Kể chuyện miền Tây 4/2022

Việt Nam sau trận đại dịch có nhiều đổi thay: vật đổi sao dời, người còn kẻ mất. Dưới đây là vài ghi chép sau một chuyến đi 10 ngày ở Sài Gòn và miền Tây. Tôi thấy nông thôn miền Tây mình ngày nay giống như nông thôn Thái Lan của 40 năm trước.

Sau 2 năm vì dịch bệnh, tôi có một chuyến ‘xuất ngoại’, và chuyến này lại đi Việt Nam. Vậy mới hay! Chuyến đi vì công việc và đầy ấp lịch làm việc, nhưng tôi cũng may mắn đi lại một vài ngày ở miền Tây. Trước hết là về quê Kiên Giang, ra Rạch Giá thăm bạn bè. Sau là đi Cần Thơ, băng ngang qua Hậu Giang (trước 1975 là Chương Thiện) để đến Tây Đô Cần Thơ. Rồi lưu lại Cần Thơ 2 đêm để dự hội thảo, và lại hẹn hò bè bạn. Sau đó là lên Sài Gòn làm việc suốt 7 ngày liền, trước khi bay về Sydney.

Cần Thơ sau đại dịch Covid-19 và ‘review’ Khách sạn VinPearl Cần Thơ

Rất vui là gặp lại bạn bè, ai cũng sống sót qua trận đại dịch. Ở Úc, ngày đầu vào làm labo/office và họp mặt, tụi tôi thường hay nói đùa (mà thật) là chúng ta đã may mắn cón sống sót qua cơn đại dịch. Một số đồng nghiệp đã vĩnh viễn ra đi vì Covid, nhưng một số lớn khác thì về hưu non hay nằm trong diện gọi là VSP (tức là cho nghỉ việc trước khi xong hợp đồng). Ở đại học tôi công tác, số người ra đi vì VSP lên đến con số 600 người, và rất nhiều người có hàm giáo sư, giảng sư, giảng viên. Thành ra, còn sống sót — theo cả hai nghĩa đen và bóng — là một phước đức ông bà để lại rồi. Gặp lại các bạn ở VN còn sống sót là mừng lắm rồi.

Nhiều bạn gặp tôi và nhận xét rằng “Ông vẫn vậy.” Không hẳn đâu. Bề ngoài thì vẫn vậy, nhưng sức khỏe cũng có vài thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Chẳng hạn như lên cân. Chẳng hạn như nồng độ LDL tăng bất chợt. Chẳng hạn như khi Bs Phương ‘đè’ ra chụp CT thì tôi mới thấy xương mình bị thoái hóa khá bộn. (Nó đúng với khái niệm “Skeletal Age” mà tôi đề xướng). Do đó, nhìn bề ngoài ổn định, đi lại nhanh nhẹn, ai cũng tưởng là ok, nhưng “thấy vậy mà không phải vậy”. Dù gì thì tôi cũng phải cảm ơn các bạn đã tận tình chăm sóc tôi trong thời gian ngắn ở Sài Gòn.

Sau 10 ngày ở trong nước, tôi thấy gì và nghĩ gì? Nhiều bạn hỏi tôi câu đó. Chính tôi cũng tự hỏi mình như vậy. Câu trả lời là ‘chẳng thấy gì cả’. Thấy sao hết được khi mình chỉ có 10 ngày, và trong thời gian đó thì 7 ngày là ở trong phòng học rồi. Thành ra, những gì tôi ghi lại dưới đây chỉ là cảm nhận thôi: cảm nhận của một người có dịp về quê và trò chuyện cùng bà con, bạn bè.

Một buổi nhậu ở miền Tây. Sau khi đi thăm ruộng xong thì mặt trời đã lên cao, và bà con bắt đầu gầy sòng. Hôm về quê, anh họ tôi bắt cá và làm lẩu mắm và mắm ruột đãi tôi. Đây chỉ là một góc sân nhà của anh họ tôi (bà nội anh ấy là chị ruột bà ngoại tôi), rất mát mẻ vì đầy bóng cây. Con rạch này chỉ có chừng 100 căn nhà và đại đa số thuộc dòng họ tôi, nhưng khi đại dịch tới thì cả xóm bị xáo trộn cả.
 
Tôi hay khoe với bạn bè ở Úc và Sài Gòn là khi nào có dịp về Rạch Giá với tôi, tôi sẽ dẫn vào con rạch này để thăm nhà bà con. Muốn nhậu ở nhà nào cũng được, vì đa số là bà con cả và ai cũng chào đón tôi.

Đường về miền Tây

Trước hết là chuyện đường xá. Tôi lúc nào cũng quan tâm đến con đường từ Sài Gòn về miền Tây, bởi đó là vùng đất bị thiệt thòi nhứt nhì ở Việt Nam. Trước đây, đường từ SG về Rạch Giá (chừng 260 km) mất khoảng 5-6 tiếng đồng hồ. Chỉ có một đọan ngắn là đường cao tốc Trung Lương (40 km), và sau đó là đoạn đường đau khổ trên Quốc Lộ 1. Đường thì hẹp, xe cộ thì đông, chưa kể xe gắn máy thì dập dìu nối đuôi trên khắp nẻo đường, rồi hai bên là nhà dân và hàng quán rất gần mặt lộ, vô cùng nguy hiểm. Thành ra, chuyến về miền Tây nào đối với tôi cũng là một nỗi kinh hoàng.

Đường từ Tây đi Sài Gòn sau đại dịch Covid-19

Nói chuyện đường xá miền Tây, tôi nhớ chuyện xưa có lần tôi diện kiến ông NPTrọng (lúc đó hình như là Chủ tịch Quốc hội). Ông ấy hỏi tôi có ‘nguyện vọng’ gì; tôi nói chẳng có nguyện vọng gì cả (tôi không ưa chữ ‘nguyện vọng’), chỉ có yêu cầu ­­mà thôi: yêu cầu xây dựng đường cao tốc về miền Tây. Ổng nói ‘Tôi thấy đường miền Tây cũng tốt mà‘. Tôi kinh ngạc khi nghe ổng nói như vậy, và tôi biết dạo đó ổng chưa bao giờ đi thăm miền Tây. Mà nếu có đi thăm thì với kiểu cách tự mãn và tự cao đó chẳc gì ổng đã nói được với ai. Tuy nhiên, tôi nói vừa đùa vừa thật rằng ‘Có lẽ anh chưa đi về miền Tây bằng xe đò, vì nếu anh đi thì sẽ biết đấm lưng tự động nó như thế nào‘. Sợ ổng không hiểu nên tôi giải thích thêm rằng: ‘Đường xá miền Tây xấu lắm vì mấy chục năm qua chưa được Nhà nước quan tâm, dù đó là nơi nuôi cả nước‘. Dĩ nhiên là ổng đâu làm được gì và cũng không thể nói khác tôi, nên ổng bảo viên thư kí ghi lại lời phản ảnh. Tôi thì thừa hiểu ghi lại vậy cho vui thôi, chứ chuyện đâu thì cũng sẽ vào đấy. Nói chung, những cuộc gặp gỡ kiểu này chỉ là ngoại giao và làm mất thì giờ với nhau thôi.

Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, còn nay thì đã có chút thay đổi tích cực rồi. Ngày nay, đường từ SG về quê tôi ở Kiên Giang là 4 giờ đồng hồ, rút ngắn chừng 2 giờ. Lí do là các cây cầu lớn như Vàm Cống (do Hàn Quốc tài trợ, thiết kế và xây) và Cao Lãnh (ADB và Úc tài trợ và thiết kế) đã được đưa vào sử dụng, cộng với đường cao tốc mới. Vẫn đi qua đoạn đường Trung Lương, nhưng từ đó nối liền với Quốc Lộ 1A, và băng qua Đường Xuyên Á về tới Rạch Giá. Tuy gọi là ‘cao tốc’ nhưng xe chạy chỉ với tốc độ 70-80 km/giờ mà thôi. Nhiều đoạn đường vẫn còn gập ghềnh lắm, chẳng phải là ‘cao tốc’ gì đâu. Dù gập ghềnh như vậy, nó cũng rút ngắn thời gian đáng kể cho hành khách. Trong tương lai gần, khi đoạn đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng thì đường từ SG về Rạch Giá có thể chỉ còn 3 tiếng đồng hồ. Đó là một thay đổi tương đối tích cực.

Môi trường miền quê

Cũng như những năm trước, tình trạng ô nhiễm môi sinh ở miền quê càng ngày càng nặng nề và nghiêm trọng hơn. Những con sông hoặc là đã chết, đang chết hay sắp chết. Không chỉ là những con sông, mà còn là những kênh rạch, là nguồn sống của người dân miệt quê cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Cá tôm dưới sông rạch không còn nữa, hay có còn thì cũng chỉ là những con nhỏ xíu mà thôi. Ngày xưa, mỗi lần dỡ chà là mỗi lần tiệc đình đám, vì bắt được những con tôm càng lớn và cá thì ôi thôi đủ loại. Thời đó, chẳng ai ăn mấy con cá nhỏ hay cá lòng tong, nhưng ngày nay thì tất cả đều không thoát bàn tay của con người.

Sợ nhứt là vấn đề sử dụng chất trừ sâu ở đồng ruộng. Làm ruộng là phải dùng hóa chất trừ sâu, diệt cỏ. Như là một qui luật Darwin, sâu cỏ càng ngày càng tiến hóa độc hại hơn và phức tạp hơn, và nông dân buộc phải dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ ‘mạnh’ hơn. Hậu quả là hệ sinh thái ở miền Tây bị tổn hại. Cá tôm trên đồng ngày càng hiếm, một phần là do tình trạng “xiệt điện”, nhưng phần lớn là do làm dụng thuốc trừ sâu. Anh họ tôi nói, có những loại thuốc trừ sâu diệt cỏ từ Tàu độc hại đến nổi một con ếch nhảy xuống vũng nước mới xịt thuốc là có thể chết ngay! Nghe mà phát kinh.

Dư chất của thuốc từ sâu diệt cỏ trên ruộng sẽ đi đâu? Sẽ chảy xuống sông. Vậy là sông đã ô nhiễm thì càng ô nhiễm hơn. Bởi vậy, có cá tôm nào mà sống nổi trong môi trường đó. Sông là nguồn sống của con người, mà sông ô nhiễm thì chúng ta dễ đoán được hậu quả của sức khỏe cộng đồng ra sao. Ở miền quê ngày nay có rất nhiều “bệnh lạ” (theo cách nói của dân miệt quê) nhưng thật ra là những bệnh là hậu quả của ô nhiễm môi trường. Ung thư càng ngày càng phổ biến ở các cộng đồng miền Tây. Tôi chỉ ngồi quán cà phê chừng 1 tiếng đồng hồ là đã nghe qua ít nhứt 10 câu chuyện về bệnh ung thư và những cái chết vì ung thư ở dân làng tôi. Một anh hàng xóm mới qua đời ở tuổi 72 vì ung thư phổi và tiểu đường. Tôi nghĩ tình trạng xuống cấp về môi trường là một trong những mối đe dọa lớn nhứt đến kinh tế và sức khỏe ở Việt Nam. Điều đáng nói là dân chúng chẳng mấy ai quan tâm và quan chức thì càng ít quan tâm vì họ có mối bận tâm khác.

Cống ngăn mặn

Ở tỉnh tôi có cái cống ngăn mặn sông Cái Lớn, mà có khi báo chí gọi là “Siêu Cống”. Tôi chưa có dịp ghé quá cái cống này, nhưng biết rằng nó rất lớn. Lúc có dự án xây dựng thì đã có các chuyên gia bàn tán về tác hại của nó. Nhưng ở Việt Nam, Nhà nước đã quyết định là họ làm, còn các bàn tán, ‘góp ý’ chỉ là hoa lá cành, làm cho mấy người gọi là ‘trí thức’ thấy vui vì có tiếng nói, chứ Nhà nước vẫn làm bất chấp ý kiến của chuyên gia. Chắc chắn là trước khi xây dựng, người ta cũng làm mô phỏng và đánh giá, nhưng không rõ có sự phản biện và đánh giá độc lập hay chỉ là những tiếng nói của giới ‘trí thức cung đình’.

Cống Cái Lớn đã được đưa vào sử dụng và đúng là nó có hiệu quả ngăn mặn, giúp cho bà còn làm ruộng ở khía cạnh nào đó tốt hơn. Nhưng hậu quả là nó làm thay đổi dòng chảy của mấy con sông xuất phát từ Cái Lớn. Chẳng hạn như con sông trước nhà tôi ngày nay nó cứ lình bình, và khái niệm nước lớn nước ròng không còn nữa. Hậu quả là sự ô nhiễm càng ngày càng trầm trọng hơn, và cá tôm càng khó có nôi sinh sống. Đã có nhiều người dân than phiền là vài con sông rạch bắt đầu hôi thúi, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, chắc phải vài năm nữa thì cái lợi và cái hại của cái cống khổng lồ này mới đánh giá hết được.

Đô thị hóa nông thôn

Miền Tây về bản chất vẫn là miền quê, nhưng tốc độ đô thị hóa diễn ra một cách chóng mặt. Con đường từ Rạch Sỏi về quê tôi, qua Minh Lương và Chắc Kha, ngày xưa hai bên đường là đồng ruộng xanh rì, nhưng ngày nay hàng quán san sát nhau, y chang như thị xã vậy. Có những đoạn đường tôi không thể nhận ra vì hoàn toàn bị đô thị hóa.

Những con đường làng có từ thời VNCH, sau 45 năm ‘giải phóng’, cũng được nâng cấp để xe hơi có thể đi được. Thật vậy, con đường vào làng tôi ngày xưa chỉ đi xe gắn máy, nhưng nay thì được mở rộng để 2 chiếc xe auto có thể đi được. Khi đường xá được mở rộng thì hàng quán cũng mọc lên, kéo theo các dịch vụ cho dân làng, và hệ quả là cái làng quê êm ả ngày nào nay trở nên … ồn ào. Ban ngày thì dưới sông ghe thuyền tấp nập qua lại, trên lộ thì xe cộ dập dìu; ban đêm thì karaoke vang trời, làm ‘biến dạng’ một làng quê tiêu biểu của miền Tây.

Nói cho ngay, những thay đổi trên cũng đem lại những phát triển tích cực cho người dân: kinh tế khá hơn. Đường về nhà tôi, hai bên đường có rất nhiều nhà mới xây bằng gạch và mái tole. Rất hiếm những căn nhà lá lụp xụp xưa kia. Hỏi ra mới biết là ‘tác giả’ của những căn nhà mới đó là những người công nhân làm việc ở những khu công nghiệp như Bình Dương, Long An, Sài Gòn, v.v. Đó là những người bỏ quê, bỏ đồng ruộng để đi làm công nhân trong các hãng xưởng. Làm công nhân có thu nhập tương đối ổn định hơn là làm nông dân vừa cực khổ vừa bấp bênh. Ngày xưa, khi về quê thấy căn nhà nào ‘hoành tráng’ thì đó là nhà có người đi vượt biên (Việt kiều) gởi tiền về xây. Còn ngày nay, nhà nào mới xây khang trang hơn thì thế nào cũng có yếu tố ‘vượt biên’, nhưng vượt biên trong nước.

Người hàng xóm tôi (vợ chồng anh Bình) ngày xưa có căn nhà do ba má để lại cũ kĩ nhưng ngày nay đã là một cơ ngơi khang trang, hoành tráng. Hỏi anh làm ăn ra sao, anh nói bằng tiếng Việt pha chút Khmer: “Tao nhờ hai thằng con, chớ tao làm ruộng đâu đủ tiền để xây.” Xây tốn bao nhiiêu tiền? Khoảng 1.5 tỉ đồng (tức 70,000 USD). Hỏi thằng nào ‘tài trợ’, anh nói một thằng con làm cho Viettel, một thằng làm cho công ti xây dựng ở Bình Dương và sau này về Rạch Giá, và chúng nó dành dụm tiền về xây nhà cho hai vợ chồng ảnh. Tôi nghe qua mà mừng thầm vì ít ra hai vợ chồng cũng có một cơ ngơi an hưởng tuổi già.

Trong quê tôi ngày nay có người đi làm ăn xa, rồi nay thành công và quay về giúp cho làng quê. Có người về với dự án xây cây cầu ngang sông, và lập công ti may mặc để tạo công ăn việc làm cho dân trong làng. Nghe những câu chuyện như thế làm tôi thấy ấm lòng về tấm lòng tương trợ của dân quê, và thỉnh thoảng cũng chạnh lòng nghĩ về vai trò của mình. Mình cũng đi xa, nhưng cho đến nay thì chẳng giúp ích gì cho dân làng mình …

Nhưng một người hàng xóm khác thì kém may mắn hơn và vẫn nghèo. Đó là một chị người Khmer, tuổi cỡ 70, không chồng, còn ba má chị ấy thì qua đời khá lâu, chỉ để lại vài công đất mà chị ấy cũng không có khả năng làm vì do bệnh tật. Ba má chị ấy là một ân nhân của gia đình tôi. Vì túng thiếu, chị ấy đòi bán đất hoài, nhưng tôi khuyên là không nên vì đó là mảnh đất của ba má chị ấy để lại, nên cứ giữ đó để cho người em (là thầy tu chùa Khmer). Khi nào chị ấy thiếu thì tôi tài trợ cho đến khi nào chị ấy trăm tuổi.

Mưu sinh ở miền Tây sông nước. Nhìn cái ghe tưởng như sắp chìm, nhưng rất … ok. Nhìn cảnh này thấy thương người dân xứ mình ghê nơi.

Chuyện Covid

Về Việt Nam nghe rất nhiều câu chuyện đau buồn và tang thương về Covid do chính người trong cuộc (bác sĩ, y tá) kể lại. Một trường tiểu học kia được ‘trưng dụng’ để cách li hàng 600 người, một số dương tính nCov nhưng đa số thì chỉ là phơi nhiễm (ở Việt Nam người ta gọi là ‘F1’). Chỉ có 2 bác sĩ mới ra trường và 6 y tá phụ trách. Không có thuốc điều trị. Họ chỉ cho những thuốc thông thường và nhìn người dân lần lượt ‘ra đi’. Đúng như ông bí thư TPHCM nói: tập trung người ta lại rồi đứng nhìn, chứ chẳng biết làm gì.

Nhưng vấn đề vệ sinh mới kinh khủng. Người bệnh và không bệnh nằm la liệt từ trong phòng ra ngoài góc đây, bụi cỏ. Cả trường tiểu học chỉ có 4 cái toilet cũ kĩ thì điều kiện vệ sinh cho 600 con người chỉ có thể mô tả là kinh khủng. Thế mới thấy cách chủ trương cách li thật là dã man.

Nhìn chung thì con virus Vũ Hán hoành hành ở vùng nông thôn ít hơn vùng thành thị. Trong những tháng đầu, thậm chí cả năm đầu, miền quê không bị ảnh hưởng bởi Covid. Nhưng sau khi có sự ‘hồi hương’ của những công nhân từ các khu công nghệ về quê và xét nghiệm đại trà thì Covid mới trở thành một mối quan tâm. Tuy nhiên, mức độ tác động của Covid ở miệt quê cũng không quá nặng nề như ở thành phố.

Ở miệt quê cũng có những chuyện covid cười ra nước mắt. Cái kênh LB dưới quê tôi dài chỉ chừng 2 km với chừng 100 căn nhà sống yên tĩnh. Ấy vậy mà khi những qui định về Covid về miệt quê thì cũng gây ra náo loạn và nhốn nháo một cách buồn cười. Mặc dù chẳng có ai bị Covid, nhưng người ta cho thiết lập 2 cái chốt để chận không cho người dân đi chợ hay đi lại thăm hỏi nhau. Phía sau nhà là đồng ruộng, nên thay vì đi bằng xe gắn máy, người ta đi ngang ruộng, ấy vậy mà cũng có người năng nổ ra chận lại. Chuyện người dân nhảy xuống sông trốn sau khi xét nghiệm cũng xảy ra và làm chuyện cười cho rất nhiều người. Đúng là Ngu dốt + Nhiệt tình = Phá hoại.

Tóm lại, Sài Gòn và miền Tây sau đại dịch đang dần dần ‘bình thường hóa’. Người dân hết sợ Covid rồi, vì có lẽ đa số đã bị Covid, tức là đã đạt miễn dịch cộng đồng. Đường xá Sài Gòn ngày nay chẳng khác gì so với thời tôi bước lên máy bay về Sydney vào đầu năm 2020 (tức đại dịch mới khởi phát), tức là cũng kẹt xe và rối bời. Tuy nhiên, nhiều hàng quán tôi hay lui tới thì hoặc là đã bị ‘thay tên đổi họ’, hoặc là biến mất, hoặc là đóng cửa. Đi về Rạch Giá và Cần Thơ, qua lưu lượng xe cộ và dòng người đi lại, cũng thấy tình hình kinh tế bắt đầu bình thường trở lại. Nếu lấy thang điểm từ 0 đến 10, tôi nghĩ mức độ bình thường hóa chắc cỡ 7-8.

Sài Gòn sau đại dịch Covid-19

Đó là một tín hiệu đáng mừng. Nền kinh tế khởi sắc tạo ra cơ hội cho nhiều người, nhưng chủ yếu là dân thành thị mà thôi. Còn ở miệt quê thì dù đã thay da đổi thịt từng ngày nhờ đồng tiền của công nhân, nhưng đa số vẫn ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ và cuộc sống của họ vẫn còn chật vật. Thành ra, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn hiện nay là rất lớn. Rồi dưới áp lức dân số, tình trạng ô nhiễm môi trường và xuống cấp môi sinh trong vùng ngày càng trầm trọng. Nếu là lãnh đạo có tầm thì khoảng cách nông thôn – thành thị và môi sinh phải là một mối bận tâm lớn, nhưng tôi sợ là giới lãnh đạo Việt Nam quá bận tâm đến chuyện nhiệm kì hơn là chuyện viễn kiến an sinh.

Cảm nhận chung của tôi là miền Tây ngày nay giống giống như nông thôn Thái Lan của hơn 40 năm trước. Bốn mươi năm trước, tôi đặt chân đến Thái Lan và kinh ngạc về sự phát triển nông thôn ở bên đó. Nhà cửa khang trang và đẹp (chứ không giống như nhà nghèo bên Việt Nam mình). Thời đó mà gần như nhà nào cũng có một chiếc xe bán tải chở hàng. Rất nhiều gia đình có con cái họ đi học đại học bằng xem Toyota Corolla! Đường xá (xa lộ) lớn và rất tốt.  Dĩ nhiên, nông thôn miền Tây cũng theo xu hướng đó, nhưng vẫn còn nghèo hơn Thái Lan nhiều. Tôi nhìn Thái Lan 40 năm trước, rồi nghĩ về miền Tây ngày nay và tự hỏi tại sao mình vẫn còn nghèo. Mỗi năm, miền Tây xuất khẩu được khoảng 15 tỉ USD (con số 2017, nhưng nay thì chắc cỡ 18 tỉ USD?) Không rõ số tiền đó đi về đâu, mà miền Tây suốt 45 năm sau ngày thống nhứt không có một con lộ gọi là ‘cao tốc’ và người dân vẫn còn nghèo, để lâu lâu có người lãnh đạo nhỏ một vài giọt nước mắt hay thốt ra vài chữ cảm thương. Tôi thì nghĩ dân miền Tây không cần sự thương cảm mà cần sự công bằng.

One thought on “Kể chuyện miền Tây 4/2022

  1. Lâu rồi em chưa đi Miền Tây lại, nay được Thầy mô tả lại, nhất là con đường về nó vẫn vậy cho đến tận Cà Mau.

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s