Xin giới thiệu đến các bạn bài bình luận của tôi liên quan đến mô hình mới về công bố khoa học mà tập san eLife khởi xướng. Tôi post bài này trên trang substack [1].
https://tuann.substack.com/p/disrupting-the-equation-journal-title
Bối cảnh ra đời của eLife
Trong khoa học, eLife là một tập san thuộc hạng ‘prestigious’ và ‘selective’. Tập san được thành lập vào năm 2012 bởi khôi nguyên Nobel là Randy Schekman, và được 3 tổ chức khoa học rất nổi tiếng tài trợ: Wellcome Trust (Anh), Howard Hughes Medical Institute (Mĩ), và Max Planck Society (Đức).
Sư ra đời của eLife bắt đầu từ một quan điểm có thể nói là ‘chống’ các tập san CNS (Cell, Nature và Science) mà Schekman cho là ‘xa xỉ’. Quan điểm của Giáo sư Schekman là CNS đã gây tác hại đến khoa học, và họ dùng tên tập san để làm thước đo chất lượng khoa học — và đó là một sai lầm. Do đó, Schekman đặt mục tiêu cho eLife là làm cách mạng trong công bố khoa học và đồng thời cạnh tranh hay thay thế CNS.
Thế nhưng qua 10 năm vận hành, eLife chẳng những không thay thế được CNS mà còn trở nên một trong những thành viên của câu lạc bộ CNS! Tức là eLife vẫn như CNS, rất chọn lọc (chỉ chọn bình duyệt 30% bản thảo, và tỉ lệ chấp nhận khoảng 30-40% trong những bài được chọn bình duyệt). Thế là cái viễn kiến của Schekman không thành hiện thực.
‘Trông mặt mà bắt hình dong’
Ông bà chúng ta có câu ‘trông mặt mà bắt hình dong’, tức là đánh giá người ta qua vẻ bề ngoài. Người ăn mặc sang trọng được đánh giá ‘ngon lành’ hơn người với trang phục giản dị. Trong khoa học cũng vậy, cho đến nay, giới khoa học vẫn đánh giá với nhau qua tập san mà họ công bố. Nếu ‘trông mặt mà bắt hình dong’ là sai thì cách đánh giá của giới khoa học hiện nay cũng sai.
Biết là sai, nhưng chẳng ai muốn thay đổi cái ‘status quo’ (hiện trạng). Tại sao? Tại vì giới khoa học hưởng lợi từ cái mô hình công bố khoa học hiện nay.
Thử tưởng tượng bạn ngồi trong một hội đồng xét duyệt tài trợ khoa học hay hội đồng bổ nhiệm các chức vụ giáo sư. Mỗi ứng viên có một lí lịch dài, và phần công bố khoa học họ liệt kê hàng trăm bài báo. Tôi từng thấy vài lí lịch mà đương sự công bố 1 bài báo mỗi tuần, và tổng số bài báo lên đến 700! Dĩ nhiên, con số bài báo chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nó vẫn làm cho những ai thiếu kinh nghiệm cảm thấy … ấn tượng. Nhưng tài trợ khoa học và đề bạt trong khoa bảng dựa vào phẩm chứ không phải lượng. Chất lượng chứ không phải số lượng.
Nhưng làm sao đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu? Cách tốt nhứt là đọc bài báo. Nhưng chúng ta không thể nào đọc tất cả các bài báo. Mà, cho dù có đọc hết thì chưa chắc có kiến thức chuyên sâu trong chuyên ngành để đánh giá.
Do đó, người ta (chúng ta) phải tìm một cách đơn giản hơn và rẻ tiền hơn để đánh giá. Cách phổ biến nhứt là xem qua những tập san mà ứng viên công bố các công trình nghiên cứu. Theo đó, những bài báo trên CNS hay tương tự (như NEJM, JAMA, Lancet, BMJ, Nat Med, JEM, v.v. trong ngành y) được xem là có chất lượng cao hơn những bài trên các tập san chuyên ngành.
Trong vài viện nghiên cứu và chương trình fellowship, nếu bạn chưa công bố trên CNS thì bạn chưa là ‘competent scientist’. Ở bên Tàu, có những trung tâm nghiên cứu xem những bài báo trên các tập san có impact factor dưới 10 là chưa ‘thành công’.
Cách đánh giá đó dựa vào một giả định quan trọng: tên tập san = chất lượng khoa học.
Nhưng giả định đó sai. Nhiều bài báo trên CNS và các tập san có impact factor cao hay rất cao là sai và … vô dụng. Sự thật là vậy. Ngược lại, có những bài báo trên các tập san có impact factor thấp nhưng lại làm nên ‘cách mạng’ trong chuyên ngành. Trong chuyên ngành loãng xương của tôi, những bài báo quan trọng nhứt (hiểu theo nghĩa dẫn đến thay đổi nhận thức và thực hành lâm sàng) được công bố trên những tập san có impact factor thấp (chỉ chừng 3-4). Thành ra, việc đánh giá chất lượng khoa học qua tên tập san hay impact factor là một sai lầm. Sai lầm này có tên là ‘ecologic fallacy’.
Cách làm mới của eLife
Sau khi Randy Schekman kết thúc nhiệm kì tổng biên tập của eLife, hội đồng quản trị bổ nhiệm Giáo sư Michel Eisen (UC Berkeley) thay thế. Eisen là một nhà khoa học thuộc vào hàng ‘visionary’, và ông không ưa cái cơ chế công bố khoa học hiện nay. Trong một phỏng vấn rất lâu trước khi đến với eLife, Eisen tuyên bố [2]:
“Tôi đã nói ngay từ đầu — và nói nhiều lần trước đây — rằng tập san khoa học là một thực thể lỗi thời. Chúng là sản phẩm của tình cờ mang tính lịch sử, khi mà kĩ thuật in ấn được sáng chế trước internet. Tôi muốn xoá bỏ các tập san khoa học. Đặc biệt, tôi muốn xoá bỏ qui trình bình duyệt trước khi công bố và xoá bỏ mô thức ‘nộp bài — bình duyệt — chấp nhận / từ chối — lặp lại’. Cái hệ thống này dở cho khoa học và tồi tệ cho giới khoa học.”
Khi Eisen nhậm chức, ông quyết tâm thay đổi hiện trạng. Việc đầu tiên là eLife sẽ chỉ xem xét những bản thảo bài báo đã công bố trên một trạm xuất bản gọi là ‘preprint server.’ Khi eLife tuyên bố chánh sách đó nhiều người nghi ngờ vì họ nghĩ bài báo và ý tưởng của họ sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng sau đó, nhiều tập san số 1 trên thế giới cũng làm theo eLife, tức chỉ bình duyệt bài báo đã công bố trên preprint server.
Tháng 10 năm ngoái (2022), eLife gây chấn động khi tuyên bố rằng bắt đầu từ tháng 1/2023, ban biên tập sẽ không đóng vai trò ra quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo nữa; eLife sẽ công bố tất cả những bài mà ban biên tập chọn gởi ra cho bình duyệt.
Quả là một cách làm … quá mới.
Thay vì chấp nhận / từ chối công bố, eLife sẽ cung cấp một đánh giá mỗi bài báo qua 2 tiêu chí: tầm quan trọng và sự thuyết phục của chứng cứ. Họ gọi đánh giá này là ‘eLife Assessment’ (xem bảng).

Hai tiêu chí này độc lập với nhau. Theo đó, một công trình nghiên cứu dùng phương pháp rất tốt với phát hiện có ý nghĩa trong một chuyên ngành hẹp (D1). Ngược lại, một nghiên cứu đột phá nhưng phương pháp chưa đủ thuyết phục sẽ nhận được hạng A5. Cả hai nghiên cứu D1 và A5 đều đáng được công bố.
Tôi nghĩ cách đánh giá mới của eLife đơn giản nhưng rất hay. Cách đánh giá này trả lời những câu hỏi mà người đọc một nghiên cứu hay hỏi: (i) phát hiện này có quan trọng; (ii) tôi có thể tin vào phát hiện này; và (iii) nếu tin thì tôi phải làm gì. Tôi nghĩ nếu tất cả các bài báo khoa học có cái ‘phù hiệu’ này thì công việc đánh giá một nhà khoa học dễ dàng hơn và chính xác hơn. Hi vọng rằng các tập san khoa học sẽ làm như eLife trong tương lai.
______
[1] Xin mời các bạn đăng kí / subscribe để nhận tin bài mới:
Qua vài bạn trong đại học tôi mới biết trang web substack hiện nay rất nổi tiếng vì nó cho chúng ta viết bài miễn phí (không giống như medium có vẻ giới hạn nhiều bạn đọc). Nhiều bạn trong y giới có tài khoản ở đây. Do đó, tôi thử làm một trang trong substack. Đây sẽ là trang tôi chia sẻ những bài ‘khoa học phổ thông’ bằng tiếng Anh, để trước là mua vui, và sau là để các bạn nào muốn học tiếng Anh.
[2] “I’ll say at the outset – as I’ve said many times before – I think journals are an anachronism — a product of the historical accident that the printing press was invented before the Internet. I want to get rid of them. More specifically, I want to get rid of pre-publication peer-review and the whole “submit – review – accept/reject – repeat” paradigm through which we evaluate works of science and the scientists who produced them. This system is bad for science and bad for scientists.” https://scholarlykitchen.sspnet.org/2022/11/15/innovation-at-elife-an-interview-with-damian-pattinson
One thought on “Cách đánh giá chất lượng khoa học MỚI”