Hôm nay đọc tin trong nước thấy ông Bí thơ Đà Nẵng nói rằng “Về lâu dài phải tính ‘sống chung với dịch'”. Cùng lúc ở Úc này, những người lãnh đạo bảo thủ nhứt cũng đã thốt lên rằng Úc nhắm tới mục tiêu sống chung với virus thay vì xoá bỏ nó. Đúng thôi.


Nhưng làm thế nào để sống chung với virus? Hôm qua, báo VNexpress có nhã ý hỏi tôi câu đó [1]. Thật ra, tôi chẳng có gì mới để nói vì đã nói vào tháng trước cho phiên bản tiếng Anh của VNE International rồi.
1. Sống chung như thế nào?
Trả lời câu hỏi “Khái niệm sống chung lâu dài với Covid-19 cần được hiểu ra sao? Việt Nam cần sống chung lâu dài với Covid-19 như thế nào?” Tôi nói như sau:
“Tôi nghĩ có chút hiểu lầm về từ ngữ ở đây: chúng ta nói sống chung với con virus, không phải sống chung với bệnh Covid-19. Tôi nghĩ khi nói ‘sống chung với virus’ có nghĩa là chúng ta phải thay đổi lối sống để thích nghi với hoàn cảnh mới. Những thay đổi đó sẽ rất nhiều, nhưng trước mắt có thể thấy là:
Thứ nhứ là thiết kế lại các phương tiện công cộng. Bởi vì giãn cách xã hội sẽ là cái bình thường mới, nên các phương tiện giao thông công cộng đều cần phải giảm số hành khách hay thiết kế lại. Ở Úc, xe lửa ngày xưa một ghế dành cho 3 hành khách thì nay chỉ dành cho 2; ghế dành cho 2 hành khách thì nay là 1. Ở các nhà hàng cũng vậy: người dân bắt đầu quen với giảm số thực khách cho mỗi bàn ăn. Rồi đây, máy bay, xe điện, xe bus, xe đò, rạp chiếu phim, v.v. đều phải thiết kế ghế ngồi để tuân thủ theo qui định về giãn cách xã hội. Đó chắc chắn là thay đổi hiển nhiên nhứt.
Thứ hai là vệ sinh cá nhân. Đối với người Việt, rửa tay trước và sau chế biến thức ăn, đi tiểu tiện hay đại tiện, thậm chí sau khi khám bệnh nhân ít khi xảy ra. Nhưng sau trận dịch này, rửa tay sẽ trở thành một thói quen y như người phương Tây. Các bình hoá chất diệt khuẩn sẽ được cài đặt khắp nơi, thậm chí trong nhà, để khách có thể tự làm vệ sinh tay. Đây là một tác động tích cực cho cộng đồng người Việt, nhưng cũng là cơ hội kinh doanh vậy.
Thứ ba là chúng ta sẽ phải làm việc từ nhà nhiều hơn. Tôi nghĩ trận đại dịch này cũng là một thử nghiệm về mô hình làm việc từ nhà. Ở Úc, sau một thời gian phonh toả và làm việc từ nhà, các công nhân viên bắt đầu … lười biếng. Nói đúng ra, họ lười biếng vào công sở, chớ không phải lười biếng làm việc. Do đó, nhiều nơi đã lên kế hoạch cho công nhân viên làm việc từ nhà lâu dài. Dĩ nhiên, họ vẫn đến office, nhưng không thường xuyên như trước thời đại dịch nữa. Cố nhiên, đối với những người làm việc cần phải có labo và máy móc, thì họ vẫn phải đến công sở.
Thứ tư là chúng ta sẽ phải làm quen với chế độ kiểm soát mới. Trong thế giới sau dịch Covid-19, cái hình ảnh ‘Anh Cả’ (trong Tiểu thuyết 1984 của George Orwell) đó dần dần hiện rõ nét. Anh Cả đây là hệ thống Apps theo dõi từng bước đi của chúng ta. Chúng ta đi đâu, tiếp xúc ai, mua cái gì, nói chuyện gì, làm việc gì, v.v. đều được Apps ghi lại. Cái viễn ảnh đó tưởng như là tiểu thuyết, nhưng hoá ra đang dần dần hình thành ngay bây giờ. Các nhà xã hội học dự báo rằng chúng ta sẽ sống trong một xã hội Anh Cả trị.”
2. Chuẩn bị gì để sống chung với virus?
Trả lời câu hỏi “Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, trang thiết bị… như thế nào”, tôi nói:
“Tôi nghĩ và hi vọng rằng dịch Covid-19 đến rồi đi, chớ không ở lại mãi. Cái ở lại mãi với chúng ta là con virus. Con virus đã, đang, và sẽ tiến hoá thành nhiều biến thể trong tương lai. Theo qui luật tiến hoá thì con virus sẽ có khả năng lây lan nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng ít nguy hiểm hơn (hiểu theo nghĩa độc lực thấp hơn).
Tuy nhiên, các đợt dịch khác sẽ xuất hiện. Chúng ta không thể đoán trước đợt dịch sắp tới sẽ đến vào lúc nào và do con virus nào, nhưng lịch sử hơn 2000 năm qua cho thấy thế giới, và đặc biệt là vùng Đông Nam Á, sẽ còn trải qua nhiều đợt dịch trong tương lai. Do đó, tôi nghĩ đến những chuẩn bị sau đây:
Thứ nhứt là cải tiến hệ thống giám sát dịch bệnh. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc thiết kế các hệ thống báo động và theo dõi dịch bệnh trực tuyến từ cấp cơ sở có thể giúp cho việc dự báo và tiên lượng dịch bệnh nhanh hơn và chính xác hơn.
Thứ hai là đầu tư vào y tế công cộng. Tôi nghĩ công bằng mà nói hệ thống y tế công cộng của Việt Nam cũng tốt, nhưng vẫn có thể làm cho tốt hơn và hữu hiệu hơn. Tôi nghĩ đến đầu tư về nhân sự và thiết bị xét nghiệm xuống đến cấp huyện để có thể phát hiện và kiểm soát dịch bệnh nhanh nhạy hơn.
Thứ ba là đầu tư cho nghiên cứu khoa học và vaccine. Chúng ta đã thấy khi đại dịch xảy ra chúng ta quá lệ thuộc vào nguồn vaccine từ nước ngoài, mà họ cũng chỉ ưu tiên cho dân họ. Tôi nghĩ bài học của trận dịch này là chúng ta phải đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng như phát triển vaccine và thử nghiệm lâm sàng ở qui mô lớn. Nghiên cứu vaccine có thể có xác suất thất bại cao, nhưng một xác suất thành công nhỏ vẫn có thể đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia.”
Dĩ nhiên, báo đâu có ‘đất’ để đăng những ý kiến đó, thậm chí có ý kiến hơi ‘tế nhị’. Thành ra, tôi xin chia sẻ ở đây để các bạn đọc và suy nghĩ nhân ngày nghỉ lễ.
Lãnh đạo là người có viễn kiến, nhìn trước những gì người khác chưa nhìn thấy. Hi vọng rằng các vị đang ở vị trí ‘leader’ sẽ nghĩ về cách chúng ta sẽ sống với con virus về lâu dài.
____
[1] https://vnexpress.net/bi-thu-da-nang-ve-lau-dai-phai-tinh-song-chung-voi-dich-4349793.html
Trong quá khứ đã có nhiều dịch bệnh nguy hiểm với loài người, chẳng hạn cúm Tây Ban Nha trong giai đoạn 1918-1920 được cho là lấy đi mạng sống của khoảng 50 triệu người. Tất nhiên, số lượng tử vong lớn như vậy chủ yếu do thời đó chưa có vaccin đặc trị. Tuy vậy, nếu chỉ so số tử vong trong khoảng thời gian mà chúng ta chưa có vaccine cho cả 2 loại cúm thì mức độ nguy hiểm của cúm Tây Ban Nha vẫn hơn nhiều so với cúm Vũ Hán. Vậy tại sao cúm Tây Ban Nha lại biến mất sau 2 năm (hoặc hơn một chút), dù không bắt buộc đeo khẩu trang và phong tỏa diện rộng? Em cho rằng nguyên nhân chính như giáo sư đã phân tích, do lây lan trên diện rộng nên miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng được kích hoạt, virus giảm độc lực và chung sống với loài người một cách “hài hòa”. Trở lại vấn đề cúm Vũ Hán, em thấy rằng khủng hoảng do dịch cúm này một phần bị “misleading” bởi các phương tiện truyền thông và các chính trị gia, mặc dù tính theo nguyên nhân tử vong, tổng số chết do loại cúm này chưa hẳn quá cao so với các loại bệnh khác. Tuy nhiên, do xu hướng chính trị độc đoán đang lên ngôi, chưa bao giờ giới khoa học lại mất tiếng nói và bị kiểm duyệt chặt chẽ như hiện nay. Điều đáng buồn là sự kiểm duyệt diễn ra ngay trên quê hương của xứ sở tự do, nước Mỹ, và cả các nước phát triển khác. Kết quả là: phong tỏa cực đoan, khẩu trang bắt buộc, các bệnh tâm lý, và suy giảm niềm tin xã hội. Ở những nước dân trí thấp như VN, truyền thông làm người ta nghi kị, chống phá nhau, phân biệt đối xử người bệnh…Từ dân đến quan, không chỉ sợ bệnh mà còn sợ trách nhiệm, sợ phạt, sợ đói, sợ đủ thứ. Càng sợ càng “sáng tạo” ra nhiều cách chống dịch mà có lẽ chỉ phù hợp trong xã hội phong kiến.
Một vấn đề tranh cãi nữa là tác dụng của vaccine so với miễn dịch tự nhiên. Dr. Robert Malone, cha đẻ của vaccine mRNA, đã cảnh báo hiện tượng nhờn vaccine, tức là vaccine có thể khuyến khích virus sinh nhiều biến thể có độc lực mạnh và lan truyền nhanh hơn. Trong khi đó, hãng tin Life Site News gần đây trích một thống kê từ Israel cho thấy, người từng phục hồi sau khi nhiễm virus, có miễn dịch tự nhiên cao gấp 6.72 lần so với người đã tiêm vaccine (Pfizer). Thông tin này thống nhất với một số nghiên cứu trên Nature và The Lancet (tin đầy đủ: https://www.ntdvn.com/the-gioi/mien-dich-tu-nhien-manh-gap-6-lan-so-voi-tiem-vaccine-ngua-covid-19-216487.html).
Các thông tin trên dẫn đến câu hỏi: chúng ta có nên ép mọi người tiêm vaccine hay không? Rất nhiều tranh cãi, nhưng quan điểm của em là nên áp dụng chính sách vaccine theo nguy cơ tử vong: không bắt buộc với những đối tượng ít bị tác động bởi virus, tức là nhóm dưới 40 tuổi; khuyến khích với các đối tượng từ 40-65 tuổi; bắt buộc với các đối tượng trên 65 tuổi. Nếu làm được điều trên, kết hợp giãn cách xã hội với nhóm dễ bị tổn thương, em tin rằng chúng ta vừa tăng cường được miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng, vừa giảm tác động kinh tế/tinh thần do phong tỏa, vừa đảm bảo quyền tự do tiêm vaccine và đeo khẩu trang.
LikeLike