Thôngbáo lớp học Phân tích dữ liệu và Công bố quốc tế (ĐH Văn Lang 12/2022)

Tôi rất hân hạnh thông báo đến các bạn một khoá học về ứng dụng mô hình hồi qui (applied regression analysis) và công bố quốc tế do Đại học Văn Lang tổ chức. Khoá học 7 ngày sẽ diễn ra từ 19/12 đến 26/12/2022.

Các mô hình hồi qui là ‘guồng máy’ đằng sau Machine Learning (ML) và Khoa học Dữ liệu. Tuy nhiều bạn làm ML và data science nhưng kiến thức và kĩ năng về các mô hình hồi qui còn hạn chế. Do đó, mục tiêu của khoá học này là đem lại kiến thức và trang bị kĩ năng phân tích dữ liệu dùng mô hình hồi qui tuyến tính và hồi qui logistic. Sau khi hoàn tất khoá học, chúng tôi kì vọng rằng học viên sẽ:

  • biết sử dụng ngôn ngữ R;
  • biết cách hiển thị dữ liệu khoa học;
  • diễn giải ý nghĩa của các mô hình hồi qui;
  • biết cách soạn bài báo khoa học;
  • biết tiêu chuẩn đứng tên tác giả;
  • biết nguyên lí của đạo đức khoa học trong công bố;
  • biết cách phân biệt tập san chánh thống và dỏm.

Chương trình học bao gồm 20 bài giảng được chia ra 2 phần như sau:

Phần 1: Các mô hình hồi qui

Bài giảng 1: Giới thiệu R. Ngày nay, học về khoa học dữ liệu hay phương pháp phân tích đòi hỏi phải biết ngôn ngữ R. (Hãy quên đi mấy software thương mại vì mắc tiền quá). Học viên sẽ học về các hàm/lệnh căn bản trong R để đọc dữ liệu, biên tập dữ liệu, và làm các phân tích đơn giản.

Bài giảng 2: RStudio và R Markdown. Trong phần này học viên sẽ làm quen với RStudio và RMarkdown, hai phần rất quan trọng trong các công cụ của khoa học dữ liệu. RStudio là một ‘add on’ nhằm giúp người sử dụng R quản lí file tốt hơn. RMarkdown là một sáng kiến tuyệt vời nhằm giúp cho việc lưu trữ các mã phân tích và chia xẻ files với nhau. Với RMardown, người dùng có thể tạo ra một trang web cá nhân trên Rpubs.com và ‘báo cáo’ kết quả phân tích ngay trên đó.

Bài giảng 3: Quản lí và biên tập dữ liệu bằng tidyverse. Bài này sẽ giới thiệu các nguyên lí quản lí dữ liệu cho phân tích (vì đây là một bước rất quan trọng). Bài giảng cũng sẽ hướng dẫn sử dụng các hàm căn bản trong việc biên tập dữ liệu, đặc biệt là dùng chương trình tidyverse.

Bài giảng 4-5: Nguyên lí hiển thị dữ liệu và giới thiệu “ggplot2” cho biểu đồ chất lượng cao. Ngày nay, bài báo khoa học với biểu đồ phẩm chất cao là vô cùng quan trọng, vì nó thể hiện tính chuyên nghiệp và tinh tế của nhà khoa học. Nhu liệu ‘ggplot2’ là một chương trình tuyệt vời để cho nhà khoa học soạn các biểu đồ ‘không chê vào đâu được’.  Học về ggplot2 không dễ, nhưng chúng tôi đã tìm ra một cách giới thiệu mà học viên có thể học rất nhanh.

Bài giảng 6: Phân tích mô tả. Bài giảng giới thiệu cách mô tả dữ liệu liên tục (continuous data) và dữ liệu phân nhóm (categorical data) dùng các hàm đơn giản trong R.

Bài giảng 7: Giới thiệu mô hình hồi qui tuyến tính. Giới thiệu mô hình hồi qui tuyến tính, cách ước tính tham số, giả định và ứng dụng. Nói chung, mô hình hồi qui tuyến tính có 3 ứng dụng: tìm hiểu mối liên quan, hiệu chỉnh cho yếu tố nhiễu, và tiên lượng.

Bài giảng 8: Kiểm tra giả định, ảnh hưởng tương tác, hoán chuyển dữ liệu: Trong phần này, học viên sẽ học cách diễn giải các tham số trong mô hình như RMSE, R-squared.

Bài giảng 9: Ứng dụng mô hình hồi qui tuyến tính. Bài giảng hướng dẫn cách ứng dụng mô hình hồi qui tuyến tính trong việc thay thế t-test, đánh giá sự tương tác, cách đánh giá tầm quan trọng của biến số, và cách chọn mô hình tối ưu.

Bài giảng 10: Khái niệm odds và odds ratio. Giới thiệu khái niệm odds, odds ratio, và log odds.

Bài giảng 11: Mô hình hồi qui logistic. Học viên sẽ học về mô hình hồi qui logistic và cách diễn giải kết quả của mô hình logistic.

Bài giảng 12: Phương pháp tìm mô hình “tối ưu” (tìm các yếu tố liên quan). Một trong những vấn đề làm nhiều người ‘đau đầu’ là trong số hàng trăm — thậm chí hàng triệu — biến số, thì biến nào có liên quan đến outcome. Nhiều người nghĩ đến phương pháp stepwise, nhưng đó là cách làm sai. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một phương pháp Bayes và LASSO để tìm các biến số liên quan.

Phần 2: Công bố khoa học

Phần 2 của khoá học là 3 ngày tập trung vào cách soạn và công bố bài báo khoa học. Mục tiêu chung của khoá học (3 ngày) này là trang bị kiến thức và kĩ năng cho học viên trong việc soạn một bài báo khoa học. Chúng tôi kì vọng rằng sau khi xong lớp học, học viên sẽ:

  • hiểu tại sao cần phải công bố khoa học;
  • biết cơ cấu của một bài báo khoa học;
  • biết các nguyên tắc viết phần Dẫn nhập, Bàn luận, Kết quả của một bài báo; và
  • biết phân biệt tập san dỏm và thật.

Bài giảng 13: Phương pháp viết Title. Bài giảng sẽ giới thiệu cấu trúc chuẩn của một bài báo khoa học là IMRaD. Những bước cần chuẩn bị cho việc soạn một bài báo khoa học. Phần nào cần viết trước và phần nào cần viết sau sẽ được bàn luận trong bài giảng. Tựa đề bài báo khoa học là một yếu tố rất quan trọng, có khi quyết định sự thành bại của bài báo, nhưng rất ít được các tác giả chú ý. Bài giảng này sẽ giới thiệu những nguyên tắc trong việc đặt tựa đề, cùng những điều không nên làm khi đặt tựa đề. Một số nghiên cứu khoa học về tựa đề bài báo cũng sẽ được trình bày để minh họa cho các nguyên tắc chung.

Bài giảng 14: Phương pháp viết phần Abstract. Bài báo khoa học đòi hỏi phải có một abstract (tóm tắt), thường giới hạn trong 250 đến 300 chữ. Tóm lược một bài báo 20-30 trang thành 250-300 chữ là một thách thức. Bài giảng này sẽ giới thiệu hai dạng abstract: loại có cấu trúc và loại không có cấu trúc. Bài giảng cũng sẽ bàn về những chiến lược cụ thể để viết phần abstract sao cho đầy đủ thông tin trong vòng 250-300 chữ.

Bài giảng 15: Phương pháp viết phần Kết Quả. Kết quả là trái tim của một công trình nghiên cứu. Nhưng viết phần Kết quả có khi là một thách thức đáng kể cho những người mới vào nghiên cứu, vì không biết viết cái gì trước và cái gì sau, hay viết sao cho thuyết phục. Bài giảng này sẽ trình bày một số phương pháp và nguyên tắc quan trọng trong việc mô tả kết quả nghiên cứu. Phần đầu sẽ bàn về cách viết. Phần hai hướng dẫn cách thiết kế bảng số liệu và những biểu đồ có phẩm chất cao.

Bài giảng 16: Phương pháp viết phần Dẫn Nhập và Bàn Luận. Phần Dẫn nhập của một bài báo khoa học là lí do tồn tại của bài báo, nên cần phải được quan tâm đúng mức. Bài giảng sẽ giới thiệu công thức viết dẫn nhập có tên là CaRS (creating a research space). Bàn luận là phần khó viết nhất trong một bài báo khoa học. Trong bài giảng này, học viên sẽ học một công thức đơn giản (gồm 6 đoạn văn) nhưng rất hiệu quả trong việc cấu trúc phần bàn luận.

Bài giảng 17: Phương pháp viết phần Phương Pháp. Bài giảng sẽ giới thiệu những thông tin liên quan đến thiết kế nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phương pháp đo lường, phương pháp phân tích, v.v. cho một bài báo khoa học. Mỗi mục sẽ được minh họa bằng những câu văn quen thuộc hay những mô tả đã được công bố trên các tập san khoa học nổi tiếng trên thế giới.

Bài giảng 18: Tiếng Anh trong khoa học. Tiếng Anh là một khó khăn đáng kể cho các nhà nghiên cứu mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Tiếng Anh trong khoa học càng là một loại ‘ngôn ngữ’ khá đặc thù. Trong bài giảng này, chúng tôi sẽ giới thiệu nguyên lí IDEA cho viết văn khoa học dùng tiếng Anh.

Bài giảng 19: Tiêu chuẩn đứng tên tác giả. Đứng tên tác giả một bài báo khoa học là một vấn đề tế nhị nhưng quan trọng. Bài giảng sẽ điểm qua các tiêu chuẩn đứng tên tác giả theo Tuyên bố ICMJE và trách nhiệm của tác giả bài báo khoa học.

Bài giảng 20: Tiêu chuẩn chọn tập san khoa học để công bố. Chọn tập san thích hợp để công bố kết quả nghiên cứu đang là một vấn đề thời sự, vì có quá nhiều tập san “dỏm” trên thế giới. Điều nguy hiểm hơn nữa là có những tập san nằm ở biên giới dỏm và thật. Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đã trở thành nạn nhân của những tập san dỏm. Bài giảng này sẽ giới thiệu các tiêu chuẩn để giúp các bạn phân biệt tập san dỏm và tập san thật, cùng những tiêu chí để chọn tập san chuyên ngành thích hợp cho nghiên cứu.

Liên lạc

Mọi thông tin chi tiết về chương trình, học viên vui lòng liên hệ Trung tâm Đào tạo và Phát triển – Tập đoàn Giáo dục Văn Lang


Hotline: 0287.1099.137 – 0908.046.521

Email: dtpt.vlg@vlu.edu.vn

Link đăng ký: http://bit.ly/dangky-DHVL

https://www.vanlanguni.edu.vn/tin-tuc-size-bar/3633-dang-ky-khoa-hoc-phan-tich-du-lieu-va-cong-bo-quoc-te-cung-gs-ts-nguyen-van-tuan-giao-su-top-1-the-gioi

Ơn nặng, oán sâu

Ở Việt Nam có Ngày Nhà Giáo (mang màu sắc chánh trị) [1] nhưng có ý nghĩa ‘đền đáp công ơn dưỡng dục của thầy cô’. Rất nhiều quà cáp và những câu chữ bay bổng. Tuy nhiên, người xưa có câu ơn càng nặng thì oán càng sâu.

Hôm nọ đọc một bài luận rất hay trên một tạp chí ở hải ngoại, tôi mới biết nghĩa của chữ ‘Ân’ rất thâm thuý. Trong tiếng Hán ngữ Ân bao gồm 2 chữ ghép lại: chữ ở trên giống như một người bị bao bọc bởi 4 bức tường, còn chữ phía dưới là chữ Tâm (xem hình).

Cái hình đó có thể hiểu là khi người ta chịu ơn có nghĩa là chấp nhận có người ngồi trên mình, còn làm ơn là được ở trên người. Người chịu ơn cũng đồng nghĩa với việc cái tâm bị đè, hay nói cụ thể hơn là lòng tự ái bị tổn thương, bị nhục. Người ta sẽ rửa nỗi nhục bằng cách vong ơn, thậm chí phản bội.

Trong đời thường, tôi nghĩ chắc chắn ai trong chúng ta cũng từng bị phản bội. Mình làm ơn cho người, nhưng chính người đó phản bội lại mình. Cái kinh nghiệm phản bội cũng đau lắm, nhưng nếu mình hiểu nghĩa của chữ Ân thì sẽ không có gì ngạc nhiên, và chấp nhận sự phản bội như là một qui luật của cuộc sống.

Nói đến chuyện ơn và vong ơn là phải nói đến nhân vật Hàn Tín (sống vào thời Nhà Hán) mà tôi nghĩ nhiều người thuộc thế hệ tôi đã đọc qua. Lúc thiếu thời, Hàn Tín rất nghèo, cơm không đủ ăn, nay đây mai đó ngoài chợ để chờ sự bố thí của người hảo tâm. Một trong những người hảo tâm đó là Phiếu Mẫu, cũng nghèo rớt mồng tơi, thương Hàn Tín nên bà hay chia cơm cho chàng thanh niên nghèo. Cảm kích trước sự giúp đỡ, Hàn Tín hứa rằng một ngày nào đó ‘công thành danh toại’ thì sẽ đền ơn. Nhưng Phiếu Mẫu nói bà không cần đền ơn, chỉ mong Hàn Tín nuôi chí lớn và hành xử như một bậc trượng phu.

Sau này, Hàn Tín trở thành tướng lãnh tài ba dưới trướng Lưu Bang. Hàn Tín được xem là một khai quốc công thần cho Lưu Bang. Tuy vậy, Hàn Tín vẫn không quên thời hàn vi được Phiếu Mẫu giúp đỡ, nên ông đã đem nhiều vàng đến biếu tặng cho bà.

Phiếu Mẫu đúng mà người làm ơn mà không cần nhớ (Thi ân mạc niệm). Hàn Tín đúng là người chịu ơn mà không quên ân nhân (Thọ ân mạc vong).

Nhưng trong đời sẽ có người vong ơn, và một người tiêu biểu có lẽ là Lưu Bang, người sáng lập triều Hán lừng danh bên Tàu. Hàn Tín là người giúp Lưu Bang dựng cơ đồ, đánh đông dẹp bắc, đem lại những chiến công vang dội. Nhưng Lưu Bang là người cao ngạo, thậm chí được xem là ‘lưu manh vô lại’. Lưu Bang thọ ơn của Hàn Tín, và việc này làm cho ông cảm thấy nhục. Nhiều lần Lưu Bang tỏ ra không hài lòng với Hàn Tín, nhưng họ Hàn không biết.

Sau này, khi Lưu Bang xưng vương, thì ông lại giết ân nhân Hàn Tín. Chuyện kể rằng khi Hàn Tín bị đem đi chém, Lưu Bang vừa cười ha hả, vừa khóc thảm thiết. Hành vi của Lưu Bang là giả dối? Không. Lưu Bang cười là vì ông khôi phục được lòng tự ái của mình, còn khóc là vì tâm cang bị giày xé do cái sự phản bội của mình. Hành vi của Lưu Bang rất đúng với câu:

Ân càng thâm, oán càng sâu

Chợt nghĩ đến … ‘dân oan’.

Vậy nên các thầy cô đừng nghĩ mình làm ơn cho trò. Thật ra, tôi nghĩ thầy cô, bác sĩ, y tá, tiếp viên, v.v. tất cả chỉ làm nhiệm vụ của họ mà thôi. Nếu họ làm hơn và trên cái nhiệm vụ được trao thì họ nên được thưởng. Họ chẳng ban ơn cho ai, và cũng không nên nghĩ như vậy. Làm ơn cũng có nghĩa là chạm vào lòng tự ái của người khác, và sự va chạm đó có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

___

[1] Ngày 20/11 có một ý nghĩa chánh trị thời Chiến Tranh Lạnh. Theo sách sử thì năm 1949, tại Warszawa (Ba Lan) diễn ra một hội nghị của Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục trong khối cộng sản ra bản “Hiến chương các nhà giáo”. Bản hiến chương đó có nội dung đấu tranh chống nền giáo dục tư sản và xây dựng nền giáo dục XHCN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà giáo XHCN. Năm 1957, cũng tại Warszawa, một hội nghị khác triển khai hiến chương đó, và họ đề nghị từ năm 1958 trở đi, khối XHCN sẽ lấy ngày 20/11 làm ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Việt Nam ở ngoài Bắc trước 1975 và toàn quốc từ 1982 cũng lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Như thấy, trong thực tế ngày 20/11 chẳng có dính dáng gì đến nhà giáo Việt Nam cả.

Trên thế giới, có những nước không có Ngày Nhà Giáo. Việt Nam Cộng Hòa trước đây không có ngày nhà giáo. Tuy nhiên, một số lớn nước thì có Ngày Nhà Giáo. Tuy rằng đa số chọn ngày 5/10 theo khuyến nghị của UNESCO làm Ngày Nhà Giáo, nhiều nước chọn ngày khác làm Ngày Nhà Giáo. Hungary lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 6, Ukrainia lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 10, Ba Lan (14/10), v.v. Một số nước chọn những ngày gắn liền với một nhân vật hay sự kiện mang tính lịch sử. Tôi nghĩ Việt Nam nên bỏ ngày 20/11 làm Ngày Nhà Giáo. Nếu cần phải có một Ngày Nhà Giáo, tôi đề nghị lấy ngày sanh của Chu Văn An (25/8/1292).

Bốn điều chúng ta học được khi luống tuổi

Hôm nọ, ngồi tán gẫu bên tách cà phê, một anh bạn vong niên đưa ra 4 điều chúng ta học được khi luống tuổi. Bốn điều liên quan đến: bạn bè; ứng xử; trực giác; và dung nạp. Tôi thấy rất hợp lí và hợp ý mình, nên bèn viết lại và diễn giải theo cách hiểu của tôi dưới đây.

Điều thứ nhứt: Khi đã luống tuổi, chúng ta không thể nào kết bạn với những người giả nhân giả nghĩa.

Trên đường đời và qua tương tác xã hội, chúng ta quen biết rất nhiều người trong nhiều tình huống khác nhau. Nhưng trong số đó, những người được xem là ‘bạn’ thì chắc chẳng bao nhiêu. ‘Bạn’ ở đây là người chúng ta quen, quí mến, và có thể tin tưởng được; đó là người không bỏ chúng ta trong cơn hoạn nạn; đó là người đứng bên ta đưa ra lời khuyên hợp lí, sẵn sàng ủng hộ việc làm vì lợi ích của tha nhân.

Thử đếm xem, những người bạn theo định nghĩa trên không nhiều đâu. Thành ra, khi đã luống tuổi, chúng ta mới nhận ra câu hỏi của Nhạc sĩ Vũ Thành An (‘Triệu người quen, có mấy người thân’) là … có lí, và tiết kiệm kết bạn hơn.

Điều thứ hai: Khi đã có tuổi, chúng ta nhìn thế sự một cách bình thản và nhận ra rằng không phải cái gì cũng cần phải phản ứng.

Lúc còn trẻ, chúng ta háo thắng, muốn vượt trội, và có khi tham lam trong danh vọng, tiền tài. Thấy cái gì ‘gai mắt’ là chúng ta phản ứng ngay. Thấy người ta có hành vi và hành động không hợp lí (với mình) và thế là có phản ứng gay gắt, thậm chí phê phán. Nhưng vì còn trẻ người non dạ, chúng ta không biết câu chuyện đằng sau của những hành động và hành vi đó, nên chúng ta đã phạm phải sai lầm và mang tội. Mấy dư luận viên và youtuber kền kền ngày nay là như vậy, họ không biết rằng họ đã gây tội ác vì cái tánh bồng bột và ngạo mạn của tuổi trẻ.

Nhưng khi đã luống tuổi, chúng ta tạm đạt được cái ‘tri thiên mệnh’, và do đó không vội vã phản ứng trước những điều trái tai gai mắt. Chúng ta cảm thấy bình thản hơn, suy nghiệm nhiều hơn trước khi phản ứng. Chúng ta nhận ra rằng trước nhiều sự việc, phán xét và đánh giá của chúng ta chỉ là những kẻ mù sờ voi. Hôm nọ, ngồi trong hội đồng đề bạt chức danh giáo sư, một anh chàng khoa trưởng kia phản bác ý kiến của tôi về công bố khoa học, nhưng tôi mỉm cười và không phản ứng. (Nếu là 20 năm trước thì tôi đã ‘đập bàn và chỉ tay’ rồi). Kì diệu thay, chỉ 2 giờ sau anh ta gởi lời xin lỗi (chắc đã ngộ ra vấn đề), nhưng tôi nói “Mày hãy xin lỗi lương tâm của mày kìa. Tao không cần lời xin lỗi đâu.”

Điều thứ ba: Khi đã luống tuổi, chúng ta nhận ra rằng trực giác có khi là chỗ dựa quan trọng, và các giá trị bảo thủ là cần thiết.

Khi còn trẻ chúng ta thường tỏ ra ‘cấp tiến’, muốn làm ‘cách mạng’. Thấy cái gì cũng muốn thay đổi. Thấy cái cũ là ngứa mắt, muốn dẹp qua một bên và thay vào cái mới. Thấy mái nhà tranh là lạc hậu và muốn hiện đại hoá nó bằng một mái tole!

Nhưng càng về già, chúng ta hình như càng … tự diễn biến. Tự diễn biến về các giá trị bảo thủ. Chúng ta nhận ra cái thời sôi nổi là bồng bột và tai hại. Chúng ta nhận ra mình từng có tội khi đánh đổ cái cũ và thay bằng cái mới tệ hại hơn.

Chúng ta cũng nhận ra rằng không phải cái gì cũng được quyết định dựa trên chứng cớ, và trực giác trở thành một chỗ dựa rất quan trọng trong điều kiện bất định. Nhìn vào một cái đơn xin đề bạt, trực giác cho chúng ta biết rằng kẻ viết ra nó là xạo, nhưng chứng cớ thì không có hay không thể xác minh. Nghe một kẻ thuộc phe ‘cấp tiến’ nói chúng ta thấy hắn ta xạo, ngoa ngôn, dù chưa có chứng cớ. Nhưng chúng ta đúng.

Nhìn ông cụ 92 tuổi bị một bộ máy nhà nước vùi dập chúng ta biết ổng là nạn nhân của cái bộ máy thiếu lương thiện, dù chúng ta chỉ nhìn mặt mũi và hành vi của ổng.

Hoá ra, trực giác đóng vai trò quan trọng và giúp chúng ta tồn tại trong những tình huống thiếu thông tin. Hoá ra, những giá trị thủ cựu và bảo thủ rất quan trọng để chúng ta không bị chìm đắm trong những ngôn từ quyến rũ và ma mị (kiểu như anh Bảy Đờn bên Mĩ.)

Điều thứ tư: Càng về già chúng ta càng thấy không có nhu cầu được dung nạp hay được công nhận.

Khi còn trẻ chúng ta muốn ‘thành công’, muốn được ghi nhận, muốn được visible, hay nói chung là … bon chen. Vì bon chen, chúng ta hay so sánh. Vì còn trẻ, so sánh của chúng ta ấu trĩ. Tại sao hắn được vào bộ lạc, còn mình với thành tích nổi trội hơn hắn lại không được? Bất công. Tại sao lúc nãy phát biểu, họ quên đề cập đến mình? Họ cố ý. Tại sao họ không bầu mình vào hội đồng? Họ ghét mình. Nói chung, khi còn trẻ, chúng ta muốn được dung nạp, và khi không được dung nạp thì chúng ta tức giận.

Nhưng khi luống tuổi, khi chúng ta đã qua những chặn đường đời, đã [nói theo tiếng Anh là] ‘been there, done that’, chúng ta thấy bình thản hơn. Bình thản khi người ta bỏ quên mình. Bình thản khi người ta loại mình ra khỏi bộ lạc — có lẽ họ cần ‘máu mới’. Chúng ta không có nhu cầu được thấy, được ghi nhận, hay được vượt trội gì cả. Chúng ta nhìn sự đời như một vở kịch và thấy tội nghiệp cho những diễn viên trong vở kịch.

Chúng ta càng nhận ra rằng tất cả sự vật — từ cây cỏ đến sinh vật và con người — đều là những kẻ ‘ở trọ’. Thậm chí thời gian và bóng tối cũng ở trọ, y như Trịnh Công Sơn viết:

Trăm năm ở đậu ngàn năm

Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn

Ơ hay là một vòng xinh

Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời

Những người luống tuổi nhìn lại quãng đường đời mình đi qua là một sự lênh đênh nội tâm. Con đường nội tâm là con đường phức tạp nhứt vì điểm đến gần như không tồn tại. Cái gọi là ‘thành công’, ‘thành đạt’ chỉ là ngoa ngữ cho một điểm đến không có thật, và nó làm cho con người chìm đấm và đau khổ trong đường đời. Thành ra, thay vì nhắm tới điểm đến, chúng ta nên quan tâm đến cách mà chúng ta đi và cùng đi với mọi người khác.

Đơn Kêu Cứu của Thiền Am gởi Bộ trưởng Bộ Công An

Lời giới thiệu: Dưới đây là đơn kêu cứu của những người trong Thiền Am () gởi cho Bộ trưởng Tô Lâm ngày 1/2/2022 (Mồng Một Tết). Lá đơn được viết bằng một văn phong ‘có sao báo vậy’. Có vài chỗ lặp đi lặp lại, nhưng là cần thiết. Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: ngày 4/1/2022, nhiều công an (hơn 100 người) xông vào Thiền Am (một nhóm tu tại gia ở Huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), cúp điện, cắt mạng, cắt toàn bộ camera, và khám xét và thu giữ 210 lượng vàng của Thiền Am. Nghiêm trọng hơn là một cô gái 25 tuổi bị ép phải đi khám phụ khoa một cách dã man. Không rõ lá đơn đã được giải quyết ra sao, nhưng sau đó thì Toà án Huyện Đức Hoà tuyên phạt ông Lê Tùng Vân và các đệ tử của ông 23 năm 6 tháng tù giam vì tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

_______

Ngày 1/2/2022 (Mồng Một Tết)

Kính gởi: Ông Bộ trưởng Tô Lâm

Bộ Công An

Hà Nội

Chúng tôi ký tên sau đây gồm:

            Lê Tùng Vân, sinh ngày 24/2/1932

            Cao Thị Cúc, sinh năm 1960

            Lê Thanh Nhị Nguyên, sinh ngày 8/5/1998

            Lê Thanh Nhất Tuệ, sinh ngày 30/8/1994

            Lê Thanh Huyền Trang, sinh ngày 29/1/1993

            Lê Thanh Huyền Trân, sinh ngày 25/2/2002

            Bùi Ngọc Trâm, sinh ngày 26/2/1997

            Vòng Thị Kim Thoa, sinh ngày 20/7/1990

            Vòng Kim Xuân, sinh ngày 18/1/1995.

Tất cả chúng tôi hiện tại đều đang sống tại địa chỉ 191A, Ấp Lập Thành, Xã Hoà Khánh Tây, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An.

Xin phép ông Bộ Trưởng – kính xin ông Bộ Trưởng vui lòng cho giải quyết gấp những việc làm trái pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của Chính quyền Công An Huyện Đức Hoà – Tỉnh Long An đã làm ra với hộ gia đình gần 30 người của chúng tôi như sau.

1.  Công An khám xét nhà trái pháp luật, khám xét nhà không có giấy tờ, không có lệnh khám xét.

2.  Công an thu giữ đồ đạc tài sản của người dân trái pháp luật, họ đã thu giữ hết đồ đạc cá nhân, máy tính, điện thoại, laptop, nhất là điện thoại đã thu giữ gần 2 tháng nay, ngày Tết, tất cả hộ chúng tôi như bị bỏ tù bởi vì không có điện thoại để liên lạc với bạn bè ở quốc tế và quốc nội. Và những giấy tờ cá nhân, họ đã lấy hết tất cả đồ đạc của gần 30 người mà không có một cái biên bản nào, không có giấy tờ xác nhận họ thu giữ món gì. Kể cả gói đừng tiền 210 lượng vàng của ông Lê Tùng Vân cũng bị họ tịch thu mà không báo cho ông Lê Tùng Vân được biết. Và bóp tiền đựng CMND của Bùi Ngọc Trâm và Lê Thanh Kỳ Duyên, giấy phép lái xe, hộ chiếu cùng các giấy tờ linh tinh khác và 7.800.000 (bảy triệu tám trăm ngàn đồng) để trong bóp bị họ lấy đi mà không có biên bản để lại.

3.  Chúng tôi bị ép cung, mấy trăm người công an Huyện Đức Hoà đã dùng vũ lực ôm tay, ôm chân, bẻ ngón tay, bóp miệng gần 20 thành viên trong gia đình tôi để ép chúng tôi phải lăn tay vào những biên bản gì đó của họ đưa ra mà họ không hề cho chúng tôi được đọc, được nghe, được thấy, được biết.

4.  Họ đã bắt hết mười mấy thành viên trong gia đình chúng tôi đi mà không có một giấy tờ hay lệnh bắt nào cả, họ giam chúng tôi tại Huyện 4-5 ngày sau họ mới thả về nhưng vẫn còn giam lại 3 người cho đến nay trên 1 tháng vẫn bị giam.

5.  Một thành viên nữ trong chúng tôi tên Bùi Ngọc Trâm 25 tuổi. Công an đã chở cô gái này đi đưa vào phòng riêng, họ đã ép cô gái này phải lột quần áo ra rồi họ đã lấy cái gì đó thọt vào cửa mình của cô gái, cô gái đau đớn la lên nhưng họ vẫn không dừng lại, cô gái này đã bị xâm hại thân thể. Những việc làm này của công an Huyện Đức Hoà đều không có một giấy tờ gì, không có một lệnh khám gì hay một biên bản nào.

6.  Không có một giấy tờ hay lệnh canh giữ nào mà ngang nhiên công an Huyện Đức Hoà lại cho gần 20 công an đi vào ở trong nhà của chúng tôi, những người này được lệnh ngồi canh gác khắp nhà của chúng tôi, để canh giữ chúng tôi 24/24. Trong khi đó, tất cả gần 30 người trong gia đình chúng tôi không ai có tội gì cả.

7.  Công an Huyện Đức Hoà đã bắt tạm giam 3 người trong gia đình tôi, 3 người này tên: Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương. Họ đã bị tạm giam đến nay đã 1 tháng rưỡi, công an đã nói họ phạm vào tội 331 Bộ Luật Hình Sự, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà Nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chúng tôi có hỏi ban Công an là chúng tôi đã đăng mạng câu nói nào để gọi là phạm tội thì ban Công an làm thinh không trả lời.

Ba người Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Trùng Dương trước nay sống hiền lành, không làm gì hại ai, chưa từng có tội, chưa từng có tiền án tiền sự. Với những gì công an Huyện Đức Hoà kết tội họ, cho rằng họ đã có những lời nói gì đó trên mạng xã hội phạm vào điều 331 của Bộ Luật Hình Sự thì công an Huyện Đức Hoà có cần thiết phải bắt tạm giam họ đến nay cả tháng rưỡi không? Nhìn vào hành vi và mức độ nguy hiểm thì họ có đáng phải bị bắt giam lâu đến vậy không? Và họ sẽ còn bị giam đến bao lâu nữa? Tại sao họ bị giam mà không phải ra toà án xét xử?

Kính mong ông Bộ Trưởng xem xét cho điều tra gấp về những hành vi trái pháp luật nghiêm trọng mà công an Huyện Đức Hoà đã làm ra. Và cho điều tra những gì công an Huyện Đức Hoà đã buộc tội cho 3 người Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Trùng Dương là đúng hay sai và bắt giam họ gần 1 tháng rưỡi như vậy là có đúng tiêu chuẩn pháp luật đề ra không? Hay công an Huyện Đức Hoà đã lạm dụng chức quyền để ép tội cho dân.

Kính mong ông Bộ Trưởng cho điều tra gấp để tránh trường hợp công an lạm dụng chức quyền để ép tội dân khiến người dân oan sai khổ sở, và kính xin cho điều tra gấp để thả cho 3 người dân vô tội bị giam trên 1 tháng nay tại nhà tù – cho đến giờ phút tôi đang viết lá đơn này thì 3 người công dân vô tội vẫn còn đang bị giam trong tù.

Tường trình chi tiết

Chúng tôi xin tường trình lại sự việc như sau: Vào ngày 4/1/2022 vào lúc 09h có rất đông công an khoảng 300 – 400 người lẻn vào ngõ sau – xin nhấn mạnh là họ LẺN VÀO NGÕ SAU – xông vào nhà của chúng tôi. Họ xông vào từng phòng bắt hết gần 30 người trong gia đình chúng tôi ra ngoài sân đứng, họ đã cúp điện, cắt mạng và cắt toàn bộ camera tại nơi ở của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu công an khám xét phải có giấy tờ, phải có lệnh khám xét nào. Sau đó họ bắt từng người chúng tôi phải lăn tay và phải ký vào những giấy tờ và biên bản gì đó của họ đưa ra mà không hề cho chúng tôi được đọc, được thấy, được biết.

Chúng tôi thấy rằng những gì công an Huyện Đức Hoà làm là trái pháp luật nên chúng tôi đã phản đối và nhất định không ký, không lăn tay gì cả. Họ đã ôm tay, ôm chân, bịt miệng, bẻ ngón tay chúng tôi ra để ép chúng tôi phải lăn tay vào những biên bản đó. Công an Huyện Đức Hoà đã dùng vũ lực ép cung chúng tôi, sau đó họ khám xét từng phòng, từng ngõ ngách trong nhà chúng tôi. Họ lục lọi kiểm tra từng món đồ, từng cái tủ, điện thoại – máy tính, đồ dùng riêng tư họ cũng tuỳ tiện mở ra xem tự nhiên như đồ của họ.

Công an Huyện Đức Hoà đã xâm phạm đến quyền riêng tư của chúng tôi. Họ đã lục xét nhà cửa và mở điện thoại ra để xem những thông tin và những chuyện riêng tư của chúng tôi tư 9h sáng đến 10h khuya mới xong, tức gần 11 giờ đêm, họ mới dừng lại, để bắt tất cả chúng tôi đi về Huyện mà tra hỏi tiếp.

Sau khi họ khám xét xong, thì họ đã thu giữ hết toàn bộ các cục modem, camera và các cục modem của wifi, máy tính, điện thoại, và các giấy tờ cá nhân riêng tư của chúng tôi đi mà không hề để lại cho chúng tôi một biên bản hay một tờ giấy xác nhận nào rằng là “công an Huyện Đức Hoà đã có thu giữa những món đồ này của chúng tôi”, họ thu giữ tới nay trên cả tháng rồi mà chưa trả, kể cả ngày Tết mà tất cả gần 30 người chúng tôi như đang ở trong tù vì không có điện thoại nào để sử dụng. Bạn bè chúng tôi ở ngoại quốc khóc sướt mướt vì tưởng chúng tôi đã bị tai nạn chết chóc hay tù tội gì đó.

Mấy trăm người công an Huyện Đức Hoà làm việc bạo lực như vậy, làm việc mà không có giấy tờ, không có biên bản, họ làm việc như ở trong rừng trong rú như vậy thì có khác gì là ĂN CƯỚP không?

Công an Huyện Đức Hoà đã bắt hết mười mấy người trong gia đình của chúng tôi lên Huyện, giam chúng tôi đến 4 ngày mà không hề có một tờ giấy mời hay lệnh bắt nào cả. Trên Huyện, công an đã đưa chúng tôi mỗi người vào một phòng riêng để làm việc, lấy lời khai. Trong quá trình làm việc, công an đã dùng những từ ngữ thô tục, chửi bới, đe doạ chúng tôi (đụ má, đụ mẹ, tao đập chết cha mày, mà mà không khai ,ày chết mẹ mày với tao, mày mà không có tội tao cũng làm cho mày có tội, v.v.) Họ bắt chúng tôi làm việc ngày đêm, làm từ khuya đến sáng, làm bất kể giờ giấc, không được nghỉ ngơi. Chúng tôi rất ngạc nhiên về những việc mà công an Huyện Đức Hoà đã làm, cách làm việc rất MỌI RỢ, rất CÔN ĐỒ.

Một thành viên nữ trong chúng tôi: Bùi Ngọc Trâm 25 tuổi đã bị công an Huyện Đức Hoà bắt đi đưa vào phòng riêng. Họ đã bắt ép cô Ngọc Trâm phải lột quần áo ra rồi họ đã lấy cái gì đó thọt vào cửa mình của cô, cô đau đớn la lên nhưng họ vẫn không ngừng lại. Cô Ngọc Trâm đã bị xâm phạm thân thể.

Những việc làm này của công an Huyện Đức Hoà đều không có biên bản, giấy tờ hay lệnh của ai ban xuống cả. Sau gần 4 ngày họ bắt giam chúng tôi trên Huyện Đức Hoà thì họ đã cho xe chở chúng tôi về nhà, nhưng còn 3 người tên Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên và Trùng Dương vẫn bị họ bắt giam giữ lại. Họ nói đã ra quyết định khởi tố 4 người về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà Nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, điều 331 Bộ Luật Hình Sự. Bốn người bị khởi tố là Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương. Họ nói 4 người này đã có những lời nói sai phạm trên mạng xã hội phạm vào điều 331 này.

Ông Lê Tùng Vân hỏi ông sai phạm chỗ nào thì họ chỉ ắm ớ không nói rõ ra được. Trong 4 người khị khởi tố này thì có 3 người đã bị công an Huyện Đức Hoà ra quyết định bắt tạm giam tới nay hơn 1 tháng. Riêng ông Lê Tùng Vân vì quá lớn tuổi (trên 90 tuổi) nên họ cho ông Lê Tùng Vân được tại ngoại.

Ngoài 4 người bị khởi tố này thì tất cả gần 30 người trong nhà chúng tôi không ai có tội gì cả, Nhưng công an Huyện Đức Hoà lại cho trên 20 công an đi vào nhà chúng tôi, ở trong nhà chúng tôi. Công an Huyện Đức Hoà ra lệnh cho những người này chia ra ngồi canh khắp nhà chúng tôi để canh giữ chúng tôi. Trong khi tất cả chúng tôi thì lại không có tội gì cả và việc Công an Huyện Đức Hoà cho người ở trong nhà chúng tôi, canh giữ 24/24 như thế này cũng không hề có một biên bản hay một giấy tờ gì cả. Như vậy có phải Công an Huyện Đức Hoà đã phạm tội XÂM PHẠM GIA CƯ BẤT HỢP PHÁP hay không?

Những người này đã ngồi trong nhà chúng tôi, canh giữ chúng tôi đã trên 1 tháng nay, canh giữ 24/24 tức là họ đã xâm nhập gia cư của chúng tôi BẤT HỢP PHÁP cho tới nay đã hơn một tháng trời. Chúng tôi không phải tội phạm, công an này lại ngang nhiên dám ở trong nhà của chúng tôi như vậy?

Sau những sự việc nêu trên kính mong ông Bộ Trưởng cho điều tra gấp những việc sau đây:

1.  Tại sao không có lệnh khám xét mà Công an Huyện Đức Hoà lại dám đi mấy trăm người xông vào khám xét nơi ở của gần 30 người chúng tôi?

2.  Ngoài 4 người đang bị khởi tố thì tất cả gần 30 người còn lại trong gia đình chúng tôi không ai có tội gì cả, không ai liên quan gì cả. Vậy tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám thu giữ hết đồ đạc, điện thoại, máy tính của chúng tôi, lại tự ý mở điện thoại máy tính của chúng tôi ra để xem những tin nhắn riêng tư? Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám xâm phạm đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân tất cả gần 30 người trong gia đình chúng tôi?

3.  Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lấy hết đồ đạc máy tính, điện thoại, giấy tờ cá nhân riêng tư của chúng tôi mà lại không có một giấy tờ xác nhận nào? Kể cả tịch thu gói tiền 210 lượng vàng của chúng tôi mà cũng không có một giấy tờ xác nhận nào. Và công an cũng đã lấy cái bóp của cô Bùi Ngọc Trâm trong bóp có đựng CMND, giấy tờ xe, hộ chiếu mang tên Lê Thanh Kỳ Duyên và Bùi Ngọc Trâm và kể cả số tiền 7.800.000 đồng của cô Bùi Ngọc Trâm để trong bóp đó cũng bị công an tịch thu luôn mà không để lại bất kỳ giấy tờ gì.

4.  Cô Bùi Ngọc Trâm chỉ mới 25 tuổi, không làm gì có tội, vậy tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám bắt cô đi, bắt ép cô cởi quần áo rồi lấy cái gì thọt vô cửa mình của cô như vậy. Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám xâm phạm thân thể của cô như vậy?

5.  Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám ôm tay, ôm chân, bịt miệng, bẻ ngón tay của gần 30 người trong gia đình chúng tôi để ép phải lăn tay vào những biên bản mà không hề cho chúng tôi được đọc, được nghe, được thấy, được biết biên bản ấy nói cái gì, viết cái gì, trình bày cái gì. Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám ép cung gần 30 người như vậy?

6.  Tại sao Công an Huyện Đức Hoà bắt hết mười mấy người trong gia đình chúng tôi đi lên Huyện gần đến 4 ngày mà không có một gia61y mời hay lệnh bắt gì cả.

7.  Tại sao Công an Huyện Đức Hoà làm việc với người dân mà lại chửi bới thô tục, hăm he, đe doạ giống như bọn lưu manh côn đồ như vậy? Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám nói rằng ‘tụi bay không có tội tao cũng làm cho tụi bay thành tội.’ Tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám nói ra một câu xem thường luật pháp Việt Nam, xem thường dân chúng đến như vậy? Tiếng ‘đụ má’ và ‘đụ mẹ’ mà công an cũng dám dùng nữa sao?

8.  Chúng tôi không có tội gì cả, tại sao Công an Huyện Đức Hoà lại dám sai 20 công an xâm phạm gia cư bất hợp pháp nơi ở của chúng tôi như vậy? Tại sao lại dám ngồi trong nhà canh giữ chúng tôi trên cả tháng nay như vậy? Đến hiện nay, lúc đang viết lá thư này, họ cũng còn ngồi trong nhà chúng tôi mà canh giữ chúng tôi.

9.  Xin cho điều tra những gì Công an Huyện Đức Hoà đã khởi tố 4 người Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương là đúng hay không?

Những lời nói của 4 người này trên mạng xã hội mà Công an Huyện Đức Hoà cho rằng phạm điều 331 Bộ luật hình sự thì mức độ nguy hiểm có đến mức cần phải tạm giam họ vào ngục (ở tù) tới nay đã ở tù gần 2 tháng rồi, ở tù mà không có chỉ thị của Toà án, vậy là Công an Huyện Đức Hoà có làm đúng pháp luật của Nhà nước Việt Nam ta hay không? Và có cần phải ở tù lâu đến vậy không?

Nếu 4 người này có những lời nói trên mạng xã hội phâm vào điều 331 Bộ luật hình sự như vậy thì Công an cứ mời 4 người này lên làm việc điều tra chứ sao lại xông vào lục xét nhà của lấy hết máy móc, xâm phạm đến quyền riêng tư, đến tài sản riêng tư của gần 30 người như vậy? Bởi lẽ nếu 4 người này lỡ nói gì không đúng thì Công an có thể mời họ lên nhắc nhở hoặc phạt hành chánh cảnh cáo thôi, chứ sao lại bị xét nhà, lại bị lấy hết đồ đạc lại bị ở tù đến mức như vậy, lại bị công an xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân của từng người đến như vậy?

Một điều rất lạ và đáng suy nghĩ là: dụng cụ làm việc văn phòng của tôi như laptop, máy in, họ tịch thu đem về Huyện cả 2 tháng nay mà không chịu trả cho tôi. Chẳng lẽ nguyên cái Huyện Đức Hoà có những nhân viên nào đó trong nhà không có laptop, không có máy in rồi lại lấy đại của tôi đem về xài cả 2 tháng nay rồi mà không chịu trả. Điều này chứng tỏ Chánh Quyền đã tham của cải của dân, đã lấy của cải của người dân đem về để làm của mình, chứ Huyện mà đem máy in của dân về Huyện làm gì? Chỉ có các nhân viên thiếu máy in, thiếu laptop mới tịch thu máy móc của dân chúng để đem về nhà riêng để xài. Kính xin ông Bộ trưởng vui lòng cho điều tra cái máy in của tôi mà Huyện đem vè Huyện để làm gì?

Kính mong ông Bộ trưởng cho điều tra gấp tất cả những việc làm của Công an Huyện Đức Hoà vừa nêu trên để xem Công an Huyện Đức Hoà làm đúng hay sao? Để biết xem Công an Huyện Đức Hoà có lạm dụng chức quyền ép tội cho dân khiến cho dân phải khổ sở như vậy không? Để xem coi Công an Huyện Đức Hoà có ăn tiền của ai không (của ông Thắng ba Diễm My và bà Phương Hằng chủ khu du lịch Đại Nam) mà tại sao lại dám ra những chuyện trái pháp luật kinh thiên động địa đến như vậy? Điều tra gấp để cứu giúp cho 3 người đang bị Công an Huyện Đức Hoà bắt ở tù gần cả 2 tháng nay, không được về nhà ăn Tết và hiện vẫn còn giam mấy vị đó cho tới giờ phút tôi đang viết lá đơn này, xin cho 3 vị đó được về nhà, vì các vị đó không có tội gì cả.

XIN CHÚ Ý:

Trong trường hợp Công an Huyện Đức Hoà có làm sai luật pháp, có giam giữ trái với Luật pháp Việt Nam (vì Toà chưa xét xử, chưa tuyên án) thì xin cho Chủ tịch Huyện và Phó chủ tục Huyện phải bị rớt chức và ngồi tù 2-3 tháng gì đó để cho tương xứng ngang bằng với thời gian đã bắt 3 người công dân hiền lành, vô tội ngồi tù từ trước tới nay.

Chỉ có làm như vậy thì Chủ tịch và Phó chủ tịch Huyện ở các địa phương khác thấy đó mà không dám ngang nhiên muốn bắt giam ai thì bắt như họ đả làm đối với 3 vị công dân trong Huyện Đức Hoà này.

Trân trọng kính chào ông Bộ trưởng Tô Lâm.

Và xin hết lòng cảm ơn ông Bộ trưởng.

Kính đơn