Hiệu lực của vaccine Tàu và tử vong

Cái note này trình bày dữ liệu về tử vong liên quan đến covid ở hai nước dùng vaccine Tây (Do Thái và Mĩ) và 7 nước chủ yếu dùng vaccine Tàu (Cambodia, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Chile, Seychelles và UAE). Các bạn sẽ thấy hình như vaccine Tây có hiệu lực tốt hơn vaccine Tàu.

Để đánh giá hiệu lực của vaccine trong cộng đồng (effectiveness), con số tử vong rất quan trọng. Con số ca nhiễm chỉ quan trọng trong thử nghiệm lâm sàng, vì nó dùng để đánh giá hiệu quả của vaccine (efficacy). Ngoài cộng đồng, chúng ta chỉ quan tâm đến những ca nặng và tử vong. Do đó, con số tử vong phản ảnh khá đúng với mức độ nghiêm trọng của dịch.

Vaccine Tàu đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng trong việc phòng chống dịch. Trong thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả của vaccine Tàu dao động từ 51% đến 70% (tuỳ vào cách phân tích).  Câu hỏi đặt ra là trong cộng đồng thì vaccine Tàu hiệu lực ra sao?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể so sánh tỉ lệ tử vong trước và sau khi đợt dịch mới xảy ra. Đợt dịch mới xảy ra vào khoảng tháng 5 hay 6 (tùy nơi). Do đó, số liệu về tử vong trước và sau dịch ở những nước sử dụng vaccine Tây và vaccine Tàu có thể cho chúng ta một vài thông tin về hiệu lực của vaccine.

Nếu vaccine có hiệu lực, chúng ta kì vọng rằng tỉ lệ tử vong phải suy giảm theo thời gian. Và, đó chính là những gì có thể thấy qua hai nước Mĩ và Do Thái. Ở Mĩ, tỉ lệ tử vong tháng 8/2021 là 0.78%, giảm 70% so với tỉ lệ tử vong vào tháng 6/2021 (2.5%). Ở Do Thái, tỉ lệ tử vong vào tháng 8 là 0.29%, giảm hơn 90% so với tháng 4 và 5. Hai nước này chỉ dùng vaccine Tây, chủ yếu là Pfizer và Moderna.

Tỉ lệ tử vong ở một số nước dùng vaccine phương Tây (màu xanh) và vaccine Tàu (màu đỏ). Số liệu lấy từ worldometer

Còn các nước dùng vaccine Tàu thì sao? Biểu đồ dưới đây trình bày tỉ lệ tử vong cho các nước Cambodia, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Chile, Seychelles và UAE (màu đỏ). Như các bạn thấy, tỉ lệ tử vong ở các nước này tăng trong 3 tháng qua. Chẳng hạn như Nam Dương, tỉ lệ tử vong tháng 8/2021 là 5.75%, tăng gần 2 lần so với tỉ lệ tháng 4/2021 (2.96%).

Ở Cambodia, tỉ lệ tử vong liên tục tăng từ 0.7% vào tháng 5/2021 đến 3.18% trong tháng 8/2021. Tình hình ở Thái Lan và Mã Lai cũng vậy: tỉ lệ tử vong covid tăng trong những tháng qua. Theo báo Khmer Times thì chánh phủ Cambodia đã ra lệnh ngưng lễ hội Kan Ben vì số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh trong 3 tháng qua.

Ngay cả ở những nước xa chúng ta như Chile, Seychelles và UAE cũng ghi nhận sự gia tăng về tử vong. Đáng chú ý là Chile, với tiêm chủng bao phủ 77% dân số, tỉ lệ tử vong vào tháng 8/2021 lên đến 6.4%, cao gấp 4 lần so với tỉ lệ tháng 5/2021.

Seychelles là một hòn đảo có tỉ lệ tiêm chủng vaccine (chủ yếu là Sinopharm) rất cao (78%). Nhưng tỉ lệ tử vong trong tháng 6-8 là 0.6% đến 1%, so với 0.3% vào tháng 4.

Tỉ lệ tiêm chủng vaccine trên trên toàn dân số ở Mĩ, Do Thái, Cambodia, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Chile, Seychelles và UAE

Tóm lại, những dữ liệu thực tế mới nhứt cho thấy những nước dùng vaccine Tàu đang trải qua một đợt dịch mới và tỉ lệ tử vong tăng khá cao dù tỉ lệ tiêm chủng vaccine đã đạt trên 70% (Mã Lai, Chile, Seychelles, UAE). Ngược lại, hai nước dùng vaccine phương Tây (Do Thái và Mĩ) có tỉ lệ tử vong trong đợt dịch mới suy giảm rất đáng kể so với những tháng trước đó.

Những con số này phản ảnh một phần về hiệu lực của vaccine Tàu và Tây. Tôi nói ‘một phần’ là vì còn các yếu tố khác nữa, chớ không phải chỉ vaccine, có thể giúp các nước như Mĩ và Do Thái giảm tỉ lệ tử vong hay các nước kia tăng nguy cơ tử vong. Đây là số liệu cấp quần thể, nên chúng ta không thể suy luận cho cá nhân. Nhưng ở cấp độ quần thể thì sự giảm về tử vong ở những nơi dùng vaccine Tây rất nhứt quán với kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố.

11 thoughts on “Hiệu lực của vaccine Tàu và tử vong

  1. Theo tôi,các loại vaccine ngừa Covid-19 đều phần nào chưa hiệu quả với biến chủng Delta ,mà vaccine Tàu thì tệ nhất [theo dữ liệu ] và cái “Uy tín” Tàu thì hình như chỉ một ít nước có quan hệ làm ăn với Tàu tin thôi .

    Like

  2. Tôi thấy bài phân tích vẫn chưa chặt chẽ. Trong bài không thấy nói đến tỷ lệ tử vong vì covid 19 được tính theo cách nào. Theo tôi hiểu, Tỷ lệ tử vong này thường được tính bằng số ca tử vong chia cho tổng số ca nhiễm covid 19. Nếu tính theo tỷ lệ, thì một nước trong tháng 8 có 100 người mắc covid và có 4 người chết thì tỷ lệ tử vong (4%) vẫn cao hơn ở nước có tới 1.000 người mắc mà có khoảng 20 người chết (2%) cho dù tỷ lệ nhiễm covid là 100 thì thấp hơn 1000. Tuy nhiên việc tính toán tỷ lệ tử lệ tử vong lại rất khác biệt giữa các nước dẫn tới việc so sánh tỷ lệ tử vong của nước này với nước kia chỉ dựa trên con số là không chính xác. Tôi xin dẫn tóm tắt bài viết của BBC về những khác biệt ở tỷ lệ tử vong do covid 19 giữa các nước (https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-52266114).
    Trên thực tế, có hai loại tỷ lệ tử vong: Loại thứ nhất là tỷ lệ người chết tính trên số người đã được xét nghiệm và được xác định dương tính với virus corona. Đây được gọi là “tỷ lệ tử vong trên số ca bệnh”. Loại thứ hai là tỷ lệ người chết sau khi nhiễm virus tính trên số bị lây nhiễm nói chung; vì có rất nhiều người trong số này sẽ không bao giờ được phát hiện (qua xét nghiệm), cho nên con số này chỉ có thể ước tính. Đây được gọi là “tỷ lệ tử vong trên số ca lây nhiễm”. ….. Vì vậy, nếu một số quốc gia chỉ xét nghiệm những bệnh nhân nặng nhập viện – và không xét nghiệm bệnh nhân Covid-19 nhẹ (hoặc thậm chí có những bệnh nhân không hề có triệu chứng) không đến bệnh viện (ví dụ như cách Vương quốc Anh hiện đang áp dụng), thì tỷ lệ tử vong có vẻ như cao hơn so với các quốc gia nơi xét nghiệm phổ biến trên diện rộng (như Đức hoặc Hàn Quốc).
    –> Như vậy khó có thể đem tỷ lệ tử vong của nước này so sánh với nước khác vì cơ sở để đưa ra số liệu tính toán là không tương đồng nhau.
    Mặt khác, ở đây cần phải hiểu là ở tất cả các nước “dùng vắc xin Tây” hay “dùng vắc xin Tàu” vẫn có một tỷ lệ dân số không nhỏ chưa tiêm vắc xin (ít nhất 22-30%, một số nước tỷ lệ này còn cao hơn nhiều như Thái Lan 77%). Vậy cần phải xét xem trong số tử vong vì covid-19 có bao nhiêu người đã tiêm vắc xin và bao nhiêu người chưa tiêm, có như vậy mới đánh giá được hiệu lực của vắc xin, cái này bài viết không phân tích.
    Bài viết dẫn chứng ngay cả ở những nước “dùng văc xin Tàu” có tỷ lệ tiêm chủng cao, tỷ lệ tử vong vẫn cao như Chile (70%), Cambodia (hơn 70%), Seychelles (78%), Malaysia (59%)… Tuy nhiên bài viết lại không xét tới khía cạnh “sự phát triển của hệ thống y tế” cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ tử vong. Rõ ràng các nước tiêm “vắc xin Tây” như Mỹ, Do Thái (ở đây là Israel) là những nước có hệ thống y tế tốt hơn nhiều so với các nước “tiêm vắc xin Tàu” như Chi Lê, Seychelles (1 quốc gia Đông Phi), Cambodia, Malaysia… Tôi lấy ví dụ cụ thể: đối với nhóm người chưa tiêm vắc xin phải điều trị vì covid 19, nếu họ được điều trị ở Mỹ hay Israel thì tỷ lệ sống của họ sẽ cao hơn khi phải điều trị ở những nước như Chi Lê, Seychelles (1 quốc gia Đông Phi), Cambodia, Malaysia và như vậy tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn.
    Bài viết cũng đưa ra một nước “tiêm vắc xin Tàu” giàu có, hệ thống y tế phát triển với tỷ lệ tiêm chủng cao tới khoảng 90% như UAE cũng có tỷ lệ tử vong tăng cao trong mấy tháng gần đây để đặt dấu hỏi về hiệu lực của vắc xin Tàu. Tôi cũng xin so sánh giữa UAE (Dân số 9,7 triệu người, tiêm vắc xin Tàu) và Israel (Dân số 9.0 triệu người, tiêm vắc xin Tây) là hai nước tiêm 2 loại vắc xin khác nhau nhưng có số dân và hệ thống y tế tạm gọi là tương đương, tỷ lệ tiêm chủng đều cao. Ngày hôm qua (24/9) số người nhiễm và số người chết của UAE chỉ là 303 người nhiễm và 3 người chết nghĩa là số người nhiễm nhỏ nên tỷ lệ tử vong dù có cao thì số người tử vong sẽ không còn nhiều; còn Israel là 2.249 người nhiễm và 0 người chết nghĩa là số người nhiễm vẫn rất lớn nên tỷ lệ tử vong dù thấp thì số người chết có thể vẫn còn nhiều. Và nếu xét cả đợt dịch đến nay thì sẽ thấy con số đáng kinh ngạc: UAE có 2.086 người chết trên tổng số 0,734 triệu người nhiễm trong khi Israel có 7.611 người chết trên tổng số 1,26 triệu người nhiễm. Ở đây tôi chỉ quan tâm tới số người chết vì covid từ đầu đợt dịch tới nay trên tổng số dân của một nước, thì thấy là con số này của UAE thấp hơn nhiều so với Israel (2.086/9,7 triệu = 0,02% so với 7.611/9 triệu = 0,08%). Như vậy nếu chỉ so sánh tỷ lệ tử vong vì covid 19 vốn đã không tương đồng về cách tính giữa các nước để đánh giá hiệu lực của vắc xin là chưa chính xác.

    Like

    1. Hình như bạn Quan Nguyen có chút hiểu nhầm về bài phân tích này. Trong bài này, GS Tuấn không so sánh tỷ lệ tử vong giữa các nước với nhau, mà so sánh tỷ lệ tử vong trong từng thời điểm của một nước. Giả thuyết ở đây là: ” Nếu vắc xin Tàu có hiệu quả trong việc ngăn chặn tử vong do covid, thì tỷ lệ tử vong phải giảm dần khi độ bao phủ của Vắc xin tăng dần”. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Ở những nước dùng vắc xin Tàu, độ bao phủ của vắc xin tăng dần nhưng tỷ lệ tử vong không giảm mà còn tăng lên. Trong khi các nước dùng vắc xin Tây, tỷ lệ tử vong giảm dần khi độ bao phủ của Vắc xin tăng dần. Tóm lại, đối tượng được dùng để so sánh hiệu quả vắc xin trong bài này là xu hướng (Trend) tử vong do Covid của một nước chứ không phải là số lượng hay tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong một thời điểm nhất định.

      Like

Leave a comment