Có dịp quan sát và tham gia nghiên cứu y khoa ở Việt Nam tôi phát hiện ra một số sai sót liên quan đến cách thiết kế, phân tích và diễn giải kết quả. Trong loạt bài giảng sắp tới tôi sẽ giải thích những sai sót đó và hướng dẫn cách giải quyết vấn đề. Còn ở đây tôi giới thiệu 2 bài giảng bàn về vấn đề cắt biến số liên tục thành nhiều nhóm và vấn đề phân tích trước và sau can thiệp.
Sai sót 1: Phân tích trước – sau (before-after study)
Trong nhiều nghiên cứu lâm sàng, nhà nghiên cứu có thể có 2 nhóm bệnh nhân (ví dụ như cao huyết áp), một nhóm chứng và một nhóm được can thiệp bằng thuốc. Mục tiêu là đánh giá xem thuốc có hiệu quả giảm huyết áp hay không. Mỗi bệnh nhân được đo 2 lần, trước và sau can thiệp. Biến số đo lường có thể là (ví dụ) huyết áp. Nếu thuốc có hiệu quả, nhà nghiên cứu kì vọng rằng nhóm can thiệp sẽ giảm huyết áp, còn nhóm chứng thì không.
Phương pháp phân tích rất phổ biến là nhà nghiên cứu tính phần trăm thay đổi huyết áp cho mỗi bệnh nhân. Gọi huyết áp trước khi can thiệp là X0, và sau can thiệp là X1, thì phương pháp này tính pct = 100*(X1 – X0) / X0. Sau đó, nhà nghiên cứu sẽ dùng t-test để so sánh pct giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng. Nếu t-test cho ra kết quả P < 0.05, nhà nghiên cứu kết luận rằng thuốc có hiệu quả, còn nếu P > 0.05 thì … bac luck (làm nghiên cứu tiếp).
Nhưng phương pháp trên là sai. Để hiểu tại sao sai, chúng ta có thể lấy một ví dụ đơn giản: một bệnh nhân có kết quả đo huyết áp trước và sau can thiệp là 100 và 110 mmHg. Dùng phương pháp trên, nhà nghiên cứu sẽ kết luận rằng huyết áp của bệnh nhân tăng 10% (tức lấy 110 trừ cho 100, rồi chia kết quả cho 100). Nhưng nếu nhà nghiên cứu muốn biết so với sau can thiệp, huyết áp trước can thiệp giảm bao nhiêu, thì kết quả là giảm 9% (lấy 100 trừ cho 110, rồi lấy kết quả chia cho 110). Tại sao so với trước điều trị thì tăng 10%, còn so với sau điều trị thì giảm 9% (đáng lí ra là 10% chớ). Lí do là vì cách tính đó (pct) thiếu tính cân đối, hay tiếng Anh gọi là ‘asymmetry’. Con số phần trăm thay đổi so với baseline thiếu tính cân đối, và vì thế nó thể hiện một sai sót trong phân tích dữ liệu.
Cách tính đúng hơn cho bệnh nhân trên là: (a) tính số trung bình cho bệnh nhân, tức (100 + 110)/2 = 105 mmHg; (b) tính phần trăm thay đổi delta = (110 – 100) / 105 = 9.5%. Nhà nghiên cứu nên dùng delta để làm t-test thì chính xác hơn. Có nhiều lí do tại sao dùng delta chính xác hơn là pct, kể cả lí do về sai số đo lường và hồi qui về số trung bình mà tôi nghĩ không cần giải thích ở đây.
Tuy nhiên, ngay cả phương pháp delta mô tả trên cũng không phải là tốt nhứt. Phương pháp tốt nhứt là ancova, mà tôi sẽ giải thích trong bài giảng hôm nay:
Sai sót 2: Chia nhóm tuỳ tiện.
Trong phần lớn các bài báo khoa học, các tác giả có xu hướng chia một biến số liên tục (như độ tuổi, lymphocyte, thời gian, v.v.) thành nhiều nhóm một cách tùy tiện. Chẳng hạn như có tác giả chi độ tuổi thành từng nhóm theo 10-tuổi như 40-49, 50-59, và 60-69, nhưng một nghiên cứu khác có tác giả chia thành nhóm tuổi lẻ như 35-45, 46-55, và trên 55. Có khi ngay trong một nghiên cứu, tác giả lại tự mình mâu thuẫn: lúc đầu thì chia thành 4 nhóm độ tuổi (1 đến 12 tháng, 1 – 5 tuổi, 6-10, 10-15) nhưng ngay sau đó lại chia thành 3 nhóm (1 – 12 tháng, 13 tháng đến 5 tuổi, và 6 đến 15 tuổi)! Ngay cả các biến như huyết áp cũng bị cắt thành từng nhóm như thế, và cách chia cắt đó hoàn toàn không có một lí do lâm sàng nào.
Đứng trên phương diện lí thuyết đo lường, việc biến đổi một một biến số liên tục thành một biến số không liên tục (như cách chia cắt trên) là một sai sót, bởi vì việc biến đổi đó làm cho thông tin bị mất (information loss) của biến số. Chẳng hạn như một phân tích tiên đoán nguy cơ mắc bệnh dựa vào hai biến liên tục như độ tuổi và trọng lượng của bệnh nhân, nếu phân tích dựa trên biến liên tục thì số tham số cần thiết lúc nào cũng ít hơn so với mô hình dùng biến phân nhóm.
Ngoài ra, đứng trên phương diện logic và thực tế lâm sàng, không có lí do gì để chia hai bệnh nhân với trọng lượng 55 kg và 56 kg thành hai nhóm khác nhau cả. Chính vì thế mà các tập san y khoa khuyến cáo nên tránh cách phân chia một biến số liên tục một cách tùy tiện.
Tỉ số odds
Khi được hỏi tại sao chia biến liên tục thành nhiều nhóm, thì có tác giả giải thích là phải làm như vậy để tính tỉ số odds (OR) vì nếu để biến liên tục thì không tính được OR. Nhưng đây là một hiểu lầm. Trong thực tế, nhà nghiên cứu vẫn có thể tính OR cho biến liên tục, và đơn vị là thay vì tính trên mỗi kilogram cân nặng, người ta có thể tính trên mỗi 5 kg hay 10 kg. Cái nguy hiểm của chia biến số thành nhiều nhóm để tính OR là kết quả có thể sai. Thật vậy, đã có nhiều trường hợp khi phân tích trên biến liên tục thì kết quả có P < 0.05, nhưng khi phân tích theo nhóm thì P > 0.05. Lí do là vì khi cắt biến số thành nhiều nhóm thì số cỡ mẫu cũng giảm đi và do đó độ nhậy của kết quả cũng suy giảm theo.
Bài giảng trên youtube sẽ bàn về vấn đề này và giúp các bạn phân tích đúng:
3. Bài giảng về loãng xương
Ngoài ra, tôi cũng upload một bài giảng tổng quan về các loại thuốc đang được dùng cho điều trị loãng xương:
Đây là bài đầy đủ nhứt và cập nhựt mới nhứt tính đến tháng 2/2021.
****
Sai sót trong các nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học thì rất nhiều. Có thể nói rằng không có nghiên cứu nào là không có sai sót. Ngay cả những nghiên cứu đã được công bố cũng có nhiều sai sót. Tuy nhiên, những sai sót này chỉ ảnh hưởng đến phẩm chất khoa học của nghiên cứu, chớ ít khi nào ảnh hưởng đến kết luận của nghiên cứu.
Những sai sót này thường liên quan đến vấn đề thiết kế và phân tích. Cách chọn mẫu nghiên cứu không thích hợp hay thiếu hệ thống, tính toán sai về cỡ mẫu, phương pháp đo lường đơn sơ, và nhứt là sai sót về phân tích dữ liệu. Những sai sót về phân tích dữ liệu trong các nghiên cứu ở Việt Nam không phải là mới, vì đã được đề cập nhiều lần trong các nghiên cứu ở nước ngoài. Cách đây hơn 10 năm tôi có nêu ra những sai sót về thiết kế trên Tạp chí Thời sự Y học, nhưng cho đến nay tình hình vẫn còn nhiều sai sót.
Trong thế giới khoa học ngày nay, mức độ cạnh tranh để có công bố trên những tập san ‘chánh thống’ rất cao. Những tập san này thường đòi hỏi phẩm chất khoa học phải cao, nhứt là phương pháp phân tích phải đúng và cách trình bày phải chỉnh chu, chuyên nghiệp. Hi vọng rằng loạt bài giảng này sẽ giúp cho các đồng nghiệp nâng cao cơ may được công bố trên các tập san hàng đầu trên thế giới.
Hôm kia, nhân dịp nói chuyện với một nhóm nghiên cứu sinh ở UTS, tôi có cảm hứng chia sẻ cáchđặt câu hỏi. Có khi nào các bạn thắc mắc trong các hội nghị khoa học, có những người hình như lúc nào cũng có sẵn câu hỏi, nhưng mình thì không biết hỏi gì. Nhưng đặt câu hỏi trong hội nghị khoa học là một kĩ năng có ích, và kĩ năng đó có thể giúp các bạn có tên tuổi trong trường khoa học.
Nêu câu hỏi trong hội nghị khoa học là để học hỏi, giao lưu (kết bạn), và thiết lập thẩm quyền.
Hội nghị thường niên (có khi gọi là annual scientific meeting) và seminar là những hoạt động không thể thiếu được trong khoa học. Hội nghị khoa học là môi trường để những người trong ‘bộ lạc’ gặp nhau và chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những ý tưởng nghiên cứu mới. Seminar cũng là một diễn đàn rất quan trọng trong khoa học, vì đó là nơi để những người quan tâm đến một chủ đề chuyên biệt tụ tập lại với nhau và chia sẻ thông tin. Là nghiên cứu sinh, postdoc, nhà khoa học, ai cũng phải dự hội nghị chuyên ngành và seminar, cho dù chủ đề của seminar chẳng có dính dáng gì đến hướng nghiên cứu mình theo đuổi. Dự hội thảo để cho thấy mình có mặt (‘make a presence’) và giao lưu cùng các đồng nghiệp.
Một hình thức giao lưu rất quan trọng là … đặt câu hỏi. Mỗi khi bài nói chuyện kết thúc, người chủ tọa thường hỏi diễn đàn có bình luận hay câu hỏi gì cho diễn giả. Trong những dịp như thế, người ta dễ dàng thấy có 3 nhóm khán giả:
(a) nhóm 1 là những người hình như lúc nào cũng có những câu hỏi hay, thiết thực, hay có khi đi thẳng vào điểm yếu của diễn giả. Họ cũng có thể co những câu hỏi mà mình chưa hay đang nghĩ đến;
(b) nhóm 2 là những người “hỏi cho có hỏi”, vì câu hỏi chẳng có ý nghĩa gì, non nớt, hay thậm chí câu hỏi … lạc đề; những người đặt câu hỏi như thế thường không được đánh giá cao.
(c) nhóm 3 là những người không hỏi gì cả. Dĩ nhiên cũng có lí do tại sao không hỏi (như chẳng có gì để hỏi, do diễn giả trình bày đầy đủ, hay do không có thì giờ), nhưng cũng có những lí do khác (như không biết hỏi gì).
Tôi chú ý thấy các nghiên cứu sinh gốc Á châu – kể cả Việt Nam – thường ít hỏi. Họ có vẻ lắng nghe, nhưng rất ngại đặt câu hỏi cho diễn giả, vì một phần là tiếng Anh chưa thành thạo, nhưng một phần khác là chẳng biết nên hỏi gì và bắt đầu từ đâu. Có những lần nói chuyện ở VN, tôi thấy mình như … ‘độc thoại’, vì khán giả không chịu nêu câu hỏi, nhưng trớ trêu thay, sau giờ giải lao thì họ đến hỏi rất nhiều!
Bài này sẽ bàn về lợi ích của việc đặt câu hỏi và công thức hỏi có tên là CCMF (context – clarification – methods – future).
1. Lợi ích của việc đặt câu hỏi
Nêu câu hỏi trong hội nghị, nhất là hội nghị quốc gia và quốc tế, có thể đem đến vài lợi ích. Lợi ích thứ nhất là học. Thật vậy, sau khi nghe xong bài nói chuyện, có thể các bạn vẫn còn thắc mắc về một vấn đề nào đó liên quan đến phương pháp hay cách tiếp cận, và nêu câu hỏi là một cách để học từ diễn giả. Nhiều khi nghe diễn giả trả lời, các bạn sẽ học nhiều hơn và có khi ‘sáng ra’ trong đầu. Có lần tôi cứ thắc mắc về một nghiên cứu loại GWAS (genomewide association study) mà cách họ chọn ngưỡng để theo đuổi những gen thú vị, sau khi nghe diễn giả trả lời và cho thêm tài liệu tham khảo, tôi ra về với một ý tưởng mới. Do đó, lợi ích của việc nêu câu hỏi là học, đúng với tinh thần đi dự hội nghị khoa học.
Lợi ích thứ hai là giao lưu. Như tôi nói ở trên, một trong những mục đích của đi dự hội nghị khoa học là có dịp giao lưu với đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới. Với tôi, mỗi hội nghị là y như … chạy sô. Sáng sớm thì phải đi họp ban biên tập. Họp xong, đi nhanh về khách sạn ăn sáng để kịp dự phiên họp đầu tiên. Tối về thì phải đi dự các buổi họp của các nhóm ‘tập đoàn khoa học’ (consortium). Nhưng hội nghị đối với nghiên cứu sinh là một dịp để giao lưu, để làm quen rất tuyệt vời. Làm quen bằng cách đặt câu hỏi. Khi các bạn đặt câu hỏi, và nếu câu hỏi tốt (hay khó), diễn giả có thể sẽ chú ý đến bạn. Có khi diễn giả không trả lời được, và bạn sẵn sàng nói “We can discuss more during the next break” (chúng ta có thể thảo luận thêm trong giờ giải lao). Không chỉ diễn giả chú ý, mà những người dự hội nghị cũng chú ý đến các bạn. Đó cũng là cách mà tôi làm quen với rất nhiều người, trong đó có người sau này trở thành bạn thân.
Lợi ích thứ ba là thiết lập thẩm quyền. Khi bạn đặt một câu hỏi tốt (sẽ đề cập dưới đây), một câu hỏi có suy nghĩ, thì tự câu hỏi đã phản ảnh về nhân tính của bạn. Người có suy nghĩ kĩ lúc nào cũng có câu hỏi tinh vi và ‘insightful’; người suy nghĩ hời hợt thì câu hỏi chỉ trên bề mặt của vấn đề. Do đó, khi bạn đặt những câu hỏi loại insightful tức là bạn đã hiểu vấn đề và tự chứng tỏ mình có thẩm quyền (có thể chỉ là thẩm quyền thấp) về vấn đề bạn nêu.
2. Cách đặt câu hỏi tốt CCMF
Tựu trung lại, tôi thấy các câu hỏi trong hội nghị có thể tóm tắt thành 4 nhóm, viết tắt là CCMF. C đầu tiên là context; C thứ hai là clarification; M là methods hay methodology; và F là future.
Câu hỏi loại 1: context — đặt phát hiện trong bối cảnh nghiên cứu trước
Thỉnh thoảng có những nghiên cứu cho ra những kết quả bất ngờ, những mối liên quan không nằm trong giả thuyết. Trong tình huống đó, câu hỏi loại này thường là đặt kết quả này trong bối cảnh chung của tình hình, và so sánh các kết quả trong y văn. Người đặt câu hỏi loại này thường có kiến thức chuyên sâu trong chuyên ngành. Vài ví dụ về cách đặt câu hỏi so sánh:
• So sánh với nghiên cứu trước: The data shown in slide 5 are very different from previous data reported by Smith in Nature 2011. I am wondering whether you can entertain us about the difference? (Dữ liệu trong slide số 5 rất khác với nghiên cứu của Smith trên Nature năm 2011. Tôi lấy làm lạ về sự khác biệt, anh có thể giải thích thêm?)
• So sánh với y văn: To my knowledge, the rate of loss in the normal physiology is about 1% per year, but your data showed that the rate was twice as high. Any idea why there was such a remarkable change? (Theo tôi biết, tỉ lệ mất mát trong điều kiện sinh lí bình thường chỉ 1%, nhưng dữ liệu của anh cho thấy tỉ lệ cao gấp 2 lần. Anh có ý tưởng nào để giải thích sự biến đổi đáng kể này?)
• Liên kết kết quả nghiên cứu: About 20 years ago, Nordin showed that patients on A has an improvement of 5%; now you showed that those on A and B had even better improvement. Can you elaborate on the possible incremental effect? (Chừng 20 năm trước, Nordin chi ra rằng ở bệnh nhân được điều trị bằng A thì tỉ lệ cải thiện là 5%, nay kết quả của anh cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng A và B thì sự cải thiện còn tốt hơn nữa. Anh có thể nói thêm về sự gia tăng?)
• Hỏi về ý nghĩa thực tế: Could I ask you a question on slide 7, where you showed the data concerning the distribution of E2 hormone which seemed non-normal. Could you elaborate more on the clinical implication of this non-normality?
Câu hỏi loại 2: clarification – giải thích giả thuyết và ý nghĩa nghiên cứu
Đó là những câu hỏi giúp vấn đề thêm sáng tỏ. Những câu hỏi mà người hỏi muốn diễn giả giải thích thêm ý tưởng đằng sau công trình nghiên cứu, và đặt trong bối cảnh chung. Cũng có thể hỏi về diễn giải dữ liệu: những câu hỏi này cũng thường được đặt ra, vì đứng trước một kết quả, có thể có người có ý này, người có ý kia, cách diễn giải khác nhau.
• Hỏi về diễn giải: “Your data in slide 10 tend to show that A is actually not different from B? Do you think such an interpretation is reasonable?” (Dữ liệu trong slide 10 của bạn cho thấy A thật ra chẳng khác gì so với B; bạn có nghĩa rằng cách diễn giải như thế là hợp lí?)
• Hỏi về giả thuyết: I just have a question which may be a little bit off the topic: how did you come up with the study’s hypothesis which seems unconventional? (Tôi có một câu hỏi có lẽ hơi lạc đề: xuất phát từ đâu mà anh đi đến giả thuyết bất thường này?)
• Hỏi về nghiên cứu hiện hành và bối cảnh: What makes you think that the present study will fit into the ongoing discussion on the role of genetics in risk assessment?(Tại sao nghiên cứu này phù hợp với những bàn luận chung quanh vai trò của yếu tố di truyền trong việc đánh giá nguy cơ?)
• Hỏi về … chi phí: Your study took an expensive approach, I am wondering whether a better and more cost effective approach is available? (Cách tiếp cận của anh đắt tiền, tôi muốn hỏi anh là có một cách tiếp cận nào rẻ hơn và hiệu quả hơn?)
Câu hỏi loại 3: methods và methodology — phương pháp và phương pháp luận
Đây là những câu hỏi thường hay gặp nhất, có thể là vấn đề chọn nhóm chứng, có thể tiêu chuẩn loại trừ và tiêu chuẩn chọn vào làm ảnh hưởng đến kết quả, và phương pháp đo lường. Nếu kết quả là trái tim, thì phương pháp là cái sườn của một nghiên cứu. Khung sườn phải vững thì kết quả mới được bảo vệ tốt. Có những nghiên cứu với những phương pháp rất tuyệt vời, và trở thành đề tài cho diễn đàn học hỏi. Do đó, rất nhiều câu hỏi thường xoay quanh các vấn đề liên quan đến phương pháp và phương pháp luận. Những câu hỏi loại này rất nhiều, nhưng tự trung lại có thể kể đến:
• Hỏi về nhóm chứng: Sorry, I was not clear about your control group. How did you select the controls in your study? (Xin lỗi, tôi chưa rõ về nhóm chứng trong nghiên cứu. Anh đã chọn nhóm chứng như thế nào?)
• Hỏi về giả định và qui trình: My understanding is that your method requires a prior distribution to be specified. May I ask what prior distribution did you use in the study, and why? (Tôi hiểu rằng phương pháp của anh cần có một phân bố tiền định. Vậy anh cho tôi hỏi phân bố tiền định của anh là gì, và tại sao anh chọn phân bố đó?)
• Hỏi về phương pháp: I may have misunderstood you, but from what you showed, the outcome was a discrete variable, and yet you used linear regression in the analysis. I am wondering (and I would like to have your opinion on) whether such a method is appropriate for the data? (Tôi có thể hiểu lầm chị, nhưng qua những gì chị trình bày, biến chính là biến phân loại, nhưng chị lại dùng phương pháp hồi qui tuyến tính. Tôi ngạc nhiên (và tôi muốn nghe ý kiến của anh) là phương pháp đó có thích hợp với dữ liệu?)
• Hỏi về chi tiết: Sorry for being dummy, but could you explain your out-of-pocket method in more detail, if possible? (Xin thứ lỗi cho câu hỏi ngu ngu, nhưng nếu có thể anh cho biết thêm vài chi tiết về phương pháp out-of-pocket).
Câu hỏi loại 4: future – tương lai
Câu hỏi loại này có khi còn được gọi là ‘chém gió’, vì không có gì cụ thể, nhưng lại là câu hỏi quan trọng vì mang tính chiến lược. Câu hỏi loại tầm nhìn còn giúp cho diễn giả suy nghĩ về nghiên cứu của mình và khả năng ứng dụng trong thực tế:
• Bất đồng ý kiến: If you don’t mind, I would like to come back to your interpretation of the data in Table 2. You postulated that there was an effect of the drug on the time to remission, but I am wondering whether an alternative interpretation is possible. One such interpretation is that the effect of the drug had no effect, and what you saw is actually confounded by patient’s severity. Do you think such an interpretation is reasonable. (Nếu anh không phiền, tôi muốn quay lại diễn giải của anh về dữ liệu trong bảng số 2. Anh nói rằng thuốc có ảnh hưởng đến thời gian giảm bệnh, nhưng tôi nghĩ có một cách giải thích khác: đó là những gì anh quan sát là thật ra bị nhiễu bởi độ nghiêm trọng của bệnh. Anh thấy cách hiểu đó có lí không?)
• Hỏi về tương lai: Well, that is a very nice result. Could you tell us about your future plan? What sort of experiments will you do to connect all the dots? (Chà, đó là một kết quả rất đẹp. Chị có thể cho chúng tôi biết kế hoạch tương lai của chị là gì? Chị sẽ làm thí nghiệm nào để liên kết các kết quả với nhau?)
• Hỏi về ứng dụng: The results are very significant and highly relevant to patient care. Are you planning to implement these results in clincal setting, and if so, how will you do it? (Kết quả rất đáng chú ý và có ý nghĩa trong việc chăm sóc bệnh nhân. Chị có ý định triển khai kết quả này trong lâm sàng, và nếu có ý định, thì chị sẽ làm như thế nào?)
• Hỏi về khả năng ứng dụng: I can see that you have made an important discovery, but I am still not clear on the impact of your study. I would appreciate if you could tell us a little bit about the translational aspect of your results? (Tôi thấy anh đã có một khám phá quan trọng, nhưng tôi vẫn chưa rõ ràng về tác động của nghiên cứu. Tôi rất biết ơn nếu anh giải thích một chút về khả năng ứng dụng của nghiên cứu).
• Tranh luận về khả năng ứng dụng: You concluded that the gene can be used for disease screening, but the graph in slide 10 shows that the magnitude of the relationship was very modest. Do you think the gene, with such a modest effect, is qualified as a screening tool? (Chị kết luận rằng gen đó có thể dùng cho việc tầm soát bệnh, nhưng biểu đồ trong slide số 10 cho thấy tầm ảnh hưởng rất thấp. Chị có nghĩ rằng gen đó với mức độ ảnh hưởng thấp như thế có thể đủ tiêu chuẩn là một công cụ cho tầm soát?)
3. Qui ước
Hội nghị là diễn đàn của người có học, và khi đặt câu hỏi mình cũng phải tỏ ra là người có học. Người có học khác với kẻ lưu manh. Người có học tập trung vào vấn đề khoa học, chứ không phải cá nhân diễn giả. Do đó, có vài nguyên tắc văn minh (thực ra qui ước thì đúng hơn) về cách đặt câu hỏi trong hội nghị. Những qui ước này liên quan đến tính lịch sự, ngắn gọn, và thân thiện.
Lịch sự
Lúc nào cũng tỏ ra lịch sự với diễn giả. Nên nhớ rằng diễn giả cũng chịu áp lực lớn để đứng trên bục, và họ có thể quên, có thể nhớ không hết, có thể có thiếu sót nào đó. Vì thế, người đặt câu hỏi nên tỏ ra cảm thông cho diễn giả, và có thể bắt đầu bằng câu đại khái như “Có lẽ tôi nhớ không kĩ những gì anh nói, nhưng tôi muốn hỏi lại cho chắc ăn là …” (Perhaps I could not catch what you said earlier, but could I please clarify with you …).
Ngắn gọn
Thông thường phần thảo luận chỉ có 5 phút sau bài nói chuyện, mà có thể có nhiều người muốn hỏi, nên người hỏi phải hỏi ngắn, và đi thẳng vào vấn đề. Để hỏi một câu hỏi ngắn mà có ý nghĩa là không dễ chút nào. Do đó, người hỏi phải suy nghĩ trong đầu cẩn thận câu hỏi nào cần thiết nhất và “burning” nhất để hỏi, chứ không nên phí thì giờ những câu hỏi phi thực tế hay ngoài chủ đề bài nói chuyện. Càng không hỏi theo kiểu giảng bài cho diễn giả, cho dù diễn giả chỉ đáng tuổi học trò mình (vì đó là thái độ thiếu tính chuyện nghiệp, thậm chí thất lễ). Tự hỏi: câu hỏi mình giới hạn trong vòng 140-150 mẫu tự? Nếu yes, thì hỏi; nếu không thì chờ dịp giải lao sẽ hỏi.
Thân thiện
Lúc nào cũng tỏ ra thân thiện với diễn giả, vì thứ nhất là tạo ấn tượng tốt và thứ hai là diễn giả có thể đang … hồi hộp. Không chỉ cách dùng chữ nhẹ nhàng, mà còn phải dùng cử chỉ và ánh mắt để cho diễn giả thấy là mình không tấn công họ. Những câu khen mang tính “cliché” như great talk, beautiful data, comprehensive, hard act to follow, v.v. có thể sử dụng:
• “Thank you for your lecture/talk/presentation. Those were beautiful data” (cám ơn bài nói chuyện của chị. Những phát hiện/dữ liệu thật là đẹp đẽ).
• “That was a great talk! Thank you. Now, I would like to bring your attention to the point you raised earlier that …” (Đó thật là một bài nói chuyện quá hay! Xin có lời cám ơn. Bây giờ tôi muốn quay lại điểm chị nêu lên lúc ban đầu rằng …)
• “Thank you for the elegant presentation. You are a hard act to follow. Let me start off by asking you this question …” (Cám ơn anh về bài nói chuyện lịch lãm. Khó mà theo đuổi anh nỗi. Tôi muốn bắt đầu bằng câu hỏi sau đây …)
• “Wow, such a nice and comprehensive lecture! Thank you. Could I bring up one issue that I am hoping that you will comment on …” (Wow, thật là một bài giảng hay và đầy đủ. Tôi muốn nêu một vấn đề mà tôi hi vọng là anh sẽ cho ý kiến …)
Điều đại kị là không được lên lớp diễn giả, vì điều đó gây ấn tượng xấu đến diễn đàn. Trong diễn đàn có những người bậc thầy cô, không nên thể hiện theo kiểu phô trương “ta đây thông minh”, “ta có kiến thức”, “ta biết hơn người”. Những cách thể hiện như thế chẳng giúp gì cho người hỏi, mà còn tạo ấn tượng không tốt ở khán giả và chủ toạ.
Tuyệt đối tránh những câu hỏi mang tính tiêu cực hay “kiếm chuyện”. Đó là những câu hỏi mang tính mỉa mai, tức tối, ganh tị, thậm chí tấn công cá nhân. Có những người thích bắt bẽ diễn giả bằng những chi tiết nhỏ như con số không ăn khớp, như tranh cãi về chi tiết nhỏ trong phương pháp phân tích, và muốn xoáy vào đó để làm lu mờ thông điệp chính. Nói chung, những người này không nhiều trong các hội nghị lớn, và ý kiến của họ cũng chẳng ai quan tâm.
Không ai là hoàn hảo cả. Đừng bao giờ nghĩ đến việc đặt câu hỏi để làm khó diễn giả (nhiều người nghĩ vậy). Đó là ý nghĩa tiêu cực, theo kiểu lấy điểm. Nên nghĩ đến mục tiêu của việc đặt câu hỏi là để giúp diễn giả giải thích tốt hơn.
***
Trên đây là những qui ước và cách đặt câu hỏi trong các hội nghị khoa học. Hi vọng rằng qua cái note này các bạn sẽ có thêm vài mẹo để đặt câu hỏi sao tốt trong hội nghị. Để đặt câu hỏi tốt, các bạn cần phải có kiến thức tốt về vấn đề mình quan tâm. Kiến thức giúp các bạn đặt kết quả của nghiên cứu trong bối cảnh chung. Nếu tiếng Anh còn hạn chế, các bạn nên viết xuống câu hỏi và học thuộc lòng, trước khi đứng trước microphone để hỏi. (Mẹo này rất hiệu quả, vì viết xuống giúp mình suy nghĩ logic hơn). Ngoài ra, các bạn cũng cần phải nắm vững phương pháp nghiên cứu, để khi đặt câu hỏi không bị diễn giả xem thường mình. Với nhiều lần đặt câu hỏi hay, các bạn sẽ có dịp làm quen với nhiều đồng nghiệp mới và tìm cho mình một vị trí trong ‘bộ lạc’.
________
PS: Có nhiều website và bài viết hướng dẫn bằng tiếng Anh về cách nêu câu hỏi. Một số có thể tìm thấy ở đây:
Tôi rất hân hạnh chia sẻ một tin vui: bài báo đầu tiên về tình hình ung thư vú ở Sài Gòn mới được công bố vài giờ trước trên PLoS ONE [1]. Bài báo này sẽ giải tỏa những ngộ nhận về tình hình ung thư vú ở VN.
Đây là một trong những công trình tâm huyết của chúng tôi. Tác giả chánh của bài báo là Bs Phan Xuân Dũng (hình như là đồng hương Kiên Giang) và các đồng nghiệp trong nhóm VOS.
Không nói ra thì nhiều bạn đã biết rằng ung thư vú là loại ung thư đáng sợ nhứt trong các loại ung thư. Tuy nhiên, dữ liệu về ung thư vú (và ung thư nói chung) ở VN rất hiếm thấy trong y văn. Thành ra, có những câu hỏi căn bản và đơn giản (như có bao nhiêu ca ung thư mỗi năm) mà khó tìm dữ liệu để trả lời.
Trong điều kiện thiếu thốn dữ liệu, rất nhiều bài báo đại chúng suy đoán lung tung về tình hình ung thư ở VN, mà thường thì họ vẽ một bức tranh u ám [2]. Người đọc có cảm tưởng ung thư ở VN cao hơn các nước trên thế giới. Nhưng trong thực tế thì đó chỉ là những suy đoán không dựa vào dữ liệu, hay dựa vào dữ liệu thiếu tính hệ thống.
May mắn thay, ở Sài Gòn có một registry (giống như một nơi ghi danh) thu thập dữ liệu ung thư của cư dân TpHCM. Cái registry này được sự hỗ trợ của IARC nên các dữ liệu thu thập khá bài bản và có hệ thống. Thời gian thu thập là từ 1996 đến 2015 (20 năm). Chúng tôi sử dụng dữ liệu này để trả lời câu hỏi về gánh nặng ung thư vú ở TpHCM:
(a) Có bao nhiêu ca ung thư vú ở nữ và nam giới trong thời gian 20 năm qua;
(b) Tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng hay giảm trong 20 năm qua;
(c) So sánh với các nước tiên tiến thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở TpHCM cao hay thấp?
Vậy chúng tôi phát hiện gì?
1. Trong thời gian 20 năm (1996 – 2015) TpHCM ghi nhận 14222 ca ung thư vú (95% là nữ). Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 50, nhưng có vẻ tăng theo thời gian. Ví dụ như ở nữ giới, số ca ghi nhận trong thời gian 1996-2001 là 1915 người, nhưng trong thời gian 2011-2015 thì tăng lên 5366 người.
Biểu đồ phần trên: số phụ nữ ở TPHCM mắc bệnh ung thư vú từ 1996 đến 2015. Năm 1996-2001 có 1915 ca ung thư vú, và con số này tăng lên 5366 vào năm 2011-2015. Như vậy, số ca ung thư vú ở TPHCM tăng 2.7 lần giữa 2015 và 1996. Hình dưới là tỉ suất ung thư vú tính trên 100,000 phụ nữ 5 năm. Tỉ suất ung thư vú cũng tăng từ 62.2 trong năm 1995-2001 lên 107.4 vào năm 2011-2015. Nói cách khác, trong thời gian 1996 đến 2015, tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng ~70%.
2. Tuy nhiên, con số ca mắc bệnh phải hiệu chỉnh cho dân số của Thành phố vốn tăng nhanh trong 20 năm qua. Tỉ suất ung thư vú (tính trên 100,000 dân) năm 1996-2001 là 62, và trong thời gian 2011-2015 là 107 người. Nói cách khác, ngay cả sau khi hiệu chỉnh cho dân số thì tỉ suất ung thư vú tăng 70% trong 20 năm quan.
3. Tỉ suất ung thư vú ở nữ giới (tính trên 100,000 dân) ở Úc là 131, Mĩ là 200, Thái Lan là 31. Còn ở TpHCM thì tỉ suất là 21.5 trong thời gian 2011-2015. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở TpHCM vẫn thấp hơn các nước kĩ nghệ hoá, thậm chí thấp hơn Thái Lan.
So sánh tỉ suất ung thư vú (tính trên 100,000 dân số mỗi năm) cho thấy tỉ suất ở TPHCM vẫn thấp hơn so với Thái Lan, China, Úc, Mĩ và trung bình thế giới. Năm 2011-2015, tỉ suất ung thư vú ở HCM là 21.5, trên thế giới là 46.3. Do đó, không thể nói rằng tỉ suất ung thư vú ở VN cao hơn thế giới.
4. Tuổi khi chẩn đoán ung thư (tính trung bình) là 50. Tuổi này cũng được quan sát ở Hàn Quốc và Singapore. Còn ở các nước phương Tây thì tuổi chẩn đoán là 54. Nói cách khác, phụ nữ Việt Nam có vẻ mắc bệnh ung thư vú sớm hơn các phụ nữ Âu Mĩ.
Đây là một công trình tôi đã có ý định làm từ lâu nhưng không có cơ hội. Đến khi nhóm VOS có dự án làm nghiên cứu ung thư với các bạn bên Đại học Johns Hopkins, và khi Bs Thảo Quyên tham gia nhóm thì có người phụ trách. Rồi phải qua sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình của Bs Phan Xuân Dũng thì dự án mới bắt đầu khởi sắc. Do đó, hai tác giả chánh là Bs Dũng và Bs Thảo Quyên.
Đây là một bài báo gian nan vì quá trình bình duyệt kéo dài gần 1 năm trời. Không phải do sai sót gì cả, mà do tìm chuyên gia bình duyệt quá khó khăn. Có lẽ nhiều chuyên gia không muốn bình duyệt nghiên cứu dạng mô tả mà lại tử VN. Do đó, phải cảm ơn một đồng nghiệp người Việt (không rõ công tác ở đâu) đã đồng ý xem xét và góp ý cho bài báo. Hai chuyên gia nặc danh gốc Âu Châu khác cũng bỏ thì giờ đọc và góp nhiều ý về phân tích. Cuối cùng thì sau gần 1 năm bình duyệt và qua lại, bài báo đã được chấp nhận cho công bố trên PLoS ONE.
Bài học là trong công bố khoa học người Việt chúng ta phải giúp nhau. Tôi đoán là trong tương lai tình hình công bố khoa học sẽ khó khăn hơn, nhứt là những bài từ Việt Nam (vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia trong khoa học). Do đó, trong tương lai chúng ta cần những chuyên gia gốc Việt có kinh nghiệm và từng qua đào tạo bài bản giúp đỡ lẫn nhau một cách công minh.
Tóm lại, dữ liệu từ cơ quan đăng kí ung thư của TpHCM cho thấy mặc dù tỉ lệ ung thư vú ở cư dân Thành phố vẫn còn thấp so với các nước Âu Mĩ, nhưng có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Có nhiều lí do tại sao số ca ung tư gia tăng (như do lối sống thời công nghiệp hoá, do môi trường, do phát hiện ung thư tốt hơn hay chẩn đoán tốt hơn, v.v.) nhưng đó là một chủ đề cho một nghiên cứu khác.
Hôm nay, người ở Dubbo báo tin tôi lên báo địa phương. Số là công trình mới được chấp nhận trên eLife được thực hiện ở Dubbo, nên báo chí địa phương cũng rất vui khi thấy địa phương có đóng góp cho chuyên ngành loãng xương trên thế giới. Do đó, mới có bài báo này.
Dubbo là một thành phố nhỏ, cách Sydney chừng 400 km. Đó là vùng bán nông thôn, bán thành thị, đa số là người Úc da trắng, chỉ có một số ít là người thổ dân. Đa số cư dân Dubbo là người cao tuổi, vì người Úc thích nghỉ hưu ở vùng quê. Dubbo có một địa danh rất nổi tiếng: đó là thảo cầm viên Taronga Western Plains Zoo Dubbo, nơi mà động vật hoang dã (như cọp, nai, hưu, heo rừng, v.v.) được chạy rong. Khách vào xem phải lái xe chớ không đi bộ được. Hồi lúc tôi mới tham gia Garvan, tôi ăn dằm nằm dề ở đây cả 2 tuần để set-up công trình nghiên cứu, và tôi biết gần như mọi đường phố và uống đủ thứ bia ở Dubbo.
Theo thời gian, công trình nghiên cứu Dubbo trở nên nổi tiếng khắp thế giới, và thế là cái địa danh ‘Dubbo’ cũng nổi tiếng theo. Mỗi lần đi họp hội nghị quốc tế, người ta giới thiệu Dubbo nhưng họ đọc không đúng (kiểu ‘Điu Bô’) làm tôi cười trong bụng, nhưng thấy vui. Chính nhờ nghiên cứu này mà một số fact trong sách giáo khoa y học phải viết lại. Do đó, có thể nói là chúng tôi có công làm cho Dubbo nổi tiếng trong thế giới y khoa. Bài báo trên tờ báo địa phương có ý nghĩa như thế.
(Tôi cũng muốn làm cho Việt Nam nổi tiếng như Dubbo qua công trình ‘Vietnam Osteoporosis Study’).
Bài báo eLife của chúng tôi sẽ được chánh thức công bố vào ngày 22/2/2021, tức Thứ Hai tuần tới (giờ Âu châu). Lí do hơi chậm một chút là vì ban biên tập eLife mời một người viết một bài xã luận (họ gọi là ‘Insight article’) về công trình của chúng tôi. Đây là một vinh dự, vì họ nói chỉ có 15% bài báo trên eLife được mời viết bài xã luận. Xã luận theo hình thức ‘Insight articles’ là do một đồng nghiệp trong chuyên ngành viết (nhưng tôi chưa biết là ai) để giải thích tại sao kết quả của chúng tôi là một tiến bộ ‘significant’.
Các bạn nhớ đón đọc bài của chúng tôi và bài Insight nghen. Cả tuần qua tôi nhận được nhiều email chúc mừngcủa đồng nghiệp khắp thế giới, và bận trả lời phỏng vấn của báo chí, về một bài báo mà họ xem là ‘achievement’. Lâu lâu có dịp này như là một món quà đầu Tết Tân Sửu.
___
PS: Ý tưởng này đã qua 3 đời nghiên cứu sinh. Khởi đầu là Steve Frost cả 10 năm trước, kế đến là Phạm Thị Mỹ Hạnh, và sau cùng người làm thành hiện thực là Hồ Lê Phương Thảo. Khi Steve bắt đầu làm thì data chưa đủ để chắc ăn, nên tôi không công bố. Đến khi Hạnh viết luận án thì dữ liệu đã khá, nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, những lời bình luận về luận án của Hạnh tôi biết đồng nghiệp nhận ra tầm quan trọng của ý tưởng và nghĩ sẽ có cơ may công bố trên tập san hạng ‘top’. Sau cùng, khi Thảo tham gia thì dữ liệu xem như ‘chín mùi’ để công bố. Phải có kĩ năng về mô hình mới thực hiện được, và cuối cùng thì có quả ngọt.
Nhân đọc một bài báo viết về cái ‘moonshot’ để trị dứt ung thư [1] làm tôi liên tưởng đến nhiều chiêu trò có thể xem là ‘Sơn Đông mãi võ’ trong y khoa. Nhưng chiêu trò này chỉ làm tốn tiền bệnh nhân và người dân một cách không cần thiết.
Mooshot
Vài năm trước ở bên Mĩ lại có một ông tỉ phú Mĩ gốc Tàu Patrick Soon-Shiong tuyên bố là ông sẽ “cure” (trị dứt) ung thư bằng “moonshot”. Cái moonshot mà ông Soon-Shiong đề cập đến là cách gia tốc hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Nếu thành công, trong tương lai, bệnh nhân chỉ cần tiêm vaccine được bào chế từ công nghệ di truyền. Giới báo chí gọi ông Soon-Shiong là một ‘czar’ (Sa Hoàng) về y khoa. Ông thuyết phục cả TT Trump và ông Biden.
Nhưng vấn đề là cái moonshot của ông ấy có thực sự hiệu quả điều trị ung thư? Chưa có bằng chứng khoa học nào để nói như thế cả. Chẳng hiểu sao ông này, vốn là một nhà khoa học, mà tự tin như thế. Trong quá khứ ông ấy cũng đã từng có nhiều tuyên bố rất … khó nghe. Chẳng hạn như ông nói rằng ông có một công nghệ có thể giải mã toàn bộ genome trong vòng 47 giây (trong khi đó cái máy hiện đại nhất thế giới mà Viện Garvan đang có tốn đến 1 tuần để giải mã một genome).
Cho đến nay, tức 4 năm sau tuyên bố về moonshot, thì kết quả ra sao? Kết quả là … không có kết quả. Cái moonshot đó chưa thành hiện thực. Và, tôi đoán là sẽ khó thành hiện thực, bởi vì khoa học không có liêu pháp nào mà đơn giản và nhanh như thế.
Theranos
Câu chuyện moonshot cũng chẳng khác gì câu chuyện Theranos. Therabos là tên một công ti công nghệ sinh học do Elizabeth Holmes khởi xướng vào năm 2003. Theranos tuyên bố rằng họ sáng chế ra một phương pháp thử nghiệm máu dùng công nghệ nano, chỉ cần dùng rất ít máu (1/100 lượng máu hiện nay) họ có thể xét nghiệm chẩn đoán cho hàng loạt bệnh, và chi phí rẻ hơn các xét nghiệm hiện nay. Nghe qua rất tuyệt vời. Holmes đã thuyết phục nhiều người đầu tư lên đến 10 tỉ USD.
Ngay lúc đó, nhiều người rất ngạc nhiên về tuyên bố của Theranos, bởi vì chưa có bất cứ một nghiên cứu nào từ công ti được công bố trên các tập san y khoa. Không có dữ liệu nghiên cứu thì làm sao có thể nói công nghệ của Theranos là đáng tin cậy. Không ai biết cơ chế của phương pháp Theranos ra sao, và họ làm gì. Tuy nhiên mới đây có tin rằng người trong công ti đã nghi ngờ rằng phương pháp xét nghiệm không có hiệu quả như họ hứa [2].
Những gì xảy ra sau 2003 thì không khả quan. Trên tập san JAMA, Giáo sư John Ioannidis viết bài xã luận nghi ngờ những lời hứa ‘too good to be true’ của Theranos. Hai kí giả của tờ Wall Street Journal cũng chất vấn những lời hứa của công ti là phi khoa học. Các hiệp hội y khoa Hoa Kì cũng phản đối những tuyên bố quá đáng của Theranos, họ thậm chí còn kiện công ti ra toà. Đến năm 2016, công ti vẫn chưa cho ra đời sản phẩm như đã hứa. Trong cùng thời gian, tình hình tài chánh của công ti không khả quan (thiếu nợ hơn 4 tỉ USD). Đến năm 2017 thì công ti tuyên bố phá sản, và vào thời điểm đó, Theranos đã vay hơn 100 tỉ USD từ nhiều nguồn.
Tế bào gốc
Mấy năm gần đây thì lại xuất hiện những thông tin về chữa trị ung thư bằng tế bào gốc. Phải nói tế bào gốc là một nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghiên cứu y khoa và một niềm hi vọng gần như sau cùng cho việc chữa trị các bệnh mãn tính.
Nhưng khi tôi hỏi một đồng nghiệp là giáo sư về ung thư học về triển vọng dùng tế bào gốc để điều trị ung thư, thì anh ấy chỉ … mỉm cười. Anh ấy nói là trong thực hành lâm sàng mà anh ta đang làm thì tế bào gốc không được dùng trong điều trị ung thư. Tế bào gốc chỉ mới được phê chuẩn cho điều trị bổ sung một bệnh ung thư máu hiếm ở trẻ em.
FDA đã từng cảnh báo về tình trạng lạm dụng tế bào gốc của các công ti chuyên làm lời. Các bạn có thể đọc bài “FDA Warns About Stem Cell Therapies” để biết thêm. NEJM cũng đăng bài cảnh báo về tác hại của tế bào gốc nếu dùng không đúng [3].
Ấy vậy mà ở một số nước Á châu, có nơi người ta dùng tế bào gốc để chữa trị ung thư. Không ai biết hiệu quả ra sao so với liệu pháp hiện hành. Nhưng nguời ta vẫn quảng bá tế bào gốc như là một liệu pháp cho bệnh nhân ung thư.
‘Sơn Đông mãi võ’
Đã “lăn lộn” trong chiến trường nghiên cứu y học 30 năm nay, tôi không tin được cái moonshot của ông tỉ phú Soon-Shiong, tôi cũng không dám tin hiệu quả của tế bào gốc. Là người từng làm tư vấn cho mấy công ti dược về thử nghiệm lâm sàng, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu công trình thất bại và mấy công ti mất tiền. Kết quả nghiên cứu trên chuột có khi đầy triển vọng, nhưng khi áp dụng trên người thì thất bại thê thảm, có khi gặp rắc rối với pháp luật nữa. Những người làm nghiên cứu trên tế bào và chuột vì không thấy hết cái thực tế phức tạp trong lâm sàng nên nhiều khi có những phát biểu quá đáng, quá tự tin đến nổi khôi hài.
Một thời Sơn Đông mãi võ. Hình này chụp lại một buổi biểu diễn nhằm bán mật gấu (!) Ngày nay, quảng bá về y khoa hiện đại hơn vì có ‘nghiên cứu khoa học’ nhưng bản chất vẫn là quảng cáo bậy bạ.
Nhiều người quên rằng con đường của một loại thuốc từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh là rất dài. Thường là 20 năm, nhưng với công nghệ hiện đại ngày nay thì có thể 10 năm. Trong đoạn đường đó, phải qua 3-4 bước thử nghiệm, và cứ mỗi bước thử nghiệm thì xác suất thất bại là >90%. Những kết quả bước đầu trên tế bào, trên chuột chỉ là … bước đầu, nó không cho phép nhà khoa học nói bất cứ điều gì liên quan đến chữa trị con người cả. Quên cái nguyên tắc generalization này là rất nguy hiểm. Ngay cả khi thành công và triển khai trên người rồi, mà thất bại vẫn là một nguy cơ. Có ai còn nhớ câu chuyện HRT từ nước đái của ngựa cái?
Hồi nhỏ ở dưới quê tôi rất thích xem những màn trình diễn mà thời đó bà con gọi là Sơn Đông mãi võ. Các đoàn SĐMV thường đến các làng quê để bán thuốc. Thuốc của họ thường là thuốc tễ (mà sau này lớn lên tôi mới biết là toàn corticosteroids). Trong mỗi đoàn chỉ có vài người, và trong cái nhìn của tôi, họ rất giỏi võ. Họ dựng lên một sân khấu nhỏ ngoài chợ, một vài người ra tuyên bố buổi diễn, kéo theo là các màn múa võ, múa kiếm, ảo thuật làm tụi nhỏ tôi trợn mắt theo dõi và trầm trồ. Trong khi đó thì có người đi quanh giới thiệu “thuốc gia truyền”, thường là trị đau nhức, xổ lải, ho, sâu răng, tóm lại là các bệnh tiêu biểu dưới quê (nhưng không có bệnh ung thư). Mỗi lần như vậy họ bán được rất nhiều thuốc, và vừa mua vui cho bà con.
Những quảng bá về tế bào gốc và moonshot cho chữa trị ung thư cũng chẳng khác gì những quảng cáo của các gánh hát mãi võ Sơn Đông. Các đào kép diễn là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Thuốc của họ là tế bào gốc, là moonshot. Các đoàn diễn này có thể gây hiếu kì cho bà con, và thậm chí làm cho công chúng hao hụt tiền bạc một phần, nhưng sau đó thì chuyện đâu cũng vào đấy. Người bệnh thì vẫn bệnh mà còn mất tiền.
Nếu cần một ca để minh chứng cho tánh xấu của người Việt, các bạn chỉ cần đến những khu đông người Việt (ví dụ như ở Úc) là thấy ngay. Nơi tôi đậu xe có 5 tầng, có thể chứa hơn 400 (?) chiếc xe hơi. Sáng thứ Hai nào cũng rất sạch sẽ vì nhân viên của Hội đồng thành phố đến quét dọn và làm sạch tất tần tật. Nhưng những ngày sau đó thì mức độ dơ bẩn cứ tăng dần và đạt đỉnh điểm vào ngày Chủ Nhật. Đến ngày Chủ Nhật, khu đậu xe 5 tầng là một bãi rác lớn, gồm đủ thứ đồ thải, từ thức ăn và thức uống thừa, các hộp plastic, hộp giấy, và nay thì thêm cả … khẩu trang vung vãi khắp nơi. Nhìn toàn cảnh phải nói là còn dơ bẩn hơn cả những trạm đậu xe ở Việt Nam!
Đây là khu tập trung đông người Việt ở Sydney. Đa số những người đậu xe ở đây là người Việt, người Hoa, và cả người Trung Đông (có lẽ ít hơn). Có thể nói không ngoa rằng cả 3 sắc tộc này đều mang tiếng là … ở dơ. Không biết ai hơn ai về cái thói ở dơ, nhưng nhìn cảnh họ vứt rác bừa bãi thì phải nói là kinh khủng. Họ thản nhiên mở cửa xe quăng rác xuống đường. Họ vô tư mở cửa xe hỉ mũi vào không khí và người đi sau có thể … lãnh đủ. Họ không quan tâm gì đến vệ sinh công cộng, và cũng chẳng quan tâm đến người phía sau. Dĩ nhiên, không phải người Việt nào cũng vậy, nhưng chỉ một thiểu số như vậy cũng đủ để chúng ta xấu hổ. Người quét dọn cái nhà đậu xe nghĩ gì, khó ai biết, nhưng chắc chắn họ không đánh giá cao người Việt chúng ta.
Tôi thỉnh thoảng hỏi một ‘thủ phạm’ sao vứt rác như vậy, thì câu trả lời rất thú vị. Họ nói rằng chẳng cần quan tâm, vì hành vi của họ là tạo công ăn việc làm cho nhân viên của Hội đồng thành phố! Nhưng hình như họ không nghĩ rằng chúng ta — và cả họ — phải trả tiền thuế để trả lương cho những người nhân viên đó. Vả lại, cách lí giải đó là một nguỵ biện cho hành vi kém văn hoá của một cộng đồng.
Điều đáng nói ở đây là những đồng hương này đã tiếp xúc với ‘thế giới văn minh’. Họ đã sống trong xã hội Úc này một thời gian, một xã hội rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh công cộng. Như tôi nói, chỉ có một số ít người Việt xả rác như thế thôi. Những người ở Úc lâu năm (ví dụ như trên 10) thì chắc không xả rác bừa bãi như tôi mô tả và cũng không có suy nghĩ kiểu ‘tạo công việc cho người khác’. Thế hệ người Việt thứ hai thì chắc chắn là không xả rác như thế. Chỉ có thể suy đoán là hành vi xả rác đó hay thấy ở người Việt mới đến Úc định cư, hay người Việt chưa quen với văn hoá vệ sinh công cộng. Văn hoá mang tính di truyền, và rất có thể họ đem những ‘nét quê hương’ sang Úc. Cũng có thể thời gian dài chưa đủ để tiến hoá đến hành vi văn minh. Dù lí do gì thì họ cũng làm xấu hổ người Việt.
Câu chuyện tôi kể chỉ để nhằm giới thiệu một cuốn sách mới có tựa đề là “Người xưa cảnh tỉnh” (1) của hai soạn giả Trần Văn Chánh và Vương Trí Nhàn. Đây là cuốn sách thuộc vào nhóm sách ‘học làm người’ thời nay.
Những sách cảnh tỉnh, vạch ra những thói hư tật xấu của một dân tộc không phải là mới, nhưng mới với Việt Nam. Người Mĩ đã có “The Ugly American” (Người Mĩ xấu xí). Người Úc có “The Ugly Australian” (Người Úc xấu xí). Người Nhật cũng có một cuốn sách tương tự. Gần chúng ta hơn, người Hoa cũng đã có một cuốn sách như thế. Thật vậy, đúng 20 năm trước, tác giả Bá Dương (Bo Yang) đã làm cho cả thế giới và cộng đồng người Hoa xôn xao khi ông cho xuất bản cuốn sách ‘Xú Lậu Đích Trung Hoa Nhân’ (‘Người Hoa Xấu Xí’). Trong sách, Bá Dương (người Hoa sống ở Đài Loan) liệt kê và phê phán không khoan nhượng những nét văn hóa, những thói quen, những hủ tục ‘xấu xa’ của người Hoa. Ông không có một chữ nào để viết về những nét văn hóa ‘đẹp’ của Trung Hoa. Cuốn sách được bán rất chạy, và trở thành đề tài bàn luận của hầu hết các tầng lớp xã hội, từ giới bình dân đến trí thức. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề ‘The Ugly Chinaman and the Crisis of Chinese Culture’ (và đã tái bản 3 lần), được xem là ‘cẩm nang’ của người phương Tây để hiểu biết hơn người Hoa.
Nhưng người Việt thì chưa có một cuốn sách hoàn chỉnh như những cuốn ‘ugly’ đề cập trên đây; có lẽ cuốn ‘Người xưa cảnh tỉnh’ là gần nhứt. Tuy chưa có, nhưng các học giả Việt Nam trong quá khứ đã nhiều lần nói lên những tính xấu của người Việt. Họ viết ra những điều đó trong nhiều dịp và bối cảnh khác nhau, có khi rất cá nhân, nhưng nói chung là rất rải rác và rời rạc. Chúng ta chưa có một tổng luận có hệ thống về thói xấu của người Việt.
Sách là một loại ‘anthology’ hay tập hợp những đoạn văn của các học giả Việt viết về tính cách và thói quen của người Việt. Đó là những học giả sống vào thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 như Nguyễn Trường Tộ, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Nguyễn Văn Huyên, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Ngô ĐứcKế, Đào Duy Anh, Hoàng Đạo, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Quỳnh, Dương Bá Trạc, v.v. Họ viết ra những nhận xét đó trong các bài báo và khảo luận văn hóa. Thời gian họ viết ra trong những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi nền báo chí học thuật Việt Nam bắt đầu khởi sắc. Những nhận xét đó được viết bằng thể văn có khi là học thuật, có khi là ngôn ngữ thô, nhưng nhiều khi là châm chọc.
Trong ‘Người xưa cảnh tỉnh’ hai soạn giả Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh mượn những lời nhận xét của các học giả đó để cảnh tỉnh người Việt ngày nay. Đó là một cuốn sách không hẳn dễ đọc, nhưng khi đã đọc thì khó buông được, bởi vì hình như người đọc có thể tìm thấy hình bóng của chính mình hay những người chung quanh trong từng câu chữ trong sách.
Soạn giả Trần Văn Chánh
Sách gồm 2 phần: phần đầu là sưu tập những câu nói của các học giả, và phần hai là tổng luận. Phần I được sưu tập bởi tác giả Vương Trí Nhàn (Hà Nội). Phần II được viết bởi tác giả Trần Văn Chánh (Sài Gòn). Phần đầu, Vương Trí Nhàn sưu tập đến 260 câu nói của các học giả. Ông sắp xếp các phát biểu đó dưới 13 tiểu mục: ăn ở, cư trú và mối liên hệ với thiên nhiên; tệ nạn xã hội; dân trí và ý thức xã hội; giáo dục; giao lưu tiếp xúc; tìm tòi học hỏi và tiếp nhận người nước ngoài; làm ăn buôn bán; nói năng, suy nghĩ, lễ nghi, phong tục; quan hệ giữa người với người; tổ chức quản lí làng xã; tổng quát về người Việt; trí thức quan lại; và văn hóa nghệ thuật và học thuật. Phần tóm tắt có thể xem dưới đây (2). Như có thể thấy, đó là một danh sách dài những thói hư tật xấu của người Việt.
Có thể xem cấu trúc quyển sách như là một tiểu luận mang tính học thuật định tính. Phần đầu là những dữ liệu (hay nói ‘chứng cứ’ cũng được), và phần hai là diễn giải những dữ liệu đó và đặt chúng vào bối cảnh hiện tại. Do đó, đọc phần đầu thì có thể hơi nhàm vì dữ liệu (260 câu trích dẫn), nhưng đọc phần hai thì thấy thú vị hơn vì người đọc sẽ hiểu những dữ liệu đó có ý nghĩa gì, và biết được những cách nhìn của tác giả. Bài tổng luận (tác giả gọi là ‘tổng thuật’) bắt đầu bằng một trường hợp liên quan đến một tiếp viên của Vietnam Airlines bị tạm giam ở Nhật vì nghi ngờ xách lậu hàng ăn trộm về Việt Nam, và tác giả Trần Văn Chánh bàn về những thói quen không mấy hay ho của người Việt. Tác giả trích lại nhận xét của học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược về người Việt: ‘Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác.’ Tác giả cho rằng nhận xét đó khá đúng với tâm tánh của người Việt (dĩ nhiên là nói chung), dù nhiều người không muốn nhìn nhận điều đó. Tác giả Vương Trí Nhàn đi đến nhận xét rằng ‘Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình.’
Cũng như sách của Bá Dương, quyển ‘Người xưa cảnh tỉnh’ không có một lời nói nào tốt về người Việt, đơn giản vì đó không phải là mục tiêu của sách. Mục tiêu là mượn lời nói của người xưa để cảnh tỉnh người Việt thời nay. Người Việt thời nay, bên cạnh những nét văn hóa hay, còn có rất rất nhiều thói quen và quán tính chỉ có thể mô tả bằng một cụm từ: khó hòa nhập với thế giới văn minh.
Đó là những thói quen và quán tính mà tác giả Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh đề cập đến trong sách. Sách còn có những trích dẫn mà nếu đối chiếu lại ngày nay cũng khá thời sự tính, như nền giáo dục giết chết nhân cách (Đào Duy Anh) và nền giáo dục bị thương mại hóa (Thái Phỉ). Những thói như loanh quanh chỉ những ăn uống (nhận xét của Phan Kế Bính), mê muội hưởng lạc (Nguyễn Trường Tộ), mê tín gây lãng phí, ăn uống chơi bời bên cạnh nỗi đau của người khác (Phan Kế Bính), thạo sử người hơn sử mình (Hoàng Cao Khải), học đòi làm dáng sống sượng (Nguyễn Văn Vĩnh), chỉ biết học cái bề ngoài (Phạm Quỳnh), hiếu danh đến mất tự trọng (Phạm Quỳnh), chỉ trích và châm chọc (Lương Đức Thiệp), hay nghi ngờ và hại nhau trong công việc (Phan Bội Châu), khinh miệt cá nhân (Hoài Thanh), mưu danh bằng cách hạ nhục kẻ khác (Hoa Bằng), v.v. tất cả đều dễ dàng nhận ra trong xã hội ngày nay.
Một câu hỏi đặt ra là những thói xấu vừa đề cập có phải là ‘văn hóa’. Nếu lí giải rằng cái nền văn hóa Việt Nam là nguyên nhân của những thói hư tật xấu đó có vẻ đơn giản hóa vấn đề, bởi vì người Việt ở nước ngoài có vẻ có ít thói xấu như thế so với người trong nước, và ngay cả ở trong nước cũng có sự khác biệt lớn về lề thói ứng xử giữa người miền Bắc và miền Nam trước 1975, hay sau và trước 1975. Tức là có một yếu tố khác, hơn là văn hóa, có thể giải thích tại sao những cái mà tác giả gọi là ‘thói hư tật xấu’ của người Việt. Tôi nghĩ rằng đó là thể chế chính trị – xã hội. Khi nói ‘thể chế’, tôi muốn nói đến cái tiếng Anh gọi là ‘institution’, chứ không hẳn là chế độ chính trị. Nhưng dĩ nhiên, có người sẽ nói chế độ đẻ ra thể chế văn hóa, nên người ta cũng có lí do qui về chế độ.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy người Á châu, kể cả người Việt, ít tin tưởng vào người lạ hơn là người Âu châu. Có lẽ vì văn hóa Á Đông phân biệt tương đối rạch ròi giữa Trong Nhóm và Ngoài Nhóm. Người Trong Nhóm dễ tin hơn người Ngoài Nhóm. Và, có người chỉ ra rằng các tập đoàn kinh tế người Hoa thường do người trong gia đình nắm quyền điều hành, còn các tập đoàn kinh tế Âu Mĩ thì ít có ‘thể chế gia đình trị’ đó, và do đó có thể giải thích tại sao nhiều tập đoàn kinh tế Á châu khó vươn ra ‘biển lớn’. Riêng trường hợp Việt Nam, mới có một cuộc điều tra xã hội cho thấy có khoảng 23% là người ta tin tưởng lẫn nhau, và có đến 80% người trả lời sẵn sàng lợi dụng người khác để hưởng lợi cho mình, nói lên một xã hội bị sứt mẻ niềm tin nghiêm trọng. Với một xã hội như thế thì chúng ta khó kì vọng gì lành mạnh và tươi sáng cho tương lai, cũng giống như bên Tàu, dù kinh tế có phát triển đây đó nhưng thế giới vẫn xem người Hoa là một loại hạng hai.
‘Người xưa cảnh tỉnh’ có thể làm cho nhiều người cau có, thậm chí giận dữ, bởi vì tác giả chỉ nêu lên những thói xấu của người Việt. Nhưng nếu có những nhận xét giận dữ và phản ứng hằn học với quyển sách thì điều đó chỉ thêm minh chứng về tính xấu của người Việt mà thôi. Tuy quyển sách chưa phải là một quyển ‘Người Việt Xấu Xí’ (chứ chưa chắc ‘xấu xa’) như cuốn của Bá Dương, vì tác giả chỉ ‘mượn’ người xưa, chứ chưa trực diện tấn công như Bá Dương. Tuy nhiên, những lời của người xưa và lí giải trong sách cũng đáng để chúng ta tham khảo.
Nhưng mục tiêu của tác giả là cảnh tỉnh người thời nay. Cảnh tỉnh để tự sửa mình. Khi được hỏi người Việt nên bắt đầu từ đâu để tự sửa mình, tác giả nghĩ đến giáo dục và luật pháp. Tôi nghĩ đó có lẽ cũng là câu trả lời nhiều người nghĩ đến, nhưng chưa đủ. Giáo dục và luật pháp chịu sự chi phối nặng nề của thể chế chính trị, cho nên tôi nghĩ cái gốc và cũng là nơi khởi đầu chỉnh sửa chính là thể chế. Ngoài thể chế, tôi nghĩ vai trò của tôn giáo độc lập cũng vô cùng quan trọng. Có rất nhiều nghiên cứu tâm lí xã hội ở phương Tây cho thấy mối liên hệ dương tính giữa đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân và mức độ hoạt động độc lập của tôn giáo. Do đó, cảnh tỉnh là ở cấp độ cá nhân, dù rất quan trọng, nhưng vẫn cần phải có sự tác động của ‘hệ thống’ thể chế và tôn giáo.
‘Người xưa cảnh tỉnh’ cũng có thể ví như là một tấm gương. Tấm gương đó có tác dụng phản chiếu để mỗi chúng ta nhìn thấy những tì vết tâm lí của chính mình mỗi ngày. Tôi nghĩ cuốn sách xứng đáng có mặt trong tủ sách của mỗi gia đình người Việt. Tác giả Bá Dương đã qua đời năm 2008, và trước ngày qua đời ông nhận định rằng cuốn sách ‘Người Trung Hoa Xấu Xí’ của ông đã giúp cho người Hoa tốt hơn. Chúng ta cũng hi vọng rằng quyền ‘Người xưa cảnh tỉnh’ của hai tác giả Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh cũng có tác động tích cực như thế cho người Việt trong tương lai.
====
(1) Sách “Người xưa cảnh tỉnh: thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỉ 20” của hai tác giả Vương Trí Nhàn (sưu tầm) và Trần Văn Chánh (luận giải), do Nxb Tổng Hợp ấn hành năm 2018. Sách dày 284 trang, khổ nhỏ, giá bán 90,000 đồng.
Tóm tắt trong sách về những thói hư tật xấu của người Việt:
“1. Người Việt và ý thức công dân ý thức xã hội (Phần 1):
Bảo thủ, dựa dẫm, cầu an; Tri túc và hiếu cổ; Cái gì cũng đổ tại trời; Ma quỷ sống lẫn với người hèn yếu; Ý thức quốc gia thức tỉnh quá chậm; Khi bàn chuyện quốc gia chỉ ham hư danh; Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng; Lo việc nước theo lối tự tư tự lợi; Tư tưởng gia nô; Kém óc hợp quần; Một vài thói tục đã thành di truyền (một là học để làm quan, hai là làm quan ăn lót, ba là a dua người quyền quý, bốn là trọng xác thịt…); Sợ tự do, cam chịu làm nô lệ; Chưa trưởng thành trên phương diện công dân; Các hội nghề nghiệp yếu ớt ọp ẹp; Sinh hoạt hội đoàn dễ bị làm hỏng; Theo sự chi phối của quan niệm hư vô.
2. Người Việt và ý thức công dân ý thức xã hội (Phần 2):
Có độc lập cũng cướp đoạt của cải và chém giết nhau đến chết; Dân trí thấp kém… (hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả…); Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm; Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần; Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung; Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước; Dễ ỷ lại; Trong việc nước cũng ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ; Rên rỉ than vãn mỗi khi gặp khó; Không có chí viễn du; Xa lạ với chuyện phiêu lưu; Căn tính nô lệ, run sợ trước cái mới; Không thiết việc đời; Chống đối tự phát (như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi, nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới…); Đi đâu cũng lo quay về làng; Ngoài làng xã không biết gì đến nước nhà đến thế giới; Tình yêu làng nước cản trở tiến bộ; Ương ngạnh, hoài nghi, khó dìu dắt.
3. Người Việt qua cách nói năng cười cợt
Không còn lễ nghĩa liêm sỉ; Những câu chửi rủa quá quắt; Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta không ra ta; Thiên về những cái tầm thường thô bỉ; Tật huyền hồ sáo hủ (chỉ sự ăn nói lời nói linh tinh, trống rỗng, giả tạo…); Gì cũng cười (trong tiếng cười ẩn chứa nhiều ý xấu…); Tiếng cười vô duyên; Nói bừa nói bãi, tủi nhục cho cả nòi giống; Hay cãi nhau, thích kiện tụng; Chỉ trích và châm chọc.
4. Thói hư tật xấu người Việt trong làm ăn buôn bán
Thiếu cái gan làm giàu; Không lo xa, dễ thỏa mãn; Ăn xổi ở thì, chưa lo làm đã lo phá; Không biết chấn hưng thực nghiệp; Đồng tiền không dùng để sinh lợi; Những người thợ bất đắc dĩ; Buôn bán lòng vòng trong phạm vi hẹp; Không có nghề nào đạt tới trình độ chuyên nghiệp; Không chịu học buôn học bán; Khéo tay mà trí không khôn; Không ai chuyên nhất việc gì; Làm hàng bán hàng đều kém; Tài trí thua kém; Thời gian phí phạm cách sống làm điệu làm dáng; Quan niệm về kinh tế quá cổ lỗ; Giữa chủ và thợ không tìm được hình thức cộng tác thích hợp; Những cái gia truyền dần dần mất đi; Ngủ yên trên danh vọng; Bôi bác, giả dối, chỉ cầu rẻ; Người làm nghề không ngóc đầu lên được; Không biết thích ứng với xã hội hiện đại.
5. Việc tìm tòi học hỏi và nền giáo dục của người
Nhắm mắt bắt chước điều không hay của cổ nhân và ngại thay đổi; Dễ học cái dở; Học thuật hủ bại; Học để kiếm gạo; Học để làm quan; Học đòi vặt vãnh bỏ qua chuyện lớn; Nặng tính hiếu kỳ; Thần trí bạc nhược, thiếu óc tự lập; Như cái cây bị “cớm”; Con ma cử nghiệp giết chết sự học; Có khoa cử mà không có sự 22 nghiệp; Giáo dục hiện đại bị thương mại hóa; Thiếu niên hư hỏng; Đỗ đạt là xong, không còn cầu học; Một nền giáo dục giết chết nhân cách; Không có một nhà tư tưởng, không có người khao khát tìm đạo lý mới.
6. Việc tìm tòi học hỏi và nền giáo dục của người Việt (2)
Khi học thuật kém cỏi lòng người sinh ra phù phiếm, phong tục trở nên bại hoại; Nói láo nói linh; Không học nên thiếu tư cách làm người; Cái hay của người đến mình trở thành cái dở; Học không biết cách, luật pháp hồ đồ, cương thường giả dối; Không học được cách tư duy hợp lý; Không có học thuyết của mình (xưa nay ta chỉ có mấy lối học của Tàu truyền sang…); Việc bắt chước dễ dãi thường gây nhiễu loạn; Mô phỏng lâu ngày quên cả sáng tạo; Mình lại rẻ mình, bản thân tự làm hỏng; Tình nghĩa thầy trò bị hiểu sai lệch và bị lợi dụng; Chỉ lo nuôi không lo dạy; Sẽ có lúc mất hết đạo lý? (song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục…); Không chú trọng học thuật sẽ thành dân tộc bỏ đi.
7. Thị hiếu nhỏ mọn và chất bi thương sầu cảm trong văn chương
Thị hiếu tầm thường; Văn chương phù phiếm, toàn giọng bi thương; Đằng sau thói quen đẽo gọt là sự nhu nhược; Chỉ giỏi về văn thù ứng; Tưởng thật mà hóa dối; Khinh miệt cá nhân; Không tìm thấy bản sắc; Phê bình nghĩa là nịnh nọt; Nhắm mắt bắt chước cốt kiếm lợi; “Tiểu thuyết của phường coi cổng” (những cuốn tiểu thuyết hay nhất của ta bây giờ, già lắm chỉ bằng những cuốn tiểu thuyết của phường coi cổng bên Pháp mà thôi!…); Nhiều trò quảng cáo bỉ ổi; Những nhạc điệu rời rạc, ẻo lả; Nặng tính trang sức mà thiếu sức sống (nghệ thuật Việt Nam thường bị bó buộc trong lề lối cổ…); Kiếp người bấp bênh văn chương sầu não.
8. Quan hệ giữa người với người: tham lam ích kỷ cạnh tranh nhỏ nhặt
Không ai hết lòng với ai; Tham lợi dẫn đến vô cảm; Không biết hợp quần; Ích kỷ và khôn vặt; Chỉ biết cạnh tranh trong những việc tầm thường, lặt vặt; Vừa không thiết chuyện gì, vừa xét nét nhỏ nhặt; Lợi dụng đạo nghĩa kiếm lợi; Danh dự bị hiểu sai lạc và mang ra mua bán; Trông nhau để … yên tâm trục lợi; Cách sống của kẻ cùng đường; Mưu danh bằng cách hạ nhục kẻ khác; Chỉ biết lo thân.
9. Bẻ quẹo những chuẩn mực đạo lý nhân bản
Lêu lổng qua ngày, mất hết tự trọng; Trông đợi quá nhiều ở sự may rủi; Thiếu tận tâm, tránh khó tìm dễ; Xấu làm tốt dốt làm thông; Không biết tôn trọng cả lợi ích công cộng lẫn lợi ích cá nhân; Những ham muốn tầm thường; Giả dối thịnh hành, không biết nhìn ra sự thật; Giải thích sai các giá trị (hỏi trọng gì, ắt là võng lọng cân đai; hỏi quý ai, tất là ông cả bà lớn; hỏi cái gì là sang, tất là xe ngựa lâu đài ngọc ngà gấm vóc…); Đạo lý ngược đời; Trung dung theo nghĩa nửa vời, trung dung cốt để ngu dân (“Trung dung thật là một cái thuyết lôi thôi, mà xã hội ta chịu lấy cái ảnh hưởng trung dung ấy mà hóa ra một cái xã hội ương ương dở dở, trắng không ra trắng đen không ra đen…”); An nhẫn lẫn với đê hèn nhục nhã; Lười biếng và hay nói hão…
10. Giả dối, lừa lọc, kiêu ngạo, hiếu danh
Không biết giữ chữ tín; Hiếu danh đến mất tự trọng; Bệnh giả dối quá nặng; Sợ mang tiếng chứ không phải sợ cái xấu; Chỉ giỏi diễn trò trước mặt mọi người; Kiêu ngạo, hợm hĩnh, 23 theo đuổi những cái hão huyền; Khiêm nhường giả, kiêu căng thật; Hay tự ái và thích chơi trội; Tinh thần voi nan (những con voi to lớn lắm, có đủ chân đủ vòi, nhưng nó ở trong bằng nan ở ngoài bằng giấy…); Học đòi, làm dáng.
11. Nếp tư duy đơn sơ tùy tiện
Kém óc khoa học; Óc tồn cổ; Quá vụ thực trong tư duy; Điều hòa với nghĩa… chắp vá bừa bãi; Áp đặt chuyên chế mọi nơi mọi chỗ; Gọt chân cho vừa giày; Chỉ suy nghĩ bằng khuôn sáo; Không chịu được những tìm tòi phá cách; Bỏ cũ theo mới một cách nông nổi; Thói quen cam chịu; Dễ dãi thô thiển thế nào cũng xong; Tùy tiện thay đổi, chỉ cốt có lợi.”
Hôm nay là Mồng Ba Tết, tức là ngày đưa tiễn ông bà và cũng là ngày suy ngẫm về 365 ngày sắp tới. Còn gì hay hơn để cùng nhau suy nghiệm về những lời giảng ‘chỉ có 2 thứ trên đời’ [1] của Linh mục Micae Phạm Quang Hồng (tiểu sử ở phần dưới [2]). Thật ra, bài giảng này trích dẫn từ cuốn sách ‘Dòng sông chảy mãi’ của Lê Luân. Ngài nói về ‘Chỉ có hai thứ trên đời‘, nhưng thật ra là 40 thứ trên đời chúng ta nên học!
Ngài nói về 2 thứ cần phải tiết kiệm, cho đi, thay đổi. giữ gìn, trân trọng, thực hiện, lãng quên, khắc ghi, thành công, không được làm, kiểm soát, bảo vệ, v.v. Đây là những bài học này có lẽ được chắt chiu từ trải nghiệm cuộc sống của ngài, kể cả 10 năm tù đày. Bằng một giọng nói truyền cảm, cách dùng chữ đơn giản, và một phong cách có khi dí dỏm, ngài truyền đạt những thông điệp này một cách tuyệt vời. Cũng là người biết chút ít về giảng bài, tôi phải nói rằng ngài là bậc thầy về truyền đạt. Dưới đây, tôi mạn phép sắp xếp lại và lí giải một chút về những ý tưởng chánh mà ngài gởi đến chúng ta:
Có hai thứ bạn nên tiết kiệm: sức khỏe và lời hứa
Sức khoẻ được ví von là vàng, là tài sản vô giá mà mỗi chúng ta có được. Đừng phung phí sức khoẻ cho những việc chẳng ra gì. Lời hứa đem đến kì vọng của người khác, và nếu mình hứa mà không làm được thì sẽ làm cho người ta thất vọng và mình thì mất uy tín. Phải tập nói ‘KHÔNG’ với những hứa hẹn nằm ngoài khả năng và tri thức của mình. Không nên hứa vung vít.
Có haithứ bạn phải cho đi: đó là tri thức và lòng tốt
Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà mình có với mọi người là một niềm vui tuyệt vời. Không biết các bạn thì sao, chớ tôi thì sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết và trải nghiệm với mọi người (và trang fb này và kênh youtube là một ví dụ), và cứ mỗi lần có bạn viết mail cảm ơn làm tôi vui trong lòng. Lòng tốt là một ‘món hàng’ vô giá mà chúng ta có. Lòng tốt có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Có lần một anh bạn nói rằng cuộc sống có 3 cung bậc: cuộc sống tiện nghi, cuộc sống hạnh phúc, và cuộc sống đem lại tiện nghi và hạnh phúc cho người khác. Thành ra, đừng giấu diếm kiến thức, hãy chia sẻ với mọi người. Chúng ta hà tiện với sức khoẻ và lời hứa, nhưng chúng ta nên sẵn sàng hào phóng với tấm lòng tử tế.
Có hai thứ bạn phải khắc ghi: công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
Những ai còn dòng máu Việt thì đều biết rằng người Việt tình cảm dành cho cha mẹ là thiêng liêng. Bài ca dao ‘Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con’ ai cũng thuộc lòng. Cho nên khắc ghi công ơn cha mẹ là điều không được tranh cãi, hay nói theo tiếng Anh là ‘not negotiable’.
Khắc ghi sự giúp đỡ của người khác cũng là ‘not negotiable’. Ở đời, chúng ta nhận biết bao nhiêu sự giúp đỡ của người khác. Những sự giúp đỡ đó đa phần là không nằm trong bổn phận của họ, mà xuất phát từ tấm lòng tốt của họ. Người Trung Hoa có một câu tuyệt hay là ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư‘ có thể xem là một lời nhắc nhở rằng chúng ta phải khắc ghi (‘khắc ghi’ nhé, chớ không phải chỉ ‘ghi nhận’) sự giúp đỡ của thế nhân. Khắc ghi lòng tốt của người ta, và đừng bao giờ phản bội.
Có haithứ bạn không được làm: hãm hại người khác và phản bội.
Hai điều nàythì quá hiển nhiên, tưởng không cần giải thích. Tuy nhiên, với đà phát triển của mạng xã hội, việc hãm hại và phản bội càng ngày càng phổ biến, nên thiết nghĩ vẫn cần phải nhắc nhở. Có lần đọc bài phỏng vấn Nhà văn Mai Thảo, ông nói rằng ‘Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. […] Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp.’
Ai trong chúng ta, kể cả tôi, cũng từng bị phản bội. Có những người mình giúp họ hết lòng, giúp trong việc học và cả cho đi định cư nữa, nhưng đến một dịp nào đó, họ quay sang phản bội mình. Những kẻ phản bội tôi thường đến từ một miền của đất nước (nhưng không tiện nói ra). Không biết các bạn thì sao, chớ với tôi mỗi lần bị phản bội, cũng đau lắm chớ, nhưng cách tốt nhứt là tránh xa những kẻ đó và quên đi. Đó cũng chính là bài học dưới đây của ngài Linh mục Phạm Hồng Quang mà tôi rất tâm đắc.
Có haithứ bạn phải lãng quên: đau thương và hận thù
Đúng là như vậy. Nỗi đau và lòng hận thù cũng giống như là những độc chất. Nếu duy trì hai độc chất này trong cơ thể thì chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mà thôi. Hãy tìm một việc làm từ bi hoá giải hận thù, hãy tìm một việc làm có ích để quên đi nỗi đau. Trong Phật giáo có lời khuyên rằng lấy từ bi để rửa sạch oan nghiệp, lấy lòng vị tha để xóa bỏ hận thù, rất có ích.
Có hai thứ bạn buộc phải có để là người thành công: lòng đam mê và lòng kiên trì.
Diễn giải ngược lại là nếu không có lòng đam mê và sự kiên trì thì khó có thể thành công. Kiên trì hay persistence là một yếu tố số 1 của cái gọi là ‘thành công’. Làm việc mà không kiên trì thì sẽ không đạt được kết quả, hay có đạt được thì cũng chỉ là hạng thấp. Nhưng kiên trì vẫn chưa đủ, mà còn phải có đam mê.
Ở Viện tôi làm, người ta hay hỏi niềm đam mê của bạn là gì? Khó trả lời, nếu không suy nghĩ kĩ. Đam mê ở đây có nghĩa tiếng Anh là ‘Passion’. Passion có nghĩa là sự nhiệt tình và hào hứng chúng ta dành cho công việc đang làm, nó là yếu tố xác định sự khác biệt giữa làm cho xong việc và làm tốt việc. Cũng là theo đuổi nghiên cứu khoa học, có người làm chỉ vì đối phó như có số bài báo trong lí lịch để được thăng chức, nhưng cũng có người làm vì đam mê đem lại một cái gì đó có ích cho xã hội, làm vì tấm lòng phụng sự cộng đồng (chớ không vì chức vị). Bạn hãy thử hỏi: mình cho trông chờ đến ngày thứ Hai để đi làm?
Có haithứ bạn phải thay đổi: bản thân và nhận thức
Đây là lời khuyên quan trọng mà có khi chúng ta không chú ý tới. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là chúng ta phải ‘tự diễn biến’! Tự diễn biến ở đây có nghĩa là phải tự làm mới mình và tự làm mới nhận thức. Nhận thức không bao giờ là bất biến, mà thay đổi theo thời gian vì có dữ liệu mới (giống như trường phái Bayesian). Richard Feynam cũng từng nói “You are under no obligation to remain the same person you were a year ago, a month ago, or even a day ago. You are here to create yourself, continuously.” Có nghĩa là: bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục. Tất cả chúng ta phải tự làm mới mình, chớ không thể duy trì một chỗ đứng vĩnh viễn. Lời khuyên của ngài linh mục và Feynman rất ư phù hợp với khái niệm ‘vô thuờng’ trong Phật giáo.
Nhân dịp năm Tân Sửu, tôi mến chúc các bạn 365 ngày tự làm mới mình!
Xin nhắc lại những câu wisdom này là từ sách của Luân Lê, và LM Quang Hồng diễn giải.
[2] Linh mục Micae Phạm Quang Hồng sanh năm 1949 tại Sài Gòn. Năm 14 tuổi ông đã đi tu thuộc dòng Lasan. Sau 1975, ông bị bắt đi tù 10 năm, và mãi đến 1988 mới ra tù. Ông còn là một võ sĩ. Năm 1998 ông dẫn đoàn võ sĩ Việt Nam sang Úc tranh tài, và khi cuộc tranh tài kết thúc thì tất cả 13 võ sĩ đều xin ở lại Úc, và ông không còn lựa chọn nào khác là … cũng xin tị nạn. Năm 2006 (tức 57 tuổi) ông được thụ phong linh mục ở Perth, Tây Úc. Ngài có nhiều câu chuyện dí dỏm rất hay ở đây:
Hôm nay là ngày đầu năm Tân Sửu. Tôi biết nói ra những chữ sau đây có thể là thừa và sáo ngữ, nhưng tôi vẫn muốn nói: Cung Chúc Tân Xuân. Mến chúc các bạn 365 ngày tự làm mới mình để hướng đến Chân Thiện Mĩ.
Nói như Richard Feynman là cuộc sống không phải là những gì được ban cho, mà là những gì chúng ta kiến tạo nên. Đứng trước thềm năm mới cũng chẳng khác gì đứng trước 365 tờ giấy trắng của cuộc đời, và nhiệm vụ của chúng ta là điền vào từng tờ giấy đó bằng những gì đẹp đẽ nhứt. Chúng ta sẽ điền vào đó bằng những gì chúng ta đã quên trong năm qua — những câu chữ tích cực mà mình quên nói ra, tình yêu mà mình quên thể hiện, và lòng tử tế mà mình quên cống hiến.
Và, chúng ta không còn là người của năm qua hay tháng trước nữa, mà là một nhân vật mới. Do đó, Năm Mới không phải chỉ đơn giản là cái mốc thời gian gọi là ‘Tân Xuân’ để ăn mừng, mà là ngày để chúng ta kiến tạo ra một tâm hồn mới, cặp mắt mới, đôi tai mới, và bộ xương mới.
Tâm hồn mới để sống tử tế hơn, bao dung hơn, và để không nghĩ đến điều xấu xa.
Cặp mắt mới để nhìn đời một cách sáng suốt hơn, trong sáng hơn, và để tránh nhìn những điều xấu xa.
Đôi tai mới để lắng nghe tiếng lòng của thế nhân, tiếng gọi của con tim, và để không nghe những lời xấu xa.
Bộ xương mới để vững chãi hơn, năng động hơn, và để tránh dẫm lên những bước chân của người xấu xa.
Cuộc sống như một dòng sông, và Tân Xuân chỉ là một đoạn mới của dòng sông. Nếu năm vừa qua chúng ta cư xử với thế nhân kém tử tế, hay thấy điều trái khuấy, hay nghe điều tiêu cực, hay thất bại trong công việc, thì Năm Mới đây là dịp để chúng ta cư xử với thế nhân bằng tấm lòng rộng lượng, bằng cái nhìn bao dung, bằng cách lắng nghe những âm vọng đẹp đẽ, và bằng những bước đi cống hiến cho đời.
Ngày xưa, vào đời Nhà Ân bên Trung Hoa, tương truyền rằng Thang Vương ghi câu “cẩu nhật tân nhật, nhật tân hựu nhật tân“, có nghĩa là nên tắm rửa mỗi ngày thì sẽ đem lại một điều mới khác mỗi ngày.
Nhân dịp xuân Tân Sửu, mến chúc các bạn xa gần 365 ngày tự làm mới mình để hướng tới cái cái chân tâm và thiện mĩ.
Tôi rất hân hạnh chia sẻ một tin vui: bài báo đầu tiên về tình hình ung thư vú ở Sài Gòn mới được công bố vài giờ trước trên PLoS ONE [1]. Bài báo này sẽ giải tỏa những ngộ nhận về tình hình ung thư vú ở VN.
Đây là một trong những công trình tâm huyết của chúng tôi. Tác giả chánh của bài báo là Bs Phan Xuân Dũng (hình như là đồng hương Kiên Giang) và các đồng nghiệp trong nhóm VOS.
Không nói ra thì nhiều bạn đã biết rằng ung thư vú là loại ung thư đáng sợ nhứt trong các loại ung thư. Tuy nhiên, dữ liệu về ung thư vú (và ung thư nói chung) ở VN rất hiếm thấy trong y văn. Thành ra, có những câu hỏi căn bản và đơn giản (như có bao nhiêu ca ung thư mỗi năm) mà khó tìm dữ liệu để trả lời.
Trong điều kiện thiếu thốn dữ liệu, rất nhiều bài báo đại chúng suy đoán lung tung về tình hình ung thư ở VN, mà thường thì họ vẽ một bức tranh u ám [2]. Người đọc có cảm tưởng ung thư ở VN cao hơn các nước trên thế giới. Nhưng trong thực tế thì đó chỉ là những suy đoán không dựa vào dữ liệu, hay dựa vào dữ liệu thiếu tính hệ thống.
May mắn thay, ở Sài Gòn có một registry (giống như một nơi ghi danh) thu thập dữ liệu ung thư của cư dân TpHCM. Cái registry này được sự hỗ trợ của IARC nên các dữ liệu thu thập khá bài bản và có hệ thống. Thời gian thu thập là từ 1996 đến 2015 (20 năm). Chúng tôi sử dụng dữ liệu này để trả lời câu hỏi về gánh nặng ung thư vú ở TpHCM:
(a) Có bao nhiêu ca ung thư vú ở nữ và nam giới trong thời gian 20 năm qua;
(b) Tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng hay giảm trong 20 năm qua;
(c) So sánh với các nước tiên tiến thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở TpHCM cao hay thấp?
Vậy chúng tôi phát hiện gì?
1. Trong thời gian 20 năm (1996 – 2015) TpHCM ghi nhận 14222 ca ung thư vú (95% là nữ). Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 50, nhưng có vẻ tăng theo thời gian. Ví dụ như ở nữ giới, số ca ghi nhận trong thời gian 1996-2001 là 1915 người, nhưng trong thời gian 2011-2015 thì tăng lên 5366 người.
2. Tuy nhiên, con số ca mắc bệnh phải hiệu chỉnh cho dân số của Thành phố vốn tăng nhanh trong 20 năm qua. Tỉ suất ung thư vú (tính trên 100,000 dân) năm 1996-2001 là 62, và trong thời gian 2011-2015 là 107 người. Nói cách khác, ngay cả sau khi hiệu chỉnh cho dân số thì tỉ suất ung thư vú tăng 70% trong 20 năm quan.
3. Tỉ suất ung thư vú ở nữ giới (tính trên 100,000 dân) ở Úc là 131, Mĩ là 200, Thái Lan là 31. Còn ở TpHCM thì tỉ suất là 21.5 trong thời gian 2011-2015. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở TpHCM vẫn thấp hơn các nước kĩ nghệ hoá, thậm chí thấp hơn Thái Lan.
4. Tuổi khi chẩn đoán ung thư (tính trung bình) là 50. Tuổi này cũng được quan sát ở Hàn Quốc và Singapore. Còn ở các nước phương Tây thì tuổi chẩn đoán là 54. Nói cách khác, phụ nữ Việt Nam có vẻ mắc bệnh ung thư vú sớm hơn các phụ nữ Âu Mĩ.
Biểu đồ phần trên: số phụ nữ ở TPHCM mắc bệnh ung thư vú từ 1996 đến 2015. Năm 1996-2001 có 1915 ca ung thư vú, và con số này tăng lên 5366 vào năm 2011-2015. Như vậy, số ca ung thư vú ở TPHCM tăng 2.7 lần giữa 2015 và 1996. Biểu đồ phần dưới là tỉ suất ung thư vú tính trên 100,000 phụ nữ 5 năm. Tỉ suất ung thư vú cũng tăng từ 62.2 trong năm 1995-2001 lên 107.4 vào năm 2011-2015. Nói cách khác, trong thời gian 1996 đến 2015, tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng ~70%.So sánh tỉ suất ung thư vú (tính trên 100,000 dân số mỗi năm) cho thấy tỉ suất ở TPHCM vẫn thấp hơn so với Thái Lan, China, Úc, Mĩ và trung bình thế giới. Năm 2011-2015, tỉ suất ung thư vú ở HCM là 21.5, trên thế giới là 46.3. Do đó, không thể nói rằng tỉ suất ung thư vú ở VN cao hơn thế giới.
Đây là một công trình tôi đã có ý định làm từ lâu nhưng không có cơ hội. Đến khi nhóm VOS có dự án làm nghiên cứu ung thư với các bạn bên Đại học Johns Hopkins, và khi Bs Thảo Quyên tham gia nhóm thì có người phụ trách. Rồi phải qua sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình của Bs Phan Xuân Dũng thì dự án mới bắt đầu khởi sắc. Do đó, hai tác giả chánh là Bs Dũng và Bs Thảo Quyên.
Đây là một bài báo gian nan vì quá trình bình duyệt kéo dài gần 1 năm trời. Không phải do sai sót gì cả, mà do tìm chuyên gia bình duyệt quá khó khăn. Có lẽ nhiều chuyên gia không muốn bình duyệt nghiên cứu dạng mô tả mà lại tử VN. Do đó, phải cảm ơn một đồng nghiệp người Việt (không rõ công tác ở đâu) đã đồng ý xem xét và góp ý cho bài báo. Hai chuyên gia nặc danh gốc Âu Châu khác cũng bỏ thì giờ đọc và góp nhiều ý về phân tích. Cuối cùng thì sau gần 1 năm bình duyệt và qua lại, bài báo đã được chấp nhận cho công bố trên PLoS ONE [1].
Bài học là trong công bố khoa học người Việt chúng ta phải giúp nhau. Tôi đoán là trong tương lai tình hình công bố khoa học sẽ khó khăn hơn, nhứt là những bài từ Việt Nam (vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia trong khoa học). Do đó, trong tương lai chúng ta cần những chuyên gia gốc Việt có kinh nghiệm và từng qua đào tạo bài bản giúp đỡ lẫn nhau một cách công minh.
Tóm lại, dữ liệu từ cơ quan đăng kí ung thư của TpHCM cho thấy mặc dù tỉ lệ ung thư vú ở cư dân Thành phố vẫn còn thấp so với các nước Âu Mĩ, nhưng có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Có nhiều lí do tại sao số ca ung tư gia tăng (như do lối sống thời công nghiệp hoá, do môi trường, do phát hiện ung thư tốt hơn hay chẩn đoán tốt hơn, v.v.) nhưng đó là một chủ đề cho một nghiên cứu khác.
Hôm nay, tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn một nghiên cứu mới nhứt của labo chúng tôi [1], mới được công bố trên eLife [2] hôm nay. Đây là một công trình quan trọng vì không chỉ đề ra khái niệm ‘Tuổi Xương‘ (Skeletal Age) mà còn [hi vọng] mở ra một cánh cửa nghiên cứu mới về loãng xương và tử vong.
Ý tưởng bài này thật ra xuất phát từ … ông TT Biden. Theo dõi cuộc tổng tuyển cử ở Mĩ vừa qua tôi chú ý đến sức khoẻ của hai ông ứng viên Trump và Biden. Các chuyên gia tỏ ra lo ngại sức khoẻ của ông Biden vì ông già cả, có vẻ yếu đuối, và đã qua hai lần bị AF (rung nhĩ), một lần bị aneurysm (phình mạch não) và một lần bị DVT. Các chuyên gia bệnh tim mạch ước tính rằng ông có xác suất 79% qua khỏi nhiệm kì. Một chuyên gia khác thắc mắc về tuổi tim của ổng (Heart Age), và tôi tính thử thì thấy ổng tuy 78 tuổi đời, nhưng trái tim của ổng lên đến 95 tuổi.
Loãng xương và tử vong
Từ tuổi tim, tôi nghĩ có thể áp dụng cho chuyên ngành loãng xương, và tôi có ý tưởng ‘Tuổi Xương’ (Skeletal Age).
Một sự thật ít người (ngay cả trong giới y khoa) biết đến là loãng xương làm giảm tuổi thọ. Sự suy giảm tuổi thọ còn nặng nề hơn nếu bệnh nhân bị gãy xương. Gãy xương đùi là nguy hiểm nhứt, vì khoảng 30% bệnh nhân gãy cổ xương đùi chết trong vòng 12 tháng, tức nguy cơ còn cao hơn cả ung thư vú.
Nam giới tuy có nguy cơ gãy xương thấp hơn nữ, nhưng khi đã bị gãy xương thì nam giới chết nhanh hơn nữ! Những bệnh nhân sống sót sau một lần bị gãy xương thì họ có nguy cơ gãy xương lần 2, lần 3 rất cao. Do đó, một lần bị gãy xương là một tín hiệu cho thấy cơ thể đang suy thoái như … ‘domino’. Dĩ nhiên, sự suy thoái đó không hiển nhiên như các bệnh lí khác, và chính vì diễn biến âm thầm này là một thách thức để nhận dạng những cá nhân có nguy cơ cao.
Cho đến nay, khi người ta nói đến ‘risk of fracture’ (nguy cơ gãy xương), người ta chỉ đề cập đến gãy xương lần đầu tiên. Chưa ai nghĩ đến cách định lượng hoá nguy cơ gãy xương lần 2 hay lần 3, và chưa ai định lượng nguy cơ tử vong. Vấn đề nữa là không có dữ liệu để làm mô hình suy nghĩ.
Cumulative probability of mortality in women (left panel) and men (right panel) who had stayed in different states of bone health. There were 4 potential bone heath states before transiting to state 5 (i.e. mortality): State 1: No fracture (green blue colour area) if the individual entered the study without any osteoporotic fracture; State 2: initial fracture (light blue area) if an individual had sustained a fracture after study entry; State 3: Second fracture (purple-orange area) if an individual had suffered a second fracture; and State 4: Third & further fractures (red area) if an individual had suffered two or more subsequent fractures during the follow-up period. Risk was estimated for women and men with different BMD profiles (i.e. -1.5 vs -2.5), at the event age of 70 and 80, having all other factors set to the population mean, i.e. body mass index = 26.6 kg/m2, no history of fall at baseline, no prior fracture and no comorbidities.
Ý tưởng về Skeletal Age
Do đó, tôi nghĩ cần phải có một khái niệm mới có thể tạm gọi là ‘compound risk’. Một cách suy nghĩ đơn giản, compound risk là nguy cơ bị gãy xương, và khi đã bị gãy xương thì kèm theo nguy cơ tử vong. Vấn đề là làm sao định lượng các biến cố này thành một chỉ số cho dễ hiểu.
Tôi thấy bên engineering người ta có khái niệm ‘effective age’, tức tuổi thực của một cấu trúc. Một cây cầu có thể có 20 tuổi đời, nhưng vì phẩm chất xuống cấp, nên effective age có thể là 30. Trong y khoa, người ta lấy ý tưởng effective age để ước tính tuổi lá phổi (lung age), tuổi trái tim (heart age). Tôi dùng cách suy nghĩ đó để sáng chế ra ‘tuổi xương’, và thế là ý tưởng ‘Skeletal Age’ ra đời.
Tuổi Xương được định nghĩa là tuổi sinh học của bộ xương trong điều kiện yếu tố nguy cơ gãy xương của một cá nhân. Nếu cá nhân không có yếu tố nguy cơ thì Tuổi Xương và tuổi đời bằng nhau; nếu cá nhân có mật độ xương thấp hay từng bị gãy xương thì Tuổi Xương cao hơn tuổi đời. Do đó, mức độ khác biệt giữa Tuổi Xương và tuổi đời chính là một chỉ số phản ảnh nguy cơ gãy xương và nếu một khi bị gãy xương thì phản ảnh nguy cơ tử vong.
Nghiên cứu
Ý tưởng là một chuyện, nhưng phải có dữ liệu để biến ý tưởng thành hiện thực. Chúng tôi dùng dữ liệu của hơn 3500 nam và nữ từ công trình nghiên cứu Dubbo. Những người này được theo dõi 20 năm, và chúng tôi biết rõ họ ‘đi’ từ chưa gãy xương đến gãy xương, từ gãy xương đến tử vong, v.v. Chúng tôi dùng mô hình Markov để định lượng hoá những biến chuyển đó cho mỗi cá nhân. Sau khi đã có các tham số của mô hình, chúng tôi ước tính Skeletal Age – Tuổi Xương cho mỗi cá nhân.
Bài báo được nộp cho Lancet nhưng họ nghĩ rằng quá kĩ thuật nên không công bố. Chúng tôi nộp cho eLife, nhưng họ không nhận ngay mà yêu cầu nộp bản tóm tắt để xem có xứng đáng được bình duyệt. Sau khi xem qua bản tóm tắt, họ bật đèn xanh để đi nước thứ 2, tức là nộp toàn bộ bản thảo. Sau hơn 6 thánh bình duyệt bài báo được chấp nhận cho công bố.
Trong tương lai, tất cả sẽ được đưa lên trang web của Garvan Fracture Risk Calculator để cho các bác sĩ khắp nơi sử dụng. Hi vọng rằng ý tưởng Tuổi Xương sẽ giúp quản lí, điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương tốt hơn trong tương lai.
Điều phấn khởi là ban biên tập eLife thật sự thích bài báo và ý tưởng Skeletal Age. Họ đề nghị viết thêm một bài nữa để lí giải về khái niệm Tuổi Xương. Họ cũng đề nghị viết một Digest để người ngoài ngành hiểu. Họ làm việc với Viện Garvan để đưa ra thông cáo báo chí [3] về bài báo. Hôm qua đến nay tôi bận rộn tiếp báo chí và trả lời phỏng vấn cho gần 10 đài radio, báo chí, và tivi!
______
[1] Bản thảo (chưa phải bản sau cùng) của bài báo:
[2] Nhiều bạn có lẽ chưa biết đến eLife, nên có lẽ vài dòng giới thiệu cũng cần thiết. eLife là tập san do Randy Schekman (Giải Nobel y học 2013) sáng lập, dưới sự tài trợ của Wellcome Trust, Howard Hughes Medical Institute, và Max Planck Society. Năm 2013, Giáo sư Randy Schekman tuyên bố rằng ông và đồng nghiệp không gởi bài cho Nature, Science và Cell nữa. Lí do (ông cho rằng) các tập san này chạy theo impact factor để nâng cao citation mà không đặt nặng vào những nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài (nhưng có thể không ‘sexy’). Ông cũng phê bình các tập san như Nature, Science và Cell là loại ‘đóng cửa’, chỉ có người trả tiền mới đọc được.
Mục tiêu là tạo ra một tập san cùng đẳng cấp với Nature, Science và Cell, nhưng minh bạch hơn Nature, biên tập phải là nhà khoa học có nghiên cứu (chớ không phải biên tập chuyên nghiệp), ai cũng có thể đọc được mà không cần trả phí, và tuyệt đối không lệ thuộc vào impact factor. Trên trang web, họ cảnh báo rằng tập san này rất ư là chọn lọc và tỉ lệ từ chối sẽ khá cao: “eLife is a very selective journal and it’s likely that the rejection rate will be quite high”.
Bài báo nộp cho eLife phải qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là một bản tóm tắt; và nếu ok, giai đoạn 2 là toàn văn bản thảo. Đa số (90%) là bị từ chối từ giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, tỉ lệ từ chối dao động từ 80-85% (tức như Nature). Tôi thật là vui mừng khi bài báo sống sót qua 2 giai đoạn. Cái hay của eLife là tất cả bình duyệt và trả lời bình duyệt đều được đăng kèm theo bài báo để độc giả có thể hiểu hơn.