Miệt quê dễ thở

Nếu phải chọn một chữ để mô tả đời sống nông dân miệt vườn ở miền Tây ngày nay, tôi sẽ chọn chữ ‘dễ thở’.

Đi khắp các làng quê miền Tây, cái thay đổi dễ nhận ra nhứt là những ngôi nhà mới xây. Chỉ chừng 1 thập niên trước đây, xóm tôi chỉ có 5 căn nhà gạch, số còn lại (hàng trăm) là nhà lá trông rất lụp xụp. Nhưng ngày nay, đi suốt xóm này sang xóm khác, tôi chỉ thấy nhà gạch tường xi măng, chỉ có vài ba căn nhà lá đang chờ xây lại. Những căn nhà mới và khang trang làm cho cả làng quê như tươi tắn hơn và đang ‘thay da đổi thịt’.

Trước đây, điện lực đã về tới quê hơn 15 năm trước. Ngày nay thì ngoài điện, đa số người dân miệt quê tôi đã tiếp cận nước phông tên (thay vì dùng nước sông). Ở xã tôi, nhà máy nước địa phương có khả năng cung cấp nước cho hàng ngàn gia đình trong địa bàn. 

Chỉ cần nhìn hơn 10 tiệm bán vật liệu xây dựng trong một cái làng 10 ngàn dân, là đủ biết kĩ nghệ xây dựng trong làng phát triển ra sao. Tán gẫu với những người quen gốc Khmer tôi nghe họ nói nhiều đến hai chữ “dễ thở”. Dễ thở hơn là vì đời sống được cải thiện, giao thông đi lại dễ dàng hơn, người dân có lựa chọn công ăn việc làm nhiều hơn. Tuy nhiên, bất cứ phát triển nào cũng đề ra những thách thức và khó khăn mà người dân phải đương đầu.

Dễ thở hơn xưa không phải là do trúng ruộng hay nhờ nghề nông, mà là công nghiệp. Đa số những người trẻ ở miệt quê đều bỏ làng quê, hoặc là đi học xa hoặc là làm công nhân ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương và Long An. Chính những người này và thu nhập của họ đã làm thay đổi diện mạo miệt quê. Bà con xóm tôi nói đùa rằng trước kia thấy nhà nào khang trang là biết nhà đó có Việt kiểu, còn ngày nay đằng sau một căn nhà mới xây là có bóng dáng của Bình Dương.

Những con lộ tráng xi măng tuy chỉ vừa cho 2 chiếc xe gắn máy (hay 2 chiếc xe hơi) đã nối liền tất cả các làng quê và đô thị so với 50 năm trước. Ngày xưa (50 năm trước), đi từ làng tôi đến Rạch Giá (khoảng 25 cây số) phải mất cả 4 giờ đường sông, còn ngày nay chỉ mất 35 phút với xe gắn máy. Không chỉ xe gắn máy, mà xe hơi cũng vào tận các làng quê mà ngày xưa chỉ có thể đi bằng ghe xuồng. Sự phát triển giao thông miền quê quả thật đã làm thay đổi diện mạo miền quê, hay nói đúng hơn là ‘đô thị hóa’. 

Sự phát triển giao thông còn tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều người, và H là một người tiêu biểu như thế. H là một thầy giáo trong làng tôi, nhưng thấy lượng người Việt ở nước ngoài về thăm quê ngày càng nhiều, anh ấy mua xe hơi để phục vụ nhu cầu du lịch cho bà con. Khi các con lộ nối liền các làng quê, H thấy nhu cầu đi lại càng nhiều (như đi khám bệnh, đi du lịch, đi thăm bà con ở tỉnh khác, thậm chí đi ăn uống ở thành phố) nên lại đầu tư mua thêm xe. Những người bạn khác của H cũng đầu tư xe hơi, và họ liên kết với nhau thành một ‘hợp tác xã’ để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con. Gặp tôi sau trận dịch, H nói “Mai mốt mấy con lộ vào Cây Dương được nâng cấp thì bọn em sẽ ‘êm’.” 

Bất cứ sự đô thị hoá nào, bên cạnh những phát triển nâng cao chất lượng sống cho người dân, cũng kèm theo những hệ luỵ về môi sinh. Sự phát triển giao thông đã làm cho làng quê của tôi không còn là một nơi êm ả nữa. Bên kia sông thì xe hơi và xe gắn máy đi lại khá bận rộn ngày đêm. Ngay cả bên này sông, tuy vườn cây vẫn là điểm chánh, nhưng con lộ trước nhà đã tạo điều kiện cho nhiều xe gắn máy qua lại. Dưới sông thì ghe xuồng tấp nập vận chuyển hàng hoá và nông sản đi thành phố. Cái thời nằm võng bên này sông nghe vọng cổ từ máy hát bên kia sông coi như đã qua rồi.

Siêu cống sông thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé mới khánh thành là đã gây tác động tiêu cực đến cư dân trong vùng

Các con sông và rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do lạm dụng thuốc trừ sâu ở ruộng. Cái thời tắm sông đã qua lâu rồi. Tình trạng ô nhiễm ở miệt quê có thể là nguyên nhân của sự gia tăng chóng mặt về các căn bệnh không lây như ung thư, phổi, tiểu đường, và tim mạch. Nếu không kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường, tôi e rằng 21 triệu dân ở miền Tây sẽ đứng trước một đe doạ rất lớn về sức khoẻ.

Ở quê tôi, người dân than phiền rằng các con sông đểu bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái đập sông Cái Lớn. Nước sông cứ lình bình, khái niệm ‘nước lớn, nước ròng’ chỉ còn là tương đối. Lục bình khắp nơi, gây trở ngại cho ghe xuồng đi lại. Nhưng quan trọng nhứt là tình trạng ô nhiễm sông, cá tôm khó sống nổi. Con đập nó có lí do tồn tại (ngăn mặn), nhưng chẳng hiểu tính toán và mô phỏng như thế nào mà tác động tiêu cực xem ra khá nghiêm trọng.

Cơ hội công ăn việc làm đã và đang mở rộng đối với người dân miệt quê. Ngày xưa ở quê tôi thì đa số người dân làm nghề nông, chỉ có một số ít đi học và lập nghiệp ở thành phố. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển công nghiệp đã tạo rất nhiều công văn việc làm cho người dân miệt quê. Thật ra, đa số thanh niên quê tôi chọn làm công nhân hơn là nông dân, và họ đã có những đóng góp quan trọng trong việc làm ‘thay da đổi thịt’ làng quê. Họ chính là những người đa giúp cho gia đình dưới quê ‘dễ thở’ hơn.  

Làn sóng rời bỏ làng quê để làm công nhân đã gây nên tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động ở vùng quê. Những thanh niên ra đi, và những người ở lại thường là người cao tuổi. Người ở lại vẫn làm ruộng theo mô hình cũ, tức canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, phải đấu tranh với sâu rầy triền miên, và thu nhập rất khiêm tốn. Chẳng hạn như một gia đình có 5 công đất, mỗi năm làm 2 vụ, hay nếu thuận lợi, 3 vụ mùa, sau khi khấu trừ tiền phân, tiền thuốc trừ sâu, tiền mướn nhân công, tiền vay ngân hàng mỗi đầu vụ, thì anh bỏ túi được chừng 15 triệu đồng. Một người công nhân có thể có thu nhập 15 triệu đồng trong 3 tháng làm việc.

Sự thật trên dẫn đến một nghịch lí: tuy góp phần lớn vào xuất khẩu gạo cho cả nước, nhưng người dân miền Tây vẫn nghèo. Hàng trăm năm nay, nông dân vẫn làm ruộng theo kiểu cha truyền con nối, qui mô canh tác nhỏ (vài công đất) và thiếu liên kết với nhau, qui mô sản xuất nhỏ nên người nông dân rất khó trở nên giàu.

Nghịch lí trên dẫn đến một nghịch lí khác về vị thế kinh tế của miền Tây. Trong khi đời sống của người dân miền Tây dễ thở hơn thì đóng góp cho kinh tế quốc gia lại suy giảm! Ba mươi năm trước, GDP của TPHCM chỉ bằng 67% GDP của các tỉnh miền Tây, nhưng ngày nay thì GDP của miền Tây chỉ bằng 67% GDP của TPHCM. Trong số 13 tỉnh thành ở miền Tây, chỉ có Cần Thơ là tự chủ tài chánh, còn 12 tỉnh khác phải được sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Cuộc sống của người nông dân miền Tây không nên chỉ ‘dễ thở’ mà cần phải sung túc như thời thập niên 1960 và 1970. Tuy nhiên, để sung túc thì mô thức làm ruộng cần phải thay đổi. Có lẽ cần một mô ‘mô thức’ canh tác mới với nhiều nông dân liên kết với nhau để tạo nên một diện tích ruộng lớn như ở phương Tây và cơ giới hoá nông nghiệp thì người nông dân miền Tây mới có thể sung túc.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s