Thiên kiến tiêu cực (negativity bias)

Đa số chúng ta đều có một thói quen hơi … xấu: nhìn vào và nhớ nhiều đến những điều tiêu cực hơn là những điều tích cực. Giới tâm lí học có một cái tên cho thói quen này: ‘negativity bias‘ [1] hay ‘thiên kiến tiêu cực‘. Nhưng đằng sau thiên kiến tiêu cực là cả một bầu trời để chúng ta học hỏi và có thể giải thích nhiều hiện tượng xã hội.


Tôi còn nhớ một trong vở kịch do Quang Minh và Hồng Đào thủ diễn rất có ý nghĩa. Trong vở kịch đó, Quang Minh trong vai một nhà tâm lí học trưng bày một tờ giấy trắng có một đóm đen nhỏ, và hỏi Hồng Đào rằng ‘Chị có thấy gì không?’ Hồng Đào trả lời thấy một đốm đen. Hỏi lần nữa, Hồng Đào vẫn khẳng định: chỉ thấy cái đốm đen. Quang Minh mới chỉ ra rằng tờ giấy toàn màu trắng, nhưng chỉ vì có 1 đốm đen làm cho người xem bị lạc hướng.

No photo description available.
“Thí nghiệm” của Quang Minh & Hồng Đào: hỏi khán giả thấy gì trong hình. Tuyệt đại đa số chỉ thấy một đốm đen, nhưng không thấy màu trắng chung quanh.


Bài học ‘morale’ là chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái tiêu cực hay cái xấu rất nhỏ, nhưng không nhìn thấy những điểm tích cực chiếm đa số. Vở hài kịch đó là một thí nghiệm có ý nghĩa về thiên kiến tiêu cực.
Chúng ta không chỉ có xu hướng thấy cái tiêu cực, mà còn tin vào điều tiêu cực. Trong bộ phim Pretty Woman (chắc dịch là ‘Tố Nữ’, tôi rất thích) do Julia Roberts thủ diễn trong vai một cô gái có thể xem là giang hồ tên Vivian, có đoạn cô ấy nói với Richard Gere trong vai một anh chàng triệu phú rằng: “The bad stuff is easier to believe. You ever notice that?” (Anh có bao giờ để ý thấy người ta dễ tin vào cái xấu không?)

Nếu nhìn chung quanh và lắng nghe, chúng ta dễ dàng đồng cảm với Vivian. Những kẻ bất lương hay lợi dụng cái tâm lí này để gieo mối hoài nghi về những người họ không thích chỉ bằng một câu nói vu vơ và hoàn toàn vô chứng cớ kiểu như ‘Cô ấy có vấn đề’. Chỉ với câu nói đó làm cho người chung quanh — nếu không tỉnh táo — xa lánh bạn bè mình và thậm chí ân nhân mình.


Thiên kiến tiêu cực


Theo định nghĩa của giới tâm lí học, thiên kiến tiêu cực là xu hướng thèm khát để được nghe và nhớ những thông tin xấu. Những đặc tính chánh của thiên kiến tiêu cực là:

• nhớ những trải nghiệm đau thương hơn là nhớ những thành công;
• kí ức tiêu cực được đề cập đến nhiều hơn là kí ức tích cực;
• nghĩ về những lời nói xấu hơn là những lời khen tặng; và
• phản ứng mạnh mẽ đến những biến cố tiêu cực hơn là biến cố tích cực.


Định nghĩa đơn giản trên thật ra là được đúc kết từ một quá trình nghiên cứu khoa học suốt hơn 50 năm. Những nghiên cứu này cho thấy chúng ta phản ứng đến những chữ tiêu cực nhanh hơn là những chữ hàm ý tích cực. Kết quả của một thí nghiệm tâm lí cho thấy những chữ như “ung thư”, “bom”, “chiến tranh” được người tham gia nghiên cứu (tình nguyện viên) nhớ nhiều hơn và nhanh hơn là những chữ như “trẻ con”, “cười”, “vui vẻ”, mặc dù những chữ tích cực này xuất hiện nhiều lần hơn những chữ tiêu cực.


Trong một thí nghiệm nổi tiếng do Gs Daniel Kahneman thực hiện [2], ông hỏi tình nguyện viên tưởng tượng 2 tình huống: mất 50 USD và có thêm 50 USD. Sau đó, ông đo lường phản ứng cảm xúc của tình nguyện viên. Kết quả cho thấy tình nguyện viên tỏ ra có cảm xúc mạnh mẽ khi mất tiền, nhưng khi có thêm tiền thì họ không có cảm xúc đáng chú ý! Tức là, tuy số tiền mất và có thêm như nhau, nhưng phản ứng sinh học thì thì thiên về mất mát hơn là cái đạt được.


Thiên kiến tiêu cực và phản ứng còn tuỳ thuộc vào giới tính, quan điểm chánh trị và cá tánh. Nhìn chung, nữ giới có vẻ có phản ứng tiêu cực nhiều hơn nam giới. Trước một thông tin xấu, phản ứng của nam thường biểu lộ ra ngoài, nhưng nữ giới thì thường hay bị dằn dặt nội tâm (như buồn bã, trầm cảm). Người thuộc phe bảo thủ có thiên kiến tiêu cực nhiều hơn phe cấp tiến. Người có thói ghen tị và ganh tị thì có nhiều thiên kiến tiêu cực hơn người cởi mở, có lẽ vì họ (người ghen tị) nhìn đâu cũng thấy mình thiếu thốn hơn người khác, nên họ hay soi mói và khai thác những điểm tiêu cực của người khác.

Common Investor Mistake #5 - Negativity Bias
Illustration from common investor

Tại sao chúng ta có thiên kiến tiêu cực?

Câu trả lời nằm ở 3 yếu tố: tâm lí, quá trình tiến hoá, và sinh học.

Theo các nhà tâm lí học giải thích, sở dĩ chúng ta chú ý đến tin xấu là vì nhìn chung chúng ta thấy thế giới này tốt hơn là những gì người khác mô tả. Đa số chúng ta có cuộc sống thoải mái, tốt hơn trung bình, và do đó khi đọc một bản tin tiêu cực thì chúng ta cảm thấy ngạc nhiên và thông tin đó trở nên nổi bật. Nó giống như tờ giấy trắng thể hiện mọi chuyện đều ổn định, nhưng chỉ một cái đốm đen cũng làm cho người ta quên đi màu trắng mà chỉ chú ý vào màu đen nổi bật.


Chúng ta ai chắc cũng chú ý thấy trên truyền thông phương Tây đa số là những tin tiêu cực, tin xấu. Tin về ‘cướp giết hiếp’ được các tờ báo lá cải khai thác tối đa đã đành, tin về xung đột và chiến tranh được các trạm truyền thông lớn rất ưa chuộng. Đối với cá nhân, tin tích cực càng ít (có nhưng hiếm), bởi vì hình như tin tích cực không được quan tâm? Xu hướng này rất đúng với trường hợp ông Trump. Trong suốt 4 năm làm tổng thống, và cả trước đó, các trạm truyền thông lớn và được xem là ‘chánh thống’ hầu như không có một tin gì tích cực về ông ấy. Tin tiêu cực về ông ấy không phải diễn ra hàng ngày, mà phải nói là hàng giờ. Những gì chúng ta đọc trên báo chí rất đúng với châm ngôn “No news is good news” (không có tin nào là tin tốt), hàm ý nói rằng đã là news thì phải có ý nghĩa tiêu cực, còn nếu không có news thì chúng ta có thể giả định rằng mọi việc xảy ra đều … ok.


Một số nhà tâm lí học giải thích rằng do quá trình tiến hoá, chúng ta mang trong người những gen thiên về chú ý đến những khía cạnh tiêu cực trong môi trường có thể gây tác hại đến chúng ta. Vào thời mà tổ tiên chúng ta sống bằng săn bắt và sống trong hang động, xu hướng chú ý đến những tín hiệu hiểm nguy rất quan trọng để duy trì sự sống còn. Đó là một trong những lí do sâu xa tại sao chúng ta hay quan tâm đến những gì tiêu cực hơn là tích cực. Do đó, một số người hay nhạo báng rằng ai có thiên kiến tiêu cực là sống trong thời … tiền sử!


Về mặt sinh học, cảm xúc tiêu cực kích hoạt một vùng não có tên là amygdala, hình trái hạnh. Amygdala [3] có chức năng như là cái đồng hồ báo động trong não bộ chúng ta. Theo giới thần kinh học, amygdala dùng 2/3 các sợi dây thần kinh để tìm những tín hiệu tiêu cực. Một khi tín hiệu tiêu cực được tiếp nhận, nó nhanh chóng được lưu trữ trong kí ức một thời gian dài hơn là những tín hiệu tích cực. Điều này cũng là một phần của sự tiến hoá con người là đi tìm những gì tiêu cực hơn là tích cực.


Phải làm gì để chống thiên kiến tiêu cực?


Một số thí nghiệm tâm lí chỉ ra rằng khi người lương thiện dù chỉ phạm phải một sai lầm nhỏ nhưng họ bị nghi ngờ là kẻ xấu đối với người có thiên kiến tiêu cực. Tuy nhiên, người gian manh thì dù nói điều đúng vẫn được xem là gian manh. Trường hợp ông Trump rất ứng nghiệm với cách đánh giá theo thiên kiến tiêu cực.
Thiên kiến tiêu cực là một thói quen nguy hiểm. Nó nguy hiểm là vì thiên kiến này làm cho chúng mất cân đối trong nhận xét, làm cho sự đánh giá của chúng ta bị lu mờ và thiếu khách quan.


Do đó, câu hỏi quan trọng là làm gì để loại bỏ thiên kiến tiêu cực từ trong não bộ chúng ta? Nhiều chuyên gia cho rằng thiền là một cách hay nhứt để ‘điều trị’ bệnh thiên kiến tiêu cực, vì thiền giúp cho chúng ta tẩy rửa não bộ. Đây không phải chỉ là ý kiến cá nhân, mà thật ra là có nghiên cứu lâm sàng RCT [4] chỉ ra rằng chỉ cần 15 phút thiền mỗi ngày là chúng ta có thể giảm những ám ảnh bởi thông tin tiêu cực.


Một cách khác nữa là thay vì tối ngày đọc những tin tức tiêu cực thì bạn nên tìm đọc một quyển sách hay hay nghe một bản nhạc đẹp. Đọc một cuốn sách hay có hiệu quả rất tuyệt vời, vì nó làm cho chúng ta sống vào cái thế giới của cuốn sách và nghiền ngẫm cuộc đời một cách sáng suốt, và qua đó mà bỏ qua một bên những suy nghĩ và những kí ức tiêu cực.


Ngoài thiền và đọc sách & nghe nhạc, cách tránh hay giảm thiên kiến tiêu cực hay nhứt là dùng ngôn ngữ và cách nói tích cực hơn là tiêu cực. Trong bình duyệt bài báo khoa học, tôi hay cố gắng viết theo hướng tích cực và lúc nào cũng có hiệu quả tốt. Thay vì viết “nghiên cứu này thất bại …”, tôi viết “nghiên cứu này có thể cải tiến nếu chú ý vào …”. Thay vì nói người ta là “Mi đã thua cuộc lần này” thì nên nói “Mi có khả năng làm tốt hơn lần sau”. Những cách nói đó, nếu mỗi chúng ta cố gắng thực hành mỗi ngày, rất có ích cho việc giảm ‘bệnh’ thiên kiến tiêu cực trong xã hội. Câu nói của Trịnh Công Sơn, ‘sống tử tế với nhau’, có thể xem là một liều thuốc tốt để trị thiên kiến tiêu cực vậy.


Bất cứ sự việc nào hay hành động nào cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực, nhưng nếu chúng ta tập theo cách nhìn tích cực và xoá bỏ thiên kiến tiêu cực thì cuộc đời này chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Negativity_bias
[2] https://journals.sagepub.com/…/10.1177/0956797610381504
[3] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25390201
[4] https://journals.sagepub.com/…/10.1177/1948550610396585

One thought on “Thiên kiến tiêu cực (negativity bias)

  1. Em xin trân trọng cảm ơn anh rất nhiều ạ! 💝💖💚

    Vào 3:32, Th 4, 13 thg 1, 2021 Nguyễn Văn Tuấn
    đã viết:

    > nguyenvantuan.info posted: ” Đa số chúng ta đều có một thói quen hơi …
    > xấu: nhìn vào và nhớ nhiều đến những điều tiêu cực hơn là những điều tích
    > cực. Giới tâm lí học có một cái tên cho thói quen này: ‘negativity bias’
    > [1] hay ‘thiên kiến tiêu cực’. Nhưng đằng sau thiên kiến tiêu cực”
    >

    Like

Leave a comment