa học giữa các đại học còn khá lớn. Những số liệu này cũng cho thấy ĐH Tôn Đức Thắng, dù nguồn lực nhân sự khiêm tốn, nhưng lại đứng đầu bảng về số lượng công bố khoa học, đầu bảng về tỉ trọng tác giả chánh là người Việt, và đầu bảng về số lượng bài báo HiCi và số lần trích dẫn.

Đọc sách "Mặt trận ở Sài Gòn" của Ngô Thế Vinh

Mặt trận ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về kí ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua các câu chuyện được hư cấu hoá. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.

Hình bìa sách “Mặt trận ở Sài Gòn” (có thể đặt mua qua amazon.com)

Tập truyện ngắn được sáng tác từ những năm chiến tranh trong thập niên 1960s và 1970s, và thập niên 1990s sau khi tác giả đã định cư ở Mĩ. Có truyện viết từ trước 1975, nhưng sau này ra hải ngoại tác giả viết tiếp. Đó là những câu chuyện về những lần giáp trận với những người anh em bên kia chiến tuyến, những trận mưa bom đạn từ trên không, và những cái chết không toàn thân của biết bao người lính của cả hai bên chiến tuyến. Đó là những câu chuyện về những người lính khi ra trận thì gan dạ, can trường, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng sâu thẳm trong nội tâm thì đầy trăn trở về thời cuộc và giàu nhân văn tính. Ngay cả trong bộ đồ rằn ri xem ra dữ dằn, nhưng qua hành vi và cách nói thì họ chỉ là những thư sinh nho nhã, đôn hậu. Hay như người y tá trưởng được lưu dung sau 1975 trong Tổng Y Viện Cộng Hoà vẫn cần mẫn chăm sóc cho những người lính bên kia chiến tuyến để rồi cũng bị sa thảy về quê và sống trong nghèo nàn, đau khổ. Trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh viết về những cuộc hành quân trên vùng rừng núi Cao Nguyên, qua Campuchia, về thành phố Sài Gòn. Những nơi họ đã đi qua để lại nhiều kí ức và những suy tư về thời cuộc và quê hương, về thân phận tuổi trẻ và tương lai.

Có những suy tư được bộc lộ rất thật, như trong truyện Mặt trận ở Sài Gòn mà tác giả lấy làm tựa đề quyển sách. Thật ra, truyện này đã được đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34 trước 1975, và đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền VNCH lúc đó. Trong Mặt trận ở Sài Gòn, tác giả thuật lại một nhóm lính biệt cách từ rừng núi Tây Nguyên về nơi phồn hoa Sài Gòn, như là những kẻ về từ ‘cõi chết’. Họ phải đối diện với những phong trào sinh viên biểu tình phản chiến, và bị dằng co một bên là lí tưởng xã hội và một bên là nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định của xã hội. Người lính chợt nhận ra rằng họ không chỉ đối diện với cái chết trong rừng sâu núi thẩm, mà còn trực diện với một trận tuyến xã hội với quá nhiều bất công và thối nát. Đó là một “xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc” ở những người miệng thì kêu gào chiến tranh nhưng họ lại đứng ngoài cuộc chiến. Vậy thì người lính bảo vệ cái gì đây. Không lẽ bào vệ “cho một con thuyền xã hội xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại.” Chiến trường của người lính bây giờ là ngay tại Sài Gòn này, nhưng họ là những chiến binh ngoài chiến trường, chớ không phải ‘chiến sĩ xã hội.’ Tác phẩm này đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền VNCH lúc đó. Toà án quân sự VNCH nhận định rằng truyện ngắn “có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu quân đội“.

Chiến tranh thường là mảnh đất màu mỡ cho tuổi trẻ và những suy tư về dân tộc và quê hương. Cuộc chiến Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Những xung đột giữa các học thuyết chánh trị ngoại lai dẫn đến những cái chết thảm cho hàng triệu người giúp cho thanh niên Việt Nam thường trưởng thành trước tuổi. Người lính đối diện trước hiểm nguy và cái chết trong giây phút, họ càng suy nghĩ về bản thân hơn. Tác giả Ngô Thế Vinh nhận xét rất đúng rằng “Trong suốt chiều dài và rộng của lịch sử, tuổi trẻ Việt Nam đã được nuôi sống bằng những gieo trồng tang thương và nỗi chết. Tuổi đó không tính bằng tháng năm mà bằng những đổi thay không gian cùng với gót giày chiến binh của họ — đã và đang còn dẫm nát từng ngọn cỏ xanh còn sót lại trên quê hương.”

Cũng trong truyện Nước Mắt của Đức Phật (viết ở thị trấn Krek, Campuchia, 1971) tác giả viết về một lần hành quân sang Campuchia, và ngay từ lúc đặt chân đến xứ Chùa Tháp đã gặp ngay những phản ứng kém thân thiện của người bản xứ. Qua lời nói của một nhà sư, tác giả muốn nói lên tình cảnh éo le của Campuchia: trở thành một đấu trường trong sự xung đột giữa hai phe người Việt, và tác giả tự hỏi “Trong cái mênh mang của cơn say lịch sử, có nghĩ được rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa những người Việt lại có thể xoá nhoà một nền văn minh Angkor cổ kính.”

Trong Mặt trận ở Sài Gòn, tác giả còn dành nhiều trang viết về những người đồng minh Mĩ. Những viên sĩ quan cố vấn và giới kí giả với những hành xử tốt và xấu đều được Ngô Thế Vinh ghi chép cẩn thận qua những câu chuyện tưởng như là hư cấu. Chẳng hạn như câu chuyện về một viên kí giả tên Davenport (trong Dấu Ngoặc Lịch Sử) tuy mới vào nghề nhưng đã được gởi đến Việt Nam, và anh ta đã thể hiện được câu nói dân gian “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Davenport chỉ ngồi trong một quán bar, có máy lạnh, bên cạnh một cô thư kí riêng (có lẽ kiêm thông dịch viên), vậy mà anh ta viết báo cáo mô tả y như thật rằng Kontum đang sống trong những ngày nghẹt thở, dân chúng hoảng loạn tìm đường chạy trốn, đường bay Sài Gòn – Kontum đã bị Hàng Không Việt Nam huỷ bỏ, v.v. Nhưng trong thực tế thì Kontum vẫn sinh hoạt bình thường, người dân vẫn sống yên ổn, và các chuyến bay của Hàng Không Việt Nam vẫn diễn ra hàng ngày! Trong Chiến Trường Tạm Yên Tĩnh, Ngô Thế Vinh viết về một nhân vật Larry, mới tốt nghiệp trường y bên Mĩ, anh chán ghét xã hội Mĩ xung phong vào đoàn y sĩ thiện nguyện đến Việt Nam chuyên giúp người dân và nạn nhân chiến tranh. Là người Mĩ nhưng Larry ít giao du với người Mĩ đồng hương, anh chỉ dành thời gian cho chuyên môn và viết sách. Hai nhân vật tương phản phản ảnh phần nào sự đa dạng trong nhân cách của đồng minh Mĩ tại Việt Nam trong thời chiến.

Đọc truyện của Ngô Thế Vinh, người đọc có thể cảm thấy như đọc những kí ức vụn được lấp ghép lại thành một tác phẩm. Có lúc tác giả viết về vùng Đất Khổ, nhưng lại liên tưởng đến chuyện của 30 năm trước về nhân vật Kim Đồng của Tô Hoài, rồi ngay sau đó tác giả viết về một Sài Gòn đã mất tên vào năm 1981. Kim Đồng là tượng trưng cho giấc mơ cách mạng đẹp đẽ, nhưng 30 năm sau bao nhiêu thế hệ Kim Đồng nhân danh ‘giấc mơ Việt Nam’ cầm súng M16 hay AK tiêu diệt lẫn nhau. Ba mươi năm dài làm biến dạng tiếng Việt. Chữ và nghĩa không còn nhứt quán với nhau.

Cuộc xung đột ý thức hệ giữa tự do và giáo điều còn tạo nên một cộng đồng dân tộc mà từ suy tư, hành vi đến ngôn ngữ của họ rất khác với người anh em bên kia chiến tuyến. Hai người anh em cùng nói tiếng Việt, nhưng là loại tiếng Việt khác phiên bản. Trong Nước Mắt của Đức Phật, tác giả viết rằng “Trong 30 năm điều mà chúng tôi không tự biết – là mọi suy tư của mỗi người Việt đã được điều kiện hoá để họ không còn thấy nhau. Nói chuyện với một tù binh cộng sản Bắc Việt tôi đã không thể tưởng tượng rằng giữa người Việt nói tiếng mẹ đẻ nhưng chúng tôi đã không còn chung một ngôn ngữ.” Câu văn ngắn đó thiết tưởng vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.

Một cuộc xung đột ý thức khác cũng diễn ra trong cộng đồng người Việt ở Mĩ. Sau 1975, như chúng ta biết, có hàng triệu người Việt đã liều mạng bỏ nước ra đi, và một số đông đã được tiếp nhận định cư ở Mĩ. Một thế hệ mới hình thành trên đất Mĩ, và thế hệ mới có những cái nhìn về Việt Nam khác với cha ông họ. Họ tuy rất bất bình trước những bất bình đẳng ở Việt Nam, nhưng họ sẵn sàng bỏ thời gian về quê giúp đỡ đồng bào hơn là cái nhìn cứng nhắc, thậm chí ‘một đi không trở lại’ như thế hệ cha ông. Những cuộc xung đột trong gia đình xảy ra, như giữa nhân vật Bs Toản và thân phụ của anh về Việt Nam: anh nghĩ về tương lai bên quê nhà, còn cha ông thì cứ khắc khoải về quá khứ chiến tranh và chia rẽ. Tuy nhiên, truyện Giấc Mộng Con Năm 2000 có thể xem là một câu chuyện kết thúc có hậu, khi có những người y sĩ nghĩ đến những dự án văn hoá để ghi lại những thành tựu của một cuộc di dân vĩ đại.

Đọc sách của Ngô Thế Vinh, bạn đọc sẽ bắt gặp những chữ nghĩa ngày xưa. Đó là những chữ chưa bị biến dạng về nghĩa, đó là cách đánh vần theo cách nói của người miền Nam (dù anh là người gốc Thanh Hoá). Người đọc sẽ quay về với những danh từ quen thuộc như “chánh phủ”, “chiến hữu”, “kích xúc”, hay những động từ hết sức dễ hiểu như “men” (trong ‘men dần ra quốc lộ’). Có những đoạn tác giả viết thật xúc động, nhưng đoạn viết về người lính Bắc Việt bị chết: “Ngồi bệt xuống đất bên xác hắn, người tôi nặng trĩu mỏi mệt. Tôi đưa tay vuốt mắt hắn, mi mắt còn ấm nóng khép lại dễ dàng. Một cử chỉ mà tôi không thể làm cho thằng em khi nó bị tử trận ở Pleime …”

Ngô Thế Vinh không phải là một cái tên xa lạ trên văn đàn Việt Nam. Là bác sĩ (tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn năm 1968), từng làm y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trong quân đội VNCH. Ngay từ thời sinh viên, anh đã viết văn, và từng làm chủ bút báo sinh viên Tình Thương thời thập niên 1960s. Ngay thời gian đó, tác giả đã là một cây bút thành danh với những tác phẩm nổi tiếng như Bóng Đêm (1964), Gió Mùa Đông (1965), và đặc biệt là Vòng Đai Xanh (1970), tác phẩm đem về cho anh giải thưởng Văn học 1971. Sau này, khi ra hải ngoại, Ngô Thế Vinh viết cuốn sách nổi tiếng Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (1996) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng là một cảnh báo trước về tai hoạ cho sông Cửu Long do những con đập do Trung Cộng xây dựng trên thượng nguồn, và những xung đột trên Biển Đông. Có thể nói là tác giả là người đi trước thời cuộc.

Chẳng những đi trước thời cuộc, mà qua những trang viết thấm dẫm nhân văn tính trong tuyển tập này (như chuyện về cái chết của một anh lính cộng sản Bắc Việt, hay nhân vật lính Mĩ tên Jim bị rối loạn tâm thần sau cuộc chiến), tác giả còn thể hiện mình là một người trí thức vượt lên mọi chánh kiến.

Từ trái sang phải: Bs Ngô Thế Vinh, tôi, Gs Lê Xuân Khoa, Ks Phạm Phan Long, và Ks Ngô Minh Triết (hình chụp ở Laguna Beach, Nam California, 2018)

Nhưng Ngô Thế Vinh là một chứng nhân của chiến tranh, chứng nhân của “những bi kịch của một thời nhiễu nhương và lừa dối hào nhoáng.” Anh đã chắt chiu những trải nghiệm thực tế trong chiến trận ở núi rừng Tây Nguyên và đúc kết lại thành những tác phẩm mang tính ‘sử thuyết’ hay một dạng historicity, hơn là tiểu thuyết. Thật vậy, nói là truyện ngắn, nhưng người đọc có thể cảm nhận được đó là những ghi chép bằng một ngòi bút điêu luyện miêu tả một cách sinh động những tình huống xảy ra, cùng những quan sát tinh tế. Truyện ngắn hay truyện dài của Ngô Thế Vinh chỉ là cái cớ hoặc là cái diễn đàn để cung cấp chứng từ. Các nhân vật trong truyện (ví dụ như bác sĩ Phan) cũng có thể là chính tác giả hay được tác giả mượn để nêu lên những trăn trở cùng những suy tư khắc khoải trước chiến cuộc.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt từng viết rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức. Những kí ức được ghi chép lại trong Mặt Trận ở Sài Gòn chính là một cuộc chiến nội tâm vậy. Chính tác giả trong Một Bức Tường Khác (1991) cũng tự hỏi mình đến bao giờ “mới thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến đã vào quá khứ 17 năm rồi“. Có lẽ tác giả sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc chiến kí ức. Tuy nhiên, có khi đó là một cái hay, vì những kí ức đó được viết xuống như là những chứng từ về một cuộc chiến mà có lẽ nhiều thế hệ người Việt và người ngoại quốc sau này sẽ còn dùng để hiểu biết đúng và công tâm hơn về cuộc chiến tương tàn kéo dài suốt 20 năm.

“Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,

Giải oan cho cuộc bể dâu này.”

(Tô Thùy Yên)

10 kĩ năng trong báo cáo khoa học

Trong hoạt động khoa học, cách thức trình bày trước đồng nghiệp (hay trước công chúng) là một kĩ năng rất quan trọng. Cái note này muốn chia sẻ 10 kĩ năng về trình bày báo cáo khoa học trong các hội nghị cấp quốc gia và quốc tế.

Tôi thấy nhà khoa học thành công thường phải hội đủ 3 đặc điểm: viễn kiến, phương pháp, và kĩ năng truyền thông. Kĩ năng truyền thông, hay communication skills, bao gồm viết và nói. Do đó, trong thời gian làm nghiên cứu sinh, các đại học phương Tây rất quan tâm đến đào tạo kĩ năng viết và nói, như là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo tiến sĩ. Ở những lab nghiên cứu, tất cả nghiên cứu sinh đều phải dự vài seminar mỗi tuần, và đó là điều kiện gần như bắt buộc. Có nơi ra qui định nếu không dự seminar đầy đủ thì sẽ bị cắt tiền trợ giúp cho đi dự hội nghị nước ngoài.

Kĩ năng nói rất quan trọng, và đúng là một phần trong hoạt động khoa học. Chúng ta có thể có kết quả rất hay, có thể có phương pháp làm rất tuyệt, nhưng nếu chúng ta không nói được những cái hay đó thì … cũng như không. Dĩ nhiên, tôi không có ý nói rằng chúng ta “nổ”, hay nói quá những gì chúng ta làm; tôi chỉ đơn giản nói rằng chúng ta cần phải có kĩ năng thuyết phục. Thuyết phục người nghe rằng công trình của chúng ta làm là có ích, hoặc nếu hay hơn nữa là tầm quan trọng. Thuyết phục không phải chỉ bằng lời nói, mà phải bằng chứng cứ, và chứng cứ phải qua bình duyệt hay đã công bố.

Nhưng kĩ năng truyền thông là khía cạnh mà người Việt mình kém nhất. Các em nghiên cứu sinh gốc Việt có thể rất giỏi về chuyên môn nhưng lại rất kém về kĩ năng truyền đạt thông tin, ngay cả truyền đạt những gì các em ấy đang làm. Hạn chế tiếng Anh là một điểm âm lớn, nhưng kém kĩ thuật trình bày và thiếu phong cách lại chính là rào cản lớn nhất. Chưa nói đến nội dung, nhưng ngay cả những cách soạn slide không đúng bài bản đến cách nói không thông cũng gây ấn tượng không tốt cho người theo dõi. Nhưng rất tiếc đó lại là những đặc điểm dễ thấy ở giới khoa học gốc Việt.

Tôi có một thói quen học từ thời còn làm sinh viên: Đó là tập dượt và … tập dượt. Cứ mỗi lần đi dự hội nghị cùng nhóm, tôi yêu cầu các nghiên cứu sinh phải trình bày trước để tôi xem và góp ý. Lâu ngày thói quen này trở thành một qui ước trong lab. Bất cứ ai trong lab trước khi trình bày ở đâu cũng tranh thủ thời gian trình bày trước lab để đồng nghiệp góp ý. Góp ý đủ thứ, từ nội dung, cách chọn “money slide”, cách dùng thuật ngữ, cách chọn màu sắc và font chữ sao cho người ngồi xa có thể thấy, đến cách nói và điệu bộ. Tất cả những góp ý như thế làm cho bài nói chuyện khi ra trình làng gần như là hoàn hảo (theo một qui ước chung trong khoa học).

Thế thì làm sao để có một bài nói chuyện seminar tốt? Tôi nghe các bạn hỏi. Ở đây, tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân như sau:

1. Chọn chủ đề thích hợp

Khi người ta mời mình đến chia sẻ nghiên cứu, mình phải tìm hiểu xem “chủ nhà” đang theo đuổi chủ đề gì, và sở trường của họ là gì. Khi đã biết hai thông tin đó, chúng ta có thể thiết kế một bài nói chuyện dù là về việc làm của mình, nhưng việc làm đó có liên quan đến sở trường và chủ đề mà họ đang theo đuổi. Phải làm như thế để chúng ta tỏ ra là người đem lại lợi ích cho họ. Lợi ích ở đây là ý tưởng, cách tiếp cận, hay cơ hội hợp tác trong tương lai.

Quan trọng nhất là phải chọn đề tài hợp với trình độ khoa học ở nơi mình nói. Người ta đang ở trình độ 901 mà mình nói chuyện 101 là không hay; ngược lại, người ta đang khởi đầu mà mình nói chuyện “blue sky” cũng không hợp. Nói nôm na cho vui là nếu họ muốn nghe nhạc slow thì mình hát nhạc slow cho họ nghe.

2. Chú ý đến thời gian

Phải tìm hiểu xem chủ nhà cho chúng ta bao nhiêu phút. Thông thường seminar thì chủ nhà cho chúng ta 1 giờ, nhưng trong thực tế chỉ nên nói khoảng 45 phút, còn lại 15 phút để trao đổi và trả lời câu hỏi. Biết được thời gian cũng rất có ích để chúng ta quyết định số slide cần thiết.

3. Không nên dùng quá nhiều slide

Một điều tôi thấy cần nên tránh là dùng quá nhiều slide. Dùng nhiều slide có cái hay là mình có nhiều nội dung để nói, nhưng cái nguy hiểm là người nghe sẽ quên những gì mình nói. Do đó, quyết định số slide cần thiết là hết sức quan trọng. Đối với những người nói tiếng Anh giỏi, họ có thể chỉ cần 10 slide mà nói chuyện suốt 1 giờ. Đối với một câu chuyện khoa học phức tạp và tiếng Anh chưa tốt mấy, tôi nghĩ cứ trung bình ~2 phút cho 1 slide là lí tưởng. Do đó, một bài nói chuyện 1 giờ chỉ nên có khoảng 30 slide.

4. Xác định thông điệp chính là gì

Trước khi soạn slide, chúng ta phải xác định một thông điệp chính mà chúng ta muốn gửi đến khán giả. Phải làm sao sau khi xong bài nói chuyện, khán giả biết mình muốn nói gì. Để xác định thông điệp chính, cần phải soạn một cái mà giới khoa học gọi là “money slide” (slide ăn tiền), tức là cái slide mà chúng ta muốn mọi người phải nhớ đến và nhắc đến. Có khi người ta đưa cái money slide ngay trong lúc bắt đầu bài giảng. Cái money slide phải đơn giản, cô đọng, không có nhiều thông tin, không được dùng nhiều chữ, chỉ dùng hình ảnh càng tốt.

5. Câu chuyện phải khúc chiết

Không có gì buồn chán hơn khi nghe một diễn giả ê a hết chuyện này sang chuyện khác mà không có một ý chính hay một thông tin chính. Đối với một bài nói chuyện về những công trình của lab thì chúng ta phải dẫn dắt người xem từ công trình A, đến công trình B, C, và kết thúc công trình D.

Phải khúc chiết, công trình B là nối tiếp công trình A, và C là hệ quả của B, v.v. Với cách sắp xếp như thế, khán giả sẽ được thưởng lãm một câu chuyện có đầu có đuôi. Nếu bài nói chuyện chỉ tập trung vào một công trình, thì cách sắp xếp là từ ý tưởng hay cảm hứng, đến cách tiếp cận, kết quả, và ý nghĩa, và sau cùng là hướng đi kế tiếp.

Nên nhớ rằng “câu chuyện”, chứ không phải là bài giảng – lecture. Câu chuyện mang tính chuyên môn ở bậc cao nhưng thân mật, còn lecture là mang tính sơ đẳng dành cho sinh viên hay người không biết gì. Lẫn lộn câu chuyện thành lecture là rất nguy hiểm!

Mỗi công trình nên có hình một thành viên trong lab để vừa là cám ơn vừa lăng xê người của mình. Hình càng “bụi” càng hay.

6. Cách nói thong thả

Nói chuyện trong seminar chúng ta có khá nhiều thì giờ, nên không cần phải “nói như chạy”. Nên tập cách nói thong thả, phát âm rõ ràng, nhưng nhịp điệu phải lên xuống, nhấn nhá. (Thử tưởng tượng chúng ta nghe một người nói suốt 45-50 phút với cái giọng đều đều thì sẽ dễ buồn ngủ như thế nào). Tôi rất ấn tượng với cách vào đề của anh chàng tôi mời: Anh ta bắt đầu bằng cách cám ơn chủ nhà, sau đó anh ta nói về ngoài trời đang có gió mưa tơi tả (để bắt chuyện), rồi mới giới thiệu nội dung bài nói chuyện. Anh ta biết nhấn chỗ nào để người xem chú ý, và biết dùng kĩ thuật animation để mô tả câu chuyện rất tuyệt vời.

Nói thong thả còn áp dụng cho mỗi slide. Một trong những thói quen tôi thấy ở nhiều diễn giả là họ trình chiếu 1 slide rồi dành ra chỉ 1-2 giây hay cao lắm là 30 giây để nói về slide đó. Tôi cho rằng cách làm như thế là rất dở, vì nó làm cho khán giả nghĩ rằng diễn giả không có ý gì để nói, và nếu thiếu ý thì trình bày slide đó làm gì cho mất thì giờ?! Một điểm khác là trình bày slide quá phức tạp hay chữ quá nhỏ, không ai đọc được, cũng là một khiếm khuyết cần phải khắc phục.

Khi diễn giả tiêu ra nhiều thì giờ cho một slide đơn giản, điều đó gửi một tín hiệu tốt cho người xem rằng diễn giả là người am hiểu câu chuyện từ A đến Z. Sự hiện diện của slide chỉ là một yếu tố phụ mà thôi. Tiêu ra nhiều thì giờ cho một slide còn cho khán giả thấy diễn giả là một “master” câu chuyện của mình, và chính điều đó làm cho khán giả có thể tin vào diễn giả.

Dĩ nhiên, đại kị nhất là đọc slide. Đọc slide là một tín hiệu cho thấy diễn giả không biết câu chuyện mình nói. Người ta sẽ hỏi: Chúng tôi cũng có thể đọc slide, hà cớ gì phải mời vị này đến đây? Không bao giờ đọc slide!

7. Nói với khán giả, không phải nói với slide

Một trong những khiếm khuyết hay thấy là diễn giả chỉ nhìn vào slide và nói. Phong cách này làm cho người ta có cảm tưởng diễn giả đang nói chuyện với slide, nhưng họ kì vọng diễn giả nói chuyện với họ. Do đó, khi đã trình chiếu slide, thì diễn giả nên nhìn vào khán giả mà nói, và thỉnh thoảng chỉ đề cập đến slide bằng cách dùng laser pointer. Đây chính là lí do tại sao tôi hay yêu cầu nghiên cứu sinh phải học thuộc lòng nội dung bài nói chuyện của mình để không phải lúng túng và … không quên.

Một điều quan trọng cần phải chú ý là cách dùng laser pointer. Một số em nghiên cứu sinh có lẽ do hồi hộp nên vung laser pointer … tùm lum, và do đó tạo ấn tượng không tốt. Một khiếm khuyết khác là dùng laser pointer quá ngắn, nên người ta không theo dõi được. Cũng không nên xoáy xoáy laser pointer quá nhiều làm cho khán giả khó chú ý. Cách dùng laser pointer hợp lí là chỉ vào điểm mình cần nhấn mạnh, và cần phải dành ra khoảng 5-10 giây để khán giả có đủ thì giờ theo dõi.

8. Cách nói “chuyển tông”

Một trong những khó khăn khi trình bày bài nói chuyện bằng slide là chuyển tiếp từ slide này sang slide khác. Một số người có thói quen dừng lại sau khi nói xong một slide, rồi mới bấm nút chuyển tiếp sang slide kế tiếp. Cái khoảnh khắc dừng lại đó nó tạo ra một khoảng trống thời gian rất bất lợi cho diễn giả.

Do đó, người có kinh nghiệm thường dùng cách chuyển tông như sau: Nói đến hết slide, thì diễn giả bắt đầu giới thiệu slide kế tiếp, và trong khi nói chuyện thì tay bấm ngay nút chuyển tiếp. Cách nói chuyển tiếp có thể là “Now, I am going to show you a very important data …”, hay “In the next slide, I am going to show you that …”, hay “Shown in the next slide is some very interesting information …”, hay “Now, I would like you to pay attention to the next slide …” Với cách chuyển tông như thế, người nghe sẽ cảm thấy được lĩnh hội một câu chuyện đầy đủ và liên tục.

9. Tỏ ra thân thiện

Khi được mời đến nói chuyện, chúng ta là khách của chủ nhà. Mà, đã là khách thì cần phải tỏ ra thân thiện với chủ nhà và đồng nghiệp của chủ nhà. Có nhiều cách tỏ thái độ thân thiện, từ cách nhìn, đến nụ cười, và nhất là cách trả lời câu hỏi. Nhưng một điều cần phải tránh, tuyệt đối tránh, là không bỏ tay vào túi quần. Bỏ tay vào túi quần là một cử chỉ được xem là ngạo mạn, phách lối, và sẽ gây thiếu thiện cảm ở diễn đàn.

10. Cách trả lời câu hỏi thuyết phục

Một seminar lúc nào cũng có câu hỏi, và câu hỏi góp phần làm hào hứng “câu chuyện”. Nhưng cách mà diễn giả xử lí và quản lí câu hỏi là một yếu tố khá quan trọng để cho bài nói chuyện thành công. Tôi sẽ nói về cách xử lí câu hỏi trong một cái note sau.

Trên đây là 10 điểm trong việc trình bày báo cáo khoa học trong hội nghị mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. Chắc còn nhiều điểm khác nữa nhưng tôi chưa nghĩ ra. Điểm nào cũng quan trọng, không thể xem điểm nào kém hơn điểm nào. Nên nhớ rằng báo cáo là thuyết phục khán giả, chứ không phải giảng bài cho khán giả, và các kĩ năng trên có thể tăng thêm tính thuyết phục. Hi vọng các kinh nghiệm trên sẽ giúp các bạn trong lần báo cáo lần sau.

Vấn nạn tập san khoa học dỏm

Báo Thanh Niên nêu vấn đề tập san dỏm [1] rất đúng thời điểm. “Tập san” chớ không phải “tạp chí”. Trước đây, tôi và vài bạn khác đã nêu vấn đề này qua báo Tuổi Trẻ [2]. Lúc đó thì ít ai chú ý, vì công bố khoa học chưa hẳn là ưu tiên hay được quan tâm. Đến khi công bố khoa học trở thành tiêu chuẩn để đề bạt các chức vụ khoa bảng thì 2 vấn đề xảy ra: tập san dỏm và viết mướn.

Vấn đề thứ nhứt là tập san khoa học dỏm [2]. Hiện nay, có hàng vạn trang web dưới danh nghĩa tập san khoa học trên thế giới. Họ ‘săn’ đuổi các nhà khoa học từ các nước đang phát triển để tìm bài. Thật ra, nạn nhân của họ còn là các nhà khoa học từ các nước đã phát triển như Mĩ, Úc, Anh, Canada, Âu châu. Đã có không biết bao nhiêu người trở thành nạn nhân của các tập san dỏm này.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải có hẳn chánh sách để phân biệt tập san dỏm và chánh thống. Ở Úc, cũng có nhiều đại học quan tâm đến vấn nạn tập san dỏm, và có biện pháp khắc phục. Nói chung, các ứng viên cho các chức vụ khoa bảng mà công bố trên tập san dỏm thì không được ‘tính điểm’ và thường gây khó chịu cho hội đồng xét duyệt.

Tuy nhiên, việc phân biệt tập san dỏm và chánh thống không hề đơn giản. Đối với các tập san dỏm hiển nhiên thì dễ nhận ra, nhưng với những tập san nằm giữa ranh giới dỏm và chánh thống thì rất rất khó khăn. Người công bố trên các tập san đáng ngờ đó không chấp nhận rằng đó là tập san dỏm, và họ tìm mọi cách biện minh. Biện minh chánh là tập san có trong Scopus hay một danh mục như Pubmed. Nhưng có tên trong Scopus hay Pubmed không phải là chứng chỉ của ‘chánh thống’.

Nhớ có lần chúng tôi phải tiêu ra cả giờ để giải thích cho ứng viên về một bài báo trên một tập san ung thư học (Oncotarget) rằng tại sao hội đồng không chấp nhận. Nhưng ứng viên cãi rằng tập san đó có trong Pubmed, ISI và có cả impact factor khá cao, vậy thì “các ông bà căn cứ vào gì để nói là … dỏm?” Rất khó thuyết phục. May quá, vài tháng sau thì tập san này bị loại khỏi ISI, nên dễ cho hội đồng thuyết phục ứng viên.

Có thời gian trường đòi liệt kê danh sách tập san dỏm để các nhà khoa học tránh. Ý tưởng nghe hay, nhưng không khả thi, bởi vì tập san dỏm mọc lên rất nhiều và rất nhanh. Cuối cùng thì chỉ nhờ vào đánh giá của chuyên gia, nhưng chuyên gia thì trình độ có khi có giới hạn. Nói chung là rất mất thì giờ và nhức đầu với vấn nạn tập san dỏm.

Vấn đề thứ hai là viết mướn và công bố mướn. Bài báo Thanh Niên [1] không đề cập đến vấn đề này, nhưng nó khá phổ biến bên Tàu và đang có mặt ở Việt Nam. Theo ‘mô hình viết mướn’ bên Tàu, công ti viết mướn sẽ sản xuất ra hàng loạt bài báo, thường là ‘meta-analysis’ (vì dễ làm), rồi gạ bán cho các nhà khoa học có nhu cầu. Họ chỉ cần để tên của nhà khoa học vào bài báo, và tìm tập san để công bố. Có khi một bài họ bán cho nhiều tác giả. Ở bên Tàu, các giảng viên cũng chịu áp lực công bố khoa học, nên họ có khi phải mua những bài báo như thế. Mỗi bài công ti viết mướn thường lấy giá từ 2000 đến 10,000 USD, tuỳ vào tập san.

Một số bạn cho biết dịch vụ viết mướn này đã có mặt ở Việt Nam, và họ cũng quảng cáo để tìm khách hàng. Tuy nhiên, không rõ họ lấy bao nhiêu tiền mỗi bài. Sự ra đời của dịch vụ kinh doanh bài báo khoa học như thế này chỉ làm vẩn đục môi trường khoa học mà thôi. Sợ rằng tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong tương lai.

_____

PS: Sẵn đây, tôi xin nêu ý kiến về cách dùng chữ ‘tạp chí’ và ‘tập san’. Chẳng hiểu sao báo chí Việt Nam (và cả giới khoa học) dùng chữ ‘tạp chí’; đáng lí ra phải là ‘tập san’. Tạp chí là magazine, thường đăng những bài báo phổ thông (như ‘Tuổi trẻ cuối tuần’) dễ hiểu, dành cho đại chúng, và không cần tài liệu tham khảo. Còn tập san là journal, thuật ngữ dùng để chỉ các chuyên san khoa học, đăng những bài mang tính hàn lâm và có bình duyệt, dành cho giới khoa học, và phải có tài liệu tham khảo (xem bảng phân biệt).

Chữ ‘Journal’ này có một nguồn gốc thú vị. Theo tìm hiểu của tôi thì nó xuất phát từ chữ ‘diurnal’ trong nhà thờ, có nghĩa là sách ghi chép giờ cầu nguyện. Tóm lại, ‘tập san’ là một ấn phẩm khoa học, còn ‘tạp chí’ là ấn phẩm dành cho giới độc giả đại chúng. Xin các bạn báo chí và đồng nghiệp lưu ý cho.

[1] https://m.thanhnien.vn/giao-duc/thi-truong-ngam-mua-ban-bai-bao-khoa-hoc-cong-bo-tren-tap-chi-quoc-te-dom-1265819.html

[2] https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/cuoc-song-muon-mau/cua-so-khoa-hoc/20180314/tap-san-khoa-hoc-dom-va-nhung-van-nan/1429086.html

Xin lỗi | Apology

Ở đời, có khi chúng ta gây tổn thương cho người khác một cách vô tình. Đó là trường hợp cái note của tôi về sự khác biệt giữa người da đen và da trắng ở Mĩ. Một số bạn nói rằng cái note đó gây tổn thương đến vài người. Là người dành cả đời chỉ muốn giúp người, chớ không bao giờ cố ý gây tổn thương đến ai, tôi vô cùng buồn khi nghe như vậy. Tôi xin nhận mình sai. Tôi thành thật xin lỗi vì những hiểu lầm. Tôi cúi đầu xin lỗi các bạn.

In life, we sometimes hurt other people unintentionally. That is the case of my [now retracted] note on the disparity between black and white people in the US. Some friends told me that they felt hurt by the note. As someone who devotes the whole life to help others, I (Tuan) was deeply saddended to learn that. I was wrong. I sincerely apologize for any misunderstanding. I bow my head and offer my apology to you all.