‘College’ trong Đại học Oxford dịch là gì?

Một anh phóng viên hỏi tôi chữ ‘college’ ở ĐH Oxford có nghĩa là gì. Đây là câu hỏi không dễ trả lời vì hệ thống tổ chức và giảng dạy của Oxford rất khác với đại học bên Úc. Tuy nhiên, hồi còn làm việc ở Anh tôi có la cà đến Oxford (vì có bạn bè ở đó) và tìm hiểu nên cũng biết chút chút. Tôi nghĩ nên dịch college ở đây là Học Xá.

May be an image of tree, brick wall and outdoors

Có lẽ nhiều bạn đã biết rằng một tỉ phú Việt Nam đã tài trợ 211 triệu USD cho Linacre College thuộc Đại học Oxford. Theo Dailymail.co.uk thì Linacre College sẽ được đổi tên thành ‘Thao College’ [1] để vinh danh nhà mạnh thường quân.

Thế là báo chí Việt Nam ồn ào nên gọi ‘Thao College’ là gì? Một số người nói chữ ‘college’ ở đây có nghĩa là ‘Đại học’. Một số người khác thì cho rằng đó chỉ là ‘Cao đẳng’. Còn báo Thanh Niên thì cho rằng college ở đây “thực tế không phải là ‘trường đào tạo’, mà là ‘trường nội trú’.” [2] Tôi nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng ‘college’ ở đây không hẳn là một đại học đúng nghĩa, chắc chắn không phải là cao đẳng, và không chỉ là một trường nội trú.

Để hiểu chữ college ở Oxford, cần phải điểm qua lịch sử của Đại học này. Wiki cho biết Oxford được thành lập từ năm 1096, tức hơn sau Văn Miếu ta 26 năm. Trong những năm sau đó, Đại học Oxford sáp nhập 39 college thành một viện gọi là ‘University of Oxford’. Mỗi college là một đơn vị tự chủ, hiểu theo nghĩa có hội đồng quản trị, hiệu trưởng (principal), fellows, giảng viên / giáo sư, và tài chánh. Một số college chỉ nhận sinh viên sau đại học, nhưng đa số college nhận sinh viên cấp cử nhân và sau cử nhân.

Tại sao Oxford cần những college như thế? Tại vì đó là mô hình giảng dạy mang tính di sản lịch sử để lại từ thế kỉ 13. Theo mô hình này, các sinh viên ghi danh Oxford sẽ dự giờ giảng, làm thí nghiệm, và đi thi ở trung tâm Đại học. Nhưng sau bài giảng, sinh viên cần được ‘tutor’ (giống như hướng dẫn làm bài tập) và dự lớp ở các college. Các college còn là nơi mà các sinh hoạt học thuật như seminar, workshop, debate (tranh luận) diễn ra. Nói cách khác, đại học là nơi diễn giảng, còn college là nơi ‘trợ giảng’ và sinh hoạt học thuật sau bài giảng. Môi trường của college do đó thân thiện và ‘ấm’ hơn môi trường đại học.

Hiểu như thực tế trên thì sẽ thấy các college ở Oxford không chỉ là ‘trường nội trú’. Đúng là có sinh viên nội trú, nhưng số này chỉ chiếm chừng 50% tổng số sinh viên Oxford.

Vậy thì chúng ta nên dịch / hiểu college của Oxford là gì? Bởi vì đó là những nơi có giảng dạy dưới dạng tutorial và sinh hoạt học thuật, nhưng cũng có khi là nơi cho sinh viên ở nội trú, nên tôi nghĩ nên dịch college là ‘Học Xá’. Học Xá là trường học, mà cũng là nơi tu khoá nghiệp và cũng là nơi ở. Do đó, tôi nghĩ ‘Thao College’ nên dịch là ‘Phương Thảo Học Xá‘.  

_______

[1] https://www.dailymail.co.uk/news/article-10158591/Oxfords-Linacre-college-named-airline-billionairess-company-handed-155m.html

[2] https://thanhnien.vn/linacre-college-muon-doi-ten-theo-ti-phu-nguyen-thi-phuong-thao-that-su-la-truong-gi-post1397320.html

[3] Khó dịch chữ ‘college‘, vì mỗi nơi có nghĩa khác nhau. Ở Úc, college có thể là trường cao đẳng dạy nghề, có thể là trường trung học nội trú, có thể là hội đoàn y khoa, mà cũng có thể là phân khoa (như faculty) của một đại học. Không biết bối cảnh của chữ trong hệ thống địa phương thì không thể nào hiểu hết ý nghĩa của nó.

Còn college như ở Anh thì lại do lịch sử để lại. Ví dụ như UCL (University College London) và Imperial College là cái tên do lịch sử để lại, nên không thể dịch là Cao Đẳng được, mà thực chất là đại học. Tương tự, London School of Economics, dù chỉ là ‘School’ nhưng thực chất là một đại học. Thật ra, danh xưng không quan trọng bằng thương hiệu. UCL, Imperial, LSE, v.v. là thương hiệu.

One thought on “‘College’ trong Đại học Oxford dịch là gì?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s