‘Bình an dưới thế cho người thiện tâm’

Nhân dịp Noel / Chúa Giáng Sinh 2021, tôi mến chúc các bạn một mùa Noel tràn trề hạnh phúc và an bình.

Hồi còn nhỏ ở miệt quê tôi rất mê cái không khí ngày lễ Giáng Sinh. Nhà nào cũng trang trí hang đá Giáng Sinh màu mè sặc sỡ. Đèn hoa rực rỡ hai bên đường làng dẫn tới nhà thờ. Nam thanh nữ tú dập dìu y như mô tả trong Kiều. Tiếng nhạc rộn ràng hoà cùng chuông nhà thờ. Tất cả tạo nên một không khí an bình trong thời thập niên 1960-1970 mà Lam Phương viết “Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát / Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời”. Tôi đặc biệt rất ấn tượng với cái băng rôn treo trước cửa rất nhiều nhà:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Trời! Ai mà sáng tác hai câu đối hoàn chỉnh từ ý tới lời như thế. Sau này lên thành học tôi mới biết câu này thực ra là dịch từ kinh thánh tiếng Latin [1].

May be an image of tree and text

Dịch hay quá! Vinh danh vs Bình an. Thiên chúa vs Người thiện tâm. Trên trời vs Dưới thế. Phải nói đó là một thông điệp rất hay của ngày Giáng Sinh mà có khi thời nay ít ai để ý.

Thích nhứt là chữ “Người thiện tâm”. Dù không đề cập tới, nhưng ai cũng hiểu rằng ‘thiện’ là cách nói tắt của ‘Chân Thiện Mĩ’. Người thiện tâm là người có đạo đức, có lí tưởng, sống để phụng sự đời và xã hội. Những ồn ào gần đây về “lễ” và “văn” càng làm cho cái thông điệp ‘thiện tâm’ rất thời sự tính.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất định tại một thời điểm nguy hiểm. Đại dịch vẫn còn đang tiếp diễn và không ai đoán được bao giờ thì chấm dứt. Những biện pháp khắt khe có vẻ chẳng có hiệu quả gì đáng kể. Hiệu quả thì chưa thấy rõ, nhưng hậu quả thì trước mắt. Dịch đã cướp đi gần 6 triệu sanh mạng trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, đã có hơn 30 ngàn người mất vì dịch, và con số vẫn còn gia tăng. Có thể nói VN đã qua một năm tang tóc.

Một trong những mất mát trong mùa dịch này là chúng ta mất tự do. Chưa bao giờ trong 40 năm qua tôi thấy mình mất tự do như 2 năm qua. Chưa bao giờ tôi thấy vài chánh phủ lộ diện cái độc đoán và có khi ác ôn của họ như trong mùa dịch. Có nhiều bạn tôi tự hỏi ‘chẳng lẽ mình đi tìm tự do để rồi đánh mất tự do’? Phải một lần mất tự do mới biết trân quí tự do.

Trận dịch này còn làm lộ những gì xấu xa nhứt của con người. Nỗi sợ con virus làm cho chúng ta có những hành động và hành vi phi lí, thậm chí phi nhân tính. Hậu quả là người ta đối xử với tha nhân như là kẻ thù, là kẻ xấu, kẻ gieo mầm bệnh mà không hiểu rằng tất cả chúng ta chung một chuyến tàu. Nỗi sợ còn biến nhiều người thành những cảnh sát đạo đức (moral police). Những viên cảnh sát tự bổ nhiệm này sẵn sàng hành hạ, thậm chí tra tấn tinh thần và thể xác của tha nhân. Họ tự biến họ thành những kẻ bất thiện tâm.

Nhưng dịch cũng cho chúng ta thấy cái thiện nhứt của con người. Chúng ta đã thấy ở Sài Gòn, các nhóm y bác sĩ tự tổ chức thành các nhóm thiện nguyện giúp bệnh nhân. Mặc dù Nhà nước chẳng ghi nhận công lao của họ, nhưng họ vẫn miệt mài âm thầm làm việc. Một trong những hành động đẹp nhứt là người sáng chế ra vaccine AstraZeneca mà cô hoa hậu Thuỳ Tiên đã nói đến trong lúc cô ấy đăng quang. Cái dấu hiệu cô ấy thể hiện cũng là một hành vi đẹp trong mùa dịch vậy.

Trang web này có hàng ngàn bạn theo dõi và đọc, và tôi tin rằng các bạn đều là người thiện tâm. Năm 2021 sắp kết thúc, và đây là dịp để chúng ta ôn chuyện đời trong năm. Chuyện đời thì lúc nào cũng có đủ cung điệu vui buồn. Trong năm qua tôi đã có dịp chia sẻ 365 chuyện buồn vui cùng các bạn. Tôi hay nhủ lòng mình là hãy quên đi chuyện buồn và lạc quan nhìn về tương lai.

Mến chúc mỗi và tất cả các bạn một mùa Giáng Sinh bình an và hạnh phúc như lời kinh thánh [1].

———

[1] Nguyên văn tiếng Latin: “Glória in excélsis Deo, et in terra pax homínibus bonæ voluntátis

Hồi xưa tôi cũng thán phục Khái Hưng khi ông dịch bài Un Secret của Félix Arvers. Thơ dịch mà đọc cứ như là thơ sáng tác:

“Lòng ta chôn một khối tình,

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,

Mà người gieo thảm như hầu không hay.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s