Chiều nay đọc một tin mà tôi nghĩ là +ve: đó là việc Bộ Y tế “Yêu cầu không phun khử khuẩn ngoài trời”. Hoá ra, những ý kiến về vấn đề này, kể cả ý kiến cá nhân tôi, cũng có tác động và được lắng nghe. Như vậy là giới lãnh đạo cũng lắng nghe và tiếp thu những tiếng nói trái chiều đó chớ.

Từ đầu trận dịch này tôi ở Sydney bị ‘lockdown’, lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười vì dự án đang chạy ngon ơ đùng một cái phải ngưng. Ở nhà. Thậm chí không được đi khỏi nhà 5 km (lệnh mới nhứt) vì vùng tôi ở thuộc vào nơi ‘hot’. Chán chường. Nản. Chẳng biết tương lai dự án sẽ về đâu. Thế là tôi quay sang cách làm thể dục tinh thần: suy nghĩ và viết. Sáng nào cũng ngồi bên tách cà phê nhìn thế sự covid bên nhà và suy nghĩ mình có thể làm gì. Chỉ có thể đóng góp ý kiến và một chút kĩ năng chuyên môn.
Thường tôi chỉ viết vào ngày cuối tuần 1-2 bài. Nhưng từ đầu tháng 7 khi lockdown xảy ra, ngày nào tôi cũng viết. Ngày nào cũng thấy có … vấn đề. Trong tháng qua, tôi thấy trang blog báo cáo là mình đã viết 28 bài! Toàn là các vấn đề liên quan dịch tễ học và phân tích. Chủ đề thì từ RCT, vaccine, đến chánh sách.
Mà, tôi phải nói là rất vui nhiều ý kiến của tôi có vẻ được các lãnh đạo lắng nghe. Tôi nói hơi nhiều tại sao không nên cách li những ca nhẹ và đề nghị cách li tại nhà khi có điều kiện. Tôi đề nghị là:
- nên xoay mục tiêu chống dịch sang giảm thiệt hại dịch gây ra (giảm tử vong, giảm số ca nặng và bảo toàn hệ thống y tế);
- đừng quá quan tâm đến số ca dương tính vì nó chẳng có ý nghĩa nhiều;
- lên mô hình phân nhóm bệnh nhân;
- không nên xét nghiệm đại trà, vì quá tốn kém và chẳng đem lại lợi ích bao nhiêu;
- không nên phân biệt ‘vaccine xịn’ và thường;
- thiết kế nghiên cứu vaccine;
- mô hình hoá dịch bệnh;
- đánh giá ‘sanh mạng thống kê’;
- thuốc xuyên tâm liên chưa có chứng cớ hiệu quả;
- không nên phun xịt tẩy khuẩn ngoài công cộng;
- chiến lược thoát Covid trong năm tới;
- v.v.
Trong danh sách trên tôi thấy lãnh đạp TP đã nghe và thay đổi mục tiêu chống dịch, bắt đầu áp dụng mô hình phân nhóm bệnh nhân, cách li ca nhẹ ở nhà, ngưng xét nghiệm đại trà, ngưng vụ xuyên tâm liên, v.v. Tôi nghĩ chẳng phải chỉ tôi đâu, mà có nhiều người khác nữa cũng nói nên mới đem lại tiếng nói để giới lãnh đạo lắng nghe. Mỗi người có một cách nói khác, riêng tôi thì dùng cách nói có chứng cớ và con số, vì như vậy dễ bàn hơn là nói chung chung.
Như có lần trả lời phỏng vấn của VNexpress Internation (phiên bản tiếng Anh), tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta sẽ sống với con virus này vĩnh viễn vì nó không đi đâu cả. Covid-19 sẽ chuyển từ pandemic sang endemic y như cúm mùa trong tương lai. Chúng ta sẽ phải sống chung với ‘hắn’.
Người ta nói cuộc đời này ngắn ngủi, nhưng ít ai nói rằng cuộc đời cũng rất rộng và lồi lõm. Trong chiều kích rộng rãi đó, cái thước đo của mỗi chúng ta không phải là nơi mình đứng trong thời kì thoải mái và tiện nghi, mà là nơi mà chúng ta đứng trong thời gian đầy thách thức. Hãy suy nghĩ tích cực!
Tròn như trái đất yên lành
Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn
Tròn anh tim trẻ miên man
Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên
(Đố các bạn biết nhạc của ai?)
_____
PS: Nhân dịp này tôi cũng cảm ơn rất nhiều bạn trong giới báo chí (VNexpress, VNexpress International, Tuổi Trẻ, Zing, PLO, Vietnamnet, Khoa học & Đời sống, Infonet, Phụ nữ, VTC, VoV, Truyền hình Vĩnh Long, đài “PĐ” BBC :), v.v.) đã chuyển tải những điều tôi muốn nói. Tuy không đủ hay cũng qua ‘edited’ nhưng tôi hiểu hết và không có vấn đề gì.