Kỉ niệm với người nhạc sĩ ‘ngàn lời ca’

Hôm 5/10 vừa qua là kỉ niệm 100 năm ngày sanh của Nhạc sĩ Phạm Duy, một ‘đại thụ’ âm nhạc có một không hai của Việt Nam. Thế hệ tôi (và chắc vài thế hệ trước và sau nữa) lớn lên với ngàn lời ca của ông. Cá nhân tôi có nhiều kỉ niệm với nhạc Phạm Duy, nên nhân dịp này xin chia sẻ chuyện xưa …

Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013)

Lần đầu tiên tôi được biết đến nhạc Phạm Duy là trong một đêm picnic (cắm trại) ở gần Hà Tiên. Hôm đó, thầy cô lớp học tổ chức hai ngày đi cắm trại, và cắm trại thì lúc nào cũng có chương trình văn nghệ. Lúc đó tôi đã học đàn và biết chơi vài bài đơn giản, chủ yếu là nhạc bolero và slow. Nhưng hôm đó chương trình nhạc chủ yếu là Phạm Duy và Lam Phương. Tôi còn nhớ được ‘cấp’ một quyển nhạc bìa màu xám mà trong đó là những bài dân ca hay mang âm hưởng dân ca như Gánh lúa, Cây trúc xinh, Tiếng hò miền Nam, Lời người ra đi, Nhớ người thương binh, v.v.

Chúng tôi say sưa đàn hát những ca khúc mà sau này tôi mới biết là giai điệu ngũ cung. Hèn gì những ca khúc đó có vẻ gần với người Việt chúng ta. Thời Đệ Tứ thì cũng đã nảy nở tình yêu học trò, nên bọn chúng tôi dùng những lời nhạc đó (kiểu như ‘cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc / Chị hai xinh, tang tình là chị hai đứng’) gởi khéo cho ‘đối tượng’ mình nhắm tới. Nhưng với tôi, có lẽ bài ‘Nhớ người thương binh’ gây cảm xúc nhiều nhứt, có lẽ vì lí do bài ca mô tả giống với trường hợp của Ba tôi. Nói theo ngôn ngữ dịch tễ học, tôi đã bị ‘phơi nhiễm’ nhạc Phạm Duy từ đó. Đã hơn 50 năm, những lời ca và giai điệu đó vẫn còn theo tôi đến nay và chắc đến tận cuối đời.

Thời VNCH, không có những ‘ban tuyên giáo’ dạy phải yêu nước là yêu một chủ nghĩa nào đó. Hoàn toàn không có. Ấy vậy mà chúng tôi, những thanh thiếu niên mới vào đời, ý thức rất rõ về tình thần yêu nước và lúc nào cũng xưng tụng quê hương xinh đẹp. Tôi nghiệm ra rằng mình bị ‘tuyên truyền’ từ những bài học trong môn ‘Công dân giáo dục‘ và sách giáo khoa tưng tự. Nhưng chúng tôi còn được gieo tình cảm dân tộc và quê hương qua nhạc của Phạm Duy nữa. Chỉ bằng một giai điệu du dương trong Tình ca Tình hoài hương, ông thôi miên người nghe vào thế giới mang tên Việt Nam. Ông thậm chí còn dặn dò chúng ta rằng ‘Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời.’  

Những năm sau đó, giữa lúc chiến tranh ác liệt, tôi lại nghe nhạc ông, nhưng lúc đó thì những ca khúc của ông trở nên ray rứt và đau đớn. Nổi tiếng nhứt có lẽ là bài ‘Kỷ vật cho em’, phổ từ thơ có tựa đề là ‘Để trả lời một câu hỏi‘ của một người lính, viết về nỗi lòng của những người lính và cả và số phận của thanh niên Việt Nam có thể đoán trước trong thời chiến tranh khốc liệt. Dù không phải là lính, mà nghe bài đó tôi cũng cảm thấy xúc động với những câu rất thật như ‘Anh trở về hòm gỗ cài hoa / Anh trở về bằng chiếc băng ca / Trên trực thăng sơn màu tang trắng.Nghe nói ông suýt đi tù vì ca khúc đó. Nhưng trớ trêu thay, đó lại là một trong những ca khúc hay nhứt trong cuộc chiến.

Phạm Duy có một sáng tác trong thời chiến mà rất ít người biết đến: Kể chuyện đi xa. Đó là một ca khúc tương đối dài, được viết khi ông đi thăm ở New York (có lẽ vào năm 1970) kể lại những trải nghiệm của ông ở thành phố mà người ta có ‘Kiếp sống thanh bình / người người mưu sinh‘ và nhìn lại quê hương mình ‘còn nhiều điêu linh / Ai đã cố tình đẩy cuộc đua tranh / Đem cháu con mình làm vật hi sinh / Đất nước hai miền chật chội oan khiên.’  Ai là kẻ đã gây nên thảm nạn? Ông nhận ra rằng đó là những ‘bọn yêu tinh‘, là những kẻ ‘buôn súng buôn tiền, làm giầu lên trên / Thân xác dân hiền.’ Ca khúc được viết theo điệu slow và do chính ông trình bày cùng dàn đồng ca trẻ em [1]. Có thể nói đây là một ca khúc hiếm hoi nói lên quan điểm và cái nhìn của ông về cuộc chiến.

Ông là nhạc sĩ của ngàn lời ca. Có thể ví von ông như là người thơ kí thời cuộc. Ông dùng âm nhạc để ghi lại những biến động lịch sử, những niềm hân hoan bên cạnh những nỗi buồn, những tình tự dân tộc cùng những trăn trở của thanh niên và trí thức trong thời chiến. Mỗi giai đoạn lịch sử đều được ông ghi lại bằng những ca khúc khó quên. Gần như bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể tìm sự đồng cảm trong những lời ca câu hát của Phạm Duy. Chẳng hạn như thời ‘cải tạo’ ông có tổ khúc Ngục ca phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Trong đó có bài gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi là những câu do chính ông trình bày:

Từ vượn lên người mất mấy triệu năm

Thế mà ai ơi, thế mà ai ơi,

Ở nước Nam tôi

Chính sách siêu quần, chính sách siêu quần

Từ người xuống vượn mất có 3 năm

Từ người xuống vượn mất có 3 hôm

Ông có lẽ là nhạc sĩ đa dạng nhứt về đề tài sáng tác mà khó có nhạc sĩ nào sánh kịp. Ông viết hàng ngàn ca khúc thuộc các ‘tổ khúc’ như Dân ca, Rong ca, Bé ca, Xuân ca, Hương ca, Tâm ca, Thiền ca, Đạo ca, Tục ca, Hoàng Cầm ca, Tị nạn ca, Ngục ca, v.v. Nhưng những nhạc tình của ông vẫn là những bài hay nhứt và được thanh niên yêu thích nhứt. Tủ nhạc của tôi vẫn còn những ca khúc ông sáng tác vào thập niên 1970s qua phổ thơ của Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, và Cung Trầm Tưởng. Trịnh Công Sơn là một người hay chữ, mà còn phải thốt lên rằng ‘Không ai phổ thơ hay bằng Phạm Duy. Bài thơ nào qua tay ông là nổi tiếng. Một nhà ảo thuật về phổ thơ.Có người, như thi sĩ Trần Dạ Từ, thì xem ông là ‘một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại.’ Thoạt đầu nghe qua thì có vẻ là một nhận xét cường điệu, nhưng nghe qua những sáng tác do ông viết lời chúng ta dễ dàng thấy ông có cách sắp xếp chữ như một bài thơ.

Không biết các bạn thì sao, chớ riêng tôi thì xem những tình khúc của ông là một kho tàng ngôn ngữ quí báu, vì trong đó có những chữ Việt rất đẹp. Nếu cần lấy một ca khúc ra để minh hoạ cho cái ý trên, tôi sẽ chọn bài Tìm nhau (sáng tác năm 1956). Đó là một bài tình ca có những chữ đan xén vào nhau theo cách đồng âm và hiệp vận: 

Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu

Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố nữ

Tôi mê bài này từ lâu lắm, không phải mê vì câu chuyện trong ca khúc, mà mê vì lời ca quá đẹp. (Ấy thế mà chẳng hiểu sao có một nhạc sĩ ngoài Bắc xem bài đó là … ‘dâm ô’!)

Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Duy cũng ‘đa dạng’ như nhạc của ông. Ông từng theo kháng chiến chống Pháp, nhưng chỉ vì một bài ca bị cấm mà ông bỏ đồng đội và chọn tự do. Lựa chọn đó cùng những sáng tác sau này ở miền Nam, ông thường bị những người theo cực đoan chủ nghĩa có những cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí gắn những nhãn hiệu mang tính ám sát cá nhân (vốn rất tiêu biểu trong thể chế Mao-ít). Nhưng dù không ưa ông, những người hung hãn nhứt trong những đấu tố cũng phải công nhận ông là một nhân tài, thậm chí thiên tài. Nhân tài thật sự. Người bảo thủ và giáo điều như Tố Hữu, khi được hỏi về sự nghiệp của Phạm Duy, từng nói: ‘Bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi‘. Khó hiểu ông ấy nói gì, nhưng người ta hiểu rằng chế độ mới chỉ nên dùng những ca khúc sáng tác trước 1954 và bỏ những ca khúc sau 1954 ở trong Nam. Có lẽ vì nhận xét này mà rất nhiều ca khúc của ông vẫn còn bị cấm cho đến nay. Chỉ có chừng hơn 100 ca khúc (chiếm 10% tổng số sáng tác) được phép lưu hành chánh thức. Nhưng cho dù bị cấm đoán, nhạc của Phạm Duy vẫn tồn tại trong công chúng. Người ta vẫn hát nhạc của ông. Nói như Trịnh Công Sơn là ‘Phạm Duy bàng bạc trong tất cả đời sống âm nhạc.’

Nhớ có lần (1999) tôi ghé thăm ông ở Quận Cam (ông hay gọi là ‘Thị trấn Giữa đàng’ vì khu ông ở có tên là Midway City), ông say sưa nói về công trình phổ Truyện Kiều thành nhạc. Ông nhận xét rằng sau chiến tranh, chỉ có hai thứ có thể hàn gắn vết thương tinh thần, và đó là âm nhạc và tôn giáo. Ông trích câu nói của thi sĩ Lamartine mà tôi nhớ mãi rằng âm nhạc là văn chương của trái tim, và do đó, ông sẽ dùng âm nhạc để góp phần làm cho người Việt gần với nhau hơn.

Căn nhà của Phạm Duy ở ‘Thị trấn Giữa đàng’ (California, 1999)

Hôm đó, ông còn nói rằng ông sẽ về Việt Nam và chết ở bên đó. Tưởng ông chỉ nói cho có nói, ai ngờ ông về thiệt và chết ở bên nhà. Lần sau cùng tôi gặp ông là … trên giường bệnh. Lúc đó tôi đang đi công tác ở Sài Gòn, và nghe anh Giám đốc Bệnh viện 115 (cũng là một ‘fan’ hâm mộ ông) tiết lộ rằng nhạc sĩ Phạm Duy mới nhập viện. Tôi và anh ấy bèn hẹn giờ để ghé thăm ông. Ngồi bên giường bệnh, chúng tôi nói chuyện về nhạc nhiều hơn là bệnh tình. Ông vẫn say sưa nhưng với giọng hơi yếu nói về những dự án âm nhạc tương lai. Nhưng chỉ vài tuần sau thì ông qua đời ở tuổi 93, đúng với tâm nguyện của ông là muốn chết ở quê hương của mình.

Dù người ta muốn hay không, thì tên và nhạc của ông đã gắn liền với Việt Nam và Sài Gòn. Ông đã để lại cho văn hoá Việt Nam một gia tài đồ sộ, một gia tài chữ nghĩa và âm điệu sẽ được phân tích và chiêm nghiệm trong tương lai khi thế hệ hận thù và phân hoá không còn nữa. Với Sài Gòn, ông vẫn là một tượng đài trong lòng hàng triệu người. Không phải ngẫu nhiên mà Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, trong ca khúc bất hủ ‘Sài Gòn niềm nhớ không tên‘, viết rằng:

Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau

Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu

Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu

Còn gì đâu

Với cá nhân tôi, Phạm Duy là một thần tượng sẽ không bao giờ phôi pha, vì ông đã gieo vào tôi tình yêu quê hương, sự trân quí người Việt, và giúp tôi cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt — một cách vĩnh viễn. Tôi tin rằng các bạn cũng sẽ cảm nhận như vậy khi nghe qua những ca khúc của Phạm Duy.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s