Lần đầu tiên trong đời tôi có dịp đi Tây Ninh, và dĩ nhiên là không thể bỏ qua Núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài. Cái note này chỉ ghi lại một thoáng Tây Ninh mà thôi.
Khu du lịch Chùa Bà Đen được tổ chức bài bản chứ không nhếch nhác như thấy ở vài nơi. Có lẽ vì do công ti tư nhân quản lí (SunWorld) nên cách điều hành và chất lượng dịch vụ rất ok. Khách tham quan phải mua vé để đi cáp treo lẻn xuống Chùa và vài dịch vụ khác. Cảnh quang chung quanh sạch sẽ. Nhân viên phục vụ có mặt khắp nơi và sẵn sàng giúp đỡ khách khi có nhu cầu.

Cảnh chùa Bà Đen ở triền núi. Chùa này chắc mới được xây dựng.
Khách đến đây là người ‘tứ xứ’, người miền Trung vào, người miền Tây lên. Hôm nay là ngày Thứ Hai nên khác không đông như ngày cuối tuần, nhưng lượng khách vẫn làm cho khung cảnh như trẩy hội. Mấy cô thiếu thanh nữ mặc áo bà ba màu mè (chắc dân miền Tây) đem lại lễ vật lên chùa cúng. Họ thắp nhang rất thành kính chứ không phải chỉ đi cho có đi đâu. Còn họ cầu nguyện gì thì chẳng ai biết.

Cảnh chùa Bà Đen ở triền núi. Chùa này chắc mới được xây dựng.
Tuy vậy, cũng tồn tại vài dấu hiệu kinh doanh hơn là tâm linh. Đi đâu cũng thấy có người mời mọc mua cái này cái kia. Nào là nhan, giấy, hay các chế phẩm mang tính tâm linh. Tuy không đến nổi ‘chèo kéo’ nhưng mình không mua hàng của người ta thì cũng thấy áy náy trong lòng. Nhiều khi tôi cảm thấy đây như một nơi kinh doanh thần thánh.
Ngạc nhiên một điều là mấy loại ‘ngoa ngôn’ chúng cũng len lỏi tận đây. Thay vì nói đỉnh núi, người ta nói ‘Nóc nhà Đông Tây Nam Bộ’. Thay vì nói đi tới đỉnh núi, người ta nâng thành ‘Chinh phục’? Mà, có chinh với phục gì đâu, tôi chỉ đi dây cáp lên đỉnh núi thôi. Thay vì nói tìm cách giải quyết vấn đề, người ta nói ‘giải bài toán’ (thực ra, chẳng có toán tiết gì ở đây cả). Ôi! Mấy thứ ngoa ngôn này nó làm cho suy nghĩ người ta bị ‘cloudy’ hay bao phủ bởi những chữ vô nghĩa.
Vô nghĩa và mù mờ như bầu trời chung quanh đây. Chẳng hiểu sao đã giữa trưa mà bầu trời ở đây vẫn còn âm u, giống như sương mù. Nhưng không phải sương mù. Rất có thể là do ô nhiễm không khí từ các khu kĩ nghệ lân cận chăng?
Toà thánh Cao Đài
Địa điểm thứ hai phải thăm là Toà thánh Cao Đài. Phải nói là tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ghé đây.
Trước hết là khuôn viên rất rộng và thoáng đãng. Rộng đến 92 ha đất, mà một tín hữu ở đây cho biết thời trước 1975 còn rộng hơn nữa, nhưng sau 1975 thì bị nhà cầm quyền lấy một số đất rồi. Ở giữa là toà Thánh thất, với hai bên là hai khán đài, và phía trước là cái tháp chưa thi hài của Bảo hộ Phạm Công Tắc, một lãnh tụ quan trọng bậc nhứt của đạo Cao Đài.

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Khuôn viên rộng đến 92 ha, trông rất thoáng và xanh. Tôi không hiểu sao xe cộ chạy trước toà thánh y như là con lộ công cộng vậy.
Chung quanh toà Toà thánh là hàng loạt toà nhà dành cho khách thập phương, giảng đường, văn phòng giáo sự, trường học, v.v. Tất cả đều rất chỉnh chu, thông thoáng, sạch sẽ, trang nghiêm. Có thể ví đây là ‘Vatican của đạo Cao Đài’.
Hiện nay thì toà thánh đang trong giai đoạn ‘đại trùng tu’. Trong toà thánh có nhiều tín hữu đang làm những việc như sơn sửa, quét dọn, sửa chữa. Có hẳn vài nghệ nhân vẽ hoa văn nữa. Một tín hữu cao tuổi ở đây cho biết toà thánh này sẽ 100 tuổi vào năm 2025.
Tôi hỏi ai là kiến trúc sư của công trình này, thì vị tín hữu nói không có kiến trúc sư, mà người chủ trì xây dựng là ông Phạm Công Tắc. Xây đến đâu, ông Phạm Công Tắc hướng dẫn xây đến đó. Điều kinh ngạc là mấy cái cột trong toà thánh là là tre và tầm vông! Chẳng hiểu sao hai vật liệu này có thể đứng vững hàng trăm năm, nhưng sự thật là vậy.
Tại đây còn là nơi an nghỉ của bà Lý Thị Thiên Hương. Theo một truyền thuyết (vì có đến 3 truyền thuyết) về nguồn gốc Bà Đen, thì bà Thiên Hương là người gốc Trảng Bàng, người đen đúa nhưng có duyên và có tài. Nàng Thiên Hương được một công tử để lòng thương, và quyết bắt cóc nàng về làm thê thiếp. Thế nhưng có một chàng hiệp sĩ tên Lê Sĩ Triệt giải cứu, và vì cảm kích tấm lòng nghĩa hiệp đó nên gia đình đồng ý gã Thiên Hương cho hiệp sĩ họ Lê. Thật ra, cô Thiên Hương cũng có cảm tình với chàng Lê trước đó rồi.
Thành hôn xong thì chàng lên đường tòng quân giữa thời chinh chiến. Nàng ở lại hay lên chùa cầu nguyện. Một hôm lên chùa, cái gã công tử kia lại muốn bắt cóc, nhưng nàng nhảy xuống núi (?) và chết. Nàng về báo mộng cho vị sư trong chùa về sự quyên sinh và chỉ rõ thân xác ở đâu để vị sư đem về chùa. Lúc đó, Thiên Hương mới 18 tuổi. Sau khi qua đời, Thiên Hương nhiều lần hiển linh, bảo hộ dân chúng ở địa phương, nên được dân địa phương lập chùa thờ. Và, chùa có tên Bà Đen.
Nay, theo như vị tín hữu thì hài cốt bà Thiên Hương đã được di dời về Toà thánh Cao Đài lâu rồi. Còn chùa Bà Đen chỉ là nơi … du lịch mà thôi.
Nói cách khác, muốn thắp nhang cho Bà Đen thì về Thánh thất. Và, tôi đã có dịp đến đây, một địa danh vừa mang tính lịch sử, vừa là một địa chỉ tinh thần của dân tộc.
Ghi thêm:
Vài thay đổi so với phiên bản trước: sau khi các bạn góp ý, tôi đã chỉnh sửa vài chỗ. Toà thánh (khác với Thánh thất) như Gs Võ Văn Thành giải thích. Còn người sáng lập đạo Cao Đài là Ngô Minh Chiêu, không phải Phạm Công Tắc (như tôi viết bản trước)
——
PS: Tới đây tôi chợt nhớ đến cô ca sĩ Châu Ngọc Hà (của Trung tâm Thuý Nga bên Mĩ) là người con của Tây Ninh. Mới đây cô ấy đã lên xe bông, và tôi tưởng nếu cổ còn ở Tây Ninh thì tôi đến chúc phúc như là một khán giả ái mộ giọng ca của cổ và anh phu quân Ngọc Ngữ, nhưng hai người đã về Mĩ rồi.

Phía trước toà thánh Cao Đài Tây Ninh (nhìn từ sảnh). Cái tháp ở cổng chánh có chứa hài cốt của hộ pháp Phạm Công Tắc, một lãnh tụ quan trọng bậc nhứt của đạo Cao Đài.

Phía trong Toà thánh (10/4/23) đang trong lúc đại trùng tu cho kịp kỉ niệm 100 năm vào năm 2025.


Chánh điện của toà thánh Cao Đài Tây Ninh.
One thought on “Một thoáng Tây Ninh”