Viện nghiên cứu Tâm Anh

Cuộc đời như là một chuyến đi, và trong chuyến đi dài đó thỉnh thoảng có một ‘cua quẹo’ hơi đột ngột. Hôm nay là một ngày như vậy: ngày ra mắt Viện nghiên cứu Tâm Anh — Tâm Anh Research Institute. Viết tắt là TAMRI.

Chuyện là mấy hôm nay có lẽ các bạn ấy đã nghe qua báo chí rằng Viện nghiên cứu Tâm Anh (Tâm Anh Research Institute hay TAMRI) đã được thành lập — hay nói chính xác là có giấy phép thành lập. Tôi muốn nghĩ rằng đây là một phát triển quan trọng trong y học ở Việt Nam, nên xin có vài dòng trước là chia sẻ và sau là thông báo.

Tâm Anh đã được biết đến như là một hệ thống bệnh viện chất lượng cao và thu hút nhiều chuyên gia nổi tiếng. Bệnh viện Tâm Anh ở Hà Nội ra đời vào 2016, còn Bệnh viện Tâm Anh ở TPHCM thì mới khai trương năm 2021. Tuy sự hiện diện ngắn, nhưng hệ thống bệnh viện Tâm Anh đã trở thành một địa chỉ tin cậy của bệnh nhân và một ‘game changer’ trong hệ thống y tế.

Gần đây, Trường Đại học Tâm Anh đã được phép thành lập và đang được xây dựng tại Bến Lức, tỉnh Long An. Hi vọng rằng Trường Đại học Tâm Anh sẽ khánh thành vào năm 2025. Trái với nhiều suy đoán, Đại học Tâm Anh sẽ là một đại học đa khoa, chứ không phải chỉ y khoa.

Viện nghiên cứu Tâm Anh hay TAMRI ra đời cùng với hai thiết chế trên. Trên danh nghĩa, TAMRI là một thiết chế đứng song song với Bệnh viện Tâm Anh và Trường Đại học Tâm Anh. TAMRI không nằm trong, nhưng có tương tác chặt chẽ với, bệnh viện hay Trường đại học Tâm Anh.

Nếu hệ thống bệnh viện Tâm Anh đã là một ‘game changer’ trong lãnh vực y tế, thì TAMRI cũng sẽ phấn đấu trở thành một game changer trong nghiên cứu y khoa ở Việt Nam và trong vùng.

Tôi muốn các đối tác quốc tế khi đến TAMRI ghi nhận rằng đây là một viện nghiên cứu y khoa đúng nghĩa và nghiêm chỉnh — nói theo tiếng Anh là một ‘serious player’.

Tầm nhìn và tổ chức

Do đó, tầm nhìn (vision) của Tâm TAMRI là ‘Trở thành một trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu ở châu Á qua những nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, và qua hợp tác, chuyển giao khám phá đến ứng dụng trong lâm sàng nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.’

Dựa trên tầm nhìn đó, TAMRI có 3 trụ cột chánh: discovery | translation | collaboration (khám phá | chuyển giao | hợp tác). Nói cách khác, TAMRI sẽ theo đuổi các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lâm sàng, và qua hợp tác với các đối tác quan trọng, chuyển giao thành quả nghiên cứu đến ứng dụng lâm sàng.

Từ tầm nhìn trên, TAMRI được cơ cấu theo mô hình matrix với nhiều ‘dòng’ và ‘cột’. Mỗi dòng là một nhóm nghiên cứu chuyên ngành, như ung thư, tim mạch, tiết niệu, hô hấp, chuyển hoá, xương khớp, IVF, v.v. Sẽ có hơn 10 nhóm nghiên cứu như thế. Ngoài các nhóm, TAMRI có 4 themes (tạm dịch là ‘khoa’): khoa học lâm sàng, khoa học cơ bản, khoa học dữ liệu, và đào tạo. Các khoa sẽ vừa nghiên cứu vừa hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm nghiên cứu. Tôi nghĩ với cách tổ chức này, TAMRI sẽ tăng sự tương tác giữa các đồng nghiệp.

* Bốn khoa của TAMRI rất quan trọng và đáp ứng theo xu hướng nghiên cứu y khoa hiện đại. Khoa học lâm sàng sẽ là khoa phụ trách về thiết kế các thử nghiệm lâm sàng (RCT) và các nghiên cứu đoàn hệ.

* Khoa học cơ bản, như tên gọi, sẽ tập trung vào các nghiên cứu cấp độ tế bào và gen. Trước mắt tập trung vào các nghiên cứu genomics và ứng dụng vào y học chính xác. Chúng tôi kì vọng sẽ xây dựng một labo nghiên cứu cơ bản y như các labo khác ở Úc và các nước tiên tiến.

* Nghiên cứu khoa học ngày nay cho ra rất nhiều dữ liệu,. Từ các khoa chẩn đoán hình ảnh đến genomics, khối lượng dữ liệu phát sinh rất rất lớn, nên nhu cầu xử lí và phân tích dữ liệu hết sức quan trọng. Do đó, khoa học dữ liệu là một khoa trụ cột của TAMRI.

* Ngoài ra, do năng lực khoa học của nhiều bác sĩ vẫn còn hạn chế, nên TAMRI đề ra khoa đào tạo với mục tiêu nâng cao năng lực khoa học cho mọi thành viên. Một số chương trình huấn luyện về GCP, CME, đạo đức và liêm chánh khoa học sẽ được triển khai cho tất cả các nghiên cứu viên.

Định hướng

Về định hướng chung, TAMRI sẽ theo đuổi các nghiên cứu thiết thực và liên quan đến sức khoẻ của người Việt Nam và đặt lợi ích của người Việt lên hàng đầu. TAMRI sẽ không theo đuổi các ‘dự án trên mây’ hay không có giá trị thực tiễn đối với Việt Nam.

TAMRI sẽ kiến tạo một ngân hàng sinh học (biobank) cho Việt Nam. Theo trào lưu thế giới, biobank càng ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ cho nghiên cứu khoa học mà còn cho các nghiên cứu lâm sàng. Cá nhân tôi từng có vài lần thổ lộ xây dựng một biobank cho Việt Nam và nay thì cơ hội đã tới với Tâm Anh.

TAMRI cũng sẽ tập trung vào một số nghiên cứu genomics và digital health. Trong tương lai, genomics sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho nền y tế, nên ngay từ bây giờ cần phải xây dựng năng lực khoa học và cơ sở vật chất cho genomics ở Việt Nam. Xây dựng qua các nghiên cứu đoàn hệ hàng vạn người với đầy đủ ‘phenotype’.

Một ‘ngôi nhà’ cho postdoc

Có một điều tôi rất trăn trở và cố gắng thực hiện ở TAMRI: đó là phấn đấu thành một ‘ngôi nhà’ cho các nghiên cứu sinh từ nước ngoài làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ. Xong tiến sĩ thì mới là bước đầu của sự nghiệp khoa học, đa số phải qua một thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ (cũng giống như bác sĩ phải trải qua các giai đoạn huấn luyện sau khi tốt nghiệp trường y). Nhưng rất ít các nghiên cứu sinh gốc Việt có cơ hội hậu tiến sĩ (postdoc).

Như các bạn biết, đa số nghiên cứu sinh học ở nước ngoài khi xong tiến sĩ thì bị ‘đuổi’ về nước chứ không có cơ hội làm nghiên cứu hậu tiến sĩ. Nhưng khi về nước thì không có nơi để họ nghiên cứu, đặc biệt là lãnh vực khoa học cơ bản và khoa học lâm sàng. Do đó, tôi cố gắng phấn đấu sao cho TAMRI là nơi để các bạn xong tiến sĩ ở nước ngoài có dịp tiếp tục sự nghiệp khoa học cấp postdoc.

TAMRI sẽ kiến tạo một môi trường khoa học mới và văn hoá khoa học mới. Trong vài tuần sắp tới, TAMRI sẽ tuyển dụng một số vị trí liên quan đến khoa học cơ bản, khoa học dữ liệu, genomics, biobank, v.v. TAMRI sẽ ưu tiên cho các ứng viên với kinh nghiệm nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu cơ bản và khoa học đư liệu qua các công trình công bố trên các tập san y khoa hàng đầu thế giới. Nói cách khác, TAMRI sẽ cố gắng chọn ‘the best’.

Các bạn nhớ theo dõi và chuẩn bị nghen. Đây là cơ hội để các bạn có thể cống hiến có ý nghĩa cho y học Việt Nam. Nếu các bạn biết đồng nghiệp người nước ngoài cấp senior lecturer đến professor thì có thể giới thiệu để họ đệ đơn.

Hơn 30 năm trước tôi từng thổ lộ một giấc mơ thầm kín. Tôi mơ là Việt Nam sẽ có một viện nghiên cứu y khoa đúng nghĩa như những nơi tôi từng làm hay từng ghé qua trên thế giới. Bẵng đi một thời gian tôi nghĩ giấc mơ đó không thể thành hiện thực nên tôi … quên đi. Không ngờ ‘cơ hội Tâm Anh’ lại tới một cách tình cờ. Tôi gọi là ‘tình cờ ngọt ngào’ — sweet incident. Viện nghiên cứu Tâm Anh hay TAMRI sẽ là một viện nghiên cứu y khoa đúng nghĩa ở Việt Nam. Và, tôi có cơ may thực hiện giấc mơ thầm kín của mình trong những năm mùa thu của cuộc đời!

Giới thiệu BONEcheck cho đánh giá nguy cơ loãng xương và gãy xương

Bạn (hay thân nhân) muốn biết mình có nguy cỡ loãng xương? Bạn muốn biết nguy cơ gãy xương của mình là bao nhiêu? Bạn muốn biết bộ xương của mình bao nhiêu tuổi? Bạn đã đo mật độ xương và muốn biết chừng nào đo lại? Bạn muốn biết cách phòng ngừa loãng xương? Tất cả đều được trả lời trong ứng dụng BONEcheck (https://bonecheck.org)

BONEcheck là một công cụ số (digital tool) mang tính cách tân trong chuyên ngành loãng xương và là thành quả của 30 năm nghiên cứu về dịch tễ học, lâm sàng, di truyền học và tâm lí học [1]. Mục đích của BONEcheck là giúp cho mỗi cá nhân trong cộng đồng tự quản lí và phòng ngừa loãng xương. Một mục đích khác là giúp cho các bác sĩ lâm sàng tiên lượng nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân và có kế hoạch can thiệp kịp thời để phòng chống gãy xương.

Loãng xương là bệnh lí mà mật độ xương bị suy giảm, cấu trúc xương bị suy thoái, và hậu quả là tăng nguy cơ gãy xương. Ở Việt Nam, khoảng 30% nữ và 15% nam trên 50 tuổi bị loãng xương mà họ không biết vì loãng xương diễn ra một cách âm thầm.

Gãy xương là một biến cố quan trọng bởi vì nó làm tăng nguy cơ tử vong. Khoảng 30-40% ca gãy cổ xương đùi chết trong vòng 12 tháng — còn cao hơn cả ung thư vú. Gãy các xương khác cũng tăng nguy cơ tử vong (và chúng tôi mới công bố một nghiên cứu lớn cho thấy như thế [2]). Ở những người sống sót sau gãy xương thì nguy cơ gãy xương lần nữa tăng gấp 2-3 lần so với lần trước và họ thường bị gãy xương sớm hơn lần trước. Chưa nói đến tốn tiền để làm phẫu thuật, bệnh nhân gãy xương giảm chất lượng sống nghiêm trọng. Những sự thật trên cho thấy các bạn cần phải quan tâm — quan tâm một cách nghiêm chỉnh — bộ xương của mình.

BONEcheck rất khác với những công cụ hiện hành như Garvan Fracture Risk Calculator và FRAX. BONEcheck có độ tiên lượng chính xác cao hơn FRAX — đó là kết quả của nhiều nghiên cứu đã chỉ ra như thế [3]. BONEcheck cung cấp nguy cơ gãy xương 5 năm, FRAX 10 năm. BONEcheck cung cấp diễn giải nguy cơ gãy xương, FRAX chỉ cung cấp xác suất mà không diễn giải. BONEcheck dùng icon để thể hiện nguy cơ, FRAX dùng con số. Ngoài ra, BONEcheck cung cấp hiệu quả của điều trị để bác sĩ và bệnh nhân thảo luận.

Một cách tân của BONEcheck là khái niệm “Skeletal Age” hay Tuổi Xương [2]. Đây là khái niệm do tôi đề xướng và định nghĩa như là tuổi của bộ xương sau khi bị gãy xương HAY chưa gãy xương nhưng có yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ gãy xương. Nếu một người 60 tuổi mà có tuổi xương 65 thì điều này có nghĩa là người đó có thể sẽ mất 5 năm sống, và do đó cần phải can thiệp để giảm tuổi xương.

Bên chuyên ngành tim mạch có Heart Age (tuổi tim), bên chuyên ngành hô hấp có Lung Age (tuổi phổi), thì bên ngành loãng xương chúng tôi đề nghị Skeletal Age. Tuổi xuơng trong thực tế là một sáng kiến nhằm cung cấp thông tin về nguy cơ gãy xương một cách hữu hiệu cho công chúng.

Hiện nay có khá nhiều thông tin sai trái về loãng xương trên mạng, kể cả những quảng cáo hoàn toàn phản khoa học do vài nghệ sĩ (?) tiếp tay. Trong khi đó nhiều người có thể chưa bị loãng xương nhưng họ muốn biết cách phòng chống loãng xương. Để đáp ứng nhu cầu đó chúng tôi thêm một cái tab ‘Phòng ngừa’ để họ có thông tin thiết thực và chánh thống về phòng chống loãng xương.

Vấn đề lớn nhứt trong chuyên ngành loãng xương là đa số bệnh nhân không được điều trị. Điểu này có nghĩa là họ có nguy cơ tử vong cao. Một trong những lí do bệnh nhân loãng xương không điều trị là do cách truyền đạt thông tin về nguy cơ chưa tốt. BONEcheck tận dụng các nghiên cứu tâm lí học để trình bày thông tin về nguy cơ một cách dễ hiểu cho cả bác sĩ và bệnh nhân.

Các bạn có thể truy cập BONEcheck qua trang web:  https://bonecheck.org 

Các bạn cũng có thể tải ứng dụng BONEcheck trong Apple Store và Google Play. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Bài giới thiệu BONEcheck trên youtube

Sau hơn 1 ngày ‘khai trương’ đã có gần 4000 người sử dụng BONEcheck trên khắp thế giới. Một phần lớn đến từ Pháp, Úc, Việt Nam, Mĩ. Nhưng cũng có khá nhiều người từ Anh, Tân Tây Lan, Bỉ, Canada, Thuỵ Sĩ, Ái Nhĩ Lan, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Hung Gia Lợi, Do Thái, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kì, Hoà Lan, Ukraine, China, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn, Nam Phi, UAB, Saudi Arabia, Lebanon, Iran, Ai Cập, Morocco, etc.

Tham khảo:

[1] Bài báo mô tả quá trình xây dựng và bối cảnh ra đời của BONEcheck: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2023.05.10.23289825v1

[2] Mối liên hệ giữa gãy xương và giảm tuổi thọ, đồng thời đề xướng khái niệm ‘Skeletal Age’: https://elifesciences.org/articles/83888

[3] Một bài tổng quan ngắn so sánh giữa FRAX và Garvan (tức BONEcheck): https://www1.racgp.org.au/ajgp/2022/march/personalised-assessment-of-fracture-risk

[4] Bài báo tổng quan về lãnh vực đánh giá gãy xương theo trường pháp y học cá nhân hoá: https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/17446651.2021.1924672

Thông cáo báo chí: giới thiệu BONEcheck

Dưới đây là bản thông cáo báo chí (dịch sang tiếng Việt) của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) về công cụ đánh giá sức khoẻ xương BONEcheck.

Bắt đầu thông cáo

Các nhà khoa học của UTS đã kiến tạo một công cụ đột phá nhằm cải thiện sức khoẻ xương và giảm tử vong

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney — UTS) đã đo lường tác động của gãy xương đến nguy cơ tử vong, và sáng chế ra một công cụ gíup bác sĩ và bệnh nhân tự đánh giá nguy cơ của họ.

Công trình nghiên cứu ‘Skeletal Age’ for mapping the impact of fracture on mortality mới được công bố trên tập san eLife, một tập san khoa học rất chọn lọc và hàng đầu trên thế giới.  

Trong nghiên cứu trên 1.6 triệu người, các nhà khoa học phát hiện rằng một sự gãy xương có thể làm giảm tuổi thọ từ 1-7 năm, tuỳ vào giới tính, tuổi, và vị trí xương bị gãy.

Xây dựng từ kết quả này và các nghiên cứu trước đây tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan (các giáo sư John Eisman, Tuan Nguyen và Jacqueline Center), họ đề xướng ý tưởng ‘Tuổi Xương’ (‘Skeletal Age’) như là một chỉ số để định lượng sự ảnh hưởng của gãy xương đến tử vong.

Chỉ số này đã được triển khai trong một website và cũng là một công cụ BONEcheck. Hiện nay BONEcheck có phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Mục đích của BONEcheck là tiên lượng nguy cơ gãy xương, nguy cơ loãng xương, ước tính tuổi xương, và qua đó, giúp cho bác sĩ và công chúng nhận thức tốt hơn về bệnh loãng xương.

Giáo sư Xuất sắc của UTS Nguyễn Văn Tuấn là người chủ trì công trình nghiên cứu cho biết nguy cơ tử vong sớm đặc biệt là cao đối với những bệnh nhân bị gãy xương hông, với khoảng 30% bệnh nhân chết sau 12 tháng bị gãy xương.

Tuy nhiên, nguy cơ tử vong cũng tăng ở bệnh nhân bị gãy các xương khác.

Mặc dù gãy xương giảm tuổi thọ của bệnh nhân, đa số bệnh nhân không nhận ra thực tế này,” Giáo sư Tuấn nói.

Bằng cách xác định số năm sống bị suy giảm, chỉ số Tuổi Xương hay ‘Skeletal Age’ có mục đích chánh là cung cấp cho bệnh nhân một sự hiểu biết rõ hơn về tác động nguy hiểm của gãy xương.

Giáo sư Tuấn nói: “Với nhận thức tốt hơn về nguy cơ tử vong, bác sĩ và bệnh nhân sẽ có dịp thảo luận và đi đến một biện pháp thiết thực nhằm giảm nguy cơ.”

Tiến sĩ Trần Sơn Thạch, một bác sĩ và đồng tác giả chánh và đồng chủ trì nghiên cứu, nói rằng hiện nay bác sĩ và bệnh nhân loãng xương thảo luận với nhau bằng ngôn ngữ xác suất.

Một bất lợi của xác suất là nó có thể khó hiểu đối với bệnh nhân. Khi nói ‘bạn có nguy cơ tử vong 5% sau khi bị gãy xương’ thì bệnh nhân hiểu rằng họ có xác suất 95% sống sót, và do đó họ đánh giá thấp sự nghiêm trọng của gãy xương” Tiến sĩ Thạch giải thích.

Tiến sĩ Thạch nói tiếp: “Ý tưởng Tuổi Xương cung cấp một phương pháp tốt hơn trong việc chuyển thông tin về nguy cơ gãy xương và tử vong đến bệnh nhân. Thay vì nói với một bệnh nhân 60 tuổi rằng ‘bạn có nguy cơ tử vong 5%, chúng ta sẽ nói tuổi xương của bạn là 65’, tức mất 5 năm tuổi thọ.” 

Giáo sư Xuất sắc Nguyễn Văn Tuấn cho biết rằng khái niệm Tuổi Xương là một tiến bộ quan trọng trong việc phòng ngừa loãng xương và tử vong.

Ông nói: “Với công cụ mới này, bác sĩ và bệnh nhân có thể làm việc với nhau để giảm nguy cơ gãy xương và bảo đảm sức khoẻ xương tốt cho mọi người”.

Hết thông cáo

___

Công cụ BONEcheck có thể truy cập ở đây: https://bonecheck.org hoặc download ứng dụng BONEchek từ Apple Store và Google Play. Miễn phí.

Video giới thiệu BONEcheck (phiên bản tiếng Việt)

Xương của bạn bao nhiêu tuổi?

Một số cơ phận, như bộ xương, trong chúng ta có xu hướng già trước tuổi. Chúng tôi có cách định lượng tuổi của xương cho mỗi người.

Bà cố tôi dạo đó (1970s) đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Kí ức của tôi là bà cố rất mạnh khoẻ. Mỗi lần bà giận ai là bà tự bơi xuồng tới nhà của một người con hay cháu để ở. Giận ngoại tôi, bà bơi sang nhà tôi ở một thời gian, rồi má tôi nói (hay làm gì đó) bà giận thì bà lại xuống xuồng bơi lên kinh Lô Bích để ở nhà con cháu nào đó. Ở nhà tôi, bà thu lượm lá dừa, củi, và mấy đồ gia dụng để dành cho … con dâu út (tức bà mợ tôi). Tóc bà chỉ hoa râm, da tuy có nhăn, nhưng dáng đi thì không hề chậm. Tôi nghĩ dù bà ở tuổi 80s nhưng bề ngoài thì có vẻ 70s.

Trường hợp bà cố tôi cho thấy tuổi đời không nói lên nhiều về chúng ta. Một người có thể đã trải qua 82 năm sống (như bà cố tôi) nhưng các cơ phận trong người thì trẻ hơn. Nhưng một người như TT Joe Biden tuy đã qua 80 cái sanh nhật nhưng trái tim, não bộ và xương cốt có vẻ ‘già’ hơn.

Tuổi sinh học và tuổi đời

Giới khoa học phân biệt giữa tuổi đời (chronological age) và tuổi sinh học (biological age). Tuổi đời chỉ đơn giản là số năm mà một người đã sống qua. Tuổi sinh học thì … phức tạp hơn. Phức tạp là vì dính dáng đến phân tích DNA, đánh giá cơ phận, và tính toán. Tuổi đời là con số hiển nhiên, còn tuổi sinh học được viết trong DNA.

Khi bạn đạt tuổi 65 thì bạn đã qua một quãng đường đáng nể. Nhưng cứ 100 người ở tuổi 65 hay cao hơn, thì có 80 người mắc ít nhứt một bệnh mãn tính. Các bệnh mãn tính bao gồm tim mạch, viêm phổi, tiểu đường, ung thư, thoái hoá khớp, loãng xương, mất trí nhớ, v.v. Mỗi một bệnh này làm cho chúng ta giảm tuổi thọ.

Giảm tuổi thọ là vì tế bào của chúng ta đã và đang già đi — hay nói hoa hoè là ‘lão hoá’. Mà, chất liệu của tế bào là DNA. Do đó, nói lão hoá chính là nói đến DNA bị già đi.

Tế bào trong mỗi chúng ta vận hành theo qui trình sao chép và chỉnh sửa. Qui trình này được định danh bằng thuật ngữ ‘Methylation’ hay ‘Methyl hoá’. Quá trình Methyl hoá không làm thay đổi gen nhưng thay đổi sự vận hành của gen. Tưởng tượng gen như là cánh cửa, thì Methyl hoá như là ổ khoá; theo đó, Methyl hoá có thể mở hay đóng cửa gen. Phân tích Methyl hoá cho ra đời một chuyên ngành khoa học mới: Epigenetics.

Bạn bao nhiêu tuổi?

Một trong những yếu tố xác định tuổi sinh học có liên quan đến telomeres. Telomere là 1 đoạn DNA có trình tự (TTAGGG) lặp lại nhiều lần ở đầu mỗi nhiễm sắc thể. Nó giống như cái nút nhựa bịt đầu dây giày. Khi cái nút này bị sờn cũng có nghĩa là đôi giày đã ‘lão hoá’. Tương tự, khi đoạn telomeres bị ngắn lại thì đó là lúc chúng ta đang già đi.

Nói cách khác, độ dài của telomeres có liên quan đến tuổi thọ. Người cao tuổi thường có telomeres ngắn hơn người trẻ tuổi. Khi telomeres càng ngắn thì tuổi thọ chúng ta bị suy giảm. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy cứ mỗi độ lệch chuẩn ngắn đi thì tuổi thọ chúng ta giảm chừng 1 năm. Thành ra, người 60 tuổi có chiều dài telomeres giảm 1 SD thì tuổi sinh học là 61 tuổi. Nói cách khác, người này già trước tuổi khoảng 1 năm.

Tuổi xương

Ít người biết rằng loãng xương là một bệnh … ‘chết người’. Bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là gãy xương hông (xương đùi). Khoảng 30-50 bệnh nhân gãy xương hông qua đời sau 12 tháng. Ngay cả gãy xương cột sống (khá phổ biến) cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong từ 50% đến 2 lần (tuỳ vào tuổi) so với người không bị gãy xương.

Tại sao bệnh nhân gãy xương có nguy cơ tử vong tăng cao? Thoạt đầu, người ta nghĩ rằng bệnh nhân gãy xương thường cao tuổi và mắc vài bệnh khác (như tim mạch, tiểu đường, suy thận, v.v.) nên họ qua đời sớm hơn những người không mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau đó cho thấy ngay cả sau khi hiệu chỉnh cho các yếu tố bệnh lí đi kèm loãng xương thì bệnh nhân gãy xương vẫn có nguy cơ tử vong tăng cao.

Sau này, người ta phát hiện rằng bệnh nhân gãy xương có telomeres ngắn hơn người bình thường. Rất có thể vì lí do này mà bệnh nhân gãy xương có nguy cơ tử vong tăng. Có lẽ cũng do telomeres nên khi bị gãy xương thì đó cũng chính là tín hiệu cho thấy xương bị ‘già’ đi.

Chúng tôi đã nghĩ ra một cách định lượng độ lão hoá của bộ xương qua chỉ số gọi là ‘Tuổi Xương’ (Skeletal Age). Tuổi xương được định nghĩa là tuổi của bộ xương (tuổi sinh học) do bị loãng xương hay gãy xương.

Tuổi xương có thể được xác định bằng số năm sống bị suy giảm sau gãy xương hay do có các yếu tố nguy cơ (như mật độ xương thấp) làm tăng xác suất tử vong.

Nghiên cứu trên 200,000 bệnh nhân gãy xương, chúng tôi có thể ước tính số năm sống bị mất sau gãy xương. Chẳng hạn như bệnh nhân bị gãy xương hông mất từ 3-7 năm sống — tuỳ theo tuổi đời, giới tính và bệnh lí đi kèm.

Ví dụ: một nữ bệnh nhân 60 tuổi bị gãy xương hông được ước tính có tuổi xương là 67. Tương tự, một nam bệnh nhân 70 tuổi bị gãy xương cột sống có tuổi xương khoảng 73.

Khi tuổi xương cao hơn tuổi đời thì điều đó có hai ý nghĩa: (1) số năm sống bị suy giảm do loãng xương; và (2) nguy cơ gãy xương cao hơn những người cùng tuổi nhưng không có yếu tố nguy cơ.

Chúng tôi hi vọng rằng khái niệm ‘tuổi xương’ sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về sức khoẻ xương và tác động của gãy xương đến tử vong. Qua nhận thức đó, công chúng có thể thay đổi lối sống hay bàn với bác sĩ để tìm một biện pháp giảm tuổi xương.

Hình minh hoạ cho 2 cá nhân cùng tuổi 65. Xương của người bên trái bị gãy, và do đó tuổi xương cao hơn người bên phải (xương bình thường).

Ghi thêm

Để công chúng có thể ước tính tuổi xương, chúng tôi đã xây dựng một mô hình tính toán trực tuyến. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng công cụ này để biết tuổi xương của mình qua trang web https://bonecheck.org hoặc ứng dụng BONEcheck trong Apple Store và Google Play.

Video giới thiệu BONEcheck và tính tuổi xương cho mỗi cá nhân:

Bài báo mô tả khái niệm Tuổi Xương mới được tập san khoa học lừng danh eLife công bố vào ngày 16/5/2023. Tham khảo: Tran TS, Ho-Le TP, Bliuc D, Abrahemsen B, Hansen L, Vestergaard P, Center JR, Nguyen TV. Skeletal age for mapping the impact of fracture on mortality. eLife 16/5/2023. doi: https://doi.org/10.7554/eLife.83888

Bản tiếng Anh: How old is your skeleton

Vua Charles III

Vậy là nước Úc có vua mới: Charles Đệ Tam, 73 tuổi. Ít ai biết rằng ông là người đầu tiên trong hoàng tộc có bằng cử nhân.

Khác với thân mẫu không có học ở trường nào (bà chỉ học trong Điện Buckingham), vua Charles III được học hành bài bản. Theo wiki, lúc 6 tuổi ông theo học tại trường Hill House School ở Chelsea (London). Trong thời gian chừng 6 tháng theo học, báo cáo điểm của trường ghi rằng cậu bé Charles tuy học có phần chậm nhưng học lực trên trung bình.

Đến năm 1962, Charles được chuyển đến trường nội trú Gordonstoun ở Tô Cách Lan, nơi mà cha ông (Hoàng thân Philip) từng theo học trước đây. Charles theo học ở đây được 5 năm. Theo vài nguồn (kể cả phim ảnh) thì Charles không mặn mà với trường Gordonstoun, thậm chí có đồn rằng Charles từng bị đám học trò khác ăn hiếp ở đây.

Năm 1966, lúc đó là Thái tử Charles được đi học ở trường Timbertop (gần Melbourne, Úc) theo một chương trình trao đổi học sinh. Đáng lí ra Charles chỉ học một học kì ở đây, nhưng cậu thiếu niên học đến 2 học kì. Trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC, Charles cho biết thời gian ở Úc là “nghiêm ngặt và khó” hơn Gordonstoun, nhưng Charles lại thích môi trường ở Úc. Nói chung, Charles có vẻ có cảm tình với Úc. Sau đó Charles quay về Gordonstoun tiếp tục học năm cuối.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp điểm O về Anh ngữ, Văn học, Pháp ngữ, Latin và Sử, Charles được nhận vào học ở Trinity College (một trường college của Đại học Cambridge). Charles theo học môn khảo cổ học và nhân chủng học ở đây. Năm 1970, Charles tốt nghiệp cử nhân. Lúc đó, Charles là người đầu tiên trong hoàng tộc có bằng cử nhân.

Charles tiếp tục học về Arts cũng tại Đại học Cambridge. Năm 1975 ông được trao văn bằng Cao học (nhưng đây không phải là một văn bằng chánh thức mà chỉ là một hạng trong thứ bậc khoa bảng).

Theo truyền thống hoàng gia, Charles đi lính và phục vụ trong Không quân Hoàng gia Anh (Royal Air Force) và sau này là Hải quân Hoàng gia Anh (Royal Navy). Ngay trong thời còn học đại học, ông đã được huấn luyện lái máy bay quân sự. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, ông phục vụ trên tàu khu trục (destroyer) HMS Norfolk và tàu hộ tống HMS Minerva và HMS Jupiter. Năm 1974 ông được công nhận là phi công trực thăng, và dần dần được thăng chức lên chức chỉ huy tàu dò mìn HMS Bronington. Năm 1994, sau một tai nạn đáp máy bay, ông không còn lái máy bay nữa. Chức vụ cao nhứt trong quân đội của ông là colonel-in-chief (tổng chỉ huy) trung đoàn nhảy dù.

Ông có nhiều câu nói (kể cả những câu hài hước) để đời, nhưng câu nói tôi thích nhứt là câu này (lược dịch): “Tôi cảm thấy trên hết nhiệm vụ của tôi là quan tâm đến mọi người và cuộc sống của họ trong đất nước này, và tìm cách trong quyền lực của tôi, cải thiện cuộc sống cho họ.” (I feel more than anything else it’s my duty to worry about everybody and their lives in this country, to try to find a way of improving things if I possibly can).

Có thể nói rằng vương triều Anh là một vương triều thành công nhứt trong lịch sử. Được thiết lập chừng 1000 năm trước (nếu tính từ 1066), nước Anh đã trải qua 62 quốc vương hay nữ hoàng, và xem ra họ vẫn sẽ tồn tại trong tương lai. Họ có lí do để tồn tại vì họ được nhiều người dân tôn kính và họ cũng đem lại vinh dự cho người Anh.

Ở Úc, có thời một số người đòi bỏ chế độ quân chủ và trở thành một nước cộng hoà, thế nhưng qua trưng cầu dân ý thì đa số người Úc vẫn muốn duy trì chế độ quân chủ. Rất nhiều người Úc (có thể kể cả tôi) thọ ơn của vương triều Anh, nên họ sẽ khó mà bỏ được những kỉ niệm và hoài niệm liên quan đến Hoàng gia Anh.

Vương triều Anh có nguồn gốc từ các vua Ango-Saxon và được vua William thiết lập theo mô hình Pháp từ 1066. Hoàng tộc Windsor mà Vua Charles là một hậu duệ mới có từ thế kỉ 18. Giản đồ này mô tả dòng họ Windsor mà vua Charles III là một thành viên. Sau vua Charles III, người nối ngôi sẽ là Công tước William, và sau William thì Hoàng tử George sẽ là người nối ngôi.

Hiểu lá cờ và người Việt ở nước ngoài

Nhiều bạn trẻ ngày nay không biết đến lá cờ vàng ba sọc đỏ thời VNCH, cũng như họ không biết gì về một chánh thể đã tồn tại 21 năm ở miền Nam, không biết gì về người Việt vượt biển tị nạn.

Một số khác có lẽ chịu sự chi phối của tuyên truyền nên họ căm thù một cách vô điều kiện lá cờ mà họ hay nói xách mé là ‘ba que’. Cần nói thêm rằng lá cờ đó có ý nghĩa sâu sắc: màu vàng là tượng trưng cho đất nước, là màu truyền thống của các vương triều, còn 3 sọc đỏ là tượng trưng cho ba miền đất nước. Có hơn 40 triệu người Việt lớn lên dưới lá cờ da vàng máu đỏ đó, và đó là một kỉ niệm khó phai nhoà.

Sau 1975, có hàng triệu người Việt vượt biển đến các nước lân cận xin tị nạn. Đối với những người này thì lá cờ VNCH có một ý nghĩa quan trọng. Khi ra biển và để làm tín hiệu cho các tàu khác cứu vớt, các tàu vượt biển của người Việt thường giương lá cờ đó để nói rằng họ đến từ miền Nam Việt Nam. Nhờ lá cờ đó mà hàng vạn người được cứu vớt và đi định cư ở nước ngoài. Lá cờ do đó là một hoài niệm, thậm chí một ‘ân nhân’.

Khi lên bờ và may mắn sống sót thì người tị nạn không còn gì cả. Lúc đó, họ là những người vô quốc tịch. Họ chỉ có lá cờ vàng như là cái căn cước tính của cộng đồng. Do đó, lá cờ đó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn ở đây. Và, biểu tượng đó được các chánh phủ địa phương công nhận. Có thể xem những tượng đài ở Úc, Mĩ thì thấy biểu tượng này rất rõ.

Tôi nghĩ điều này cũng giống như lá cờ của người thổ dân Úc vậy, nó không đại diện cho quốc gia nào cả, nhưng nó đại diện cho cộng đồng người thổ dân.

Trước 1975, Úc là đồng minh của VNCH, và trong cuộc chiến 1962-1972 đã có 500 binh sĩ Úc hi sinh. Năm 1973 sau Hiệp định đình chiến Paris, Úc ngưng tham chiến ở Việt Nam vào năm 1973. Và, nhân dịp lễ ANZAC 2023, ngày lễ tưởng niệm những binh sĩ Úc và Tân Tây Lan đã hi sinh trong các cuộc chiến, Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành đồng xu (hình) có hình lá cờ VNCH là để kỉ niệm 50 năm ngày Úc ngưng tham chiến ở Việt Nam.

Cái vòng nhiều màu trên mặt đồng tiền thể hiện các màu sắc của ribbon tặng cho những người từng phục vụ cho chiến dịch quân sự của cuộc chiến Việt Nam trước đây (có thể họ đã chọn pattern trong đó có dạng màu cờ VNCH vì có liên quan – bình luận của anh Song Phan).

Việc phát hành đồng xu với cờ của VNCH gây ra một phản ứng ngoại giao khá gay gắt từ phía Việt Nam [1]. Nhưng tôi nghĩ phản ứng đó là thái quá. Có thể ngay cả cô phát ngôn viên cũng chưa am hiểu lịch sử của lá cờ đó.

Xin nhắc lại rằng Úc là đồng minh của VNCH. Úc rất trung thành với đồng minh, nên các cựu binh sĩ VNCH ở Úc được hưởng an sinh xã hội y như cựu chiến binh Úc vậy. Đó chính là lí do tại sao trong ngày lễ ANZAC có sự tham gia của các cựu chiến binh VNCH từ cả 40 năm qua. Trong các câu lạc bộ cựu chiến binh Úc, rất dễ hiểu tại sao người ta đều treo cờ VNCH.

Dĩ nhiên, lá cờ vàng đó không còn đại diện cho quốc gia nào cả. Ai cũng biết thực tế này. Cũng như lá cờ của người thổ dân không đại diện cho nước nào cả nhưng là biểu tượng của họ, lá cờ vàng chỉ là biểu tượng của cộng đồng người Việt ở đây.

Riêng với các ‘thuyền nhân’ lá cờ đó không chỉ là một kỉ niệm, mà còn là hoài niệm và tưởng niệm. Hoà giải dân tộc có lẽ nên bắt đầu bằng sự ghi nhận sự hiện hữu của lá cờ đó.

_____

[1] Tôi hơi ngạc nhiên về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam có cái ‘hint’ đe doạ mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Trong mối quan hệ ngoại giao đó, Úc giúp rất nhiều cho Việt Nam cả 50 năm nay (và ngay cả trong thời Mĩ cấm vận Việt Nam), chứ Việt Nam có giúp gì cho Úc đâu. Đe doạ Úc thì hơi quá đáng.

Link: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4np804v5glo

Giới thiệu một nghiên cứu về ung thư của chúng tôi

Tôi rất hân hạnh chia sẻ một công trình nghiên cứu [1] hơn 2 năm hợp tác với nhóm Ludwig Center [2] thuộc Đại học Johns Hopkins mới được công bố trên tập san PNAS [3] sáng nay.

Nghiên cứu này ứng dụng công nghệ mới (MethylSaferSeqS) của Ludwig Center để phát hiện đột biến trong tế bào ung thư. Chất liệu nghiên cứu là từ những mảng DNA nhỏ được thải ra khỏi tế bào, rồi đi vào máu, sau khi tế bào chết đi theo lập trình tự nhiên (gọi là apoptosis). Những mảng DNA này có tên là ‘cell-free DNA’.

Ở người bình thường (khoẻ mạnh, không mắc ung thư) thì hàm lượng cfDNA trong máu khá ổn định, nhưng ở bệnh nhân ung thư thì hàm lượng cfDNA tăng cao bất thường. Tận dụng vào mối liên quan này, các nhà khoa học phân tích cfDNA để sáng chế các phương pháp phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm. Nghiên cứu này đi xa hơn một bước: đó là dùng cfDNA và giải trình tự gen để phát hiện đột biến trong tế bào ung thư.

Nói cách khác, nghiên cứu này thiết lập một phương pháp mới để phân tích cfDNA có thể ứng dụng trong chẩn đoán ung thư. Nghiên cứu kế tiếp sẽ ứng dụng phương pháp này vào một nhóm có nhiều ca ung thư hơn để đánh giá giá trị lâm sàng của phương pháp. Sẽ còn vài nghiên cứu khác nữa trong chương trình hợp tác này nhưng do nhóm bên Việt Nam chủ trì.

Đây là một chương trình hợp tác mà cả Việt Nam và Mĩ đều win-win. Việt Nam chẳng tốn đồng nào để có dữ liệu dồi dào và tiếp cận phương pháp mới. Thực ra, do những đóng góp tri thức và chất liệu nên bên Mĩ nói rằng chúng tôi là ‘partner’ chứ không đơn thuần là ‘hợp tác’.

——

[1] https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.2220704120

[2] Đối với tôi, làm việc chung với nhóm của Gs Bert Vogelstein là một điều tuyệt vời. Ông — năm nay đã 73 — được xem là một ‘siêu sao’ trong thế giới ung thư học và y học nói chung.

Ông ‘chỉ’ công bố chừng 600 bài báo, nhưng được trích dẫn hơn 450,000 lần! Ông là một trong 10 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn trong thế giới y sinh học, nhưng làm việc chung mới thấy ông khiêm tốn như một nghiên cứu sinh! Ông cư xử bình đẳng với mọi người trong nhóm. Nói năng từ tốn (chắc do tuổi tác), chất hài hước không chê được, và sẵn sàng lắng nghe góp ý từ người ngoài ngành.

[3] Tập san PNAS hay Proceedings of the National Academy of Sciences là một tập san khoa học đa ngành (như Science, Nature), thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Hoa Kì. PNAS được sáng lập từ năm 1915, và vẫn là một ‘flagship’ trong cộng đồng khoa học. Ngày xưa, PNAS thường được mệnh danh là câu lạc bộ của mấy ‘old boys’ (mấy ông già viện sĩ của Viện hàn lâm), nhưng ngày nay thì nó dân chủ và bình dân hơn rồi.

Một thoáng Tây Ninh

Lần đầu tiên trong đời tôi có dịp đi Tây Ninh, và dĩ nhiên là không thể bỏ qua Núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài. Cái note này chỉ ghi lại một thoáng Tây Ninh mà thôi.

Khu du lịch Chùa Bà Đen được tổ chức bài bản chứ không nhếch nhác như thấy ở vài nơi. Có lẽ vì do công ti tư nhân quản lí (SunWorld) nên cách điều hành và chất lượng dịch vụ rất ok. Khách tham quan phải mua vé để đi cáp treo lẻn xuống Chùa và vài dịch vụ khác. Cảnh quang chung quanh sạch sẽ. Nhân viên phục vụ có mặt khắp nơi và sẵn sàng giúp đỡ khách khi có nhu cầu.

Cảnh chùa Bà Đen ở triền núi. Chùa này chắc mới được xây dựng.

Khách đến đây là người ‘tứ xứ’, người miền Trung vào, người miền Tây lên. Hôm nay là ngày Thứ Hai nên khác không đông như ngày cuối tuần, nhưng lượng khách vẫn làm cho khung cảnh như trẩy hội. Mấy cô thiếu thanh nữ mặc áo bà ba màu mè (chắc dân miền Tây) đem lại lễ vật lên chùa cúng. Họ thắp nhang rất thành kính chứ không phải chỉ đi cho có đi đâu. Còn họ cầu nguyện gì thì chẳng ai biết.

Cảnh chùa Bà Đen ở triền núi. Chùa này chắc mới được xây dựng.

Tuy vậy, cũng tồn tại vài dấu hiệu kinh doanh hơn là tâm linh. Đi đâu cũng thấy có người mời mọc mua cái này cái kia. Nào là nhan, giấy, hay các chế phẩm mang tính tâm linh. Tuy không đến nổi ‘chèo kéo’ nhưng mình không mua hàng của người ta thì cũng thấy áy náy trong lòng. Nhiều khi tôi cảm thấy đây như một nơi kinh doanh thần thánh.

Ngạc nhiên một điều là mấy loại ‘ngoa ngôn’ chúng cũng len lỏi tận đây. Thay vì nói đỉnh núi, người ta nói ‘Nóc nhà Đông Tây Nam Bộ’. Thay vì nói đi tới đỉnh núi, người ta nâng thành ‘Chinh phục’? Mà, có chinh với phục gì đâu, tôi chỉ đi dây cáp lên đỉnh núi thôi. Thay vì nói tìm cách giải quyết vấn đề, người ta nói ‘giải bài toán’ (thực ra, chẳng có toán tiết gì ở đây cả). Ôi! Mấy thứ ngoa ngôn này nó làm cho suy nghĩ người ta bị ‘cloudy’ hay bao phủ bởi những chữ vô nghĩa.

Vô nghĩa và mù mờ như bầu trời chung quanh đây. Chẳng hiểu sao đã giữa trưa mà bầu trời ở đây vẫn còn âm u, giống như sương mù. Nhưng không phải sương mù. Rất có thể là do ô nhiễm không khí từ các khu kĩ nghệ lân cận chăng?

Toà thánh Cao Đài

Địa điểm thứ hai phải thăm là Toà thánh Cao Đài. Phải nói là tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ghé đây.

Trước hết là khuôn viên rất rộng và thoáng đãng. Rộng đến 92 ha đất, mà một tín hữu ở đây cho biết thời trước 1975 còn rộng hơn nữa, nhưng sau 1975 thì bị nhà cầm quyền lấy một số đất rồi. Ở giữa là toà Thánh thất, với hai bên là hai khán đài, và phía trước là cái tháp chưa thi hài của Bảo hộ Phạm Công Tắc, một lãnh tụ quan trọng bậc nhứt của đạo Cao Đài.

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Khuôn viên rộng đến 92 ha, trông rất thoáng và xanh. Tôi không hiểu sao xe cộ chạy trước toà thánh y như là con lộ công cộng vậy.

Chung quanh toà Toà thánh là hàng loạt toà nhà dành cho khách thập phương, giảng đường, văn phòng giáo sự, trường học, v.v. Tất cả đều rất chỉnh chu, thông thoáng, sạch sẽ, trang nghiêm. Có thể ví đây là ‘Vatican của đạo Cao Đài’.

Hiện nay thì toà thánh đang trong giai đoạn ‘đại trùng tu’. Trong toà thánh có nhiều tín hữu đang làm những việc như sơn sửa, quét dọn, sửa chữa. Có hẳn vài nghệ nhân vẽ hoa văn nữa. Một tín hữu cao tuổi ở đây cho biết toà thánh này sẽ 100 tuổi vào năm 2025.

Tôi hỏi ai là kiến trúc sư của công trình này, thì vị tín hữu nói không có kiến trúc sư, mà người chủ trì xây dựng là ông Phạm Công Tắc. Xây đến đâu, ông Phạm Công Tắc hướng dẫn xây đến đó. Điều kinh ngạc là mấy cái cột trong toà thánh là là tre và tầm vông! Chẳng hiểu sao hai vật liệu này có thể đứng vững hàng trăm năm, nhưng sự thật là vậy.

Tại đây còn là nơi an nghỉ của bà Lý Thị Thiên Hương. Theo một truyền thuyết (vì có đến 3 truyền thuyết) về nguồn gốc Bà Đen, thì bà Thiên Hương là người gốc Trảng Bàng, người đen đúa nhưng có duyên và có tài. Nàng Thiên Hương được một công tử để lòng thương, và quyết bắt cóc nàng về làm thê thiếp. Thế nhưng có một chàng hiệp sĩ tên Lê Sĩ Triệt giải cứu, và vì cảm kích tấm lòng nghĩa hiệp đó nên gia đình đồng ý gã Thiên Hương cho hiệp sĩ họ Lê. Thật ra, cô Thiên Hương cũng có cảm tình với chàng Lê trước đó rồi.

Thành hôn xong thì chàng lên đường tòng quân giữa thời chinh chiến. Nàng ở lại hay lên chùa cầu nguyện. Một hôm lên chùa, cái gã công tử kia lại muốn bắt cóc, nhưng nàng nhảy xuống núi (?) và chết. Nàng về báo mộng cho vị sư trong chùa về sự quyên sinh và chỉ rõ thân xác ở đâu để vị sư đem về chùa. Lúc đó, Thiên Hương mới 18 tuổi. Sau khi qua đời, Thiên Hương nhiều lần hiển linh, bảo hộ dân chúng ở địa phương, nên được dân địa phương lập chùa thờ. Và, chùa có tên Bà Đen.

Nay, theo như vị tín hữu thì hài cốt bà Thiên Hương đã được di dời về Toà thánh Cao Đài lâu rồi. Còn chùa Bà Đen chỉ là nơi … du lịch mà thôi.

Nói cách khác, muốn thắp nhang cho Bà Đen thì về Thánh thất. Và, tôi đã có dịp đến đây, một địa danh vừa mang tính lịch sử, vừa là một địa chỉ tinh thần của dân tộc.

Ghi thêm:

Vài thay đổi so với phiên bản trước: sau khi các bạn góp ý, tôi đã chỉnh sửa vài chỗ. Toà thánh (khác với Thánh thất) như Gs Võ Văn Thành giải thích. Còn người sáng lập đạo Cao Đài là Ngô Minh Chiêu, không phải Phạm Công Tắc (như tôi viết bản trước)

——

PS: Tới đây tôi chợt nhớ đến cô ca sĩ Châu Ngọc Hà (của Trung tâm Thuý Nga bên Mĩ) là người con của Tây Ninh. Mới đây cô ấy đã lên xe bông, và tôi tưởng nếu cổ còn ở Tây Ninh thì tôi đến chúc phúc như là một khán giả ái mộ giọng ca của cổ và anh phu quân Ngọc Ngữ, nhưng hai người đã về Mĩ rồi.

Phía trước toà thánh Cao Đài Tây Ninh (nhìn từ sảnh). Cái tháp ở cổng chánh có chứa hài cốt của hộ pháp Phạm Công Tắc, một lãnh tụ quan trọng bậc nhứt của đạo Cao Đài.

Phía trong Toà thánh (10/4/23) đang trong lúc đại trùng tu cho kịp kỉ niệm 100 năm vào năm 2025.

Chánh điện của toà thánh Cao Đài Tây Ninh.

Cách đánh giá chất lượng khoa học MỚI

Xin giới thiệu đến các bạn bài bình luận của tôi liên quan đến mô hình mới về công bố khoa học mà tập san eLife khởi xướng. Tôi post bài này trên trang substack [1].

https://tuann.substack.com/p/disrupting-the-equation-journal-title

Bối cảnh ra đời của eLife

Trong khoa học, eLife là một tập san thuộc hạng ‘prestigious’ và ‘selective’. Tập san được thành lập vào năm 2012 bởi khôi nguyên Nobel là Randy Schekman, và được 3 tổ chức khoa học rất nổi tiếng tài trợ: Wellcome Trust (Anh), Howard Hughes Medical Institute (Mĩ), và Max Planck Society (Đức).

Sư ra đời của eLife bắt đầu từ một quan điểm có thể nói là ‘chống’ các tập san CNS (Cell, Nature và Science) mà Schekman cho là ‘xa xỉ’. Quan điểm của Giáo sư Schekman là CNS đã gây tác hại đến khoa học, và họ dùng tên tập san để làm thước đo chất lượng khoa học — và đó là một sai lầm. Do đó, Schekman đặt mục tiêu cho eLife là làm cách mạng trong công bố khoa học và đồng thời cạnh tranh hay thay thế CNS.

Thế nhưng qua 10 năm vận hành, eLife chẳng những không thay thế được CNS mà còn trở nên một trong những thành viên của câu lạc bộ CNS! Tức là eLife vẫn như CNS, rất chọn lọc (chỉ chọn bình duyệt 30% bản thảo, và tỉ lệ chấp nhận khoảng 30-40% trong những bài được chọn bình duyệt). Thế là cái viễn kiến của Schekman không thành hiện thực.

‘Trông mặt mà bắt hình dong’

Ông bà chúng ta có câu ‘trông mặt mà bắt hình dong’, tức là đánh giá người ta qua vẻ bề ngoài. Người ăn mặc sang trọng được đánh giá ‘ngon lành’ hơn người với trang phục giản dị. Trong khoa học cũng vậy, cho đến nay, giới khoa học vẫn đánh giá với nhau qua tập san mà họ công bố. Nếu ‘trông mặt mà bắt hình dong’ là sai thì cách đánh giá của giới khoa học hiện nay cũng sai.

Biết là sai, nhưng chẳng ai muốn thay đổi cái ‘status quo’ (hiện trạng). Tại sao? Tại vì giới khoa học hưởng lợi từ cái mô hình công bố khoa học hiện nay.

Thử tưởng tượng bạn ngồi trong một hội đồng xét duyệt tài trợ khoa học hay hội đồng bổ nhiệm các chức vụ giáo sư. Mỗi ứng viên có một lí lịch dài, và phần công bố khoa học họ liệt kê hàng trăm bài báo. Tôi từng thấy vài lí lịch mà đương sự công bố 1 bài báo mỗi tuần, và tổng số bài báo lên đến 700! Dĩ nhiên, con số bài báo chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nó vẫn làm cho những ai thiếu kinh nghiệm cảm thấy … ấn tượng. Nhưng tài trợ khoa học và đề bạt trong khoa bảng dựa vào phẩm chứ không phải lượng. Chất lượng chứ không phải số lượng.

Nhưng làm sao đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu? Cách tốt nhứt là đọc bài báo. Nhưng chúng ta không thể nào đọc tất cả các bài báo. Mà, cho dù có đọc hết thì chưa chắc có kiến thức chuyên sâu trong chuyên ngành để đánh giá.

Do đó, người ta (chúng ta) phải tìm một cách đơn giản hơn và rẻ tiền hơn để đánh giá. Cách phổ biến nhứt là xem qua những tập san mà ứng viên công bố các công trình nghiên cứu. Theo đó, những bài báo trên CNS hay tương tự (như NEJM, JAMA, Lancet, BMJ, Nat Med, JEM, v.v. trong ngành y) được xem là có chất lượng cao hơn những bài trên các tập san chuyên ngành.

Trong vài viện nghiên cứu và chương trình fellowship, nếu bạn chưa công bố trên CNS thì bạn chưa là ‘competent scientist’. Ở bên Tàu, có những trung tâm nghiên cứu xem những bài báo trên các tập san có impact factor dưới 10 là chưa ‘thành công’.

Cách đánh giá đó dựa vào một giả định quan trọng: tên tập san = chất lượng khoa học.

Nhưng giả định đó sai. Nhiều bài báo trên CNS và các tập san có impact factor cao hay rất cao là sai và … vô dụng. Sự thật là vậy. Ngược lại, có những bài báo trên các tập san có impact factor thấp nhưng lại làm nên ‘cách mạng’ trong chuyên ngành. Trong chuyên ngành loãng xương của tôi, những bài báo quan trọng nhứt (hiểu theo nghĩa dẫn đến thay đổi nhận thức và thực hành lâm sàng) được công bố trên những tập san có impact factor thấp (chỉ chừng 3-4). Thành ra, việc đánh giá chất lượng khoa học qua tên tập san hay impact factor là một sai lầm. Sai lầm này có tên là ‘ecologic fallacy’.

Cách làm mới của eLife

Sau khi Randy Schekman kết thúc nhiệm kì tổng biên tập của eLife, hội đồng quản trị bổ nhiệm Giáo sư Michel Eisen (UC Berkeley) thay thế. Eisen là một nhà khoa học thuộc vào hàng ‘visionary’, và ông không ưa cái cơ chế công bố khoa học hiện nay. Trong một phỏng vấn rất lâu trước khi đến với eLife, Eisen tuyên bố [2]:

“Tôi đã nói ngay từ đầu — và nói nhiều lần trước đây — rằng tập san khoa học là một thực thể lỗi thời. Chúng là sản phẩm của tình cờ mang tính lịch sử, khi mà kĩ thuật in ấn được sáng chế trước internet. Tôi muốn xoá bỏ các tập san khoa học. Đặc biệt, tôi muốn xoá bỏ qui trình bình duyệt trước khi công bố và xoá bỏ mô thức ‘nộp bài — bình duyệt — chấp nhận / từ chối — lặp lại’. Cái hệ thống này dở cho khoa học và tồi tệ cho giới khoa học.”

Khi Eisen nhậm chức, ông quyết tâm thay đổi hiện trạng. Việc đầu tiên là eLife sẽ chỉ xem xét những bản thảo bài báo đã công bố trên một trạm xuất bản gọi là ‘preprint server.’ Khi eLife tuyên bố chánh sách đó nhiều người nghi ngờ vì họ nghĩ bài báo và ý tưởng của họ sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng sau đó, nhiều tập san số 1 trên thế giới cũng làm theo eLife, tức chỉ bình duyệt bài báo đã công bố trên preprint server.

Tháng 10 năm ngoái (2022), eLife gây chấn động khi tuyên bố rằng bắt đầu từ tháng 1/2023, ban biên tập sẽ không đóng vai trò ra quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo nữa; eLife sẽ công bố tất cả những bài mà ban biên tập chọn gởi ra cho bình duyệt.

Quả là một cách làm … quá mới.

Thay vì chấp nhận / từ chối công bố, eLife sẽ cung cấp một đánh giá mỗi bài báo qua 2 tiêu chí: tầm quan trọng và sự thuyết phục của chứng cứ. Họ gọi đánh giá này là ‘eLife Assessment’ (xem bảng).

Hai tiêu chí này độc lập với nhau. Theo đó, một công trình nghiên cứu dùng phương pháp rất tốt với phát hiện có ý nghĩa trong một chuyên ngành hẹp (D1). Ngược lại, một nghiên cứu đột phá nhưng phương pháp chưa đủ thuyết phục sẽ nhận được hạng A5. Cả hai nghiên cứu D1 và A5 đều đáng được công bố.

Tôi nghĩ cách đánh giá mới của eLife đơn giản nhưng rất hay. Cách đánh giá này trả lời những câu hỏi mà người đọc một nghiên cứu hay hỏi: (i) phát hiện này có quan trọng; (ii) tôi có thể tin vào phát hiện này; và (iii) nếu tin thì tôi phải làm gì. Tôi nghĩ nếu tất cả các bài báo khoa học có cái ‘phù hiệu’ này thì công việc đánh giá một nhà khoa học dễ dàng hơn và chính xác hơn. Hi vọng rằng các tập san khoa học sẽ làm như eLife trong tương lai.

______

[1] Xin mời các bạn đăng kí / subscribe để nhận tin bài mới:

https://tuann.substack.com

Qua vài bạn trong đại học tôi mới biết trang web substack hiện nay rất nổi tiếng vì nó cho chúng ta viết bài miễn phí (không giống như medium có vẻ giới hạn nhiều bạn đọc). Nhiều bạn trong y giới có tài khoản ở đây. Do đó, tôi thử làm một trang trong substack. Đây sẽ là trang tôi chia sẻ những bài ‘khoa học phổ thông’ bằng tiếng Anh, để trước là mua vui, và sau là để các bạn nào muốn học tiếng Anh.

[2] “I’ll say at the outset – as I’ve said many times before – I think journals are an anachronism — a product of the historical accident that the printing press was invented before the Internet. I want to get rid of them. More specifically, I want to get rid of pre-publication peer-review and the whole “submit – review – accept/reject – repeat” paradigm through which we evaluate works of science and the scientists who produced them. This system is bad for science and bad for scientists.” https://scholarlykitchen.sspnet.org/2022/11/15/innovation-at-elife-an-interview-with-damian-pattinson

Buôn bán hi vọng trong y khoa

Một người bà con tỏ ý muốn được điều trị bằng một thuốc mà báo Tuổi Trẻ đưa tin. Nhưng khi tìm hiểu thì mới biết đây là một loại thuốc mới được thử nghiệm trong giai đoạn đầu. Bài học là đưa tin về y học đòi hỏi sự cẩn thận để không bị xem là buôn bán hi vọng.

Mỗi ngày, không biết bao nhiêu tin tức về khoa học được truyền đi, và tất cả đều là tin mừng. Khác với tin tức về chánh trị xã hội thường mang tính tiêu cực, tin tức liên quan đến khoa học chỉ là tích cực, nhứt là trong ung thư. Khám phá một protein mới có thể điều trị ung thư. Khám phá một chữ kí gen có thể phát hiện ung thư sớm và điều trị tốt hơn. Phát hiện một loại thuốc mới có thể trị dứt bệnh X (mà X có thể là ung thư, tim mạch, tiểu đường, viêm phổi, thoái hoá khớp, loãng xương, v.v.) Những tin quá tốt lành như vậy làm cho bệnh nhân đặt kì vọng quá lớn.

Đa phần là dỏm

Vấn đề là tuyệt đại đa số những ‘tin mừng’ trong y học, đặc biệt liên quan đến thuốc men điều trị, chỉ là sản phẩm của PR, chứ không thật. Là người trong cuộc, tôi phải ‘đau lòng’ nói như vậy.

Cái ‘không thật’ có thể là từ nhà báo, nhưng đa phần là từ giới khoa học. Giới khoa học khi họ mới phát hiện một phân tử nào đó, họ cần tài trợ để làm thêm, nên họ nhờ báo chí PR. Mà, đã là PR và qua tay nhà báo thì ngôn ngữ sử dụng trở nên rất ‘hoa mĩ’, thậm chí cảm tính, nếu không muốn nói là ‘ngoa ngôn’.

Họ buôn bán hi vọng. Có khi thuốc chỉ mới thử nghiệm trên vài con chuột nhưng nhà khoa học đã tự tin cho rằng sẽ điều trị dứt ung thư! Lạy Chúa tôi!

Hôm nọ, một anh bạn bác sĩ đề cập đến một ‘chữ kí gen’ có thể báo cho bệnh nhân ung thư biết nên dùng thuốc gì để có hiệu quả cao. Tôi kinh ngạc và hỏi một đồng nghiệp bên chuyên ngành ung thư học đang làm về gen, thì anh ấy chỉ cười và khuyên đừng quan tâm. Nghiên cứu về việc dùng gen để xác định thuốc thì có rất nhiều, nhưng ứng dụng trong thực tế thì chỉ … một hai. Ấy vậy mà có người chỉ mới làm một vài biến thể gen rất sơ đẳng, mà họ đã dám nói rằng sẽ tiên lượng ai sắp bị ung thư và ai sẽ đáp ứng thuốc ABC! Lạy Chúa tôi!

Vấn đề tái lập

Sự thật là hầu hết những ‘tin mừng’ liên quan đến thuốc mới đều là … dỏm. Trước đây có một phân tích cho thấy tuyệt đại đa số các phát hiện được công bố trên các tập san khoa học là sai.

“Sai” ở đây có nghĩa là phát hiện đó không thể lặp lại ở nhiều nghiên cứu khác dù sử dụng cùng phương pháp và chất liệu. Tình trạng này được gọi là ‘vấn đề tái lập’ (reproducibilty problem). Tình trạng này là một khủng hoảng trong khoa học hiện nay. Khủng hoảng lớn.

Có nhiều nguyên nhân mà các kết quả nghiên cứu không thể tái lập. Các nguyên nhân bao gồm giả thuyết không có cơ sở khoa học vững vàng, sai lệch trong thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu quá thấp, sai trong phân tích dữ liệu, sai trong diễn giải kết quả.

Thậm chí có những cái sai cố ý: chỉnh sửa dữ liệu thí nghiệm, ‘tra tấn dữ liệu’ để có kết quả mình mong muốn. Có người còn làm chuyện tày trời hơn: nguỵ tạo dữ liệu để có kết quả ‘dương tính.’

Lại có những cái sai vì nhà khoa học quá … ngây thơ. Nhiều khi họ mới thử nghiệm trên chuột với kết quả chỉ mang tính ‘tín hiệu’ mà đã tiến lên thử nghiệm lâm sàng. Lại có khi thử nghiệm trên vài bệnh nhân, không có nhóm chứng, mà đã tuyên bố thành công. Đó là sự ngây thơ. Mà, rất nhiều nhà khoa học rất ngây thơ, họ nghĩ người giống như … chuột. Họ xây lâu đài trên cát. Biết bao nhiêu thảm hoạ đã xảy ra vì những cái lâu đài trên cát.

Quá trình thử nghiệm thuốc men

Quay lại bản tin được đề cập trên, đó là một loại thuốc mà nhà khoa học nghĩ là có thể dùng để điều trị ung thư não. Theo họ báo cáo, kết quả thử nghiệm trong giai đoạn đầu trên bệnh nhân ung thư não, cổ tử cung, ruột, tuỵ, v.v. cho thấy thuốc này an toàn.

Và, nay họ tiến sang giai đoạn 2. Thường, thử nghiệm giai đoạn 2 có mục tiêu chánh là đánh giá hiệu quả của thuốc. Thử nghiệm thuốc ở giai đoạn 2 cần có hàng trăm bệnh nhân. Đó chính là lí do của bản tin: các nhà nghiên cứu đang tìm bệnh nhân cho thử nghiệm.

Sẵn đây, cũng cần nói thêm rằng một loại thuốc chỉ được phê chuẩn cho sử dụng trong điều trị lâm sàng phải qua thử nghiệm giai đoạn 3 với kết quả khả quan. Thử nghiệm giai đoạn 3 cần hàng ngàn bệnh nhân, và phải có một nhóm chứng (tức là nhóm không được điều trị hay được điều trị bằng một loại thuốc hiện hành). Chỉ khi nào kết quả cho thấy thuốc thử nghiệm có hiệu quả cao hơn nhóm chứng thì mới được xem xét cho điều trị bệnh nhân. (Xin nhấn mạnh là chỉ ‘xem xét’, chứ chưa phê chuẩn).

Đa số thuốc có triển vọng trong thử nghiệm giai đoạn 2 bị thất bại ở giai đoạn 3, và điều này là khá bình thường.

Nói như vậy để các bạn thấy thử nghiệm thuốc điều trị rất nhiêu khê và công phu, và để đặt bản tin trên TT trong bối cảnh. Thuốc mà TT đưa tin chỉ mới xong thử nghiệm giai đoạn 1, chưa biết kết quả giai đoạn 2 ra sao (vì chưa xong), càng chẳng biết có cơ may sang giai đoạn 3. Chúng ta có quyền hi vọng, nhưng đừng quá hi vọng.

Và vai trò của báo giới

Tôi nghĩ giới báo chí đừng quá lệ thuộc vào những bản tin liên quan đến y tế từ nước ngoài, vì nó thường là sản phẩm của PR hơn là thật. Nếu tin tức liên quan đến thuốc men, càng cần phải cân nhắc rất nhiều:

* nghiên cứu đã được công bố trên một tập san khoa học? Tập san nào?

* nghiên cứu thực hiện trên chuột hay người? Nếu trên người, bao nhiêu người?

* nghiên cứu đạt chất lượng cao?

* hiệu quả thấp hay cao? Chi phí điều trị bao nhiêu, có ‘xứng đáng đồng tiền bát gạo’?

* cơ quan nào ra thông cáo báo chí?

* có mâu thuẫn lợi ích trong bản tin?

Tiến bộ trong khoa học rất chậm. Lâu lắm mới có một phát hiện ‘đột phá’, và những phát hiện như vậy thường cần thời gian dài mới tới bệnh nhân.

Nếu không rõ thì phóng viên nên tìm đến những nhà khoa học độc lập để có ý kiến khách quan. Nếu chỉ đơn giản dịch bản tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì rất dễ rơi vào cái bẫy PR, tiếp tay cho những chiêu trò ngoa ngôn trong khoa học, và buôn bán hi vọng.