‘Làm khoa học nghiêm túc bao giờ cũng khó hơn làm khoa học để có cái danh’

Liên quan đến vấn đề tập san dỏm và xét duyệt công nhận chức danh giáo sư năm nay, báo VTC có phỏng vấn tôi về cách phân biệt tập san chánh thống và tập san dỏm. Bài này cũng bàn qua vấn đề tập san Open Access mà hình như có không ít người vẫn còn hiểu lầm.

***

https://vtc.vn/lam-khoa-hoc-nghiem-tuc-bao-gio-cung-kho-hon-lam-khoa-hoc-de-co-cai-danh-ar577355.html

(VTC News) – Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, không chỉ Y – Dược mà các ngành khác có bài đăng báo quốc tế không dễ, bởi làm khoa học nghiêm túc bao giờ cũng khó hơn làm để có cái danh.

GS Nguyễn Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia chia sẻ với phóng viên về tiêu chuẩn bài báo quốc tế và đạo đức của các nhà khoa học khi công bố nghiên cứu.

– Ông nghĩ sao về thông tin 36/50 ứng viên xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Y – Dược năm nay bị tố “gian lận” bài báo quốc tế ?

Tôi nghĩ những ai từng quan tâm đến vấn nạn xuất bản khoa học “dỏm” hay hiện tượng “tập san săn mồi” (predatory journals) thì không ngạc nhiên khi thấy sự việc xảy ra.

Ngay từ đợt xét duyệt chức danh năm 2019, tôi nhận thấy có một số trường hợp ứng viên giáo sư, phó giáo sư có bài báo công bố trên những tập sản xuất bản phi chính thống hay cũng có thể nói là ‘dỏm’. Khi ấy tôi từng nghĩ Hội đồng Giáo sư ngành Y sẽ phát hiện ra để chấn chỉnh, nhưng tôi đã sai.

– Theo ông, các ứng viên giáo sư, phó giáo sư có biết những tập san như GS Nguyễn Ngọc Châu phản ánh không nằm trong danh sách Scopus hoặc ISI ?

Cho đến thời điểm hiện tại, trong Quyết định 37 của Thủ tướng về tiêu chuẩn, xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư chưa có quy định cụ thể, định nghĩa về các tập san có uy tín và không có uy tín.

Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học dùng cách phân loại tập san của Scopus theo 4 nhóm Q1, Q2, Q3, Q4. Họ cho rằng, cứ những tập san thuộc nhóm “Q” thì có uy tín. Tôi không đồng ý với cách phân loại đó vì 2 lý do.

Thứ nhất, cách phân loại đó là cách làm của một tập đoàn thương mại và lợi nhuận được ưu tiên hơn khoa học. Thứ hai, ở góc độ đánh giá khác thì không ít tập san trong nhóm Q3 và Q4 có thể xem là ‘dỏm’ và nó không được cộng đồng khoa học công nhận.

Cần có những quy định cụ thể để phân loại tập san chính thống và phi chính thống.

Những tập san chính thống sẽ do các hiệp hội khoa học làm chủ quản; được xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press, v.v.). Nếu không do hiệp hội khoa học chủ quản thì do các nhà xuất bản dưới sự quản lí học thuật của các nhà khoa học có uy tín cao trên đấu trường quốc tế.

Hội đồng giáo sư chỉ nên chấp nhận các tập san chính thống, còn các tập san không thuộc đối tượng trên đều sẽ bị loại bỏ.

– Theo ông, vì sao trong quá trình thẩm định, Hội đồng Giáo sư ngành Y và Dược không phát hiện ra những bài báo này để đánh giá đúng tập san nào đủ chuẩn?

Việc phân biệt tập san “dỏm” và tập san chính thống càng ngày càng khó, bởi vì “kỹ nghệ” xuất bản “dỏm” thay đổi liên tục. Có một số tập san từng được đưa vào danh mục Scopus, nhưng sau một thời gian đánh giá bị loại ra do không đạt tiêu chuẩn. Điều đó cho thấy nếu chỉ dựa vào cách phân nhóm từ Q1 đến Q4 là rất dễ sai lầm.

Phải là những người trong chuyên ngành đó thì mới biết rõ. Ví dụ như tập san Journal of the Endocrine Society (chưa có trong danh mục ISI hay Scopus) mọi người không thể phân biệt được đó là chính thống hay phi chính thống. Nhưng với các nhà khoa học về nội tiết học dễ dàng nhận biết đó là tập san này chính thống của Hiệp hội Nội tiết học Hoa Kỳ, do nhà xuất bản Oxford ấn hành.

Để phát hiện được đâu là tập san uy tín thì đòi hỏi các thành viên hội đồng phải có kinh nghiệm nhiều năm công bố khoa học mới có đủ năng lực để đánh giá chính xác các tập san y khoa có uy tín cao.

– Việc các ứng viên giáo sư, phó giáo sư công bố công trình nghiên cứu trên các tập san kém uy tín có được coi là hành vi gian lận nhằm đối phó với Hội đồng xét duyệt chức danh?

Tôi không nghĩ các ứng viên không gian dối, bởi vì họ đã kê khai đầy đủ các bài báo được công bố, kể cả bài báo mà công chúng xem là ‘dỏm’. Vấn đề nằm ở đây là đạo đức công bố (publication ethics).

Đạo đức công bố là những quy ước nhằm nhắc nhở giới khoa học phải thành thật với dữ liệu, phải tuân thủ phương pháp khoa học trong việc xử lí dữ liệu, không công bố theo kiểu nhỏ giọt, không công bố 1 bài trên nhiều tập san, không công bố trên tập san phi chính thống…

Có lẽ cái sai ở đây là các ứng viên giáo sư, phó giáo sư công bố công trình nghiên cứu khoa học trên một số tập san ‘ngoài luồng’ hoặc phi chính thống. Do vậy, chỉ có thể nói rằng họ vi phạm quy ước về đạo đức công bố, chứ không phải gian lận.

Tuy nhiên, theo tôi biết ở Việt Nam chưa có đại học nào có các lớp tập huấn về đạo đức công bố khoa học cho nghiên cứu sinh, chưa nói đến cấp giáo sư. Do đó, nếu họ có sai sót trong công bố trên tập san dỏm thì nguyên nhân là các đại học không có chính sách và quy định về đạo đức công bố, chưa chắc là do cá nhân các ứng viên.

– Có ý kiến cho rằng, việc đăng các bài báo trong lĩnh vực Y – Dược lên các tập chí uy tín cao là rất khó, nên nhiều ứng viên đã chọn cách đăng trên tập san Open Acces. Ông nghĩ sao về nhận định này và các tập san Open Access có đúng là kém chất lượng không?

Tôi cho rằng nhận định trên là chưa đủ căn cứ. Mỗi ngành đều có những khó khăn và ‘nỗi khổ’ riêng, không riêng gì Y- Dược học. Các đồng nghiệp bên các ngành khoa học xã hội, như kinh tế học chẳng hạn, cũng rất khó để có bài báo công bố trên tập san chính thống. Làm khoa học nghiêm túc thì lúc nào cũng khó hơn làm khoa học theo kiểu tài tử để có cái danh.

Còn việc quy chụp các tập san Open Access là kém chất lượng là không đúng. Một số nhà khoa học đang nhần lẫn giữa thể loại tập san và mô thức công bố.

Các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại: Chính thống và phi chính thống. Mô thức công bố có thể là “truyền thống” hay ‘Open Access’ (OA).

Các đồng nghiệp ngành khoa học xã hội cũng rất khó để có bài báo công bố tập san chính thống. Làm khoa học nghiêm túc lúc nào cũng khó hơn làm khoa học để có cái danh.

Mô thức “truyền thống” có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hoặc không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. Mô thức OA có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao, nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.

Tập san chính thống và có uy tín rất cao (như Nature, Science, Lancet, New England Journal of Medicine) cho phép tác giả chọn mô thức công bố truyền thống hay OA. Còn tất cả các tập san dỏm đều dùng mô thức OA. Tóm lại, không thể quy chụp cứ công bố bài báo nghiên cứu khoa học theo mô thức OA là tập san kém chất lượng hoặc “dỏm”.

– Ông nghĩ thực trạng mua bài để công nhận chức danh đã có từ lâu? Và các nước trên thế giới có tình trạng như vậy không?

Ở Trung Quốc từng có hiện tượng các bác sĩ và giáo sư mua bài từ các công ty truyền thông chuyên sản xuất bài báo khoa học. Các công ty này có khi bán 1 bài báo khoa học cho nhiều tác giả khác nhau.

Họ chia nhỏ các giai đoạn ra để ‘bán’, từ lúc soạn bài báo, nộp bài báo, trả lời bình duyệt cho đến lúc bài báo được công bố. Giá mỗi bài báo hoàn chỉnh từ 2.000 đến 5.0000 USD, tuỳ vào tập san uy tín cao hay thấp.

Ở Việt Nam cũng đã từng xuất hiện quảng cáo bán bài báo khoa học như thế nhưng ở quy mô nhỏ hơn hoặc trên các tập san “dỏm”.

– Quy trình thẩm định một bài báo quốc tế thế nào? Làm sao để phân biệt được đâu là tập san chất lượng, đâu là tập san kém chất lượng?

Với các tập san chính thống, quy trình thẩm định một bài báo khoa học phải kéo dài từ 6 đến 12 tháng, có khi lâu hơn.

Bước đầu, các tác giả sẽ soạn bản thảo và gửi cho ban biên tập. Bước 2, ban biên tập sẽ xem xét và quyết định có gửi cho các chuyên gia độc lập để bình duyệt hay không. Bước 3 là ban biên tập sẽ xem xét bình duyệt mà quyết định từ chối hay cho tác giả cơ hội trả lời bình duyệt.

Bước 4, nếu được cơ hội trả lời bình duyệt, tác giả cũng mất từ 1-2 tháng để nộp lại bản thảo. Bước 5, bản thảo lại được bình duyệt lần nữa. Và cái chu trình chỉnh sửa, bình duyệt đó tiếp tục cho đến khi ban biên tập chấp nhận công bố. Do đó, để công bố được một bài báo khoa học giống như bà mẹ cho ra đời một đứa con, vì cũng tốn thời gian, cũng đau khổ tinh thần và đau đớn thể xác.

Nhưng đối với các “tập san săn mồi” thì họ không có cơ chế bình duyệt, hay có thì cũng chỉ qua loa. Bởi vì mục tiêu của họ là vì tiền, họ không quan tâm đến chất lượng khoa học.

Từng có những bài báo viết toàn điều vô lí, điên rồ, đến chính tác giả cũng không hiểu mình viết gì, nhưng các tập san “dỏm” đều công bố. Đối với các tập san “dỏm”, họ không từ chối bất kỳ bài báo nào dù chất lượng thấp hay cao và thời gian từ lúc nộp bản thảo đến khi được chấp nhận đăng tảo chỉ từ 10 ngày đến 1 tháng.

Theo ông, nên điều chỉnh các nội dung, tiêu chuẩn trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam thế nào cho chặt chẽ hơn?

Từ khi Quyết định 37 của Thủ tướng có hiệu lực, các tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư có cải tiến rõ rệt, lấy công bố khoa học làm chuẩn mực. Tuy nhiên các tiêu chuẩn này còn máy móc và chưa toàn diện. Vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn thêm và hoàn chỉnh trong tương lai.

Thứ nhất, phải xác định rõ các loại tập san được công nhận và không được công nhận. Tôi không đồng ý áp đặt, lấy danh sách Q1 – Q4 làm chuẩn, nên có sự phân biệt giữa tập san chính thống và phi chính thống.

Thứ hai, phải xác định chỉ có bài báo nguyên gốc (original contribution) mới được công nhận. Không nên tính các bài như ca lâm sàng (case report), tổng quan, bình luận, xã luận.

Thứ ba, bỏ cách làm đếm bài báo. Hiện nay, hội đồng quy định 3 bài cho ứng viên chức danh PGS và 5 bài cho ứng viên GS, những con số này không nói lên điều gì. Thật là vô lý nếu một ứng viên có 5 bài ‘case report’ hay tổng quan trên các tập san phi chính thống cao hơn một ứng viên có 3 bài báo nguyên thuỷ trên các tập san chính thống.

Thứ tư, phải xem xét ứng viên đóng vai trò gì trong bài báo. Có nhiều loại tác giả bài báo (như tác giả chính, tác giả danh dự, đồng tác giả v.v.) Tôi đề nghị nên thẩm định vai trò của ứng viên là tác giả chính của bài báo hay tác giả chịu trách nhiệm với công chúng về bài báo.

Thứ năm, phải có sự ghi nhận đúng đắn về chất lượng nghiên cứu, chứ không thể đánh đồng các ‘công bố khoa học’ đều như nhau. Cách tốt nhất để đánh giá chất lượng nghiên cứu là đọc bài báo. Nhưng một cách gián tiếp khác là qua tập san mà bài báo được công bố.

Chẳng hạn như một bài trên một tập san như Lancet, JAMA, Nature Medicine không thể nào có cùng giá trị với một bài trên một tập san địa phương. Ấy vậy mà hiện nay thì một bài báo trên một tập san Việt Nam có thể có cùng ‘điểm’ với một bài trên tập san Lancet.

Nhưng qua vấn đề năm nay, tôi nghĩ điều ưu tiên số 1 hiện nay là phải có chính sách về việc chọn tập san công bố, đề ra những quy ước về đạo đức công bố khoa học cho tất cả các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu, đến cấp cao nhất là giáo sư. Nên tham khảo các chương trình huấn luyện ở nước ngoài (và tôi sẵn sàng gíup đỡ) để phát triển những khoá học về đạo đức công bố khoa học.

Tôi nghĩ nếu cải cách theo 5 điểm trên đây thì xu hướng công bố trên “tập san săn mồi” sẽ giảm nhanh và làm sạch môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Tại sao công bố trên tập san dỏm?

Kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm không chỉ làm vẩn đục khoa học mà còn nguy hiểm. Nguy hiểm là vì những dữ liệu công bố đã được người khác sử dụng để biện minh cho các phương pháp điều trị phi chánh thống và có thể tác hại đến bệnh nhân. Ngoài ra, công bố trên các tập san dỏm được xem là một việc làm phung phí con người, động vật, và tiền bạc [1].

Nhưng câu hỏi là tại sao có nhiều nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm? Một công trình nghiên cứu trên BMJ Open [2] trả lời câu hỏi này và cung cấp thêm nhiều thông tin rất thú vị, giúp chúng ta hiểu hơn về những người chọn công bố trên tập san dỏm.

Công trình này là một ‘survey’ trực tuyến. Các nhà nghiên cứu trước hết nhận dạng những tác giả công bố trên tập san dỏm. Đây là những người có nghiên cứu dưới dạng thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu đoàn hệ, nghiên cứu quan sát, và nghiên cứu tiền lâm sàng. Họ gởi câu hỏi cho 583 người, nhưng chỉ có 82 người đồng ý sẵn sàng trả lời. Đa số các tác giả này là ở Ấn Độ (25%), Mĩ (21%) và Ethiopia (6%). Khoảng 60% trong số này là cấp giáo sư. Sau đây là tóm tắt những kết quả chánh từ nghiên cứu:

1. Tại sao chọn công bố trên tập san dỏm? Lí do là:

(a) áp lực công bố khoa học để giữ vị trí hay biên chế;

(b) tập san có công bố những bài hợp với nội dung bài báo của tác giả;

(c) vì nghiên cứu có chất lượng nghiên cứu thấp nên không thể công bố trên các tập san khác;

(d) vì bị các tập san khác (chánh thống?) từ chối. Khoảng 35% những người trả lời cho biết họ đã nộp bài báo cho một tập san khác và bị từ chối, trước khi nộp cho tập san dỏm;

(e) vì được tập san dỏm mời công bố; 41% cho biết họ chọn vì qua các email quảng cáo;

(f) vì được bạn bè giới thiệu;

(g) vì không được thầy cô hướng dẫn tập san nào là chánh thống;

(h) vì thấy tập san có địa chỉ ở Mĩ, Âu châu.

2. Kiến thức về tập san dỏm

  • 46% những người trả lời cho biết họ không nghĩ tập san họ chọn để công bố là tập san dỏm.
  • Ngay cả sau khi công bố và sau khi đã được cho biết rằng đó là tập san dỏm, họ vẫn nghĩ đó là tập san chánh thống!
  • Khoảng 28% cho biết họ sẽ công bố trên tập san dỏm một lần nữa, 37% nói không và 31% nói là ‘chưa biết’.

3. Vấn đề thể chế

  • 41% những người trả lời cho biết họ chịu áp lực công bố khoa học. Có 25% người trả lời cho biết nơi họ nghiên cứu có chỉ tiêu cụ thể phải công bố bao nhiêu bài mỗi năm.
  • Nhưng chỉ có 5% các đại học và trung tâm nghiên cứu có chánh sách cấm công bố trên các tập san dỏm.

4. Chi phí

Khoảng 45% cho biết họ không trả phí công bố. Số còn lại (55%) có trả ấn phí cho biết giá trung bình là 348 USD mỗi bài (nhưng dao động từ 30 đến 4000 USD).

5. Bình duyệt

83% người trả lời cho biết bài báo của họ qua bình duyệt, và 17% cho biết là không qua bình duyệt. Trong nhóm có bình duyệt. 80% cho biết họ thấy nội dung bình duyệt là có ích.

6. Tác động đến sự nghiệp?

Chừng 66% người trả lời cho biết sự nghiệp của họ không bị ảnh hưởng vì công bố trên tập san dỏm. Nhưng 34% cho biết họ bị cảnh cáo bằng hình thức khiển trách vì đã công bố trên tập san dỏm.

Tóm lại, kết quả nghiên cứu trên cho thấy có 3 nhóm lí do giải thích tại sao các nhà khoa học chọn công bố trên tập san dỏm: thể chế, kiến thức, và chất lượng khoa học. Lí do thể chế ở đây là đại học gây áp lực lên nha khoa học về công bố khoa học, nhưng đại học lại không có chánh sách về công bố khoa học và không có hình phạt những người công bố trên tập san dỏm. Lí do thứ hai là bản thân nhà khoa học kém kiến thức về đạo đức công bố, không phân biệt được tập san dỏm và chánh thống. Lí do thứ ba là những người biết là tập san dỏm nhưng họ vẫn chọn công bố vì bài báo của họ có chất lượng thấp hoặc/và bị các tập san chánh thống từ chối công bố.

Biết được 3 lí do đó cũng là gợi ý cho biện pháp phòng ngừa tập san dỏm. Các đại học và bệnh viện phải soạn chánh sách về công bố khoa học, và phải minh định rằng công bố trên tập san dỏm sẽ không chấp nhận mà còn bị phạt. Các đại học phải tổ chức các lớp học về Publication Ethics (Đạo đức Công bố) cho tất cả các nghiên cứu sinh, giảng viên, và giáo sư. Làm được như vậy thì các tập san dỏm sẽ khó có cơ hội xâm nhập khoa học ở Việt Nam.

***

[1] https://www.nature.com/news/stop-this-waste-of-people-animals-and-money-1.22554

[2] https://bmjopen.bmj.com/content/9/3/e026516

Về vấn đề tập san khoa học và công nhận chức danh giáo sư

Ở Việt Nam, các hội đồng giáo sư dùng cách phân loại tập san khoa học (kiểu Q1 – Q4) để xác định tập san chánh thống. Nhưng chính cách làm đó gián tiếp khuyến khích các ứng viên công bố trên tập san dỏm. Nếu không có cải cách về phân loại tập san thì vấn đề của năm nay sẽ còn xảy ra dài dài trong tương lai.

Phân biệt giữa tập san dỏm (phony) và chánh thống (legit). Tập san dỏm chỉ quan tâm đến tiền, tập san chánh thống quan tâm đến phẩm chất khoa học. Ref: https://libguides.rutgers.edu/c.php?g=644942&p=4519187

Trước hết, chúng ta phải xác định một lần nữa về danh từ: tập san và tạp chí. Tạp chí là magazine (như Scientific American, The Scientist) đăng những bài báo phổ thông, dễ hiểu, dành cho đại chúng, không có bình duyệt (peer-review), và không cần tài liệu tham khảo. Còn tập san là journal, thuật ngữ dùng để chỉ các chuyên san khoa học, đăng những bài mang tính hàn lâm, có bình duyệt, dành cho giới khoa học và phải có tài liệu tham khảo. Chúng ta đang bàn về tập san.

Trên thế giới ngày nay có chừng 50,000 tập san khoa học, và các tập san này nằm trong 2 danh mục chánh là Clarivate và Scopus. Trong danh mục Clarivate (ngày xưa là ISI) có chừng 21,000 tập san. Còn danh mục Scopus có chừng 36,000 tập san. Một số tập san nằm trong cả 2 danh mục. Nhìn chung, danh mục Clarivate mang tính chọn lọc hơn là Scopus, vì Scopus có xu hướng ‘kết nạp’ những tập san có phẩm chất thấp, thậm chí tập san dỏm.

“Tập san săn mồi” và Scopus

Các tập san “săn mồi” (predatory journals) hay đơn giản hơn là ‘tập san dỏm’ là những trạm thông tin, chớ không phải tập san khoa học đúng nghĩa. Chỉ cần một máy tính nối mạng ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, một người không liên quan gì đến khoa học có thể tạo ra hàng trăm ‘tập san’ như vậy. Các trạm thông tin này không có bất cứ hiệp hội khoa học nào là cơ quan chủ quản. Ban biên tập thì toàn những người mà người trong chuyên ngành không biết đến, hay nói chung là ‘lôm côm’. Vì ban biên tập lôm côm, nên các trạm thông tin này không có cơ chế bình duyệt đúng nghĩa. Vì cách vận hành như thế và vì muốn có một sự “chính danh”, các tập san dỏm này rất muốn được có trong danh mục Scopus và Clarivate.

Cách để các tập san dỏm được ‘kết nạp’ vào Scopus để được ‘chính danh’. Tiêu chuẩn để được kết nạp vào Scopus là như sau:

  • Có cơ chế bình duyệt rõ ràng;
  • Bài vở mang tính đa dạng địa phương (tức tác giả đến từ nhiều quốc gia);
  • Có đóng góp học thuật vào chuyên ngành;
  • Bản tóm tắt (abstract) rõ ràng;
  • Tuân thủ theo qui định về chất lượng và nội dung học thuật;
  • Bài báo dễ đọc và theo qui chuẩn chung;
  • Có trích dẫn các tập san trong Scopus;
  • Ban biên tập gồm những nhà khoa học danh tiếng;
  • Trang web có đầy đủ thông tin về đạo đức công bố và chi phí.

Tiêu chuẩn quan trọng nhứt mà Scopus không đòi hỏi là cơ quan chủ quản! Tức là ai cũng làm ra tập san! Không cần có hiệp hội khoa học nào đứng đằng sau.

Nhưng qui định là một chuyện, còn chuyện lạm dụng thì vô cùng đa dạng và Scopus không thể nào biết hết được. Chẳng hạn như có trạm xuất bản ép tác giả phải trích dẫn tập san này, tập san kia sao cho có ‘citation’ và đạt tiêu chuẩn của Scopus. Do đó, có những ‘tập san’ mới ra đời 2-3 năm mà đã nhảy tót lên đứng ngang hàng với các tập san tồn tại cả 50 năm! Nói chung, rất dễ để đưa một tập san lôm côm và dỏm vào Scopus.

Phân nhóm tập san theo tứ phân vị

Vì các tập san có chất lượng khác nhau, nên người ta phải tìm một cách phân nhóm. Nhóm SCImago dùng dữ liệu của Scopus và có sáng kiến phân nhóm theo tứ phân vị (quartile). Trong mỗi chuyên ngành, SCImago dùng số lần trích dẫn trong 3 năm, rồi chia các tập san trong chuyên ngành đó thành 4 nhóm:

  • Nhóm Q1 (quartile 1) bao gồm các tập san có trích dẫn cao top 25%;
  • Nhóm Q2 là các tập san với trích dẫn trong tứ phân vị 25-50%;
  • Nhóm Q3 là tứ phân vị 75%;
  • Nhóm Q4 là tứ phân vị 75-100% (tức thấp nhứt).

Thường, các tập san dỏm được xếp vào nhóm Q4 hay Q3, nhưng cũng có tập san leo lên nhóm Q2! Thậm chí, có tập san mới ra đời 2-3 năm nhảy lên nhóm Q1!

Thế nhưng các tập san dỏm này khi đã được thu nạp vào danh mục Scopus thì người ta mới phát hiện họ làm việc không theo đúng các qui ước về đạo đức công bố (publication ethics). Những vi phạm về đạo đức công bố của các tập san dỏm thường là (a) ban biên tập ma, tức không có người thật hay người giả mạo; (b) cơ chế bình duyệt không nghiêm chỉnh; (c) mưu mẹo để có trích dẫn và tăng impact factor; và (d) khuynh đảo học thuật có tổ chức. Có một tập san từ Việt Nam cũng được thu nhận vào Scopus nhưng chất lượng ban biên tập, chất lượng bình duyệt, chất lượng bài báo và nhứt là quá trình phát triển về citation của tập san này rất đáng ngờ đối với dân trong chuyên ngành.

Do đó, nhiều tập san dỏm sau khi đã được thu nạp vào danh mục Scopus thì ngay sau đó lại bị loại ra. Mỗi năm, có hơn 600 tập san bị loại khỏi danh mục Scopus! Nhưng mỗi năm cũng có vài trăm tập san được thu nạp vào Scopus. Nói cách khác, sự ‘chu chuyển’ của các tập san trong danh mục Scopus là khá cao. Đó chính là lí do tại sao cộng đồng khoa học elite không bao giờ đánh giá xếp hạng theo Q1-Q4 là đáng tin cậy.

Việc hội đồng giáo sư dựa vào cách xếp hạng Q1-Q4 để xem đó là tập san chánh thống, là một sai sót và tôi nghĩ cần phải thay đổi. Sai sót là vì tập san A năm nay được công nhận (theo qui định của hội đồng) nhưng năm sau bị loại ra, và như thế là gây bất công bằng cho các ứng viên.

Một cách phân loại tập san khác

Tôi đề nghị một cách phân loại tập san chánh thống và ‘phi chánh thống’. Tập san chánh thống là những tập san:

1. do các hiệp hội khoa học chánh thống làm chủ quản và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật; hoặc

2. do các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press, v.v.) lập ra nhưng được công nhận bởi cộng đồng khoa học.

Tiêu biểu cho nhóm tập san thứ 1 là JAMA (thuộc hiệp hội y khoa Hoa Kì), BMJ (hiệp hội y khoa Anh), New England Journal of Medicine (thuộc hiệp hội y khoa bang Massachusetts), JCEM (Hiệp hội Nội tiết Hoa Kì), v.v. Nhóm 2 bao gồm các tập san thuộc nhóm Lancet, Nature.

Không cần phân nhóm Q1-Q4 theo kiểu SCImago. Tiêu chuẩn 1 & 2 đã tự động loại bỏ các tập san dỏm.

Không cần có trong Scopus hay Clarivate như là một tiêu chuẩn. Một tập san mới thuộc một hiệp hội khoa học có thể chưa có trong Scopus hay Clarivate, nhưng là tập san chánh thống. Ví dụ như Journal of Endocrine Society, Osteoporosis and Sarcopenia, JBMR Plus, v.v. tuy chưa có trong danh mục Clariavate hay Scopus, nhưng người trong chuyên ngành ai cũng biết là tập san chánh thống. Người ngoài ngành có thể không biết và không am hiểu đủ để đánh giá các tập san này.

Không có bảng phân nhóm hoàn chỉnh!

Trước đây, để đối phó với tình trạng lạm phát tập san khoa học, Hội đồng Nghiên cứu Úc (ARC) có đề ra một bảng xếp hạng gọi là ERA [Excellence of Research in Australia] rất thú vị và bài bản. Họ xếp hạng các tập san theo 4 nhóm: A*, A, B, và C. Tập san A* là thuộc nhóm top 5%, nhóm A (top 15%), nhóm B (top 30%), và C (bottom 50%).

Thế nhưng sau vài năm áp dụng, bảng xếp hạng này bị giới khoa học Úc phản đối kịch liệt. Họ chỉ ra rằng cách xếp hạng là vô duyên, chẳng hạn như tập san y khoa Úc có hạng A*, ngang hàng với Lancet! Thứ hai là chỉ có người trong chuyên mới biết thứ hạng của tập san, còn người ngoài ngành không thể nào đánh giá chính xác được. Thứ ba là cách đánh giá đó tạo ra một sự chạy đua mà tác hại nhiều hơn lợi ích, và dẫn đến những nghiên cứu đáng ngờ. Chỉ chưa đầy 5 năm áp dụng, bảng xếp hạng đó bị huỷ bỏ. (Thế nhưng cho đến nay, các đại học vẫn ngấm ngầm đánh giá ứng viên qua bảng xếp hạng ERA này).

Không có bảng xếp hạng nào là hoàn chỉnh cả. Bảng xếp hạng Q-1Q4 của SCImage quá đơn giản và dễ bị lợi dụng, không thể chấp nhận được. Bảng xếp hạng ERA là bài bản và công phu như vậy mà vẫn bị loại bỏ. Kinh nghiệm ở Úc cho thấy một lần nữa là cách xếp hạng máy móc không thể nào thoả đáng.

Tóm lại

Xin nói lại để nhấn mạnh: cách phân nhóm tập san theo kiểu của SCImago (Q1-Q4) là có vấn đề, vì tiêu chuẩn quá lỏng lẻo, dễ bị lạm dụng, và do đó các tập san dỏm vẫn có thể lọt vào danh mục. Trong bối cảnh Việt Nam, dựa vào cách phân nhóm này, hội đồng giáo sư rất dễ phạm sai sót trong việc thẩm định ứng viên cho các chức danh giáo sư.

Tôi đề nghị cách phân loại dựa trên cơ quan chủ quản và nhà xuất bản học thuật để sàng lọc tập san chánh thống chính xác và hợp lí hơn.

Không nên đếm số bài báo để công nhận chức danh giáo sư

Hân hạnh giới thiệu đến các bạn một vài ý kiến chung quanh vấn đề chuẩn mực cho việc bổ nhiệm chức danh giáo sư trong ngành y. Bối cảnh là vấn đề mà báo chí gọi là “gian lận” của các ứng viên giao sư năm 2020. Tôi thì nghĩ không có gian lận gì cả, mà là vấn đề “đạo đức công bố” hay publication ethics. Bài này là một bài phỏng vấn online của phóng viên VNexpress.

***

Ngày 26/10, GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia) trả lời VnExpress việc ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố cáo “khai gian” bài báo.

– Vừa qua, hàng loạt ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2020 ở Việt Nam bị chỉ ra có gian lận bài báo quốc tế. Ông suy nghĩ gì khi đọc thông tin này?

– Tôi nghĩ hơi khác một chút. Vấn đề không phải là “gian lận”, bởi vì các ứng viên trình bày danh sách bài báo họ công bố, nơi công bố, và chi tiết về bài báo tương đối rõ ràng. Vấn đề có lẽ là đạo đức công bố khoa học và cách thẩm định của Hội đồng giáo sư ngành Y. Quy ước về đạo đức công bố (publication ethics) không khuyến khích nhà khoa học công bố trên những trạm thông tin mà cộng đồng khoa học không chấp nhận. Nếu hội đồng xét duyệt có kinh nghiệm tốt về công bố khoa học, việc gian lận không thể xảy ra.

Nếu phải xem xét lại các ứng viên này thì có lẽ thiếu công bằng cho họ, vì họ sẽ hỏi tại sao không xem xét lại tất cả ứng viên không chỉ năm nay mà cả mấy năm trước.

– Những ứng viên ngành Y và Dược bị tố cáo do các bài báo khai trong hồ sơ đăng trên các tạp chí Open Access kém chất lượng, uy tín thấp. Vậy trong lĩnh vực Y và Dược học, những tạp chí quốc tế nào là uy tín?

Trước hết, cần phân biệt giữa tập san và tạp chí. Tạp chí tiếng Anh gọi là magazine, thường đăng những bài báo phổ thông (như Scientific American, The Scientist) dễ hiểu, dành cho đại chúng và không cần tài liệu tham khảo. Còn tập san là Journal, thuật ngữ dùng để chỉ các chuyên san khoa học, đăng những bài mang tính hàn lâm, có bình duyệt, dành cho giới khoa học và phải có tài liệu tham khảo. Chúng ta đang bàn về tập san khoa học.

Trong Y học, tập san có uy tín và ảnh hưởng cao nhất phải kể đến New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation, Journal of Experimental Medicine, Nature Medicine, eLife, PLoS Medicine.

Còn trong chuyên ngành Dược, các tập san thường có tầm ảnh hưởng thấp hơn các tập san Y khoa. Những tập san chuyên ngành Dược học sau đây được xem là hàng ‘top’: Nature Reviews Drug Discovery, Annual Review of Pharmacology, Annual Review Of Pharmacology And Toxicology, Pharmacological Reviews, Trends In Pharmacological Sciences, Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacokinetics.

Rất hiếm có tác giả Việt Nam công bố trên những tập san đó.

– Để đăng một bài báo trên tạp chí uy tín, cá nhân phải trải qua quá trình thế nào?

– Mỗi người có kinh nghiệm riêng, ở đây tôi chỉ nói kinh nghiệm cá nhân, vừa là tác giả, vừa là phó biên tập hay biên tập học thuật (Academic Editor). Quy trình công bố trên các tập san hàng đầu rất nghiêm ngặt khiến tỷ lệ từ chối bài báo ở một số tập san lên đến 95%.

Trước hết, tác giả chủ trì gửi một bản tóm tắt và lý giải ngắn cho ban biên tập với ý định công bố kết quả nghiên cứu. Đa số bị từ chối ở bước này.

Thứ hai, nếu ban biên tập đồng ý, tác giả sẽ nộp bản thảo đầy đủ cùng với dữ liệu gốc và các mã máy tính cho tập san. Ban biên tập sẽ chọn phó biên tập phụ trách bản thảo và gửi ra ngoài cho 2-3 chuyên gia bình duyệt.

Thứ ba, sau khi đã nhận được báo cáo bình duyệt của chuyên gia, ban biên tập có thể quyết định từ chối bài báo hay cho tác giả cơ hội trả lời.

Thứ tư, nếu may mắn tác giả được cho cơ hội trả lời, họ sẽ phải trả lời mỗi câu hỏi lớn, nhỏ của chuyên gia. Có khi tác giả phải làm thêm thí nghiệm, phân tích, hay chỉnh sửa theo đề nghị.

Thứ năm, Ban biên tập sẽ xem xét trả lời của tác giả và nếu thấy hợp lý, bản thảo mới sẽ được gửi lại cho các chuyên gia bình duyệt để thẩm định lần hai.

Thứ sáu, báo cáo của các chuyên gia bình duyệt trong giai đoạn này mang tính quyết định. Ban biên tập sẽ họp và xem xét các chuyên gia nêu vấn đề có công bằng cho tác giả hay không, và tác giả trả lời có thỏa đáng hay không. Sau đó, họ sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo.

Quy trình đó thường tốn nhiều thời gian, từ 6 đến 12 tháng là bình thường. Dĩ nhiên, đa số bản thảo bị từ chối ở giai đoạn 3. Cho dù đã qua giai đoạn 3 thì xác suất từ chối ở giai đoạn 5 vẫn cao. Do đó, bất cứ tập san nào mà chấp nhận bản thảo chỉ sau một tuần hay một tháng nộp thì rất đáng ngờ.

Những tập san tôi phụ trách biên tập có tỷ lệ từ chối chừng 60-70% thì thời gian bình duyệt trung bình là 2 tháng và từ ngày nộp đến chấp nhận (nếu suôn sẻ) là 6 tháng, đa số là 9 tháng.

– Ông có lẽ là người đầu tiên cảnh báo về tình trạng “tập san dỏm” hơn 5 năm trước. Làm thế nào để nhận diện các tập san này?

– Một cách ngắn gọn, tập san chính thống là của các hiệp hội khoa học, hoặc của nhà xuất bản lâu đời và danh tiếng (như Elsevier, Springer-Nature, Sage, John Wiley, Oxford, Cambridge, BMA) nhưng do giới khoa học điều hành.

“Tập san dỏm” là những trạm xuất bản “săn mồi”, là cơ sở buôn bán thông tin phi chính thống. “Mồi” của trạm thông tin này là các nhà khoa học không am hiểu về nghiên cứu và xuất bản khoa học, những người mà công trình nghiên cứu của họ không thể nào được chấp nhận cho công bố trên tập san chính thống. Các trạm thông tin này không quan tâm đến khoa học, không cần biết các “con mồi” viết gì. Họ chỉ là các cơ sở làm tiền từ “con mồi”.

Dấu hiệu về tập san dỏm hay “săn mồi” thì rất nhiều và cần có kinh nghiệm mới nhận ra, chẳng hạn tên tập san chung chung, hay nhái theo tập san chính thống; không có trong danh mục ISI, Scopus; tổng biên tập không có thành tích khoa học tốt; ban biên tập toàn người không thuộc hiệp hội khoa học nào hoặc chẳng có thành tích nổi bật mà giới khoa học chuyên ngành biết đến; bài báo có chất lượng quá thấp và tiếng Anh sai rất nhiều, nhiều “tổng biên tập” cũng viết sai tiếng Anh.

Tuy nhiên, gần đây việc phân biệt tập san dỏm và chính thống ngày càng khó hơn, vì một số tập san nằm giữa biên giới dỏm và chính thống. Có tập san đã được đưa vào danh mục ISI và Scopus, nhưng vì cách làm việc của họ đáng nghi ngờ (như tăng chỉ số ảnh hưởng cao một cách bất thường – do gian lận về trích dẫn) cũng có thể xem là “dỏm”. Ngược lại, một số tập san thuộc các nhà xuất bản phi chính thống trước đây nhưng lại có những bài rất tốt và do đó khó có thể xem họ là “dỏm” được.

– Có quan điểm cho rằng tạp chí mở (Open Access) là kém chất lượng. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

– Tôi nghĩ quan điểm này quá đơn giản. Đa số tập san có uy tín cao (như New England Journal of Medicine, Lancet) đều cho tác giả lựa chọn công bố dưới dạng mở hay dưới mô thức truyền thống. Tôi nghĩ có sự lẫn lộn về mô thức công bố và thể loại tập san. Giản đồ dưới đây giải thích rõ hơn về thể loại tập san và mô thức công bố.

Tập san khoa học thường được chia làm hai loại: chính thống và “săn mồi” (còn gọi là tập san dỏm hay “predatory journals”). Tập san chính thống thường (không phải tất cả) có cơ quan chủ quản là hiệp hội khoa học. Tập san dỏm thì không có cơ quan chủ quản mà chỉ là hoạt động thương mại thuần túy.

Các tập san chính thống có hai mô thức công bố tạm gọi là “Đóng” và “Mở” (Open Access). Mô thức thứ nhất (Đóng) là truyền thống, tức người đọc (thường là các thành viên trong hiệp hội khoa học) đóng niên liễm để đọc bài báo còn tác giả hoặc không phải trả ấn phí hoặc phải trả ấn phí nhưng rất thấp (500-600 USD một bài). Mô thức thứ hai là xuất bản mở, có nghĩa là tác giả trả ấn phí khá cao (có khi lên đến 5.000 USD một bài), nhưng tất cả công chúng trên thế giới đều có thể đọc bài báo. Tất cả tập san “săn mồi” đều dùng mô thức xuất bản mở, nhưng ấn phí của họ rất thấp (chỉ chừng 200 đến 900 USD).

Chính vì các tập san săn mồi dùng mô thức xuất bản mở, thu tiền của tác giả để đăng bài nên mới có chuyện một tác giả có 4-5 bài đăng trên cùng một số. Không có tập san khoa học chính thống và nghiêm chỉnh nào cho tác giả công bố nhiều bài báo trong cùng một số cả. Nên nhớ rằng mỗi số báo tập san chỉ công bố chừng 5-10 bài báo nguyên thủy (original contributions) nên để cho một tác giả hay nhóm tác giả công bố hàng loạt trong cùng một số là rất lạ.

– Việc đăng bài báo quốc tế trong lĩnh vực Y, Dược của Việt Nam thời gian qua thế nào?

– Khoảng 3 năm trước đây, tôi công bố một phân tích về công bố khoa học trong thời gian 2001 đến 2015, kết quả cho thấy công bố khoa học về Y học cơ bản, Y học lâm sàng, Y tế công cộng (hay nói chung là Y sinh học) chiếm 37% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam. Con số này có nghĩa là công bố ngành Y sinh học cao nhất so với các chuyên ngành khác.

Tuy nhiên, 90% các bài báo về Y sinh học là do hợp tác quốc tế, chỉ khoảng 10% là do các nhà khoa học trong nước chủ trì (nội lực). Ngay cả các công trình hợp tác quốc tế, đa số là do người nước ngoài chủ trì. Ở các nước như Thái Lan, Malaysia, tỷ lệ hợp tác quốc tế khoảng 50%. Nói cách khác, nội lực về nghiên cứu Y sinh học Việt Nam vẫn còn đang phát triển. Mà trong giai đoạn đang phát triển thì có rất nhiều vấn đề nảy sinh.

– Ông nhìn nhận thế nào về tiêu chuẩn công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam?

– Tôi nghĩ tiêu chuẩn của Việt Nam quá lệ thuộc vào con số và quá “máy móc”, chẳng hạn việc phải công bố bao nhiêu bài thì mới được xét duyệt công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư. Ngay cả số bài báo (như 3, 5, hay 10 bài) thì phải nói là quá thấp so với các nước trong vùng chứ chưa so với nước tiên tiến.

Cũng như bất cứ ngành nghề nào, nghiên cứu khoa học lúc nào cũng đặt nặng chất lượng hơn số lượng. Chất lượng thể hiện qua nhiều tín hiệu, kể cả uy tín của tập san, số lần trích dẫn, số lần được tạp chí hay báo chí phổ thông đề cập đến, tác động đến khoa học, chính sách công, xã hội.

Khi chúng tôi xét duyệt đề bạt chức vụ giáo sư, chẳng ai quan tâm đến số lượng bài báo ứng viên công bố, mà chỉ quan tâm đến công bố ở đâu và tầm ảnh hưởng ra sao. Những ứng viên cho dù công bố hàng trăm hay hàng nghìn công trình trên các tập san mà người trong chuyên ngành không công nhận thì không bao giờ được đề bạt.

Ở Australia, không có bất cứ đại học nào đề ra tiêu chuẩn về số bài báo khoa học. Tuy nhiên, trong ngành Y, một quy luật bất thành văn là để xét duyệt đề bạt cấp giáo sư thực thụ, ứng viên phải có ít nhất 100 bài báo, với 60% bài ứng viên phải là tác giả chính, và chỉ số H (chỉ số đo lường mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học) ít nhất là 20; còn cấp phó giáo sư thì số bài báo cần thiết dao động 30-60, và chỉ số H phải cỡ 10-15. Nhưng đó chỉ là quy luật bất thành văn, chứ thực tế người ta chỉ xem qua 5-10 bài tốt nhất mà ứng viên muốn được đánh giá.

Tôi nghĩ Việt Nam nên đặt nặng chất lượng nghiên cứu khoa học, không nên đếm bao nhiêu bài báo để công nhận chức danh giáo sư. Sự nghiệp của một nhà khoa học không thể nào tóm tắt thành một con số.

– Từ thực tế của Việt Nam hiện nay, phải làm thế nào để vừa nâng chuẩn giáo sư, phó giáo sư, vừa kích thích cộng đồng học thuật nghiên cứu, có công bố quốc tế?

– Tôi nghĩ cần làm nhiều việc lắm. Việc đầu tiên là phải xác định nguyên lý của đề bạt chức vụ hay xét duyệt công nhận chức danh. Bổ nhiệm chức vụ giáo sư không đơn giản là công nhận hay trao cho họ một chức danh mà nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên: là học giả, nhà nghiên cứu, thành viên của cộng đồng học thuật, là người có thẩm quyền, người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những đóng góp đó thì khó có thể nói là giáo sư.

Kế đến tiêu chuẩn xét duyệt, tôi cho rằng phải bỏ đi sự lệ thuộc vào số lượng bài báo khoa học mà nên nhấn mạnh đến chất lượng khoa học. Hiện nay, một bài báo công bố trên một tập san ở trong nước được điểm tương đương với một bài báo trên Lancet, New England Journal of Medicine, Nature, Science, theo tôi là vô lý. Phải xem xét vai trò của ứng viên trong bài báo khoa học là tác giả lãnh đạo, hay là “tác giả quà cáp” và/hoặc “tác giả danh dự”.

Công bố bài báo khoa học chỉ là một khía cạnh, cần xem xét đến sự đóng góp của ứng viên về đào tạo và huấn luyện. Đành rằng hướng dấn tiến sĩ, thạc sĩ là quan trọng, nhưng trong ngành Y, việc hướng dẫn các bác sĩ nội trú, chuyên khoa cũng không kém phần quan trọng. Không thể nào xem nhẹ những đóng góp về đào tạo đó. Do đó, tôi nghĩ cần có một cơ chế bổ nhiệm khác mà nước ngoài hay sử dụng, đó là giáo sư kiêm nhiệm (adjunct professorship). Giáo sư kiêm nhiệm có thể không chuyên tâm về nghiên cứu khoa học, nhưng đóng góp lớn cho đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Họ nên được ghi nhận và công nhận.

Giáo sư không chỉ công bố bài báo mà còn thể hiện qua sự công nhận của cộng đồng khoa học, đóng góp cho chuyên ngành và xã hội. Sự công nhận là những giải thưởng có uy tín, những lần được mời viết bài xã luận, được mời giảng trong các hội nghị quốc tế. Đóng góp cho chuyên ngành bao gồm phục vụ cho các hiệp hội khoa học và tập san trong vai trò lãnh đạo, chứ không phải đơn thuần là thành viên ban biên tập. Đóng góp cho xã hội ngày càng được đặt nặng, bởi giáo sư phải bước ra khỏi cái “tháp ngà” để góp tiếng nói về các vấn đề xã hội.

Nguồn: https://vnexpress.net/khong-nen-dem-so-bai-bao-de-cong-nhan-chuc-danh-giao-su-4181918.html

Vài ý kiến về xét duyệt công nhận chức danh giáo sư ngành y 2020

Đọc qua những tin không hay về việc xét công nhận chức danh giáo sư năm nay [1,2], đôi khi tôi cũng muốn có vài lời bình luận, vì thấy có gì đó không hợp lí hoặc hiểu lầm. Nhưng nghĩ lại thì thôi, không muốn nói nữa. Một cảm giác chán chường và thất vọng. Chỉ chia sẻ ở đây như là những cảm nghĩ cá nhân như là một trang nhựt kí.

Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

Trước hết là con số 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành y và dược được cho là “khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư” [1]. Hai ngày sau, lại thêm 21 ứng viên được thông qua nhưng không đủ tiêu chuẩn [2]. Tức là có tổng cộng 37 ứng viên không đạt tiêu chuẩn nhưng đã được thông qua!

Hội đồng nói rằng sẽ rà soát lại. Nhưng nếu rà soát lần này thì tại sao không rà soát luôn các ứng viên của các năm trước? Các ứng viên sẽ đặt câu hỏi như thế.

Ai sẽ là người xem xét lại?

Chẳng lẽ để cho Hội đồng giáo sư xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua? Đây là vấn đề khó vì chẳng những đòi hỏi tính độc lập mà còn kĩ năng đánh giá các tập san khoa học.

Thật ra, tôi thấy ngay cả những người đánh giá và kết luận rằng các ứng viên ‘gian lận’ hay ‘đạt’ cũng có sai sót hiển nhiên. Chẳng hạn như có tập san họ đánh dấu là “OK” hay “Q1” [3], nhưng thật ra đó là tập san dỏm hay gần dỏm! Từ đó, ‘kết luận’ của họ cũng sai.

Do đó, cần phải đánh giá lại những kết luận của người ngoài ngành khác đã đánh giá. Theo tôi thì phải có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm cao về công bố khoa học.

Đánh giá tập san?

Bình luận về vấn đề này, chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành y cho biết đại khái rằng “hạng của các tạp chí khoa học cũng thăng giáng liên tục. Giai đoạn COVID-19 vừa qua, ngay cả những tạp chí nổi tiếng bên Mỹ cũng tùm lum hết.” Tôi nghĩ là anh ấy đề cập đến bài báo trên New England Journal of Medicine và Lancet bị rút xuống. Nhưng sự rút xuống 2 bài báo đó không hề làm suy giảm uy tín của New England Journal of Medicine và Lancet, và cũng chẳng liên quan gì đến vấn đề mà báo chí đang nêu lên.

Nhưng ở đây, chúng ta không nói đến các tập san lừng danh đó; chúng ta nói đến những tập san mà các ứng viên đã công bố và gây ra tranh cãi. Tôi tò mò nhìn qua danh sách tập san mà các ứng viên công bố [3], và tôi nghĩ có thể nói rằng tất cả (danh sách dưới đây) đều có thể xem là phi chánh thống hay gần như phi chánh thống (hiểu theo nghĩa chẳng thuộc hiệp hội y khoa nào cả) hay không/hiếm ai trong chuyên ngành biết đến:

  • American Journal of Case Report
  • Archives of Pharmacy Practice
  • Asian Journal of Pharmaceutics
  • Biomedical Journal of Scientific and Technical Research
  • Catalysts
  • Child’s Quality of Life in Asia
  • Diabetes, Metabolic Syndrome and Obesity: Targets and Therapy
  • European Journal of Anatomy
  • Farm Sci Asian
  • Genetics and Molecular Research
  • International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences
  • International Journal of Medical Sciences and Health Research
  • International Journal of Environmental Research and Public Health
  • Journal of Clinical and Diagnostic Research
  • Journal of Medical Sciences – Pakistan
  • Journal of the Pakistan Medical Association
  • Journal of Vascular Medicine and Surgery
  • Malaysian Journal of Medical Sciences
  • Open Dermatology Journal
  • Pharmaceutical Chemistry Journal
  • Research Journal of Pharmacy and Technology
  • Systematic Reviews in Pharmacy

Bất cứ ai có kinh nghiệm gian nan trong nghiên cứu và công bố khoa học chỉ cần nhìn qua vài bài báo tiêu biểu trên các ‘tập san’ trên cũng thấy … kì kì. Những đặc điểm chánh có thể rút ra từ những ‘tập san’ này là (tôi nghĩ đây không hẳn là tập san nghiêm chỉnh):

  • Tên tập san rất chung chung, như Journal of Medical Sciences, Genetics and Molecular Research, Biomedical Journal of Scientific and Technical Research, Journal of Clinical and Diagnostic Research, v.v.
  • Ban biên tập không biết nói sao. Có tổng biên tập là bác sĩ phẫu thuật, chưa bao giờ công bố một bài nào trên tập san chánh thống. Lại có tổng biên tập chưa bao giờ công bố trên tập san mà ông làm sếp. Còn ban biên tập có khi chỉ là … postdoc!
  • Giao diện internet của các tập san này rất đơn giản, như là một website cá nhân, chớ không giống một tập san khoa học.
  • Tiếng Anh thì rất kém, và có khi viết sai. Ví dụ như có ‘tập san’ viết là “Impact Factor An Index”, ai mà hiểu nổi có ý nghĩa gì.
  • Bài báo thì vô cùng đa dạng. Có khi tập san với tên là dược khoa nhưng cũng công bố bài về chất lượng cuộc sống.
  • Bài báo thì đa số là đơn giản. Có khá nhiều bài chỉ … 3 trang!
  • Thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố có khi chỉ trên dưới 10 ngày.

“Gian lận”?

Kế đến là chữ “gian lận”. Tôi nghĩ dùng chữ đó cho đồng nghiệp là quá nặng nề. Bình tâm nghĩ và xem lại, các ứng viên đâu có gian lận. Họ khai đầy đủ bài báo họ công bố, tập san công bố, chi tiết về năm và số báo, v.v. Tôi nghĩ không thể nói các ứng viên gian dối được.

Vấn đề là đạo đức công bố (tức publication ethics) mà tôi nghĩ ở Việt Nam ít ai biết đến. Ở Đại học New South Wales bất cứ ai được bổ nhiệm chức vụ khoa bảng phải theo học một khoá học về Scientific Integrity (8 môn học), trong đó có môn Đạo đức Công bố. Học viên phải học cách phân biệt giữa tập san chánh thống và tập san dỏm, và qui ước là không công bố trên tập san dỏm. Công bố trên các tập san đó được xem là vi phạm đạo đức công bố. Các bạn có biết tại sao vi phạm?

Các ứng viên giáo sư lần này vì lí do gì đó công bố đã công bố trên một số tập san được xem là phi chánh thống. Cũng có thể xem đây là các tập san dỏm, và đó là vấn đề.

Open Access là dỏm?

Nhiều người trong các hội đồng giáo sư ở VN cho rằng các tập san Open Access (Mở) và các tập san có trả ấn phí để công bố là “kém chất lượng”. Quan điểm này rất sai. Cái sai lầm có lẽ là do lẫn lộn giữa thể loại tập san và mô thức công bố:

1. Các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại: chánh thống và phi chánh thống.

2. Mô thức công bố có thể là ‘Đóng’ hay ‘Mở’. Mô thức ‘Đóng’ có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hay không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. ‘Mở’ có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao, nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.

3. Tập san chánh thống (như Nature, Science, Lancet, New England) cho phép tác giả chọn mô thức công bố Đóng hay Mở.

4. Tất cả các tập san dỏm đều dùng mô thức xuất bản Mở.

Do đó, người ta có thể lầm ở điểm thứ 4 và đánh đồng Open Access là dỏm. Nhưng như các bạn thấy điểm thứ 3 giải thích rằng Open Access của các tập san chánh thống thì không thể xem là dỏm hay có phẩm chất thấp được (xem Giản đồ).

Thế nào là ‘bài báo khoa học’?

Một vấn đề khác nữa là khái niệm ‘bài báo khoa học’. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư là 5 bài, còn phó giáo sư là 3 bài. Nhưng hội đồng không nói bài báo đó là gì! Có nhiều loại bài báo khoa học:

  • Bài nguyên gốc (original contribution), có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, dữ liệu lần đầu được công bố;
  • Bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo nghiêm chỉnh, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả;
  • Bài tổng quan (review), tức là tổng quan y văn từ những bài đã công bố trước đây;
  • Bình luận, tức những “Letter to the Editor”, “Commentary”, “Debate”, “Editorial”.

Nếu xét đề bạt, người ta chỉ xem bài nguyên gốc. Còn các bài khác không được tính, nhưng được dùng để đánh giá ứng viên. Còn ở VN, bài nào cũng có giá trị như nhau, vì người ta chỉ quan tâm “công bố quốc tế”! Nếu ứng viên có 10 bài case report được xem hơn người có 3 bài nguyên thuỷ! Vô lí chưa. Do đó, khái niệm bài báo khoa học phải xem lại.

Tóm lại, đây không phải là gian lận công bố khoa học, mà là đạo đức công bố khoa học. Cách đánh giá tập san y khoa của hội đồng giáo sư ngành y và cả người đánh giá lại có vấn đề, vì lẫn lộn giữa tập san chánh thống, tập san phi chánh thống và tập san ‘săn mồi’. Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần phải có một hội đồng độc lập với những thành viên giàu kinh nghiệm về công bố khoa học thì mới công bằng. Vấn đề sau cùng là ở hội đồng, chớ không phải ứng viên.

***

[1] https://vnexpress.net/16-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-to-cao-khai-gian-4180696.html

[2] https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

[3] https://www.tienphong.vn/giao-duc/chi-tiet-16-ung-vien-gspgs-bi-to-gian-doi-va-ket-qua-tham-dinh-cua-gs-nguyen-ngoc-chau-1738811.tpo

Tại sao bầu hay không bầu cho Trump?

Những người không bầu (hay chống) Trump thường dựa vào những khiếm khuyết mang tính cá nhân của ông tổng thống. Ngược lại, những người bầu (hay ủng hộ) Trump thì dựa vào chánh sách và lập trường của ông ấy. Đằng sau của sự khác biệt này có lẽ được giải thích trong cuốn sách “The Securitarian Personality” (Nhân Cách An Ninh) của John Hibbing.

Tôi là công dân Úc, nên chẳng dính dáng gì đến việc bầu cử tổng thống bên Mĩ. Không dính dáng, nhưng tôi cũng như nhiều người khác quan tâm đến tình hình bầu cử bên đó, bởi vì những chánh sách của Mĩ có ảnh hưởng đến những chánh sách ở bên Úc, và bởi vì Úc là đồng minh có thể nói là trung thành của Mĩ. Ngay cả những chánh sách về đối ngoại, đặc biệt đối với Tàu, của các đại học bên Mĩ cũng ảnh hưởng đến các đại học Úc. Thành ra, tuy không bầu cử bên Mĩ, nhưng tôi và tuyệt đại đa số người Úc bên này đều theo dõi tình hình kinh tế – chánh trị bên Mĩ.

Câu hỏi tôi tự đặt ra là tại sao người Mĩ bầu (hay không bầu) cho ông Trump. Bầu cho ông Trump thì là dấu hiệu ủng hộ ông ấy. Không bầu cho Trump cũng có thể xem là nghiêng về phía ứng viên đối thủ Biden. Nhưng tôi nghĩ lấy ông Trump làm điểm tham chiếu hay hơn, vì ông ấy là ‘đối tượng’ của các hệ thống truyền thông cánh tả (như New York Times, Washington Post, New Yorker, CNN) phỉ báng cả mấy năm nay, mà ông vẫn đắc cử trước đây và ‘sống sót’ đến ngày nay. Sau đây là những gì tôi thu thập được về lí do tại sao người ta sẽ không bầu cho ông Trump, và lí do bầu cho ông ấy. Sau đó là một vài giải thích theo cách hiểu của tôi.

Tại sao chống Trump?

Có rất nhiều lí do được nêu ra, nhưng tựu trung lại là những lí do về nhân cách của ông Trump. Họ (những người chống và ghét Trump) không thể nào chịu nổi những phát biểu có khi vô lối của ông ấy. Họ liệt kê một danh sách dài về hành vi và phát biểu chẳng giống ai của ông: ‘nổ’, nói dối, tự khen mình, tự cao tự đại, không phải tư cách của tổng thống, gian lận thuế, không yêu nước, v.v. Họ còn nặng nề hơn, cho rằng ông Trump là người bị bịnh tâm thần, là kẻ “vô luân”! Nói chung là những lí do rất cảm tính và thường không có chứng cớ hay chứng cớ kiểu ‘anecdotes’.

Tuy nhiên, trên tờ National Review, có một bài của một cựu quan chức Bộ Quốc Phòng Mĩ, Dov Zakheim, nêu lên những lí do mang tính lí luận, giải thích tại sao chống Trump và không bầu cho ông ấy [1]. Tóm tắt những ý chánh của vài viết đó như sau:

1.Thất bại trong kiểm soát dịch: Một trong những thiếu sót lớn nhứt của Trump là thiếu một chánh sách cấp liên bang để kiểm soát dịch COVID-19, vì ông đánh giá thấp tác hại của dịch.

2.Kì thị chủng tộc: mặc dầu không thể gọi Trump là người kì thị chủng tộc, nhưng những chánh sách như xây tường rào chận người Mễ Tây Cơ, tẩy chay công dân từ các nước Hồi Giáo không cho vào Mĩ (lúc mới thắng cử), gọi các nước Phi Châu là ‘shit holes’, và không chịu lên án vụ bạo động ở Charlottesville, v.v. cho thấy ông ấy là người kì thị chủng tộc.

3.Lạm quyền: ông Trump thờ ơ vai trò của quân đội trong thời bình, và gây tổn hại đến mối quan hệ giữa dân sự và quân sự. Ông lạm dụng quân đội trong việc xây tường ngăn chận người Mễ Tây Cơ, dùng National Guard (Vệ Quốc binh) để khống chế biểu tình trước Toà Bạch Ốc.

4.Dấu hiệu tham nhũng quyền lực: mặc dầu không thể nói ông Trump là tham nhũng, nhưng hành vi của ông giống như kẻ tham nhũng. Ông bổ nhiệm con rể và con gái vào các vị trí cố vấn cao cấp trong chánh phủ. Ông bá vai với những kẻ độc tài như Putin của Ngà, Erdogan của Thổ Nhĩ Kì để tìm sự hậu thuẫn chánh trị cho doanh nghiệp của ông ở Nga và Thổ Nhĩ Kì.

5.Làm bạn với kẻ thù: Trump liên tục vận động cho Nga vào nhóm G7, mặc dù Nga không đáp ứng các tiêu chuẩn về kinh tế của G7.

6.Làm mất lòng đồng minh: Trump làm cho mối quan hệ giữa Mĩ và NATO bị tổn hại. Trump tố cáo rằng các nước NATO lợi dụng Mĩ để bảo vệ họ mà không chịu chi trả gì cả. Trump biến mối quan hệ quân sự – ngoại giao thành quan hệ tiền bạc.

7.Tạo điều kiện cho Tàu cộng: Trump rút khỏi hiệp ước thương mại Trans-Pacific Partnership (TPP) và để cho Tàu có cơ hội chen chân vào.

Một lí do khác thường được nêu ra là Trump làm phân hoá (polarize) nước Mĩ. Tuy nhiên, trong thực tế thì nước Mĩ lúc nào cũng phân hoá từ bản chất xã hội và về các vấn đề hay gây tranh cãi như an sinh xã hội, thất nghiệp, người di dân, v.v. Sự phân hoá có vẻ tăng lên trong mỗi lần tổng tuyển cử (một phần là do truyền thông kích động), nhưng giảm ngay sau đó. Do đó, bài diễn văn nào của người đắc cử cũng đều có câu đại khái rằng trong bầu cử chúng ta chia rẽ, nhưng nay thì chúng ta là một cộng đồng dân tộc. Do đó, sự phân hoá lần này không có gì ngạc nhiên, vì nó gần như là một qui luật. Nói như một học giả, Trump là triệu chứng, chớ không phải là nguyên nhân, của sự phân hoá. Trump không tạo ra sự phân hoá đó [2].

Ngoài ra, một lí do khác cho rằng Trump lúc nào cũng ủng hộ các doanh nghiệp lớn và lơ là giới lao động. Tác giả Dov Zakheim kết luận rằng Donald Trump có thể được xếp vào nhóm các tổng thống bất tài nhứt trong lịch sử nước Mĩ [1].

Tại sao ủng hộ Trump?

Năm nay, ngay cả những người ủng hộ Trump cũng thấy ông khó thắng cử. Cử tri ủng hộ Trump cũng cảm thấy không thoải mái với những phát biểu “quá trớn” và những hành vi phi chánh thống của ông ấy. Tuy nhiên, họ phân biệt được cá nhân ông Trump (rất nhiều khiếm khuyết) và chánh sách của ông ấy. Họ lí giải rằng họ bầu cho Trump là ủng hộ chánh sách của đảng Cộng Hoà, chớ không phải ủng hộ cá nhân ông ấy.

Theo bài trên Guardian [3], Boston Globe [4] và dailypress [5] thì đây là những lí do chánh :

1.Không muốn có ‘di sản’ của Clinton, Obama: đa số cử tri bầu cho Trump hay có ý định bầu cho Trump đều nói rằng họ không muốn thấy bất cứ di sản nào của thời Clinton. Trước đây, trong lần bầu cử 2016, một nhóm cử tri cho biết họ không chịu nổi cái viễn cảnh đảng Dân Chủ điều hành nước Mĩ trong 4 đến 8 năm nữa; họ không thể nào chấp nhận các phe ‘progressive politics’ kiểu Obama hay Clinton, càng không chấp nhận quan điểm nghiêng về xã hội chủ nghĩa của Bernie Sander. Họ xem đảng Dân Chủ yếu trong việc bảo vệ biên cương. Chánh phủ Obama không dám chỉ tên những nhóm Hồi Giáo cực đoan khủng bố.

2.Không muốn có chánh phủ xã hội chủ nghĩa: cử tri ủng hộ Trump vì họ sợ Biden sẽ biến nước Mĩ thành một thiên đàng xã hội chủ nghĩa (“socialist utopia”). Một cử tri viết và tóm lược khá đầy đủ cảm nhận của nhóm cử tri ủng hộ Trump: “The Democrats have become a radical socialist party and would use Joe Biden to forever change our great nation into an unrecognizable disaster. We cannot let that happen”.

3.Khả năng quản lí kinh tế: một nhóm khác cho rằng ông Trump có khả năng quản lí kinh tế tốt hơn ông Biden. Obama có công tạo ra công ăn việc làm nhưng việc làm lương thấp, còn Trump tạo thêm công ăn việc làm và lương cao. Obamacare là một thất bại, và Trump sẽ thay đổi tốt hơn.

4.Kiềm chế Tàu cộng: họ không hài lòng với Clinton và Obama quá nhu nhược với Tàu cộng, nên họ chọn Trump là người có những hành động và chánh sách quyết liệt nhằm cảnh cáo và kiềm chế sự hung hãn của Tàu cộng.

5.Duy trì lí tưởng Mĩ: một nhà tâm lí học tóm lược công thức thành công của nước Mĩ là Tự Do + Cơ Hội + Trách Nhiệm = Thịnh Vượng (Liberty + Opportunity + Responsibility = Prosperity), và phe Dân Chủ muốn thay đổi công thức đó là điề không thể chấp nhận được [6].

6.Duy trì luật pháp và trật tự: cử tri cho rằng họ không hẳn bầu cho cá nhân ông Trump; họ bầu cho sự bảo vệ luật pháp và trật tự trong một thời điểm nhiễu loạn.

7.Chống lại văn hoá huỷ diệt (cancel culture): Thượng nghị sĩ Tim Scott (người da đen) là người ủng hộ Trump. Ông nói “Chúng tôi không chấp nhận ‘văn hoá huỷ diệt’ [cancel culture] hay các niềm tin của phe cấp tiến cho rằng tình hình hiện nay tồi tệ hơn thời 1860 hay 1960.” Ông khen ông Trump đã cải cách hệ thống tư pháp, và chỉ trích Biden đã ủng hộ đạo luật làm tăng dân số trong tù.

8.Chống lại sự đầu độc giới trẻ: cử tri cảm thấy quá đau khổ trước sự đầu độc giới trẻ qua việc truyền bá các ý tưởng tả khuynh trong đại học và trường học nói chung. Họ không thể bầu cho phe Dân Chủ vì phe này chủ yếu thiên tả.

9.Chống thói đạo đức giả: cử tri ủng hộ Trump hoàn toàn không tin tưởng phe Dân Chủ như bà Clinton hay Biden, mà họ xem là đạo đức giả, nhứt là qua những email đã được tiết lộ gần đây.

10.Quan điểm rõ ràng: ông Trump rất thẳng thắn và dứt khoát về quan điểm của mình (và ông nói ai cũng hiểu), không giống như ông Biden vốn không có lập trường dứt khoát, mà chỉ nương theo diễn đàn làm hài lòng đám đông. Chưa biết lập trường của Trump đúng hay sai, nhưng thà ủng hộ người có lập trường hơn là ủng hộ người ỡm ờ.

Một số người ủng hộ Trump còn nêu lí do là vì ông ấy … can đảm. Theo họ, người ta có thể không thích ông Trump, nhưng ai cũng đều thấy ở ông một con người can đảm, dám nói thật suy nghĩ của mình cho dù bị thoá mạ dữ dội, dám một mình chống lại hệ thống truyền thông cánh tả tấn công ông suốt ngày này sang ngày khác trong hơn 5 năm trời. Sự chống lại báo chí của ông lấy lòng rất nhiều ‘thường dân’ vốn đã quá chán ngán với sự thiên vị của báo chí Mĩ.

Một số người khác thì quan tâm đến tình hình sức khoẻ của vị tổng thống tương lai. Một số cử tri tỏ ra quan ngại đến sức khoẻ của ông Biden, và nghĩ rằng ông có vấn đề về trí nhớ. Họ cũng sợ rằng nếu đắc cử ông Biden sẽ không làm hết nhiệm kì tổng thống, mà sẽ giao quyền của bà Kamala Harris, một nhân vật vẫn còn trong thời gian thách thức. Do đó, chọn Trump an toàn hơn (nhưng Trump cũng đã hơn 70 tuổi!)

“Cá tánh an ninh” (Securitarian Personality)

Những người ghét chánh phủ Trump ghét luôn cả những ai ủng hộ hay có ý định bầu cho ông Trump. Không nói ra thì những người này (ghét Trump) đa số là thuộc phe cánh tả và đảng Dân Chủ, họ cho rằng những ai ủng hộ Trump là đáng lên án, suy đồi đạo đức, kì thị chủng tộc, ghét phụ nữ, ghét người đồng tính, sợ Hồi Giáo, hiếu chiến. Tử tế lắm, họ cho rằng những người ủng hộ Trump là kém học thức và dốt nát. Mới đây, cây bỉnh bút nhựt báo New York Times còn thêm một danh từ khác cho Trump: kẻ vô luân (immoralist). Đó không phải chỉ là những người Mĩ ghét Trump, ngay cả trong cộng đồng người Việt, những người ghét Trump cũng thoá mạ đồng hương ủng hộ Trump bằng những tính từ trên.

Thế nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Cử tri ủng hộ Trump không phải kém học thức hay dốt nát như phe cánh tả nghĩ. Phe ủng hộ Trump cũng là những người có học thức cao, các học giả phe bảo thủ, những cựu quan chức trong chánh phủ Mĩ, giới quân sự, v.v. Nói họ ‘bảo thủ’ thì đúng hơn là thoá mạ họ là ngu xuẩn, không đủ suy nghĩ để chọn tổng thống. Đọc những lí do bầu cho Trump, chúng ta thấy toát lên rằng họ bầu cho chánh sách của chánh phủ Trump, chớ không phải bầu cho cá nhân ông Trump. Họ dùng lí trí hơn là cảm tính.

Có quan điểm cho rằng những ai ủng hộ Trump và chánh phủ Trump là những người có cá tánh độc tài (authoritarian personality). Ngược lại, những người ủng hộ Trump gọi phe chống Trump là xã hội chủ nghĩa, vô luân, muốn phá hoại nền tảng và lí tưởng nước Mĩ. Thế nhưng theo như Giáo sư John Hibbing (ĐH Nebraska-Lincoln), qua cuốn sách “The Securitarian Personality” [7] rất thú vị của ông, thì cách gán nhãn như vậy là không đúng. (Cuốn sách này mới xuất bản và tôi đã đặt mua, còn ở đây tôi chỉ đọc các bài review và nghe qua phỏng vấn tác giả).

Giáo sư Hibbing cho biết ông muốn hiểu tại sao những đồng nghiệp và người quen của ông ủng hộ Trump gần như vô điều kiện. Họ không phải là những người kém học thức; họ là những giáo sư đại học, nhà khoa học, giai cấp trung lưu. Qua phỏng vấn họ, ông phát hiện rằng sự chia rẽ chánh trị xảy ra chủ yếu giữa những người muốn ‘nước Mĩ là của người Mĩ’ (ông gọi là “Securitarian Personality” hay cá tánh an ninh) và những người theo lí tưởng ‘thế giới đại đồng’, sẵn sàng chào đón người ngoài (ông gọi là những người “Unitarian Personality” hay cá tánh kết đoàn). Ông nói thêm rằng không phải những người với cá tánh an ninh không thích người di dân; họ thích người di dân, nhưng họ đòi chương trình di trú phải thay đổi với an ninh là ưu tiên hàng đầu.

Xuất phát từ cách chia nhóm đó, Hibbing giải thích rằng người Mĩ, dù thuộc phe ủng hộ hay chống Trump, đều có mẫu số chung: họ rất quan tâm an ninh quốc gia. Nhưng cái khác biệt chánh giữa phe bảo thủ ủng hộ Trump và phe cánh tả ủng hộ đảng Dân Chủ là ở nguồn gốc của mối đe doạ. Những người có cá tánh an ninh (tức phe ủng hộ Trump) quan tâm đến mối đe doạ từ ngoài nước Mĩ, còn những người có cá tánh kết đoàn thì lo ngại về mối an ninh từ trong nước Mĩ.

Phe ủng hộ Trump xem mối đe doạ từ ngoài (Nga, Tàu) rất quan trọng. Họ không mấy quan tâm đến đe doạ từ Covid-19, hiện tượng nóng toàn cầu, hay bất bình đẳng xã hội. Đó chính là lời giải thích tại sao khi được hỏi tại sao ủng hộ Trump, họ thường đưa ra những lí do mang tầm vĩ mô và quốc tế hơn, như chống phe xã hội chủ nghĩa, chống lại sự đe doạ của Tàu, chống lại sự lợi dụng của đồng minh. Nhưng họ cũng đồng thời là phe bảo thủ, nên họ nhìn phe Dân Chủ cánh tả như là những kẻ đe doạ đến giá trị truyền thống của Mĩ.

Còn phe cánh tả thì rất quan tâm đến các mối đe doạ từ bên trong. Theo họ, mối đe doạ lớn nhứt đến nền an ninh nước Mĩ là … các tập đoàn kinh tế. Họ thấy đây là những tập đoàn làm giàu bằng bóc lột lao động và ‘hút máu’ công nhân. Họ nhìn thấy bất bình đẳng xã hội, dịch bệnh và hậu quả, và môi trường là những mối đe doạ lớn. Họ nhìn thấy các “Anh Cả” lúc nào rình rập, quan sát, lăm le xâm nhập vào sự riêng tư của người dân, và kiểm soát suy nghĩ của họ. Họ không mấy quan tâm đến đe doạ từ ngoài, vì lí tưởng của họ là thế giới đại đồng, là Mĩ nên chia xẻ sự thịnh vượng với mọi người.

Sự khác biệt đó — một bên là đe doạ từ trong và một bên là đe doạ từ ngoài — có thể giải thích cho những lí do chống và ủng hộ Trump.

Một lí do khác nữa liên quan các giá trị về tinh thần và lao động. Donald Trump Jnr (con trai trưởng của ông Trump) tóm tắt về sự lựa chọn trong lần tranh cử bằng một câu ngắn gọn như sau. Đây là sự chọn lựa về định hình quốc gia giữa một bên là các giá trị tinh thần, lao động và giáo dục, và một bên là bạo loạn, cướp bóc và phá hoại (“shaping up to be church, work and school versus rioting, looting and vandalism”) [8]. Phe ủng hộ Trump rất ghét những nhóm mà họ xem là có xu hướng lười biếng, gian lận an sinh xã hội, không yêu nước, làm xói mòn các giá trị truyền thống, và làm ảnh hưởng đến công thức thịnh vượng [Liberty + Opportunity + Responsibility = Prosperity] của nước Mĩ. Có lẽ đây cũng là lí tưởng giải thích tại sao thế hệ 1 người Việt ở Mĩ cảm thấy họ gần với phe bảo thủ hơn.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ thắng cử? Rất khó nói, vì dự báo về tương lai thường sai nhiều hơn đúng. Nhưng hãy xem đây là trò giải trí cuối tuần thì chúng ta thử đọc báo xem sao. Trong bài trên nhựt báo SCMP ở Hồng Kông, tác giả lí giải rằng mặc dầu trong lần tổng tuyển cử này, phe ông Trump gặp rất nhiều vấn đề và sự chống đối của báo chí, nhưng ông Trump sẽ thắng cử [9]. Suy luận này có vẻ nhứt quán với cuộc thăm dò ý kiến của Gallup [10] với kết quả cho thấy 56% cử tri nghĩ rằng Trump sẽ đắc cử tổng thống lần hai. Trong điều kiện Trump bị tấn công tứ bề như hiện nay, nếu điều đó xảy ra thì quả là một phép mầu.

***

[1] https://nationalinterest.org/feature/case-against-trump-166810

[2] https://www.asc.upenn.edu/news-events/news/trump-did-not-increase-polarization

[3] https://www.theguardian.com/us-news/2016/nov/09/why-did-people-vote-for-donald-trump-us-voters-explain

[4] https://www.bostonglobe.com/2020/10/20/opinion/why-im-voting-trump

[5] https://www.dailypress.com/virginiagazette/opinion/va-vg-edit-filko-0203-story.html

[6] https://www.citizen-times.com/story/opinion/2020/10/04/dont-like-donald-trump-heres-why-im-still-voting-him-opinion-debate-nc-election/5882196002

[7] https://www.amazon.com.au/Securitarian-Personality-American-Post-Trump-Motivates/dp/0190096489

[8] https://www.youtube.com/watch?v=HgNQ1zory4Y

[9] https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3099131/four-more-years-why-america-likely-vote-donald-trump-after-all

[10] https://news.gallup.com/poll/321347/trump-pre-debate-job-approval-highest-may.aspx

Ganh tị trong khoa bảng

Trong giới khoa học có ganh tị không? Câu trả lời đơn giản là “có”. Ngành y được xếp đầu bảng ganh tị, còn giáo sư hạng trung bình. Ganh tị trong khoa bảng (envy) có những đặc điểm khác với ganh tị trong y khoa (jealousy).

Hình từ: https://www.chronicle.com/article/maybe-youre-just-a-jealous-academic

Ganh tị là một đề tài mang tính tôn giáo và đạo đức. Phật giáo gọi ganh tị là “tật đố”, có nghĩa là thù ghét những ai hơn mình về quyền thế và chuyên môn. Người đố kị sẽ không thể nào giác ngộ và lúc nào cũng tự làm khổ mình. Trong Công giáo có Thánh Thomas d’Aquino xem ganh tị là một trong những tội chết người của nhân loại. Chữ envy (ganh tị) do đó có nguồn từ tiếng Latin, ‘invidere’, có nghĩa là nhìn người khác với tà tâm và thù ghét.

Người thường (ngoài khoa học) ganh tị thì đã được bàn nhiều. Nhưng còn một loại ganh tị hiện hữu trong giới chuyên môn, mà tiếng Anh gọi là “Professional Jealousy” (ganh tị nghề nghiệp), tức là ganh đua (không phải ‘tranh đua’) giữa những người trong một chuyên ngành. Loại ganh tị này có thể làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội, và nó biến cho kẻ ganh tị không chỉ xấu xí mà còn nguy hiểm.

Ngành nghề nào có ganh tị nặng nề nhứt? Triết gia người Ý Signor Ferriani được xem là một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu về tâm lí nghề nghiệp. Ông có công phát triển một thang điểm để đánh giá mức độ ganh tị nghề nghiệp. Theo Ferriani giới chuyên môn trong các ngành nghề sau đây ganh tị (từ thấp đến cao):

  • kiến trúc sư (thấp nhứt);
  • tu sĩ;
  • luật sư;
  • sĩ quan trong quân đội;
  • giáo sư về khoa học và văn học;
  • nhà báo;
  • nhà văn;
  • bác sĩ;
  • diễn viên (cao nhứt).

Như có thể thấy trong thang điểm trên, giới y khoa có tánh ganh tị thuộc vào hàng cao nhứt, chỉ sau giới diễn viên. Ngạc nhiên? Theo một số nghiên cứu, thì giới y khoa ganh tị với nhau ngay từ thời còn đi học, vì họ phải cạnh tranh để được vào trường y, và khi đã tốt nghiệp thì còn phải cạnh tranh để được vào các chuyên khoa, và khi đã vào chuyên khoa còn phải cạnh tranh để được công nhận (recognition), thăng tiến trong khoa bảng (như đề bạt chức giáo sư chẳng hạn). Giới bác sĩ, theo Ferriani, thể hiện tánh ganh tị của họ qua việc chê hay nói xấu đồng nghiệp, và chữ ‘lang băm’ hay được dùng. Họ thường nhìn đồng nghiệp với ánh mắt nghi ngờ như là những kẻ đe doạ đến sự nghiệp họ.

Ganh tị trong khoa bảng và khoa học

Trong bảng xếp hạng trên, giới khoa bảng có tánh ganh tị trung bình. Ganh tị trong y khoa có thể xem là Jealousy, nhưng ganh tị trong khoa bảng là Envy. Hai chữ này có nghĩa xem ra giống nhau nhưng thật ra là khác nhau. Jealousy là ganh tị như cảm giác mình bị đe doạ và sợ người khác (như ghen tuông trong tình cảm). Envy là cảm thấy ‘cay đắng’ trước sự thành công của người khác, sự thành công mà mình muốn có hay nghĩ rằng mình xứng đáng. Do đó, ganh tị trong khoa bảng được gọi là ‘Academic Envy’.

Nhớ vài tuần trước tôi hân hoan báo tin một đồng nghiệp tương đối trẻ được đề bạt chức giáo sư thực thụ, cô bạn tôi sa sầm nét mặt hỏi “Với track record như tay đó mà cũng thành prof à?” Tôi ngạc nhiên vô cùng (vì nghĩ mình được chị ta chia xẻ tin vui). Hoá ra, trong lần đề bạt vừa qua, chị ta không được đề bạt chức giáo sư thực thụ. Những thành bại trong sự nghiệp và ‘prestige’ như thế rất dễ dẫn đến một môi trường độc hại. Có thể nói không ngoa rằng nghiên cứu khoa học là là mảnh đất màu mỡ cho ganh tị.

Tuy nhiên, đề bạt không phải là yếu tố duy nhứt dẫn đến ganh tị; trong thực tế còn nhiều yếu tố khác. Theo quan sát của tôi, sự ganh tị trong khoa học xuất phát từ 1 (hay nhiều hơn) trong 5 yếu tố dưới đây:

  • Văn hoá “Publish or Perish” (công bố hay diệt vong)
  • Cạnh tranh grant (tài trợ cho nghiên cứu)
  • Đề bạt các chức vụ prestige (như giáo sư thực thụ) và fellowship
  • Kĩ năng
  • Dòng dõi khoa bảng (academic progeny)

Trong thế giới khoa học, có văn hoá “Publish or Perish”, có nghĩa là phải có công bố khoa học và công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao thì mới tồn tại được. Mà, để công bố trên các tập san đó thì mức độ cạnh tranh rất ác liệt, vì tỉ lệ từ chối thường lên đến 90%. Cứ mỗi lần một đồng nghiệp công bố trên một tập san ‘high profile’ và được giới truyền thông đại chúng chú ý là có những ‘xầm xì’ về công trình nghiên cứu đó. Bề ngoài thì họ chúc mừng về bài báo, nhưng đằng sau cũng có người cho rằng bài đó không xứng đáng có mặt trên một tập san lừng danh như thế. Phải nói thẳng là công bố trên các tập san lừng danh ngày nay phần lớn là một trò lottery, vì xác suất được chấp nhận và từ chối gần như 50-50, chớ nhiều khi chẳng phụ thuộc vào phẩm chất khoa học. Trong thời Covid-19 này, các tập san như New England Journal of Medicine tập trung công bố những bài về Covid-19, nên các công trình truyền thống khác phải … hi sinh, và thế ra nảy sinh ganh tị. “Tại sao nó vào được tập san đó, mà mình thì không?”

Ganh tị trong khoa học thường thể hiện qua bình duyệt. Bởi vì họ không dám nói xấu trong các hội nghị, nên họ tìm cách nói xấu đồng nghiệp qua cơ chế bình duyệt. Trong vai trò editor, tôi đã đọc được những lời bình luận về đồng nghiệp rất ư nặng nề và xúc phạm. Xin trích vài bình luận đã được công bố trong sách như sau, và các bạn sẽ sốc về tánh xấu của giới khoa học nói về đồng nghiệp mình:

  • The results are as weak as a wet noodle. (Những kết quả này yếu ớt như cọng mì)
  • The manuscript makes three claims: The first we’ve known for years, the second for decades, the third for centuries. (Tạm dịch: bài này đưa ra 3 phát biểu chẳng có gì mới. Phát biểu thứ nhứt thì đã được biết qua nhiều năm; phát biểu thứ hai đã quá quen thuộc trong vài thập niên qua; còn phát biểu thứ ba thì đã là kiến thức phổ thông qua nhiều thế kỉ).
  • Did you have a seizure while writing this sentence? Because I feel like I had one while reading it. (Anh có bị động kinh khi viết câu này không vậy? Tôi đọc câu này và cảm thấy như anh bị động kinh).

Một khía cạnh khác cũng cạnh tranh ác liệt là ‘grant’ (xin tài trợ). Trong thời đại ngày nay, tài trợ hay grant còn quan trọng hơn cả công bố khoa học. Người ta đánh giá nhà khoa học không phải qua số bài báo công bố, mà qua số tiền xin được và nguồn tiền xin được. Do đó, các hồ sơ đề bạt chức giáo sư thường có câu “Trong 10 năm qua, tôi đã xin được XX triệu USD)”. Nhưng không chỉ xin được bao nhiêu, mà còn là xin từ đâu. Nếu ông A xin được 500 ngàn USD từ kĩ nghệ thì không được đánh giá cao bằng ông B xin được 200 ngàn USD từ một tổ chức cạnh tranh cao như NIH (Mĩ) hay NHMRC và ARC (Úc). Tiêu chuẩn grant nó, trớ trêu thay, biến nhà khoa học thành kẻ ‘ăn xin chuyên nghiệp’, và kẻ nào ăn xin giỏi được đánh giá cao!

Một anh bạn tôi (người Úc) có lần nói đùa rằng mỗi đợt xin tài trợ là giống như ‘đấu bò’ với nhau. Người trong cùng chuyên ngành cạnh tranh với nhau đã đành, nhưng người trong mỗi labo hay mỗi khoa cũng phải đấu với nhau. Tỉ lệ thành công thường rất thấp (chỉ 5-10%), và càng ngày càng thấp hơn khi Nhà nước giảm ngân sách cho khoa học. Điều đó có nghĩa là cuộc đấu bò càng ngày càng ác liệt. Thành ra, cứ mỗi đợt / năm, khi kết quả tài trợ được công bố là có người vui và kẻ buồn. Từ buồn đến ganh tị trong mỗi department chẳng bao xa.

Đề bạt các chức vụ khoa bảng cũng là yếu tố dẫn đến ganh tị. Đã từng phục vụ trong vài hội đồng đề bạt, tôi thấy sự ganh tị hay xảy ra trong các khoa khoa học xã hội và nhân văn. Đó là những khoa mà tiêu chuẩn đề bạt ít định lượng hơn (so với các khoa như khoa học, medicine và engineering) nên họ phải dựa vào các tiêu chuẩn định tính. Mà, tiêu chuẩn định tính thì có thể dễ dẫn đến đánh giá chủ quan. Những suy nghĩ như “Tại sao ông đó chỉ có 5 bài mà thành giáo sư, còn chị kia có cả 20 bài mà không được đề bạt” rất phổ biến.

Kĩ năng chuyên môn cũng là yếu tố dẫn đến ganh tị. Người ganh tị đối đầu với một ‘đối tượng’ cùng nghề nghiệp nhưng người đó sở hữu tố chất, tri thức, khả năng chuyên môn tốt hơn mình. “Đối tượng” ở đây là đồng nghiệp và họ thường có cùng đẳng cấp hay có khả năng gần bằng nhau, và kẻ ganh tị chỉ nhắm đến đối tượng tương đương với mình hơn là những đối tượng quá xa. Người ăn xin ganh tị với những người ăn xin khác thành công hơn họ, chứ không ganh tị với những người triệu phú. Kẻ ganh tị cảm thấy đau khổ vì sự kém cỏi của mình không có khả năng như ‘đối tượng’; thành ra, nỗi đau của người ganh tị được mô tả như là một cảm giác trống không, thất bại.

Kẻ ganh tị cảm thấy đau khổ vì sự kém cỏi của mình không có khả năng như ‘đối tượng’. Khi một bác sĩ nhi khoa viết một cuốn sách về khảo cổ nổi tiếng, thì anh ta bị giới khảo cổ chê bai một cách vu vơ (kiểu “anh ấy mà biết gì”, “coi chừng những luận điểm của anh ta”) mà không chỉ ra được cái sai nào. Người ta ganh tị anh bác sĩ vì anh đã làm được cái mà họ không làm được, và thế là lấy ‘chuyên môn’ ra làm cái bình phong. Thành ra, nỗi đau của người ganh tị được mô tả như là một cảm giác trống không, thất bại. Giống như trong Tam Quốc Chí, La Quán Trung đã cho Chu Du than một cách thống khổ rằng “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?”

Giống như trong các môn phái võ lâm, trong khoa học cũng có môn phái và họ cạnh tranh với nhau. Từ cạnh tranh bè phái dẫn đến những phản ứng mang tính phòng vệ như mỉa mai, miệt thị, hợm hĩnh, và ái kỉ. Tất cả những hình thức phản ứng này có một mẫu số chung là dùng sự khinh miệt để tối thiểu hóa mối đe dọa đến từ người khác. Điều này giải thích tại sao những người có thói ganh tị thường hay tìm cách nói xấu và miệt thị người khác như là những kẻ bất tài và vô dụng, và qua đó, nhằm tự nâng cao tầm vóc của mình. Trước sự thành công của người khác, kẻ ganh tị thường tìm về cái gốc (‘bộ lạc’) của người đó, và họ có cớ để nói kiểu như ‘Nó chỉ may mắn ở trong nhóm đó thôi, chớ chẳng có tài cán gì’.

Tóm lại, để trả lời câu hỏi có hay không có ganh tị trong khoa học, câu trả lời dứt khoát là ‘có’ và người ta gọi là ‘Academic Envy’ (khác với ganh tị trong các ngành nghề khác là ‘Professional Jealousy’). Dù dùng danh từ gì thì ganh tị về bản chất là một tánh xấu, và nó thường có ở những người thiếu tự tôn. Đối diện với một người thành công hơn và tài giỏi hơn, người ta thường có 2 phản ứng trái: ngưỡng mộ và ganh tị. Ngưỡng mộ giúp cho người ta phấn đấu để trở thành tốt hơn, tri ân hơn, và ghi nhận thực tế tốt hơn. Nhưng ganh tị thì có tác động ngược lại vì nó làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội và làm cho kẻ ganh tị trở nên độc địa trong suy nghĩ và việc làm.

How can doctors utilize genes for fracture risk assessment?

More than 300 genetic variants have been discovered to be associated with osteoporosis or fracture. The magnitude of effect of these variants on fracture risk is very modest. One may ask: how can doctors utilize genes for fracture risk assessment?

Consider the following case: a 70 year old woman whose femoral neck BMD is 0.72 g/cm2 (non-osteoporotic), who has had had no prior fracture, but has fallen once in the past 12 months. The Garvan Fracture Risk Calculator predicts her 10-year risk of fracture is 24 per cent, which may not be an indication for treatment. Now, if we know her genetic information, would that change your decision not to treat?

In this blog, I am going to convince you that genetic information, which is unique to an individual, can help doctors better identify people at high risk of fracture over and above what existing fracture prediction tools can do.

How do we know that the variation in BMD between individuals is partly due to genetic factors? The answer comes from twins. Twins are wonderful people for learning about biological inheritance. Identical twins share 100 per cent of their DNA while fraternal twins share 50 per cent. Under the hypothesis of genetic inheritance, we would expect that the correlation between identical twins should be approximately twice the correlation between fraternal twins. Thus, by analyzing the difference in correlations between identical and fraternal twins, it is possible to pinpoint how much variation in a trait is attributable to genetic factors. This approach was pioneered by Sir Francis Galton in the 19th century.

In the field of osteoporosis research, twin studies in the 1970s and 1980s have shown that up to 80 per cent of the variation in bone mineral density (BMD) can be attributed to heritable factors. Moreover, between 25–35 per cent of the variance in the liability to fracture is heritable, consistent with the finding that women with a familial history of hip fracture have a 2-fold increase in the risk of hip fracture. Thus, it is now established that osteoporosis and its consequence of fragility fracture, is heritable.

Establishing the genetic effect on a trait is easier than finding specific genes that explain the effect. The task of searching for specific genes linked to a trait such as BMD can be likened to finding a needle in the haystack! Nevertheless, with advances in genotyping technology and bioinformatics, after almost two decades of “gene hunting”, we and others have identified more than 300 variants associated with BMD.

While the finding represents a triumph of science and technology, a small twist is that these variants explained only 10–12 per cent of differences in BMD between individuals. Furthermore, the odds of fracture associated with each of these variants is typically in the range of 1.05 to 1.15 — a very modest effect. With such a modest association, one may ask: how can doctors utilise genes for the identification of high-risk individuals in the general community?

One way to pull the effects of genetic variants en masse is to generate a polygenic risk score (PRS) for every individual. Operationally, PRS is created as the sum of trait-associated variants weighted by their effect sizes, the latter derived from genome-wide association studies. Therefore, PRS can be seen as a quantitative index of the genetic burden related to a disorder, and is specific to an individual.

We and others have created such a PRS for fracture risk prediction. Our PRS, named “osteogenomic profile“, predicts fracture risk independently of age and clinical risk factors. In the MrOS cohort, a PRS constructed from 63 genetic BMD-associated variants was also associated with the risk of total fracture. In postmenopausal women of Korean background, a PRS constructed from 39 variants improved the precision of non-vertebral fracture prediction. Quantitative ultrasound measurement (QUS) is associated with fracture, and PRS generated from QUS can also help identify individuals at risk of fracture or osteoporosis. Taken together, PRS could be used as a new genetic index for fracture prediction.

Although these findings are promising, it is important to emphasize that the profile is not yet ready for use in clinic. However, the findings do bring us a big step closer to the idea of precision risk assessment of fracture.

Back to the case of the 70 year old woman. The Garvan Fracture Risk Calculator estimates her 10-year risk of fracture is 24 per cent. Now, assuming her PRS is in the top 5 per cent (e.g. high risk), then her revised 10 year risk is now 32 per cent, which may be an indication for treatment. In this case, a knowledge of genetic factors in the form of PRS can potentially change treatment decisions.

Note: This article has been published in the Asia Pacific Consortium on Osteoporosis (APCO): https://apcobonehealth.org/breakable-bones-and-genes-how-can-doctors-utilise-genes-for-fracture-risk-assessment

Bổ nhiệm giáo sư ở nước ngoài như thế nào?

Năm nay báo chí lại ồn ào chuyện ‘phong giáo sư’ qua một ứng viên bị loại [1]. Nhân dịp này, xin chia sẻ với các bạn cách bổ nhiệm giáo sư ở nước ngoài (mà cụ thể là Úc, Mĩ, Anh) để các bạn có thể so sánh. Tôi sẽ ngắn gọn qua 30 điểm dưới đây về nguyên lí, qui trình, tiêu chuẩn và công bố khoa học. Tôi sẽ đối chiếu các tiêu chuẩn này với ứng viên bị loại để các bạn có thể tự nhận xét.

Nguyên lí

1. Giáo sư là một chức vụ. Giáo sư không phải là phẩm hàm hay ‘chức danh’. Chức vụ giáo sư gắn liền với công việc của một đại học, không có ‘giáo sư quốc gia’. Công việc có thể là nghiên cứu, giảng dạy, và/hoặc quản lí / lãnh đạo.

2. Để bạt lên chức vụ giáo sư là một hình thức ghi nhận đóng góp của ứng viên trong quá khứ và triển vọng đóng góp trong tương lai. Đề bạt giáo sư cũng có thể xem là một hình thức tưởng thưởng.

3. Bổ nhiệm chức vụ giáo sư là nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, nhận dạng người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên đó: là học giả, là nhà nghiên cứu, là thành viên của cộng hoà học thuật, là người có thẩm quyền, và là người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những hình ảnh kia thì vẫn chưa thể là giáo sư. Một người có thể chỉ công bố 1-5 (thậm chí 0) bài báo khoa học, nhưng đáp ứng các hình ảnh trên có thể bổ nhiệm làm giáo sư.

4. Giáo sư là chức vụ có thời hạn, thường là 5 năm. Sau 5 năm họ phải được xem xét lại, có vài trường hợp phỏng vấn, để xem có còn xứng đáng với chức vụ giáo sư.

5. Đối với những giáo sư đã nghỉ hưu, một số người có thể dùng danh xưng “Emeritus Professor” (Cựu giáo sư) nếu được sự phê chuẩn của hội đồng khoa bảng của đại học.

Qui trình chung

6. Ở nước ngoài, các đại học tự tạo ra qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm và đề bạt giáo sư. Không có một hội đồng nhà nước hay cấp quốc gia.

7. Qui trình bổ nhiệm và đề bạt hoàn toàn dựa vào bình duyệt (peer-review) của đồng nghiệp trong chuyên ngành. Hồ sơ của ứng viên được gởi ra ngoài trường và nước ngoài để bình duyệt. Không có hội đồng ngành nào bình duyệt hồ sư của ứng viên.

8. Người bình duyệt được chọn sao cho họ có quá trình nghiên cứu thâm niên hơn (nói theo tiếng Anh là senior hơn) ứng viên. Chẳng hạn như giáo sư duyệt hồ sơ của phó giáo sư; phó giáo sư không thể duyệt hồ sơ của phó giáo sư.

9. Tiêu chuẩn khác biệt giữa các đại học. Bởi vì bổ nhiệm giáo sư là cho đại học, mà đại học thì có nhiều đẳng cấp khác nhau, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm cũng khác nhau giữa các đại học. Các đại học ít danh tiếng có tiêu chuẩn tương đối thấp hơn các đại học hàng ‘top’.

10. Ở Úc có 4 bậc giảng viên / giáo sư: lecturer, senior lecturer, associate professor, và professor. Ở Mĩ thì đơn giản hơn vì chỉ có 3 bậc và tất cả đều mang danh professor: assistant professor, associate professor, và professor. Các chức vụ danh dự và ngoại giao như ‘Honorary Professor’ không qua qui trình chung và tiêu chuẩn như các giáo sư chánh thức.

Ba trụ cột và tiêu chuẩn

11. Bộ tiêu chuẩn để đề bạt và bổ nhiệm giáo sư khác biệt cho các cấp bậc giáo sư, nhưng tựu trung lại bao gồm 3 trụ cột. Mỗi trụ cột có hàng loại tiêu chuẩn (dài đến 20 trang). Ba trụ cột đó ở trường UNSW (tiêu biểu) là:

  • Nghiên cứu khoa học
  • Giảng dạy và đào tạo
  • Phục vụ: hoạt động chuyên ngành, xã hội, lãnh đạo

12. Nghiên cứu khoa học được thể hiện qua (i) quá trình nghiên cứu và công bố khoa học; (ii) phẩm chất khoa học; (iii) và tầm ảnh hưởng. Không có bất cứ một qui định là phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được bổ nhiệm hay đề bạt. Không có bất cứ một con số nào về trích dẫn để nói là xứng đáng chức vụ giáo sư, bởi vì đây chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn. Không phải có hàng chục bài trên Nature hay Science hay có nhiều trích dẫn là tự động được bổ nhiệm giáo sư; người ta phải xét toàn diện quá trình nghiên cứu.

13. Giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách các course học, thể hiện sự cách tân trong giảng dạy, kèm theo chứng cớ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho giáo sư ngạch nghiên cứu). ‘Giảng dạy’ ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn sinh viên hậu đại học như nghiên cứu sinh, và hướng dẫn postdoc.

14. Phục vụ qua các hoạt động chuyên ngành, xã hội, và lãnh đạo bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn về (a) đóng góp cho chuyên ngành; (b) đóng góp cho quốc gia nói chung; và (c) vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học.

15. Đóng góp cho chuyên ngành thể hiện qua các vai trò tình nguyện trong các hiệp hội cấp quốc gia và quốc tế, qua vai trò bình duyệt và biên tập trong các tập san khoa học chánh thống.

16. Đóng góp cho xã hội thể hiện qua (i) vai trò trong các hội đồng tư vấn cấp quốc gia cho chánh phủ và các tập đoàn kĩ nghệ; và (ii) tham gia tranh luận các vấn đề xã hội trên các diễn đàn cấp quốc gia và quốc tế.

17. Lãnh đạo tri thức và khoa học (‘intellectual leadership’ và ‘scientific leadership’) rất quan trọng, đặc biệt ở cấp giáo sư thực thụ. Lãnh đạo thể hiện qua các vai trò lãnh đạo trong hiệp hội và tập san khoa học. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các bài xã luận và bình luận được các tập san mời viết. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các giải thưởng, các fellowship danh giá, và chức danh danh dự từ các đại học khác.

18. Mỗi trụ cột (trong 3 trụ cột trên) được đánh giá một cách bán định lượng qua thang điểm 4 giá trị như sau:

  • Outstanding (điểm 3): xuất sắc
  • Superior (điểm 2): trên trung bình
  • Current performance (điểm 1): trung bình theo như kì vọng
  • Below current performance (điểm 0): dưới trung bình, thấp hơn kì vọng

19. Một ứng viên phải đạt 6 điểm hay cao hơn sẽ được đề bạt hay bổ nhiệm. Điều này có nghĩa là nếu 3 trụ cột trên có điểm 2 + 2 + 2, hay 3 + 3 + 0, hay 3 + 2 +1, v.v. thì sẽ được đề bạt và bổ nhiệm.

Về công bố khoa học

20. Không có đại học nào đặt ra số lượng bài báo khoa học phải bao nhiêu để được đề bạt hay bổ nhiệm. Số lượng chỉ nói lên mức độ hoạt động nghiên cứu, không phản ảnh phẩm chất khoa học và tầm ảnh hưởng. Vả lại, số lượng tuỳ thuộc vào chuyên ngành, không thể đưa ra bất cứ con số nào để làm chuẩn.

21. Phẩm chất khoa học là tiêu chuẩn quan trọng trong xét duyệt đề bạt và bổ nhiệm. Phẩm chất khoa học được thể hiện qua vị thế của tập san khoa học trong chuyên ngành (như impact factor), không phải Q1, Q2, Q3, Q4.

22. Những bài trên các tập san dỏm (predatory journals) sẽ không được xem xét. Ứng viên sẽ không bị ‘phạt’ nhưng các bài đó không gây ấn tượng tốt về đạo đức khoa học ở các chuyên gia bình duyệt.

23. Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu thể hiện qua số lần trích dẫn độc lập (không phải tự trích dẫn), số lần được các hồ sơ cục quản lí bằng sáng chế USPTA trích dẫn, số lần được báo chí phổ thông nhắc đến, và chỉ số Almetric.

24. Chỉ số H có thể quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Trước đây, người ta hay có qui luật bất thành văn là ứng viên chức professor thực thụ phải có chỉ số H 20 trở lên (lấy ngành vật lí làm chuẩn) hay có ít nhứt 1,000 citations thì hồ sơ mới đáng được bình duyệt (cấp giáo sư thực thụ), chưa nói đến xứng đáng giáo sư hay không. Nhưng vì chỉ số này bị lạm dụng nhiều, nên ngày nay nó cũng mất đi cái giá, và nhiều chuyên gia chỉ xem nó như là một yếu tố tham khảo.

25. Có bài ‘highly-cited’ là một điểm cộng, nhưng ở Úc nó không bao giờ được xem là yếu tố quyết định trong việc xét duyệt bổ nhiệm chức giáo sư, vì người ta phải xét đến tầm ảnh hưởng của nghiên cứu. Tầm ảnh hưởng được đánh giá qua điểm #23.

26. Các chuyên gia bình duyệt sẽ không ‘ấn tượng’ với các ứng viên chỉ công bố trên các tập san trong chuyên ngành. Họ kì vọng ứng viên phải thoát ra được chuyên ngành ra ‘biển lớn’ qua công bố trên các tập san khoa học cao hơn và ngoài chuyên ngành (như Nature, Science, Cell, JAMA, NEJM, v.v.)

27. Các chuyên gia bình duyệt sẽ ‘ấn tượng’ với ứng viên có những đóng góp ngoài chuyên ngành, vì điều đó thể hiện cái mà họ gọi là ‘breadth and broad’ của ứng viên và khả năng vượt lên chính mình.

28. Vị trí của ứng viên trong bài báo khoa học đóng vai trò rất quan trọng. Ứng viên phải chứng minh mình đóng vai trò lãnh đạo trong nghiên cứu / bài báo, và đây là tiêu chuẩn quyết định. Vị trí lãnh đạo không phải chỉ là tác giả đầu, mà là tác giả correspondence và chứng thực qua “invited review”. Đứng tên trong hàng trăm bài báo mà không có vai trò chủ đạo (nói theo dân khoa học là ‘lính đánh bộ’) sẽ không được đánh giá cao.

29. Thời gian công bố khoa học cũng là yếu tố quan trọng. Tuyệt đại đa số đại học chỉ quan tâm đến:

  • công bố khoa học trong 5 năm qua;
  • 5 bài tốt nhứt trong sự nghiệp; và
  • 5 bài tốt nhứt trong 10 năm qua.

Đa số các bài còn lại gần như không xem xét đến. Có những ứng viên có số bài gia tăng nhanh một cách đột biến, và họ phải giải trình rõ ràng (có người không thèm giải trình), nhưng họ không bị ‘phạt’ vì người ta chỉ xem xét 5-15 bài chánh do ứng viên chọn.

Appeal (kháng nghị)

30. Có những ứng viên bị rớt (không được đề bạt hay bổ nhiệm). Nếu họ thấy quyết định của đại học không công bằng hay không thoả đáng, họ có quyền ‘kháng nghị’, và đại học phải tổ chức đánh giá lại một cách độc lập.

***

Trên đây là tóm tắt những nguyên lí, qui trình và tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở các nước như Úc, Mĩ, Anh, mà tôi biết qua. Dĩ nhiên, các bạn nào quan tâm đọc cho biết người ta làm như thế nào thôi, chớ tôi không kì vọng rằng những nguyên lí, qui trình và tiêu chuẩn đó sẽ áp dụng vào Việt Nam, ngoại trừ các đại học được trao quyền tự chủ. Trong khi Tàu đã và đang theo những chuẩn mực đề ra như mô tả trên của Tây, thì Việt Nam vẫn còn đang loay hoay theo cách làm của Tàu của 20 năm trước và pha một chút dấu ấn của Pháp và Nga.

Ở Việt Nam, những tiêu chuẩn về ‘phong hàm’ rồi ‘công nhận’ giáo sư cứ thay đổi liên tục. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tiêu chuẩn thay đổi, nhưng ngạc nhiên là tính cứng nhắc lệ thuộc (đến mức nô lệ) vào con số. Phải đạt bao nhiêu bài này, bài kia thì mới được chức danh này hay chức vụ kia. Đề ra những tiêu chuẩn định lượng có cái hay là nó tương đối khách quan, nhưng cái dở là nó dễ bị lạm dụng. Trong giai đoạn khoa học còn đang phát triển và trong môi trường cạnh tranh, người ta sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được con số cần thiết, và cái hi sinh ở đây là phẩm chất.

Nếu xét duyệt để đề bạt hay công nhận giáo sư mà chỉ dựa vào con số, thì tôi nghĩ đó là một sai lầm. Sự nghiệp của một người không thể nào tóm lược qua một con số, hay qua những tiêu chuẩn mang tính đơn biến được.

***

[1] Quay lại trường hợp ứng viên bị loại khỏi vòng xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, chúng ta thử áp dụng các tiêu chuẩn trên để xem ứng viên đó có xứng đáng chức vụ giáo sư. Vài dòng tóm tắt về ứng viên:

  • Sanh năm 1976
  • 2010: Tốt nghiệp tiến sĩ về computation engineering từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS, hạng top 30 trên thế giới)
  • 2013: Phó giáo sư
  • 2017: Giáo sư thực thụ của ĐH Tôn Đức Thắng
  • Đã chủ trì 6 đề tài khoa học
  • Công bố khoa học từ 2007 – 2020: 103 bài; trong số này có 70 (68%) bài trên các tập san trong nhóm Q1.

Tuy nhiên, những thông tin trong cái form của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước không nói lên đầy đủ về ứng viên. Chẳng hạn như chúng ta không biết ứng viên đã có vị thế gì trong chuyên ngành trên thế giới, không biết tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu của ứng viên. Đó là vấn của cái form, vì nó không tạo điều kiện cho ứng viên trình bày đầy đủ về những đóng góp của mình. (Thật ra, tôi hơi ngạc nhiên về tính đơn giản của cái form đó).

Sau đây là những thông tin về đóng góp của ứng viên mà cái form trên không có. Những thông tin này thật ra là trích từ hồ sơ ứng viên được chọn để gởi ra bình duyệt và phỏng vấn cho chức vụ professor của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

  • Tổng số citations (trích dẫn): 3758 (Google Scholar); chỉ số H = 35.
  • Hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 44 thạc sĩ (masters)
  • 5 bài báo tốt nhứt trong sự nghiệp (tính đến 2017), trong đó có 2 bài ứnh viên là tác giả đầu. Tổng số trích dẫn của 5 bài này là 429 + 507 + 465 + 281 + 136 = 1818.
  • 5 bài tốt nhứt trong 5 năm qua do ứng viên đứng tên tác giả đầu có tổng số trích dẫn là 98 + 81 + 106 + 78 + 59 = 422.
  • Các giải thưởng: Silver medal upon graduation (Ho Chi Minh City University of Technology); PhD scholarship of National University of Singapore; President graduate fellowship of NUS (Singapore); Best PhD Thesis award (Singapore); Excellence research award of Vietnam National University; và Excellence research award of Ton Duc Thang University.
  • Đóng góp cho chuyên ngành: thành viên ban biên tập của Mathematical Problems in Engineering; chuyên gia bình duyệt của các tập san International Journal for Numerical Methods in Engineering (SCI); Computer Methods in Applied Mechanics and Engineering (SCI); KSCE Journal of Civil Engineering (SCIE); International Journal of Computational Methods (SCIE); Computers and Structures (SCI); Finite elements in analysis and design (SCI); Engineering Analysis with Boundary Elements (SCI); Computational Materials Science (SCI); European Journal of Mechanics – A/Solid (SCI); Thin Wall Structures (SCI); Expert Systems With Applications (SCI); Advances in Materials Science and Engineering (SCIE); Vietnam Journal of Mechanics.

Dựa vào những dữ liệu trên và đối chiếu với 3 trụ cột đề bạt chức vụ giáo sư ở Úc, chúng ta có thể rút ra vài nhận xét:

1. Về trụ cột thứ nhứt là nghiên cứu khoa học

Ứng viên đã chứng tỏ là một nhà khoa học có năng suất tương đối cao. Trong 13 năm, ứng viên công bố 103 bài báo khoa học, tức trung bình mỗi năm khoảng 8 bài. Đó là một năng suất đáng chú ý, nhứt là trong điều kiện hạn chế kinh phí ở Việt Nam.

Nhưng con số đó không nói lên rằng ‘chất lượng’ nghiên cứu khoa học của ứng viên thuộc vào nhóm ‘cao’ (high impact). Chứng cớ thứ nhứt là gần 70% các bài báo của ứng viên được công bố trên các tập san trong nhóm Q1. Con số 70% này thuộc vào nhóm ‘excellent’ của các ứng viên giáo sư Úc. Chứng cớ thứ hai là số lần trích dẫn 3758 lần, với chỉ số H là 35 (theo Google Scholar). Hãy cho là số trích dẫn ISI bằng 75% của Google, thì tổng số trích dẫn của ứng viên là 2818, và với số này, chúng ta có thể ước tính chỉ số H theo ISI của ứng viên là 0.54*sqrt(2818) = 29, tức vẫn cao hơn nhiều so với trung bình. Ngay cả chỉ tính 5 bài tốt nhứt của ứng viên thì số trích dẫn đã hơn 1800, tức là tương đương với các giáo sư thực thụ của một số đại học Úc.

Tuy nhiên, điểm tương đối yếu của ứng viên là chưa thoát ra được các tập san lớn trong khoa học, mà chỉ mới đóng khuôn trong các tập san chuyên ngành. Điều này là điểm yếu, nhưng cũng là vấn đề chung ở Việt Nam. Để thoát khỏi chuyên ngành hẹp ra ‘biển lớn’ rất ư khó khăn và đòi hỏi phải có những nỗ lực liên ngành cùng ngân sách dồi dào mà có lẽ ở Việt Nam rất khó có được. Tuy vậy, ứng viên được xếp vào nhóm một số rất ít nhà khoa học ‘most-cited’ của Việt Nam (theo PLoS Biology, 2019) và trên thế giới.

Do đó, điểm cho trụ cột 1 trong bối cảnh Việt Nam là 3.

2. Trụ cột thứ hai là giảng dạy.

Ứng viên là nhà nghiên cứu và công việc chánh là nghiên cứu khoa học, nên giảng dạy không phải là lãnh vực. Vả lại, ĐH Tôn Đức Thắng chỉ mới có chương trình đào tạo tiến sĩ gần đây. Tuy nhiên, ứng viên có hướng dẫn thành công 1 luận án tiến sĩ, và hơn 40 thạc sĩ. Đối với nước ngoài thì mức độ đào tạo như vậy là khiêm tốn, nhưng ở Việt Nam thì tôi nghĩ đóng góp cho đào tạo như vậy có thể xem là chỉ trên trung bình một chút của một giáo sư.

Điểm cho trụ cột 2 trong bối cảnh Việt Nam là 1.5.

3. Trụ cột thứ ba là engagement.

Trong lãnh vực này, ứng viên tỏ ra là khả năng leadership trong khoa học qua vai trò trong ban biên tập của tập san chuyên ngành. Ứng viên cũng được cộng đồng khoa học ghi nhận qua các giải thưởng trong chuyên ngành và qua thành công thu hút tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Ứng viên cũng tỏ ra có đóng góp cho đại học qua vai trò lãnh đạo một viện nghiên cứu.

Tuy nhiên, điểm yếu của ứng viên là chưa có được những ‘invited lecture’ (mời giảng) hay ‘invited review’ (mời viết tổng quan), ‘invited editorial’ (mời viết xã luận), nhưng đây cũng là tình hình chung ở Việt Nam, vì đa số ít có cơ hội để vươn tầm quốc tế. Ứng viên cũng chưa có đóng góp vào các chánh sách công ở Việt Nam, nnhưng điều này thì có lẽ là ‘không thể’ ở Việt Nam.

Điểm cho trụ cột 3 trong bối cảnh Việt Nam là 1.5.

Dựa vào những phân tích trên từ một người ngoài cuộc và ‘ngoại đạo’ tôi nghĩ ứng viên đủ điểm để được đề bạt chức vụ giáo sư. Trong thực tế thì ngay cả những giáo sư nước ngoài trong chuyên ngành của ứng viên cũng đánh giá cao và cho rằng ứng viên xứng đáng chức vụ giáo sư. Thật ra, một số giáo sư ở Úc (ví dụ như [1,2]) cũng có thành tích khoa học như ứng viên thôi.

Nhưng chúng ta phải xem xét trong bối cảnh Việt Nam, không thể so với nước ngoài được. Cách so sánh đơn giản và thực tế nhứt là xem xét nghiên cứu khoa học của ứng viên so với các thành viên trong hội đồng xét công nhận chức danh giáo sư [3].

Trong hội đồng xét duyệt có vài người có nhiều công bố khoa học hơn ứng viên (tuy nhiên trích dẫn thì chưa rõ), nhưng đa số thì có ít công bố hơn ứng viên. Nếu tính trung bình thì số bài báo trên các tập san quốc tế của các thành viên trong hội đồng là 17 (median), nhưng dao động từ 8 đế 216 bài. Ứng viên có 103 bài.

Ở trên, tôi có nhận xét rằng ứng viên chưa vươn ra các tập san ‘biển lớn’ và chưa chứng tỏ ‘intellectual leadership’, nhưng cũng nên công bằng là chưa có ai trong hội đồng xét duyệt làm được như vậy. Do đó, nếu lấy thành tích nghiên cứu khoa học của hội đồng làm chuẩn thì ứng viên rõ ràng là đạt tiêu chuẩn chức vụ giáo sư.

***

[1] https://www.engineering.unsw.edu.au/electrical-engineering/staff/wei-zhang

[2] https://scholar.google.com.au/citations?user=AzZ3wp8AAAAJ&hl=en

[3] http://hdgsnn.gov.vn/…/2-HD%20Co%20hoc%20LLKH%202020

Giải Nobel Y học 2020: một ca tiêu biểu về ‘translational science’ cho bệnh viêm gan

Giải Nobel Y Sinh Học năm 2020 được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter (Viện Y tế Hoa Kì), Michael Houghton (Đại học Alberta, Canada), và Charles M. Rice (Đại học Rockefeller, New York). Họ được vinh danh về khám phá siêu vi C gây bệnh viêm gan C. Khám phá của họ dẫn đến các phuơng pháp xét nghiệm và thuốc điều trị, giúp cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Đây chính là một ví dụ tiêu biểu về ‘khoa học triển khai’ hay ‘translational science’. Nhưng giải thưởng năm nay còn là một lời nhắc nhở về sự đe doạ của căn bệnh thầm lặng và gánh nặng kinh tế của bệnh nhân ở các nước nghèo.

Bệnh viêm gan C không xa lạ gì với người Việt chúng ta. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dữ liệu khoa học về gánh nặng của căn bệnh này trong cộng đồng còn rất hạn chế [1]. Kết quả của một nghiên cứu trên 8000 người từ Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà, đến Cần Thơ, cho thấy số người bị nhiễm HCV rất cao. Chẳng hạn như tỉ lệ nhiễm lên đến 56% ở những người dùng thuốc ma tuý qua đường tiêm chích (IDU), 27% ở những người chạy thận, 9% ở những người bán dâm, và thậm chí gần 2% ở những bệnh nhân qua phẫu thuật [2]. Theo một phân tích tổng hợp của Tiến sĩ Dương Minh Cường (Đại học New South Wales, Úc), tính chung số người bị nhiễm HCV là khoảng 4% trong dân số [3].

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới có khoảng 2% dân số hay 150 triệu người bị nhiễm HCV [4], và mỗi năm có khoảng 400,000 người chết vì viêm gan C. Những dữ liệu dịch tễ học này cho thấy viêm gan C là một mối đe doạ tiềm ẩn trên thế giới, vá đặc biệt là các nước còn nghèo như Việt Nam.

Bệnh viêm gan C ngày nay được xem là một trong những bệnh có thể chữa khỏi. Nhưng câu chuyện đằng sau của thành tựu lớn này có thể xem như một cuốn tiểu thuyết khoa học, với những nhân vật được trao giải thưởng Nobel năm nay, và sự kiện theo thời gian. Câu chuyện bắt đầu từ viêm gan A và B, từ câu hỏi ‘thủ phạm là ai’, và theo sau là hàng loạt nghiên cứu kéo dài trong nhiều thập niên, dẫn đến thuốc có thể chữa dứt bệnh viêm gan C.

Viêm gan A và B

Viêm gan không phải là bệnh mới, bởi vì nó là một phần của lịch sử nhân loại. Những ca bệnh viêm gan được mô tả trong y văn cổ từ những 5000 năm trước đây, với vàng da là một triệu chứng được xem là ‘huyền bí’. Triệu chứng rất dễ nhận biết: đau bụng, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, và trong nhiều trường hợp dẫn đến suy gan và tử vong.

Mãi đến thế kỉ 20 các nhà khoa học mới khám phá rằng thủ phạm là con virus gây nhiễm tế bào trong gan. Trong một bài báo công bố vào năm 1908, Bác sĩ MacDonald mô tả tác nhân gây bệnh viêm gan mà nay chúng ta biết là siêu vi A. Những thí nghiệm (mà ngày nay được xem là vi phạm y đức) ở Đức và Anh để cho lây lan từ người sang người trong thời gian 1930-1945 xác định rằng ‘bệnh vàng da’ là do virus.

Sau đó, giới khoa học chia các bệnh nhân thành 2 nhóm: viêm gan do virus loại A (Heptatitis A) và viêm gan do virus loại B (Heptatitis B). Viêm gan siêu vi A lây lan từ người sang người qua đường thức ăn và nước, và có thời gian ủ bệnh ngắn. Viêm gan siêu vi B lây lan qua đường máu và có thời gian ủ bệnh tương đối dài. Vấn đề đặt ra là làm sao nhận dạng ra thủ phạm hay con virus nào gây bệnh?

Các virus lợi dụng kí chủ để sản sinh protein, và do đó nghiên cứu protein là một cách để nhận dạng virus. Năm 1965, Tiến sĩ Baruch Blumberg (một nhà di truyền học người Mĩ) phát hiện siêu vi B là nguyên nhân của viêm gan. Năm 1976, Tiến sĩ Blumberg và Daniel Gajdusek được trao giải thưởng Nobel Y sinh học về khám phá này. Con virus này thoạt đầu có tên là “Australian Antigen” vì được phát hiện từ mẫu máu của một người thổ dân người Úc.

Sau khám phá siêu vi B là phát triển phương pháp xét nghiệm. Từ năm 1971 trở đi ở Mĩ các bác sĩ đã có thể xét nghiệm tầm soát siêu vi B và giúp giảm tần số nhiễm xuống 25%. Bốn năm sau, Tiến sĩ Blumberg và Milman phát triển vaccine cho việc phòng chống viêm gan B. Tuy nhiên, qua phân tích sâu hơn, họ phát hiện rằng siêu vi B chỉ ‘chịu trách nhiệm’ cho chừng 25-50% các ca viêm gan. Họ nghĩ rằng thủ phạm của số ca còn lại phải là siêu vi A.

“Không A và không B”

Thế nhưng vào năm 1970, Harvey Alter và đồng nghiệp thuộc NIH chỉ ra rằng đa số các ca viêm gan không phải do siêu vi A, cũng chẳng phải do siêu vi B! Và, quan trọng hơn, những người bị viêm gan không do siêu vi B này ít khi nào biểu hiện triệu chứng, và do đó khó phát hiện. Họ không biết gọi bệnh này là gì, nên cho nó cái tên dài dòng là ‘Viêm gan không-A và không-B’ (Non-A, Non-B Hepatitis)!

Trong khi thủ phạm của viêm gan không-A và không-B vẫn chưa được xác định, giới khoa học nghiên cứu cách điều trị. Họ dùng thuốc interferon alpha (một protein sản xuất bởi các tế bào miễn dịch chống lại viêm). Trong một nghiên cứu chỉ trên 10 bệnh nhân được điều trị 16 tuần ở NIH, họ quan sát rằng tất cả đều bình phục tốt. Thế nhưng khi ngưng interferon thì bệnh tái phát sau 4 tháng. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân đó, khi được điều trị lại bằng interferon thì gan của họ trở bên tốt hơn và thậm chí bình thường sau 1 năm.

Tuy nhiên, kết quả trên chỉ ra mang tính sơ khởi, và giới khoa học phải tiến hành một nghiên cứu qui mô lớn hơn. Kết quả của nghiên cứu lớn này cho thấy hiệu quả của interferon không quá tốt như quan sát bước đầu. Họ thử nghiệm thêm bằng cách cho bệnh nhân dùng cả interferon và ribavirin (một thuốc chống virus) thì thấy kết quả khả quan hơn là chỉ với interferon. Tuy nhiên, 50% bệnh nhân vẫn không có kết quả tốt, đó là chưa kể những phản ứng khi điều trị như sốt, mệt mỏi, đau cơ, có khi trầm cảm. Điều này cho thấy cần phải nghiên cứu thêm.

Khám phá HCV

Thủ phạm’ của viêm gan C được phát hiện vào năm 1989 và bởi một nhóm khoa học tư nhân. Năm 1989, Michael Houghton và đồng nghiệp (Qui Lim Choo, George Kuo) làm việc cho công ti Chiron Corporation) và Daniel Bradley (thuộc CDC) thành công trong việc tạo ra được một bản sao của virus mà sau này họ đặt tên là “hepatitis C virus” [5-6] hay HCV.

Việc phát hiện HCV là một kì công khoa học. Theo bài báo mô tả, Choo, Kuo và Houghton chiết xuất RNA và DNA từ huyết thanh của các con khỉ tinh tinh, sau đó họ làm cDNA từ RNA và cấy vào các bản sao của HCV để quan sát quá trình hình thành protein. Sau đó, họ tầm soát các protein ở bệnh nhân được định danh là “Non-A, Non-B hepatitis”. Diệu kì thay, tầm soát hàng triệu protein, họ phát hiện chi 1 protein duy nhứt, và HCV được khám phá từ đó.

Do đó, năm 1989 được xem là một cái mốc thời gian quan trọng trong việc chinh phục bệnh viêm gan C. Khám phá HCV mở một cánh cửa vô cùng quan trọng trong các bước nghiên cứu sau đó. Xét nghiệm kháng thể HCV được sáng chế và giúp cho việc tầm soát dịch tễ trong cộng đồng chính xác hơn. Xét nghiệm này còn giúp xác định đường lây nhiễm HCV chủ yếu ở những người được truyền máu. Ở trên, tôi có đề cập rằng những người dùng tiêm chính ma tuý, bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân truyền máu có nguy cơ nhiễm HCV rất cao. Do đó, năm 1990, giới khoa học phát triển một phương pháp xét nghiệm dựa trên huyết tương để tầm soát những ca bị nhiễm HCV và bảo vệ người được truyền máu.

Sau phương pháp xét nghiệm là phát triển thuốc điều trị. Nhưng vấn đề là sự đa dạng di truyền của HCV cùng với sự yếu ớt của hệ miễn dịch chống lại HCV làm cho việc phát triển vaccine trở nên rất khó khăn. Chưa làm được vaccine thì nghĩ đến thuốc. Thuốc điều trị viêm gan B được nghĩ đến như là một ‘ứng viên’ cho điều trị viêm gan C. Thuốc interferon alpha-2b được thử nghiệm trong điều trị bệnh nhân viêm gan C, nhưng kết quả không mấy khả quan. Ngay cả thêm ribavirin cũng không dẫn đến kết quả như mong đợi, mà còn gây tác hại cho bệnh nhân.

Những thành tựu trong nghiên cứu về virus chỉ ra hướng phát triển thuốc mới. Những thuốc này tác động đến các protein phi cấu trúc (nonstructural proteins) của HCV để ngăn chận sự phân lập của virus trong gan. Năm 2011, thế hệ đầu tiên của thuốc này được phê chuẩn cho điều trị viêm gan C. Khi thuốc mới được dùng với interferon và ribavirin cải tiến tỉ lệ thành công lên đến 70%. Năm 2013, FDA phê chuẩn thêm một loại thuốc mới trong nhóm DAA (direct acting antiviral) thuộc thế hệ thứ hai và tỉ lệ điều trị thành công lên đến 90% sau 12‐24 tuần điều trị. Ngày nay, viêm gan C được xem là một trong những bệnh có thể “cure” (chữa khỏi).

Bài học về nghiên cứu khoa học

Điểm qua hành trình dẫn đến khám phá HCV và những thành tựu theo sau cung cấp cho chúng ta rất nhiều bài học về nghiên cứu khoa học. Có lẽ bài học đầu tiên và quan trọng nhứt là hợp tác trong nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều nhóm gần như độc lập với nhau, nhưng mỗi nhóm có một đóng góp đặc thù. Nhóm của Giáo sư Harvey Alter nhận ra một khoảng trống tri thức rằng siêu vi A và B chỉ giải thích được một số ít những ca viêm gan, và câu hỏi là ‘thủ phạm’ còn lại là gì. Nhóm của Giáo sư Michael Houghton trả lời câu hỏi này: đó chính là HCV. Sau cùng, nhóm của Giáo sư Charles Price xác định rằng chính HCV là nguyên nhân của viêm gan C. Chúng ta thấy một hành trình tuyến tính từ câu hỏi nghiên cứu, khám phá tác nhân, và xác định tác nhân.

Trong hành trình khám phá này có vài người có công đầu nhưng họ không/chưa được ghi nhận. Đó là tiến sĩ Qui Lim Choo (người gốc Singapore) và George Kuo (gốc Đài Loan), cộng tác viên và cấp dưới của Giáo sư Michael Houghton. Theo Giáo sư Houghton cho biết, vào thập niên 1990 ông từng được trao giải thưởng danh giá Robert Koch, nhưng ông từ chối giải thưởng, vì ban tổ chức không chịu trao cho Choo và Kuo. Đến năm 2013, ông lại được chọn trao giải thưởng rất danh giá của Canada (giải Gairdner) nhưng ông cũng từ chối vì ban tổ chức không chịu trao cho Choo và Kuo! Trong khoa học, có nhiều trường hợp mà người có công đầu không được ghi nhận bằng những giải thưởng, mà sếp của họ thì lại được ghi nhận.

Có lẽ bài học lớn nhứt từ câu chuyện của giải Nobel Y sinh học năm nay là quá trình triển khai từ khám phá ban đầu sang ứng dụng trong lâm sàng. Có thể nói không ngoa rằng đa số (có thể hơn 95%) các nghiên cứu gọi là ‘cơ bản’ không có giá trị ứng dụng. Những lí do có quá nhiều nghiên cứu cơ bản ‘vô dụng’ bao gồm nghiên cứu đặt câu hỏi sai, nghiên cứu cho ra kết quả sai, hay kết quả không thể lặp lại bởi nghiên cứu khác. Lí do là vì đa số giới khoa học chỉ theo đuổi và quan tâm đến danh vọng hơn là phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, hành trình nghiên cứu HCV cho thấy các nhà khoa học đặt câu hỏi thực tế, và kết quả do đó cũng có giá trị thực tiễn. Giáo sư Houghton cho biết rằng ông không quan tâm đến giải thưởng (và ông đã từng từ chối vài giải danh giá), vì đối với ông, đem lại phúc lợi cho bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu.

Trong vài năm gần đây, các quĩ tài trợ cho nghiên cứu khoa học không phân biệt giữa cái mà có người gọi là “khoa học cơ bản” và “khoa học ứng dụng”; họ quan tâm đến tầm ảnh hưởng và cái mà họ gọi là “translational science“, có thể hiểu là khoa học triển khai. Các quĩ tài trợ khoa học ưu tiên cho các dự án mà kết quả có khả năng triển khai sang ứng dụng lâm sàng như phương pháp xét nghiệm, mô hình tiên lượng bệnh, liệu pháp điều trị và phòng ngừa. Nếu chưa có khả năng ứng dụng trong tương lai gần thì nghiên cứu cần phải chứng minh khả năng gây ảnh hưởng trong chuyên ngành và được các nhà khoa học khác sử dụng. Giải thưởng Nobel Y sinh học năm nay cung cấp một tấm gương về nghiên cứu khoa học vượt qua sự phân biệt [không cần thiết] giữa ‘cơ bản’ và ‘ứng dụng’; đây chính là một ví dụ tiêu biểu về ‘translational science’ mà đáng lí ra cần khuyến khích nhiều hơn trong tương lai.

Kể từ ngày khám phá HCV đến nay là 30 năm. Trong 30 năm đó, hàng triệu người trên thế giới đã được cứu mạng nhờ vào khám phá HCV và những thành tựu sau khám phá. Giải Nobel Y sinh học được trao cho các nhà khoa học có những khám phá đem lại lợi ích lớn nhứt cho nhân loại. Giải thưởng năm nay rất phù hợp với chủ trương đó.

Thách thức về kinh tế

Ngày nay, viêm gan C được xem là một trong những bệnh có thể “cure” (chữa khỏi). Tuy nhiên, chi phí điều trị thì có khi rất khác biệt giữa các nước. Qua tìm hiểu y văn, giá thuốc Sofosbuvir cho 12 tuần điều trị dao động rất lớn giữa các nước. Đứng đầu là Mĩ với chi phí 84,000 USD. Các nước láng giềng, giá thuốc sofosbuvir cho 12 tuần điều trị ở Thái Lan (320 USD), Kampuchea (120 USD, với sự hỗ trợ của Médecins Sans Frontières).

Riêng ở Việt Nam, theo một nghiên cứu công bố gần đây thì giá thuốc 12 tuần điều trị với sofosbuvir tốn từ 2068 – 2230 USD, tức cao hơn so với các nước láng giềng vừa kể. Ở Úc, do chánh sách bảo hiểm y tế khá tốt, nên bệnh nhân chỉ trả khoảng 28 USD mỗi tháng (thu nhập bình quân của người Úc hiện nay là khoảng 50,000 đô-la một năm).

Thành công trong nghiên cứu khoa học và điều trị viêm gan C vẫn chưa triển khai thành công trên phương diện bình đẳng trong điều trị. Trong khi đó, viêm gan C vẫn là mối đe doạ của hơn 150 triệu người trên thế giới, và chừng 4 triệu người ở Việt Nam. Do đó, giải Nobel năm nay cũng có thể xem là một lời nhắc nhở đến các giới chức y tế không nên xao lãng căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm này, và cần phải có những biện pháp y tế công cộng để giảm tần số mắc bệnh đến mức thấp nhứt. Quan trọng hơn, Chánh phủ cần phải có chánh sách bảo hiểm để giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân.

Tóm tắt lí lịch 3 nhà khoa học được trao giải Nobel Y Sinh học 2020

Harvey J. Alter sanh năm 1935 ở New York trong một gia đình gốc Do Thái. Ông tốt nghiệp bác sĩ từ Đại học Rochester. Năm 1961 ông tham gia Viện Y tế quốc gia Hoa Kì (NIH) như là một trợ lí nghiên cứu. Sau đó ông tiêu ra vài năm nghiên cứu ở Đại học Georgetown trước khi quay về NIH vào năm 1969 và trở thành một nhà khoa học cao cấp (senior investigator). Năm 1989, ông và đồng nghiệp khám phá virus lúc đó đặt tên là “non-A, non-B virus” (sau này đổi tên là HCV) và công trình này công bố trên tập san Science.

Michael Houghton sanh năm 1949 ở Anh. Ông tốt nghiệp tiến sĩ từ King College (Anh) vào năm 1977. Ông có một thời gian làm nghiên cứu cho các công ti sinh học G. D. Searle & Company và Chiron (1982). Ở Chiron, ông làm nghiên cứu với Qui Lim Choo, George Kuo và Daniel Bradley. Năm 2010 ông chuyển về Đại học Alberta, nơi ông được bổ nhiệm làm chức giáo sư thực thụ và điều hành trung tâm nghiên cứu virus học Li Ka Shing. Ông có một thành tích khoa học đáng nể, với chỉ số H lên đến 96. Ông và đồng nghiệp khám phá ra virus mà chúng ta sau này biết là HCV.

Charles M. Rice sanh năm 1952 ở Sacramento. Ông tốt nghiệp tiến sĩ từ Viện Công nghệ California (CalTech) vào năm 1981, và nghiên cứu hậu tiến sĩ từ 1981 – 1985. Ông thành lập nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington (St Louis) vào năm 1986 và trở thành giáo sư thực thụ vào năm 1995. Từ năm 2001 ông là giáo sư của Đại học Rockefeller (New York). Ông là tác giả hay đồng tác giả của hơn 400 bài báo khoa học. Ông là người có công xác định HCV là thủ phạm của bệnh viêm gan C.

Ai có công đầu trong khám phá HCV?

Trong thực tế, 3 người khác có công đầu trong việc khám phá HCV là tiến sĩ Qui Lim Choo (gốc Singapore) và George Kuo (gốc Đài Loan), và Daniel Bradley. Có thể xem qua danh sách tác giả trong bài báo trên Science [5-6] để thấy công đầu của Choo và Kuo. Thế nhưng họ lại là người bị thiệt thòi trong các giải thuởng, và điều này làm cho Giáo sư Michael Houghton bất bình.

Vào thập niên 1990s Quĩ Robert Koch báo là sẽ trao giải thưởng Robert Koch cho ông và Tiến sĩ Daniel Bradley. Ông yêu cầu trong danh sách phải thêm tiến sĩ Qui Lim Choo và George Kuo, nhưng Quĩ không chịu. Thế là ông từ chối giải thưởng Robert Koch. Năm 2013 ông được trao giải Gairdner International Award (được xem là giải “Nobel con” với giá trị $100,000) nhưng ông cũng từ chối vì không có tên hai đồng nghiệp của ông. Năm 2000, ông và giáo sư Alter được trao giải Lasker, và ông cũng yêu cầu trao cho tiến sĩ Choo và tiến sĩ Quo, nhưng họ cũng không chịu, thế nhưng lần này thì ông chấp nhận giải Lasker.

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần