Nhân ngày 20/11, hồi tưởng một thời sôi nổi

Mặc dầu không mặn mà gì với ngày gọi là ‘Ngày Nhà Giáo Việt Nam’ [1] nhưng nhận được nhiều lời chúc mừng của các bạn thì tôi cảm thấy mình cũng nên có đôi lời cảm tạ và suy tư.

Kỉ niệm thời học trò

Chẳng hiểu từ thuở nào mà tôi rất mê cái hình ảnh của người thầy. Có lẽ là từ năm Đệ Ngũ hay Đệ Tứ. Hồi đó, hình ảnh của vài người thầy còn ghi đậm trong kí ức của tôi cho đến ngày nay. Đầu tiên là thầy hiệu trưởng, ui chao, sao mà sang thế. Thầy lái xe Vespa, lúc nào cũng áo trong quần, tóc tai chỉnh chu, đeo kiếng đen trông không ngầu mà nghiêm trang. Tôi sợ thầy hiệu trưởng lắm, vì thầy hay đi vòng vòng kiểm tra đồng phục ngẫu nhiên. Nếu không may ăn mặc lôi thôi là bị một bài morale ngay!

Nhưng tôi lại rất mê thầy Tư dạy văn chương. Tôi không sợ thầy Tư, mà ngưỡng phục thầy lắm lắm.  Trời ơi, thầy là tấm gương của tôi về viết văn, là người gieo cảm hứng say mê văn học Việt Nam. Cũng như các thầy khác, thầy Tư lúc nào cũng áo trong quần, nhưng đeo kiếng trắng. Thời đó, thầy cũng mới tốt nghiệp đại học sư phạm thôi (tức là còn khá trẻ), nhưng chẳng hiểu sao thầy quá ư là thông thái. Thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. thầy đọc cứ như là lấy chữ từ trong đầu ra! Tôi mê nhứt là cách thầy bình thơ, giải thích những điển tích kim cổ để bọn học trò tôi hiểu hơn về cái đẹp của văn học Việt Nam. Sau này tôi mới biết thầy bình thơ ‘có định hướng’ vì thầy yêu cô Hương.

Cô Hương dạy toán. Lúc đó cô Hương cũng chỉ mới tốt nghiệp trường sư phạm, nên chắc chỉ ở tuổi 20s thôi. Cô là tượg trưng cho câu “mặt hoa da phấn”, vì có làn da tiêu biểu của người Á đông, và theo cái nhìn của đám học trò tôi, cô là hoa khôi của trường. Nhìn cô là biết ngay người sang trọng, quí phái. Cô đi xe Honda Dame, lúc nào cũng áo dài thướt tha, và mang kiếng đen có gọng lớn (chắc là che nắng). Cô có giọng Bắc thật dễ nghe (mà sau này mới biết là giọng Hà Nội). Cô rất nghiêm, nhưng có đứa học trò thì nói là ‘hung dữ’. Thật ra, học trò học khá thì không sợ cô đâu, nhưng đứa nào học toán dở thì rất sợ cô ấy vì cô có cách phạt là kêu lên bảng đen chứng minh! Chứng minh không được thì xấu hổ trước lớp.

Sau này, thầy Tư và cô Hương thành vợ chồng. Nhưng sau 1975, một thời gian dài vắng bóng tôi gặp lại thì hai người than là đã … mất dạy. Nhà nước mới, vì lí do nào đó, không cho hai người dạy học nữa. Cô Hương thì bán thuốc lá trước nhà, còn thầy Tư thì làm nghề xe ôm kiếm sống qua ngày. Nhìn hai người thầy cô mình trân quí ngày nào nay chỉ là những người cùng khổ làm tôi đau quặn, và càng biết rằng tương lai mình không phải ở đất nước này.

“Professor” mà không giảng dạy

Rồi dòng đời đưa đẩy, tôi trở thành ‘boat people’ và ‘refugee’ trên xứ người. Và, cũng trở thành người dạy học. Lúc mới qua Úc, tôi mở lớp cuối tuần, thoạt đầu là dạy học cho con cháu bạn bè để chúng thi tốt nghiệp trung học. Tôi nghĩ mình có năng khiếu dạy học (dù chưa một ngày qua trường lớp sư phạm), có thể giải thích những khái niệm trừu tượng như tích phân, đạo hàm cho bọn trẻ, nên chúng nó rất thích. Có nhiều em mới vào chỉ học toán loại “2 Unit” nhưng qua vài năm chúng học toán “4 Unit” tức cao nhứt ở đây. Tiếng lành đồn xa, và thế là lớp học cứ lớn dần, lên đến hàng trăm học trò. Tôi phải thương lượng mướn phòng ở một trường tiểu học gần nhà. Trường thấy tôi dạy gần như miễn phí nên trường chỉ lấy phí tượng trưng. Tôi dạy như thế cả 6 năm trời, và tính ra có cả 400 học sinh đã tốt nghiệp và lên đại học.

Đó là quãng thời gian tôi tự hào nhứt vì giúp cho nhiều con em chúng ta thành tài trong thời gian khó khăn nhứt. Sau này, có khi đi xe điện có nhiều đứa bảnh trai đẹp gái đến chào tôi mới biết là chúng từng là học trò tôi. Lại có những đứa học trong trường y và lại tôi ở đó! Đúng là một vòng tròn.

Ở đại học, tôi mang danh là ‘professor’ nhưng tôi không có đứng lớp. Ở các đại học Úc người ta phân biệt 3 loại giáo sư: giảng dạy, nghiên cứu, và phục vụ / quản lí. Loại giáo sư giảng dạy thì họ đứng lớp giảng, nhưng họ có trợ giảng giải thích thêm và chấm điểm. Còn loại giáo sư nghiên cứu thì chỉ làm nghiên cứu, nói chuyện seminar, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Rồi có loại giáo sư chẳng dạy cũng chẳng nghiên cứu, nhưng ‘làm cha’ người ta — đó là loại giáo sư phục vụ. Nói là ‘phục vụ’ (service) nhưng thật ra họ là sếp 2 nhóm giáo sư kia. Thành ra, ở Úc có những người dù mang danh là ‘professor’ nhưng họ không hề dạy học theo nghĩa truyền thống, trong đó có tôi.

Nhưng tôi thích dạy học lắm. Tại sao tôi thích dạy học? Tại vì tôi nghĩ rằng dạy học là một hình thức học hỏi hay nhứt. Đúng vậy. Nếu các bạn muốn học cái gì cho sâu và học từ gốc thì các bạn nên dạy học. Công việc dạy học bắt buộc bạn phải làm nghiên cứu, phải đọc nhiều, phải trải nghiệm, để làm cho bài giảng thực tế hơn và sống động hơn.

Thành ra, dù không có nhiệm vụ giảng dạy, nhưng tôi tình nguyện giảng 1-2 môn học cho sinh viên sau đại học. Mà, hình như tôi cũng có năng khiếu hay sao đó, nên các môn học tôi dạy đều được sinh viên thích lắm. Thích đến độ tôi chán không muốn dạy một môn hoài, nhưng ban tổ chức nài nỉ rằng “bọn sinh viên chúng khoái anh lắm, anh làm ơn dạy thêm 1 năm nữa đi.” Sao mà từ chối được lời nói của một giáo sư phụ trách giảng dạy đó.

Cơ duyên Việt Nam từ … Thái Lan

Nhưng tôi thích nhứt là đứng lớp ở Việt Nam. Tại sao? Tại vì mình có dịp chia sẻ những suy tư và tâm tình với thế hệ trẻ hơn mình. Tôi bắt đầu giảng ở Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1990s. Lúc đó, nhân một lần tôi nói chuyện trong một hội nghị loãng xương ở Thái Lan, và có người mời về Việt Nam nói chuyện về chủ đề đó. Lúc đó tôi ngán về Việt Nam lắm, vì chẳng biết người ta ‘mở cửa’ ra sao, hay là người ta vẫn xem mình theo quan điểm của ông Phạm Văn Đồng. Nhưng cuối cùng thì cũng về. Và, lần ra mắt đầu tiên ở Khách sạn Windsor được xem là thành công vang dội. Số người đến nghe nhiều hơn dự kiến, và người nghe điện thoại cho bạn bè khác đến nghe, đến nổi phải thêm ghế ngoài sảnh. Đó là cách nói của ban tổ chức, chớ tôi không biết đâu.

Đây là một lớp học ở ĐHYDTPHCM (năm 2006). Nhiều bạn trong hình này đã nghỉ hưu, còn tôi thì vẫn … chiến đấu.

Rồi tình cờ tôi đi mua sách ở một tiệm sách, và gặp chị Thy Khuê. Chị ấy biết tôi qua báo chí và các nghiên cứu của tôi trong y văn. Chị ấy mời tôi làm những lớp học mang tính phương pháp cho các bác sĩ trong Nam. Không ngờ lần gặp đó lại mở đầu cho hàng trăm khoá học (workshop) trong những năm sau đó. Rồi, các bạn miền Bắc nghe tiếng và cũng mời mọc và thế là làm quen. Mỗi năm có khi tôi giảng cho cả 4 lớp học trung hạn (1-2 tuần) và cả chục lớp học ngắn hạn (1-2 ngày). Tôi giảng từ Bắc chí Nam. Tôi đi từ Hà Nội, lên Thái Nguyên, xuống Ninh Bình, qua Hải Phòng; tôi đi vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên; tôi về Sài Gòn, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, v.v.  Có thể nói là đi rất nhiều nơi và làm quen chừng 2000 bạn trong những khoá học đó.

Không chỉ hàng trăm khoá học, mà còn có dịp tham gia cùng chị tổ chức hội nghị lớn như AFES ở Sài Gòn. Ui chao, nói đến hội nghị AFES làm tôi nhớ lại những chuyến bay liên tục từ Sydney, Singapore, Việt Nam. Hai tháng trước, khi tổ chức hội nghị AFOS ở Singapore, nhà tổ chức thấy tên tôi và nhắc rằng chị ấy từng làm việc với tôi trong hội nghị AFES ở Sài Gòn! Rồi hội nghị Strong Bone Asia (2 lần) cũng là những lần làm tôi thấy toại nguyện. Hội nghị Strong Bone Asia lần đầu làm tôi toát mồ hôi và xuống cân vì sợ lỗ. Không ngờ hội nghị đó thành công vang dội mà cho đến nay PGs Lê Anh Thư chắc còn nhớ.

Đây là một lớp học ở ĐHTĐT. Mỗi khoá học như thế thu hút chừng 150-200 bạn từ mọi miền đất nước.

Hai năm nay tôi không đi nước ngoài được, nên cũng nhớ những lớp học ở Việt Nam lắm lắm. Thật ra thì tôi có về Việt Nam, nhưng chỉ qua … zoom. Chỉ trong năm nay, tôi đã giảng cho 4 khoá học khác nhau ở Hà Nội và Sài Gòn. Tuần tới sẽ còn một lớp học 4 bài giảng ở Bạch Mai. Tháng 12 sẽ còn 2 đợt giảng ở Cần Thơ và Tiền Giang. Nói gì thì nói, dù giảng qua zoom có hàng trăm hay hàng ngàn người tham dự vẫn không thể thay thế lớp học ngoài đời, nới mà chúng ta dịp nhìn nhau và bắt tay cũng đủ ‘để quên đời’.

Có những lớp học làm tôi nhớ mãi vì tấm thịnh tình của các bạn học viên. Nhớ có một lớp học ở ĐH Tôn Đức Thắng, tôi chú ý một học viên hơi cao tuổi không làm trong ngành y, và tôi tự hỏi sao anh ấy vào đây học. Thoạt đầu tôi nghi là anh ấy theo dõi những người ‘yếu tố nước ngoài’ như tôi thôi. Nhưng tôi nghĩ bậy. Anh ấy nói trước lớp học rằng anh ấy ghi danh theo học (hình như là cùng con gái) không phải để học về dịch tễ học hay gì gì đâu, mà là để nghe tôi kể chuyện xưa và nay, và tâm tình sự đời. Đúng là trong mỗi bài giảng, tôi đều có vài câu chuyện đời để kể, mà không ngờ những câu chuyện đó thu hút được những người như anh ấy. Một lớp khác, cũng gặp một ông cụ khác cũng cùng tâm tư thế hệ.

Tôi còn có một cơ duyên khác là hướng dẫn cho vài nghiên cứu sinh ở trong nước. Có những nghiên cứu sinh tôi hướng dẫn nhưng nhà trường không công nhận (vì không chánh thức), nhưng cũng có nghiên cứu sinh tôi hướng dẫn được công nhận chánh thức. Tôi thì thú thiệt không mấy quan tâm mình có được công nhận hay không, tôi chỉ quan tâm làm sao giúp cho các bạn ấy học hành đúng và tốt thôi. Và, tôi nghĩ mình đã làm được việc đó. Thành ra, khi tôi góp ý về đào tạo tiến sĩ này nọ, có bạn hằn học hỏi “Giỏi thì ông hướng dẫn sinh viên trong nước xem” có vẻ quá thừa.

Viết đến đây mà không có lời với các bạn trong các hội thì là một thiếu sót. Nhân dịp này, tôi cám ơn các đồng nghiệp trong Hội Loãng Xương, Hội Y học TPHCM, Hội Nội Tiết đã tin tưởng tôi và cho tôi cơ hội làm việc với các bạn. Tôi cảm ơn các hội đã tặng huy chương, bằng khen này nọ, đó là những kỉ niệm đẹp đối với tôi. Tôi cũng cảm ơn các đại học như Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Tôn Đức Thắng đã trao cho tôi những chức danh danh dự. Đối với tôi đó cũng là những phần thưởng mà tôi không thể nào quên.

Tính từ đó đến nay, tôi nghĩ mình đã giúp cho hơn 2000 bạn và đồng nghiệp từ mọi miền đất nước. Tôi có cơ duyên không phải chỉ trong ngành y, mà còn làm quen với nhiều bạn trong các đại học kinh tế, ngân hàng, khoa học xã hội & nhân văn, thậm chí luật. Tôi biết nhiều bạn học viên đã là tiến sĩ và giáo sư. Tôi cũng biết nhiều bạn học viên đã đi du học và định cư ở nước ngoài. Thành ra, mỗi năm cứ đến ngày này là tôi nhận được rất nhiều thiệp và thư chúc mừng. Tôi đành phải mượn cái note này để nói lời cảm ơn đến tất cả các bạn, những người mà tôi rất hân hạnh góp một phần nhỏ vào việc học và nghiên cứu của các bạn.

PS: Tôi cũng cám ơn các bạn trong các công ti dược (xin không nhắc tên) đã tài trợ cho những khoá học trong hơn 20 năm qua. Không có các bạn thì các khoá học khó diễn ra.

___________________

[1] Theo sách sử thì năm 1949, tại Warszawa diễn ra một hội nghị của Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục trong khối cộng sản ra bản “Hiến chương các nhà giáo”. Bản hiến chương đó có nội dung đấu tranh chống nền giáo dục tư sản và xây dựng nền giáo dục XHCN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà giáo XHCN. Năm 1957, cũng tại Warszawa, một hội nghị khác triển khai hiến chương đó, và họ đề nghị từ năm 1958 trở đi, khối XHCN sẽ lấy ngày 20/11 làm ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Việt Nam ở ngoài Bắc trước 1975 và toàn quốc từ 1982 cũng lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Như thấy, ngày 20/11 chẳng có dính dáng gì đến nhà giáo Việt Nam cả.

Theo tôi thì Việt Nam nên lấy ngày 25/8 làm Ngày Nhà Gíao Việt Nam. Đó là ngày sanh của nhà giáo nổi tiếng Chu Văn An (25/8/1292). Chu Văn An không chỉ một nhà giáo số 1 trong lịch sử kim cổ Việt Nam, mà còn là một nhà giáo chánh trực, một bậc sĩ phu đáng kính. Khi thấy cảnh đất nước suy thoái, các quan chức lộng hành làm những điều vô đạo, ông dâng sớ đề nghị xử trảm 7 tên gian thần. Tuy nhiên, vua không chịu nghe lời khuyên của ông. Biết mình không còn được tin dùng, ông lui về Chí Linh, Hải Dương sống ẩn và dạy học, lấy danh là “Tiều Ẩn”. Ở đây, ông lại mở trường dạy học và có công đào tạo cho hàng ngàn học trò, trong đó có một nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Duệ. Sự nghiệp giáo dục của ông sáng chói và là tấm gương cho hậu thế. Ông qua đời vào tháng 11/1370, thọ 78 tuổi.

Trong bối cảnh mà học sinh ngày nay xao lãng các danh nhân Việt Nam và chạy theo hình tượng danh nhân nước ngoài như Tàu, Anh, Mĩ, thì hình tượng Chu Văn An rất cần thiết. Trước tình hình nền giáo dục ngày nay cần cải cách, ngày 25/8 nhắc nhở nhà giáo Việt Nam nên noi gương Chu Văn An trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục đóng góp vào việc trừ diệt những kẻ vô đạo báo dân hại nước.

One thought on “Nhân ngày 20/11, hồi tưởng một thời sôi nổi

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s