Nói theo trào lưu Sáu Chữ (“Six Words”) thì năm 2020 có thể tóm tắt bằng 6 chữ: sống sót, đóng góp, bè bạn.
Sống sót
Đó là một năm sống sót theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một cách chánh thức đại dịch Vũ Hán xảy ra vào tháng 12/2019, nhưng thật ra dữ liệu thực tế cho thấy nó đã xảy ra vào tháng 9/2019. Tháng 12/2019 tôi còn ở trong nước và sắp đón Tết, nên cũng không mấy quan tâm đến tình hình dịch bệnh. Vả lại, lúc đó thì WHO và đa số các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đều không xem đó là đại dịch, mà chỉ là một trận dịch xảy ra ở một nước mà dịch bệnh xảy ra rất thường xuyên. Nhưng phải cả 4 tháng sau khi diễn biến dịch lan rộng trên thế giới thì WHO mới tuyên bố đó là “pandemic” (đại dịch).
Ở Úc, chánh phủ bắt đầu khuyên người dân làm việc ở nhà (họ gọi là WFH – working from home). Riêng tôi thì bắt đầu làm việc ở nhà từ đầu tháng 4/2020, khi Viện vừa yêu cầu vừa khuyến khích tất cả mọi người nên làm việc ở nhà, nếu có thể, để giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Thoạt đầu làm việc ở nhà cũng chán, vì không có dịp tương tác và tiếp xúc với bạn bè đồng nghiệp trong Viện, nhưng theo thời gian thì cũng quen với lối làm việc và nếp sống mới. Cũng may suốt thời gian qua tôi và bạn bè chẳng ai bị nhiễm. Điều này không ngạc nhiên, vì nguy cơ nhiễm nói chung là thấp. Thành ra, chúng tôi … sống sót cho đến nay.
Trong việc làm tôi cũng là một trong những người sống sót. Năm nay, tình hình tài trợ cho khoa học quá khó khăn, cứ 100 người nộp đơn xin tài trợ chỉ có 9 người được. Hậu quả là nhiều bạn bè mất việc và đóng cửa labo nghiên cứu. Riêng tôi thì được tài trợ qua một chương trình có thể nói là danh giá nhứt trong khoa học Úc (Australia Fellowship) nên được sống sót. Mình sống sót, nhưng nhìn các đồng nghiệp phải nghỉ hưu sớm vì không được tài trợ mà ngậm ngùi. Thế giới này vô thường như thế: hôm nay còn thấy nhau, ngày mai có thể sẽ chia tay. Trong thời đại ‘gạo châu củi quế’ và đầy thách thức mà còn tồn tại trong thế giới khoa học là một may mắn lớn vậy.
Đóng góp
Còn sống sót là còn cơ hội đóng góp. Nhìn lại 12 tháng qua, tôi thấy nhóm mình làm được khá nhiều việc, từ công bố khoa học đến tham dự các hội nghị online và đóng góp cho họ:
Tính ra, nhóm tôi công bố được 17 bài báo khoa học. Trong số này 3 bài (2 bài xã luận và 1 bài Perspective) được mời viết. Con số này không nhiều, nhưng phẩm chất khoa học của các bài báo thì tôi nghĩ mình có quyền tự hào. Năm nay có một bài quan trọng đã nộp cho một tập san quan trọng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định. Phải chi ban biên tập báo cho mình biết trước 31/12 để ăn mừng thì hay quá, nhưng họ hình như muốn kéo dài sự hồi hộp cho chúng tôi.
Tôi đã đóng góp cho tất cả 4 hội nghị trong ngành. Đầu tiên là hội nghị loãng xương cấp quốc gia ở Úc và Tân Tây Lan, nhóm của tôi đã đóng góp được vài bài quan trọng. Riêng tôi trong vai trò chair của uỷ ban nghiên cứu đã xét duyệt và cấp giải thưởng cho hơn 10 hội viên. Nhớ hôm nhận chức tôi hỏi anh bạn tiền nhiệm là công việc khó khăn của research chair là gì, anh ấy cười nói ‘chẳng có khó khăn gì cả, cái thú vui lớn nhứt là được cầm tiền để cho người khác’ (ý nói trao giải thưởng). Nói vậy chớ trong thực tế cũng khó khăn lắm, vì phải phấn đấu sao cho công bằng.
Tôi còn đóng góp cho Hội nghị nội tiết trong vùng được tổ chức lần thứ 21 ở Seoul. Tôi có dịp nói một bài về đóng góp của Dự án nghiên cứu VOS (Vietnam Osteoporosis Study), và các thành viên trong VOS cũng đóng góp 3 bài khác. Rồi đóng góp cho hội y học ở Sài Gòn và hội loãng xương Châu Á Thái Bình Dương qua những bài giảng được mời.
Năm nay vì phải làm việc ở nhà, nên tôi có nhiều thì giờ hơn. Tôi dùng thì giờ đó để làm việc cho/liên quan với Việt Nam. Đầu tiên là tôi viết xong cuốn sách “Mô hình hồi qui và khám phá khoa học” và do nhà xuất bản Tổng Hợp ấn hành vào tháng 10/2020. Đây là cuốn sách tôi tâm đắc lắm và muốn viết lâu rồi, nhưng phải đợi đến mùa dịch mới hoàn tất. Tôi rất vui mừng là cuốn sách đã được các bạn đọc chào đón rất nồng nhiệt. Các bạn có gởi email góp ý và tôi xin nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn đến các bạn.
Năm nay Nhà xuất bản TH cũng tái bản cuốn sách “Y học thực chứng” cho tôi. Đây là cuốn sách y học thực chứng đầu tiên ở Việt Nam, đã được xuất bản lần đầu chừng 10 năm trước, và năm nay thì có nhiều chỉnh sửa và thay đổi. Năm nay còn có thêm một cuốn khác cũng về y học thực chứng nhưng do một nhóm dược sĩ soạn thảo (sẽ đề cập dưới đây). Như vậy là Việt Nam đã có 2 cuốn sách về chủ đề tương đối thời sự này.
Việc thứ hai là tôi có thời giờ tiếp tục kênh giảng trực tuyến trên youtube. Đây là kênh giảnh tôi làm trong lúc mắc bệnh vài năm trước, nhưng vì bận rộn quá trong những năm sau nên tôi không cập nhựt được. Năm nay tôi đã cập nhựt gần 30 bài giảng về phương pháp nghiên cứu và loãng xương. Trong tương lai tôi sẽ upload chừng 10 bài giảng về loãng xương để các bạn có thể tham khảo.
Tính đến nay, kênh youtube của tôi đã có hơn 100 bài giảng đủ loại, và được các bạn chào đón nồng nhiệt. Tôi mới xem qua thì thấy có hơn 15,000 bạn ghi danh (subscribers) và hơn 1.5 triệu lượt view. Tuy mấy con số này rất khiêm tốn so với các kênh của giới nghệ sĩ, nhưng nó vẫn là niềm khích lệ lớn đối với tôi.
Ngoài ra, tôi còn có dịp đóng góp nhiều bài báo cho báo chí phổ thông. Không thể nào nhớ hết mình đã đóng góp bao nhiêu bài viết và phỏng vấn cho giới báo chí trong và ngoài nước, nhưng tôi nghĩ con số phải hơn 20 bài.
Bạn bè
Năm nay cũng là năm tôi mừng cho các em sinh viên, nghiên cứu sinh và bạn bè. Tháng 12 thì có Bs Hà Tấn Đức chánh thức cầm tấm bằng tiến sĩ sau 1 năm tốt nghiệp. Năm 2020 cũng là năm Bs Thái Viết Tặng và Bs Trần Minh Giang, và Ds Phạm Nữ Hạnh Vân tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi rất vui vì có dịp hướng dẫn, làm việc chung, và đóng góp một phần tâm trí của mình cho sự nghiệp của các bạn ấy.
Lab tôi năm nay cũng có 2 thành viên mới. Người đầu tiên là Huy mới tham gia từ UTS và sẽ học tiến sĩ trong lab tôi. Người thứ hai là Thuỳ Linh đến từ 108, Hà Nội, cũng sẽ làm luận án masters trong lab tôi. Năm tới, hi vọng sẽ có thêm 1 em sinh viên tiến sĩ từ Việt Nam sang tham gia lab làm những dự án liên quan đến mất xương ở người cao tuổi.
Nhưng tôi còn may mắn có nhiều bạn bè … ‘ảo’. Tính ra, fb của tôi có hơn 1400 ‘friends’ và gần 50,000 bạn ‘follower’. Dĩ nhiên, không phải ‘friend’ hay ‘follower’ nào cũng đều là ‘bạn’ đúng nghĩa, nhưng có người chia sẻ những cảm xúc và tâm tư của mình mỗi ngày hay mỗi tuần cũng là hay lắm rồi.
Năm nay, một trong những sanh hoạt mạng xã hội có ý nghĩa nhứt trong năm theo tôi là seminar do nhóm ‘Vietnam Bioinformatics Network‘ tổ chức hôm 21/12. Tôi hân hạnh đến chia sẻ cùng các bạn ấy những suy nghĩ của tôi về bioinformatics và tố chất và kĩ năng để thành một ‘investigator’ trong thế giới khoa học phương Tây. Tôi nghĩ các bạn có thể nhân rộng sanh hoạt này sang các lãnh vực khác.
Một trong những việc tôi làm là ủng hộ các bạn trẻ trong các nỗ lực giáo dục. Năm nay, một nhóm dược sĩ ra mắt cuốn sách “Cẩm nang thực hành Y học chứng cứ“. Đây có lẽ là cuốn sách về y học thực chứng (evidence based medicine) số 2, sau cuốn của tôi xuất bản chừng 10 năm trước. Tôi được mời viết lời giới thiệu cho cuốn sách mà tôi rất thích. Nếu các bạn chưa có cuốn này thì nên tìm mua, vì theo tôi biết là ấn bản thứ hai mới vừa được công bố.
Năm ngoái, anh bạn Lưu Nhi Dũ (báo Người lao động) hỏi tôi sau khi được bầu vào Viện hàn lâm y học có gì mới với tôi không. Tôi trả lời rằng có cái mới: Đó là viết hàng chục lá thư đề cử các em xin học bổng PhD và postdoc bên Mĩ, Úc, Âu châu. Cũng có hơn 60% thành công, và vậy là mừng rồi. Trong số này chỉ có 1 em duy nhứt là tôi gặp ngoài đời, còn lại thì chưa gặp ai cả. Năm nay tôi lại có việc nữa. Tôi đề cử 4 em đi định cư ở Úc theo chương trình Distinguished Talent. Điều hay nhứt là tôi chưa bao giờ gặp 4 em ấy ngoài đời. Có một em tôi chỉ đọc CV thôi, và thấy em này có tiềm năng cho Úc. Em ấy là dân Hà Nội, có vẻ có cá tánh và chánh kiến, và tôi thích người như thế. Một em khác là dân Sài thành, cũng tài ba lắm, và tôi cũng nghĩ rất thích hợp cho Úc. Một em khác tôi không biết dân vùng nào (và tôi cũng chẳng cần biết; chỉ biết là người Việt thôi là ok rồi). Ngày xưa, tôi được nhận sang Úc định cư, nhưng chắc người nhận tôi chỉ vì lí do nhân đạo thôi. Làm sao một tên ốm yếu, đen đúa, tiếng Anh cà tàng mà có triển vọng ở Úc. Thành ra, tôi nghĩ họ nhận tôi vì thấy tội nghiệp thôi: nhận hắn để hắn sống sót. Không ngờ có ngày mình là người chọn đồng hương cho nước Úc. Nếu có một người tôi rất muốn giúp là Phan Kim Khánh, hình như là dân Thái Nguyên. Tôi thương em này lắm, và tôi nghĩ em ấy có tiềm năng leadership.
Tóm lại, đối với tôi năm 2020 là một thời gian rất đặc biệt và đáng nhớ. Đại dịch đã làm ảnh hưởng đến hầu như tất cả hoạt động của xã hội, thì một cá nhân trong xã hội chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh cũng chẳng có gì quá ngạc nhiên. Do đó, năm nay tôi cũng có điểm trầm lần thăng. Điểm trầm là tình trạng lockdown và giãn cách xã hội làm mình không làm được mình muốn làm :(. Còn điểm thăng là được trao cái fellowship có thể giúp mình sống thêm được 5 năm nữa. :).
Mến chúc các bạn một năm mới 2021 nhiều may mắn và an lành!
Hoàng đế Napoleon (1769 – 1821) từng nói một câu bất hủ rằng vinh quang chỉ là thoáng qua, vô danh là mãi mãi (“Glory is fleeting but obscurity is forever“). Nghĩ lại câu này tôi thấy rất phù hợp với ý tưởng “tánh không”, mà có lẽ đa số chúng ta không chú ý đến trong đời sống.
Câu nói của Napoleon có nhiều cách hiểu và diễn giải. Cách hiểu đơn giản nhứt, theo tôi, là trong đời người, ai cũng có một giây phút vinh quang (như được khen vinh danh, được khen tặng, được trao giải thưởng, được thăng chức, v.v.) nhưng sự vinh quang đó chỉ thoáng qua, hiểu theo nghĩa nó đến rồi đi ngay sau đó; sau cùng thì tất cả chúng ta đều trên đường về cõi của sự quên lãng. Tất cả những gì chúng ta đã làm rồi cũng sẽ theo thời gian bị lãng quên. Vinh quang trong câu nói của Napoleon giống như ‘Tánh Không’ (emptiness) trong Phật giáo.
Tôi chỉ cần nhìn chung quanh mình thì thấy sự vinh quang đến rồi đi cứ như là một cơn gió thoảng. Một giáo sư được rất nhiều đồng nghiệp mến mộ mới ngày nào còn thấy bà xông xáo đốc thúc mọi người, và được khen tặng trong những buổi họp cuối năm, thì đùng một cái, bà cho biết tháng 12 này bà sẽ mất việc. Bà nói ra câu đó rất bình thản, nhưng không giấu được cái buồn trong ánh mắt. Càng buồn hơn nữa, buổi tiệc tạm biệt bà diễn ra rất buồn bã, vì do qui định về giãn cách xã hội nên chẳng có bao nhiêu người đến tham dự. Từ vinh danh xuống vô danh quả thật rất gần.
Thật ra, cũng chẳng nhìn đâu xa, mà có thể nhìn vào cá nhân mình. Hơn 10 năm trước, tôi và một anh đồng nghiệp trong Viện được trao một fellowship danh giá nhứt nhì cấp quốc gia. Cả Viện ăn mừng, và mình cũng vui, vì nghĩ mình đã làm được cái việc mình hằng mong muốn. Nhưng 6 năm sau thì cả hai chúng tôi đều thất bại: người ta không ‘renew’ cái fellowship. Thế là chúng tôi phải đau khổ một thời gian. Nói cho ngay, tôi vẫn bình thản, nhưng anh bạn tôi thì suy sụp vì nghĩ mình thất bại sau vinh quang. Tôi thì nghĩ đó chỉ là một sự trồi sụt theo Qui luật hồi qui trung bình (mà tôi sắp chia sẻ dưới đây).
Những giây phút vinh quang thường được theo sau bằng một thời gian trống vắng và buồn bã. Nhiều nghệ sĩ tâm sự rằng sau buổi trình diễn với hàng vạn khán giả vỗ tay khen tặng, nhưng khi họ lui vào sân khấu là một thời gian buồn bã và cô đơn. Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong một chương trình nhạc chủ đề, ông cũng nói lên cái ý đó, và giải thích tại sao nhạc của ông thường buồn:
Thôi cũng đành như kiếp rong rêu / một lần hóa thân Cuốn về phong kín tim ta / một đời chói chang Những đam mê, những ngô nghê Với tình người nhỡ lời thề
Nhạc sĩ Lam Phương từng là một nghệ sĩ thuộc hàng triệu phú (đồng), nhưng ngày 30/4/1975 đến ông trở nên trắng tay, và phải rất vất vả làm lại từ đầu khi ra nước ngoài. Thật ra, nhiều nghệ sĩ khác cũng cùng chung số phận: sau thời gian đạt đỉnh điểm trong sự nghiệp thì họ lui vào ‘bóng tối’ và người đời dần dần quên họ.
Cái chu kì vinh quang và quên lãng nó cũng áp dụng cho sự giàu có và nghèo nàn. Người Việt chúng ta có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” (câu này Má tôi lúc sanh tiền hay nói). Chúng ta chỉ cần nhìn chung quan sẽ thấy câu này rất đúng. Ở trong Nam, chúng ta đã biết có những gia đình giàu nứt đố đổ vách một thời, nhưng đến đời thứ hai hay thứ ba thì con cháu trở nên nghèo nàn. Câu chuyện về Công tử Bạc Liêu là một ca tiêu biểu. Có nghiên cứu cho thấy 78% những gia đình giàu có suy thoái vào thế hệ 2, và 90% không duy trì được sự giàu có đến đời thứ ba.
Qui luật ‘regression toward the mean’
Ý tưởng về sự nhứt thời của một đỉnh điểm (như ‘vinh quang’) rất phù hợp với Qui luật ‘regression toward the mean’ (RTM), tạm dịch là ‘hồi qui trung bình’, trong khoa học. Qui luật hồi qui trung bình phát biểu rằng những hiện tượng với giá trị cực đại hay cực tiểu thường có xu hướng qui về số trung bình quần thể. Qui luật này được nhà khoa học thiên tài Francis Galton phát hiện vào năm 1886 khi ông nghiên cứu về yếu tố di truyền trong chiều cao. Ông quan sát rằng những cha mẹ có chiều cao thấp hơn trung bình thì con của họ sẽ có chiều cao tốt hơn họ; ngược lại, những cha mẹ có chiều cao tốt hơn trung bình, thì con của họ lại có chiều cao thấp hơn họ. Nói cách khác, những giá trị cực thường có xu hướng qui về điểm trung bình, và luật này gần như là một luật của tự nhiên.
Qui luật RTM có thể giải thích tại sao học sinh có thành tích xuất sắc trong năm 12 nhưng khi lên đại học thì thành tích học tập bị suy giảm. Ngược lại, những em học không mấy tốt trong năm thứ nhứt đại học thì lại học giỏi trong năm sau. (Có thể chứng minh hiện tượng RTM bằng toán học một cách đơn giản, nhưng có lẽ không cần thiết ở đây).
Qui luật RTM cũng áp dụng cho các cầu thủ thể thao. Chẳng hạn như sau bao nhiêu năm trong ‘bóng tối’, đội banh Việt Nam thành vô địch Đông Nam Á, nhưng sau đó thì bị thất bại. Sự thành bại đó có thể giải thích một phần qua Qui luật hồi qui trung bình. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tài của người hướng dẫn, nhưng ngoài nhân tố đó ra, thì cũng khó loại bỏ yếu tố RTM.
Trong sách “Suy nghĩ, nhanh và chậm” (Thinking, fast and slow), Giáo sư Daniel Kahneman thuật lại rằng trong một lần giảng cho một nhóm sĩ quan không quân Do Thái, một sĩ quan chỉ huy chia sẻ kinh nghiệm thú vị: khi các sĩ quan tập sự được khen tặng thì sau đó họ đáp máy bay tệ hơn trước, nhưng nếu họ bị khiển trách thì lần sau họ đáp máy bay tốt hơn trước; do đó, vị sĩ quan huấn luyện chỉ quở trách chớ không khen. Tuy nhiên, Giáo sư Kahneman giải thích rằng những gì mà vị sĩ quan chỉ huy quan sát không phải do yếu tố khen hay chê, mà chỉ là hệ quả của qui luật hồi qui trung bình.
Ví dụ tiêu biểu nhứt về hiện tượng hồi qui trung bình là các nghiên cứu về đau. Nếu chọn một nhóm bệnh nhân rất đau (ví dụ như điểm đau trung bình 90 trên thang điểm 100 là tối đa), và cho họ uống nước lả. Nếu mức độ đau của họ được đo sau khi uống nước lả, thì điểm đau của họ sẽ giảm. Tuy nhiên, sự giảm đau đó không phải do can thiệp (vì đâu có can thiệp) mà là do hiện tượng hồi qui trung bình. Điều này có nghĩa là nếu nghiên cứu không có nhóm chứng thì kết quả đó không nói gì về hiệu quả của can thiệp.
RTM cũng có thể giải thích [một phần] tại sao những bệnh nhân ung thư tưởng như chờ ngày qua đời nhưng sau đó thì bình phục một thời gian mà không có can thiệp y khoa nào.
Ở trên, tôi nói rằng câu nói vinh quang chỉ là thoáng qua của Napoleon có thể giải thích bằng khái niệm ‘emptiness‘ (Tánh Không) trong Phật giáo. Khái niệm Tánh Không không hề dễ hiểu. Tôi phải đọc đi đọc lại mà không dám chắc mình hiểu. Tôi chỉ hiểu đó là khái niệm cho rằng tất cả sự vật trong thế giới này TỰ NÓ là trống không. (Câu này không có nghĩa rằng mọi sự vật là trống không). ‘Tự nó trống không’ ở đây hiểu theo nghĩa không có sự vật nào là độc lập cả, mà đều lệ thuộc lẫn nhau, và lúc nào cũng thay đổi. Những ai làm trong lãnh vực vật lí và sinh học sẽ rất thấm với khái niệm này.
Khái niệm “tánh không”: tất cả sự vật trong thế giới này TỰ NÓ là trống không.
Cái gọi là ‘vinh quang’ tự nó không là gì cả, vì nó là sản phẩm của một hệ thống, và hệ thống thì thay đổi liên tục vì các thành tố trong hệ thống đó lúc nào cũng đổi thay. Do đó, vinh quang không thể nào tồn tại vĩnh viễn. Hàm ý từ nhận thức này rất quan trọng: chúng ta khổ đau vì chúng ta cố bám víu lấy cái vinh quang và nghĩ sai rằng nó cố định, nó có thật và nó thuộc về mình. Trong thực tế, vinh quang không có thật, không cố định và không thuộc về ai cả. Như vậy, để vui sống thì chúng ta cần phải bỏ ý tưởng chạy theo cái gọi là ‘vinh quang.’
Tương tự, tôi nghĩ Qui luật hồi qui trung bình trong khoa học chính là tánh không vậy. Nói theo tiếng Anh là: “The phenomenon of regression toward the mean is a representation of the concept of emptiness in Buddhism.” Suy nghĩ này hơi phi chánh thống, nhưng nó rất đúng với thực tế khoa học và y học.
Có thể nói rằng những người thế hệ tôi lớn lên cùng những ca khúc của các nhạc sĩ như Lam Phương. Mỗi chặng đường đời đều gắn liền với một ca khúc của ông nhạc sĩ tài ba (và tài hoa) này.
Tôi sanh ra ở một làng quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và những kỉ niệm đồng quê thời thơ ấu đi theo mình suốt đời. Đó là kỉ niệm những dịp cuối tuần, đi xe đạp từ Rạch Giá về quê, đi ngang qua những cánh đồng vàng ngát bao la suốt từ Rạch Giá, Rạch Sỏi, Minh Lương, về tới quê. Cái màu vàng của lúa nó đẹp vô cùng! Đó là kỉ niệm của những ngày theo người lớn ra đồng ruộng, có dịp nhìn cảnh người ta gặt lúa và nhứt là cảnh đập lúa dưới những đêm trăng và những tiếng hò. Phải nói đó là một khung cảnh yên bình mà tôi không thể nào quên trong đời. Đó là thời TT Diệm. Những lúc như vậy tôi nhớ đến bài “Khúc ca ngày mùa” (sáng tác năm 1954) với những lời nhạc mở đầu mô tả rất đúng với kỉ niệm của mình:
Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời
và nhứt là câu:
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời
Ở miệt quê tôi, người Khmer hay giả lúa nếp để làm cốm dẹp (không phải cốm như ngoài Bắc). Mà, người ta thường hay giã lúa vào lúc ban đêm, nên bên cạnh ngọn lửa bập bùng, cái cảnh ba bốn người giã lúa nhịp nhàng trông rất hay:
Giã cho thật đều giã cho thật nhanh Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi Khoan hò khoan Tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài
Lam Phương còn có bài “Trăng thanh bình” (1953) và “Nắng đẹp miền Nam” (1957) mô tả cảnh đồng quê miền Nam lúc còn thanh bình. Đặc biệt là ca khúc “Nắng đẹp miền Nam” bắt đầu với những câu ca trong sáng phác hoạ lên một bức tranh đồng quê miền Nam còn trong những ngày yên lành và hạnh phúc. Thỉnh thoảng nghĩ lại tôi vẫn thấy tiếc cho những ‘ngày tháng cũ’ đó:
Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh
lan dần tới đồng xanh
Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia
cho người người vui hòa
Đường cày hôm quanay lên tràn bông lúa mới
ôi duyên dáng đồng ơi
Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi mình ngắm nhau cười.
Những năm trung học thì gắn liền với những ca khúc tuổi học trò. Có lẽ không ai thuộc thế hệ tôi mà không biết bài “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn, nhưng Lam Phương để lại trong tôi 2 bài ca chan chứa kỉ niệm: Đó là ca khúc “Nhạc rừng khuya” (1953). Ca khúc có những câu thật hùng tráng, hun đúc tinh thần yêu quê hương, dân tộc:
Kìa hồn ai đây trót yêu giống Lạc Hồng Đem thân hiến cho rừng hoang Về cùng ta vui đêm nay cùng sống
phút say sưa bên khúc nhạc rừng Bập bùng bập bùng
đêm khuya thêm não nùng Lửa càng bừng cháy
siết tay nhau chúng ta cùng múa Quanh lửa hồng cháy trong rừng khuya
Thời đó, bài này (Nhạc rừng khuya) thường được chúng ta ‘trình diễn’ trong những buổi lửa trại cùng với ca khúc “Đoàn người lữ thứ” (1957). Theo tôi biết thì ca khúc “Đoàn người lữ thứ” được Lam Phương viết ra trên một chuyến xe lửa dự trại hè liên trường từ Sài Gòn ra Nha Trang. Cảm hứng cảnh núi rừng hùng vĩ và thơ mộng, ông viết những câu thật hay:
Kìa là rừng sâu âm u dưới sương trời khuya Một đoàn tàu đi quanh co giữa đêm trăng đầy Lòng tràn niềm vui
đêm nay chúng ta cùng sum vầy Bên nhau ta hát
hát mãi hát quên đường xa
Trong có những câu dường như nhắc lại giai đoạn người Bắc di cư vào Nam: “Ôi ! Mây thấu chăng miền Bắc giờ đau thương tràn khắp đồng sâu“, nhưng với tràn trề hi vọng như “Ra đi ta chỉ ước một ngày mai huy hoàng” và “Đi xây no ấm, bác ái, đi xây tự do“. Lam Phương viết ra những câu nhạc đó mới 20 tuổi!
Thời trung học, tôi nhớ nhứt là ca khúc “Thành phố buồn” mà ông viết về người yêu tên là Hạnh Dung nhân một chuyến Đà Lạt. Theo Nguyễn Ngọc Ngạn, mối tình của ông với ca sĩ Hạnh Dung cũng là nguồn cảm hứng cho ra đời những ca khúc bất hủ như “Giọt lệ sầu” và đặc biệt là “Phút cuối” (1971):
Nếu ngày nào tình ta đã phai Ngày vui của em cùng ai trên đời Là hôm tiễn anh về nơi cuối trời Em ơi bao giờ nhớ thương này nguôi
Thời thanh niên, tôi rất mê những ca khúc có chút chất tình cảm. Có một ca khúc mà tôi nghĩ gần như đi vào tâm hồn của biết bao thanh niên thế hệ tôi: đó là bài “Duyên Kiếp” (1960):
Em ơi nếu mộng không thành thì sao Non cao đất rộng biết đâu mà tìm Đường đời mịt mời vạn nẻo về đâu Mong chờ duyên kiếp đưa lối bác cầu
Bài này thường hay bị đổi lời (kiểu “nhạc chế”) rất vui: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao / Mua chai thuốc chuột uống vô cho rồi đời“. Khi kí giả hỏi Lam Phương về lợi nhạc chế này có làm cho ông buồn phiền, ông mỉm cười nói rằng ông vui vì thấy nhạc của mình đi vào đại chúng.
Ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Lam Phương rời Việt Nam trên chuyến tàu Trường Xuân đi tị nạn bên Mĩ. Những năm sau đó trong niên 1970 và 1980, hàng triệu người Việt vượt biên định cư ở các nước phương Tây. Những ca khúc của Lam Phương lại đi cùng năm tháng tị nạn. Thời đó, người tị nạn ra đi là đã xác định cái tâm thể ‘một đi không trở lại’. Lam Phương viết ca khúc “Xin thời gian qua mau“, trong đó có những câu gần như tuyệt vọng:
Ngày về ôi xa quá Cánh nhạn còn miệt mài Trong nắng hồng mê say Lạc bầy chim chíu chít Hai phương trời cách biệt Đêm chờ và đêm mong
Ca khúc “Đường về quê hương” cũng có những câu hỏi biết bao giờ về Việt Nam để thăm lại cánh đồng và được nhìn người thân:
Đến bao giờ trở về Việt Nam, Thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm, Nghe gió chiều nhẹ đưa
Đến bao giờ ta được nhìn ta, Ta được nhìn ta trong niềm vui phố xưa Cô em đôi mắt ướt mang sầu chia ly Ra mừng đón anh về
Có lần tôi đi công tác bên Âu châu và phải ghé qua Bangkok để chuyển tiếp chuyến bay ngày hôm sau, đứng trên tầng 25 của khách sạn Montien nhìn về Việt Nam, nghe bài này mà ứa nước mắt. Không về quê được, người tị nạn mơ mình về thăm lại vườn cau, bến đò. Trong ca khúc “Chiều Tây Đô” Lam Phương nói hộ cho rất nhiều người lúc đó:
Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về Thăm quê xưa với vườn cau thề Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô
…
Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều Sao anh không thấy về Ninh Kiều Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen Đen như manh áo buồn chưa quen
Có một ca khúc của Lam Phương viết khi ông gặp người yêu thứ 5 ở Paris, “Nửa đời yêu em“, nhưng thật ra cũng là ca khúc cho rất nhiều người gặp nhau trong dang dở:
Hai con yêu nhau bằng tâm hồn biệt xứ Đôi tim ghép lại bằng khổ đau nửa đời
…
Tình sao đắng cay mỗi khi bừng mắt dậy Mừng vì mới hay tình còn ở trong tay Anh yêu tên em mùi hương nồng huyền ảo Yêu em thật rồi và nhớ em cả đời
Khi tôi nghe câu “Anh yêu tên em mùi hương nồng huyền ảo” tôi cứ tưởng người yêu của ông tên là Hương, nhưng hoá ra chị ấy tên là Hường. Do đó, có câu “Hương … huyền ảo”. Nghĩ lại thấy nhạc sĩ có cách sáng tạo tên người yêu rất độc đáo!
Nhạc sĩ Lam Phương có thể ví von như là người thư kí của thời đại. Ông mô tả một Việt Nam thời thanh bình qua hàng loạt ca khúc vui tươi, rộn ràng và đậm chất đồng quê miền Nam. Đến thời biến động của lịch sử sau 1975 ông ghi lại tâm tình của hàng triệu người Việt. Cái thời thanh bình và biến động lịch sử đó đã qua rồi, nhưng bức tranh thanh bình và dao động đất nước vẫn còn trong các ca khúc của ông. Những mối tình cá nhân của ông cũng chính là những gói gém tình cảm của đồng hương xa xứ. Ca khúc nào của ông cũng dễ đi vào lòng người — không chỉ lời ca đẹp hay nhạc điệu dễ nghe — mà vì ông được xem như là một sứ giả tâm tình của người Việt qua nhiều giai đoạn.
Cách đây vài năm, tôi mắc bệnh, và người phát hiện là sếp tôi. Sau này tôi hay nói rằng “nhờ ông mà tôi còn sống đến nay”. Nhưng sếp khoát tay nói: “Anh thật sự nghĩ vậy à? Không! không có tôi thì có người khác giúp anh. Tôi chẳng làm gì quan trọng đâu“. Câu đó làm tôi suy nghĩ hoài.
Tất cả chúng ta được sinh ra và tồn tại trong thế giới này để phụng sự từ những điều rất ư nhỏ bé. Nó không quan trọng như ta tưởng. Những thi đua, giải thưởng “nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất” trong giới khoa học chúng tôi hay chức danh của ai dù nghe khá “kêu” chỉ có nghĩa nhỏ nhoi trong một lĩnh vực nhất định. Song điều đó dễ làm cho người ta ảo tưởng rằng mình là người quan trọng hơn số đông. Tôi nghĩ tâm lý đó có phần tự huyễn hoặc.
Thế giới này quá rộng lớn và càng ngày càng lớn hơn, tuyệt đại đa số chúng ta không có vai trò gì quá quan trọng đối với người khác. Nếu một mai chúng ta mất đi, người khác vẫn sống. Không chúng ta làm, thì có người khác làm, y như sếp tôi nói. Không nên tự xem mình quá quan trọng, càng không nên xem mình quan trọng hơn người khác.
Tư duy “tôi và chúng ta” này cũng có thể áp dụng để nhìn nhận việc phòng chống dịch bệnh ở quy mô cá nhân và cộng đồng.
Giáo sư Goeffrey Rose từ đầu thập niên 1980 đã nêu “Tiên đề Rose”. Ông quan sát và phân tích rằng những biện pháp y tế công cộng có thể không đem lại lợi ích rõ ràng cho một cá nhân nhưng lại có hiệu quả rất lớn trong cộng đồng. Ví dụ, nếu mỗi chúng ta tìm cách giảm cholesterol dù chỉ 5% – mức rất thấp, lợi ích phòng chống bệnh tim mạch cho cá nhân ta sẽ không cao, nhưng lại giúp giảm rất lớn số ca bệnh trong cả nước. Đó là nghịch lý ít người nhận ra.
Lý do: đa số người mắc bệnh tim mạch thuộc nhóm có nồng độ cholesterol bình thường chứ không phải ở nhóm có cholesterol cao. Thử tưởng tượng, cộng đồng có 100 người có nồng độ cholesterol cao và 900 người có cholesterol bình thường. Giả định rằng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nhóm cholesterol cao là 10% và nhóm cholesterol bình thường là 5%. Số người mắc bệnh tim mạch ở nhóm cholesterol cao là 10, nhưng ở nhóm cholesterol bình thường là 45. Như vậy, đa số người mắc bệnh tim mạch có cholesterol bình thường. Do đó, nếu can thiệp vào nhóm người cholesterol cao thì chỉ giảm một số ít ca bệnh. Chiến lược y tế hữu hiệu là giảm cholesterol cho cả hai nhóm có cholesterol cao và thấp.
Đây chính là một nghịch lý trong y tế công cộng mà tôi thử dựa vào đó trả lời câu hỏi quan trọng hiện nay: vaccine Covid-19 có phải cây đũa thần với mỗi chúng ta không?
Khi bạn tình nguyện tiêm vaccine có nghĩa là bạn đã làm một ‘service’ cho cộng đồng. Lợi ích cho cá nhân bạn rất khó thấy, nhưng lợi ích cho cộng đồng thì rất lớn. Cũng giống như giảm tốc độ khi lái xe bạn không thấy lợi ích cho cá nhân mình, nhưng lợi ích cứu người trong cộng đồng thì rất lớn.
Các tình nguyện viên tại Việt Nam và hơn 100 ngàn tình nguyện viên trên thế giới đã tiêm thử vaccine. Nhiều người đang nghĩ rằng những ai đã tiêm vaccine này sẽ miễn nhiễm với đại dịch.
Nhưng không hẳn thế. Khi xem xét các nghiên cứu khoa học về ba vaccine Pfizer, Moderna và Oxford đã công bố quốc tế trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet, Nature và New England Journal of Medicine, tôi thấy rằng tiêm vaccine có thể chẳng đem lại lợi ích nhiều cho một cá nhân, nhưng có lợi lớn cho cộng đồng.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy trong số 1.000 người không tiêm vaccine, có 17 người bị nhiễm. Nhưng nếu 1.000 người này được tiêm vaccine, số người bị nhiễm giảm xuống còn 5 người. Nói cách khác, nguy cơ nhiễm ở nhóm được tiêm vaccine thấp hơn nhóm không được tiêm.
Nếu bạn đi tiêm vacccine và hỏi bác sĩ: “tôi sẽ không bị nhiễm chứ”? Bác sĩ trả lời rằng, “tôi không dám nói bạn không bị nhiễm, tôi chỉ dám nói xác suất bạn bị nhiễm thấp hơn người không tiêm vaccine”.
Và bác sĩ giải thích thêm, trong 1.000 người được tiêm vaccine sẽ có 5 người bị nhiễm, 995 người không bị. Nhưng dù được tiêm vaccine rồi, bạn vẫn có thể thuộc số 5 người bị nhiễm này. Lý do: không bao giờ có vaccine bảo vệ 100%.
Nhưng nếu 1.000 người này gồm cả bạn không được tiêm, sẽ có 17 người bị nhiễm. Việc bạn sẽ nằm trong số 17 người bị nhiễm hay 983 người không bị nhiễm tùy thuộc sự “may mắn” của bạn, không bác sĩ nào trả lời được.
Dù bạn có được tiêm hay không được tiêm vaccine, bạn vẫn có thể bị nhiễm hay miễn nhiễm Covid-19. Chỉ khác là: bạn nằm trong nhóm 5 người hoặc 17 người có thể bị nhiễm hay trong số đông còn lại (995 người và 983 người) của cộng đồng 1.000 người kia. Nhưng tôi không bao giờ dám nói trước bạn thuộc số ít bị nhiễm hay số đông miễn nhiễm.
Chắc bạn sẽ hoang mang. Nhưng, không có điều gì chắc chắn trong y khoa. Và hiệu quả vaccine là ở đó: giảm nguy cơ bị nhiễm trong một cộng đồng.
Số ca nhiễm bệnh giảm từ 17 người xuống còn 5 người, nếu 1.000 người đều được tiêm vaccine, có thể coi là “không hề lớn”. Nó cũng không biến khả năng nhiễm bệnh của bạn còn 0% vì vaccine không bảo vệ tuyệt đối. Nhưng, cả cộng đồng tiêm vaccine thì sẽ tạo ra hiệu ứng cực kỳ lớn. Nó có nghĩa là: tuyệt đại đa số dân, gồm người tiêm và không tiêm vaccine, ít bị nhiễm hơn.
Và có thể hiểu thêm: khi bạn tình nguyện tiêm hay bạn được tiêm vaccine có nghĩa là bạn đã làm một việc tích cực cho xã hội, vì bạn giúp giảm dịch bệnh trong cộng đồng. Nó giống như khi bạn giảm tốc độ lái xe, cá nhân bạn chẳng hưởng lợi gì nhiều, thậm chí về nhà trễ hơn một chút, song bạn đang giúp cộng đồng giảm tai nạn giao thông. Một người tuân thủ tốc độ khi tham gia giao thông thì với cá nhân anh ta, xác suất bị tai nạn chỉ giảm một chút – anh ta vẫn bình an như mọi ngày. Nhưng khi người lái xe toàn thành phố cùng giảm tốc độ hôm đó, thì giá trị vô cùng, có thể không có tai nạn giao thông.
Tiêm vaccine có ý nghĩa tương tự: giúp cộng đồng hơn là giúp cho cá nhân.
Đây chính là một nghịch lý trong y tế công cộng theo “Tiên đề Rose”, dù vaccine là tin mừng cho loài người. Vì thế, tới đây, nếu bạn được chọn tiêm vaccine hay không, cũng đừng lấy chuyện đó làm bức xúc. Bởi thực ra bạn cũng không “bị thiệt” nhiều so với người khác.
Mấy tuần nay tôi đọc cuốn sách về nhà vật lý lừng danh Richard Feynman và thích lắm. Một trong những câu tôi thích: nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự huyễn hoặc mình, vì bạn là người dễ huyễn hoặc nhất. Tôi thấy trong đại dịch, câu này cũng rất đúng, theo nghĩa, không nên quá đề cao một việc đơn lẻ hay ai đó, bởi mọi thành qủa đều nhờ sự góp công của hơn một cá thể. Và càng không tự đánh giá mình quá quan trọng hơn người khác.
Có thể quan điểm này “khó lọt tai”, song lý thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith đã cho rằng tất cả chúng ta làm việc đầu tiên là vì lợi ích của chính bản thân ta. Ta lao động trước hết là vì có thu nhập để tồn tại, qua đó đóng góp cho xã hội. Nên, thay vì hỏi “có biết tôi là ai không”, “tôi phải được gì”, hãy hỏi “ta đã phụng sự gì cho mình và cho đời?”.
Viết văn RẤT quan trọng cho sự nghiệp. Nhưng viết văn khó hơn nhiều so với nói. Lời nói có thể phát ra trong một giây phút suy nghĩ chưa tới, nhưng viết văn đòi hỏi phải có suy nghĩ trước sau. Mượn cách nói của Daniel Kahneman, viết văn là suy nghĩ chậm, còn nói là suy nghĩ nhanh. Cái note này chia sẻ cùng các bạn vài kinh nghiệm về viết văn như là một suy nghĩ chậm.
Bàn về viết văn, có một câu chuyện của Nhà văn E. L. Doctorow được kể trên nhựt báo New York Times rất đáng đọc. Chuyện kể rằng sáng hôm đó, trong buổi ăn điểm tâm, con gái của nhà văn tên là Caroline nhờ Ba mình viết một cái note giải thích rằng em ấy sẽ nghỉ học 1 ngày vì bị cảm lạnh. Doctorow bắt đầu cái note với câu:
“Con gái tôi tên là Caroline ...”
Ông ngưng viết. Ông tự nhủ rằng dĩ nhiên nó là con gái mình, chớ có ai khác viết cái note cho nó. Như vậy câu văn này thừa. Ông xoá câu văn đó và viết lại:
“Please excuse Caroline Doctorow …”.
Nhưng ông ngưng nữa, và tự hỏi tại sao mình phải van xin cho con gái mình. Nó bị nhiễm virus và cảm lạnh, chớ có phạm tội gì đâu. Câu văn đó không đạt.
Thế rồi, ông lại xoá câu văn đó, và viết câu văn khác. Nhưng viết mãi đến câu văn thứ 6 mà ông vẫn không hài lòng. Đến lúc đó thì bà vợ ông, Helen, mất kiên nhẫn, bèn viết cái note một cách gọn gàng. Bài báo không cho biết cái note đó được viết như thế nào, nhưng bài học ở đây là viết văn rất khó, đặc biệt là viết một cách ngắn gọn.
Nếu bạn muốn viết một câu chuyện dài, bạn phải học cách viết ngắn gọn.
Hai khó khăn lớn
Câu chuyện trên của nhà văn Doctorow có lẽ cũng là một kinh nghiệm phổ biến ở nhiều người, và nó nói lên rằng viết văn không hề dễ. Viết văn, đặc biệt là văn chương khoa học, rất khó. Viết văn hay càng khó hơn. Có nhiều khi ngồi trước tờ giấy hay màn ảnh máy tính cả giờ đồng hồ mà không viết ra một câu văn. Nhiều khi nói ra thì rất dễ, nhưng viết xuống câu văn mình mới nói ra thì mình lại … không hài lòng. Không hài lòng thì chỉnh sửa câu văn, nhưng có những tình huống càng chỉnh sửa thì càng rối, và ý tưởng càng mù mờ, khó hiểu. Do đó, có nhiều người họ phát biểu thì xem ra rất trôi chảy, thông thạo, nhưng khi họ viết thì chẳng ra đầu đuôi gì cả. Tiêu biểu là mấy người làm chánh trị [1-2].
Tôi nghiệm ra rằng cái khó khăn lớn nhứt trong viết văn là câu chuyện, là kịch bản. Bạn có thể nói linh tinh thì dễ, nhưng để cấu trúc thành một câu chuyện có đầu có đuôi thì không dễ. Có khi bạn đã có câu chuyện, nhưng không biết cách lên kịch bản sao cho logic, hay không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí khi đã đặt bút xuống viết một phần, nhưng sau đó thì thấy … bí. Khi thấy bí, ý tưởng dường như cạn kiệt, và do đó không biết viết gì tiếp. Lên kịch bản với đầy đủ chi tiết và logic là khó khăn lớn nhứt trong viết văn mà tôi nghĩ bất cứ ai cũng từng gặp phải.
Tuy nhiên, có nhiều người giả bộ nói rằng họ bận quá nên viết ngắn gọn. Nhưng trong thực tế thì họ không có đủ cho tiết và chưa suy nghĩ kĩ về câu chuyện, nên họ không mô tả đầy đủ câu chuyện.
Khó khăn lớn thứ hai về viết văn là cách dùng chữ và cấu trúc đoạn văn. Nếu không là người bản xứ thì cách hành văn bằng tiếng Anh không hề đơn giản, bởi vì vốn ngữ vựng hạn chế, nên thỉnh thoảng chúng ta thấy … bí chữ. Chẳng lẽ một chữ mà dùng đi dùng lại nhiều lần thì kì quá. Ngay cả khi có đủ chữ thì đến vấn đề viết câu văn cho hoàn chỉnh và hay là cả một thách thức lớn. Có những câu văn mô tả thì không quá khó, nhưng có những câu văn so sánh bóng bẩy thì đòi hỏi phải có trình độ kha khá để viết cho đạt. Tóm lại, cái khó khăn lớn thứ hai trong viết văn là vấn đề kĩ thuật.
Chúng ta biết rằng mỗi đoạn văn chỉ nói lên 1 ý tưởng, nhưng không ít tác giả quên cái nguyên lí đó, nên làm cho đoạn văn khó hiểu. Có người viết một đoạn văn rất dài nhưng đoạn văn chỉ có 1 câu văn [2].
6 bài học về viết văn
Vậy thì cần phải làm gì để khắc phục 2 khó khăn đó? Tôi xin mách các bạn 6 điều về viết văn sao cho dễ hiểu. Tôi dứt khoát không phải là một người viết hay, nhưng tôi nghĩ những bài học mà tôi chia sẻ dưới đây có thể giúp cho các bạn có vài ý tưởng để viết văn tốt hơn.
Bài học 1: lên kịch bản câu chuyện
Mỗi bài viết, dù là original article hay review, thì vẫn phải nói lên một câu chuyện — một story. Câu chuyện phải trong văn viết phải được phác hoạ bằng một kịch bản. Kịch bản phải kèm theo những chi tiết. Phần kết của câu chuyện phải nói lên một thông điệp.
Chẳng hạn như có lần tôi bảo một em bác sĩ viết một bài review (tổng quan) mối liên hệ giữa vitamin D và loãng xương, nhưng 1 tuần sau em ấy đến với khuôn mặt rầu rĩ nói rằng không biết cấu trúc bài viết như thế nào. Tôi khuyên em ấy là nên lên kịch bản của câu chuyện thành 3 phần: vitamin D, loãng xương, và ý nghĩa lâm sàng.
Phần đầu bàn về định nghĩa thế nào là vitamin D, có bao nhiêu loại vitamin D, nguồn gốc vitamin D, chức năng của vitamin D, cách đo lường vitamin D, phân nhóm dựa vào đo lường, và số người thiếu vitamin D trong cộng đồng.
Phần 2 bàn về bệnh lí loãng xương như định nghĩa, vai trò của mật độ xương, số người bị loãng xương trong cộng đồng, hệ quả của loãng xương là gì, và yếu tố nguy cơ. Trong những yếu tố nguy cơ có thiếu vitamin D.
Phần 3 là điểm qua những nghiên cứu về mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và loãng xương, và ý nghĩa của các nghiên cứu đến việc điều trị và phòng ngừa loãng xương.
Mỗi một chi tiết trong kịch bản trên có thể là một hay hơn 1 đoạn văn. Nếu viết đầy đủ và có đầu đuôi thì bài tổng quan dễ dàng lên đến 10 trang giấy. Nếu tập san muốn viết ngắn hơn thì có thể giảm xuống theo yêu cầu của họ.
Bài học 2: mở đầu bằng một chi tiết hấp dẫn
Mỗi bài viết phải nói lên một câu chuyện, và câu chuyện nên hấp dẫn hay đáng nhớ. Một cách để đạt mục tiêu này là mở đầu bằng một tình tiết đi thẳng vào vấn đề nhưng có sức lôi cuốn độc giả. Độc giả ngày nay không có nhiều thì giờ. Theo một nghiên cứu khá lâu, nếu độc giả đọc một bài báo hay một cuốn sách, mà trong vòng 7 phút đầu họ không thấy thích thú thì họ sẽ bỏ cuộc. Nói cách khác, người viết có 7 phút để ‘câu’ độc giả ở lại với mình.
Chẳng hạn như cuốn hồi kí “The Happiest Refugee” (Người Tị Nạn Hạnh Phúc Nhứt) của Anh Do (Đỗ Anh, một kịch sĩ nổi tiếng ở Úc) có cách vào chuyện rất hay. Trong hồi kí, tác giả dùng đoạn văn đầu để mô tả cảm giác anh ấy gặp lại thân phụ trong một căn nhà nghèo nàn ở Sydney sau một thời gian dài cách biệt. Đỗ Anh mô tả khi anh nghe điện thoại của thân phụ rằng ông muốn gặp anh, anh anh lái xe như bay dọc theo [đại lộ] Hume Highway, mà trong đầu thì dự tính khi gặp ông, anh sẽ đấm vào mặt ông một phát ra máu cho bõ tức. Nhưng khi gặp ông cùng với một đứa em cùng cha khác mẹ mới 1 tuổi, anh thấy chùng lòng và hai cha con trùng phùng trong nước mắt và … bia.
“I’m flying down the Hume Highway at 130 kilometres an hour. I’ve lost control a few times but the brrrrrr of those white guide things on the side of the road keeps me on track. A steering wheel wet from tears is a very slippery object. I am sobbing uncontrollably.
Will he even recognise me? If he doesn’t, I’m going to just turn around and walk the other way.
I haven’t seen my father in nine years. Since I was thirteen in fact. I watched him walk out the door one night and haven’t seen or heard from him since, except for one strange phone call late at night on my eighteenth birthday. He was drunk and I hung up. I hated him when he was drunk . . . I feared him even.
Now, here I am at the age of twenty-two rushing headlong to see him. I’m quite a lot taller than when he left. And, more importantly, stronger. I can take him now . . . easy. I’m torn between fantasies of a happy reunion with this guy and beating him up.
I’m considering the different ways I could headbutt the little Vietnamese prick. As soon as he opens the door—Bang! Try and get him before he has a chance to do anything. Blood would pour from his nose and he’d be sorry. I’d make him pay for everything. For pissing off. For forcing Mum to look after three kids on an illiterate Vietnamese migrant’s wages of less than ten bucks an hour. But I also miss him dearly.
I remember him as funny and charming, and he taught me that I could do anything. He used to tell me, ‘If you find the right woman, don’t muck around and waste any time. Marry her. You’ll be happy for the rest of your life. Just look at me and your mum.’
That’s what he taught me. What a hypocrite.”
Phải nói là cách vào câu chuyện đời của Đỗ Anh vô cùng hấp dẫn. Thoạt đầu đọc đến đoạn anh nói muốn đấm vào ba mình một phát, tôi tự hỏi tại sao trên đời này có một đứa con hỗn hào như vậy, nhưng hoá ra đó là một cách ‘câu’ độc giả rất tuyệt vời.
Bài học 3: đàm thoại và hình tượng hoá
Theo nhà tâm lí học Steven Pinker, 1/3 bộ não con người được dành cho thị giác. Điều này cũng có nghĩa là khi viết văn, chúng ta nên làm cho độc giả “thấy” mục tiêu cụ thể của bài viết, và làm được điều này sẽ có hiệu ứng rất tích cực cho bài viết. Đối với con người, đi từ “Tôi nghĩ tôi hiểu” đến “Tôi hiểu”, chúng ta cần phải thấy cảnh tượng và cảm nhận được động cơ. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy rằng độc giả hiểu và nhớ các thông tin tốt hơn khi thông tin được diễn tả bằng một ngôn ngữ mà họ có thể thấy bằng hình ảnh.
Ngoài ra, người viết cần phải chọn cách viết đàm thoại. Như nói trên, mỗi bài viết là một câu chuyện, và cách viết kể chuyện giúp người đọc lãnh hội rất nhanh. Ngày nay, cách viết kể chuyện hay đàm thoại cũng được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo các tác giả nên viết.
Trong lời mở đầu của cuốn “The Notebook“, nhà văn người Ý Umberto Eco viết như sau:
“I am writing this preface because I feel I have an experience in common with our friend Saramago, and this is of writing books on the one hand, and on the other of writing moral critiques in a weekly magazine. Since the second type of writing is clearer and more popular than the former, lots of people have asked me if I haven’t decanted into the little articles wider reflections from the bigger books. But no, I reply, experience teaches me… that it is the impulse of irritation, the satirical sting, the ruthless criticism written on the spur of the moment that will go on to supply material for an essayistic reflection or a more extended narrative. It is everyday writing that inspires the most committed works, not the other way round.“
Một đoạn văn rất cô đọng và đọc lên cứ như là một loại văn đối thoại. Những chữ được dùng trong đoạn văn trên toàn là những chữ thông thường, không cần dùng đến các chữ có nguồn gốc Latin, nên ai cũng có thể hiểu. Cách viết cũng rất gần với cách nói (ví dụ như “ I am writing this preface because I feel I have …” hay “But no, I reply, experience teaches me …”). Tôi rất thích cách viết này.
Bài học 4: cung cấp chi tiết và kiến thức
Một trong những sai lầm căn bản nhất trong viết văn là giả định rằng người đọc đã biết qua câu chuyện người viết muốn đề cập. Đó là một giả định sai lầm nghiêm trọng. Trước khi đề cập đến câu chuyện, người viết phải nhắc đến bối cảnh hay tiến trình của câu chuyện. Nếu có một ý tưởng hay một chữ gì mới, người viết cần phải giải thích. Đừng nghĩ rằng “tôi viết thế, ai muốn hiểu sao thì hiểu”! Đó là một suy nghĩ ngu xuẩn.
Nhiều người thiếu kinh nghiệm thường phạm phải một lỗi lầm rất cơ bản trong khi viết là người viết muốn tỏ ra mình thông minh. Trong thực tế, khi người viết tỏ ra thông minh thì thật ra họ là người … ngu xuẩn. Nên nghĩ đến người đọc khi viết văn. Người đọc và người viết bình đẳng. Nếu người viết cố gắng gây ấn tượng thì họ có thể làm cho người đọc cảm thấy mình ngu (và không ai muốn mình ngu), nên sẽ rất phản tác dụng. Do đó cách hay nhất là đưa bản thảo cho một người khác đọc và hỏi ý kiến của họ. Hỏi xem họ có hiểu những gì mình viết hay không. Hỏi xem họ có cảm nhận được cái thông điệp chính của bài viết.
Bài học 5: câu văn chủ đề
Chúng ta phải học nhà báo, vì họ có cách viết rất trực tiếp. Chú ý nhà báo viết những dòng chữ chapeau rất ngắn và đi thẳng vào vấn đề. Chỉ cần đọc cái chapeau là chúng ta biết được nét chính của câu chuyện. Nói cách khác, người viết nên nói cho độc giả biết ý tưởng của mình là gì. Điều này cũng có nghĩa là bắt đầu mỗi đọan văn bằng một câu văn tuyên ngôn (còn gọi là “declarative sentence”). Đừng bao giờ viết “vòng vo” để độc giả phải chờ đến câu văn cuối mới biết ý tưởng của người viết là gì.
Một đoạn văn phải có 3 phần. Phần 1 là câu văn tuyên ngôn hay câu văn chủ đề, báo cho độc giả biết mình muốn nói lên điều gì trong đoạn văn này. Các câu văn sau là những câu văn dữ liệu, hiểu theo nghĩa cung cấp dữ liệu, chứng cớ để yểm trợ hay minh hoạ cho câu văn chủ đề. Câu văn sau cùng là câu văn kết luận, nhấn mạnh cái ý đặt ra trong câu văn đầu. Cấu trúc này đơn giản và vô cùng sơ đẳng, nhưng chẳng hiểu sao rất nhiều người không tuân theo!
Hãy đọc thử một đoạn văn của Samuel Huntington trong cuốn “The Clash of Civilizations” dưới đây:
“Modernization, in short, does not necessarily mean Westernization. Non-Western societies can modernize and have modernized without abandoning their own cultures and adopting wholesale Western values, institutions, and practices. The latter, indeed, may be almost impossible: whatever obstacles non-Western cultures pose to modernization pale before those they pose to Westernization. It would, as Braudel observes, almost “be childish” to think that modernization or the “triumph of civilization in the singular would lead to the end of the plurality of historic cultures embodied for “centuries in the world’s great civilizations.48 Modernization, instead, strengthens those cultures and reduces the relative power of the West. In fundamental ways, the world is becoming more modern and less Western.”
Vào đầu đoạn văn, tác giả tuyên bố chủ đề là sự khác biệt giữa hiện đại hoá và tây phương hoá. Những câu văn sau đó giải thích tại sao có sự khác biệt, và đưa ra vài ví dụ minh hoạ. Câu văn sau cùng (“In fundamental ways, the world is becoming more modern and less Western”) quay lại cái ý chánh trong câu đầu như là một cách nhấn mạnh rằng thế giới càng ngày càng hiện đại hoá nhưng ít tây phương hoá hơn.
Bài học 6: đọc, đọc, và đọc
Ở trên, tôi nói rằng mỗi bài viết phải nói lên một câu chuyện, và một câu chuyện phải có kịch bản với những chi tiết. Nhưng để cho câu chuyện hấp dẫn và kịch bản có đầy đủ chi tiết, người viết phải tỏ ra là một người ‘uyên bác’, hiểu theo nghĩa am hiểu vấn đề, rành rọt câu chuyện mình muốn chuyển tải đến độc giả. Mà, để uyên bác, thì tác giả phải đọc nhiều. Đọc nhiều lắm. Đọc những nghiên cứu trước, đọc những bình luận và xã luận. Đọc cả sách … văn học. Đọc cả sách chánh luận. Qua đọc sách, tác giả học được ngữ vựng, học cách viết và cách cấu trúc câu chuyện.
Pinker nói: “Tôi không nghĩ bạn có thể trở thành một cây viết tốt mà không bỏ ra nhiều thì giờ để ngâm mình trong những cuốn sách để ngấm hàng ngàn thành ngữ, những hình ảnh, nhưng chữ thú vị, và qua đó phát triển cảm nhận về viết văn. Trở thành một cây viết đòi hỏi thưởng thức và ‘reverse-engineering’ những câu văn hay, những đoạn văn, những đoản văn gây cảm hứng để giúp bạn cấu trúc một bài viết đẹp.”
Sau cùng là chỉnh sửa.Viết văn không phải lúc nào cũng có những câu chữ ‘xuất thần’ như nhà thơ được. Lúc nào cũng phải chỉnh sửa và biên tập. Tập thói quen như sau: viết ra một câu văn, đọc lại câu văn xem có chữ nào thừa hay thiếu, xem câu văn đã chuyển tải được cái thông tin người viết muốn gửi đến độc giả; đến cuối đoạn văn, đọc lại một lần nữa xem có những câu văn nào chưa ăn khớp với nhau, và đoạn văn đã nói lên được ý tưởng. Viết văn là một quá trình chỉnh sửa và biên tập. Tôi ví viết văn như nấu canh chua, tức cần phải nêm nếm cho đến khi nồi canh hoàn chỉnh.
Tập viết thường xuyên. Nếu các bạn cảm thấy khó khăn khi viết văn, thì tôi khuyên các bạn là nên tập viết thường xuyên. Viết nhựt kí. Viết blog hay fb note, hay twitter. Viết blog hay twitter là một thể thao viết văn rất tuyệt vời. Chẳng hạn như viết trên twitter, vì ‘luật twitter’ bắt buộc chúng ta phải viết ngắn nhưng có ý nghĩa, và cách viết đó giúp chúng ta chọn chữ thích hợp nhưng đồng thời loại bỏ những chữ không cần thiết. Do đó, các bạn nên bắt đầu viết trên facebook hay blog, viết về những cảm nhận hàng ngày của mình như là nhật kí điện tử, và theo thời gian các bạn sẽ trở thành một cây viết tốt.
Nhà văn lừng danh người Mĩ William Zinsser từng nói một câu bất hủ: “Writing is thinking on paper” — Viết văn là suy nghĩ trên trang giấy. Viết văn đúng là một cách suy nghĩ (không có ‘tư duy’ gì ở đây, chỉ là ‘suy nghĩ’). Suy nghĩ trên trang giấy. Theo đó, người có ý tưởng rõ ràng hay hiểu vấn đề thì viết văn cũng sẽ rõ ràng, dễ hiểu. Ngược lại, người suy nghĩ mù mờ thì viết văn không rõ ràng. Người suy nghĩ chưa chín thì viết văn lan man, mờ nhạt. Do đó, khi đọc những dòng chữ viết của một người, chúng ta cũng có thể biết một chút về suy nghĩ của người đó.
______
[1] Ví dụ như cách viết này thì rất khó hiểu vì câu văn quá dài và ý tưởng không rõ ràng:
” Quá trình 35 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cho thấy, cần nhận thức sâu sắc hơn, tiếp tục bổ sung, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các mối quan hệ lớn về mặt tư tưởng, lý luận, đề ra các quyết sách, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững, đặc biệt chú trọng xử lý tốt hơn các mối quan hệ: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.” (https://moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/gioi-thieu-nqtw4/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-ve-chuan-bi-dai-hoi-xiii-cua-dang-44870.html)
[2] Đây cũng là một đoạn văn rất khó hiểu của một ông bộ trưởng:
“Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển các ngành nghề đào tạo chất lượng cao; tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng và năng lực tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đẩy mạnh công khai, minh bạch quá trình tổ chức đào tạo; ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến trong đào tạo để chủ động thích ứng với những thay đổi dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.” (http://laodongxahoi.net/thu-chuc-mung-ngay-nha-giao-viet-nam-cua-bo-truong-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-1317251.html)
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục mọi hạn chế yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 29, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.” (https://baodansinh.vn/bo-truong-pham-vu-luan-gui-thu-chuc-mung-ngay-nha-giao-viet-nam-20392.htm)
Ngày này (21/12/2020) năm trước là ngày trọng đại của đứa cháu tôi, vì nó cưới vợ. Vợ nó quê ở An Giang. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp dự lễ cưới miệt quê và nhớ lại đám cưới thời xa xưa.
Như các bạn thấy, cổng nhà trai làm bằng cây đủng đỉnh, loại này bây giờ tương đối hiếm. Nhưng sự ‘hiện diện’ của cây đủng đỉnh chứng tỏ đám cưới ngày nay cũng cố gắng giữ truyền thống thời xa xưa. Thời đó, rạp cưới được dựng bằng vật liệu sẵn có như đủng đỉnh, dừa nước, cây cao, cùng mấy loại bông vàng đỏ, tất cả hoà quyện nhau làm cho rạp ‘màu mè’ và vui mắt. Nó đậm chất quê, chơn chất, mà dễ thương.
Cổng đám cưới được làm băng cây đủng đỉnh (rất hiếm ngày nay)
Hồi xưa, đám cưới rất vui. Trước lễ cưới 1-2 ngày là đã có tiệc đãi thanh niên trong xóm đến phụ giúp việc dựng rạp và nấu nướng. Đến đêm nhóm họ lại càng vui, vì đó là dịp để gặp bà con trong đại gia đình và chòm xóm. Nhưng rước dâu là vui nhứt. Thời đó miền quê tôi không có con lộ như bây giờ, giao thông chủ yếu là đường sông, thành ra rước dâu bằng … ghe. Mỗi ghe có nhiều người mặc áo mới có khi khá sặc sỡ, trông từ xa rất hay. Ghe thì đi chậm, do đó người hai bên sông có dịp chứng kiến hôn lễ như một thước phim chậm. Giờ nghĩ lại thấy cái cảnh rước dâu đó vui làm sao!
Còn ngày nay thì đám cưới đã bị ‘cơ giới hoá’ và ‘công nghiệp hoá’ hơi nhiều. Có hẳn một kĩ nghệ tổ chức đám cưới, từ khâu dựng rạp, mướn bàn ghế, đến nấu ăn, thậm chí cả MC! Còn rước dâu thì đi bằng … xe hơi. Rước dâu bằng xe hơi chạy nhanh quá, có khi bị lạc nữa chớ! Nhưng thời đại công nghiệp hoá thì đám cưới cũng bị cuốn theo thời đại thôi. Muốn hay không thì ‘hương đồng gió nội bay đi ít nhiều’.
Nhưng cũng may là vợ chồng thằng cháu tôi có suy nghĩ, nên tụi nó thiết kế đám cưới còn chút hương động cỏ nội. Cả nhà bận rộn làm buổi nhóm họ, rồi rước dâu, rồi tiệc đãi hai bên nhà gái nhà trai. Sáng sớm 2 giờ đã đi rước dâu tận An Giang (chắc là đi cho đúng giờ tốt?) Làm lễ ở nhà xong, kéo nhau ra nhà hàng đãi khách.
Ở trong nước buổi tiệc ở nhà hàng chỉ vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ, nhưng ở nước ngoài thì kéo dài cả 6 giờ là bình thường. Nói cho ngay, tôi thích cách làm ngắn gọn và thân mật hơn là cách làm ở nước ngoài. Ở nước ngoài, có đám cưới trong cộng đồng người Việt mà người ta giới thiệu nhà trai và nhà gái hơn 30 phút! Lí do là người ta chẳng những xướng danh và mối quan hệ với gia đình, mà còn nói luôn cả chức tước, bằng cấp, và danh vị của bà con! Buổi tiệc có khi giống như một buổi phô trương thanh thế của hai họ. Sợ nhứt là dàn nhạc làm đinh tai nhức óc khách tham dự.
Còn buổi tiệc đám cưới người Úc rất đơn giản và thân tình. Họ kéo nhau ra một địa điểm ‘historic’, như một biệt thự cổ, một nhà ga xe lửa thời xa xưa, một công viên lịch sử, v.v. và mướn một ban nhạc nhẹ cùng nhà cung cấp thức ăn. Khách đến dự vừa có dịp tham quan địa điểm vừa chung vui với đôi uyên ương. Hoàn toàn không ồn ào, nhưng rất thân thiện.
Riêng tiệc cưới năm ngoái thì tổ chức tại một nhà hàng gần biển Rạch Giá, nên cũng rất hay. Bà con trong quê và An Giang cùng bạn bè đến dự khá đông, và tôi có dịp gặp nhiều bạn cũ thời niên thiếu.
Hình này tôi chụp chung với Dì Út (tức là em Má tôi) và đứa em út trong nhà.Hình này là chụp chung với cháu gái tôi (Ngọc Thuận) và chồng nó là Lý. Hình này chụp với hai người bạn thời tiểu học trong làng. Người bên trái là Lệ Nga, con bác Hai T. Nga có thời làm phó giám đốc bệnh viện huyện và nay đã nghỉ hưu. Hồi nhỏ tôi thỉnh thoảng được ăn quế vì nhờ chị này ‘chia chác’ từ nhà thuốc của bác Hai T. Người bên phải là Ngọc Thuận, con chú H và cô D (là em kết nghĩa của ba tôi). Thuận nối nghiệp cô D, có nhà may rất nổi tiếng là người dạy may cho mấy đứa em tôi. Em tôi ngưỡng mộ chị này nên đặt tên cho con nó là Ngọc Thuận! Hai người bạn này ngày xưa (và cả ngày nay) nổi tiếng là xinh gái và Má tôi lúc sanh thời để ý rất kĩ :-).
Nói về học tiếng Anh tôi có lẽ là một trong những người có nhiều bài học, vì đơn giản là tôi từng bị sai về cách dùng chữ và phát âm. Không phải sai một lần, mà là sai nhiều lần. Và, chúng ta học từ sai lầm. Cho đến nay tôi nghĩ mình đã có một số kinh nghiệm để chia sẻ cùng các bạn nào đang đau khổ vì học tiếng Anh.
Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ loại ngôn ngữ phổ quát. Đi đâu cũng thấy người ta dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Không chỉ trong khoa học, ngoại giao, mà còn trong văn chương nữa, tiếng Anh gần như là một ngôn ngữ thống trị, là phương tiện để chúng ta gần lại với nhau. Nó còn là một phương tiện mở mang kiến thức và tiếp thu thông tin. Trong điều kiện kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam, biết tiếng Anh rất có ích vì không sẽ giúp tránh bị nhồi sọ và tẩy não.
Học tiếng Anh còn giúp cho chúng ta mở rộng kiến thức và hiểu các khái niệm trừu tượng dễ hơn. Nếu các bạn đọc sách về tử vi, Kinh Dịch tiếng Việt, các bạn sẽ thấy rất khó hiểu vì những danh từ phức tạp và khó hiểu. Nhưng nếu các bạn đọc những sách đó bằng tiếng Anh, tôi bảo đảm rằng các bạn sẽ … sáng ra. Tương tợ, tôi đi đến nhận xét rằng các khái niệm Phật học và sách Phật giáo bằng tiếng Việt sẽ dễ hiểu hơn nếu các bạn đọc bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như chữ ‘vô thường’ từng làm tôi đau đầu một thời gian (vì không hiểu), nhưng khi đọc được sách tiếng Anh họ dịch là ‘impermanence’ là tôi hiểu được ý nghĩa căn bản của nó. Ngay cả các khái niệm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, sách tiếng Anh dễ hiểu hơn sách tiếng Việt. Do đó, học tiếng Anh và nắm vững tiếng Anh là một chìa khoá tri thức cho cá nhân các bạn. Tin tôi đi!
Nhưng tiếng Anh lại là một rào cản đối với nhiều người Việt. Theo một bảng xếp hạng về EF English Proficiency của nhóm Education First (Thụy Sĩ), Việt Nam đứng hạng 41 trên thế giới. Với thứ hạng này xếp Việt Nam vào nhóm trung bình trên thế giới. Riêng ở Á châu, Việt Nam vẫn còn sau Singapore, Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ, Hồng Kong và Hàn Quốc, nhưng trên Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản và Tàu. Do đó, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
Thật ra, từ ngày qua Úc đến nay, tôi chẳng bao giờ có dịp học tiếng Anh một cách bài bản trong trường lớp. Những ngày đầu mới đến hostel dành cho người di cư, tôi cũng được cho đi học một lớp tiếng Anh, nhưng là loại dành cho người đi xin việc. Lúc nào cũng “How are you today”, “I am fine, thank you”, “Where were you from?”, “How long have you been here?”, v.v. Chỉ đâu một tuần là tôi bỏ học, chịu không nổi với cách dạy như thế. Tôi bắt đầu tự học. Nói đúng ra, tôi bắt đầu tự học từ lúc còn trong trại tạm cư bên Thái Lan. Kinh nghiệm của tôi gói gọn trong 5 điểm: từ điển & trầm mình trong tiếng Anh, học từng chữ một, mạnh dạn nói, học từ báo chí & truyền thông, và đọc sách văn học.
1. Có một cuốn từ điển Anh – Anh, và một cuốn sách hướng dẫn sử dụng tiếng Anh
Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi là phải trầm mình trong thế giới tiếng Anh. Trong một thời gian dài, tôi không hề tiếp xúc với tiếng Việt, không đọc báo tiếng Việt, không đọc sách tiếng Việt (thời đó cũng chẳng có mà đọc!), không nghe đài tiếng Việt (cho đến bây giờ tôi vẫn không nghe đài phát thanh tiếng Việt ở đây). Thay vào đó, thả mình trong thế giới tiếng Anh, với sách báo, radio, và tivi. Cần mở ngoặc thêm để nói là thời đó thì dễ, còn bây giờ thì chắc khó, do có internet làm sao lãng việc học.
Phải có một cuốn từ điển tốt để học tiếng Anh. Quên đi những từ điển Anh – Việt, hay tệ hơn nữa là Việt – Anh! Tìm một cuốn từ điển Anh – Anh. Một từ điển tốt có thể ví như kinh thánh! Thời còn ở trại tị nạn, tôi may mắn tiếp xúc cuốn từ điển LONGMAN, và tôi thích cuốn này ngay từ ngày đầu. Hình như cuốn này được soạn cho người nước ngoài (tức không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ). Từ điển giải thích thật rõ ràng về ý nghĩa của chữ, cách dùng như thế nào, và cách phát âm. Thời đó, rất hiếm có một cuốn từ điển nào đầy đủ và thực tế như Longman. Sau này khi sang Úc và cho đến nay tôi vẫn dùng Longman làm từ điển.
Tôi nghiệm ra một điều là cách sử dụng tiếng Anh cho đúng còn quan trọng hơn cả văn phạm tiếng Anh. Cũng trong thời còn ở trong trại tị nạn Thái Lan tôi may mắn tiếp xúc với cuốn Practical English Usage của Michael Swan, đúng là cuốn sách gối đầu giường của tôi. Thoạt đầu tôi chỉ đọc để nhập tâm, nhưng sau này tôi thấy như vậy chưa khá, phải viết xuống. Viết xuống bằng tiếng Việt. Sau vài tháng tôi phát hiện quyển vở của mình đã trở thành một bản dịch của cuốn sách mình học! Bài học ở đây là cách học hay nhất là mình phải viết xuống những gì mình học (chứ đọc hay nhập tâm vẫn chưa đủ), và nếu cần dịch sang tiếng Việt.
2. Mỗi ngày học một chữ, và học từ gốc
Mỗi ngày, cố gắng học một chữ tiếng Anh. Nhưng phải học cẩn thận và học cho hết chữ đó. Tôi muốn nói đến ngoài việc học để biết nghĩa của chữ đó, còn phải học (a) nguồn gốc của chữ này đến từ đâu; (b) những biến thể tính từ, động từ, danh từ của chữ; và (c) cách sử dụng như thế nào. Chẳng hạn như học chữ produce (động từ và danh từ), cần phải học thêm những biến thể như production, product, productive, v.v. phải học cho thật kĩ và biết tận ngọn ngành của chữ.
Từ điển Longman rất có ích cho việc học này. Từ điển Longman có chỉ cách phát âm, những chữ có cùng nghĩa hay phản nghĩa, và xuất xứ của chữ. Học được xuất xứ của chữ nó mở rộng kiến thức cho chúng ta. Chẳng hạn như xuất xứ của chữ ‘produce’ là từ tiếng Latin, ‘ producere‘, và chữ này thì có nghĩa là ‘forward‘ và ‘to lead‘. Thật thú vị! Do đó, nói là học một chữ một ngày, nhưng thật ra là có khi học được 10 chữ. Cách học này rất tốt, vì nó giúp cho chúng ta có căn bản tốt và biết chữ từ gốc chứ không phải từ ngọn. Biết cái gì từ gốc vẫn hay hơn biết từ ngọn.
Ngữ vựng cực kì quan trọng. Theo tôi, có một kho tàng ngữ vựng tốt còn có giá trị hơn là am hiểu cú pháp và văn phạm. Thời gian chúng ta có thể tiếp thu ngữ vựng có hạn, còn thời gian chúng ta học văn phạm thì không giới hạn. Theo một nghiên cứu, số chữ cần thiết để học tiếng Anh được phân chia như sau:
trình độ sơ đẳng, giao tiếp: 250 – 500 chữ (words)
trình độ đàm thoại: 1000 – 3000 chữ
trình độ ‘advanced’: 4000 – 10,000 chữ
trình độ thông thạo: trên 10,000 chữ
trình độ như người bản xứ: 10,000 đến 30,000 chữ.
Do đó, tranh thủ mọi cơ hội để học ngữ vựng.
3. Mạnh dạn nói
Học tiếng Anh là phải học nói. Mà, phát âm tiếng Anh không hề đơn giản. Một chữ có thể đọc hai cách khác nhau. Ví dụ như chữ ‘produce’ nếu là động từ thì phát âm khác với chữ ‘produce’ là danh từ!
Tôi nhớ vài kinh nghiệm với phi hành đoàn Vietnam Airlines về địa danh “Kingsford Smith Airport“. Pilot và chiêu đãi viên VNA có thói quen đọc sai tên của phi trường là “King-sờ-fo Sờ-mit”. Lúc tôi mới đến đây, tôi cũng đọc như thế. Nhưng cách phát âm đó sai. Xe “Ford” thì đọc nhanh là “Fo”, nhưng từ điển “Oxford” thì lại đọc là “Oz-fớd”. Tương tự chữ “Kingsford” đọc đúng phải là ” Kingz-fớd”.
Rất nhiều người Việt cho dù ở Úc mấy mươi năm đọc sai tên người Úc gốc Anh. Những cái tên dễ đọc lầm là Cohen, Murray, Imogen, Lachlan, Cian, Joaquin, Nigel, v.v. Chẳng hạn như tên “Murray”, người không có kinh nghiệm đọc là “Ma-rây”. Sai. Phải đọc là “Mơ-ri”.
Một trong những điểm yếu của người Việt là chúng ta phát âm không tốt, từ đó dẫn đến ngại nói chuyện, vì sợ người đối diện không hiểu. Cá nhân tôi cũng trải qua kinh nghiệm này khi còn làm trong nhà bếp. Những ngày đó, tôi rất yếu về tiếng Anh và nói nhiều khi chẳng ai hiểu, nên cứ mỗi lần có điện thoại reo là tôi rất … sợ. Sợ trả lời vì mình nói mà bên kia không hiểu thì rất phiền phức cho công việc. Nhưng anh bạn làm chung biết điểm yếu đó và muốn giúp tôi, nên cứ mỗi lần điện thoại reo, anh ta chỉ tôi phải nghe và trả lời điện thoại. Ấy thế mà vài lần tôi quen, quen với những câu chữ mình phải/nên nói khi bắt điện thoại, quen với phát âm, quen với chữ trong nghề (lúc nào cũng học ngữ vựng), và quen với cách nhấn giọng, v.v. Từ quen tôi trở thành tự tin hồi nào không hay! Do đó, bài học tiếng Anh có hiệu quả là phải mạnh dạn nói. Nói sai thì sửa. Nói người ta không hiểu thì nói lại. Nói chữ nào người ta không rõ thì mình đánh vần cho họ hiểu.
Tôi cũng phải mở ngoặc để chia sẻ một kinh nghiệm lí thú ở đây về chuyện phát âm. Có một số người ngoại quốc, vì lí do nào đó (có thể muốn trêu chọc hoặc muốn làm nhục) nên giả bộ họ không hiểu mình nói. Cách họ làm thường là “I beg your pardon” 2,3 lần, hoặc nghễnh tai làm như họ không nghe hay nghe mà không hiểu. Tôi có quá nhiều kinh nghiệm, nên chỉ cần nhìn qua là biết người không hiểu thật là là người muốn hạ nhục. Họ đặc biệt thích làm điều đó (hạ nhục / trêu chọc) với các nạn nhân người Á châu. Nếu chúng ta tự tin rằng chúng ta nói rõ mà họ làm điều đó, thì chúng ta có thể nói thẳng cho họ biết “đừng chơi trò với tao”. Tôi đã làm vài lần với vài người. Có một lần một anh người Úc, hắn cứ đưa cái tai gần tôi làm như anh ta không hiểu tôi nói gì; cách tôi phản ứng là tôi thản nhiên ghé vào tai hắn và nói thật lớn để mọi người chung quanh nghe: “Tôi nói cho hàng trăm, hàng ngàn người, và họ hiểu & ghi chép những gì tôi nói. Vậy thì anh đừng có giả bộ không hiểu nhé. Cái trò này xưa lắm!” Một lần khác trong hội nghị, tôi cũng bị một người giả bộ “I beg your pardon” 2 lần dù tôi đã giải thích khá rõ và ban chủ toạ cũng đồng ý, nhưng đến lần thứ hai thì tôi mất kiên nhẫn và có phản ứng: “cả hội trường này gần 1000 người, ai cũng hiểu tôi nói, những thuật ngữ tôi dùng ai trong ngành đều biết, vậy mà ông không hiểu và không biết, tôi nghĩ đó là vấn đề của ông chứ không phải vấn đề của tôi.” Đừng bao giờ tỏ ra “dưới cơ” khi đối đầu với những kẻ muốn gây chuyện như thế.
4. Học từ báo chí và truyền thông
Báo chí và truyền thông là phương tiện rất có ích để học phát âm. Thời 1980s, dĩ nhiên là chưa có internet, nên mỗi ngày tôi phải mua tờ nhật báo Sydney Morning Herald về, và đọc những bản tin chính. Đó là một tờ báo cực kì nổi tiếng và hay. Chắc chắn không bằng tờ New York Times, nhưng phong phú thì chẳng kém gì Los Angeles Times. Thông thường, mỗi bản tin thời sự, họ có dùng một vài chữ “mới” (mới với tôi), hay những chữ mang tính địa phương. Dĩ nhiên, tôi chưa đủ trình độ để hiểu hết nội dung bản tin, nhưng mò mẩm bằng từ điển thì cũng nắm được những bản tin chính.
Chẳng hạn như có lần báo chí nói đến thái độ của đương kim thủ tướng lúc đó (Paul Keating) là recalcitrant. Tôi chẳng hiểu chữ này có nghĩa gì đến khi truy trong từ điển Longman. Nhưng mỗi ngày “khám phá” được một chữ mới như thế làm cho mình có lí do để vui sống và học tập.
Điều quan trọng là biết phát âm những chữ mới, và tôi phải đợi đến buổi chiều, bậc tivi để nghe người đọc tin, và học cách phát âm từ họ. Ở Úc (và nơi khác chắc cũng vậy), các bản tin chính in trên mặt báo thường được các đài truyền hình phát lại trong bản tin buổi tối của họ. Mặc dù họ không dùng những chữ giống như trên mặt báo, nhưng cách họ phát âm tên của nhân vật, những danh từ quan trọng trong câu chuyện, hay những chữ mà tôi rõ nghĩa nhưng không rõ cách phát âm, tôi đều học qua bản tin này. Có lần tôi không biết đọc chữ allowance ra sao, thì may quá, buổi chiều có tranh cãi về vụ này nên tôi mới biết cách phát âm. Học từ báo chí và tivi phải nói là rất có ích.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là đọc tin, mà học cách viết trong các bài chính luận. Những tay bỉnh bút viết chính luận thường là bậc thầy về tiếng Anh. Họ rất giỏi về viết và từ ngữ. Không chữ nào họ dùng trong bài viết là thừa. Có những người kì cựu như Alan Ramsey thì mỗi bài viết là mỗi bài học tuyệt vời cho tôi. Tôi học cách cấu trúc câu văn, dùng chữ cho tốt, và tinh tế. Sau này, khi hướng dẫn các bạn thế hệ sau về cách viết bài báo khoa học tôi vẫn lấy ví dụ của Alan Ramsey ra làm ví dụ.
Sau này, tôi còn học thêm một người khác về kĩ năng tiếng Anh: người đó là Samuel P. Huntington. Ông là một giáo sư chính trị học nổi tiếng của Mĩ. Nhưng ngoài chuyên môn đó, ông là một người viết văn tuyệt vời. Các bạn nếu có dịp nên tìm đọc những bài luận văn của ông ấy, và sẽ thấy từ cấu trúc ý tưởng, đến triển khai bằng tiếng Anh, tất cả đều xảy ra một cách logic. Quan trọng hơn là ông dùng chữ chính xác, những câu văn trong đoạn văn ăn khớp với nhau một cách nhịp nhàng, không chê vào đâu được. Tôi thấy mỗi bài luận văn của ông là mỗi bài học mới về viết bằng tiếng Anh.
5. Đọc sách văn học
Sau này, tôi phát hiện rằng để trao dồi tiếng Anh cho tốt, cần phải đọc sách văn học. Nhấn mạnh là sách văn học, chứ không phải tiểu thuyết vớ vẩn mà các nhà sách ở Việt Nam bày bán đầy kệ sách. Ngày xưa, tôi thích đọc truyện của Ernest Hemingway (Giải Nobel Văn Học 1954), và hai cuốn sách làm tôi mê mẩn là “The Old Man and the Sea” (Ông già và biển cả) và “For Whom the Bell Tolls” (Chuông gọi hồn ai). Hai cuốn này tương đối mỏng, nhưng những chữ ông dùng và cách cấu trúc câu văn phải nói là tuyệt vời, đáng để học.
Mới đây tôi đọc cuốn “The Refugee” của Nguyễn Thanh Việt, và học được vài điều từ cuốn tiểu thuyết. Đọc sách tiếng Anh của các tác giả gốc Việt giúp cho chúng ta học thêm những danh từ liên quan đến văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn như để mô tả cái bàn thờ cho người phương Tây, có khi chúng ta lúng túng không biết dùng chữ gì cho đúng, nhưng các tác phẩm liên quan đến hay của tác giả gốc Việt thì chúng ta học được từ cũ mà ý nghĩa mới rất thích hợp. Đọc sách văn học, chúng ta học cái ‘wisdom’ của tác giả mà không phải ai cũng có. Chẳng hạn như đọc sách của Nguyễn Thanh Việt tôi rất tâm đắc với ý niệm rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức (“All wars are fought twice: the first time on the battlefields, the second time in memory“). Hay như câu “Tàn sát là vũ khí của kẻ mạnh. Chết là vũ khí của kẻ yếu. Không phải kẻ yếu không có khả năng tàn sát; cái sức mạnh lớn nhất của kẻ yếu là ở sự sẵn sàng chết nhiều hơn kẻ mạnh.”
Đọc sách văn học còn là dịp để thấy sự khác biệt giữa văn chương khoa học và văn chương văn học. Văn chương khoa học có khi rất cứng nhắc, khô khan, nhưng văn chương tiểu thuyết thì bóng bẩy và hình tượng. Học tiếng Anh từ những từ ngữ bóng bẩy và hình tượng là cách làm giàu ngữ vựng tiếng Anh rất tốt. Chẳng hạn như để mô tả Little Sài Gòn, người làm khoa học sẽ dùng những câu chữ đơn giản (khoa học là phải đơn giản mà), nhưng với nhà văn thì họ sẽ mô tả đó là những công trình kí ức chiến lược hay là hiện thân của giấc mơ Mĩ ở người Việt di cư. Chúng ta học từ những cânhanh sẽ làm giàu ngữ vựng rất nhanh như thế.
***
Những kinh nghiệm trên, dĩ nhiên, chỉ áp dụng cho những người mới học tiếng Anh. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là học phải có cuốn sổ ghi chép. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ đọc và nhập tâm là đủ. Đừng bao giờ nghĩ như thế! Tôi nghiệm ra là học là phải có sờ, phải viết xuống, phải có “hành động” thì mới có hiệu quả. Sờ con chữ có nghĩa là lấy bút màu tô đậm những chỗ mình thích. Viết xuống để mình nhớ, để có cảm nhận trực tiếp. Nếu chỉ đọc một qui định văn phạm thì chưa đủ, mà phải viết xuống thì mới dễ nhớ. Viết có hiệu quả rất tuyệt vời trong cảm nhận mà có khi chúng ta không để ý.
Nguyên tắc học hành là phải có thành quả. Mỗi ngày phải học được một cái gì mới, hoặc là một chữ mới, hoặc là một câu văn hay, hoặc là một luật văn phạm, v.v. nhưng phải có một cái mới. Học mà không có cái mới thì rất dễ chán. Do đó, phải tự đặt mục tiêu có thành quả mỗi ngày như tôi vừa nói.
Trên đây là vài kinh nghiệm cá nhân về tự học tiếng Anh của tôi. Mỗi người có vài kinh nghiệm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân. Nếu tập hợp nhiều kinh nghiệm và phân loại tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều người. Nói ví von một chút, tiếng Anh là một chìa khoá quan trọng để mở cánh cửa tri thức. Do đó, trang bị cho mình một số kĩ năng quan trọng về tiếng Anh là một lợi thế vô cùng quan trọng khi tiếp xúc với người nước ngoài. Hi vọng những kinh nghiệm này có thể giúp ích các bạn đôi ba điều trong việc tự học tiếng Anh.
Tôi rất hân hạnh giới thiệu loạt bài giảng chuyên đề loãng xương trên kênh youtube, bắt đầu từ tuần này. Đây là loạt bài tôi đã soạn từ lâu cho những chương trình CME trong mấy năm qua ở Úc và Việt Nam. Nhưng mãi đến nay mới có dịp ngồi xuống thu âm và tải lên youtube. Hi vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy một số thông tin và ý tưởng nghiên cứu từ loạt bài giảng này.
Trong mấy năm qua tôi và các bạn trong nước có dịp tổ chức những lớp học CME (continuing medical education) chuyên đề loãng xương rất thành công. Ngoài ra, tôi cũng được mời giảng mỗi năm trong các chương trình CME bên này (Úc) và “Grand Round” của bệnh viện. Tôi chỉ tập trung vào chủ đề “gần trái tim” mình là các vấn đề cơ bản và đánh giá nguy cơ gãy xương. Đó là lãnh vực tôi có nhiều đóng góp quan trọng cho y văn trong 30 năm qua. Năm nay, vì bị ‘lockdown’ nên tôi nghĩ ra việc để làm: đó là thực hiện loạt bài giảng về chủ đề loãng xương. Loạt bài này là tổng kết những bài giảng trong mấy năm qua.
Loạt bài này có lẽ sẽ có hơn 10 bài. Bắt đầu là bài tổng quan, sau đó sẽ là các bài về sinh học xương, quá trình modeling và remodeling, marker chu chuyển xương, dịch tễ học, đánh giá nguy cơ, phòng ngừa, vitamin D, v.v. Tôi nghĩ những thông tin này sẽ giúp các bạn bác sĩ điều trị và các nghiên cứu sinh có những kiến thức nền về bệnh lí loãng xương. Kinh nghiệm ở Úc cho thấy sinh viên y sau khi tốt nghiệp chỉ học có 5-6 giờ về xương (và chỉ 1-2 giờ về loãng xương), và vì thế không có dịp tìm hiểu chuyên sâu. Loạt bài này hi vọng sẽ giới thiệu các bạn tìm hiểu kĩ hơn và sâu hơn.
Dĩ nhiên, loạt bài này không thể nào bao trùm đầy đủ được, và tôi cũng không có tham vọng đó. Một phần là kiến thức của mình có hạn, một phần là … không thể nào biết hết. Nhưng các bạn chỉ cần biết được những vấn đề cần quan tâm và cần nghiên cứu thêm thì tốt lắm rồi.
Nghĩ về cuộc đời của Chí Tài tôi thấy anh ấy có một cái tánh rất đáng học: không phán xét ai. Trên sân khấu, anh đóng những vai có tính phán xét, nhưng ngoài đời thì tất cả những ai quen anh đều nói anh rất hoà nhã, dễ mến, không chê bai ai. Càng đọc, học và suy nghĩ về vấn đề này (phán xét) tôi thấy có nhiều cái hay và xin chia sẻ cùng các bạn vài điều tôi hiểu được.
Phân biệt phán xét (judgment) và đánh giá (assessment)
Đọc bất cứ cuốn sách nào về tâm lí học và Phật giáo, các bạn sẽ thấy người ta xem phán xét là một hành vi xấu. Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên và hoang mang, bởi vì công việc của tôi rất thường xuyên đòi hỏi phải đánh giá. Đánh giá công trình nghiên cứu của đồng nghiệp cho các tập san khoa học, đánh giá đề cương nghiên cứu cho các hội đồng cấp tài trợ nghiên cứu, đánh giá đồng nghiệp cho các chương trình fellowship, v.v. Không làm không được, vì đó là một phần của công việc. Chẳng hạn như sáng nay tôi phải đánh giá một đề cương nghiên cứu bên Tiệp Khắc, và tôi nghĩ chắc người ta sẽ không tài trợ. Vậy hoá ra tôi đã phạm phải sai lầm trong đời?
Nhưng không phải như vậy. Chúng ta cần phải phân biệt giữa assessment (đánh giá) và judgment (phán xét). Đánh giá là một phát biểu mang tính mô tả về sự kiện hay sự vật trong tâm thế trung dung và khách quan; còn phán xét là một phát biểu về ý kiến cá nhân và trong tâm thế chủ quan. Đánh giá có thể xem là một cách tiếp cận khoa học, còn phán xét là dựa trên cảm tính và tự thị.
Ví dụ cụ thể để dễ hiểu: như nếu ông Smith nói “Dr. Nguyen có thời gian lái xe đò ở Việt Nam và nay là chuyên gia của NASA” thì đó là một đánh giá. Nhưng nếu ông ấy nói “Thằng đó là một kẻ dốt và bất tài“, thì đó là một phán xét.
Như thấy trên, đánh giá chỉ đơn thuần mô tả những gì chúng ta thấy, nghe, và cảm được, với giả định rằng những gì anh làm tôi không thể theo đuổi được. Đánh giá mang tính quan sát và khám phá. Phán xét dựa trên giả định rằng “ta đúng, người sai”. Mỗi một phát biểu về phán xét / chê bai người phát biểu giả định rằng mình biết một chút gì đó về đối tượng. Nhưng dĩ nhiên người phát biểu không thể nào biết hết về đối tượng. Khi đưa ra lời phán xét, người phát biểu đặt mình ở vị trí cao hơn, và do đó là một thái độ trịch thượng. Phán xét không có sự thông cảm, mà chỉ là một sự chỉ trích và chê bai. Người phán xét tự cho rằng mình có tài, còn đối tượng là bất tài, hay nói chung là “mình đúng và đối tượng sai”.
Tóm lại, đánh giá có hàm ý tích cực, còn phán xét có hàm ý tiêu cực. Do đó, trong các hội đồng khoa học ở Úc người ta dùng chữ ‘Assessor’ (người đánh giá), chớ không phải ‘judgment’. Thành ra, chữ “judgment” trong văn cảnh của bài này phải dịch là ‘chê bai’.
Thói chê bai
Ở Viện tôi làm việc có một vị tôi vừa ngạc nhiên vừa nể phục trong lòng. Nhìn bề ngoài ông là một ‘ông cụ’ như mọi ông cụ khác ngoài đường, tức là đầu tóc và trang phục y như người thuộc giai cấp lao động (tiếng Úc gọi là ‘struggle people’). Sáng nào ông cũng đi bộ từ ga xe lửa đến nơi làm việc, và trên tay dường như lúc nào cũng có một trái chuối hay một trái táo, nhưng không có cặp táp cũng chẳng có gì giống như ông đi làm việc. Ông đi chậm chạp (có lẽ vì cao tuổi) và ít khi nào nói chuyện với ai. Nhưng khi tôi tìm hiểu thì mới biết ông là một trong những ‘đại thụ’ của ngành miễn dịch học, một nhà khoa học lừng danh trên thế giới, có nhiều đóng góp mang tên ông, đào tạo ra nhiều học trò cũng lừng danh. Ông được trao nhiều giải thưởng và là fellow của Viện hàn lâm. Năm nào cũng được các hiệp hội miễn dịch học mời đi nói chuyện, dù ông đã nghỉ hưu lâu rồi.
Ấy vậy mà trong các buổi họp, ông là người ít có ý kiến nhứt, thật ra đa phần là không có ý kiến. Có lần tôi ngồi kế ông trong buổi seminar về chủ đề của ông, nhưng thấy ông không có bình luận, tôi mới hỏi ‘sao thầy không có ý kiến gì trong khi mọi người rất ồn ào’. Ông vỗ vai tôi rồi nói ‘Oh young man! I am an old man who has learned not to judge people.’ (tạm dịch: Ôi, anh bạn trẻ! Tôi là một ông già đã ngộ ra rằng không phán xét người khác). Khi ra ngoài cầu thang, ông nói thêm “Nếu không có gì tích cực để nói, thì tốt nhứt là im lặng”. Câu nói đó làm tôi suy nghĩ hoài.
Ngoài đời, có những người có thói quen phán xét người khác. Tôi từng gặp vài người Việt hầu như không biết khen ai; họ chỉ chê bai, chỉ trích, phê phán một cách [nói theo tiếng Anh là] ‘summary’ (tức là chưa gặp, chưa nói chuyện và không biết gì người đó mà cũng chê bai)! Và, họ có vẻ rất tự hào về thói quen chê bai đó. Chẳng hạn như ông Trump, rất nhiều người chỉ căn cứ vào những tờ như New York Times, CNN hay cuốn sách của cháu ông mà phán xét ông ấy một cách rất summary: bất tài, lừa dối dư luận, sống vô luân, thậm chí … sát nhân.
Diễn viên Kelsey Grammer từng nói một câu rất hay đại ý rằng “Chê bai mà không biết gì về nguời mình chê bai là một cái tội lớn nhứt” (the greatest sin is judgment without knowledge).
Tôi rất ngạc nhiên với hành vi của những người như thế, và tìm sách đọc. Đọc sách tâm lí mới biết hoá ra đây là vấn đề được giới tâm lí học và tôn giáo (đặc biệt là Phật giáo) rất quan tâm, và họ tiêu ra rất nhiều thì giờ để bàn luận và nghiên cứu. Theo giới nghiên cứu, người ta có thói quen chê bai là vì 4 lí do: thiếu an toàn, sợ hãi, cô đơn, và muốn đổi thay:
Thứ nhứt, chúng ta cảm thấy không an toàn, thiếu tự tin. Đây chính là lí do chánh dẫn đến hành vi phán xét người khác. Khi chúng ta cảm thấy không tự tin hay không hài lòng với chính mình, chúng ta thường có thói quen đặt gánh nặng lên người khác. Thấy người khác làm được việc, còn mình thì không, và điều này dễ dẫn đến chê bai người khác là kém cỏi. Chúng ta cảm thấy hài lòng khi làm cho người khác xấu xa, kém cỏi.
Thứ hai, chúng ta sợ hãi. Thường, chúng ta sợ bị người khác bắt nạt hay đe doạ, nên chúng ta phải ra tay trước. Nhân viên hay tụ tập nhau để nói xấu sếp. Khi một người phụ nữ thấy người phụ nữ kia xinh đẹp và duyên dáng hơn, thì thường người xinh đẹp hơn sẽ bị nói xấu.
Thứ ba, chúng ta cô đơn. Khi chúng ta cô đơn hay bị cô lập, chúng ta hay dùng phán xét người khác để tìm cách kết bè bạn với những người hay phán xét. Nhưng đó là kiểu kết bạn tiêu cực (tức cả đám chỉ tụ tập nói xấu và chỉ trích mà không làm gì tích cực).
Thứ tư, chúng ta muốn thay đổi. Khi chúng ta ta chán với cuộc sống hiện tại và muốn có thay đổi. Trong tình huống đó, chúng ta hay phán xét cuộc sống của người khác. Chẳng hạn như nếu một đồng nghiệp được đề bạt, thì xác suất cao là sẽ có người thầm thì ‘tay đó có biết gì mà cũng được đề bạt.’ Chúng ta đang ganh tị.
Thói quen chê bai có một tác động xấu là tích luỹ tạo ra một thế giới tiêu cực. Trong xã hội, có những người hình như không khen ai, mà chỉ biết chê bai. Đối với họ ai cũng xấu, ai cũng dở, ai cũng có vấn đề. Dường như họ chỉ sống nhờ chỉ trích người khác mà không nhìn lại mình. Họ là những người tích cực tạo ra một thế giới xấu, hay ít ra trong cái nhìn của họ, thế giới này chỉ toàn những người xấu. Có lẽ thế giới facebook là một thế giới tiêu cực nhiều hơn tích cực, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt, vì ‘văn hoá’ chê bai và chỉ trích quá nặng nề.
Sống tích cực: không chê bai!
Trong thực tế, tất cả sự việc, dù lớn hay nhỏ, đều mời gọi phán xét và đánh giá của chúng ta. Chuyện thời tiết, chuyện chánh trị, chuyện món ăn, một chương trình tivi — ở mỗi thời điểm trong ngày — đều có cái gì đó mời gọi bạn phán xét hay đánh giá. Và, thường thì chúng ta sẵn lòng đưa ra lời phán xét mà không nhận ra hậu quả của phán xét, không nhận thức hay quan tâm đến trách nhiệm của mình.
Phán xét hay chê bai người khác là một hành động tự phụ lớn lao. Có thể là tự phụ trong sự bực tức, nhưng cũng có thể là loại tự phụ không tưởng. Khi chúng ta đưa ra một lời phán xét hay chê bai người khác, chúng ta mang trên người một gánh nặng trách nhiệm để phán xét đúng. Nhưng như nói trên, phán xét nào cũng sai, bởi vì chúng ta không biết về đối tượng, chúng ta dựa giả định sai và và chúng ta chủ quan.
Thành ra, không ngạc nhiên khi các chuyên gia tâm lí và nhà đạo đức học khuyên chúng ta không nên phán xét / chê bai người khác. Họ khuyên sống tích cực. Sống tích cực ở đây có nghĩa là tìm cái hay của người khác. Mỗi chúng ta đều có những nét hay và điều tốt. Nhưng phán xét thì thường chỉ muốn và nhìn vào cái điểm xấu của người khác. Cho dù tâm trí chúng ta mặc định tìm cái xấu, chúng ta vẫn có thể thay đổi cái mặc định đó để tìm điều tích cực của người khác. Nếu không tìm thấy cái hay của người khác thì tốt nhứt là im lặng (như ông cụ tôi đề cập trên).
Một cách khác sống tích cực là tập trung vào cuộc sống của chúng ta. Đừng quá bận tâm với suy nghĩ và việc làm của người khác. Hãy suy nghĩ về cuộc sống của chính chúng ta và hỏi chúng ta muốn hoàn thành điều gì trong đời và hãy theo đuổi mục tiêu đó. Hãy suy nghĩ tích cực. Hãy tự theo dõi suy nghĩ của chúng ta. Thay vì chê bai người khác, chúng ta nên chú ý đến tư tưởng và hành trình suy nghĩ của chính mình, và cố gắng chuyển sang chiều hướng tích cực hơn là tiêu cực.
Thay vì phán xét, chúng ta nên học cách đánh giá. Ngôn ngữ và cách nói trong đánh giá có khi đóng vai trò quan trọng. Tôi mới đọc bài trên Nature [1] có tựa đề “If you can’t be kind in peer review, be neutral” (Nếu bạn không có lòng tử tế trong bình duyệt thì ít ra cũng nên trung dung). Bài viết có một ví dụ như sau: thay vì phê bình người ta là
“This project proposal didn’t bother to fulfil the requirements stated in the call.” (Đề cương này không thèm đáp ứng yêu cầu mô tả trong thông cáo).
thì nên viết cho trung dung (assessment) hơn:
“This project proposal didn’t fulfil the requirements stated in the call.” (Đề cương này không đáp ứng yêu cầu trong thông báo).
Đọc được câu này tôi thấy hay quá, và hiểu tại sao trước đây thầy tôi hay chỉ cách viết tích cực này. Chúng ta có thể biến mỗi tình huống thành một trải nghiệm tích cực. Khi chúng ta thực hành sống tử tế (kindness toward life), chúng ta sẽ thấy thế giới rất khác.
• Thay vì nói “tôi đã phí thời giờ“, thì nên nói “tôi cám ơn cho thời gian mà tôi có được“
• Thay vì nói “tôi đã thất bại“, nên nói “tôi sẽ tìm hiểu tại sao có vấn đề“
• Thay vì nói “đó là việc không hoàn hảo“, nên nói “tôi có thể làm tốt hơn lần sau“
• Thay vì nói “tôi đã trải qua một thời kì khó khăn“, nên nói “ngày mai sẽ tốt hơn“
• Thay vì nói “ông ấy là người keo kiệt“, nên nói “ông ấy cần tình thương“.
Phán xét người khác là một hành động tự phụ. Đó là một sự tìm tòi trong kho tàng kiến thức cá nhân, rồi xâu chuỗi lại vài dữ kiện để đi đến một câu trả lời cho một vấn đề hay một tình huống. Thường thì câu trả lời sai, vì chúng ta không bao giờ biết hết hay hiểu hết người mình phán xét. Từ cái sai đó, người phán xét có thể làm tổn thương đến người khác [2]. Nếu chúng ta chê bai người khác và nếu người đó không biết thì có lẽ chẳng có gì xảy ra? Không hẳn vậy đâu. Sự việc lúc nào cũng quay tròn và phán xét của chúng ta sẽ gây tổn hại đến họ một cách bất ngờ. Hãy suy nghĩ cẩn thận và hỏi: chúng ta có muốn bị chê bai như chúng ta chê bai người khác.
Tôi chắc chắn rằng trong quá khứ tôi đã lẫn lộn giữa đánh giá và phán xét, bởi vì lằn ranh giữa 2 hành vi này quá gần nhau, và bởi vì tôi kém hiểu biết. Nhưng từ ngày nghe vị tiền bối ở Garvan nói câu “Nếu không có gì tốt để nói thì nên im lặng” và từ ngày biết được phán xét khác với đánh giá thế nào, thì tôi tránh phán xét tối đa. Không dễ đâu, nhưng cố gắng dùng ngôn ngữ và cách viết/nói cũng có thể gieo mầm mống tích cực cho đời.
Có lẽ chúng ta đặt lòng trắc ẩn đầu tiên, tình thương mãi mãi, và không bao giờ chê bai.
Carl Jung từng nói rằng “Mọi thứ làm cho chúng ta tức tối về người khác có thể giúp chúng ta hiểu chính mình hơn” (“Everything that irritates us about others can lead us to an understanding of ourselves.”) Nghĩ về câu này tôi thấy có thể hiểu là khi chúng ta phán xét ai đó, nó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn là ảnh hưởng người đó. Nó cũng nói về chúng ta nhiều hơn là nói về người đó. Chúng ta chuyển đi một cảm nhận của chúng ta về thế giới, và do đó, nó nói lên cái thiên vị trong đầu óc mình. Thay vì phán xét, chúng ta nên quan sát và tò mò, tìm thêm thông tin và mở rộng cái khoảng cách giữa quan sát và kết luận.
[2] Mới đây, trong chuyên ngành xương chúng tôi có một sự việc gây ồn ào vì liên quan đến một nhà khoa học nổi tiếng. Ông là người thuộc vào nhóm ‘elite’ trong y khoa, có những khám phá cơ bản và quan trọng, toàn công bố trên những tập san hàng đầu (như Nature, Science, Cell, và mới đây là eLife). Nhưng chỉ có một vấn đề là nhiều kết quả nghiên cứu của ông rất khó lặp lại. Thật ra, hầu hết những khám phá nổi tiếng của nhóm ông đều không được tái lập (reproducible). Mới đây, ông được mời viết một bài tổng quan, và dĩ nhiên là ông nói về nghiên cứu của ông nhiều, rồi đề ra một lí thuyết về sự tương tác giữa năng lượng và quá trình chuyển hoá xương. Một đồng nghiệp khác trẻ hơn nhưng cũng nổi tiếng viết một bài tổng quan dài gấp 2 lần bài của ông kia, và phê bình lí thuyết năng lượng kia khá nặng nề, kể cả vấn đề tái lập. Thế là hai bên cãi qua cãi lại (chỉ qua phone), nhưng đùng một cái ông cụ kia đệ đơn kiện đồng nghiệp trẻ. Tôi không biết kiện về gì (và cũng không có ý tìm hiểu), mà chỉ nghe bạn bè bàn tán với nhau và lấy sự việc làm bài học ở đời: nên tử tế với nhau và bớt phán xét.
Tôi có cảm tưởng ở Việt Nam ngày nay ngành nghề nào cũng muốn được … mang ơn. Từ quân đội, công an, đến y tá bác sĩ và chiêu đãi viên hàng không, ai cũng ca thán khổ cực và như ngầm muốn được công chúng ghi ơn. Dường như họ thấy ngành nghề họ là quan trọng hơn ngành nghề khác. Nhưng trong thực tế chẳng ai trong chúng ta là quan trọng cả. Chúng ta làm việc trước hết là vì lợi ích của chúng ta.
Nỗi khổ nghề nghiệp
Sáng nay ngồi uống cà phê tán gẫu với một người mà tiếng Anh gọi là ‘Ranger’ và nghiệm ra nhiều điều hay. Ranger không phải là cảnh sát, nhưng là người đi tuần tra để bảo đảm trật tự đô thị, kể cả xe đậu đúng chỗ và đúng qui định. Họ có một việc là mỗi ngày họ đi tuần tra những khu phố, xem có xe nào đậu quá giờ hay đậu sai chỗ, và họ … ra giấy phạt. Họ bị đa số công chúng ghét lắm. Tôi tưởng công việc đó khá nhàn hạ, được đi đây đó, được hàng quán cho cà phê uống, mà còn giữ gìn trật tự cho phố xá.
Nhưng tôi sai, công việc ranger đó cũng khổ cực lắm. Họ có ‘quota’, tức cấp trên ra chỉ thị mỗi tuần phải phạt được bao nhiêu tiền về cho hội đồng thành phố. Do đó, họ phải làm việc chăm chỉ, mà cái việc đó thì lại bị công chúng ghét. Mà, cũng không dễ phạt người ta, vì tài xế có nhiều cách né tránh họ. Ngay cả khi phạt, tài xế có thể ra toà để khiếu nại, mà toà thì thường nghiêng về người bị phạt hơn là người đi phạt. Thành ra, cho dù trong tuần làm đủ quota, nhưng thu nhập thì chưa chắc đủ, và nếu chưa đủ thì bị giáng chức như chơi. Hoá ra, cái công việc đơn giản đó cũng không hề đơn giản, và người trong cuộc có nhiều nỗi khổ. Nhưng họ không than vãn, vì họ nói đó là lựa chọn của họ.
Cũng sáng nay, tôi nhận email của một anh bạn ở Nam Úc nói rằng chắc lab của anh sẽ đóng cửa năm tới. Lí do là năm nay dự án nghiên cứu của anh ấy không được NHMRC cấp tiền (NHMRC là cơ quan tài trợ khoa học cấp quốc gia của Úc). Có ai ngoài cuộc nghĩ rằng một giáo sư tài ba lừng danh và quyền uy như vậy mà đứng trước nguy cơ mất việc hay phải nghỉ hưu sớm.
Đó là một tin sốc. Một nguồn tin không chánh thức cho biết rằng năm nay, cứ 100 dự án nghiên cứu thì chỉ có 9-10 dự án được tài trợ (mấy năm trước tỉ lệ tài trợ là 12-15%). Do đó, anh ấy không phải là nạn nhân duy nhứt. Tuy nhiên, nói vậy thì quá dễ. Vấn đề ở đây là khi lab bị đóng cửa thì nhân viên sẽ bị nghỉ việc, và anh ấy sẽ làm gì đây. Tương lai rất bấp bênh.
Tôi nghiệm ra rằng chức vụ hay nhiệm vụ càng cao thì nỗi khổ càng lớn.
Nhưng có cần phải ca thán không? Tôi nghĩ không. Ngày xưa, tôi từng làm trong nhà bếp, làm phụ tá trong lab, làm đủ thứ nghề, và có đủ thứ tủi nhục. Nhưng tôi không trách ai và nhứt định không ca thán. Cụ Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân / cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Ai cũng khổ. Nỗi khổ của mình chắc gì bằng nỗi khổ của người khác.
Chúng ta không quan trọng
Vài năm trước tôi mắc bệnh, và người phát hiện bệnh chẳng ai khác hơn là sếp tôi. Sau này tôi hay nói rằng nhờ ông mà tôi còn sống đến nay. Nhưng sếp tôi khoát tay nói (dịch sang tiếng Việt nôm na) là “Mày thật sự nghĩ vậy à? Không. Không có tao thì có người khác giúp mày. Tao chẳng có gì quan trọng đâu.” Câu đó làm tôi suy nghĩ hoài.
Càng trải nghiệm cuộc đời trong và ngoài khoa học tôi càng thấm câu đó: chúng ta và đóng góp của chúng ta không có gì quan trọng đâu.
Tất cả chúng ta được sanh ra và tồn tại trong thế giới này chỉ để phụng sự. Những gì chúng ta phụng sự cho thế giới này rất ư là nhỏ nhoi. Nó không quan trọng như chúng ta nghĩ hay tưởng. Những thi đua, giải thưởng, những “highly cited researchers” hay “most-cited researchers”, hay chức danh sư sĩ, những xưng tụng “anh hùng” này nọ, hay tương tự nó chỉ có nghĩa nhỏ nhoi trong một lãnh vực nhỏ nhoi. Nhưng những thứ đó dễ làm cho người ta ảo tưởng rằng mình là người quan trọng, hay đóng góp của mình quan trọng. Tôi nghĩ đó đúng là ảo tưởng.
Thế giới này quá rộng lớn (và càng ngày càng lớn hơn), tuyệt đại đa số chúng ta không có vai trò gì quá quan trọng đối với người khác.
Nếu một mai chúng ta mất đi thì người khác vẫn sống thôi. Không có chúng ta, thì có người khác (y như sếp tôi nói). Nếu không có chiêu đãi viên hàng không thì chúng ta vẫn có thể bay. Nếu không có bác sĩ hay y tá thì chúng ta vẫn sống, có khi sống lâu hơn. Nếu không có giới khoa học thì chúng ta vẫn tồn tại, dù có thể khó khăn một chút (nhưng sự có mặt của họ có khi đem lại phiền phức cho chúng ta). Nếu không có chánh trị gia và chánh phủ thì đất nước và dân tộc vẫn tồn tại (mà có họ lại có khi đem lại nhiều phiền toái). Thành ra, không nên tự xem mình quá quan trọng, càng không nên xem mình quan trọng hơn người khác.
Nhưng vì tâm lí xem mình là quan trọng nên có nhiều người ở VN thích/muốn được công chúng mang ơn họ. Suy nghĩ này bắt đầu từ câu nói cửa miệng “ơn đảng và nhà nước”. Thành ra, chiêu đãi viên thì nghĩ rằng họ phải hi sinh việc gia đình để phục vụ hành khách trong những chuyến bay dài. Y tá và bác sĩ thì nghĩ rằng họ là người cứu giúp chúng ta sống sót. Giới khoa học thì nói nhờ họ mà chúng ta có thuốc điều trị. Thậm chí cảnh sát công an cũng nghĩ rằng chúng ta phải mang ơn họ. Nếu tôi là họ tôi sẽ hỏi đây là bổn phận và công việc mà xã hội giao phó hay là ban ơn?
Theo lí thuyết “Invisible Hand” của Adam Smith thì tất cả chúng ta làm việc là vì lợi ích của … chúng ta. Chúng ta lao động trước hết là có thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống và tồn tại, và qua đó mà đóng góp cho xã hội. (“Every individual necessarily labors to render the annual revenue of the society as great as he can … He intends only his own security, and he is in this, as in many other cases, led by an invisible hand to promote an end which was no part of his intention … By pursuing his own interests, he frequently promotes that of the society more effectually than when he really intends to promote it.”)
Mấy tuần nay tôi đọc cuốn sách về Richard Feynman và thích lắm, nên hay trích những câu nói mang tính ‘wisdom’ của ông. Một trong những câu đó là “The first principle is that you must not fool yourself — and you are the easiest person to fool.” Có lẽ dịch sang tiếng Việt là “Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự huyễn hoặc mình — và bạn là người dễ huyễn hoặc nhứt.” Câu này rất đúng.
Ai cũng có nỗi khổ riêng. Đừng hỏi “có biết chúng tôi là ai” mà hãy hỏi “chúng ta đã phụng sự gì cho chính chúng ta và cho đời”. Và, cũng đừng tự huyễn hoặc rằng phụng sự của mình là quan trọng, vì trong thế giới rộng lớn này chúng ta không quan trọng.
Thi sĩ người Ấn Độ Chinmoy Kumar Ghose có một câu rất hay như sau: “Judge nothing, you will be happy. Forgive everything, you will be happier. Love everything, you will be happiest”. (Không phán xét bất cứ điều gì, bạn sẽ hạnh phúc. Tha thứ mọi thứ, bạn sẽ hạnh phúc hơn. Yêu mọi thứ, bạn sẽ hạnh phúc nhứt). Điều quan trọng nhứt là yêu cái việc mình đang làm trong hiện tại.