Thiên kiến một chiều (‘my side bias’)

Chúng ta, không ít thì nhiều, có thói quen nhìn sự việc một chiều. Thiên kiến này (có khi còn gọi là ‘my side bias’) dẫn đến nhiều kết luận sai.

Hôm nọ, trong một buổi tán gẫu trên bàn cà phê, tôi nghe được một câu chuyện về sự thần kì của một dược thảo trong việc điều trị ung thư. Chuyện là một người bạn bị ung thư mà bác sĩ báo cho biết là giai đoạn cuối (tức chờ chết), rồi anh ấy về Việt Nam thăm bà con, bạn bè, coi như là chuyến đi sau cùng về quê. Anh đi nhiều nơi, và lên Tây Nguyên, rồi nhờ một người quen giới thiệu một loại cây cỏ có hiệu quả điều trị ung thư. Trong lúc tuyệt vọng, anh dùng loại dược thảo đó, và may mắn thay anh hết bệnh. Về Úc, thậm chí bác sĩ khám anh còn ngạc nhiên! Anh đã nghỉ hưu và vẫn sống cho đến ngày nay và vẫn bù khú với bạn bè.

Đó là một câu chuyện đẹp. Có lẽ đa số chúng ta đều đã nghe qua những câu chuyện như vậy. Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, chờ chết, rồi nhân một tình cờ được dùng một loại dược thảo hay nước hay ‘can thiệp’ nào đó (như tế bào gốc, di truyền trị liệu) mà hết bệnh. Những câu chuyện đó có thật, chớ không phải bịa ra. Đó cũng là những câu chuyện làm cơ sở cho nhiều quảng bá về hiệu quả của ‘thực phẩm chức năng’ trong cộng đồng.

Nhưng tôi sợ là niềm tin vào những câu chuyện đó là hậu quả của tâm lí có tên là thiên kiến một chiều, mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là ‘my side bias’ và ‘one-sided reference bias’. Theo tôi biết, trong tâm lí học, ‘my side bias’ được định nghĩa là xu hướng đánh giá chứng cớ hay tạo ra chứng cớ nhằm xác định thiên kiến của mình. Định nghĩa này rất giống với định nghĩa của ‘one sided bias’ trong dịch tễ học: xu hướng trích dẫn dữ liệu chỉ để yểm trợ cho thiên kiến của tác giả. Thiên kiến này rất phổ biến, và có thể nói là tất cả chúng ta đều có. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm để tự mình chỉnh sửa.

Nhìn sự việc qua bảng 2×2

Một người thầy cũ của tôi (giáo sư AW) từng nói rằng sự việc trên thế giới có thể tóm tắt bằng bảng dữ liệu 2 dòng và 2 cột, mà tiếng Anh gọi là ‘2×2 table’. Chúng ta tạm gọi là bảng 2×2 cho gọn và tiện. Dân dịch tễ học thì chắc chẳng ai còn xa lạ gì với bảng 2×2, nhưng ít khi nào chúng ta khái quát hoá và ứng dụng nó trong các tình huống xã hội.

Câu chuyện dược thảo và ung thư ở trên cũng có thể thể hiện bằng bảng 2×2. Chúng ta thử tưởng tượng 4 tình huống:

• Tình huống 1: người dùng dược thảo và hết bệnh;
• Tình huống 2: người dùng dược thảo nhưng không hết bệnh;
• Tình huống 3: người không dùng dược thảo nhưng hết bệnh; và
• Tình huống 4: người không dùng dược thảo và không hết bệnh.

Chúng ta có thể tóm tắt 4 tình huống trên thành bảng 2×2 như sau. Trong bảng này, các ô ‘a’, ‘b’, ‘c’, và ‘d‘ thể hiện số người trong một thí nghiệm tưởng tượng. Theo đó, a là số người dùng dược thảo và hết bệnh (có hiệu quả); b là số người dùng dược thảo nhưng bệnh vẫn không hết (không có hiệu quả); c là những người tuy không dùng dược thảo mà vẫn hết bệnh; và d là những người không dùng dược thảo và bệnh vẫn còn.

Những câu chuyện về dược thảo và bệnh tật mà chúng ta nghe chỉ nằm ở a. Nói cách khác, chúng ta chỉ nghe những câu chuyện thành công, những câu chuyện về sự hiệu nghiệm của dược thảo. Chúng ta không (hay ít) nghe đến ô b, tức những câu chuyện về dùng dược thảo mà bệnh vẫn không dứt. Chúng ta cũng không nghe đến những người không dùng dược thảo mà bệnh vẫn hết. Có thể bệnh nhân cảm thấy xấu hổ không muốn nói ra rằng mình đã thử dược thảo mà chưa hết bệnh. Nói tóm lại, những gì chúng ta nghe chỉ … một chiều.

Nghe một chiều thì có khả năng sai sót rất cao. Quay lại bảng 2×2 trên, giả dụ như chúng ta có 100 người trong cộng đồng, và phân bố như sau. Trong cộng đồng đó, có 10 người dùng dược thảo và 90 người không dùng. Sau khi lắng nghe 100 câu chuyện, chúng ta có một ‘bức tranh’ như sau: trong số 10 người dùng dược thảo, có 2 người hết bệnh; trong số 90 người không dùng, có 30 người hết bệnh.

Như vậy, xác suất hết bệnh trong nhóm dùng dược thảo là 20%, nhưng trong nhóm không dùng dược thảo thì 33%. Nhưng trong thực tế chúng ta chỉ nghe 2 người hết bệnh, chớ ít khi nào nghe 8 người không hết bệnh. Chúng ta càng không biết những người không dùng dược thảo nhưng hết bệnh (có thể do sự đột biến ngẫu nhiên của tế bào ung thư có lợi cho bệnh nhân). Nhưng bởi vì chúng ta chỉ nghe 1 chiều, nên kết luận về hiệu quả của dược thảo có thể sai.

Tuy nhiên, bảng 2×2 trên đây chỉ là … tưởng tượng. Chúng ta chưa có nghiên cứu nào như thế cho các lại dược thảo. Vì vậy, cuối cùng thì chúng ta cũng chỉ là nghe câu chuyện như thể hiện trong tế bào a của bảng 2×2. Bài học dĩ nhiên là những câu chuyện tuyệt vời như thế, nếu không có dữ liệu nghiên cứu nghiêm chỉnh, không nói lên được gì về hiệu quả của dược thảo. Tương tự, chúng ta chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh để biết những can thiệp như tế bào gốc (stem cell) có thể trị dứt bệnh ung thư, tiểu đường, thoái hoá khớp, v.v. Những ý kiến cá nhân thì không đáng tin cậy.

Bảng 2×2 trên đây dùng dược thảo và bệnh lí để minh hoạ cho thiên kiến một chiều, nhưng trong thực tế chúng ta có thể nghĩ ra rất nhiều tình huống khác. Chẳng hạn như mối liên quan giữa giá trị của chiếc nhẫn cưới và li dị, giữa bằng tiến sĩ và tài năng, thậm chí … giữa báo chí và ông Trump. Chẳng hạn như thay vì dùng/không dùng dược thảo, chúng ta có giá trị chiếc nhẫn trên/dưới 10 ngàn USD; và thay vì bệnh lí yes/no chúng ta có li dị / không li dị. Để đánh giá đúng Trump, chúng ta cũng có thể lập bảng 2×2 với 2 dòng là báo chí lề trái, lề phải; và 2 cột là nói xấu Trump và nói tốt về Trump. Hiện nay thì chúng ta chỉ thấy ô ‘a‘ trong bảng 2×2 về Trump thôi. Nhìn sự việc qua bảng 2×2 giúp chúng ta bớt thiên kiến một chiều và đi đến kết luận chính xác hơn.

“Tiếng hát bay trên thành phố bâng khuâng” Lệ Thu qua đời

Lệ Thu, người ca sĩ mà tôi mến mộ nhứt, đã qua đời cách đây khoảng 1 giờ ở California, thọ 78 tuổi. Theo báo chí và giới nghệ sĩ bên California thì bà bị nhiễm virus Vũ Hán vài tuần trước và đã nằm viện thở máy hơn 1 tuần. Sự ra đi của Lệ Thu để lại một khoảng trống âm thanh trong bầu trời âm nhạc Việt Nam.

Danh ca Lệ Thu qua đời - VnExpress Giải trí
Ca sĩ Lệ Thu

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sanh ngày 16/7/1943 tại Hải Phòng. Bà cùng thân mẫu di cư vàoNam năm 1953. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 1959 tại phòng trà Bồng Lai ở Sài Gòn. Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà cho biết nghệ danh ‘Lệ Thu’ là bà tự đặt nhằm giấu gia đình để đi ca hát.

Lệ Thu trở thành một ca sĩ bậc nhứt của miền Nam Việt Nam. Khi nghĩ lại những ca sĩ nổi tiếng thời đó chuyên ca dòng nhạc tình, tôi nghĩ ngay đến Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly là hai người nổi tiếng nhứt. Không nói ra thì ai cũng biết ca khúc làm bà nổi tiếng nhứt là “Nước mắt mùa thu” của Phạm Duy. Tôi đọc đâu đó thì biết rằng ca khúc đó do Phạm Duy viết cho bà.

Nhưng ngoài Phạm Duy, Trường Sa với ‘Xin Còn Gọi Tên Nhau‘, Trịnh Công Sơn với ‘Chiếc Lá Thu Phai‘ đều là viết cho Lệ Thu! Thích nhứt là bài của Trường Sa:

Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng

Chiều đong đưa những bước chân đau mòn

Chợt nghe mùa thu bay trên trời không

Còn ai giữa mênh mông đời mình

Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ…

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nhạc sĩ Trường Sa nói: “Chúng tôi quen biết nhau từ bài Mùa Thu Trong Mưa. Sau khi bài được thâu dĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em… tiếp theo nữa là Sầu Muộn, Còn Mãi Xa Người, Một Mai Em Đi, Nụ Cười Tím, Như Hoa Rồi Tàn… Lệ Thu đã chắp cánh cho một số ca khúc của tôi bay xa đến tận hôm nay. Trong thâm tâm, tôi không bao giờ quên sự nhiệt tình của Lệ Thu và để đáp lại sự nhiệt tình đó, từ lâu tôi đã đồng ý cho Lệ Thu sử dụng bài nào cô ấy muốn mà không bị ràng buộc điều kiện nào. Tôi quý Lệ Thu bằng tấm chân tình nghệ sĩ thật chính đáng và trong sáng, trước sau như một…” [1]

Danh đi với tài. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Jimmy Nhựt Hà, bà tiết lộ rằng với một hợp đồng ca cho phòng trà, bà trở thành khá giàu có. Ngày 30/4/1975 Lệ Thu đã ra đến phi trường Tân Sơn Nhứt để đi Mĩ, nhưng bà quyết định quay về để chăm sóc cho mẹ già ở Việt Nam. Năm 1979 nhờ sự giúp đỡ của chồng cũ của ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu vượt biên đến Pulau Bidong (Mã Lai) và định cư ở Mĩ từ 1980 đến nay. Thời gian ở Mĩ, Lệ Thu vẫn ca hát và vẫn là một danh ca số 1 của làng nhạc hải ngoại.

Tôi tự xem mình là người yêu nhạc Việt Nam. Và, người làm cho tôi yêu nhạc Việt và tiếng Việt chính là ca sĩ Lệ Thu. Thời thanh niên thuộc thập niên 1970s, là sinh viên, tôi say mê tiếng hát Lệ Thu qua những ca khúc trữ tình và đẹp của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Từ Công Phụng, v.v. Lệ Thu trình diễn ca khúc nào cũng rất tự nhiên nhưng trang trọng; Lê Thu biểu lộ cảm xúc của ca khúc nhưng không làm dáng; Lệ Thu ngân nga và nhả chữ vừa đúng mà không ‘khoe’ giọng. Quả thật ngày nay rất khó có một tiếng hát như Lệ Thu. Gọi là “tiếng hát để đời” hay “tiếng hát huyền thoại” là đúng chớ không có gì quá đáng.

Cá nhân tôi từ ngày còn ở Việt Nam đến khi ra nước ngoài cho đến nay, lúc nào tôi cũng thu thập tất cả các tape nhạc và CD nhạc Lệ Thu. Hơn 40 năm ở nước ngoài tôi chỉ đi nghe nhạc 2 lần, chỉ vì 2 lần đó có Lệ Thu hát ‘live’. Ngày nghe tin Lệ Thu qua đời tôi nghe lại tất cả những tape nhạc và CD cũ kĩ đó như để tưởng nhớ đến một giọng ca mà mình trưởng thành theo năm tháng. Nay thì Lệ Thu đã đi về cõi vĩnh hằng. Nói như Trịnh Công Sơn là “Vắng một người thế giới trở nên hoang vu“, vắng tiếng hát Lệ Thu trên bầu trời nhạc Việt làm cho nhiều người, kể cả tôi, hụt hẫng. Xin có đôi dòng chia sẻ và chia buồn đến gia đình người ca sĩ đã làm cho tôi yêu nhạc Việt!

PS: Các bạn mến mộ Danh ca Lệ Thu có thể vào đường link dưới đây để lại suy tưởng hay cảm nhận của mình:

https://www.forevermissed.com/casilethu/about

___

[1] https://nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-xin-con-goi-ten-nhau-nhac-si-truong-sa-pho-van-hoang-vu-tu-luc-em-di

Loạt bài phỏng vấn Lệ Thu do Jimmy Nhựt Hà thực hiện:

Phần I

Phần II:

Phần III:

Hiệu quả của vaccine có cao?

Mấy hôm nay tôi theo dõi cuộc tranh luận ở Úc về hiệu quả của vaccine do AstraZeneca và Pfizer bào chế. Một số chuyên gia cho rằng hiệu quả vaccine không đủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng một số chuyên khác thì cho rằng hiệu quả như báo cáo là được. Tuy nhiên, dữ liệu ‘ngầm’ cho thấy có thể hiệu quả của vaccine không cao như con số 95% đã được báo cáo.

Vaccine của Oxford/AstraZeneca

Úc đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine trong cộng đồng và vaccine của ĐH Oxford/AstraZeneca được chọn. Lí do là vì vaccine này có thể sản xuất ngay tại Úc mà không cần phải nhập khẩu. Thế nhưng một nhóm chuyên gia bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học (thuộc hiệp hội miễn dịch học của Úc) chất vấn hiệu quả của vaccine. Họ cho rằng với hiệu quả như báo cáo (62%) là không đủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng [1]. Họ đề nghị không nên triển khai vaccine đại trà trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cố vấn cho chánh phủ Úc thì cho rằng hiệu quả như vậy là tốt rồi, và có thể triển khai đại trà. Những người này nói rằng hiệu quả 62% tốt hơn nhiều so với hiệu quả của đeo khẩu trang (chỉ 15-20%), và kêu gọi mọi người nên tin vào các cố vấn của chánh phủ vì họ được … tuyển chọn cẩn thận. (Cách nói ‘hãy tin chúng tôi’ làm giới khoa học mỉm cười). Có vẻ như chánh phủ đã quyết định là sẽ triển khai tiêm vaccine vào vài tuần tới, cho dù có phản đối từ giới khoa học.

Thật ra, tôi nghĩ con số 62% là hơi đơn giản. Đó là con số ước tính từ một nhóm tình nguyện viên được tiêm 2 liều đầy đủ, và tính trung bình thì vaccine efficacy (VE) là 62% (xem bảng số liệu). Nếu tính cả nhóm được tiêm đúng liều và nhóm được tiêm sai liều trong nghiên cứu, thì VE là 70%. Do đó, tuỳ vào cách họ chọn nhóm nào.

Nhưng vấn đề là những con số 62% (hay 70%) là số trung bình. Số trung bình nó dao động theo mẫu nghiên cứu, và do đó kết quả có thể cao hơn hay thấp hơn trong thực tế. Chẳng hạn như VE trung bình là 62%, nhưng khoảng tin cậy 95% thì dao động từ 41% đến 76% (xem bảng số liệu) [2]. Như các bạn thấy, các chuyên gia này chỉ nói đến con số trung bình, mà không hề xem xét đến sự bất định!

No photo description available.
Hiệu quả của vaccine Oxford/AstraZeneca: Kết quả nghiên cứu RCT (Lancet) cho thấy hiệu quả dao động từ 62% đến 90% (cột sau cùng). Các chuyên gia miễn dịch học cho rằng hiệu quả 62% là chưa đủ thuyết phục, nhưng các chuyên gia khác lại nghĩ rằng 62% là hơn hiệu quả đeo khẩu trang (15-20%).

Tôi bình luận về chuyện này ở đây (tiếng Anh):

https://tuanvnguyen.medium.com/vaccine-efficacy-beyond-the-average-bf72ffc3e138

Vaccine của Pfizer / Biontech

Tuy nhiên, điều tôi mới đọc được về hiệu quả của vaccine của Biontech rất đáng suy nghĩ. Chúng ta biết rằng vài tuần trước Pfizer công bố kết quả nghiên cứu RCT quan trọng cho thấy vaccine BNT162b2 có hiệu quả VE = 95%, với khoảng tin cậy 95% dao động từ 90% đến 98% [3]. Rất cao. Và, đa số những người trong y khoa đều thấy đó là một tin mừng lớn trong việc kiểm soát dịch Vũ Hán. Tôi cũng nghĩ hiệu quả cao như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa [4].

No photo description available.
Hiệu quả của vaccine Pfizer/BionTech: Kết quả báo cáo trên NEJM là 95% (cột sau cùng). Nhưng con số này dựa vào 170 ca nhiễm đã được xác định bởi PCR. Trong thực tế còn có 3410 ca NGHI bị nhiễm nhưng chưa xác định bởi PCR, mà bài báo trên NEJM không báo cáo. Nếu tính số ca NGHI bị nhiễm, thì hiệu quả của vaccine là 18%, chớ không phải là 95%.

Nhưng đến khi Pfizer nộp tất cả dữ liệu và kết quả phân tích cho FDA thì một chuyên gia [5] nhìn ra một ‘bức tranh’ khác. Để hiểu vấn đề, tôi xin trình bày một chút chi tiết và bối cảnh của công trình nghiên cứu:

  • Nghiên cứu có 2 nhóm tình nguyện viên: 18198 người được tiêm vaccine và 18325 người thuộc nhóm chứng;
  • Trong thời gian theo dõi, có 170 người (8 người trong nhóm vaccine và 162 người trong nhóm chứng) bị nhiễm virus. Đây là những ca nhiễm đã được xác nhận bằng phân tích PCR, chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm virus. Từ hai kết quả này, các tác giả ước tính được VE = 95%.

Những ca nghi ngờ nhiễm

Tuy nhiên, trong bài báo trên New England Journal of Medicine (NEJM), các tác giả báo cáo KHÔNG đầy đủ. Nhưng bên cạnh con số 170 đó, còn có những ca “suspected covid-19“, tức nghi ngờ nhiễm. Đây là những ca có triệu chứng, nhưng chưa được xác nhận bằng PCR.

Có bao nhiêu ca nghi ngờ nhiễm? Theo báo cáo cho FDA thì có đến 1594 ca trong nhóm vaccine và 1816 ca trong nhóm chứng! Tức là tổng số có đến 3410 người bị nghi nhiễm, nhiều hơn gấp 20 lần con số được xác nhận nhiễm.

Ảnh hưởng của các ca nghi ngờ này đến hiệu quả vaccine ra sao? Nếu con số nghi nhiễm này được cộng với con số 170 thì, hiệu quả của vaccine bây giờ là chỉ còn 18%.

VE = 1 – ((8+1594) / 18198) / ((162+1816)/18325) = 18%.

Chỉ 18%. Không phải 95%.

Phân tích chọn lọc

Ngoài ra, bài báo trên NEJM cũng không giải thích tại sao họ loại bỏ 371 ca được đánh giá là vi phạm protocol nghiên cứu. Vấn đề là trong số này, đa số (311) thuộc nhóm vaccine và chỉ có 60 thuộc nhóm chứng. Cách loại bỏ này làm cho hiệu quả vaccine có vẻ cao.

Tôi không hiểu tại sao tác giả không phân tích theo phương án ITT (tức bao gồm cả những ca không theo đúng protocol hay bỏ cuộc) như tất cả nghiên cứu RCT đều làm. Cách loại bỏ này làm cho ước số hiệu quả của vaccine bị sai lệch.

Tóm lại, con số 95% về hiệu quả của vaccine (Pfizer / Biontech) có thể không chính xác như báo cáo trong bài báo trên NEJM. Những vấn đề mà Peter Doshi (phó biên tập của BMJ) nêu lên rất đáng để tìm hiểu thêm. Hi vọng rằng nhóm tác giả sẽ có cơ hội giải thích và chúng ta biết rõ hơn về hiệu quả của vaccine. Có nhiều chuyên gia đề nghị phải có chuyên gia độc lập phân tích lại dữ liệu.

Điều đáng nói là họ báo cáo các số ca nghi nhiễm cho FDA, nhưng không báo cáo trên bái báo khoa học! Đôi khi chúng ta không nên quá tin vào dữ liệu của các công ti, vì họ có nhiều ‘conflict of interest’.

____

[1] https://7news.com.au/sunrise/on-the-show/calls-for-australias-rollout-of-oxford-astrazeneca-covid-vaccine-to-be-paused-over-efficacy-concerns-c-1945573

[2] https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)32661-1/fulltext

[3] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2034577

[4] https://tuanvnguyen.medium.com/a-bayesian-interpretation-of-pfizer-vaccine-efficacy-fa2dcd195fd9

[5] https://blogs.bmj.com/bmj/2021/01/04/peter-doshi-pfizer-and-modernas-95-effective-vaccines-we-need-more-details-and-the-raw-data


Qui luật phổ quát của sự thành công

Sự thành công là điều ai cũng mong muốn, và cũng là đề tài của rất nhiều đầu sách loại ‘học làm người’. Trong cuốn sách “The Formula”, tác giả Albert-László Barabási (là một giáo sư về khoa học mạng — network science) cung cấp cho chúng ta nhiều bài học thú vị và 5 qui luật của thành công. Cái note này chia sẻ với các bạn 5 qui luật đó, với hi vọng giúp các bạn định hình lại chính mình.

Image may contain: text that says 'Albert-László Barabási + Formula The The Science Behind Why People Succeed or Fail 'This is not just an important but an imperative project' NASSIM NICHOLAS TALEB, AUTHOR OF THE BLACK SWAN'
Sách “The Formula” của Gs Albert-László Barabási đề ra 5 qui luật của thành công:

Qui luật 1: Sản phẩm hay thành tích quyết định sự thành công, nhưng nếu phẩm chất của thành tích không thể đo lường được, thì mạng quan hệ là yếu tố quyết định sự thành công. Qui luật 2: Thành tích có giới hạn, nhưng thành công thì vô hạn. Qui luật 3: Thành công là hiện tượng gắn bó. Qui luật 4: Thành công của nhóm cần phải có sự đa dạng và cân đối, nhưng một cá nhân sẽ nhận công trạng cho cả nhóm. Qui luật 5: Thành công chỉ đến với người kiên trì. 

Thành công là gì?

Trước hết chúng ta cần phải có một định nghĩa về khái niệm ‘thành công’. Trong Khoa học Thành công (Science of Success) người ta phân biệt giữa ‘performance‘ và ‘success‘. Rất khó dịch chữ performance sang tiếng Việt trong ngữ cảnh chúng ta đang bàn, nhưng một cách ngắn gọn: performance là việc mà chúng ta làm. Đó là bức tranh bạn sáng tác, là cuốn tiểu thuyết bạn viết, là công trình nghiên cứu khoa học bạn công bố, là bệnh lí bạn điều trị. Nói tóm lại, performance là sản phẩm’ bạn làm ra, là thành tích của bạn.

Còn success hay ‘thành công’ dùng để chỉ tầm ảnh hưởng của sản phẩm. Bức tranh bạn sáng tác có viện bảo tàng nào trưng bày không, cuốn sách bạn xuất bản có ai mua đọc, công trình khoa học bạn xuất bản có ai sử dụng trong thực tế, bệnh lí bạn điều trị có được đồng nghiệp công nhận. Do đó, khái niệm ‘thành công’ở đây nên hiểu là tác động của sản phẩm. (Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các cơ quan tài trợ khoa học ở Úc đòi hỏi ứng viên phải tự nói về ‘impact’ của mình).

Để thành công, bạn cần có một (hay nhiều) sản phẩm với phẩm chất cao, bạn cần có kĩ năng xuất sắc trong việc làm. Nhưng phẩm chất của sản phẩm và kĩ năng là điều kiện cần, chớ chưa đủ cho thành công. Để thành công, sản phẩm đó phải gây ảnh hưởng trong cộng đồng. Trong “The Formula”, Barabási trình bày hàng loạt trường hợp thú vị để minh chứng cho điểm đó.

Chẳng hạn như trong bóng đá, chúng ta rất dễ đánh giá các cầu thủ qua kĩ năng và các con số thống kê về số lần thắng hay thua, và do đó thành tích của họ rất dễ đo lường. Sự thành công của các cầu thủ bóng đá, do đó, rất dễ đánh giá.

Tuy nhiên, nếu bạn làm trong lãnh vực nghệ thuật, thì đánh giá về thành công rất khó. Một công trình nghệ thuật, như một bức tranh chẳng hạn, chúng ta rất khó có một thước đo khách quan để biết giá trị của nó. Chúng ta có lẽ sẽ hỏi bức tranh này có được trưng bày trong một viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng hay chỉ là một phòng tranh vô danh nào đó. Chúng ta không có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá một bức tranh, nếu không biết nơi mà bức tranh được trưng bày. Giá trị của bức tranh phải được đánh giá trong bối cảnh nó ra đời, tác giả và danh tiếng của tác giả.

Thành công là hiện tượng tập thể

Thời Thế chiến thứ Nhứt (1914 – 1918), viên phi công người Đức Manfred von Richthofen (1892 – 1918), còn được biết với nickname là ‘Red Baron’ vì ông cho sơn chiến đấu cơ màu đỏ, được nhiều người biết đến. Ông là một phi công tác chiến dũng cảm và điêu luyện, với thành tích khủng: bắn hạ 80 máy bay của địch và tánh can đảm trong những trận không chiến! Ông là chủ đề của nhiều cuốn sách và phim ảnh Hollywood, và người đời đều biết ông là phi công tác chiến số 1 trong Thế chiến thứ Nhứt.

Phi công người Pháp René Fonck (1894 – 1953) cũng là một phi công tác chiến cùng thời và có thành tích còn ‘khủng’ hơn von Richthofen. Phi công Fonck đã từng bắn hạ 127 chiến đấu cơ của Đức, và cũng gan dạ như von Richthofen. Nhưng Fonck còn hơn ‘đồng nghiệp’ ở chỗ ông có kĩ thuật tác chiến tuyệt vời, và chiến đấu cơ ông lái không hề trầy xước gì trong suốt cuộc chiến. Nhưng sau này rất ít ai biết đến ông.

Tại sao 2 phi công chiến đấu cùng thời gian, cả hai cùng có thành tích ‘khủng’, nhưng một người thì nổi tiếng, còn người khác thì không? Cái khác biệt chánh giữa 2 người là một người có ích cho hệ thống (von Richthofen) còn người khác thì không. Sự thành công của von Richthofen liên quan đến biến cố chánh trị xã hội xảy ra. von Richthofen lúc đó là một ‘đối tượng’ rất cần thiết cho bộ máy tuyên truyền của Đức, họ cần tìm một người ‘anh hùng’ để hun đúc tinh thần yêu nước. Thành ra, von Richthofen là một sản phẩm của tuyên truyền, vì cái mạng xã hội cần ông ấy.

Tình hình cũng giống như ông Phạm Tuân và Eugene Trịnh, cả hai đều là phi hành gia, nhưng ông Phạm Tuân thì được nhiều người Việt biết đến hơn ông Eugene. Ngay cả ở Mĩ, ít người biết đến Eugene Trịnh là phi hành gia gốc Việt (Bạc Liêu). Bài học là nếu không có cộng đồng, cá nhân dù với thành tích tuyệt vời thì vẫn ít được người biết đến.

Nói theo ngôn ngữ của Khoa học Mạng (network science), mỗi chúng ta chỉ là một cái ‘node’ (nút) trong một mạng phức tạp gồm hàng tỉ nodes, và trong mạng lưới đó tất cả chúng ta đều có liên quan hay lệ thuộc lẫn nhau. Do đó, để biết thành tích của một cá nhân có gây tác động, chúng ta cần phải xem xét đến các nodes khác phản ứng trong mạng lưới đó.

Những câu chuyện trên nói lên rằng thành công không phải chỉ nhờ vào thành tích hay công trình hay sản phẩm bạn làm ra, mà là lệ thuộc vào sự đánh giá và công nhận của cộng đồng. Thành công do đó là một hiện tượng mang tính cộng đồng, vì nó liên quan đến cảm nhận của tập thể.

Thành công là hiện tượng gắn bó

Năm 2017 bức tranh nổi tiếng Christ (về Chúa Jesus) được bán với giá 450 triệu USD. Nhưng lần bán trước đó vào năm 2005, bức tranh đó trị giá chỉ … 10,000 USD. Điều gì giải thích cho sự gia tăng giá trị của bức tranh? Trước đó và cho đến năm 2005, người ta nghĩ rằng tác giả của bức tranh là học trò của danh hoạ Leonardo da Vinci, thế nhưng sau này thì qua đánh giá khoa học người ta mới biết tác giả là Leonardo da Vinci. Đó chính là lí do giải thích tại sao bức tranh có giá trị cao như thế.

Image may contain: 1 person
Danh hoạ “Christ” (Chúa Jesus) năm 2005 được đấu giá 10,000 USD, nhưng năm 2017 khi người ta biết tác giả là Leonardo da Vinci thì giá trị lên đến 450 triệu USD.

Bức tranh Mona Lisa được xem là một tác phẩm hoạ nổi tiếng nhứt từ cổ chí kim, nhưng ít ai biết rằng tác phẩm này cũng từng có một thời gian hẳm hiu. Tác phẩm này được trưng bày trong viện bảo tàng Louvre (Pháp) như nhiều tác phẩm khác. Nhưng năm 1911, Mona Lisa bị ăn trộm, và cả thế giới truy tìm thủ phạm, thậm chí có lúc danh hoạ Picasso bị bắt vì nghi ngờ là kẻ tòng phạm, và vậy là bức tranh trở nên nổi tiếng. Các chuyên gia ước tính rằng nếu bức tranh được đem ra đấu giá thì nó có giá trị 1.5 tỉ USD!

Cũng giống như cái đồng hồ hiệu Rolex 6062 của vua Bảo Đại. Tuy giá trị thị trường của cái đồng hồ đó có thể không quá 50,000 USD, nhưng khi người ta biết chủ nhân của nó là vua Bảo Đại thì giá trị của nó lên đến hơn 5 triệu USD vào năm 2017.

Trong Formula, tác giả thuật một trường hợp rất hay để minh hoạ cho qui luật ‘Preferential attachment‘. Bản thảo tác phẩm “The Cuckoo’s Calling” được tác giả tên là Robert Galbraith nộp cho Nhà xuất bản Orion Books bên Anh. Biên tập viên Kate Mills xem qua bản thảo và thấy cũng hay hay, nhưng không đặc sắc, nên bà từ chối kí hợp đồng xuất bản. Tác giả bèn nộp cho một nhà xuất bản khác, và lần này thì tác phẩm được công bố.

Ngay sau khi tác phẩm được công bố, có nhiều lời đồn rằng tác phẩm đó được J. K. Rowling biên tập (Rowling là người nổi tiếng thế giới qua tác phẩm Harry Porter). Thế là tác phẩm trở nên nổi tiếng. Một nhà nghiên cứu dùng thuật toán thống kê so sánh văn phong của Rowling và Galbraith, và phát hiện nhiều điểm rất giống nhau. Hoá ra, tác giả Robert Galbraith — được mô tả là một sĩ quan quân cảnh — chẳng ai khác hơn là bà J. K. Rowling!

Image may contain: one or more people, text that says 'ROBERT GALBRAITH The Number One Bestseller THE CUCKOO'S CALLING STRIKE ASTRIKENOVE NOVEL The work of 1 master storyteller' Daily Telegraph OWL BOOKS'
Tiểu thuyết “The Cuckoo’s Calling” của tác giả Robert Galbraith nhưng kì thực là của bà J. K. Rowling. Qua sự việc, bà Rowling muốn làm một thí nghiệm xã hội để nói lên rằng nếu một người chưa nổi tiếng muốn thành công thì người đó phải làm việc với một người nổi tiếng.

Qua sự việc, bà Rowling muốn làm một thí nghiệm xã hội để nói lên rằng nếu một người chưa nổi tiếng muốn thành công thì người đó phải làm việc với một người nổi tiếng.

Thí nghiệm của Rowling thật ra cũng chứng thực cho một thí nghiệm mà nhà văn Stephen King đã làm trước đó 30 năm. Thời đó, King dùng bút danh “Richard Bachman” để xuất bản tác phẩm. Trong sách, tác giả Bachman được mô tả như là một người đẹp trai ‘phong trần’, từng làm nghề nuôi gà ở bang New Hampshire, và chỉ viết sách vào buổi tối. Cũng như trường hợp của Rowling, tác phẩm mà Stephen King gởi đi dưới bút danh Richard Bach bị loại ngay từ ‘vòng gởi xe’ bởi nhiều nhà xuất bản.

Tuy nhiên, Bach vẫn xuất bản được 4 cuốn tiểu thuyết, với tổng số sách được bán là 40,000 bản. Thế nhưng một người bán sách phát hiện văn phong của Bach rất giống văn phong của King, và khi thông tin này được đưa ra thì sách bán chạy gấp 10 lần trước đây.

Những câu chuyện trên nói lên một qui luật rằng: thành công là hiện tượng gắn bó. Diễn giải theo cách nói của người Việt chúng ta là ‘gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’. Đây là qui luật “Preferential Attachment “, người giàu càng giàu hơn (còn gọi là hiệu ứng Matthew trong dịch tễ học). Nếu bạn là người đã đạt được sự danh tiếng trong chuyên ngành, thì bạn có thể sẽ dễ thành công hơn trong tương lai. Nhưng nếu bạn chưa phải là người có danh tiếng, bạn nên liên kết và làm quen với những người danh tiếng.

Người ta có xu hướng nghe những người danh tiếng mà họ biết đến, cho dù những người này có khi nói ra những điều vô duyên. Bài học là nếu bạn chưa phải là người nổi danh nhưng muốn nổi danh thì bạn nên làm việc hay làm quen với những người lừng danh. Bài học này hoàn toàn ứng nghiệm trong khoa học (muốn thành công thì nên đầu quân vào những lab thành công và thầy nổi tiếng), nhưng tôi nghĩ cũng ứng nghiệm cho các lãnh vực khác, kể cả chánh trị.

Mấu chốt không phải chỉ ở chỗ bạn biết và giỏi về cái gì, mà còn là bạn biết ai trong cộng đồng.


The Formula” là một cuốn sách hay. Hay là vì tác giả cung cấp những bài học và qui luật mà đa số chúng ta đều có thể cảm nhận hay liên quan. Cách tác giả kể những câu chuyện hết sức hấp dẫn và thú vị. Đọc cuốn sách này các bạn sẽ học được rất nhiều điều (nhưng chưa chắc là đồng ý với tác giả), và những câu chuyện đáng để được mỗi chúng ta suy ngẫm về khái niệm ‘thành công’. Để thành công ngoài kĩ năng và thành tích xuất sắc, bạn cần phải có một cộng đồng (‘bộ lạc’, network) và làm quen hay làm việc với những người đã thành công trong ‘bộ lạc’ đó.

Đọc xong cuốn sách và đối chiếu với triết lí Phật, các bạn có lẽ cũng như tôi sẽ thấy sự thành công nó chỉ là một sản phẩm của Duyên Khởi (cái này lệ thuộc cái kia như đề cập trong network mà tác giả nhắc đến), nó không có thật (Tánh Không), hay nếu có thì mang tính Vô Thường.

Thiên kiến tiêu cực (negativity bias)

Đa số chúng ta đều có một thói quen hơi … xấu: nhìn vào và nhớ nhiều đến những điều tiêu cực hơn là những điều tích cực. Giới tâm lí học có một cái tên cho thói quen này: ‘negativity bias‘ [1] hay ‘thiên kiến tiêu cực‘. Nhưng đằng sau thiên kiến tiêu cực là cả một bầu trời để chúng ta học hỏi và có thể giải thích nhiều hiện tượng xã hội.


Tôi còn nhớ một trong vở kịch do Quang Minh và Hồng Đào thủ diễn rất có ý nghĩa. Trong vở kịch đó, Quang Minh trong vai một nhà tâm lí học trưng bày một tờ giấy trắng có một đóm đen nhỏ, và hỏi Hồng Đào rằng ‘Chị có thấy gì không?’ Hồng Đào trả lời thấy một đốm đen. Hỏi lần nữa, Hồng Đào vẫn khẳng định: chỉ thấy cái đốm đen. Quang Minh mới chỉ ra rằng tờ giấy toàn màu trắng, nhưng chỉ vì có 1 đốm đen làm cho người xem bị lạc hướng.

No photo description available.
“Thí nghiệm” của Quang Minh & Hồng Đào: hỏi khán giả thấy gì trong hình. Tuyệt đại đa số chỉ thấy một đốm đen, nhưng không thấy màu trắng chung quanh.


Bài học ‘morale’ là chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái tiêu cực hay cái xấu rất nhỏ, nhưng không nhìn thấy những điểm tích cực chiếm đa số. Vở hài kịch đó là một thí nghiệm có ý nghĩa về thiên kiến tiêu cực.
Chúng ta không chỉ có xu hướng thấy cái tiêu cực, mà còn tin vào điều tiêu cực. Trong bộ phim Pretty Woman (chắc dịch là ‘Tố Nữ’, tôi rất thích) do Julia Roberts thủ diễn trong vai một cô gái có thể xem là giang hồ tên Vivian, có đoạn cô ấy nói với Richard Gere trong vai một anh chàng triệu phú rằng: “The bad stuff is easier to believe. You ever notice that?” (Anh có bao giờ để ý thấy người ta dễ tin vào cái xấu không?)

Nếu nhìn chung quanh và lắng nghe, chúng ta dễ dàng đồng cảm với Vivian. Những kẻ bất lương hay lợi dụng cái tâm lí này để gieo mối hoài nghi về những người họ không thích chỉ bằng một câu nói vu vơ và hoàn toàn vô chứng cớ kiểu như ‘Cô ấy có vấn đề’. Chỉ với câu nói đó làm cho người chung quanh — nếu không tỉnh táo — xa lánh bạn bè mình và thậm chí ân nhân mình.


Thiên kiến tiêu cực


Theo định nghĩa của giới tâm lí học, thiên kiến tiêu cực là xu hướng thèm khát để được nghe và nhớ những thông tin xấu. Những đặc tính chánh của thiên kiến tiêu cực là:

• nhớ những trải nghiệm đau thương hơn là nhớ những thành công;
• kí ức tiêu cực được đề cập đến nhiều hơn là kí ức tích cực;
• nghĩ về những lời nói xấu hơn là những lời khen tặng; và
• phản ứng mạnh mẽ đến những biến cố tiêu cực hơn là biến cố tích cực.


Định nghĩa đơn giản trên thật ra là được đúc kết từ một quá trình nghiên cứu khoa học suốt hơn 50 năm. Những nghiên cứu này cho thấy chúng ta phản ứng đến những chữ tiêu cực nhanh hơn là những chữ hàm ý tích cực. Kết quả của một thí nghiệm tâm lí cho thấy những chữ như “ung thư”, “bom”, “chiến tranh” được người tham gia nghiên cứu (tình nguyện viên) nhớ nhiều hơn và nhanh hơn là những chữ như “trẻ con”, “cười”, “vui vẻ”, mặc dù những chữ tích cực này xuất hiện nhiều lần hơn những chữ tiêu cực.


Trong một thí nghiệm nổi tiếng do Gs Daniel Kahneman thực hiện [2], ông hỏi tình nguyện viên tưởng tượng 2 tình huống: mất 50 USD và có thêm 50 USD. Sau đó, ông đo lường phản ứng cảm xúc của tình nguyện viên. Kết quả cho thấy tình nguyện viên tỏ ra có cảm xúc mạnh mẽ khi mất tiền, nhưng khi có thêm tiền thì họ không có cảm xúc đáng chú ý! Tức là, tuy số tiền mất và có thêm như nhau, nhưng phản ứng sinh học thì thì thiên về mất mát hơn là cái đạt được.


Thiên kiến tiêu cực và phản ứng còn tuỳ thuộc vào giới tính, quan điểm chánh trị và cá tánh. Nhìn chung, nữ giới có vẻ có phản ứng tiêu cực nhiều hơn nam giới. Trước một thông tin xấu, phản ứng của nam thường biểu lộ ra ngoài, nhưng nữ giới thì thường hay bị dằn dặt nội tâm (như buồn bã, trầm cảm). Người thuộc phe bảo thủ có thiên kiến tiêu cực nhiều hơn phe cấp tiến. Người có thói ghen tị và ganh tị thì có nhiều thiên kiến tiêu cực hơn người cởi mở, có lẽ vì họ (người ghen tị) nhìn đâu cũng thấy mình thiếu thốn hơn người khác, nên họ hay soi mói và khai thác những điểm tiêu cực của người khác.

Common Investor Mistake #5 - Negativity Bias
Illustration from common investor

Tại sao chúng ta có thiên kiến tiêu cực?

Câu trả lời nằm ở 3 yếu tố: tâm lí, quá trình tiến hoá, và sinh học.

Theo các nhà tâm lí học giải thích, sở dĩ chúng ta chú ý đến tin xấu là vì nhìn chung chúng ta thấy thế giới này tốt hơn là những gì người khác mô tả. Đa số chúng ta có cuộc sống thoải mái, tốt hơn trung bình, và do đó khi đọc một bản tin tiêu cực thì chúng ta cảm thấy ngạc nhiên và thông tin đó trở nên nổi bật. Nó giống như tờ giấy trắng thể hiện mọi chuyện đều ổn định, nhưng chỉ một cái đốm đen cũng làm cho người ta quên đi màu trắng mà chỉ chú ý vào màu đen nổi bật.


Chúng ta ai chắc cũng chú ý thấy trên truyền thông phương Tây đa số là những tin tiêu cực, tin xấu. Tin về ‘cướp giết hiếp’ được các tờ báo lá cải khai thác tối đa đã đành, tin về xung đột và chiến tranh được các trạm truyền thông lớn rất ưa chuộng. Đối với cá nhân, tin tích cực càng ít (có nhưng hiếm), bởi vì hình như tin tích cực không được quan tâm? Xu hướng này rất đúng với trường hợp ông Trump. Trong suốt 4 năm làm tổng thống, và cả trước đó, các trạm truyền thông lớn và được xem là ‘chánh thống’ hầu như không có một tin gì tích cực về ông ấy. Tin tiêu cực về ông ấy không phải diễn ra hàng ngày, mà phải nói là hàng giờ. Những gì chúng ta đọc trên báo chí rất đúng với châm ngôn “No news is good news” (không có tin nào là tin tốt), hàm ý nói rằng đã là news thì phải có ý nghĩa tiêu cực, còn nếu không có news thì chúng ta có thể giả định rằng mọi việc xảy ra đều … ok.


Một số nhà tâm lí học giải thích rằng do quá trình tiến hoá, chúng ta mang trong người những gen thiên về chú ý đến những khía cạnh tiêu cực trong môi trường có thể gây tác hại đến chúng ta. Vào thời mà tổ tiên chúng ta sống bằng săn bắt và sống trong hang động, xu hướng chú ý đến những tín hiệu hiểm nguy rất quan trọng để duy trì sự sống còn. Đó là một trong những lí do sâu xa tại sao chúng ta hay quan tâm đến những gì tiêu cực hơn là tích cực. Do đó, một số người hay nhạo báng rằng ai có thiên kiến tiêu cực là sống trong thời … tiền sử!


Về mặt sinh học, cảm xúc tiêu cực kích hoạt một vùng não có tên là amygdala, hình trái hạnh. Amygdala [3] có chức năng như là cái đồng hồ báo động trong não bộ chúng ta. Theo giới thần kinh học, amygdala dùng 2/3 các sợi dây thần kinh để tìm những tín hiệu tiêu cực. Một khi tín hiệu tiêu cực được tiếp nhận, nó nhanh chóng được lưu trữ trong kí ức một thời gian dài hơn là những tín hiệu tích cực. Điều này cũng là một phần của sự tiến hoá con người là đi tìm những gì tiêu cực hơn là tích cực.


Phải làm gì để chống thiên kiến tiêu cực?


Một số thí nghiệm tâm lí chỉ ra rằng khi người lương thiện dù chỉ phạm phải một sai lầm nhỏ nhưng họ bị nghi ngờ là kẻ xấu đối với người có thiên kiến tiêu cực. Tuy nhiên, người gian manh thì dù nói điều đúng vẫn được xem là gian manh. Trường hợp ông Trump rất ứng nghiệm với cách đánh giá theo thiên kiến tiêu cực.
Thiên kiến tiêu cực là một thói quen nguy hiểm. Nó nguy hiểm là vì thiên kiến này làm cho chúng mất cân đối trong nhận xét, làm cho sự đánh giá của chúng ta bị lu mờ và thiếu khách quan.


Do đó, câu hỏi quan trọng là làm gì để loại bỏ thiên kiến tiêu cực từ trong não bộ chúng ta? Nhiều chuyên gia cho rằng thiền là một cách hay nhứt để ‘điều trị’ bệnh thiên kiến tiêu cực, vì thiền giúp cho chúng ta tẩy rửa não bộ. Đây không phải chỉ là ý kiến cá nhân, mà thật ra là có nghiên cứu lâm sàng RCT [4] chỉ ra rằng chỉ cần 15 phút thiền mỗi ngày là chúng ta có thể giảm những ám ảnh bởi thông tin tiêu cực.


Một cách khác nữa là thay vì tối ngày đọc những tin tức tiêu cực thì bạn nên tìm đọc một quyển sách hay hay nghe một bản nhạc đẹp. Đọc một cuốn sách hay có hiệu quả rất tuyệt vời, vì nó làm cho chúng ta sống vào cái thế giới của cuốn sách và nghiền ngẫm cuộc đời một cách sáng suốt, và qua đó mà bỏ qua một bên những suy nghĩ và những kí ức tiêu cực.


Ngoài thiền và đọc sách & nghe nhạc, cách tránh hay giảm thiên kiến tiêu cực hay nhứt là dùng ngôn ngữ và cách nói tích cực hơn là tiêu cực. Trong bình duyệt bài báo khoa học, tôi hay cố gắng viết theo hướng tích cực và lúc nào cũng có hiệu quả tốt. Thay vì viết “nghiên cứu này thất bại …”, tôi viết “nghiên cứu này có thể cải tiến nếu chú ý vào …”. Thay vì nói người ta là “Mi đã thua cuộc lần này” thì nên nói “Mi có khả năng làm tốt hơn lần sau”. Những cách nói đó, nếu mỗi chúng ta cố gắng thực hành mỗi ngày, rất có ích cho việc giảm ‘bệnh’ thiên kiến tiêu cực trong xã hội. Câu nói của Trịnh Công Sơn, ‘sống tử tế với nhau’, có thể xem là một liều thuốc tốt để trị thiên kiến tiêu cực vậy.


Bất cứ sự việc nào hay hành động nào cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực, nhưng nếu chúng ta tập theo cách nhìn tích cực và xoá bỏ thiên kiến tiêu cực thì cuộc đời này chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Negativity_bias
[2] https://journals.sagepub.com/…/10.1177/0956797610381504
[3] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25390201
[4] https://journals.sagepub.com/…/10.1177/1948550610396585

Qui luật Goodhart và bệnh thành tích giáo dục

Ở Việt Nam có hiện tượng mà giới báo chí gọi là ‘bệnh thành tích’ trong giáo dục. Tôi nghĩ rằng ‘bệnh’ này có thể giải thích bằng một qui luật mà có lẽ ít người biết đến: Qui luật Goodhart [1]. Qui luật này phát biểu rằng sự lẫn lộn giữa thước đo (chỉ tiêu) và mục tiêu là một sai lầm nghiêm trọng.

Image may contain: text that says 'GOODHART'S LAW WHEN 4 MEASURE BECOMES 4 TARGET, iT CEASES To BE 4 GOOD MEASURE IF YOU MEASURE PEOPLE ON... NUMBEROF NAILS MADE THEN YOU MIGHT GET WEIGHT OF NAILS MADE [000'5 OF TINY NAILS a FEW GIANT, HEANY NAILS sketchplanations'

Các quan chức thực dân Pháp ở Hà Nội có lẽ là những người có trải nghiệm đau thương về Qui luật Goodhart. Chuyện kể rằng vào đầu thế kỉ 20, các quan chức thuộc địa người Pháp muốn xây dựng Hà Nội thành một loại “tiểu Paris” hay “Ba Lê Nhỏ”, nên họ rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, cụ thể là tình trạng chuột gây dịch bệnh trong thành phố. Họ nghĩ ra một cách để diệt chuột là kêu gọi người bản xứ đi săn và diệt chuột, và cứ mỗi con chuột bị diệt thì thợ săn sẽ được thuởng tiền [2].

Vậy là nhiều người trở thành thợ săn chuột, và chiến tích nhiều đến nổi các quan chức phải thay đổi qui định: thay vì lấy chuột chết làm bằng chứng, họ chỉ cần lấy đuôi chuột làm bằng chứng. Câu chuyện bắt đầu thú vị từ đây, khi các thợ săn nghĩ ra cách lợi dụng qui định. Họ bắt chuột, nhưng không tiêu diệt chúng mà chỉ chặt lấy cái đuôi và trình chứng cớ để được thưởng. Có người còn nghĩ ra cách làm tiền nhiều hơn là nuôi chuột và chặt đuôi để kiếm lời!

Không lâu sau đó, các quan chức thuộc địa quan sát thấy dân số chuột bây giờ có vẻ nhiều hơn trước đây trong các ống cống, và rất nhiều chuột không có đuôi. Các quan chức biết rằng chiến dịch diệt chuột của họ đã thất bại, vì sự gian manh của người địa phương. Họ tuyên bố kết thúc chiến dịch để … tiết kiệm tiền.

Thật ra, những gì người địa phương làm dù có thể gọi là ‘ăn gian’, nhưng lại rất bình thường trong một hệ thống tưởng thưởng. Một khi hệ thống tưởng thưởng được đặt ra thì người ta sẽ tìm mọi cách để lợi dụng và lạm dụng hệ thống nhằm hưởng lợi. Không phải chỉ dân Hà Nội mới làm chuyện đó, mà hầu hết các cộng đồng khác cũng làm như vậy.

Ngay cả trong cộng đồng có học như giới khoa học cũng tìm cách “game” hệ thống tưởng thưởng. Trong các đại học phương Tây (và ngay cả ở Tàu và Việt Nam), giới quản lí khoa học đặt ra những chỉ số như “impact factor” (hệ số tác động) và “citation metric” (trích dẫn) để khuyến khích nghiên cứu có phẩm chất khoa học cao. Ý đồ là tốt, nhưng họ giảm các giáo sư và giảng viên từ một con người, một sự nghiệp thành … những con số!

Khi con người trở thành con số, thì con người sẽ làm mọi cách để nâng con số. Trong thực tế thì các chỉ số đó được giới khoa học lợi dụng tối đa. Họ làm đủ chiêu trò để nâng cao số lần trích dẫn, như liên minh với các đồng nghiệp, thậm chí tự mình trích dẫn bài của mình. Họ khuyến khích đồng nghiệp trích dẫn những bài trên tập san của mình để nâng hệ số tác động. Tất cả những trò này không hẳn là vi phạm đạo đức khoa học, nhưng nó được xếp vào nhóm “questionable practice” (tức cách làm đáng ngờ) mà nhà khoa học chân chánh không làm.

Qui luật Goodhart

Những gì diễn ra trong chiến lược diệt chuột ở Hà Nội hay phong trào chạy theo chỉ số trích dẫn trong khoa học rất phù hợp với một qui luật xã hội mà sau này nhà kinh tế Charles Goodhart phát kiến. Có nhiều cách để diễn giải qui luật Goodhart, nhưng người diễn giải hay nhứt có lẽ là nhà nhân chủng học Marilyn Strathern, người tóm tắt như sau [1]: .

khi một đo lường trở thành một mục tiêu (target) thì nó không còn là một đo lường nữa.” (When a measure becomes a target, it ceases to be a good measure).

Khi đuôi chuột được lấy làm thước đo để tưởng thưởng thì người ta sẽ tìm cách, kể cả những cách phi chánh thống, để tăng ‘năng suất’, và trong quá trình đó thì mục tiêu diệt chuột hay làm vệ sinh thành phố đã bị biến dạng. Tương tợ, khi chỉ số trích dẫn được lấy làm thước đo để đề bạt các chức vụ khoa bảng (như giáo sư, giảng viên) thì người ta (ứng viên) sẽ tìm mọi cách để tăng chỉ số đó cho cá nhân họ, và cái mục tiêu ban đầu (nâng cao chất lượng khoa học) đã bị làm cho lệch lạc.

Qui luật Goodhart còn ứng nghiệm trong nhiều tình huống xã hội khác. Một khi người ta đặt ra những tiêu chuẩn định lượng với những cái ngưỡng con số cụ thể thì chắc chắn sẽ có người tìm cách đạt được tiêu chuẩn đó, và dẫn đến nhiều hệ quả khó lường. Chẳng hạn như chủ trương trả tiền cho youtuber dẫn đến những hành động ‘câu view’ rất ư là cực đoan và kì cục. Chẳng hạn như minh hoạ trong hình trên, khi người ta đánh giá con người bằng con số đinh sản xuất, thì sẽ có công nhân sản xuất ra những cái đinh nhỏ để đạt tiêu chuẩn (nhưng không đạt mục tiêu). Cái sai lầm của việc đặt ra chỉ tiêu bằng con số cụ thể là ở chỗ đó: con số thì đạt, nhưng mục tiêu thì không.

Nhiều chẩn đoán y khoa ngày nay dựa vào đo lường các hormone hoặc protein, hay các chỉ số sinh lí hoá. Chẳng hạn như trong chuyên ngành loãng xương, mật độ xương (BMD) thoạt đầu được dùng để đánh giá sức mạnh của xương, và người có BMD càng cao có nghĩa là xương càng mạnh. BMD là một đại lượng liên tục. Nhưng theo thời gian người ta lấy cái ngưỡng -2.5 để chẩn đoán loãng xương. Tức là, một bệnh lí, một thực thể sinh học phức tạp bị giảm xuống còn một ngưỡng con số! Cái ngưỡng đó trở thành mục tiêu điều trị. Bác sĩ tập trung vào điều trị sao cho BMD trên cái ngưỡng đó. Nói cách khác, thay vì điều trị bệnh, bác sĩ điều trị … con số. Hàm ý là khi một đo lường được lấy làm mục tiêu thì nó cái đo lường đó đã mấy ý nghĩa thực của nó.

Ai cũng biết tình trạng ‘Bệnh thành tích’ trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Định nghĩa ‘bệnh’ này một cách chi tiết cần đến các chuyên gia, nhưng một chỉ số được báo chí nhắc đến thường xuyên là tỉ lệ thi đậu (tốt nghiệp) trung học phổ thông. Một cách chánh thức hay bán chánh thức, các quan chức quản lí giáo dục đánh giá trường học và thầy cô quả tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Trường nào có tỉ lệ cao thì được khen và thầy cô được tưởng thưởng.

Bởi vì thầy cô và hiệu trưởng muốn trường mình được ghi nhận, được vinh danh, nên họ theo đuổi tất cả những biện pháp có thể nhằm nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp. Những biện pháp này có thể là phi chánh thống hay đáng ngờ, thậm chí gian dối. Hậu quả là năm nào chúng ta cũng thấy tỉ lệ này cao chót vót (như 96 đến 99, thậm chí 100%). (Xin mở ngoặc để nói thêm rằng thời của tôi (đầu thập niên 1970) thì tỉ lệ này chỉ chừng 15% thôi). Do đó, những gì xảy ra trong nền giáo dục hiện nay có thể xem là nằm trong qui luật Goodhart.

Trong việc đề bạt các chức vụ khoa bảng ở Việt Nam, người ta đề ra những con số cụ thể như phải có bao nhiêu bài báo, cùng những công thức hoán chuyển về số điểm. Chánh sách như thế rất dễ bị lạm dụng, và trong thực tế chúng ta đã thấy điều đó xảy ra hết năm này sang năm khác. Nhưng đó chỉ là một phản ứng bình thường đúng với Qui luật Goodhart mà thôi.

Người ta có thể đổ lỗi cho các ứng viên lạm dụng hệ thống, nhưng tôi nghĩ cái gốc là sự sai lầm của những người quản lí khoa học. Họ sai vì đã biến những thước đo định lượng thành những mục tiêu. Đó là một sai lầm do không quan sát Qui luật Goodhart.

Quan sát và hiểu được Qui luật Goodhart là bước đầu để tránh những diễn biến tiêu cực. Thay vì đề ra những tiêu chuẩn định lượng (như tỉ lệ tốt nghiệp, hay số bài báo), các nhà quản lí cần phải có (a) những đáng giá định tính; (b) có ‘nhóm chứng’, và (c) dựa vào đánh giá của các chuyên gia độc lập. Con số chỉ là tín hiệu, chớ nó không phản ảnh sự thật. Lệ thuộc vào con số, vào những ‘chỉ tiêu’ và nhầm lẫn những chỉ số là mục tiêu là một sai lầm nghiêm trọng vậy.

____

[1] Qui luật Goodhart do một nhà kinh tế người Anh tên là Charles Goodhart phát kiến trong một bài báo năm 1975. Goodhart quan sát rằng bất cứ một qui tắc thống kê nào đều có xu hướng bị sụp đổ khi bị áp lực dùng cho mục tiêu kiểm soát.

https://en.wikipedia.org/wiki/Goodhart%27s_law

[2] Chi tiết về chiến lược tàn sát chuột có thể xem qua bài này:

https://www.atlasobscura.com/articles/hanoi-rat-massacre-1902

Tin vào những gì mình muốn tin (confirmation bias)

 Kết quả bầu cử bên Mĩ đã rõ ràng: đương kim TT Donald Trump thất cử, và người thắng cử là Joe Biden. Ấy vậy mà cho đến nay vẫn có nhiều người nhứt định không tin rằng ông Trump đã thất cử! Niềm tin này làm tôi nhớ đến tâm lí ‘chỉ tin vào những gì mình muốn tin‘ và chỉ nghe những gì mình muốn nghe — một khuyết tật tâm lí nổi tiếng trong mỗi chúng ta.

The vaunted human capacity for reason may have more to do with winning arguments than with thinking straight.
Hình của New Yorker

Tôi có một đồng nghiệp rất nổi tiếng vì anh ấy xiển dương một giả thuyết về mỡ và xương. Anh ấy có xu hướng chỉ tin những kết quả nghiên cứu phù hợp với giả thuyết của mình, và bác bỏ hầu như tất cả những kết quả không nhứt quán với giả thuyết. Những người trong labo nghiên cứu của anh ấy cũng chỉ tin vào giả thuyết đó, và họ làm nhiều nghiên cứu chỉ nhằm để ‘chứng minh’ rằng họ đúng. Ngay cả kết quả nghiên cứu của chính họ không nhứt quán với giả thuyết, họ tìm cách làm nhẹ bớt sức mạnh của dữ liệu. Chẳng những thế, khi được mời viết ‘review’ (tổng quan), mặc dầu anh ấy điểm qua chứng cớ đàng hoàng, nhưng chỉ tập trung vào những chứng cớ phù hợp với giả thuyết, và xem nhẹ chứng cớ không phù hợp với giả thuyết của anh ấy. Đó là một thiên kiến có tên là ‘confirmation bias‘ hay ‘thiên kiến chứng thực’.

Anh bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt. Hầu như ai trong giới khoa học, kể cả tôi, đều theo đuổi một giả thuyết hay một lí thuyết. Có khi chúng ta bỏ ra cả đời để theo đuổi nó, và chúng ta hình thành cái ‘confirmation bias’. Và, vì thế chúng ta cảm thấy đau đớn khi lí thuyết đó sai.

Thiên kiến chứng thực

Thiên kiến chứng thực là một xu hướng tâm lí của con người sàng lọc thông tin và dữ liệu phù hợp với định kiến đã có sẵn. Anh bạn tôi ngã bệnh và có nhập viện. Thế nhưng cái tin nhập viện đó là yếu tố làm cho nhiều người [không biết anh] đồn đại rằng anh ấy bị ung thư ở giai đoạn cuối. Nhưng trong thực tế thì anh bạn tôi chỉ nhập viện để kiểm tra một rối loạn khó giải thích, anh ấy vẫn bình thường. Tôi giải thích cách nào người ta cũng không tin, mà còn lấy những thông tin gián tiếp để chứng minh cho luận điểm của họ.

Tất cả chúng ta, không ít thì nhiều, đều là nạn nhân của thiên kiến chứng thực. Có lẽ một phần là do não bộ của chúng ta được thiết kế để duy trì những định kiến, tức là kiên trì tin vào những niềm tin mình đã có sẵn. Một khi niềm tin đã được thiết lập trong trí não, chúng ta thường không chịu xem xét thêm chứng cớ. Ngay cả chứng cớ đi ngược lại với niềm tin, chúng ta vẫn không tin vào chứng cớ đó. Có thể nói rằng nhiều qui định và chánh sách về dịch hiện nay cũng chẳng có cơ sở khoa học vững chắc, mà chỉ là định kiến có sẵn của những nhóm người.

Năm 2016, Gallup có làm một cuộc thăm dò ý kiến, mà kết quả trở thành bài học kinh điển cho thiên kiến chứng thực. Trong cuộc thăm dò ý kiến này, Gallup hỏi người tham gia rằng tình hình kinh tế có khá hơn trước (1-7 tháng 11) hay sau ngày (9-13 tháng 11) bầu cử tổng thống. Tỉ lệ trả lời ‘nền kinh tế tốt hơn’ ở nhóm người thuộc đảng Cộng Hoà tăng từ 16% lên 49%, còn ở nhóm người theo đảng Dân Chủ thì giảm từ 61% xuống còn 46%. Dĩ nhiên, nền kinh tế không thay đổi gì đáng kể trong 1 tuần sau bầu cử. Thế nhưng hai nhóm người lại có hai cái nhìn rất khác nhau về tình hình kinh tế! Kết quả này nói lên cái định kiến mà người ta đã có sẵn, chớ không dựa vào dữ liệu thực tế.

Sự khác biệt về cách nhìn giữa hai nhóm cử tri Cộng Hoà và Dân Chủ trên đây hoàn toàn có lí do và có thể dự báo bằng văn hoá bộ lạc. Chúng ta là những sinh vật xã hội, và chúng ta thường tụ tập thành những nhóm mà tôi hay gọi đùa là ‘bộ lạc’. Trong khoa học, những hiệp hội chuyên ngành chính là những bộ lạc. Mỗi bộ lạc có những qui định và qui ước riêng. Khi chúng ta quyết định trở thành thành viên của một bộ lạc, suy nghĩ của chúng ta theo thời gian sẽ giống với những thành viên khác trong bộ lạc. Chúng ta cũng muốn nhìn bộ lạc mình bằng cái nhìn tích cực hơn là tiêu cực: chúng ta muốn bộ lạc mình thắng, chẳng ai muốn thua. Do đó, không ngạc nhiên, khi cả hai nhóm cử tri — Cộng Hoà và Dân Chủ — phản ứng rất khác nhau khi ông Trump đắc cử vào năm 2016. Và, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy phe Cộng Hoà vẫn chưa chịu công nhận rằng ‘bộ lạc’ của họ đã thất cử.

Hậu quả của quá trình tiến hoá?

Ngược lại, có những người chộp được một tấm hình nào đó hợp với cách diễn giải của mình bèn đem ra quảng bá. Thật ra, câu chuyện đằng sau tấm hình phức tạp hơn nhiều, nhưng bởi vì cái thiên kiến chứng thực nên người ta dùng tấm hình để bêu rếu nhân vật mà họ ghét. Ngạc nhiên thay, thiên kiến này hay xảy ra ở những người hay kêu gọi đạo cao đức trọng.

Tại sao chúng ta có thiên kiến chứng thực? Theo giới tâm lí học và thần kinh học thì não bộ của chúng ta qua quá trình tiến hoá lại có xu hướng bị thuyết phục bởi thông tin giật gân, và tin vào những gì chúng ta muốn tin. Nhiều nghiên cứu khoa học tâm lí chỉ ra rằng con người chúng ta có 2 hệ thống suy nghĩ nhanh và chậm, với hệ suy nghĩ nhanh dựa trên những thông tin phi lí và thiếu chính xác. Chẳng hạn như thấy con cọp thì chúng ta tránh nó cho … chắc ăn. Hệ suy nghĩ nhanh giúp chúng ta sống sót theo thời gian, nhưng thường dẫn đến sai lầm. Thấy người có khuôn mặt Thuý Kiều hay Thuý Vân, chúng ta có cảm tình, nhưng coi chừng sai lầm vì có thể họ đã qua phẫu thuật.

Chúng ta tiến hoá và xuất phát từ xã hội không có nhiều thông tin. Thời săn bắt hay hái lượm thì làm gì có nhiều thông tin. Ngay cả trước thế kỉ 20 hay đầu thế kỉ 20, chúng ta cũng đâu có nhiều thông tin. Não bộ của chúng ta được tiến hoá để xử lí xử lí thông tin trong điều kiện thiếu thông tin.

Và, đó chính là vấn đề của ngày nay. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều thông tin. Nhưng não bộ chúng ta được ‘thiết kế’ thời xưa chỉ để xử lí ít thông tin. Một sự bất xứng.

Tình hình khó khăn hơn khi thế giới này không tử tế với chúng ta: thay vì chúng ta có những thông tin giúp mình biết tốt hơn, thì sự thật lại là một đống thông tin bừa bộn, hỗn loạn, ngẫu nhiên, không mang tính đai diện, thông tin thứ phát, v.v. Có thể nói rằng thay vì chúng ta có một rừng information, thì nay chúng ta có một biển misinformation (tin giả) và thậm chí disinformation (giả tin). Não bộ chúng ta không có khả năng đối phó với một rừng thông tin như thế một cách nhanh chóng, và do đó hệ suy nghĩ nhanh có vấn đề.

Chúng ta cố gắng tìm qui luật và trật tự từ dữ liệu ngẫu nhiên hay dữ liệu không đầy đủ. Nhìn đám mây trên bầu trời, có người tưởng tượng ra hình Chúa Jesus. Nhìn bức hình của một kẻ du côn ngồi vào ghế chủ tịch Hạ viện, dù chưa biết danh tánh là ai, nhưng người ta nghĩ ngay đến một kẻ cuồng Trump đang làm bậy. Nhìn cái hình DNA bình thường, người ta lập tức thấy có ‘đột biến’ gen trong virus Vũ Hán! Nhưng những qui luật đó và những suy luận đó hoàn toàn vô nghĩa vì dữ liệu chỉ là ngẫu nhiên và không đầy đủ, hay đầy đủ thì lại không mang tính đại diện.

Làm tôi nhớ đến dạo tôi mắc bệnh, nên vắng mặt trong một số hội nghị quan trọng trong chuyên ngành. Thế là trong giới đồng nghiệp có người đồn rằng tôi sắp chết, thậm chí sau này tôi còn nghe chuyện hài hước rằng có bạn chuẩn bị viết … điếu văn! Có người giải thích rằng vì thấy tôi trong hội nghị năm ngoái rất tiều tuỵ, tôi đi nhiều nơi trên thế giới, ăn uống thiếu kiểm soát, làm việc như điên, thì bệnh nặng là ‘phải rồi’. Họ có dữ liệu, nhưng dữ liệu đó không đại diện trong năm công tác của tôi. Thật ra, các bạn trong bộ lạc đó rất tốt và thương mến tôi, nhưng cách suy luận của họ thì không đúng do thông tin nhiễu và dỏm.

Có nhiều khi thông tin ‘coi vậy mà không phải vậy’. Có lần trong một seminar do tôi chair, và tôi nói đùa với một nghiên cứu sinh [từ Tàu] rằng ‘trong seminar này chúng tôi sẽ tra tấn anh, vì chúng tôi không muốn anh đi nói chuyện trong một hội nghị quốc tế mà không đạt. Nếu không đạt tôi sẽ giết anh.’ Đó là câu nói đùa và có nghĩa bóng. Thế nhưng anh chàng nghiên cứu sinh, có thể vì không am hiểu tiếng Anh, bèn phàn nàn với cấp trên rằng tôi muốn giết anh ấy! Câu chuyện hài hước, nhưng nó nói lên rằng nhiều khi người ta nói vậy mà không phải vậy.

Khiêm nhường

Làm gì để không rơi vào cái bẫy thông tin nhiễu và dỏm? Tôi nghĩ nhiều về câu hỏi này, và tôi đi đến câu trả lời là khiêm nhường. Chúng ta phải khiêm nhường để cởi mở và chấp nhận rằng mình dốt, mình không thể nào biết tất cả, và mình sẵn sàng học hỏi. Chúng ta phải cảnh giác với những dữ liệu hay thông tin, cho dù nó là thật thì cũng không đại diện cho quá trình của một cá nhân hay một sự việc. Một câu nói ngẫu hứng của người mình không ưa không thể nào đại diện cho quan điểm của người đó. Ấy vậy mà trong thực tế, chúng ta hay vin vào những câu nói và hình ảnh ngẫu nhiên đó để kết luận về một con người! 

Nếu nghĩ rằng chúng ta biết tất cả, chúng ta sẽ không học được điều gì cả. Nếu tự cho rằng chúng ta hiểu vấn đề (còn kẻ khác là ngu dốt, là sai) thì cũng chẳng tiếp thu gì thêm. Do đó, cách tiếp cận tốt nhứt với thông tin là hỏi các câu hỏi:

* thông tin từ đâu;

* ai nói; và

* chứng cớ có đáng tin cậy.

Nguồn gốc thông tin rất quan trọng. Ngày nay có quá nhiều trạm thông tin trên mạng xã hội mà nếu chỉ nhìn thoáng qua thì rất giống như các trạm thông tin chánh thống, nhưng thật ra chỉ là một cá nhân. Chỉ cần dạo qua một vòng youtube chúng ta sẽ thấy hàng trăm ‘youtuber’ tung ra những thông tin rất giật gân (và do đó rất đáng ngờ). Có người cho đến nay vẫn cho rằng ông Trump đang tìm cách ‘lật ngược thế cờ’ trong khi ông ấy đã công nhận mình thất cử và chuyển giao quyền lực. Có thể nói cái thiên kiến chứng thực quá nặng nề trong một số chúng ta.

Ngay cả thông tin từ báo chí ‘chánh thống’ như New York Times, Washington Post, CNN cũng có khi là giả hay theo thiên kiến chứng thực. Lí do là những kí giả và bỉnh bút viết bài cũng có những định kiến riêng và họ tìm mọi cách để thuyết phục chúng ta về định kiến của họ. Có những nước mà nhà cầm quyền dùng báo chí để nhồi sọ công chúng về một chủ thuyết, và gieo vào não bộ họ rằng ‘chiến tranh là hoà bình, tự do là nô lệ, và sự dốt là sức mạnh’. Do đó, cần phải xem xét ý kiến của họ với dữ liệu thật một cách sáng suốt. ‘Sáng suốt’ ở đây có nghĩa là so sánh với kiến thức hiện hành và đặt thông tin trong bối cảnh chung xem có hợp lí hay không.

Báo New York Times từng bị phê bình là thiên vị (cánh tả). Thế là New York Times uỷ nhiệm cho một nhóm độc lập điều tra và đánh giá lại, cùng lúc họ tổ chức các lớp học về “critical thinking” và xử lí thông tin cho kí giả. Tôi nghĩ đó là một việc làm đáng khen. Còn họ có thay đổi hay không thì chúng ta chưa biết.

Trong y khoa có trường phải “Y học thực chứng” (evidence based medicine), tức là thực hành dựa vào chứng cớ khoa học. Vậy thì tại sao chúng ta không có evidence-based thinking (EBT hay suy nghĩ dựa vào chứng cớ). Do đó, tôi nghĩ có lẽ xã hội và trường học nên làm theo New York Times và khuyến khích EBT.

Thói ghen tị

Xin giới thiệu các bạn một cái note về ‘ghen tị’ trên vnexpress. Biên tập viên cho biết bài này đã được hơn 100,000 người đọc vào ngày hôm qua (5/1/2021), và được xếp vào nhóm “Đọc nhiều”. Biên tập viên còn cho biết các báo online nổi tiếng như Zing, Tuổi Trẻ, hay Dân Trí cũng khó có con số đó. Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng một bài báo khoa học của tôi mà được 1000 người đọc và trích dẫn trong 1 năm là thuộc loại “highly cited” rồi. Nhưng một bài trên VNexpress lại có hơn 10 lần con số đó trong một ngày thì quả là có “impact factor” cao hơn bài báo khoa học. Mời các bạn theo dõi. Địa chỉ là https://vnexpress.net/thoi-ghen-ti-4215634.html.

______

Lần tôi hân hoan báo tin một đồng nghiệp tương đối trẻ được phong hàm giáo sư, cô bạn sa sầm nét mặt: “thành tích như tay đó mà cũng thành giáo sư à?”

Tôi ngạc nhiên vô cùng vì nghĩ cô ấy sẽ chia sẻ niềm vui với tôi và anh kia. Hoá ra, trong đợt đề bạt vừa qua, cô đã không được đề bạt giáo sư.

Những thành bại trong sự nghiệp và thanh danh như thế rất dễ dẫn đến một thái độ độc hại như ghen tị. Trong giới nghiên cứu, tình trạng này khá phổ biến, nhưng nó thường diễn ra ngấm ngầm.

Giới học thuật có văn hoá “publish or perish” (tạm dịch “xuất bản hay là chết”). Bạn phải có công bố khoa học trên những tập san uy tín thì mới được biết đến và tồn tại. Để có tên trên các tập san, mức độ cạnh tranh rất ác liệt, vì tỷ lệ bị từ chối có khi lên đến 90%. Ghen tị trong khoa học thường thể hiện qua bình duyệt các công trình đó. Bởi không dám nói xấu công khai nên một số người lợi dụng sự nặc danh trong cơ chế bình duyệt để hạ thấp và trút giận lên đồng nghiệp. Họ nghĩ rằng với sự nặc danh, người bị chỉ trích không biết họ là ai. Nhưng, trong vai trò biên tập viên, tôi biết họ và tác giả là ai.

Tôi đã đọc được những lời bình luận về đồng nghiệp rất ư nặng nề và xúc phạm. Ví dụ: “Những kết quả này yếu ớt như cọng mì ướt”, hay “Anh viết cho học trò đọc hay cho đồng nghiệp tham khảo?”…

Đề bạt các chức vụ, danh hiệu chuyên môn cũng là yếu tố dẫn đến ghen tị. Người ghen tị đối đầu với một “đối thủ” cùng nghề nhưng có tố chất, tri thức, khả năng chuyên môn tốt hơn mình. Và thường kẻ ghen tị chỉ nhắm đến đối tượng cùng giai tầng với mình. Người ăn xin ghen tị với ăn xin khác “thành công” hơn chứ không ghen tị với triệu phú hay tỷ phú.

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng từng là nạn nhân của thói ghen tị, hay nhìn ra những người ghen tị chung quanh mình. Nếu may mắn, đôi khi ta còn nhận ra cảm giác ghen tị của chính mình. Nhưng ta vẫn xem đó là một khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống chứ ít ai nghĩ đến ghen tị như một vấn đề khoa học.

Có lần tôi đi nghe báo cáo nghiên cứu về ghen tị của một diễn giả thuộc Đại học Công nghệ Sydney. Báo cáo rất hay, nhiều ví dụ minh họa và có nhiều điều mở mang cho tôi.

Từ xa xưa, thói ghen tị, hay đố kỵ, được xem là một trong những cảm tính xã hội nguy hiểm nhất của con người. Lịch sử đã xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh chỉ vì thói ghen tị giữa người với người. Phật giáo coi ghen ghét là một trong 16 “vết nhơ của tâm trí”. Người đố kỵ sẽ không thể nào giác ngộ và lúc nào cũng tự làm khổ mình. Trong Công giáo, Thánh Thomas d’Aquino xem ghen tị là một trong những tội chết người của nhân loại.

Tôi không biết chữ “ghen tị” trong tiếng Việt xuất phát từ đâu, nhưng nó tương đương với từ “envy” trong tiếng Anh, bắt nguồn từ chữ Latin “invidia”, tạm hiểu là “mù quáng”. Ghen tị tạo cạnh tranh, bè phái, dẫn đến những phản ứng mang tính phòng vệ như mỉa mai, miệt thị, hợm hĩnh và ái kỷ. Những hình thức phản ứng này có mẫu số chung là dùng sự khinh miệt để tối thiểu hóa mối đe dọa từ người khác. Người có thói ghen tị hay nói về người khác với sắc thái thấp kém hơn để tự nâng cao tầm vóc của mình. Ta cũng thấy những biểu hiện này trên mạng xã hội.

Diễn giả trên là một nhà xã hội học với sở trường nghiên cứu về tiến hóa. Theo quan điểm của bà, ghen tị có nguồn gốc từ sinh học. Nó có thể giúp con người khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài nguyên. Một nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chí Science phát hiện ra vùng não được kích hoạt khi có suy nghĩ ghen tị chính là nơi kích hoạt nỗi đau thể xác. Cái đau của người ghen tị và cái đau thể xác xuất phát từ một chỗ.

Ngoài ghen tị giữa những người thường, còn một loại gọi là “ghen tị nghề nghiệp” giữa những người trong một chuyên ngành, lĩnh vực hẹp, thậm chí trong cùng nhóm, tổ chức, cơ quan. Loại ghen tị này có thể gây hại cho hiệu quả hoạt động của tập thể, làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội. Nó biến kẻ ghen tị không chỉ thành xấu xí mà còn nguy hiểm.

Ngành nghề nào có mức độ ghen tị nặng nề nhất? Triết gia người Ý Signor Ferriani được xem là một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu về tâm lý nghề nghiệp cho rằng, các ngành nghề sau đây có mức độ ghen tị từ thấp đến cao: kiến trúc sư; tu sĩ; luật sư; sĩ quan trong quân đội; giáo sư về khoa học và văn học; nhà báo; nhà văn; bác sĩ; và ghen tị ở giới diễn viên là cao nhất.

Theo nhận định của các nhà văn hóa, người Việt cũng có thói ghen tị khá lớn, và thói này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực xã hội. Tiến sĩ Trần Phương, chuyên gia xã hội học, nhận định rằng thói đố kị của người Việt là do tính tò mò và so đo. Theo ông, người Việt hay để ý nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn mình. Nếu thấy người ta mua được con xe đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe đắt tiền hơn. Ngược lại, nếu mình không được như hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn tự an ủi bằng những suy nghĩ kiểu: “chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho”, “chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch”.

Đối diện với một người thành công và tài giỏi hơn, người ta thường có hai phản ứng trái ngược nhau: ngưỡng mộ và ghen tị. Ngưỡng mộ giúp cho ta phấn đấu để trở nên giỏi hơn, biết tri ân và cống hiến tốt hơn. Nhưng ghen tị thì ngược lại. Nó làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội, làm cho kẻ ghen tị trở nên ích kỷ trong suy nghĩ và việc làm, triệt tiêu năng suất của cá nhân và xã hội, tác động xấu đến chất lượng sống và làm việc của những ai liên quan.

Ghen tị về bản chất là một đặc tính nguy hiểm của con người, nên việc hiểu nó giúp ta cải thiện thái độ sống và nhân sinh quan. Thay vì tị hiềm với người khác, sẽ tốt hơn nếu ta biết khiếm khuyết để tự sửa mình.

Vi tử và vi sống

Có lẽ hai chữ đó, vi tử vi sống làm các bạn ngạc nhiên trong năm mới, nhưng đó là một sự cố ý. Nhân dịp đầu năm, tôi xin chia sẻ cùng các bạn một cách nhìn về rủi ro trong cuộc sống qua hai chỉ số tôi tạm dịch là vi tử (micromort) và vi sống (microlife).

Chúng ta sống trong một thế giới đầy hiểm nguy. Hiểm nguy từ những hành vi và hành động hàng ngày. Chúng ta ăn thịt động vật, chúng ta hút thuốc lá và uống bia, rượu chát, tất cả những hành vi đó đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta ra ngoài nhà trên cái xe gắn máy hay xe đạp, thậm chí chúng ta đi bộ tập thể dục cũng có nguy cơ tử vong. Ô nhiễm không khí cũng giết chúng ta một cách dần dần, nhưng vô hình. Không nói ra thì ai cũng biết các bệnh phổ biến như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, tim mạch, v.v. đều tăng nguy cơ tử vong — không ít thì nhiều. Có thể nói không ngoa rằng mỗi hành vi và hành động chúng ta làm đều đe doạ đến cái chết của chính chúng ta.

Vấn đề là làm sao định lượng các nguy cơ để đi đến một quyết định tối ưu cho từng ngày. Giữa ăn chay và ăn thịt động vật, tôi chọn thói quen nào cho an toàn? Báo chí viết về những tai nạn kinh hoàng mà tất cả hành khách máy bay đều tử vong không tìm thấy dấu vết, vậy tôi có nên đi máy bay? Mùa dịch Vũ Hán ai cũng sợ vì nghĩ rằng hễ bị nhiễm virus là tương đương với án tử hình. Những nỗi sợ có khi dẫn đến những quyết định phi lí trong đời sống hàng ngày. Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể nào loại bỏ các mối nguy cơ, bởi vì thế giới này là một sự hiểm nguy. Do đó, chúng ta cần phải có một phương pháp định lượng các mối nguy cơ hàng ngày để so sánh và có những quyết định sáng suốt.

Trước hết cần phải phân biệt 2 loại nguy cơ: cấp tính và mãn tính. Nguy cơ cấp tính như tên gọi là nguy cơ tử vong ngay khi một biến cố xảy ra. Chẳng hạn như nguy cơ tử vong khi xe auto bị tai nạn. Trường hợp của nghệ sĩ Chí Tài có thể xem là nguy cơ cấp tính vì anh chết ngay sau khi bị đột quị. Nguy cơ mãn tính là loại nguy cơ tích luỹ theo thời gian. Chẳng hạn như hút thuốc lá sẽ không giết chết bạn ngay, mà tuỳ thuộc vào lượng thuốc lá và thời gian bạn hút. Chúng ta đã thấy nhiều người hút thuốc lá nhưng họ có tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình (ví dụ như sống đến tuổi 80 hay 90). Tuy nhiên, nhìn chung người hút thuốc lá có xác suất (nguy cơ) tử vong cao hơn và sớm sớm hơn những người không hút thuốc lá. Đa số chúng ta đối phó với nguy cơ mãn tính qua các hành vi và hành động hàng ngày.

Vi tử

Ronald Howard là một giáo sư về hệ kinh tế thuộc Đại học Stanford, và ông rất quan tâm đến nguy cơ. Vào thập niên 1970s, ông đề xướng khái niệm micromort (viết tắt từ chữ micro-mortality) [1] mà tôi tạm dịch là vi tử. Một cách ngắn gọn, vi tử có nghĩa là xác suất tử vong 1 trên một triệu (1 / 1,000,000). Một vi tử bằng 1 phần triệu. Nếu hành vi của bạn liên quan đến một xác suất tử vong 10 trên 1 triệu, thì vi tử của hành vi này là 10. Chẳng hạn như ở Anh, trong thời gian 1998 – 2009 có chừng 12 triệu lượt lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) và trong cùng thời gian có 122 người tử vong; do đó vi tử của hành động này là 10.

Chúng ta có thể ứng dụng khái niệm vi tử vào thực tế để đánh giá tình hình trong nước. Theo báo chí, mỗi năm có khoảng 7700 ca tử vong vì tai nạn giao thông [2]. Dân số Việt Nam là 97 triệu, chúng ta có thể ước tính vi tử cho tai nạn giao thông là ~0.21:

7700 / (97 * 365) = 0.21

So với nhiễm virus Vũ Hán ra sao? Tính từ tháng 1/2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1456 ca nhiễm; trong số này có 35 người chết. Như vậy, vi tử liên quan đến dịch Vũ Hán là:

35 / (97 * 365) = 0.001

Nói cách khác, ở Việt Nam tai nạn giao thông ở Việt Nam nguy hiểm hơn nhiều so với nhiễm virus Vũ Hán. Cố nhiên, điều đó không có nghĩa là đánh giá thấp tác động của dịch bệnh, nhưng là một cách để so sánh nguy cơ tử vong ở cấp độ quần thể. Cần nói thêm rằng vi tử cho dịch Vũ Hán ở New York là … 50.

Vi sống

Một thước đo nguy cơ khác có tên là microlife, mà tôi tạm dịch là vi sống. Ý tưởng microlife là một sáng kiến của Giáo sư David Spiegelhalter, một chuyên gia thống kê học và giáo sư về hiểu nguy cơ thuộc Đại học Cambridge. Microlife là một cách định lượng sự tác động của một hành vi, hành động hay một yếu tố nguy cơ (risk factor) đến tuổi thọ con người. Trong một bài báo trên BMJ [3], ông định nghĩa rằng mỗi vi sống tương đương với 30 phút giảm hay tăng tuổi thọ.

Để hiểu cách mà Spiegelhalter đi đến định nghĩa đó, chúng ta có thể xem qua một ca tiêu biểu như sau. Tuổi thọ trung bình của một thanh niên 22 tuổi ở Anh là 79. Do đó, đối với một thanh niên 22 tuổi, anh ta sẽ sống thêm 57 năm nữa. Tính chi tiết thêm: 57 năm là 20,800 ngày, hay 500,000 giờ. Nói cách khác, một thanh niên 22 tuổi kì vọng sống 1 triệu nửa giờ. Do đó, 30 phút tuổi thọ được xem là 1 vi sống.

Vi sống là một thước đo lí tưởng cho các nguy cơ mãn tính vì các nguy cơ này tích luỹ theo thời gian. Chẳng hạn như nếu bạn hút 2 điếu thuốc lá mỗi ngày, thì hành vi này tương đương với 1 vi sống mỗi ngày. Tương tự, mỗi 5 kg tăng cân nặng sẽ làm bạn mất 1 vi sống mỗi ngày. Ngược lại, mỗi 20 phút (mỗi ngày) thể dục giúp bạn có thêm 2 vi sống [4]. 

Bởi vì nguy cơ tử vong ở nam giới khác với nữ giới, nên vi sống cho mỗi hành vi cũng khác nhau giữa 2 giới tính. Vi sống cũng thay đổi theo địa lí. Sau đây là vi sống cho một số hành vi hàng ngày:

Hành viVi sống cho nam giiVi sống cho nữ giới
Hút thuốc lá 15 – 25 điếu-10-9
Uống 10 g alcohol+1+1
Mỗi 5 kg/m2 tăng BMI trên 22.5-3-3
Ăn thịt đỏ 1 phần (85 g)-1-1
Ăn trái cây và rau xanh (5 serving)+4+3
Uống 2-3 tách cà phê+1+1
Tập thể dục 20 phút ở liều lượng trung bình+2+2
Dùng statin mỗi ngày+1+1
Sống vào thập niên 2010 so với 1980+8+5
Ví dụ cách diễn giải: người hút thuốc lá 15-25 điếu mỗi ngày sẽ có tuổi thọ giảm 10 vi sống mỗi ngày (ở nam) và 9 vi sống (ở nữ). Nhưng người uống 2-3 cà phê mỗi ngày thì có vi sống tăng 1 đơn vị (30 phút) mỗi ngày.
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Microlife#cite_note-bmj-1

Các bạn có thể vào trang web này để tự tính toán vi sống cho mình:

https://web.archive.org/web/20161007003115/https://journals.bmj.com/site/microlives

Tóm lại, kể từ giây phút chúng ta được sanh ra, mỗi giây phút trôi qua đều tăng nguy cơ tử vong. Nói đúng ra, theo quan điểm sinh học phân tử, các cơ phận trong người chúng ta chết đi và sống lại trong từng giây phút. Đây là một qui luật tự nhiên. Chúng ta phải sống với qui luật này, tức sống với nguy cơ (bởi vì chúng ta không bao giờ loại bỏ được nguy cơ); vấn đề là phải sống với nó một cách sáng suốt.

Bảng số liệu trên giúp chúng ta sống sáng suốt. Nếu bạn muốn cải thiện ‘vi sống’ thì nên sống thân thiện với thiên nhiên hơn: tập ăn chay hay ăn trái cây thường xuyên hơn, tập thể dục chừng 20 phút mỗi ngày, hạn chế 2-3 tách cà phê mỗi ngày, và duy trì cân nặng ở mức vừa phải.

____

[1] Fry AM, et al. Micromorts—what is the risk? Br J Oral Maxillofac Surg 2016;54:230-1.

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/nam-2019-moi-ngay-21-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-1164358.html

[3] Spiegelhalter D. Using speed of ageing and “microlives” to communicate the effects of lifetime habits and environment. BMJ 2012;345:e8223-e8223.

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Microlife#cite_note-bmj-1