Tuần qua tôi có một tin mừng trước là cho cá nhân tôi và sau là cho cộng đồng: tôi được bầu làm Fellow của Royal Society of New South Wales [1]. Tôi rất vinh hạnh là người gốc Việt đầu tiên bước chân vào cái thiết chế 200 năm tuổi này.
Royal Society of New South Wales (RSNSW, www.royalsoc.org.au) là một viện học thuật hay cũng có thể gọi là viện hàn lâm lâu đời nhứt của Úc. Viện được thành lập y chang như phong cách và cơ cấu tổ chức của Royal Society bên Anh. RSNSW được thành lập vào năm 1821 với cái tên lúc đó là ‘Philosophical Society of Australia’, là nơi hội tụ các nhân vật elite trong xã hội bàn ‘chuyện trên mây.’ Cuối năm 1866, Viện được Nữ Hoàng Victoria ‘ban phước lành’ và đổi tên là ‘Royal Society.’ Tính đến nay RSNSW đã 200 năm tuổi.
Khác với các nước XHCN, hàn lâm viện ở các nước phương Tây không phải là một trung tâm nghiên cứu khoa học. Hàn lâm viện ở Úc (hay ở Mĩ, Anh) có thể xem là một tổ chức ‘advocacy’. Rất khó dịch một cách thoát ý chữ advocacy sang tiếng Việt, nhưng nó có thể hiểu là một tổ chức xiển dương khoa học, đóng vai trò tư vấn cho chánh phủ và xã hội nói chung về các vấn đề liên quan đến khoa học. Mà, để tư vấn có hiệu quả thì những thành viên của hàn lâm viện phải là những người có vai vế trong khoa học (nói theo tiếng Anh là ‘accomplished scientists’). Do đó, được bầu vào hàn lâm viện được xem là một phần thưởng hay một ‘honor’.
RSNSW như nói trên là nơi hội tụ của giới elite Úc trong lãnh vực khoa học, y học, nghệ thuật, và nhân văn. Khi tôi tham dự buổi lễ induction (giống như kết nạp đảng) đầu tuần thì thấy toàn là các nhân vật quyền lực trong xã hội mà mình đã nghe qua từ lâu. Đa số đều có huân chương hay giữ những chức vụ quan trọng trong chánh quyền, quân sự, khoa học, các tập đoàn kinh tế, và cộng đồng. Đa số là nam giới và hơi … già. Tôi không nghĩ mình già, nhưng quả thật đa số fellow của RSNSW đều già tuổi hơn tôi.
Hiện nay, RSNSW chỉ có chừng 400 (?) fellow, và nhìn qua danh sách tôi không thấy người gốc Việt nào. Tức là 200 năm từ ngày hàn lâm viện được thành lập và 50 năm từ ngày người Việt định cư ở Úc, tôi là người gốc Việt bước chân vào Viện này. Đó là một vinh hạnh cho cá nhân tôi, và tôi nghĩ cũng là một dấu ấn về sự hội nhập của của cộng đồng người Việt tại Úc.
Người đề cử tôi là một giáo sư của UTS, sau khi nghe tôi nói chuyện trong một seminar. Ông giáo sư này đã là Fellow của RSNSW. Quá trình bình duyệt và bầu kéo dài 6 tháng. Ngày tôi được bầu vào RSNSW, ông Hiệu trưởng UTS có một lá thư chúc mừng đọc rất ấm lòng. Anh Hiệu trưởng UNSW (trước đây là Hiệu trưởng UTS) cũng là một Fellow và cũng viết cho tôi một lá thư chúc mừng. Thật dễ thương!
Như bất cứ ai được bầu vào một hàn lâm viện như thế này, tôi phải nghĩ đến tương lai: mình sẽ đóng góp cái gì. Tôi nghĩ mình sẽ nói nhiều hơn về nghiên cứu y khoa và những khó khăn. Tôi sẽ thay mặt đồng nghiệp để nói về tình trạng các đồng nghiệp nghiên cứu y khoa đang đau khổ với chánh sách của các chánh phủ liên bang. Khi có dịp, tôi nghĩ RSNSW phải lên tiếng trước cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraina, và cái này thì tôi rất ư là tâm huyết. Mình có may mắn bước chân vào thiết chế như thế này thì phải nói thay cho các bạn không/chưa có cơ hội.
Năm nay, như một số bạn biết, là tròn 40 năm tôi đã định cư ở đây (và 41 năm xa quê hương). Nói ‘quê hương’ thì có vẻ cảm tính, nhưng trong thực tế tôi đã gọi Úc là quê hương thứ hai 40 năm nay rồi và sẽ vẫn là quê hương của quãng đời còn lại. Bốn mươi năm nghe qua thì có vẻ là một thời gian dài, nhưng nhìn lại những chặng đường mình đã đi qua thì đúng như là một thoáng thời gian mà thôi. Ngày mình đến đây là một thanh niên, và vụt một cái, mình đã bước vào mùa thu của cuộc đời.
Bốn mươi năm qua, người Việt ở đây đã đóng góp cho xã hội Úc rất đáng kể. Hầu như trong lãnh vực nào — từ khoa học, giáo dục đến chánh trị — đều có những dấu ấn của người tị nạn. Tôi muốn nghĩ rằng mình cũng đã cống hiến và góp phần làm rạng danh cho cho quê hương thứ hai này trên trường quốc tế. Cái lợi thế của những người như tôi (có hai quê hương) là cái gì mình đóng góp cho quê hương bên này cũng có thể xem là của quê hương bên kia bởi vì mình vẫn mang họ … Nguyễn. 🙂
Bốn mươi trước, khi đặt chân đến đây mình là một ‘boat people’. Bốn mươi năm sau, kẻ boat people đó được bầu vào Royal Society of NSW. Chỉ là một thoáng thời gian, nhưng là một hành trình tương đối dài để đền ơn đáp nghĩa cho nơi đã cưu mang mình.
Tuần qua tôi bắt đầu quay lại campus và nhận được khá nhiều điện thư, điện thoại, thư từ chúc mừng của nhiều nhân vật trong chánh trường mà tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời. Phải nói là một tuần tràn trề năng lượng tích cực. Thành ra, nhân dịp cuối tuần tôi viết vài dòng cảm ơn đời và nghĩ về những bài học trong đời, với hi vọng ‘mua vui cũng được một vài trống canh.’
Năm mới, năng lượng mới
Sau cả 6 tháng trời làm việc ở nhà và nay quay lại khuôn viên đại học, tôi thấy mình như có thêm năng lượng mới. Tôi được sự quan tâm của nhiều VIP, những người mà tôi ít khi nào tương tác trước đây và chưa bao giờ gặp ngoài đời. Nào là Toàn quyền tiểu bang NSW (Governor), bộ trưởng liên bang, dân biểu liên bang, thượng nghị sĩ tiểu bang và liên bang, giám đốc y tế vùng Tây Nam, hiệu trưởng đại học, báo chí địa phương, báo chí đại học, v.v. Họ gởi email, thư giấy, hoặc điện thoại chúc mừng. Có hai tổ chức dân sự mời tôi tham gia như là ‘patron’ cho họ. Bộ Y tế liên bang mời làm thành viên tư vấn về chánh sách y tế cho người già. Thật là vinh hạnh cho ‘kẻ hèn’ này!
Thư chúc mừng của Toàn Quyền tiểu bang New South Wales
Tôi còn nhận được khá nhiều lời chúc mừng từ các bạn gốc Việt mà tôi cũng chưa từng có hân hạnh gặp ngoài đời. Đó là các bạn cựu sinh viên trong chương trình Colombo thời VNCH và nay đã thành danh trong xã hội Úc. Một số là thuộc nhóm đàn anh tôi. Thật là cảm động khi nhận email chúc mừng của các bạn ấy nhân dịp tôi được trao Huân chương Australia. Xin mượn cái note này để nói lời cảm ơn chân thành đến các bạn.
Ra đi và trở về
Những dịp như vầy tôi hay nhớ tới lời của sếp cũ tôi: ‘you have gone a long way’ (ngươi đã đi qua một đoạn đường dài). Cứ mỗi lần nhận giải thưởng này nọ là sếp tôi nói/viết câu đó như là một lời nhắc nhở mình xuất phát từ đâu và thuở nào.
Đoạn đường đời khởi đầu vào năm 1982 từ cái nhà bếp bệnh viện St Vincent’s, để rồi 10 năm sau lại quay về đó nhưng lần này thì ở Viện Garvan. Hơn một lần tôi muốn bay xa khỏi Úc và tìm cơ hội bên trời Âu, trời Mĩ. Nhưng như là một định mệnh, một cái duyên tiền định, tôi lại quay về Garvan, nơi mình khởi đầu. Nhớ lần quay về đó, tôi gặp CO (cùng thời học PhD với tôi) và anh này cũng như tôi, tức tìm cơ hội bên trời Âu, và lại quay về Garvan. Hai đứa đã luống tuổi gặp nhau trong cùng hoàn cảnh và đồng thốt lên: cannot get away from it (không thể thoát khỏi nơi này). Ấy vậy mà hơn 20 năm sau tôi lại ‘thoát’, nhưng lần này thì không đi xa mà chỉ băng qua một con đường thôi. Nghĩ đi nghĩ lại, hành trình tôi đi qua giống như là ‘một cõi đi về’.
Cái câu của Trịnh Công Sơn còn ứng nghiệm cho cả chuyện đi và về quê hương thứ nhứt nữa. Ngày đó (45 năm trước), bất cứ ai lên thuyền ra đi là chấp nhận 2 viễn cảnh: một là chết trên biển, và hai là sống sót và ‘một lần đi là mãi mãi chia phôi.’ Không ai nghĩ đến ngày mình sẽ có ngày ‘thăm đồng lúa vàng, thăm con đò ven sông.’ Thế rồi, thế sự đổi thay, tôi không những có dịp về thăm đồng lúa vàng và thăm con đò ven sông, mà còn làm được nhiều việc cho Việt Nam. Đó cũng là ‘một cõi đi về’ vậy.
Hôm nọ, khi bà làm về PR (truyền thông) của Đại học UTS phỏng vấn tôi để viết một bài [1], bà hỏi từ ngày tôi vượt biên, tôi có về Việt Nam không. Ui chao, tôi có dịp kể chuyện Việt Nam cho bà ấy nghe những cơ duyên, những cuộc hạnh ngộ, cùng những việc tôi làm ở bên nhà. Bà ấy kinh ngạc rồi nói chắc sẽ để dành câu chuyện Việt Nam cho một bài khác. Nhưng bà ấy hỏi bằng cách nào mà tôi làm nhiều việc bên kia và bên này như thế. Tôi nói nhờ các bạn đồng nghiệp bên Việt Nam tin tưởng và cộng tác tôi mới làm được nhiều việc.
Những bài học đời
Những dịp như thế này nhiều khi tôi cũng nhìn lại và hỏi mình đã học được gì từ cuộc sống đã qua. Tôi nghĩ đoạn đường đời vừa qua cũng giống như một hành trình khai phá và khám phá. Khai phá hiểu theo nghĩa một cuộc phiêu lưu. Từ Việt Nam sang Úc, và từ Úc đi mọi nơi là những chuyến phiêu lưu và mình có dịp trải nghiệm.
Trong những cuộc phiêu lưu đó, tôi khám phá nhiều điều thú vị, không chỉ trong công việc, mà còn là ở đời. Đời có thể đẹp như mơ, nhưng cũng có thể ‘Đời không như là mơ‘ và ‘nhân gian chưa từng độ lượng‘. Đi qua dòng đời chúng ta gặp những người thân, bạn bè, người tốt, nhưng chúng ta cũng gặp cả những kẻ xấu trá hình bè bạn. Mỗi lần tiếp xúc là mỗi bài học để mình trưởng thành. Mỗi lần vấp ngã cũng là mỗi lần làm nên mình.
Vậy tôi học gì từ đoạn đường đã qua? Tôi nghĩ đến 5 bài học như sau:
Bài học 1: đừng so sánh với ai, vì mỗi chúng ta là một người đặc biệt và hãy trân trọng sự thật đó.
Hôm cuối năm, tôi đi dự tiệc trong khoa và có một bạn giảng viên trẻ than phiền rằng năm vừa qua là năm thảm hại của cô ấy và cô ấy thấy mình chẳng bằng ai trong khoa. Tò mò hỏi thì tôi mới biết là trong năm qua cô ta xin tài trợ chỗ nào cũng thất bại, công bố khoa học thì chẳng đến đâu, xin giải thuởng cũng chẳng được, v.v. Tôi nói lời an ủi rằng hãy nghĩ về tương lai dài, hãy hỏi mình sẽ để lại cái gì cho đời, hơn là chạy theo những cái nhứt thời để làm mình khổ.
Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là người trẻ, hay so đo, hơn thua với nhau. Trong khoa học, họ đo lường với nhau bằng những thước đo như số bài báo đã công bố, chỉ số này, chỉ số kia, số tiền tài trợ xin được, v.v. Không phải lỗi của họ, mà là của hệ thống. Hệ thống nó buộc họ phải chạy theo mấy con số đó, và làm cho họ trở thành những người đau khổ bởi so sánh hơn thua. Tôi nghĩ so sánh rất ư là phi lí. Để tôi giải thích như sau.
Lãnh vực nghiên cứu mà tôi theo đuổi là ‘precision medicine’ (tạm gọi là ‘Y học chính xác‘). Quan điểm của Y học chính xác là mỗi người chúng ta là một cá nhân đặc thù (unique). Không có ai trong thế giới ~8 tỉ người này giống mình. Mình cũng chẳng giống ai. Tại sao? Tại vì mỗi chúng ta có một hoàn cảnh, khả năng, và lối sống riêng. Tôi có thể cùng tuổi, cùng chiều cao, cùng cân nặng, có cùng học vấn, cùng việc làm với một ai đó, nhưng tôi rất khác với người đó bởi vì tôi tóc đen, da vàng và sanh ra từ miền quê. Nói cách khác, tập hợp những đặc tính như gia đình, gen, cơ thể, tinh thần, lối sống, tri thức, sở thích, kĩ năng, trải nghiệm, v.v. làm cho mỗi chúng ta là đặc thù.
Tính đặc thù đó làm cho mọi so sánh về tài năng trở nên vô nghĩa. Nhiều người sợ rằng có nhiều người khác tài giỏi hơn họ. Họ hay so sánh ông A giỏi hơn bà B, hay bà C là người giỏi nhứt thế giới. Nhưng đó là so sánh vô nghĩa, bởi vì mỗi chúng ta là một cá nhân đặc thù thì đâu có ai để mà so sánh. Mỗi người tốt hơn mọi người khác, bởi không có bất cứ 2 người nào như nhau. Bạn là bạn, không ai tốt hơn bạn.
Chúng ta hay bị ám ảnh tìm người giỏi nhứt, tức là người nổi tiếng nhứt, đẹp nhứt, có khả năng nhứt, làm giỏi nhứt, v.v. Tại sao? Nhận ra và tôn trọng sự đa dạng có nghĩa là làm nổi bậc những ưu điểm và các đặc điểm, cá tánh, kĩ năng và lối sống. Hãy nhìn vào kính và hỏi: ai có thể làm những gì bạn làm theo cách tốt nhứt trong điều kiện bạn có. Câu trả lời là: không có ai. Do đó, hãy khám phá ưu điểm của bạn, khám phá những gì bạn làm tốt nhứt.
Bài học 2: gia đình chúng ta rộng lớn hơn chúng ta nghĩ.
Hai chữ ‘gia đình’ thường được hiểu là quan hệ huyết thống, nhưng trong khoa học, gia đình còn có nghĩa là quan hệ chuyên môn. Gia đình của chúng ta là các thầy cô (mentors), đồng nghiệp, nghiên cứu sinh. Nói rộng hơn, gia đình của chúng ta là các hội đoàn khoa học. Nhận thức được điều này giúp cho chúng ta biết cách sống và tương tác với đồng nghiệp một cách tử tế.
Xin kể các bạn một chuyện cũ. Thuở đó tôi còn tương đốu trẻ, mới bước vào ‘bộ lạc’ loãng xương, và rất hăng hái. Tôi đọc một bài báo và thấy có vài cái sai khá hiển nhiên, và thế là tôi viết một bài commentary (bình luận) chỉ ra những cái sai đó, rồi đưa cho thầy tôi xem. Ổng xem qua rồi mỉm cười và nói: những gì ngươi chỉ ra là ok, nhưng ngươi có nghĩ đến 20 năm sau không? Rồi ông nói cho biết rằng tác giả bài tôi phê bình là một ‘trưởng lão’ trong ‘bộ lạc’, rằng những chữ tôi dùng trong bài commentary là không thích hợp cho một người trẻ nói với người lớn, rằng tôi phải biết trước biết sau, v.v. Nói chung là một bài giảng morale. Nói xong, ổng nói thay vì gởi cho tập san, ổng sẽ biên tập lại bài commentary và gởi riêng cho tác giả.
Thật là một quyết định của bậc thầy! Tác giả (là ông cụ) viết thư (thời đó chưa có email) cám ơn tôi và còn mời tôi hợp tác. Sau này, chúng tôi viết chung 1 bài có ảnh hưởng khá. Sau này, chính ông cụ tác giả đó đã giúp cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp, mỗi lần cần giới thiệu là tôi nhờ ổng. Tôi xem ổng như là một người trong đại gia đình vậy.
Thành ra, trong khoa học, ‘gia đình’ là cộng đồng bè bạn, đồng nghiệp, thầy cô và các hiệp hội chuyên môn mà chúng ta tương tác. Hiểu rõ như vậy để ứng xử tốt với đồng nghiệp. Hãy là thành viên tốt trong gia đình đó!
Bài học 3: tìm hạnh phúc cho mình bằng cách đem hạnh phúc cho người khác.
Ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc đời riêng và một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng ‘hạnh phúc’ là gì? Mỗi người có một định nghĩa riêng theo góc nhìn của họ, và khó có một đồng thuận về cách hiểu. Người thì nghĩ hạnh phúc là có nhiều tiền, con cái thành đạt; kẻ thì cho rằng hạnh phúc là có cuộc sống tiện nghi; lại có người nghĩ rằng hạnh phúc chẳng cần nhiều tiền mà là giàu trải nghiệm; vân vân.
Tôi thì nghĩ hạnh phúc là giúp cho người khác thành công. Nói cách khác, hạnh phúc của mình là mình đã đem lại hạnh phúc cho người khác. Những gì chúng ta cho đi cũng chính là những gì chúng ta nhận lại. Đó chính là lí do tại sao tôi thích giúp người mà có khi chưa bao giờ gặp người ta ngoài đời. Tôi có khi viết thư giới thiệu cho mấy nghiên cứu sinh gốc Tàu không phải trong labo tôi. Trong khi viết cái note này thì tôi nhận được email từ một em ở Đà Nẵng. Email viết như sau (chỉ trích một đoạn):
“Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, em xin kính chúc Thầy và gia đình một năm mới thật nhiều niềm vui, luôn mạnh khỏe và mong Thầy luôn lan tỏa những năng lượng tích cực, đầy nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học cho các thế hệ.
Em xin được tự giới thiệu về mình, em là […] Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành […] Em gởi message mới mong muốn được gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến Thầy. Đọc đến đây chắc Thầy sẽ có chút ngạc nhiên đúng không Thầy. Chuyện là cách đây 8 năm khi em đang làm nghiên cứu sinh tại một trường đại học ở Pháp […], trong lúc em đang hoang mang, loay hoay với một mớ số liệu hỗn độn của các thực nghiệm nhưng vẫn không thể nào xây dựng một mô hình về tiêu hao năng lượng trong một hệ phát hiện té ngã được thực thi trên hệ thống hybrid software/hardware. Trong khoảng thời gian năm 2013, tình cờ em đã xem được 1 số video của Thầy trên blog và trên youtube […] đặc biệt là bài toán về việc xây dựng mô hình thể hiện mối quan hệ giữa các thông số có tác động đến tình trạng loãng xương như tuổi tác, giới tính,… Tất cả, nhưng điều này đã giúp em có được các ý tưởng cho bài toán của mình và đã hoàn thành nghiên cứu sinh vào năm 2015. […]”
Bài học 4: nghĩ tích cực, đừng bị ức chế bởi những chuyện đâu đâu.
Tôi nghĩ có lúc các bạn (cũng như tôi) từng bị người khác, kể cả bạn bè và đồng nghiệp, chỉ trích rằng mình bất tài, vô dụng, dở hơn họ, xấu hơn họ, ngu hơn họ, v.v. Có khi họ chính là bạn mình, hay người mình từng giúp đỡ. Mỗi chúng ta đều có trải nghiệm đó. Những người chỉ trích đó chắc chắn có cảm giác tốt khi họ bôi nhọ và đẩy chúng ta xuống bùn đen. Chúng ta trở thành miếng mồi cho cái tôi của họ.
Bạn đừng buồn và đừng chú ý đến những gì họ nghĩ gì về mình, mà hãy tập trung làm tốt công việc mình theo đuổi. Bạn cũng nên tránh xa những kẻ đó, vì họ không đem lại năng lượng tích cực cho đời sống của mình. Hãy kết bạn với người mới và tích cực và giữ một tinh thần lạc quan.
Viết đến đây tôi nhớ đến câu nói bất hủ của Richard Feynman (tôi dịch nôm na) [2]: “Bạn không có bổn phận phải sống đúng theo những gì người khác nghĩ về bạn phải như thế này hay như thế kia. Bạn không có bổn phận phải giống như những gì họ kì vọng; đó là sai lầm của họ, chứ không phải nhược điểm của bạn“.
Bài học 5: tình thương là thực tế duy nhứt.
Tôi chú ý trong buổi lễ phong hàm đại tá cho một nữ quân nhân Mĩ gốc Việt, người ta cho người của gia đình chị ấy gắn quân hàm một bên cầu vai, còn người đại diện của Chánh phủ / quân đội gắn một bên cầu vai. Tôi thấy nghi lễ đó rất hay vì nó nhắc nhở rằng không có tình thương của gia đình thì chị ấy đã không có ngày hôm nay.
Không có tình thương gia đình, chúng ta — bạn và tôi — không thể sống được. Có lần thầy cũ tôi lúc sắp vào bệnh viện để điều trị ổng nói đại khái rằng chỉ có tình thương là quan trọng trong đời. Lúc đó tôi chẳng hiểu sao ổng nói vậy, vì nó có vẻ quá hiển nhiên. Sau này nghĩ lại thì đúng như thế: chỉ có tình thuơng là thực tế, các thứ khác (như danh vọng, sự nghiệp, tiền tài) đều là ảo.
Mỗi chúng ta sanh ra trong tình thương của ba má, cùng sự bảo bọc của ông bà và anh em, bà con. Khi lớn lên, chúng ta hay muốn quay về cái thời điểm ấm cúng đó. Nếu chúng ta muốn như vậy thì người khác cũng vậy, và điều này hàm ý rằng chúng ta nên trao tình thương cho tha nhân. Trao bằng cách nào? Một ánh mắt, một cái sờ tay, một câu nói, một cử chỉ trìu mến đều có hiệu quả truyền tải tình thương. Chọn chữ mà nói/viết sao cho không làm cho người ta bị xúc phạm và tổn thương. Câu chuyện trên về thầy tôi là một bài học quí giá vậy.
***
Tóm lại, tôi xin tỏ lời cảm ơn đến tất cả các bạn xa gần đã có lời chúc mừng trong ngày vui của tôi. Và, cũng xin nhân dịp này viết ra đôi ba lời tâm tình, cùng những bài học mà tôi rút ra trong đoạn đường đã qua. Mỗi chúng ta dù ở phương trời nào và làm gì đều có điểm xuất phát, và một ngày nào đó chúng ta quay về điểm xuất phát đó (đi và về). Cuộc đời là một hành trình khai phá và khám phá, và những bài học tôi rút ra trong hành trình đó là (i) chúng ta đừng nên quá quan tâm mình giỏi hay dở vì mỗi chúng ta là một cá nhân đặc thù; (ii) gia đình khoa học của chúng ta rộng hơn là gia đình huyết thống; (iii) làm việc vì phúc lợi của người khác tức là đem lại hạnh phúc cho mình; (iv) nghĩ tích cực và đừng sống vì kì vọng của người ta; và (v) là đem tình thương đến cho gia đình và tha nhân.
[2] Richard Feynman: “You have no responsibility to live up to what other people think you ought to accomplish. You have no responsibility to be like they expect me to be. It’s their mistake, not your failing.”
Lời giới thiệu: Tuần qua, phòng PR của Đại học UTS có một buổi phỏng vấn đối với tôi nhân dịp tôi được trao huân chương Australia. Buổi phỏng vấn dài hơn 1 giờ, xoay quanh hành trình của một refugee ở nước Úc, những gì đã làm được, những bài học và thời ấu thơ ở dưới quê. Nói chung là rất nhiều, nhưng họ biên tập lại những câu chánh và công bố trên mạng (đường link dưới đây). Tôi đã dịch sang tiếng Việt để giúp các bạn nào không am hiểu tiếng Anh dễ theo dõi.
Bản tiếng Anh và hình ảnh có thể theo dõi qua đường link dưới đây:
Anniversary honour for a life’s work on osteoporosis
Bốn mươi năm trước, Tuấn Nguyễn đến Úc như là một ‘thuyền nhân’, thực hiện giấc mơ nhìn thấy con kangaroo, rồi đạt được một sự nghiệp bề thế trong nghiên cứu y khoa. Nay là một Giáo sư Y khoa tiên lượng tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), và trong Ngày Quốc Khánh vừa qua, ông được trao Huân chương Australia (AM).
Chúc mừng ông được ghi nhận trong Ngày Quốc Khánh Úc. Sự ghi nhận đó có ý nghĩa gì đối với ông?
Tôi thấy mình rất ư là vinh dự và khiêm cung. Và bất ngờ nữa. Ngày đó rất là đặc biệt đối với tôi, vì 40 năm trước đúng vào ngày 26/1/1982 tôi đến Úc như là một người tị nạn từ Việt Nam. Úc đã cho tôi (và nhiều người tị nạn Việt Nam khác vào thập niên 1980) một cơ hội để làm lại cuộc đời và đóng góp có ý nghĩa cho đất nước xinh đẹp này. Giống như nhiều người tị nạn thuộc thế hệ đó, tôi khởi đầu cuộc sống mới ở Úc chỉ với cái áo trên lưng và không một đồng xu trong túi. Không cần nói ra thì ai cũng biết, trong 40 năm qua tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng mỗi thách thức làm cho tôi mạnh mẽ hơn và làm nên tôi ngày hôm nay.
Ông được ghi nhận vì những đóng góp cho chuyên ngành loãng xương và phòng chống gãy xương. Ông đã vào chuyên ngành này như thế nào?
Vào đầu thập niên 1980, tôi ‘đầu quân’ cho bộ môn nghiên cứu xương thuộc Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Lúc đó tôi bị ‘quyến rũ’ bởi sự phức tạp của xương và bệnh lí loãng xương, và tôi nghĩ mình có thể sử dụng kĩ năng dịch tễ học và thống kê học để giải quyết vài vấn đề quan trọng trong chuyên ngành. Tôi không đồng tình với ý tưởng chia mật độ xương thành 2 nhóm loãng xương và không loãng xương, và nghĩ rằng có một cách làm tốt hơn, đó là tập trung vào nguy cơ gãy xương của mỗi cá nhân dựa vào ‘hồ sơ’ yếu tố nguy cơ của cá nhân đó. Do đó, tôi đề xướng ý tưởng ‘cá nhân hoá cách đánh giá loãng xương’ và theo đuổi ý tưởng đó qua hàng loạt nghiên cứu.
Những thành tựu ông tự hào nhứt là gì?
Tôi muốn nghĩ rằng một trong những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành là khái niệm ‘individualised fracture risk assessment’ (cá nhân hoá đánh giá gãy xương), và việc xây dựng và triển khai mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương có tên là Garvan Fracture Risk Calculator. Với sự triển khai mô hình đó, chúng tôi đã giúp cho hàng triệu người trên thế giới tự đánh giá sức khoẻ xương cho họ và có những hành động phòng ngừa gãy xương.
Chúng tôi là nhóm đầu tiên trên thế giới chỉ ra rằng loãng xương là bệnh lí chịu sự ảnh hưởng của di truyền. Sau đó, chúng tôi khám phá gen loãng xương đầu tiên, và kế tiếp là hàng loạt gen khác. Trong vài năm gần đây, tôi và một nghiên cứu sinh kiến tạo ra một ‘chữ kí gen’ dựa vào những khám phá đó, và chúng tôi dùng nó cho việc đánh giá nguy cơ gãy xương. Năm ngoái, tôi đề xướng khái niệm “Skeletal Age” (Tuổi xương) để chuyển tải nguy cơ loãng xương và tử vong đến công chúng. Tôi hi vọng rằng các đồng nghiệp sẽ dùng khái niệm này trong việc thảo luận với bệnh nhân về đều trị bệnh loãng xương.
Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi đã làm thay đổi nhận thức về loãng xương. Trước đây, giới y khoa và công chúng nói chung nghĩ rằng loãng xương là bệnh lí không quan trọng, nhưng sau này chúng tôi chỉ ra rằng loãng xương thật ra làm cho chúng ta chết sớm hơn. Phát hiện đó tôi nghĩ đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng y khoa và công chúng về loãng xương. Tôi nghĩ Huân chương Australia trao cho tôi nhân Ngày Quốc Khánh Úc cũng là một ghi nhận về tầm quan trọng của bệnh lí loãng xương.
Ông đã học được những bài học gì trong quãng đường đã qua?
Bài học quan trọng nhứt trong khoa học mà tôi học được là chịu khó làm việc và kiên trì. Để tôi giải thích: khoa học có những yếu tố bất định, và do đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì trong một thời gian dài. Đa số chúng ta theo đuổi một ý tưởng mà có lẽ chẳng có tác động lập tức trong thực tế, nhưng theo thời gian, chúng ta có thể xây dựng dữ liệu và chứng cớ để thực hiện ý tưởng. Lòng kiên trì chưa đủ; người làm khoa học còn phải làm việc rất siêng năng.
Chúng ta còn phải tập cách suy nghĩ tích cực và đam mê. Nghiên cứu khoa học là một qui trình gian khổ, mà kĩ năng giải quyết vấn đề là một kĩ năng quan trọng. Suy nghĩ tích cực gíup chúng ta làm người giải quyết vấn đề tốt hơn và giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Đam mê giúp chúng ta duy trì nhiệt huyết trong các tình huống bất định.
Một bài học khác mà tôi học được là thành công trong khoa học có khi chỉ là … may mắn. Chúng ta thỉnh thoảng có những ý tưởng ‘trên trời’ trong một tình huống hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng có khi những ý tưởng như thế lại dẫn đến những ứng dụng quan trọng trong thực tế.
Ai là người hướng dẫn trong sự nghiệp của ông?
Thầy tôi là Giáo sư John Eisman, một nhân vật lừng danh trong chuyên ngành loãng xương và nội tiết học. John thiết lập Bộ môn nghiên cứu xương và khởi xướng chương trình nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study tại Viện Garvan vào đầu thập niên 1990. Tôi tham gia nhóm của John vào năm 1991, và trở thành trưởng labo nghiên cứu về dịch tễ học và di truyền học vào năm 2000. Chúng tôi đã làm việc với nhau cả 30 năm, và trong thời gian đó, chúng tôi đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa cho chuyên ngành. Qua John, tôi còn có cơ hội làm việc với nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
Triết lí lãnh đạo của ông là gì?
Triết lí lãnh đạo của tôi là lãnh đạo bằng tấm gương điển hình, và cởi mở với câu hỏi mới, công nghệ mới, và hợp tác mới. Qua gương điển hình, tôi có thể hướng dẫn bằng hành động thay vì bằng lời nói. Trong nghiên cứu, tôi nghĩ chúng ta phải tự diễn biến, tự tái tạo mình bằng cách cởi mở với những ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ mới, và tìm những mối quan hệ mới.
Tôi rất quan tâm đến vấn đề tái lập trong khoa học. Do đó, tôi khuyến khích nghiên cứu sinh phải nghiêm ngặt trong nghiên cứu và nắm vững kĩ thuật. Tôi cũng quan tâm đến tương lai của nghiên cứu sinh và cung cấp cho họ một môi trường học thuật nhằm trang bị những kĩ năng không chỉ liên quan đến nghiên cứu hôm nay của họ mà còn gíup cho họ trong sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Thời thơ ấu của ông ra sao?
Tôi sanh ra và lớn lên trong một làng quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc miền Nam Việt Nam. Ba má tôi làm nghề nông, và rất quan tâm đến giáo dục. Tôi có một tuổi thơ đầm ấm trong làng quê đó và ở trường tiểu học, nơi tôi thích học toán, lịch sử, văn chương, địa lí và công dân giáo dục. Thời đó, tôi rất thích con kangaroo và ước mơ một ngày nào đó có dịp gặp nó. Tôi không thể nào tin rằng cái ước mơ đó cũng chính là lí do tôi được cho đi định cư ở Úc.
Mối liên hệ của ông với Việt Nam hiện nay như thế nào?
Tôi về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1999 trong vai trò của một diễn giả mời. Kể từ đó tôi về Việt Nam hàng năm (có khi 3-4 lần một năm), tham gia giảng dạy trong nhiều chương trình tập huấn khoa học cho ít nhứt 2000 bác sĩ và nhà khoa học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho họ. Tôi thiết lập Labo nghiên cứu xương và cơ tại Đại học Tôn Đức Thắng, và thực hiện dự án nghiên cứu loãng xương có tên là Vietnam Osteoporosis Study cũng tại Đại học Tôn Đức Thắng. Tôi cũng hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Việt Nam, một số đang theo học tại UTS.
Cuộc sống của ông giờ ra sao?
Tôi có 2 con trai đã tốt nghiệp đại học và có công việc làm riêng. Bà xã tôi thì mới nghỉ hưu. Tôi lúc nào cũng có cuộc sống bận rộn. Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, tôi còn phụ trách biên tập vài tập san y khoa và giữ các chức vụ lãnh đạo của vài hội đoàn y khoa. Đó là lí do tại sao tôi không phân biệt ngày thường với ngày cuối tuần, bởi vì bất cứ ở đâu, ngày nào cũng là ngày làm việc đối với tôi.
Ông có lời khuyên nào cho học sinh trung học hay sinh viên đại học?
Tôi khuyên rằng họ cần phải có đam mê và siêng năng. Họ không cần phải rất giỏi về toán và khoa học để làm làm khoa học tốt. Họ nên cân nhắc làm nghiên cứu bởi vì qui trình nghiên cứu là động cơ để họ suy nghĩ một cách thấu đáo và phải hợp tác với đồng môn trong tinh thần đồng đội.
Ngày Quốc Khánh Úc năm nay (26/1/2022) đối với tôi là một ngày rất đáng nhớ trong đời: tôi được Tổng toàn quyền Úc (Đại diện Nữ Hoàng) trao Huân chương Australia (Order of Australia) [1]. Tôi chợt nhớ nhiều kỉ niệm cũ và viết cái note này như là một lời tâm tình.
Tin vui đến một cách hoàn toàn bất ngờ từ tháng 10 năm ngoái [2]. Nhưng cái bất ngờ hôm đó cộng thêm cái bất ngờ về sự trùng hợp hôm nay! Đúng vào ngày này của 40 năm trước (26/1/1982) tôi đặt chân đến Úc bắt đầu hành trình của một ‘thuyền nhân‘. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác làm cho cái Tết năm nay thiệt là có ý nghĩa.
Huân chương Australia ghi nhận “For significant service to medical research, particularly in the field of osteoporosis and fracture prevention, and to tertiary education” (tạm dịch là “Cống hiến quan trọng cho nghiên cứu y khoa, đặc biệt là lãnh vực phòng chống loãng xương và gãy xương, và cho giáo dục đại học”).
Loãng xương
Cái citation trên làm tôi rất vui. Vui là vì nỗ lực và đóng góp cho chuyên ngành loãng xương 30 năm qua đã được ghi nhận (như tôi viết trong cái note bằng tiếng Anh [3]). Loãng xương là một bệnh lí với đặc điểm chánh là suy giảm lượng chất khoáng trong xương, suy thoái vi cấu trúc xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xương, đặc biệt là gãy xương đùi, tăng nguy cơ tử vong và giảm tuổi thọ. Cùng với sự gia tăng dân số cao tuổi, loãng xương được xem là một gánh nặng y tế quan trọng toàn cầu.
Tôi bỏ ra hơn 30 năm để tìm cách giảm nguy cơ gãy xương và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Lãnh vực nghiên cứu tôi theo đuổi là ‘precision medicine’ (có thể hiểu nôm na là y học chính xác). Y học chính xác dựa vào gen và các yếu tố môi trường để đánh giá nguy cơ mắc bệnh chính xác và để tăng hiệu quả điều trị. Nhờ hàng loạt cơ hội và may mắn tôi đã đạt được những thành tựu giúp ích cho chuyên ngành và cho đời. Chúng tôi góp phần định nghĩa lại loãng xương, viết lại một phần trong sách giáo khoa về loãng xương và mất xương, khám phá gen liên quan đến loãng xương, tạo ra chữ kí gen cho loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương đầu tiên trên thế giới và giúp quản lí bệnh loãng xương tốt hơn, v.v.
Hai mươi năm trước tôi viết một bài xã luận chỉ ra rằng loãng xương là một bệnh lí không được chẩn đoán đúng mức, thiếu điều trị, và chưa được ghi nhận đúng mức. Dù đã có nhiều tiến bộ trong 20 năm qua, nhưng rất tiếc là những gì tôi viết vẫn còn tính thời sự. Do đó, chúng tôi còn rất nhiều thách thức phải vượt qua. Những thách thức này đòi hỏi phải có nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu y khoa
Tôi xem huân chương này là một ghi nhận tầm quan trọng của nghiên cứu y khoa. Nước Úc chỉ có 25 triệu dân, nhưng là một ‘cường quốc’ khoa học, đặc biệt là nghiên cứu y khoa. Trong số 16 khôi nguyên Nobel người Úc, có đến 8 người là các nhà khoa học y khoa. Úc đạt được thành tựu đó là vì Nhà nước đã có những chiến lược hợp lí, những đầu tư xứng đáng, và đào tạo được một ‘lực lượng’ khoa học hùng hậu.
Vào thời điểm này, tôi dĩ nhiên là người vui mừng, nhưng tâm trí tôi thì hướng về các đồng nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu y khoa ở Úc. ít ai biết rằng chúng tôi — dù mang hàm giáo sư hay học vị bác sĩ và tiến sĩ — đều rất khổ. Người mới tốt nghiệp tiến sĩ và nếu may mắn có một vị trí hậu tiến sĩ thì rất khó có một sự nghiệp vững vàng. Lí do đơn giản là mỗi người chỉ ‘sống’ được có 12 tháng, vì sau đó không ai biết có tài trợ để ‘sống’ tiếp trong vị trí hậu tiến sĩ. Ngay cả sau khi đã thành danh và đạt cấp giáo sư thì nỗi khổ càng nhân lên gấp bội, vì trách nhiệm phải xin tài trợ khắp nơi. Mà, xác suất được tài trợ chỉ chừng 9% (thay vì 12% của 10 năm trước). Ngay cả khi may mắn có được tài trợ khoa học thì cũng chỉ đủ để trả 60% lương, phần còn lại 40% là nhờ vào các nhà mạnh thường quân và đại học. Chúng tôi rất khổ.
Thế nhưng chúng tôi có niềm đam mê khoa học. Chúng tôi có mục tiêu và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chúng tôi tin vào sự xuất sắc. Đó chính là lí do tại sao nhiều bác sĩ và tiến sĩ làm nghiên cứu không lương. Có bác sĩ tự bỏ tiền túi ra theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Có thể những gì chúng tôi làm mới nghe qua thì có vẻ xa rời thực tế, nhưng lợi ích lâu dài thì khó thấy. Có ai ngờ rằng mRNA được ứng dụng cho việc bào chế vaccine cho Covid-19. Đâu có ai biết được những ý tưởng như trò chơi mà sau này được ứng dụng trong khoa học kinh tế. Có ai ngờ rằng những phát triển về mô phỏng được ứng dụng để dự báo diễn biến đại dịch Covid-19 vừa qua. Những vốn liếng và kiến thức khoa học đó đã giúp cho chúng ta có thuốc và vaccine chống Covid-19 rất nhanh. Do đó, tôi xem những đồng nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu y khoa là những ‘anh hùng trầm lặng’.
Do đó, tôi rất đồng ý với ông Bộ trưởng Y tế Úc, Greg Hunt, khi ông nói rằng cộng đồng nghiên cứu y khoa Úc đang có một cơ hội vàng để trở thành một lãnh đạo toàn cầu. Trong chuyên ngành loãng xương, Úc đã là một lãnh đạo toàn cầu vì có những nhà nghiên cứu lừngd anh trên thế giới. Thế nhưng tôi nghĩ ông và chúng tôi nên làm nhiều hơn là nói: chúng ta nên kiến tạo một hệ thống để nuôi dưỡng các nhà khoa học sáng giá để thực hiện mục tiêu trở thành lãnh đạo thế giới.
Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần.
Quê hương thứ hai
Khi nhận bất cứ phần thưởng nào, tôi đều nghĩ đến chuyện ân tình. Ơn đầu tiên là nước Úc, nơi đã mở rộng vòng tay đón hàng trăm ngàn ‘thuyền nhân’ trong lúc khó khăn nhứt vào thập niên 1970-1980. Không có Úc tôi không có như ngày hôm nay — và đó là điều chắc chắn.
Do đó, có thể nói rằng tất cả chúng tôi đều chịu ơn nước Úc. Thật ra, tôi nghĩ khi chánh phủ Úc khi tiếp nhận chúng tôi, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc được đền ơn đáp nghĩa. Thế nhưng, người Việt chúng ta mang trong máu tư tưởng ‘Uống nước nhớ nguồn‘ nên đã phấn đấu để đóng góp cho đất nước này tươi đẹp hơn, và đó chính là một đền đáp ân nghĩa vậy.
Tự thâm tâm, tôi xem cái huân chương này có ý nghĩa hơn những giải thưởng và huy chương khác mà các hiệp hội chuyên môn và đại học trao tặng. Huân chương này có ý nghĩa cho cộng đồng nhiều hơn là cho tôi. Huân chương ghi nhận một đóng góp của tôi cho nước Úc, và tôi là một thành viên trong cộng đồng người Việt ở đây, nên nó cũng chính là một ghi nhận về sự đóng góp của cộng đồng người Việt cho nước Úc. Một cái vui khác là mình góp thêm một ‘Nguyen’ vào thành tựu của quê hương thứ hai.
Ngày này đúng 40 năm trước (261/1982) tôi tới Úc và bắt đầu một cuộc đời mới của một ‘boat people’, mà tôi có ghi lại đôi lời trước đây [4]. Mười năm đầu thì loay hoay định cư; 10 năm sau thì an cư và làm lại cuộc đời; 10 năm kế tiếp là thời gian phấn đấu để có chỗ đứng trong xã hội mới; và 10 năm sau đó là chuẩn bị lui vào hậu trường để nhường bước cho thế hệ sau. Thành ra, 40 năm mới nghe qua thì có vẻ dài, nhưng chỉ là một thoáng thời gian mà thôi.
Trong cái quãng thời gian đó, tôi không bao giờ, dù chỉ vài giây, nghĩ đến giải thưởng hay vinh dự, này nọ. Những ngày mới qua đây thì phải quần quật làm việc ngày đêm để kiếm sống và gởi tiền về nhà bên Việt Nam. Đến lúc ổn định một chút thì đến chuyện học hành. Học hành xong lại phải lo phấn đấu để tồn tại trong môi trường cạnh tranh ác liệt. Cuộc sống có quá nhiều khúc quanh và thách thức mới ở mỗi giai đoạn. Thì giờ đâu mà nghĩ đến giải thưởng với huân chương.
Thế nhưng cũng giống như người trồng trái cây, gieo hột tốt một thời gian thì sẽ có ngày hưởng trái ngọt, những cống hiến hết mình vì tha nhân sẽ có ngày được tha nhân hồi đáp. Những gì mình sở hữu chính là những gì mình cho đi.
Viện Garvan và bạn bè quốc tế
Trong thời gian 40 năm ở Úc, thì tôi đã có 30 năm gắn bó với Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Đó là một thời gian tương đối dài. Ở Garvan tôi gặp và học hỏi rất nhiều từ những người lừng danh trong thế giới y khoa. Có thể nói Garvan là nơi đã định hình tôi, là một phần trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Không có Garvan tôi không có được những câu trong cái citation trên. Nhưng tôi cũng đóng góp vào lịch sử phát triển của Garvan và có thể nói không ngoa rằng tôi là một phần của lịch sử Garvan.
Những ngày ở Garvan vào giữa thập niên 1990
Cơ duyên tôi đến với Garvan là qua một buổi phỏng vấn với Gs John Eisman vào đầu năm 1991. Lúc đó, dự án nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study (DOES) mới bắt đầu, nên có rất nhiều việc cần làm. Tôi làm ngày đêm cho dự án. Qua dự án DOES chúng tôi đã có nhiều đóng góp tiền phong cho chuyên ngành: khám phá gen, xác định ngưỡng mật độ xương cho chẩn đoán loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng, định nghĩa lại khái niệm mất xương, đánh giá nguy cơ tử vong sau gãy xương. Chúng tôi góp phần viết lại sách giáo khoa về loãng xương. Chúng tôi trở thành một trong những nhóm nghiên cứu quan trọng nhứt trên thế giới.
Gs John Eisman là sếp, là bạn thân thiết như trong gia đình, và cũng là mentor của tôi. Ông là một người rất thông minh (vào đại học năm chưa đầy 16 tuổi) và rất chuyên nghiệp, một người anh rất tuyệt vời. Ông lúc nào cũng đặt chuẩn mực rất cao. Cao đến nỗi có người xem là ‘ngạo mạn’. Ông không bao giờ chấp nhận ‘trung bình’ và ‘làng nhàng’. Ông rất ‘trung thành’ với trò, sẵn sàng bảo vệ trò trước sự tấn công của người ngoài (nhưng khi về nhà thì ông ‘đập’ trò tới nơi tới chốn). Ông giúp trò tới nơi tới chốn. Nhớ ngày tôi đệ đơn đề bạt chức vụ professor, và theo qui định phải có 2 người viết lời giới thiệu. Ông hỏi tôi ‘Mày có bạn bè là giáo sư gốc Việt viết thư giới thiệu không’, tôi nói ‘Chưa có ai là người gốc Việt làm chức professor trong ngành y ở Úc cả’. Ông nghĩ một hồi rồi nói ‘Thôi được, để tao nhờ mấy bạn trong cộng đồng Do Thái’. Không đầy 1 tuần tôi đã có cả 3 lá thư giới thiệu! Nhớ lần phỏng vấn cho chức danh Fellow của NHMRC, có người hỏi một câu tào lao mang tính kì thị vùng miền, ông tức giận đòi tôi phải viết thư phàn nàn đến NHMRC, nhưng tôi gạt đi, không muốn tranh chấp làm gì. Tuy nhiên, ông nhấc điện thoại và nói thẳng với Chủ tịch Hội đồng NHMRC và phàn nàn một cách giận dữ. Kể chuyện xưa để cho thấy sếp cũ tôi là người rất chung thuỷ với trò. Không phải riêng tôi mà bất cứ ai trong nhóm, ông đều hành xử như vậy.
Từ Viện Garvan và qua Gs Eisman, tôi có cơ hội hợp tác với những người tài giỏi nhứt trên thế giới. Những cái tên lừng lẫy trong chuyên ngành (như Larry Riggs, Joe Melton, John Kanis, Steven Cummings, Cliff Rosen, v.v.) tôi đều quen biết và từng hợp tác. Đó cũng là những người thầy gián tiếp đã dạy và giúp tôi trưởng thành trong khoa học. Tôi chắc họ đã viết những lời nhận xét cho Hội đồng Huân chương Australia.
Qua hợp tác với những ‘trưởng thượng’ như trên, tôi được giao trọng trách trong các hiệp hội chuyên khoa. Thử nghĩ một anh chàng gốc Việt Nam từ nước Úc xa xôi mà được một hiệp hội lớn như ASBMR của Mĩ trọng dụng cho ngồi ghế leadership trong hội đồng công bố khoa học và cả ghế editor. Từ ASBMR tôi đã có dịp phục vụ trong các tập san số 1 trên thế giới khác, kể cả Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Journal of Endocrine Society, Osteoporosis International, Bone, BMJ, NEJM, JAMA. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở một đất nước tự do như Mĩ, nơi tôi coi như là quê hương thứ ba.
Kỉ niệm 25 năm với Viện nghiên cứu y khoa Garvan
Việt Nam
Khi rời Việt Nam vào năm 1981, tôi cũng như nhiều người khác không nghĩ đến ngày về. Ra đi trong một hoàn cảnh dao động lịch sử và trong tâm trạng tức giận, dám chấp nhận cái chết trên biển, thì đâu ai nghĩ đến ngày về. Thời đó, ai cũng mang theo tâm trạng “một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mất lối quay về” (nhạc của Nguyệt Ánh).
Thế rồi, như là một định luật của vô thường, thời thế đổi thay, và và tôi đã có dịp quay về quê hương với những việc làm có ích. Cuối thập niên 1990s, tôi về Việt Nam thăm Ba Má nhưng lại có dịp đóng góp một bài giảng về loãng xương ở Khách sạn Windsor (Sài Gòn). Lần ‘ra mắt’ đó được rất nhiều đồng nghiệp chào đón nồng nhiệt. Sự nồng nhiệt của các bạn dành cho tôi làm cho mình thấy “À, đây mới là quê hương thứ nhứt”, và mình có thể làm vài việc như là bổn phận của một người con Việt.
Rồi tôi tình cờ gặp Bs Thy Khuê (ĐHYD Sài Gòn) trong một tiệm sách. Không ngờ buổi gặp gỡ đó mở đầu cho sự đóng góp của tôi ở Việt Nam. Hàng loạt chương trình workshop hè đã giúp cho hàng ngàn bác sĩ làm quen với các khái niệm tương đối mới trong nghiên cứu khoa học, làm quen với văn hoá công bố khoa học. Rồi, các bạn miền Bắc nghe tiếng và cũng mời mọc và thế là tôi có dịp đi lại nhiều hơn và quen biết nhiều bạn ở miền Bắc. Từ Bắc, tôi lại được các bạn ở miền Trung có nhã ý mời đến chia sẻ kinh nghiệm, và làm quen với nhiều bạn.
Mỗi năm có khi tôi giảng cho cả 4 lớp học trung hạn (1-2 tuần) và cả chục lớp học ngắn hạn (1-2 ngày). Tôi giảng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tôi đi từ Hà Nội, lên Thái Nguyên, xuống Ninh Bình, qua Hải Phòng; tôi đi vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên; tôi về Sài Gòn, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, v.v. Những khoá học như thế đã giúp cho hơn 2000 bạn; một số sau này trở thành giáo sư và giữ những trọng trách trong chuyên ngành.
Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức.
Không chỉ hàng trăm khoá học, mà còn có dịp tham gia tổ chức hội nghị lớn như AFES ở Sài Gòn, hội nghị Strong Bone Asia, và hội nghị y sinh học châu Á Thái Bình Dương. Tôi đã gắn bó với Hội loãng xương TPHCM hơn 15 năm qua, và góp một phần trong việc nâng cao sự hiện diện của Việt Nam trong chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế qua đào tạo nghiên cứu sinh, các chương trình tập huấn, nghiên cứu, và công bố khoa học. Nhưng tôi không thể nào làm được những việc đó nếu không có sự ủng hộ và tin tưởng các các bạn trong nước.
Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.
Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy khó tin về một người ‘boat people’ và ‘yếu tố nước ngoài’ (rất ghét chữ này) mà được giao trọng trách thiết lập labo nghiên cứu ở ĐH Tôn Đức Thắng. Tôi còn được các hội y khoa trao giải thưởng, và các đại học trao cho những chức danh danh dự. Dù chỉ là danh dự, nhưng đó là những phần thưởng ghi nhận những cống hiến nho nhỏ của tôi cho giáo dục đại học Việt Nam.
Thật ra, làm được những điều đó hay có những phần thưởng đó đòi hỏi sự tin tưởng của những người lãnh đạo và có sự hợp tác của đồng nghiệp trong nước. Không có các bạn thì chưa chắc tôi có được phần 2 (về đóng góp cho giáo dục đại học) của cái citation. Nhân dịp này tôi tri ân những bạn ở trong nước đã ưu ái giúp tôi có cơ hội đóng góp.
Bằng khen từ Hội loãng xương TPHCM. Bằng khen này được Gs Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội) trao trong Hội nghị loãng xương ở Nha Trang.
Cám ơn
Không có cái gì xảy ra trong hư vô, và tôi đã không có ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người. Tôi được trao huân chương Australia là có sự đóng góp của các bạn và đồng nghiệp. Các nghiên cứu sinh trong labo ở Úc và Việt Nam là những người đã đóng góp nghiên cứu cho sự nghiệp tôi. Kể ra thì nhiều người lắm, nhưng phải đề cập đến những cái tên quan trọng: Gs John Eisman (sếp cũ tôi), Gs Philip Sambrook (thầy cũ đã qua đời), Bs Paul Kelly (đồng nghiệp cũ), Ts Gabrielle Howard, Gs Graeme Jones, Ts Nguyễn Đình Nguyên, Ts Trần Hoàng Ngọc Bích, Ts Steve Frost, Gs Chatlert Pongchaiyakul, Ts Mei Chan, Ts Phương Thảo, Bs Thục Lan, Ts Phạm Thị Mỹ Hạnh, Ts Trần Sơn Thạch, Gs Henrik Ahlborg, và Gs Shuman Yang.
Tôi đặc biệt cám ơn các đồng nghiệp và bạn bè ở Việt Nam, bởi vì đó là một phần quan trọng trong cái citation về những đóng góp của tôi. Thật vậy, khi tôi xem qua phần citation, tôi thấy Hội đồng OA (Order of Australia) có đề cập đến những việc làm ở các đại học như Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng, Dược Hà Nội, Y Hà Nội, v.v. Họ đề cập đến công trình Vietnam Osteoporosis Study và Hội loãng xương TPHCM. Nhân dịp này tôi cám ơn các bạn ở Việt Nam đã tin tưởng và phó thác tôi làm những việc liên quan đến xây dựng năng lực khoa học trong thời gian hơn 20 năm qua.
Tôi biết rằng trong 2 năm qua Văn phòng Tổng Toàn Quyền đã liên lạc tất cả những nơi tôi từng làm việc hay từng có công trình nghiên cứu ở Úc, Mĩ, Thuỵ Sĩ, Anh, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, v.v. Tôi cám ơn các đồng nghiệp từ các nước đó đã viết thư ủng hộ. Tôi không được đọc những lá thư đó, nhưng tôi biết các bạn ấy đã ủng hộ tôi. Thật ra, nhiều người đã biết tôi được đề cử trước cả tôi (nhưng vì qui định bảo mật nên họ không báo cho tôi biết).
Tôi đặc biệt cảm ơn người đã đề cử tôi 2 năm trước. Tôi không được phép biết người đó là ai, nhưng chắc chắn là một ‘thiện nhân’. Tôi cũng cảm ơn Hội đồng Huân chương Australia đã làm việc cẩn thận suốt 2 năm trời trước khi có huân chương này.
Giải thưởng có thể ví von như gia vị cho một món ăn. Món ăn có gia vị thì nó thơm ngon hơn. Tương tự, thành tựu mà có giải thưởng thì thành tựu đó có dịp bay xa hơn và có ý nghĩa hơn.
Một lần nữa, trân trọng cảm ơn tất cả các bạn và đồng nghiệp.
Huân chương Australia (hay Order of Australia) là một hình thức ghi nhận cao nhứt về những cống hiến và thành tựu cá nhân.
Qui trình đề cử và xét duyệt là 2 năm. Mỗi ứng viên được một người đề cử, nhưng ứng viên không biết người đề cử là ai. Sau đề cử, nhân viên của Hội đồng OA liên lạc tất cả những nơi ứng viên đã từng theo học và làm việc để xác minh. Sau đó, Hội đồng OA họp và xem xét, rồi khuyến nghị lên Tổng Toàn Quyền. Tổng Toàn Quyền đại diện cho Nữ Hoàng Elizabeth II phê chuẩn từng ứng viên. Chỉ đến ngày được phê chuẩn thì ứng viên mới được thông báo, và do đó kết cục hoàn toàn bất ngờ. Và đến lúc đó, người được huân chương vẫn không biết ai đề cử mình!
Cấp bậc huân chương là do Hội đồng OA quyết định. Hệ thống OA có 4 bậc: OAM (Medal of the Order of Australia); AM (Member of the Order of Australia); AO (Officer of the Order of Australia); và cao nhứt là AC (Companion of the Order of Australia). Tôi được trao Huân chương hạng AM.
[2]Tôi đã biết tin vui một cách rất tình cờ từ những 3 tháng trước. Sáng hôm 19/10/2021, một cú điện thoại từ “No ID” nhưng tôi không trả lời, vì thường là loại điện thoại lừa đảo. Vài phút sau “No ID” gọi nữa, và chẳng hiểu sao tôi nhấc máy trả lời. Bên kia đường dây, một người đàn ông xưng tên (tôi quên) và nói rằng anh ta từ văn phòng của Tổng Toàn Quyền (GG) Úc, và ngập ngừng hỏi tôi có phải là “Professor Tuan Nugent” (ít ai đọc được “Nguyen” cho đúng). Tôi nói thầm trong bụng là ‘rồi, đích thị là scam’, nhưng cũng nghe xem sao. Anh ta nói tiếp là anh ta đã liên lạc 2 lần qua email mà tôi không trả lời. Tôi xin lỗi rằng có thể email bị hệ thống sàng lọc của đại học đưa vào hộp thư spam. Tôi hỏi anh ta liên lạc tôi có việc gì.
Anh ta cho biết rằng tôi được đề cử Huân chương Australia, và Hội đồng OA đã xét duyệt xong và đề nghị GG phê chuẩn. Anh ta nói tôi phải vào trang web của GG và phải bấm nút “ Accept” thì Hội đồng mới làm bước kế tiếp. Tôi vội vàng vào trang web thì thấy hàng loạt thông tin về những việc làm của mình trong và ngoài nước Úc, thậm chí bao nhiêu grant tôi được tài trợ cho nghiên cứu!
Đến bây giờ thì tôi mới biết tin vui này là thật. Thật khó mô tả cảm giác lúc đó. Có bao giờ mình nghĩ đến cái huân chương cao quí này, có giải thưởng trong chuyên ngành là mừng rồi, làm gì đến cái huân chương mà tôi thấy vài người tiền bối hay viết sau tên họ.
Tôi không biết ai đề cử vì theo qui chế văn phòng GG không tiết lộ. Họ chỉ cho biết là đề cử từ 2 năm trước, và tôi đã qua các vòng xác minh và đánh giá, nay thì Hội đồng OA lên danh sách đệ trình cho ngài Tổng Toàn Quyền phê chuẩn cho công bố vào ngày Quốc Khánh 26/1/2022.
Dưới đây là một số hình ảnh về quãng đời của tôi. Tôi cố gắng sắp xếp hình ảnh theo thứ tự từ Việt Nam sang Úc. Những hình này liên quan đến Ba Má tôi, bà con, hàng xóm ở Việt Nam, những việc tôi làm, những phần thưởng, và kỉ niệm. Có một số hình ảnh người trong nhà không muốn đưa lên. Dĩ nhiên những hình ảnh này không đủ, vì rất rất nhiều hình ảnh thời trước 1975 mất hết do bão lụt và do … ‘nhân tai’. Hình ảnh thời tị nạn chỉ còn vài tấm. Hình thời ở Mĩ cũng rất ít. Chỉ có hình chụp trong thời gian gần đây thì khá phong phú. Xin chia sẻ cùng các bạn để biết qua quãng đời của một refugee như thế nào. Tôi cũng có phiên bản tiếng Anh ở đây.
Đây là căn nhà tôi được sanh ra và lớn lên trong thời niên thiếu. Cái chái bên phải là nhà nuôi gà, heo, sau 1975 trở thành một nguồn kinh tế nuôi cả nhà. Phía bên trái là mấy cây vú sữa, mít, ổi, v.v. Cái sân phía trước là nơi phơi lúa mỗi khi ghe chở lúa trên đồng về. Phía trái nữa (không có trong hình) là nơi để mấy cái máy cày trước 1975 (sau 1975 bị tịch thu rồi … mất luôn).
Phía sau vườn hồi xưa là mương rất nhiều cá. Hồi xưa, hễ có khách tới thăm là chỉ cần ra sau mương câu / hốt vài con cá, cắt vài cọng rau là có bữa ăn đãi khách ngay.Ba Má tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào năm 1991, lúc đó Ba Má tôi ở tuổi 60s. Ba tôi hi sinh một cánh tay trong một trận đánh ác liệt có tên là ‘Cây Trâm’ (gần Rạch Sỏi ngày nay) thời kháng chiến chống Pháp, sau đó giải ngũ và lập gia đình. Vậy mà Ba tôi tập viết, tập làm ruộng y như người có 2 cánh tay. Sau này, Chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt tù Ba tôi vì nghi là cộng sản (không đi tập kết), nhưng chỉ 3 tháng sau thì thả do không có chứng cớ (thời đó coi vậy mà pháp luật nghiêm minh). Má tôi thì chỉ làm nội trợ, suốt đời chưa bao giờ đi ăn ở nhà hàng vì Má tôi dứt khoát nói ‘ở nhà nấu ngon hơn’. Má tôi chỉ lên Sài Gòn 1 lần, và đó là lần nhập viện sau một cơn đột quị. Ba tôi qua đời ngày 22/2/2004, thọ 81 tuổi. Bốn năm sau Má tôi cũng qua đời (17/7/2008, thọ 80 tuổi) sau một cơn đột quị.
Hình này là Bé Thuận, con lớn của em gái tôi, nó gọi tôi bằng cậu. Hình này chụp lúc nó còn nhỏ ở dưới quê. Nay đã là công chức và có 2 con hiện ở Rạch Giá. Hồi Ba tôi còn sống rất thương nó vì nó hay sang nhổ râu cho ông ngoại và được … cho bánh, tiền. 🙂
Hình này là Bé Thoa, con của em gái út tôi, cũng gọi tôi bằng cậu. Tuy là cháu nhưng nó như là con gái trong nhà ở bên Úc. Nó mới lập gia đình bên Úc. Hình này chụp lúc hai cậu cháu đang trong lounge của Sky Team (phi trường Sydney) chờ máy bay về Việt Nam. Lần đầu tiên vào lounge dành cho hạng business, nên nó chụp hình tùm lum. 🙂
Cháu tôi tên Thuý An, nay đã tốt nghiệp bác sĩ từ ĐHYDTPHCM và công tác ở Bệnh viện ngoài Rạch Giá. Nó là cháu nội của Dì Út tôi. Hồi tôi đi nó chưa ra đời, ngày tôi về lần đầu thì nó đã là thiếu niên. Hôm về quê ăn Tết đầu 2020, chị ấy qua kiếm lì xì. 🙂 Ngoại tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào khoảng cuối thập niên 1980s. Ngoại tôi có tuổi thọ khá tốt (90), nhưng vẫn thua Bà Cố tôi (thọ 102 tuổi). Ông Ngoại tôi qua đời hơi sớm (chẳng biết bịnh gì) nên bà Ngoại là chỗ dựa tinh thần của cả nhà và con cháu.Anh Hai tôi (Nguyễn Tuấn Khải) nhưng ở nhà thì gọi là “Chỉ”. Anh là ‘ngôi sao’ trong gia đình và dòng họ vì là người đầu tiên trong làng đậu tú tài 2 và tốt nghiệp kĩ sư trước 1975. Sau 1975 anh thất chí và hầu như không làm gì ngoài việc tìm đường ra đi. Anh Hai tôi đi vượt biên ngày 12/2/1981 (tức trước tôi chỉ 2 tháng). Nhưng tất cả 25 người trên tàu đều mất tích. Có lẽ anh Hai tôi đã chìm sâu vào Biển Đông. Má tôi suy sụp một thời gian vì mất anh Hai. Đối với tôi, mất anh Hai là một tổn thương lớn, y như mất Ba Má vậy. Thời còn đi học, anh Hai là tấm gương, là cái đích học tôi nhắm tới.Mợ Tư tôi lúc sanh tiền. Nghe nói hồi xưa Mợ Tư tôi đẹp nhứt nhì trong làng, làm xiêu lòng Cậu Tư. tôi Không nhớ hình này chụp lúc nào, nhưng tôi nghĩ là đầu thập niên 1990. Cậu Tư tôi mất sớm trong thời chiến tranh, và Mợ Tư phải nuôi một đám con nhỏ (tức em họ tôi). Mợ Tư tôi qua đời cũng cách đây vài năm, ngay trong lúc tôi đang bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đi Seoul. Tôi không về được để dự đám tang Mợ Tư. Ở dưới quê, dòng họ tôi rất gần nhau, nên mấy người anh em họ rất thân với nhau.
Dì Năm tôi (tức em Má tôi và Cậu Tư). Dì Năm trong nhà nổi tiếng là người nấu ăn ngon, nên hễ trong làng có đám cưới hỏi là Dì Năm được mời đi nấu ăn. Dì Năm là người rất tinh tế, chú ý đến những chi tiết nhỏ (chắc do nấu ăn) và nghiêm khắc. Dì Năm tôi đã qua đời cách đây chừng 8 năm.
Dì Út tôi, như cách gọi, là người thứ út trong gia đình. Dì Út tôi rất hiền lành, không cãi cọ với ai, cũng chẳng làm phiền ai. Chồng Dì Út là dân Quảng Ngãi. Chắc hồi xưa, ông Ngoại tôi thích gả con gái cho dân miền Trung?
Đây là Cậu Ba tôi ngoài Bình Định. Cậu đi tập kết ngoài Bắc và khi về Nam trong thời chiến mang hàm trung tá hay thượng tá (tôi quên, nhưng thời đó cấp tá là oai lắm). Cậu Ba tôi gọi ông Ngoại tôi là Chú. Phải mất hơn 50 năm mới liên lạc được với nhánh gia đình ngoài Trung. Nhớ hoài ngày hai cậu cháu gặp nhau, ổng nói bằng chất giọng Bình Định “Cậu là Bộ đội Cụ Hồ” làm tôi nghĩ thầm “ổng phát biểu lập trường đây, đừng có mà linh tinh.” 🙂 Cậu Ba mới qua đời vài năm trước và thọ 99 tuổi.
Chị Nghĩa (con Cậu Ba tôi), nay làm việc ở Sài Gòn. Chị Nghĩa là người nhắn tin trên đài truyền hình để tìm bà con trong Nam. Cuộc trùng phùng nghe chị ấy kể là ‘trong nước mắt’. Nghe nói khi cậu Ba vào Nam để gặp nhánh trong Nam, gặp Má tôi, Cậu khóc nói “Em tôi đây mà.” Hình này tôi chụp với chị Nghĩa trong một chuyến đi dự hội nghị loãng xương ở Qui Nhơn vào năm 2017 (?)
Hình này tôi chụp cùng các bạn trong trại tị nạn Panatnikhom, Thái Lan vào cuối năm 1981, trước khi tôi lên đường đi định cư ở Úc. Thời ở trại tị nạn, mỗi cái phòng như vậy chứa cả 5-7 người.
Khi đến Sydney đầu năm 1982, tôi theo học lớp học tiếng Anh, và người bên phải tôi là cô giáo dạy tiếng Anh, người bên trái là một học viên từ Ba Lan. Cô giáo tôi vô cùng duyên dáng và rất thương người tị nạn. Tôi còn nhớ cô ấy hẹn tôi năm 2000 ‘xem người làm gì’, nhưng rất tiếc là cô mất trước đó vài năm. Tôi chỉ học ở đây chừng 1 tháng thì đi xin việc làm. Thời đó, có việc làm và kiếm tiền gởi về bên nhà là ưu tiên số 1, chớ chẳng học hành gì cả.
Đây là hình tôi được việc trong Department of Epidemiology and Planning của Bộ Y tế bang New South Wales. Sau gần 1.5 năm làm phụ bếp trong Bệnh viện St Vincent’s (Sydney) và Khác sạn 5 sao Regent’s, tôi kiếm được việc làm ở Labo Pathology thuộc Bệnh viện Royal North Shore, tối ngày xử lí mẫu máu, nước tiểu, và học luôn PCR nữa. Sau hơn 1 năm tôi tìm được việc làm ở đây (Department of Epidemiology and Planning).
Tôi phải học máy tính và cách viết chương trình bằng Fortran. Hình chụp vào giữa thập niên 1980s. Sau việc này, tôi chuyển về học ở Đại học Sydney trong Bộ môn Dịch tễ học và Thống kê học, đồng thời làm ‘tutor’ (trợ giảng) cho Bộ môn thống kê lí thuyết. Thời đó, làm tutor kiếm khá nhiều tiền và mua được nhà.
Đây là hình tôi chụp trong labo nghiên cứu của Viện Garvan. Không nhớ năm nào (chắc 1990s) nhưng đó là thời … trung niên. Mấy cái ‘red book’ là bao nhiêu thông tin thí nghiệm. Cái không gian này tuy nhỏ vậy, nhưng là nơi tôi có nhiều đóng góp cho chuyên ngành loãng xương. Tôi viết luận án cũng tại đây. Nay thì chỗ này đã phá đi để xây lại labo ngon lành hơn (như hình dưới đây).
Sau này Viện Garvan có lab khang trang hơn, và hình này chụp trong lab, lầu 5, nơi thời đó còn làm PCR cho từng gen. Sau này thì việc làm đó là … kinh điển (chẳng ai làm nữa), và đa số đều gởi ra ngoài làm rẻ hơn.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Macquarie vào năm 1985 (?) Thời đó mới qua, ‘tậu’ được một bộ veston xịn, nhưng còn chưa biết qui ước mặc veston sao cho đúng điệu. Kể ra thì cũng là một kinh nghiệm vậy.Labo nghiên cứu cơ xương do tôi sáng lập tại ĐH Tôn Đức Thắng do Bs Thục Lan làm codirector. Trong hình là các em bác sĩ đang đo lường và phỏng vấn tình nguyện viên trong Dự án Vietnam Osteoporosis Study.
Hình này là lúc tôi nhận testamur từ Viện trưởng Michael Kirby (lúc đó là Chánh án toà án tối cao của Úc). Tôi nhớ khi trao bằng, ông ấy nói “You are a remarkable refugee“. Chỉ là cách nói ngoại giao thôi – tôi nghĩ vậy.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp. Từ trái sang phải: em gái tôi, bà xã, Gs Donald McNeil và anh tôi. Thời đó, Đại học Macquarie được mệnh danh là của kẻ giàu, vì toạ lạc ở miền Bắc Sydney. Tuy vậy, nhưng phòng ốc và building có vẻ cổ kính lắm. Sau 30 năm quay lại, tôi không nhận ra nơi mình từng theo học nữa vì có quá nhiều building và có luôn Khoa Y nữa.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp từ Đại học New South Wales (nay là “UNSW Sydney”) năm 1997. Tôi theo học ở đây từ 1993 đến 1997, và trong thời gian này tôi công bố được 14 công trình. Nhiều khi nghĩ lại tôi không thể nào tưởng tượng mình đã ‘làm việc như trâu’, miệt mài ngày đêm, không phải vì số lượng mà vì muốn công bố trước. Luận án của tôi là ‘Contributions of Genetic and Environmental Factors to Osteoporotic Fracture‘ và được trao giải thưởng Garvan Best Thesis Award. Chú ý hình này tôi đội nón lục giác (tức dành cho mấy người tốt nghiệp tiến sĩ theo truyền thống Đại học Cambridge), còn hình trên là nón tứ gíac (dành cho những người tốt nghiệp cấp dưới tiến sĩ).
Hình chụp nhân dịp tôi được trao học vị ‘Higher Doctorate’ D.Sc (2016), làm lễ 2017. Ở Úc và Anh, DSc là học vị cao hơn PhD, chỉ dành cho những người tốt nghiệp PhD ít nhứt 10 năm. Với học vị này, ứng viên không có ghi danh, mà được xét duyệt vòng sơ tuyển, nếu qua thì được ‘admitted’ để nghiên cứu. Tôi được admitted năm 2014 và chánh thức tốt nghiệp năm 2016, với luận án ‘Contributions to Osteoporosis Research’ với 196 bài báo khoa học làm luận án. Garvan có đi một bản tin về sự kiện này. Báo Guardian (Anh) cũng có một bài về tôi.
Bên trái là Trúc (bây giờ là cháu rể tôi), và bên phải là cháu gái tôi mà trong nhà hay gọi là Bé Thoa (nay đã thành hôn với Trúc). Vì tôi không có con gái, nên nó được xem như là con gái trong nhà.
Người tốt nghiệp DSc được đọc tiểu sử (citation) trước khán đài cho sinh viên y khoa và các giáo sư khác. Citation này được Gs Terry Campbell (Phó Khoa Trưởng Khoa Y) đọc trong ngày lễ tốt nghiệp. Tôi là người thứ 33 thuộc Khoa Y của UNSW Sydney được trao học vị này. Video buổi lễ được upload trên Youtube: https://youtu.be/-SNJ5vKlMds
Huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng do Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Bản tin phía dưới có hình tôi chụp chung với bà Catherine Livingstone, Viện trưởng (Chancellor)của UTS. Tấm huy chương này được in bằng máy in 3D Printer.
Thư chúc mừng được trao giải Nhà nghiên cứu ngoại hạng kèm theo 5000 đôla. 🙂
Tôi trả lời phỏng vấn nhân dịp được trao huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng UTS 2018). Tôi là người thứ hai được trao huân chương này. Người thứ nhứt là Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, cựu khoa trưởng khoa engineering và IT.
Tôi nói: “My name is Tuan Van Nguyen. And I am a professor of predictive medicine at the School of Biomedical Engineering of UTS. My work is really concerned with the prevention of bone fractures due to osteoporosis or low bone mass. So, osteoporosis and osteoporotic fractures, they both represent a major and substantial public health problem – not just in Australia, but also worldwide. We approached the problem through epidemiological research, genetic research and clinical research, and clinical translation.
We came up with the world’s first algorithm for predicting fracture risk at the individual level. We found that each standard deviation lower in BMD [bone mineral density] actually increased the risk of fracture by two fold. And that particular finding was used as a criteria for the diagnosis of osteoporosis around the world.
So that’s one of our major contributions. But the thing that’s really rewarding is that after the publication of the model, there were hundreds of studies around the world that tried to validate the model, or were inspired by the idea that patient and doctor alike can use. That’s the most rewarding experience for us.”
Hình chụp đêm liên hoan ăn mừng được UTS trao Huân chuơng. May phước đêm đó không xỉn. 🙂 Tôi được bầu làm Fellow của Hiệp hội loãng xương Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research – ASBMR) vì những đóng góp họ gọi là ‘distinguished accomplishments‘ trong chuyên ngành loãng xương. Tôi giữ nhiều vai trò có thể nói là trọng trách và leadership trong ASBMR, từ uỷ ban khoa học, uỷ ban xuất bản, editor cho tập san JBMR, v.v. nói chung là đủ thứ việc. Tôi được vinh hạnh là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm viện sĩ của ASBMR. Tôi có một cái note về sự kiện quan trọng này.
Hình chụp nhân dịp tôi được bầu làm Fellow (viện sĩ) Viện hàn lâm y học Úc. Người bên trái là Giáo sư Ian Frazer, chủ tịch Viện hàn lâm. Gs Frazer là người khám phá và phát triển vaccine phòng ung thư cổ tử cung. Hôm đó, tôi có hỏi ông là có giúp được gì cho Việt Nam và cần tôi làm trung gian hay không, ông nói đại khái rằng muốn giúp lắm chớ, nhưng hệ thống hành chánh bên đó khó khăn quá nên ông bỏ cuộc.
Hình dưới là những fellow được bầu vào Viện hàn lâm năm 2018 (lễ kết nạp 2019). Tôi được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong Viện hàn lâm. Tôi có cái note cám ơn ở đây (tiếng Anh) và Tiếng Việt.
Đây là bài viết kiểu ‘vinh danh’ tôi đã có 25 năm đóng góp cho Viện nghiên cứu Y khoa Garvan.
Hình chụp nhân dịp tôi được trao chức danh Giáo sư Danh dự của Đại học Dược Hà Nội. Người bên trái là Gs Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng. Tôi còn là giáo sư danh dự hay giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, và Đại học Tôn Đức Thắng. Tôi có một note giải thích chức danh ‘visiting professor‘.
Đây là hình chụp nhân ngày tôi được trao tặng chức danh ‘Distinguished Professor’ của ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Người bên phải là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, người đã nói theo tiếng Anh là transform TDTU chỉ trong 10 năm. Di sản của anh Danh phải vài chục năm sau người ta mới ghi nhận. Tôi giúp cho TDTU từ 2015 qua các việc như lập labo nghiên cứu về xương và cơ, chair hội đồng bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho TDTU, và tham mưu chiến lược phát triển. Sau này tôi mới biết là trước khi trao chức danh này TDTU đã có ‘peer-review’ từ các giáo sư nổi tiếng bên Úc, Anh, Mĩ, và Canada. Tôi rất thích cách làm đó, nhưng rất tiếc là VN chưa có trường nào làm vậy. Tôi có một note về sự kiện này.
Đây không phải là giải thưởng gì, nhưng vối tôi là một phần thưởng rất có ý nghĩa. Tôi tổ chức và giảng cho mấy chục workshop ở Việt Nam (từ Bắc chí Nam), và số bác sĩ tham dự chắc cỡ vài ngàn. Một hôm tôi nhận lá thư này từ một em bác sĩ da liễu (Ngọc Bích) làm tôi cảm động lắm, và xem đó là phần thưởng qúi báu trong đời.
Đây cũng không phải là giải thưởng gì cả, nhưng với tôi là một phần thưởng qúi lắm. Nhân ngày Nhà giáo gì đó, các em sinh viên ở Úc hùn nhau mua một cây viết Parker (chẳng hiểu sao họ biết tôi thích cây viết này) và kèm theo thiệp chúc với những lời làm tôi cảm động lắm lắm.
Một lần trả lời phỏng vấn cho truyền thông phương Tây. Hình này chụp lúc tôi trả lời báo chí Mĩ nhân tham dự hội nghị ASBMR ở Hawaii. Họ hỏi tôi về một nghiên cứu khá ‘đình đám’ trong hội nghị.
Tôi đi giảng và nói chuyện ở rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng hình chụp lưu niệm thì chẳng bao nhiêu. Hình này là do Bs Nguyễn Đình Nguyên chụp nhân một bài nói chuyện ở Canada vào năm 2007.Hình này chụp lúc tôi nói chuyện trong một hội nghị loãng xương quốc gia ở New Zealand.
Tôi được coi là người đem chuyên ngành loãng xương về Việt Nam. (Báo Sức Khoẻ và Đời sống có một bài về tôi). Nói to tát ghê. Đây là hình chụp lúc tôi tổ chức hội nghị quốc tế về loãng xương lần đầu tiên ở Việt Nam. Từ trái qua phải: Ts Trần Hoàng Ngọc Bích (một trong những học trò xuất sắc cũ tôi), Ts Nguyễn Đình Nguyên (cũng học trò xuất sắc luôn, sau này bỏ nghiên cứu ra làm GP), và Giáo sư John Eisman (thầy tôi). Tấm hình này có thể xem là 2 thế hệ. 🙂
Hình chụp lưu niệm trong Ban tổ chức hội nghị Strong Bone Asia. Hội nghị này đem về cho Hội Y học TPHCM một thu nhập đáng kể để phát triển về sau.
Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho Gs Dương Quang Trung mà tôi gọi thân mật là Chú Tư (lúc đó là Chủ tịch Hội Y học TPHCM). Chú Tư (dân gốc Cà Mau, là dân bên Tây về, cùng thời Bs Phạm Ngọc Thạch bên Pháp) và tôi có biết bao nhiêu kỉ niệm. Chú nói tiếng Pháp khỏi chê, nhưng với tiếng Anh thì chú phải nhờ tôi. Tôi cầm tờ giấy chớ thật ra tôi có đọc gì đâu, tôi chỉ nghe chú ấy nói là tôi dịch ngay. Khi xuống khán đài, chú Tư hỏi “Hồi nãy có câu tôi nói cũng khá dài, sao anh dịch ngắn vậy?” Chú hay gọi tôi bằng ‘Anh’. Tôi giải thích một hồi rồi nói: “Dạ, tiếng Anh nhiều khi nó ngắn chú ơi”. Ổng mỉm cười kiểu nói ‘Thằng này lém lỉnh.” Có lần tôi về VN công tác, chú kéo tôi ra hành lang, hỏi tôi là có phải kí tên vào bản ý kiến gì phải không, tôi nói phải. Rồi chú Tư nói ‘lúc này tôi biết xài internet rồi, tôi đọc nhiều lắm, nhưng anh nên cân nhắc nói những gì cần nói thôi.’ Tôi nghĩ đó là lời khuyên của người biết nhiều trong hệ thống. 🙂
Hội nghị loãng xương Châu Á được tổ chức ở Hong Kong vài năm trước. Nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study chúng tôi chiếm liền 3 giải thuởng! Bên trái là Bs Hồ Phạm Thục Lan, bên phải là Bs Đoàn Công Minh bên poster được trao giải xuất sắc.
Tôi là Chair của Pan Asian Biomedical Science (2018 – 2020). Đây là hội nghị PABS được tổ chức rình rang ở Đà Nẵng. Lúc đó, Gs Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) và PGS Nguyễn Đăng Quốc Chấn là người đứng đằng sau ban tổ chức. Tôi chỉ là người ‘bề ngoài’ với khách nước ngoài. Kể từ đó, tôi trở thành một người của Đại học Đà Nẵng.
Tôi chụp hình lưu niệm với các đồng nghiệp Á châu (hình trên) và các bạn trong ban tổ chức ở Đà Nẵng (hình dưới). Tôi xem đây là một đóng góp cho Đại học Đà Nẵng. Người đứng bên phải có tên rất hay là ‘Hằng Nga’, là tiến sĩ từ Tây về, còn người đẹp gái bên cạnh Hằng Nga là Oanh; hai người này gíup tôi rất nhiều trong khâu tổ chức.
Ngoài tổ chức hội nghị quốc tế ở Việt Nam, tôi còn tổ chức hàng chục (hay trăm) lớp học lớn nhỏ ở VN trong suốt 25 năm qua. Đây là một lớp học được tổ chức ở Đại học Y Dược TPHCM vào đầu thập niên 2000 do chị Thy Khuê đứng ra làm. Nhiều người trong hình này nay đã là tiến sĩ và phó giáo sư.
Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức. Tôi nhớ hoài một ‘incident’ khi tôi đứng giảng và chú ý thấy chị Khuê nghe điện thoại xong có vẻ lo lắng lắm. Mãi đến sau này hỏi mới biết là công an gọi điện hỏi sao lớp học có người nước ngoài mà không xin phép. Chị Khuê nói tôi về hàng năm, hồ sơ đã có trong Sở Y tế và công an rồi, nên không cần xin phép nữa. Họ nói hễ tổ chức lớp học là phải xin phép. May phước họ dzu dzi cho qua.
Bác sĩ Khả Nhi có một bài phỏng vấn tôi về những việc làm bên Việt Nam tại đây.
Một lớp học ở Đại học Tôn Đức Thắng. Nói chung lớp học nào tôi giảng đều thu hút từ 100 đến 250 người từ mọi miền đất nước tham dự. Mỗi khoá học như vậy kéo dài từ 5 – 14 ngày, với rất nhiều bài giảng. Rất vui và hào hứng vì giúp cho nhiều bạn sau này trở thành tiến sĩ và giáo sư.
Khoá học ở Đại học Tôn Đức Thắng lúc nào cũng thu hút hàng trăm học viên từ mọi miền đất nước. Một lớp học ở Trường Đại học Nha Trang năm 2017 do tôi, Ts Trần Sơn Thạch và Ts Hà Tấn Đức phụ trách. Đây là lớp học do anh giám đốc Sở khoa học và công nghệ Khánh Hoà mời. Tôi nhớ hoài khi ngày thứ 4 anh đến nói lời kết thúc lớp học, anh rất ngại vì trước đây đến ngày thứ 2 là học viên chỉ còn vài người thôi. Nhưng khi anh tới, anh kinh ngạc thấy ngày kết thúc khoá học mà số học viên còn đông hơn lúc khai mạc. Anh ấy vui lắm. Sau này chúng tôi còn quay lai 2 lần nữa cũng tại đây.
Tôi là một trong những sáng lập viên Hội loãng xương TPHCM. Chúng tôi tổ chức hội nghị khoa học mỗi năm. Đây là hội nghị được tổ chức ở Đà Lạt vào năm 2018. Hình này tôi chụp cùng ban tổ chức và các bạn đồng nghiệp. Hình này đúng là đầy đủ ‘who is who’ trong bộ lạc loãng xương ở Việt Nam (từ trái qua phải): Bs Huỳnh Văn Khoa (Chợ Rẫy); Bs Nguyễn Văn Hùng (Bạch Mai); Gs Trần Tam (Huế); Gs Nguyễn Hải Thuỷ (Huế); tôi; PGs Lê Anh Thư (Chủ tịch Hội); PGS Trương Văn Việt (Cựu Giám đốc BV Chợ Rẫy); Gs Trần Ngọc Ân (Hà Nội); Bs Linh (Chợ Rẫy, phu nhân của Bs Nguyễn Tri Thức nay là Giám đốc BV Chợ Rẫy); Bs Thục Lan (BV 115); PGs Vũ Thanh Thuỷ (Hà Nội); PGs Vũ Đình Hùng (Quân Y Sài Gòn); PGs Phạm Văn Thanh (Cựu Giám đốc Sở Y tế TPHCM); Gs Nguyễn Tấn Bỉnh (nay là Giám đốc Sở Y tế TPHCM); và PGs Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy).
Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.
Hội nghị khoa học thường niên của Hội loãng xương TPHCM tại Tuy Hoà 2017. Trong hình là các thành viên trong nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study. Từ trái sang phải: Bs Minh Châu, Ts Trần Sơn Thạch, Bs Thục Lan, Bs Mai Duy Linh, và Bs Đoàn Công Minh. Năm nào, nhóm này cũng có những đóng góp về nghiên cứu original cho hội nghị.
Cùng các bạn và học viên Đại học Đồng Tháp nhân dịp tôi về đó giảng 3 ngày. Hình này chụp vào năm 2018. Tôi đến đây giảng lần đầu vào năm 2013, và sau đó thì năng suất khoa học (công bố quốc tế) của Trường tăng cao thấy rõ. Thế là các bạn ấy mời tôi quay lại nói chuyện nữa. Tôi thích đi mấy tỉnh miền Tây, một phần vì gần nhà, một phần vì muốn thưởng thức các món ăn miền Tây, thích la cà trong mấy quán bánh tằm, cháo lòng, v.v. và nghe chuyện thời sự.
Cùng với các bạn trong Hội Đau TPHCM. Từ trái qua phải: PGS Võ Văn Thành, PGS Nguyễn Thi Hùng, tôi, PGS Hàn Quốc, PGS Lê Anh Thư và PGS Vân Anh. Hôm đó tôi nói về hiệu ứng placebo và nocebo. Đây là hội nghị mà anh Hùng là ‘chủ xị’.
Hình chụp nhân dịp tôi dự lễ kỉ niệm 5 năm ngày thành lập Viện y học Đinh Tiên Hoàng ngoài Hà Nội. Tôi là thành viên tư vấn cho Viện. Hôm đó thật là vui. Viện này do Ts Nguyễn Thị Thanh Hương, cựu học trò tôi ở Viện Karolinska (Thuỵ Điển), thành lập.
Hình chụp nhân dịp Bs Nguyễn Đình Nguyên tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc và chiếm luôn giải thưởng Luận án Tiến sĩ Xuất sắc của Viện Garvan. Ở Viện Garvan chỉ có 2 người Việt có danh dự này: Nguyên và tôi, cả hai đều họ Nguyễn 🙂
Hình chụp nhân ngày tốt nghiệp PhD của Phương Thảo (dân Hà Tĩnh, cũng là một học trò xuất sắc). Người đứng giữa là Hà, làm trong lab tôi. Tôi có viết một note ghi lại cảm tưởng của “kẻ đưa đò.”Đây là Mai Thị Hà (người từng làm trong lab tôi chừng 1 năm) trong ngày cưới của cháu ở Nam Định. Chiều đó tôi đi công tác ở Hà Nội, và phải đón xe về Nam Định để dự đám cưới của Hà. Tôi rất thương nó, nhỏ tuổi hơn con tôi, nhưng vất vả và bôn ba hơn nhiều con tôi nhiều. Tôi xem nó như là một người Việt tiêu biểu: cực khổ, phấn đấu vươn lên, thông minh. Ngày tôi phỏng vấn nó và nói rằng sẽ nhận nó vào làm việc trong lab, nó ra ngoài khóc, làm tôi hoảng vì tưởng mình đã nói gì xúc phạm. Hoá ra, nó nói từ ngày sang Úc đến nay nó được đối xử tử tế. Trời!
Hình chụp nhân lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Hồ Lê Phương Thảo và Daniela Tesorioro (học trò tôi) người được trao bằng cử nhân hạng danh dự số 1.
Phương Thảo được trao giải thưởng Young Investigator Award của ASBMR (Mĩ) năm 2017.
Đây là ‘Đồng chí’ Bs Thái Viết Tặng (người cầm bó bông) nhân dịp lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tặng là đồng hương Kiên Giang với tôi và cũng là người tôi hướng dẫn luận án. Đêm đó, sau buổi lễ tốt nghiệp, cả ‘đám’ Kiên Giang kéo nhau đi nhậu ở Hà Đông. Thiệt là vui. May phước tôi không xỉn để còn chuẩn bị cho 3 ngày giảng sau đó.
Đây là Phạm Nữ Hạnh Vân trong buổi lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi và Gs Nguyễn Thanh Bình (bên phải) là người hướng dẫn luận án cho Hạnh Vân. Chiều đó, sau buổi lễ bảo vệ luận án là phu quân của Hạnh Vân kéo cả nhóm ra một nhà hàng ở Hà Nội ăn uống, có dịp gặp nhiều bạn khác. Tôi phải ghi thêm một thông tin vui vui là hễ Hạnh Vân đi dự hội nghị hay nói chuyện thì ai cũng nói ‘Ui, người đâu mà xinh thế’ mà không chịu nghe cô ấy nói. 🙂 Theo tôi thấy, Hạnh Vân là người rất khéo nói, hiền lành, lễ phép, và tinh tế, đúng với chất người con gái Bắc như Phạm Duy hay mô tả.
Thời thập biên 1980s tôi có tổ chức lớp dạy học cho mấy em học sinh Việt Nam sắp thi tú tài II ở Sydney. Trường tiểu học Bass Hill cho mượn phòng, nên tôi tổ chức nhiều lớp cho các em ấy (đúng ra là con cháu). Có hàng trăm em đã học từ lớp học này và nay đã là kĩ sư, bác sĩ, luật sư, v.v. Nhiều khi mấy em ấy gặp tôi trên xe lửa và tới chào, chớ tôi cũng không nhớ hết mấy em ấy. Tôi xem đây là một đóng góp cho cộng đồng làm tôi nhớ mãi trong đời.
Đây là Giáo sư Donald McNeil, người đã cho tôi cơ hội theo học tại Đại học Macquarie. Thầy là người rất tốt bụng với dân tị nạn. Có người chẳng có giấy tờ gì, nhưng chỉ qua phỏng vấn là thầy cho vào học. Tôi nhớ ơn thầy McNeil suốt đời. Ngày Thầy về hưu, tôi đến nói lời chia vui mà ai cũng rơm rớm nước mắt.
Giáo sư Barry Marhsall (Giải Nobel 2005) chụp hình nhân dịp lễ induction các Fellow của Viện hàn lâm y học. Giáo sư Marshall là người được bầu vào Viện trước tôi 3 năm. Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần. Giáo sư Bruce Robinson (giữa, cựu Khoa trưởng Khoa Y, Đại học Sydney) và Giáo sư Bruce Robinson (cùng tên, ở ĐH Melbourne). Hai người này cùng được bầu vào Viện hàn lâm y học cùng năm với tôi. Khoa trưởng Robinson là người bạn rất thân thiết với bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Đây là Bs Marilyn Rob, Giám đốc trung tâm Epidemiology and Planning của Bộ Y tế NSW, người dạy tôi về dịch tễ học và làm cho tôi đam mê nghiên cứu. Marilyn có bằng tiến sĩ về thống kê học nữa, còn ông chồng lúc đó làm cho IBM. Tôi coi Marilyn như bà chị cả, và đứa con đầu lòng của tôi có tên Laurence (là tên con út của Marilyn) để đánh dấu thời mà Marilyn cưu mang tôi suốt 3 năm trời. Nhớ hoài Mariyn lúc nào cũng nói ‘You can do better‘ và khuyến khích tôi tìm cơ hội cao hơn.
Đây là hình chụp lúc tôi tiêu ra 1 tháng ở Viện nghiên cứu Southwest Foundation for Biomedical Research (San Antonio, Texas). Người dạy tôi về genetic linkage analysis là Ts John Blangero (người ngồi đầu bàn), tôi xem anh ta là một thiên tài. Anh ta có mái tóc giống như Isaac Newton! Hôm đó là ngày tiễn tôi về Ohio, nên cả nhóm kéo ra nhậu ở một quán thịt bò mà thực khách tự lấy thịt đem đi nướng và tự lấy bia. Vui ơi là vui!
Hình này tôi chụp với Gs Phạm Song (cựu Bộ trưởng Y tế) trong Hội nghị Strong Bone Asia. Bác ấy nghe tôi nên đến làm quen. Hôm đó, bác ấy nói rất nhiều về tình hình y tế Việt Nam. Sau này Gs Song qua đời.
Hình này tôi thích lắm. Hôm đi dự hội nghị quốc tế về loãng xương ở Denver, tôi nói chuyện xong và ra ngoài thì thấy một em chờ làm quen. Hoá ra em này là postdoc (hậu tiến sĩ) tên là Phạm Thanh Hải đứng gần tôi và một em nghiên cứu sinh (nữ) từ Nhật (bên phải tôi) có tên đặc biệt là Mộc Hà. ‘Tha hương ngộ cố tri’ và thế là chụp mộ bô hình làm kỉ niệm.
Hình này có một câu chuyện rất hay. Hôm đi dự hội nghị loãng xương ở Montreal, tôi đi ra khu phố Á châu để tìm món Việt ăn trưa. Em bồi bàn đến hỏi tôi ăn gì, rồi em hỏi luôn (tiếng Anh) ‘có phải bác là Gs Tuấn’. Tôi kinh ngạc nói phải rồi. Hoá ra em này là nghiên cứu sinh Việt Nam ở Canada, đi làm thêm để kiếm tiền, và em ấy hay đọc những bài ‘tâm tình’ của tôi trên blog và theo dõi bài giảng giúp cho em ấy học tốt hơn. Trời! Không ngờ gặp một người bạn đặc biệt như thế ở đây, và thế là chụp hình lưu niệm.
Tôi hay được mời đi giảng khắp nơi trên thế giới, và trong một lần sang Seoul, các em sinh viên bên đó hay tin, rồi tổ chức một seminar để tôi chia sẻ hành trình từ tiến sĩ thành độc lập ra sao. Xa quê mà gặp đồng hương lúc nào cũng làm tôi xao xuyến. Bức hình này cũng là một kỉ niệm đẹp.
Không nhớ hình này chụp ở đâu (nhưng ngoài Bắc, hình như là ĐH Y Hà Nội) vào năm 2016 sau khi kết thúc một khoá học.
Hình này chụp chung với các nghiên cứu sinh ở UTS (nay có người đã về Việt Nam). Người đứng cao cao là Gs Nguyễn Thế Hùng, lúc đó là Khoa trưởng Khoa Engineering và IT của UTS (chức này rất … lớn). Anh Hùng là người chiêu dụ tôi về hợp tác với UTS cho đến nay. Anh cũng là Giám đốc của Trung tâm Công nghệ Y tế, sau này anh rời UTS, tôi được bổ nhiệm thay anh làm Giám đốc trung tâm này. Thế là hai ông Nguyễn thay phiên nhau lãnh đạo trung tâm. Trung tâm này có chừng 56 người, kể cả 20 GS và PGS. Quản lí một trung tâm như thế rất … mệt.
Hình này chụp nhân dịp buổi liên hoan sau hội nghị nội tiết học ở Seoul. Trong hình là các giáo sư trẻ Hàn Quốc và vài giáo sư ‘già’. Họ rất ưu ái đòi tôi phải đến dự để các bạn trẻ hỏi han (có lẽ cách họ ngoại giao vì tôi làm editor cho các tập san loãng xương). Hoá ra, các giáo sư trẻ không được ngồi cùng bàn với các giáo sư ‘già’; họ chỉ được đến chụp hình chung. Tôi nghĩ thầm ‘Trời, sao mà phân chia vai vế thế.’
Ở Việt Nam tôi có những người bạn và học trò rất thân thiết. Tiêu biểu là em này (Bs Hà Tấn Đức) sau này học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của tôi. Bs Đức là dân Cần Thơ, gần Kiên Giang. Hôm tôi về quê dưỡng bệnh, Đức đi xe đò lên thăm tôi. Ở dưới quê thì chỉ cần 1 tiếng đồng hồ là có gà, cá, rau cỏ, v.v.đủ thứ để nhậu. Tôi lấy chai Martel chắc cũng 20 năm ra đãi. Chai này tôi mua cho Ba tôi uống, nhưng cho đến ngày qua đời ông không uống mà để trong tủ cả 20 năm trời. Ngon ơi là ngon.
Bs Đức, Bs Trần Sơn Thạch (trong hình) là hai người bạn đã cùng tôi rong ruổi khắp nước để ‘rao giảng’ về nghiên cứu khoa học. Tôi hay nói đùa là ba chúng ta là một gánh hát cải lương. Hình này chụp ở Atlanta (?) Mĩ trong lúc đang chờ máy bay về Sydney, còn tôi thì về Little Saigon ở California.
Hình này chụp nhân dịp bế mạc khoá học phân tích dữ liệu ở Kiên Giang. Trong hình là Bs Hồ Xuân Tuấn (ĐH Đà Nẵng) thay mặt học viên từ mọi miền đất nước về dự phát biểu cảm tưởng. Tôi và Tuấn quen nhau từ đó, vì tôi thích cái tánh hài hước đặc sệt dân xứ Quảng. Tuấn mới tốt nghiệp tiến sĩ y học từ Đức, và tôi tự hào có giúp đỡ một phần trong việc học hành và nghiên cứu của em ấy.
Tôi rất ít có dịp ăn Tết ở Việt Nam. Nhưng năm 2007 tôi có dịp đó. Lúc đó Kiên Giang tổ chức Tết cho ‘kiều bào’ và các nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc ở Kiên Giang. Anh Ts Đởm (Giám đốc Bệnh viện Kiên Giang) rủ tôi đi ăn Tết ngoài Rạch Giá cho vui, và thế là tôi phóng xa đi ngay. Trong buổi lễ có một ông người Úc đang đầu tư ở Kiên Giang, ổng chúc Tết, và anh Đởm kêu tôi lên làm thông dịch. Ừ, làm thì làm. Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho ông đồng hương Úc.
Hôm đó, tôi còn trả lời phỏng vấn cho đài truyền hình địa phương (Kiên Giang) vì các bạn ấy xem tôi là một ‘người con Kiên Giang thành đạt’. Tôi nhớ có nói rằng Kiên Giang đáng lí ra phát triển nhanh hơn và mạnh hơn các tỉnh khác (tôi không nói tỉnh nào) và đưa ra vài con số chứng minh. Chị phóng viên thích lắm và nói sẽ phát hình đêm nay. Tôi gọi điện về nhà báo tin cho mấy đứa em ‘Tối nay tụi bậy coi tao trên đài truyền hình.’ Báo hại tụi nó và bà con chờ xem bản tin tối của đài, nhưng chờ hoài không thấy mặt mũi tôi đâu. Hoá ra, có người cao cấp không hài lòng với câu nói của tôi nên nói lịch sự là ‘chưa đúng dịp để phát hình.’
Tôi có nhiều bạn ở trong nước, kể cả Hà Nội, và họ quí tôi. Lâu lâu mới có dịp gặp một buổi. Trong hình là (từ trái sang phải): Ts Giáp Văn Dương, Ts Quyền Đình Thi, tôi, và Ts Nguyễn Việt Hùng. Hình này chụp trong một nhà hàng nhỏ rất dễ thương ở giữa phố cổ Hà Nội.
Hình này tôi chụp lúc tham dự buổi lễ trao giải Alexandre Yersin ở Khách sạn Oscar. Anh bên cạnh là Bs Nguyễn Quan Vinh, Chủ tịch Hội y học Thuỵ Sĩ – Việt Nam. Hình chụp lúc chuẩn bị khai mạc lễ trao giải thưởng.
Phái đoàn ĐH Quốc Gia TPHCM sang thăm chúng tôi ở Viện Garvan, 12/2016. Trong hình là Phạm Mỹ Hạnh (học trò PhD trong lab tôi), Ts Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG-HCM), Gs Đặng Vạn Phước (Khoa trưởng Khoa Y ĐHQG-HCM), Ts Nguyễn Thị Thanh Kiều (Phó Trưởng khoa Khoa Y, ĐHQG-HCM), PGSLê Văn Quang (Phó Trưởng khoa Khoa Y, ĐHQG-HCM)
Tôi có nhiều bạn tị nạn ở California. Năm nào qua đó cũng đều gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Trong hình là (từ trái qua phải) anh kí giả của Người Việt (tôi quên tên), Gs Lê Xuân Khoa (cựu Phó gíam đốc Viện Đại học Sài Gòn thời VNCH), Bs Ngô Thế Vinh (nổi tiếng với cuốn ‘Cửu long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’) và Kĩ sư Phạm Phan Long trong nhóm Vietecology. Người chụp hình là Kĩ sư Ngô Minh Triết, người hay chở tôi đi đây đó gặp bạn bè. Tất cả họ đều đau đáu nghĩ về Việt Nam.
Bạn văn nghệ ở Sài Gòn. Người bên trái là một kí giả nổi tiếng trong làng báo Việt Nam Đoàn Khắc Xuyên. Người bên phải là người mà sau này tôi mới biết là Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của những ca khúc rất hay.
Hình này chụp nhân dịp tôi ghé Đại học Hoa Sen nói chuyện về công bố khoa học. Bên trái là Ts Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng) và bên phải là Ts Phạm Thị Ly (hiệu phó). Đại học Hoa Sen đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua.
Đây là con đường nhà tôi ở lúc tôi sang Ohio nhận chức Associate Professor of Medicine của WSU vào cuối thập niên 1990s. Con đường này vào mùa thu nó đẹp ơi là đẹp!
Chiếc xe ‘huyền thoại’ Honda Civic của tôi ở Ohio trong mùa đông, tuyết đóng đầy hết xa và bãi đậu xe. Tôi yêu con ‘tuấn mã’ này lắm. Cứ cuối tuần tôi phóng xe lên Columbus gặp bạn bè tán dóc và nhậu nhẹt. Tôi nhớ anh Thành (tiến sĩ Lê Thiết Thành) và chị Lan quá.
Có năm tôi được mời sang làm ‘thanh tra’ trung tâm nghiên cứu cơ xương khớp của Đại học King Abdulaziz University (KAU), Saudi Arabia. Đó cũng là lần đầu tiên từ ngày cha sanh mẹ đẻ tôi được đi máy bay hạng ‘First Class’ của Singapore Airlines. Thích thì dĩ nhiên là thích, nhưng đêm về nằm khách sạn mà ngày xưa là nguyên thủ Hoa Kì từng ở, rồi suy nghĩ thế thái nhân tình: ‘sao mà họ phí thế, chắc là lấy lòng?’
Ở nước ngoài các trung tâm nghiên cứu phải được tổng duyệt mỗi 5 năm, và họ mời người nước ngoài đến làm. Làm thanh tra, nhưng sau này thành cố vấn (advisor) cho trung tâm luôn! Trong hình là ông Gíam đốc KAU trao kỉ niệm chương cho tôi. Tôi sang đây 2 lần, và lần sau cùng thì trung tâm nghiên cứu bị đóng cửa vì họ cho rằng làm ăn không khá. Tiếc ghê.
Ngoài việc chuyên môn, tôi còn viết sách và xuất bản ở Việt Nam. Tôi đã xuất bản được 15 cuốn sách (từ chủ đề loãng xương, phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu, cách viết bài báo khoa học, đến sách về trò chuyện khoa học) ở Việt Nam. Có những cuốn được in đi in lại nhiều lần, và cuốn này ‘Cẩm nang nghiên cứu khoa học’ được in lại 5 lần chỉ trong 2 năm xuất bản. Năm 2018, Nhà xuất bản tổ chức buổi ra mắt sách ở Đường sách Sài Gòn, và tôi có dịp trò chuyện trực tiếp cùng khoảng 50 người đến nghe.
Tôi có nhiều bằng khen từ Việt Nam, và đây là bằng khen của Hội Y học TPHCM.
Bằng khen từ Hội loãng xương TPHCM. Bằng khen này được Gs Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội) trao trong Hội nghị loãng xương ở Nha Trang. Tôi nhớ mãi thầy Ân nói: “Giáo sư Tuấn là người vô cùng tâm huyết với quê hương, điều đó không thể nghi ngờ được. Nhưng Gs Tuấn còn là một nhà trí thức với nhiều ý kiến về đủ thứ vấn đề trên báo chí chính thống, có nhiều ý kiến rất hay …” Rồi thầy ngưng một chút, rồi nói tiếp “Nhưng cũng có vài ý kiến cần … bàn thêm“. Cả Hội nghị 400 người cười ầm lên. Thầy đúng là dân Hà Nội, rất khéo nói.
Bằng khen của Đại học Quốc gia TPHCM nhân dịp tôi ghé đó giản trong 2 workshops 5 ngày.
Tôi nói chuyện về y học thực chứng ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình 2 lần. Đây là lần đầu (2005), lúc đó Bs Võ Thành Phụng là Phó Giám Đốc và Bs Trần Thanh Mỹ là Giám Đốc. Sau này, anh Phụng và tôi tổ chức Hội nghị quốc tế về loãng xương ở Sài Gòn rất thành công. Anh ấy là người miền Tây nhưng học trường Tây và nói tiếng Pháp rất thông thạo, thích … hủ tíu Mỹ Tho. Anh Phụng là đồng môn với Bs Ngô Thế Vinh (tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’), cũng là một người bạn vong niên của tôi. Sau này anh ấy qua đời đột ngột làm tôi kinh ngạc.
Giải thưởng ‘Sách Hay’ (cuốn ‘Đi vào nghiên cứu khoa học‘) của Viện IRED và nhóm Sách Hay.
Bằng khen do báo Vietnamnet trao tặng. Giải thưởng này chỉ tồn tại 3 năm thì phải, và sau đó thì ngưng. Chẳng hiểu sao ngưng, nhưng với tôi thì đây cũng là một kỉ niệm vui và có ý nghĩa.
Tôi làm Chair Hội đồng chấm giải thưởng Alexandre Yersin cho Hiệp hội Y học Thuỵ Sĩ – Việt Nam. Hình này chụp vào năm 2017 (?) là lần phát giải thưởng đầu tiên ở Sài Gòn.
Đây là Bác sĩ Nga (bên trái, đã nghỉ hưu) và Thuận, cả hai đều là bạn học thời tiểu học trpng quê. Nga là con bác Hai Trắc, chủ tiệm bán thuốc Bắc dưới quê, còn Thuận là con cô Danh và chú Hiền (dân miền Trung và em nuôi của ba tôi). Hình này chụp nhân dịp đám cưới của thằng cháu tôi được tổ chức ở Rạch Giá. Đây là tấm hình tôi thích nhứt và có lẽ rất khó có dịp chụp cùng hai người bạn này.
Đây là Thuận (bên phải) và em Út tôi. Hình này chụp vào năm 1990s nhân dịp lần đầu tôi về Việt Nam thăm nhà. Em út tôi là học trò của Thuận (nên hai cô trò ngồi gần nhau). Tôi gọi má Thuận là cô Danh và ba Thuận là chú Hiền. Thuận là bạn học thời tiểu học, rất hiền lành và nhu mì (đến nay vẫn vậy), sau này mở tiệm may nổi tiếng nối nghiệp cô Danh. Thời sau 1975 khi tôi ‘thất chí’ về quê thì Thuận là người được Má tôi nhắc nhiều nhứt như là một ‘ứng viên’. Sau này, mỗi lần vế quê và có cái áo nào khó sửa, tôi sai thằng cháu đem cho cô Thuận sửa. Có lần thằng cháu nói sao đó, bị cô Thuận mắng cho ‘Cậu mày là ai mà kêu tao phải làm trong 1 ngày? Dẹp.’
Đây là những người hàng xóm người Khmer của tôi. Cả ba người và Má tôi (ngồi mép trái) nay đã về bên kia thế giới. Hồi còn nhỏ, tôi hay la cà sang nhà hàng xóm kiếm bánh ống và cốm dẹp ăn :).
Đây là anh Ba Đen (bà Nội anh ấy là chị bà Ngoại tôi) và gia đình chụp vào năm 1992 (?) Anh Ba là bạn học thời tiểu học của tôi. Lúc đó Việt Nam còn nghèo lắm, và anh Ba cũng không ngoại lệ. Bây giờ thì anh khá hơn nhiều rồi.
Anh chàng này bắt được một con cá bự. Ảnh nhứt quyết đòi tôi chụp một tấm hình cho ảnh làm kỉ niệm. Giờ này thì ảnh đã có vợ con và đi làm ngoài Rạch Giá rồi.
Đây là hình chụp nhân dịp tôi về quê và thăm anh Ba Đen ở Kinh Lô Bích vào năm 2015 (?). Bây giờ anh ấy khá lắm, nhưng con cái đều đi lập nghiệp ngoài thị thành. Nhà anh ấy cây trái xanh tươi, mát mẻ. Nghe tin tôi ghé thăm anh ấy hét bọn nhỏ đi bắt cá sau hè và làm gà, rồi hú bạn bẹ chòm xóm (cũng là bà con thôi) đến … nhậu. Đây là một kỉ niệm tôi không thể nào quên.
Miền quê tôi ngày nay. Trước đây, con lộ này chỉ làm bằng đất, đến mùa mưa thì lầy lội lắm, học trò đi học rất khổ. Sau 46 năm thống nhứt đất nước giờ cũng kha khá hơn thời tôi ra đi (1980s), con lộ được tráng xi măng và mấy cháu bây giờ đi học bằng xe đạp (ngon lành hơn thời của tôi vào thập niên 1960s). Tuy nhiên, làng quê vẫn nghèo lắm so với các nước như Thái Lan và Mã Lai.
Con chó lúc nào cũng chờ tôi về. Hình này chụp lúc nó đã 12 tuổi rồi, mắt hơi yếu, nhưng nó vẫn vui vẻ đón tôi về. Sau vài chục năm thì mảnh đất và căn nhà của Ba Má tôi để lại đã được tân trang. Hồi xưa, tôi hay móc võng bên cây mít vừa đọc sách, vừa nghe cải lương phát ra từ nhà anh Hai bên bờ sông và ngủ trưa … Tôi gọi đó là những ngày xưa thân ái.
Dưới đây là một số hình ảnh về quãng đời của tôi. Tôi cố gắng sắp xếp hình ảnh theo thứ tự từ Việt Nam sang Úc. Những hình này liên quan đến Ba Má tôi, bà con, hàng xóm ở Việt Nam, những việc tôi làm, những phần thưởng, và kỉ niệm. Có một số hình ảnh người trong nhà không muốn đưa lên. Dĩ nhiên những hình ảnh này không đủ, vì rất rất nhiều hình ảnh thời trước 1975 mất hết do bão lụt và do … ‘nhân tai’. Hình ảnh thời tị nạn chỉ còn vài tấm. Hình thời ở Mĩ cũng rất ít. Chỉ có hình chụp trong thời gian gần đây thì khá phong phú. Xin chia sẻ cùng các bạn để biết qua quãng đời của một refugee như thế nào. Tôi cũng có phiên bản tiếng Anh ở đây.
Đây là căn nhà tôi được sanh ra và lớn lên trong thời niên thiếu. Cái chái bên phải là nhà nuôi gà, heo, sau 1975 trở thành một nguồn kinh tế nuôi cả nhà. Phía bên trái là mấy cây vú sữa, mít, ổi, v.v. Cái sân phía trước là nơi phơi lúa mỗi khi ghe chở lúa trên đồng về. Phía trái nữa (không có trong hình) là nơi để mấy cái máy cày trước 1975 (sau 1975 bị tịch thu rồi … mất luôn).
Phía sau vườn hồi xưa là mương rất nhiều cá. Hồi xưa, hễ có khách tới thăm là chỉ cần ra sau mương câu / hốt vài con cá, cắt vài cọng rau là có bữa ăn đãi khách ngay.Ba Má tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào năm 1991, lúc đó Ba Má tôi ở tuổi 60s. Ba tôi hi sinh một cánh tay trong một trận đánh ác liệt có tên là ‘Cây Trâm’ (gần Rạch Sỏi ngày nay) thời kháng chiến chống Pháp, sau đó giải ngũ và lập gia đình. Vậy mà Ba tôi tập viết, tập làm ruộng y như người có 2 cánh tay. Sau này, Chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt tù Ba tôi vì nghi là cộng sản (không đi tập kết), nhưng chỉ 3 tháng sau thì thả do không có chứng cớ (thời đó coi vậy mà pháp luật nghiêm minh). Má tôi thì chỉ làm nội trợ, suốt đời chưa bao giờ đi ăn ở nhà hàng vì Má tôi dứt khoát nói ‘ở nhà nấu ngon hơn’. Má tôi chỉ lên Sài Gòn 1 lần, và đó là lần nhập viện sau một cơn đột quị. Ba tôi qua đời ngày 22/2/2004, thọ 81 tuổi. Bốn năm sau Má tôi cũng qua đời (17/7/2008, thọ 80 tuổi) sau một cơn đột quị.
Hình này là Bé Thuận, con lớn của em gái tôi, nó gọi tôi bằng cậu. Hình này chụp lúc nó còn nhỏ ở dưới quê. Nay đã là công chức và có 2 con hiện ở Rạch Giá. Hồi Ba tôi còn sống rất thương nó vì nó hay sang nhổ râu cho ông ngoại và được … cho bánh, tiền. 🙂
Hình này là Bé Thoa, con của em gái út tôi, cũng gọi tôi bằng cậu. Tuy là cháu nhưng nó như là con gái trong nhà ở bên Úc. Nó mới lập gia đình bên Úc. Hình này chụp lúc hai cậu cháu đang trong lounge của Sky Team (phi trường Sydney) chờ máy bay về Việt Nam. Lần đầu tiên vào lounge dành cho hạng business, nên nó chụp hình tùm lum. 🙂
Cháu tôi tên Thuý An, nay đã tốt nghiệp bác sĩ từ ĐHYDTPHCM và công tác ở Bệnh viện ngoài Rạch Giá. Nó là cháu nội của Dì Út tôi. Hồi tôi đi nó chưa ra đời, ngày tôi về lần đầu thì nó đã là thiếu niên. Hôm về quê ăn Tết đầu 2020, chị ấy qua kiếm lì xì. 🙂 Ngoại tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào khoảng cuối thập niên 1980s. Ngoại tôi có tuổi thọ khá tốt (90), nhưng vẫn thua Bà Cố tôi (thọ 102 tuổi). Ông Ngoại tôi qua đời hơi sớm (chẳng biết bịnh gì) nên bà Ngoại là chỗ dựa tinh thần của cả nhà và con cháu.Anh Hai tôi (Nguyễn Tuấn Khải) nhưng ở nhà thì gọi là “Chỉ”. Anh là ‘ngôi sao’ trong gia đình và dòng họ vì là người đầu tiên trong làng đậu tú tài 2 và tốt nghiệp kĩ sư trước 1975. Sau 1975 anh thất chí và hầu như không làm gì ngoài việc tìm đường ra đi. Anh Hai tôi đi vượt biên ngày 12/2/1981 (tức trước tôi chỉ 2 tháng). Nhưng tất cả 25 người trên tàu đều mất tích. Có lẽ anh Hai tôi đã chìm sâu vào Biển Đông. Má tôi suy sụp một thời gian vì mất anh Hai. Đối với tôi, mất anh Hai là một tổn thương lớn, y như mất Ba Má vậy. Thời còn đi học, anh Hai là tấm gương, là cái đích học tôi nhắm tới.Mợ Tư tôi lúc sanh tiền. Nghe nói hồi xưa Mợ Tư tôi đẹp nhứt nhì trong làng, làm xiêu lòng Cậu Tư. tôi Không nhớ hình này chụp lúc nào, nhưng tôi nghĩ là đầu thập niên 1990. Cậu Tư tôi mất sớm trong thời chiến tranh, và Mợ Tư phải nuôi một đám con nhỏ (tức em họ tôi). Mợ Tư tôi qua đời cũng cách đây vài năm, ngay trong lúc tôi đang bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đi Seoul. Tôi không về được để dự đám tang Mợ Tư. Ở dưới quê, dòng họ tôi rất gần nhau, nên mấy người anh em họ rất thân với nhau.
Dì Năm tôi (tức em Má tôi và Cậu Tư). Dì Năm trong nhà nổi tiếng là người nấu ăn ngon, nên hễ trong làng có đám cưới hỏi là Dì Năm được mời đi nấu ăn. Dì Năm là người rất tinh tế, chú ý đến những chi tiết nhỏ (chắc do nấu ăn) và nghiêm khắc. Dì Năm tôi đã qua đời cách đây chừng 8 năm.
Dì Út tôi, như cách gọi, là người thứ út trong gia đình. Dì Út tôi rất hiền lành, không cãi cọ với ai, cũng chẳng làm phiền ai. Chồng Dì Út là dân Quảng Ngãi. Chắc hồi xưa, ông Ngoại tôi thích gả con gái cho dân miền Trung?
Đây là Cậu Ba tôi ngoài Bình Định. Cậu đi tập kết ngoài Bắc và khi về Nam trong thời chiến mang hàm trung tá hay thượng tá (tôi quên, nhưng thời đó cấp tá là oai lắm). Cậu Ba tôi gọi ông Ngoại tôi là Chú. Phải mất hơn 50 năm mới liên lạc được với nhánh gia đình ngoài Trung. Nhớ hoài ngày hai cậu cháu gặp nhau, ổng nói bằng chất giọng Bình Định “Cậu là Bộ đội Cụ Hồ” làm tôi nghĩ thầm “ổng phát biểu lập trường đây, đừng có mà linh tinh.” 🙂 Cậu Ba mới qua đời vài năm trước và thọ 99 tuổi.
Chị Nghĩa (con Cậu Ba tôi), nay làm việc ở Sài Gòn. Chị Nghĩa là người nhắn tin trên đài truyền hình để tìm bà con trong Nam. Cuộc trùng phùng nghe chị ấy kể là ‘trong nước mắt’. Nghe nói khi cậu Ba vào Nam để gặp nhánh trong Nam, gặp Má tôi, Cậu khóc nói “Em tôi đây mà.” Hình này tôi chụp với chị Nghĩa trong một chuyến đi dự hội nghị loãng xương ở Qui Nhơn vào năm 2017 (?)
Hình này tôi chụp cùng các bạn trong trại tị nạn Panatnikhom, Thái Lan vào cuối năm 1981, trước khi tôi lên đường đi định cư ở Úc. Thời ở trại tị nạn, mỗi cái phòng như vậy chứa cả 5-7 người.
Khi đến Sydney đầu năm 1982, tôi theo học lớp học tiếng Anh, và người bên phải tôi là cô giáo dạy tiếng Anh, người bên trái là một học viên từ Ba Lan. Cô giáo tôi vô cùng duyên dáng và rất thương người tị nạn. Tôi còn nhớ cô ấy hẹn tôi năm 2000 ‘xem người làm gì’, nhưng rất tiếc là cô mất trước đó vài năm. Tôi chỉ học ở đây chừng 1 tháng thì đi xin việc làm. Thời đó, có việc làm và kiếm tiền gởi về bên nhà là ưu tiên số 1, chớ chẳng học hành gì cả.
Đây là hình tôi được việc trong Department of Epidemiology and Planning của Bộ Y tế bang New South Wales. Sau gần 1.5 năm làm phụ bếp trong Bệnh viện St Vincent’s (Sydney) và Khác sạn 5 sao Regent’s, tôi kiếm được việc làm ở Labo Pathology thuộc Bệnh viện Royal North Shore, tối ngày xử lí mẫu máu, nước tiểu, và học luôn PCR nữa. Sau hơn 1 năm tôi tìm được việc làm ở đây (Department of Epidemiology and Planning).
Tôi phải học máy tính và cách viết chương trình bằng Fortran. Hình chụp vào giữa thập niên 1980s. Sau việc này, tôi chuyển về học ở Đại học Sydney trong Bộ môn Dịch tễ học và Thống kê học, đồng thời làm ‘tutor’ (trợ giảng) cho Bộ môn thống kê lí thuyết. Thời đó, làm tutor kiếm khá nhiều tiền và mua được nhà.
Đây là hình tôi chụp trong labo nghiên cứu của Viện Garvan. Không nhớ năm nào (chắc 1990s) nhưng đó là thời … trung niên. Mấy cái ‘red book’ là bao nhiêu thông tin thí nghiệm. Cái không gian này tuy nhỏ vậy, nhưng là nơi tôi có nhiều đóng góp cho chuyên ngành loãng xương. Tôi viết luận án cũng tại đây. Nay thì chỗ này đã phá đi để xây lại labo ngon lành hơn (như hình dưới đây).
Sau này Viện Garvan có lab khang trang hơn, và hình này chụp trong lab, lầu 5, nơi thời đó còn làm PCR cho từng gen. Sau này thì việc làm đó là … kinh điển (chẳng ai làm nữa), và đa số đều gởi ra ngoài làm rẻ hơn.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Macquarie vào năm 1985 (?) Thời đó mới qua, ‘tậu’ được một bộ veston xịn, nhưng còn chưa biết qui ước mặc veston sao cho đúng điệu. Kể ra thì cũng là một kinh nghiệm vậy.Labo nghiên cứu cơ xương do tôi sáng lập tại ĐH Tôn Đức Thắng do Bs Thục Lan làm codirector. Trong hình là các em bác sĩ đang đo lường và phỏng vấn tình nguyện viên trong Dự án Vietnam Osteoporosis Study.
Hình này là lúc tôi nhận testamur từ Viện trưởng Michael Kirby (lúc đó là Chánh án toà án tối cao của Úc). Tôi nhớ khi trao bằng, ông ấy nói “You are a remarkable refugee“. Chỉ là cách nói ngoại giao thôi – tôi nghĩ vậy.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp. Từ trái sang phải: em gái tôi, bà xã, Gs Donald McNeil và anh tôi. Thời đó, Đại học Macquarie được mệnh danh là của kẻ giàu, vì toạ lạc ở miền Bắc Sydney. Tuy vậy, nhưng phòng ốc và building có vẻ cổ kính lắm. Sau 30 năm quay lại, tôi không nhận ra nơi mình từng theo học nữa vì có quá nhiều building và có luôn Khoa Y nữa.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp từ Đại học New South Wales (nay là “UNSW Sydney”) năm 1997. Tôi theo học ở đây từ 1993 đến 1997, và trong thời gian này tôi công bố được 14 công trình. Nhiều khi nghĩ lại tôi không thể nào tưởng tượng mình đã ‘làm việc như trâu’, miệt mài ngày đêm, không phải vì số lượng mà vì muốn công bố trước. Luận án của tôi là ‘Contributions of Genetic and Environmental Factors to Osteoporotic Fracture‘ và được trao giải thưởng Garvan Best Thesis Award. Chú ý hình này tôi đội nón lục giác (tức dành cho mấy người tốt nghiệp tiến sĩ theo truyền thống Đại học Cambridge), còn hình trên là nón tứ gíac (dành cho những người tốt nghiệp cấp dưới tiến sĩ).
Hình chụp nhân dịp tôi được trao học vị ‘Higher Doctorate’ D.Sc (2016), làm lễ 2017. Ở Úc và Anh, DSc là học vị cao hơn PhD, chỉ dành cho những người tốt nghiệp PhD ít nhứt 10 năm. Với học vị này, ứng viên không có ghi danh, mà được xét duyệt vòng sơ tuyển, nếu qua thì được ‘admitted’ để nghiên cứu. Tôi được admitted năm 2014 và chánh thức tốt nghiệp năm 2016, với luận án ‘Contributions to Osteoporosis Research’ với 196 bài báo khoa học làm luận án. Garvan có đi một bản tin về sự kiện này. Báo Guardian (Anh) cũng có một bài về tôi.
Bên trái là Trúc (bây giờ là cháu rể tôi), và bên phải là cháu gái tôi mà trong nhà hay gọi là Bé Thoa (nay đã thành hôn với Trúc). Vì tôi không có con gái, nên nó được xem như là con gái trong nhà.
Người tốt nghiệp DSc được đọc tiểu sử (citation) trước khán đài cho sinh viên y khoa và các giáo sư khác. Citation này được Gs Terry Campbell (Phó Khoa Trưởng Khoa Y) đọc trong ngày lễ tốt nghiệp. Tôi là người thứ 33 thuộc Khoa Y của UNSW Sydney được trao học vị này. Video buổi lễ được upload trên Youtube: https://youtu.be/-SNJ5vKlMds
Huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng do Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Bản tin phía dưới có hình tôi chụp chung với bà Catherine Livingstone, Viện trưởng (Chancellor)của UTS. Tấm huy chương này được in bằng máy in 3D Printer.
Thư chúc mừng được trao giải Nhà nghiên cứu ngoại hạng kèm theo 5000 đôla. 🙂
Tôi trả lời phỏng vấn nhân dịp được trao huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng UTS 2018). Tôi là người thứ hai được trao huân chương này. Người thứ nhứt là Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, cựu khoa trưởng khoa engineering và IT.
Tôi nói: “My name is Tuan Van Nguyen. And I am a professor of predictive medicine at the School of Biomedical Engineering of UTS. My work is really concerned with the prevention of bone fractures due to osteoporosis or low bone mass. So, osteoporosis and osteoporotic fractures, they both represent a major and substantial public health problem – not just in Australia, but also worldwide. We approached the problem through epidemiological research, genetic research and clinical research, and clinical translation.
We came up with the world’s first algorithm for predicting fracture risk at the individual level. We found that each standard deviation lower in BMD [bone mineral density] actually increased the risk of fracture by two fold. And that particular finding was used as a criteria for the diagnosis of osteoporosis around the world.
So that’s one of our major contributions. But the thing that’s really rewarding is that after the publication of the model, there were hundreds of studies around the world that tried to validate the model, or were inspired by the idea that patient and doctor alike can use. That’s the most rewarding experience for us.”
Hình chụp đêm liên hoan ăn mừng được UTS trao Huân chuơng. May phước đêm đó không xỉn. 🙂 Tôi được bầu làm Fellow của Hiệp hội loãng xương Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research – ASBMR) vì những đóng góp họ gọi là ‘distinguished accomplishments‘ trong chuyên ngành loãng xương. Tôi giữ nhiều vai trò có thể nói là trọng trách và leadership trong ASBMR, từ uỷ ban khoa học, uỷ ban xuất bản, editor cho tập san JBMR, v.v. nói chung là đủ thứ việc. Tôi được vinh hạnh là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm viện sĩ của ASBMR. Tôi có một cái note về sự kiện quan trọng này.
Hình chụp nhân dịp tôi được bầu làm Fellow (viện sĩ) Viện hàn lâm y học Úc. Người bên trái là Giáo sư Ian Frazer, chủ tịch Viện hàn lâm. Gs Frazer là người khám phá và phát triển vaccine phòng ung thư cổ tử cung. Hôm đó, tôi có hỏi ông là có giúp được gì cho Việt Nam và cần tôi làm trung gian hay không, ông nói đại khái rằng muốn giúp lắm chớ, nhưng hệ thống hành chánh bên đó khó khăn quá nên ông bỏ cuộc.
Hình dưới là những fellow được bầu vào Viện hàn lâm năm 2018 (lễ kết nạp 2019). Tôi được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong Viện hàn lâm. Tôi có cái note cám ơn ở đây (tiếng Anh) và Tiếng Việt.
Đây là bài viết kiểu ‘vinh danh’ tôi đã có 25 năm đóng góp cho Viện nghiên cứu Y khoa Garvan.
Hình chụp nhân dịp tôi được trao chức danh Giáo sư Danh dự của Đại học Dược Hà Nội. Người bên trái là Gs Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng. Tôi còn là giáo sư danh dự hay giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, và Đại học Tôn Đức Thắng. Tôi có một note giải thích chức danh ‘visiting professor‘.
Đây là hình chụp nhân ngày tôi được trao tặng chức danh ‘Distinguished Professor’ của ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Người bên phải là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, người đã nói theo tiếng Anh là transform TDTU chỉ trong 10 năm. Di sản của anh Danh phải vài chục năm sau người ta mới ghi nhận. Tôi giúp cho TDTU từ 2015 qua các việc như lập labo nghiên cứu về xương và cơ, chair hội đồng bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho TDTU, và tham mưu chiến lược phát triển. Sau này tôi mới biết là trước khi trao chức danh này TDTU đã có ‘peer-review’ từ các giáo sư nổi tiếng bên Úc, Anh, Mĩ, và Canada. Tôi rất thích cách làm đó, nhưng rất tiếc là VN chưa có trường nào làm vậy. Tôi có một note về sự kiện này.
Đây không phải là giải thưởng gì, nhưng vối tôi là một phần thưởng rất có ý nghĩa. Tôi tổ chức và giảng cho mấy chục workshop ở Việt Nam (từ Bắc chí Nam), và số bác sĩ tham dự chắc cỡ vài ngàn. Một hôm tôi nhận lá thư này từ một em bác sĩ da liễu (Ngọc Bích) làm tôi cảm động lắm, và xem đó là phần thưởng qúi báu trong đời.
Đây cũng không phải là giải thưởng gì cả, nhưng với tôi là một phần thưởng qúi lắm. Nhân ngày Nhà giáo gì đó, các em sinh viên ở Úc hùn nhau mua một cây viết Parker (chẳng hiểu sao họ biết tôi thích cây viết này) và kèm theo thiệp chúc với những lời làm tôi cảm động lắm lắm.
Một lần trả lời phỏng vấn cho truyền thông phương Tây. Hình này chụp lúc tôi trả lời báo chí Mĩ nhân tham dự hội nghị ASBMR ở Hawaii. Họ hỏi tôi về một nghiên cứu khá ‘đình đám’ trong hội nghị.
Tôi đi giảng và nói chuyện ở rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng hình chụp lưu niệm thì chẳng bao nhiêu. Hình này là do Bs Nguyễn Đình Nguyên chụp nhân một bài nói chuyện ở Canada vào năm 2007.Hình này chụp lúc tôi nói chuyện trong một hội nghị loãng xương quốc gia ở New Zealand.
Tôi được coi là người đem chuyên ngành loãng xương về Việt Nam. (Báo Sức Khoẻ và Đời sống có một bài về tôi). Nói to tát ghê. Đây là hình chụp lúc tôi tổ chức hội nghị quốc tế về loãng xương lần đầu tiên ở Việt Nam. Từ trái qua phải: Ts Trần Hoàng Ngọc Bích (một trong những học trò xuất sắc cũ tôi), Ts Nguyễn Đình Nguyên (cũng học trò xuất sắc luôn, sau này bỏ nghiên cứu ra làm GP), và Giáo sư John Eisman (thầy tôi). Tấm hình này có thể xem là 2 thế hệ. 🙂
Hình chụp lưu niệm trong Ban tổ chức hội nghị Strong Bone Asia. Hội nghị này đem về cho Hội Y học TPHCM một thu nhập đáng kể để phát triển về sau.
Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho Gs Dương Quang Trung mà tôi gọi thân mật là Chú Tư (lúc đó là Chủ tịch Hội Y học TPHCM). Chú Tư (dân gốc Cà Mau, là dân bên Tây về, cùng thời Bs Phạm Ngọc Thạch bên Pháp) và tôi có biết bao nhiêu kỉ niệm. Chú nói tiếng Pháp khỏi chê, nhưng với tiếng Anh thì chú phải nhờ tôi. Tôi cầm tờ giấy chớ thật ra tôi có đọc gì đâu, tôi chỉ nghe chú ấy nói là tôi dịch ngay. Khi xuống khán đài, chú Tư hỏi “Hồi nãy có câu tôi nói cũng khá dài, sao anh dịch ngắn vậy?” Chú hay gọi tôi bằng ‘Anh’. Tôi giải thích một hồi rồi nói: “Dạ, tiếng Anh nhiều khi nó ngắn chú ơi”. Ổng mỉm cười kiểu nói ‘Thằng này lém lỉnh.” Có lần tôi về VN công tác, chú kéo tôi ra hành lang, hỏi tôi là có phải kí tên vào bản ý kiến gì phải không, tôi nói phải. Rồi chú Tư nói ‘lúc này tôi biết xài internet rồi, tôi đọc nhiều lắm, nhưng anh nên cân nhắc nói những gì cần nói thôi.’ Tôi nghĩ đó là lời khuyên của người biết nhiều trong hệ thống. 🙂
Hội nghị loãng xương Châu Á được tổ chức ở Hong Kong vài năm trước. Nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study chúng tôi chiếm liền 3 giải thuởng! Bên trái là Bs Hồ Phạm Thục Lan, bên phải là Bs Đoàn Công Minh bên poster được trao giải xuất sắc.
Tôi là Chair của Pan Asian Biomedical Science (2018 – 2020). Đây là hội nghị PABS được tổ chức rình rang ở Đà Nẵng. Lúc đó, Gs Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) và PGS Nguyễn Đăng Quốc Chấn là người đứng đằng sau ban tổ chức. Tôi chỉ là người ‘bề ngoài’ với khách nước ngoài. Kể từ đó, tôi trở thành một người của Đại học Đà Nẵng.
Tôi chụp hình lưu niệm với các đồng nghiệp Á châu (hình trên) và các bạn trong ban tổ chức ở Đà Nẵng (hình dưới). Tôi xem đây là một đóng góp cho Đại học Đà Nẵng. Người đứng bên phải có tên rất hay là ‘Hằng Nga’, là tiến sĩ từ Tây về, còn người đẹp gái bên cạnh Hằng Nga là Oanh; hai người này gíup tôi rất nhiều trong khâu tổ chức.
Ngoài tổ chức hội nghị quốc tế ở Việt Nam, tôi còn tổ chức hàng chục (hay trăm) lớp học lớn nhỏ ở VN trong suốt 25 năm qua. Đây là một lớp học được tổ chức ở Đại học Y Dược TPHCM vào đầu thập niên 2000 do chị Thy Khuê đứng ra làm. Nhiều người trong hình này nay đã là tiến sĩ và phó giáo sư.
Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức. Tôi nhớ hoài một ‘incident’ khi tôi đứng giảng và chú ý thấy chị Khuê nghe điện thoại xong có vẻ lo lắng lắm. Mãi đến sau này hỏi mới biết là công an gọi điện hỏi sao lớp học có người nước ngoài mà không xin phép. Chị Khuê nói tôi về hàng năm, hồ sơ đã có trong Sở Y tế và công an rồi, nên không cần xin phép nữa. Họ nói hễ tổ chức lớp học là phải xin phép. May phước họ dzu dzi cho qua.
Bác sĩ Khả Nhi có một bài phỏng vấn tôi về những việc làm bên Việt Nam tại đây.
Một lớp học ở Đại học Tôn Đức Thắng. Nói chung lớp học nào tôi giảng đều thu hút từ 100 đến 250 người từ mọi miền đất nước tham dự. Mỗi khoá học như vậy kéo dài từ 5 – 14 ngày, với rất nhiều bài giảng. Rất vui và hào hứng vì giúp cho nhiều bạn sau này trở thành tiến sĩ và giáo sư.
Khoá học ở Đại học Tôn Đức Thắng lúc nào cũng thu hút hàng trăm học viên từ mọi miền đất nước. Một lớp học ở Trường Đại học Nha Trang năm 2017 do tôi, Ts Trần Sơn Thạch và Ts Hà Tấn Đức phụ trách. Đây là lớp học do anh giám đốc Sở khoa học và công nghệ Khánh Hoà mời. Tôi nhớ hoài khi ngày thứ 4 anh đến nói lời kết thúc lớp học, anh rất ngại vì trước đây đến ngày thứ 2 là học viên chỉ còn vài người thôi. Nhưng khi anh tới, anh kinh ngạc thấy ngày kết thúc khoá học mà số học viên còn đông hơn lúc khai mạc. Anh ấy vui lắm. Sau này chúng tôi còn quay lai 2 lần nữa cũng tại đây.
Tôi là một trong những sáng lập viên Hội loãng xương TPHCM. Chúng tôi tổ chức hội nghị khoa học mỗi năm. Đây là hội nghị được tổ chức ở Đà Lạt vào năm 2018. Hình này tôi chụp cùng ban tổ chức và các bạn đồng nghiệp. Hình này đúng là đầy đủ ‘who is who’ trong bộ lạc loãng xương ở Việt Nam (từ trái qua phải): Bs Huỳnh Văn Khoa (Chợ Rẫy); Bs Nguyễn Văn Hùng (Bạch Mai); Gs Trần Tam (Huế); Gs Nguyễn Hải Thuỷ (Huế); tôi; PGs Lê Anh Thư (Chủ tịch Hội); PGS Trương Văn Việt (Cựu Giám đốc BV Chợ Rẫy); Gs Trần Ngọc Ân (Hà Nội); Bs Linh (Chợ Rẫy, phu nhân của Bs Nguyễn Tri Thức nay là Giám đốc BV Chợ Rẫy); Bs Thục Lan (BV 115); PGs Vũ Thanh Thuỷ (Hà Nội); PGs Vũ Đình Hùng (Quân Y Sài Gòn); PGs Phạm Văn Thanh (Cựu Giám đốc Sở Y tế TPHCM); Gs Nguyễn Tấn Bỉnh (nay là Giám đốc Sở Y tế TPHCM); và PGs Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy).
Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.
Hội nghị khoa học thường niên của Hội loãng xương TPHCM tại Tuy Hoà 2017. Trong hình là các thành viên trong nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study. Từ trái sang phải: Bs Minh Châu, Ts Trần Sơn Thạch, Bs Thục Lan, Bs Mai Duy Linh, và Bs Đoàn Công Minh. Năm nào, nhóm này cũng có những đóng góp về nghiên cứu original cho hội nghị.
Cùng các bạn và học viên Đại học Đồng Tháp nhân dịp tôi về đó giảng 3 ngày. Hình này chụp vào năm 2018. Tôi đến đây giảng lần đầu vào năm 2013, và sau đó thì năng suất khoa học (công bố quốc tế) của Trường tăng cao thấy rõ. Thế là các bạn ấy mời tôi quay lại nói chuyện nữa. Tôi thích đi mấy tỉnh miền Tây, một phần vì gần nhà, một phần vì muốn thưởng thức các món ăn miền Tây, thích la cà trong mấy quán bánh tằm, cháo lòng, v.v. và nghe chuyện thời sự.
Cùng với các bạn trong Hội Đau TPHCM. Từ trái qua phải: PGS Võ Văn Thành, PGS Nguyễn Thi Hùng, tôi, PGS Hàn Quốc, PGS Lê Anh Thư và PGS Vân Anh. Hôm đó tôi nói về hiệu ứng placebo và nocebo. Đây là hội nghị mà anh Hùng là ‘chủ xị’.
Hình chụp nhân dịp tôi dự lễ kỉ niệm 5 năm ngày thành lập Viện y học Đinh Tiên Hoàng ngoài Hà Nội. Tôi là thành viên tư vấn cho Viện. Hôm đó thật là vui. Viện này do Ts Nguyễn Thị Thanh Hương, cựu học trò tôi ở Viện Karolinska (Thuỵ Điển), thành lập.
Hình chụp nhân dịp Bs Nguyễn Đình Nguyên tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc và chiếm luôn giải thưởng Luận án Tiến sĩ Xuất sắc của Viện Garvan. Ở Viện Garvan chỉ có 2 người Việt có danh dự này: Nguyên và tôi, cả hai đều họ Nguyễn 🙂
Hình chụp nhân ngày tốt nghiệp PhD của Phương Thảo (dân Hà Tĩnh, cũng là một học trò xuất sắc). Người đứng giữa là Hà, làm trong lab tôi. Tôi có viết một note ghi lại cảm tưởng của “kẻ đưa đò.”Đây là Mai Thị Hà (người từng làm trong lab tôi chừng 1 năm) trong ngày cưới của cháu ở Nam Định. Chiều đó tôi đi công tác ở Hà Nội, và phải đón xe về Nam Định để dự đám cưới của Hà. Tôi rất thương nó, nhỏ tuổi hơn con tôi, nhưng vất vả và bôn ba hơn nhiều con tôi nhiều. Tôi xem nó như là một người Việt tiêu biểu: cực khổ, phấn đấu vươn lên, thông minh. Ngày tôi phỏng vấn nó và nói rằng sẽ nhận nó vào làm việc trong lab, nó ra ngoài khóc, làm tôi hoảng vì tưởng mình đã nói gì xúc phạm. Hoá ra, nó nói từ ngày sang Úc đến nay nó được đối xử tử tế. Trời!
Hình chụp nhân lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Hồ Lê Phương Thảo và Daniela Tesorioro (học trò tôi) người được trao bằng cử nhân hạng danh dự số 1.
Phương Thảo được trao giải thưởng Young Investigator Award của ASBMR (Mĩ) năm 2017.
Đây là ‘Đồng chí’ Bs Thái Viết Tặng (người cầm bó bông) nhân dịp lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tặng là đồng hương Kiên Giang với tôi và cũng là người tôi hướng dẫn luận án. Đêm đó, sau buổi lễ tốt nghiệp, cả ‘đám’ Kiên Giang kéo nhau đi nhậu ở Hà Đông. Thiệt là vui. May phước tôi không xỉn để còn chuẩn bị cho 3 ngày giảng sau đó.
Đây là Phạm Nữ Hạnh Vân trong buổi lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi và Gs Nguyễn Thanh Bình (bên phải) là người hướng dẫn luận án cho Hạnh Vân. Chiều đó, sau buổi lễ bảo vệ luận án là phu quân của Hạnh Vân kéo cả nhóm ra một nhà hàng ở Hà Nội ăn uống, có dịp gặp nhiều bạn khác. Tôi phải ghi thêm một thông tin vui vui là hễ Hạnh Vân đi dự hội nghị hay nói chuyện thì ai cũng nói ‘Ui, người đâu mà xinh thế’ mà không chịu nghe cô ấy nói. 🙂 Theo tôi thấy, Hạnh Vân là người rất khéo nói, hiền lành, lễ phép, và tinh tế, đúng với chất người con gái Bắc như Phạm Duy hay mô tả.
Thời thập biên 1980s tôi có tổ chức lớp dạy học cho mấy em học sinh Việt Nam sắp thi tú tài II ở Sydney. Trường tiểu học Bass Hill cho mượn phòng, nên tôi tổ chức nhiều lớp cho các em ấy (đúng ra là con cháu). Có hàng trăm em đã học từ lớp học này và nay đã là kĩ sư, bác sĩ, luật sư, v.v. Nhiều khi mấy em ấy gặp tôi trên xe lửa và tới chào, chớ tôi cũng không nhớ hết mấy em ấy. Tôi xem đây là một đóng góp cho cộng đồng làm tôi nhớ mãi trong đời.
Đây là Giáo sư Donald McNeil, người đã cho tôi cơ hội theo học tại Đại học Macquarie. Thầy là người rất tốt bụng với dân tị nạn. Có người chẳng có giấy tờ gì, nhưng chỉ qua phỏng vấn là thầy cho vào học. Tôi nhớ ơn thầy McNeil suốt đời. Ngày Thầy về hưu, tôi đến nói lời chia vui mà ai cũng rơm rớm nước mắt.
Giáo sư Barry Marhsall (Giải Nobel 2005) chụp hình nhân dịp lễ induction các Fellow của Viện hàn lâm y học. Giáo sư Marshall là người được bầu vào Viện trước tôi 3 năm. Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần. Giáo sư Bruce Robinson (giữa, cựu Khoa trưởng Khoa Y, Đại học Sydney) và Giáo sư Bruce Robinson (cùng tên, ở ĐH Melbourne). Hai người này cùng được bầu vào Viện hàn lâm y học cùng năm với tôi. Khoa trưởng Robinson là người bạn rất thân thiết với bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Đây là Bs Marilyn Rob, Giám đốc trung tâm Epidemiology and Planning của Bộ Y tế NSW, người dạy tôi về dịch tễ học và làm cho tôi đam mê nghiên cứu. Marilyn có bằng tiến sĩ về thống kê học nữa, còn ông chồng lúc đó làm cho IBM. Tôi coi Marilyn như bà chị cả, và đứa con đầu lòng của tôi có tên Laurence (là tên con út của Marilyn) để đánh dấu thời mà Marilyn cưu mang tôi suốt 3 năm trời. Nhớ hoài Mariyn lúc nào cũng nói ‘You can do better‘ và khuyến khích tôi tìm cơ hội cao hơn.
Đây là hình chụp lúc tôi tiêu ra 1 tháng ở Viện nghiên cứu Southwest Foundation for Biomedical Research (San Antonio, Texas). Người dạy tôi về genetic linkage analysis là Ts John Blangero (người ngồi đầu bàn), tôi xem anh ta là một thiên tài. Anh ta có mái tóc giống như Isaac Newton! Hôm đó là ngày tiễn tôi về Ohio, nên cả nhóm kéo ra nhậu ở một quán thịt bò mà thực khách tự lấy thịt đem đi nướng và tự lấy bia. Vui ơi là vui!
Hình này tôi chụp với Gs Phạm Song (cựu Bộ trưởng Y tế) trong Hội nghị Strong Bone Asia. Bác ấy nghe tôi nên đến làm quen. Hôm đó, bác ấy nói rất nhiều về tình hình y tế Việt Nam. Sau này Gs Song qua đời.
Hình này tôi thích lắm. Hôm đi dự hội nghị quốc tế về loãng xương ở Denver, tôi nói chuyện xong và ra ngoài thì thấy một em chờ làm quen. Hoá ra em này là postdoc (hậu tiến sĩ) tên là Phạm Thanh Hải đứng gần tôi và một em nghiên cứu sinh (nữ) từ Nhật (bên phải tôi) có tên đặc biệt là Mộc Hà. ‘Tha hương ngộ cố tri’ và thế là chụp mộ bô hình làm kỉ niệm.
Hình này có một câu chuyện rất hay. Hôm đi dự hội nghị loãng xương ở Montreal, tôi đi ra khu phố Á châu để tìm món Việt ăn trưa. Em bồi bàn đến hỏi tôi ăn gì, rồi em hỏi luôn (tiếng Anh) ‘có phải bác là Gs Tuấn’. Tôi kinh ngạc nói phải rồi. Hoá ra em này là nghiên cứu sinh Việt Nam ở Canada, đi làm thêm để kiếm tiền, và em ấy hay đọc những bài ‘tâm tình’ của tôi trên blog và theo dõi bài giảng giúp cho em ấy học tốt hơn. Trời! Không ngờ gặp một người bạn đặc biệt như thế ở đây, và thế là chụp hình lưu niệm.
Tôi hay được mời đi giảng khắp nơi trên thế giới, và trong một lần sang Seoul, các em sinh viên bên đó hay tin, rồi tổ chức một seminar để tôi chia sẻ hành trình từ tiến sĩ thành độc lập ra sao. Xa quê mà gặp đồng hương lúc nào cũng làm tôi xao xuyến. Bức hình này cũng là một kỉ niệm đẹp.
Không nhớ hình này chụp ở đâu (nhưng ngoài Bắc, hình như là ĐH Y Hà Nội) vào năm 2016 sau khi kết thúc một khoá học.
Hình này chụp chung với các nghiên cứu sinh ở UTS (nay có người đã về Việt Nam). Người đứng cao cao là Gs Nguyễn Thế Hùng, lúc đó là Khoa trưởng Khoa Engineering và IT của UTS (chức này rất … lớn). Anh Hùng là người chiêu dụ tôi về hợp tác với UTS cho đến nay. Anh cũng là Giám đốc của Trung tâm Công nghệ Y tế, sau này anh rời UTS, tôi được bổ nhiệm thay anh làm Giám đốc trung tâm này. Thế là hai ông Nguyễn thay phiên nhau lãnh đạo trung tâm. Trung tâm này có chừng 56 người, kể cả 20 GS và PGS. Quản lí một trung tâm như thế rất … mệt.
Hình này chụp nhân dịp buổi liên hoan sau hội nghị nội tiết học ở Seoul. Trong hình là các giáo sư trẻ Hàn Quốc và vài giáo sư ‘già’. Họ rất ưu ái đòi tôi phải đến dự để các bạn trẻ hỏi han (có lẽ cách họ ngoại giao vì tôi làm editor cho các tập san loãng xương). Hoá ra, các giáo sư trẻ không được ngồi cùng bàn với các giáo sư ‘già’; họ chỉ được đến chụp hình chung. Tôi nghĩ thầm ‘Trời, sao mà phân chia vai vế thế.’
Ở Việt Nam tôi có những người bạn và học trò rất thân thiết. Tiêu biểu là em này (Bs Hà Tấn Đức) sau này học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của tôi. Bs Đức là dân Cần Thơ, gần Kiên Giang. Hôm tôi về quê dưỡng bệnh, Đức đi xe đò lên thăm tôi. Ở dưới quê thì chỉ cần 1 tiếng đồng hồ là có gà, cá, rau cỏ, v.v.đủ thứ để nhậu. Tôi lấy chai Martel chắc cũng 20 năm ra đãi. Chai này tôi mua cho Ba tôi uống, nhưng cho đến ngày qua đời ông không uống mà để trong tủ cả 20 năm trời. Ngon ơi là ngon.
Bs Đức, Bs Trần Sơn Thạch (trong hình) là hai người bạn đã cùng tôi rong ruổi khắp nước để ‘rao giảng’ về nghiên cứu khoa học. Tôi hay nói đùa là ba chúng ta là một gánh hát cải lương. Hình này chụp ở Atlanta (?) Mĩ trong lúc đang chờ máy bay về Sydney, còn tôi thì về Little Saigon ở California.
Hình này chụp nhân dịp bế mạc khoá học phân tích dữ liệu ở Kiên Giang. Trong hình là Bs Hồ Xuân Tuấn (ĐH Đà Nẵng) thay mặt học viên từ mọi miền đất nước về dự phát biểu cảm tưởng. Tôi và Tuấn quen nhau từ đó, vì tôi thích cái tánh hài hước đặc sệt dân xứ Quảng. Tuấn mới tốt nghiệp tiến sĩ y học từ Đức, và tôi tự hào có giúp đỡ một phần trong việc học hành và nghiên cứu của em ấy.
Tôi rất ít có dịp ăn Tết ở Việt Nam. Nhưng năm 2007 tôi có dịp đó. Lúc đó Kiên Giang tổ chức Tết cho ‘kiều bào’ và các nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc ở Kiên Giang. Anh Ts Đởm (Giám đốc Bệnh viện Kiên Giang) rủ tôi đi ăn Tết ngoài Rạch Giá cho vui, và thế là tôi phóng xa đi ngay. Trong buổi lễ có một ông người Úc đang đầu tư ở Kiên Giang, ổng chúc Tết, và anh Đởm kêu tôi lên làm thông dịch. Ừ, làm thì làm. Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho ông đồng hương Úc.
Hôm đó, tôi còn trả lời phỏng vấn cho đài truyền hình địa phương (Kiên Giang) vì các bạn ấy xem tôi là một ‘người con Kiên Giang thành đạt’. Tôi nhớ có nói rằng Kiên Giang đáng lí ra phát triển nhanh hơn và mạnh hơn các tỉnh khác (tôi không nói tỉnh nào) và đưa ra vài con số chứng minh. Chị phóng viên thích lắm và nói sẽ phát hình đêm nay. Tôi gọi điện về nhà báo tin cho mấy đứa em ‘Tối nay tụi bậy coi tao trên đài truyền hình.’ Báo hại tụi nó và bà con chờ xem bản tin tối của đài, nhưng chờ hoài không thấy mặt mũi tôi đâu. Hoá ra, có người cao cấp không hài lòng với câu nói của tôi nên nói lịch sự là ‘chưa đúng dịp để phát hình.’
Tôi có nhiều bạn ở trong nước, kể cả Hà Nội, và họ quí tôi. Lâu lâu mới có dịp gặp một buổi. Trong hình là (từ trái sang phải): Ts Giáp Văn Dương, Ts Quyền Đình Thi, tôi, và Ts Nguyễn Việt Hùng. Hình này chụp trong một nhà hàng nhỏ rất dễ thương ở giữa phố cổ Hà Nội.
Hình này tôi chụp lúc tham dự buổi lễ trao giải Alexandre Yersin ở Khách sạn Oscar. Anh bên cạnh là Bs Nguyễn Quan Vinh, Chủ tịch Hội y học Thuỵ Sĩ – Việt Nam. Hình chụp lúc chuẩn bị khai mạc lễ trao giải thưởng.
Phái đoàn ĐH Quốc Gia TPHCM sang thăm chúng tôi ở Viện Garvan, 12/2016. Trong hình là Phạm Mỹ Hạnh (học trò PhD trong lab tôi), Ts Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG-HCM), Gs Đặng Vạn Phước (Khoa trưởng Khoa Y ĐHQG-HCM), Ts Nguyễn Thị Thanh Kiều (Phó Trưởng khoa Khoa Y, ĐHQG-HCM), PGSLê Văn Quang (Phó Trưởng khoa Khoa Y, ĐHQG-HCM)
Tôi có nhiều bạn tị nạn ở California. Năm nào qua đó cũng đều gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Trong hình là (từ trái qua phải) anh kí giả của Người Việt (tôi quên tên), Gs Lê Xuân Khoa (cựu Phó gíam đốc Viện Đại học Sài Gòn thời VNCH), Bs Ngô Thế Vinh (nổi tiếng với cuốn ‘Cửu long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’) và Kĩ sư Phạm Phan Long trong nhóm Vietecology. Người chụp hình là Kĩ sư Ngô Minh Triết, người hay chở tôi đi đây đó gặp bạn bè. Tất cả họ đều đau đáu nghĩ về Việt Nam.
Bạn văn nghệ ở Sài Gòn. Người bên trái là một kí giả nổi tiếng trong làng báo Việt Nam Đoàn Khắc Xuyên. Người bên phải là người mà sau này tôi mới biết là Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của những ca khúc rất hay.
Hình này chụp nhân dịp tôi ghé Đại học Hoa Sen nói chuyện về công bố khoa học. Bên trái là Ts Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng) và bên phải là Ts Phạm Thị Ly (hiệu phó). Đại học Hoa Sen đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua.
Đây là con đường nhà tôi ở lúc tôi sang Ohio nhận chức Associate Professor of Medicine của WSU vào cuối thập niên 1990s. Con đường này vào mùa thu nó đẹp ơi là đẹp!
Chiếc xe ‘huyền thoại’ Honda Civic của tôi ở Ohio trong mùa đông, tuyết đóng đầy hết xa và bãi đậu xe. Tôi yêu con ‘tuấn mã’ này lắm. Cứ cuối tuần tôi phóng xe lên Columbus gặp bạn bè tán dóc và nhậu nhẹt. Tôi nhớ anh Thành (tiến sĩ Lê Thiết Thành) và chị Lan quá.
Có năm tôi được mời sang làm ‘thanh tra’ trung tâm nghiên cứu cơ xương khớp của Đại học King Abdulaziz University (KAU), Saudi Arabia. Đó cũng là lần đầu tiên từ ngày cha sanh mẹ đẻ tôi được đi máy bay hạng ‘First Class’ của Singapore Airlines. Thích thì dĩ nhiên là thích, nhưng đêm về nằm khách sạn mà ngày xưa là nguyên thủ Hoa Kì từng ở, rồi suy nghĩ thế thái nhân tình: ‘sao mà họ phí thế, chắc là lấy lòng?’
Ở nước ngoài các trung tâm nghiên cứu phải được tổng duyệt mỗi 5 năm, và họ mời người nước ngoài đến làm. Làm thanh tra, nhưng sau này thành cố vấn (advisor) cho trung tâm luôn! Trong hình là ông Gíam đốc KAU trao kỉ niệm chương cho tôi. Tôi sang đây 2 lần, và lần sau cùng thì trung tâm nghiên cứu bị đóng cửa vì họ cho rằng làm ăn không khá. Tiếc ghê.
Ngoài việc chuyên môn, tôi còn viết sách và xuất bản ở Việt Nam. Tôi đã xuất bản được 15 cuốn sách (từ chủ đề loãng xương, phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu, cách viết bài báo khoa học, đến sách về trò chuyện khoa học) ở Việt Nam. Có những cuốn được in đi in lại nhiều lần, và cuốn này ‘Cẩm nang nghiên cứu khoa học’ được in lại 5 lần chỉ trong 2 năm xuất bản. Năm 2018, Nhà xuất bản tổ chức buổi ra mắt sách ở Đường sách Sài Gòn, và tôi có dịp trò chuyện trực tiếp cùng khoảng 50 người đến nghe.
Tôi có nhiều bằng khen từ Việt Nam, và đây là bằng khen của Hội Y học TPHCM.
Bằng khen từ Hội loãng xương TPHCM. Bằng khen này được Gs Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội) trao trong Hội nghị loãng xương ở Nha Trang. Tôi nhớ mãi thầy Ân nói: “Giáo sư Tuấn là người vô cùng tâm huyết với quê hương, điều đó không thể nghi ngờ được. Nhưng Gs Tuấn còn là một nhà trí thức với nhiều ý kiến về đủ thứ vấn đề trên báo chí chính thống, có nhiều ý kiến rất hay …” Rồi thầy ngưng một chút, rồi nói tiếp “Nhưng cũng có vài ý kiến cần … bàn thêm“. Cả Hội nghị 400 người cười ầm lên. Thầy đúng là dân Hà Nội, rất khéo nói.
Bằng khen của Đại học Quốc gia TPHCM nhân dịp tôi ghé đó giản trong 2 workshops 5 ngày.
Tôi nói chuyện về y học thực chứng ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình 2 lần. Đây là lần đầu (2005), lúc đó Bs Võ Thành Phụng là Phó Giám Đốc và Bs Trần Thanh Mỹ là Giám Đốc. Sau này, anh Phụng và tôi tổ chức Hội nghị quốc tế về loãng xương ở Sài Gòn rất thành công. Anh ấy là người miền Tây nhưng học trường Tây và nói tiếng Pháp rất thông thạo, thích … hủ tíu Mỹ Tho. Anh Phụng là đồng môn với Bs Ngô Thế Vinh (tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’), cũng là một người bạn vong niên của tôi. Sau này anh ấy qua đời đột ngột làm tôi kinh ngạc.
Giải thưởng ‘Sách Hay’ (cuốn ‘Đi vào nghiên cứu khoa học‘) của Viện IRED và nhóm Sách Hay.
Bằng khen do báo Vietnamnet trao tặng. Giải thưởng này chỉ tồn tại 3 năm thì phải, và sau đó thì ngưng. Chẳng hiểu sao ngưng, nhưng với tôi thì đây cũng là một kỉ niệm vui và có ý nghĩa.
Tôi làm Chair Hội đồng chấm giải thưởng Alexandre Yersin cho Hiệp hội Y học Thuỵ Sĩ – Việt Nam. Hình này chụp vào năm 2017 (?) là lần phát giải thưởng đầu tiên ở Sài Gòn.
Đây là Bác sĩ Nga (bên trái, đã nghỉ hưu) và Thuận, cả hai đều là bạn học thời tiểu học trpng quê. Nga là con bác Hai Trắc, chủ tiệm bán thuốc Bắc dưới quê, còn Thuận là con cô Danh và chú Hiền (dân miền Trung và em nuôi của ba tôi). Hình này chụp nhân dịp đám cưới của thằng cháu tôi được tổ chức ở Rạch Giá. Đây là tấm hình tôi thích nhứt và có lẽ rất khó có dịp chụp cùng hai người bạn này.
Đây là Thuận (bên phải) và em Út tôi. Hình này chụp vào năm 1990s nhân dịp lần đầu tôi về Việt Nam thăm nhà. Em út tôi là học trò của Thuận (nên hai cô trò ngồi gần nhau). Tôi gọi má Thuận là cô Danh và ba Thuận là chú Hiền. Thuận là bạn học thời tiểu học, rất hiền lành và nhu mì (đến nay vẫn vậy), sau này mở tiệm may nổi tiếng nối nghiệp cô Danh. Thời sau 1975 khi tôi ‘thất chí’ về quê thì Thuận là người được Má tôi nhắc nhiều nhứt như là một ‘ứng viên’. Sau này, mỗi lần vế quê và có cái áo nào khó sửa, tôi sai thằng cháu đem cho cô Thuận sửa. Có lần thằng cháu nói sao đó, bị cô Thuận mắng cho ‘Cậu mày là ai mà kêu tao phải làm trong 1 ngày? Dẹp.’
Đây là những người hàng xóm người Khmer của tôi. Cả ba người và Má tôi (ngồi mép trái) nay đã về bên kia thế giới. Hồi còn nhỏ, tôi hay la cà sang nhà hàng xóm kiếm bánh ống và cốm dẹp ăn :).
Đây là anh Ba Đen (bà Nội anh ấy là chị bà Ngoại tôi) và gia đình chụp vào năm 1992 (?) Anh Ba là bạn học thời tiểu học của tôi. Lúc đó Việt Nam còn nghèo lắm, và anh Ba cũng không ngoại lệ. Bây giờ thì anh khá hơn nhiều rồi.
Anh chàng này bắt được một con cá bự. Ảnh nhứt quyết đòi tôi chụp một tấm hình cho ảnh làm kỉ niệm. Giờ này thì ảnh đã có vợ con và đi làm ngoài Rạch Giá rồi.
Đây là hình chụp nhân dịp tôi về quê và thăm anh Ba Đen ở Kinh Lô Bích vào năm 2015 (?). Bây giờ anh ấy khá lắm, nhưng con cái đều đi lập nghiệp ngoài thị thành. Nhà anh ấy cây trái xanh tươi, mát mẻ. Nghe tin tôi ghé thăm anh ấy hét bọn nhỏ đi bắt cá sau hè và làm gà, rồi hú bạn bẹ chòm xóm (cũng là bà con thôi) đến … nhậu. Đây là một kỉ niệm tôi không thể nào quên.
Miền quê tôi ngày nay. Trước đây, con lộ này chỉ làm bằng đất, đến mùa mưa thì lầy lội lắm, học trò đi học rất khổ. Sau 46 năm thống nhứt đất nước giờ cũng kha khá hơn thời tôi ra đi (1980s), con lộ được tráng xi măng và mấy cháu bây giờ đi học bằng xe đạp (ngon lành hơn thời của tôi vào thập niên 1960s). Tuy nhiên, làng quê vẫn nghèo lắm so với các nước như Thái Lan và Mã Lai.
Con chó lúc nào cũng chờ tôi về. Hình này chụp lúc nó đã 12 tuổi rồi, mắt hơi yếu, nhưng nó vẫn vui vẻ đón tôi về. Sau vài chục năm thì mảnh đất và căn nhà của Ba Má tôi để lại đã được tân trang. Hồi xưa, tôi hay móc võng bên cây mít vừa đọc sách, vừa nghe cải lương phát ra từ nhà anh Hai bên bờ sông và ngủ trưa … Tôi gọi đó là những ngày xưa thân ái.
Dưới đây là một số hình ảnh về quãng đời của tôi. Tôi cố gắng sắp xếp hình ảnh theo thứ tự từ Việt Nam sang Úc. Những hình này liên quan đến Ba Má tôi, bà con, hàng xóm ở Việt Nam, những việc tôi làm, những phần thưởng, và kỉ niệm. Có một số hình ảnh người trong nhà không muốn đưa lên. Dĩ nhiên những hình ảnh này không đủ, vì rất rất nhiều hình ảnh thời trước 1975 mất hết do bão lụt và do … ‘nhân tai’. Hình ảnh thời tị nạn chỉ còn vài tấm. Hình thời ở Mĩ cũng rất ít. Chỉ có hình chụp trong thời gian gần đây thì khá phong phú. Xin chia sẻ cùng các bạn để biết qua quãng đời của một refugee như thế nào. Tôi cũng có phiên bản tiếng Anh ở đây.
Đây là căn nhà tôi được sanh ra và lớn lên trong thời niên thiếu. Cái chái bên phải là nhà nuôi gà, heo, sau 1975 trở thành một nguồn kinh tế nuôi cả nhà. Phía bên trái là mấy cây vú sữa, mít, ổi, v.v. Cái sân phía trước là nơi phơi lúa mỗi khi ghe chở lúa trên đồng về. Phía trái nữa (không có trong hình) là nơi để mấy cái máy cày trước 1975 (sau 1975 bị tịch thu rồi … mất luôn).
Phía sau vườn hồi xưa là mương rất nhiều cá. Hồi xưa, hễ có khách tới thăm là chỉ cần ra sau mương câu / hốt vài con cá, cắt vài cọng rau là có bữa ăn đãi khách ngay.Ba Má tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào năm 1991, lúc đó Ba Má tôi ở tuổi 60s. Ba tôi hi sinh một cánh tay trong một trận đánh ác liệt có tên là ‘Cây Trâm’ (gần Rạch Sỏi ngày nay) thời kháng chiến chống Pháp, sau đó giải ngũ và lập gia đình. Vậy mà Ba tôi tập viết, tập làm ruộng y như người có 2 cánh tay. Sau này, Chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt tù Ba tôi vì nghi là cộng sản (không đi tập kết), nhưng chỉ 3 tháng sau thì thả do không có chứng cớ (thời đó coi vậy mà pháp luật nghiêm minh). Má tôi thì chỉ làm nội trợ, suốt đời chưa bao giờ đi ăn ở nhà hàng vì Má tôi dứt khoát nói ‘ở nhà nấu ngon hơn’. Má tôi chỉ lên Sài Gòn 1 lần, và đó là lần nhập viện sau một cơn đột quị. Ba tôi qua đời ngày 22/2/2004, thọ 81 tuổi. Bốn năm sau Má tôi cũng qua đời (17/7/2008, thọ 80 tuổi) sau một cơn đột quị.
Hình này là Bé Thuận, con lớn của em gái tôi, nó gọi tôi bằng cậu. Hình này chụp lúc nó còn nhỏ ở dưới quê. Nay đã là công chức và có 2 con hiện ở Rạch Giá. Hồi Ba tôi còn sống rất thương nó vì nó hay sang nhổ râu cho ông ngoại và được … cho bánh, tiền. 🙂
Hình này là Bé Thoa, con của em gái út tôi, cũng gọi tôi bằng cậu. Tuy là cháu nhưng nó như là con gái trong nhà ở bên Úc. Nó mới lập gia đình bên Úc. Hình này chụp lúc hai cậu cháu đang trong lounge của Sky Team (phi trường Sydney) chờ máy bay về Việt Nam. Lần đầu tiên vào lounge dành cho hạng business, nên nó chụp hình tùm lum. 🙂
Cháu tôi tên Thuý An, nay đã tốt nghiệp bác sĩ từ ĐHYDTPHCM và công tác ở Bệnh viện ngoài Rạch Giá. Nó là cháu nội của Dì Út tôi. Hồi tôi đi nó chưa ra đời, ngày tôi về lần đầu thì nó đã là thiếu niên. Hôm về quê ăn Tết đầu 2020, chị ấy qua kiếm lì xì. 🙂 Ngoại tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào khoảng cuối thập niên 1980s. Ngoại tôi có tuổi thọ khá tốt (90), nhưng vẫn thua Bà Cố tôi (thọ 102 tuổi). Ông Ngoại tôi qua đời hơi sớm (chẳng biết bịnh gì) nên bà Ngoại là chỗ dựa tinh thần của cả nhà và con cháu.Anh Hai tôi (Nguyễn Tuấn Khải) nhưng ở nhà thì gọi là “Chỉ”. Anh là ‘ngôi sao’ trong gia đình và dòng họ vì là người đầu tiên trong làng đậu tú tài 2 và tốt nghiệp kĩ sư trước 1975. Sau 1975 anh thất chí và hầu như không làm gì ngoài việc tìm đường ra đi. Anh Hai tôi đi vượt biên ngày 12/2/1981 (tức trước tôi chỉ 2 tháng). Nhưng tất cả 25 người trên tàu đều mất tích. Có lẽ anh Hai tôi đã chìm sâu vào Biển Đông. Má tôi suy sụp một thời gian vì mất anh Hai. Đối với tôi, mất anh Hai là một tổn thương lớn, y như mất Ba Má vậy. Thời còn đi học, anh Hai là tấm gương, là cái đích học tôi nhắm tới.Mợ Tư tôi lúc sanh tiền. Nghe nói hồi xưa Mợ Tư tôi đẹp nhứt nhì trong làng, làm xiêu lòng Cậu Tư. tôi Không nhớ hình này chụp lúc nào, nhưng tôi nghĩ là đầu thập niên 1990. Cậu Tư tôi mất sớm trong thời chiến tranh, và Mợ Tư phải nuôi một đám con nhỏ (tức em họ tôi). Mợ Tư tôi qua đời cũng cách đây vài năm, ngay trong lúc tôi đang bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đi Seoul. Tôi không về được để dự đám tang Mợ Tư. Ở dưới quê, dòng họ tôi rất gần nhau, nên mấy người anh em họ rất thân với nhau.
Dì Năm tôi (tức em Má tôi và Cậu Tư). Dì Năm trong nhà nổi tiếng là người nấu ăn ngon, nên hễ trong làng có đám cưới hỏi là Dì Năm được mời đi nấu ăn. Dì Năm là người rất tinh tế, chú ý đến những chi tiết nhỏ (chắc do nấu ăn) và nghiêm khắc. Dì Năm tôi đã qua đời cách đây chừng 8 năm.
Dì Út tôi, như cách gọi, là người thứ út trong gia đình. Dì Út tôi rất hiền lành, không cãi cọ với ai, cũng chẳng làm phiền ai. Chồng Dì Út là dân Quảng Ngãi. Chắc hồi xưa, ông Ngoại tôi thích gả con gái cho dân miền Trung?
Đây là Cậu Ba tôi ngoài Bình Định. Cậu đi tập kết ngoài Bắc và khi về Nam trong thời chiến mang hàm trung tá hay thượng tá (tôi quên, nhưng thời đó cấp tá là oai lắm). Cậu Ba tôi gọi ông Ngoại tôi là Chú. Phải mất hơn 50 năm mới liên lạc được với nhánh gia đình ngoài Trung. Nhớ hoài ngày hai cậu cháu gặp nhau, ổng nói bằng chất giọng Bình Định “Cậu là Bộ đội Cụ Hồ” làm tôi nghĩ thầm “ổng phát biểu lập trường đây, đừng có mà linh tinh.” 🙂 Cậu Ba mới qua đời vài năm trước và thọ 99 tuổi.
Chị Nghĩa (con Cậu Ba tôi), nay làm việc ở Sài Gòn. Chị Nghĩa là người nhắn tin trên đài truyền hình để tìm bà con trong Nam. Cuộc trùng phùng nghe chị ấy kể là ‘trong nước mắt’. Nghe nói khi cậu Ba vào Nam để gặp nhánh trong Nam, gặp Má tôi, Cậu khóc nói “Em tôi đây mà.” Hình này tôi chụp với chị Nghĩa trong một chuyến đi dự hội nghị loãng xương ở Qui Nhơn vào năm 2017 (?)
Hình này tôi chụp cùng các bạn trong trại tị nạn Panatnikhom, Thái Lan vào cuối năm 1981, trước khi tôi lên đường đi định cư ở Úc. Thời ở trại tị nạn, mỗi cái phòng như vậy chứa cả 5-7 người.
Khi đến Sydney đầu năm 1982, tôi theo học lớp học tiếng Anh, và người bên phải tôi là cô giáo dạy tiếng Anh, người bên trái là một học viên từ Ba Lan. Cô giáo tôi vô cùng duyên dáng và rất thương người tị nạn. Tôi còn nhớ cô ấy hẹn tôi năm 2000 ‘xem người làm gì’, nhưng rất tiếc là cô mất trước đó vài năm. Tôi chỉ học ở đây chừng 1 tháng thì đi xin việc làm. Thời đó, có việc làm và kiếm tiền gởi về bên nhà là ưu tiên số 1, chớ chẳng học hành gì cả.
Đây là hình tôi được việc trong Department of Epidemiology and Planning của Bộ Y tế bang New South Wales. Sau gần 1.5 năm làm phụ bếp trong Bệnh viện St Vincent’s (Sydney) và Khác sạn 5 sao Regent’s, tôi kiếm được việc làm ở Labo Pathology thuộc Bệnh viện Royal North Shore, tối ngày xử lí mẫu máu, nước tiểu, và học luôn PCR nữa. Sau hơn 1 năm tôi tìm được việc làm ở đây (Department of Epidemiology and Planning).
Tôi phải học máy tính và cách viết chương trình bằng Fortran. Hình chụp vào giữa thập niên 1980s. Sau việc này, tôi chuyển về học ở Đại học Sydney trong Bộ môn Dịch tễ học và Thống kê học, đồng thời làm ‘tutor’ (trợ giảng) cho Bộ môn thống kê lí thuyết. Thời đó, làm tutor kiếm khá nhiều tiền và mua được nhà.
Đây là hình tôi chụp trong labo nghiên cứu của Viện Garvan. Không nhớ năm nào (chắc 1990s) nhưng đó là thời … trung niên. Mấy cái ‘red book’ là bao nhiêu thông tin thí nghiệm. Cái không gian này tuy nhỏ vậy, nhưng là nơi tôi có nhiều đóng góp cho chuyên ngành loãng xương. Tôi viết luận án cũng tại đây. Nay thì chỗ này đã phá đi để xây lại labo ngon lành hơn (như hình dưới đây).
Sau này Viện Garvan có lab khang trang hơn, và hình này chụp trong lab, lầu 5, nơi thời đó còn làm PCR cho từng gen. Sau này thì việc làm đó là … kinh điển (chẳng ai làm nữa), và đa số đều gởi ra ngoài làm rẻ hơn.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Macquarie vào năm 1985 (?) Thời đó mới qua, ‘tậu’ được một bộ veston xịn, nhưng còn chưa biết qui ước mặc veston sao cho đúng điệu. Kể ra thì cũng là một kinh nghiệm vậy.Labo nghiên cứu cơ xương do tôi sáng lập tại ĐH Tôn Đức Thắng do Bs Thục Lan làm codirector. Trong hình là các em bác sĩ đang đo lường và phỏng vấn tình nguyện viên trong Dự án Vietnam Osteoporosis Study.
Hình này là lúc tôi nhận testamur từ Viện trưởng Michael Kirby (lúc đó là Chánh án toà án tối cao của Úc). Tôi nhớ khi trao bằng, ông ấy nói “You are a remarkable refugee“. Chỉ là cách nói ngoại giao thôi – tôi nghĩ vậy.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp. Từ trái sang phải: em gái tôi, bà xã, Gs Donald McNeil và anh tôi. Thời đó, Đại học Macquarie được mệnh danh là của kẻ giàu, vì toạ lạc ở miền Bắc Sydney. Tuy vậy, nhưng phòng ốc và building có vẻ cổ kính lắm. Sau 30 năm quay lại, tôi không nhận ra nơi mình từng theo học nữa vì có quá nhiều building và có luôn Khoa Y nữa.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp từ Đại học New South Wales (nay là “UNSW Sydney”) năm 1997. Tôi theo học ở đây từ 1993 đến 1997, và trong thời gian này tôi công bố được 14 công trình. Nhiều khi nghĩ lại tôi không thể nào tưởng tượng mình đã ‘làm việc như trâu’, miệt mài ngày đêm, không phải vì số lượng mà vì muốn công bố trước. Luận án của tôi là ‘Contributions of Genetic and Environmental Factors to Osteoporotic Fracture‘ và được trao giải thưởng Garvan Best Thesis Award. Chú ý hình này tôi đội nón lục giác (tức dành cho mấy người tốt nghiệp tiến sĩ theo truyền thống Đại học Cambridge), còn hình trên là nón tứ gíac (dành cho những người tốt nghiệp cấp dưới tiến sĩ).
Hình chụp nhân dịp tôi được trao học vị ‘Higher Doctorate’ D.Sc (2016), làm lễ 2017. Ở Úc và Anh, DSc là học vị cao hơn PhD, chỉ dành cho những người tốt nghiệp PhD ít nhứt 10 năm. Với học vị này, ứng viên không có ghi danh, mà được xét duyệt vòng sơ tuyển, nếu qua thì được ‘admitted’ để nghiên cứu. Tôi được admitted năm 2014 và chánh thức tốt nghiệp năm 2016, với luận án ‘Contributions to Osteoporosis Research’ với 196 bài báo khoa học làm luận án. Garvan có đi một bản tin về sự kiện này. Báo Guardian (Anh) cũng có một bài về tôi.
Bên trái là Trúc (bây giờ là cháu rể tôi), và bên phải là cháu gái tôi mà trong nhà hay gọi là Bé Thoa (nay đã thành hôn với Trúc). Vì tôi không có con gái, nên nó được xem như là con gái trong nhà.
Người tốt nghiệp DSc được đọc tiểu sử (citation) trước khán đài cho sinh viên y khoa và các giáo sư khác. Citation này được Gs Terry Campbell (Phó Khoa Trưởng Khoa Y) đọc trong ngày lễ tốt nghiệp. Tôi là người thứ 33 thuộc Khoa Y của UNSW Sydney được trao học vị này. Video buổi lễ được upload trên Youtube: https://youtu.be/-SNJ5vKlMds
Huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng do Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Bản tin phía dưới có hình tôi chụp chung với bà Catherine Livingstone, Viện trưởng (Chancellor)của UTS. Tấm huy chương này được in bằng máy in 3D Printer.
Thư chúc mừng được trao giải Nhà nghiên cứu ngoại hạng kèm theo 5000 đôla. 🙂
Tôi trả lời phỏng vấn nhân dịp được trao huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng UTS 2018). Tôi là người thứ hai được trao huân chương này. Người thứ nhứt là Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, cựu khoa trưởng khoa engineering và IT.
Tôi nói: “My name is Tuan Van Nguyen. And I am a professor of predictive medicine at the School of Biomedical Engineering of UTS. My work is really concerned with the prevention of bone fractures due to osteoporosis or low bone mass. So, osteoporosis and osteoporotic fractures, they both represent a major and substantial public health problem – not just in Australia, but also worldwide. We approached the problem through epidemiological research, genetic research and clinical research, and clinical translation.
We came up with the world’s first algorithm for predicting fracture risk at the individual level. We found that each standard deviation lower in BMD [bone mineral density] actually increased the risk of fracture by two fold. And that particular finding was used as a criteria for the diagnosis of osteoporosis around the world.
So that’s one of our major contributions. But the thing that’s really rewarding is that after the publication of the model, there were hundreds of studies around the world that tried to validate the model, or were inspired by the idea that patient and doctor alike can use. That’s the most rewarding experience for us.”
Hình chụp đêm liên hoan ăn mừng được UTS trao Huân chuơng. May phước đêm đó không xỉn. 🙂 Tôi được bầu làm Fellow của Hiệp hội loãng xương Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research – ASBMR) vì những đóng góp họ gọi là ‘distinguished accomplishments‘ trong chuyên ngành loãng xương. Tôi giữ nhiều vai trò có thể nói là trọng trách và leadership trong ASBMR, từ uỷ ban khoa học, uỷ ban xuất bản, editor cho tập san JBMR, v.v. nói chung là đủ thứ việc. Tôi được vinh hạnh là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm viện sĩ của ASBMR. Tôi có một cái note về sự kiện quan trọng này.
Hình chụp nhân dịp tôi được bầu làm Fellow (viện sĩ) Viện hàn lâm y học Úc. Người bên trái là Giáo sư Ian Frazer, chủ tịch Viện hàn lâm. Gs Frazer là người khám phá và phát triển vaccine phòng ung thư cổ tử cung. Hôm đó, tôi có hỏi ông là có giúp được gì cho Việt Nam và cần tôi làm trung gian hay không, ông nói đại khái rằng muốn giúp lắm chớ, nhưng hệ thống hành chánh bên đó khó khăn quá nên ông bỏ cuộc.
Hình dưới là những fellow được bầu vào Viện hàn lâm năm 2018 (lễ kết nạp 2019). Tôi được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong Viện hàn lâm. Tôi có cái note cám ơn ở đây (tiếng Anh) và Tiếng Việt.
Đây là bài viết kiểu ‘vinh danh’ tôi đã có 25 năm đóng góp cho Viện nghiên cứu Y khoa Garvan.
Hình chụp nhân dịp tôi được trao chức danh Giáo sư Danh dự của Đại học Dược Hà Nội. Người bên trái là Gs Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng. Tôi còn là giáo sư danh dự hay giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, và Đại học Tôn Đức Thắng. Tôi có một note giải thích chức danh ‘visiting professor‘.
Đây là hình chụp nhân ngày tôi được trao tặng chức danh ‘Distinguished Professor’ của ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Người bên phải là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, người đã nói theo tiếng Anh là transform TDTU chỉ trong 10 năm. Di sản của anh Danh phải vài chục năm sau người ta mới ghi nhận. Tôi giúp cho TDTU từ 2015 qua các việc như lập labo nghiên cứu về xương và cơ, chair hội đồng bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho TDTU, và tham mưu chiến lược phát triển. Sau này tôi mới biết là trước khi trao chức danh này TDTU đã có ‘peer-review’ từ các giáo sư nổi tiếng bên Úc, Anh, Mĩ, và Canada. Tôi rất thích cách làm đó, nhưng rất tiếc là VN chưa có trường nào làm vậy. Tôi có một note về sự kiện này.
Đây không phải là giải thưởng gì, nhưng vối tôi là một phần thưởng rất có ý nghĩa. Tôi tổ chức và giảng cho mấy chục workshop ở Việt Nam (từ Bắc chí Nam), và số bác sĩ tham dự chắc cỡ vài ngàn. Một hôm tôi nhận lá thư này từ một em bác sĩ da liễu (Ngọc Bích) làm tôi cảm động lắm, và xem đó là phần thưởng qúi báu trong đời.
Đây cũng không phải là giải thưởng gì cả, nhưng với tôi là một phần thưởng qúi lắm. Nhân ngày Nhà giáo gì đó, các em sinh viên ở Úc hùn nhau mua một cây viết Parker (chẳng hiểu sao họ biết tôi thích cây viết này) và kèm theo thiệp chúc với những lời làm tôi cảm động lắm lắm.
Một lần trả lời phỏng vấn cho truyền thông phương Tây. Hình này chụp lúc tôi trả lời báo chí Mĩ nhân tham dự hội nghị ASBMR ở Hawaii. Họ hỏi tôi về một nghiên cứu khá ‘đình đám’ trong hội nghị.
Tôi đi giảng và nói chuyện ở rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng hình chụp lưu niệm thì chẳng bao nhiêu. Hình này là do Bs Nguyễn Đình Nguyên chụp nhân một bài nói chuyện ở Canada vào năm 2007.Hình này chụp lúc tôi nói chuyện trong một hội nghị loãng xương quốc gia ở New Zealand.
Tôi được coi là người đem chuyên ngành loãng xương về Việt Nam. (Báo Sức Khoẻ và Đời sống có một bài về tôi). Nói to tát ghê. Đây là hình chụp lúc tôi tổ chức hội nghị quốc tế về loãng xương lần đầu tiên ở Việt Nam. Từ trái qua phải: Ts Trần Hoàng Ngọc Bích (một trong những học trò xuất sắc cũ tôi), Ts Nguyễn Đình Nguyên (cũng học trò xuất sắc luôn, sau này bỏ nghiên cứu ra làm GP), và Giáo sư John Eisman (thầy tôi). Tấm hình này có thể xem là 2 thế hệ. 🙂
Hình chụp lưu niệm trong Ban tổ chức hội nghị Strong Bone Asia. Hội nghị này đem về cho Hội Y học TPHCM một thu nhập đáng kể để phát triển về sau.
Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho Gs Dương Quang Trung mà tôi gọi thân mật là Chú Tư (lúc đó là Chủ tịch Hội Y học TPHCM). Chú Tư (dân gốc Cà Mau, là dân bên Tây về, cùng thời Bs Phạm Ngọc Thạch bên Pháp) và tôi có biết bao nhiêu kỉ niệm. Chú nói tiếng Pháp khỏi chê, nhưng với tiếng Anh thì chú phải nhờ tôi. Tôi cầm tờ giấy chớ thật ra tôi có đọc gì đâu, tôi chỉ nghe chú ấy nói là tôi dịch ngay. Khi xuống khán đài, chú Tư hỏi “Hồi nãy có câu tôi nói cũng khá dài, sao anh dịch ngắn vậy?” Chú hay gọi tôi bằng ‘Anh’. Tôi giải thích một hồi rồi nói: “Dạ, tiếng Anh nhiều khi nó ngắn chú ơi”. Ổng mỉm cười kiểu nói ‘Thằng này lém lỉnh.” Có lần tôi về VN công tác, chú kéo tôi ra hành lang, hỏi tôi là có phải kí tên vào bản ý kiến gì phải không, tôi nói phải. Rồi chú Tư nói ‘lúc này tôi biết xài internet rồi, tôi đọc nhiều lắm, nhưng anh nên cân nhắc nói những gì cần nói thôi.’ Tôi nghĩ đó là lời khuyên của người biết nhiều trong hệ thống. 🙂
Hội nghị loãng xương Châu Á được tổ chức ở Hong Kong vài năm trước. Nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study chúng tôi chiếm liền 3 giải thuởng! Bên trái là Bs Hồ Phạm Thục Lan, bên phải là Bs Đoàn Công Minh bên poster được trao giải xuất sắc.
Tôi là Chair của Pan Asian Biomedical Science (2018 – 2020). Đây là hội nghị PABS được tổ chức rình rang ở Đà Nẵng. Lúc đó, Gs Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) và PGS Nguyễn Đăng Quốc Chấn là người đứng đằng sau ban tổ chức. Tôi chỉ là người ‘bề ngoài’ với khách nước ngoài. Kể từ đó, tôi trở thành một người của Đại học Đà Nẵng.
Tôi chụp hình lưu niệm với các đồng nghiệp Á châu (hình trên) và các bạn trong ban tổ chức ở Đà Nẵng (hình dưới). Tôi xem đây là một đóng góp cho Đại học Đà Nẵng. Người đứng bên phải có tên rất hay là ‘Hằng Nga’, là tiến sĩ từ Tây về, còn người đẹp gái bên cạnh Hằng Nga là Oanh; hai người này gíup tôi rất nhiều trong khâu tổ chức.
Ngoài tổ chức hội nghị quốc tế ở Việt Nam, tôi còn tổ chức hàng chục (hay trăm) lớp học lớn nhỏ ở VN trong suốt 25 năm qua. Đây là một lớp học được tổ chức ở Đại học Y Dược TPHCM vào đầu thập niên 2000 do chị Thy Khuê đứng ra làm. Nhiều người trong hình này nay đã là tiến sĩ và phó giáo sư.
Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức. Tôi nhớ hoài một ‘incident’ khi tôi đứng giảng và chú ý thấy chị Khuê nghe điện thoại xong có vẻ lo lắng lắm. Mãi đến sau này hỏi mới biết là công an gọi điện hỏi sao lớp học có người nước ngoài mà không xin phép. Chị Khuê nói tôi về hàng năm, hồ sơ đã có trong Sở Y tế và công an rồi, nên không cần xin phép nữa. Họ nói hễ tổ chức lớp học là phải xin phép. May phước họ dzu dzi cho qua.
Bác sĩ Khả Nhi có một bài phỏng vấn tôi về những việc làm bên Việt Nam tại đây.
Một lớp học ở Đại học Tôn Đức Thắng. Nói chung lớp học nào tôi giảng đều thu hút từ 100 đến 250 người từ mọi miền đất nước tham dự. Mỗi khoá học như vậy kéo dài từ 5 – 14 ngày, với rất nhiều bài giảng. Rất vui và hào hứng vì giúp cho nhiều bạn sau này trở thành tiến sĩ và giáo sư.
Khoá học ở Đại học Tôn Đức Thắng lúc nào cũng thu hút hàng trăm học viên từ mọi miền đất nước. Một lớp học ở Trường Đại học Nha Trang năm 2017 do tôi, Ts Trần Sơn Thạch và Ts Hà Tấn Đức phụ trách. Đây là lớp học do anh giám đốc Sở khoa học và công nghệ Khánh Hoà mời. Tôi nhớ hoài khi ngày thứ 4 anh đến nói lời kết thúc lớp học, anh rất ngại vì trước đây đến ngày thứ 2 là học viên chỉ còn vài người thôi. Nhưng khi anh tới, anh kinh ngạc thấy ngày kết thúc khoá học mà số học viên còn đông hơn lúc khai mạc. Anh ấy vui lắm. Sau này chúng tôi còn quay lai 2 lần nữa cũng tại đây.
Tôi là một trong những sáng lập viên Hội loãng xương TPHCM. Chúng tôi tổ chức hội nghị khoa học mỗi năm. Đây là hội nghị được tổ chức ở Đà Lạt vào năm 2018. Hình này tôi chụp cùng ban tổ chức và các bạn đồng nghiệp. Hình này đúng là đầy đủ ‘who is who’ trong bộ lạc loãng xương ở Việt Nam (từ trái qua phải): Bs Huỳnh Văn Khoa (Chợ Rẫy); Bs Nguyễn Văn Hùng (Bạch Mai); Gs Trần Tam (Huế); Gs Nguyễn Hải Thuỷ (Huế); tôi; PGs Lê Anh Thư (Chủ tịch Hội); PGS Trương Văn Việt (Cựu Giám đốc BV Chợ Rẫy); Gs Trần Ngọc Ân (Hà Nội); Bs Linh (Chợ Rẫy, phu nhân của Bs Nguyễn Tri Thức nay là Giám đốc BV Chợ Rẫy); Bs Thục Lan (BV 115); PGs Vũ Thanh Thuỷ (Hà Nội); PGs Vũ Đình Hùng (Quân Y Sài Gòn); PGs Phạm Văn Thanh (Cựu Giám đốc Sở Y tế TPHCM); Gs Nguyễn Tấn Bỉnh (nay là Giám đốc Sở Y tế TPHCM); và PGs Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy).
Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.
Hội nghị khoa học thường niên của Hội loãng xương TPHCM tại Tuy Hoà 2017. Trong hình là các thành viên trong nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study. Từ trái sang phải: Bs Minh Châu, Ts Trần Sơn Thạch, Bs Thục Lan, Bs Mai Duy Linh, và Bs Đoàn Công Minh. Năm nào, nhóm này cũng có những đóng góp về nghiên cứu original cho hội nghị.
Cùng các bạn và học viên Đại học Đồng Tháp nhân dịp tôi về đó giảng 3 ngày. Hình này chụp vào năm 2018. Tôi đến đây giảng lần đầu vào năm 2013, và sau đó thì năng suất khoa học (công bố quốc tế) của Trường tăng cao thấy rõ. Thế là các bạn ấy mời tôi quay lại nói chuyện nữa. Tôi thích đi mấy tỉnh miền Tây, một phần vì gần nhà, một phần vì muốn thưởng thức các món ăn miền Tây, thích la cà trong mấy quán bánh tằm, cháo lòng, v.v. và nghe chuyện thời sự.
Cùng với các bạn trong Hội Đau TPHCM. Từ trái qua phải: PGS Võ Văn Thành, PGS Nguyễn Thi Hùng, tôi, PGS Hàn Quốc, PGS Lê Anh Thư và PGS Vân Anh. Hôm đó tôi nói về hiệu ứng placebo và nocebo. Đây là hội nghị mà anh Hùng là ‘chủ xị’.
Hình chụp nhân dịp tôi dự lễ kỉ niệm 5 năm ngày thành lập Viện y học Đinh Tiên Hoàng ngoài Hà Nội. Tôi là thành viên tư vấn cho Viện. Hôm đó thật là vui. Viện này do Ts Nguyễn Thị Thanh Hương, cựu học trò tôi ở Viện Karolinska (Thuỵ Điển), thành lập.
Hình chụp nhân dịp Bs Nguyễn Đình Nguyên tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc và chiếm luôn giải thưởng Luận án Tiến sĩ Xuất sắc của Viện Garvan. Ở Viện Garvan chỉ có 2 người Việt có danh dự này: Nguyên và tôi, cả hai đều họ Nguyễn 🙂
Hình chụp nhân ngày tốt nghiệp PhD của Phương Thảo (dân Hà Tĩnh, cũng là một học trò xuất sắc). Người đứng giữa là Hà, làm trong lab tôi. Tôi có viết một note ghi lại cảm tưởng của “kẻ đưa đò.”Đây là Mai Thị Hà (người từng làm trong lab tôi chừng 1 năm) trong ngày cưới của cháu ở Nam Định. Chiều đó tôi đi công tác ở Hà Nội, và phải đón xe về Nam Định để dự đám cưới của Hà. Tôi rất thương nó, nhỏ tuổi hơn con tôi, nhưng vất vả và bôn ba hơn nhiều con tôi nhiều. Tôi xem nó như là một người Việt tiêu biểu: cực khổ, phấn đấu vươn lên, thông minh. Ngày tôi phỏng vấn nó và nói rằng sẽ nhận nó vào làm việc trong lab, nó ra ngoài khóc, làm tôi hoảng vì tưởng mình đã nói gì xúc phạm. Hoá ra, nó nói từ ngày sang Úc đến nay nó được đối xử tử tế. Trời!
Hình chụp nhân lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Hồ Lê Phương Thảo và Daniela Tesorioro (học trò tôi) người được trao bằng cử nhân hạng danh dự số 1.
Phương Thảo được trao giải thưởng Young Investigator Award của ASBMR (Mĩ) năm 2017.
Đây là ‘Đồng chí’ Bs Thái Viết Tặng (người cầm bó bông) nhân dịp lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tặng là đồng hương Kiên Giang với tôi và cũng là người tôi hướng dẫn luận án. Đêm đó, sau buổi lễ tốt nghiệp, cả ‘đám’ Kiên Giang kéo nhau đi nhậu ở Hà Đông. Thiệt là vui. May phước tôi không xỉn để còn chuẩn bị cho 3 ngày giảng sau đó.
Đây là Phạm Nữ Hạnh Vân trong buổi lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi và Gs Nguyễn Thanh Bình (bên phải) là người hướng dẫn luận án cho Hạnh Vân. Chiều đó, sau buổi lễ bảo vệ luận án là phu quân của Hạnh Vân kéo cả nhóm ra một nhà hàng ở Hà Nội ăn uống, có dịp gặp nhiều bạn khác. Tôi phải ghi thêm một thông tin vui vui là hễ Hạnh Vân đi dự hội nghị hay nói chuyện thì ai cũng nói ‘Ui, người đâu mà xinh thế’ mà không chịu nghe cô ấy nói. 🙂 Theo tôi thấy, Hạnh Vân là người rất khéo nói, hiền lành, lễ phép, và tinh tế, đúng với chất người con gái Bắc như Phạm Duy hay mô tả.
Thời thập biên 1980s tôi có tổ chức lớp dạy học cho mấy em học sinh Việt Nam sắp thi tú tài II ở Sydney. Trường tiểu học Bass Hill cho mượn phòng, nên tôi tổ chức nhiều lớp cho các em ấy (đúng ra là con cháu). Có hàng trăm em đã học từ lớp học này và nay đã là kĩ sư, bác sĩ, luật sư, v.v. Nhiều khi mấy em ấy gặp tôi trên xe lửa và tới chào, chớ tôi cũng không nhớ hết mấy em ấy. Tôi xem đây là một đóng góp cho cộng đồng làm tôi nhớ mãi trong đời.
Đây là Giáo sư Donald McNeil, người đã cho tôi cơ hội theo học tại Đại học Macquarie. Thầy là người rất tốt bụng với dân tị nạn. Có người chẳng có giấy tờ gì, nhưng chỉ qua phỏng vấn là thầy cho vào học. Tôi nhớ ơn thầy McNeil suốt đời. Ngày Thầy về hưu, tôi đến nói lời chia vui mà ai cũng rơm rớm nước mắt.
Giáo sư Barry Marhsall (Giải Nobel 2005) chụp hình nhân dịp lễ induction các Fellow của Viện hàn lâm y học. Giáo sư Marshall là người được bầu vào Viện trước tôi 3 năm. Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần. Giáo sư Bruce Robinson (giữa, cựu Khoa trưởng Khoa Y, Đại học Sydney) và Giáo sư Bruce Robinson (cùng tên, ở ĐH Melbourne). Hai người này cùng được bầu vào Viện hàn lâm y học cùng năm với tôi. Khoa trưởng Robinson là người bạn rất thân thiết với bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Đây là Bs Marilyn Rob, Giám đốc trung tâm Epidemiology and Planning của Bộ Y tế NSW, người dạy tôi về dịch tễ học và làm cho tôi đam mê nghiên cứu. Marilyn có bằng tiến sĩ về thống kê học nữa, còn ông chồng lúc đó làm cho IBM. Tôi coi Marilyn như bà chị cả, và đứa con đầu lòng của tôi có tên Laurence (là tên con út của Marilyn) để đánh dấu thời mà Marilyn cưu mang tôi suốt 3 năm trời. Nhớ hoài Mariyn lúc nào cũng nói ‘You can do better‘ và khuyến khích tôi tìm cơ hội cao hơn.
Đây là hình chụp lúc tôi tiêu ra 1 tháng ở Viện nghiên cứu Southwest Foundation for Biomedical Research (San Antonio, Texas). Người dạy tôi về genetic linkage analysis là Ts John Blangero (người ngồi đầu bàn), tôi xem anh ta là một thiên tài. Anh ta có mái tóc giống như Isaac Newton! Hôm đó là ngày tiễn tôi về Ohio, nên cả nhóm kéo ra nhậu ở một quán thịt bò mà thực khách tự lấy thịt đem đi nướng và tự lấy bia. Vui ơi là vui!
Hình này tôi chụp với Gs Phạm Song (cựu Bộ trưởng Y tế) trong Hội nghị Strong Bone Asia. Bác ấy nghe tôi nên đến làm quen. Hôm đó, bác ấy nói rất nhiều về tình hình y tế Việt Nam. Sau này Gs Song qua đời.
Hình này tôi thích lắm. Hôm đi dự hội nghị quốc tế về loãng xương ở Denver, tôi nói chuyện xong và ra ngoài thì thấy một em chờ làm quen. Hoá ra em này là postdoc (hậu tiến sĩ) tên là Phạm Thanh Hải đứng gần tôi và một em nghiên cứu sinh (nữ) từ Nhật (bên phải tôi) có tên đặc biệt là Mộc Hà. ‘Tha hương ngộ cố tri’ và thế là chụp mộ bô hình làm kỉ niệm.
Hình này có một câu chuyện rất hay. Hôm đi dự hội nghị loãng xương ở Montreal, tôi đi ra khu phố Á châu để tìm món Việt ăn trưa. Em bồi bàn đến hỏi tôi ăn gì, rồi em hỏi luôn (tiếng Anh) ‘có phải bác là Gs Tuấn’. Tôi kinh ngạc nói phải rồi. Hoá ra em này là nghiên cứu sinh Việt Nam ở Canada, đi làm thêm để kiếm tiền, và em ấy hay đọc những bài ‘tâm tình’ của tôi trên blog và theo dõi bài giảng giúp cho em ấy học tốt hơn. Trời! Không ngờ gặp một người bạn đặc biệt như thế ở đây, và thế là chụp hình lưu niệm.
Tôi hay được mời đi giảng khắp nơi trên thế giới, và trong một lần sang Seoul, các em sinh viên bên đó hay tin, rồi tổ chức một seminar để tôi chia sẻ hành trình từ tiến sĩ thành độc lập ra sao. Xa quê mà gặp đồng hương lúc nào cũng làm tôi xao xuyến. Bức hình này cũng là một kỉ niệm đẹp.
Không nhớ hình này chụp ở đâu (nhưng ngoài Bắc, hình như là ĐH Y Hà Nội) vào năm 2016 sau khi kết thúc một khoá học.
Hình này chụp chung với các nghiên cứu sinh ở UTS (nay có người đã về Việt Nam). Người đứng cao cao là Gs Nguyễn Thế Hùng, lúc đó là Khoa trưởng Khoa Engineering và IT của UTS (chức này rất … lớn). Anh Hùng là người chiêu dụ tôi về hợp tác với UTS cho đến nay. Anh cũng là Giám đốc của Trung tâm Công nghệ Y tế, sau này anh rời UTS, tôi được bổ nhiệm thay anh làm Giám đốc trung tâm này. Thế là hai ông Nguyễn thay phiên nhau lãnh đạo trung tâm. Trung tâm này có chừng 56 người, kể cả 20 GS và PGS. Quản lí một trung tâm như thế rất … mệt.
Hình này chụp nhân dịp buổi liên hoan sau hội nghị nội tiết học ở Seoul. Trong hình là các giáo sư trẻ Hàn Quốc và vài giáo sư ‘già’. Họ rất ưu ái đòi tôi phải đến dự để các bạn trẻ hỏi han (có lẽ cách họ ngoại giao vì tôi làm editor cho các tập san loãng xương). Hoá ra, các giáo sư trẻ không được ngồi cùng bàn với các giáo sư ‘già’; họ chỉ được đến chụp hình chung. Tôi nghĩ thầm ‘Trời, sao mà phân chia vai vế thế.’
Ở Việt Nam tôi có những người bạn và học trò rất thân thiết. Tiêu biểu là em này (Bs Hà Tấn Đức) sau này học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của tôi. Bs Đức là dân Cần Thơ, gần Kiên Giang. Hôm tôi về quê dưỡng bệnh, Đức đi xe đò lên thăm tôi. Ở dưới quê thì chỉ cần 1 tiếng đồng hồ là có gà, cá, rau cỏ, v.v.đủ thứ để nhậu. Tôi lấy chai Martel chắc cũng 20 năm ra đãi. Chai này tôi mua cho Ba tôi uống, nhưng cho đến ngày qua đời ông không uống mà để trong tủ cả 20 năm trời. Ngon ơi là ngon.
Bs Đức, Bs Trần Sơn Thạch (trong hình) là hai người bạn đã cùng tôi rong ruổi khắp nước để ‘rao giảng’ về nghiên cứu khoa học. Tôi hay nói đùa là ba chúng ta là một gánh hát cải lương. Hình này chụp ở Atlanta (?) Mĩ trong lúc đang chờ máy bay về Sydney, còn tôi thì về Little Saigon ở California.
Hình này chụp nhân dịp bế mạc khoá học phân tích dữ liệu ở Kiên Giang. Trong hình là Bs Hồ Xuân Tuấn (ĐH Đà Nẵng) thay mặt học viên từ mọi miền đất nước về dự phát biểu cảm tưởng. Tôi và Tuấn quen nhau từ đó, vì tôi thích cái tánh hài hước đặc sệt dân xứ Quảng. Tuấn mới tốt nghiệp tiến sĩ y học từ Đức, và tôi tự hào có giúp đỡ một phần trong việc học hành và nghiên cứu của em ấy.
Tôi rất ít có dịp ăn Tết ở Việt Nam. Nhưng năm 2007 tôi có dịp đó. Lúc đó Kiên Giang tổ chức Tết cho ‘kiều bào’ và các nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc ở Kiên Giang. Anh Ts Đởm (Giám đốc Bệnh viện Kiên Giang) rủ tôi đi ăn Tết ngoài Rạch Giá cho vui, và thế là tôi phóng xa đi ngay. Trong buổi lễ có một ông người Úc đang đầu tư ở Kiên Giang, ổng chúc Tết, và anh Đởm kêu tôi lên làm thông dịch. Ừ, làm thì làm. Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho ông đồng hương Úc.
Hôm đó, tôi còn trả lời phỏng vấn cho đài truyền hình địa phương (Kiên Giang) vì các bạn ấy xem tôi là một ‘người con Kiên Giang thành đạt’. Tôi nhớ có nói rằng Kiên Giang đáng lí ra phát triển nhanh hơn và mạnh hơn các tỉnh khác (tôi không nói tỉnh nào) và đưa ra vài con số chứng minh. Chị phóng viên thích lắm và nói sẽ phát hình đêm nay. Tôi gọi điện về nhà báo tin cho mấy đứa em ‘Tối nay tụi bậy coi tao trên đài truyền hình.’ Báo hại tụi nó và bà con chờ xem bản tin tối của đài, nhưng chờ hoài không thấy mặt mũi tôi đâu. Hoá ra, có người cao cấp không hài lòng với câu nói của tôi nên nói lịch sự là ‘chưa đúng dịp để phát hình.’
Tôi có nhiều bạn ở trong nước, kể cả Hà Nội, và họ quí tôi. Lâu lâu mới có dịp gặp một buổi. Trong hình là (từ trái sang phải): Ts Giáp Văn Dương, Ts Quyền Đình Thi, tôi, và Ts Nguyễn Việt Hùng. Hình này chụp trong một nhà hàng nhỏ rất dễ thương ở giữa phố cổ Hà Nội.
Hình này tôi chụp lúc tham dự buổi lễ trao giải Alexandre Yersin ở Khách sạn Oscar. Anh bên cạnh là Bs Nguyễn Quan Vinh, Chủ tịch Hội y học Thuỵ Sĩ – Việt Nam. Hình chụp lúc chuẩn bị khai mạc lễ trao giải thưởng.
Phái đoàn ĐH Quốc Gia TPHCM sang thăm chúng tôi ở Viện Garvan, 12/2016. Trong hình là Phạm Mỹ Hạnh (học trò PhD trong lab tôi), Ts Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG-HCM), Gs Đặng Vạn Phước (Khoa trưởng Khoa Y ĐHQG-HCM), Ts Nguyễn Thị Thanh Kiều (Phó Trưởng khoa Khoa Y, ĐHQG-HCM), PGSLê Văn Quang (Phó Trưởng khoa Khoa Y, ĐHQG-HCM)
Tôi có nhiều bạn tị nạn ở California. Năm nào qua đó cũng đều gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Trong hình là (từ trái qua phải) anh kí giả của Người Việt (tôi quên tên), Gs Lê Xuân Khoa (cựu Phó gíam đốc Viện Đại học Sài Gòn thời VNCH), Bs Ngô Thế Vinh (nổi tiếng với cuốn ‘Cửu long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’) và Kĩ sư Phạm Phan Long trong nhóm Vietecology. Người chụp hình là Kĩ sư Ngô Minh Triết, người hay chở tôi đi đây đó gặp bạn bè. Tất cả họ đều đau đáu nghĩ về Việt Nam.
Bạn văn nghệ ở Sài Gòn. Người bên trái là một kí giả nổi tiếng trong làng báo Việt Nam Đoàn Khắc Xuyên. Người bên phải là người mà sau này tôi mới biết là Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của những ca khúc rất hay.
Hình này chụp nhân dịp tôi ghé Đại học Hoa Sen nói chuyện về công bố khoa học. Bên trái là Ts Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng) và bên phải là Ts Phạm Thị Ly (hiệu phó). Đại học Hoa Sen đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua.
Đây là con đường nhà tôi ở lúc tôi sang Ohio nhận chức Associate Professor of Medicine của WSU vào cuối thập niên 1990s. Con đường này vào mùa thu nó đẹp ơi là đẹp!
Chiếc xe ‘huyền thoại’ Honda Civic của tôi ở Ohio trong mùa đông, tuyết đóng đầy hết xa và bãi đậu xe. Tôi yêu con ‘tuấn mã’ này lắm. Cứ cuối tuần tôi phóng xe lên Columbus gặp bạn bè tán dóc và nhậu nhẹt. Tôi nhớ anh Thành (tiến sĩ Lê Thiết Thành) và chị Lan quá.
Có năm tôi được mời sang làm ‘thanh tra’ trung tâm nghiên cứu cơ xương khớp của Đại học King Abdulaziz University (KAU), Saudi Arabia. Đó cũng là lần đầu tiên từ ngày cha sanh mẹ đẻ tôi được đi máy bay hạng ‘First Class’ của Singapore Airlines. Thích thì dĩ nhiên là thích, nhưng đêm về nằm khách sạn mà ngày xưa là nguyên thủ Hoa Kì từng ở, rồi suy nghĩ thế thái nhân tình: ‘sao mà họ phí thế, chắc là lấy lòng?’
Ở nước ngoài các trung tâm nghiên cứu phải được tổng duyệt mỗi 5 năm, và họ mời người nước ngoài đến làm. Làm thanh tra, nhưng sau này thành cố vấn (advisor) cho trung tâm luôn! Trong hình là ông Gíam đốc KAU trao kỉ niệm chương cho tôi. Tôi sang đây 2 lần, và lần sau cùng thì trung tâm nghiên cứu bị đóng cửa vì họ cho rằng làm ăn không khá. Tiếc ghê.
Ngoài việc chuyên môn, tôi còn viết sách và xuất bản ở Việt Nam. Tôi đã xuất bản được 15 cuốn sách (từ chủ đề loãng xương, phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu, cách viết bài báo khoa học, đến sách về trò chuyện khoa học) ở Việt Nam. Có những cuốn được in đi in lại nhiều lần, và cuốn này ‘Cẩm nang nghiên cứu khoa học’ được in lại 5 lần chỉ trong 2 năm xuất bản. Năm 2018, Nhà xuất bản tổ chức buổi ra mắt sách ở Đường sách Sài Gòn, và tôi có dịp trò chuyện trực tiếp cùng khoảng 50 người đến nghe.
Tôi có nhiều bằng khen từ Việt Nam, và đây là bằng khen của Hội Y học TPHCM.
Bằng khen từ Hội loãng xương TPHCM. Bằng khen này được Gs Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội) trao trong Hội nghị loãng xương ở Nha Trang. Tôi nhớ mãi thầy Ân nói: “Giáo sư Tuấn là người vô cùng tâm huyết với quê hương, điều đó không thể nghi ngờ được. Nhưng Gs Tuấn còn là một nhà trí thức với nhiều ý kiến về đủ thứ vấn đề trên báo chí chính thống, có nhiều ý kiến rất hay …” Rồi thầy ngưng một chút, rồi nói tiếp “Nhưng cũng có vài ý kiến cần … bàn thêm“. Cả Hội nghị 400 người cười ầm lên. Thầy đúng là dân Hà Nội, rất khéo nói.
Bằng khen của Đại học Quốc gia TPHCM nhân dịp tôi ghé đó giản trong 2 workshops 5 ngày.
Tôi nói chuyện về y học thực chứng ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình 2 lần. Đây là lần đầu (2005), lúc đó Bs Võ Thành Phụng là Phó Giám Đốc và Bs Trần Thanh Mỹ là Giám Đốc. Sau này, anh Phụng và tôi tổ chức Hội nghị quốc tế về loãng xương ở Sài Gòn rất thành công. Anh ấy là người miền Tây nhưng học trường Tây và nói tiếng Pháp rất thông thạo, thích … hủ tíu Mỹ Tho. Anh Phụng là đồng môn với Bs Ngô Thế Vinh (tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’), cũng là một người bạn vong niên của tôi. Sau này anh ấy qua đời đột ngột làm tôi kinh ngạc.
Giải thưởng ‘Sách Hay’ (cuốn ‘Đi vào nghiên cứu khoa học‘) của Viện IRED và nhóm Sách Hay.
Bằng khen do báo Vietnamnet trao tặng. Giải thưởng này chỉ tồn tại 3 năm thì phải, và sau đó thì ngưng. Chẳng hiểu sao ngưng, nhưng với tôi thì đây cũng là một kỉ niệm vui và có ý nghĩa.
Tôi làm Chair Hội đồng chấm giải thưởng Alexandre Yersin cho Hiệp hội Y học Thuỵ Sĩ – Việt Nam. Hình này chụp vào năm 2017 (?) là lần phát giải thưởng đầu tiên ở Sài Gòn.
Đây là Bác sĩ Nga (bên trái, đã nghỉ hưu) và Thuận, cả hai đều là bạn học thời tiểu học trpng quê. Nga là con bác Hai Trắc, chủ tiệm bán thuốc Bắc dưới quê, còn Thuận là con cô Danh và chú Hiền (dân miền Trung và em nuôi của ba tôi). Hình này chụp nhân dịp đám cưới của thằng cháu tôi được tổ chức ở Rạch Giá. Đây là tấm hình tôi thích nhứt và có lẽ rất khó có dịp chụp cùng hai người bạn này.
Đây là Thuận (bên phải) và em Út tôi. Hình này chụp vào năm 1990s nhân dịp lần đầu tôi về Việt Nam thăm nhà. Em út tôi là học trò của Thuận (nên hai cô trò ngồi gần nhau). Tôi gọi má Thuận là cô Danh và ba Thuận là chú Hiền. Thuận là bạn học thời tiểu học, rất hiền lành và nhu mì (đến nay vẫn vậy), sau này mở tiệm may nổi tiếng nối nghiệp cô Danh. Thời sau 1975 khi tôi ‘thất chí’ về quê thì Thuận là người được Má tôi nhắc nhiều nhứt như là một ‘ứng viên’. Sau này, mỗi lần vế quê và có cái áo nào khó sửa, tôi sai thằng cháu đem cho cô Thuận sửa. Có lần thằng cháu nói sao đó, bị cô Thuận mắng cho ‘Cậu mày là ai mà kêu tao phải làm trong 1 ngày? Dẹp.’
Đây là những người hàng xóm người Khmer của tôi. Cả ba người và Má tôi (ngồi mép trái) nay đã về bên kia thế giới. Hồi còn nhỏ, tôi hay la cà sang nhà hàng xóm kiếm bánh ống và cốm dẹp ăn :).
Đây là anh Ba Đen (bà Nội anh ấy là chị bà Ngoại tôi) và gia đình chụp vào năm 1992 (?) Anh Ba là bạn học thời tiểu học của tôi. Lúc đó Việt Nam còn nghèo lắm, và anh Ba cũng không ngoại lệ. Bây giờ thì anh khá hơn nhiều rồi.
Anh chàng này bắt được một con cá bự. Ảnh nhứt quyết đòi tôi chụp một tấm hình cho ảnh làm kỉ niệm. Giờ này thì ảnh đã có vợ con và đi làm ngoài Rạch Giá rồi.
Đây là hình chụp nhân dịp tôi về quê và thăm anh Ba Đen ở Kinh Lô Bích vào năm 2015 (?). Bây giờ anh ấy khá lắm, nhưng con cái đều đi lập nghiệp ngoài thị thành. Nhà anh ấy cây trái xanh tươi, mát mẻ. Nghe tin tôi ghé thăm anh ấy hét bọn nhỏ đi bắt cá sau hè và làm gà, rồi hú bạn bẹ chòm xóm (cũng là bà con thôi) đến … nhậu. Đây là một kỉ niệm tôi không thể nào quên.
Miền quê tôi ngày nay. Trước đây, con lộ này chỉ làm bằng đất, đến mùa mưa thì lầy lội lắm, học trò đi học rất khổ. Sau 46 năm thống nhứt đất nước giờ cũng kha khá hơn thời tôi ra đi (1980s), con lộ được tráng xi măng và mấy cháu bây giờ đi học bằng xe đạp (ngon lành hơn thời của tôi vào thập niên 1960s). Tuy nhiên, làng quê vẫn nghèo lắm so với các nước như Thái Lan và Mã Lai.
Con chó lúc nào cũng chờ tôi về. Hình này chụp lúc nó đã 12 tuổi rồi, mắt hơi yếu, nhưng nó vẫn vui vẻ đón tôi về. Sau vài chục năm thì mảnh đất và căn nhà của Ba Má tôi để lại đã được tân trang. Hồi xưa, tôi hay móc võng bên cây mít vừa đọc sách, vừa nghe cải lương phát ra từ nhà anh Hai bên bờ sông và ngủ trưa … Tôi gọi đó là những ngày xưa thân ái.
Dưới đây là một số hình ảnh về quãng đời của tôi. Tôi cố gắng sắp xếp hình ảnh theo thứ tự từ Việt Nam sang Úc. Những hình này liên quan đến Ba Má tôi, bà con, hàng xóm ở Việt Nam, những việc tôi làm, những phần thưởng, và kỉ niệm. Có một số hình ảnh người trong nhà không muốn đưa lên. Dĩ nhiên những hình ảnh này không đủ, vì rất rất nhiều hình ảnh thời trước 1975 mất hết do bão lụt và do … ‘nhân tai’. Hình ảnh thời tị nạn chỉ còn vài tấm. Hình thời ở Mĩ cũng rất ít. Chỉ có hình chụp trong thời gian gần đây thì khá phong phú. Xin chia sẻ cùng các bạn để biết qua quãng đời của một refugee như thế nào. Tôi cũng có phiên bản tiếng Anh ở đây.
Đây là căn nhà tôi được sanh ra và lớn lên trong thời niên thiếu. Cái chái bên phải là nhà nuôi gà, heo, sau 1975 trở thành một nguồn kinh tế nuôi cả nhà. Phía bên trái là mấy cây vú sữa, mít, ổi, v.v. Cái sân phía trước là nơi phơi lúa mỗi khi ghe chở lúa trên đồng về. Phía trái nữa (không có trong hình) là nơi để mấy cái máy cày trước 1975 (sau 1975 bị tịch thu rồi … mất luôn).
Phía sau vườn hồi xưa là mương rất nhiều cá. Hồi xưa, hễ có khách tới thăm là chỉ cần ra sau mương câu / hốt vài con cá, cắt vài cọng rau là có bữa ăn đãi khách ngay.Ba Má tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào năm 1991, lúc đó Ba Má tôi ở tuổi 60s. Ba tôi hi sinh một cánh tay trong một trận đánh ác liệt có tên là ‘Cây Trâm’ (gần Rạch Sỏi ngày nay) thời kháng chiến chống Pháp, sau đó giải ngũ và lập gia đình. Vậy mà Ba tôi tập viết, tập làm ruộng y như người có 2 cánh tay. Sau này, Chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt tù Ba tôi vì nghi là cộng sản (không đi tập kết), nhưng chỉ 3 tháng sau thì thả do không có chứng cớ (thời đó coi vậy mà pháp luật nghiêm minh). Má tôi thì chỉ làm nội trợ, suốt đời chưa bao giờ đi ăn ở nhà hàng vì Má tôi dứt khoát nói ‘ở nhà nấu ngon hơn’. Má tôi chỉ lên Sài Gòn 1 lần, và đó là lần nhập viện sau một cơn đột quị. Ba tôi qua đời ngày 22/2/2004, thọ 81 tuổi. Bốn năm sau Má tôi cũng qua đời (17/7/2008, thọ 80 tuổi) sau một cơn đột quị.
Hình này là Bé Thuận, con lớn của em gái tôi, nó gọi tôi bằng cậu. Hình này chụp lúc nó còn nhỏ ở dưới quê. Nay đã là công chức và có 2 con hiện ở Rạch Giá. Hồi Ba tôi còn sống rất thương nó vì nó hay sang nhổ râu cho ông ngoại và được … cho bánh, tiền. 🙂
Hình này là Bé Thoa, con của em gái út tôi, cũng gọi tôi bằng cậu. Tuy là cháu nhưng nó như là con gái trong nhà ở bên Úc. Nó mới lập gia đình bên Úc. Hình này chụp lúc hai cậu cháu đang trong lounge của Sky Team (phi trường Sydney) chờ máy bay về Việt Nam. Lần đầu tiên vào lounge dành cho hạng business, nên nó chụp hình tùm lum. 🙂
Cháu tôi tên Thuý An, nay đã tốt nghiệp bác sĩ từ ĐHYDTPHCM và công tác ở Bệnh viện ngoài Rạch Giá. Nó là cháu nội của Dì Út tôi. Hồi tôi đi nó chưa ra đời, ngày tôi về lần đầu thì nó đã là thiếu niên. Hôm về quê ăn Tết đầu 2020, chị ấy qua kiếm lì xì. 🙂 Ngoại tôi lúc sanh tiền. Hình này chụp vào khoảng cuối thập niên 1980s. Ngoại tôi có tuổi thọ khá tốt (90), nhưng vẫn thua Bà Cố tôi (thọ 102 tuổi). Ông Ngoại tôi qua đời hơi sớm (chẳng biết bịnh gì) nên bà Ngoại là chỗ dựa tinh thần của cả nhà và con cháu.Anh Hai tôi (Nguyễn Tuấn Khải) nhưng ở nhà thì gọi là “Chỉ”. Anh là ‘ngôi sao’ trong gia đình và dòng họ vì là người đầu tiên trong làng đậu tú tài 2 và tốt nghiệp kĩ sư trước 1975. Sau 1975 anh thất chí và hầu như không làm gì ngoài việc tìm đường ra đi. Anh Hai tôi đi vượt biên ngày 12/2/1981 (tức trước tôi chỉ 2 tháng). Nhưng tất cả 25 người trên tàu đều mất tích. Có lẽ anh Hai tôi đã chìm sâu vào Biển Đông. Má tôi suy sụp một thời gian vì mất anh Hai. Đối với tôi, mất anh Hai là một tổn thương lớn, y như mất Ba Má vậy. Thời còn đi học, anh Hai là tấm gương, là cái đích học tôi nhắm tới.Mợ Tư tôi lúc sanh tiền. Nghe nói hồi xưa Mợ Tư tôi đẹp nhứt nhì trong làng, làm xiêu lòng Cậu Tư. tôi Không nhớ hình này chụp lúc nào, nhưng tôi nghĩ là đầu thập niên 1990. Cậu Tư tôi mất sớm trong thời chiến tranh, và Mợ Tư phải nuôi một đám con nhỏ (tức em họ tôi). Mợ Tư tôi qua đời cũng cách đây vài năm, ngay trong lúc tôi đang bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đi Seoul. Tôi không về được để dự đám tang Mợ Tư. Ở dưới quê, dòng họ tôi rất gần nhau, nên mấy người anh em họ rất thân với nhau.
Dì Năm tôi (tức em Má tôi và Cậu Tư). Dì Năm trong nhà nổi tiếng là người nấu ăn ngon, nên hễ trong làng có đám cưới hỏi là Dì Năm được mời đi nấu ăn. Dì Năm là người rất tinh tế, chú ý đến những chi tiết nhỏ (chắc do nấu ăn) và nghiêm khắc. Dì Năm tôi đã qua đời cách đây chừng 8 năm.
Dì Út tôi, như cách gọi, là người thứ út trong gia đình. Dì Út tôi rất hiền lành, không cãi cọ với ai, cũng chẳng làm phiền ai. Chồng Dì Út là dân Quảng Ngãi. Chắc hồi xưa, ông Ngoại tôi thích gả con gái cho dân miền Trung?
Đây là Cậu Ba tôi ngoài Bình Định. Cậu đi tập kết ngoài Bắc và khi về Nam trong thời chiến mang hàm trung tá hay thượng tá (tôi quên, nhưng thời đó cấp tá là oai lắm). Cậu Ba tôi gọi ông Ngoại tôi là Chú. Phải mất hơn 50 năm mới liên lạc được với nhánh gia đình ngoài Trung. Nhớ hoài ngày hai cậu cháu gặp nhau, ổng nói bằng chất giọng Bình Định “Cậu là Bộ đội Cụ Hồ” làm tôi nghĩ thầm “ổng phát biểu lập trường đây, đừng có mà linh tinh.” 🙂 Cậu Ba mới qua đời vài năm trước và thọ 99 tuổi.
Chị Nghĩa (con Cậu Ba tôi), nay làm việc ở Sài Gòn. Chị Nghĩa là người nhắn tin trên đài truyền hình để tìm bà con trong Nam. Cuộc trùng phùng nghe chị ấy kể là ‘trong nước mắt’. Nghe nói khi cậu Ba vào Nam để gặp nhánh trong Nam, gặp Má tôi, Cậu khóc nói “Em tôi đây mà.” Hình này tôi chụp với chị Nghĩa trong một chuyến đi dự hội nghị loãng xương ở Qui Nhơn vào năm 2017 (?)
Hình này tôi chụp cùng các bạn trong trại tị nạn Panatnikhom, Thái Lan vào cuối năm 1981, trước khi tôi lên đường đi định cư ở Úc. Thời ở trại tị nạn, mỗi cái phòng như vậy chứa cả 5-7 người.
Khi đến Sydney đầu năm 1982, tôi theo học lớp học tiếng Anh, và người bên phải tôi là cô giáo dạy tiếng Anh, người bên trái là một học viên từ Ba Lan. Cô giáo tôi vô cùng duyên dáng và rất thương người tị nạn. Tôi còn nhớ cô ấy hẹn tôi năm 2000 ‘xem người làm gì’, nhưng rất tiếc là cô mất trước đó vài năm. Tôi chỉ học ở đây chừng 1 tháng thì đi xin việc làm. Thời đó, có việc làm và kiếm tiền gởi về bên nhà là ưu tiên số 1, chớ chẳng học hành gì cả.
Đây là hình tôi được việc trong Department of Epidemiology and Planning của Bộ Y tế bang New South Wales. Sau gần 1.5 năm làm phụ bếp trong Bệnh viện St Vincent’s (Sydney) và Khác sạn 5 sao Regent’s, tôi kiếm được việc làm ở Labo Pathology thuộc Bệnh viện Royal North Shore, tối ngày xử lí mẫu máu, nước tiểu, và học luôn PCR nữa. Sau hơn 1 năm tôi tìm được việc làm ở đây (Department of Epidemiology and Planning).
Tôi phải học máy tính và cách viết chương trình bằng Fortran. Hình chụp vào giữa thập niên 1980s. Sau việc này, tôi chuyển về học ở Đại học Sydney trong Bộ môn Dịch tễ học và Thống kê học, đồng thời làm ‘tutor’ (trợ giảng) cho Bộ môn thống kê lí thuyết. Thời đó, làm tutor kiếm khá nhiều tiền và mua được nhà.
Đây là hình tôi chụp trong labo nghiên cứu của Viện Garvan. Không nhớ năm nào (chắc 1990s) nhưng đó là thời … trung niên. Mấy cái ‘red book’ là bao nhiêu thông tin thí nghiệm. Cái không gian này tuy nhỏ vậy, nhưng là nơi tôi có nhiều đóng góp cho chuyên ngành loãng xương. Tôi viết luận án cũng tại đây. Nay thì chỗ này đã phá đi để xây lại labo ngon lành hơn (như hình dưới đây).
Sau này Viện Garvan có lab khang trang hơn, và hình này chụp trong lab, lầu 5, nơi thời đó còn làm PCR cho từng gen. Sau này thì việc làm đó là … kinh điển (chẳng ai làm nữa), và đa số đều gởi ra ngoài làm rẻ hơn.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp ở Đại học Macquarie vào năm 1985 (?) Thời đó mới qua, ‘tậu’ được một bộ veston xịn, nhưng còn chưa biết qui ước mặc veston sao cho đúng điệu. Kể ra thì cũng là một kinh nghiệm vậy.Labo nghiên cứu cơ xương do tôi sáng lập tại ĐH Tôn Đức Thắng do Bs Thục Lan làm codirector. Trong hình là các em bác sĩ đang đo lường và phỏng vấn tình nguyện viên trong Dự án Vietnam Osteoporosis Study.
Hình này là lúc tôi nhận testamur từ Viện trưởng Michael Kirby (lúc đó là Chánh án toà án tối cao của Úc). Tôi nhớ khi trao bằng, ông ấy nói “You are a remarkable refugee“. Chỉ là cách nói ngoại giao thôi – tôi nghĩ vậy.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp. Từ trái sang phải: em gái tôi, bà xã, Gs Donald McNeil và anh tôi. Thời đó, Đại học Macquarie được mệnh danh là của kẻ giàu, vì toạ lạc ở miền Bắc Sydney. Tuy vậy, nhưng phòng ốc và building có vẻ cổ kính lắm. Sau 30 năm quay lại, tôi không nhận ra nơi mình từng theo học nữa vì có quá nhiều building và có luôn Khoa Y nữa.
Hình chụp trong lễ tốt nghiệp từ Đại học New South Wales (nay là “UNSW Sydney”) năm 1997. Tôi theo học ở đây từ 1993 đến 1997, và trong thời gian này tôi công bố được 14 công trình. Nhiều khi nghĩ lại tôi không thể nào tưởng tượng mình đã ‘làm việc như trâu’, miệt mài ngày đêm, không phải vì số lượng mà vì muốn công bố trước. Luận án của tôi là ‘Contributions of Genetic and Environmental Factors to Osteoporotic Fracture‘ và được trao giải thưởng Garvan Best Thesis Award. Chú ý hình này tôi đội nón lục giác (tức dành cho mấy người tốt nghiệp tiến sĩ theo truyền thống Đại học Cambridge), còn hình trên là nón tứ gíac (dành cho những người tốt nghiệp cấp dưới tiến sĩ).
Hình chụp nhân dịp tôi được trao học vị ‘Higher Doctorate’ D.Sc (2016), làm lễ 2017. Ở Úc và Anh, DSc là học vị cao hơn PhD, chỉ dành cho những người tốt nghiệp PhD ít nhứt 10 năm. Với học vị này, ứng viên không có ghi danh, mà được xét duyệt vòng sơ tuyển, nếu qua thì được ‘admitted’ để nghiên cứu. Tôi được admitted năm 2014 và chánh thức tốt nghiệp năm 2016, với luận án ‘Contributions to Osteoporosis Research’ với 196 bài báo khoa học làm luận án. Garvan có đi một bản tin về sự kiện này. Báo Guardian (Anh) cũng có một bài về tôi.
Bên trái là Trúc (bây giờ là cháu rể tôi), và bên phải là cháu gái tôi mà trong nhà hay gọi là Bé Thoa (nay đã thành hôn với Trúc). Vì tôi không có con gái, nên nó được xem như là con gái trong nhà.
Người tốt nghiệp DSc được đọc tiểu sử (citation) trước khán đài cho sinh viên y khoa và các giáo sư khác. Citation này được Gs Terry Campbell (Phó Khoa Trưởng Khoa Y) đọc trong ngày lễ tốt nghiệp. Tôi là người thứ 33 thuộc Khoa Y của UNSW Sydney được trao học vị này. Video buổi lễ được upload trên Youtube: https://youtu.be/-SNJ5vKlMds
Huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng do Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Bản tin phía dưới có hình tôi chụp chung với bà Catherine Livingstone, Viện trưởng (Chancellor)của UTS. Tấm huy chương này được in bằng máy in 3D Printer.
Thư chúc mừng được trao giải Nhà nghiên cứu ngoại hạng kèm theo 5000 đôla. 🙂
Tôi trả lời phỏng vấn nhân dịp được trao huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng UTS 2018). Tôi là người thứ hai được trao huân chương này. Người thứ nhứt là Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, cựu khoa trưởng khoa engineering và IT.
Tôi nói: “My name is Tuan Van Nguyen. And I am a professor of predictive medicine at the School of Biomedical Engineering of UTS. My work is really concerned with the prevention of bone fractures due to osteoporosis or low bone mass. So, osteoporosis and osteoporotic fractures, they both represent a major and substantial public health problem – not just in Australia, but also worldwide. We approached the problem through epidemiological research, genetic research and clinical research, and clinical translation.
We came up with the world’s first algorithm for predicting fracture risk at the individual level. We found that each standard deviation lower in BMD [bone mineral density] actually increased the risk of fracture by two fold. And that particular finding was used as a criteria for the diagnosis of osteoporosis around the world.
So that’s one of our major contributions. But the thing that’s really rewarding is that after the publication of the model, there were hundreds of studies around the world that tried to validate the model, or were inspired by the idea that patient and doctor alike can use. That’s the most rewarding experience for us.”
Hình chụp đêm liên hoan ăn mừng được UTS trao Huân chuơng. May phước đêm đó không xỉn. 🙂 Tôi được bầu làm Fellow của Hiệp hội loãng xương Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research – ASBMR) vì những đóng góp họ gọi là ‘distinguished accomplishments‘ trong chuyên ngành loãng xương. Tôi giữ nhiều vai trò có thể nói là trọng trách và leadership trong ASBMR, từ uỷ ban khoa học, uỷ ban xuất bản, editor cho tập san JBMR, v.v. nói chung là đủ thứ việc. Tôi được vinh hạnh là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm viện sĩ của ASBMR. Tôi có một cái note về sự kiện quan trọng này.
Hình chụp nhân dịp tôi được bầu làm Fellow (viện sĩ) Viện hàn lâm y học Úc. Người bên trái là Giáo sư Ian Frazer, chủ tịch Viện hàn lâm. Gs Frazer là người khám phá và phát triển vaccine phòng ung thư cổ tử cung. Hôm đó, tôi có hỏi ông là có giúp được gì cho Việt Nam và cần tôi làm trung gian hay không, ông nói đại khái rằng muốn giúp lắm chớ, nhưng hệ thống hành chánh bên đó khó khăn quá nên ông bỏ cuộc.
Hình dưới là những fellow được bầu vào Viện hàn lâm năm 2018 (lễ kết nạp 2019). Tôi được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong Viện hàn lâm. Tôi có cái note cám ơn ở đây (tiếng Anh) và Tiếng Việt.
Đây là bài viết kiểu ‘vinh danh’ tôi đã có 25 năm đóng góp cho Viện nghiên cứu Y khoa Garvan.
Hình chụp nhân dịp tôi được trao chức danh Giáo sư Danh dự của Đại học Dược Hà Nội. Người bên trái là Gs Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng. Tôi còn là giáo sư danh dự hay giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, và Đại học Tôn Đức Thắng. Tôi có một note giải thích chức danh ‘visiting professor‘.
Đây là hình chụp nhân ngày tôi được trao tặng chức danh ‘Distinguished Professor’ của ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Người bên phải là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, người đã nói theo tiếng Anh là transform TDTU chỉ trong 10 năm. Di sản của anh Danh phải vài chục năm sau người ta mới ghi nhận. Tôi giúp cho TDTU từ 2015 qua các việc như lập labo nghiên cứu về xương và cơ, chair hội đồng bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho TDTU, và tham mưu chiến lược phát triển. Sau này tôi mới biết là trước khi trao chức danh này TDTU đã có ‘peer-review’ từ các giáo sư nổi tiếng bên Úc, Anh, Mĩ, và Canada. Tôi rất thích cách làm đó, nhưng rất tiếc là VN chưa có trường nào làm vậy. Tôi có một note về sự kiện này.
Đây không phải là giải thưởng gì, nhưng vối tôi là một phần thưởng rất có ý nghĩa. Tôi tổ chức và giảng cho mấy chục workshop ở Việt Nam (từ Bắc chí Nam), và số bác sĩ tham dự chắc cỡ vài ngàn. Một hôm tôi nhận lá thư này từ một em bác sĩ da liễu (Ngọc Bích) làm tôi cảm động lắm, và xem đó là phần thưởng qúi báu trong đời.
Đây cũng không phải là giải thưởng gì cả, nhưng với tôi là một phần thưởng qúi lắm. Nhân ngày Nhà giáo gì đó, các em sinh viên ở Úc hùn nhau mua một cây viết Parker (chẳng hiểu sao họ biết tôi thích cây viết này) và kèm theo thiệp chúc với những lời làm tôi cảm động lắm lắm.
Một lần trả lời phỏng vấn cho truyền thông phương Tây. Hình này chụp lúc tôi trả lời báo chí Mĩ nhân tham dự hội nghị ASBMR ở Hawaii. Họ hỏi tôi về một nghiên cứu khá ‘đình đám’ trong hội nghị.
Tôi đi giảng và nói chuyện ở rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng hình chụp lưu niệm thì chẳng bao nhiêu. Hình này là do Bs Nguyễn Đình Nguyên chụp nhân một bài nói chuyện ở Canada vào năm 2007.Hình này chụp lúc tôi nói chuyện trong một hội nghị loãng xương quốc gia ở New Zealand.
Tôi được coi là người đem chuyên ngành loãng xương về Việt Nam. (Báo Sức Khoẻ và Đời sống có một bài về tôi). Nói to tát ghê. Đây là hình chụp lúc tôi tổ chức hội nghị quốc tế về loãng xương lần đầu tiên ở Việt Nam. Từ trái qua phải: Ts Trần Hoàng Ngọc Bích (một trong những học trò xuất sắc cũ tôi), Ts Nguyễn Đình Nguyên (cũng học trò xuất sắc luôn, sau này bỏ nghiên cứu ra làm GP), và Giáo sư John Eisman (thầy tôi). Tấm hình này có thể xem là 2 thế hệ. 🙂
Hình chụp lưu niệm trong Ban tổ chức hội nghị Strong Bone Asia. Hội nghị này đem về cho Hội Y học TPHCM một thu nhập đáng kể để phát triển về sau.
Hình này chụp lúc tôi làm thông dịch cho Gs Dương Quang Trung mà tôi gọi thân mật là Chú Tư (lúc đó là Chủ tịch Hội Y học TPHCM). Chú Tư (dân gốc Cà Mau, là dân bên Tây về, cùng thời Bs Phạm Ngọc Thạch bên Pháp) và tôi có biết bao nhiêu kỉ niệm. Chú nói tiếng Pháp khỏi chê, nhưng với tiếng Anh thì chú phải nhờ tôi. Tôi cầm tờ giấy chớ thật ra tôi có đọc gì đâu, tôi chỉ nghe chú ấy nói là tôi dịch ngay. Khi xuống khán đài, chú Tư hỏi “Hồi nãy có câu tôi nói cũng khá dài, sao anh dịch ngắn vậy?” Chú hay gọi tôi bằng ‘Anh’. Tôi giải thích một hồi rồi nói: “Dạ, tiếng Anh nhiều khi nó ngắn chú ơi”. Ổng mỉm cười kiểu nói ‘Thằng này lém lỉnh.” Có lần tôi về VN công tác, chú kéo tôi ra hành lang, hỏi tôi là có phải kí tên vào bản ý kiến gì phải không, tôi nói phải. Rồi chú Tư nói ‘lúc này tôi biết xài internet rồi, tôi đọc nhiều lắm, nhưng anh nên cân nhắc nói những gì cần nói thôi.’ Tôi nghĩ đó là lời khuyên của người biết nhiều trong hệ thống. 🙂
Hội nghị loãng xương Châu Á được tổ chức ở Hong Kong vài năm trước. Nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study chúng tôi chiếm liền 3 giải thuởng! Bên trái là Bs Hồ Phạm Thục Lan, bên phải là Bs Đoàn Công Minh bên poster được trao giải xuất sắc.
Tôi là Chair của Pan Asian Biomedical Science (2018 – 2020). Đây là hội nghị PABS được tổ chức rình rang ở Đà Nẵng. Lúc đó, Gs Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) và PGS Nguyễn Đăng Quốc Chấn là người đứng đằng sau ban tổ chức. Tôi chỉ là người ‘bề ngoài’ với khách nước ngoài. Kể từ đó, tôi trở thành một người của Đại học Đà Nẵng.
Tôi chụp hình lưu niệm với các đồng nghiệp Á châu (hình trên) và các bạn trong ban tổ chức ở Đà Nẵng (hình dưới). Tôi xem đây là một đóng góp cho Đại học Đà Nẵng. Người đứng bên phải có tên rất hay là ‘Hằng Nga’, là tiến sĩ từ Tây về, còn người đẹp gái bên cạnh Hằng Nga là Oanh; hai người này gíup tôi rất nhiều trong khâu tổ chức.
Ngoài tổ chức hội nghị quốc tế ở Việt Nam, tôi còn tổ chức hàng chục (hay trăm) lớp học lớn nhỏ ở VN trong suốt 25 năm qua. Đây là một lớp học được tổ chức ở Đại học Y Dược TPHCM vào đầu thập niên 2000 do chị Thy Khuê đứng ra làm. Nhiều người trong hình này nay đã là tiến sĩ và phó giáo sư.
Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức. Tôi nhớ hoài một ‘incident’ khi tôi đứng giảng và chú ý thấy chị Khuê nghe điện thoại xong có vẻ lo lắng lắm. Mãi đến sau này hỏi mới biết là công an gọi điện hỏi sao lớp học có người nước ngoài mà không xin phép. Chị Khuê nói tôi về hàng năm, hồ sơ đã có trong Sở Y tế và công an rồi, nên không cần xin phép nữa. Họ nói hễ tổ chức lớp học là phải xin phép. May phước họ dzu dzi cho qua.
Bác sĩ Khả Nhi có một bài phỏng vấn tôi về những việc làm bên Việt Nam tại đây.
Một lớp học ở Đại học Tôn Đức Thắng. Nói chung lớp học nào tôi giảng đều thu hút từ 100 đến 250 người từ mọi miền đất nước tham dự. Mỗi khoá học như vậy kéo dài từ 5 – 14 ngày, với rất nhiều bài giảng. Rất vui và hào hứng vì giúp cho nhiều bạn sau này trở thành tiến sĩ và giáo sư.
Khoá học ở Đại học Tôn Đức Thắng lúc nào cũng thu hút hàng trăm học viên từ mọi miền đất nước. Một lớp học ở Trường Đại học Nha Trang năm 2017 do tôi, Ts Trần Sơn Thạch và Ts Hà Tấn Đức phụ trách. Đây là lớp học do anh giám đốc Sở khoa học và công nghệ Khánh Hoà mời. Tôi nhớ hoài khi ngày thứ 4 anh đến nói lời kết thúc lớp học, anh rất ngại vì trước đây đến ngày thứ 2 là học viên chỉ còn vài người thôi. Nhưng khi anh tới, anh kinh ngạc thấy ngày kết thúc khoá học mà số học viên còn đông hơn lúc khai mạc. Anh ấy vui lắm. Sau này chúng tôi còn quay lai 2 lần nữa cũng tại đây.
Tôi là một trong những sáng lập viên Hội loãng xương TPHCM. Chúng tôi tổ chức hội nghị khoa học mỗi năm. Đây là hội nghị được tổ chức ở Đà Lạt vào năm 2018. Hình này tôi chụp cùng ban tổ chức và các bạn đồng nghiệp. Hình này đúng là đầy đủ ‘who is who’ trong bộ lạc loãng xương ở Việt Nam (từ trái qua phải): Bs Huỳnh Văn Khoa (Chợ Rẫy); Bs Nguyễn Văn Hùng (Bạch Mai); Gs Trần Tam (Huế); Gs Nguyễn Hải Thuỷ (Huế); tôi; PGs Lê Anh Thư (Chủ tịch Hội); PGS Trương Văn Việt (Cựu Giám đốc BV Chợ Rẫy); Gs Trần Ngọc Ân (Hà Nội); Bs Linh (Chợ Rẫy, phu nhân của Bs Nguyễn Tri Thức nay là Giám đốc BV Chợ Rẫy); Bs Thục Lan (BV 115); PGs Vũ Thanh Thuỷ (Hà Nội); PGs Vũ Đình Hùng (Quân Y Sài Gòn); PGs Phạm Văn Thanh (Cựu Giám đốc Sở Y tế TPHCM); Gs Nguyễn Tấn Bỉnh (nay là Giám đốc Sở Y tế TPHCM); và PGs Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy).
Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.
Hội nghị khoa học thường niên của Hội loãng xương TPHCM tại Tuy Hoà 2017. Trong hình là các thành viên trong nhóm nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study. Từ trái sang phải: Bs Minh Châu, Ts Trần Sơn Thạch, Bs Thục Lan, Bs Mai Duy Linh, và Bs Đoàn Công Minh. Năm nào, nhóm này cũng có những đóng góp về nghiên cứu original cho hội nghị.
Cùng các bạn và học viên Đại học Đồng Tháp nhân dịp tôi về đó giảng 3 ngày. Hình này chụp vào năm 2018. Tôi đến đây giảng lần đầu vào năm 2013, và sau đó thì năng suất khoa học (công bố quốc tế) của Trường tăng cao thấy rõ. Thế là các bạn ấy mời tôi quay lại nói chuyện nữa. Tôi thích đi mấy tỉnh miền Tây, một phần vì gần nhà, một phần vì muốn thưởng thức các món ăn miền Tây, thích la cà trong mấy quán bánh tằm, cháo lòng, v.v. và nghe chuyện thời sự.
Cùng với các bạn trong Hội Đau TPHCM. Từ trái qua phải: PGS Võ Văn Thành, PGS Nguyễn Thi Hùng, tôi, PGS Hàn Quốc, PGS Lê Anh Thư và PGS Vân Anh. Hôm đó tôi nói về hiệu ứng placebo và nocebo. Đây là hội nghị mà anh Hùng là ‘chủ xị’.
Hình chụp nhân dịp tôi dự lễ kỉ niệm 5 năm ngày thành lập Viện y học Đinh Tiên Hoàng ngoài Hà Nội. Tôi là thành viên tư vấn cho Viện. Hôm đó thật là vui. Viện này do Ts Nguyễn Thị Thanh Hương, cựu học trò tôi ở Viện Karolinska (Thuỵ Điển), thành lập.
Hình chụp nhân dịp Bs Nguyễn Đình Nguyên tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc và chiếm luôn giải thưởng Luận án Tiến sĩ Xuất sắc của Viện Garvan. Ở Viện Garvan chỉ có 2 người Việt có danh dự này: Nguyên và tôi, cả hai đều họ Nguyễn 🙂
Hình chụp nhân ngày tốt nghiệp PhD của Phương Thảo (dân Hà Tĩnh, cũng là một học trò xuất sắc). Người đứng giữa là Hà, làm trong lab tôi. Tôi có viết một note ghi lại cảm tưởng của “kẻ đưa đò.”Đây là Mai Thị Hà (người từng làm trong lab tôi chừng 1 năm) trong ngày cưới của cháu ở Nam Định. Chiều đó tôi đi công tác ở Hà Nội, và phải đón xe về Nam Định để dự đám cưới của Hà. Tôi rất thương nó, nhỏ tuổi hơn con tôi, nhưng vất vả và bôn ba hơn nhiều con tôi nhiều. Tôi xem nó như là một người Việt tiêu biểu: cực khổ, phấn đấu vươn lên, thông minh. Ngày tôi phỏng vấn nó và nói rằng sẽ nhận nó vào làm việc trong lab, nó ra ngoài khóc, làm tôi hoảng vì tưởng mình đã nói gì xúc phạm. Hoá ra, nó nói từ ngày sang Úc đến nay nó được đối xử tử tế. Trời!
Hình chụp nhân lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Hồ Lê Phương Thảo và Daniela Tesorioro (học trò tôi) người được trao bằng cử nhân hạng danh dự số 1.
Phương Thảo được trao giải thưởng Young Investigator Award của ASBMR (Mĩ) năm 2017.
Đây là ‘Đồng chí’ Bs Thái Viết Tặng (người cầm bó bông) nhân dịp lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tặng là đồng hương Kiên Giang với tôi và cũng là người tôi hướng dẫn luận án. Đêm đó, sau buổi lễ tốt nghiệp, cả ‘đám’ Kiên Giang kéo nhau đi nhậu ở Hà Đông. Thiệt là vui. May phước tôi không xỉn để còn chuẩn bị cho 3 ngày giảng sau đó.
Đây là Phạm Nữ Hạnh Vân trong buổi lễ tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi và Gs Nguyễn Thanh Bình (bên phải) là người hướng dẫn luận án cho Hạnh Vân. Chiều đó, sau buổi lễ bảo vệ luận án là phu quân của Hạnh Vân kéo cả nhóm ra một nhà hàng ở Hà Nội ăn uống, có dịp gặp nhiều bạn khác. Tôi phải ghi thêm một thông tin vui vui là hễ Hạnh Vân đi dự hội nghị hay nói chuyện thì ai cũng nói ‘Ui, người đâu mà xinh thế’ mà không chịu nghe cô ấy nói. 🙂 Theo tôi thấy, Hạnh Vân là người rất khéo nói, hiền lành, lễ phép, và tinh tế, đúng với chất người con gái Bắc như Phạm Duy hay mô tả.
Thời thập biên 1980s tôi có tổ chức lớp dạy học cho mấy em học sinh Việt Nam sắp thi tú tài II ở Sydney. Trường tiểu học Bass Hill cho mượn phòng, nên tôi tổ chức nhiều lớp cho các em ấy (đúng ra là con cháu). Có hàng trăm em đã học từ lớp học này và nay đã là kĩ sư, bác sĩ, luật sư, v.v. Nhiều khi mấy em ấy gặp tôi trên xe lửa và tới chào, chớ tôi cũng không nhớ hết mấy em ấy. Tôi xem đây là một đóng góp cho cộng đồng làm tôi nhớ mãi trong đời.
Đây là Giáo sư Donald McNeil, người đã cho tôi cơ hội theo học tại Đại học Macquarie. Thầy là người rất tốt bụng với dân tị nạn. Có người chẳng có giấy tờ gì, nhưng chỉ qua phỏng vấn là thầy cho vào học. Tôi nhớ ơn thầy McNeil suốt đời. Ngày Thầy về hưu, tôi đến nói lời chia vui mà ai cũng rơm rớm nước mắt.
Giáo sư Barry Marhsall (Giải Nobel 2005) chụp hình nhân dịp lễ induction các Fellow của Viện hàn lâm y học. Giáo sư Marshall là người được bầu vào Viện trước tôi 3 năm. Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần. Giáo sư Bruce Robinson (giữa, cựu Khoa trưởng Khoa Y, Đại học Sydney) và Giáo sư Bruce Robinson (cùng tên, ở ĐH Melbourne). Hai người này cùng được bầu vào Viện hàn lâm y học cùng năm với tôi. Khoa trưởng Robinson là người bạn rất thân thiết với bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Đây là Bs Marilyn Rob, Giám đốc trung tâm Epidemiology and Planning của Bộ Y tế NSW, người dạy tôi về dịch tễ học và làm cho tôi đam mê nghiên cứu. Marilyn có bằng tiến sĩ về thống kê học nữa, còn ông chồng lúc đó làm cho IBM. Tôi coi Marilyn như bà chị cả, và đứa con đầu lòng của tôi có tên Laurence (là tên con út của Marilyn) để đánh dấu thời mà Marilyn cưu mang tôi suốt 3 năm trời. Nhớ hoài Mariyn lúc nào cũng nói ‘You can do better‘ và khuyến khích tôi tìm cơ hội cao hơn.
Đây là hình chụp lúc tôi tiêu ra 1 tháng ở Viện nghiên cứu Southwest Foundation for Biomedical Research (San Antonio, Texas). Người dạy tôi về genetic linkage analysis là Ts John Blangero (người ngồi đầu bàn), tôi xem anh ta là một thiên tài. Anh ta có mái tóc giống như Isaac Newton! Hôm đó là ngày tiễn tôi về Ohio, nên cả nhóm kéo ra nhậu ở một quán thịt bò mà thực khách tự lấy thịt đem đi nướng và tự lấy bia. Vui ơi là vui!
Hình này tôi chụp với Gs Phạm Song (cựu Bộ trưởng Y tế) trong Hội nghị Strong Bone Asia. Bác ấy nghe tôi nên đến làm quen. Hôm đó, bác ấy nói rất nhiều về tình hình y tế Việt Nam. Sau này Gs Song qua đời.
Hình này tôi thích lắm. Hôm đi dự hội nghị quốc tế về loãng xương ở Denver, tôi nói chuyện xong và ra ngoài thì thấy một em chờ làm quen. Hoá ra em này là postdoc (hậu tiến sĩ) tên là Phạm Thanh Hải đứng gần tôi và một em nghiên cứu sinh (nữ) từ Nhật (bên phải tôi) có tên đặc biệt là Mộc Hà. ‘Tha hương ngộ cố tri’ và thế là chụp mộ bô hình làm kỉ niệm.
Hình này có một câu chuyện rất hay. Hôm đi dự hội nghị loãng xương ở Montreal, tôi đi ra khu phố Á châu để tìm món Việt ăn trưa. Em bồi bàn đến hỏi tôi ăn gì, rồi em hỏi luôn (tiếng Anh) ‘có phải bác là Gs Tuấn’. Tôi kinh ngạc nói phải rồi. Hoá ra em này là nghiên cứu sinh Việt Nam ở Canada, đi làm thêm để kiếm tiền, và em ấy hay đọc những bài ‘tâm tình’ của tôi trên blog và theo dõi bài giảng giúp cho em ấy học tốt hơn. Trời! Không ngờ gặp một người bạn đặc biệt như thế ở đây, và thế là chụp hình lưu niệm.