Đúng ngày này của 5 năm trước (2017) tôi đến ĐH Nha Trang làm một workshop về nghiên cứu khoa học. Hôm đó, tôi và một học viên trong workshop đi viếng mộ Bs Alexandre Yersin, và như là thói quen tôi ghi lại “tâm tư” về khu mộ và vài cảm nghĩ về một nhà khoa học lừng danh.
Alexandre Yersin là một nhà khoa học khiêm tốn nhưng lừng danh thế giới. Ông là người đầu tiên trên thế giới phát hiện tác nhân gây bệnh dịch hạch, mà sau này được định danh là Yersinia. Từ phát hiện này, ông bào chế huyết thanh để kháng dịch một cách hiệu quả. Nói theo ngôn ngữ khoa học này nay, ông làm nghiên cứu từ cơ bản lâm sàng đến “translation”, và rất ư là innovative. Ông đã làm một tấm gương sáng cho nghiên cứu khoa học đời sau: làm nghiên cứu phải có ứng dụng thực tế.
Ông qua đời tại Nha Trang vào năm 1943, thọ 80 tuổi. Trong lời di chúc, ông viết:
“Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.
Vẫn theo di chúc, ông muốn được chôn nằm sấp, đầu quay về biển để ông được ôm mảnh đất quê hương.
Người dân địa phương xem ông là một Bồ Tát. Lúc sống cũng như lúc chết, ông là một người khiêm tốn. Sống không màn lợi danh, mà chỉ lo phụng sự đời. Ông sống giữa làng chài, sống chan hoà với người địa phương và họ gọi ông một cách trìu mến là “Ông Năm” (vì người vợ Việt của ông thứ năm). Chết thì chọn nơi an nghỉ rất bình thường, không lăng tẩm rình rang. Thật vậy, phần mộ của Bs Yersin nằm khiêm tốn trong trang trại thuộc Viện Pasteur do ông sáng lập để nuôi ngựa lấy huyết thanh dùng cho y khoa.



Ngôi mộ ông nằm ở Suối Dầu, Diên Khánh, cách Nha Trang chỉ 20 km. Tuy chỉ 20 km nhưng mất đến 30 phút xe Honda. Từ con đường cáhnh đi vào mộ chỉ khoảng 1 km, nhưng phải qua một cái cổng im lìm. Một bên đường là ruộng mía, một bên là cây rừng. Đường vào là đường đất, nên tôi nghĩ mùa mưa chắc là lầy lội lắm. Tôi nghĩ tỉnh Khánh Hoà có thể làm tốt hơn, chứ đường vào mộ phần của một người có công lớn với đất nước và thế giới mà như hiện nay thì … vô ơn quá.



Toàn cảnh khu mộ có vẻ mới được tôn tạo. Phía ngoài mộ là một nhà chờ, nhưng chẳng có gì trong đó. Từ nhà chờ vào mộ là một con đường ngắn xây theo nấc thang, rất mát mẻ, và rất yên ắng. Mộ là một tấm bê tông có khắc tên ông. Phía đầu mộ là một tấm bia bằng tiếng Việt và tiếng Pháp ghi lại những công trạng của ông. Bên trái mộ là một đền thờ nhỏ để người viếng mộ thắp nhang cho ông.



Tôi và hai người bạn Nha Trang thắp cho ông vài nén nhang. Chúng tôi ngồi đó khoảng nửa giờ ôn chuyện đời và sự nghiệp của ông, về những đóng góp của ông cho VN và thế giới. Có nhiều câu chuyện về Yersin trong cuốn nhật kí của ông mà tôi chưa tìm ra.
Sở dĩ tôi muốn viếng mộ Bs Yersin là vì trước đây có vài tin tức về việc trùng tu mộ phần của ông không mấy hay ho. Đã có thời sau 1975 người ta xem ông là “thằng Tây thực dân”!
Chuyện kể rằng khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand vào thập niên 1990 (?) đi thăm chánh thức VN ông yêu cầu đi thăm mộ Yersin. Thế là trong Bộ Ngoại giao ngoài Bắc người ta nhốn nháo tìm hiểu xem “thằng Tây thực dân” này là thằng nào ai mà ông ấy muốn đến thăm. Rồi người ta tìm hiểu và sáng ra. Người ta ra lệnh trong một thời gian ngắn phải trùng tu ngôi mộ, kể cả xây con đường đá, cho ngài Tổng thống đếm thăm. Thế đấy, nhiều danh nhân VN đều bị trải qua một thời đánh giá mông muội và một thời hoàn trả sự thật.
Tôi nghĩ Nhà nước VN có thể làm tốt hơn nữa trong việc tôn tạo khu mộ này thành một điểm tham quan cho du khách. Chẳng hạn như cái “nhà chờ” có thể trưng bày các hiện vật và thành tựu của ông bằng ảnh hay bằng virtual video. Chẳng hạn như làm thêm một tấm bia khác bằng tiếng Anh và làm cho thật tốt, đầy đủ chi tiết quan trọng (chứ tấm bia hiện nay thì quá cẩu thả). Viết bằng tiếng Pháp thì chẳng có bao nhiêu du khách quốc tế đọc được; nên thêm phiên bản viết bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như xây lại hai bên đường lên mộ bằng những hình ảnh hay những lá thư ông gửi về cho mẹ ở Thuỵ Sĩ. Những việc làm như thế chẳng tốn kém bao nhiêu, nhưng nói lên cái nghĩa cử đẹp của người Việt dành cho một vị Bồ Tát.
TB: Nói xa không qua nói gần, cái note này gián tiếp nhắc các bạn nộp hồ sơ cho Giải thưởng “Alexandre Yersin for outstanding medical publications”. Hạn chót nộp hồ sơ (rất đơn giản) là ngày 30/4/2022.
