Vĩnh biệt Harry Genant

Hôm nay nghe tin một đồng nghiệp bên Mĩ, Giáo sư Harry Genant, mới qua đời ngày 16/1/2021 [1]. Ông thọ 79 tuổi. Ông là một scholar và một gentleman, một tấm gương về cách ứng xử với đàn em. Tôi có vài kỉ niệm với ông và rất mến mộ ông.

May be an image of 1 person

Nếu các bạn học về hay làm trong chuyên ngành loãng xương thì chắc nghe đến tên ông, vì ông là người sáng chế ra cách chẩn đoán gãy xương cột sống (Genant Classification of Vertebral Fracture) [2] mà nhiều người sử dụng cho đến ngày nay.

Tôi gặp Harry lần đầu vào giữa thập niên 1990s khi tôi ghé thăm và làm việc (nói đúng ra là học) trong nhóm SOF của Giáo sư S. Cummings thuộc UCSF (San Francisco). Hồi đó, Harry có một nhóm nghiên cứu bên cạnh, nên hễ có seminar là có mặt Harry trong đó. Lúc nào cũng lịch sự, vận áo veston và cà vạt, và lúc nào cũng hỏi những câu hỏi nhẹ nhàng. Lúc nào cũng khen đồng nghiệp. Ông không hề tỏ ra ‘ta đây’ hay trịch thượng như các giáo sư thành danh khác. Sau này, chính ông là người giới thiệu tôi vào ban biên tập của Osteoporosis International, và tôi phục vụ ở đó gần 10 năm trời.

Sau này, cứ mỗi hội nghị ASBMR ở Mĩ là tôi gặp ông, vẫn veston và cà vạt. Điều thú vị là cả hai chúng tôi lúc nào cũng ở trong cùng một session, có lẽ vì cùng hướng nghiên cứu. Bất cứ khi nào tôi hỏi diễn giả câu hỏi, ông đều đến bên tôi sau đó và nói ‘That is a smart question, Tuan.’ Tôi biết đó chỉ là câu nói động viên thôi.

Có lần tôi và ông được giao nhiệm vụ chủ trì (co-chair) một phiên họp trong hội nghị ASBMR, tôi quen tánh người châu Á, kính trọng người lớn tuổi hơn và đàn anh, nên nhường cho ông nói lời khai mạc. Nhưng ông vỗ vai tôi nói: “Anh nói lời khai mạc, tôi hỗ trợ anh.” Harry là người như vậy: lúc nào cũng lịch sự và nhường đàn em.

Theo lí lịch trích ngang này thì thoạt đầu ông muốn làm phi hành gia, nhưng một cơ duyên nào đó ông trở thành bác sĩ. Ông tốt nghiệp bác sĩ năm 1967 từ Northwestern University, làm nội trú ở Chicago và trở thành Assistant Professor ở đó. Năm 1974 ông được UCSF bổ nhiệm làm sếp radiology, và sau này thành Full Professor. Trong sự nghiệp dài, Harry công bố hơn 600 bài báo khoa học, biên tập hơn 40 cuốn sách, và viết 300 chương sách. Đó là một gia tài đồ sộ.

Riêng tôi thì nhớ đến cái hệ thống phân loại gãy xương cột sống của Harry, và dựa vào đó mà có nghiên cứu ở Việt Nam [3-4]. Cần nói thêm rằng theo nghiên cứu của chúng tôi [3] ở Việt Nam, cứ 4 phụ nữ sau mãn kinh thì có 1 người gãy xương đốt sống mà họ không hay biết (vì gãy xương này thường không có triệu chứng). Gãy xương đốt sống làm cho người ta bị gãy xương khác và chết sớm, nên không thể xem thường được.

Mấy năm gần đây, nhiều người trong ‘bộ lạc’ dần dần ra đi. Quan sát cách họ ra đi mà nghĩ lại cuộc đời thật ngắn ngủi. Mới ngày nào gặp Harry trong hội nghị mà nay ông ấy đã ra đi! Sự ngắn ngủi của cuộc đời dạy cho chúng ta bài học “Hãy tử tế với nhau” như Giáo sư Harry Genant đã từng tử tế với đồng nghiệp và đàn em.

__________

[1] https://radiology.ucsf.edu/blog/harry-k-genant-md-1942-2021

[2] https://radiopaedia.org/articles/genant-classification-of-vertebral-fractures

[3] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19376279

[4] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23132647

TB: Sẵn đây xin báo các bạn là tôi mới upload bài giảng số 5 về loãng xương trên youtube. Bài này bàn về chỉ số T và chẩn đoán loãng xương mà có lẽ nhiều bạn chưa biết câu chuyện khoa học đằng sau của ngưỡng -2.5. Link: https://www.youtube.com/watch?v=dCBRjxv90yc

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s