Ngày này (21/12/2020) năm trước là ngày trọng đại của đứa cháu tôi, vì nó cưới vợ. Vợ nó quê ở An Giang. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp dự lễ cưới miệt quê và nhớ lại đám cưới thời xa xưa.
Như các bạn thấy, cổng nhà trai làm bằng cây đủng đỉnh, loại này bây giờ tương đối hiếm. Nhưng sự ‘hiện diện’ của cây đủng đỉnh chứng tỏ đám cưới ngày nay cũng cố gắng giữ truyền thống thời xa xưa. Thời đó, rạp cưới được dựng bằng vật liệu sẵn có như đủng đỉnh, dừa nước, cây cao, cùng mấy loại bông vàng đỏ, tất cả hoà quyện nhau làm cho rạp ‘màu mè’ và vui mắt. Nó đậm chất quê, chơn chất, mà dễ thương.

Hồi xưa, đám cưới rất vui. Trước lễ cưới 1-2 ngày là đã có tiệc đãi thanh niên trong xóm đến phụ giúp việc dựng rạp và nấu nướng. Đến đêm nhóm họ lại càng vui, vì đó là dịp để gặp bà con trong đại gia đình và chòm xóm. Nhưng rước dâu là vui nhứt. Thời đó miền quê tôi không có con lộ như bây giờ, giao thông chủ yếu là đường sông, thành ra rước dâu bằng … ghe. Mỗi ghe có nhiều người mặc áo mới có khi khá sặc sỡ, trông từ xa rất hay. Ghe thì đi chậm, do đó người hai bên sông có dịp chứng kiến hôn lễ như một thước phim chậm. Giờ nghĩ lại thấy cái cảnh rước dâu đó vui làm sao!
Còn ngày nay thì đám cưới đã bị ‘cơ giới hoá’ và ‘công nghiệp hoá’ hơi nhiều. Có hẳn một kĩ nghệ tổ chức đám cưới, từ khâu dựng rạp, mướn bàn ghế, đến nấu ăn, thậm chí cả MC! Còn rước dâu thì đi bằng … xe hơi. Rước dâu bằng xe hơi chạy nhanh quá, có khi bị lạc nữa chớ! Nhưng thời đại công nghiệp hoá thì đám cưới cũng bị cuốn theo thời đại thôi. Muốn hay không thì ‘hương đồng gió nội bay đi ít nhiều’.
Nhưng cũng may là vợ chồng thằng cháu tôi có suy nghĩ, nên tụi nó thiết kế đám cưới còn chút hương động cỏ nội. Cả nhà bận rộn làm buổi nhóm họ, rồi rước dâu, rồi tiệc đãi hai bên nhà gái nhà trai. Sáng sớm 2 giờ đã đi rước dâu tận An Giang (chắc là đi cho đúng giờ tốt?) Làm lễ ở nhà xong, kéo nhau ra nhà hàng đãi khách.
Ở trong nước buổi tiệc ở nhà hàng chỉ vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ, nhưng ở nước ngoài thì kéo dài cả 6 giờ là bình thường. Nói cho ngay, tôi thích cách làm ngắn gọn và thân mật hơn là cách làm ở nước ngoài. Ở nước ngoài, có đám cưới trong cộng đồng người Việt mà người ta giới thiệu nhà trai và nhà gái hơn 30 phút! Lí do là người ta chẳng những xướng danh và mối quan hệ với gia đình, mà còn nói luôn cả chức tước, bằng cấp, và danh vị của bà con! Buổi tiệc có khi giống như một buổi phô trương thanh thế của hai họ. Sợ nhứt là dàn nhạc làm đinh tai nhức óc khách tham dự.
Còn buổi tiệc đám cưới người Úc rất đơn giản và thân tình. Họ kéo nhau ra một địa điểm ‘historic’, như một biệt thự cổ, một nhà ga xe lửa thời xa xưa, một công viên lịch sử, v.v. và mướn một ban nhạc nhẹ cùng nhà cung cấp thức ăn. Khách đến dự vừa có dịp tham quan địa điểm vừa chung vui với đôi uyên ương. Hoàn toàn không ồn ào, nhưng rất thân thiện.
Riêng tiệc cưới năm ngoái thì tổ chức tại một nhà hàng gần biển Rạch Giá, nên cũng rất hay. Bà con trong quê và An Giang cùng bạn bè đến dự khá đông, và tôi có dịp gặp nhiều bạn cũ thời niên thiếu.


