Tản mạn về những giấc mơ và quán cà rem

Giới lãnh đạo chánh trị có một cá tánh rất dễ mến: hứa hẹn. Từ Donald Trump bên Mĩ, Morrison bên Úc, đến các nhà cầm quyền bên Việt Nam, ai cũng hứa và ai cũng có nhiều hoài bảo. Hứa hẹn là nghề của các chánh trị gia, bởi vì nhiệm vụ chánh của họ là bán hi vọng. Chúng ta thử điểm qua những lời hứa hẹn của các vị đứng đầu Nhà nước xem sao.

Giấc mơ tủ lạnh

Cá nhân tôi nhớ ông Lê Duẩn nhiều lắm, vì thời đó tôi cũng mơ mộng và có nhiều hoài bảo đóng góp cho đất nước. Mỗi lần nghe bác ấy nói trên tivi, tôi chú ý xem mình có thể làm gì. Nhớ dạo 1977 hay 1978, ông bí thơ thứ nhứt Lê Duẩn lên tivi hứa rằng “10 năm nữa mỗi gia đình sẽ có tủ lạnh”. Trời ơi, thời đó nhà tôi mới có tivi (từ trước 1975 để lại), chạy bằng máy phát điện gia dụng, còn tủ lạnh là niềm mơ nước lớn. Ai cũng hi vọng rằng nay mai đất nước mình sẽ sáng chói.

Thế nhưng mãi đến năm 1992 điện mới về vùng quê tôi, và đến năm 2000 thì nhà tôi mới có tủ lạnh. Đại đa số dân trong làng vẫn chưa có tủ lạnh. Tức là gần 50 năm sau ngày thống nhứt, lời hứa đó của bác Duẩn (nay bác ấy đã qua đời) vẫn chưa thành hiện thực. Cái tủ lạnh vẫn còn là một giấc mơ đối với nhiều gia đình ở nông thôn, thậm chí ở những gia đình lao động ở thành thị. Không biết ở chốn tuyền đài bác có trăn trở.

Giấc mơ công nghiệp hoá

Công nghiệp hoá đất nước là một niềm mơ ước của biết bao thế hệ, và cả của ông Nông Đức Mạnh. Ngày nào con trâu nó rảnh rang để cho máy móc làm việc trên đồng. Ngày nào người dân làm 1 con chip có giá trị bằng 1 năm làm 20 công ruộng? Năm 2010, ông Nông nói đại khái rằng ‘Năm 2020, VN trở thành nước công nghiệp, hiện đại’. Chính xác thì ông nói như sau: “Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.” Lúc đó, ai cũng nô nức tin tưởng vào lời hứa của ông và lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ có một tương lai xán lạn, rực rở sánh vai cùng các cường quốc 5 châu 4 biển.

Nhưng trong thực tế thì lời hứa đó đã tan thành khói mây. Mười năm sau (2020) Báo Dân Việt phải tổng kết rằng “mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã không thành hiện thực, thậm chí còn tụt hậu so với Trung Quốc 20 năm, Hàn Quốc và Malaysia 30 – 35 năm.” Thế là lời hứa vĩ đại của bác Nông cũng tan chảy thành không khí. Bác Nông vẫn còn sanh tiền, răng chắc tóc tươi, không biết bác nghĩ sao.

Giấc mơ không chung giường bệnh

Trong ngành y, có lẽ ai cũng nhớ đến lời hứa của ông cựu bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, là một người vui tánh. Năm 2007, khi mới nhậm chức, ông hứa rằng ‘Sẽ chấm dứt tình trạng một giường hai, ba bệnh nhân‘. Lời hứa của ông được đón nhận nồng nhiệt và tràn trề hi vọng [3].

Thế nhưng năm 2010, khi ông hết nhiệm kì bộ trưởng y tế, phóng viên nhắc ông lời hứa trên, thì ông thản nhiên nói “Tôi chưa bao giờ hứa chấm dứt việc bệnh nhân chung giường.” [4] Ô hay! Thế hoá ra các phóng viên nghe lầm lời hứa trước đây của ông! Cho đến nay, (sau 13 năm lời hứa đó được tuyên bố) thì tình trạng người nằm chung giường vẫn còn tồn tại, thậm chí nghiêm trọng hơn.

Giấc mơ sống bằng đồng lương

Năm 2006, người đứng đầu ngành giáo dục long trọng tuyên bố rằng đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương mà không phải dạy thêm hay chạy giờ [5]. Lúc đó, ai cũng hi vọng tràn trề, và nghĩ rằng nay mai nghề giáo và thiên chức thầy cô giáo sẽ được khôi phục vào cái vị trí vinh quang xưa kia.

Thế nhưng cho đến nay chúng ta biết rằng đó cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Giáo viên vẫn còn nghèo và nhiều người chưa sống được bằng đồng lương [6]. Ôi! Giấc mơ nhỏ nhoi và chánh đáng sau một phần tư thế kỉ vẫn chỉ là mộng mơ! Tuy nhiên, thầy cô Việt Nam rất dễ thương. Họ nghèo nhưng vẫn vui:

“Em là cô giáo cô giáo tuy nghèo mà vui

Không đòi đua chỉ an phận mà thôi”

chớ không giống như giới thầy cô giáo bên Úc năm nào cũng doạ biểu tình đòi tăng lương.

Giấc mơ Nobel

Khoa học là một lãnh vực nảy sanh ra nhiều lời hứa và ước mộng thăng hoa. Ông Đinh La Thăng là một người lãnh đạo năng nổ, dám làm dám chịu, được cảm tình của rất nhiều người. Năm 2017, ông Thăng ‘mong muốn TPHCM có giải Nobel y học‘ [7]. Công bằng mà nói, mong muốn của ông cũng là mong muốn của giới khoa học miền Nam. Thế nhưng những ai làm nghiên cứu khoa học ở trong nước thì ai cũng e dè, nghi ngại giấc mơ Nobel đó.

Hai tuần nữa, Hội đồng giải Nobel sẽ tuyên bố những khôi nguyên được trao giải, chúng ta hi vọng rằng sẽ có một người Việt được trao giải Nobel y học.

Giấc mơ trung tâm khoa học hàng đầu

Cách đây chỉ 3 tháng, ông bí thơ Hà Nội đề ra ý tưởng “mạng lưới sáng kiến” và hứa rằng “Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á” [8]. Nhưng mới đây, ông người đứng đầu TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành “trung tâm kinh tế tài chính khoa học công nghệ của châu Á” [9]. Cụ thể hơn, đến năm 2030, TPHCM phải trở thành “trung tâm kinh tế tài chính khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á với ước tính thu nhập đầu người là 12.570 USD, thuộc nhóm thu nhập cao.” Đến năm 2045, thì TPHCM sẽ trở thành “trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 40.000 USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu.”

Không chỉ Hà Nội có giấc mơ trở thành trung tâm khoa học Đông Nam Á, mà tỉnh Bến Tre cũng được định hướng lớn. Trình bày một ca về một thị trấn nghèo ở Thuỵ Sĩ trở thành tâm điểm của công nghệ Blockchain, ông bộ trưởng 4T muốn Bến Tre trở thành một thung lũng Silicon của Việt Nam về ứng dụng công nghệ [10]. Dân trong chuyên ngành IT ai cũng e dè với viễn cảnh này. Còn nhớ trước đây, chánh phủ VN có chủ trương tạo ra mạng xã hội để cạnh tranh và thay đổi facebook (mục tiêu rất chánh đáng), nhưng dân trong ngành nói rằng mạng “nhân văn” của VN đang trong tình “dở sống dở chết.”

Còn rất nhiều hứa hẹn khác nữa mà chúng ta không có thì giờ kể hết. Chỉ vài ví dụ tiêu biểu:

  • “… đến năm 2010 (sẽ) xóa hết hộ đói, cơ bản không còn hộ nghèo!”
  • “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp hiện nay, chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới.”
  • “… là chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế”và “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.”

Quay về thực tế

Còn quá sớm để biết những lời hứa hay những giấc mơ năm 2020 sẽ thành hiện thực trong tương lai. Một số chuyên gia tài chánh (Lê Đăng Doanh, Bùi Kiến Thành, v.v.) cho rằng mục tiêu này có thể đạt được. Chúng ta hãy hi vọng như thế. Nhưng chúng ta cần ghi nhớ câu nói của Niels Bohr rằng dự báo khó lắm, nhứt là dự báo về tương lai. Thôi thì chúng ta hi vọng các chuyên gia tài chánh VN hơn tài của nhà khoa học vĩ đại Niels Bohr.

Chúng ta mới chỉ mới bàn về VN thôi, mà chưa nhìn sang các nước khác ra sao. Chắc chắn các nước láng giềng cũng không ngồi yên một chỗ để Việt Nam vượt qua họ. Chúng ta thử xem qua chứng cứ về cơ sợ vật chất và tình hình nghiên cứu khoa học xem sao.

Về phẩm chất cơ sở vật chất (quality of infrastructure), Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam tương đối thấp so với trung bình thế giới. Năm 2016, Việt Nam đứng hạng 89 trên 137 quốc gia, so với Mã Lai hạng 21, Thái Lan 67, và Singapore hạng 2 [12].

Xếp hạng về phẩm chất cơ sở vật chất của một số quốc gia trên thế giới.

https://tcdata360.worldbank.org/indicators/h2cf9f9f8

Về khả năng cạnh tranh về Kinh tế điện tử (World Digital Competitiveness). Tổ chức IMD World Competitiveness Center mới trình bày một báo cáo so sánh về khả năng cạnh tranh kinh tế điện tử toàn cầu, và Việt Nam thậm chí không có trong danh sách [13]!

Về nghiên cứu khoa học, Việt Nam hiện nay đứng hạng khá thấp trên trường quốc tế. Nếu tính số bài báo công bố trên các tập san bình duyệt trên thế giới, VN đứng hạng 55 (trên 197 quốc gia). Thứ hạng này có thể xem là trên trung bình, nhưng vẫn còn thua khá xa so với Nam Hàn (hạng 9), Mã Lai (hạng 20), Singapore (30), Thái Lan (36), Nam Dương (40) [14].

***

Giới lãnh đạo chánh trị nói chung là những người bán hi vọng. Nghề và nhiệm vụ của họ phải bán hi vọng. Cái truyền thống này rất từ lâu đời và nó phổ quát từ Tây sang Đông. Do đó, chúng ta không nên nhạo báng họ, bởi vì việc của họ phải là như vậy.

Một trong người bán hi vọng vĩ đại là Mao Trạch Đông. Ông này bán hi vọng về dân chủ rất tuyệt vời và thuyết phục hàng triệu người theo ông ấy. Ngày 13/6/1944, trong một bài báo trên Nhựt báo Giải Phóng (Liberation Daily), Mao Trạch Đông viết rằng (dịch): “China có nhiều thiếu sót, thật ra là nhiều thiếu sót. Và, cái thiếu sót lớn nhứt, nếu phải nói ngắn gọn, là thiếu dân chủ. Chỉ với dân chủ thì cuộc kháng chiến của chúng ta mới có sức mạnh, những mối quan hệ nội bộ và đối ngoại đúng đắn … chỉ với dân chủ mới có thể đảm bảo sự hoà hợp dân tộc khi cuộc chiến kết thúc” [15].

Thế nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc, và đến nay thì đã gần 80 năm sau lời nói đanh thép đó, China như chúng ta thấy vẫn chưa có dân chủ.

Tại sao ông Mao chọn món hàng dân chủ để bán? Tại sao những người lãnh đạo chọn món hàng cao như Nobel, khoa học, thu nhập cao, v.v. để bán cho chúng ta? Tôi nghĩ câu trả lời là họ theo chiến lược kinh tế kinh điển mà thôi.

Trong một bài báo trên The Guardian, tác giả dùng ví dụ về cái quầy bán kem tại một bãi biển. Giả dụ rằng bãi biển đã có một cái quầy bán kem nằm ngay chánh giữa bãi biển, và bạn muốn dựng một cái quầy kem khác để cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra là bạn dựng quầy mới ở đâu? Nếu dựng quầy hơi xa ở phía bên phải, hay quầy xa ở phía bên trái của quầy hiện tại, thì bạn chỉ chiếm được 3/8 thị trường [16]. Nhưng nếu bạn chọn dựng quầy kem bên cạnh quầy hiện tại thì bạn sẽ chiếm khoảng 1/2 thị trường! Đó là bài học kinh tế kinh điểm mà các sinh viên đều học. Do đó, để chiếm lá phiếu của người dân, chánh trị gia phải tỏ ra là người có quan điểm và chánh sách gần với quan điểm và chánh sách của kẻ đương quyền.

Chiến lược quầy kem chính là cách mà giới lãnh đạo chọn giải Nobel, khoa học, thu nhập để bán. Bởi vì các nước tiên tiến có giải Nobel, khoa học cao, và thu nhập cao, nên để chiếm thị trường đó thì chỉ có cách là chúng ta phải nhích lại gần họ (dĩ nhiên chỉ là tâm tưởng thôi), và điều này rất dễ thuyết phục người dân. Món hàng hi vọng họ bán rất thuyết phục.

Dĩ nhiên, chúng ta những người biết đọc chữ cũng phải dè dặt, không quá tin vào những giấc mơ quá vĩ đại. Quá tin sẽ dễ dẫn đến thất vọng và trầm cảm. Vả lại, những gì xảy ra sau giấc mơ tủ lạnh, giấc mơ giường bệnh, giấc mơ sống bằng đồng lương, giấc mơ Nobel, giấc mơ công nghiệp hoá, v.v. chúng ta có lí do e dè với giấc mơ ‘trung tâm hàng đầu’. Ngay cả ông Donald Trump cũng hứa nhiều, nhưng làm được thì cũng chẳng bao nhiêu [17]. Tôi nghĩ thái độ chúng ta chọn là làm việc tốt những gì mình đang làm, còn họ bán hi vọng thì cứ bán. Nói theo tiếng Anh là “Keep Quiet and Do Your Job“.

“Nhắc về câu chuyện nằm mơ

Anh vẫn cho đời không như là mơ

Đời không như là mơ

Nên đời thường giết chết mộng mơ”

Trầm Tử Thiêng

***

[1] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nam-2020–vn-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep–hien-dai-2010032810400848.htm

[2] https://danviet.vn/khong-thanh-nuoc-cong-nghiep-viet-nam-con-tut-hau-20-nam-so-voi-trung-quoc-77771046149.htm

[3] https://tuoitre.vn/se-cham-dut-tinh-trang-mot-giuong-hai-ba-benh-nhan-214306.htm

[4] https://vnexpress.net/toi-chua-bao-gio-hua-cham-dut-viec-benh-nhan-chung-giuong-2274389.html

[6] https://laodong.vn/xa-hoi/nam-hoc-moi-giao-vien-mong-song-duoc-bang-luong-834769.ldo

[6] https://tuoitre.vn/nam-2010-giao-vien-song-duoc-bang-luong-353434.htm

[7] https://tuoitre.vn/bi-thu-dinh-la-thang-mong-muon-tphcm-co-giai-nobel-y-hoc-1270241.htm

[8] https://vnexpress.net/ha-noi-se-tro-thanh-trung-tam-khoa-hoc-hang-dau-dong-nam-a-4130398.html

[9] https://tuoitre.vn/nam-2045-tphcm-phai-la-trung-tam-kinh-te-tai-chinh-khoa-hoc-cong-nghe-cua-chau-a-20200924102613271.htm

[10] https://vietnamfinance.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-muon-ben-tre-tro-thanh-thung-lung-silicon-cua-viet-nam-20180504224241245.htm

[11] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-is-the-basis-to-make-hcmc-the-economic-center-of-asia-09242020153353.html

[12] https://tcdata360.worldbank.org/indicators/h2cf9f9f8

[13] [12] https://www.imd.org/wcc/world-competitiveness-center-rankings/world-digital-competitiveness-rankings-2019/

[14] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_number_of_scientific_and_technical_journal_articles

[15] https://chinamediaproject.org/2013/08/15/the-party-and-its-promises

[16] https://www.theguardian.com/commentisfree/2014/aug/27/why-politicians-must-lie-and-how-selling-ice-creams-is-like-an-election-campaign

[17] https://www.bbc.com/news/world-us-canada-37982000

10 câu hỏi khi đọc tin tức y khoa

Sáng nay, một anh bạn chia sẻ một bản tin về thuốc Avigan (của công ti Fujifilm, Nhật) rất triển vọng trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng khi đọc bản tin thì thấy kết quả nghiên cứu không như bài báo viết. Đọc tin tức y khoa đòi hỏi nhiều đánh giá và trong cái note này tôi xin chia sẻ cùng các bạn 10 tiêu chí đánh giá đó.

Thuốc Avigan hiệu quả ra sao?

Bản tin trên báo phunuonline viết rằng “Thuốc Avigan trị cúm của Nhật Bản đạt hiệu quả cao trong điều trị COVID-19” [1]. Dĩ nhiên, bản tin là bản dịch từ thông cáo báo chí nước ngoài, nên điều cần thiết là xem xét báo chí viết gì.

Hãng thông tấn Reuters viết rằng thuốc chống virus Avigan đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III (tức là randomized controlled trial – RCT), và đó là tín hiệu tích cực. Cần phải nói thêm rằng dữ liệu chưa được phân tích đàng hoàng, và chưa được công bố. Tôi đoán rằng đến khi công bố thì có thể con số không giống như bản thông cáo báo chí. Tuy nhiên, theo bản tin này thì công trình RCT này chỉ có 156 bệnh nhân, tức số cỡ mẫu quá thấp. Các bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: nhóm được điều trị bằng Avigan và nhóm chứng (giả dược). Kết quả chánh của nghiên cứu như sau:

  • nhóm điều trị bằng Avigan có thời gian bình phục 11.9 ngày;
  • nhóm giả dược có thời gian bình phục 14.7 ngày.

Nói cách khác, ngay cả nhóm giả dược bệnh nhân cũng bình phục, và thuốc Avigan chỉ rút ngắn thời gian bình phục chừng 3 ngày mà thôi. Đó là một mức độ ảnh hưởng ‘khiêm tốn’.

Đọc tin y khoa

Câu chuyện trên dẫn đến câu hỏi quan trọng là đối với các bạn ngoài ngành y, khi đọc một bản tin y khoa trên báo chí phổ thông thì nên đánh giá ra sao? Việc đầu tiên là nên hoài nghi bản tin báo chí phổ thông, nhưng hoài nghi lành mạnh (chớ không phải bác bỏ). Tôi nghĩ các tiêu chuẩn sau đây giúp cho các bạn đánh giá tính khoa học của một bản tin đầy đủ hơn.

1. Thông tin đó xuất phát từ đâu?

Thông tin từ báo chánh thống (như New York Time, Washington Post, Guardian, v.v.) và các hãng thông tấn chánh thống thì đó là tín hiệu tốt. Nếu bản tin xuất phát từ công ti thì cần phải dè dặt, vì họ thường có xu hướng ‘nói quá’ cho thuốc của họ. Thỉnh thoảng có thông tin từ các cá nhân quảng cáo về thuốc, về xét nghiệm, nhưng chẳng có nghiên cứu gì cả, thì tốt nhứt là không nên mất thì giờ.

2. Thông tin đó từ nghiên cứu khoa học hay ý kiến cá nhân?

Nếu là từ nghiên cứu khoa học thì cần tìm hiểu thêm. Còn nếu là ý kiến cá nhân thì thông tin đó có giá trị khoa học thấp nhứt, cho dù cá nhân đó là một chuyên gia trong chuyên ngành. Ý kiến cá nhân (như ‘theo kinh nghiệm 50 năm trong ngành’) thường chủ quan, hoặc có khi họ nói cho công ti dược, nên khó tin được.

Có những người đưa ra một số trường hợp được điều trị bằng một liệu pháp nào đó thành công, và họ quảng bá cho liệu pháp đó. Cần phải nghi ngờ những quảng bá như thế này, vì chúng ta không biết bao nhiêu ca đã thất bại (do họ chỉ cho biết số ca thành công), và lấy gì để nói là ‘thành công’ hay ai là người đánh giá ‘thành công’.

3. Nếu là thông tin từ nghiên cứu khoa học, thì nghiên cứu theo mô hình gì?

Khoa học có nhiều mô hình nghiên cứu, từ RCT có can thiệp đến nghiên cứu quan sát không can thiệp đến ca bệnh nhân và trên chuột. Nghiên cứu trên chuột chỉ có thể xem là bước đầu, và không nên đặt niềm tin quá lớn vào những nghiên cứu như thế. Những thông tin về thành công điều trị vài ca bệnh nhân chỉ để tham khảo chớ giá trị khoa học thì rất thấp (chỉ hơn ý kiến chuyên gia một chút).

Nghiên cứu quan sát có giá trị hơn, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu, nên cũng phải dè dặt với những thông tin như thế. Nếu là thông tin từ RCT giai đoạn 3 thì đó là thông tin có giá trị khoa học cao nhứt và đáng để xem xét thêm.

4. Cỡ mẫu nghiên cứu bao nhiêu?

Nghiên cứu là một dạng “người mù sờ voi”. Sờ voi nhiều chỗ đáng tin cậy hơn chỉ sờ 1 chỗ. Tương tợ, nghiên cứu có số cỡ mẫu lớn thì đáng tin cậy hơn nghiên cứu nhỏ. Cần nhấn mạnh rằng các nghiên cứu cỡ mẫu thấp thường cho ra kết quả dương tính giả. Một nghiên cứu Covid-19 RCT giai đoạn 3 cần phải có hàng ngàn bệnh nhân mới đáng tin cậy, còn chỉ 100 hay vài chục bệnh nhân thì thông tin chỉ có thể xem là sơ khởi mà thôi.

5. Outcome của nghiên cứu là gì?

Câu hỏi này quan trọng, vì outcome (kết cục) chính là đại lượng để đánh giá thành bại của một nghiên cứu can thiệp. Chẳng hạn như nghiên cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng thì outcome có ý nghĩa nhứt là tử vong (vì câu hỏi là thuốc có giảm tử vong hay không). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu ‘lách’ bằng cách dựa vào các outcome ‘mềm’ như thời gian dẫn đến bình phục (hết bị nhiễm), thời gian nằm viện, v.v. Đó là những outcome cũng có ý nghĩa lâm sàng, nhưng ý nghĩa thực tế thì không mấy mạnh.

6. Hiệu quả có ý nghĩa thống kê hay không?

Nghiên cứu là lấy mẫu, mà mỗi lần lấy mẫu thì mỗi lần có kết quả khác nhau do yếu tố ngẫu nhiên. Do đó, phân tích thống kê giúp cho nhà nghiên cứu lọc nhiễu từ tín hiệu. Khi kết quả có ý nghĩa thống kê thì chúng ta tạm thời yên tâm đó không phải là kết quả ngẫu nhiên. Trị số P < 0.005 có thể giúp chúng ta biết kết quả đó có thuyết phục hay không. Kết quả với trị số P = 0.04 hay 0.01 (ví dụ) chưa đủ thuyết phục.

7. Mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu?

Nhiều nghiên cứu dựa vào trị số P để tuyên bố là thuốc có hiệu quả hay không. Nhưng trị số P không cho chúng ta biết hiệu quả đó cao hay thấp. Một nghiên cứu hàng ngàn bệnh nhân thì hầu hết các ‘phát hiện’ đều có ý nghĩa thống kê (P < 0.05) nhưng chưa chắc có ý nghĩa thực tế. Chẳng hạn như nghiên cứu Avigan, chúng ta thấy mức độ khác biệt giữa nhóm điều trị và nhóm giả dược chỉ có … 3 ngày.

8. Kết quả báo cáo có phải là do nhiễu hay là ảnh hưởng thật?

Yếu tố nhiễu là yếu tố tác động đến điều trị và outcome, nên khi quan sát được mối liên quan giữa điều trị và outcome, thì có thể là do yếu tố nhiễu chớ không phải do điều trị! Các nghiên cứu quan sát thì rất khó loại bỏ yếu tố nhiễu, và vì thế các nghiên cứu này không có giá trị khoa học cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu RCT thì có thể loại bỏ yếu tố nhiễu.

9. Kết quả có áp dụng cho bệnh nhân?

Câu hỏi này đòi hỏi phải biết là thuốc đã có trên thị trường chưa. Nếu có thì giá bao nhiêu và bệnh nhân có sẵn sàng chi trả. Có những loại thuốc mà từ khi công bố kết quả nghiên cứu đến khi đến bệnh viện mất cả 2 năm trời, và cái giá có khi lên đến 20,000 USD một năm! Tuy nhiên thuốc Avigan thì giá chỉ 1.5 USD một ngày nên có thể đến tay bệnh nhân dễ dàng hơn.

10. Kết quả có ‘đáng đồng tiền bát gạo’?

Nếu phải chi ra 20,000 USD để kéo dài tuổi thọ 1 tháng, thì bệnh nhân có chịu không (chưa nói đến bệnh nhân có khả năng tài chánh). Hay như trường hợp thuốc Avigan, nếu chi ra 1.5 USD x 12 ngày = 18 USD (~400,000 đồng) để rút ngắn thời gian bình phục 3 ngày có phải là một lợi ích kinh tế? Có thể, nếu bệnh nhân là người làm những việc quan trọng cho xã hội.

Thông tin y khoa càng ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí, nhưng thật giả lẫn lộn. Thông tin thật thì có vẻ ít hơn thông tin giả và quảng cáo. Có những thông tin trên báo làm cho bệnh nhân có kì vọng quá cao, nhưng trong thực tế thì có khi chỉ là một PR mà thôi. Có những thông tin làm cho giới y khoa hào hứng, nhưng thật ra thuốc chỉ mới thử nghiệm trên chuột. Đó là chưa kể những mâu thuẫn về lợi ích làm cho tình trạng thêm nhiễu. Do đó, chúng ta cần phải có ‘bộ lọc’ để đánh giá tính khoa học của chúng. Hi vọng 10 câu hỏi trên giúp cho các bạn (kể cả giới báo chí) đánh giá thông tin y khoa đầy đủ và khách quan hơn.

Quay lại nghiên cứu Avigan, chúng ta đánh giá như thế nào? Khi kết quả chưa công bố trên một tập san y khoa thì chúng ta cần phải dè dặt. Những thông tin được đưa loan tải cho thấy đây là một thuốc có triển vọng trong việc giúp bệnh nhân Covid-19 bình phục, nhưng mức độ ảnh hưởng thì rất khiêm tốn.

PS: Sẵn đây xin báo cùng các bạn là tháng 11 này tôi sẽ nói chuyện trong một hội nghị của Hội y học tại Sài Gòn về chủ đề “Ứng dụng y học thực chứng trong đánh giá nghiên cứu Covid-19”. Tôi sẽ trình bày hàng loạt ca hấp dẫn để cùng học. Dĩ nhiên là chỉ nói qua … video thôi, nhưng sẽ có một phiên vấn đáp hào hứng. Mời các bạn đăng kí tham dự nghen!

***

[1] https://www.phunuonline.com.vn/thuoc-avigan-tri-cum-cua-nhat-ban-dat-hieu-qua-cao-trong-dieu-tri-covid-19-a1418500.html

[2] https://www.reuters.com/article/fujifilm-avigan/fujifilms-avigan-shown-to-be-effective-in-japanese-phase-3-trial-for-covid-19-idUSKCN26E0F9

Nhân “Đường lên đỉnh Olympia” bàn về người tài và giáo dục Việt Nam

Xin giới thiệu đến các bạn một cuộc trò chuyện với kí giả Bùi Thư về câu hỏi Úc thu hút nhân tài từ Việt Nam qua chương trình trò chơi “Đường lên đỉnh Olympia”. Theo tôi thì Úc có chương trình thu hút nhân tài, nhưng tiêu chuẩn về nhân tài cúa họ không giống như ‘nhân tài’ trong các gameshow.

Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình) giành giải quán quân, qua đó nhận học bổng toàn phần của Đại học Kỹ thuật Swinburne, một đại học nghiên cứu đóng tại Melbourne (Úc).

Bùi Thư, BBC News Tiếng Việt 24/9/2020
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54245669

Nhiều người mỉa mai chương trình Đường lên đỉnh Olympia là “tìm nhân tài cho Australia”, trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng lo ‘chảy máu chất xám’ trong bối cảnh toàn cầu hóa là ‘lỗi thời’.

Mỗi năm, khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia công bố nhà vô địch mới, mạng xã hội lại xôn xao: “Thêm một nhân tài nữa cho Úc”; “Chúc mừng Australia”… Nhiều người thậm chí đặt tên chương trình là “Đường lên đỉnh Australia”.

Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết các nhà vô địch Olympia, sau khi nhận học bổng du học, đều chọn ở lại Australia. Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 23/9, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales (Úc) nói “Quan điểm cho rằng Úc thu hút nhân tài qua chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì có hơi quá và không công bằng cho nước Úc”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cũng chia sẻ với BBC: “Nếu so với số du học sinh hằng năm lên đến cả trăm nghìn người thì 20 người sau 20 năm mà bảo lựa chọn nhân tài cho Úc là quá phóng đại”. Theo thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD & ĐT, hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài.

Cả nước ‘phát sốt’

Hôm 20/9, sau khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia công bố người thắng cuộc, Facebook ngập tràn bình luận. Khen có, chê có, thán phục có, mỉa mai có, nhưng các bình luận dày đặc cho thấy sau 21 năm kể từ chương trình đầu tiên, game show này vẫn được rất nhiều người chú ý.

Năm nay, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình) giành giải quán quân, nhận học bổng toàn phần của Đại học Kỹ thuật Swinburne, một đại học nghiên cứu tại Melbourne (Úc).

Trường này có thứ hạng khá trên thế giới, xếp thứ 63/250 Bảng xếp hạng Đại học trẻ (dưới 50 năm tuổi) 2020 của THE; xếp 351/1.527 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2021 của QS và top 400 năm 2020 của ARWU. Người thắng cuộc năm nay còn nhận 40.000 USD tiền thưởng, tăng 5.000 USD so với năm trước.

Với hình thức thi thố sôi nổi, gay cấn trong một đất nước có truyền thống coi trọng khoa cử, tranh đua, Đường lên đỉnh Olympia luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt.

Các trường, các tỉnh thành có thí sinh vào chung kết năm thường tập trung học sinh xem trực tiếp để cổ vũ, chẳng khác gì khi đội tuyển bóng đá vào chung kết SEA Games. Thí sinh vô địch được ca ngợi là người mang vinh quang về cho tỉnh nhà, là niềm tự hào của nhà trường, gia đình, thầy cô và bè bạn.

Nhà quán quân bỗng chốc trở thành người của công chúng, nhất cử nhất động của họ trên sóng truyền hình được đưa ra phân tích, mổ xẻ, đôi khi rất gay gắt.


‘Nên nghĩ đến bức tranh lớn hơn’

GS Nguyễn Văn Tuấn, người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc, cũng là nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng trên thế giới với hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí y khoa và khoa học quốc tế, chia sẻ:

“Úc có chương trình thu hút nhân tài Global Talent Independent mà tôi từng giúp một số em nghiên cứu sinh gốc Việt tham gia. Nhưng chương trình này không dành cho các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia vì các em vẫn là học sinh trung học”.

“Theo tôi, giải thưởng của chương trình có thể xem là một trong những tín hiệu về sự thành công tương lai của một cá nhân. Nhưng nhân tài là người có chuyên môn cao, đã thành danh, và khái niệm nhân tài rộng lớn hơn so với giải thưởng trong một game show. Nhân tài thường được đánh giá bởi chuyên gia, đồng nghiệp trong chuyên ngành chứ không phải thông qua một game show đại chúng”.

“Việc dành tiền để thu hút nhân tài từ Việt Nam không phải thứ mà Úc ưu tiên. Như trường đại học New South Wale nơi tôi làm việc, mỗi năm có 16.000 du học sinh từ nước ngoài, đa số là Trung Quốc và họ rất tài năng. Chỉ có khoảng 20 người Việt Nam từ chương trình là con số nhỏ, Úc không quá quan tâm”, GS Tuấn đánh giá.

PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định: “Tôi nghĩ đây không hẳn là chương trình lựa chọn nhân tài. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia không phải người giỏi nhất Việt Nam, mà là người có thành tích tốt nhất trong số những người tham gia thôi”.


Ông Tuấn nói thêm: “Tính chất của game show tập trung vào một số em nhanh trí và thông minh. Nhưng các em này không đại diện cho đa số học sinh Việt Nam. Chúng ta nên quan tâm làm sao đem những kĩ năng cần thiết đến với đa số học sinh, thay vì chỉ tập trung bàn luận về game show. Thắng một cuộc thi mới chỉ là bước đầu”.

“Chúng ta cần nghĩ đến bức tranh lớn hơn. Đó là cải cách giáo dục, không chỉ ở bậc đại học mà từ tiểu học, trung học. Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tiến từng nói nền giáo dục Việt Nam vẫn đang 1.0 trong khi thế giới là 4.0. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần chú trọng hơn là những tranh cãi việc gameshow vì nó không đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trên bản đồ thế giới”, GS Tuấn nhấn mạnh.

Tư tưởng ‘chảy máu chất xám’ là lạc hậu

Quán quân mùa thứ 6 Lê Vũ Hoàng giải thích anh quyết định tu nghiệp ở Úc một thời gian sau khi tốt nghiệp vì đây là cơ hội để mở rộng kết nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế, học hỏi thêm công nghệ mới. Úc cũng có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu tốt hơn trong ngành của anh.

Anh Hoàng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: “Hiện tại tôi đang có một số dự án liên kết với Việt Nam để đưa công nghệ IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo), đưa các sản phẩm mà tôi đã làm ra ở đây về phục vụ Việt Nam”.

Những trường hợp như anh Hoàng khiến nỗi ưu tư ‘chảy máu chất xám’ ở Việt Nam thêm nặng trĩu. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng khái niệm này không hẳn thích hợp trong thời toàn cầu hóa.

“Những du học sinh Việt Nam học ở Úc và được chấp nhận ở lại thì có tác động dĩ nhiên là tích cực lên nước Úc trước tiên. Nhưng họ thành danh ở nước ngoài thì cũng giúp ích cho quê hương Việt Nam không chỉ về chuyên môn khoa học mà còn về kinh tế. Nói là chảy máu chất xám nhưng thực tế thì đôi bên cùng có lợi”, ông nói.

Theo GS Tuấn, trong thế giới phẳng, một người ngồi ở châu Âu có thể làm việc cho Úc, một người ngồi ở Úc nhưng làm việc cho Malaysia.

“Tôi nghĩ câu hỏi đáng quan tâm hơn là chủ quyền tri thức thuộc về ai. Nếu một người ở châu Âu mà làm việc cho Úc và có những khám phá mang đến bằng sáng chế thì chủ quyền đó thuộc về Úc. Nói về chảy máu chất xám là nói về mất bản quyền tri thức, chứ con người vẫn ở đó, chẳng mất đi đâu cả”, ông lý giải.

PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét: “Ở thế kỷ thứ 21 được 20 năm rồi, chắc chỉ có mỗi Việt Nam vẫn trăn trở chuyện người đi du học có trở về hay không. Tư tưởng này quá lạc hậu, nghe như vấn đề của thế kỷ 19”.

Bà Ánh phân tích thêm: “Du học sinh ở lại mà thành công thì góp phần quảng bá cho Việt Nam. Nếu các bạn ấy ra thế giới thể hiện Việt Nam cũng không kém gì ai thì đó chính là quan điểm của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu, nên khuyến khích mới đúng”.

Xã hội Việt Nam quá khắc nghiệt?

PGS Nguyễn Hoàng Ánh kể: “Về trải nghiệm cá nhân, tôi sau khi du học về cũng không được chào đón. Ngoài thì nói hoan nghênh nhưng hành xử thì rất nghi kị. Đồng nghiệp lo ngại bọn này có cướp mất công việc hay không. Lãnh đạo thì sợ mình gây cản trở”.

Bà bình luận: “Bây giờ xã hội cởi mở hơn, nhưng chúng ta vẫn thấy dư luận ồn ào chuyện du học sinh không trở về, xét nét một cái vung tay ăn mừng của em học sinh 17 tuổi. Khi nhà nước không còn xét nét mà sống với những người đầu óc hẹp hòi như vậy thì quá mệt”.

GS Tuấn nói thêm: “Khi về Việt Nam, các bạn gặp những rào cản mang tính văn hóa nhiều hơn là chuyên môn. Họ thường nói với tôi điều kiện làm việc ở Việt Nam không tốt, không được giao công việc đúng chuyên môn. Có người nói bị lúng túng những chuyện ‘chính trị văn phòng’. Có người than phiền không được chào đón mà còn bị đố kị. Tôi biết một vài em về Việt Nam sau đó lại quay trở về Úc vì chịu không nổi môi trường trong nước”.

“Sinh viên Việt Nam ở lại Úc, cũng như những sinh viên các nước khác, chủ yếu xuất phát từ điều kiện làm việc và nghiên cứu. Ngoài ra, hệ thống đề bạt và tưởng thưởng minh bạch nên các em rất thích. Ở Việt Nam, dân gian có câu: ‘nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ’. Điều này làm nản lòng nhiều bạn trẻ, ngay cả tôi cũng sẽ nản lòng”, ông Tuấn nói.

Là người có nhiều hoạt động khoa học, giáo dục, y tế tại Việt Nam, GS Tuấn bày tỏ: “Những người làm khoa học chân chính như tụi tôi ở nước ngoài, khi về Việt Nam gặp phải một khó khăn: nói thật. Bởi mình không nói thật được, nói thật thì có khi đồng nghiệp tự ái không hợp tác nữa. Nên phải nói kiểu ngoại giao”.

Bà Ánh đề xuất: “Tôi nghĩ Việt Nam có thể học mô hình Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cho rằng đến ngoài 40, nhiều người sẽ quay về nước. Thực tế cho thấy ông đã đúng. Đến năm 2000, Trung Quốc có nhiều chính sách đãi ngộ với người học nước ngoài về”.

“Tôi có trao đổi với một anh phó giáo sư của trường đại học nổi tiếng ở Mỹ về lý do về nước. Anh trả lời ở Thượng Hải, anh có những điều kiện tốt hơn, được điều hành một khoa và nguồn quỹ. Với lại, người ngoài 40 hầu như đều mong quay về quê hương, mong có cơ hội đóng góp. Nếu mình cho cơ hội, họ sẽ quay về. Hy vọng Việt Nam cũng nhìn xa như Đặng Tiểu Bình”, bà Ánh bày tỏ.

Suốt 20 năm nay, GS Tuấn có cả mấy chục công trình nghiên cứu và xuất bản sách tại Việt Nam dù ông sống ở Úc. GS Tuấn bộc bạch: “Là người Việt Nam thì đi đâu cũng đau đáu nhìn về quê, muốn làm cái gì đó để quê nhà tốt hơn. Nói đến chuyện đóng góp cho quê hương thì tôi nghĩ 100% người Việt đều muốn, dù họ có thể có quan điểm chính trị khác với các bạn trong nước”.

Nhà văn của tuổi thơ Nhật Tiến (1936 – 2020)

Mới nhận được tin buồn Nhà Văn Nhật Tiến mới qua đời ở California ngày hôm nay (14/9/2020), thọ 84 tuổi [1]. Tôi mê văn chương của ông từ thời còn ngồi ghế trung học. Vậy là thêm một nhà văn nổi tiếng trước 1975 lại ra đi. Cần nói thêm là hiền thê ông cũng mới qua đời chưa đầy 1 tháng.

Nhà văn của tuổi thơ Nhật Tiến (1936 – 2020)

Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sanh ngày 24-8-1936 tại Hà Nội. Năm 1954 ông di cư tị nạn trong Nam, thoạt đầu sống ở Đà Lạt, sau này dọn về Sài Gòn. Ông có thời gian dạy học ở Bến Tre và Mỹ Tho (dù ông không tốt nghiệp trường sư phạm nào). Trong thời gian này ông sáng tác nhiều truyện ngắn, truyện dài. Theo bài của Ngô Thế Vinh [2] thì truyện đầu tay của ông là “Những Người Áo Trắng”, viết về một nữ tu tên Quỳnh thương thầm và đơn phuơng một nam sinh viên, và những xung đột nội tâm về cuộc tình đơn phương đó. Một bên là dâng hiến cuộc đời cho Chúa, còn một bên là xúc cảm cá nhân.

Bìa một số sách Nhật Tiến xuất bản tại Miền Nam trước 1975 Bìa một số sách Nhật Tiến xuất bản tại Miền Nam trước 1975. Ảnh và chú thích của Nhà văn Ngô Thế Vinh

Riêng cá nhân tôi thì thích tác phẩm Thềm Hoang hơn. Thật ra, những ai lớn lên thời 1970s đều biết ông qua tác phẩm này (được trao giải thưởng Văn học 1962). Thềm Hoang viết về thế giới của những người nghèo trong một xóm lao động ven đô Sài Gòn. Trong cuốn tiểu thuyết đó, nhà văn mô tả một cách sống động về cuộc sống của đủ thành phần trong xã hội, từ người đạp xích lô, người bán hàng rong, người ăn xin, người [nói theo ngôn ngữ ngày nay là] bán dâm. Nhật Tiến tỏ ra là một người quan sát tinh tế và có óc phân tích tâm lí, nên làm cho người đọc cảm thấy vừa hào hứng mà vừa suy tư.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh nhận xét, theo tôi, rất đúng về Nhật Tiến: “Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến: nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo“.

Vì là nhà giáo, nên sau 1975 ông không phải đi tù cải tạo, nhưng phải đi học ‘bồi dưỡng chánh trị’ tại chỗ. Năm 1979, ông vượt biên và cuộc vượt biển kinh hoàng đã để lại một vết thương lòng lớn. Ông là một chứng nhân về những bạo hành xảy ra trên đảo quỉ Ko Kra. Năm 1980 sau khi định cư ở Mĩ, ông cùng hai nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ viết bản cáo trạng về thảm nạn thuyền nhân trên Biển Đông, trong các tại tị nạn Songkhla (Thái Lan) làm rúng động lương tâm thế giới thời đó. Sau cáo trạng đó là sự ra đời của Uỷ ban cứu nguy người vượt biển (Boat People SOS Committee) đã giúp rất nhiều người tị nạn thời đó.

Nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến ngồi viết cáo trạng thảm cảnh biển Đông trong trại tị nạn Songkhla, Thailand 1980 Nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến ngồi viết cáo trạng thảm cảnh biển Đông trong trại tị nạn Songkhla, Thailand 1980. Ảnh và chú thích của Nhà văn Ngô Thế Vinh.

Thời gian ở Mĩ, ông vẫn viết văn thường xuyên cho các báo ở California (dù nghề thật của ông là sửa máy điện toán). Trong thời gian ở Mĩ, ông xuất bản hơn 10 tác phẩm. Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam nhận xét rằng Nhật Tiến là nhà văn của tuổi thơ, nhưng là tuổi thơ bất hạnh (khác với tuổi thơ tinh nghịch của Lê Tất Điều hay trẻ thơ đáo để của Duyên Anh). Tôi muốn thêm rằng Nhật Tiến còn là nhà văn của những người tị nạn bất hạnh nữa.

Nay nghe tin ông qua đời, tôi viết cái note này như là một tưởng niệm và tri ân những gì ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam và những ‘thuyền nhân’ Việt Nam trong thập niên 1970-1980.

PS: Câu chuyện bi thảm trên đảo Ko Kra được kể lại qua clip của trung tâm Thuý Nga sau đây. Trong clip có Nhà văn Nhật Tiến nói lời cảm ơn người ân Nhân Ted Schweitzer đã giải cứu 157 thuyền nhân khỏi cái đảo kinh hoàng này: https://www.youtube.com/watch?v=isKq_bhSurg

***

[1] https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nha-van-nhat-tien-qua-doi-tho-84-tuoi/

[2] https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/LiteratureAndArts/nhat-tien-ngothevinh-08202015152742.html

[3] Nhà vănNhật Tiến có một người em là Nhà văn Nhật Tuấn (Hà Nội). Nhật Tuấn có kể lại chuyện 2 anh em gặp nhau năm 1975 mà ông anh không dám nhìn ông em. Nhật Tuấn kể chuyện:

Sáng 30 tháng 4 năm 1975, tôi đang ở cuối đường 14 cũ và đầu đường Trường Sơn mới, tức sông A Vương, tỉnh Quảng Đà (cũ). Lúc đó tôi nghe BBC kể về một bức biếm hoạ đăng trên báo Mĩ, vẽ ngôi mộ có bia khắc dòng chữ “VNCH” (Việt Nam Cộng Hoà) và “nơi đây yên nghỉ một quốc gia vừa chết trong tức tưởi”.

Tôi cũng nghe đài Sài Gòn đọc tuyên bố buông súng, giao lại chính quyền của ông Dương văn Minh, sau đó là bài hát Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong – “ngoài hiên gịot mưa thu thánh thót rơi, trời vắng…u buồn…mây hắt hiu ngừng trôi”, lát sau có tiếng người đọc: “Đây là tiếng nói của Quân Giải phóng khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn” và tôi nghĩ: chiến tranh đã kết thúc.

Đêm đó nằm trên võng với ánh đèn hạt đậu, tôi ghi sổ tay :

“ Lịch sử dân tộc sang trang mới. Nghệ thuật với “tiếng lòng” cáo chung . Tiếng nhạc Đặng Thế Phong như tiếng nức nở than khóc một thực thể vừa trút hơi thở cuối cùng. Đó là tiếng kèn đưa đám chế độ Việt Nam Cộng Hòa , tiếng thở than cuối cùng, tiếng thở hắt ra của một nền nghệ thuật tự do.

Thôi thế từ nay hết cái buồn mênh mang, hết cái sầu vạn cổ, hết cái bơ vơ trong cõi vô cùng…Mai tới là những điệu kèn đồng hối hả thúc giục lao động….Nghệ thuật, nghệ thuật và nghệ thuật…cũng đút tay vào còng..”

Sáng hôm sau xảy chuyện :

“ Bên trạm giao liên, cô Hoa đẻ non, con mới 15 ngày còn đỏ hỏn, đã phải ngồi xe tải vượt Trường Sơn ra Bắc. Cô van xin ở lại để mẹ con cứng cáp. Đâu có được. Cô và đứa con cô là biểu tượng của tội lỗi, của sự mất thanh danh tiểu đoàn, mất danh dự quân đội.

Lòng tôi như xát muối nhìn cô ẵm con lên xe , ngoái nhìn phương trời xa, bố đứa bé chưa biết mặt con vẫn đang lặn lội chiến trường.

Cô sẽ về một vùng quê nào đó, ôm con mỏi mắt đợi chờ . Nhưng cô chờ ai, người đàn ông chỉ sau một lần yêu chớp nhoáng đã lại đi vào lửa đạn. Mai sau còn sống trở về và liệu lúc đó có còn của cô ?”

10 ngày sau, tôi cùng đại úy Lê Tử Kỳ – sau này là Viện trưởng Viện thiết kế dầu khí, chạy commăng ca về Sàigon tìm tới nhà ông anh là nhà văn Nhật Tiến, nhờ báo Thiếu Nhi tôi biết được địa chỉ 159 Thiệu Trị , cạnh cổng xe lửa số 6.

Vào một buổi chiều, một chiếc xe con quân sự đỗ xịch trước cửa, hai ông “lính chiến” quân trang quân dụng đầy mình nhảy trên xe xuống gõ cửa ầm ầm. Xấp nhỏ chạy ra, tôi hét :

“ Mở cửa…cách mạng xét nhà…” .

Ôi chao, ngày đó như thế là chuyện lớn lắm. Tôi vào phòng khách nhìn thấy hình bố mẹ treo trên tường, yên trí nhà ông anh đây rồi. Tôi hét :

“ Bố mẹ đâu rồi ?”

Xấp nhỏ sợ xanh mắt, mếu máo :

“ Bố mẹ cháu ở nhà in…”

“ Gọi điện về ngay…”

Lát sau ông Nhật Tiến chạy về. Nhìn thấy hai ông bộ đội lù lù, ông tái mặt. Tôi lại gần ôm lấy ông anh :

“ Em Tuấn đây mà…”

Ông Nhật Tiến đẩy tôi ra :

“ Vâng vâng…mời hai ông ngồi chơi…”

Tới lúc đó ông Nhật Tiến vẫn chưa dám nhận thằng em xa cách từ năm 1954. Mãi sau khi tôi vào toa lét tắm rửa , mặc bộ pyjama bước ra, hai anh em mới ôm nhau khóc nức nở.

Chiều hôm đó sau bữa tiệc hàn huyên, tôi mặc quần tây , áo sơ mi lẻn ra lăng cha Cả tìm … “chị em ta”.

Mãi sau này tôi khó quên được cái cảnh “vui vẻ” trên giường với cô gái , nhìn vào cánh tủ gương thấy trên chiếc chiếu trải dưới đất đứa bé gái chừng 3 tuổi đang ngủ mê mệt. Tôi đoán cô gái là vợ lính cộng hòa đã nằm xuống đâu đó để lại hai mẹ con. Khi chia tay, cô gái cười buồn :

“ Chắc anh là…bộ đội cụ Hồ ?”

Tôi trợn tròn mắt :

“ Ối trời ôi…sao em đoán hay vậy”

Cô gái lại cười :

“Thì bị hãm trên rừng lâu ngày , riết rồi thành con chó đói….lính cộng hòa đâu có vậy !”

Tôi phải thưởng thêm cho em một tờ bạc “bác Hồ” nữa.

Tối đó mãi 10 giờ khuya chưa thấy ông em mò về , ông Nhật Tiến đánh xe hơi đi rà rà dọc đường Võ Tánh, chợt tá hỏa thấy ông em ngồi vỉa hè nói cười ngả ngớn , vỗ đùi vỗ vế mấy em đứng đường. Ông phóng vội xe đi sợ tôi “mặc cảm” .

Đêm đó tôi về khuya, ông anh đã “tế nhị” để sẵn trong toa lét một chai cồn 90 để ông em “tổng vệ sinh”. Tối hôm sau, ngồi uống càphê, hai anh em bàn chuyện chính trị, thời sự. Ông đưa ra mấy cuốn Mác Lê, mấy cuốn nghị quyết đại hội đảng coi y‎ tôi ra sao. Tôi bật cười :

“ Thôi ông ơi, những cuốn này không nhá được đâu, đến tôi cũng còn chịu nữa ông. Tốt hơn hết ông tìm cách trốn ra nước ngoài . Người tử tế như ông sống sao được với cộng sản ….”

Ôi thôi thôi , thế là bao nhiêu thu hoạch sau đợt thành ủy Sàigòn tổ chức học tập nghị quyết chính trị cho văn nghệ sĩ Sàigòn trôi sạch.

Thế rồi sau mấy năm nhếch nhác làm nhà giáo, ông anh tôi mới bước chân xuống tàu di tản sang Mỹ sau một chuyến đi trên hải đạo kinh hoàng.

Covid-19 sẽ biến mất?

Tổng thống Trump có lần nói rằng dịch sẽ “go away” (biến khỏi) và ông bị công chúng cũng như giới khoa học chế nhạo. Nhưng số liệu từ thành phố Manaus (Ba Tây – Brazil), nơi không áp dụng lockdown, có vẻ nhứt quán với nhận xét của ông!

Manaus là thành phố trung bình, với hơn 2 triệu dân, mật độ dân số tương đối cao. Dịch Covid-19 bộc phát vào tháng 3 (hay trước đó) và đạt độ đỉnh vào tháng 5. Trong thời gian đó, số người chết lên cao đến nỗi thành phố không có đủ áo quan cho nạn nhân.

Trong tình hình như thế, nhưng thành phố Manaus không áp dụng chánh sách “lockdown” (vì quan toà địa phương bác bỏ chánh sách này). Thành phố vẫn cho trường học mở cửa, và các trung tâm thương mại vẫn mở cửa bình thường! Chánh sách này làm cho các giới chức y tế lên án rất gắt gao [2].

Nhưng từ tháng 6 trở đi thì số ca mới nhiễm suy giảm. Tính chung, các nhà phân tích ước tính rằng 66% dân số bị nhiễm. Số ca tử vong cũng giảm. Vào đỉnh điểm tháng 5, có ngày có đến 79 người chết, thì đến tháng 9 con số này giảm xuống còn 2-3 người / ngày. Tỉ lệ tử vong (case fatality ratio) ghi nhận được dao động trong khoảng 1 / 500 (hay 0.02%).

Không ai giải thích được tại sao dịch suy giảm một cách ‘bí mật’ như vậy. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng lí do là con virus không còn người để ‘trú ngụ’ nữa[1]! Nói cách khác là số người ở Manaus có thể đã bị nhiễm ‘đủ’ và tạo ra kháng thể để chống dịch, tức là họ đã đạt được miễn dịch cộng đồng (herd immunity).

Biểu đồ từ WP thể hiện số ca nhập viện và số ca tử vong mỗi ngày trong thời gian 3/2020 đến 8/2020 ở Manaus.

https://www.washingtonpost.com/world/the_americas/brazil-coronavirus-manaus-herd-immunity/2020/08/23/0eccda40-d80e-11ea-930e-d88518c57dcc_story.html

Phân tích này còn cho chúng ta một câu trả lời về tỉ lệ nhiễm cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng (~60-70%). Tuy nhiên, chiến lược miễn dịch cộng đồng là một điều gây ra nhiều tranh cãi.

***

[1] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.09.16.20194787v1

[2] https://www.nature.com/articles/s41591-020-1026-x

Tỉ lệ tử vong COVID-19 là bao nhiêu?

Có lẽ đó là câu hỏi rất nhiều bạn (và tôi) muốn biết. Câu hỏi thứ hai là bao nhiêu phần trăm trong cộng đồng nhiễm Covid-19? Rất may là đã có ít nhứt 2 nghiên cứu trả lời hai câu hỏi này: số ca nhiễm cao hơn, nhưng nguy cơ tử vong thì thấp hơn những gì chúng ta đang thấy.

Ước tính tỉ lệ tử vong vì dịch Vũ Hán không dễ chút nào. Một cách đơn giản, chúng ta chỉ cần lấy số ca tử vong chia cho số ca bị nhiễm là có câu trả lời. Ví dụ như ở Đà Nẵng, tỉ lệ tử vong tính theo cách đơn giản này dao động trong khoảng 5 đến 6%. Chỉ số này gọi là “case fatality ratio” (CFR). Chỉ số này có vấn đề vì chúng ta không biết bao nhiêu ca nhiễm thật sự ngoài cộng đồng, nên CFR thường cao hơn thực tế.

Chỉ số Infection Fatality Ratio (IFR) chính xác hơn. Để tính IFR, chúng ta cần phải biết có bao nhiêu ca nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhập viện hay được phát hiện không phản ảnh tổng số ca nhiễm, bởi vì còn nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng chúng ta chưa phát hiện vì chưa test. (Nói như ông Trump [rằng càng test nhiều thì càng tìm ra nhiều ca nhiễm] cũng đúng dù ổng bị nhạo báng). Do đó, xác định số ca nhiễm trong cộng đồng là rất quan trọng để ước tính nguy cơ tử vong và để đánh giá qui mô của dịch.

Cách tốt nhứt để đánh giá qui mô dịch Vũ Hán là đo lường antibody (kháng thể) SARS-Cov-2 trong cộng đồng. Người bị nhiễm thường sản sinh ra kháng thể IgG để chống trả virus, và có thể đo lường sau 2-3 tuần bị nhiễm (tuy có vài trường hợp kéo dài đến 90 ngày). Thường thì các nhà khoa học đo kháng thể IgG bằng phương pháp ELISA, nhưng nếu không có thì dùng phương pháp khác. Phương pháp ELISA không phải là hoàn hảo, nên độ nhạy (sens) thường cỡ 85% và độ đặc hiệu (spec) thì cao hơn (98-99%). Khi biết được hai độ nhạy và đặc hiệu, và biết tỉ lệ dương tính (p) có thể ước tính tỉ lệ nhiễm thật trong cộng đồng rất dễ dàng:

(p + spec – 1) / (sens + spec -1 )

Ở bên Anh [1], người ta đã làm test đó trên ~122,000 người trong thời gian 20/6/2020 đến 13/7/2020. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm là 6% (có thể dao động trong khoảng 5.8 đến 6.1%).

Bao nhiêu người chết? Tính theo IFR thì nguy cơ tử vong là 0.9% (khoảng tin cậy 95% 0.86 đến 0.94). Phân tích chi tiết cho thấy:

  • Nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ (1.07% vs 0.71%);
  • Tuổi càng cao, nguy cơ tử vong càng cao: tuổi 45-64 (0.5%), nhưng tuổi 75+ thì nguy cơ tử vong lên gần ~12%.

Một phân tích đa quốc gia [2] cũng cho ra kết quả như trên, nhưng rất khác nhau giữa các quốc gia. Tôi tóm tắt dữ liệu của nghiên cứu [2] qua biểu đồ dưới đây để các bạn có thể hiểu hơn.

Fig 1: Tỉ lệ tử vong có liên quan đến virus Vũ Hán theo độ tuổi và giới tính. Dữ liệu tổng hợp từ 45 quốc gia. Tỉ lệ này được tính bằng cách lấy số ca tử vong chia cho tổng số ca nhiễm. Dưới tuổi 50, tỉ lệ tử vong gần 0, nhưng tăng nhanh sau 70 tuổi.

Nguồn: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.08.24.20180851v1.full.pdf

Yếu tố nào dẫn đến tử vong? Một công trình công bố trên PeerJ (do tôi biên tập) cũng cho thấy độ tuổi là yếu tố nguy cơ, nhưng ngoài ra còn có các yếu tố sinh hoá như hypersensitive troponin I, Creatine kinase isoenzyme [3].

Fig 2: Các yếu tố liên quan đến tử vong vì dịch Vũ Hán. Nghiên cứu này được thực hiện ở một bệnh viện Vũ Hán.Nguồn: https://peerj.com/articles/9885/#

Nói tóm lại, nghiên cứu ở Anh cho thấy cứ 100 người trong cộng đồng, có chừng 6 người bị nhiễm virus Vũ Hán, và con số này cao hơn nhiều so cới thực tế. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong liên quan đến dịch Vũ Hán thấp (chỉ 0.9%, hay 9 trên 1000 người nhiễm), đa số xảy ra ở người trên 60 tuổi, và nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ.

***

[1] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.08.12.20173690v2.full.pdf

[2] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.08.24.20180851v1.full.pdf

Age-specific mortality and immunity patterns of SARS-CoV-2 infection in 45 countries

[3] https://peerj.com/articles/9885/#