Molnupiravir đã được phê chuẩn ở Việt Nam?

Vậy là Sydney lại thêm 1 tháng phong toả nữa, và tình hình là vẫn phải ở nhà đọc tin tức. Một bác sĩ gởi msg cho biết ở VN có khuyến cáo dùng Molnupiravir cho điều trị bệnh nhân Covid19, và hỏi tôi về dữ liệu liên quan đến thuốc. Tôi hơi ngạc nhiên là vì thuốc này vẫn còn trong vòng nghiên cứu ở nước ngoài, chẳng hiểu sao ở VN đã khuyến cáo sử dụng?

Thuốc Molnupiravir đã nằm trong radar quan tâm của giới nghiên cứu từ cả năm qua. Đây có thể xem là thuốc đầu tiên đặc trị cho bệnh nhân Covid19 được Merck nghiên cứu và bào chế. Molnupiravir là thuốc được điều trị cho bệnh cúm mùa, và nay được nghiên cứu cho covid.

Molnupiravir là thuốc kháng virus (tức cùng gia đình với Remdesivir vốn đã được phê chuẩn cho điều trị covid) nhưng cơ chế thì khác với Remdesivir. Theo mô tả của Merck, sau khi uống, Molnupiravir sẽ vào tế bào và hoán chuyển thành nhữnh mảng RNA. Những mảng RNA này sẽ liên kết với các chất liệu di truyền (RNA) của con virus, và làm vô hiệu hoá khả năng nhân bản của con virus. Như vậy cơ chế của Molnupiravir khác với Remdesivir một chút: trong khi Remdesivir làm chậm quá trình nhân bản của virus, thì Molnupiravir trực tiếp làm vô hiệu hóa quá trình nhân bản.

1. Nghiên cứu về Molnupiravir

Molnupiravir đã qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IIa và cho ra kết quả có triển vọng tốt. Theo báo cáo trên MedrXiv, thử nghiệ trên 202 bệnh nhân bị nhiễm nCov và có triệu chứng, đến ngày thứ 5 nhóm được điều trị hoàn toàn không có ai có tải lượng virus, nhưng nhóm chứng (giả dược) thì 11% người vẫn còn tải lượng virus (P = 0.03). Nhưng nghiên cứu này có số lượng cỡ mẫu tương đối thấp [1].

Merck đã làm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên 1218 người, và kết quả đã được báo cáo trong một hội nghị (chưa phải trên một tập san y khoa). Theo thông báo của công ti, nhóm dùng Molnupiravir có tỉ lệ giảm tải lượng virus 78.3%, so với nhóm được điều trị theo chuẩn hiện nay là 48.4% vào ngày thứ 5 [2]. Tuy nhiên, kết quả cụ thể ra sao thì vẫn chưa thấy công bố trên một tập san y khoa.

Kết quả cho thấy Molnupiravir giảm tải lượng virus rất tốt vào ngày 3 và 5. Trích từ nghiên cứu Fischer et al. Molnupiravir, an Oral Antiviral Treatment for COVID-19. medRxiv preprint doi: https://doi.org/10.1101/2021.06.17.21258639

Đó là tình hình khoa học của Molnupiravir cho đến nay. Như các bạn thấy, thuốc có triển vọng rất tốt, nhưng vì kết quả thử nghiệm giai đoạn III chưa được công bố chánh thức nên thuốc vẫn chưa được các nhà chức trách y tế phê chuẩn.

Tuy nhiên, theo tin từ TGA của Úc (giống như FDA bên Mĩ) thì vào ngày 9/8/2021 TGA đang xem xét Molnupiravir cho điều trị bệnh nhân covid. Điều này không có nghĩa là phê chuẩn, mà có nghĩa là Merck có thể đệ trình hồ sơ và dữ liệu nghiên cứu để TGA xem xét phê chuẩn [3]. Cho đến nay FDA vẫn chưa phê chuẩn Molnupiravir.

2. Tình hình ở Việt Nam

Ở Việt Nam thì theo khuyến cáo mới [4], Molnupiravir được xem là một thuốc điều trị hàng đầu [4] dành cho điều trị tại nhà. Thông cáo có ghi thêm rằng ‘Thuốc số 1 là thuốc có kiểm soát, được cung cấp theo chương trình của Bộ Y tế,’ tức có thể hiểu là Bộ Y tế đã phê chuẩn cho dùng Molnupiravir?

Tôi thấy điều này hơi lạ, bởi vì thường thì Bộ Y tế chỉ phê chuẩn thuốc nước ngoài sau khi các nhà chức trách như FDA, WHO và EMA đã phê chuẩn. Nhưng có lẽ trong tình huống đặc biệt nên VN đã phê chuẩn thuốc này trước cả các cơ quan quốc tế chăng. Dù gì thì tôi nghĩ Việt Nam nên chờ kết quả thử nghiệm giai đoạn III của Molnupiravir trước khi quyết định. Còn nếu dùng Molnupiravir cho thử nghiệm thì nên nói như vậy để bệnh nhân biết và phải có sự đồng thuận (consent) của họ.

______

[1] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.06.17.21258639v1.full.pdf

[2] https://www.thehindubusinessline.com/companies/molnupiravir-shows-promising-results-in-phase-3-trials-optimus-pharma/article35441964.ece

[3] https://www.tga.gov.au/media-release/tga-grants-provisional-determination-merck-sharp-dohmes-antiviral-covid-19-treatment-molnupiravir

[4] https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-6887

6 thoughts on “Molnupiravir đã được phê chuẩn ở Việt Nam?

  1. Kính gửi Giáo sư
    Tôi có thắc mắc như sau:
    1/ Ta có thể nghiên cứu dùng Truvada để điều trị Covid-19 trên các biến thể hiện nay được không ạ ?
    2/ Vấn đề tử vong do covid trên biến thể Delta tại Việt Nam hiện nay đa phần là do cơn bão cytokins, còn theo
    ông Kovacic, biến thể Delta đang khiến những người trẻ tuổi và chưa tiêm vắc xin trở nặng, đặc biệt gặp phải các vấn đề liên quan tim mạch. Riêng GS Nguyễn Gia Bình VIỆT NAM nhận định, trong đợt dịch đang diễn ra, tỉ lệ tử vong tại nước ta tăng có nguyên chính do quá tải. Trong một thời gian ngắn các cơ sở y tế tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân nên “không kịp trở tay”. Vì vậy, để hạn chế tử vong cần hạn chế số lượng người nhiễm mới và hạn chế số lượng bệnh nhân nhẹ chuyển nặng.
    GS Bình lưu ý, trong đánh giá bệnh nhân Covid-19, ngoài hô hấp, cần quan tâm đến tuần hoàn vì khoảng 15-20% bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim và tắc mạch, ngoài ra khoảng 5-10% tổn thuơng thận, tổn thương gan, có biến chứng trong não… Vì vậy vừa can thiệp oxy, vừa đảm bảo cả tuần hoàn, thần kinh, chống cơn bão cytokine, điều trị triệu chứng và điều trị các bệnh kèm theo.
    3/ Xin Giáo sư Tuấn cho nhận định về 1 hướng điều trị hoặc 1 nhóm thuốc khả dĩ đã có sẵn để chúng ta có thể sàng lọc nghiên cứu nhanh hơn ạ?
    P/S: XIN CHÀO GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN.
    XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN GIÁO SƯ TUẤN. TÔI
    RẤT MONG NHẬN ĐƯỢC SỰ TRỢ GIÚP TỪ GIÁO SƯ DÀNH CHO NHÂN DÂN VIỆT NAM Ạ.

    Like

  2. Kính gửi Giáo sư

    Tôi thấy báo điện tử trong nước copy nhiều nội dung bài của GS, nhưng lại có một số vấn đề về chuyên môn mà tôi là 1 dược sỹ cảm thấy thắc mắc khi đọc. Mong GS xem xét lại để dược sỹ chúng tôi tránh những sai sót đáng tiếc khi phối hợp thuốc hay khi tư vấn thuốc cho bệnh nhân,.
    Tôi thắc mắc 2 ý nhỏ thôi:

    (1) Molnupiravir là dạng thuốc phân tử nhỏ (small molecule), nên tôi nghĩ nếu viết “hoán chuyển thành những mảng RNA” sẽ gây sự khó hiểu, vì 1 phân tử nhỏ không thể tự nhiên biến đổi thành 1 đại phân tử như là RNA được.

    (2) Theo như tôi đọc và hiểu được từ bài báo https://www.nature.com/articles/s41594-021-00651-0 thì Molnupiravir gây lỗi sao chép RNA của virus, ức chế sự nhân bản của virus thông qua cơ chế tạo nhiều đột biến điểm. Bởi vậy tôi cho rằng Molnupiravir có cơ chế gián tiếp hơn so với Remdesivir (ức chế RDRP). Vì vậy, nếu viết như phần so sánh “trong khi Remdesivir làm chậm quá trình nhân bản của virus, thì Molnupiravir trực tiếp làm vô hiệu hóa quá trình nhân bản” cũng là chưa phù hợp.

    Kính chúc Giáo sư dồi dào sức khỏe!

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s