Ngô Thế Vinh: Nhìn Lại Nhìn lại – Steinbeck, cha và con, giữa Chiến Tranh Việt Nam

Lời giới thiệu: Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn một bài viết mới của Nhà văn Ngô Thế Vinh, viết về Nhà văn lớn người Mĩ John Steinback (1902 – 1968). Ông là một trong những trí thức hiếm hoi công khai ủng hộ sự tham chiến của Mĩ ở Việt Nam trong thời chiến. Điều trớ trêu là con trai ông lại không ủng hộ lập trường của ông, và hai cha con có sự xung đột. Những người thuộc phe cánh tả thì nghĩ rằng ông là kẻ ‘phản bội’. Ông không tin vào những bản tin của giới báo chí cánh tả (như New York Time), nên ông xung phong đi Việt Nam vào cuối năm 1966 để tận mắt nhìn thấy cuộc chiến và ghi lại cảm nhận cho riêng mình. Những cảm nhận và nhận định đó sau này được sưu tập thành một cuốn sách ‘Dispatches from the War’ (xuất bản 2012).

Hình 1: Giải Nobel Văn chương 1962 được trao cho toàn sự nghiệp của John Steinbeck; nhà văn Mỹ thứ 6 được giải Nobel tiếp theo sau Ernest Hemingway 1954. [ photo from the Nobel Foundation archive ]

JOHN STEINBECK, NOBEL VĂN CHƯƠNG 1962

      Sinh ngày 27/02/1902 tại Salinas, miền trung California. Sống và lớn lên trong một vùng thung lũng đồng quê xanh tươi, còn được gọi là “Salad Bowl” với dòng sông Salinas. Xong trung học (1919), có ước vọng viết văn, Steinbeck ghi tên học môn Văn chương Anh và cả lớp Viết văn / Creative writings tại Đại học danh tiếng Stanford, Palo Alto. Năm 1923, Steinbeck ghi tên học thêm môn Sinh Học / Biology tại Hopkins Marine Station, tại đây Steinbeck quen biết với William E. Ritter và quan tâm nhiều hơn tới Môi sinh / Ecology. Do theo học thất thường, ông rời Stanford 6 năm sau (1925) và không có một học vị nào. Steinbeck quyết định sang New York lập nghiệp, ông làm đủ loại công việc lao động tay chân để kiếm sống và tập sự làm báo, viết văn nhưng không thành công, không nhà xuất bản nào nhận in cuốn sách đầu tay của ông.

      Trở về California 3 năm sau (1928), Steinbeck cũng làm đủ mọi nghề, kể cả hướng dẫn du lịch ở Lake Tahoe, nhưng vẫn túng quẫn. Ông dọn về sống trong căn nhà nhỏ của cha ở vùng bán đảo Monterey; không phải trả tiền nhà lại được người anh giúp đỡ, không bận bịu mưu sinh, ông tập trung  viết văn. Nhưng cuộc sống lại chật vật khi cả nước Mỹ bước vào thời kỳ Đại Suy Thoái. Steinbeck mua được một chiếc tàu nhỏ, thử sống bằng nghề đánh cá ven biển, cá cua lưới bắt được cũng là nguồn thực phẩm cho gia đình, còn rau tươi thì hái lượm ngay trong vườn nhà; vẫn không đủ sống, vợ chồng ông phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội / welfare.

      Tuy vẫn viết nhưng Steinbeck chưa gây được tiếng vang nào. Phải mãi tới 7 năm sau (1935), với cuốn Tortilla Flat tên tuổi ông mới được biết tới. Lấy bối cảnh là vùng Monterey, California nơi ông sinh sống, thời gian sau Thế chiến I, mô tả đời sống của đám dân quê / paisanos nghèo khổ, sống bầy đàn, chỉ biết hưởng thụ với rượu, ham muốn xác thịt / lust, và trộm cắp vặt / petty theft. Họ là nạn nhân của hoàn cảnh lịch sử. Tortilla Flat bắt đầu được giới phê bình đón nhận và cả thành công về tài chánh.

      Tiếp theo 2 năm sau, là cuốn Của Chuột và Người (Of Mice and Men,1937), “là một bi kịch của hai nông dân tha phương cầu thực với giấc mơ có được một mái nhà, một mảnh vườn nhưng rồi vẫn phải sống một cuộc đời làm công lang thang khổ cực. George Milton nhỏ con nhưng khôn lanh và gã kia là Lennie Small, tuy có tên “Small” nhưng lại to xác rất mạnh và đần độn, tính khí dữ dằn bất thường khiến hắn phải lệ thuộc vào George trong sinh hoạt khó khăn hàng ngày – tác phẩm chỉ với hơn 100 trang sách mà sau này được Hội đồng giải Nobel văn chương 1962 gọi đó là một “tiểu tuyệt phẩm / a little masterpiece”.

      Rồi tới Chùm Nho Uất Hận (The Grapes of Wrath, 1939), kể chuyện về một gia đình nông dân Joad từ vùng Oklahoma, do một thảm nạn môi sinh Dust Bowl mất hết trang trại đất đai phải rời bỏ quê nhà di cư sang California, vùng đất của “sữa và mật ngọt” để mưu tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng rồi họ đã phải đối đầu với vô vàn khó khăn, không có công ăn việc làm, tiền công thì quá thấp và rơi vào cảnh nghèo khó hơn. Cuốn sách được Steinbeck viết bằng một ngôn ngữ trần trụi / plain spoken language giàu hình ảnh, tố cáo lòng tham của đám chủ trại giàu có, đưa tới những bất công xã hội. Thái độ phê phán đó khiến Steinbeck trở thành khuôn mặt khó ưa ngay nơi quê nhà. Nhóm nghiên cứu Đại học Stanford, mới đây đã đánh giá Steinbeck như một nhà văn của môi sinh.[9]

      Năm 1940, Steinbeck được giải thưởng National Book Award với cuốn Chùm Nho Uất Hận. Tác phẩm này cũng nhận được thêm một giải Pulitzer danh giá khác. Cuốn sách liên tục được tái bản.

      Cả hai cuốn Của Chuột và Người Chùm Nho Uất Hận được viết trong bối cảnh thời kỳ Suy Thoái của thập niên 1930s, là 2 tác phẩm đỉnh cao trong văn học Mỹ được coi là tuyệt tác của John Steinbeck. Cả hai đều được chuyển thể thành phim. Henry Fonda đóng vai Tom Joad trong Chùm Nho Uất Hận đã được đề cử là tài tử xuất sắc nhất cho giải Academy Award.

      Tuy thành công nhưng Chùm Nho Uất Hận cũng gây ra nhiều dư luận bất lợi cho Steinbeck, do khuynh hướng xã hội triệt để – Steinbeck bị gán cho là thiên cộng / suspected communist leanings, do mạnh mẽ bênh vực tầng lớp lao động cơ cực bị bóc lột bởi một giới tư bản giàu có, đầy quyền lực  sở hữu phần lớn đất đai và các trang trại, cùng liên kết với nhóm tài phiệt chủ các ngân hàng. Chùm Nho Uất Hận xuất bản lần đầu tháng 04/1939 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ nhưng ngay nơi quê nhà, cuốn sách bị lên án là “tục tĩu / obscene, trình bày sai sự thực / misrepresented” với những mô tả tiêu cực về đời sống di dân tới California.

      Cuốn sách hai lần bị đốt công khai ở Salinas. W.B. “Camp” viên chủ nhân giàu có với các trang trại trồng bông và khoai tây, khi tới chủ toạ buổi đốt sách ở thị trấn Bakersfield đã tuyên bố: “Chúng ta giận dữ không phải vì bị ai đó tấn công, nhưng chúng ta đã bị tấn công bởi một cuốn sách tục tĩu theo cái ý nghĩa tệ hại nhất của từ ngữ này – a book obscene in the extreme sense of the word.” Nhưng lúc đó cũng có người can đảm như  Gretchen Knief, trông coi thư viện Kern County, cô không sợ bị đuổi việc vẫn lên tiếng cảnh báo: “Nếu cuốn sách ấy bị cấm hôm nay, liệu sẽ có thêm cuốn sách nào bị cấm ngày mai?”  

      Chùm Nho Uất Hận bị Kern County Board cấm trong các trường học và thư viện (1939), và chỉ được giải toả hai năm sau đó (1941).  

      Trong Thế chiến Thứ II, Steinbeck có thời gian làm phóng viên chiến tranh cho tờ New York Herald Tribune (1943), đi sát theo các đơn vị xung kích đổ bộ tấn công quân Đức ở Ý, trên các hải đảo Địa Trung Hải. Steinbeck bị thương trở về với cả chấn thương tâm lý; ông tự vượt qua bằng miệt mài trong viết lách.

      Năm 1947, Steinbeck là một trong số những người Mỹ hiếm hoi đầu tiên được đi thăm Liên bang Xô Viết sau Cách mạng Nga, cùng đi với ông có  phóng viên nhiếp ảnh Robert Capa. Cuốn sách Nhật Ký Nga / A Russian Journal được xuất bản một năm sau (1948) với phần hình ảnh của Capa. Chính quyền Cộng sản Xô Viết lúc đó đánh giá Steinbeck như một “nhà văn Mỹ tiến bộ – American progressive writer” với cái nghĩa tả khuynh theo chủ nghĩa xã hội.  

      Trong cùng năm, Steinbeck được bầu vào Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Văn Học Hoa Kỳ / American Academy of Arts and Letters.

      Năm 1952, tiểu thuyết trường thiên Phía Đông Vườn Địa Đàng / East of Eden được xuất bản, Steinbeck coi đó là tác phẩm lớn nhất của ông (magnum opus), sau này lên phim (1955) với James Dean, một tên tuổi điện ảnh trẻ tài năng trong vai Cal Trask.

      Năm 1961, Steinbeck cho xuất bản Mùa Đông Bất Bình / The Winter of Our Discontent, viết về sự suy đồi đạo lý của nước Mỹ, và không được giới phê bình đánh giá là một thành công.

      Năm 1962, trong sự ngạc nhiên của chính Steinbeck, ông được trao giải Nobel văn chương cho toàn sự nghiệp văn học, “do những trang sách viết trộn lẫn hiện thực và tưởng tượng, kết hợp sự u mặc tinh tế và ý thức xã hội sắc bén – for his realistic and imaginative writings, combining as they do sympathetic humour and keen social perception”. Các nhân vật của ông đều là nạn nhân của lịch sử, của thời kỳ suy thoái. Giải Nobel trao cho Steinbeck lúc đó đã bị báo chí Thuỵ Điển chỉ trích nặng nề, ngay cả tại Mỹ. Nhưng sau này, Steinbeck được mệnh danh là “gã khổng lồ của văn giới Mỹ – a giant of American letters”, với một số tác phẩm được xem như văn học cổ điển Tây phương”.   

      Cũng thật trớ trêu, tuy đã là khôi nguyên của giải văn chương Nobel, nhưng theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ / American Library Association, thì Steinbeck là một trong số 10 tác giả từng bị cấm đoán và chỉ trong khoảng thời gian từ 1990 tới 2004, riêng cuốn Of Mice and Men xếp hàng thứ 6 trong số 100 cuốn bị cấm ở Mỹ.

      Năm 1964, Steinbeck được Huân chương Tự do của Tổng Thống / Presidential Medal of Freedom, từ TT Johnson là bạn ông và Steinbeck cũng đã từng viết diễn văn cho TT Johnson.   

CỦA CHA VÀ CON STEINBECK GIỮA CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

      John Steinbeck có 2 con trai với bà vợ thứ hai Gwyndolyn Conger. Thomas Myles Steinbeck, là con cả sinh năm 1944 và John Ernst Steinbeck IV là con thứ sinh năm 1946. Tới giai đoạn Mỹ tham chiến ở Việt Nam, cả hai con trai Steinbeck đều tới tuổi quân dịch và bị động viên.

      Khi John IV, đứa con thứ 2, vừa xong lớp tập huấn quân sự và sắp lên đường sang Việt Nam, Steinbeck hãnh diện dẫn con tới thăm và bắt tay TT Lyndon B. Johnson tại Oval Office, White House. John IV, tới Việt Nam trong vai trò phóng viên chiến tranh, làm cho đài phát thanh và truyền hình quân đội Mỹ trấn đóng ở Pleiku. Rồi tới đứa con trai cả Thomas Myles Steinbeck cũng nhập ngũ trấn đóng ở Fort Ord, California và có thể cũng sẽ phải sang Việt Nam.

      Khi Mỹ quyết định ồ ạt đưa quân qua tham chiến ở Việt Nam (1965), Steinbeck tuy không còn trẻ nữa ở tuổi 64, giữa cao điểm cuộc chiến tranh đang leo thang, ông có ý định sang thăm Đông Nam Á trong vòng 5 tháng. Steinbeck không xa lạ gì với chiến tranh, từng là phóng viên chiến tranh trong Thế chiến II. Lần này Steinbeck đến Việt Nam, vẫn như một phóng viên chiến tranh, cho tờ báo Newsday, Long Island, New York. John Steinbeck đã đi khắp miền Nam Việt Nam, trong vòng 6 tuần lễ, [ từ tháng 12.1966 tới đầu năm 1967 ].

Hình 2: trái,John E. Steinbeck và con trai John IV 19 tuổi tới thăm và bắt tay Tổng thống Lyndon B. Johnson tại Oval Office, White House ngày thứ Hai 16/ 05/ 1966 trước khi lên đường sang Việt Nam. Steinbeck là bạn của Tổng thống Johnson  từ 1963. Cuộc gặp gỡ 4 phút theo yêu cầu của Steinbeck. [nguồn: tài liệu LBJ Library and Museum]; phải: John IV ở Việt Nam 1966. Cả ba nhân vật nay đã là “người của trăm năm cũ”. 

       Từ lâu, Steinbeck đã có thái độ khinh mạn các nhóm phản chiến, xem họ như thành phần bạc nhược khi so sánh với những người lính Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam. Ông không chỉ lên án họ, Steinbeck còn có ý tưởng kỳ lạ là phải đem bọn phản chiến này thả vào đường mòn Hồ Chí Minh để xem bọn chúng sống ra sao.

      Do danh tiếng của Steinbeck với giải Nobel và cả mối liên hệ quen biết với TT Johnson, Steinbeck được đối xử rất đặc biệt, di chuyển với máy bay riêng thường cùng đi với cấp chỉ huy quân sự cao cấp Mỹ, kể cả với tướng William Westmoreland, và Steinbeck cũng thường xuyên được “briefing – tường trình” về tình hình chiến sự với bức tranh màu hồng về tương lai thắng lợi của Mỹ ở Việt Nam.

      Thường là ban ngày có mặt nơi chiến trường, nếu không quá xa Sài Gòn và không phải ở lại qua đêm, buổi tối Steinbeck trở về khách sạn Caravelle, dùng bữa tối trong một nhà hàng sang trọng trên lầu 9, từ nơi đây vẫn có thể thấy ánh hoả châu và cả tiếng trọng pháo từ xa vọng về. Những Lá Thư gửi Alicia / Letters to Alicia được viết ở đây. [Alicia Patterson – là tên người vợ của Harry Guggenheim, đồng sáng lập tờ Newsday, Alicia là nhà báo tên tuổi, được giải thưởng báo chí Pulitzer, nhưng Alicia đã chết trước đó 3 năm].  

      Đặt chân tới Việt Nam, ngay từ đầu, Steinbeck bị mê hoặc với những vũ khí tối tân của quân đội Mỹ, điều mà ông chưa từng được thấy trong Thế chiến thứ II. Như khi ông chứng kiến những chiếc máy bay DC3 “Hoả Long –Puff the Magic Dragon”  trang bị những cỗ đại liên với hoả lực khủng khiếp, chỉ trong vòng vài giây có thể nhả đạn 50-ly bao trùm khắp một sân banh rộng lớn khi lâm trận như một con rồng phun lửa. Steinbeck rất chủ quan cho rằng, “với trang bị vũ khí tối tân như vậy làm sao mà Mỹ có thể thua cuộc chiến tranh trước đám địch quân quê mùa ấy.”

      Steinbeck cũng từng đeo súng M-16 ra bãi tập bắn. Có điều mà Steinbeck không được cho biết là, khác với khẩu AK của VC, súng M-16 trang bị cho lính Mỹ lúc đó thường bị hóc đạn ngoài trận địa; scandals chết người đó đã không bao giờ được Steinbeck ghi lại trong những lá thư viết từ Việt Nam cho tờ Newsday. 

      Chỉ 6 tuần lễ sống trong vùng chiến, được bảo vệ an toàn, làm sao John Steinbeck hiểu được rằng: quân cộng sản Bắc Việt lúc ấy cũng đã được trang bị với những vũ khí tối tân nhất của Liên Xô và Trung Quốc, và ngay ở lãnh thổ miền Bắc lúc đó đã có hàng sư đoàn quân chí nguyện Trung Quốc giả dạng quân Bắc Việt với những dàn hoả tiễn phòng không tối tân sẵn sàng nghênh chiến với hàng đoàn phản lực cơ Thần Sấm từ Hạm đội 7 bay vào oanh tạc miền Bắc.[6] 

      Sự kiện lớn lao và quan trọng như vậy mà trong bộ chính sử mới nhất của Hà Nội cho đến nay vẫn còn giấu giếm, đó là trong cuộc chiến tranh để đối phó với Mỹ và miền Nam, giữa giai đoạn 1965 và 1970, thể theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông đã đưa sang miền Bắc VN 320.000 Hồng quân Trung Cộng. Tới 1968, Mao đưa thêm sang Lào 110.000 quân nữa (tổng cộng: 430.000 quân). Những sư đoàn “chí nguyện quân” ấy đã ẩn náu ở rất nhiều nơi trong các hang động như ở Lạng Sơn, Hà Nam, hay sống trong các khu rừng biệt lập, sinh hoạt kín đáo và không được phép tiếp xúc với dân chúng. [6B]

Hình 3: trái, Rồng Ẩn Trong Rừng: Quân đội Trung Quốc (hay còn gọi là Chí nguyện quân Trung Quốc) trong chiến tranh Việt Nam. Xiaobing Li / Lý Tiểu Bình; Oxford University Press 2020 [6A]; giữa: bản đồ ghi những vị trí Hồng Quân Trung Quốc trấn đóng ở Bắc Việt Nam và Lào trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965-1970. [6B]
phải, bìa Lịch Sử Việt Nam Tập 13 xuất bản năm 2017 của Viện Sử Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam giai đoạn từ 1965 tới 1975, suốt 2 trang từ 125 -126 đã  hoàn toàn “giấu giếm” sự kiện lịch sử trọng đại này. Một bộ sử Việt Nam trung thực sẽ phải là một công trình với hùng tâm của Thế hệ Việt Nam thứ II. [tư liệu Từ Mai Trần Huy Bích]  

      Nhiều chi tiết về “đạo quân ma” ấy cũng được viết ra trong cuốn The Dragon in the Jungle, The Chinese Army in the Vietnam War của Lý Tiểu Bình / Xiaobing Li do Oxford University Press xuất bản 2020. [4] Đến nay (2021) vẫn còn tìm thấy những khu hang động trong núi rừng miền Bắc đã bỏ hoang ấy với các khẩu hiệu chữ Hán lưu dấu  trên vách đá như: Trung Việt hữu nghị vạn tuế, Hồ chủ tịch vạn tuế, Đả đảo Mỹ đế. [8]

      Steinbeck được xem như phe “diều hâu / hawk” công khai ủng hộ sự tham chiến  của quân đội Mỹ ở Việt Nam mà ông coi đó một cuộc dấn thân anh hùng / heroic venture, thái độ hiếu chiến của Steinbeck đã gây nhiều phản cảm trong công luận Mỹ và ngay chính trong  gia đình ông lúc bấy giờ. Ở Mỹ, Steinbeck lúc đó không chỉ bị căm ghét bởi giới trí thức cánh hữu, ngay cả phe tả có người không ngần ngại gọi ông là “phản bội / betrayal”. [2]

Hình 4:trái, “Diều hâu Steinbeck” với súng nón sắt và áo giáp trong hầm cá nhân /  foxhole trên một trận địa miền Nam Việt Nam. Qua những bức thư viết từ tiền tuyến trên tờ Newsday, Steinbeck công khai ủng hộ sự tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam. [nguồn: Associated Press ]; phải,John IV con trai Steinbeck (dưới cùng trong hình), ngược với cha, là tiếng nói phản chiến mạnh mẽ, John IV sau này trở thành đệ tử của Ông Đạo Dừa nơi Cồn Phụng trên sông Mekong, Đồng Bằng Sông Cửu Long. [ nguồn: Gale Literature Resource Center ]

      John Ernst Steinbeck IV [06/12/1946 – 02/07/1991], hết thời gian quân dịch, được giải ngũ ngày 07/12/1967. Chỉ  một thời gian ngắn về Mỹ, năm 1968 John IV trở lại Việt Nam như một nhà báo với khuynh hướng phản chiến – hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của  cha mình. John IV đã hợp tác với Sean Flynn  [con của tài tử Errol Flynn] cùng làm tại Dispatch News Service, cung cấp cho truyền thông Mỹ những thông tin một chiều hết sức bất lợi cho Washington như vụ Thảm sát Mỹ Lai, câu chuyện Chuồng Cọp của trại giam Côn Sơn…

      Trong khi John Steinbeck Cha vẫn còn sống, ngày 05/03/1968, sau Tết Mậu Thân, John IV đã ra điều trần trước một Uỷ ban Thượng viện Mỹ, nói ra những điều mà không một chính giới Hoa Kỳ nào muốn nghe, rằng: có tới 60% lính Mỹ tuổi từ 19 tới 27 nghiện cần sa / Marijuana, và chính cơ quan MACV cũng khuyến khích tình trạng nghiện ngập này bằng cách cung cấp thuốc gây nghiện như Amphetamines / hay còn được gọi là pep pills cho lính Mỹ. Như một scandal trên báo chí lúc bấy giờ, và đã có một đụng độ công khai giữa Pentagon và John IV.

Hình 5: Chính con trai Steinbeck, từng phục vụ tại Việt Nam cũng chống lại cha, John IV ra điều trần trước một tiểu ban Thượng viện cho rằng “cuộc chiến Việt Nam là một sai lầm, lính Mỹ thì nghiện ngập, báo cáo số thương vong thì sai sự thật, đó là một tình trạng hỗn mang / a mess, và chúng ta cần thoát ra.” Importance of being Stoned in Vietnam, Steinbeck’s Son, Pentagon Clash Over Soldiers’ Pot Use. Trang A4 báo Independent AM Press-Telegram PM [ Long Beach, California Thursday 28.12.1967 ].[2]

      Sự phân hoá “Của Cha và Con – Of Father and Son” trong gia đình Steinbeck, cũng là hình ảnh bi kịch phân hoá của nước Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.

      Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War” [1] (University of Virginia Press, 2012), có thể xem là những trang sách cuối đời gây chấn động của Steinbeck khi ông đã bước vào tuổi 64.

      John Steinbeck được chẩn đoán có bệnh nghẽn mạch tim nhưng từ chối một cuộc mổ tim [ heart bypass surgery ]. Ông mất tại New York ngày 20/12/1968, giữa  một trận đại dịch cúm (1968 flu pandemic) nhưng do suy tim, và ông cũng là người nghiện thuốc lá trong nhiều năm.

STEINBECK VÀ MỘT THOÁNG VIỆT NAM

An Khê, Việt Nam 22/12/1966

      An Khê là thị xã của tỉnh Gia Lai trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam, nằm bên Quốc lộ 19 giữa Pleiku và Qui Nhơn. An Khê có giá trị chiến lược quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ tháng 8/1965 Mỹ đã xây dựng trại Radcliff, là căn cứ chính của Sư đoàn Kỵ Binh Số 1 / US 1st Cavalry Division. Radcliff chỉ được trao lại cho Việt Nam vào cuối năm 1970 khi có chính sách Việt Nam hoá cuộc chiến tranh, chuẩn bị cho Mỹ rút khỏi Việt Nam. 

      Trước Giáng Sinh 2 ngày [22/12/1966], Steinbeck đã tới thăm căn cứ An Khê. Với hào quang của giải Nobel văn học, Steinbeck trông phong trần ở tuổi 64, trong bộ áo lính GI’s, buổi tối ngồi trên một chiếc thùng gỗ vây quanh là đám lính trẻ quân dịch / enlisted men, lứa tuổi con ông, nao nức tới gặp và nghe ông nói. Bằng ngôn ngữ bộc bạch, Steinbeck tâm sự: “Sáu tháng trước, tôi rất buồn vì 2 đứa con trai tôi bị động viên. Nhưng rồi 6 tháng sau, bởi Chúa / by God! Tôi hãnh diện vì chúng đã nên người. Đàn ông trai tráng thực sự là những giá trị hôm nay / valuable things today.”  Con trai ông John IV thì đang đóng ở Pleiku; một đứa khác cũng trong quân ngũ đóng ở Fort Ord, Monterey California.

      Có lần được phóng viên một tờ báo hỏi: Có phải Mỹ đang bị kẹt / locked in trong một cuộc chiến vô vọng không? Steinbeck nói: “Đó là một câu hỏi hài hước nhất,” ông tiếp: “Mọi cuộc chiến tranh đều vô vọng nhưng là cần thiết, và cuộc chiến tranh này cũng là cần thiết.”

      Steinbeck cho biết ông tới đây để viết về cuộc chiến tranh, chủ yếu là những cảm tưởng của ông về cuộc chiến này.

      Trong cuộc gặp gỡ, John Steinbeck trả lời mọi câu hỏi của đám GI’s về cuộc đời trải qua của ông nếu như không quá riêng tư. Rằng ông cũng đã từng làm phu bến tàu / longshoreman, sống với nông dân, lao động làm thuê hái bông / picked cotton. Có cả những chi tiết thú vị như toàn bộ tác phẩm của ông đều được viết tay / written in longhand chứ ông không đánh máy.

Hình 6:John Steinbeck vẻ già nua mỏi mệt ngồi trong doanh trại Radcliff, An Khê nói chuyện với đám binh lính quân dịch Mỹ lứa tuổi con trai ông, vào buổi tối 2 ngày trước Giáng Sinh, 22/12/1966. [nguồn: Ray Belford / Stars and Stripes]

      “Có những câu hỏi của các bạn mà tôi chưa từng trả lời cho ai, nhưng tôi ngưỡng mộ những gì các bạn đang làm ở đây và đáng cho tôi kính trọng”. Ngồi nói chuyện suốt hai tiếng đồng hồ, với 2 ly cà phê, cũng đã thấm mệt, Steinbeck phải xin lỗi đám lính trẻ đang say sưa nghe ông nói, để đi ngủ. Cảm tưởng của một tân binh có mặt trong suốt buổi nói chuyện của  Steinbeck, có thể tóm gọn trong một câu: “He just seems to radiate greatness / Ông ấy thực lớn lao toả sáng.” [3]

Pleiku, Việt Nam 07/01/1967

      Ngày 7/01/1967, trong chuyến thăm Pleiku, John Steinbeck từ   trên một chiếc trực thăng UH-1B Huey quan sát  cuộc chiến Việt Nam. Ông đã không tiếc lời ca ngợi toán phi công trực thăng: “Họ lái những con tàu giống như các kỵ sĩ điều khiển con ngựa đua của họ. Họ uốn lượn dọc theo những con suối, bay bổng trên đỉnh cây như những cánh chim én, quay vòng và nhào xuống nhanh như cắt trong buổi chiều. Tôi quan sát đôi bàn tay họ nơi phòng lái, rất nhịp nhàng và phối hợp như đôi bàn tay của nhạc sĩ Pablo Casals trên chiếc đàn trung hồ cầm / cello. Chắc bạn còn nhớ giấc mơ hồi trẻ nhỏ là được tự do bay bổng và cảm giác tuyệt vời như thế nào. Cảnh tượng bây giờ giống như vậy, nhưng đôi bàn tay tôi thì đã già và lú lẫn để theo lệnh, bảo phải bay vút lên / updrafts và cắt ngang / side winds, né tránh hoả lực từ dưới đất / ground fire báo hiệu bằng một nháng lửa / tiny puff or flash, hay một va chạm / a hit và tất cả phải tức thời và tự động. Và tôi chỉ biết ngưỡng mộ và có niềm vui được ngắm nhìn họ.” [1]

Hình 7:Ngày 7/01/1967, nhà văn John Steinbeck trên chuyến bay quan sát  cuộc chiến Việt Nam từ một chiếc trực thăng UH-1B “Huey”, thuộc Trung Đoàn Không Kỵ 10 đồn trú tại Pleiku, bên cạnh ông là viên xạ thủ khẩu đại liên M60 7.62 mm. Mấy ngày sau sau Tết Mậu Thân, Thomas Myles Steinbeck con trai cả của Steinbeck cũng bị đưa sang Việt Nam và từng là một xạ thủ đại liên trực thăng.  [nguồn: Associated Press]

STEINBECK VÀ 2 CUỘC GẶP GỠ CHƯA GHI LẠI

      Cần Thơ, Việt Nam, Ngày…  Tháng 12 Năm 1966                               

      BS Hoàng Ngọc Khôi, YKSG 1960:

      “Khi John Steinbeck được giải Nobel văn chương 1962, tôi – Hoàng Ngọc Khôi và anh DS Nguyễn Phúc Bửu Tập đang làm tại Trường Quân Y và cùng phụ trách tờ Tập San Quân Y (TSQY). Anh Bửu Tập mua được cuốn Of Mice and Men (OMAM), đọc xong đưa cho tôi đọc. Khi trả lại, Bửu Tập bảo: Hay là chúng mình dịch rồi đăng vào Tập San. Chúng tôi bắt đầu dịch và cho đăng vào TSQY khoảng giữa năm 1963, dựa theo cuốn tiếng Anh OMAM nhưng vẫn có thêm cuốn tiếng Pháp Des souris et des hommes để tham khảo. Nhà văn Trần Phong Giao, lúc đó là Thư ký Tạp chí Văn, tình cờ đọc được vội tìm hai chúng tôi đặt cọc là khi viết xong giao cho Tạp chí Văn xuất bản. Tôi không biết Nxb Văn có liên lạc với John Steinbeck hay không, nhưng hình như hồi đó chưa có thoả hiệp về tác quyền giữa hai nước.

      Khi Steinbeck sang Việt Nam thì tôi đang làm Y sĩ trưởng Quân y viện Trương Bá Hân tại Sóc Trăng. Lúc đó, có một Đại úy cố vấn Mỹ thuộc Cục IV Tiếp Vận phụ trách tiếp vận cho Quân y viện TBH cứ khoảng hai tháng lại tới kiểm tra xem QYV có nhu cầu gì không và không hiểu sao ông ta lại biết tôi có dịch cuốn OMAM.

      Bỗng một hôm, cuối năm 66 hay đầu năm 67 gì đó, cũng viên Đại uý cố vấn ấy (mà nay tôi quên mất tên) bay trực thăng ghé thăm QYV bảo tôi là John Steinbeck đang ở Cần Thơ và có hẹn gặp ông ta ngày mai đi uống cà phê trưa từ 2 tới 3 giờ chiều và hỏi tôi có muốn gặp Steinbeck không?  Ông bảo tôi có thể lên ngay trực thăng đi cùng nhưng khi về phải tự lo. Tôi mừng quá nhưng trả lời sáng mai tôi sẽ lấy xe Jeep đi và về cho tiện vì từ Sóc Trăng sang Cần Thơ chỉ khoảng hơn một giờ lái xe.

      Hôm sau đúng giờ, viên đại uý Mỹ đã đợi tôi tại QYV Phan Thanh Giản, Cần Thơ và rồi ông chở tôi tới một câu lạc bộ sĩ quan Mỹ. Tới nơi thì Steinbeck cũng vừa tới, ông ta mặc đồ như một quân nhân tác chiến, có khoác cả áo giáp, có bộ râu lẫn ria cắt tỉa gọn ghẽ. Khi gặp Steinbeck tôi còn là Y sĩ Đại uý, ông ta gọi tôi là Doctor và hỏi tôi có sang Mỹ bao giờ chưa và sao lại chọn dịch cuốn sách OMAM của ông? Tôi nói tôi đã sang Mỹ hai lần rồi và lần nào tôi cũng muốn mau trở về vì nhớ quê nhà và bằng hữu. Ông cười bảo vậy đúng là điều ông muốn nói trong cuốn truyện rồi, ước vọng sao có một mảnh đất, một khu vườn và ngày ngày gặp bạn bè tán gẫu với nhau. Tôi mang theo hai cuốn truyện dịch, một cuốn OMAM và một cuốn Des souris et des hommes để ông ký cho tôi và Bửu Tập, còn tôi cũng tặng ông một cuốn truyện dịch Của Chuột và Người. Tôi chỉ được viên Đại uý cố vấn nhường cho nửa giờ nên tôi chỉ hỏi ông một câu duy nhất là ông có dự tính gặp một nhà văn Việt Nam nào không? Ông trả lời chuyến đi này của ông không có liên quan gì tới văn chương cả, mà là quan sát tại chỗ về tình hình miền Nam xem có cơ thắng trận hay không. Hôm đó viên Đại uý cố vấn có chụp cho tôi với John Steinbeck một tấm hình polaroid lấy liền. Nửa giờ quá ngắn ngủi và Steinbeck chỉ ở VN có sáu tuần mà phải đi khắp 4 vùng chiến thuật và viết bài hàng ngày cho tờ báo Newsday mà ông là đặc phái viên. Steinbeck ủng hộ Mỹ đem quân tới VN để chống sự bành trướng của CS và rất ghét nhóm phản chiến. Ngược lại con ông, đang phục vụ tại VN trong đoàn Truyền thông quân sự Hoa Kỳ thì lại chống chiến tranh VN. Những bài báo của ông viết từ VN sau được in lại thành một cuốn sách: John Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the war. Và anh cũng đã biết rồi.

Hình 8:trái, Of Mice and Men, của John Steinbeck bản tiếng Anh; giữa: Des souris et des hommes bản tiếng Pháp; phải: Của Chuột và Người, bản dịch của Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập, Nxb Văn Sài Gòn 1967. Từ sau 1975, bản tiếng Việt này đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam.

      Đêm 29/04/1975 do tôi di tản nhờ tàu Hải quân rất bất ngờ nên đã không mang theo được gì. Sau 1975 có người nhà bên Việt Nam gửi cho tôi cuốn Của Chuột và Người do Hội Nhà Văn in lại và đây là lần xuất bản thứ hai, đề năm 1997. Cuối sách có lời viết như sau: Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với các ông Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Rất tiếc cho đến nay chúng tôi vẫn không nhận được tin tức cụ thể từ hai dịch giả. Sau đó bên nhà lại gửi cho cuốn Của Chuột và Người nhưng lần này do nhà Xuất bản Văn Học ấn hành năm 2001. Và tôi nghe nói cuốn truyện được tái bản nhiều lần vì được dùng làm tài liệu tham khảo trong các trường Đại học về môn Anh ngữ. Người bạn cùng dịch sách OMAM với tôi, DS Nguyễn Phúc Bửu Tập,  thì nay cũng đã mất [1930-2020]. BS Hoàng Ngọc Khôi, Toronto, Email ngày 21.03.2021

      Tây Ninh, Việt Nam, Ngày…  Tháng 01 Năm 1967

      BS Trần Văn Khánh, YKSG 1965

      BS Khánh nguyên cựu nội trú các bệnh viện, anh là bạn đồng khoá YKSG 1965 và rất  thân với Nghiêm Sỹ Tuấn, trong Ban Quan Điểm báo SVYK Tình Thương. Ra trường bị động viên với cấp bậc Y sĩ Trung uý, là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thần kinh / neurosurgeon hiếm hoi, anh được bổ nhiệm về làm trưởng khoa Giải Phẫu QYV Tây Ninh. Anh Khánh kể: Giai đoạn ấy, do đụng độ hai bên thương vong nhiều, ngày đêm tôi làm việc trong Quân y viện và cả sang giúp bên Dân y viện! Tôi mổ đủ thứ; có thể tưởng tượng tôi đã làm cả giải phẫu thần kinh Stellectomie, với những dụng cụ dã chiến!

      Tôi có diễm phúc gặp văn hào John Steinbeck tại Tây Ninh năm 1967, không nhớ rõ ngày tháng trong một dịp bất ngờ khó tin! Như một “duyên khởi” vào một buổi sáng sau vòng thăm các bệnh nhân sau mổ, rất tình cờ tôi gặp nhóm người Mỹ trên một xe Jeep chạy vào Quân y viện, hai người đàn ông và một phụ nữ. Họ cần có nước rửa tay và khu vệ sinh. Trong đám người ấy, tôi nhận ra ngay nhà văn Steinbeck qua chùm râu và ria mép trên khuôn mặt nông dân của ông ấy. Steinbeck trông phong trần trong bộ quân phục GI’s với cả áo giáp và nón sắt. 

      Qua vài câu trao đổi, Steinbeck quá đỗi ngạc nhiên khi có một người bản xứ xa lạ nói tiếng Anh lưu loát và nhận ra mình; hơn thế nữa anh ta còn là độc giả từ bao năm của ông. Khánh nhắc tới cuốn sách The Grapes of Wrath, nhắc tới cảnh tượng một người mẹ vừa sẩy thai đã cố gắng cứu sống một người đàn ông sắp chết đói và cho ông ta bú bầu sữa từ chính nơi ngực mình. Khánh nói với Steinbeck, trang sách cuối ấy không chỉ vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng và cả tuyệt đẹp, đã đọc rồi không sao có thể quên.

      Chỉ bấy nhiêu thôi, Steinbeck đã hoàn toàn bị chinh phục. Steinbeck thân thiết mời Khánh – mà ông gọi là “young man” lên chuyến xe Jeep cùng ông trong chuyến thăm đi một trại Lực Lượng Đặc Biệt không xa chân núi Bà Đen mà lính Mỹ gọi đó là Black Virgin Mountain, cũng là nơi mà Steinbeck tưởng như đó là điểm cuối của con đường mòn Hồ Chí Minh.

      Ấn tượng sâu đậm nhất nơi Khánh: Steinbeck nói nhiều như là một war advocate / bênh vực chiến tranh, ông tin rằng với vũ khí tối tân như hiện nay Mỹ sẽ thắng đám lính VC hỗn tạp và cả quê mùa. Trong khi đó thì cô Mỹ tóc bạch kim ngồi phía sau – không biết có phải là vợ mới cưới của ông hay không, đi theo làm stenodactylo / tốc ký ghi xuống những điều Steinbeck đang nói.

      Không phải là không nhớ, nhưng Khánh không muốn nói nhiều về chuyến field trip ngày hôm ấy với Steinbeck, Khánh coi đó như một chút riêng tư mà Khánh muốn giữ cho riêng Anh. Khánh viết: “Tôi xin được phép không làm nhân chứng lịch sử của một giai đoạn chiến tranh tương tàn mà rốt cuộc miền Nam bị miền Bắc cưỡng chiếm”. Sau này sang Mỹ, Khánh đã có dịp tới thăm The National Steinbeck Center ở Salinas, tới thành phố Carmen, cả ôm pho tượng Steinbeck.  Trần Văn Khánh, Oklahoma, Email: ngày 7 tháng 3,  2021   

MỘT CUỐN SÁCH GÂY TRANH CÃI

      “Những bức thư gửi Alicia” trên tờ Newsday được tập hợp trong một cuốn sách có tên là Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War, nhưng rồi đã không được in ra vào thập niên 1960s, do những e ngại danh tiếng của Steinbeck bị thêm tổn thương và mãi tới 44 năm sau khi Steinbeck mất (1968), cuốn sách mới được University of Virginia Press xuất bản (2012), với Thomas Barden giáo sư Đại học Toledo, Ohio từng là cựu chiến binh ở Việt Nam và là một học giả chuyên về Steinbeck viết lời Dẫn NhậpKết Từ cho tác phẩm cuối đời của Steinbeck.

      Theo Barden, chính TT Johnson cũng muốn Steinbeck tới Việt Nam tường trình tại chỗ những gì đang diễn ra lúc đó. Steinbeck muốn có một chuyến đi độc lập, nhưng qua nội dung các bức thư viết từ chiến trường, rõ ràng Steinbeck có quan điểm ủng hộ cuộc chiến tranh, phản ánh chính sách của TT Johnson lúc đó với chủ thuyết Domino, và tính tất thắng / winnability của Mỹ trong cuộc chiến này. Giữa Cha và Con  Steinbeck đã có đụng độ với cách nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam. John IV con trai Steinbeck cho rằng đây là một cuộc chiến sai lầm, “đa số lính Mỹ thì nghiện ngập, con số thương vong thì không chính xác, và rằng chúng ta – người Mỹ phải rút chân ra khỏi cuộc chiến tranh này.”

      Sau thời gian ở Việt Nam trở về Mỹ  và trong những trao đổi riêng tư, Steinbeck đã  tỏ ra bất bình về những tin tức sai lạc về cuộc chiến tranh hàng ngày cung cấp cho dân chúng Mỹ. Chính Elaine vợ ông cũng khuyên Steinbeck cần thay đổi cách nhìn về cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhưng Steinbeck đã không còn sống lâu hơn để viết thêm gì khác về cuộc chiến tranh ấy.       Đồng ý với John Steinbeck hay không, thì sự nghiệp của ông đã hoàn tất. Tất cả những trang viết của ông trước sau, thì nay vẫn hiện diện trên các kệ sách trong các thư viện và trường học. Sẽ vẫn là một bài học cho các thế hệ tương lai.  

Hình 9: Hình bìa cuốn sách“Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War” đ

ã không ra mắt vào thập niên 1960s, mà mãi tới 44 năm sau khi Steinbeck mất. University of Virginia Press (2012).

IN RETROSPECT – NHÌN LẠI

      Năm 1972, thời gian tôi đi tu nghiệp ở San Francisco về chuyên ngành Y Khoa Phục Hồi, John Steinbeck đã mất trước đó 4 năm (1968). Tiếp sau Lyndon B. Johnson, Richard Nixon là Tổng thống Mỹ, đang theo đuổi chính sách Việt Nam hoá cuộc chiến tranh – mà báo chí Mỹ gọi đó là kế hoạch đổi màu da trên xác chết, chuẩn bị cho Mỹ hoàn toàn rút chân ra khỏi Nam Việt Nam.

      Và cũng chưa bao giờ phong trào phản chiến với teach-in, sit-in lên cao và lan rộng ra khắp các đại học trên toàn nước Mỹ như vậy. Nơi sân trường Đại học Berkeley, đám sinh viên “con ông cháu cha” từ miền Nam Việt Nam sang du học Mỹ cũng hoà nhập vào đám phản chiến ấy, chúng mặc bộ áo bà ba đen tổ chức các nhạc hội hát “Quảng Bình Quê Ta ơi” quyên tiền ủng hộ Hà Nội và Mặt trận Giải Phóng. Và ở đâu đó, hai con trai của John Steinbeck cũng đang hoà nhập vào dòng người đó.

      Cũng trong năm 1972 và cả sau này, tôi đã hơn một lần tới thăm Monterey, Salinas quê hương của Steinbeck. Steinbeck mất ở New York, tro cốt của ông được đưa về California và chôn cất lặng lẽ trong khu nghĩa trang của gia đình. Ba mươi năm sau khi ông mất, một National Steinbeck Center được khai trương (27/06/1998) nơi thị trấn Salinas, nơi quê hương ông sinh ra.

Hình 10: trên, Trung tâm Quốc gia Steinbeck, [địa chỉ 1 Main Street, Salinas, CA 93901] nơi thị trấn Salinas quê hương của Steinbeck. Trung Tâm Steinbeck được xây dựng và khai trương (1998) 30 năm sau khi ông mất (1968); dưới, câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và trưng nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California.

      Trong một lần đã tới thăm, điều vẫn còn lưu lại trong trí nhớ là câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và trưng bày nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California.

      Nhà văn phải tin tưởng rằng điều hắn đang làm là quan trọng nhất trên thế giới. Và hắn phải giữ ảo tưởng ấy cho dù khi biết được điều đó là không thực.”

      Dĩ nhiên đây không phải là câu văn hay nhất của Steinbeck nhưng có lẽ phản ánh đúng nhất về cuộc đời 66 năm đầy thăng trầm và cả nghịch lý của Steinbeck mà ông đã bướng bỉnh lựa chọn để đi tới vinh quang và cả đôi khi chống lại chính mình.

Hình 11: trái, Bức tượng đồng John Steinbeck, nơi thành phố Monterey, California, quê hương ông.

NGÔ THẾ VINH

California 28/03/2021

THAM KHẢO:


1/ Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War, March 29, 2012 by John Steinbeck (Author), Thomas E. Barden (Editor)

2/ Steinbeck In Vietnam: A Great Writer’s Last Reports, April 21, 2012, 6:25 AM https://www.npr.org/2012/04/21/150012711/steinbeck-in-vietnam-a-great-writers-last-reports

3/ War hopeless but necessary, Steinbeck says. Ray Belford, The Stars and Stripes Archives, December 22, 1966
https://www.stripes.com/news/war-hopeless-but-necessary-steinbeck-says-1.84079

4/ John Steinbeck, despised and dismissed by the right and the left, was a real American radical. America’s Best Hated Author by Eric Johnson. Aug 5, 2004
https://www.montereycountyweekly.com/news/local_news/john-steinbeck-despised-and-dismissed-by-the-right-and-the-left-was-a-real-american/article_4bd65e88-6803-59da-9ec2-0a62c5c8adbb.html

5/ John Steinbeck IV and the Coconut Monk. Alison Teal, Contributor 04/09/2014, HuffPost
https://www.huffpost.com/entry/john-steinbeck-and-the-co_b_5089375

6/ (A) The Dragon in the Jungle: The Chinese Army in the Vietnam War. Xiaobing Li. Oxford University Press, Jan 30, 2020. (B) A History of the Modern Chinese Army. Xiaobing Li. The University Press of Kentucky, 2007

7/ Của Chuột và Người. John Steinbeck. Bản dịch của Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Nxb Văn, Sài Gòn,1967

8/ Khám Phá Việt Nam
Hầm bí mật dưới lòng đất của Lạng Sơn có nhiều ghi chú bằng cả chữ Hán và https://youtu.be/mpuudi8AMIU

9/ Great Writers of the West: Steinbeck and the Environment. The Bill Lane Center for the American West. Stanford University Wednesday, May 10, 2017 https://west.stanford.edu/events/great-writers-west-steinbeck-and-environment

‘Nghi thức’ dùng dao nĩa và napkin trong nhà hàng

Hôm nọ ngồi tán gẫu với vài bạn về chuyện ăn uống ở các nhà hàng phương Tây. Một trong những ‘nghi thức’ trong các nhà hàng đó là cách dùng dao và nĩa cho đúng cách. Cái note này chia sẻ với các bạn vài điều tôi học được để các bạn không bỡ ngỡ.

Nhớ lần đầu đi dự một buổi dạ tiệc (tiếng Anh gọi là ‘function’) ở Hunter Valley tôi mắc phải vấn đề dùng dao nĩa. Hôm đó là tiệc do tổ chức gây quĩ cho nghiên cứu y khoa, nên ngoài các nhà khoa học cấp cao còn có các chánh trị gia và ông bà chủ của các tập đoàn thương mại Úc. Buổi dạ tiệc đó thu hút gần 10 triệu đô cho quĩ nghiên cứu! Tôi ngồi trong bàn có ông bà Kerry Packer (chủ đài truyền hình số 9) và bên cạnh Giáo sư PS (người đã qua đời gần 10 năm). Nhìn vào cái dĩa lớn, 2-3 loại li trắng toang lấp lánh, và một loạt dao nĩa làm tôi lúng túng. Nhìn qua là biết buổi tiệc sang trọng. Hồi nào đến giờ chỉ thấy dao và nĩa thôi, sao bây giờ nhiều quá — tôi hồi hộp tự hỏi trong bụng. Đến khi được phục vụ món bánh mì, tôi không biết dùng dao nào, nên tôi liếc sang bên cạnh xem Giáo sư PS dùng dao nĩa gì và tôi làm y chang. Nhưng đến khi ăn xong món chánh, tôi xếp chéo dao và nĩa trên dĩa. Thế là Giáo sư PS hỏi nhỏ tôi là bộ món ăn không ngon sao, tôi trả lời ngon lắm chớ. Thế rồi PS chỉ tôi cách xếp dao nĩa cho đúng cách để ra dấu hiệu khen món ăn ngon. Nếu không có PS chỉ dẫn thì đêm đó chắc tôi đã là một ‘con cừu đen’ trong bọn elite.

Sau này có dịp tìm hiểu về etiquette (nghi thức) ăn uống của người phương Tây tôi mới thấy họ cầu kì làm sao! Sự cầu kì đó hoá ra chỉ bắt đầu từ thế kỉ 18 hay 19 thôi, chớ trước đó thì không phải vậy. Theo sách sử thì dao đã được sáng chế từ rất xa xưa, nhưng nĩa thì chỉ mới xuất hiện từ thế kỉ 16. Hình như người Ý dùng nĩa trong bữa ăn đầu tiên trên thế giới. Trước đó, người Âu châu dùng tay để bốc thức ăn.

Catherine de Medici (một trưởng giả từ Florence, Ý) là phu nhân của Vua Henry Đệ Nhị (1533). Khi bà sang Pháp làm dâu, bà rất ngạc nhiên về sự khiếm nhã của người Pháp lúc đó. Thời đó, người Pháp thích dùng tay để ăn thịt. Do đó, nhìn cách ăn của dân Pháp bà de Medici viết rằng: ‘Ở Paris này, nhiều người vẫn cười cợt cái tánh gọn gàng của người Ý vì họ dùng nĩa. Còn họ ở đây thì nốc cả đống thịt với cái dao và ngón tay đầy mỡ.’ Mãi đến thế kỉ 18 người Pháp mới bắt đầu chấp nhận và dùng nĩa trong các bữa ăn.

Desiderius Erasmus là một nhà nhân văn học người Hoà Lan từng soạn một cuốn sách về lối cư xử văn minh dành cho trẻ em. Trong sách, ông viết rằng ‘có vài người mỗi khi ngồi xuống bàn ăn là thọc tay vào thức ăn. Đó là hành vi của chó sói. Thọc ngón tay vào tô súp là rất khiếm nhã. Bạn nên dùng dao và nĩa để lấy thức ăn.’

Từ thế kỉ 16 trở đi, dùng dao và nĩa trong bữa ăn trở thành một nét văn hoá của giới thượng lưu Âu châu. Họ muốn duy trì tánh thượng lưu đó và phân biệt với ‘thường dân’, nên họ đề ra những qui ước (hay ‘nghi thức’) trong ăn uống. Những nghi thức đó thay đổi theo thời gian, và cho đến nay thì gần như tất cả ai quen với văn hoá ăn uống phương Tây đều biết cách dùng dao và nĩa.

Nghi thức xếp dao và nĩa?

Trong các nhà hàng sang trọng, chúng ta thấy có cái dĩa lớn, cutlery (có nghĩa là dao nĩa), và ‘napkin’ (khăn trắng, mà nhiều từ điển dịch sai là ‘khăn lau miệng’). Tựu trung lại, có 5 tình huống sắp xếp dao và nĩa, và cách mỗi tư thế gởi một tín hiệu đến người tiếp viên phục vụ:

• Nếu muốn thể hiện rằng bạn thưởng thức món ăn ngon, thì xếp nĩa và dao song song nhau (nĩa trên, dao dưới) theo chiều ngang 180 độ;

• Nếu muốn nói cho bồi bàn rằng bạn đã ăn xong, xếp nĩa vào dao song song nhau, nhưng chiều dọc;

• Nếu bạn chê món ăn quá dở, đặt nĩa và dao giao chéo nhau;

• Nếu bạn chờ món ăn mới, đặt nĩa và dao giao chéo 90 độ, nĩa theo chiều dọc và dao chiều ngang;

• Nếu bạn muốn gởi tín hiệu ‘tôi ngừng một chút’ thì sắp xếp nĩa và dao không giao chéo nhau nhưng bẹ ra.

Hình 1: Cách sắp xếp dao nĩa theo mỗi tình huống. Nĩa lúc nào cũng ở bên trái và dao lúc nào cũng ở bên phải và lưỡi dao phải hướng về bên trái.

Đó là vài nghi thức về dao và nĩa, thế còn napkin thì sao? Napkin cũng có một lịch sử khá lâu đời, bắt đầu từ thời La Mã, họ dùng napkin để lau mặt trước bữa tiệc (ngày nay thì điều này được xem là không văn minh). Nghi thức dùng napkin có thể tóm tắt như sau:

• Khi ngồi vào bàn, mở napkin và đặt lên vế;

• Nếu bạn đi khỏi ghế nhưng sắp quay lại, thì để napkin trên ghế;

• Nếu bạn đã ăn xong, thì nên để napkin bên trái của dĩa;

• Không bao giờ để napkin trên dĩa ăn xong (rất khiếm nhã);

• Không xếp napkin chỉnh chu như lúc ban đầu;

• Không bao giờ dùng napkin để lau mặt;

• Không bao giờ dùng napkin để lau dao nĩa;

• Không bao giờ dùng napkin để phủi bụi.

Hình 2: Cách dùng napkin. Khi tạm thời vắng bàn (như đi vệ sinh) thì để napkin trên ghế (không phải trên bàn) như hình trên. Còn nếu khi đã ăn xong thì để napkin bên trái của dĩa, và không cần xếp napkin lại như cũ (hình phía dưới).

Tất cả những nghi thức này đều phải học, và không thể chủ quan. Có người Việt có thể đã ở bên này rất lâu năm nhưng vẫn không biết sử dụng dao nĩa, vì họ chỉ quen với dao nĩa thông thường trong quán ăn. (Sợ nhứt là họ ăn xong và quăng cái napkin trên dĩa ăn đầy dầu mỡ, thấy rất dơ bẩn). Còn trong nhà hàng loại ‘upmarket’ đều có những nghi thức riêng, mà như tôi nói trên, là do họ đề ra để phân biệt họ (giai cấp elite) với giai cấp thấp hơn. Thành ra, nhìn cách họ dùng và xếp dao nĩa và napkin, người thông thạo biết ngay người này thuộc giai cấp nào và có ‘educated’ hay không.

Ở Úc, tôi thường hay khuyên các nhóm sinh viên gốc Việt tổ chức những lớp học kĩ năng giao tiếp như thế này cho các em chưa quen với văn hoá ẩm thực phương Tây. Một ngày nào đó mình sẽ có dịp đi dự ‘function’ như tôi trước đây thì mình cần phải biết cách sử dụng dao nĩa theo ‘nghi thức’ của người ta (‘nhập gia tuỳ tục’ mà), còn nếu dùng sai thì cũng chẳng ‘chết’ ai, nhưng người ta sẽ xem mình là kém protocol.

Hai năm trước, một lớp học như thế được tổ chức ở UTS, sau phần lí thuyết, các em ấy được dẫn ra nhà hàng ăn uống như thật (có trả tiền). Trong nhà hàng, bà giám đốc nhà hàng giới thiệu từng ‘thủ tục’ trong ẩm thực (cái nào ăn trước, cài gì ăn sau, dao nĩa cho cái gì, rượu và li phải ra sao cho đúng) mà chính tôi cũng phải học hỏi thêm. Hi vọng những mẹo này giúp các bạn làm quen với cách ăn uống của người phương Tây.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021)

Sáng nay đọc báo mới biết một trong những nhà văn quan trọng nhứt sau 1975 Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở tuổi 71. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết ‘Tướng về hưu’ (1988), từng nổi tiếng một thời và gây ra nhiều tranh cãi kịch liệt. Tôi nhớ đến nhà văn là qua cuốn tiểu thuyết đó.

Thời đó (giữa thập niên 1980s), những người ở hải ngoại như tôi rất khó đọc được những tác phẩm văn học từ Việt Nam. Lí do là cấm vận, là thù hận cao ngất, nên các tác phẩm từ Việt Nam không được chào đón ở ngoài này, mà chỉ có một số ít mê văn học tìm đọc mà thôi. Mà, các tác phẩm gọi là ‘văn học’ thời đó cho oai, chớ chẳng có gì là văn học cả, mà toàn là tuyên truyền.

May be a black-and-white image of 1 person
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021). Ông được sanh ra ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì – Hà Nội. 

Tuy nhiên, sự ra đời của ‘Tướng về hưu’ làm thay đổi nhận thức của vài người ở hải ngoại. Hoá ra, trong nước vẫn có người sáng tác không theo cái motif và framework có sẵn. Người đó là Nguyễn Huy Thiệp, người đi ra ngoài cái khuôn sáo của loại văn chương dạy đời và tuyên truyền, hay nói theo tiếng Anh là ‘thinking outside the box’.

May be an image of text that says 'Tưáng LOC TRUYỆN NGĂN CHỌN vehuu TUẦN BÁO VĂN NGHỆ NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NĂNG 1988'

‘Tướng về hưu’ tiểu thuyết hoá một gia đình ngoài Bắc thời mới ‘Đổi Mới’. Gia đình đó có ông Thuấn, là một tướng về hưu; bà vợ bị lẩn; người con trai nhu nhược làm việc ở Viện Vật Lí và cô dâu làm nghề bác sĩ chuyên nạo phá thai. Dưới đây là một đoạn mô tả gia đình đó bằng những câu chữ ngắn và có vẻ thô:

Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn […] Tôi ba mươi bẩy tuổi, là kỹ sư, làm việc ở Viện vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ.”

Đó là những câu chuyện về mâu thuẫn giữa giá trị đạo đức truyền thống và thời ‘Đổi Mới’ mà đồng tiền ngự trị và chi phối mọi sanh hoạt xã hội. Ông tướng về hưu cảm thấy mình lạc lõng trong cái xã hội mới. Trong Tướng về hưu, có một chi tiết làm tôi kinh ngạc (hay kinh tởm) là cô dâu của ông Thuấn hay đem nhau thai, có khi nguyên hình người, về nhà cho chó ăn. Dưới đây là đoạn mô tả kinh dị đó để các bạn thưởng lãm (khó đọc nghen):

Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!’ ông Cơ bảo: Cháu quên, cháu xin lỗi mợ.

Cố nhiên, đó chỉ là tiểu thuyết thôi. Nhưng dù là tiểu thuyết, Tướng về hưu vẽ lên một bức tranh rất đen tối trong cuộc sống ở miền Bắc trước thời ‘Đổi Mới’. Đối với dân miền Nam như tôi, đọc những chi tiết về thời đen tối đó thấy khó tin sao có những con người vô đạo đức như thế, nhưng hoá ra là thật.

‘Tướng về hưu’ còn có nhiều chi tiết hay khác nữa, những chi tiết mà có lẽ giới kiểm duyệt và văn chương phải đạo không thích. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể rằng trong bản thảo có câu đối thoại:

Cái Vy hỏi: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?”. Cha tôi chửi: “Mẹ mày! Láo!”.

Nhưng biên tập viên sửa chữ ‘tếu’ thành ‘láo’.

Không ngạc nhiên khi ‘Tướng về hưu’ mới vừa được xuất bản là đã gây tranh cãi. Bản thân tác giả hứng nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhà văn khác. Sau này ông giải thích rằng “Đến Chúa Jesus còn bị hắt hủi tại quê nhà cơ mà. Tôi thì ăn thua gì“, và “Bây giờ nghĩ lại, vào những năm 1988-1992, việc người ta phản ứng dữ dội với sáng tác của tôi là chuyện bình thường. Cũng giống như ngày xưa, khi cả xã hội đang mặc đồ bộ đội, một cô gái đột nhiên xuất hiện với chiếc quần bò sẽ làm người khác ngứa mắt. Sau này rồi thì người ta sẽ quen dần đi. Nhưng điều tệ hại là trong cuộc tranh luận văn nghệ đó, có những ý kiến không thuần văn chương, của những người ngoài giới, thậm chí còn có những vu cáo phi văn học.”

Tác phẩm ‘Tướng về hưu’ được trao nhiều giải thưởng văn học, nhưng đa phần là ở nước ngoài. Điều đáng buồn là ông giấu kín việc được trao giải thưởng. Khi được hỏi tại sao, Nguyễn Huy Thiệp cho biết vì ông sợ cái thói ganh tị của người Việt và những kẻ ganh ghét ông sẽ đàm tiếu. Điều này làm tôi nhớ đến chuyện trong nhóm nghiên cứu của tôi, có vài thành viên được trao giải thưởng danh giá về khoa học, nhưng họ không dám ‘khoe’ ra, vì họ nói rằng ở VN ai mà khoe có giải thưởng là thế nào cũng bị ganh ghét!

Nếu năm 1986 là cái mốc về đổi mới chánh trị, thì sự ra đời của tác phẩm ‘Tướng về hưu’ được ví von là mở đầu cho thời kí ‘đổi mới’ trong văn học sau 1975. Nay thì người mở đầu cuộc đổi mới đó đã về cõi vĩnh hằng, và quên đi những tháng ngày ‘úp mặt vào núi’. Là một kẻ ngưỡng mộ văn tài của ông (chớ không quen biết gì với ông), người viết cái note này mong ông thanh thản nơi miền Cực Lạc.

____

Các bạn có thể đọc thêm bài viết của Nhạc sĩ Tuấn Khanh về Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở đây: https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10158199521973181

Review of “Flesh Made New”: hype, hope, and fraud in stem cell research

For decades, stem cell therapy and stem cell research have generated much hope and controversy for the public and scientific community alike. While the controversy is still raging, the publication of ‘Flesh Made New’, a popular science book, is a timely contribution. In this book, hematologist and stem cell expert John Rasko teamed up with historian and writer Carl Power to chart the 100-year history of stem cell research, and the result is a mesmerising narrative of successes, failures, promises, even frauds.

Dr. Carl Power (left) and Professor John Rasko (right), authors of ‘Flesh Made New.’ Photo: raskolab.com.au

Most of us are no stranger to stem cells. Over the past 10 years or so, stem cell therapy and stem cell research have inspired many headlines in popular media. Some scientists and doctors enthusiastically embrace on the research and treatment using stem cells. Funding agencies and philanthropy groups are keen to support stem cell research. Patients with incurable diseases desperately seek stem cell therapy as the last hope. We are promised that stem cells will one day be used for treating a multitude of ailments, ranging from dementia, autism, multiple sclerosis, spinal cord injury, Parkinson’s disease, heart failure to type 1 diabetes. However, virtually all promises have not been materialized, and patients are still hopeful. The media, scientists and patients have collectively generated much hope and hype. It is the hype of stem cell therapy that is the feature of this book.

Rasko and Power make an excellent point that “Hype tends to encourage amnesia. It fixes your attention on the future rather than the past, the latest rather than the long term, the breakthroughs rather than the deep continuities. Hype frames each discovery as a game-changer, a fresh start, a reason for looking forward, not back.”

With that statement as a rationale, the authors take us through the history tour of stem cell research, spanning from early 20th century to early 21st century. They draw on their well experience on stem cell research and medical history, and critical reading of hundreds of scientific papers to deconstruct the stem cell science. Readers will learn about heroic efforts of meticulous and good-intentioned scientists with their successes, their blunders, their fascinating personal lives and colorful personalities. Readers will also meet some charlatans, even downright fraudsters, who have generated much hype and compromised the stem cell science.

Key scientists and their work in stem cell science

A shaky beginning

Readers will meet the brilliant French surgeon Alexis Carrel, who cultivated chicken heart tissue in test tube with what he called ‘embryonic juice’ (which was actually chicken plasma). He demonstrated that the tissue had survived long after the chicken’s death. Naturally, he thought that he had discovered the immortality of life. Actually, one of his papers (published in 1912) titled “On The Permanent Life of Tissues outside the Organism”. He became a celebrity in the world of medical science for that work.

However, it turned out that the good-intentioned doctor was completely wrong: human cells have limited life span such that they they die after about 50 times of division. His blunder, probably due to his bogus experiments or fraud, has delayed the field for the next 50 years.

Nevertheless, Carrel is still considered a genius who laid the first brick for stem cell science. In 1912, Alexis Carrel was awarded the Nobel Prize in Physiology or Medicine for his work in suture blood vessels and transplantation of organs. He was the first living person in the US to win the Nobel Prize in medicine, although he was a French citizen.

The creation of stem cell science

It is little known that the idea of stem cell therapy was originated from the atomic bombings of Hiroshima and Nagasaki in 1945. In a dispatch from Japan, the Australian journalist Wilfred Burchett described the health of the people living in areas affected by the bombings as follows: “suffered absolutely no injuries, but now are dying from the uncanny after effects. For no apparent reason, their health began to fail. They lost appetite. Their hair fell out. Bluish spots appeared on their bodies. And, the bleeding began from the ears, nose and mouth.” Doctors gave them vitamin A, but it did nothing to relieve the symptoms.

The symptoms are later known as “bone marrow syndrome”. Radiation kills off bone marrow, and the body of victims could not replace red blood cells, white blood cells and platelets, making their body starved of oxygen, and their immune system compromised.

Thus, in the aftermath of the bombings and during the Cold War period, doctors rushed to find a therapy for the new disease. Drugs were trialled, but none of them eventuated. In 1949, the breakthrough came when Leon Jacobson (University of Chicago) transplanted spleen from non-radiated mice into radiated mice. In subsequent year (1951), Egon Lorenz demonstrated that he could save a mouse that was given a lethal dose of radiation by injected bone marrow from a non-radiated mouse. Their work has opened a new era of bone marrow transplantation for leukemia.

The science of stem cell was actually created by two meticulous scientists: James Till and Earnest McCulloch of the Ontario Cancer Institute (Canada). In the early 1960s, Till and McCulloch studied the effect of radiation on bone marrow, and through a series of experiments, they identified a ‘new’ cells that they called ‘multipotent stem cells’. Their discovery was published in a rather low profile journal Radiation Research in 1961. Two years later they published further discoveries in Nature in which they categorically settled the long standing controversy: all blood cells are originated from a single cell called ‘stem cell’. (The original word was in German, stemmzelle, and was actually coined in 1905 by the German hematologist Artur Pappenheim).

The first bone marrow transplantation

One of my favorite scientists featured in the book is Donnall (‘Don’ for short) Thomas and his wife Dottie. Don Thomas is considered ‘the father of bone marrow transplantation’ and an unassuming giant in medicine. He graduated from the University of Texas at Austin with a BA (1941) and MA (1943), and with the help of his wife in essay writing, he got admitted to the Harvard Medical School in 1943.

After graduating from Harvard, he became chief resident then instructor at Harvard, where he helped Dr. Joseph Murray in providing care to patients with kidney transplantation. In 2003, Thomas and Murray shared the Nobel Prize for Physiology or Medicine for his work in bone marrow transplantation to cure leukemia and other hematologic malignancies.

Don Thomas was the pioneer who invented bone marrow transplantation, considered the first stem cell therapy. His ground-breaking work was actually conducted in a rather modest institution Mary Imogene Bassett Hospital in Coopertown (New York). He was recruited by Dr Joe Ferrebee to Coopertown in 1955, and started the bone marrow transplantation there. However, the success only came after all 6 patients died, and only 2 showed evidence of transient engraftment.

In a publication in 1957, Thomas warns that “the complexity of the problem of marrow transplantation, with its unknown quantities and potential hazards.” In 2005, after winning the Nobel prize, he still sounded the alarm: “We simply do not know whether these cells will ever be of use for patients with Alzheimer’s disease, Parkinson’s disease, or spinal cord injury.” This warning still rings true now ever.

Ethical issues

Leroy Stevens was a developmental biologist, an unsung hero of stem cell science. He graduated from Cornell with a BS (1942) and University of Rochester with a PhD in embryology (1952). In 1958, while working on a strain of mice known as ‘129’ in the Jackson Lab in Bar Harbor (Maine), Stevens noticed a large testicular tumor (ie teratoma) on a mouse. Curiously, the tumor was composed of hair, skin, bone, and muscle tissues. In 1954, Stevens and Clarence Little (the founder of Jackson Lab) reported that 30 out of 3557 mice of strain 129 had teratoma. One of these tumors could be maintained through transplantation under the skin or into abdominal cavity of other mice over 16 generations.

In subsequent work, Stevens and colleagues traced the origin of teratoma to find out where and when it comes into being. Their question led them to look at the genital ridge in a 12-day prenatal mouse which has primordial germ cells. In 1970, Steven observed that the primordial germ cells looked like the cells of earlier embryos. Furthermore, by transplanting cells of early 129 strain embryos into testes of adult mice, he observed that some of the early embryo cells caused teratomas! Stevens called these cells ‘pluripotent embryonic stem cells’, the origin of the term ‘ES cell.’ That discovery heralded a new era of stem cell research.

Jamie Thomson is also prominently featured in the book. Trained as a biophysicist, Thomson received his doctorate in veterinary medicine in 1985. In the 1990s, while working on IVF projects in Wisconsin, Thomson and his team successfully created the first human ES cells. This important breakthrough was reported in a Science paper (1998), and was later considered “Scientific Breakthrough of the Year” article. The isolation of human ES cells has literally created a new science: regenerative medicine.

The discovery of ES cells has raised the hope of gene therapy. The idea is to transfer genetic material into patient tissues and organs to rescue their impaired functions. Stem cells, especially ES cells, can be considered vehicles for gene therapy. Moreover, human ES cells can, in theory, be genetically manipulated to introduce the therapeutic gene.

However, Thomson’s work on ES cells has also generated considerable controversy. The heart of the matter is that in order to create ES cells, human embryo must be destroyed, and that is considered a ‘murder’ by some. Understandably, the destruction of human embryo is not accepted by Pro-life people.

Gene therapy and shonky operators

In late 1990s, a gene therapy trial was initiated and the result was devastating. The first patient to received gene therapy was Jesse Gelsinger, 17 years old, who suffered a rare liver disease called ornithine transcarbamylase deficiency syndrome (OTCD). Jesse’s parent decided to participate in the gene therapy clinical trial head by James Wilson, director of the Institute for Human Gene Therapy at the University of Pennsylvania. On 17/9/1999, Jesse was unfortunately dead, and the treatment (gene therapy) had killed him. In retrospect, doctors thought that there was no need for him to be treated by gene therapy, because medication and diet could help control the disease.

The death of Jesse Gelsinger has sent a chilling message to the medical research world and inquiries were held. Rasko and Power write that “the final verdict: gene therapy had been over-hyped and pushed into clinical trials far too quickly”. Indeed, in competitive environment of medical research, scientists are incentivized to oversell any discovery that is mostly fragile and irreproducible.

Reproducibility is the cornerstone of science. However, in reality most (perhaps up to 90%) of medical research findings are either irreproducible or false. Rasko and Power referred to a study by Glenn Begley and Lee Ellis (Nature 28/3/2012) who validated 53 landmark studies published by some of the world’s top tier journals, and they could reproduce only 6 studies — a mere 11%. In other words, approximately 90% of the most important studies were not reproducible. Commenting on this paper, the eminent physicist Robert Weinberg of MIT said that “to my mind, that [paper] was a testimonial to the silliness of the people in industry — their naiveté and the lack of competence.”

Many high profile cases of irreproducibility and fraud, including the Paolo Macchiarini, Obakata and the Hwang Woo-Suk affairs, are mentioned in the book. One particular case involved Dr. Piero Anversa caught my attention is the ‘broken heart’ story. Conventional wisdom says that blood stem cells should only able to make new blood, not new heart or new muscle. However, in a paper in Nature, Anversa showed that stem cells from one tissue could be reprogrammed to have function in another tissue. He invented a new word: ‘transdifferentiation’. He further claimed that to repair a broken heart, one does not need to harvest blood stem cells, just give a hormone called G-CSF. His work in regenerative medicine was prominently featured in the New York Times with eye catching titles such as “Study finds heart regenerates cells” and “Stem cells yield promising results.” Anversa, a respected cardiologist, became a scientific celebrity.

However, Anversa’s findings could not be reproduced by other scientists. At Amgen, Begley who had the perfect skill and experience for the G-CSF study, could not reproduce the Anversa’s data. In subsequent years Begley found out that even Anversa’s lab could not reproduce their own findings. Other scientists also could not reproduce Anversa’s work, and they have published their ‘failure’ in Nature. Yet, by that time, there were 10 clinical trials with 200 patients who were put on the marrow-to-heart treatment!

Eventually, an internal investigation by Harvard University found that Anversa and his 2 colleagues had fabricated data, and their misdeeds stretched back a decade. Harvard University fired the 3 individuals, and Brigham Hospital (where Anversa conducted his work) was forced to repay the US government $10 million for grants that Anversa had obtained.

Rasko and Power remark that “bad science flourishes where hopes are highest, where the pressure to succeed and the promise of reward are greatest. Which suggests that the top science journals, the best research institutes, and the hottest fields of investigation attract more than their fair share of bad science.”

Medicinal cannibalism

An interesting part of the book discusses the issue of ‘Medicinal Cannibalism’ which is also relevant to controversies surrounding stem cell therapy. Briefly, medicinal cannibalism is the practice of using the human body, dead or alive, to treat diseases. Apparently, during the Renaissance, Europeans regularly consumed human flesh and blood for hundred of years. Consumers included both the poor and the aristocracy in Germany, England, Italy and France. Yet, the authors write, “when European explorers ‘discovered’ the Americas, they were shocked to find cannibalism practised there. In their view, to eat a vanquished foe or a beloved relative was pure savagery.”

As savagery as it seems today, the drinking of human blood and the smearing of human fat are still practised by some people in the medical establishment nowadays. In 1954, Paul Niehans, a prominent Swiss doctor, used a method he called ‘cellular therapy’ to treat Pope Pius XII. His method was quite cannibalistic: he would kill a pregnant ewe to obtain its alive fetus, minced the required organs and mixed them with a salt solution, then injected into the Pope’s wasted buttocks. It is not clear whether the trick worked, because Niehans never provided any evidence of efficacy.

Fast forward to 2016, a young doctor from California named Jesse Karmazin opened a clinic in Monterey where he offered blood plasma from healthy young people to people with a health problem. He claimed that the plasma could fight against disease such as Parkinson’s disease, multiple sclerosis, diabetes, cancer. He also advertised that the plasma could rejuvenate and revitalize people’s heath. The plasma came with a rather hefty price tag: $8000 per litre! However, in 2019 FDA warned that such a ‘therapy’ has ‘no proven clinical benefits for the uses for which these clinics are advertising them and are potentially harmful.’ As we can see, the journey from an orthodoxical doctor to a quackery practitioner is not far.

In Flesh Made New, Rasko and Power make a point that most of existing stem cell treatments are essentially medicinal cannibalistic. They write: “skin grafts, organ transplants, blood transfusions and stem cell therapies can be considered forms of medicinal cannibalism. In each case, part of the body is turned into a remedy that, while not actually eaten, is consumed by, or incorporated into, the patient.

So much for fantasy.

***

The French surgeon René Leriche once said that “Every surgeon carries within himself a small cemetery, where from time to time he goes to pray — a place of bitterness and regret, where he must look for an explanation for his failures”. If we replace the word ‘surgeon’ with the phrase ‘stem cell research’ we have a good summary of the past and current state of stem cell science. Indeed, the progress of stem cell science has been paved with unknown human lives for years and years before a modest success is known.

Most people tend to believe that the treatments they receive are safe and effective, that they have been rigorously tested and have passed stringent regulatory control. However, in stem cell science, the belief is flawed. Rasko and Power tell us that most advocated stem cell therapies are not evidence based; they have neither been rigorously tested nor passed regulatory control. The FDA has literally lost control over thousand of stem cell clinics that offer bogus treatments to unsuspected patients. And, the authors advise that ‘you need to be sceptical whenever you hear about an exciting new stem cell breakthrough, especially one that promises medical miracles. In all likelihood, it won’t live up to expectations.’

The public at large trusts that doctors and scientists produce a body of reliable knowledge for the benefit of humanity. However, this is increasingly not the case, because nowadays most of medical research findings are either false or unreliable. The marriage between fame, commercial interests, and scientific knowledge has produced a situation in which fame-seeking and profit motive cloud the ideal of dispassionate intellectual inquiry. Rasko and Power show that in the stem cell industry, the goal of relieving human suffering has sometimes become subservient to the pursuit of fame and money.

Are the authors trying to shame stem cell science? Absolutely not. They categorically state that ‘Our aim is not to discredit stem cell research […] We are marking on a map, so to speak, where the pitfalls and perils lie, the places where others have met with disaster and that should be avoided in future.’

I have enjoyed reading Flesh Made New very much. Using a narrative style, the authors deconstruct study by study, scientist by scientist, until we find ourselves immersed in the world of stem cell science. The good thing about this book is that it is not a US-centric narrative, because it documents scientists and work inside as well as outside USA (Yugoslavia, Ukraine, Canada, France, Japan, etc). There are lots of scientific information, but they are put in context of human interest, making it eminently readable by people of all backgrounds. Indeed, I think this book is a good primer for students beginning in the field of stem cell research, and a good reference sources for patients and the public alike.

As a non-native English speaker, I am hesitant to comment on the quality of language. However, I brave myself to say that the quality of writing is simply outstanding. There are lots of beautiful English expressions in the book that should be part of a teaching resource for science students. The language is non-technical and easy going. It is not an average popular science book, but readers don’t need a science degree to digest the information and data in the book.

A number of books on stem cells have been published, but Flesh Made New is the best treatment of this subject I have read so far. If you want to find out all about stem cells from the history of medical, ethical, and social perspectives, this is the must-read book for you. I highly recommend it to you.

____

Statement of CoI: I have no professional relationship with Dr Power and Professor Rasko. I have come to know Professor Rasko a few years ago when he gave a lecture at the Garvan Institute of Medical Research. I was impressed by his lecture. So, when this book was published only 4 weeks ago I was among the first to get hold of a copy to understand the current state of stem cell science.

Ngoa dụ, hi vọng, và tế bào gốc trị liệu: Đọc sách ‘Flesh Made New’

Flesh Made New (tạm dịch là ‘Thịt Tái Tạo’) là cuốn sách mới toanh của hai tác giả người Úc John Rasko [1] và Carl Power [2]. Cuốn sách là một chuyến tàu lịch sử 100 năm, bắt đầu từ đầu thế kỉ 20 đến đầu thế kỉ 21, về những thành công, thất bại, và cả gian dối trong khoa học tế bào gốc. Tác giả chỉ ra những xì căng đan, những chiêu trò ‘Mãi võ Sơn Đông’ trong kĩ nghệ tế bào gốc diễn ra khắp thế giới. Những thông tin trong sách còn là lời cảnh báo sâu sắc cho những ai tìm đến tế bào gốc trị liệu cho những căn bệnh mãn tính.

Bản tiếng Anh: https://bit.ly/3lgeOJW

Tiến sĩ Carl Power (trái) và Giáo sư John Rasko. Photo: raskolab.com.au

Tế bào gốc

“Tế bào gốc trị liệu” là một mệnh đề bị hiểu lầm rất nhiều. Tế bào gốc là gì? Trị liệu bằng tế bào gốc bao gồm những phương pháp nào? Tế bào gốc trị liệu được phê chuẩn cho điều trị bệnh nào? Các con buôn và bác sĩ đã lạm dụng và lừa gạt bệnh nhân ra sao? Tất cả những câu hỏi trên (và nhiều nữa) được hai tác giả John Rasko và Carl Power trả lời qua cuốn sách “Flesh Made New — the unnatural history and broken promise of stem cells” (lịch sử phi tự nhiên và những hứa hẹn cụi của tế bào gốc).

Sự phân lập tế bào trong cơ thể chúng ta là một hiện tượng nhị phân. Một tế bào nhơn thành 2 tế bào, 2 thành 4, 4 thành 8, vân vân. Mỗi giây, cơ thể chúng ta sản sinh ra 1 triệu hồng huyết cầu (tế bào máu đỏ) trong tuỷ xương. Mỗi tế bào máu đó có một tiền sanh bào (precursor) và có thể xem đó là một tế bào gốc. Mỗi cơ phận trong chúng ta có 1 tế bào gốc, và tiền sanh bào của tế bào gốc được gọi là embryonic stem cell (phôi bào gốc).

Khoa học tập trung vào phôi bào gốc và phôi của các sinh vật sống, vì đó chính là đơn vị căn bản nhứt của sự sống. Đơn vị đó ‘phóng’ chúng ta vào cuộc sống và nhân giống cho tương lai. Đơn vị đó cũng chính là mục tiêu của rất rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ với hi vọng giúp cho chúng ta trường sanh. Nhưng quá trình đó lại sản sanh ra quá nhiều ngoa dụ và hi vọng. 

Vào đầu cuốn sách, tác giả đưa ra một nhận định về ngoa dụ làm tiền đề cho cuốn sách. Tác giả viết (dịch sang tiếng Việt): ‘Ngoa dụ có xu hướng quên. Nó hướng các đến tương lai hơn là quá khứ, cái mới nhứt hơn là lâu dài, những đột phá hơn là sự tiếp nối. Ngoa dụ qui chiếu mỗi khám phá là một ‘game-changer’, một sự khởi đầu mới, một lí do để nhìn về tương lai, không phải quá khứ.’

Do đó, nội dung cuốn sách là một chuyến du hành ngược thời gian về sự hình thành và phát triển của tế bào gốc. Đó là một thời gian dài 100 năm, với những thành công, những thất bại, và những xì căng đan. Gắn liền với những sự kiện đó là những nhà khoa học chân chánh, nhưng cũng có những con buôn hi vọng, những kẻ ích kỉ, lười biếng và lừa dối.

Độc giả sẽ biết qua những cột mốc thời gian quan trọng trong quá trình hình thành khoa học tế bào gốc, những tiến bộ cùng những liệu pháp điều trị bịp bợm mang danh khoa học tế bào gốc. Độc giả sẽ gặp những nhân vật như Alexis Carrel, hai vợ chồng Don Thomas, Jim Till, Earnest McCulloch, Shinya Yamanaka, James Thomson, Leroy Stevens. Bên cạnh những nhà khoa học thứ thiệt, độc giả cũng sẽ gặp những bác sĩ và nhà khoa học mà tác giả gọi là ‘charlatant‘ (tài tử) như Hwang Woo-suk, Haruko Obokata, Jesse Karmazin, Jon Sudbo, Piero Anversa, v.v. chuyên nấu nướng dữ liệu và tuyên bố khám phá nhưng với những hậu quả nghiêm trọng.

Alexis Carrel [2]

Có thể nói rằng câu chuyện tế bào gốc khởi đầu từ đầu thế kỉ 20. Năm 1912, Bác sĩ người Pháp Alexis Carrel, lúc đó làm nghiên cứu ở Viện Rockefeller (New York), chứng minh và sáng chế ra kĩ thuật nuôi cấy tế bào. Trong một thí nghiệm nổi tiếng, ông cắt mô tim của con gà 18 ngày tuổi thành nhiều mảnh và để trong một dung dịch ông gọi là ’embryonic juice’ (nhưng thật ra là huyết tương của con gà). Vài tháng sau ông thấy mô tim của con gà vẫn còn sống và tiếp tục tăng trưởng. Ông và cộng sự là Albert Ebeling công bố thí nghiệm này trên tập san Journal of Experimental Medicine. Báo chí như tờ New York Times hân hoan loan tin rằng mô tim của con gà vẫn còn đập nhịp ngay cả sau khi con gà đã chết từ lâu. Carrel nghĩ rằng ông đã tìm ra thuật trường sanh bất tử.

Một con gà nếu may mắn có thể sống đến 7-8 năm. Con gà sống lâu năm nhứt thế giới (Muffy) là 22 năm. Thế nhưng mô tim con gà mà Carrel ‘nuôi’ trong huyết tương sống mãi đến 1946 (2 năm sau khi Carrel qua đời), khi nguời ta phải tiêu huỷ mô tim gà. Tính ra, mô gà đó sống 34 năm (và chắc có thể còn sống nữa nếu không tiêu huỷ) sau khi mô gà được lấy ra và nuôi trong huyết tương.

Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó cho thấy quan sát và thí nghiệm của Alexis Carrel có vấn đề.  Vào năm 1961, Leonard Hayflick (Viện nghiên cứu Wistar ở Philadelphia) tiến hành một loại thí nghiệm như Carrel báo cáo trên Journal of Experimental Medicine, nhưng không lặp lại được kết quả.  Hayflick và đồng nghiệp soạn một bài báo và gởi cho Journal of Experimental Medicine (cơ quan chủ quản là Viện Rockefeller) để công bố, tuy nhiên bài báo bị tự chối. Sau cùng thì bài báo được công bố trên tập san Experimental Cell Research. Bài báo này được xem là ‘vàng ròng’, và đến nay đã được trích dẫn hơn 5000 lần. Sau khi bài báo được công bố, giới khoa học bắt đầu nghi ngờ về giả thuyết về sự trường sanh của mô và tế bào của Carrel.

Rất có thể Carrel đã làm thí nghiệm sai hoặc gian lận trong nghiên cứu. Có tin đồn trong giới khoa học thời đó rằng các mô tim gà đã chết, và nhóm nghiên cứu của Carrel phải thay thế bằng mô mới. Tuy nhiên, nghi ngờ này có thể xuất phát từ những người ganh tị, không làm được như Carrel. Nhưng nhóm nghiên cứu không cho phép bất cứ người ngoài nào vào xem cách họ làm thí nghiệm, và đó là tín hiệu cho thấy sự thiếu minh bạch của nhóm nghiên cứu.

Sau này thì giới khoa học biết rằng Carrel đã hoàn toàn sai. Thời gian sống của các tế bào có giới hạn, chớ không phải trường sanh. Khi các tế bào phân chia đến lần thứ 50 thì chúng sẽ chết. Mặc dù đó là một thí nghiệm có vấn đề và có thể gian lận, nhưng Carrel vẫn được xem là một người đi tiên phong về nghiên cứu tế bào gốc. Một nhà khoa học có thể nói là ‘tay ngang’ như bác sĩ Alexis Carrel làm thay đổi tất cả.

Năm 1912, Bác sĩ Alexis Carrel được trao giải Nobel y sinh học do sáng chế ra kĩ thuật khâu mạch máu và ghép huyết quản. Ông là nhà khoa học Mĩ (nhưng quốc tịch Pháp) đầu tiên nhận giải Nobel y sinh học.

Cha đẻ của khoa học tế bào gốc: James Till và Earnest McCulloch

Ý tưởng về tế bào gốc không phải là mới, vì đã được đưa ra bàn luận từ cuối thế kỉ 19. Người khởi xướng cuộc bàn luận là Paul Ehrlich (người khám phá ra cách chữa trị bệnh giang mai). Nhưng người đầu tiên đề ra thuật ngữ tế bào gốc là bác sĩ huyết học người Đức tên là Artur Pappenheim. Lúc đó (1905), Pappenheim gọi là ‘stemmzelle‘ (stem cell).

Tuy nhiên, James Till và Earnest McCulloch mới là cha đẻ của một khoa học mới: “stem cell science”. Vào đầu thập niên 1960s, Till và McCulloch nghiên cứu về ảnh hưởng của phóng xạ đến tuỷ xương trong chuột tại Viện nghiên cứu ung thư Ontario (Ontario Cancer Institute). Qua hàng loạt thí nghiệm họ nhận ra những tế bào mà họ đặt tên là ‘multipotent stem cells‘ (tế bào gốc đa năng). Họ công bố phát hiện này trên một tập san ít ai biết đến Radiation Research vào năm 1961, và sau đó hai bài khác trên Nature năm 1963. Với công trình trên Nature, Till và McCulloch đã giải quyết một vấn đề mà trước đó còn tranh cãi: tất cả các tế bào máu đều xuất phát từ 1 tế bào, và đó chính là ‘stem cell‘.

Phôi bào gốc (embryonic stem cells – ES): Leroy Stevens

Năm 1970, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tên là Leroy Stevens để ý thấy những con chuột thuộc dòng ‘129’ mà anh ta nghiên cứu có tinh hoàn xưng lên mà anh gọi là teratoma. Đây là một dạng ung thư có thể lan sang các cơ phận khác trong cơ thể. Khám phá này làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Stevens, và anh quyết tâm theo đuổi nghiên cứu tế bào gốc.

Con đường từ teratoma đến stem cell là cả một đoạn đường gian nan và đầy những thất bại. Stevens cắt các teratoma và tách tế bào, rồi chích các tế bào này vào chuột khác và ung thư xảy ra. Ông gọi đó là ‘cell of origin‘. Năm 1970, Stevens công bố bài báo trên Nature, và ông gọi đó là ’embryonic stem cells.’ Khám phá embryonic stem cells (hay viết tắt là ES hay ESC, tạm dịch là phôi bào gốc) được xem là một trong những phát hiện quan trọng nhứt trong lịch sử sinh học.

Nhiễm phóng xạ và ghép tuỷ xương: Egon Lorenz

Hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki cung cấp cho giới khoa học nhiều bài học về ảnh hưởng của phóng xạ. Một trong những tác động đó là phóng xạ tiêu huỷ các mô sản xuất máu trong xương, làm cho cơ thể thiếu 3 tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và platelet). Thiếu hồng cầu (erythrocyte) cơ thể con người sẽ ‘đói’ oxygen, và bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, da tái, và lẫn lộn. Thiếu bạch cầu (leukocytes) dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch, và cơ thể không có cơ chế phòng vệ chống lại các nhiễm khuẩn. Thiếu platelet làm cho máu không đong được và khi bị thương thì dẫn đến chảy máu một cách khó kiểm soát. Đây là những triệu chứng của nhiễm phóng xạ (có khi còn gọi là radiation sickness), và sau này được mệnh danh là ‘bone marrow syndrome‘ (hội chứng tuỷ xương).

Vấn đề đặt ra là tìm phương pháp chữa trị hội chứng tuỷ xương. Từ một thí nghiệm do Leon Jacobson thực hiện trên chuột năm 1949, Egon Lorenz (Viện ung thư quốc gia Mĩ) đi đến một phát hiện quan trọng. Năm 1951, Lorenz cho chuột bị phơi nhiễm phóng xạ,  và sau đó ông lấy tuỷ xương từ một con chuột khác (nhưng cùng giống) chích vào chuột bị nhiễm phóng xạ. Kết quả cho thấy chuột bị nhiễm phóng xạ sống. Thí nghiệm này được lặp lại những tuỷ xương từ một giống chuột khác, và hiệu quả kéo dài tuổi thọ của chuột cũng được ghi nhận.

Ngày nay, chúng ta nghĩ đến ghép tủy xương như là một liệu pháp điều trị ung thư máu, nhưng liệu pháp này không phải bắt đầu bằng ung thư mà qua nhiễm phóng xạ.

Cha đẻ ghép tuỷ xương: Don và Dottie Thomas

Don Thomas được ghi nhận như là ‘cha đẻ’ của ghép tuỷ xương (‘father of bone marrow transplantation’) và là một nhân vật lớn trong lịch sử y học. Don Thomas tốt nghiệp cử nhân và cao học khoa học xã hội, sau đó theo học y khoa tại ĐH Harvard và tốt nghiệp bác sĩ nằm 1946. Ông rất đam mê với ghép tuỷ xương từ khi làm nội trú tại Bệnh viện Peter Bent Brigham ở Massachusetts.

Người cộng sự đắc lực nhứt của ông chẳng ai khác hơn là bà vợ Dorothy (hay Dottie) Martin. Hai người gặp nhau khi còn là sinh viên tại ĐH Texas tại Austin. Cuộc gặp gỡ rất tình cờ khi cô sinh viên Dottie quăng một nắm tuyết và một cách ngẫu nhiên trúng vào anh chàng Don Thomas đang đi trên đường. Hai người sau đó quen nhau và đi đến hôn nhân, sống bên nhau suốt 70 năm trời. Bà là người đã viết lá thư và bài luận văn xuất sắc để Don Thomas được ĐH Harvard chấp nhận cho học trường y. Sau khi Don tốt nghiệp, bà bỏ nghề báo chí và làm trợ lí trong phòng thí nghiệm do Don quản lí. Bà là người quản lí labo, quản lí nhân sự, lấy máu của bệnh nhân, thu thập dữ liệu, và biên tập các bản thảo bài báo của ông chồng.

Năm 1955, Dottie theo chồng về làm tại một bệnh viện ‘vô danh’ tên là Mary Imogene Bassett ở Coopertown, New York, nơi mà ông thực hiện những công trình nghiên cứu thuộc hàng đột phá. Ở đây, ông đã thực hiện giấc mơ ghép tuỷ xương. Câu nói ‘đằng sau mỗi bác sĩ là một bãi tha ma‘ rất đúng với trường hợp của Don và Dottie Thomas. Trong giai đoạn đầu ghép tuỷ xương, tất cả 6 bệnh nhân đều chết! Don và Dottie viết bài báo khoa học báo cáo những thất bại đó như là một cảnh báo đến cộng đồng khoa học.

Năm 1963, Don và Dottie dời về Seattle, nơi mà Don nhận chức trưởng labo nghiên cứu ung thư thuộc ĐH Washington. Tại đây, Don thuyết phục bác sĩ Willian Hutchinson xây dựng một toà nhà, một trung tâm vĩnh viễn cho Don làm nghiên cứu ung thư. Trung tâm này lấy tên là Fred Hutchinson Cancer Research Center, vì bác sĩ William lấy tên người anh của ông tên Fred là một ngôi sao bóng cầu. Trung tâm Hutch (được gọi ngắn như thế) khánh thành vào năm 1975. Tại đây, bác sĩ Don Thomas đã thành công ghép tuỷ xương cho bệnh nhân ung thư máu, được xem là liệu pháp tế bào gốc đầu tiên và thành công nhứt cho đến nay. Năm 1990, Don Thomas và Josepth Murray được trao giải Nobel y sinh học vì có công trong việc ghép tạng.

Phôi bào gốc đa năng: James Thomson và vấn đề y đức

Tuy nhiên, ngoài ghép tuỷ xương ra, không có một ứng dụng nào khác của tế bào gốc cho điều trị. Người đầu tiên tạo ra các dòng tế bào ES bằng cách tiêu huỷ phôi thai là Jamie Thomson. Công trình của Thomson gây ra rất nhiều tranh cãi về đạo đức, bởi vì các mà ông làm là giết tế bào, có thể xem là một ‘tội phạm’. Đối với nhiều người việc tiêu huỷ phôi thai là không chấp nhận được vì họ xem đó là ‘giết người.’

Tuy nhiên, nghiên cứu ES vẫn tiếp tục và qua các công trình của Shinya Yamakata (Nhật) và John Gurdon (Anh), tiềm năng của phôi bào gốc trở thành một niềm hi vọng của giới khoa học trong rất nhiều chuyên ngành khác nhau.

Những nhân vật chánh và công trình nghiên cứu trong quá trình hình thành chuyên ngành khoa học tế bào gốc.

Medicinal cannibalism: Ăn thịt, uống máu đồng loại

Có thể xem cách làm của Thomson là một dạng của ‘Medicinal cannibalism‘ (tức chữa trị bằng cách ăn thịt đồng loại). Vào thời xa xưa, các chiến binh La Mã sau khi chiến thắng họ thường giết kẻ chiến bại, uống máu họ hay móc gan ra ăn. Hành động man rợ đó được xem là có hiệu quả điều trị bệnh động kinh và các bệnh khác. Uống máu và ăn thịt của Chúa được xem là có hiệu quả cứu rỗi linh hồn chúng ta. Ngày nay, tất cả những ghép tạng như ghép da, truyền máu, tế bào gốc trị liệu đểu được xem là Medicinal cannibalism.

‘Liệu pháp’ chữa trị bằng cách ăn thịt đồng loại vẫn còn tiếp diễn nhưng dưới các hình thức khác. Vài năm trước một nghiên cứu từ ĐH Harvard gây ra nhiều hi vọng vì tác giả cho rằng máu của chuột con có thể cải thiện sức khoẻ tinh thần và thể chất cho chuột cao tuổi. Mặc dầu bằng chứng khoa học chưa vững vàng, nhưng đã có những doanh nghiệp triển khai ý tưởng đó. Jesse Karmazin, một bác sĩ trẻ mới 32 tuổi, thành lập một trung tâm chữa trị bằng cách cho bệnh nhân uống plasma (huyết tương) từ những tình nguyện viên tuổi 16-26. Mỗi lít huyết tương như thế tốn $8000 USD.  Karmazin cho rằng chỉ cần vài lít huyết tương sẽ làm cho bệnh nhân trẻ hơn, cảm thấy khoẻ hơn và giúp chống lại các bệnh mãn tính như Parkinson, tiểu đường, mất trí nhớ, v.v. Dĩ nhiên, những gì mà Karmazin áp dụng chẳng có một chứng cớ khoa học nào cả.

Tài tử và gian lận khoa học

Nhưng Karmazin chỉ là một trong số hàng vạn ‘con buôn’ tế bào gốc trị liệu trên thế giới. Trong cuốn sách Flesh Made New, độc giả sẽ gặp các con buôn với đầy đủ bằng cấp khoa học, chức danh khoa học cao ngất ngưởng như Paul Niehans (Thuỵ Sĩ), Hwang Woo-Suk (Nam Hàn), Jon Sudbo (Na Uy), Haruko Obokata (Nhật), Piero Anversa (Mĩ), v.v. Vào thập niên 1950s, Paul Niehans từng là bác sĩ điều trị cho Đức Giáo hoàng Pius XII. Cách ông điều trị khá là táo bạo: tìm những con cừu cái để giết và lấy trái tim của bào thai, rồi xay nhuyễn, trộn với muối, lọc ra và lấy chất lỏng chích vào mông của Đức giáo hoàng. Không ai biết hiệu quả của liệu pháp này ra sao, vì chẳng ai biết cơ chế của điều trị như thế nào.

Piero Anversa là một nhà khoa học nổi danh vào đầu thế kỉ 21. Anversa nổi tiếng với công trình thí nghiệm mà trong đó ông tiêm tế bào gốc (lấy từ tuỷ xương) vào những con chuột bị suy tim. Các con chuột cải thiện rõ và các cơ tim tăng trưởng ngoạn mục. Anversa và đồng nghiệp công bố kết quả trên tập san lừng danh Nature. Sau đó, Anversa còn cho ra hàng loạt nghiên cứu như tái tạo trái tim bằng tế bào gốc, làm cho giới khoa học mở mắt và kinh ngạc. Ông trở thành một ‘rock star’ trong thế giới khoa học.

Thế nhưng các đồng nghiệp trong chuyên ngành không thể lặp lại nghiên cứu của Anversa. Ngay cả nhóm của Anversa cũng không lặp lại được kết quả mà họ công bố trước đây! Nhưng không ai nghi ngờ rằng Anversa gian dối trong thí nghiệm cả, vì ông là người rất dễ mến, một ‘gentleman’ đúng theo nghĩa của chữ, ông chào đón mọi người đến labo ông để xem thí nghiệm. Nhưng càng ngày số labo không lặp lại được thí nghiệm của Anversa càng nhiều.

ĐH Harvard mở cuộc điều tra về dữ liệu của Anversa. Uỷ ban điều tra kết luận rằng Anversa và 2 cộng sự của ông đã giả tạo dữ liệu. Họ giả tạo số liệu và hình ảnh. Và, họ đã giả tạo dữ liệu hàng chục năm trong hơn 10 bài báo khoa học. ĐH Harvard sa thải Anversa và 2 cộng sự, yêu cầu rút lại 34 bài báo khoa học của nhóm tác giả. Chánh phủ Mĩ thì yêu cầu Anversa phải trả lại 10 triệu USD mà NIH đã tài trợ cho ông trong thời gian qua. Hành động giả tạo dữ liệu của Anversa đã gạt được hàng ngàn nhà khoa học trong một thời gian dài.

Tại sao Anversa làm vậy? Tác giả Rasko và Power đưa ra một nhận xét cũng như là một câu trả lời: sự bất lương trong khoa học hưng thịnh trong điều kiện mà niềm hi vọng đạt đỉnh điểm, khi mà áp lực thành công và  hứa hẹn phần thưởng cao nhứt (“bad science flourishes where hopes are highest, where the pressure to succeed and the promise of reward are greatest“).

Hoài nghi, hoài nghi, và hoài nghi

Tế bào gốc được ví von như là một chất liệu thô, hay một nhà máy có thể tạo ra (hay tái tạo) tất cả các mô và cơ phận trong cơ thể chúng ta. Tế bào gốc hiểu theo nghĩa đó là một cứu cánh nhưng cũng là một phương tiện để đạt lí tưởng trường sanh, hay ít ra là giải thoát nhân loại khỏi tất cả những căn bệnh hiểm nghèo làm cho chúng ta phải chết đi.

Do đó, không ngạc nhiên khi hơn 10 năm qua, chúng ta đã nghe rất nhiều về tế bào gốc trị liệu. Qua truyền thông đại chúng, tạp chí khoa học thường thức, và qua chính các nhà khoa học. Một số nhà khoa học và bác sĩ quảng bá tế bào gốc một cách nhiệt tình. Các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu khoa học và các nhà mạnh thường quân tích cực ủng hộ giới khoa học trong việc nghiên cứu. Bệnh nhân trong cơn tuyệt vọng tìm đến tế bào gốc như là một hi vọng sau cùng. Tất cả 3 nhóm đó — truyền thông, giới khoa học và bệnh nhân — đã sản sanh ra rất nhiều ngoa dụ và hi vọng.

Cho đến nay, tế bào gốc chỉ được phê chuẩn cho điều trị ung thư máu. Đối với các bệnh khác, mặc dù hàng tỉ USD đã được bỏ ra để nghiên cứu, nhưng cho đến nay chưa có bất cứ một liệu pháp tế bào gốc (phôi bào gốc) nào được phê chuẩn cho điều trị lâm sàng. Đó là thông điệp mà tác giả nhấn mạnh và muốn gởi đến độc giả.

Hai tác giả Rasko và Power khuyên chúng ta là nên hoài nghi bất cứ thông tin nào về đột phá trong tế bào gốc trị liệu, đặc biệt là những hứa hẹn về phép mầu, bởi vì những ‘phép mầu’ đó và những ‘đột phá’ đó cuối cùng chỉ là ngoa ngôn và có khi cả lừa đảo và gian dối.

Flesh Made New là một cuốn sách đáng đọc cho bất cứ ai quan tâm đến tế bào gốc trị liệu. Nó là một nguồn tham khảo tuyệt vời cho những ai cần tìm hiểu về tế bào gốc và lịch sử y học hiện đại. Tác giả là người Úc, nên cuốn sách không phạm phải cái mà tôi gọi là ‘US Centric’ (tức là cái gì cũng qui về Mĩ). Trong thực tế, tác giả ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học ngoài Mĩ, kể cả Nam Tư (Yougoslavia). Điều vui vui là bạn đọc cũng sẽ thấy cái thói gian dối rất trẻ con của giới chánh trị thời Soviet về nghiên cứu khoa học.

Văn phong trong cuốn sách chỉ có thể mô tả bằng hai chữ ‘tuyệt vời’. Nội dung cuốn sách là những câu chuyện, và tác giả kể chuyện rất hay. Bạn đọc không cần phải có bằng cấp về khoa học để thấu hiểu vấn đề họ trình bày trong các câu chuyện. Riêng tôi thì còn chú ý đến cách dùng từ vô cùng trong sáng và cách hành văn gọn gàng. Do đó, nếu bạn học tiếng Anh, thì đây cũng là cuốn sách dành cho bạn.

_____

[1] Giáo sư John Rasko là một nhà khoa học thành danh, mà tôi đã có dịp giới thiệu trước đây khi ông đến Viện Garvan giảng về khoa học tế bào gốc. Ông là bác sĩ chuyên khoa huyết học, giáo sư thuộc Khoa Y, Đại học Sydney, Úc. Ngoài ra, ông còn giữ nhiều trọng trách trong các hiệp hội về tế bào gốc như Australasian Gene & Cell Therapy Society (sáng lập viên và chủ tịch 2003-2005), International Society for Cell & Gene Therapy (phó chủ tịch 2008-2012). Ông là tác giả của hơn 160 công trình khoa học được công bố trên những tập san y khoa về tế bào gốc, di truyền học, công nghệ sinh học, và sinh học phân tử.

[2] Tiến sĩ Carl Power là một nhà văn, chuyên về lịch sử và triết lí y khoa. Ông tự xem mình là một học sinh muôn đời, đi tìm hiểu về khái niệm sự sống qua các thời đại.

[3] Bác sĩ Alexis Carrel là một nhà phẫu thuật người Pháp nhưng ông thành danh ở Mĩ. Tháng 5/1903, Bác sĩ Alexis Carrel tham gia một nhóm người hành hương về Lourdres, nơi nổi tiếng có ‘nước thánh’ có thể chữa trị bất cứ bệnh nào. Mặc dù Carrel nghi ngờ câu chuyện nước thánh, nhưng ông vẫn tham gia đoàn đi bằng xe lửa. Trên chuyến xe, ông khám một cô gái 17 tuổi bị bệnh lao và viêm phúc mạc (tuberculous peritonitis) rất nặng, đang hôn mê và đang chờ chết. Ông cho biết là cô gái sẽ chết. Những người trong đoàn hành hương bèn đổ ‘nước thánh’ lên bụng cô gái, và kì diệu thay, chỉ vài phút sau thì cô không còn hôn mê. Tối hôm đó, Carrel khám lại và thấy bụng cô gái đã phẳng ra và không còn khối u nào. Ông sửng sốt trước sự cải thiện thần kì đó, và tin rằng mình đang chứng kiến một phép mầu. Ông cảm thấy mình có trách nhiệm báo cáo những quan sát của mình một cách khách quan, và ông đã làm việc đó. Tuy nhiên, sau đó thì ông bị đồng nghiệp phê bình nặng nề rằng ông cả tin, dễ bị lừa gạt, không xứng đáng là một ‘bác sĩ’. Điều trớ trêu là các tu sĩ cũng phê phán ông gay gắt vì ông dám nghi ngờ hiệu quả thần kì của nước thánh. Những gì xảy ra sau đó là một sự nghiệt ngã đối với ông: đồng nghiệp cho rằng ông không phải là nhà khoa học, ông nhiều lần thi vào một vị trí giảng dạy trong trường y nhưng đều bị đánh rớt. Quá bất mãn trược sự bất công của thiết chế y khoa thời đó, ông quyết định bỏ nước Pháp và lưu lạc sang Mĩ. Và, tại Mĩ ông đã làm nên lịch sử, và được trao giải Nobel Y sinh học.