Tin mừng ngày Quốc Khánh Úc: Huân chương Australia

Ngày Quốc Khánh Úc năm nay (26/1/2022) đối với tôi là một ngày rất đáng nhớ trong đời: tôi được Tổng toàn quyền Úc (Đại diện Nữ Hoàng) trao Huân chương Australia (Order of Australia) [1]. Tôi chợt nhớ nhiều kỉ niệm cũ và viết cái note này như là một lời tâm tình.

Tin vui đến một cách hoàn toàn bất ngờ từ tháng 10 năm ngoái [2]. Nhưng cái bất ngờ hôm đó cộng thêm cái bất ngờ về sự trùng hợp hôm nay! Đúng vào ngày này của 40 năm trước (26/1/1982) tôi đặt chân đến Úc bắt đầu hành trình của một ‘thuyền nhân‘. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác làm cho cái Tết năm nay thiệt là có ý nghĩa.

Huân chương Australia ghi nhận For significant service to medical research, particularly in the field of osteoporosis and fracture prevention, and to tertiary education” (tạm dịch là  “Cống hiến quan trọng cho nghiên cứu y khoa, đặc biệt là lãnh vực phòng chống loãng xương và gãy xương, và cho giáo dục đại học”).

Loãng xương

Cái citation trên làm tôi rất vui. Vui là vì nỗ lực và đóng góp cho chuyên ngành loãng xương 30 năm qua đã được ghi nhận (như tôi viết trong cái note bằng tiếng Anh [3]). Loãng xương là một bệnh lí với đặc điểm chánh là suy giảm lượng chất khoáng trong xương, suy thoái vi cấu trúc xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xương, đặc biệt là gãy xương đùi, tăng nguy cơ tử vong và  giảm tuổi thọ. Cùng với sự gia tăng dân số cao tuổi, loãng xương được xem là một gánh nặng y tế quan trọng toàn cầu.

Tôi bỏ ra hơn 30 năm để tìm cách giảm nguy cơ gãy xương và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Lãnh vực nghiên cứu tôi theo đuổi là ‘precision medicine’ (có thể hiểu nôm na là y học chính xác). Y học chính xác dựa vào gen và các yếu tố môi trường để đánh giá nguy cơ mắc bệnh chính xác và để tăng hiệu quả điều trị. Nhờ hàng loạt cơ hội và may mắn tôi đã đạt được những thành tựu giúp ích cho chuyên ngành và cho đời. Chúng tôi góp phần định nghĩa lại loãng xương, viết lại một phần trong sách giáo khoa về loãng xương và mất xương, khám phá gen liên quan đến loãng xương, tạo ra chữ kí gen cho loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương đầu tiên trên thế giới và giúp quản lí bệnh loãng xương tốt hơn, v.v.

Hai mươi năm trước tôi viết một bài xã luận chỉ ra rằng loãng xương là một bệnh lí không được chẩn đoán đúng mức, thiếu điều trị, và chưa được ghi nhận đúng mức. Dù đã có nhiều tiến bộ trong 20 năm qua, nhưng rất tiếc là những gì tôi viết vẫn còn tính thời sự. Do đó, chúng tôi còn rất nhiều thách thức phải vượt qua. Những thách thức này đòi hỏi phải có nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu y khoa

Tôi xem huân chương này là một ghi nhận tầm quan trọng của nghiên cứu y khoa. Nước Úc chỉ có 25 triệu dân, nhưng là một ‘cường quốc’ khoa học, đặc biệt là nghiên cứu y khoa. Trong số 16 khôi nguyên Nobel người Úc, có đến 8 người là các nhà khoa học y khoa. Úc đạt được thành tựu đó là vì Nhà nước đã có những chiến lược hợp lí, những đầu tư xứng đáng, và đào tạo được một ‘lực lượng’ khoa học hùng hậu.

Vào thời điểm này, tôi dĩ nhiên là người vui mừng, nhưng tâm trí tôi thì hướng về các đồng nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu y khoa ở Úc. ít ai biết rằng chúng tôi — dù mang hàm giáo sư hay học vị bác sĩ và tiến sĩ — đều rất khổ. Người mới tốt nghiệp tiến sĩ và nếu may mắn có một vị trí hậu tiến sĩ thì rất khó có một sự nghiệp vững vàng. Lí do đơn giản là mỗi người chỉ ‘sống’ được có 12 tháng, vì sau đó không ai biết có tài trợ để ‘sống’ tiếp trong vị trí hậu tiến sĩ. Ngay cả sau khi đã thành danh và đạt cấp giáo sư thì nỗi khổ càng nhân lên gấp bội, vì trách nhiệm phải xin tài trợ khắp nơi. Mà, xác suất được tài trợ chỉ chừng 9% (thay vì 12% của 10 năm trước). Ngay cả khi may mắn có được tài trợ khoa học thì cũng chỉ đủ để trả 60% lương, phần còn lại 40% là nhờ vào các nhà mạnh thường quân và đại học. Chúng tôi rất khổ.

Thế nhưng chúng tôi có niềm đam mê khoa học. Chúng tôi có mục tiêu và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chúng tôi tin vào sự xuất sắc. Đó chính là lí do tại sao nhiều bác sĩ và tiến sĩ làm nghiên cứu không lương. Có bác sĩ tự bỏ tiền túi ra theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Có thể những gì chúng tôi làm mới nghe qua thì có vẻ xa rời thực tế, nhưng lợi ích lâu dài thì khó thấy. Có ai ngờ rằng mRNA được ứng dụng cho việc bào chế vaccine cho Covid-19. Đâu có ai biết được những ý tưởng như trò chơi mà sau này được ứng dụng trong khoa học kinh tế. Có ai ngờ rằng những phát triển về mô phỏng được ứng dụng để dự báo diễn biến đại dịch Covid-19 vừa qua. Những vốn liếng và kiến thức khoa học đó đã giúp cho chúng ta có thuốc và vaccine chống Covid-19 rất nhanh. Do đó, tôi xem những đồng nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu y khoa là những ‘anh hùng trầm lặng’.

Do đó, tôi rất đồng ý với ông Bộ trưởng Y tế Úc, Greg Hunt, khi ông nói rằng cộng đồng nghiên cứu y khoa Úc đang có một cơ hội vàng để trở thành một lãnh đạo toàn cầu. Trong chuyên ngành loãng xương, Úc đã là một lãnh đạo toàn cầu vì có những nhà nghiên cứu lừngd anh trên thế giới. Thế nhưng tôi nghĩ ông và chúng tôi nên làm nhiều hơn là nói: chúng ta nên kiến tạo một hệ thống để nuôi dưỡng các nhà khoa học sáng giá để thực hiện mục tiêu trở thành lãnh đạo thế giới.

Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần.

Quê hương thứ hai

Khi nhận bất cứ phần thưởng nào, tôi đều nghĩ đến chuyện ân tình. Ơn đầu tiên là nước Úc, nơi đã mở rộng vòng tay đón hàng trăm ngàn ‘thuyền nhân’ trong lúc khó khăn nhứt vào thập niên 1970-1980. Không có Úc tôi không có như ngày hôm nay — và đó là điều chắc chắn.

Image for post
Photo: https://www.centreforideas.com/temporaryep1

Do đó, có thể nói rằng tất cả chúng tôi đều chịu ơn nước Úc. Thật ra, tôi nghĩ khi chánh phủ Úc khi tiếp nhận chúng tôi, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc được đền ơn đáp nghĩa. Thế nhưng, người Việt chúng ta mang trong máu tư tưởng ‘Uống nước nhớ nguồn‘ nên đã phấn đấu để đóng góp cho đất nước này tươi đẹp hơn, và đó chính là một đền đáp ân nghĩa vậy.

Tự thâm tâm, tôi xem cái huân chương này có ý nghĩa hơn những giải thưởng và huy chương khác mà các hiệp hội chuyên môn và đại học trao tặng. Huân chương này có ý nghĩa cho cộng đồng nhiều hơn là cho tôi. Huân chương ghi nhận một đóng góp của tôi cho nước Úc, và tôi là một thành viên trong cộng đồng người Việt ở đây, nên nó cũng chính là một ghi nhận về sự đóng góp của cộng đồng người Việt cho nước Úc. Một cái vui khác là mình góp thêm một ‘Nguyen’ vào thành tựu của quê hương thứ hai.

Ngày này đúng 40 năm trước (261/1982) tôi tới Úc và bắt đầu một cuộc đời mới của một ‘boat people’, mà tôi có ghi lại đôi lời trước đây [4]. Mười năm đầu thì loay hoay định cư; 10 năm sau thì an cư và làm lại cuộc đời; 10 năm kế tiếp là thời gian phấn đấu để có chỗ đứng trong xã hội mới; và 10 năm sau đó là chuẩn bị lui vào hậu trường để nhường bước cho thế hệ sau. Thành ra, 40 năm mới nghe qua thì có vẻ dài, nhưng chỉ là một thoáng thời gian mà thôi.

Trong cái quãng thời gian đó, tôi không bao giờ, dù chỉ vài giây, nghĩ đến giải thưởng hay vinh dự, này nọ. Những ngày mới qua đây thì phải quần quật làm việc ngày đêm để kiếm sống và gởi tiền về nhà bên Việt Nam. Đến lúc ổn định một chút thì đến chuyện học hành. Học hành xong lại phải lo phấn đấu để tồn tại trong môi trường cạnh tranh ác liệt. Cuộc sống có quá nhiều khúc quanh và thách thức mới ở mỗi giai đoạn. Thì giờ đâu mà nghĩ đến giải thưởng với huân chương.

Thế nhưng cũng giống như người trồng trái cây, gieo hột tốt một thời gian thì sẽ có ngày hưởng trái ngọt, những cống hiến hết mình vì tha nhân sẽ có ngày được tha nhân hồi đáp. Những gì mình sở hữu chính là những gì mình cho đi.

Viện Garvan và bạn bè quốc tế

Trong thời gian 40 năm ở Úc, thì tôi đã có 30 năm gắn bó với Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Đó là một thời gian tương đối dài. Ở Garvan tôi gặp và học hỏi rất nhiều từ những người lừng danh trong thế giới y khoa. Có thể nói Garvan là nơi đã định hình tôi, là một phần trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Không có Garvan tôi không có được những câu trong cái citation trên. Nhưng tôi cũng đóng góp vào lịch sử phát triển của Garvan và có thể nói không ngoa rằng tôi là một phần của lịch sử Garvan.

Những ngày ở Garvan vào giữa thập niên 1990

Cơ duyên tôi đến với Garvan là qua một buổi phỏng vấn với Gs John Eisman vào đầu năm 1991. Lúc đó, dự án nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study (DOES) mới bắt đầu, nên có rất nhiều việc cần làm. Tôi làm ngày đêm cho dự án. Qua dự án DOES chúng tôi đã có nhiều đóng góp tiền phong cho chuyên ngành: khám phá gen, xác định ngưỡng mật độ xương cho chẩn đoán loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng, định nghĩa lại khái niệm mất xương, đánh giá nguy cơ tử vong sau gãy xương. Chúng tôi góp phần viết lại sách giáo khoa về loãng xương. Chúng tôi trở thành một trong những nhóm nghiên cứu quan trọng nhứt trên thế giới.

Gs John Eisman là sếp, là bạn thân thiết như trong gia đình, và cũng là mentor của tôi. Ông là một người rất thông minh (vào đại học năm chưa đầy 16 tuổi) và rất chuyên nghiệp, một người anh rất tuyệt vời.  Ông lúc nào cũng đặt chuẩn mực rất cao. Cao đến nỗi có người xem là ‘ngạo mạn’. Ông không bao giờ chấp nhận ‘trung bình’ và ‘làng nhàng’.  Ông rất ‘trung thành’ với trò, sẵn sàng bảo vệ trò trước sự tấn công của người ngoài (nhưng khi về nhà thì ông ‘đập’ trò tới nơi tới chốn). Ông giúp trò tới nơi tới chốn. Nhớ ngày tôi đệ đơn đề bạt chức vụ professor, và theo qui định phải có 2 người viết lời giới thiệu. Ông hỏi tôi ‘Mày có bạn bè là giáo sư gốc Việt viết thư giới thiệu không’, tôi nói ‘Chưa có ai là người gốc Việt làm chức professor trong ngành y ở Úc cả’. Ông nghĩ một hồi rồi nói ‘Thôi được, để tao nhờ mấy bạn trong cộng đồng Do Thái’. Không đầy 1 tuần tôi đã có cả 3 lá thư giới thiệu! Nhớ lần phỏng vấn cho chức danh Fellow của NHMRC, có người hỏi một câu tào lao mang tính kì thị vùng miền, ông tức giận đòi tôi phải viết thư phàn nàn đến NHMRC, nhưng tôi gạt đi, không muốn tranh chấp làm gì. Tuy nhiên, ông nhấc điện thoại và nói thẳng với Chủ tịch Hội đồng NHMRC và phàn nàn một cách giận dữ. Kể chuyện xưa để cho thấy sếp cũ tôi là người rất chung thuỷ với trò. Không phải riêng tôi mà bất cứ ai trong nhóm, ông đều hành xử như vậy. 

Từ Viện Garvan và qua Gs Eisman, tôi có cơ hội hợp tác với những người tài giỏi nhứt trên thế giới. Những cái tên lừng lẫy trong chuyên ngành (như Larry Riggs, Joe Melton, John Kanis, Steven Cummings, Cliff Rosen, v.v.) tôi đều quen biết và từng hợp tác. Đó cũng là những người thầy gián tiếp đã dạy và giúp tôi trưởng thành trong khoa học. Tôi chắc họ đã viết những lời nhận xét cho Hội đồng Huân chương Australia.

Qua hợp tác với những ‘trưởng thượng’ như trên, tôi được giao trọng trách trong các hiệp hội chuyên khoa. Thử nghĩ một anh chàng gốc Việt Nam từ nước Úc xa xôi mà được một hiệp hội lớn như ASBMR của Mĩ trọng dụng cho ngồi ghế leadership trong hội đồng công bố khoa học và cả ghế editor. Từ ASBMR tôi đã có dịp phục vụ trong các tập san số 1 trên thế giới khác, kể cả Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Journal of Endocrine Society, Osteoporosis International, Bone, BMJ, NEJM, JAMA. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở một đất nước tự do như Mĩ, nơi tôi coi như là quê hương thứ ba.

Kỉ niệm 25 năm với Viện nghiên cứu y khoa Garvan

Việt Nam

Khi rời Việt Nam vào năm 1981, tôi cũng như nhiều người khác không nghĩ đến ngày về. Ra đi trong một hoàn cảnh dao động lịch sử và trong tâm trạng tức giận, dám chấp nhận cái chết trên biển, thì đâu ai nghĩ đến ngày về. Thời đó, ai cũng mang theo tâm trạng “một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mất lối quay về” (nhạc của Nguyệt Ánh).

Thế rồi, như là một định luật của vô thường, thời thế đổi thay, và và tôi đã có dịp quay về quê hương với những việc làm có ích. Cuối thập niên 1990s, tôi về Việt Nam thăm Ba Má nhưng lại có dịp đóng góp một bài giảng về loãng xương ở Khách sạn Windsor (Sài Gòn). Lần ‘ra mắt’ đó được rất nhiều đồng nghiệp chào đón nồng nhiệt. Sự nồng nhiệt của các bạn dành cho tôi làm cho mình thấy “À, đây mới là quê hương thứ nhứt”, và mình có thể làm vài việc như là bổn phận của một người con Việt.

Rồi tôi tình cờ gặp Bs Thy Khuê (ĐHYD Sài Gòn) trong một tiệm sách. Không ngờ buổi gặp gỡ đó mở đầu cho sự đóng góp của tôi ở Việt Nam. Hàng loạt chương trình workshop hè đã giúp cho hàng ngàn bác sĩ làm quen với các khái niệm tương đối mới trong nghiên cứu khoa học, làm quen với văn hoá công bố khoa học.  Rồi, các bạn miền Bắc nghe tiếng và cũng mời mọc và thế là tôi có dịp đi lại nhiều hơn và quen biết nhiều bạn ở miền Bắc. Từ Bắc, tôi lại được các bạn ở miền Trung có nhã ý mời đến chia sẻ kinh nghiệm, và làm quen với nhiều bạn.

Mỗi năm có khi tôi giảng cho cả 4 lớp học trung hạn (1-2 tuần) và cả chục lớp học ngắn hạn (1-2 ngày). Tôi giảng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tôi đi từ Hà Nội, lên Thái Nguyên, xuống Ninh Bình, qua Hải Phòng; tôi đi vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên; tôi về Sài Gòn, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, v.v.  Những khoá học như thế đã giúp cho hơn 2000 bạn; một số sau này trở thành giáo sư và giữ những trọng trách trong chuyên ngành.

Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức. 

Không chỉ hàng trăm khoá học, mà còn có dịp tham gia tổ chức hội nghị lớn như AFES ở Sài Gòn, hội nghị Strong Bone Asia, và hội nghị y sinh học châu Á Thái Bình Dương. Tôi đã gắn bó với Hội loãng xương TPHCM hơn 15 năm qua, và góp một phần trong việc nâng cao sự hiện diện của Việt Nam trong chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế qua đào tạo nghiên cứu sinh, các chương trình tập huấn, nghiên cứu, và công bố khoa học. Nhưng tôi không thể nào làm được những việc đó nếu không có sự ủng hộ và tin tưởng các các bạn trong nước.

Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.

Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy khó tin về một người ‘boat people’ và ‘yếu tố nước ngoài’ (rất ghét chữ này) mà được giao trọng trách thiết lập labo nghiên cứu ở ĐH Tôn Đức Thắng. Tôi còn được các hội y khoa trao giải thưởng, và các đại học trao cho những chức danh danh dự. Dù chỉ là danh dự, nhưng đó là những phần thưởng ghi nhận những cống hiến nho nhỏ của tôi cho giáo dục đại học Việt Nam.

Thật ra, làm được những điều đó hay có những phần thưởng đó đòi hỏi sự tin tưởng của những người lãnh đạo và có sự hợp tác của đồng nghiệp trong nước. Không có các bạn thì chưa chắc tôi có được phần 2 (về đóng góp cho giáo dục đại học) của cái citation. Nhân dịp này tôi tri ân những bạn ở trong nước đã ưu ái giúp tôi có cơ hội đóng góp.

Bằng khen từ Hội loãng xương TPHCM. Bằng khen này được Gs Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội) trao trong Hội nghị loãng xương ở Nha Trang. 

Cám ơn

Không có cái gì xảy ra trong hư vô, và tôi đã không có ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người. Tôi được trao huân chương Australia là có sự đóng góp của các bạn và đồng nghiệp. Các nghiên cứu sinh trong labo ở Úc và Việt Nam là những người đã đóng góp nghiên cứu cho sự nghiệp tôi. Kể ra thì nhiều người lắm, nhưng phải đề cập đến những cái tên quan trọng: Gs John Eisman (sếp cũ tôi), Gs Philip Sambrook (thầy cũ đã qua đời), Bs Paul Kelly (đồng nghiệp cũ), Ts Gabrielle Howard, Gs Graeme Jones, Ts Nguyễn Đình Nguyên, Ts Trần Hoàng Ngọc Bích, Ts Steve Frost, Gs Chatlert Pongchaiyakul, Ts Mei Chan, Ts Phương Thảo, Bs Thục Lan, Ts Phạm Thị Mỹ Hạnh, Ts Trần Sơn Thạch, Gs Henrik Ahlborg, và Gs Shuman Yang.

Tôi đặc biệt cám ơn các đồng nghiệp và bạn bè ở Việt Nam, bởi vì đó là một phần quan trọng trong cái citation về những đóng góp của tôi. Thật vậy, khi tôi xem qua phần citation, tôi thấy Hội đồng OA (Order of Australia) có đề cập đến những việc làm ở các đại học như Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng, Dược Hà Nội, Y Hà Nội, v.v. Họ đề cập đến công trình Vietnam Osteoporosis Study và Hội loãng xương TPHCM. Nhân dịp này tôi cám ơn các bạn ở Việt Nam đã tin tưởng và phó thác tôi làm những việc liên quan đến xây dựng năng lực khoa học trong thời gian hơn 20 năm qua.

Tôi biết rằng trong 2 năm qua Văn phòng Tổng Toàn Quyền đã liên lạc tất cả những nơi tôi từng làm việc hay từng có công trình nghiên cứu ở Úc, Mĩ, Thuỵ Sĩ, Anh, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, v.v.  Tôi cám ơn các đồng nghiệp từ các nước đó đã viết thư ủng hộ. Tôi không được đọc những lá thư đó, nhưng tôi biết các bạn ấy đã ủng hộ tôi. Thật ra, nhiều người đã biết tôi được đề cử trước cả tôi (nhưng vì qui định bảo mật nên họ không báo cho tôi biết).

Tôi đặc biệt cảm ơn người đã đề cử tôi 2 năm trước. Tôi không được phép biết người đó là ai, nhưng chắc chắn là một ‘thiện nhân’. Tôi cũng cảm ơn Hội đồng Huân chương Australia đã làm việc cẩn thận suốt 2 năm trời trước khi có huân chương này.

Giải thưởng có thể ví von như gia vị cho một món ăn. Món ăn có gia vị thì nó thơm ngon hơn. Tương tự, thành tựu mà có giải thưởng thì thành tựu đó có dịp bay xa hơn và có ý nghĩa hơn.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn tất cả các bạn và đồng nghiệp.

________________________

[1] https://honours.pmc.gov.au/honours/awards/2010203

Huân chương Australia (hay Order of Australia) là một hình thức ghi nhận cao nhứt về những cống hiến và thành tựu cá nhân.

Qui trình đề cử và xét duyệt là 2 năm. Mỗi ứng viên được một người đề cử, nhưng ứng viên không biết người đề cử là ai. Sau đề cử, nhân viên của Hội đồng OA liên lạc tất cả những nơi ứng viên đã từng theo học và làm việc để xác minh. Sau đó, Hội đồng OA họp và xem xét, rồi khuyến nghị lên Tổng Toàn Quyền. Tổng Toàn Quyền đại diện cho Nữ Hoàng Elizabeth II phê chuẩn từng ứng viên. Chỉ đến ngày được phê chuẩn thì ứng viên mới được thông báo, và do đó kết cục hoàn toàn bất ngờ. Và đến lúc đó, người được huân chương vẫn không biết ai đề cử mình!

Cấp bậc huân chương là do Hội đồng OA quyết định. Hệ thống OA có 4 bậc: OAM (Medal of the Order of Australia); AM (Member of the Order of Australia); AO (Officer of the Order of Australia); và cao nhứt là AC (Companion of the Order of Australia). Tôi được trao Huân chương hạng AM.

[2] Tôi đã biết tin vui một cách rất tình cờ từ những 3 tháng trước. Sáng hôm 19/10/2021, một cú điện thoại từ “No ID” nhưng tôi không trả lời, vì thường là loại điện thoại lừa đảo. Vài phút sau “No ID” gọi nữa, và chẳng hiểu sao tôi nhấc máy trả lời. Bên kia đường dây, một người đàn ông xưng tên (tôi quên) và nói rằng anh ta từ văn phòng của Tổng Toàn Quyền (GG) Úc, và ngập ngừng hỏi tôi có phải là “Professor Tuan Nugent” (ít ai đọc được “Nguyen” cho đúng). Tôi nói thầm trong bụng là ‘rồi, đích thị là scam’, nhưng cũng nghe xem sao. Anh ta nói tiếp là anh ta đã liên lạc 2 lần qua email mà tôi không trả lời. Tôi xin lỗi rằng có thể email bị hệ thống sàng lọc của đại học đưa vào hộp thư spam. Tôi hỏi anh ta liên lạc tôi có việc gì.

Anh ta cho biết rằng tôi được đề cử Huân chương Australia, và Hội đồng OA đã xét duyệt xong và đề nghị GG phê chuẩn. Anh ta nói tôi phải vào trang web của GG và phải bấm nút “ Accept” thì Hội đồng mới làm bước kế tiếp. Tôi vội vàng vào trang web thì thấy hàng loạt thông tin về những việc làm của mình trong và ngoài nước Úc, thậm chí bao nhiêu grant tôi được tài trợ cho nghiên cứu!

Đến bây giờ thì tôi mới biết tin vui này là thật. Thật khó mô tả cảm giác lúc đó. Có bao giờ mình nghĩ đến cái huân chương cao quí này, có giải thưởng trong chuyên ngành là mừng rồi, làm gì đến cái huân chương mà tôi thấy vài người tiền bối hay viết sau tên họ.

Tôi không biết ai đề cử vì theo qui chế văn  phòng GG không tiết lộ. Họ chỉ cho biết là đề cử từ 2 năm trước, và tôi đã qua các vòng xác minh và đánh giá, nay thì Hội đồng OA lên danh sách đệ trình cho ngài Tổng Toàn Quyền phê chuẩn cho công bố vào ngày Quốc Khánh 26/1/2022.

[3] https://tuanvnguyen.medium.com/a-note-on-the-occasion-of-being-made-member-of-the-order-of-australia-fca94f7f489f

[4] Hồi tưởng thời tị nạn: https://nguyenvantuan.info/hoi-tuong-thoi-ti-nan

Văn hoá Triệt tiêu (cancel culture)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa qua đời thì đã có những ‘lời ra tiếng vào’ với hàm ý tiêu cực (và có khi xuyên tạc), và hành vi này không phù hợp với văn hoá ‘nghĩa tử là nghĩa tận’. Sự việc này làm tôi liên tưởng đến trào lưu Văn hoá Triệt tiêu hay ‘Cancel Culture’ rất đáng ngại hiện nay.

“Hai Phút Căm Ghét”

Nhưng để đặt câu chuyện trong bối cảnh, tôi xin kể các bạn nghe về cái nghi thức có tên là “Two Minutes Hate” trong cuốn tiểu thuyết lừng danh “1984” của văn hào George Orwell mà tôi có dịp điểm qua trước đây.

Theo nghi thức ‘Hai Phút Căm Ghét’, các đảng viên của Đảng Outer thuộc Nhà nước Oceania phải dành ra 2 phút mỗi ngày để xem một cuốn phim mô tả những kẻ thù của Nhà nước. Sau khi xem phim, họ phải lên tiếng xỉ vả, nhục mạ những kẻ thù và đồng minh của chúng. Nên nhớ là 2 phút mỗi ngày.

Mục tiêu của nghi thức này là giúp cho công dân của Nhà nước Oceania trút hết những nỗi đau và lòng căm hận lên những kẻ thù. Qua hành vi đó, công dân của nước Oceania quên đi những nỗi khổ hàng ngày của chính họ và không để ý đến sự đàn áp của đảng Outer. Đảng Outer rất quan tâm đến ‘thought crime’ (tội phạm tư tưởng), nên cái nghi thức Hai Phút Căm Ghét còn có mục tiêu gián tiếp là giảm thiểu tối đa những ý tưởng lật độ chế độ của những kẻ tội phạm tư tưởng.

May be an image of 2 people and text that says 'TWO MINUTES OF HATE'
Trong tác phẩm “1984” văn hào George Orwell viết về nghi thức ‘Hai Phút Căm Ghét’ (Two Minutes Hate), mà theo đó các đảng viên của Đảng Outer thuộc Nhà nước Oceania phải dành ra 2 phút mỗi ngày để xem một cuốn phim mô tả những kẻ thù của Nhà nước. Sau khi xem phim, họ phải lên tiếng xỉ vả, nhục mạ những kẻ thù và đồng minh của chúng.

Tuy không có nghiên cứu gì cụ thể, nhưng tôi thấy có nhiều người dùng truyền thông xã hội như là một phương tiện để thực hành ‘Hai Phút Căm Ghét’ của George Orwell. Mỗi ngày họ cũng trút giận lên người khác một cách vô cớ và phi chuẩn đạo đức xã hội.

Trường hợp Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một ca tiêu biểu về Hai Phút Căm Ghét. Người ta cáo buộc rằng ông là người thân cộng sản (thậm chí người cộng sản), là có vợ con, là vu cáo Mĩ đã giết 300,000 người dân ở Bến Tre. Nhưng cả 3 cáo buộc đều hoặc là phiến diện, không đúng, hoặc là xuyên tạc, hoặc là bịa đặt [1].

Hay hãy xem cách mà một doanh nhân ‘livestream’ hết ngày này sang ngày khác chửi bới và nhục mạ hết người này sang người khác. Một số nghệ sĩ, cựu quan chức, nhà báo, người tu hành, v.v. đều là nạn nhân của người này và những youtuber và facebooker ‘môn đồ’ của người này. Nhìn dưới lăng kính văn hoá, thì hành vi này là một đặc điểm của Hai Phút Căm Ghét và Văn hoá Triệt tiêu.

Văn hoá Triệt tiêu là gì?

Từ điển tiếng Anh thường định nghĩa văn hoá triệt tiêu là hành vi nhằm tước đoạt quyền lợi của người nào đó khỏi cộng đồng. Theo định nghĩa này, văn hóa triệt tiêu là một hình thức ‘khai trừ’ người nào đó khỏi xã hội hay hiệp hội chuyên môn. Có thể hiểu nôm na rằng Văn hoá Triệt tiêu là một cách tẩy chay, nhưng là tẩy chay trực tuyến.

Thật vậy, một đặc điểm quan trọng của văn hoá triệt tiêu là làm nhục trực tuyến (online shaming). Làm nhục trực tuyến là một hình thức dùng các phương tiện như Twitter, Facebook, Youtube hay Email để phơi bày những thông tin cá nhân, thông tin riêng tư (như hình ảnh, tin nhắn riêng, hồ sơ sức khoẻ) trong không gian mạng. Không chỉ dùng thông tin riêng tư và cá nhân, thủ phạm còn quấy nhiễu, nhạo báng, uy hiếp, bắt nạt, đe doạ, v.v. Văn hoá triệt tiêu bùng phát theo sự phát triển của internet và đang lan toả khắp thế giới.

No photo description available.
Văn hoá Triệt tiêu là làm nhục trực tuyến (online shaming). Làm nhục trực tuyến là một hình thức dùng các phương tiện như Twitter, Facebook, Youtube hay Email để phơi bày những thông tin cá nhân, thông tin riêng tư (như hình ảnh, tin nhắn riêng, hồ sơ sức khoẻ) trong không gian mạng. Không chỉ dùng thông tin riêng tư và cá nhân, thủ phạm còn quấy nhiễu, nhạo báng, uy hiếp, bắt nạt, đe doạ, v.v.

Trong cuốn sách “So You’ve Been Publicly Shamed” của Ron Ronson, văn hoá triệt tiêu được xem là một vết nhơ trong xã hội hiện đại. Trong bài điểm sách, tác giả Rita Koganzon có một đoạn viết một ý rất hay (tạm dịch):

“Mức độ mà chúng ta muốn giáng nỗi đau cho người khác phản ảnh nỗi xấu hổ và tánh độc ác trong chúng ta. Điều này có nghĩa là khi một người khách hay một đồng nghiệp buông ra một lời bình luận phi chuẩn mực trong một buổi tiệc hay một buổi họp, vài người sẽ phản ứng bằng cách huy động những người khác thành một nhóm, rồi mắng nhiếc người đó nơi công cộng theo nghi thức ‘Hai Phút Căm Ghét’ của Orwell, và sau đó là loại trừ hắn khỏi cộng đồng. Truyền thông xã hội giúp cho hành vi này bớt hung ác vì thủ phạm không nhìn thấy nỗi đau khổ của nạn nhân, và do đó thủ phạm thường dửng dưng như là không có gì.”

Nói cách khác, thay vì ra tay hãm hại nạn nhân ngoài đời, thủ phạm chỉ cần dùng các phương tiện như youtube, fb, Twitter hay Email để triệt tiêu nạn nhân, và vì sự việc xảy ra online nên thủ phạm không thấy nạn nhân bị đau khổ và do đó thủ phạm không cảm được hành vi ác ôn của mình.

Như chúng ta thấy, mỗi ngày có hàng trăm (hay hàng ngàn?) người dùng các phương tiện truyền thông xã hội để tung ra những vu khống, nhục mạ, đe doạ, bịa đặt để nhằm gây tác hại lớn nhứt đến nạn nhân. Nhưng những thủ phạm này không hề tỏ ra hối hận khi bị chỉ ra là sai, có người thậm chí còn tự hào về hành vi triệt tiêu của mình!

Hiểu theo cách hiểu này thì các phương tiện truyền thông xã hội quả thật là ‘evil’ như cách nói của nhiều người nổi tiếng.

Trong thời đại internet, mỗi chủ tài khoản facebook, Tweeter hay Youtube đều có thể là một ‘nhà báo’. Họ chính là những người tạo ra tin tức, nhưng họ cũng có thể là những người bình luận tin tức. Họ có khi là một đài truyền hình, một đài radio nhỏ. Nhiều ‘nhà báo mạng’ thật ra chẳng khác gì nhà báo thật, tức là họ có chọn lọc tin tức, có bình luận chừng mực và tỏ ra cẩn trọng trong cách dùng ngôn từ.

Nhưng bên cạnh những nhà báo mạng đàng hoàng đó, là một đạo quân ăn theo bất chấp tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Khác với những nhà báo phải sự chịu sự chi phối của các qui chuẩn đạo đức nghề nghiệp, các nhà báo ăn theo thì chẳng có qui chuẩn đạo đức gì cả. Ở Việt Nam, ngạc nhiên thay, những kẻ phi chuẩn này bao gồm những công chức, luật sư (không biết giả hay thật), và cả du côn. Các “mạ thủ” cũng có thể xem là đạo quân kền kền này.

Những nhà báo mạng ăn theo (có người gọi là ‘kền kền’) ở Việt Nam có vẻ chỉ chịu sự chi phối của câu view và đồng tiền. Từ số lượng view dẫn đến thu nhập. Số view càng nhiều, thu nhập càng nhiều (hàng chục ngàn đôla mỗi tháng). Để câu view, họ chạy những cái tit giật gân (“Kinh hoàng”, “Bất ngờ”, “Tại sao”, “Không thể tin được”, “Rồi sẽ ra sao”, v.v.). Ngữ vựng của họ là chửi thề, là chợ búa, là vô luân, là vô giáo dục. Thật ra, họ không có giáo dục. Họ xuyên tạc nội dung gốc. Họ không ngần ngại bịa đặt ra những dữ liệu và thông tin. Dữ liệu và thông tin càng xúc phạm càng tốt, bởi những người này không quan tâm đến sự thật mà chỉ quan tâm số view và sau cùng là đồng tiền.

Có thể nói rằng đồng tiền đã biến những nhà báo mạng ăn theo thành những diễn viên trong trào lưu văn hoá triệt tiêu và nghi thức Hai Phút Căm Ghét của George Orwell.

Tại sao văn hóa triệt tiêu được xem là nguy hiểm? Tại vì nó triệt tiêu các cá nhân chớ không phải ý tưởng. Những ‘diễn viên’ trong trào lưu văn hoá triệt tiêu phải tiêu ra rất nhiều năng lượng để phanh phui những điểm yếu, những sai sót, hay những vụng về lầm lỡ của người khác, và họ không có dịp tự nhìn lại mình. Họ không hiểu rằng mỗi khi phát sinh ý nghĩa xấu về người khác, họ đã tự tạo ra một nguồn năng lượng độc hại trong người. Thành ra, văn hoá triệt tiêu không chỉ gây tác hại đến nạn nhân mà còn gây tác hại lớn hơn cho chính thủ phạm.

Những xã hội suy thoái về đạo đức và chịu sự quản lí của một thể chế kém minh bạch chính là những môi trường lí tưởng cho văn hoá triệt tiêu. Ở những nơi này, với lằn ranh giữa ‘chánh thống’ và ‘gian tà’ bị lu mờ, các thế lực cầm quyền có thể sử dụng các diễn viên trong nghi thức Hai Phút Căm Ghét để đấu tố những ‘kẻ thù’ được xem là tội phạm tư tưởng, và qua đó che giấu được sự yếu kém của thể chế.

______

[1] “Ba điều đồn đãi về Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải kiểm chứng bằng sự thật lịch sử” của Tuấn Khanh: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/3-speculations-about-zen-thich-nhat-hanh-need-to-be-verified-01242022132024.html

[2] Trường hợp Giáo sư Tim Hunt

Vài năm trước (2015), Giáo sư Tim Hunt, một khôi nguyên Nobel y học, được mời nói chuyện trong một hội nghị về báo chí và khoa học ở Seoul (Nam Hàn). Bài nói chuyện không có soạn trước có đoạn:

Thật là lạ lùng cho một quái vật Chauvin như tôi được mời nói chuyện với các nhà khoa học nữ. Để tôi nói cho các bạn biết vấn đề của tôi đối với nữ giới. Ba điều xảy ra khi họ (nữ giới) có mặt trong labo: bạn yêu họ, họ yêu bạn, và khi bạn phê bình họ hì họ khóc. Có lẽ chúng ta nên có labo cho nữ tách biệt với labo cho nam? Bây giờ, nói nghiêm chỉnh nhé: tôi rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế ở Nam Hàn. Và, các nhà khoa học nữ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển đó — và đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Khoa học cần nữ, và bạn nên làm khoa học, cho dù với những rào cản và những tên quái vật như tôi.

Như các bạn thấy, những câu đầu của đoạn nói chuyện là nói đùa. Giới khoa học thích nói đùa. Những câu như “Ba điều xảy ra khi họ (nữ giới) có mặt trong labo: bạn yêu họ, họ yêu bạn, và khi bạn phê bình họ hì họ khóc” là hoàn toàn nói đùa. Và, ông ấy cũng phân định khá rõ ràng, vì câu sau đó ông ấy nói là “bây giờ nói nghiêm chỉnh nhé”. Phần nói nghiêm chỉnh, ông ca ngợi sự đóng góp của nữ giới trong phát triển kinh tế ở Nam Hàn, và khoa học cần nữ giới.

Ấy vậy mà ông ấy bị làm nhục trên mạng. Trong hội nghị dĩ nhiên là có nhiều nhà báo nữ và có cả Ivan Oransky (người rất tích cực đấu tranh cho đạo đức khoa học), và mấy người này thấy câu nói của ông Hunt là ‘highly inappropriate’ (một cách lịch sự để nói rằng ông ấy đã ‘nói bậy’). Mấy người này lên Twitter và tweet rằng ông Hunt là một kẻ kì thị nữ giới, rằng ông ấy đã làm buổi ăn trưa của họ mất ngon. Họ không chấp nhận rằng ông ấy đã nói đùa. (Tuy nhiên, sau này trong một trả lời phỏng vấn cho BBC, ông Hunt nói sự thật là ông ấy từng yêu một cộng sự viên trong labo và cảm thấy sự hiện diện của nữ giới trong labo thường gây ‘bất ổn’).

Saving Tim Hunt. The campaign to exonerate Tim Hunt for… | by Dan Waddell |  Medium
Giáo sư Tim Hunt, một nạn nhân của Văn hoá Triệt tiêu.

Những gì xảy ra sau đó là một câu chuyện buồn cho ông Hunt. Viện hàn lâm khoa học Anh (Royal Society) xa lánh ông ấy và nhấn mạnh bình đẳng giới tính trong khoa học. Tập san khoa học Nature có bài phê bình ông một cách gay gắt. Ngoài ra, có đến 8 khôi nguyên Nobel và 21 fellows phê bình câu nói của ông Hunt là không thể chấp nhận được trong khoa học. Xuất hiện trên BBC, ông Hunt thành thật xin lỗi vì sai lầm của mình, nhưng ông vẫn duy trì rằng ông nói thật chớ không giấu diếm cảm xúc. Ông quyết định từ chức Giáo sư danh dự của UCL và Hội đồng Nghiên cứu Âu châu (ERC).

Tuy nhiên, ông cũng có nhiều người ủng hộ. Một nhóm gồm 30 nhà khoa học có tiếng, nam và nữ, công bố một Thư Mở bày tỏ bất bình trước sự ứng xử của các tổ chức khoa học và UCL. Họ cung cấp bằng chứng cho thấy ông Hunt thật ra là người ủng hộ nữ giới trong khoa học và đã giúp nhiều nhà khoa học nữ trong labo của ông. Họ cũng nói rằng ông ấy hay nói đùa, nói bỗ bã, nhưng trong thực tế thì rất nhân văn và tình cảm.

Câu chuyện Gs Tim Hunt là một ca tiêu biểu cho trào lưu mà phương Tây gọi là “Cancel culture”, có lẽ dịch là “Văn hoá triệt tiêu”.

Tin mừng: giải thưởng AFOS 2022

Nhựt kí mạng hôm nay ghi lại một tin vui về labo nghiên cứu của tôi. Số là 3 thành viên trong labo mới được trao giải thưởng về nghiên cứu loãng xương.

Hôm nay (23/1/2022) là ngày bế mạc Hội nghị khoa học của Liên hiệp hội loãng xương Châu Á – Thái Bình Dương (AFOS 2022). Nhóm của tôi được trao 2 giải nhứt:

  • giải nhứt cho báo cáo miệng (oral presentation) cho Ts Trần Sơn Thạch (labo bên Úc);
  • giải nhứt cho báo cáo poster trap cho Tommy Nguyen (labo Việt Nam, ĐH Tôn Đức Thắng);
  • và một giải “runner-up” poster được trao cho Bs Nguyễn Thái Hoà (Việt Nam; Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ).

Bài của Bs Thạch giới thiệu khái niệm “Skeletal Age” mà tôi có dịp bàn đến trước đây. Bài của Tommy là so sánh cơ cấu xương đùi (hip bone structure) giữa người Việt và người Âu châu da trắng. Bài của Bs Hoà (đang là nghiên cứu sinh ở trong nước) là về gãy xương cột sống thắt lưng không triệu chứng (asymptomatic vertebral fracture).

Ba giải còn lại là 1 giải cho nhà nghiên cứu trẻ (Young Investigator Award) và 2 giải runner-up cho báo cáo miệng và báo cáo poster thì được trao cho các nhà nghiên cứu thuộc nhóm khác.

Chúc mừng đội nhà năm nay đã xuất sắc trong việc ‘đem chuông đi đấm xứ người’! Cả hai giải nhứt đều được trao cho chúng ta, và đó là một vinh dự. Các bạn đã giữ thơm cho quê mẹ. I am really proud of you all! Congratulations to you all.  

Hẹn 2 năm nữa ở Đài Loan!  

_____

Ghi thêm: AFOS là một liên hiệp các hội loãng xương Châu Á. Hội loãng xương TPHCM là một thành viên. AFOS có một tập san chuyên ngành gọi là ‘Osteoporosis and Sarcopenia‘ (O&S). Cứ mỗi 2 năm, AFOS tổ chức hội nghị khoa học. Lần trước (2019) hội nghị diễn ra ở Manila, Phi Luật Tân (và tôi từng có cái note ‘một thoáng Manila’). Mấy năm gần đây đại dịch làm rối loạn lịch trình, nên mãi đến 1/2022 mới tổ chức được và cũng chỉ online, chớ không như truyền thống. Đáng lí ra năm nay tôi đi Singapore và sẵn dịp về Việt Nam ăn Tết, nhưng dịch Vũ Hán làm thay đổi tất cả.

Tuy online, nhưng chương trình hội nghị rất phong phú. Có khá nhiều khách mời nổi tiếng từ nhiều nơi trên thế giới đến giảng. Những bài giảng tập trung vào những vấn đề hiện nay trong chuyên ngành, như thiếu điều trị và vấn đề chẩn đoán thái quá, loãng xương ở trẻ em, vai trò của HRT, fracture liaison service, loãng xương và sarcopenia (teo cơ), v.v.

Chứng chỉ cho báo cáo mời
Tôi đóng góp 2 bài trong hội nghị. Trong bài giảng khai mạc tôi nói về 5 thách thức về loãng xương ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong bài giảng về reproducibility (tái lập) cho tập san Osteoporosis and Sarcopenia tôi nói về những biện pháp chúng tôi sẽ áp dụng để nâng cao tính tái lập trong các công bố khoa học.
May be an image of 5 people and text that says 'P PowerPoint Slide Show [AFOS2022-NGOC-HUYNH] PowerPoint Fracture ascertainment JSEHU .Fractures ascertained: •radiology centers in Dubbo area .fracture circumstances demterminded by personal interview HuyNguyen Genotyping •Blood samples collected from 498 men and 809 women for genetic analysis •Denoted restriction site as GG, GT, and TT ÛHoang'
Tập dượt (rehearsal) cho các nghiên cứu sinh trước khi ‘đem chuông đi đánh xứ người’. Mỗi em phải trình bày báo cáo như thiệt, mọi người khác theo dõi cách trình bày, cách thiết kế slide, cách nói, và đếm số phút. Sau đó sẽ có góp ý. Nhiều em mới vào lab thì thấy căng thẳng, nhưng riết rồi quen và trưởng thành theo năm tháng. Đây là hình rehearsal cho một em mới từ Việt Nam qua.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Hầu như bất cứ ai trong chúng ta đều nghe qua câu thơ bất hủ đó của Nguyễn Du. Nhưng câu thơ đó còn hàm ý một thông điệp rất quan trọng trong cuộc sống: đừng phán xét. Khi bạn phán xét người khác, thì hành vi đó phản ảnh cái tâm của bạn hơn là người khác (“Judging others says more about you than the other person).

‘Nhất thiết duy tâm tạo’

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“. Đó là hai câu thơ trác tuyệt của Nguyễn Du tả nỗi buồn của Kiều lúc bị mụ Tú Bà giam cầm ở lầu Ngưng Bích. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra cảnh xa xa rất đẹp, nào là Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân‘, Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia‘, thế nhưng nàng Kiều vẫn buồn. Buồn vì lúc đó nàng cô đơn và ở một nơi rất xa lạ. Trong lòng buồn bã như thế thì cảnh chung quanh không còn đẹp hay vui nữa.

Tâm ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta, và điều này rất đúng. Khi tâm chúng ta phơi phới thì nhìn đâu cũng thấy vui vẻ, nhìn sự việc gì dù bi đát ra sao chúng ta cũng thấy lạc quan. Nhưng khi tâm chúng ta đen tối hay khi năng lượng thấp thì rất khó thấy cái hay, cái đẹp của người khác, và nhìn đâu cũng toàn là một màu xám xịt. Đúng như câu “Nhất thiết duy tâm tạo“, có nghĩa là mọi sự việc, mọi thiện ác và lành dữ đều do tâm mà ra.

Người phương Tây có câu We don’t see things as they are, we see them as we are“. Câu này cũng có nghĩa giống giống với (nhưng kém thâm thuý bằng) câu “Nhất thiết duy tâm tạo“, có nghĩa là chúng ta không nhìn sự vật như chúng đang là, mà chúng ta nhìn sự vật như chúng ta đang là. Nói cụ thể hơn, cách chúng ta nhìn sự vật phản ảnh cái tâm của chúng ta, hay nói lên chúng ta là ai.

Nếu chúng ta nhiền vấn đề là một gánh nặng thì cũng có nghĩa là chúng ta là người tiêu cực, nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề như là một cách để cải thiện cá nhân thì chúng ta là người tích cực. Điều này cũng có nghĩa là những khó khăn đến với chúng ta không phải là từ ngoại cảnh, mà từ chính chúng ta.

Tâm nghi ngờ

Người với cái tâm tiêu cực thường không tin tưởng ai. Họ có thói quen hay nghi ngờ người khác. Tôi có quen một người như thế, hầu như bất cứ ai — kể cả thân phụ anh ta và khôi nguyên giải Nobel — anh ấy đều đánh giá thấp! Khi đồng nghiệp được một phần thưởng, anh ấy quay sang nói về những lần thất bại của đồng nghiệp.

Hiểu về trái tim : nghệ thuật sống hạnh phúc by Minh Niệm

Trong cuốn “Hiểu về trái tim“, phần viết về “Nghi ngờ“, tác giả Minh Niệm lí giải rất thuyết phục (trang 155):

Dường như ta đang cố gắng phanh phui những điểm yếu hay những vụng về lầm lỡ của người kia để ta tránh xa hoặc cổ vũ người khác tẩy chay họ, chứ không phải để hiểu và thương họ hơn.

Phần lớn, những nghi ngờ của ta đều nhắm vào mục đích thỏa mãn bản ngã, dù có khi ta nhân danh tập thể hay cộng đồng nào đó. Vậy có khi nào nhân danh đạo đức, hay tình nhân ái mà ta chú ý đến những cái hay cái đẹp để ca ngợi, còn những biểu hiện khả nghi kia ta vẫn im lặng quan sát và tìm cách giúp đỡ không?

Tại sao ta không giữ thái độ tôn trọng người ấy dù ta đang có nghi ngờ về họ? Tại sao ta không tự hỏi do người ấy rất đáng để ta nghi ngờ hay tại ta mắc bệnh nghi ngờ quá nặng? Tại sao ta không dám đứng ra xin lỗi khi phát hiện ra mình đã nghi oan? Cho nên nghi ngờ thường chỉ làm cho ta yếu đuối và hèn nhát hơn mà thôi.

Ta không hề biết rằng mỗi khi phát sinh ý niệm nghi ngờ kẻ khác, dù họ có xấu hay không, thì trong tâm ta đã taọ ra một nguồn năng lượng rất độc hại. Nó vừa đốt sạch năng lượng trong lành trong ta, vừa khiến ta đánh mất cơ hội tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm.

Bởi vì lúc nào ta cũng bận tâm tìm kiếm thêm chứng cớ. Dù ta chưa thốt ra lời nói hay hành động nào để thể hiện sự nghi ngờ, nhưng một khi đã hướng tâm đến người kia để gởi sự nghi ngờ tức là ta đã gởi đi một năng lượng xấu.

Theo ‘qui luật cân bằng cảm xúc’ thì họ sẽ tìm cách trả lại ta một cảm xúc xấu khác tương ứng, nếu họ nhận ra sự nghi ngờ của chúng ta có tính chất xấu. Còn không, vũ trụ sẽ nhờ đối tượng khác trả lại ta một cảm xúc xấu khác.

Tệ hại nhứt là ta đã lỡ nghi oan cho một bậc nhân từ, đức hạnh — nơi qui tụ vô số năng lượng an lành của vũ trụ — thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ, ta và con cháu ta nhiều đời mới trả hết. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập ‘tự hối tâm’ hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp khi phát hiện ra mình đã lỡ nghi oan cho ai đó để hoá giải phần nào hậu quả.

Phán xét và câu chuyện nồi cơm Nhan Hồi

Chuyện kể rằng Nhan Hồi (một đồ đệ của Khổng Tử) nấu cơm,  và Khổng Tử thấy Nhan Hồi mở nắp nồi rồi lấy đũa bới cơm và đưa vào miệng ăn. Thấy vậy, Khổng Tử thất vọng trước người đệ tử xuất sắc và than rằng “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lí? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!” Sau đó, để thử lòng Nhan Hồi, Khổng Tử đề nghị xới một chén cơm để cúng cha mẹ ông. Các đệ tử đều ok, ngoại trừ Nhan Hồi im lặng. Khi được hỏi tại sao, Nhan Hồi thưa rằng:

Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạchkhi cơm chín con mở nắp nồi ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em … Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe giải thích xong, Khổng Tử mới than rằng “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Nồi cơm của Khổng Tử
Nồi cơm của Nhan Hồi

Câu chuyện này rất nổi tiếng và được kể đi kể lại trong sách vở Phật giáo và tâm lí xã hội học. Bài học là ngay cả chính mắt mình thấy hay chính tai minh nghe mà vẫn có thể hiểu lầm, bởi sự việc ‘thấy vậy mà không phải vậy.’ Do đó, nếu chỉ nhìn sự việc bằng mắt hay nghe bằng tai mà không tìm hiểu thấu đáo và đặt trong bối cảnh thì con người chúng ta — cho dù là kẻ thông thái như Khổng Tử — vẫn mắc phải sai lầm. Bài học là đừng vội đưa ra phán xét dựa vào một vài dữ kiện có sẵn.

Người theo Phật thường được khuyên là hãy sử dụng chánh niệm và lòng từ bi của chúng ta để nhìn sự việc hay con người. Có nghĩa là hãy nhìn sự việc như nó đang hiện hữu hơn là đưa ra những lời phán xét.

“Tâm ý đã mệt nhoài

Thương ghét mãi chưa nguôi

Dừng nói năng phân biệt

Ta tìm về ta thôi”

(Minh Niệm)

_____

TB: Bài này tôi viết là để những ai đang chỉ trích Thầy Nhất Hạnh (và cả Thiền Am) nên nhìn lại mình. Hãy thay đổi mình trước rồi mới thay đổi hay phán xét người ta. Họ chỉ trích người khác nhưng cách họ chỉ trích nói cho chúng ta biết về họ hơn là nạn nhân của họ.

Có khá nhiều bạn [có thể nói là] hùa theo vài người khác cho rằng Thầy Nhất Hạnh phát biểu rằng “lính Mĩ dội bom giết chết 300,000 người ở Thị xã Bến Tre”. Thật ra, ông không nói như vậy; ông nói rằng (nguyên văn):

“…One time I learned that the city of Ben Tre, A CITY OF THREE HUNDRED THOUSAND PEOPLE, was bombarded by American aviation just because some guerillas came to the city and tried to shoot down American aircrafts.” (Tạm dịch: Có lần tôi được biết rằng ở Thị xã Bến Tre, một thị xã 300,000 dân, bị không quân Mĩ dội bom chỉ vì có vài du kích xâm nhập vào thị xã tìm cách bắn máy bay Mĩ).

Như các bạn thấy, Thầy Nhất Hạnh không nói là lính Mĩ giết 300 ngàn dân Bến Tre. Tuy nhiên, ông sai ở con số, vì Bến Tre lúc đó là thị xã chỉ chừng 70-80 ngàn dân. Nhưng cái sai sót đó có quan trọng không? Theo tôi là không, vì con số đó không phải là chứng cớ cho cái thông điệp ông muốn nói (là dội bom cả thị xã chỉ vì có vài du kích xâm nhập).

Thích Nhất Hạnh (1926 – 2022) và thông điệp sống

Thông tin từ Làng Mai cho biết Thiền sư Thích Nhất Hạnh mới qua đời lúc 0 giờ ngày 22/1/2022 ở Việt Nam [1]. Ông thọ 95 tuổi. Việt Nam đã mất một người con ưu tú, và Phật giáo thế giới đã mất một trong những danh nhân ưu tú nhứt. Ông hơn là một thiền sư, mà còn là giảng sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động vì hoà bình thế giới.

May be an image of 1 person
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ông được xem là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ 2 ở phương Tây, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách xuất bản từ trước 1975 cho đến nay. Vào hiệu sách nào ở phương Tây đều có 2 tủ sách, một dành cho ông và một dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một số cuốn sách nổi tiếng mà tôi còn giữa như Đường xưa mây trắng Phật trong ta, Chúa trong ta, v.v.

Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sanh ngày 11/10/1926 ở Thừa Thiên, Huế. Thời niên thiếu, ông đã được tiếp xúc với sách vở và tư liệu Phật giáo, nên năm 16 tuổi ông quyết định xuất gia tại chùa Từ Hiếu (Huế) và được hòa thượng Thanh Quý Châu Thật đặt pháp danh là Trừng Quang và pháp hiệu là Nhất Hạnh. Qua nhiều năm học hành và tu tập, ông chánh thức trở thành nhà sư năm 23 tuổi. Ông theo phái tu Đại Thừa.

Thiền sư Nhất Hạnh là một thành viên quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (không phải giáo hội ngày nay mà người ta hay đùa là ‘giáo hội quốc doanh’) trước 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên, Phật giáo thời đó có 2 ‘trường phái’ không thuận nhau: trường phái Ấn Quang do Thích Trí Quang và Thích Nhất Hạnh lãnh đạo, và trường phái Việt Nam Quốc Tự do hoà thượng Thích Tâm Châu lãnh đạo. Theo đánh giá của chánh quyền VNCH, phái Ấn Quang thiên về cánh tả và ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, còn phái Việt Nam Quốc Tự thì ôn hoà.

Thiền sư Nhất Hạnh là một trong những thành viên sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh vào năm 1964. (Hai sáng lập viên khác là học giả Hồ Hữu Tường và Đoàn Viết Hoạt, cả hai đều đi tù sau 1975). Vạn Hạnh là một viện đại học tư thục Phật Giáo đầu tiên ở Việt Nam, và dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ban giảng huấn Viện Đại học Vạn Hạnh bao gồm nhiều học giả nổi tiếng như Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (tức thầy Lê Mạnh Thát) và Thích nữ Trí Hải. Tuy nhiên, sau 1975 thì Viện Đại học Vạn Hạnh bị nhà cầm quyền mới giải thể, và cả hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu bị nhà cầm quyền mới kêu án tử hình.

Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể nói là khá … sóng gió. Ông là người đề xướng trường phái “Engaged Buddhism” (Phật giáo Dấn thân). Ông từng tuyên bố “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn“. Do đó, theo ông, người theo Phật không chỉ tu thân, mà còn phải hành động vì một mục tiêu hay một chủ trương. Dấn thân do đó bao gồm những việc làm như nhận trẻ mồ côi để nuôi, làm thiện nguyện, thậm chí nhập ngũ, hay nói chung là ‘nhập thể’. Nhập thể là đi tu không phải chỉ giới hạn trong chùa, trong thiền am, mà phải ra ngoài xã hội là tác động.

Cả đời của ông có thể nói là hành động theo trường phái dấn thân đó. Ngay từ thập niên 1960, ông đã lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ở Sài Gòn, qui tụ hơn 10,000 thanh niên và sinh viên. Thanh niên Phụng sự thực chất là một tổ chức xã hội dân sự nhằm cứu trợ trẻ mồ côi trong chiến tranh. Ông cho biết triết lí đằng sau của Thanh niên Phụng sự là: “Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền”.

Một trong những dấn thân của ông gây ra nhiều tranh cãi là chống chiến tranh. Ngay từ giữa thập niên 1960 ông đã kêu gọi “Đã tới lúc hai miền Nam – Bắc của Việt Nam họp lại để tìm ra một giải pháp để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, để mọi người Việt Nam đều được sống trong hòa bình và lòng tôn trọng lẫn nhau”. Nhưng dĩ nhiên, lời kêu gọi của ông chỉ được một bên nghe, còn một bên thì xem ông là … phản động. Thiền sư Nhất Hạnh là bạn của Martin Luther King và từng kêu gọi ông chống chiến tranh Việt Nam, tìm biện pháp hòa bình và tự do. Ông từng được đề cử giải thưởng Nobel Hoà Bình vào năm 1967.

Trong thập niên 1960s, ông đi thuyết trình hoà bình ở nhiều nơi ngoài Việt nam, kể cả Đại học Columbia (nơi ông tốt nghiệp thạc sĩ). Ông kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Những hành động dấn thân của ông không được chánh quyền VNCH ‘mặn mà’. Hầu như những người lính VNCH mà tôi quen biết không ai đồng tình với ‘tư tưởng phản chiến’ và vài phát biểu không đúng với sự thật của Thầy — và điều này cũng không khó hiểu. Do đó, từ sau Hoà đàm Paris 1973, ông không được quay về Việt Nam.

Không về được Việt Nam, ông sáng lập cộng đồng Phật giáo Sweet Potato (Khoai Lang) gần Paris vào năm 1975. Năm 1982, thì cộng đồng dời về vùng Dordogne thuộc tây nam nước Pháp và xây dựng nên Tu viện Làng Mai (Đạo tràng Mai Thôn) cho đến ngày nay. Ở đây (Làng Mai) ông tổ chức nhiều ‘workshop’ tu hành cho các nhà lãnh đạo chánh trị, doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức phương Tây và trở nên một địa chỉ nối tiếng trên thế giới. Ông có rất nhiều đệ tử từ Làng Mai.

May be a black-and-white image of 1 person and indoor
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Paris (Pháp) năm 1975

Sau nhiều lần ‘thương thảo’, mãi đến năm 2005, ông mới được nhà cầm quyền cho về Việt Nam. Trong chuyến đi đó, có hàng trăm tăng ni người Việt và người nước ngoài tháp tùng. Sau đó, ông còn có dịp về Việt Nam để tổ chức các khóa tu, giảng dạy, và diễn giả trong đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008.

Năm 2008 xảy ra vụ đàn áp các tăng thân Làng Mai ở Thiền viện Bát Nhã (Bảo Lộc) là một tín hiệu cho thấy nhà cầm quyền không mặn mà với Thầy. Nhà cầm quyền và GHPGVN cáo buộc rằng các khóa tu không có phép của GHPGVN, số người tới tu tập quá đông mà không đăng kí tạm trú gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nhà cầm quyền địa phương theo yêu cầu của TT Đức Nghi cắt nguồn điện để các môn sinh bị khó khăn trong sinh hoạt. Nhưng các tăng ni Làng Mai vẫn tiếp tục ở lại, và từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa phật tử Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai tại đây. Họ tổ chức những nhóm người gây áp lực buộc những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện. Họ có những hành động và hành vi rất bỉ ổi, rất bạo động, nhưng công an không can thiệp giải tán các nhóm này. Chẳng hạn như họ quăng đá, ném phân súc vật vào tu viện. Họ còn tổ chức thành đám đông đến tấn công khu tu viện, dùng búa đập phá và hăm dọa những người trong đó. Trước sự đàn áp dã man đó, thầy Nhất Hạnh viết thư cho Chủ tịch Nước lúc đó là Nguyễn Minh Triết yêu cầu can thiệp, nhưng tất cả đều vô không có hồi âm. Đó là tín hiệu rõ nhứt cho thấy Làng Mai không được chào đón ở Việt Nam.

Năm 2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh bị đột quị và phải điều trị ở Làng Mai (Thái Lan). Dù vậy, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động Phật gíao. Năm 2018, thiền sư Nhất Hạnh về lại Việt Nam và ở chùa Từ Hiếu (nơi ông là một lãnh đạo tinh thần), với ước nguyện “lá rụng về cội”. Ông viên tịch tại Từ Hiếu 0 giờ ngày 22/1/2022.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tạ thế, nhưng những di sản tinh thần của ông thì sẽ còn ở lại với đời rất lâu. Mỗi chúng ta có thể không có cùng quan điểm với ông về cuộc chiến vừa qua, nhưng tôi nghĩ ai cũng đồng ý rằng ông là một người Việt Nam xuất sắc và đã để lại dấu ấn Việt Nam rất sâu đậm trên trường quốc tế. Xin nhắc lại rằng ông là nhân vật Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhứt trên thế giới (chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma).

May be an image of 1 person and text that says '"Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nổi đau khổ để tạo ro hạnh phúc." Thiền sư Thích Nhất Hạnh lístsach.com com fb.com/listsach'

Ông để lại cho đời rất nhiều câu nói mang tính wisdom. Chẳng hạn như “Khi một người nào đó làm cho bạn đau khổ, bạn nên hiểu rằng chính người đó bị khổ đau lắm trong người và nỗi khổ đó lan tràn sang người khác. Không nên phạt người đó; nên giúp người đó.” Hay câu “Our own life has to be our message” (cuộc đời của chúng ta phải là một thông điệp của chúng ta). Thông điệp từ cuộc đời và sự nghiệp của ông là đấu tranh ôn hoà, hoà bình, hoà giải và hoà hợp.

Nhiều ý tưởng của ông sẽ còn khai thác trong tương lai. Riêng cá nhân tôi, nhắc đến ông là tôi nghĩ ngay đến bài “Bông hồng cài áo“. Đó là một đoản văn viết về mẹ rất hay, và sau này được phổ thành một ca khúc rất nổi tiếng.

Tôi chưa bao giờ tu tập với ông, nhưng lúc nào cũng xem ông như một người Thầy (viết hoa). Những câu nói của ông là kim chỉ nam cho cuộc sống mà tôi lựa chọn. Cầu mong hương hồn thầy Thích Nhất Hạnh siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

____

[1] https://plumvillage.org

[2] Ghi chú 27/1/2022: Có người viết cho tôi một cách rất hằn học và giận dữ rằng tôi đã viết sai giờ mà Thầy Nhất Hạnh qua đời. Xin thưa rằng vào lúc đó (sáng 22/1/2022 tại Úc), trang web của Làng Mai (tiếng Anh) có đưa tin rằng Thầy qua đời lúc 0 giờ (và rất nhiều báo đài như BBC, RFA, và báo chí VN đều có đăng lại là 0 giờ). Chẳng hạn như RFA cũng viết rằng “Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa qua đời tại chùa Từ Hiếu, Huế vào lúc 12 giờ sáng ngày 22 tháng 1 năm 2022“. Tuy nhiên, hôm nay (27/1) tôi thấy trên langmai.org và plumvillage.org đã sửa lại giờ Thầy qua đời là 1:30 sáng ngày 22/1/2022. Chuyện đơn giản như vậy mà cũng hằn học và thất lễ! Còn chữ ‘nhập ngũ’ thì là một cách dấn thân. Bạn này không nên tỏ ra lên lớp với tôi như thế. Bạn muốn comment thì cũng phải giữ tánh chuyên nghiệp, người trưởng thành, và lễ độ.

Một số câu nói nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:

50 Inspiring Thich Nhat Hanh Quotes on Love, Mindfulness, and Peace
Nghĩ bi quan hay lạc quan là quá đơn giản hoá sự thật. Vấn đề là nhìn thực tại như nó hiện hữu.
Sydne Style rounds up the best quotes about living in the present by thich  nhat hanh | Sydne Style
Cuộc sống có thể tìm thấy trong thời điểm hiện tại. Quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới, và nếu chúng ta không tự tìm hiểu thời điểm hiện tại thì chúng ta không thể tiếp xúc với cuộc sống.

Viếng mộ Bs Alexandre Yersin

Đúng ngày này của 5 năm trước (2017) tôi đến ĐH Nha Trang làm một workshop về nghiên cứu khoa học. Hôm đó, tôi và một học viên trong workshop đi viếng mộ Bs Alexandre Yersin, và như là thói quen tôi ghi lại “tâm tư” về khu mộ và vài cảm nghĩ về một nhà khoa học lừng danh.

Alexandre Yersin là một nhà khoa học khiêm tốn nhưng lừng danh thế giới. Ông là người đầu tiên trên thế giới phát hiện tác nhân gây bệnh dịch hạch, mà sau này được định danh là Yersinia. Từ phát hiện này, ông bào chế huyết thanh để kháng dịch một cách hiệu quả. Nói theo ngôn ngữ khoa học này nay, ông làm nghiên cứu từ cơ bản lâm sàng đến “translation”, và rất ư là innovative. Ông đã làm một tấm gương sáng cho nghiên cứu khoa học đời sau: làm nghiên cứu phải có ứng dụng thực tế.

Ông qua đời tại Nha Trang vào năm 1943, thọ 80 tuổi. Trong lời di chúc, ông viết:

Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.

Vẫn theo di chúc, ông muốn được chôn nằm sấp, đầu quay về biển để ông được ôm mảnh đất quê hương.

Người dân địa phương xem ông là một Bồ Tát. Lúc sống cũng như lúc chết, ông là một người khiêm tốn. Sống không màn lợi danh, mà chỉ lo phụng sự đời. Ông sống giữa làng chài, sống chan hoà với người địa phương và họ gọi ông một cách trìu mến là “Ông Năm” (vì người vợ Việt của ông thứ năm). Chết thì chọn nơi an nghỉ rất bình thường, không lăng tẩm rình rang. Thật vậy, phần mộ của Bs Yersin nằm khiêm tốn trong trang trại thuộc Viện Pasteur do ông sáng lập để nuôi ngựa lấy huyết thanh dùng cho y khoa.

Từ Quốc Lộ I có một bảng chỉ dẫn nhỏ vào mộ phần của Bs Yersin. Từ Nha Trang đến đây chừng 30 phút lái xe Honda.
Cổng vào mộ phần im lìm. Phải gọi điện cho người phụ trách mới mở được cổng. Hình như khu này là do Viện Pasteur quản lí.
Bên trái cổng vào mộ là một nhà tạm bợ, chẳng biết làm gì, nhưng hình như có người ở.

Ngôi mộ ông nằm ở Suối Dầu, Diên Khánh, cách Nha Trang chỉ 20 km. Tuy chỉ 20 km nhưng mất đến 30 phút xe Honda. Từ con đường cáhnh đi vào mộ chỉ khoảng 1 km, nhưng phải qua một cái cổng im lìm. Một bên đường là ruộng mía, một bên là cây rừng. Đường vào là đường đất, nên tôi nghĩ mùa mưa chắc là lầy lội lắm. Tôi nghĩ tỉnh Khánh Hoà có thể làm tốt hơn, chứ đường vào mộ phần của một người có công lớn với đất nước và thế giới mà như hiện nay thì … vô ơn quá.

Đường vào mộ hai bên là đồng mía. Tôi đoán mùa mưa ở đây chắc lầy lội lắm.
Nhà chở ngoài mộ phần của Bs Yersin. Nhà tương đối khang trang nhưng trống trơn, chẳng có gì trong đó.
Cổng vào mộ Bs Yersin.

Toàn cảnh khu mộ có vẻ mới được tôn tạo. Phía ngoài mộ là một nhà chờ, nhưng chẳng có gì trong đó. Từ nhà chờ vào mộ là một con đường ngắn xây theo nấc thang, rất mát mẻ, và rất yên ắng. Mộ là một tấm bê tông có khắc tên ông. Phía đầu mộ là một tấm bia bằng tiếng Việt và tiếng Pháp ghi lại những công trạng của ông. Bên trái mộ là một đền thờ nhỏ để người viếng mộ thắp nhang cho ông.

Mộ của Bs Alexandre Yersin.
Tấm bia ghi công trạng của Bs Yersin. Chi tiết không đầy đủ và chữ viết không tốt. Không có bản tiếng Anh.
Bàn thờ Bs Yersin để khách đế thắp nhang. Ông được người địa phương xem là Bồ Tát. Rất đơn sơ. Hôm đó chẳng biết ai mời ổng hút thuốc lá :).

Tôi và hai người bạn Nha Trang thắp cho ông vài nén nhang. Chúng tôi ngồi đó khoảng nửa giờ ôn chuyện đời và sự nghiệp của ông, về những đóng góp của ông cho VN và thế giới. Có nhiều câu chuyện về Yersin trong cuốn nhật kí của ông mà tôi chưa tìm ra.

Sở dĩ tôi muốn viếng mộ Bs Yersin là vì trước đây có vài tin tức về việc trùng tu mộ phần của ông không mấy hay ho. Đã có thời sau 1975 người ta xem ông là “thằng Tây thực dân”!

Chuyện kể rằng khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand vào thập niên 1990 (?) đi thăm chánh thức VN ông yêu cầu đi thăm mộ Yersin. Thế là trong Bộ Ngoại giao ngoài Bắc người ta nhốn nháo tìm hiểu xem “thằng Tây thực dân” này là thằng nào ai mà ông ấy muốn đến thăm. Rồi người ta tìm hiểu và sáng ra. Người ta ra lệnh trong một thời gian ngắn phải trùng tu ngôi mộ, kể cả xây con đường đá, cho ngài Tổng thống đếm thăm. Thế đấy, nhiều danh nhân VN đều bị trải qua một thời đánh giá mông muội và một thời hoàn trả sự thật.

Tôi nghĩ Nhà nước VN có thể làm tốt hơn nữa trong việc tôn tạo khu mộ này thành một điểm tham quan cho du khách. Chẳng hạn như cái “nhà chờ” có thể trưng bày các hiện vật và thành tựu của ông bằng ảnh hay bằng virtual video. Chẳng hạn như làm thêm một tấm bia khác bằng tiếng Anh và làm cho thật tốt, đầy đủ chi tiết quan trọng (chứ tấm bia hiện nay thì quá cẩu thả). Viết bằng tiếng Pháp thì chẳng có bao nhiêu du khách quốc tế đọc được; nên thêm phiên bản viết bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như xây lại hai bên đường lên mộ bằng những hình ảnh hay những lá thư ông gửi về cho mẹ ở Thuỵ Sĩ. Những việc làm như thế chẳng tốn kém bao nhiêu, nhưng nói lên cái nghĩa cử đẹp của người Việt dành cho một vị Bồ Tát.

TB: Nói xa không qua nói gần, cái note này gián tiếp nhắc các bạn nộp hồ sơ cho Giải thưởng “Alexandre Yersin for outstanding medical publications”. Hạn chót nộp hồ sơ (rất đơn giản) là ngày 30/4/2022.

Giải thưởng “Alexandre Yersin for outstanding medical publications” do Hội Y khoa Thuỵ Sĩ – Việt Nam khởi xướng. Chi tiết tại đây: https://nguyenvantuan.info/alexandre-yersin-prize

Bạn màu gì?

Mấy hôm nay tôi đọc cuốn sách rất hay, có tựa đề là “Surrounded by idiots” (bao quanh bởi những kẻ ngốc) của Thomas Erikson. Theo tác giả, cá tánh của chúng ta có thể chia thành 4 nhóm với 4 màu tượng trưng: đỏ, xanh, xanh lá cây, và vàng.

SURROUNDED BY IDIOTS: The Four Types of Human Behavior and How to  Effectively Communicate with Each in Business (and in Life) : ERIKSON,  THOMAS: Amazon.com.au: Books

Người Đỏ: nổi trội

Họ là những người có cá tánh mạnh, và có phong cách làm việc của họ ‘làm ngay’. Đó là những người suy nghĩ nhanh, ý chí mạnh, năng lượng tràn trề, chấp nhận rủi ro, và nhắm tới mục đích. Họ thích kiểm soát người khác. Họ năng nổ, xông xáo, và trực diện. Họ không thích lí luận dong dài, và hay thiếu kiên nhẫn (làm gì là phải có kết quả ngay). Khung thời gian của họ là ngày nay, họ không nghĩ về lâu dài.

Người Xanh: phân tích  

Vì thiên về phân tích nên đây là những người suy nghĩ sâu, và có phong cách ‘làm cho đúng.’ Họ là người thích phân tích, chú ý đến chi tiết, và làm việc theo phương pháp. Họ có vẻ lạnh lùng nhưng lại rất tập trung vào phương pháp và làm gì cũng có hệ thống. Họ đòi hỏi bằng chứng trong mọi quyết định. Họ là những kẻ cầu toàn (perfectionist), họ không chịu nổi với những gì chung chung, mù mờ, và vô chứng cớ. Họ đi đến kết luận riêng và ít khi nào theo đám đông. Khung thời gian của họ là về lâu dài, không hẳn là hôm nay.

Người Xanh lá cây: ổn định

Họ là những người thoải mái và có phong cách làm việc của họ là ‘làm với sự quan tâm.’ Đây là nhóm người kiên nhẫn, dễ thân thiện, và dễ làm bạn với mọi người. Họ có thể tỏ ra cảm tính, chậm trong suy nghĩ, và tôn trọng nguyên tắc dân chủ. Họ là những người thấu cảm và dễ đồng ý với. Họ không thích bị xô đẩy, hay bị gây áp lực. Khung thời gian của họ là hiện tại.

Người Vàng: gây cảm hứng

Họ là những người có phản ứng nhanh, và có phong cách làm việc của họ là ‘hãy cùng nhau làm.’ Vàng là linh hồn của đám đông. Họ xuềnh xoàng, thích giao tiếp xã hội, thích thể hiện, rất giàu trí tưởng tượng và nhiệt tình. Họ lúc nào cũng lạc quan, suy nghĩ rất nhanh, nhìn xa trông rộng và có khi hão huyền. Họ không thích chi tiết và lí thuyết. Họ muốn ý kiến của họ được mọi người lắng nghe. Khung thời gian của họ là tương lai.

Bạn màu gì?

Dựa vào những mô tả ngắn gọn trên đây, bạn thử tự đánh giá xem mình màu gì? Có thể bạn không thuộc một màu cụ thể nào, vì cá tánh của bạn có thể là giao thoa giữa 2 hay hơn 2 màu. Theo tác giả Thomas Erikson, khoảng 80% dân số có 2 màu hoà trộn với nhau. Chỉ có 5% có 1 màu duy nhứt. Phần còn lại (15%) có 3 màu hỗn hợp.

Chúng ta thử áp dụng các đặc điểm trên để xếp nhóm của các vị thuộc nhóm người của công chúng. Trong Chánh phủ Việt Nam hiện nay, tôi nghĩông Phạm Minh Chính có lẽ là típ người Đỏ. Ông năng nổ, xông xáo, đi đây đó kiểm tra công việc, ông mất kiên nhẫn với mấy người nhìn giấy đọc và ông thẳng thắng phê bình. Rõ ràng, ông là người có cá tánh mạnh và nổi trội. Do đó, tôi xếp ông vào nhóm Đỏ.

Một người khác trong Chánh phủ cũng rất thú vị và nổi là ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông là người rất nhiệt tình trong các phát biểu, nói năng lưu loát, lạc quan, và có thể nói là khá quyến rũ. Ông cũng tỏ ra là người tưởng tượng, lúc nào cũng đưa ra những viễn kiến làm cho công chúng ngỡ ngàng (ví dụ như ông nói Việt Nam sẽ đi đầu công nghệ 6G). Do đó, tôi thấy ông là người thuộc nhóm Vàng.

Một người khác cũng rất đáng chú ý là ông Vương Đình Huệ. Ông là người có học cao, nhưng ít phát biểu trước công chúng, hay khi phát biểu thì có vẻ chừng mực, điềm tĩnh. Tôi nghĩ ông có thể xếp vào nhóm người Xanh và Xanh Lá Cây.

Ông Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng có lẽ là người thuộc 2 nhóm Vàng và Xanh Lá Cây. Tại sao? Tại vì ông là người thoải mái, dễ mến, lạc quan, nhiệt tình, cởi mở, hay thích nói và có khi đưa ra những tầm nhìn về tương lai.

Biết hay đoán được cá tánh của người mình tiếp xúc giúp cho chúng ta tối ưu hoá mối liên hệ. Chẳng hạn như nếu biết người mình sắp làm việc là người Xanh thì phải chuẩn bị dữ liệu, chứng cớ và tập trung vào phương pháp. Nếu gặp người Vàng như ông NMHùng thì hãy tạm dẹp qua chi tiết vì loại người này chỉ quan tâm đến viễn kiến, đến truyền cảm hứng; cũng đừng bi quan trước họ vì họ là người lạc quan; và hãy để cho họ nói (vì họ thích nói). Nếu người mình sắp nói chuyện là Phạm Minh Chính thì bạn nên tạm bỏ qua lí thuyết mà hãy tập trung vào giải pháp và giải pháp cho ngày hôm nay, không phải ngày mai; cũng đừng xớ rớ tìm giấy đọc vì ông sẽ mắng ngay dù ông có lẽ không để bụng.

Tóm lại, theo tác giả Thomas Erikson thì cá tánh chúng ta có thể xếp thành 4 nhóm mà tôi tạm định danh là nổi trội (Đỏ), phân tích (Xanh), ổn định (Xanh Lá Cây) và cảm hứng (Vàng). Sau khi đọc cuốn sách này, tôi thấy mình như mở mắt ra và giúp mình thích ứng tốt hơn với xã hội.

Những cái mốc thời gian về Thiền Am

Thông tin liên quan đến Thiền An rất lẫn lộn, nhưng có một điều chắc chắn là không thể dựa vào thông tin từ báo chí của Nhà nước. Dưới đây là những cái mốc thời gian dẫn đến sự kiện vài ngày qua. Ngoài ra, tôi cũng sưu tầm những thông tin độc lập về Thiền Am từ các trạm truyền thông xã hội được xem là đàng hoàng.

Ông Lê Tùng Vân

Theo nhiều nguồn, ông sanh năm 1932 ở Tân Châu, An Giang, trong một gia đình nề nếp. Thân phụ ông là Lê Văn Tất vốn là một nhà giáo [1]. Ông còn làm thơ và lấy bút danh là Thần Liên, cũng là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Ông đậu bằng thanh chung tức Cao Đẳng tiểu học thời pháp thuộc. Theo nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, ông Tất “theo đạo phật thiền lâm dòng lâm tế thần liên cũng là pháp danh của ông, cả đời ông dành trọn thi ca, sống khiêm cung ẩn dật.”

Ông Lê Tùng Vân

Tân Châu là cái nôi của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, có thể xem như một nhánh của Phật giáo. Ông Lê Tùng Vân là người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, và từng có thời gian làm Tỉnh hội trưởng Tỉnh hội Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông là người ham học và có tâm tốt. Ông tốt nghiệp cử nhân năm 60 tuổi. Theo một nguồn tin khác, ông rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Ông không có vợ, không có con, nhưng ông nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi mà sau này mang họ ông.

1990

Năm 1990 ông Lê Tùng Vân dời lên Hóc Môn, Sài Gòn sống. Ông thành lập trung tâm dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức. Ở đây, ông và vài người nữa nhận nuôi dưỡng cho 56 người, trong đó có 22 người dưới 16 tuổi, và 9 người trên 55 tuổi. Đây là những người hoặc là mồ côi, hoặc cơ nhỡ. Một số trẻ mồ côi là do trung tâm SOS (của Nhà nước) chuyển qua nhờ ông nuôi.

Những trẻ trong nhà được học hành bình thường. Một số sau này học thành tài và rời trung tâm đi làm và lập gia đình. Một trong những người đó là em Lê Thanh Minh Tú (trên giấy tờ ghi ông Lê Tùng Vân là cha) [2], nay là một cán bộ Đoàn và kĩ thuật viên cho một công ti viễn thông. Một số thì sau khi học xong lại phụ giúp ông Vân nuôi trẻ.

2007

Mặc dù hoạt động trong một thời gian dài, nhưng trung tâm Thánh Đức lúc nào cũng gặp khó khăn từ nhà cầm quyền. Họ viện dẫn những lí do như người cư trú trong đó không có đăng kí hộ khẩu, như phòng ốc không đạt tiêu chuẩn, như điều kiện vệ sinh không đáp ứng tiêu chuẩn nào đó, v.v. Báo chí nhà nước thì có những bài viết xách mé về Thánh Đức dù họ không tìm ra một sai phạm nào.

Ngày 25/7/2007, nhà cầm quyền huyện Bình Chánh bắt buộc đóng cửa trung tâm Thánh Đức. Nhưng trước đó, đã xảy ra một vụ hoả hoạn ở trung tâm, làm tiêu huỷ tất cả hồ sơ giấy tờ của trẻ em trong trại. Công an thì cho rằng vụ hoả hoạn là do đốt nhang và chập điện, nhưng những người trong Thánh Đức thì không đồng ý với nhận định đó. Nguyên nhân cháy vẫn là một dấu hỏi, và không loại trừ có người cố tình đốt Thánh Đức.  

2014

Năm 2014, bà Cao Thị Cúc (huyện Cần Đước, Long An) mua một mảnh đất rộng khoảng 2000 mét vuông làm điểm tu tại gia. Năm 2015 bà Cúc cho ông Lê Tùng Vân tu sửa khu đất và thành lập Tịnh thất Bồng Lai, vẫn nuôi trẻ mồ côi và tu tại gia.

Năm 2014, trong chương trình “Giọng hát nhí”, một em bé 12 tuổi (cũng mồ côi) tên là Lê Thanh Huyền Trân từ Tịnh thất, trong trang phục áo nâu sòng, đi thi hát, và ca khúc em chọn là “Còn tuổi nào cho em” của Trịnh Công Sơn. Huyền Trân trở nên nổi tiếng.

The Voice Kids: Huyền Trân hát nhạc Trịnh cảm xúc sâu lắng
Lê Thanh Huyền Trân (12 tuổi) trong chương trình “The Voice Kids”
Huyền Trân trình bày xuất sắc ca khúc Còn tuổi nào cho em

2017

Năm 2017, hai thí sinh từ Tịnh thất là Lê Thanh Hoàn NguyênLê Thanh Nhất Nguyên (còn gọi là “sư thầy triệu view” vì kênh Youtube của họ có nhiều người xem và khen) tham gia chương trình ca nhạc trên Đài truyền hình Vĩnh Long, và họ cũng chọ nhạc Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, vài quan chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng họ “giả tu”. Sau đó, ban tổ chức chương trình đính chánh lại thông, và hai thí sinh đã rút khỏi chương trình.

2 thí sinh Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên không phải nhà sư | Tin tức mới nhất  24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn
Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên (“sư thầy triệu view”)

2018

Ngưỡng mộ tài năng của Huyền Trân, Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên, một nhà hảo tâm ở Úc muốn bảo trợ họ sang trình diễn ở Úc. Tuy nhiên, viên công an địa phương đòi tiền hối lộ (150 triệu mỗi người) thì mới làm giấy chứng minh nhân dân. Họ không có tiền. Chuyến đi Úc không thành.

Tháng 7/2018, 5 chú tiểu tuổi 3-4 của Tịnh thất (Pháp Tâm, Trí Tâm, Ngọc Tâm, Nghi Tâm,Minh Tâm) tham gia chương trình truyền hình “Thách thức danh hài”. Họ được trao giải thưởng cao nhất của chương trình, và xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận là “Nhóm hài nhỏ tuổi nhất”. Kênh Youtube của 5 chú tiểu này có hơn 80 triệu view.

Hoàn cảnh đáng thương của 5 chú tiểu "ẵm" giải 100 triệu ở “Thách thức danh  hài” | Báo Dân trí
Hoàn cảnh đáng thương của 5 chú tiểu “ẵm” giải 100 triệu ở “Thách thức danh hài” (Nguồn: Dân Trí)

2019

Tháng 9/2019, Võ Thị Diễm My là bạn của Lê Thanh Huyền Trân ghé thăm Tịnh thất muốn tu hành. Tuy nhiên, Diễm My qui y ở một nơi khác.

Ngày 13/10/2019 ba má của Diễm My là Võ Văn ThắngĐoàn Thị Tuyết Mai cùng một nhóm người xuống Tịnh thất tìm con gái mình. Những kẻ này đập phá tài sản của Tịnh thất, và hành hung, gây thương tích 13% cho Lê Thanh Nhị Nguyên.

Mẹ đơn thân bất ngờ ném gạch vào người của Tịnh thất Bồng Lai và sự thật  phía sau
Lê Thanh Nhị Nguyên bị Châu Vinh Hóa (người của Võ Văn Thắng) ném đá nhọn gây thương tích 13%

Ngày 24/10/2019 và 26/10/2019, có thêm một nhóm khác từ Sài Gòn xuống Tịnh thất tìm Diễm My, và cũng đập phá, hành hung người của Tịnh thất. Lần này họ ăn trộm 305 triệu đồng của Tịnh thất.

Ngày 12/12/2019, công an mời bà Cao Thị Cúc, Diễm My và vợ chồng ông Võ Văn Thắng lên làm việc. Nhân dịp này, công an bắt cóc Diễm My, đưa lên xe cứu thương, và giao cho ông Thắng và bà Mai.

2020

Đầu năm 2020, tịnh thất này đổi tên là “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” (sẽ gọi tắt là “Thiền Am”).

Tháng 7/2020, một người giả vờ là nhà hảo tâm ghé Thiền Am để tặng quà. Sau này người đó khai là bị nhiễm Covid-19, và công an buộc tất cả 17 người trong Thiền Am đi cách li tập trung.

Lợi dụng cách li, công an đã lấy máu của 17 người và phân tích DNA. Việc lấy máu mà không được sự ưng thuận của nạn nhân là phi pháp và vi phạm quyền riêng tư rất nghiêm trọng. Kết quả phân tích vẫn chưa được công bố.

2021

Ngày 4/11/2021, sau nhiều lần livestream thoá mạ và vu cáo những người trong Thiền Am, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng Lò Vôi) dẫn một nhóm người xuống Thiền Am để “thăm”. Có nhiều người hiếu kì và youtuber vay quanh trong khi Long An đang trong lúc đại dịch. Thiền Am không tiếp bà Hằng. Sau đó, bà tiếp tục livestream tấn công Thiền Am, nhưng nhà cầm quyền làm ngơ.

Ngày 5/11/2021, một viên chức Bộ Nội Vụ tên là Nguyễn Tiến Trọng cho rằng “Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.”

Ngày 9/12/2021, toà án địa phương xử bà Hoá 2 năm từ tro và bồi thường 8 triệu đồng. Bà Hoá là người tháp tùng Thắng và Mai vào năm 2019, và là thủ phạm tấn công gây thương tích nghiêm trọng cho Lê Thanh Nhị Nguyên.

2022

Ngày 4/1/2022, Sau khi khởi tố vụ án liên quan đến việc “lợi dụng tôn giáo để trục lợi từ thiện”, công an huyện Đức Hòa và Công an tỉnh Long An đã bao vây Thiền Am, cắt điện thoại, cắt internet của họ.

Ngày 5/1/2022, nhà cầm quyền địa phương khởi tố những cá nhân ở Thiền Am thêm hai tội danh: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “loạn luân”.

Ngày 7/1/2022, báo chí Nhà nước đồng loạt loan báo rằng công an tỉnh Long An chính thức xác định đã khởi tố 4 người tại Tịnh thất Bồng Lai vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Không còn tội loạn luân và lợi dụng tôn giáo.

Bốn người đó là Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi). Cho đến nay (12/1/2022) họ không được tiếp xúc luật sư.

Đọc thêm

Để tìm hiểu về Thiền Am một cách khách quan, tôi đi đến kết luận là không thể và không nên dựa vào nguồn báo của Nhà nước. Lí do đơn giản là loại ngôn ngữ họ sử dụng đầy tính thiên vị, một chiều, xách mé, có khi vô giáo dục.

Nguồn đáng tin cậy hơn là từ những người trong cuộc hay người am hiểu câu chuyện. Dưới đây là một số đường link có những thông tin độc lập và có chứng cứ khá rõ ràng:

[1] Về ông Lê Văn Tất, thân phụ ông Lê Tùng Vân:

[2] Fb của Lê Thanh Minh Tú, người con nuôi của ông Lê Tùng Vân.

https://www.facebook.com/hantuongtu.kubjn

Phỏng vấn Lê Thanh Minh Tú (từ phút 3:45)

[3] Bài viết về Tịnh thất Bồng Lai của Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt

[4] Tóm tắt câu chuyện cề Thiền Am (Tịnh Thất Bồng Lai), có nhắc đến ông Thích Nhật Từ:

[5] Toàn bộ câu chuyện về Thiền Am:

[6] Trả lời những câu hỏi về Thiền Am từ Hương Xa (một youtuber):

[7] Ai là người đã hại Thiền Am?

Phút 3:00 “Thượng toạ Thích Nhật Từ có công rất lớn” vì ông kêu gọi Phật Tử kí vào đơn tố cáo tập thể Thiền Am.

Ai là người đi theo ông Thích Nhật Từ?

Phút 4:00

[8] Ông Thích Nhật Từ hợp tác cũng nhân vật Võ Văn Thắng (video của Diễm My, con ông Thắng)

[9] Video nói về ông Thích Nhật Từ

(từ phút 9:50)

[10] Video cho biết ông Thích Nhật Từ ‘đánh gậy’ cô Hương Xa:

[11] Video về ông Thích Nhật Từ ‘báo cáo’ cô Hương Xa:

[12] Thêm video về ông Thích Nhật Từ vu khống cô Hương Xa:

Một video khác của Hương Xa về ông Thích Nhật Từ liên quan đến những phát biểu của ông và đạo Công giáo và bình luận về tình dục:

[13] Clip về Võ Văn Thắng (ba đẻ Diễm My) nói mua chuộc công an để hại Thiền Am, mướn một thám tử tư 100 triệu đồng để hại Thiền Am, sau khi cho rằng không có loạn luân trong Thiền Am.

Phút 0:49 (chi tiền mua chuộc công an).  Phút 1:56 (“Cái sự thật là không có loạn luân”).  Phút 2:15 (“Dạ, hại Thiền Am 100 triệu thì em làm. Sẵn sàng dùng tiền để đánh gục Thiền Am”)

[14] Báo Sức khoẻ & Đời sống đưa tin sai ra sao?

https://www.youtube.com/watch?v=o_LowRo2eQA (từ phút 2:30)

Hội thảo về môi trường, công nghệ và sức khoẻ

Xin thông báo đến các bạn rằng ngày 13/1/2022 (ngày mốt) sẽ khai mạc một hội thảo thường niên về môi trường, năng lượng, công nghệ và sức khoẻ (gọi tắt là EIER) tại Hà Nội (qua zoom).

Đây là hội thảo EIER lần 3, và chủ đề lần này là “Sustainability for resilience, and resilience for sustainability” (chưa biết dịch sao). Hội thảo gồm có 7 bài báo cáo mời, 12 bài báo cáo khoa học, và phiên thảo luận mở. Cá nhân tôi đóng góp một bài về ảnh hưởng của mật độ dân số đối với dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong phiên thảo luận mở, tôi sẽ nói một bài về công bố khoa học. Chủ đề của bài này là làm thế nào để công bố nghiên cứu trên các tập san có ảnh hưởng cao (How to get published in high-impact journals). Bài của tôi sẽ diễn ra vào lúc 14:00 – 14:40 (giờ Việt Nam). Bạn nào quan tâm đến học PhD và công bố khoa học nên tham dự phiên thảo luận này. Hội thảo năm nay có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Việt Nam, Úc, Mĩ, Anh, và Ấn Độ. Có cả Giáo sư Dương Quang Trung, một ngôi sao sáng chói ở Queen’s University (Anh). Nhưng đặc biệt hơn hết là có sự tham gia biểu diễn văn nghệ của 2 nhạc sĩ lừng danh Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên (ĐH Quốc gia Úc) và Giáo sư Salil Sachdev (Bridgewater State University, MA, Mĩ).

Chắc chắn sẽ là một hội thảo hào hứng.

Chi tiết báo cáo (abstracts), diễn giả, và chương trình hội thảo có thể xem qua ở đây:Kính mời các bạn quan tâm tham dự. Không cần ghi danh / đăng kí.

Ban tổ chức của ĐHQG Hà Nội sẽ rất hân hạnh chào đón các bạn.

_____

Đường link để tham dự (không cần đóng phí): https://us06web.zoom.us/j/85934391346 (passcode: 265954767).

Qui trình khoa học và kết án

Nghĩ lại tôi thấy qui trình nghiên cứu khoa học và kết án rất giống nhau. Nguyên lí căn bản là người bị tình nghi không có nhiệm vụ phải chứng minh mình vô tội, bởi vì họ vô tội cho đến khi nào bị kết tội.

Trong khoa học, để biết một loại thuốc có hiệu quả hay không, chúng ta phải ứng dụng qui trình kiểm định giả thuyết (test of hypothesis). Theo đó, chúng ta phải bắt đầu bằng giả thuyết rằng thuốc KHÔNG có hiệu quả (còn gọi là ‘giả thuyết vô hiệu’). Bước 2 là làm thí nghiệm để thu thập dữ liệu cho thật tốt. Bước 3 là phân tích dữ liệu, và tính toán xác suất dữ liệu xảy ra nếu giả thuyết vô hiệu đúng. Bước 4 là kết luận: nếu xác suất thấp thì bác bỏ giả thuyết vô hiệu, và tạm kết luận rằng thuốc có hiệu quả; nếu xác suất cao thì phải chấp nhận giả thuyết vô hiệu, tức thuốc không có hiệu quả.

Qui trình xử án tôi thấy cũng giống như qui trình kiểm định giả thuyết trong khoa học. Bước đầu, nhà chức trách phải giả định rằng bị cáo VÔ TỘI (giống như giả thuyết vô hiệu). Bước kế tiếp là công tố viên thu thập bằng chứng liên quan, kể cả làm xét nghiệm sinh hoá — nếu cần — để có thêm chứng cứ khách quan. Bước 3 là bồi thẩm đoàn / toà án xem xét và đánh giá bằng chứng: nếu bằng chứng nhứt quán với giả thuyết vô tội thì phải tuyên bố bị cáo vô tội; nếu bằng chứng nhứt quán với tội trạng thì toà tuyên án bị cáo có tội.

Như vậy qui trình kiểm định giả thuyết khoa học rất giống như qui trình kết án. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: trong nghiên cứu khoa học, khi dữ liệu có xác suất dưới 1% hay 5% là có thể bác bỏ giả thuyết vô hiệu, còn trong tuyên án thì xác suất phải là 0, tức không thể nghi ngờ (beyond reasonable doubt).

Trong qui trình trên, giả thuyết vô hiệu (thuốc không có hiệu quả, bị cáo vô tội) phải được duy trì cho đến khi có kết luận. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội (bởi vì họ vô tội cho đến khi kết án có tội — “innocent until proven guilty”. Việc chứng minh tội thuộc về công tố viên.

Vậy mà ở Việt Nam có xu hướng báo chí và dư luận thường buộc tội người ta dù toà chưa tuyên án. Có khi dư luận hùng hổ chỉ tay về phía người bị tình nghi là “ngươi phải chứng minh ngươi vô tội”! Thật là … kì cục! Một xã hội văn minh không thể hành xử như vậy được.

Tôi có nhiều bạn bè là nhà báo trong và ngoài nước. Các bạn nhà báo ngoài Việt Nam thì hành xử rất chuyên nghiệp, có lẽ vì họ có kinh nghiệm từ thời trước 1975 và tuân thủ theo luật pháp địa phương ở bên này. Các bạn ở trong nước cũng đều tử tế, họ hành xử theo các qui ước đạo đức của nghề báo. Nhưng tôi e ngại khi thấy vài nhà báo (thường trẻ tuổi) có vẻ quá ‘nhiệt tình’ và thiếu kiên nhẫn nên có những bài viết kết án người ta, và nhiều khi xâm phạm đến quyền riêng tư của người ta. Những thông tin về tên, nơi cư trú, bệnh lí, mối quan hệ, v.v. có khi bị tung lên báo mà hình như giới quản lí báo chí chẳng có biện pháp gì để hạn chế tình trạng đó.

Tôi nghĩ cái qui trình kiểm định giả thuyết trong khoa học cũng có thể ứng dụng cho giới báo chí. Tức là người tình nghi không có nhiệm vụ phải chứng minh họ vô tội, và phải giả định người tình nghi vô tội cho đến khi bị tuyên án. Một cáo buộc không phải là bằng chứng cũng chẳng phải là một phán quyết. Ngôn ngữ báo chí văn minh nên phản ảnh cái nguyên lí căn bản đó.