Hiệu quả của bổ sung calcium và protein ở người cao tuổi

Người cao tuổi ở các viện dưỡng lão thường hay bị té và gãy xương đùi (hip fracture). Gãy xương đùi dễ dẫn đến tử vong. Câu hỏi do đó là bổ sung calcium và protein cho họ có thể giảm nguy cơ té ngã và gãy xương? Tập san BMJ mới công bố một nghiên cứu quan trọng của chúng tôi nhằm trả lời câu hỏi đó [1]. Đây là một bài báo sẽ làm thay đổi cách quản lí các ông bà cụ trong nhà dưỡng lão trong tương lai.

Đây là một nghiên cứu do tôi thiết kế, và thực hiện rất công phu, mất cả 8 năm trời mới công bố. Nghiên cứu bắt đầu từ  2013, mà mãi đến 2020 mới viết xong, và 2021 thì được công bố sau khi qua biết bao khó khăn khác với các tập san y khoa.

Thoạt đầu tìm nguồn tài trợ rất khó, vì ai cũng nghi nghi ngờ ngờ về bổ sung calcium và protein, nhưng Sandra kiên trì gõ cửa các công ti thì cũng có người chiếu cố. Kế đến là thiết kế ra sao, và lúc này thì đến phiên tôi. Bàn qua tán lại tôi nói chỉ có thể làm cluster RCT thôi, còn làm kiểu prospective hay open RCT thì không có giá trị. Đến khi thực hiện thì lại xảy ra tình trạng tử vong khá cao (vì họ thường là người cao tuổi, 80 trở lên), nên phải tìm các nhà dưỡng lão thay thế sao cho có đủ con số. Tìm xong còn phải ngẫu nhiên hoá cho đúng cách. Nói chung, làm RCT rất nhiêu khê và đầy những cạm bẫy mà mình khó thấy trước.

Khi dữ liệu đã có thì còn phải qua công đoạn kiểm tra và phân tích. Phải huy động 2 chuyên gia thống kê làm phân tích, và tôi làm supervisor quá trình phân tích. Kết quả ‘ngọt ngào’ đến ngạc nhiên: Bổ sung calcium và protein giảm nguy cơ gãy xương hông đến ~50%! Tôi thoạt đầu thấy khó tin, nên bảo phải kiểm tra lại và phân tích theo đúng kế hoạch đề ra, nhưng kết quả vẫn như thế. Vậy là an tâm rồi. Nhưng bổ sung calcium và protein không làm giảm tử vong.

Đến khi viết (thật ra chỉ có 3 người viết thôi) lại xảy ra tranh cãi. Cái ông tác giả cuối là bạn tôi, người có cá tánh mạnh, và viết văn rất rất giỏi. Thành ra, cái gì mà tôi sửa là ổng … dẹp qua một bên. Nhưng vài ngày sau, ổng chắc thấy có lí hay sao ấy, nên lại dùng phần tôi chỉnh sửa. Cứ như thế, qua lại mấy tháng trời mới có bản thảo sau cùng.

Đến các tập san. Vì đây là nghiên cứu quan trọng, nên chúng tôi chỉ gởi cho các tập san ‘xịn’. Đầu tiên là New England Journal of Medicine (NEJM), nhưng sau 2 tháng bình duyệt, họ từ chối. Kế đến là gởi cho Lancet, và lần này thì gần 4 tháng bình duyệt (5 người bình duyệt), họ cho phép chúng tôi trả lời. Nhưng sau khi trả lời, Lancet từ chối. Ôi! đau điếng. Kế tới là JAMA, sau vài tháng bình duyệt, họ cũng từ chối. Họ hỏi chúng tôi có muốn chuyển sang JAMA Int Med, chúng tôi không chịu. Gởi cho Ann Int Med, thì tập san này thậm chí hách đến nổi không bình duyệt và từ chối trong vòng 3 ngày.

Lúc đó, trong hội nghị ASBMR có người thấy nghiên cứu của chúng tôi, và đề nghị gởi lại cho NEJM. Mừng quá, như gặp ân nhân, chúng tôi lại chỉnh sửa và gởi lại cho NEJM. Lần này thì NEJM sau khi bình duyệt không chắc là nên chấp nhận hay từ chối, họ yêu cầu cung cấp thêm dữ liệu. Sau khi chúng tôi cung cấp thêm dữ liệu, họ họp ban biên tập và kết quả là … từ chối.

Tôi đề nghị gởi cho BMJ, và lần này thì chúng tôi có may mắn. BMJ gởi cho 5 chuyên gia bình duyệt, kể cả một giáo sư về thống kê học. Số trang bình duyệt khá dài, đa số là khen, nhưng có một người từ Úc thì tỏ vẻ chê. Chúng tôi gãi đầu hỏi tại sao người ngoài khen, mà người đồng hương lại chê. Nhưng qua lại gần 4 tháng thì bài báo được chấp nhận. Mừng quá trời. Thế là hơn 12 tháng từ ngày xong bản thảo mới được chấp nhận cho công bố.

Kể chuyện trên để các bạn thấy làm một nghiên cứu có giá trị rất ư là khó khăn. Một nghiên cứu trên BMJ, NEJM, Lancet, JAMA, v.v. do đó có giá trị hơn 10 nghiên cứu trên các tập san làng nhàng.

___

[1] https://www.bmj.com/content/375/bmj.n2364

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s