Nghĩ về những bài học ở Úc nhân ngày Quốc khánh

Hôm nay (26/1/2023) là ngày Quốc Khánh Úc, và cũng là ngày tôi đặt chân tới Úc 41 năm về trước (1982) như là một người tị nạn. Bốn mươi năm sống ở đây tôi rút ra vài bài học mà tôi nghĩ có thể giúp cho những người đi sau.

Cứ mỗi năm đến ngày này là trong lòng tôi bồi hồi nhớ lại những giây phút đầu tiên trên quê hương thứ hai. Cái thời khắc đi Úc là lúc cái loa của trại tị nạn Phanatnikhom (thuộc tỉnh Chonburi) xướng tên tôi trong danh sách những đồng hương đi Bangkok để lên máy bay đi Úc. Dù biết rằng mình sẽ đi Úc (vì đơn đã được chấp thuận) nhưng khi nghe cái loa kêu tên, tôi vẫn vui mừng lắm lắm. Mừng trước hết là thoát khỏi cái môi trường nóng bức và tù túng trong trại, và sau là mình sắp tới Úc, xứ sở của Kangaroo. Vì nó mà tôi được chấp nhận cho đi định cư ở Úc.

Xe bus vào đón đoàn người tị nạn đi Bangkok. Trong đoàn người này, một số đông đi Mĩ, một số ít hơn (chừng 20) đi Úc, và một số khác đi các nước Âu châu. Mỗi chúng tôi đều đã trải qua ít nhứt 2 trại tị nạn và đã ở trên đất Thái ít nhứt là 6 tháng. Như là một truyền thống, đoàn người lên xe trong tiếng hát của Khánh Ly với bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn trên loa tiễn đưa. Tiếng hát Khánh Ly nghe sao mà buồn thế:

Ngày mai em đi

Biển nhớ tên em gọi về

Gọi hồn liễu rũ lê thê

Gọi bờ cát trắng đêm khuya

Phải ở trại Songkhla thì mới thấm câu ‘Biển nhớ tên em gọi về’. Còn ở đây thì không có biển, cũng chẳng có cát trắng. Nhưng ca khúc này được dùng trong những buổi đưa tiễn người tị nạn đi định cư ở các nước thứ ba.

Quang cảnh trại tị nạn Songkhla vào thập niên 1970s và 1980s. Trại nằm ven biển, có thể chứa 7000 đến 8000 người. Đây là nơi ghi nhận và chứng kiến biết bao thảm cảnh của người vượt biển. Thời tôi ở đây, hầu như tuần nào cũng có xác người tị nạn trôi dạt vào bờ và bà con vớt lên để an táng.

Trại tị nạn Songkhla, miền Nam Thái Lan. Trại này tạm dựng lên để chứa người vượt biển vào thập niên 1970s và 1980s. Hình này là nhóm người sắp được chuyển lên trại chuyển tiếp Phanatnikhom trước khi đi định cư ở một nước thứ ba.

Từ Phanatnikhom đi Bangkok mất khoảng 2 giờ đường (nếu tôi nhớ không lầm). Đó là lần thứ hai tôi thấy đường cao tốc của Thái Lan rất tốt. Xe cộ hai bên xa lộ rất nhiều. Thời đó mà đã kẹt xe khi sắp vào Bangkok! Thời đó, VN nghèo xác xơ, nên nhìn thấy đường cao tốc và xa lộ chồng chéo ở Bangkok và phố xá tấp nập tôi mới biết cái ‘Hòn ngọc Viễn Đông’ của mình chỉ là một dĩ vãng.

Chúng tôi được chuyển tới một trại tạm thời, mà thật ra là một nhà tù ở Bangkok. Nhà tù này (tôi quên tên) chỉ dành cho các phạm nhân người nước ngoài. Chúng tôi được cho ở một khu tách biệt với các tù nhân, và chỉ ở có 1 ngày 1 đêm để chờ chuyến bay. Không biết khu dành cho tù nhân ra sao, nhưng khu chúng tôi tạm trú rất sạch sẽ. Chúng tôi không được ra ngoài phố mà vẫn phải bị tạm giam trong trại cho đến khi ra phi trường.

Rồi cũng đến lúc ra phi trường Bangkok. Trời ơi, phi trường của họ rộng lớn quá chừng! Chúng tôi được dẫn đi ngang qua các gian hàng bán đồ (duty free) trông rất tráng lệ. Người ta dồn chúng tôi (gồm ~20 người) vào một phòng chờ, chứ không được đi lang thang trong các gian hàng đó. Ở trong phòng chờ nhìn dòng người qua lại tôi thấy mình như tù nhân hạng sang! Thật ra, cho dù họ cho ra ngoài thì tụi tôi cũng chẳng có một cent để mua bất cứ món gì. Nhưng cái cảm giác lần đầu tới một phi trường lớn như thế này rất khó tả, chẳng khác gì nhà quê ra thành thị vậy.

Cái cảm giác nhà quê còn được ‘nâng cấp’ khi lên máy bay. Ui chao, máy bay gì mà lớn dữ vậy (sau này mới biết là Boeing 747 của hãng Qantas). Chúng tôi được sắp xếp ngồi ở những hàng ghế sau cùng trong máy bay. Tôi nhìn quanh thấy đa số là khách Tây, họ hút thuốc lá phì phèo. Họ nhìn bọn tôi. Chắc họ tự hỏi ‘bọn này là ai và sao họ có vẻ quê mùa và nghèo như thế’.

Cái sốc lớn nhứt với tôi là mấy người chiêu đãi viên đem khăn lau mặt cho chúng tôi và cho mỗi người một li nước cam vàng tươi. Tôi tự hỏi ‘sao họ tử tế với mình vậy?’ Lúc đó, tôi chưa bận tâm với câu hỏi ‘ai là người đã trả tiền vé máy bay cho tôi?’ (Sau này tôi mới biết là do chánh phủ Úc tài trợ cho chuyến đi 1 chiều).

Gần như suốt đêm bay tôi không ngủ vì cứ suy nghĩ về tương lai: mình sẽ ở đâu, mình sẽ làm gì trên quê hương mới, mình có dịp về Việt Nam không (hay là ‘một lần đi là mãi mãi chia phôi’), v.v. Toàn những câu hỏi không có câu trả lời. Thời đó, chấp nhận ra đi là chấp nhận cái chết, hay nếu sống sót thì cũng không mong ngày về quê hương. Do đó mới có ca khúc ‘Đến bao giờ trở về Việt Nam / thăm đồng lúa vàng / thăm con đò ven sông’ của Lam Phương và ‘Một lần đi là một lần vĩnh biệt’ của Nguyệt Ánh.

Máy bay đáp xuống phi trường Kingsford Smith (Sydney) vào buổi sáng ngày 26/1/1982 — ngày Quốc Khánh Úc. Chúng tôi ra máy bay sau cùng (sau khi tất cả các khách khác đã ra máy bay). Mới ra khỏi máy bay thì cái nóng đã hực vào mặt. Thì ra Úc đang giữa mùa hè. Chúng tôi chẳng ai có hành lí gì lớn nên không phải chờ lấy hành lí mà đi thẳng ra bãi đậu xe. Chúng tôi lại phải xếp hàng để chờ lên xe bus về Cabramatta Hostel.

Đường từ phi trường về Cabramatta Hostel chỉ non 30 phút. Xe băng qua những ‘cánh rừng’ mà sau này tôi mới biết là đại lộ Henry Lawson (tên một nhà thơ Úc), và những cánh rừng đó chính là cái công viên quốc gia rất rất rộng và thơ mộng. Tôi không thấy một building nào cả, mà chỉ toàn là những căn nhà gạch, nhà nào cũng có một sân cỏ trước cửa trông rất xinh xắn. Tôi tự hỏi ‘hay là họ cho mình đi định cư ở vùng quê’, nhưng tôi cũng tự an ủi ‘Ở đâu thì cũng ok, miễn là có tự do.’

Khi tới Cabramatta Hostel thì tất cả đã được sắp xếp đâu ra đó. Mỗi gia đình hay cá nhân được ở một căn phòng chừng 4 x 5 mét. Tôi không rõ hostel có bao nhiêu phòng, nhưng số người ở đây phải lên đến cả 200. Người tị nạn từ khắp thế giới, Đông Âu, Nam Mĩ, Tàu, nhưng nhiều nhứt vẫn là người Việt. Đa số chúng tôi đều mới trải qua một giai đoạn hãi hùng trên biển và một thời gian ở trại tị nạn nên mặt mũi ai cũng tỏ ra lo lắng cho một tương lai bất định.

Nội qui hostel không cho nấu nướng trong phòng, vì thức ăn đã có nhà bếp lo. Nhà bếp lớn và rất rất sạch. Thức ăn ê hề. Cứ mỗi lần họ phục vụ món thịt trừu thì toàn dân Tây xếp hàng, còn dân tóc đen thì rất ít. Nhưng khi họ phục vụ món thịt gà và bò thì ‘dân đầu đen’ rất đông. Sau vài lần, hình như ban quản lí nhà bếp biết nên họ mướn phụ bếp người Việt nấu những món gần với ẩm thực Việt hơn.

Nhưng chỉ ăn được vài ngày là tôi chán, không ăn nổi nữa. Chúng tôi bèn ‘mò’ ra chợ mua đồ Á châu. Thời đó, Cabramatta giống như một thị tứ bán nông thôn, bán thành thị. Khu phố Cabramatta chỉ có con lộ John Street là đường chánh, với vài tiệm nhỏ và cái pub bán bia; trong số này có 1 tiệm thực phẩm Á châu duy nhứt. Chúng tôi vào tiệm thì thấy có bán mì ăn liền và … nước mắm. Trời ơi! Lần đầu thấy chai nước mắm Thái Lan ở đây mà mừng húm. Chúng tôi lén nấu mì trong phòng, và cứ luân phiên giữa mì gói và thức ăn nhà bếp suốt 3 tháng trời trước khi ra ngoài mướn nhà.

Ngày đầu tiên là làm thủ tục định cư. Nhân viên xã hội đã có các thông tin cán bản về chúng tôi nên họ làm giấy tờ khá nhanh chóng. Chúng tôi chưa nhận được trợ cấp gì cả vì mới tới nên nhà chức trách chưa đủ thời gian để làm sổ tiết kiệm và để bộ an sinh xã hội chuyển tiền. Thay vào đó, hội St Vincent de Paul giúp đỡ chúng tôi. Tôi nhớ họ cho cái voucher 20 AUD (hay 50 AUD?) và chúng tôi dùng nó để được cấp quần áo và giày dép. Tôi được cấp một cái quần tây và áo chemise cũ (đã có người dùng và bố thí cho Hội) và một đôi giầy rất oách.

Đó là kỉ niệm đầu tiên của tôi trên nước Úc. Đó cũng chính là lí do tại sao tôi rất rộng lòng khi bố thí cho hội St Vincent de Paul.

Một kỉ niệm khác là học tiếng Anh. Tất cả chúng tôi phải ghi danh học tiếng Anh do thầy cô người Úc dạy. Chương trình dạy tập trung vào kĩ năng đàm thoại để có thể xin việc làm. Ngày nào cũng tập nói những câu như:

What is your name?

How are you? I am fine

How long have you been in Australia?

I am looking for a job?

How much does it cost?

v.v.

Học đến ngày thứ 5 là tôi bắt đầu chán và quyết định tự học. Tài liệu tự học của tôi là cuốn từ điển Longman và cuốn Practical English Usage (của Michael Swan) và tờ nhựt báo Sydney Morning Herald (SMH). Mỗi ngày tôi học chỉ một chữ và tối về nghe xướng ngôn viên tivi đọc tin tức và tôi học cách phát âm từ đó. Cách học này rất hiệu quả.

Cô giáo tôi là người Úc gốc Anh, rất kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Anh cho người di dân. Cô ấy thậm chí còn biết tâm lí của người tị nạn từ các quốc gia XHCN rất sợ cảnh sát và nhà cầm quyền. Cô ấy tìm cách nhắc chúng tôi rằng Úc là nước tự do, rằng chúng tôi có quyền nói ra chánh kiến cá nhân mà không sợ ai đày đoạ.

Một hôm cô ấy làm chúng tôi sốc. Cô ấy vào lớp học, cầm trên tay tờ nhựt báo SMH, rồi cô chỉ vào hình của ông đương kim thủ tướng và nói đại khái rằng “Tôi không ưa thằng cha này. Ổng là kẻ bất tài. Tôi sẽ không bầu cho ổng.” Chúng tôi há hốc nhìn cô ấy nói mà im re, không ai có ý kiến. Thật ra, có biết gì đâu mà có ý kiến, hay có biết thì cũng không dám nói. Bài học tự do ngôn luận đầu tiên là vậy.

Bốn mươi năm cuộc đời

Người phương Đông hay ví dòng thời gian của con người như bóng câu qua cửa. Thoát một cái tôi đã ở Úc hơn 40 năm. Thời gian ở Úc lâu hơn thời gian ở Việt Nam. Ngày tới đây mình là một thanh niên, nhưng nay mình đã là một ‘lão niên’. Nhìn lại cái quãng thời gian đó tôi chia ra 4 giai đoạn, với mỗi giai đoạn chừng 10 năm.

Mười năm đầu là làm lại cuộc đời. Đó là thời gian phấn đấu để ổn định cuộc sống (mua xe, nhà) và học hành. Cái mốc quan trọng là mua được căn nhà vào năm 1985.

Giai đoạn 2 là thử thách và định hướng. Đó là thời gian 10 năm lăn lộn trong môi trường làm việc ở vài nơi trong và ngoài nước, trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau trước khi xác định một hướng đi cho mình và tạo chỗ đứng trong chuyên ngành. Cái mốc quan trọng trong giai đoạn này là được nhận vào làm ở Viện nghiên cứu y khoa Garvan.

Giai đoạn 3 là ổn định và đóng góp. Đó là thời gian 10 năm ổn định, giữ vai trò lãnh đạo, và có những đóng góp cho đời, kể cả giúp người khác. Cái mốc quan trọng là công bố những công trình quan trọng, được bổ nhiệm chức ‘full professor’ của UNSW và học vị DSc.

Giai đoạn 4 là gặt hái thành quả. Đây là giai đoạn 10 năm tiếp tục đóng góp cho xã hội ở diện rộng và lớn hơn. Đây cũng là giai đoạn mình được ghi nhận qua những giải thưởng quan trọng. Cái mốc quan trọng là được bầu vào Viện hàn lâm y học năm 2019. Tôi gọi đó là thời gian gặt hái quả ngọt từ giai đoạn 2 và 3.

Năm vừa qua (2022) là năm có ý nghĩa nhứt trong đời tôi. Đó là năm tôi được Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị trao Huân chương Australia (AM) vì những đóng góp cho nghiên cứu y khoa, phòng chống loãng xương, và giáo dục đại học. ‘Có ý nghĩa’ là vì Huân chương được trao đúng ngày 26/1, ngày tôi tới Úc đúng 40 năm trước.

Năm 2022 cũng là năm tôi được bầu vào Royal Society của bang New South Wales, một viện hàn lâm lâu đời nhứt của Úc. Khi mới tới đây, tôi đâu có mơ ngày được vào cái Hội Hoàng Gia này, thậm chí chẳng biết nó là cái gì. Cũng chẳng biết cái Huân chương Australia là cái gì. Đến khi nhận thư chúc mừng của sếp tôi mới dần dần hiểu ra.

Những bài học ở Úc

Tôi hiểu rằng khi bước chân vào các thiết chế xã hội này mình đứng chung với những người Úc quan trọng khác, và mình được chấp nhận là một ‘Australian’ thiệt sự. Tôi nhận ra rằng những gì mình cống hiến sẽ có ngày mình được ghi nhận. Hay nói theo một qui luật sống là ‘Nếu bạn gieo chăm chỉ, bạn sẽ gặt thành công’. Tôi không thích hai chữ ‘thành công’ (vì nó huyễn hoặc nhiều người) nhưng vì người ta viết như vậy nên tôi trích nguyên văn như vậy.

Bốn chục năm ở đây cũng cho mình vài bài học:

  • Bài học thứ nhứt là là người tị nạn và không có cái vốn văn hoá bản địa, chúng ta phải phấn đấu và đạt thành quả gấp 2-3 lần người bản xứ.
  • Bài học thứ 2: Sẵn sàng đấu tranh cho bình đẳng và lẽ phải, không bao giờ nhân nhượng với những kẻ kì thị.
  • Bài học thứ 3: Nắm lấy cơ hội khi có được. Mỗi công việc, thấp hay cao, đều là một cơ hội để mình chứng tỏ khả năng và đặt chân vào thiết chế xã hội.
  • Bài học thứ 4: Xem mỗi thất bại là lí do để vươn lên. Nếu các bạn làm trong khoa học, khoa bảng, thế nào cũng gặp nhiều thất bại, nhưng đừng nản lòng mà phải xem đó là một cái cớ để tự mình làm tốt hơn. Nên nhớ câu ‘mình không có bổn phận làm người của hôm qua, mà lúc nào cũng tự làm mới mình.’
  • Bài học thứ 5: Xem công việc mình là phụng sự cộng đồng chớ không phải chỉ để làm giàu hay làm ra tiền. Công việc dĩ nhiên là thu nhập, nhưng nên nghĩ xa và cao hơn cái mục tiêu cấp thấp đó: hãy xem việc mình làm là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người.
  • Bài học thứ 6: Rèn luyện kĩ năng thông tin (communication skills). Muốn hoà nhập và chấp nhận trong xã hội này, chúng ta phải học tiếng Anh, nhưng chưa đủ. Phải học nói, học viết, học cách tương tác ‘give and take’ (cho và nhận). Đa số người Việt chúng ta kém kĩ năng thông tin nên khó hoà nhập vào xã hội Úc.

Bài học hay nhứt của cuộc sống là quân bình. Nói như Einstein, cuộc đời giống như là đi xe đạp, tức là chúng ta phải giữ sự thăng bằng, mà muốn giữ thăng bằng thì phải đi tới. Và, tôi vẫn đi tới đây.

Ngày hôm nay (26/1/2023) đánh dấu 41 năm tôi định cư ở Úc. Không biết các đồng hương tôi nghĩ gì, riêng tôi thì thấy mình may mắn. May mắn là vì được Úc cưu mang và cho mình cơ hội để cống hiến. May mắn vì được sống và làm việc trong môi trường khá bình đẳng, ít kì thị, và không có luật ‘nhứt hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ’. Nhờ Úc cưu mang nên tôi mới có cơ hội học tập và đóng góp cho quê hương này và quê hương Việt Nam. Nói ‘Cám ơn nước Úc’ là thừa, nhưng quả thật tôi muốn nói ra câu đó từ đáy lòng mình.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s