Tuần qua tôi có một tin mừng trước là cho cá nhân tôi và sau là cho cộng đồng: tôi được bầu làm Fellow của Royal Society of New South Wales [1]. Tôi rất vinh hạnh là người gốc Việt đầu tiên bước chân vào cái thiết chế 200 năm tuổi này.

Royal Society of New South Wales (RSNSW, www.royalsoc.org.au) là một viện học thuật hay cũng có thể gọi là viện hàn lâm lâu đời nhứt của Úc. Viện được thành lập y chang như phong cách và cơ cấu tổ chức của Royal Society bên Anh. RSNSW được thành lập vào năm 1821 với cái tên lúc đó là ‘Philosophical Society of Australia’, là nơi hội tụ các nhân vật elite trong xã hội bàn ‘chuyện trên mây.’ Cuối năm 1866, Viện được Nữ Hoàng Victoria ‘ban phước lành’ và đổi tên là ‘Royal Society.’ Tính đến nay RSNSW đã 200 năm tuổi.
Khác với các nước XHCN, hàn lâm viện ở các nước phương Tây không phải là một trung tâm nghiên cứu khoa học. Hàn lâm viện ở Úc (hay ở Mĩ, Anh) có thể xem là một tổ chức ‘advocacy’. Rất khó dịch một cách thoát ý chữ advocacy sang tiếng Việt, nhưng nó có thể hiểu là một tổ chức xiển dương khoa học, đóng vai trò tư vấn cho chánh phủ và xã hội nói chung về các vấn đề liên quan đến khoa học. Mà, để tư vấn có hiệu quả thì những thành viên của hàn lâm viện phải là những người có vai vế trong khoa học (nói theo tiếng Anh là ‘accomplished scientists’). Do đó, được bầu vào hàn lâm viện được xem là một phần thưởng hay một ‘honor’.
RSNSW như nói trên là nơi hội tụ của giới elite Úc trong lãnh vực khoa học, y học, nghệ thuật, và nhân văn. Khi tôi tham dự buổi lễ induction (giống như kết nạp đảng) đầu tuần thì thấy toàn là các nhân vật quyền lực trong xã hội mà mình đã nghe qua từ lâu. Đa số đều có huân chương hay giữ những chức vụ quan trọng trong chánh quyền, quân sự, khoa học, các tập đoàn kinh tế, và cộng đồng. Đa số là nam giới và hơi … già. Tôi không nghĩ mình già, nhưng quả thật đa số fellow của RSNSW đều già tuổi hơn tôi.
Hiện nay, RSNSW chỉ có chừng 400 (?) fellow, và nhìn qua danh sách tôi không thấy người gốc Việt nào. Tức là 200 năm từ ngày hàn lâm viện được thành lập và 50 năm từ ngày người Việt định cư ở Úc, tôi là người gốc Việt bước chân vào Viện này. Đó là một vinh hạnh cho cá nhân tôi, và tôi nghĩ cũng là một dấu ấn về sự hội nhập của của cộng đồng người Việt tại Úc.
Người đề cử tôi là một giáo sư của UTS, sau khi nghe tôi nói chuyện trong một seminar. Ông giáo sư này đã là Fellow của RSNSW. Quá trình bình duyệt và bầu kéo dài 6 tháng. Ngày tôi được bầu vào RSNSW, ông Hiệu trưởng UTS có một lá thư chúc mừng đọc rất ấm lòng. Anh Hiệu trưởng UNSW (trước đây là Hiệu trưởng UTS) cũng là một Fellow và cũng viết cho tôi một lá thư chúc mừng. Thật dễ thương!
Như bất cứ ai được bầu vào một hàn lâm viện như thế này, tôi phải nghĩ đến tương lai: mình sẽ đóng góp cái gì. Tôi nghĩ mình sẽ nói nhiều hơn về nghiên cứu y khoa và những khó khăn. Tôi sẽ thay mặt đồng nghiệp để nói về tình trạng các đồng nghiệp nghiên cứu y khoa đang đau khổ với chánh sách của các chánh phủ liên bang. Khi có dịp, tôi nghĩ RSNSW phải lên tiếng trước cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraina, và cái này thì tôi rất ư là tâm huyết. Mình có may mắn bước chân vào thiết chế như thế này thì phải nói thay cho các bạn không/chưa có cơ hội.
Năm nay, như một số bạn biết, là tròn 40 năm tôi đã định cư ở đây (và 41 năm xa quê hương). Nói ‘quê hương’ thì có vẻ cảm tính, nhưng trong thực tế tôi đã gọi Úc là quê hương thứ hai 40 năm nay rồi và sẽ vẫn là quê hương của quãng đời còn lại. Bốn mươi năm nghe qua thì có vẻ là một thời gian dài, nhưng nhìn lại những chặng đường mình đã đi qua thì đúng như là một thoáng thời gian mà thôi. Ngày mình đến đây là một thanh niên, và vụt một cái, mình đã bước vào mùa thu của cuộc đời.
Bốn mươi năm qua, người Việt ở đây đã đóng góp cho xã hội Úc rất đáng kể. Hầu như trong lãnh vực nào — từ khoa học, giáo dục đến chánh trị — đều có những dấu ấn của người tị nạn. Tôi muốn nghĩ rằng mình cũng đã cống hiến và góp phần làm rạng danh cho cho quê hương thứ hai này trên trường quốc tế. Cái lợi thế của những người như tôi (có hai quê hương) là cái gì mình đóng góp cho quê hương bên này cũng có thể xem là của quê hương bên kia bởi vì mình vẫn mang họ … Nguyễn. 🙂
Bốn mươi trước, khi đặt chân đến đây mình là một ‘boat people’. Bốn mươi năm sau, kẻ boat people đó được bầu vào Royal Society of NSW. Chỉ là một thoáng thời gian, nhưng là một hành trình tương đối dài để đền ơn đáp nghĩa cho nơi đã cưu mang mình.
____
[1] https://royalsoc.org.au/submit-bulletin-documents/2022-issues/386-461-april/file
Chúc mừng GS và cộng đồng ta ở xứ người. Thật vinh dự !
LikeLike