Trong DNA của chúng ta (người Việt, Hoa, Nhật) đã có dấu vết đối phó với con virus ‘vương giả’ corona từ hơn 25,000 năm trước. Đó là nội dung của một bài báo dài trên tập san nổi tiếng Current Biology [1-2]. Thông tin quan trọng này có thể giải thích tại sao dịch Vũ Hán có vẻ ‘nhẹ’ ở 3 sắc dân trên so với phương Tây, và gợi lên vài ý tưởng về sự xung đột triền miên giữa con người và vi sinh vật.
Nhớ ngay từ lúc dịch khởi phát và Việt Nam chưa bị nhiều, anh bạn già của tôi (Bs NTH) hay nhắc đến giả thuyết rằng hay là chúng ta đã có miễn dịch tốt nên mới bị nhẹ. Tôi cũng bán tín bán nghi, nhưng nghĩ lại cũng có lí. Việt Nam đã trải qua nhiều trận dịch trong quá khứ (200 năm), và ngay cả TB vẫn còn đang hoành hành, thì cũng có thể trong chúng ta đã có hệ miễn dịch khá tốt để đối phó. Bây giờ thì anh Hùng có thể hài lòng là đã có chứng cớ khoa học cho giả thuyết của anh ấy. 🙂
Tổ tiên chúng ta và virus
Dịch bệnh đi liền với lịch sử nhân loại. Theo dữ liệu di truyền, tổ tiên chúng ta xuất phát từ Châu Phi nhiều năm về trước. Sau một thời gian tìm đất sống, có thể họ di cư ngang qua Trung Đông và xuống tới vùng Đông Nam Á và định cư tại đây. Sau khi định cư, họ phát triển nghề nông, trồng trọt, và thuần hoá gia cầm. Khi nước biển dâng lên (chừng 15,000 năm trước), họ tản mát lên những vùng ngày nay là Tàu và các hải đảo, và một số lên vùng cao nguyên. Đó là lộ trình chung được tái dựng từ phân tích di truyền học. Chắc chắn trong thời gian đó, họ đã trải qua vài trận đại dịch do virus gây ra, và chắc chắn gen của họ đã ‘làm quen’ với những con virus này.
Thế giới đã từng trải qua vài trận đại dịch trên thế kỉ 20. Ba biến thể của con virus cúm mùa (flu virus) giết khá nhiều người. Trận dịch Tây Ban Nha (1918 – 1920), giết chết hơn 50 triệu người trên thế giới. Trận dịch Á châu hay ‘Asian Flu’ (1957 – 1958) giết chết khoảng 1.1 triệu người trên thế giới. Đại dịch ‘Hong Kong Flu’ (1968 – 1969) lấy đi gần 1 triệu sanh mạng. Nay đến trận dịch Vũ Hán và người ta gọi là ‘Covid-19’. Ba đại dịch sau này đều xuất phát từ Đông Á.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) mới có một công trình nghiên cứu qui mô và rất thú vị trên Current Biology (IF 10.8). Trong nghiên cứu, họ áp dụng mô hình thống kê để phân tích hệ gen của hơn 2500 người từ 26 sắc dân trên thế giới. Kết quả rất phức tạp, nhưng tóm tắt như sau cho dễ hiểu [3]:
Họ phát hiện những ‘chữ kí’ trong 42 gen của con người mã hoá những protein gọi là VIP (viral interacting proteins). Những protein VIP có chức năng thích ứng với con virus corona. Nhưng phát hiện độc đáo của nhóm nghiên cứu là các protein VIP chỉ tìm thấy ở 5 dân số trong vùng Nam Á như Trung Hoa, Nhật và Việt Nam. Từ đó, họ suy đoán rằng dân Đông Á đã phơi nhiễm (ý nói ‘làm quen’) con virus này chừng 25,000 năm trước.

Cuộc cạnh tranh sanh tồn triền miên
Nhìn từ quan điểm sinh học, đa số bệnh tật là hệ quả của sự cạnh tranh sanh tồn giữa chúng ta và vi sinh vật. Một ví dụ hiển nhiên nhất là cạnh tranh giữa con người và virus, bacteria. Sự cạnh tranh này hình thành bộ gen của chúng ta và của các vi sinh vật.
Đa số chúng ta (con người) nghĩ rằng chúng ta có quyền bất tử trong cuộc cạnh tranh sanh tồn. Nhưng chúng ta quên rằng tất cả các sinh vật và vi sinh vật khác trên trái đất này cũng muốn tồn tại. Cũng giống như bất cứ sinh vật nào trên trái đất có tánh … ích kỉ. Con virus muốn sống và phát triển bằng cách dùng cơ thể chúng ta như là nhà. Và, vì nó không muốn mất nhà, nó cũng không cố ý muốn giết chết chúng ta. Thành ra, ngay cả những con virus sừng sỏ nhứt cũng, vì một cách nào đó, trù liệu để ‘tha’ cho chúng ta. Bởi vì nếu chúng tiêu diệt tất cả ‘nhà’ thì chúng cũng còn nhà mà trú ngụ. Do đó, nói là cuộc cạnh tranh sanh tồn, nhưng cũng là một thoả thuận ngầm giữa chúng ta và virus.
Nói ‘chúng ta’ thì khó hiểu, nói DNA (hay gen) thì có lẽ dễ hiểu hơn. Cơ thể chúng ta là một bộ máy được cấu tạo bởi gen, và gen cũng muốn duy trì sự sống sót của chúng. Những gen này (như cuốn sách ‘The Selfish Gene’ đề cập) cũng rất ư là ích kỉ, và chúng được lập trình sao cho có khả năng sống sót trước những đe doạ nguy hiểm nhứt, kể cả đe doạ của virus. Tôi nghĩ sự phát hiện chữ kí gen ‘VIP’ minh hoạ cho điều này rõ nhứt.
Cả hai nhóm, người và virus, đều lập trình gen để tồn tại chung với nhau. Điều này cũng có nghĩa là chọn lọc tự nhiên không thể cung cấp cho chúng ta một cơ chế phòng vệ toàn năng chống lại tất cả những vi sinh vật gây bệnh. Lí do là những vi sinh vật này thường tiến hóa nhanh hơn cơ thể con người. Chẳng hạn như con E. coli có tỉ lệ tái sản sanh rất nhanh: một ngày tiến hóa của chúng bằng 1000 năm tiến hóa của con người.
Hiện nay, chúng ta đã thấy virus Vũ Hán tiến hoá ra sao chỉ trong vòng vài tháng. Do đó, chúng có thừa thời gian để tồn tại và tấn công vào chúng ta. Trong khi đó, hệ thống phòng vệ của cơ thể chúng ta, dù là tự nhiên (nội lực) hay do sử dụng thuốc (hay vaccine), không có đủ thời gian để đối phó với những kẻ thù mới.
Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, khoa học gia còn vẫn đang bị ‘bó tay’ với tình trạng kháng thuốc rất nhanh. Bất kì một thế hệ thuốc mới nào ra đời, ngay sau đó là có hiện tượng kháng thuốc. Chúng ta có thể dự báo rằng con virus Vũ Hán cũng sẽ kháng vaccine nay mai.
Sống chung trong hoà bình?
Bởi vì các virus có khả năng truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, và nếu mức độ độc hại thấp thì chúng có thể đem lại lợi ích, bởi vì chúng ‘cho phép’ kí chủ mạnh khỏe để tiếp xúc với nhiều kí sinh vật khác, và do đó chúng sẽ có thời gian và cơ hội tồn tại lâu hơn. Tuy nhiên, đối với vài bệnh, như sốt rét chẳng hạn, chúng cũng có thể truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, nhưng chỉ trong những bệnh nhân suy kiệt, mất gần hết năng lượng. Đối với các tác nhân gây bệnh như thế, chúng thường dựa vào những sinh vật trung gian (như muỗi chẳng hạn), và một mức độ độc hại cao có thể đem lại lợi ích trong một tình huống nào đó.
Nhận thức trên có liên quan đến việc kiểm soát và khống chế bệnh truyền nhiễm. Chẳng hạn như trong bệnh viện, nơi mà bàn tay của nhân viên y tế có thể là những trung gian dẫn đến sự sanh sản ra những loại virus và bacteria nguy hiểm. Biện pháp đơn giản là vệ sinh tay thường xuyên sẽ giúp giảm tình trạng nhiễm trùng bệnh viện. Đó chính là cách mà các bệnh viện phương Tây vẫn làm và tuân thủ nghiêm ngặt.
Hay như với trường hợp dịch tả, nguồn nước công cộng đóng một vai trò quan trọng. Khi nước uống và tắm rửa bị nhiễm do các chất thải và phóng uế từ bệnh nhân bị liệt không đi đứng được, chọn lọc tự nhiên có xu hướng tăng cường độ độc hại, bởi vì càng nhiều trường hợp tiêu chảy càng nâng cao khả năng bành trướng của vi sinh vật ngay cả khi bệnh nhân bị chết nhanh chóng. Nhưng khi tình hình vệ sinh cải thiện, chọn lọc tự nhiên có xu hướng chống lại những vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy để ưu tiên cho sự tồn tại của loài yếu hơn như El Tor. Trong điều kiện này, một khi kí chủ bị chết cũng có nghĩa là chúng chết theo. Nhưng một kí chủ bệnh nhẹ hơn và còn năng động hơn, thì chúng có cường độ độc hại thấp và có thêm cơ hội lây truyền sang nhiều ki chủ khác và sống lâu hơn. Một ví dụ khác tương đối hiển nhiên hơn là một khi tình hình vệ sinh trở nên tốt sẽ làm cho vi sinh vật độc hại như trực khuẩn lị dòng flexneri bị loại khỏi môi trường và thay vào đó là một con ‘hiền lành’ hơn là trực khuẩn lị dòng sonnei.
Nhận thức được những tình huống tế nhị như thế có thể giúp ích cho việc hoạch định chánh sách y tế công cộng. Dựa vào lí thuyết tiến hóa chúng ta có thể tiên đoán rằng dùng kim sạch và khuyến khích tình dục an toàn có thể cứu sống nhiều nạn nhân nhiễm HIV nhiều hơn là dùng thuốc để tiêu diệt HIV. Chiến lược y tế công cộng này đã được áp dụng và đem lại thành công trên bình diện thế giới.
Nếu hành vi con người tự nó có thể ngăn ngừa (hay giảm thiểu tỉ lệ) truyền nhiễm HIV, thì những chi virus không giết chết ‘chủ nhà’ của chúng có khả năng tồn tại lâu dài hơn những virus độc hại thường hay chết theo với gia chủ của chúng. Thành ra, ý thức được điều này đã làm thay đổi tình hình HIV hiện nay.
Ý nghĩa cho sống chung với virus Vũ Hán?
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ y học tiến hoá cũng có thể ứng dụng cho Covid-19. Virus Vũ Hán chắc chắn đã tồn tại qua chọn lọc tự nhiên, thích nghi được với con người qua chọn lọc tự nhiên. Chúng ta cũng phải bằng cái tự nhiên để mời ‘những vị khách không mời’ này ra khỏi cơ thể chúng ta thì hẳn là hiệu quả và an toàn hơn nhiều khi chúng ta dùng một hoá chất nhân tạo để tác động vào virus.
Xin nhắc lại rằng đầu thập niên 1970, giới khoa học nghĩ rằng các bệnh truyền nhiễm đã được chinh phục bởi thuốc kháng sinh và tiêm chủng vaccine, và chúng sẽ không còn làm phiền chúng ta nữa. Thế nhưng kẻ thù, với sức mạnh của chọn lọc tự nhiên, đã làm cho lời tuyên bố đó sai! Thực tế phũ phàng là các vi sinh vật gây bệnh có khả năng thích nghi với bất cứ hóa chất nào mà con người dùng để tiêu diệt chúng. Một nhà khoa học nói một cách chua chát: “Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng kẻ thắng trận là kẻ thù của chúng ta.”
Con virus Vũ Hán sẽ không đi đâu cả. Chúng ta cũng không thể nào tiêu diệt chúng (như nhiều người quyết tâm). Nó sẽ ở lại với chúng ta vĩnh viễn, như HIV và biết bao con virus khác. Thành ra, ngay từ lúc đại dịch bùng phát năm ngoái, người ta đã nghĩ đến phương án sống chung với nó, và ý tưởng này đang được bàn thảo khắp nơi [4-6]. Sau tiêm chủng vaccine và kiểm soát dịch thì chúng ta vẫn phải sống chung với virus (chớ không phải sống chung với đại dịch như có người hiểu sai).

Quan điểm trên có thể rất ‘dị ứng’ với biện pháp vaccine. Tuy nhiên, trong thực tế thì không có bất đồng gì cả. Vaccine là biện pháp ngắn hạn để kiểm soát dịch bệnh (giảm nguy cơ nhiễm nặng, giảm nguy cơ tử vong); vaccine không điều trị và cũng chẳng xoá được virus. Hiện nay, ưu tiên ở Việt Nam vẫn là tiêm vaccine. Nhưng vacine, như WHO đã nói, không phải là ‘viên đạn bạc’ để kiểm soát dịch Vũ Hán về lâu dài. Thay đổi hành vi và lối sống là biện pháp lâu dài để thích nghi với virus mới.
Một ý nghĩa khác của nhận thức ‘sống chung với virus’ là cách chúng ta can thiệp. Hiện nay, theo tôi biết, ở TPHCM người ta tập trung những người bị nhiễm nhẹ và có triệu chứng để điều trị trong bệnh viện (dã chiến?) Nhưng có lẽ cách làm này không cần thiết, vì có thể làm cho người bị nhiễm nặng hơn (cơ chế sanh tồn của virus). Tại sao không cách li họ như là biện pháp nhẹ nhàng hơn. Ở Úc này, các giới chức y tế ra phác đồ, và theo đó người bị nhiễm nhẹ (chưa phải là ‘bệnh nhân’) thì cách li tại nhà hay tập trung (tuỳ tiểu bang), và qua đó giảm gánh nặng cho bệnh viện.
Điều ‘may mắn’ là dường như chúng ta đã thừa hưởng gen thích nghi với con dòng virus này hơn 20,000 năm trước [1] và điều này có thể giải thích tại sao nguy cơ tử vong ở người Đông Nam Á có vẻ thấp hơn so với phương Tây. Chỉ là một giả thuyết. Đây là một giả thuyết nghiên cứu rất thú vị và có thể kiểm định được tại Việt Nam nếu có ai đứng ra thiết kế nghiên cứu.
_____
[1] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0960982221007946
[3] Tóm tắt cho các bạn nào thấy khó hiểu bài báo [1]: nhóm nghiên cứu (Úc, Mĩ) sử dụng dữ liệu DNA của 2504 người từ 26 sắc tộc, kể cả người Dai (Hoa), Kinh (Việt), và Nhật. Họ tập trung vào 420 proteins được biết là có tương tác với các con coronavirus, trong số này có 332 protein tương tác với con virus Vũ Hán. “Tương tác” ở đây có nghĩa là tăng cường hệ miễn dịch hoặc làm cho tế bào dễ bị tấn công. Họ khám phá rằng 420 protein này đều tăng cường hệ miễn dịch, có nghĩa là đã từng phơi nhiễm với coronavirus trước đây. Họ tiếp tục truy tìm 42 protein đó và phát hiện rằng chúng đã hiện diện chừng 25,000 năm trước.
Sau đó, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích những gen điều phối quá trình sản xuất các protein này (họ gọi là VIP). Họ phát hiện 42 gen (nói đúng ra là 42 biến thể gen) làm việc với nhau để chống virus, không chỉ chống coronavirus. Họ gọi 42 gen là một chữ kí (genetic signature).
Họ suy luận rằng rất có thể hệ gen người Đông Á đã điều chỉnh để thích nghi với con virus qua hàng vạn năm. Và, đó là yếu tố dẫn đến tỉ lệ tử vong thấp trong đại dịch này (thấp so với các dân số Âu châu). Dĩ nhiên, tỉ lệ tử vong thấp đâu phải chỉ do gen, mà cũng có liên quan đến yếu tố bệnh nền, dịch vụ y tế, hệ thống y tế, v.v. Nhưng chữ kí gen mà nhóm này phát hiện, theo tôi, đặt ra nhiều giả thuyết để nghiên cứu trong tương lai khi đối phó với đại dịch.
[5] https://www.forbes.com/sites/toddhixon/2020/03/12/get-ready-to-live-with-covid-19/