Hai vaccine của Tàu (CoronaVac và Sinopharm) có độ miễn dịch suy giảm nhanh và hiệu lực cũng khá hạn chế ở người cao tuổi (trên 60). Đó là nội dung của thông báo mới được Hội đồng cố vấn về vaccine của WHO (SAGE) công bố [1].
Như có lần đề cập trước đây, rất ít dữ liệu về hiệu quả của hai vaccine Tàu (CoronaVac và Sinopharm). Nhưng gần đây đã có thêm dữ liệu thực tế từ những nước sử dụng vaccine Tàu, như các nước vùng Nam Mĩ và Đông Nam Á. Qua đánh giá các dữ liệu này, các chuyên gia của WHO cho rằng vaccine Tàu có hiệu quả thấp ở người cao tuổi, và có thể do khả năng miễn dịch của vaccine bị suy giảm nhanh theo thời gian.
Hiệu lực của vaccine Tàu có vẻ tuỳ thuộc vào độ tuổi. Ở người trẻ tuổi (20 – 39) CoronaVac giảm tử vong lên đến 83%, nhưng vẫn thấp hơn so với AstraZeneca (98%) và Pfizer (90%) [2]. Tuy nhiên, ở những người 80+ tuổi trở lên, hiệu quả của CoronaVac chỉ 30% đối với những ca nhiễm nặng, và 45% giảm tử vong; con số này đối với AstraZeneca là 67% và 85%. Nghiên cứu này cho thấy rõ vaccine CoronaVac có hiệu lực kém hơn AstraZeneca.
Biểu đồ về hiệu lực (effectiveness) của vaccine CoronaVac và AstraZeneca. Số liệu lấy từ bài báo trong tài liệu tham khảo [2] nghiên cứu trên 36 triệu người dùng vaccine AZ và 21 triệu người dùng vaccine CoronaVac ở Brazil.
Tại sao vaccine Tàu có hiệu quả thấp hơn AZ?
Lí do thứ nhứt có thể là do lượng kháng thể thấp. Chẳng hạn như một nghiên cứu ở Thái Lan [3] trên 185 người cho thấy chỉ có 60% người được tiêm có lượng kháng thể đáng kể sau 1 tháng tiêm liều 2 liều CoronaVac. Con số này đối với AstraZeneca vaccine là 86%. Điều đáng ngại hơn nữa là 3 tháng sau tiêm đủ 2 liều CoronaVac, chỉ có 12% là có lượng kháng thể đủ để chống lại nCov! Chỉ 12%.
Lí do thứ hai là có thể liên quan đến ‘công nghệ’ vaccine cũ. Cả hai vaccine dùng con virus gây covid-19 đã được ‘giết chết’ và đưa vào cơ thể. Phương pháp này khá cổ điển, nhưng họ không đủ mạnh để kích thích hệ miễn dịch chống lại nhiều protein của virus. Vaccine này không có chọn mục tiêu, khi được tiêm chúng ta có thể hiểu là đẩy vào một nhóm kháng nguyên và hi vọng nó sẽ nhận ra con virus gây covid-19.
Dựa vào đánh giá dữ liệu thực tế, SAGE còn khuyến cáo rằng đối với những người trên 60 tuổi đã được tiêm 2 liều CoronaVac hay Sinopharm thì cần phải tiêm liều thứ 3. Trong thực tế, một số nước trên thế giới đã tiêm liều thứ ba cho những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Tàu.
Nhưng một số chuyên gia thì chất vấn là có nên tiếp tục dùng vaccine Tàu hay không, khi các vaccine có hiệu quả khác đang có. Đối với các nước nghèo, họ không có nhiều lựa chọn, nên vẫn phải lệ thuộc vào vaccine Tàu. Thành ra, vaccine Tàu vẫn có vai trò của nó trong chống dịch. Thật ra, số người sử dụng 2 vaccine Tàu là cao hơn cả các vaccine phương Tây.
Còn Việt Nam thì sao? Giới chức y tế và chánh trị Việt Nam đã chọn Tàu rồi, nên không có gì để nói nhiều. Vấn nạn của chúng ta là đây: ai đó đã quyết định, và chúng ta không nói được hay nói nhưng chỉ làm hoa lá cành cho kẻ trị vì mà thôi. Nếu có điều đáng bàn thì đó là: không nên dùng vaccine Tàu cho những người cao tuổi như tôi đã nói cách đây 3 tháng.
Có lẽ đa số các bạn chưa nghe đến bà Henrietta Lacks, vì bà đã qua đời lâu rồi (70 năm trước). Nhưng tế bào của bà vẫn còn sống, và đem lại bạc tỉ USD cho các công ti sinh học. Câu chuyện [buồn] về bà đã trở thành đề tài gây tranh cãi chung quanh câu hỏi ai sở hữu tế bào người đã qua đời.
Bà Henrietta Lacks (ảnh của newscientist.com)
Không giống như các tế bào bình thường, các tế bào ung thư không có tuổi. Chúng nhân bản rất nhanh nếu có điều kiện thích hợp. Những tế bào bất tử được đặt tên là ‘Cell Lines‘ hay dòng tế bào. Và, dòng tế bào đầu tiên là tế bào ung thư, có tên là ‘HeLa‘, được phát hiện vào năm 1951, đúng 70 năm trước, tại bệnh viện Johns Hopkins, Baltimore.
Cho đến nay, HeLa vẫn còn sống. Trong thời gian 70 năm qua, HeLa đã được sử dụng nhiều nhứt trong nghiên cứu y học. HeLa đã giúp cho các nhà khoa học có hơn 95,000 khám phá trong y văn. Tế bào HeLa xuất phát từ một bệnh nhân 30 tuổi tên là Henrietta Lacks, người gốc Phi châu.
Henrietta Lacks
Henrietta Lacks (tên gốc là Henrietta Pleasant) sanh vào ngày 1/8/1920. Khi Henrietta lên 4 thì thân mẫu qua đời sau khi hạ sanh người con thứ 10. Gia đình di dời về Clover, Virginia, và Henrietta được bà ngoại nuôi dưỡng. Trong thời gian ở đây, Henrietta ở chung phòng với người anh họ tên là David Lacks. Sau này trưởng thành, hai người thành hôn vào năm 1941, và do đó, Henrietta có họ là Lacks.
Ngày 29/1/1951, Henrietta đến bệnh viện Johns Hopkins để khám bệnh, vì bà cảm thấy như có cái nút thắt trong tử cung. Bác sĩ Howard W. Jones làm sinh thiết và phát hiện bà bị ung thư cổ tử cung ác tính. Tuy nhiên, năm 1970, một số bác sĩ phát hiện rằng bà bị adenocarcinoma (mộ loại ung thư khởi phát từ các tế bào tuyến sản sinh chất nhầy), nhưng đây là một sai lầm phổ biến vào thời đó.
Buổi sáng ngày 8/2/1951, bà Henrietta Lacks được chuyển vào một phòng phẫu thuật thuộc Bệnh viện Johns Hopkins để điều trị ung thư. Bà Henrietta được chẩn đoán là bị u xơ tử cung ác tính, và các bác sĩ quyết định dùng xạ trị. Thoạt đầu, bà có vẻ đáp ứng tốt với liệu pháp xạ trị, khối u ngày càng co nhỏ hơn, và sau liều thứ hai thì khối u biến mất. Để chắc ăn, các bác sĩ còn thêm liệu pháp X-quang trị. Mỗi ngày, chồng bà chở vào bệnh viện, và bác sĩ ‘oanh tạc’ bức xạ vào bụng. Sau khi chương trình điều trị kết thúc, da bụng bị bỏng và đau. Tuy nhiên, nhìn chung thì bệnh coi như đã được chữa trị thành công.
Tháng 5/1951, bà quay lại bệnh viện để tái khám, và quả thật khối u đã biến mất. Bác sĩ viết trong báo cáo “Cervix is normal size, mucosa red and smooth, cervix freely movable. Good radiation result.” Bác sĩ đề nghị tái khám sau 1 tháng. Tháng 6/1951, khi tái khám, bác sĩ cũng không tìm thấy dấu hiệu gì bất thường. Bà Henrietta chỉ báo rằng cảm thấy không thoải mái ở vùng bụng. Và, một lần nữa, bác sĩ đề nghị tái khám vào tháng tới.
Nhưng trước lần tái khám thứ ba thì bệnh trạng trở nên phức tạp. Bà cảm thấy đau nhiều hơn. Mỗi lần đi tiểu hay thậm chí đi lại cũng bị đau. Sau cùng, bác sĩ phát hiện ra một khối u lớn trong khung chậu, gây áp lực lên bọng đái. Đến lúc này thì sự việc đã nghiêm trọng, và bác sĩ cho biết là họ không thể mổ. Trong những tuần sau đó, bác sĩ chỉ có thể giúp bà giảm đau và điều trị triệu chứng. Bà Henrietta Lacks qua đời ngày 4/10/1951, sau 8 tháng chẩn đoán và điều trị.
Cuộc giảo nghiệm tử thi sau đó cho thấy quả thật là ung thư đã di căn qua nhiều cơ phận khác. Nhưng điều làm cho bác sĩ ngạc nhiên là tốc độ và mức độ di căn quá nhanh và quá rộng. Họ phát hiện những u ở tử cung, buồng trứng, ruột, gan, bàng quang, thận, và thậm chí còn lan sang tim và phổi. Do đó, không ngạc nhiên, bà cảm thấy bị nôn ói, sốt, và đau đớn dữ dội vào những tuần cuối đời.
Câu chuyện của bà Henrietta Lacks được thuật lại qua sách vở và phim ảnh. Cuốn sách nổi tiếng nhứt có lẽ là ‘The Immortal Life of Henrietta Lacks”. Điều trớ trêu là bà trở nên nổi tiếng sau khi đã qua đời, và yếu tố làm cho bà trở thành một medical celebrity là căn bệnh đã giết chết bà.
Tế bào bất tử
Điều bà không biết trong thời gian nằm trên giường bệnh là một số tế bào ung thư của bà đã được ‘cấy trồng’ ở một labo nghiên cứu bên cạnh bệnh viện. Labo ngày do Tiến sĩ George Gey điều hành. Trong lúc điều trị lần đầu, bác sĩ đã lấy một mô không bị ung thư và một mô ung thư từ cổ tử cung để làm nghiên cứu. Bà không biết rằng trong khi bà đang chết thì các tế bào ung thư đó vẫn còn sống và sống cho đến ngày nay.
Trong labo, các mô lấy từ cổ tử cung của Henrietta được giao cho Mary Kubicek để ‘trồng’ các tế bào này. Kubicek viết trên các tế bào là “HeLa”, viết tắt từ tên và họ Henriette Lacks. Mặc dù cách định danh này chỉ là cho tiện việc nhận dạng, nhưng Kubiceck không ngờ rằng dòng tế bào đã trở thành huyền thoại và đi vào lịch sử y học trong những năm sau đó.
Kubiceck chú ý rằng sau đó vài ngày, một số mô đã chết (và điều này không ngạc nhiên), nhưng các mô ung thư vẫn còn sống. Và, một quan sát quan trọng hơn là chúng được bao phủ mới các tế bào mới. Cứ mỗi 24 giờ, các tế bào này nhân lên gấp 2 lần. Kubiceck phải cắt bới đi và đưa vào các ống nghiệm khác. Khi Kubiceck báo cáo cho sếp là George Gey, ông thoạt đầu còn nghi ngờ, nhưng sau một thời gian quan sát ông nhận ra dòng tế bào HeLa này rất đặc biệt, vì chúng nhân lên cứ như là … cỏ. Từ quan sát đó, Gey đã nghĩ rằng ông đã có được một tế bào bất tử.
George Gey đã nhìn thấy tương lai ứng dụng của tế bào HeLa rất lớn. Nhưng ông không muốn nhận mình là chủ nhân của tế bào, dù ông có công rất lớn trong việc tìm ra công thức để nuôi dưỡng tế bào sống cho đến ngày nay. Ông khuyến khích các nhà khoa học ghé qua labo để ông hướng dẫn cách nuôi tế bào sao cho chúng bất tử. Ngoài ra, ông cũng được mời ghé thăm các trung tâm nghiên cứu khác, và mỗi lần như thế ông đem theo tế bào HeLa trong túi và chứng minh cho đồng nghiệp thấy tế bào này được nhân bản như thế nào. Ông còn gởi tế bào HeLa cho bất cứ ai cần nghiên cứu trên khắp thế giới.
Tấm bia tưởng niệm bà Henrietta Lacks gần mộ của bà. Không ai biết chính xác bà được an táng ở đâu, người ta chỉ đoán là gần tấm bia này.
Hưởng lợi từ HeLa
Có thể nói không ngoa rằng HeLa là một nền tảng của y học hiện đại. Thật vậy, trong những năm sau đó, HeLa được sử dụng để test rất nhiều bệnh lí và phương pháp. Từ hoá trị đến phẫu thuật thẩm mĩ, và từ vaccine đến thuốc Viagra. Ứng dụng lớn nhứt của HeLa là trong bào chế vaccine chữa bệnh Polio.
Tuy nhiên, cả Bệnh viện Johns Hopkins và George Gey không đăng kí bằng sáng chế hay bản quyền HeLa (dù Gey có công gìn giữ HeLa cho đến ngày nay). Johns Hopkins cũng cho biết rằng thời đó (1950s) chưa có khái niệm ‘Informed Consent’ (đồng thuận từ bệnh nhân), nên khi tế bào lấy từ bệnh nhân không qua sự ưng thuận của họ. Theo tiêu chuẩn ngày nay thì những gì bác sĩ làm vào thời đó là sai, là vi phạm y đức.
Rất nhiều công ti sinh học và labo trên thế giới hưởng lợi từ HeLa. Các công ti sinh học chỉ cần 1 tế bào, và với công nghệ ngày nay, họ có thể nhân bản thành nhiều tế bào và … bán lấy lời. Không ai biết rõ có bao nhiêu công ti đã hưởng lợi như thế từ HeLa, nhưng con số chắc chắn không nhỏ. Một trong những công ti đó là Thermo Fisher Scientific (TFS). Công ti đã sử dụng HeLa để phát triển các dòng sản phẩm, và lấy lời.
Tuần vừa qua, nhân dịp tưởng niệm 70 năm ngày bà Henrietta Lacks qua đời, gia đình bà đệ đơn kiện TFS. Cáo trạng cho rằng TFS đã dùng tế bào từ bà Lacks mà không có sự đồng thuận của bà và tạo ra một hệ thống y khoa bất bình đẳng. Họ cho rằng TFS biết rằng tế bào lấy từ bà Henrietta Lacks là một sự đánh cắp của bệnh viện, nhưng công ti vẫn sử dụng để lấy lời. Gia đình bà Lacks còn cho biết rằng họ sẽ đệ đơn kiện nhiều công ti sinh học khác đã từng sử dụng và làm tiền trên dòng tế bào HeLa.
Gia đình bà Henrietta Lacks không hưởng một đồng nào từ những công ti và labo đã trục lợi dựa trên dòng tế bào bất tử HeLa.
Đại học Bristol (Anh) mới khánh thành bức tượng của bà Henrietta Lacks
Đây là một câu chuyện phức tạp về khoa học, đạo đức, và thương mại. Chưa biết phiên toà sẽ kết thúc ra sao, nhưng rõ ràng các công ti đã sai lầm khi hưởng lợi từ người quá cố. Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp nổi tiếng; trong thực tế còn nhiều trường hợp như thế mà chưa được phản ảnh.
Khoa học ngày nay đã bị thương mại hoá, và dần dần mất đi cái lí tưởng ban đầu. Cuộc ‘hôn phối’ giữa khoa học, kiến thức và thương mại đã làm cho mục tiêu cao cả của khoa học (đem lại phúc lợi cho nhân loại) phải khúm núm trước mục tiêu vì danh vọng và tiền tài.
___
Cái note này lấy thông tin từ cuốn sách ‘Flesh Made New’ của hai tác giả John Rasko và Carl Power mà tôi đã điểm qua trước đây.
Hôm 5/10 vừa qua là kỉ niệm 100 năm ngày sanh của Nhạc sĩ Phạm Duy, một ‘đại thụ’ âm nhạc có một không hai của Việt Nam. Thế hệ tôi (và chắc vài thế hệ trước và sau nữa) lớn lên với ngàn lời ca của ông. Cá nhân tôi có nhiều kỉ niệm với nhạc Phạm Duy, nên nhân dịp này xin chia sẻ chuyện xưa …
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013)
Lần đầu tiên tôi được biết đến nhạc Phạm Duy là trong một đêm picnic (cắm trại) ở gần Hà Tiên. Hôm đó, thầy cô lớp học tổ chức hai ngày đi cắm trại, và cắm trại thì lúc nào cũng có chương trình văn nghệ. Lúc đó tôi đã học đàn và biết chơi vài bài đơn giản, chủ yếu là nhạc bolero và slow. Nhưng hôm đó chương trình nhạc chủ yếu là Phạm Duy và Lam Phương. Tôi còn nhớ được ‘cấp’ một quyển nhạc bìa màu xám mà trong đó là những bài dân ca hay mang âm hưởng dân ca như Gánh lúa, Cây trúc xinh, Tiếng hò miền Nam, Lời người ra đi, Nhớ người thương binh, v.v.
Chúng tôi say sưa đàn hát những ca khúc mà sau này tôi mới biết là giai điệu ngũ cung. Hèn gì những ca khúc đó có vẻ gần với người Việt chúng ta. Thời Đệ Tứ thì cũng đã nảy nở tình yêu học trò, nên bọn chúng tôi dùng những lời nhạc đó (kiểu như ‘cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc / Chị hai xinh, tang tình là chị hai đứng’) gởi khéo cho ‘đối tượng’ mình nhắm tới. Nhưng với tôi, có lẽ bài ‘Nhớ người thương binh’ gây cảm xúc nhiều nhứt, có lẽ vì lí do bài ca mô tả giống với trường hợp của Ba tôi. Nói theo ngôn ngữ dịch tễ học, tôi đã bị ‘phơi nhiễm’ nhạc Phạm Duy từ đó. Đã hơn 50 năm, những lời ca và giai điệu đó vẫn còn theo tôi đến nay và chắc đến tận cuối đời.
Thời VNCH, không có những ‘ban tuyên giáo’ dạy phải yêu nước là yêu một chủ nghĩa nào đó. Hoàn toàn không có. Ấy vậy mà chúng tôi, những thanh thiếu niên mới vào đời, ý thức rất rõ về tình thần yêu nước và lúc nào cũng xưng tụng quê hương xinh đẹp. Tôi nghiệm ra rằng mình bị ‘tuyên truyền’ từ những bài học trong môn ‘Công dân giáo dục‘ và sách giáo khoa tưng tự. Nhưng chúng tôi còn được gieo tình cảm dân tộc và quê hương qua nhạc của Phạm Duy nữa. Chỉ bằng một giai điệu du dương trong Tình cavà Tình hoài hương, ông thôi miên người nghe vào thế giới mang tên Việt Nam. Ông thậm chí còn dặn dò chúng ta rằng ‘Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời.’
Những năm sau đó, giữa lúc chiến tranh ác liệt, tôi lại nghe nhạc ông, nhưng lúc đó thì những ca khúc của ông trở nên ray rứt và đau đớn. Nổi tiếng nhứt có lẽ là bài ‘Kỷvật cho em’, phổ từ thơ có tựa đề là ‘Để trả lời một câu hỏi‘ của một người lính, viết về nỗi lòng của những người lính và cả và số phận của thanh niên Việt Nam có thể đoán trước trong thời chiến tranh khốc liệt. Dù không phải là lính, mà nghe bài đó tôi cũng cảm thấy xúc động với những câu rất thật như ‘Anh trở về hòm gỗ cài hoa / Anh trở về bằng chiếc băng ca / Trên trực thăng sơn màu tang trắng.‘ Nghe nói ông suýt đi tù vì ca khúc đó. Nhưng trớ trêu thay, đó lại là một trong những ca khúc hay nhứt trong cuộc chiến.
Phạm Duy có một sáng tác trong thời chiến mà rất ít người biết đến: Kể chuyện đi xa. Đó là một ca khúc tương đối dài, được viết khi ông đi thăm ở New York (có lẽ vào năm 1970) kể lại những trải nghiệm của ông ở thành phố mà người ta có ‘Kiếp sống thanh bình / người người mưu sinh‘ và nhìn lại quê hương mình ‘còn nhiều điêu linh / Ai đã cố tình đẩy cuộc đua tranh / Đem cháu con mình làm vật hi sinh / Đất nước hai miền chật chội oan khiên.’ Ai là kẻ đã gây nên thảm nạn? Ông nhận ra rằng đó là những ‘bọn yêu tinh‘, là những kẻ ‘buôn súng buôn tiền, làm giầu lên trên / Thân xác dân hiền.’ Ca khúc được viết theo điệu slow và do chính ông trình bày cùng dàn đồng ca trẻ em [1]. Có thể nói đây là một ca khúc hiếm hoi nói lên quan điểm và cái nhìn của ông về cuộc chiến.
Ông là nhạc sĩ của ngàn lời ca. Có thể ví von ông như là người thơ kí thời cuộc. Ông dùng âm nhạc để ghi lại những biến động lịch sử, những niềm hân hoan bên cạnh những nỗi buồn, những tình tự dân tộc cùng những trăn trở của thanh niên và trí thức trong thời chiến. Mỗi giai đoạn lịch sử đều được ông ghi lại bằng những ca khúc khó quên. Gần như bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể tìm sự đồng cảm trong những lời ca câu hát của Phạm Duy. Chẳng hạn như thời ‘cải tạo’ ông có tổ khúc Ngục ca phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Trong đó có bài gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi là những câu do chính ông trình bày:
Từ vượn lên người mất mấy triệu năm
Thế mà ai ơi, thế mà ai ơi,
Ở nước Nam tôi
Chính sách siêu quần, chính sách siêu quần
Từ người xuống vượn mất có 3 năm
Từ người xuống vượn mất có 3 hôm
Ông có lẽ là nhạc sĩ đa dạng nhứt về đề tài sáng tác mà khó có nhạc sĩ nào sánh kịp. Ông viết hàng ngàn ca khúc thuộc các ‘tổ khúc’ như Dân ca, Rong ca, Bé ca, Xuân ca, Hương ca, Tâm ca, Thiền ca, Đạo ca, Tục ca, Hoàng Cầm ca, Tị nạn ca, Ngục ca, v.v. Nhưng những nhạc tình của ông vẫn là những bài hay nhứt và được thanh niên yêu thích nhứt. Tủ nhạc của tôi vẫn còn những ca khúc ông sáng tác vào thập niên 1970s qua phổ thơ của Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, và Cung Trầm Tưởng. Trịnh Công Sơn là một người hay chữ, mà còn phải thốt lên rằng ‘Không ai phổ thơ hay bằng Phạm Duy. Bài thơ nào qua tay ông là nổi tiếng. Một nhà ảo thuật về phổ thơ.‘ Có người, như thi sĩ Trần Dạ Từ, thì xem ông là ‘một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại.’ Thoạt đầu nghe qua thì có vẻ là một nhận xét cường điệu, nhưng nghe qua những sáng tác do ông viết lời chúng ta dễ dàng thấy ông có cách sắp xếp chữ như một bài thơ.
Không biết các bạn thì sao, chớ riêng tôi thì xem những tình khúc của ông là một kho tàng ngôn ngữ quí báu, vì trong đó có những chữ Việt rất đẹp. Nếu cần lấy một ca khúc ra để minh hoạ cho cái ý trên, tôi sẽ chọn bài Tìm nhau (sáng tác năm 1956). Đó là một bài tình ca có những chữ đan xén vào nhau theo cách đồng âm và hiệp vận:
Tìm sâu trong muôn thuở Tìm sau lưng bốn mùa Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu
…
Tìm trong câu thơ cổ Tìm qua tranh Tố nữ
Tôi mê bài này từ lâu lắm, không phải mê vì câu chuyện trong ca khúc, mà mê vì lời ca quá đẹp. (Ấy thế mà chẳng hiểu sao có một nhạc sĩ ngoài Bắc xem bài đó là … ‘dâm ô’!)
Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Duy cũng ‘đa dạng’ như nhạc của ông. Ông từng theo kháng chiến chống Pháp, nhưng chỉ vì một bài ca bị cấm mà ông bỏ đồng đội và chọn tự do. Lựa chọn đó cùng những sáng tác sau này ở miền Nam, ông thường bị những người theo cực đoan chủ nghĩa có những cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí gắn những nhãn hiệu mang tính ám sát cá nhân (vốn rất tiêu biểu trong thể chế Mao-ít). Nhưng dù không ưa ông, những người hung hãn nhứt trong những đấu tố cũng phải công nhận ông là một nhân tài, thậm chí thiên tài. Nhân tài thật sự. Người bảo thủ và giáo điều như Tố Hữu, khi được hỏi về sự nghiệp của Phạm Duy, từng nói: ‘Bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi‘. Khó hiểu ông ấy nói gì, nhưng người ta hiểu rằng chế độ mới chỉ nên dùng những ca khúc sáng tác trước 1954 và bỏ những ca khúc sau 1954 ở trong Nam. Có lẽ vì nhận xét này mà rất nhiều ca khúc của ông vẫn còn bị cấm cho đến nay. Chỉ có chừng hơn 100 ca khúc (chiếm 10% tổng số sáng tác) được phép lưu hành chánh thức. Nhưng cho dù bị cấm đoán, nhạc của Phạm Duy vẫn tồn tại trong công chúng. Người ta vẫn hát nhạc của ông. Nói như Trịnh Công Sơn là ‘Phạm Duy bàng bạc trong tất cả đời sống âm nhạc.’
Nhớ có lần (1999) tôi ghé thăm ông ở Quận Cam (ông hay gọi là ‘Thị trấn Giữa đàng’ vì khu ông ở có tên là Midway City), ông say sưa nói về công trình phổ Truyện Kiều thành nhạc. Ông nhận xét rằng sau chiến tranh, chỉ có hai thứ có thể hàn gắn vết thương tinh thần, và đó là âm nhạc và tôn giáo. Ông trích câu nói của thi sĩ Lamartine mà tôi nhớ mãi rằng âm nhạc là văn chương của trái tim, và do đó, ông sẽ dùng âm nhạc để góp phần làm cho người Việt gần với nhau hơn.
Căn nhà của Phạm Duy ở ‘Thị trấn Giữa đàng’ (California, 1999)
Hôm đó, ông còn nói rằng ông sẽ về Việt Nam và chết ở bên đó. Tưởng ông chỉ nói cho có nói, ai ngờ ông về thiệt và chết ở bên nhà. Lần sau cùng tôi gặp ông là … trên giường bệnh. Lúc đó tôi đang đi công tác ở Sài Gòn, và nghe anh Giám đốc Bệnh viện 115 (cũng là một ‘fan’ hâm mộ ông) tiết lộ rằng nhạc sĩ Phạm Duy mới nhập viện. Tôi và anh ấy bèn hẹn giờ để ghé thăm ông. Ngồi bên giường bệnh, chúng tôi nói chuyện về nhạc nhiều hơn là bệnh tình. Ông vẫn say sưa nhưng với giọng hơi yếu nói về những dự án âm nhạc tương lai. Nhưng chỉ vài tuần sau thì ông qua đời ở tuổi 93, đúng với tâm nguyện của ông là muốn chết ở quê hương của mình.
Dù người ta muốn hay không, thì tên và nhạc của ông đã gắn liền với Việt Nam và Sài Gòn. Ông đã để lại cho văn hoá Việt Nam một gia tài đồ sộ, một gia tài chữ nghĩa và âm điệu sẽ được phân tích và chiêm nghiệm trong tương lai khi thế hệ hận thù và phân hoá không còn nữa. Với Sài Gòn, ông vẫn là một tượng đài trong lòng hàng triệu người. Không phải ngẫu nhiên mà Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, trong ca khúc bất hủ ‘Sài Gòn niềm nhớ không tên‘, viết rằng:
Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu …
Với cá nhân tôi, Phạm Duy là một thần tượng sẽ không bao giờ phôi pha, vì ông đã gieo vào tôi tình yêu quê hương, sự trân quí người Việt, và giúp tôi cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt — một cách vĩnh viễn. Tôi tin rằng các bạn cũng sẽ cảm nhận như vậy khi nghe qua những ca khúc của Phạm Duy.
Rất nhiều người than phiền rằng một trong những mất mát trong thời gian đại dịch là sự thấu cảm qua tiếp xúc và tương tác giữa người với người. Nhiều khi người ta chỉ cần một cái sờ tay, một ánh mắt, một lời nói cảm thông. Nhưng tất cả những nhu cầu đó bị hụt hẫng trong mùa dịch này. Giải thưởng Nobel Y sinh học năm nay giúp chúng ta hiểu hơn câu ‘cũng cần có nhau’.
Giáo sư Ardem Patapoutian (Viện Scripps) và David Julius (ĐH California tại San Francisco) chia xẻ Giải Nobel Y sinh học năm 2021. Hình: Nature
Chúng ta lệ thuộc vào 5 giác quan để cảm nhận thế giới chung quanh: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, và xúc giác. Nói cụ thể hơn, chúng ta dùng quan sát bằng mắt, lắng nghe bằng lỗ tai, nếm mùi vị bằng miệng, cảm nhận mùi bằng mũi, và cảm giác bằng da. Không có những giác quan đó chúng ta khó tồn tại trong thế giới này.
Nghiên cứu về giác quan đã đem lại nhiều giải Nobel. Năm 1961, Georg von Békésy được trao giải nhờ khám phá liên quan đến thính giác. Năm 1967, giải thưởng Nobel được trao cho George Wald về thị giác. Năm 2004 Richard Axel và Linda Buck được vinh danh qua giải Nobel nhờ các công trình liên quan đến khứu giác. Năm nay, David Julius và Ardem Pataputian được trao giải thưởng để ghi nhận sự đóng góp xuất sắc của họ giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về xúc giác.
Xúc giác là như là một hệ thống cảm quan. Chúng ta đi trên cát thì cảm thấy mềm mại và dễ chịu, nhưng nếu chúng ta đưa bàn chân vào lửa thì thấy không dễ chịu chút nào. Chúng ta thấy ‘Cát trắng thơm tho / lùa vào trong nắm tay’ cả một trời thơ mộng, nhưng nếu đưa cánh tay vào răng cưa thì thấy nguy hiểm. Chúng ta chào hỏi bằng một cái ôm (theo Tây) thì thấy tình cảm dâng trào, nhưng sự tiếp xúc bạo động thì lại thấy như có rủi ro (risk). Câu hỏi đặt ra là cơ chế nào trong cơ thể giúp chúng ta cảm nhận được và phân biệt giữa một sự tiếp xúc bằng da là trìu mền và một sự tiếp xúc nguy hiểm?
Protein cảm quan và trái ớt
Chừng 500 năm trước, René Descarte (Pháp) đã đưa ra giả thuyết rằng có những ‘sợi dây’ nối liền giữa các cơ phận trong da và não. Descarte cho rằng khi chúng ta đưa cái chân vào một cái lò lửa nóng, thì các sợi dây đó sẽ truyền tín hiệu đến não và não ‘lệnh’ cho cơ thể chúng ta có phản ứng thích hợp để tránh bị tổn thương.
Những ‘sợi dây’ mà Descarte nghĩ đến đó sau này chúng ta biết là các tế bào cảm quan (sensory neurons). Khi chúng ta cầm một tô phở nóng, các tế bào cảm quan sẽ gởi tín hiệu đến não (hệ thần kinh) và tín hiệu sẽ được xử lí ở đây để biết sự tiếp xúc đó là ok hay nguy hiểm.
Nhưng hệ thần kinh xử lí thông tin (còn gọi là sensory transduction) bằng cách nào? Hoá ra, nó xử lí bằng các thụ thể cảm quan (sensory receptor). Thụ thể thật ra là một loại protein, và nó có thể ví von như là cái ổ khoá, có nhiệm vụ nhận thông tin (và do đó có tên là receptor). Tương tự, thụ thể cảm quan có nhiệm vụ nhận tín hiệu hay thông tin khi da chúng ta tiếp xúc với một yếu tố bên ngoài như lửa hay một cái sờ.
Một trong những thụ thể quan trọng đó là TRPV1 (viết tắt từ transient receptor potential cation channel subfamily V member 1). Người khám phá ra thụ thể này là David Julius, 66 tuổi, một trong 2 khôi nguyên Nobel Y sinh học năm nay. David Julius là giáo sư sinh lí học thuộc Đại học California tại San Francisco (UCSF).
Julius phát hiện TRPV1 là một thụ thể cảm quan nhiệt độ qua … trái ớt. Ông quan sát rằng khi người ta ăn thực phẩm có chứa ớt thì có cảm giác cháy bỏng, có khi đau đớn. Trái ớt và tiêu có chứa một hoạt chất có tên là capsaicin và chính chất này làm cho trái ớt cay và nóng. Cách họ đi đến khám phá là thử nghiệm hàng ngàn protein sản sinh từ tế bào thần kinh cảm quan xem protein nào phản ứng với capsaicin. Qua nhiều thử nghiệm như thế, họ phát hiện protein TRPV1.
Nhóm Julius lại hỏi ‘vậy thì protein nào làm cho chúng ta cảm thấy mát và lạnh’? Lại làm thử nghiệm, và họ phát hiện ra protein có tên là TRPM8 (cũng ở trong da). Protein này được kích hoạt bởi các chất như menthol hay trong điều kiện lạnh. Một protein khác có tên là TRPA1 cũng phản ứng khi tiếp xúc với các thực phẩm có mùi hăng và cay (như tỏi chẳng hạn).
Protein trìu mến, vuốt ve
Khi được sờ chúng ta có cảm giác ấm. Trong khoa học có một thuật ngữ để mô tả trải nghiệm này: somatosensation. Chữ này được ghép từ hai chữ Anh: somato là thể chất, còn sensation là cảm giác. Thành ra, somatosensation có thể hiểu là cảm giác được sờ.
Hình trên quantamagazine minh hoạ cho sự tiếp xúc qua tác nhân cơ học. Protein Piezo1 giúp chúng ta nhận ra một sự tiếp xúc trìu mến với một tiếp xúc nguy hiểm.
Khoa học phân biệt hai loại tác nhân kích thích: cơ học và hoá học. Tác nhân kích thích cơ học bao gồm sờ qua da, hay cho da tiếp xúc với cát, cỏ, v.v. Tác nhân kích thích hoá học bao gồm những tiếp xúc với hoạt chất như ăn ớt hay tiếp xúc với sức nóng / lạnh chẳng hạn. Chúng ta đã thấy TRPV1 là một protein phản ứng khi da tiếp xúc những tác nhân kích thích hoá học.
Ôm nhau là một trong những yếu tố gây cảm hứng cho nghiên cứu khoa học và dẫn đến khám phá protein Piezo2
Câu hỏi là protein nào phản ứng khi da được kích thích bởi một tác nhân cơ? Chẳng hạn như khi được sờ, chúng ta có thể có cảm giác trìu mến và vuốt ve, nhưng cũng có những tiếp xúc không trìu mến như đụng phải một cái gai. Protein nào giúp chúng ta phân biệt hai loại phản ứng đó?
Giáo sư Ardem Patapoutian (khôi nguyên giải Nobel Y sinh học năm nay) và nhóm nghiên cứu phát hiện một protein [thụ thể] có tên là Piezo1 (lấy từ tiếng Hi Lạp có nghĩa là ‘sức ép’) phản ứng khi chúng ta tiếp xúc với một tác nhân kích thích cơ học.
Ngoài ra, nhóm của ông còn phát hiện một thụ thể khác có tên là Piezo2 giúp chúng ta cảm nhận được sờ. Piezo2 là một thụ thể nằm trên tế bào thần kinh ở trong da, và nó cảm nhận những cái sờ và vuốt ve. Những đứa trẻ sanh ra nếu không có thụ thể Piezo2 sẽ không biết được tay chân của họ ở đâu, và họ cảm thấy mất thăng bằng.
Ứng dụng
Các thụ thể cảm quan như TRPV1 và Piezo1 và Piezo2 giúp chúng ta cảm nhận được sự đau đớn, và do đó có nhiều ứng dụng trong lâm sàng. Chẳng hạn như các công ti dược sản xuất thuốc ức chế các thụ thể đó để giảm đau cho bệnh nhân. Ví dụ như opoid có thể ‘đóng cửa’ thụ thể TRPV1 và do đó có hiệu quả giảm đau rất tốt.
Ứng dụng của Piezo1 còn tìm thấy trong các chuyên ngành khác như tim mạch, ung thư, chuyển hoá, v.v. Trong chuyên ngành loãng xương cũng có ứng dụng thụ thể Piezo1 để hiểu biết hơn quá trình chu chuyển xương và có thể sẽ trở thành một mục tiêu cho bào chế thuốc chống loãng xương.
Nhưng ở khía cạnh nhân văn, những công trình của hai khôi nguyên Nobel còn có ý nghĩa lớn hơn: giải thích tại sao chúng ta cần có nhau. Con người tìm đến với nhau bằng những cái sờ trìu mến, những cái vuốt ve yêu thương. Trịnh Công Sơn từng viết ‘Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau‘, thì đối với con người cái nhu cầu cần có nhau còn mạnh hơn nữa. Khoa học gặp nhân văn là ở đây vậy.
PS: cái note này chỉ muốn giới thiệu cho bài của tôi trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Các bạn nhớ đón đọc.
Báo TT chạy cái tít “Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải xét nghiệm, cách ly làm khó doanh nghiệp” [1]. Đúng là khó hiểu. Nếu đã tiêm đủ 2 liều vaccine thì có lí do gì để xét nghiệm người ta?
Cái note này chia sẻ lại một số câu hỏi và trả lời chung quanh vấn đề xét nghiệm và vaccine. Tôi diễn giải lại từ một bài viết trên mạng [2] và thêm vài câu hỏi mang tính thời sự để các bạn có thể hiểu rõ hơn.
Câu hỏi 1: Thông tin về xét nghiệm quá lẫn lộn. Hãy giải thích các phương pháp xét nghiệm và mục tiêu là gì?
Đáp: Đúng là thông tin về xét nghiệm covid có khi khá lẫn lộn đối với công chúng. Tựu trung lại có 2 nhóm xét nghiệm chánh: xét nghiệm chẩn đoán và xét nghiệm kháng thể.
Xét nghiệm chẩn đoán có mục đích xác định một cá nhân có bị nhiễm nCov hay không, và kết quả có thể dẫn đến cách li. Hai phương pháp xét nghiệm chẩn đoán chánh là PCR và kháng nguyên (antigen). Hai phương pháp xét nghiệm này thường dùng mẫu từ mũi, cổ họng, hay nước miếng. Đây là xét nghiệm khá phổ biến trong dịch covid.
Xét nghiệm kháng thể là tìm kháng thể từ hệ miễn dịch. Khi cá nhân bị nhiễm hay khi cá nhân được tiêm vaccine, hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể để nhận dạng và chống lại con virus trong tương lai. Xét nghiệm kháng thể thường dùng mẫu máu, vì kháng thể lưu hành trong máu.
Câu hỏi 2: Vậy còn xét nghiệm tại nhà thì thuộc loại gì?
Đáp: Đây là những xét nghiệm kháng thể được đóng gói trong một cái kit mà người ta có thể làm xét nghiệm tại nhà. Mục tiêu của xét nghiệm là, như nói trên, tìm kháng thể IgM hay IgG trong máu. Tuy được quảng bá nhiều, nhưng giá trị lâm sàng của phương pháp xét nghiệm này chưa được rõ ràng. Các nhà chức trách y tế Úc không khuyến cáo dùng xét nghiệm kháng thể tại nhà. Họ cho biết những xét nghiệm này không thể nói lên một cá nhân bị nhiễm hay có nguy cơ lây nhiễm cho người khác [3].
Câu hỏi 3: Tôi nghe nói là dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine tôi vẫn có thể bị covid?
Đáp: Có thể. Điều này thì đã được nói khá nhiều trước đây. Vaccine có chức năng giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm nguy cơ tử vong và giảm nguy cơ nhập viện. Người được tiêm vaccine vẫn có xác suất bị nhiễm covid, nhưng xác suất này thấp hơn đến 70-90% so với những người không tiêm vaccine. Người được tiêm vaccine cũng có xác suất nhập viện và tử vong thấp hơn người không tiêm vaccine. Nhưng tôi chỉ nói vaccine Tây thôi, còn vaccine Tàu thì chưa dám nói.
Câu hỏi 4: Vaccine làm từ virus và do đó tiêm vaccine làm cho tôi bị covid?
Đáp: Những vaccine được phê chuẩn cho tiêm chủng không làm cho người ta bị nhiễm covid. Vaccine AstraZeneca được bào chế bằng cách lấy một con virus cúm mùa gây nhiễm cho khỉ, rồi thiết kế lại sao cho nó không thể lây nhiễm cho người. Sau đó, họ chỉnh sửa các chất liệu di truyền của con virus sao cho nó mang chất liệu di truyền giống như con nCov và đưa con virus mới vào tế bào con người. Khi vào tế bào, nó kích thích hệ miễn dịch tấn công vào con virus. Do đó, vaccine không có khả năng lây nhiễm. Còn vaccine Pfizer và Moderna thì dùng một mảng mRNA ‘chỉ thị’ cho hệ miễn dịch chúng ta sản xuất ra protein chống lại con nCov.
Câu hỏi 5: Tiêm chủng vaccine có làm cho xét nghiệm covid dương tính?
Đáp: Không. Tất cả các vaccine không có ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm covid. Phương pháp chuẩn vàng xét nghiệm covid hiện nay là PCR được thiết kế để tìm những mảng mRNA của con virus nCov, chớ không tìm vaccine.
Câu hỏi 6: Nhưng vaccine Pfizer và Moderna dùng mRNA, vậy nó có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm covid không?
Đáp: Không. Hai vaccine Pfizer và Moderna đúng là dùng mRNA của con virus, nhưng chỉ một mảng nhỏ mà thôi, và do đó, không thể tự nó sao chép được. Thành ra, PCR không thể phát hiện mRNA từ vaccine.
Câu hỏi 7: Vậy còn xét nghiệm kháng thể thì sao?
Đáp: Xét nghiệm kháng thể là tìm xem cá nhân có bị nhiễm trong quá khứ (còn PCR thì tìm nhiễm hiện tại). Xét nghiệm kháng thể tìm xem hệ miễn dịch của một cá nhân có tăng hàm lượng kháng thể chống lại con nCov. (Nếu có thì đó là dấu hiệu cho thấy cá nhân đó đã bị nhiễm trong quá khứ). ‘Quá khứ’ ở đây là vài tuần hay vài tháng trước.
Câu hỏi 8: Nhưng cơ thể chúng ta cũng sản xuất ra kháng thể khi được tiêm vaccine, vậy xét nghiệm kháng thể ở người được tiêm vaccine sẽ cho ra kết quả dương tính?
Đáp: Đúng là hệ miễn dịch của người đã được tiêm vaccine sẽ sản xuất kháng thể chống nCov. Điều này có nghĩa là phương pháp xét nghiệm [kháng thể] khó phân biệt được kháng thể do vaccine kích thích sản xuất và kháng thể do bị nhiễm nCov. Do đó, FDA không khuyến cáo xét nghiệm kháng thể để đánh giá khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine [4-5].
Câu hỏi 9: Nếu phương pháp xét nghiệm kháng thể không nên dùng cho việc đánh giá khả năng miễn dịch, vậy thì nó được sử dụng cho mục tiêu gì?
Đáp: Cho đến nay, xét nghiệm kháng thể được sử dụng cho mục tiêu giám sát (surveillance). Các nhà nghiên cứu thường sử dụng xét nghiệm kháng thể để ước tính bao nhiêu người bị nhiễm trong quá khứ thuộc một cộng đồng. Những thông tin này giúp cho họ mô phỏng quá trình diễn biến của dịch.
Câu hỏi 10: Vậy chốt lại những ai cần phải đi làm xét nghiệm?
Hỏi: Cái này tuỳ thuộc bạn ở đâu. Nếu ở Việt Nam thì khó nói, vì có thể bạn sẽ bị bắt đi làm xét nghiệm, hoặc có khi chỉ là … hên sui. Còn ở Úc hay Mĩ thì xét nghiệm chỉ được chỉ định cho những người sau đây: (a) có triệu chứng covid, như sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác; (b) đã tiếp xúc với người đã được xác nhận là nhiễm covid; và (c) tham gia vào các hoạt động như du lịch hay dự đám tiệc đông người và do đó đặt cá nhân vào nhóm có nguy cơ cao.
Quay lại qui định của Bộ Y tế “người di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ phải xét nghiệm, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày” quả là khó hiểu.
Trước hết là cách phân biệt ‘vùng nguy cơ rất cao’ và ‘vùng có nguy cơ’ như thế nào thì không rõ. Thật ra, bất cứ vùng nào cũng có nguy cơ. Nhưng tôi ngờ rằng cách phân biệt này sa đà vào nghịch lí giữa quần thể và cá nhân. Một cá nhân có thể đến từ quần thể có nguy cơ cao nhưng cá nhân đó có nguy cơ thấp. Vì qui định dựa vào quần thể là vô hình chung gây khó khăn cho đa số người dân.
Xét nghiệm là liên quan đến một cá nhân, và do đó chỉ định xét nghiệm cần phải cá nhân hoá. Chỉ định như trình bày qua câu hỏi 10 trên đây là một cách cá nhân hoá xét nghiệm.
“The U.S. Food and Drug Administration (FDA) is reminding the public and health care providers that results from currently authorized SARS-CoV-2 antibody tests should not be used to evaluate a person’s level of immunity or protection from COVID-19 at any time, and especially after the person received a COVID-19 vaccination.”
Dịch dễ hiểu: FDA nhắc nhở công chúng và những người cung cấp dịch vụ y tế rằng không nên dùng những xét nghiệm kháng thể SARS-Cov-2 để đánh giá mức độ miễn dịch hay mức độ bảo vệ của một cá nhân, đặc biệt là người đó đã được tiêm chủng vaccine.
Hôm nay (5/10/2021) là kỉ niệm 100 năm ngày sanh của Nhạc sĩ Phạm Duy, một ‘đại thụ’ nền âm nhạc Việt Nam. Tôi là người ngưỡng mộ tài năng của ông, và định viết một bài để tưởng nhớ ông. Nhưng thấy bài dưới đây của Nhạc sĩ Tuấn Khanh (tác giả ca khúc ‘Trả Nợ Tình Xa’) viết hay quá, nên rinh về đây để chia sẻ cùng các bạn.
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013)
Phạm Duy giữa chúng ta
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Phạm Duy vẫn ở đâu đó trong cuộc đời này, không chỉ 100 năm này, mà có lẽ còn nhiều trăm năm nữa trong những trái tim thuần khiết yêu nước Việt, đi cùng những giai điệu gần gũi và khoan nhặt của ông.
Nghe nhạc Phạm Duy, đôi lúc tôi nhận ra như nhu cầu của một người Việt. Nó thôi thúc và cồn cào. Thậm chí khi im lặng nghe mà cứ tưởng như mình đang cất tiếng, bởi lời ca đã âm vọng không biết bao điều. Và tôi cũng đã chứng kiến điều như vậy.
Có lần linh mục Đặng San ở Sài Gòn trở bệnh nặng. Ông nằm lặng lẽ trong phòng mình nhiều giờ rồi lặng lẽ nhắn cho một cô bạn của tôi “có thể đến hát cho Cha nghe một bài Phạm Duy không?”. Bác sĩ không cho ông hút thuốc nữa, cũng không cho xem điện thoại nữa. Sự tĩnh lặng và chăm sóc chu đáo thể xác, vẫn không đủ cho phần hồn. Ông nằm nhìn lên trần nhà. Im lặng. Thở mệt nhọc.
Tôi đến cùng cô bạn của mình, mang theo cây guitar. Cha ngồi dậy, vui như trẻ nhỏ. Ông đòi nghe hát ngay. Đàn so dây và bài hát Tôi đang mơ giấc mộng dài vang lên. Những bài hát của Phạm Duy có ma lựci lạ lùng, như nhấn sâu người nghe vào một hồ chứa tâm trạng mênh mông, vẫy vùng tâm hoặc. Hình ảnh của bài hát như bao bọc không gian của mọi người chung quanh. Lần đầu tiên tôi thấy một cụ già tóc bạc, yếu ớt trên xe lăn khi nghe được đôi câu, đã ôm mặt khóc nức nở. Ông khóc như gặp lại người thân, và cố ôm mặt vì sợ tiếng khóc sẽ ngăn mọi người ngừng trình bày bài hát đó.
Chắc cũng nên nói một chút về linh mục Đặng San, để biết ông không phải là một người dễ bị chinh phục bởi mọi loại văn nghệ. Khởi đầu ông là chọn tự mình trở thành tu sĩ Phật Giáo khổ hạnh, bỏ lên núi sống một mình với kinh kệ. Rồi một ngày mưa gió, ông ngã lăn bất tỉnh và được người ta đưa về một nhà dòng Công Giáo gần đó cứu giúp. Sau một thời gian ông được ơn gọi và trở thành linh mục. Những kiến thức uyên bác của cả hai hệ tín ngưỡng đầy ắp trong người, nên khi ông giảng hay viết đều song hành các dẫn chứng của cả hai tôn giáo.
Ấy vậy mà, con người chứa trong mình sâu thẳm những triết giáo khôn ngoan hàng ngàn năm đó, lại bật khóc, và nói “cần gì tìm cao xa nữa, bài hát này cất tiếng, nó đã đẹp như một thánh lễ rồi”. Trong phút giây ấy, tôi chợt nhận ra rằng nếu chúng ta yêu dân tộc này, yêu những khổ đau và nghịch cảnh của quê hương này đã và đang chịu, thì nghe nhạc Phạm Duy mà bật khóc cũng không phải là điều quá lạ lùng.
Có một thời gian dài, tôi cứ ám ảnh về bài Bên cầu biên giới của nhạc sĩ Phạm Duy. Những gì day dứt tự hỏi lòng, ông đều trải ra đủ trên từng nốt nhạc, từng nhịp chất vấn dồn dập của đời người và thời thế. Đời hỏi ông muốn được vinh danh như một kẻ làm chính trị không? Ông đã trả lời bằng cách bước xuống tàu, đi theo con đường của một nghệ sĩ, bất chấp phận mình có thể nổi trôi theo vận nước. Nhiều thập niên sau, ông nhắc lại điều này với tôi trong một lần được hỏi “Tôi thấy mình hạnh phúc là một người hát rong, một người hát rong hạnh phúc”.
Hành trình của những người hát rong trong lịch sử nhân loại, có kẻ mua vui cho bạo chúa, có kẻ sống và chấp nhận rơi đầu để giữ vẹn lời ca về sự thật. Phạm Duy đã làm trọn phần hát rong cao quý của mình, ông hát cho con người và không đem tài năng của mình để phục vụ bạo quyền hay dối trá.
Dòng chảy đau đớn của dân tộc Việt Nam đi đến đâu, vẫn thấy có ông nơi đó kể lại, hát lại. Từ cuộc chia ly 1954 cho đến những ngày dựng đời cùng Bình Ca. Rồi cả khi một lần nữa rời khỏi quê nhà 1975, ông vẫn không dừng ghi lại ký ức với Tỵ nạn ca, Ngục Ca… Và đến cả những tiên đề của đất nước trong Rong Ca về thế kỷ mới.
Năm 2002, ông gửi về tặng tôi quyển Chân Dung Nghệ Sĩ của Trường Kỳ, trong đó có bài về ông. Viết trong thư tay, ông dặn “Không phải cái gì viết trong đây về tôi cũng đúng. Nhưng không đúng cũng là một kỷ niệm. Đời người rồi cái gì cũng thành kỷ niệm”. Đọc đến đó, tôi mỉm cười. Ông lại chơi chữ với tôi rồi, như để nói về chính cuộc đời của ông. Tôi hình dung cái cách rất “Phạm Duy” của ông, cười nhếch mép, nheo mắt, gật gù. Cái cách y như lúc ông về Việt Nam và nói với tôi “Anh có cái kiểu hỏi han khó chơi lắm. Nhưng được đấy!”.
Trước lúc ông mất, tôi có ghé nhà ở quận 11, Sài Gòn, thăm ông. Lúc đó, ông gần như đã cạo trọc, yếu ớt và ngồi trên xe lăn. Thấy tôi cất lời chào, ông khoát tay như bảo “chờ đấy, đừng hỏi” và cho đẩy xe đến trước một cái tivi lớn, phát một cái DVD tự làm slideshow, trình bày chi tiết từ lúc bệnh, đi cấp cứu cho đến về nhà. “Đấy, nhiều người đến hỏi lắm, cho xem thì biết, khỏi mất công trả lời”, ông cười, có vẻ khoái trá vì thấy tôi hơi ngỡ ngàng với sự chuẩn bị của ông. Có người khuyên là ông nên về Mỹ, vì có thể việc chăm sóc y tế sẽ tốt hơn. Ông lại hỏi ngược “rồi được thêm bao lâu nữa?”
Hơn một năm sau, ông mất. Dường như về cuối đời, chọn về Việt Nam, ở lại, và ở lại mãi mãi là ước muốn lớn nhất của đời ông. Một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông nói “Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi”.
Ngay cả đến cái chết, Phạm Duy cũng như câu chuyện kể sống động ở giữa chúng ta, nhắc về những người Việt Nam khốn đốn trước cơ đồ cha ông để lại bị cưa xẻ, bất lực trước những dòng người vơ vét đất mẹ bằng quyền lực chính trị, giàu có và chọn thành công dân và chết ở một quốc gia xa lạ nào đó. Nhưng quê hương, đó là thứ không thể lìa xa với mỗi chúng ta, những người yêu nước Việt.
Phạm Duy không hô hào yêu nước. Nhưng âm nhạc của ông dạy người ta yêu nước. Dạy và thấm sâu ở từng câu chữ, giai điệu. Bất kể tôi, hay một linh mục, hoặc một người bạn trẻ nào đó lắng nghe rồi cũng sẽ tự thấy mình có một duyên lành với đất nước mình. Đó là điều được chia sẻ từ quyền năng của một người hát rong sống trọn vẹn với nghiệp đời. Người hát rong đó vẫn ở giữa chúng ta, trong muôn ngàn lời tha thiết Việt Nam, khắc sâu, thấm sâu hơn cả những bài giáo khoa buộc phải học.
Tôi và có lẽ các bạn đang thắc mắc tại sao có làn sóng công nhân từ Bình Dương và Sài Gòn tìm cách về quê sau ngày tạm gọi là hết phong toả. Đọc báo ‘chánh thống’ thấy khó tin với loại ngôn từ uốn éo và đổ thừa (‘tự phát rời TPHCM’, ‘tự ý về quê gây ùn tắc’). Nhưng người trong cuộc (qua các youtuber) cho thấy họ ra đi là do sự thất bại về chánh sách của chánh phủ.
Mấy ngày qua, có lẽ đa số chúng ta đều thấy cảnh người lao động lũ lượt kéo nhau rởi bỏ Sài Gòn và Bình Dương. Người thì đi bằng xe gắn máy, người đi xe đạp, thậm chí có không ít người đi bộ (vì xe của họ bị giam giữ?) Nhìn cảnh hai vợ chồng đạp xe về Sóc Trăng tôi đã sốc. Nhưng càng khó tưởng tượng nổi trong thế kỉ 21, mà người dân Việt phải lội bộ đến 250 km để về quê (Sóc Trăng, Cần Thơ, Dak Lak, và còn nơi nào nữa). Phải có lí do chánh đáng làm cho người ta ra đi như thế. Người ra đi chắc chắn phải có nỗi lòng.
Nhưng nỗi lòng của họ không được giới báo chí ‘chánh thống’ quan tâm. Các bạn thử mở báo mạng ra xem, sẽ thấy mấy người gọi là ‘nhà báo’ dùng những câu chữ như “Nghìn người tự ý về quê gây ùn tắc” hay “Tự phát rời TP.HCM, cả nghìn người mắc kẹt ở cửa ngõ về miền Tây lúc nửa đêm”. Đọc những bài báo như thế chúng ta không biết nỗi lòng của người dân, mà chỉ thấy kiểu phụ hoạ với nhà cầm quyền để đổ thừa người ra đi. Gọi là ‘fake news’ thì nặng nề quá, nhưng gọi là báo chí phụ hoạ thì có lẽ chính xác hơn. Báo chí kiểu đó thì thà không có không chừng còn hay hơn, và tại sao chúng ta cần những … youtuber.
Thật vậy, hôm qua tôi xem chương trình của một youtuber bên Mĩ, trong đó anh ta trích một đoạn tương đối dài mà ai đó ‘phỏng vấn’ những người dân bị kẹt ở những cái ‘chốt’. Những người đang mòn mỏi chờ ‘thông chốt’ cho biết những lí do tại sao họ phải rời Sài Gòn, Bình Dương. Họ nói rất mộc mạc, chân thành. Tôi gọi đó là những ‘nỗi lòng người đi‘ (mượn chữ của Nhạc sĩ Anh Bằng).
Trong video clip, có một cô gái tuổi chừng 20-30, từng ở chợ Quận 7, bị kẹt từ tháng 4 cho đến nay (tức 5 tháng rồi). Cô cho biết trong thời gian đó, cô không nhận được hỗ trợ bằng tiền gì cả. Thoạt đầu cô còn tin tưởng và chờ đợi, nhưng chờ hoài chẳng thấy gì nên cô đã mất niềm tin vào Nhà nước. Giọng cô ấy nói đều đều, bình tỉnh, đỉnh đạt:
“Dạ, em rất là vui. Em vui nhưng mà em không tin tưởng, em cảm thấy như em bị lừa nhiều rồi. Nhưng mà tụi em khổ quá nên phải về. […] Em nghĩ chính quyền sẽ kiểm soát dịch và sẽ cho người dân về. Nhưng em hết tin tưởng rồi. Tại vì nhiều lần quá, người dân không còn tin tưởng nữa. […] Hồi đợt trợ cấp đó, lâu lâu em có được vài kí gạo. Vậy thôi. Còn tiền thì người ta lại ghi danh sách và người ta nói đợt này đợt này có, nhưng thật ra mấy tháng nay không có […] Người ta muốn về quê. Ai cũng cực khổ như ai thôi. Người ta muốn về quê với gia đình người ta.“
Một phụ nữ cho biết lí do tại sao về quê. “Người ta gài kẽm gai như vậy nè. Mình cảm thấy như sống ở đất nước tự do, độc lập tự do hạnh phúc. Mà tại sao con người với con người như vầy, mà rào như vầy? […] “… trong khi những đợt dịch trước thì người dân từ nước ngoài về, bệnh dịch, thì người ta kêu gọi … ớ là … để rước nguời nước ngoài về, rước con em người ta trở về . Tại sao khi mà bây giờ dịch trong nước của mình đây mà tỉnh lại không rước con em mình về? Vậy là quá bất công với người dân mình.”
Đoạn cô ấy nói về hàng rào kẽm gai chắc sẽ làm cho những người cầm quyền phải suy nghĩ về câu khẩu hiệu ‘độc lập – tự do – hạnh phúc’:
“Người ta gài kẽm gai như vậy nè. Mình cảm thấy như sống ở đất nước tự do, độc lập tự do hạnh phúc. Mà tại sao con người với con người như vầy, mà rào như vầy?”
Rồi cô ấy so sánh với những người lao động từ nước ngoài được đón về trong đợt dịch trước:
“… trong khi những đợt dịch trước thì người dân từ nước ngoài về, bệnh dịch, thì người ta kêu gọi … ớ là … để rước nguời nước ngoài về, rước con em người ta trở về . Tại sao khi mà bây giờ dịch trong nước của mình đây mà tỉnh lại không rước con em mình về? Vậy là quá bất công với người dân mình.”
Quá bất công! Đúng quá.
Một thanh niên khác có vợ con dưới quê cũng mong được về. Anh ta nói:
“Ba tháng nay cũng thất nghiệp, cũng hổng có xoay xở được cuộc sống. Được về với vợ con dưới quê thì rất mừng vui. Bao nhiêu tháng nay cực khổ quá, dầm mưa dãi nắng như vầy. Vợ dưới quê mới sanh, con mới được mấy tháng, không được chăm sóc […] Ở đây việc làm thì ngày có ngày hông, mà dịch thế này thì chưa chắc [sẽ] có việc làm ổn định để mình đủ khả năng nuôi vợ con. Nên muốn về quê, […] mình cũng không phải đóng tiền nhà trọ và bất cứ phí nào khác nữa. Chỉ muốn về quê thôi. Dịch hết thì mình lên Sài Gòn làm tiếp.”
Có người nhận được tiền trợ cấp nhưng chẳng thấm vào đâu. Hai vợ chồng cũng đang chờ về quê cho biết 4 tháng qua chỉ nhận đúng 1.5 triệu, và họ hỏi vậy ‘thì sao sống được.’ Bà vợ nói: “Nhà nước không có hỗ trợ được gì hết trơn. Chỉ ăn rau muống với nước tương.“
Đó là tiếng nói của người trong cuộc.
Đợt dịch này cho chúng ta thấy rất nhiều vấn đề từ quản lí vĩ mô đến vi mô. Ở cấp vĩ mô, giới cầm quyền thoạt đầu lúng túng, đề ra những chánh sách sai lầm, dẫn đến hàng vạn cái chết. Rất có thể nhiều người đã chết oan vì sai lầm. Nhà nước thú nhận sai lầm và xin lỗi, nhưng với người quá cố thì lời xin lỗi đâu có ý nghĩa gì. Còn người sống, thì như cô gái trên nói, đã mất niềm tin vào Nhà nước rồi.
Bốn tháng qua, chúng ta nghe qua những gói hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng, rất ‘hoành tráng’ và nghĩ rằng Nhà nước nói thì phải làm. Nhưng hoá ra không hẳn vậy. Đúng là có người nhận được hỗ trợ, nhưng có vẻ con số đó không nhiều vì còn nhiều người khác không được trợ cấp gì cả. Ngay cả được hỗ trợ, thì như vợ chồng đề cập trên cho biết chỉ 1.5 triệu đồng trong 4 tháng trời thì làm sao sống nổi ở thành phố. Thành ra, lời nói của chánh phủ không đi đôi với việc làm.
Hình 2: Ba cha con đi bộ từ Bình Dương (hay Đồng Nai) về tới Long An. Anh ta đẩy cái xe tự chế và hai đứa con ngồi trên đó. Gia đình anh này may mắn vì được ca sĩ Thái Thuỳ Linh thấy được và giúp đỡ đưa về Thốt Nốt (Cần Thơ). Nhưng còn hàng ngàn người thì vẫn phải đi bộ thôi. Ca sĩ Thái Thuỳ Linh tâm sự rằng cô thấy bất lực, muốn giúp cũng không làm gì được vì có quá nhiều người cần được giúp đỡ. Người ta phải hỏi Nhà nước ở đâu, họ có vai trò gì?
Tôi nghĩ chánh phủ chắc chắn không có ý gạt dân, nhưng họ có thể lúng túng trong việc cung cấp tài trợ (*) đến từng cá nhân (chưa nói đến vấn đề ăn chận đã xảy ra). Nhưng người dân chẳng cần biết sai lầm đến từ đâu (vì đó là vấn đề của chánh phủ); họ chỉ biết đồng tiền hỗ trợ không đến tay họ. Lỗi là ở hệ thống nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Dù nhìn ở góc cạnh nào thì sự ra đi ồ ạt của những người công nhân nghèo trong mấy ngày qua nói lên sự thất bại trong chánh sách của chánh phủ. Thất bại không chỉ chánh sách phong toả, mà còn thất bại trong chánh sách hỗ trợ người nghèo — thành phần mà đáng lí ra phong toả giúp họ. Không thể đổ thừa rằng người ra đi là ‘thiếu ý thức’ (một cụm từ rất xấc xược và trịch thượng) hay ‘tự ý’ (có nghĩa gì?).
Ai cũng muốn sống sót và tồn tại. Nhà nước không làm được gì giúp dân, thì dân phải tự xoay xở. Họ phải ra đi thôi. Ra đi bằng mọi giá. Chẳng còn gì để mất. Về quê với đồng ruộng, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, còn hơn là phải sống lây lất ở thành phố. Họ là những người vô sản thứ thiệt. Còn người vô sản giả hiệu thì đang bàn cách kiểm soát dân: thấp hơn là rào kẽm gai, cao hơn là dùng ‘app’ hay thẻ xanh đỏ. Trận dịch này tô đậm lằn ranh giữa hai giai cấp (vô sản thật và vô sản giả) trong xã hội.
_____
(*) Thật ra, “tài trợ” là không đúng. Đó là tiền do dân đóng thuế, Nhà nước chỉ thay mặt họ quản lí thôi. Vấn đề là Nhà nước quản lí không tốt.
Nói về thành tựu nghiên cứu vaccine chống covid, không thể bỏ qua hai nhà khoa học sáng chế ra vaccine AstraZeneca: Sarah Gilbert và Andrew Pollard. Cả hai đều là giáo sư thuộc Đại học Oxford, Anh. Họ được báo Guardian xem là “Life Savers” (kẻ cứu người). Tôi nghĩ bà Sarah Gilbert rất đáng được giải Nobel.
Gs Sarah Gilbert, người đứngg đằng sau vaccine AstraZeneca
So với Katalin Kariko, bà Sarah Gilbert có một sự nghiệp ‘trôi chảy’ hơn nhiều. Bà Gilbert sanh năm 1962, tức năm nay mới 59 tuổi. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 1986, bà làm nghiên cứu hậu tiến sĩ cho kĩ nghệ sản xuất bia, rồi làm việc cho một công ti sản xuất thuốc. Mãi đến năm 1994 bà quay lại nghiên cứu khoa học và việc đầu tiên là làm phụ tá trong labo nghiên cứu về sốt rét. Năm 1999 (27 tuổi) bà được bổ nhiệm làm giảng viên của ĐH Oxford; năm 2004 được đề bạt chức Reader (tức tương đương với ‘Phó giáo sư’) và năm 2010 (48 tuổi) thì được bổ nhiệm chức Giáo sư thực thụ. Từ đó, bà bắt đầu nghiên cứu vaccine mới cho bệnh cúm mùa với sự hỗ trợ của Quĩ Wellcome Trust.
Theo như bà mô tả, vaccine mới đó có cơ chế rất khác với vaccine ‘truyền thống’. Các vaccine cũ được thiết kế để sản xuất ra kháng thể chống lại virus, còn vaccine mới không sản xuất ra kháng thể mà chỉ kích thích hệ miễn dịch tạo ra tế bào T đặc hiệu cho virus cúm mùa. Thành ra, vaccine mới không cần phải thay đổi hàng năm như vaccine cũ. Vaccine mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào năm 2008 để chống virus cùam mùa H3N2 và thành công. Nhưng lúc đó ít ai chú ý đến thành tựu này.
Dùng kinh nghiệm trên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Gilbert hợp tác với các giáo sư Teresa Lambe, Sandy Douglas, Catherine Green và Adrian Hill để nghiên cứu bào chế vaccine chống covid.
Để tạo ra vaccine chống covid, họ lấy một con virus cúm mùa vốn gây nhiễm các con khỉ, rồi thiết kế lại sao cho nó không thể lây nhiễm cho người. Sau đó, họ chỉnh sửa các chất liệu di truyền của con virus sao cho nó mang chất liệu di truyền giống như con vir Vũ Hán. Họ đưa con virus mới vào tế bào con người. Khi vào tế bào, nó kích thích hệ miễn dịch tấn công vào con virus. Về cơ bản họ giải thích như thế, tức là làm ra con virus Vũ Hán mới nhưng nó không có khả năng lây nhiễm để kích thích hệ miễn dịch.
Sau khi thử nghiệm thành công bước đầu, tập đoàn dược AstraZeneca bắt đầu tham gia sản xuất và thử nghiệm lâm sàng. Khi thử nghiệm lâm sàng, họ cần người có kinh nghiệm và đó là lúc Giáo sư Andrew Pollard liên quan.
Ông Pollard là một bác sĩ nhi khoa nhưng đã làm nhiều công trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (RCT) từ mấy chục năm qua. Ông cũng là giáo sư thuộc Đại học Oxford, nhưng có lẽ cao hơn bà Gilbert một bậc. Theo trang web ĐH Oxford mô tả, ông chủ yếu làm về thử nghiệm lâm sàng (RCT) vaccine ở Anh, Á châu, Phi châu và Châu Mĩ Latin. Ông có một sự nghiệp khoa học dài, đã hướng dẫn cho 37 nghiên cứu sinh tiến sĩ, công bố hơn 500 bài báo khoa học, được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Y học của Anh năm 2016, và được phong tước ‘Sir’.
Tháng 4/2020, thử nghiệm lâm sàng bắt đầu, và đến cuối tháng 11/2020 thì mới có kết quả cho thấy vaccine có hiệu quả cao. Cuối tháng 12/2020 thì các nhà chức trách y tế Anh phê chuẩn cho sử dụng vaccine AZ trong tình trạng khẩn cấp. Đầu tháng 1/2021 thì Anh bắt đầu tiêm chủng cho công dân.
Bây giờ thì chúng ta biết vaccine AZ đã được dùng khắp thế giới, trừ Mĩ. Ở Mĩ, ông Antony Fauci có vẻ không mặn mà với vaccine AZ, vì ông nói Mĩ đã có nhiều công ti sản xuất vaccine cho covi rồi. Còn FDA của Mĩ thì nói AstraZeneca cung cấp dữ liệu chưa đầy đủ để có thể kết luận về hiệu quả của vaccine AZ. Tổng thống Pháp thì nói hiệu quả của vaccine AZ giống như ‘giả’, nhưng sau này thì ông ấy thay đổi ý kiến và nói sẵn sàng chích vaccine AZ.
Nói chung, con đường vaccine AZ đến với thế giới khá là gập ghềnh. Báo chí gây ồn ào những ca đông máu, những trang web đưa thông tin giả về vaccine AZ, và những phát biểu của Fauci và Macron làm cho không ít người trên thế giới nghi ngờ hiệu quả của vaccine AZ. Nhưng thực tế là bài học tốt nhứt, và thực tế đã cho thấy những nước dùng vaccine AZ đã giảm nguy cơ tử vong và giảm nguy cơ nhập viện.
Một điểm cần nhấn mạnh là tập đoàn AstraZeneca đã hứa là không lấy lời từ vaccine AZ trong thời gian đại dịch còn hoành hành. Trong khi vaccine Moderna lấy giá 25-37 USD mỗi liều và Pfizer thì ~20 USD một liều, vaccine AZ chỉ lấy giá 3-5 USD. Điều này cũng có nghĩa là người sáng chế (Sarah Gilbert) không hưởng lợi từ vaccine AZ.
Trước đây, bà Đồ U U (Tàu) được trao giải Nobel y học vì giúp hàng triệu người với bệnh sốt rét trên thế giới. Bà Sarah Gilbert cũng giúp cứu có lẽ hàng triệu người trên thế giới từ đại dịch covid, và do đó tôi nghĩ bà rất xứng đáng được trao giải Nobel.
Thật ra, đối với các bạn đọc trang này thì nó không mới vì tôi đã nói tới nó chừng 2 tháng trước. Đó là thuốc Molnupiravir của công ti Merck. Vài giờ trước Merck công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng với hiệu quả giảm tử vong rất tốt [1].
Đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III (trước khi được phê chuẩn cho sử dụng). Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu sẽ 1850 bệnh nhân, và họ được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên: nhóm được cho uống Molnupiravir và nhóm giả dược. Chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả lâm sàng (outcome) là số ca tử vong hay nhập viện [2].
Vẫn theo kế hoạch nghiên cứu, họ sẽ phân tích dữ liệu khi nào số bệnh nhân đạt trên con số 700, và nếu kết quả phân tích cho thấy thuốc có hiệu quả cao (không còn nghi ngờ) thì thử nghiệm lâm sàng sẽ ngừng. Trong thuật ngữ khoa học, người ta gọi đây là ‘interim analysis’ hay ‘phân tích lâm thời’.
Vậy kết quả phân tích lâm thời ra sao?
Theo thông báo của Merck [1], số bệnh nhân họ phân tích là 775 người. Trong số này, có 385 bệnh nhân trong nhóm Molnupiravir, và sau 1 tháng theo dõi, có 28 người bị nhập viện hay chết (tỉ lệ 7.3%). Trong số 377 bệnh nhân thuộc nhóm chứng, sau 1 tháng theo dõi, có 53 người bị nhập viện hay chết (tỉ lệ 14.0%). Như vậy Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong ~50%. Nói cách khác, cần điều trị 15 người trong một tháng để giảm 1 ca nhập viện hay tử vong.
Thật ra, không có ai trong nhóm Molnupiravir tử vong. Nhưng trong nhóm chứng có 8 người chết. Với kết quả này, chúng ta có thể nói thuốc giảm tử vong gần như 100%.
Molnupiravir (nhóm can thiệp)
Placebo (nhóm chứng)
Xác suất thuốc có hiệu quả giảm nhập viện hay tử vong ít nhứt là 50%1
Số bệnh nhân
385
377
Số ca người nhập viện; n (%)
28 (7.3%)
53 (14.0%)
0.420
Số bệnh nhân tử vong; n (%)
0
8 (2.1%)
0.975
1Ước tính theo phương pháp Bayes
Còn về an toàn?
Vẫn theo thông báo của Merck, số bệnh nhân báo cáo có biến chứng sau khi dùng Molnupiravir là 35%, thấp hơn nhóm chứng (40%). Số bệnh nhân với biến chứng được xem là có liên quan đến thuốc là 12% trong nhóm Molnupiravir và 11% trong nhóm chứng.
Câu hỏi đặt ra là có nên ngưng thử nghiệm? Hội đồng theo dõi dữ liệu (Data Monitoring Committee) xem qua dữ liệu đã đi đến đề nghị ngưng thử nghiệm vì kết quả quá rõ ràng. Tính đến nay, số bệnh nhân ghi danh đã đạt gần 90% con số dự trù (1850).
Nhận xét
Câu hỏi mà chúng ta đặt ra là: xác suất thuốc Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hoặc/và tử vong là bao nhiêu? Câu hỏi này không thể trả lời bằng phương pháp truyền thống, nên chúng ta phải sử dụng phương pháp Bayes.
Phương pháp Bayes cần phải có thông tin tiền định (prior distribution). Chúng ta bắt đầu bằng giả định rằng thuốc không có hiệu quả (tức 2 nhóm có xác suất outcome như nhau), và sẽ mô tả giả định này bằng luật phân bố beta với tham số alpha = beta = 1. Sau đó, dùng số ca quan sát được (tuân theo luật phân bố nhị phân) tích hợp với thông tin tiền định sẽ cho ra thông tin hậu định. Thuật ngữ trong ngành gọi là mô hình Beta-Binomial. Từ đó, chúng ta có thể ước tính xác suất thuốc có hiệu quả là bao nhiêu.
Chúng ta định nghĩa ‘hiệu quả‘ ở đây là giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong từ 50% trở lên. Do đó, chúng ta sẽ dùng phân bố hậu định để ước tính xác suất Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong ít nhứt là 50%.
Kết quả tính toán được trình bày trong cột 4 của bảng số liệu. Dựa vào kết quả này, xác suất Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện là 42%. Nhưng xác suất có hiệu quả giảm tử vong lên đến 97.5%.
Tóm lại, những kết quả trên đây cho thấy Molnupiravir quả thật có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện, nhưng mức độ còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chứng cớ về giảm tử vong thì khá thuyết phục.