Gần đây, có nhiều người nói đến con số 70% miễn dịch cộng đồng như là một giải pháp kiểm soát dịch Covid-19. Nhưng tôi e rằng vấn đề không chỉ dựa vào vaccine và ngay cả con số 70% cũng có nhiều giả định đằng sau liên quan đến biện pháp y tế công cộng.
Chiến lược chống dịch Covid-19 thực tế nhứt xây dựng một cộng đồng có khả năng miễn dịch cho nhiều để giảm lây lan. Cách xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh là tiêm chủng vaccine cho một số người trong cộng đồng, và do đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus, thì sự lây lan của dịch bệnh sẽ được hạn chế.
Nói cách khác, người được tiêm chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa/không được tiêm chủng. Điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì suy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lí chánh của khái niệm miễn dịch cộng đồng (MDCĐ).
Câu hỏi đặt ra là cần phải tiêm chủng cho bao nhiêu người trong cộng đồng để đạt ‘miễn dịch cộng đồng’? Có vẻ như TPHCM và nhiều chuyên gia nghĩ rằng con số là 70%. Nhưng cơ sở đằng sau con số này thì chưa rõ ràng và ít ai biết đến.

Tôi nghĩ rằng đáp số không đơn giản như vậy. Lí do là tỉ lệ cần tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hệ số lây lan [1]. Theo đó, vấn đề quan trọng là xác định tỉ lệ tiêm chủng phải cao bao nhiêu để cộng đồng có đủ ‘nội lực’ chống trả lại dịch bệnh. Vấn đề này trở thành vấn đề của thống kê học. Mô hình thống kê học cho biết tỉ lệ cần tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng (MDCĐ) là:
1 – 1 / R
Trong đó, R0 là hệ số lây nhiễm. Như vậy, hệ số lây nhiễm càng cao thì T cũng càng lớn; R càng thấp thì T càng nhỏ. Đó chính là lí do tại sao hệ số lây nhiễm R0 rất quan trọng trong dịch tễ học bệnh truyền nhiễm.
Nhưng công thức trên dựa vào một giả định rất quan trọng là tiêm vaccine có thể bảo vệ tuyệt đối (100%). Tuy nhiên, trong thực tế thì mức độ hiệu quả của đa số vaccine không có cao như 100%, mà thường là 50-95% (như chúng ta thấy qua các nghiên cứu vaccine). Khi triển khai tiêm vaccine trong cộng đồng thì hiệu quả không cao như trong quần thể nghiên cứu. Do đó, T phải được điều chỉnh cho hiệu quả của vaccine. Gọi E là hiệu quả của vaccine, tỉ lệ MDCĐ bây giờ là:
(1 – 1 / R) / E
Như vậy tỉ lệ MDCĐ phụ thuộc vào 2 tham số là hệ số lây lan và hiệu quả vaccine. Kiểm soát hệ số lây lan là phải qua biện pháp y tế công cộng. Kiểm soát E là qua vaccine. Phương trình này có ý nghĩa thực tế là: để kiểm soát dịch, chỉ vaccine vẫn chưa đủ, mà phải kèm theo biện pháp y tế công cộng.
Theo một nghiên cứu tổng quan thì hệ số R = 2.87 [1], tức tương đối cao, phản ảnh mức độ lây lan như chúng ta thấy ở Việt Nam. Nếu giả định rằng hiệu quả vaccine trong cộng đồng là 70%, thì tỉ lệ cần phải tiêm vaccine là 93%:
T = (1 – 1 / 2.87) / 0.7 = 0.93
Nhưng giả dụ rằng biện pháp y tế công cộng sẽ giúp giảm R xuống còn 2.5, thì tỉ lệ cần tiêm vaccine vẫn khá cao: 86%. Chỉ khi nào chúng ta giảm hệ số lây lan R xuống còn 2.0, thì tỉ lệ người cần tiêm vaccine mới là 71%.

Do đó, không có con số huyền thoại 70% miễn dịch cộng đồng, bởi vì tỉ lệ này phụ thuộc không chỉ hiệu quả của vaccine mà còn hệ số lây lan vốn rất khác biệt giữa các cộng đồng [3].
Những tính toán đơn giản trên có một ý nghĩa quan trọng: vaccine chỉ là một vế của vấn đề (chớ không phải là ‘viên đạn bạc’ chống dịch covid-19), vì các biện pháp y tế công cộng (như hạn chế tụ tập đông người) rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch và đạt miễn dịch cộng đồng.
_____
[1] Nếu 1 người lây nhiễm cho 2 người khác, và 2 người đó lây nhiễm cho 4 người khác, v.v. thì hệ số lây lan là 2.
[2] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0242128
[3] https://tuanvnguyen.medium.com/vaccine-efficacy-beyond-the-average-bf72ffc3e138