Xương của bạn bao nhiêu tuổi?

Một số cơ phận, như bộ xương, trong chúng ta có xu hướng già trước tuổi. Chúng tôi có cách định lượng tuổi của xương cho mỗi người.

Bà cố tôi dạo đó (1970s) đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Kí ức của tôi là bà cố rất mạnh khoẻ. Mỗi lần bà giận ai là bà tự bơi xuồng tới nhà của một người con hay cháu để ở. Giận ngoại tôi, bà bơi sang nhà tôi ở một thời gian, rồi má tôi nói (hay làm gì đó) bà giận thì bà lại xuống xuồng bơi lên kinh Lô Bích để ở nhà con cháu nào đó. Ở nhà tôi, bà thu lượm lá dừa, củi, và mấy đồ gia dụng để dành cho … con dâu út (tức bà mợ tôi). Tóc bà chỉ hoa râm, da tuy có nhăn, nhưng dáng đi thì không hề chậm. Tôi nghĩ dù bà ở tuổi 80s nhưng bề ngoài thì có vẻ 70s.

Trường hợp bà cố tôi cho thấy tuổi đời không nói lên nhiều về chúng ta. Một người có thể đã trải qua 82 năm sống (như bà cố tôi) nhưng các cơ phận trong người thì trẻ hơn. Nhưng một người như TT Joe Biden tuy đã qua 80 cái sanh nhật nhưng trái tim, não bộ và xương cốt có vẻ ‘già’ hơn.

Tuổi sinh học và tuổi đời

Giới khoa học phân biệt giữa tuổi đời (chronological age) và tuổi sinh học (biological age). Tuổi đời chỉ đơn giản là số năm mà một người đã sống qua. Tuổi sinh học thì … phức tạp hơn. Phức tạp là vì dính dáng đến phân tích DNA, đánh giá cơ phận, và tính toán. Tuổi đời là con số hiển nhiên, còn tuổi sinh học được viết trong DNA.

Khi bạn đạt tuổi 65 thì bạn đã qua một quãng đường đáng nể. Nhưng cứ 100 người ở tuổi 65 hay cao hơn, thì có 80 người mắc ít nhứt một bệnh mãn tính. Các bệnh mãn tính bao gồm tim mạch, viêm phổi, tiểu đường, ung thư, thoái hoá khớp, loãng xương, mất trí nhớ, v.v. Mỗi một bệnh này làm cho chúng ta giảm tuổi thọ.

Giảm tuổi thọ là vì tế bào của chúng ta đã và đang già đi — hay nói hoa hoè là ‘lão hoá’. Mà, chất liệu của tế bào là DNA. Do đó, nói lão hoá chính là nói đến DNA bị già đi.

Tế bào trong mỗi chúng ta vận hành theo qui trình sao chép và chỉnh sửa. Qui trình này được định danh bằng thuật ngữ ‘Methylation’ hay ‘Methyl hoá’. Quá trình Methyl hoá không làm thay đổi gen nhưng thay đổi sự vận hành của gen. Tưởng tượng gen như là cánh cửa, thì Methyl hoá như là ổ khoá; theo đó, Methyl hoá có thể mở hay đóng cửa gen. Phân tích Methyl hoá cho ra đời một chuyên ngành khoa học mới: Epigenetics.

Bạn bao nhiêu tuổi?

Một trong những yếu tố xác định tuổi sinh học có liên quan đến telomeres. Telomere là 1 đoạn DNA có trình tự (TTAGGG) lặp lại nhiều lần ở đầu mỗi nhiễm sắc thể. Nó giống như cái nút nhựa bịt đầu dây giày. Khi cái nút này bị sờn cũng có nghĩa là đôi giày đã ‘lão hoá’. Tương tự, khi đoạn telomeres bị ngắn lại thì đó là lúc chúng ta đang già đi.

Nói cách khác, độ dài của telomeres có liên quan đến tuổi thọ. Người cao tuổi thường có telomeres ngắn hơn người trẻ tuổi. Khi telomeres càng ngắn thì tuổi thọ chúng ta bị suy giảm. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy cứ mỗi độ lệch chuẩn ngắn đi thì tuổi thọ chúng ta giảm chừng 1 năm. Thành ra, người 60 tuổi có chiều dài telomeres giảm 1 SD thì tuổi sinh học là 61 tuổi. Nói cách khác, người này già trước tuổi khoảng 1 năm.

Tuổi xương

Ít người biết rằng loãng xương là một bệnh … ‘chết người’. Bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là gãy xương hông (xương đùi). Khoảng 30-50 bệnh nhân gãy xương hông qua đời sau 12 tháng. Ngay cả gãy xương cột sống (khá phổ biến) cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong từ 50% đến 2 lần (tuỳ vào tuổi) so với người không bị gãy xương.

Tại sao bệnh nhân gãy xương có nguy cơ tử vong tăng cao? Thoạt đầu, người ta nghĩ rằng bệnh nhân gãy xương thường cao tuổi và mắc vài bệnh khác (như tim mạch, tiểu đường, suy thận, v.v.) nên họ qua đời sớm hơn những người không mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau đó cho thấy ngay cả sau khi hiệu chỉnh cho các yếu tố bệnh lí đi kèm loãng xương thì bệnh nhân gãy xương vẫn có nguy cơ tử vong tăng cao.

Sau này, người ta phát hiện rằng bệnh nhân gãy xương có telomeres ngắn hơn người bình thường. Rất có thể vì lí do này mà bệnh nhân gãy xương có nguy cơ tử vong tăng. Có lẽ cũng do telomeres nên khi bị gãy xương thì đó cũng chính là tín hiệu cho thấy xương bị ‘già’ đi.

Chúng tôi đã nghĩ ra một cách định lượng độ lão hoá của bộ xương qua chỉ số gọi là ‘Tuổi Xương’ (Skeletal Age). Tuổi xương được định nghĩa là tuổi của bộ xương (tuổi sinh học) do bị loãng xương hay gãy xương.

Tuổi xương có thể được xác định bằng số năm sống bị suy giảm sau gãy xương hay do có các yếu tố nguy cơ (như mật độ xương thấp) làm tăng xác suất tử vong.

Nghiên cứu trên 200,000 bệnh nhân gãy xương, chúng tôi có thể ước tính số năm sống bị mất sau gãy xương. Chẳng hạn như bệnh nhân bị gãy xương hông mất từ 3-7 năm sống — tuỳ theo tuổi đời, giới tính và bệnh lí đi kèm.

Ví dụ: một nữ bệnh nhân 60 tuổi bị gãy xương hông được ước tính có tuổi xương là 67. Tương tự, một nam bệnh nhân 70 tuổi bị gãy xương cột sống có tuổi xương khoảng 73.

Khi tuổi xương cao hơn tuổi đời thì điều đó có hai ý nghĩa: (1) số năm sống bị suy giảm do loãng xương; và (2) nguy cơ gãy xương cao hơn những người cùng tuổi nhưng không có yếu tố nguy cơ.

Chúng tôi hi vọng rằng khái niệm ‘tuổi xương’ sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về sức khoẻ xương và tác động của gãy xương đến tử vong. Qua nhận thức đó, công chúng có thể thay đổi lối sống hay bàn với bác sĩ để tìm một biện pháp giảm tuổi xương.

Hình minh hoạ cho 2 cá nhân cùng tuổi 65. Xương của người bên trái bị gãy, và do đó tuổi xương cao hơn người bên phải (xương bình thường).

Ghi thêm

Để công chúng có thể ước tính tuổi xương, chúng tôi đã xây dựng một mô hình tính toán trực tuyến. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng công cụ này để biết tuổi xương của mình qua trang web https://bonecheck.org hoặc ứng dụng BONEcheck trong Apple Store và Google Play.

Video giới thiệu BONEcheck và tính tuổi xương cho mỗi cá nhân:

Bài báo mô tả khái niệm Tuổi Xương mới được tập san khoa học lừng danh eLife công bố vào ngày 16/5/2023. Tham khảo: Tran TS, Ho-Le TP, Bliuc D, Abrahemsen B, Hansen L, Vestergaard P, Center JR, Nguyen TV. Skeletal age for mapping the impact of fracture on mortality. eLife 16/5/2023. doi: https://doi.org/10.7554/eLife.83888

Bản tiếng Anh: How old is your skeleton

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s