Vụ án Thiền Am: Đọc kết luận điều tra của công an Long An

LGT: Đây là một bài viết của một bạn đọc tên là Đặng Tín gởi cho tôi vài ngày trước, nhưng mãi đến hôm nay mới đọc xong. Tôi đã xin phép tác giả cho tôi biên tập và bỏ vài chỗ mà tôi nghĩ không liên quan hay ngôn từ có vẻ nặng nề.

Ngày 2/6/2022, sau khoảng 6 tháng điều tra, công an tỉnh Long An ra “Kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố” 6 bị can trong Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“. Sáu người này bị kết tội qua 5 video clip được phát trên youtube. Bài này sẽ điểm qua nội dung của 5 video đó và đặt trong bối cảnh để bạn đọc có một cái nhìn công tâm, và tự đánh giá xem họ có thật sự phạm tội đó.

Theo văn bản kết luận điều tra của công an tỉnh Long An, có 3 người / đối tượng đã nộp đơn tố cáo Thiền Am:

  • Ông Thích Minh Thiện (tên thật Trương Ngọc Toàn), Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An;
  • Ông Thích Nhật Từ (tên thật là Trần Ngọc Thảo). Ông Thảo là Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì Chùa Giác Ngộ tại TPHCM; và
  • Cơ quan công an huyện Đức Hoà.

Nội dung tố cáo của những người ‘bị hại’ trên là 5 video clip được phát hành trên Youtube trong thời gian từ 2019 đến 2021.

Cáo buộc 1: Mạo danh, mạo xưng, xúc phạm Đức Phật.

Ông Thích Minh Thiện trước đây qua những phát biểu trên hệ thống truyền thông của Nhà nước cáo buộc rằng ông Lê Tùng Vân (người đứng đầu Thiền Am) cùng những người ở Thiền Am là “giả sư” và Thiền Am là “giả chùa.” Tuy nhiên, trong đơn tố cáo chính thức thì ông Thích Minh Thiện tố cáo rằng Thiền Am mạo danh, mạo xưng, xúc phạm Đức Phật.

Chứng cứ: Ông Thích Minh Thiện dựa vào một video clip có tựa đề là Năm Chú Tiểu phần 2, người lớn mừng tuổi Thầy Ông Nội ngày mồng 1 Tết, ngày 2/7/2019, làm chứng cứ cho cáo buộc của ông.

Thật ra, video phản ảnh sinh hoạt trong Thiền Am nhân ngày mồng Một Tết, và trong đó có cảnh một số người lớn chấp tay lạy ông Lê Tùng Vân, người được gọi là “Thầy Ông Nội” trong Thiền Am.

Bàn luận: Khách quan mà nói, trong video không có một đoạn nào có thể xem là mấy người trong Thiền Am “mạo danh, mạo xưng, xúc phạm Đức Phật.” Việc xá lạy người lớn là một hành vi khá phổ biến ở miền Tây trong những ngày Tết, đám cưới, hay mừng thượng thọ. Lẽ tất nhiên, những câu “nam mô” không hề có ý nghĩa tôn ông Lê Tùng Vân là Đức Phật, mà chỉ là những câu tụng kinh rất phổ biến ở người tụ tại gia.

Mỗi gia đình hay tổ chức có những quy ước, quy định, thậm chí tục lệ riêng biệt, và Thiền Am cũng vậy. Việc xăm soi vào những hành vi mang tính tiểu tiết như cáo buộc của ông Thích Minh Thiện dĩ nhiên là quyền của ông ấy, nhưng từ xăm soi những tiểu tiết như thế mà nâng lên thành “tội” thì người viết bài này thấy tư cách tu sĩ của ông Thích Minh Thiện cần phải xem xét lại. Nếu là một sư quốc doanh thì tôi không bàn, nhưng nếu là tu sĩ Phật giáo thật sự thì ông có lẽ không xứng đáng.

Tôi nghĩ ngay cả khi Đức Phật có sống lại, Ngài cũng không nghĩ những hành vi như mô tả trong Thiền Am là mạo danh hay xúc phạm Ngài.

Cáo buộc 2: Thiền Am xúc phạm ông Thích Nhật Từ

Theo bản kết luận điều tra của công an tỉnh Long An, ông Thích Nhật Từ đệ đơn đề ngày 24/11/2021 tố cáo rằng ông Lê Tùng Vân và Lê Thanh Hoàn Nguyên đã “có lời nói xúc phạm cá nhân ông Thảo, làm nhiều video báng bổ Đức Phật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chứng cứ: Vẫn theo công an Long An bằng chứng là một video clip phát trên youtube ngày 5/8/2021. Trong video đó, bé Nghi Tâm bịt mắt đọc làu làu 541 câu kinh.

Trong đó, có một thông tin cho là xúc phạm danh dự cá nhân ông Thích Nhật Từ (không liên quan gì đến tôn giáo). Theo công an, bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên được cho rằng đã nói “Giáo hội nói đúng thì sư phụ nghe; Giáo hội nói tầm bậy thì sư phụ ngồi trước mặt cơ quan công an nói cái ông Thích Nhật Từ ngu như bò.”

Câu nói đó được cho là trích lại từ lời nói của ông Lê Tùng Vân. Câu nói đó được cho là một bình luận về những những lần ông Thích Nhật Từ lên mạng xã hội vu khống, bịa đặt, nói sai sự thật về bị can (tức Hoàn Nguyên) cùng những người khác tại Thiền Am. 

Bình luận: Câu hỏi mà các luật sư của Thiền Am đặt ra là dẫn lời nói từ người khác có phải là  vi phạm pháp luật hay không? Chẳng hạn như luật sư dẫn lời của ông Lê Tùng Vân thì luật sư có vi phạm luật pháp? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời thoả đáng, bởi khó xác định là câu nói nào đó đã thật sự thốt ra (vì không có ghi âm).

Bàn ngoài lề, những ai từng đọc triết lý Phật chắc biết rằng hơn 2000 năm trước, Đức Phật cũng từng bị vu khống gian dâm, thậm chí sát nhân, nhưng Ngài rất bình thản, im lặng và không giải thích. Người tu thật không sợ đến cái gọi là ‘xúc phạm uy tín’; họ cần giữ sạch cái thân, khẩu, và ý.

Tuy nhiên, các luật sư đại diện Thiền Am cho biết rằng có bằng chứng ghi âm và ghi hình cho thấy ông Thích Nhật Từ quả thật đã vu khống, bịa đặt và xúc phạm những người trong Thiền Am. Trong một video thuyết pháp được phát tán từ youtube và các nền tảng xã hội khác, trước rất nhiều người nghe và [có lẽ] hàng triệu người xem, ông Thích Nhật Từ nói rằng những người trong Thiền Am phạm tội loạn luân. Ông dẫn lại lời của báo chí Nhà nước và nhà chức trách khẳng định rằng những người trong Thiền Am là loạn luân, và nhà chức trách chưa muốn công bố vì nhân đạo mà thôi. Ông Thích Nhật Từ còn đe doạ rằng ai dám phản đối thì ông sẽ phanh phui sự thật này. Nhưng những phát biểu đỏ của ông Thích Nhật Từ hoàn toàn là bịa đặt, vì Thiền Am không hề phạm tội loạn luân.

Dĩ nhiên, ông Thích Nhật Từ không có tư cách để kết tội ai, nhưng ông có khả năng ám sát nhân cách người khác. Ông là một quan chức cao cấp trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Lời nói lấp lửng của ông cũng là một bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu những người trong Thiền Am. Đó là nhận định của luật sư đại diện Thiền Am.

Những trẻ em trong Thiền Am sẽ trưởng thành và sẽ có lúc nghe những lời nói này từ ông Thích Nhật Từ thì sẽ là một vết thương tâm lí rất lớn, và ông Thích Nhật Từ nợ một lời xin lỗi Thiền Am rất lớn.

Cáo buộc 3: Thiền Am xúc phạm uy tín công an huyện Đức Hoà

Công an huyện Đức Hoà tố cáo rằng những người trong Thiền Am đã “xúc phạm uy tín của công an huyện Đức Hoà.” (Trang 2).

Bối cảnh: Để tỏ tường ‘câu chuyện’ có lẽ cần phải điểm qua những sự việc dẫn đến cáo buộc này. Võ Thị Diễm My là con gái của ông Võ Văn Thắng và Đoàn Tuyết Mai. Tháng 9/2019, Diễm My, là bạn của Lê Thanh Huyền Trân (một trẻ mồ côi trong Thiền Am), ghé thăm Thiền Am tỏ ý muốn tu tập tại đây. Tuy nhiên, Diễm My đã qui y ở một nơi khác. Sau đó, Diễm My đăng kí ở Thiền Am một cách hợp pháp và vợ chồng ông Thắng bà Mai chấp thuận.

Ngày 12/12/2019, công an huyện Đức Hoà mời bà Cao Thị Cúc, Diễm My và vợ chồng ông Võ Văn Thắng lên làm việc. Ông Lê Thanh Nhất Nguyên đi theo bà Cúc và Diễm My ra đồn công an. Sau đó, Diễm My bị … mất tích. Có cáo buộc rằng Diễm My đã bị bắt cóc, đưa lên xe cứu thương, và giao cho ông Thắng và bà Mai. Trước sự không trở lại của Diễm My, ông Lê Thanh Nhất Nguyên đã nói:

Yêu cầu công an trả Diễm My ra đây, mấy anh bắt cóc Diễm My vậy rồi mấy anh đổ lỗi cho tôi …” và “Nếu mà cái kết quả là không có đủ cơ sở để mà cáo buộc tội trạng xâm phạm gia cư bất hợp pháp hay các tội trạng trong này, tức là đây là một sự việc bỏ lọt tội phạm trầm trọng vô cùng chứ không phải thường.”

Lời nói đó có trong một video clip phát vào ngày 12/12/2019. Cơ quan công an Đức Hoà cho rằng Thiền Am đã xúc phạm đến uy tín của công an huyện Đức Hoà.

Bàn luận: Theo các luật sư của Thiền Am thì câu nói ‘bắt cóc’ của Lê Thanh Nhất Nguyên là không hợp lý. Tuy nhiên, luật sư cũng hiểu được nỗi bức xúc của Nhất Nguyên và những người trong Thiền Am khi thấy người mà họ chăm sóc (Diễm My) được mời lên đồn công an và không thấy trở về, họ cảm thấy có trách nhiệm. Từ đó, họ đã có một phản ứng không đúng. Nhưng phản ứng đó, tiểu tiết đó (câu nói ‘bắt cóc’) có đáng để tạm giam bị can suốt 6 tháng và cáo buộc là vi phạm điều luật 331?

Công an Đức Hoà có “bắt cóc” Diễm My hay không? Công an Đức Hoà bác bỏ cáo buộc đó.

Tuy nhiên, trong một video clip phát ngày 1/11/2020, chính cô Diễm My nói như sau [2]:

“… Tôi là cái người bị bắt cóc. Người công an ở phía sau ôm tôi vào lòng, hai tay ôm chặt, đè lên vú của tôi. Cái thằng đó tên là Bình. […] Tại sao nó dám đụng chạm đến thân thể con gái của tôi. Luật pháp nào cho phép nó làm điều đó […] Chính công an Bình, công an Thắng, và cả mấy chục công an trong cái đồn công an huyện Đức Hoà mới là tội phạm.”

Xem video  (từ phút 1:53)

“Gây mất an ninh trật tự”

Một cáo buộc khác đối với Thiền Am là họ gây mất “an ninh trật tự”. Nhưng trong thực tế thì cáo buộc này là một câu hỏi còn trong vòng tranh cãi.

Trong thực tế, những người trong Thiền Am sống khép kín, họ không gây ồn ào hay gây mất an ninh trật tự cho địa phương. Ngược lại, những người từ ngoài, như nhóm côn đồ do ông Võ Văn Thắng cầm đầu, hay các youtuber mới chính là những người gây mất an ninh trật tự.

Bằng chứng? Ngày 13/10/2019 ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Tuyết Mai dẫn một nhóm 50 người côn đồ xâm nhập vào Thiền Am để tìm Diễm My. Không tìm thấy Diễm My, những kẻ côn đồ này này đập phá tài sản của Thiền Am, và hành hung, gây thương tích 13% cho một thành viên của Thiền Am là Lê Thanh Nhị Nguyên.

Trong một video, ông Thắng thú nhận về hành động gây rối này:

“Muốn bắt cọp là phải vào hang cọp. Muốn cứu người trong đó, anh phải xâm nhập vô đó, anh phải gây rối trật tự thì buộc cơ quan nó mới vô cuộc. Cho nên cái động thái đó gia đình  mình mới đưa người tới. [Mục đích đưa người vào đó là để] gây rối, tạo gây rối, rồi báo với chính quyền […] Nếu mình không gây rối ở đó thì cơ quan họ không bao giờ vô cuộc.”

Xem video

Câu hỏi đặt ra là nếu ông tình nghi Thiền Am ‘giam giữ’ Diễm My thì tại sao ông không liên lạc công an hay nhờ cơ quan pháp luật, mà lại bày mưu gây mất an ninh trật tự? Theo các luật sư của Thiền Am thì ông Thắng đã vi phạm pháp luật.

***

Tóm lại, 6 thành viên trong Thiền Am bị cáo buộc rằng họ đã “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“. Ba đối tượng cáo buộc là “bị hại” là ông Thích Minh Thiện (Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An); ông Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì Chùa Giác Ngộ tại TPHCM); và cơ quan công an huyện Đức Hoà. Chứng cớ của cáo buộc là 5 video clip do nhóm “Năm Chú Tiểu” của Thiền Am sản xuất và phát trên youtube.

Tuy nhiên, nếu xem qua một cách đầy đủ và xem cẩn thận những video clip đó thì người xem sẽ thấy cáo buộc đó hoàn toàn không đủ tính thuyết phục, mà chỉ là những “bới lông tìm vết” mà thôi.

Nếu những câu nói cẩu thả trong một bối cảnh bức xúc, hay những hành vi mang tính quy  ước gia đình mà bị kết tội là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì tôi e rằng tất cả người Việt Nam đều là những tội nhân dự khuyết, bởi tất cả chúng ta đều trong một giây phút nào đó ở một địa điểm nào đó đều có những phát ngôn ‘xềnh xoàng’ và cẩu thả như thế.

Hãy tự hỏi: nếu bạn là người của công chúng (có thể là một quan chức cao cấp, nhà khoa bảng, nhà khoa học, nhân sĩ trong cộng đồng, v.v.) và trong một lần bàn luận, bạn bị một người nói rằng “Ông ngu quá” thì bạn có cảm thấy bị xúc phạm không? Nếu là người của công chúng, có thể bạn không đồng ý với phát ngôn đó, nhưng có lẽ bạn không cảm thấy bị xúc phạm bởi vì đã là người của công chúng thì bạn sẵn sàng chấp nhận những phán xét, kể cả chê bai.

Nếu bạn dùng cái phán xét cẩu thả đó để nói rằng mình bị xúc phạm và kiện người ta ra toà thì e rằng bạn không phải là một người độ lượng và bao dung. Cá nhân người viết bài này vẫn thỉnh thoảng bị người ta mắng cho là “dốt quá”, “ngu quá”, nhưng tôi thì thấy rất thích những phán xét như thế, vì đó là dịp để mình tự nhìn lại mình và tự chỉnh sửa mình.

Ngược lại, nếu theo dõi những diễn biến của sự việc, bất cứ ai có công tâm cũng đều nhận ra rằng những người trong Thiền Am mới đúng là những người ‘bị hại’. Trong suốt 3 năm trời, những người trong Thiền Am và cá nhân ông Lê Tùng Vân là đối tượng của hàng ngàn (xin nhắc lại để nhấn mạnh: hàng ngàn) vu cáo trên không gian mạng xã hội, và thậm chí trên mặt báo chí của Nhà nước.

Mỗi bước đi, mỗi lời nói, mỗi hành vi của họ đều bị đem ra mổ xẻ và gán ghép những điều hết sức xúc phạm và vô luân. Những người dùng youtube và facebook tỏ ra hết sức vô giáo dục, thô lỗ, tục tằn và lưu manh. Họ dùng những từ ngữ vô cùng tục tĩu, họ chửi thề như ở chợ cá tôm, họ không biết đến thuần phong mĩ tục là gì. Họ đưa ra những vu không không có chứng cứ gì cả. Những kẻ này vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chẳng hạn như có một người tên là Trần Quốc Dũ, mang danh “luật sư”, đã sản xuất và phát tán hơn 3000 video clip vu khống và xúc phạm Thiền Am. Người này cũng đã xoá hơn 2000 video clip sau khi nhận ra rằng mình đã vi phạm pháp luật. Hiện nay, các luật sư của Thiền Am đang tìm địa chỉ cư trú của người này để minh bạch một số cáo buộc người này đã phát tán trên mạng xã hội.

Tất cả báo chí đều nói một giọng, cáo buộc rằng Thiền Am không phải là chùa hay tịnh thất, rằng cụ Lê Tùng Vân ‘giả sư’, những người tu trong Thiền Am là ‘giả tu’, rằng cụ ấy ‘loạn luân’. Nhưng điều ngạc nhiên là họ không hề đến Thiền Am, họ không phỏng vấn một người nào trong Thiền Am! Họ chỉ hóng hớt thông tin từ công an và đội quân youtuber kền kền. Xu huớng chung là họ bắt bẻ những chi tiết vụn vặt, những danh xưng (mà họ không hiểu), và nguỵ biện theo kiểu ‘ad hominen’ vốn rất phổ biến trong báo giới Việt Nam. Tất cả đều mang tính vu cáo và kết tội hơn là làm sáng tỏ câu chuyện.  

Một người khác cũng rất hung hăn tấn công và bôi bẩn Thiền Am là bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng Lò Vôi). Bà livestream và tưởng tượng rằng khi công an đột nhập vào Thiền Am, họ thấy một số phụ nữ trần truồng chờ bị hãm hiếp! Trong thực tế, chẳng có công an hay bất cứ ai thấy như thế. Bà Hằng còn còn dùng một thứ ngôn ngữ kích động để huy động một nhóm người côn đồ đến uy hiếp, tấn công, chặt chém vào tài sản của Thiền Am vào ngày 4/11/2020.

Xin nhắc lại rằng trước đó, ngày 24/10/2019 một nhóm côn đồ dưới sự điều khiển của vợ chồng Võ Văn Thắng và Đoàn Tuyết Mai xông vào Thiền Am. Họ hành hung những người tu trong Thiền Am. Họ đập phá tài sản của Thiền Am. Họ cướp đi hơn 300 triệu đồng tiền mặt. Đặc biệt có một kẻ tên là Châu Vinh Hoá (nữ), ném một viên gạch bén nhọn thẳng vào Lê Thanh Nhị Nguyên làm cho vị này bị thương trên mặt mà bác sĩ giám định là thương tật lên đến 13%.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 29/9/2020, Tòa án huyện Đứс Hòa, tỉnh Long An đã xét xử tên Hóa. Họ ra bản án năm tù treo và bồi thường số tiền 8.930.000 đồng! Không thuyết phục với bản án, nên Nhị Nguyên kháng cáo. Và, trong phiên toà phúc thẩm vào ngày 10/12/2021, Châu Vinh Hoá hưởng mức án 2 năm tù treo và 4 năm thử thách, bồi thường cho Nhị Nguyên 17 triệu đồng. Còn kẻ cầm đầu là Võ Văn Thắng và Đoàn Tuyết Mai thì vô tội! 50 tên du côn xâm nhập và đập phá và cướp tiền của Thiền Am cũng vô tội!

Thật hiếm thấy một trường hợp nào mà oan ức như trường hợp của Thiền Am. Xin trích dẫn nguyên văn bài viết của luật sư Trần Thanh Hồng:

Họ đã bị công an huyện Đức Hoà cưỡng ép cách ly trong khi họ không bị Covid, bị nhốt trong xe mấy tiếng, nóng, đói và khát. Trong suốt thời gian cách ly, họ đã sống thiếu thốn, mất việc làm, không được phép mang theo vật dụng cá nhân, bị ép ký giấy mang tội phản động.

Còn nữa, năm 2019, họ đã từng bị công an huyện Đức Hoà cho ngồi chờ mấy tiếng với lý do đang ‘làm việc với Diễm My về vụ án 50 người’ nhưng rồi họ được công an cho biết Diễm My đã biến khỏi đồn công an!

Chưa hết, năm 2022, họ đã bị hàng trăm công an xâm nhập vào tịnh thất, cúp điện, cúp wifi, còng tay, lấy hết tài sản, tiền bạc mà không để lại giấy tờ, bị cưỡng ép khám thân thể, bị chó nghiệp vụ lục xét khắp Thiền Am, bị ép ký giấy tờ phạm tội, gây nhiều sợ hãi và hoang mang cho trẻ em, phụ nữ và người già. Như thế thì sao có thể nói công an huyện Đức Hoà bị Thiền Am hại được nhỉ?

Nếu các bạn nghĩ những mô tả trên chưa đủ ‘liều lượng’ thì hãy nghĩ đến một tình huống như sau. Nhà của các bạn đang ở, các bạn chưa/không phạm tội gì cả. Nhưng nhà đối diện bạn gắn máy thu hình chỉa thẳng vào nhà của bạn, ghi hình tất cả các sinh hoạt trong nhà bạn mỗi giây, xâm phạm vào đời sống riêng tư trong nhà bạn. Dĩ nhiên, nhà đối diện vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Thế nhưng khi được báo cáo về sự vi phạm đó thì công an chỉ … im lặng. Thái độ “im lặng” ở đây có thể hiểu là công an đã yểm trợ cho việc phi pháp đó?

Thật vậy, nhìn vào diễn biến sự việc, bất cứ ai có chút lương tri và công tâm sẽ thấy “vụ án Thiền Am” thể hiện một khiếm khuyết mang tính thể chế ở Việt Nam, nơi không có sự độc lập giữa thiết chế tố tụng, hành pháp, và toà án. Trong môi trường không độc lập giữa 3 thiết chế này thì oan sai xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi. Nếu với những tiểu tiết và lời nói trong lúc bức xúc của những người trong Thiền Am bị toà án huyện Đức Hoà kết tội theo điều khoản 331 thì có lẽ chẳng ai ngạc nhiên, nhưng người có lương tri và công tâm sẽ không bao giờ thuyết phục, và kết cục đó chỉ tích luỹ thêm những án oan, tô thêm những vết máu cho nạn nhân, và vẽ thêm một vết đen trong nền tư pháp mà thôi.

____

Xem thêm:

Những câu hỏi và trả lời về Thiền Am: tất cả những diễn biến chánh trong vụ án được tóm lược trong note này

Vụ án Thiền Am: tội ác và công lí

Đọc báo cáo về vụ án của đoàn luật sư

Lịch sử lặp lại: Báo chí trích dẫn sai câu nói của ông Lê Tùng Vân và cáo buộc rằng ông xem thường luật pháp

One thought on “Vụ án Thiền Am: Đọc kết luận điều tra của công an Long An

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s