Giới thiệu sách “Lời vàng ý ngọc”

Mấy hôm trước tôi nhận được thư [1] của một bạn đọc kí tên là “C.T” đề nghị giới thiệu cuốn sách “Lời vàng ý ngọc của lãnh đạo Việt Nam”. Tôi thấy cuốn sách có thể xem là một tài liệu tham khảo, nên nhân dịp cuối tuần, xin giới thiệu đến các bạn.

Cuốn sách thật ra là một tập hợp những phát biểu của các lãnh đạo trong đảng, Quốc hội và Chánh phủ Việt Nam hiện nay. Đa số những phát biểu trong thời gian chừng 10 năm trở lại đây. Tác giả tỏ ra rất ‘ưu thời mẫn thế’ khi cập nhựt cả những câu phát biểu trong mùa đại dịch covid, như câu nói nổi tiếng “Đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch” (Lê Minh Tấn). Có những câu nói giúp phấn khích tinh thần như “Thành Phố Thủ Đức sẽ là trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế” (Nguyễn Thiện Nhân). Do đó, tôi xem đây là một nguồn tài liệu tham khảo rất có ích cho giới báo chí và công chúng.

Sách được soạn RẤT công phu và chuyên nghiệp. Công phu ở chỗ tác giả sưu tầm từng câu phát biểu, người phát biểu, và bối cảnh ra đời của câu phát biểu, tức là trích dẫn đúng văn cảnh. Phần những câu phát biểu chỉ chừng 32 trang, nhưng phần chú giải dài đến 518 trang! Điều đó cho thấy tác giả đã cất công sưu tầm rất chuyên cần. Tính Chuyên nghiệp ở chỗ tác giả có hẳn một ‘index’ để người đọc có thể tra cứu dễ dàng, một khía cạnh mà đa số sách Việt Nam không có. Chẳng hạn như muốn tìm phát biểu của một vị nào thì chỉ cần vào phần “Danh sách lãnh đạo” là có ngay, hay muốn biết câu phát biểu có chữ “Đường Tăng” thì vào phần “Ghi chú” là tìm được ngay. Tính công phu và chuyên nghiệp nói lên sự nghiêm cẩn của tác giả đối với người đọc.

Tôi không biết tác giả là ai, vì chỉ kí tên là “C.T”. Trong phần Lời Tựa, tác giả giải thích rằng bút danh đó “có thể mang nghĩa ‘của tôi’ đối với các bậc tiền bối. Nó có thể là chữ viết tắt ‘của tui’ với bạn bè, ‘của tớ’ đối với đồng nghiệp, ‘của ta’ với lớp hậu sinh, hoặc ‘của tao’ đối với các con cháu trong nhà. Dù là gì đi nữa, nó cũng chỉ là một cái bút danh vô nghĩa.” Có thể bút danh là vô nghĩa, nhưng công trình sưu tập của tác giả thì rất có ý nghĩa.  Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc xa gần những “Lời vàng ý ngọc” của tác giả C.T.

______

Các bạn có thể download cuốn sách bằng cách click vào đường link này hay:

[1] Nguyên văn lá thư ngày 1/12/2021 của tác giả C.T:

Thưa anh Tuấn,

Tôi có tổng hợp lời phát biểu của lãnh đạo Việt Nam thành cuốn sách có tựa là “Lời vàng ý ngọc của lãnh đạo Việt Nam” và mong muốn đưa đến cho người đọc hoàn toàn miễn phí.

Tôi xin mạn phép đề nghị anh quảng bá cuốn sách trên trang web của anh vì trang nguyenvantuan.info có lượng độc giả rất lớn nên tôi hy vọng cuốn sách sẽ đến tay nhiều người. Tôi xin lỗi đã gửi đến email này vì trang nguyenvantuan.info không có địa chỉ email liên lạc và contact form không cho phép gửi kèm file.

Chân thành cám ơn anh.” 

“Liên quan” và “Liên hệ nhân quả”

Bộ Y tế viết cái tít khẳng định: “Hai trẻ tử vong sau tiêm không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng” [1]. Các bạn có thấy thuyết phục không? Tôi thì không. Trong cái note này tôi sẽ giải thích theo phương pháp kiểm định giả thuyết — test of hypothesis.

Kiểm định giả thuyết

Xin nhắc lại qui trình kiểm định giả thuyết để các bạn nhớ. Để kiểm định giả thuyết về một mối liên quan giữa A và B (ví dụ như A là vaccine, B là tử vong từ sốc phản vệ), chúng ta phải làm theo 4 bước:

Bước 1: Phát biểu giả thuyết vô hiệu (H0). Chúng ta bắt đầu bằng giả thuyết rằng không có mối liên quan giữa tiêm vaccine và tử vong do sốc phản vệ;

Bước 2: Thu thập dữ liệu. Chúng ta biết rằng Việt Nam đã tiêm 3,512,874 liều vaccine cho trẻ 12-17 tuổi. Và, đã ghi nhận 2 ca tử vong do sốc phản vệ. Đó là dữ liệu thực tế.

Bước 3: Tính trị số P, tức xác suất dữ liệu xảy ra nếu H0 là đúng. Nếu giả thuyết vô hiệu là đúng (không có mối liên quan) thì chúng ta không kì vọng ghi nhận bất cứ ca tử vong nào.

Ngoài ra, y văn (Shimabukuro et al JAMA 2021) cho biết với 3,512,874 liều vaccine, chúng ta ‘kì vọng’ quan sát 17 ca sốc phản vệ. Và, nguy cơ tử vong sốc phản vệ là <1% (theo Turner et al 2017) thì chúng ta không kì vọng quan sát một ca tử vong nào cả. Thế nhưng trong thực tế, Việt Nam đã có 2 ca tử vong tuổi 12-17. Cả 2 ca đều được xác định là bị sốc phản vệ [1].

Chúng ta có thể dùng phương pháp kiểm định Poisson (vì tần số xảy ra thấp) để tính trị số P. Vài tính toán cho ra kết quả P = 0.00000000000000022.

Bước 4: Bởi vì xác suất xảy ra quá thấp, chúng ta phải bác bỏ giả thuyết H0. Bác bỏ giả thuyết vô hiệu cũng có nghĩa là gián tiếp kết luận có mối liên quan giữa vaccine và tử vong do sốc phản vệ.

Liên quan và liên hệ nhân quả

Câu hỏi kế tiếp là mối liên quan giữa vaccine và tử vong có phải là mối liên hệ nhân quả?

Trước khi bàn vấn đề này, tôi phải giải thích thuật ngữ và ý nghĩa để chúng ta nói cùng ngôn ngữ. “Liên quan” ở đây có nghĩa là “Association” theo nghĩa dịch tễ học. Các bạn cũng có thể nói liên quan là relation cũng được, nhưng nghĩa này không phổ biến trong dịch tễ học. Còn “Liên quan nhân quả” hay đúng hơn là “Liên hệ nhân quả” có nghĩa là “Causal relationship” trong dịch tễ học. Phân biệt hai khái niệm này là chủ đề của triết học mà tôi không muốn nói đến (vì tôi không rõ), nhưng ở đây tôi chỉ lí giải trên phương diện dịch tễ — y học.

Ở trên, chúng ta chỉ có thể nói “có mối liên quan giữa vaccine và tử vong từ sốc phản vệ“, nhưng không thể nói đó là mối liên hệ nhân quả.  

Mối liên hệ nhân quả giữa A và B có nghĩa là A sản sinh ra B. Nếu tôi bật công tắc điện và đèn tắt, thì đó là mối liên hệ nhân quả. Nếu hai người bị nhiễm covid và họ giống nhau về các yếu tố nhân trắc và lâm sàng (cùng giới tính, độ tuổi, tiền sử bệnh lí, v.v.) nhưng một người được chích vaccine thì hết bệnh, còn người không chích vaccine thì không hết bệnh, tôi có thể kết luận mối liên hệ nhân quả giữa vaccine và covid. Như vậy, để nói mối liên hệ nhân quả giữa A và B đòi hỏi phải 3 điều kiện chánh:

  • A phải xảy ra trước B;
  • A có liên quan với B, và mối liên quan độc lập với các yếu tố khác; và
  • Can thiệp vào A làm thay đổi B.

Bây giờ, chúng ta thử xem xét 2 trẻ em chết sau khi tiêm vaccine. Dĩ nhiên, hai em này tử vong sau khi tiêm vaccine, tức đáp ứng điều kiện 1. Chúng ta biết rằng vaccine có thể gây sốc phản vệ (và sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong), nhưng chúng ta không biết mối liên quan đó có độc lập với các yếu tố khác hay không. Ví dụ như người sốc phản vệ thường có yếu tố nguy cơ khác với người không bị sốc phản vệ. Chúng ta thiếu thông tin này. Do đó, điều kiện 2 không đáp ứng. Ngoài ra, 2 trẻ em còn sống trước khi tiêm vaccine, nhưng sau tiêm vaccine thì cả hai đều tử vong; như vậy điều kiện 3 được đáp ứng.

Trong 3 điều kiện trên, trường hợp đang bàn đáp ứng 2 điều kiện. Do đó, chúng ta chưa thể kết luận có mối liên hệ nhân quả giữa vaccine và tử vong. Nhưng chúng ta có thể nói có mối liên quan giữa vaccine và tử vong. Phát biểu “Hai trẻ tử vong sau tiêm không liên quan đến vaccine” [1] là không đúng.

______

[1] https://suckhoedoisong.vn/hai-tre-tu-vong-sau-tiem-khong-lien-quan-den-vaccine-va-thuc-hanh-tiem-chung-169211130113814633.htm

Tasteless – Nhạt nhẽo

Phải tìm hiểu một lúc tôi mới biết tại sao người ta bàn tán việc cô hoa hậu ĐTH đánh đàn T’rưng bài ‘Cô gái vót chông’ ở Mĩ, trong lúc Mĩ tài trợ cho Việt Nam hơn 25 triều liều vaccine. Các bạn có thể nghĩ ra một chữ tiếng Anh để mô tả hành vi của cô ấy? Tôi nghĩ chữ ‘tasteless’ có lẽ là thích hợp nhứt.

Tasteless có nghĩa là vô vị, nhưng tôi nghĩ hiểu theo nghĩa ‘nhạt nhẽo’ thì đúng với văn cảnh hơn. Một danh từ khác liên quan với tasteless là vulgar, có thể hiểu là vụng về. Hành vi của cô ĐTH có thể xem là nhạt nhẽo và vụng về về văn hoá.

Dĩ nhiên, nhạt nhẽo và vụng về ở đây không phải là cách cô ấy chơi đàn, mà xem ra có người khen là cô ấy đã luyện tập khá lâu. Nói cách khác, cô ấy chơi đàn chỉ là một cách trình diễn thôi, chớ không phải thực tài hay sở trường của cô ấy. Điều đáng nói là người ta chọn một bài ca tương đối man rợ trong thời chiến chống Mĩ trong một màn trình diễn mang tính văn hoá! Lựa chọn đó, ngay cả những người chỉ đạo cho cô ấy diễn, cũng cảm không thấy thoải mái khi giải thích trong lúc Mĩ là nước tài trợ nhiều vaccine nhứt cho Việt Nam.

May be an image of 1 person
Hình cô Đỗ Thị Hà chơi đàn T’rưng bài “Cô gái vót chông”. Bài ca có đoạn rất man rợ:

“Ai nhanh tay vót bằng tay em
Chim hót không hay bằng tiếng hát em
Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù
Xiên thây quân cướp nào vô đây
Xiên thây quân cướp nào vô đây”

Có lẽ những người đằng sau cô ấy nghĩ rằng đó chỉ là màn chơi đàn (vì cô ấy không ca hát gì cả) nên khán giả Mĩ chắc chẳng ai biết hay để ý. Hi vọng họ không nghĩ vậy. Nếu họ nghĩ vậy là họ xem thường người Mĩ quá. Họ tưởng rằng ở Mĩ không có người biết nói tiếng Việt? Họ có nghĩ đến cộng đồng 2 triệu người Việt ở Mĩ đóng thuế để chánh phủ Mĩ có tiền đem tặng vaccine cho Việt Nam, để rồi bị cho ‘thưởng thức’ một bài ca … chửi Mĩ. Đó là tasteless vậy.

Mà, cô ấy không phải là người đầu tiên đem một tác phẩm văn nghệ để chửi Mĩ. trước cô ấy có ông PQNghị (lúc đó là một ứng viên sáng giá cho chức tổng bí thư) cũng từng có một hành vi như thế với ông John McCain. Trong một lần viếng thăm chánh thức Mĩ, ông Nghị tặng cho ông McCain một bức hình chụp tấm bia ghi lại sự kiện máy bay ông McCain bị bắn rơi và ông bị bắt sống tại hồ Trúc Bạch. Điều đáng kinh ngạc là trong tấm bia / hình đó có câu:

“NGÀY 26 10 1967 TẠI HỒ TRÚC BẠCH QUÂN VÀ DÂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI BẮT SỐNG TÊN JOHN SNEY MA CAN THIẾU TÁ KHÔNG QUÂN MỸ LÁI CHIẾC MÁY BAY A4 BỊ BẮN RƠI TẠI NHÀ MÁY ĐIỆN YÊN PHỦ […]”

Bỏ qua những cái sai hiển nhiên về tên ông McCain và sai quân chủng, tấm bia đó dùng chữ “TÊN”! Đó là một cách dùng chữ miệt thị. Thật không hiểu sao ông ấy lại đi tặng một bức hình như thế! Khi nhận tấm hình, ông McCain nói:

tôi cảm thấy không thể hài lòng (người phiên dịch đã dùng một từ khá mạnh là “bị xúc phạm”). Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”.

May be an image of 2 people and tree
Bức hình ông Phạm Quang Nghị tặng Thượng nghị sĩ John McCain (2014). Nguồn: Vietnamnet.  

Nên nhớ rằng ông John McCain là một tù binh ở Hà Nội (1967-1973), nhưng ông cũng là người tích cực vận động Chánh phủ Clinton bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Có thể nói ông McCain là một người bạn của Việt Nam.

Thế nhưng Việt Nam lại đối xử với một người bạn bằng một bức hình sỉ nhục như thế! Không chỉ ông Phạm Quang Nghị, mà cả ông Nguyễn Chí Vịnh (một quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng) cũng có hành vi thiếu tế nhị khi sang Mĩ. Ông Vịnh tặng cho ông McCain tất cả những lá thư mà ba má và vợ con của ông bên Mĩ gởi cho ông lúc bị giam cầm trong một nhà tù ở Hà Nội. Tất cả những lá thư này bị nhà cầm quyền Hà Nội chặn lại, và mãi đến năm 2017 mới trao cho ông ấy!

Hành vi tasteless của cô ĐTH và những người dàn dựng cho cô ấy chửi Mĩ chỉ là một hình thức của lịch sử lặp lại. Người Mĩ có câu “With friends like you, who needs enemies” (với bạn bè như anh, ai cần kẻ thù).