Bạn (hay thân nhân) muốn biết mình có nguy cỡ loãng xương? Bạn muốn biết nguy cơ gãy xương của mình là bao nhiêu? Bạn muốn biết bộ xương của mình bao nhiêu tuổi? Bạn đã đo mật độ xương và muốn biết chừng nào đo lại? Bạn muốn biết cách phòng ngừa loãng xương? Tất cả đều được trả lời trong ứng dụng BONEcheck (https://bonecheck.org)

BONEcheck là một công cụ số (digital tool) mang tính cách tân trong chuyên ngành loãng xương và là thành quả của 30 năm nghiên cứu về dịch tễ học, lâm sàng, di truyền học và tâm lí học [1]. Mục đích của BONEcheck là giúp cho mỗi cá nhân trong cộng đồng tự quản lí và phòng ngừa loãng xương. Một mục đích khác là giúp cho các bác sĩ lâm sàng tiên lượng nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân và có kế hoạch can thiệp kịp thời để phòng chống gãy xương.
Loãng xương là bệnh lí mà mật độ xương bị suy giảm, cấu trúc xương bị suy thoái, và hậu quả là tăng nguy cơ gãy xương. Ở Việt Nam, khoảng 30% nữ và 15% nam trên 50 tuổi bị loãng xương mà họ không biết vì loãng xương diễn ra một cách âm thầm.
Gãy xương là một biến cố quan trọng bởi vì nó làm tăng nguy cơ tử vong. Khoảng 30-40% ca gãy cổ xương đùi chết trong vòng 12 tháng — còn cao hơn cả ung thư vú. Gãy các xương khác cũng tăng nguy cơ tử vong (và chúng tôi mới công bố một nghiên cứu lớn cho thấy như thế [2]). Ở những người sống sót sau gãy xương thì nguy cơ gãy xương lần nữa tăng gấp 2-3 lần so với lần trước và họ thường bị gãy xương sớm hơn lần trước. Chưa nói đến tốn tiền để làm phẫu thuật, bệnh nhân gãy xương giảm chất lượng sống nghiêm trọng. Những sự thật trên cho thấy các bạn cần phải quan tâm — quan tâm một cách nghiêm chỉnh — bộ xương của mình.
BONEcheck rất khác với những công cụ hiện hành như Garvan Fracture Risk Calculator và FRAX. BONEcheck có độ tiên lượng chính xác cao hơn FRAX — đó là kết quả của nhiều nghiên cứu đã chỉ ra như thế [3]. BONEcheck cung cấp nguy cơ gãy xương 5 năm, FRAX 10 năm. BONEcheck cung cấp diễn giải nguy cơ gãy xương, FRAX chỉ cung cấp xác suất mà không diễn giải. BONEcheck dùng icon để thể hiện nguy cơ, FRAX dùng con số. Ngoài ra, BONEcheck cung cấp hiệu quả của điều trị để bác sĩ và bệnh nhân thảo luận.
Một cách tân của BONEcheck là khái niệm “Skeletal Age” hay Tuổi Xương [2]. Đây là khái niệm do tôi đề xướng và định nghĩa như là tuổi của bộ xương sau khi bị gãy xương HAY chưa gãy xương nhưng có yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ gãy xương. Nếu một người 60 tuổi mà có tuổi xương 65 thì điều này có nghĩa là người đó có thể sẽ mất 5 năm sống, và do đó cần phải can thiệp để giảm tuổi xương.
Bên chuyên ngành tim mạch có Heart Age (tuổi tim), bên chuyên ngành hô hấp có Lung Age (tuổi phổi), thì bên ngành loãng xương chúng tôi đề nghị Skeletal Age. Tuổi xuơng trong thực tế là một sáng kiến nhằm cung cấp thông tin về nguy cơ gãy xương một cách hữu hiệu cho công chúng.
Hiện nay có khá nhiều thông tin sai trái về loãng xương trên mạng, kể cả những quảng cáo hoàn toàn phản khoa học do vài nghệ sĩ (?) tiếp tay. Trong khi đó nhiều người có thể chưa bị loãng xương nhưng họ muốn biết cách phòng chống loãng xương. Để đáp ứng nhu cầu đó chúng tôi thêm một cái tab ‘Phòng ngừa’ để họ có thông tin thiết thực và chánh thống về phòng chống loãng xương.
Vấn đề lớn nhứt trong chuyên ngành loãng xương là đa số bệnh nhân không được điều trị. Điểu này có nghĩa là họ có nguy cơ tử vong cao. Một trong những lí do bệnh nhân loãng xương không điều trị là do cách truyền đạt thông tin về nguy cơ chưa tốt. BONEcheck tận dụng các nghiên cứu tâm lí học để trình bày thông tin về nguy cơ một cách dễ hiểu cho cả bác sĩ và bệnh nhân.
Các bạn có thể truy cập BONEcheck qua trang web: https://bonecheck.org
Các bạn cũng có thể tải ứng dụng BONEcheck trong Apple Store và Google Play. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
Bài giới thiệu BONEcheck trên youtube
Sau hơn 1 ngày ‘khai trương’ đã có gần 4000 người sử dụng BONEcheck trên khắp thế giới. Một phần lớn đến từ Pháp, Úc, Việt Nam, Mĩ. Nhưng cũng có khá nhiều người từ Anh, Tân Tây Lan, Bỉ, Canada, Thuỵ Sĩ, Ái Nhĩ Lan, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Hung Gia Lợi, Do Thái, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kì, Hoà Lan, Ukraine, China, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn, Nam Phi, UAB, Saudi Arabia, Lebanon, Iran, Ai Cập, Morocco, etc.
Tham khảo:
[1] Bài báo mô tả quá trình xây dựng và bối cảnh ra đời của BONEcheck: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2023.05.10.23289825v1
[2] Mối liên hệ giữa gãy xương và giảm tuổi thọ, đồng thời đề xướng khái niệm ‘Skeletal Age’: https://elifesciences.org/articles/83888
[3] Một bài tổng quan ngắn so sánh giữa FRAX và Garvan (tức BONEcheck): https://www1.racgp.org.au/ajgp/2022/march/personalised-assessment-of-fracture-risk
[4] Bài báo tổng quan về lãnh vực đánh giá gãy xương theo trường pháp y học cá nhân hoá: https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/17446651.2021.1924672