Khi nào ngưng ‘lockdown’? Vai trò của biến thể Delta

Câu trả lời dĩ nhiên đến từ giới lãnh đạo, nhưng chúng ta chẳng rõ họ dựa vào tiêu chuẩn gì. Ở đây tôi muốn đưa ra 4 tiêu chuẩn dịch tễ học định lượng (số ca nhập viện, tỉ lệ tử vong, chỉ số lây lan, và vaccine) cho câu trả lời đó, nhưng biến thể Delta sẽ làm thay đổi tất cả.

Sydney đã vào tuần thứ 6 lockdown, và tình hình đã có hậu quả nghiêm trọng. Theo báo Daily Mail, một người đàn ông 45 tuổi tự tử vì khó khăn kinh tế trong thời gian lockdown [1]. Dù biết rằng lockdown ảnh hưởng xấu đến nhiều người, nhưng khó có thể tưởng tượng có người tự kết liễu đời mình trong hoàn cảnh như anh này. Trường hợp này nói lên tác động tiêu cực của lockdown là không thể xem thường được.

Câu hỏi là chừng nào thì ngưng lockdown. Thật khó có câu trả lời, vì nó không hẳn tuỳ thuộc vào khoa học mà … chánh trị. Ở Úc này, mỗi bang có một cách phản ứng khác nhau. Có bang chỉ cần 5 người có kết quả dương tính là họ lockdown cả thành phố, nhưng cũng có bang chỉ lockdown thì số ca dương tính lên cao (hơn 100 chẳng hạn). Cho đến nay, vẫn chưa thấy ai nói khi nào thì sẽ ngưng lockdown.

Không phải số ca dương tính

Nhiều người nghĩ rằng khi nào số ca dương tính hay số ca nhiễm xuống còn 0 thì ngưng lockdown. Nhưng quan điểm này không đúng và bất khả thi. Số ca dương tính phụ thuộc vào số ca xét nghiệm và độ chính xác của xét nghiệm. Đó là con số ‘nhân tạo’, chúng ta muốn có nhiều ca dương tính thì xét nghiệm nhiều người, muốn giảm số ca dương tính thì chỉ đơn giản giảm cường độ xét nghiệm.

Ngoài ra, chúng ta không thể nào giảm số ca nhiễm xuống 0. Bởi vì virus liên tục biến hoá theo thời gian, và cho đến nay có dấu hiệu cho thấy chúng đã thành ‘endemic’ rồi (không còn là ‘pandemic’ nữa). Điều này có nghĩa là chúng đã ở trong cộng đồng chúng ta, như là virus cúm mùa đã và đang tồn tại với chúng ta. Do đó, mục tiêu giảm số ca nhiễm xuống 0 chỉ là ảo tưởng.

Chúng ta biết rằng số ca dương tính (và nhiễm nCov) ở Mĩ đang tăng nhanh. Một phần là do biến thể mới, nhưng một phần là do nhiều người chưa tiêm vaccine. Khi được hỏi Mĩ có nên lockdown (phong toả) hay không, ông Anthony Fauci nói ‘không’. Nói cách khác, số ca dương tính hay số ca nhiễm không phải là tiêu chuẩn để quyết định lockdown hay ngưng lockdown.

1. Số ca nhập viện giảm

Số ca nhập viện phản ảnh đúng hơn tình trạng của dịch. Số ca nhập viện là tín hiệu về số ca nặng trong cộng đồng và cần chăm sóc. Do đó, đây là con số cần phải được theo dõi kĩ để biết diễn biến của dịch.

Bất cứ con số nào cũng ‘dao động’ giữa các ngày. Thành ra, một cách đáng tin cậy hơn là khi nào số ca nhập viện liên tiếp giảm suốt 1 tuần thì có thể xem đó là tín hiệu cho thấy dịch đã được kiểm soát.

2.  Tỉ lệ tử vong giảm

Chỉ số thứ hai cũng quan trọng không kém là tỉ lệ tử vong. Tỉ lệ này chỉ có thể ước tính thôi, và ước tính trên số ca nhiễm quan sát được. Ở HCM con số này thay đổi liên tục và không nhứt quán. Bộ Y tế đưa ra một con số, còn HCDC thì đưa ra con số khác. Có lẽ con số của HCDC chính xác hơn vì dù sao thì họ là người địa phương và quan sát trực tiếp.

Con số mới nhứt mà tôi có thì tỉ lệ tử vong ở VN đã vượt qua các nước trong vùng khá cao. Chỉ khi nào tỉ lệ tử vong giảm chừng 50% con số đó thì có thể xem xét đến việc ngưng lockdown.

3.  Chỉ số lây lan

Đây là con số (kí hiệu R, gọi là ‘basic reproduction number‘) quan trọng nhứt trong bất cứ trận dịch nào. Xin nhắc lại cho những bạn nào chưa biết ý nghĩa của nó: nếu một người lây cho 2 người, và 2 người tiếp tục lây cho 4 người, v.v. thì chỉ số R = 2. Đây là con số mà tôi (và những ai làm về mô hình hoá) sử dụng để dự báo và đánh giá dịch. Chỉ số R càng cao có nghĩa là dịch càng nặng, và ngược lại, khi R giảm có nghĩa là dịch đang giảm.

Chỉ số R rất rất khác biệt giữa các quần thể và quốc gia. Theo một phân tích tổng hợp công bố trên PLoS ONE thì R giữa các nước có thể dao động trong khoảng 1.44 đến 6.50 [2], với trung bình là 2.87. Riêng ở Sài Gòn, dùng số liệu tính đến ngày 28/7 tôi ước tính rằng R = 1.25.

Cộng đồng phải chung tay giảm chỉ số R xuống dưới 1. Chỉ khi nào R < 1 thì mới có lí do để xem xét ngưng lockdown.

Một chỉ số dịch tễ học khác ít người nghe đến nhưng quan trọng trong việc hoạch định chánh sách là Re (còn gọi là ‘effective reproduction number‘). Re phản ảnh số người trong cộng đồng có thể bị lây nhiễm ở bất cứ thời điểm nào. Chỉ số Re phụ thuộc vào tỉ lệ người được tiêm vaccine (kí hiệu P) và R qua công thức:

Re = R*(1 – P)

Công thức trên cho thấy chỉ khi nào R = 0 hay P = 1 (tức 100%) thì số người có thể bị (nguy cơ) lây nhiễm mới xuống còn 0. Nhưng không thể hay rất khó đạt mục tiêu Re = 0 đó, cho nên có thể lấy Re < 0.5 làm ngưỡng để xem xét ngưng lockdown.

Khi nào thì Re < 0.5? Khi R = 0.7 và P = 0.3, tức khi vaccine đã bao phủ ít nhứt 30% dân số và khi chỉ số lây lan giảm xuống dưới 0.7.

4.  Vaccine

Và điều đó dẫn đến vaccine. Có thể nói rằng tiêm chủng vaccine bây giờ là biện pháp thực tế nhứt để ‘thoát Covid’. Hiện nay, theo thông tin từ báo chí thì TPHCM đã được phân bố 13.8 triệu liều vaccine, ‘đảm bảo tỉ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine.’  Nếu tin vào các con số này thì có lẽ SG-HCM không thiếu vaccine? Nhưng trong thực tế, HCM đã tiêm 1.5 triệu liều vaccine, trong đó 1.3 triệu liều 1. Số người được tiêm vaccine còn quá thấp.

5. Biến thể Delta

Đây là vấn đề khó và quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến quyết định lockdown hay ngưng lockdown. Theo số liệu từ Anh thì hiện nay đa số các ca nhiễm mới là thuộc biến thể Delta. Ở Việt Nam, không ai biết biến thể này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số ca nhiễm, nhưng chắc chắn là nó (biến thể Delta) đã có mặt ở Việt Nam.

Biến thể Delta là một yếu tố quan trọng vì 2 lí do: hệ số lây lan cao và hiệu lực vaccine thấp. Theo một bài báo trên Lancet, hệ số R của biến thể Delta lên đến ~7 [3], nhưng tôi không rõ họ lấy con số này từ đâu.

Lí do thứ hai là hiệu quả vaccine thấp đối với biến thể Delta. Nên nhớ rằng tất cả vaccine hiện nay là được ‘thiết kế’ để đối phó với biến thể gốc, và với biến thể Delta thì chưa có nghiên cứu RCT. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu từ Anh (REACT-1) [4] thì vacicne hiện nay chỉ có hiệu lực chừng 50% với biến thể Delta.

Với hệ số lây lan R = 7 và VE = 0.50, thì tỉ lệ dân số cần tiêm chủng là … 100%. Thật ra, công thức (1 – 1/R) / VE không còn áp dụng cho biến thể Delta nữa vì R quá cao! Điều này có nghĩa là nếu biến thể Delta chiếm phần lớn ca nhiễm ở Việt Nam thì chiến lược vaccine sẽ không còn hiệu quả để kiểm soát dịch nữa cho dù chúng ta tiêm chủng 100 dân số.

Chúng ta không thể nào xoá bỏ con virus. Đó là điều chắc chắn, dù tin xấu. Chúng ta có thể sống với nó suốt đời, và đó là tin tốt.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta phải lockdown mãi mãi? Tôi nghĩ cần phải có một chiến lược thoát lockdown trong tình huống biến thể Delta xuất hiện. Tôi đề nghị:

(a) Ưu tiên cho điều trị để giảm số ca tử vong và ca nặng, và điều này cần đến thuốc. Tin vui là Remdesivir sẽ về đến Việt Nam nay mai, nhưng Nhà nước vẫn nên thương lượng với các công ti khác để nhập các thuốc cứu người; các bệnh viện, không phải chỉ ICU, nên được cung cấp Remdesivir;

(b) Vẫn tiếp tục tiêm chủng vaccine để phòng ngừa và giảm lây lan, giảm nguy cơ tử vong, và giảm số ca nặng; nên ưu tiên vaccine cho người cao tuổi và có nguy cơ cao; nên tập trung tiêm chủng cho cư dân trong vùng có mật độ dân số cao;

(c) Vẫn duy trì giãn cách xã hội: Điều này dẫn đến tái thiết kế các nơi có đông người và những phương tiện công cộng; triển khai biện pháp vệ sinh ở tất cả building, nhà; có thể phải đeo khẩu trang sẽ trở thành quen thuộc một thời gian cho đến khi dịch được kiểm soát;

(d) Lên kế hoạch từng bước để thoát lockdown và bảo đảm nền kinh tế. Bước đầu là ‘mở cửa’ cho những người đã tiêm vaccine được đi làm, đồng thời áp dụng chiến lược ‘focused protection‘, tức bảo vệ những người có nguy cơ cao. Bước hai là cho phép các ngành nghề quan trọng (Nhà nước quyết định) được hoạt động trở lại, cho phép đi lại đối với người đã được tiêm vaccine hay không thuộc nhóm nguy cơ cao.  

____

[1] https://www.dailymail.co.uk/news/article-9841931/Home-Away-Dieter-Brummer-Shane-Parrish-dead-Covid-Sydney-lockdown.html

[2] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0242128

[3] https://www.thelancet.com/pdfs/journals/lanres/PIIS2213-2600(21)00328-3.pdf

[4] https://www.imperial.ac.uk/medicine/research-and-impact/groups/react-study/the-react-1-programme

[5] https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2020/04/15/834021103/who-sets-6-conditions-for-ending-a-coronavirus-lockdown

WHO đề nghị 6 tiêu chuẩn để thoát khỏi lockdown, nhưng những tiêu chuẩn này rất ư là chung chung:

  • Khi lây nhiễm đã được kiểm soát;
  • Hệ thống y tế sẵn sàng phát hiện, xét nghiệm, cách li và điều trị mỗi ca và truy vết mỗi người;
  • Nguy cơ bùng phát ở những nơi như bệnh viện, nhà dưỡng lão, được tối thiểu hoá;
  • Có sẵn biện pháp phòng ngừa ở những nơi như công sở, trường học và những nơi thiết yếu mà người dân hay đến;
  • Có thể quản lí những nguy cơ quan trọng;
  • Cộng đồng được truyền đạt thông tin, được tham gia và trao quyền để thích ứng với Bình thường Mới.

Biến thể delta khác với alpha ra sao?

Thông tin về biến thể delta càng ngày càng lẫn lộn. Nếu nghe tin từ nhà chức trách (ví dụ như Úc) có lẽ chúng ta nghĩ biến thể này ghê gớm lắm và ai cũng sẽ vào ICU. Nhưng thực tế thì hình như không phải như vậy. Cái note này chia sẻ với các bạn vài điều tôi tìm hiểu được về biến thể delta.

Hôm trước, tôi có bài ‘đọc báo dùm bạn’ về biến thể delta và đọc lại thì thấy vẫn đúng. Hôm nay, tôi có thêm thông tin so sánh giữa 2 biến thể delta và alpha (gốc) thì thấy con virus này có vẻ càng ngày càng muốn ở lại với chúng ta mãi mãi.

Tối qua, một anh bạn xem đài truyền hình gọi điện nói ‘biến thể delta ghê quá ông ơi’. Tôi hỏi sao gọi là ‘ghê’ thì anh bạn nói là đài truyền hình cho chiếu cảnh bệnh nhân Covid-19 trong ICU, máy móc, dây nhợ tùm lum. Tôi hỏi ‘làm sao anh biết đó là người bị nhiễm biến thể delta’. Dĩ nhiên là phóng viên cũng không nói ra. Thật ra, cái video clip đó dĩ nhiên là thật, nhưng nó nằm trong chiến dịch làm cho công chúng nhận thức về sự nguy hiểm của biến thể delta.

Nếu chỉ xem qua đoạn video ngắn đó, người xem có cảm giác rằng biến thể này nguy hiểm hơn biến thể gốc (alpha). Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu từ các nguồn đáng tin cậy (nghiên cứu khoa học) thì hình như biến thể delta không quá nguy hiểm như chúng ta nghĩ; ngược lại, nó có vẻ càng ngày càng giống như cảm lạnh.

Con virus Vũ Hán đầu tiên gây đại dịch là thuộc biến thể alpha (kí hiệu B.1.1.7). Biến thể delta  (kí hiệu B.1.617.2) xuất phát từ Ấn Độ, nhưng xuất hiện ở Anh từ tháng 4/2021. Sau đó, nó ‘lan toả’ khắp nơi trên thế giới, có thể cả ở Việt Nam. Bởi vì biến thể delta hoành hành ở Anh, nên Anh là nước có nhiều nghiên cứu về biến thể này.

1.  Triệu chứng  

Dựa vào dữ liệu của công trình nghiên cứu, Giáo sư Spector cho viết triệu chứng số 1 ở những người bị nhiễm biến thể delta là nhức đầu. Các triệu chứng phổ biến khác là nhức đầu, cảm lạnh, đau cổ họng, sổ mũi, và sốt (đối với người chưa tiêm vaccine). Các triệu chứng này rất khác với biến thể alpha: sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác, v.v. (xem bảng tóm tắt).

May be an image of text that says 'Triệu chứng bị nhiễm nặng Nhức đầu Biến thể delta Cảm lạnh **** Sổ mũi Biến thể alpha *** Đau cổ họng *** Sốt *** Ho (chưa tiêm vaccine) Mệt mỏi **** Mất giác *** Khó thở ***'

2.  Xác suất lây lan

Biến thể delta lây lan nhiều hơn so với biến thể alpha. Giáo sư Stuart Turville (Viện Kirby, sát bên cạnh Viện Garvan của tôi) nói rằng biến thể delta có khả năng lây lan cao hơn biến thể alpha chừng 30 – 50% [1].

Con số này (30 – 50% cao hơn) có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là: nếu 100 người tiếp xúc với một người bị nhiễm biến thể delta, thì 12 người sẽ bị nhiễm theo. Nếu 100 người tiếp xúc với một người bị nhiễm biến thể alpha, thì sẽ có 8-9 người bị nhiễm theo. Lấy 12/8 = 1.5, tức cao hơn 50%. Đó là ý nghĩa thật của câu ‘tăng khả năng lây lan’ — nói đúng ra là ‘tăng xác suất lây lan’.

Biến thể delta nguy hiểm?

‘Nguy hiểm’ ở đây là dựa trên nguy cơ tử vong và nhập viện. Chúng ta chưa biết biến thể delta có nguy hiểm hay không, nhưng chúng ta biết biến thể alpha nguy hiểm.

Vẫn theo Giáo sư Turville, biến thể delta không nguy hiểm như biến thể alpha. Ông trích dẫn dữ liệu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong trong vòng 28 ngày ở những người bị nhiễm biến thể delta là 0.3%, còn với biến thể alpha thì 1.9% [1]. Thành ra, ai nói rằng biến thể delta nguy hiểm là có thể sai.

Biến thể alpha nguy hiểm

Theo một công trình nghiên cứu công bố mới đây thì so với các biến thể khác, người bị nhiễm biến thể alpha có nguy cơ tử vong cao hơn 65%. Đọc con số 65% thì cao thật, nhưng chúng ta phải biết đó là con số tương đối. Trong thực tế, tỉ lệ tử vong ở

  • người bị nhiễm biến thể alpha: 5 trên 1000 người bị nhiễm
  • người bị nhiễm biến thể khác: 4 trên 1000 người nhiễm

Do đó, xác suất tử vong ở người bị nhiễm biến thể alpha cao hơn các biến thể khác là 5 / 4 = 25%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiệu chỉnh cho các yếu tố khá thì con số trở thành 65% [2].

Nói cách khác, tỉ lệ tử vong ở những người bị nhiễm trong cộng đồng là khá thấp (chỉ 4-5 trên 1000 người), nhưng người bị nhiễm virus biến thể alpha có nguy cơ tử vong cao hơn các biến thể khác 65%.

Một nghiên cứu khác cũng dùng dữ liệu trong cộng đồng cho thấy người bị nhiễm biến thể alpha có tỉ lệ nhập viện là 571 / 10544 = 5.4%, so với người bị nhiễm biến thể khác là 1373 / 20028 = 6.8%. Nói cách khác, người bị nhiễm thể biến alpha ít nhập viện hơn biến thể khác. Tuy nhiên, sau khi hiệu chỉnh cho các yếu tố khác, người bị nhiễm thể biến alpha có xác suất nhập viện cao hơn biến thể khác đến 42% [3].

Thú thật, tôi không tin vào 2 nghiên cứu này bao nhiêu, vì nếu sau khi hiệu chỉnh mà mức độ ảnh hưởng đi từ âm sang dương là chứng tỏ nghiên cứu có vấn đề về phương pháp và thiết kế. Chúng ta chỉ đọc cho biết, không nên quyết định chánh sách từ những nghiên cứu như thế này.

Tóm lại, con virus Vũ Hán đã biến hoá thành nhiều biến thể khác nhau, và biến thể delta là được nhiều người quan tâm vì đa số những ca nhiễm ngày nay (ở Anh, Mĩ) là do biến thể delta. Người bị biến thể delta có triệu chứng rất khác với biến thể alpha. Biến thể delta có xác suất lây lan cao hơn biến thể alpha, nhưng nó (delta) cũng có vẻ ít độc hại và nguy hiểm hơn. Sự thật này rất nhứt quán với qui luật tiến hoá của virus: để tồn tại, nó sẽ lây cho nhiều người hơn nhưng đồng thời ‘hiền lành’ hơn để sống chung với chúng ta. Việc đòi tiêu diệt chúng là điều không thể.

Theo Giáo sư Tim Spector (anh bạn già của tôi thời ở St Thomas), người chủ trì công trình nghiên cứu về triệu chứng của người bị nhiễm covid-19 (tên là ‘Zoe Covid Symptom Study’) [4] cho biết Covid bây giờ giống như là một cảm lạnh xấu ở những người trẻ tuổi, và thông tin này chưa được nhà chức trách nào thông báo cho công chúng biết.

Tin vui là cả hai vaccine Pfizer và AstraZeneca đều có hiệu quả lên đến >90% chống biến thể delta [5].

Các bạn có thể xem seminar về biến thể delta ở đây (tiếng Anh): https://covid.joinzoe.com/post/covid-delta-variant-webinar

____

[1] https://www.abc.net.au/news/2021-07-02/delta-coronavirus-variant-symptoms-vaccines-spread/100255804

[2] https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(21)00318-2/fulltext#%20

[3] https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(21)00290-5/fulltext#%20

[4] Nghiên cứu ‘Zoe Covid Symptom Study’

https://covid.joinzoe.com

[5] https://media.tghn.org/articles/Effectiveness_of_COVID-19_vaccines_against_hospital_admission_with_the_Delta_B._G6gnnqJ.pdf

Biến thể delta: vài điều cần biết.

Hiện nay, những thông tin về biến thể delta rất ư là lẫn lộn. Nhiều người, kể cả trong ngành y, đưa ra một số thông tin không có nguồn gốc khoa học (kiểu như ‘đi ngang qua cũng bị nhiễm’) làm hoang mang nhiều người. Tôi cố gắng tìm hiểu vấn đề, và dưới đây là những gì tôi đọc được và xin chia sẻ với các bạn.

May be an image of text

Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã kéo dài 1 năm 6 tháng rồi. Gần 180 triệu người bị nhiễm và đã có gần 4 triệu người chết có liên quan đến con virus Vũ Hán. Trong thời gian đó, con virus Vũ Hán đã ‘biến hoá’ thành nhiều biến thể qua nhiều giai đoạn. Những biến thể của nó có thể kể đến alpha (B.1.1.7), biến thể beta (B.1.351), biến thể kappa, biến thể gamma (P.1), và gần đây nhứt là ‘biến thể delta’ (tên khoa học là B.1.617.2).

Biến thể kappa và delta được phát hiện lần đầu tiến ở bang Maharashtra (Ấn Độ) từ tháng 10/2020. Cho đến nay, biến thể này đã được tìm thấy ở 77 quốc gia [1] và chiếm 20% tổng số ca nhiễm ở Mĩ [2]. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Mĩ xem đó là một VOC (Variant of Concern). Cách định danh này có nghĩa là nếu không kiểm soát được biến thể delta thì nó có thể bùng phát như năm 2020.

Nhưng những thông tin về biến thể delta làm lẫn lộn nhiều người, kể cả tôi. Người ta nói rằng biến thể này nguy hiểm, lây lan ‘dữ dằn’ hơn các biến thể trước, đến nổi chỉ đi ngang qua người bị nhiễm mình cũng bị! Vấn đề là những thông tin như thế này không thấy có tài liệu tham khảo hay chứng cớ khoa học nào cả. Do đó, tôi đã tìm hiểu trong Pubmed và báo chí để trước là cho tôi hiểu và sau là chia sẻ cùng các bạn.

Tại sao có biến thể?

Như tôi có giải thích một cách ví von hôm qua rằng con virus cũng như chúng ta muốn sống. Không ai muốn chết cả. Do đó, chúng ta và con virus (nhiều virus khác nữa) đang chạy đua để sống, và cuộc chạy đua này có thể xem như một cuộc cạnh tranh sanh tồn.

Để sanh tồn, con virus, cũng như virus cảm cúm, tự chúng nhân bản. Và, chúng có cấu trúc từ RNA nên chúng nhân bản rất tốt. Chẳng hạn như con cái của chúng có thể khác với cha mẹ một chút xíu về cấu trúc RNA, và thế là có một biến thể mới. Những con virus và biến thể virus tồn tại với chúng ta là những con có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Nói ví von là chúng kiếm càng nhiều nhà (con người) càng tốt, cho đến khi nào chúng và ta phải sống chung với nhau.

Nhưng không chỉ biến thể delta mới đang quan tâm; ngay cả biến thể alpha (phát hiện từ Anh) cũng rất đáng quan tâm. Ở Úc, các giới chức y tế vẫn phát hiện người bị nhiễm biến thể alpha từ nước ngoài về Úc. Nhưng tình hình hiện nay thì delta là con virus gây ra nhiều lây nhiễm nhứt.

Biến thể delta lây nhiễm hơn biến thể khác?

Yes. Theo vài chuyên gia Úc trích số liệu từ Public Health England (tôi chưa thấy) thì biến thể delta có chỉ số lây nhiễm (reproduction ratio R0) là 5-6. Đó là chỉ số khá cao, so với các biến thể khác có chỉ số R0 chỉ 2-3. Điều này có nghĩa là cứ mỗi người bị nhiễm biến thể delta thì người đó có thể lây lan cho 5-6 người khác.

Vẫn theo các chuyên gia [3-4] đó trích từ số liệu bên Anh (Public Health England) thì 90% các ca nhiễm mới là từ biến thể delta. Vẫn theo nghiên cứu từ Anh, biến thể delta tăng nguy cơ (xác suất) lây nhiễm đến 64% so với các biến thể trước, đặc biệt là trong nhà [5].

Biến thể delta nguy hiểm hơn?

Chưa biết. Hiện nay chúng ta còn có quá ít dữ liệu để biết biến thể delta độc hại (hiểu theo nghĩa tăng nguy cơ tử vong). Chúng ta chỉ biết biến thể delta làm cho người bị nhiễm dễ nhập viện hơn.

Một nghiên cứu công bố trên Lancet [6] cho thấy nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân với biến thể delta cao hơn các biến thể khác là 85%. Nói cách khác, cứ 100 người bị nhiễm với các biến thể khác có 15 người nhập viện, thì với biến thể delta, cứ 100 người thì có 28% người nhập viện.

Nhưng chưa có dữ liệu để nói rằng biến thể delta có nguy cơ tử vong hơn các biến thể khác [6].

Vaccine hiện nay có hiệu quả đối với biến thể delta? 

Yes. Theo một nghiên cứu (chưa qua bình duyệt nhưng đã công bố dưới dạng preprint), 2 liều vaccine Pfizer có hiệu quả 96%, còn 2 liều vaccine AZ có hiệu quả 92% đối với biến thể delta [7]. ‘Hiệu quả’ ở đây có nghĩa là giảm số ca nhập viện. Nhưng nếu chỉ 1 liều thì hiệu quả chỉ chừng 33%. Điều này cho thấy để phòng ngừa biến thể delta thì chúng ta cần phải tiêm 2 liều như khuyến cáo.

Một bằng chứng khác cho thấy vaccine quả thật có hiệu quả là số liệu từ Mĩ.

Số liệu từ Anh cho thấy từ đầu tháng 2/2021 đến giữa tháng 6/2021, có chừng 92,000 ca nhiễm biến thể delta; trong đó 90% là tuổi dưới 50. Trong số 82,500 người bị nhiễm dưới 50 tuổi, 65% là không/chưa được tiêm vaccine [8]. Con số này có nghĩa là đa số những ca nhiễm mới là ở người chưa tiêm vaccine. Nói cách khác, tiêm vaccine có thể giảm số ca nhiễm với biến thể delta.

Tóm lại, những thông tin trên đây cho chúng ta biết rằng biến thể delta của virus Vũ Hán:

(a) đang là nguyên nhân của đa số (chừng 90%) các ca nhiễm mới trên thế giới;

(b) có chỉ số lây lan cao đến 5-6;

(c) tăng nguy cơ bị nhiễm nặng và phải nhập viện; nhưng

(d) 2 liều của các vaccine hiện hành như Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả rất cao trong việc phòng chống biến thể delta.

Trong điều kiện con virus tiếp tục biến hoá, những thông tin trên đây, một lần nữa, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiêm vaccine trong cộng đồng để ngừa dịch Vũ Hán về lâu dài.

________

[1] https://covid.cdc.gov/covid-data-tracker/#global-variant-report-map

[2] https://edition.cnn.com/2021/06/22/health/us-coronavirus-tuesday/index.html

[3] https://www.abc.net.au/news/2021-06-04/what-do-we-know-about-delta-kappa-covid-variants/100190414

[4] https://www.sbs.com.au/news/alpha-delta-kappa-the-coronavirus-variants-people-in-australia-need-to-know-about

[5] https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/993321/S1267_SPI-M-O_Consensus_Statement.pdf

[6] https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(21)01358-1/fulltext#articleInformation

[7] https://media.tghn.org/articles/Effectiveness_of_COVID-19_vaccines_against_hospital_admission_with_the_Delta_B._G6gnnqJ.pdf

[8] https://www.cnbc.com/2021/06/29/who-is-most-at-risk-from-the-delta-variant.html