Một cô gái phi thuờng, một ‘game changer’

Cô tên là Amanda Nguyễn, 28 tuổi, được đề cử giải Nobel Hoà Bình năm 2019 [1]. Cô còn được tạp chí Time xếp vào nhóm 100 người có ảnh hưởng lớn (Time 100 Next”) [2]. Cuộc đời và sự nghiệp của Amanda là một tấm gương về nghị lực phi thường vì cộng đồng. Cô ấy xứng đáng với danh hiệu “Game Changer”.

Amanda Nguyen, sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức RISE

Hôm qua đọc một bản tin do một người bạn ‘share’ tôi mới biết đến Amanda Nguyễn, và rất ngưỡng phục cô ấy. Amanda sanh năm 1991 ở Corona, thuộc Los Angeles, California. Thân phụ cô là Nguyễn Minh Tú và thân mẫu là Tăng Ngọc Lan, là người tị nạn, gốc Bạc Liêu. Thân mẫu cô từng là sinh viên luật của Đại học Vạn Hạnh, và ngay từ thời đó đã có những hoạt động từ thiện xã hội nổi bật, kể cả giúp đỡ trong chương trình Operation Baby Lift. Bà Ngọc Lan kể lại rằng ngay từ lúc sanh ra, Amanda không khóc mà tò mò nhìn chung quanh [3]. Có thể nói Amanda sanh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động xã hội.

Ngay từ tiểu học và trung học, Amanda đã là một học sinh xuất sắc và có khả năng lãnh đạo. Ở lớp 1 mà đã có khả năng phát biểu trước đám đông ở trường và được giao chức vụ lãnh đạo học sinh và gây quĩ giúp bệnh nhân ung thư. Lên trung học, Amanda lại được giao những chức vụ lãnh đạo và được bầu chủ tịch hiệp hội “Future Business Leaders of America” (Lãnh đạo thương mại tương lai) của tiểu bang California nhiệm kì 2008-2009. Nhưng không chỉ là lãnh đạo, về học hành Amanda cũng đứng đầu, tốt nghiệp hạng “Valedictorian” (thủ khoa). Với một thành tích học tập và hoạt động xã hội như thế, không ngạc nhiên khi Amanda được các đại học lừng danh (như UCLA, Stanford, Barkeley, Harvard, v.v.) sẵn sàng cho học bổng. Amanda quyết định chọn Harvard, vì đó là mục tiêu cô đặt ra và phấn đấu lúc còn ở bậc trung học. Chuyện kể rằng, trong phòng riêng, cô viết trên bảng trắng những lời tự rèn luyện và tự giữ kỉ luật để sao cho vào được Đại học Harvard.

Ở Harvard, Amanda theo đuổi chương trình cử nhân [tạm dịch] Văn chương và Khoa học (Bachelor of Arts and Science) và tốt nghiệp năm 2013. Trong thời gian theo học ở Harvard, Amanda cũng tiếp tục là một ‘hiện tượng’. Amanda sáng lập ra một course học do sinh viên viết về lịch sử nô lệ, và việc làm này được xem là ‘lịch sử’ của Harvard. Bài luận văn của Amanda được chọn in trong tuyển tập “Harvard Admission Essay Book”. Ngoài học hành, Amanda còn tiếp tục làm việc xã hội nhưng lần này thì tầm quốc tế. Và, ở tuổi 19, cô đi Bangladesh, và giúp truy tố một người đàn ông đã giết cháu gái mình vì đứa cháu bị hiếp. Cô sáng lập ra nhà để nuôi 500 trẻ mồ côi ở Kenya. Điều phi thường là tất cả những việc đó cô làm được trong lúc ở tuổi sinh viên!

Ngay sau khi tốt nghiệp năm 2013, Amanda được nhận vào làm ‘intern’ (thực tập sinh) tại trung tâm không gian NASA và đồng thời làm việc cho trung tâm vật lí thiên văn Harvard–Smithsonian Center for Astrophysics. Amanda có thời gian làm người liên lạc viên tại Toà Bạch Ốc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kì.

Năm 2013 cũng là một cái mốc định mệnh về cuộc đời của Amanda, khi cô bị hiếp trong kí túc xá ở Massachusetts. Lúc đó cô quyết định chưa truy tố kẻ tội phạm ra toà vì nghĩ rằng mình chưa đủ tài chánh và tài nguyên để ra toà mà có thể kéo dài nhiều năm. Cảnh sát cho biết rằng luật pháp Massachusetts cho phép cô có thời gian 15 năm để truy tố kẻ tội phạm. Nhưng trong thời gian đó, nạn nhân phải cứ 6 tháng làm thủ tục để gia hạn bộ ‘rape kit’ (pháp y chứng). Sau 6 tháng mà không có gia hạn thì pháp y chứng sẽ bị huỷ bỏ (và nạn nhân khó truy tố kẻ tội phạm)! Sau khi nói chuyện với nhiều nạn nhân khác, Amanda nhận ra sự vô lí của luật pháp và quyết định phải thay đổi bộ luật bất công đó. Năm 2014, Amanda quyết định sáng lập hiệp hội RISE (đứng lên) để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nạn nhân bị hiếp. Năm 2016, qua sự bảo trợ của Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, Amanda đưa dự luật vào Quốc Hội Hoa Kỳ và được Hạ Viện cũng như Thượng Viện thông qua. Tháng 10/2016 Tổng Thống Barack Obama kí đạo luật Sexual Assault Survivors’ Rights Act, và đến nay, đạo luật này đã được thông qua ở 25 tiểu bang, yêu cầu chánh phủ phải rõ ràng trong quá trình xét nghiệm nạn nhân bị hiếp. Năm 2016 Amanda nghỉ việc ở Bộ Ngoại giao để dành toàn thời gian cho việc điều hành tổ chức RISE.

Amanda được trao rất nhiều giải thưởng danh giá ở Mĩ và trên thế giới. Trong danh sách giải thưởng có giải Heinz Award về chánh sách công, “Time 100 Next”, “Forbes 30 under 30”, và Nelson Mandela Changemarker Award. Năm 2019, cô được đề cử giải Nobel Hoà Bình [1]. Xin nhấn mạnh rằng cô ấy năm nay chỉ 28-29 tuổi!

Câu chuyện của Amanda Nguyễn cho ra nhiều bài học về nền tảng gia đình, nền giáo dục, và cả thể chế dân chủ. Xuất thân trong một gia đình có giáo dục đàng hoàng và có truyền thống làm việc thiện, nên Amanda chắc cũng thừa hưởng được truyền thống đó từ mẹ mình. Ra ngoài gia đình, cô ấy được học trong một môi trường giáo dục khuyến khích hoạt động xã hội và rèn luyện khả năng lãnh đạo. Lên đại học, cô sinh viên Amanda có cơ hội phát huy khả năng lãnh đạo thời trung học để làm việc lớn hơn. Nhưng quan trọng nhứt là Amanda chứng minh rằng một cá nhân có thể làm thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực hơn, hay nói theo ngôn ngữ khoa học thời thượng hiện nay là “Game Changer”. Amanda Nguyễn là một Game Changer.

Để làm một việc ở bậc “Game Changing” đòi hỏi phải có một môi trường thuận lợi. Đối với Amanda, môi trường đó chính là giáo dục và thể chế. Thử tưởng tượng nếu Amanda ở Việt Nam thì có lẽ cô ấy không có cơ hội để thể hiện khả năng lãnh đạo và thay đổi luật pháp. Thật ra, ngay cả xã hội Việt Nam cũng không khuyến khích một đứa trẻ có những suy nghĩ lớn lao (thậm chí còn mang tiếng là ‘khùng’). Tựu trung lại, một ‘game changer’, ngoài khả năng lãnh đạo và can đảm, còn đòi hỏi một môi trường cởi mở và chấp nhận cái mới.

***

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Amanda_Nguyen

[2] https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/amanda-nguyen-phu-nu-goc-viet-trong-danh-sach-time-100-next

[3] https://thenewviet.com/mot-hien-tuong-nguoi-viet.html

Nhìn lại giá trị nhân bản, dân tộc, khai phóng

Mấy hôm nay, báo chí ồn ào chung quanh cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt dành cho lớp 1. Có người cho rằng đây là một cuốn sách thảm hoạ, và tôi cũng đồng ý. Bây giờ đọc lại những cuốn sách giáo khoa thời xa xưa (1960, 1970) sao mà thấy tiếc cho một nền giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng.

Đây là cuốn sách giáo khoa mà cộng đồng xem là một “thảm hoạ”. Bình luận của nhà báo Nguyễn Tiến Tường:

“Sách được viết bằng rất nhiều từ địa phương. Thay vì dùng từ phổ thông chuẩn, nhóm biên soạn sử dụng ngôn ngữ địa phương Bắc bộ. Thậm chí chỉ khu trú trong một vài vùng nhỏ Bắc bộ. Ví dụ: Thay vì viết “không” thì viết “chả”, thay vì viết “nhai” thì viết “nhá” cỏ, “nhá” dưa, “gà con” lại viết thành “gà nhép”, “gà nhí”. Con thỏ thì “nhá” cỏ “nhá” dưa, con cò thì “chén” con cá. Ngôn ngữ rất thô tục!”

Trước hết là cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt, đọc qua những gì báo chí trích dẫn thì thấy khó chấp nhận được. Sách giáo khoa gì mà dùng ngôn ngữ thô tục, quê mùa ở miền Bắc làm chuẩn cho cả nước? Ngạo mạn ghê! Lại còn dạy (gián tiếp) gieo vào học trò tánh gian dối và lười biếng. Sách giáo khoa học tiếng Việt thì hà cớ gì trích dẫn mấy ông Nga? Đó là chưa kể vài năm trước đây còn có “bài toán chặt tay” gây sốc một thời gian. Thiệt là không thể hiểu nổi! Sau gần nửa thế kỉ thống nhứt đất nước mà nền giáo dục tệ như thế này! Có lẽ đây là tín hiệu rõ nhứt về một nền giáo dục loạng quạng, mất dân tộc tính.

Chúng ta thử so sánh với sách giáo khoa thời VNCH. Đây là cuốn “Em Học Vần” lớp 1 năm 1971. Qua các trang tôi trích lại, chúng ta thấy gì? Theo tôi, chúng ta có thể thấy rõ đó là một cuốn sách đầy ắp tinh thần và đạo lí dân tộc. Tất cả các câu chuyện trong sách đều lấy từ thực tế Việt Nam, đặc biệt là nông thôn, rất gần gũi với học trò. Từ con cá đến trái bí (không có trái táo nhé) mà học trò đều thấy và dễ nhớ. Các soạn giả lấy đời sống thường nhựt ra làm câu chuyện (chớ chẳng có con lừa hay ngựa xa xôi đâu bên Nga). Họ nêu cao vẻ đẹp của đất nước Việt Nam bằng những bức hoạ cảnh quang đẹp và thơ mộng, rất gần với đời thường. Họ có ý dùng những câu chuyện trong nhà hay ngoài xã hội để duy trì đạo lí cổ truyền của dân tộc, kính trên nhường dưới. Họ còn lấy quốc sử để rèn luyện tinh thần dân tộc – quốc gia. Họ dạy học trò tinh thần sống hoà đồng với thiên nhiên và gia cầm (như câu chuyện con chó lượm trái banh). Nói chung, đó là một cuốn sách gần như hoàn hảo.

Nhưng nếu chịu khó đọc lại các sách giáo khoa khác thời đó, chúng ta dễ thấy tất cả đều được soạn theo các đặc điểm trên. Thật ra, đằng sau đó là chỉ thị của Chánh phủ Phan Huy Quát. Trong chỉ thị, ông Quát nói rõ sách bậc tiểu học phải “Nêu cao tinh thần quốc gia để khích lệ lòng ái quốc và chấn khởi dân khí. Tinh thần quốc gia Việt Nam ngày nay là tinh thần của một dân tộc biết tự cường, tự lập, biết phấn đấu để giành độc lập, biết kiên quyết để giữ giang sơn Tổ quốc, biết nỗ lực để ganh đua với người ngoài trên con đường tiến hóa của nhân loại.” Ở một đoạn khác trong chỉ thị, ngoài phần trí dục, ông Quát còn đề ra khía cạnh đức dục và thể dục cho học trò tiểu học. Bất cứ sách giáo khoa nào thời đó cũng đều đặt nặng phần đức dục (rèn luyện đạo đức).

Tại sao sách giáo khoa ngày xưa có ý nghĩa đến như vậy? Lí do là vì đó là một nền giáo dục xây dựng trên nền tảng của 3 nguyên lí: nhân bản, dân tộc, và khai phóng.

  • Nhân bản có nghĩa là lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Với triết lí nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
  • Dân tộc có nghĩa là đề cập đến việc tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.
  • Khai phóng có nghĩa là cởi mở và cấp tiến, không phải đóng cửa và bảo thủ. Sẵn sàng tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

Có một chủ trương thời đó mà quí vị soạn sách giáo khoa ngày nay nên học. Đó là chương trình tiểu học cần rút nhẹ để: (a) Sát với tuổi sinh lí và tâm lí của trẻ, thích ứng với nhu cầu thực tế; (b) tránh lối học nhồi sọ; và (c) gắn liền học với hành, hòa đời sống của học sinh vào đời sống của nhân dân, khiến chúng có nhiều cơ hội học hỏi nhân dân đồng thời giúp đỡ nhân dân. Ở VN, giáo dục thời nay nhồi sọ và có phần tẩy não — điều đại kị.

Người ta cứ bàn mãi về chương trình sách giáo khoa, nhưng càng làm thì càng sai. Sai quá nhiều đến nổi không ai dám tin là sẽ đúng nữa. Tôi nghĩ đơn giản thế này: (a) cứ lấy 3 nguyên lí giáo dục (nhân bản, dân tộc và khai phóng) thời trước làm nền tảng; (b) lấy sách giáo khoa thời VNCH làm cơ sở, rồi soạn theo và bổ sung cho phù hợp với thế kỉ 21. Đơn giản quá. Chẳng có gì phải mặc cảm nếu phải tham khảo những người đi trước. Không cần đến ‘tiến sĩ’, ‘giáo sư’, chỉ cần những người thực tài.

Tất cả các soạn giả sách giáo khoa thời trước 1975 đều là những thầy cô rất giàu kinh nghiệm cấp trung học hay tiểu học, chẳng ai có bằng tiến sĩ hay mang danh giáo sư. (Thật ra, thời đó học trò chúng tôi vẫn gọi họ là “giáo sư”). Còn nhớ chánh phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại không đầy 6 tháng mà đặt nền móng cho cả một nền giáo dục sau này. Sở dĩ họ làm được như vậy là vì các bộ trưởng trong nội các đó có thực tài (chớ không phải bằng cấp). Điều trớ trêu là ngày nay, các soạn giả sách giáo khoa, kể cả sách giáo khoa lớp 1, đều là ‘tiến sĩ’, ‘phó giáo sư’, và ‘giáo sư’! Càng ngạc nhiên hơn nữa là họ không tự viết ra những câu chuyện đơn giản, mà lại đi trích dẫn người này kẻ kia, và ‘người này kẻ kia’ cũng chỉ trích dẫn từ ông Tây bà Đầm nào đó!

Ông Nelson Mandela từng nói một câu bất hủ về giáo dục (được dán ngay tại cổng chánh của Đại học South Africa):

Để huỷ diệt bất cứ quốc gia nào, không cần đến bom nguyên tử hay hoả tiễn tầm xa; chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép học trò gian lận trong thi cử. Bệnh nhân chết dưới tay của các bác sĩ. Toà nhà bị sập dưới tay của các kĩ sư. Tiền bạc bị mất trong tay của các chuyên gia kinh tế tài chánh. Các giá trị nhân văn bị mất trong tay của các học giả tôn giáo. Công lí bị mất trong tay của các quan toà. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”

Câu nói của ông Mandela là một lời cảnh báo muộn màng cho Việt Nam vậy.

***

Các bạn có thể đọc các sách giáo khoa thờ VNCH ở đây:

http://thuongmaitruongxua.vn/sach/sach-vien-tro-sgk-cap-1-thoi-vnch/em-hoc-van-lop-mot-1971.html

Các bạn cũng có thể tài bản pdf của một số sách thời đó ở đây:

http://lanvy.me/2017/03/31/link-tai-sach-cu-truoc-1975

Một trích đoạn trong cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt dành cho lớp 1″ gây tranh cãi vì hàm ý khuyến khích gian dối và dùng chữ quê mùa ngoài Bắc (“chén”). Còn rất nhiều những trích đoạn khác cho thấy cuốn sách này có vấn đề nghiêm trọng về sư phạm.

Lại còn có câu hỏi chỉ có thể mô tả là ngu xuẩn, vô giáo dục.

“Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay”. Ví dụ rợn người này vừa được phát hiệnở tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100.

https://tuoitre.vn/bai-toan-ron-nguoi-495819.htm

Sách giáo khoa “Em Học Vần” dành cho học trò lớp 1 thời VNCH 1971.

Một ví dụ về cách soạn sách gần với đời thường.

Một ví dụ về gieo vào học trò tình yêu thiên nhiên, đất nước.

Một ví dụ về sanh hoạt ngoài xã hội. Chú ý cách hoạ sĩ vẽ trang phục rất tiêu biểu thời đó.

Một ví dụ về tình thương dành cho gia cầm.

Một ví dụ về quan hệ trong gia đình, dòng họ, kính trên nhường dưới.

Sách dạy về Đức Dục cho học trò Lớp Nhì (lớp 4 ngày nay) năm 1969.

Lời nói đầu của sách Đức Dục 1969

Lời nói đầu của sách Đức Dục 1969 và một phần của mục lục.

Một bài học về Đức Dục: giữ gìn tánh mạng

Một bài học về Đức Dục: trọng danh dự

Những trường hợp bị hội đồng giải Nobel “bỏ quên”

Hai nhà khoa học gốc Á châu đáng lí ra nên được trao giải Nobel y sinh học năm nay, nhưng tiếc thay họ bị ‘bỏ quên’ như nhiều trường hợp khác trong quá khứ. Cộng đồng khoa học đoán rằng Uỷ ban giải Nobel Y đang hồi hộp chờ trả lời của Gs Michael Houghton xem ông có chấp nhận giải thưởng hay không. Nhưng câu chuyện đằng sau khám phá siêu vi C nói lên giai tầng trong nghiên cứu khoa học, thể hiện sự bất bình đẳng giữa cấp trên và cấp dưới trong việc ghi nhận công trạng.

Giải Nobel Y Sinh học năm nay được trao cho 3 nhà khoa học có công khám phá siêu vi C (hepatitis C virus — HCV). Họ là Giáo sư Harvey Alter (Mĩ, 85 tuổi), Michael Houghton (Canada gốc Anh, 71 tuổi), và Charles Rice (Mĩ, 68 tuổi).

Trong bản thông cáo của Hội đồng giải Nobel y sinh học 2020, không có một đề cập nào đến 2 nhà khoa học đã có công đầu trong việc khám phá siêu vi C: đó là tiến sĩ Qui Lim Choo (gốc Singapore) và George Kuo (gốc Đài Loan). Không có hai người này, chưa chắc chúng ta có HCV và thuốc điều trị viêm gan C, và chưa chắc Gs Michael Houghton được trao giải Nobel. Do đó, sự thiếu ghi nhận hai nhà khoa học gốc Á châu đó là một thiếu sót đáng tiếc.

Nhân dịp chấp bút một bài cho báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần (bạn đọc có thể tìm đọc vào ngày mai hay ngày mốt), tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ chung quanh trường hợp của Choo và Kuo dưới đây.

Vai trò của Qui Choo và George Kuo

Nói một cách ngắn gọn là thế này: người thực sự khám phá ra HCV là tiến sĩ George KuoQui Lim Choo. Vào thập niên 1980s, cả 3 người (Houghton, Choo và Kuo) đều là nhân viên nghiên cứu của công ti sinh học Chiron ở California (Mĩ), nay đã được Novartis mua. Michael Houghton, lúc đó chưa là giáo sư, cùng với Choo bắt đầu dự án nghiên cứu tìm tác nhân gây bệnh viêm gan mà lúc đó đặt tên là NANBH (non-A, non-B hepatitis), tức viêm gan không do siêu vi A và B. Họ đã thành công trong việc tạo ra kháng thể đơn dòng đặc hiệu cho NANBH từ mẫu huyết tương lấy từ khỉ do Daniel Bradley gởi đến. Lúc đó, Bradley làm việc cho CDC. Họ dùng kháng thể để tầm soát trong thư viện cDNA nhưng không tìm ra tác nhân gây bệnh.

Nhóm khám phá HCV (từ trái sang phải và từ trên xuống): Michael Houghton, Qui L Choo, Georges Kuo và Daniel Bradley.
Ref: https://www.nature.com/articles/nm1000_1082/figures/3

George Koo lúc đó có lab riêng tại Chiron nhưng không làm trong dự án của Houghton và Choo, nhưng anh ta hợp tác với hai thầy trò Houghton và Choo. Kuo đề nghị một cách tiếp cận khác từ huyết thanh của bệnh nhân [1]. Vì cách làm này khá mạo hiểm nên cả Houghton và Choo dè dặt [2]. Phải 2 năm sau, với sự hợp lực của 3 người, thì ý tưởng của Kuo mới thành hiện thực. Và, kết quả ngọt ngào là qua dùng cách tiếp cận mới họ khám phá HCV. Kuo còn tiếp tục phát triển kit để phát hiện kháng thể dùng cho việc phát hiện HCV từ mẫu máu do Harvey Alter (của NIH) gởi đến. Với mẫu mới từ Alter, phương pháp của Kuo càng được khẳng định là đúng. Những sự việc đó được Gs Houghton viết rõ trong bài tổng quan (xem hình).

Họ công bố 2 bài báo liền trên tập san lừng danh Science cùng một ngày vào năm 1989 [3, 4]. Bài báo đầu [3] do Choo đứng tác giả đầu và Kuo tác giả 2, và bài thừ hai do Kuo đứng tên tác giả đầu, Choo tác giả 2. Cả hai bài, Houghton là ‘tác giả sếp’ (tức đứng tên sau cùng). Bài đầu có Bradley và bài hai có Harvey Alter đứng tên đồng tác giả. Ai làm nghiên cứu khoa học đều biết người đứng tên tác giả đầu là người thực sự làm nhiều nhứt và soạn bản thảo bài báo, còn người đứng tên sau cùng thường (không hẳn 100%) là sếp điều hành của labo. Do đó, trao giải cho Houghton, Kuo, và Choo là hoàn toàn hợp lí. Nhưng ở đây, chỉ có Houghton và Alter được trao giải!

Công bằng mà nói, chính Giáo sư Houghton cũng không thoải mái với uỷ ban giải thưởng bỏ qua đóng góp của Choo và Kuo. Giáo sư Houghton cho biết vào thập niên 1990s Quĩ Robert Koch báo là sẽ trao giải thưởng Robert Koch cho ông và Daniel Bradley. Ông yêu cầu trong danh sách phải thêm tiến sĩ Qui Lim Choo và George Kuo, nhưng Quĩ không chịu. Thế là ông từ chối giải thưởng Robert Koch. Năm 2013 ông được trao giải Gairdner International Award (được xem là giải “Nobel con”) nhưng ông cũng từ chối vì không có tên hai đồng nghiệp của ông. Tuy nhiên, năm 2000, ông và giáo sư Alter được trao giải Lasker, và ông cũng yêu cầu trao cho tiến sĩ Choo và tiến sĩ Kuo, nhưng họ cũng không chịu, thế nhưng lần này sau cả tuần cân nhắc thì ông chấp nhận giải Lasker.

Cộng đồng khoa học đang chờ phản ứng của ông sau thông cáo của Uỷ ban giải Nobel. Để xem lần này ông có từ chối giải Nobel. Nếu ông từ chối thì đó là một cú sốc cho hội đồng trao giải thưởng.

Các trường hợp bỏ quên khác

Trường hợp của Choo và Kuo không phải là cá biệt hay mới. Trong quá khứ đã xảy ra nhiều trường hợp mà giải Nobel ‘bỏ quên’ những nhà khoa học tiên phong và có đóng góp lớn. Danh sách những nhà khoa học bị bỏ rơi dài đến nổi viết thành một cuốn sách! Có thể kể ra đây một số trường hợp tiêu biểu:

  • Richard Doll và Bradford Hill khám phá mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi, giúp tạo ra một chuyên ngành và cứu sống nhiều triệu người trên thế giới;
  • Akira Endo khám phá statin, giúp cứu sống nhiều triệu người trên thế giới và làm giàu cho nhiều tập đoàn dược;
  • Herbert Boyer và Stanley Cohen sáng chế công nghệ ‘recombinant DNA’ giúp biết bao nhiêu nhà khoa học có những khám phá quan trọng;
  • Inge Edler và Carl Hellmuth Hertz sáng chế ra siêu âm mà ai làm trong y khoa đều biết và giúp cho rất rất nhiều người trên thế giới trong chẩn đoán;
  • James Till và Ernest McCulloch về khám phá tế bào mầm (stem cells);
  • v.v.

Trường hợp Oswald T. Avery và DNA

Có lẽ trường hợp bỏ rơi đáng tiếc nhứt là Oswald Avery, được mệnh danh là ‘unsung hero’ trong di truyền học vì chính ông là người đầu tiên khám phá và định nghĩa DNA là một chất liệu di truyền. Ông công bố khám phá này vào năm 1944. Watson và Crick công bố công trình khám phá DNA vào năm 1953, sau Avery đến 9 năm.

Trong thời gian từ 1932 đến 1942, Avery đã được tiến cử cho giải Nobel nhiều lần, nhưng không được trao giải. Kể từ năm 1945, ông được tiến cử hàng năm, nhưng thời gian đó, giới nghiên cứu khoa học chưa chịu nhìn nhận thuyết của Avery vì họ không nghĩ là DNA chỉ đơn giản có 4 mẫu tự mà lại có chức năng “chất liệu di truyền”, họ nghĩ protein mới chính là chất liệu di truyền. Đến khi (sau này) cộng đồng khoa học chấp nhận ý tưởng của Avery thì ông đã qua đời, và Ủy ban Nobel không có lệ trao giải thưởng cho người đã chết!

Trường hợp Bruno Lemaitre và TLR

Năm 2011, Gs Jules Hoffmann (Pháp), Bruce A. Beutler, và Ralph M. Steinman được trao giải thưởng Nobel vì khám phá [thụ thể] toll-like receptor, chức năng của hệ nội miễn dịch và hệ miễn dịch thích ứng. Nhưng người phát hiện và có công đầu là Gs Bruno Lemaitre, chớ không phải Hoffmann.

Theo Lemaitre thì Gs Hoffmann không xứng đáng với giải thưởng đó, bởi vì Hoffmann chẳng có công trạng gì về công trình toll-like receptor dẫn đến giải Nobel. Lemaitre viết rằng Hoffman không có ý tưởng gì về dự án đó, rất xa rời với công việc thí nghiệm, và cũng không ủng hộ dự án. Dự án đó chỉ một mình Lemaitre (lúc đó là postdoc) theo đuổi từ đầu chí cuối, ngay cả Hoffmann không ủng hộ. Lemaitre cho biết anh có tất cả các lab notebooks để chứng minh rằng Hoffmann không có liên quan gì đến dự án, nhưng khi công bố bài báo thì ông … có tên!

Khi Hoffmann được hỏi về phản ứng của Lemaitre, thì ông lịch sự nói rằng đó không phải là vấn đề nên thảo luận trên báo chí. Hoffmann có vẻ không tranh cãi với Lemaitre, vì ông nói rằng trong bài diễn văn nhận giải, ông có ghi công trạng của Lemaitre và các cộng sự khác trong lab, chứ không phải bỏ qua người cộng sự quí giá. Tuy nhiên, Gs Lemaitre cho rằng điều đó không đúng, bởi vì dự án TLR chỉ có một mình ông và chỉ một mình, chớ không có ai khác tham gia. Ông còn tiết lộ rằng khi thấy ông quyết chí theo đuổi dự án TLR thì sếp Hoffmann cố tình “dìm”, không dành ưu tiên cho dự án. Khi soạn thảo bài báo, Hoffmann thậm chí không thèm quan tâm và chẳng buồn tình đọc qua! Nhưng khi công trình thành công thì trớ trêu thay Hoffmann là người được nhắc đến như là ‘người hùng’, còn Lemaitre thì chẳng ai biết đến!

Công trạng trong khoa học

Francis Darwin (con trai của Charles Darwin) trong một bài diễn thuyết năm 1914 đăng trong Eugenics Review nói rằng “In science, the credit goes to the man who convinces the world, not to the man to whom the idea first occurs” [5]. Tạm dịch là “Trong khoa học, công trạng thuộc về người thuyết phục thế giới, chớ không phải thuộc về người đầu tiên đề ra ý tưởng”.

Câu nói đó có vẻ đau lòng đối với nhiều người ngoài khoa học, nhưng nó lại rất đúng với những gì diễn ra trong thực tế. Trong khoa học người ta phân biệt 3 ‘giai cấp’: doer, speaker và thinker.

  • Những “doer” là người lao động, thường là phụ tá nghiên cứu, tiến sĩ, hậu tiến sĩ. Những người này rất vất vả, làm ngày đêm, không biết ngày thường hay ngày cuối tuần để trước là làm ra sản phẩm mà sếp đang cần và sau là giữ việc vì sự nghiệp của họ rất bấp bênh;
  • Những “speakers” là sếp, là người dùng thành quả của doer đi chu du vòng quanh thế giới và trong các hội nghị thuyết phục đồng nghiệp và thiên hạ về sự hữu ích của những dự án mà họ đang theo đuổi. Họ viết review là chánh, chớ ít khi nào viết original paper. Họ cũng tranh thủ vận động cho các doer được thăng tiến trong sự nghiệp. Một công việc quan trọng nhứt là họ phải dùng thành quả của doer để … xin tài trợ và qua đó có thể giữ chân doer;
  • Còn những “thinker” là loại ‘nhà tư tưởng’, dùng thành quả của doer và speaker để nghĩ ra hướng mới, ý tưởng mới. Những người này đã thành danh, đã qua thời hoàng kim, và đã bước vào giai đoạn rút lui sau hậu trường. Dĩ nhiên, họ phải từng là speaker trước khi thành thinker.

Trong thế giới khoa học, người ta hay biết đến speaker hơn là doer. Đó chính là lí do tại sao speaker hay được ghi nhận qua các giải thưởng. Trong trường hợp giải Nobel năm nay, Kuo và Choo chính là doer, còn Houghton là speaker. Hai người kia có công đầu trong khám phá, nhưng người thuyết phục thế giới (nói theo Francis Darwin) lại là Houghton, và điều này giải thích tại sao Houghton được giải thưởng.

Tuy nhiên, lí giải trên là cho … vui thôi. Nghiêm chỉnh mà nói: vấn đề là Hội đồng bỏ rơi 2 người có công đầu. Qui định của Hội đồng giải Nobel là mỗi giải thưởng chỉ trao cho tối đa 3 người, và không trao cho người đã qua đời. Tại sao không sửa qui định trao giải cho 5 người? Khoa học ngày nay đòi hỏi hợp tác liên ngành và đa ngành, nên bất cứ khám phá nào cũng là thành quả của một nhóm chớ không phải một cá nhân như thời xa xưa. Trường hợp Qui Lim Choo và George Kuo bị bỏ rơi năm nay là một lí do chánh đáng để xem xét lại qui định đó.

***

Kể chuyện bên lề: trong một symposium về giải Nobel y sinh học tổ chức ở Ninh Bình năm 2018 tôi có cơ duyên làm chair một phiên discussion, và diễn giả chánh là ông cựu chủ tịch Hội đồng giải Nobel y sinh học. Trong phiên vấn đáp, tôi hỏi ông trong 100 năm qua, có trường hợp nào mà Hội đồng trao giải cho sai người không. Ông trả lời rất nhẹ nhàng đúng phong cách người Bắc Âu: KHÔNG.

[1] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0168827809005352

[2] http://perspectivesinmedicine.cshlp.org/content/9/12/a037069.full

[3] https://science.sciencemag.org/content/244/4902/359.long

[4] https://science.sciencemag.org/content/244/4902/362.long

[5] https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/660225

5 điều làm cho bạn “mắc kẹt” và khổ

Có khi nào bạn cảm thấy mình khổ sở và bị mắc kẹt trong đời thường hay nghiên cứu khoa học? Sáng nay đọc được một cái note ngắn từ một người bạn về 5 thói quen làm khổ mình, và thấy hay hay nên tôi có lời bàn thêm và chia sẻ.

Điều thứ nhứt: Theo đuổi những niềm tin và thói quen cũ từng giúp cho bạn trong quá khứ nhưng không còn thích hợp cho ngày nay

Nhớ có lần tôi sang Mĩ và ghé thăm một người hàng xóm bên Việt Nam lúc đó là chủ một tiệm vàng ở Los Angeles. Gặp chú tôi mừng quá và nhắc lại chuyện xưa ở dưới quê, rồi hỏi chú có nhớ thằng Th ở xóm chợ không, nó đang ở Úc và mới tốt nghiệp đại học. Tưởng rằng chú ấy mừng biết một người đồng hương thành đạt, ai ngờ chú nói “Ủa, thằng Th hả? Nhớ chớ sao không? Chà, hồi đó nó chăn trâu mà giờ khá quá!” Thú thực là lúc đó tôi thấy như nghẹn lời, vì tôi thấy hình như chú vẫn tỏ ra khinh thường thằng chăn trâu, hay là chú nghĩ một thằng chăn trâu thì nó không có quyền học hành giỏi, không được thành đạt như chú. Tôi nghĩ chú vẫn sống trong quá khứ, và biết đâu cái quá khứ đó giữ chân chú không đi xa được.

Trong khoa học, có ý tưởng mới là rất quan trọng, vì nó giúp cho mình vượt lên chính mình. Thế nhưng trong thực tế nhiều người thích thu mình trong cái thế giới cũ, ý tưởng cũ, làm theo cách làm cũ, và dĩ nhiên là họ không đi xa được. Chỉ cần đọc qua tựa đề những luận án tiến sĩ, những đề tài nghiên cứu ở VN thì thấy ngay rằng nhiều người vẫn sống trong ‘truyền thống’. Giới khoa học hay có câu “Nếu bạn hỏi câu hỏi cũ thì câu trả lời sẽ không bao giờ mới”. Đó chính là lí do tại sao sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, người ta khuyến khích bạn nên đi làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ở một nơi khác, chớ không ở lại (vì sẽ gây ra tình trạng academic inbreeding).

Điều thứ 2: Bạn sống trong quá khứ và tương lai, nhưng không sống trong hiện tại

Quả thật trong cuộc sống có những người thích giữ khư khư niềm tin và lề lối cũ như chú hàng xóm tôi. Tôi sợ là con số này rất nhiều ở Việt Nam, nhứt là vùng quê. Họ nhân danh duy trì truyền thống để sống theo nề nếp cũ; họ nghĩ như ông bà mình từng số cả trăm năm trước, nên họ khó thích ứng trong thế giới mới.

Nhớ lần về quê và ghé qua thăm đứa em họ, nghe nó phàn nàn về chị dâu nó. Số là cô dâu (là cô giáo) hay thức dậy trễ hơn bà mẹ chồng, nên cô em họ tôi … bực mình. Thật ra, thức sớm theo thói quen như bà mẹ chồng, tức là người dì tôi, thì chính tôi cũng không làm được. Nhưng cô em dâu kì vọng rằng đã là dâu thì phải thức khuya dậy sớm. Tôi nói với cô em họ tôi rằng “em tự làm khổ em, mai mốt em làm dâu thì biết thôi”, bề ngoài thì nó cười cười nhưng tôi nghĩ nó không thuyết phục với câu nói của tôi vì nó rất thích câu nói “ông bà mình hồi nào đến giờ vẫn vậy”, và trong cái nhìn của nó hành vi của người chị dâu là một đe doạ đến truyền thống.

Điều thứ 3: Bạn bận tâm vào những gì bạn không thích ở người khác hay chính bạn

Không ít người Việt có thói tò mò, so đo, hay nói chung là ganh tị. Người Úc cũng có câu “sân cỏ nhà hàng xóm xanh hơn sân cỏ nhà mình” để chỉ thói xấu so đo này. Một nhà bình luận văn hoá nhận định rằng thói đố kị của người Việt là do tính tò mò và so đo: “Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc”. Ông cho rằng thói quen mà ông gọi là ‘tọc mạch’ chủ yếu có ở người miền Bắc [1].

Quả thật, trong xã hội có những người rất bận tâm với … người khác. Những người này có xu hướng không thích ai, thấy ai làm được cái gì họ hay mỉa mai, thậm chí tức tối. Tôi biết ngay cả trong giới khoa bảng, có người thấy đồng nghiệp công bố được một công trình trên tập san ‘đình đám’, họ liền tìm cách hạ thấp đồng nghiệp qua những bình luận vu vơ và phán đoán loại ‘summary’. Những câu phán xét kiểu “Thằng đó dốt, biết làm gì”, “Chắc là sai rồi”, “Chắc ai đó giúp nó làm, chớ nó thì làm được gì”, v.v. Đây là những người ganh đua thay vì tranh đua.

Người ganh đua thường sống trong đau khổ và họ không tiến xa được. Họ đau khổ vì phải dồn tâm trí và thời gian để chỉ trích người khác, nên thiếu năng lượng cho chính mình. Đối với người ganh tị, họ cảm thấy đau khổ trước sự thành công của người khác. Còn người tranh đua thì sẽ tiến xa hơn, vì họ sẽ dồn năng lượng để làm tốt hơn đồng nghiệp mình. Nhìn như vậy sẽ thấy xã hội phát triển là nhờ có những người tranh đua.

Điều thứ 4: Bạn không là chính mình mà sống vì người khác và kì vọng của người khác

Mỗi con người trên hành tinh này là một cá nhân đặc thù (unique). Không ai giống mình, và mình cũng chẳng giống ai. Tôi là người Úc gốc Việt, tóc đen, da vàng, xuất thân từ một gia đình làm nghề nông. Bạn cũng có thể là một người Úc gốc Việt như tôi, nhưng bạn xuất thân từ một danh gia vọng tộc. Mỗi chúng ta có một lịch sử đặc thù, và tôi không thể là bạn cũng như bạn không thể nào giống tôi. Thành ra, Phật lúc nào cũng khuyên là “Be Yourself” (hãy là chính mình).

Nhưng khổ nỗi có những người không chịu là chính mình. Đây là những người sống theo ý của người khác. Họ rất bận tâm nghe ngóng những phê phán của người khác, và cố gắng chỉnh sửa mình để không bị phê phán. Họ sống theo kì vọng của người khác. Họ hay so sánh với người khác, và bằng mọi giá làm giống họ. Hậu quả sau cùng là họ không còn là họ, đánh mất đi “cái tôi” đặc thù. Những người này đau khổ suốt đời. Đúng như Richard Feynman nói: Nguyên nhân phổ biến nhứt cho hội chứng căng thẳng là phải đương đầu với những kẻ ngốc nghếch (The most common cause of stress nowadays is dealing with idiots.) Hãy sống theo lời khuyên của ông: “Tôi không có trách nhiệm để sống đúng theo những gì người ta kì vọng tôi. Đó là sai lầm của họ, chớ không phải thất bại của tôi“.

Điều thứ 5: Bạn không chấp nhận sự đổi thay

Mấy tuần trước ở nơi tôi làm việc có một sự thay đổi về người lãnh đạo (chỉ là chức vụ tình nguyện) và gây ra những bàn tán xôn xao. Người thì tỏ thái độ không nể phục và biện minh bằng những chức vụ khoa bảng thấp trong quá khứ; người thì cho rằng với thành tích công bố khoa học như vậy thì làm sao làm gương cho người khác, v.v. Nói chung là ý kiến rất đa dạng nhưng không phục. Nhưng tôi nghĩ họ (những người bình phẩm) đang làm khổ mình, vì họ không chấp nhận đổi thay, vốn là qui luật của cuộc sống. Người lãnh đạo mới có thể không có thành tích lừng lẫy như thành viên trong nhóm, nhưng đó là quá khứ, còn hiện nay thì người đó là kẻ đứng đầu và mình phải chấp nhận thực tại.

Một nhà hiền triết đã nói rằng trong cõi đời này có một điều không bao giờ thay đổi, và đó chính là sự đổi thay (the only thing that does not change is change itself), mà triết lí Phật gọi là “Vô Thường”. Hay nói như Hermann Hesse (tôi thích nhà văn này) là không ai bước vào một dòng sông 2 lần, bởi vì dòng sông lúc nào cũng chảy. Cuộc sống cũng như một dòng sông, và chúng ta không thể nào kì vọng sự vật bất biến, vì sự vật luôn đổi thay.

Chúng ta không kì vọng rằng đồng nghiệp mình đứng yên một chỗ, và cũng đừng ngạc nhiên khi thấy đồng nghiệp thành đạt hơn mình vì họ biết thích ứng với Vô Thường. Có những người Việt hay nói kiểu “Thằng đó hồi xưa không đáng xách dép cho tao”, thế nhưng họ không nhìn lại chính mình là đang đứng một chỗ còn “thằng đó” thì đã bước ra khỏi cái vị trí xách dép từ lâu rồi. Tương tự, cái suy nghĩ kiểu “Hòn ngọc Viễn Đông” là xưa rồi, hay mơ mộng năm 2045 cái hòn ngọc đó sẽ là trung tâm thế giới, là sống trong quá khứ và tương lai, mà không chịu xem lại mình đang ở đâu.

Tôi lại nhớ đến câu nói của Richard Feynman: Bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục [2].

Tóm lại, 5 điều làm cho chúng ta đau khổ hay ‘mắc kẹt’ là (i) giữ lấy lề lối cũ; (ii) sống trong quá khứ; (iii) thói tọc mạch; (iv) không là chính mình; và (v) không chịu chấp nhận qui luật đổi thay của cuộc sống. Tất cả 5 điều này có thể tóm lược bằng 1 chữ: Vô Thường. Điều này có nghĩa là để sống thoải mái và hạnh phúc, chúng ta phải chấp nhận Vô Thường. Mà, định luật Vô Thường thì chịu sự chi phối của luật Nhân Quả.

Thành ra, sống theo qui luật Vô Thường có nghĩa là sống một cách tích cực (positive well being). Sống tích cực là làm điều thiện lành để tạo ra những thành quả ngọt ngào, hay nói ngắn gọn theo ông bà mình là “tu thân tích đức”. Câu này rất dễ hiểu như vậy mà đa số chúng ta, nhứt là người trẻ, không để ý và hay vi phạm để đến khi luống tuổi thì mới nhận ra.

Sống tích cực có thể … định lượng. Cách đây vài năm có một cuốn sách rất hay có tựa đề là “Born to be Good” chỉ cách sống hạnh phúc. Trong sách có khái niệm Tỉ số Jen (Jen Ratio, mà tôi hỏi tác giả có phải là Zen Ratio thì ông nói có thể). Tử số của tỉ số Jen là hành động tốt (như giúp người) hay nói chung là việc thiện. Mẫu số của tỉ số Jen những hành động chúng ta làm cho người khác đau khổ (có thể không cố ý), hay nói chung là gây tác hại. Tác giả khuyên là làm sao mỗi ngày tỉ số Jen của chúng ta trên 10 (tức hành vi tốt cao gấp 10 lần hành vị gây hại) là sẽ có cuộc sống viên mãn. Vậy từ hôm nay các bạn thử định lượng tỉ số Jen hàng ngày xem sao.

***

[1] https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/thoi-quen-toc-mach-chu-yeu-co-o-nguoi-mien-bac-87482.html

[2] You are under no obligation to remain the same person you were a year ago, a month ago, or even a day ago. You are here to create yourself, continuously.